Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Đại Phương Đẳng Đại Tập Kinh Hiền Hộ Phân [大方等大集經賢護分] »» Bản Việt dịch quyển số 5 »»

Đại Phương Đẳng Đại Tập Kinh Hiền Hộ Phân [大方等大集經賢護分] »» Bản Việt dịch quyển số 5

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (2) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.58 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.72 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Đại Phương Đẳng Đại Tập Hiền Hộ Bồ Tát

Kinh này có 5 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 | Quyển cuối
Việt dịch: Thích Hằng Đạt

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Phẩm Mười Pháp Trong Tam Muội Hiện Tiền Thứ Mười Ba
Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Hiền Hộ:
-Này Hiền Hộ! Nếu có tỳ kheo mến thích tu tập tam muội này, trước hết phải suy tư kia vô tướng tưởng; suy tư rồi ngã mạn chẳng sanh.
Này Hiền Hộ! Đã trừ tâm ngạo mạn, ý thường an lạc, xa rời các tướng. Lúc ấy, phải vì người mà tuyên nói tam muội này, chẳng nên khởi tâm tranh đấu. Trong đó, sao gọi là tranh? Tức là khởi vọng tưởng phỉ báng, tức tranh chấp chửi mắng do chấp danh vọng rỗng không.
Này Hiền Hộ! Nhờ tỳ kheo đó y pháp vô tranh, nên hay tu tập, vì người tuyên thuyết tam muội này.
Này Hiền Hộ! Nếu người trai hiền gái thảo muốn tu học, và vì người mà giải thích tam muội này thì phải thành tựu đầy đủ mười pháp, rồi sau đó mới vì người khác mà giải thích. Mười pháp đó là gì?
1/ Người trai lành gái thảo trước hết phá ngã mạn, rồi khởi tâm cung kính.
2/ Biết ơn chẳng quên, tâm thường niệm nhớ báo ơn.
3/ Tâm không ỷ lại chấp trước, cũng không ganh tỵ.
4/ Đoạn trừ nghi ngờ và các chướng ngại.
5/ Tin sâu chẳng hoại, khẩn thiết niệm nhớ suy tư.
6/ Tinh tấn cầu kinh điển, hạnh không giãi đãi.
7/ Thường hành khất thực, chẳng nhận thỉnh riêng.
8/ Ít muốn biết đủ, điều phục các căn.
9/ Chánh tín vô sanh pháp nhẫn thâm sâu.
10/ Thường niệm nghĩ ai có tam muội này, thì khởi tâm cung kính vị thầy đó như chư Phật, rồi sau đó tu tập theo.
Này Hiền Hộ! Đó là người trai hiền gái thảo đầy đủ mười loại pháp bậc thượng. Phải nên tu tập tam muội này, cũng khiến người khác thọ trì đọc tụng. Hành giả như thế sẽ đắc được tám việc.
1/ Rốt ráo thanh tịnh: Đối với các giới cấm không có hủy phạm.
2/ Tri kiến thanh tịnh: Trí huệ hòa hợp, không cùng những việc khác tương ưng.
3/ Trí huệ thanh tịnh: Chẳng còn thọ các thân trong đời sau.
4/ Bố thí thanh tịnh: Chẳng mong muốn tất cả hạnh quả báo.
5/ Đa văn thanh tịnh: Nghe pháp rồi rốt ráo chẳng quên.
6/ Tinh tấn thanh tịnh: Trong mọi thời, thường cầu quả vị Phật Bồ Đề.
7/ Xa rời thanh tịnh: Không nhiễm trước tất cả danh lợi.
8/ Chẳng thối chuyển thanh tịnh: Sẽ chứng đạo Bồ Đề vô thượng chánh đẳng chánh giác không dao động.
Này Hiền Hộ! Đó là tám pháp mà các người trai lành gái thảo sẽ đắc được.
Lúc ấy, đức Thế Tôn muốn nói lại nghĩa trên nên thuyết kệ rằng:
“Người trí chẳng khởi tâm có tướng
Cũng nên trừ mạn và ngã tâm
Trong nhẫn nhục sâu không bám giữ
Họ hay sớm tuyên tam muội này
Trong Không, xưa nay diệt căn tranh
Niết Bàn vô tướng đại tịch định
Với Phật không ganh, chẳng chê Pháp
Họ hay sớm tuyên tam muội này
Bậc trí chẳng khởi ý ganh tỵ
Niệm Phật biết ơn và Pháp, Tăng
Nơi sanh hàng phục không dời đổi
Trì tam muội tịch tĩnh như thế
Chẳng có ganh ghét cũng không nghi
Suy tư thâm pháp tin chân thật
Tinh tấn chẳng lười, rời các dục
Họ hay đắc tam muội như thế
Thường hành pháp khất thực tỳ kheo
Bỏ thỉnh riêng, nói gì cầu tài!
Đoạn trừ cấu nhiễm chứng chân như
Họ hay đắc tam muội như thế
Ai hay có tam ma đề này
Ta sẽ lắng nghe, lưu bố rộng
Với thầy tổ xem như chư Phật
Họ hay đắc được tam muội này
Nếu ai tu hành tam muội này
Sẽ đủ công đức vượt thế gian
Họ hay sớm thọ tám loại pháp
Xưng chư Phật tâm tịnh vô cấu
Trì giới thanh tịnh không giới hạn
Tam muội Bồ Đề cùng thắng kiến
Họ hay thanh tịnh trong các cõi
Trụ nơi tích tụ diệu công đức
Trí huệ thanh tịnh chẳng thọ sanh
Bố thí rời cấu nhập vô vi
Đắc được đa văn chưa từng quên
Làm bậc trí có tạng công đức
Tinh tấn dũng mãnh đắc Bồ Đề
Danh lợi trong đời không tham nhiễm
Nếu các bậc trí khéo hành được
Họ nhập thiền vô thượng sâu diệu”.
Phẩm Công Đức Bất Cộng Thứ Mười Bốn
Bấy giờ, đức Thế Tôn lại bảo Bồ Tát Hiền Hộ rằng:
-Này Hiền Hộ! Chư đại Bồ Tát đó cũng sẽ thành tựu mười tám pháp bất cộng. Sao gọi là pháp bất cộng? Từ lúc đức Như Lai thành đạo Bồ Đề vô thượng chánh đẳng chánh giác, đến khi nhập Niết Bàn, trong khoảng thời gian đó, tất cả ba nghiệp của Như Lai đều lấy trí huệ làm đầu. Tất cả thân nghiệp đều tùy theo trí huệ mà hành. Tất cả khẩu nghiệp đều tùy theo trí huệ mà hành. Tất cả ý nghiệp đều tùy theo trí huệ mà hành. Tri kiến trong đời quá khứ của chư Phật không có chướng ngại. Tri kiến trong đời vị lai không có chướng ngại. Tri kiến trong đời hiện tại không có chướng ngại. Những việc làm của chư Phật không có sai lầm. Lời nói không thất thoát, ý không vọng, niệm không có vọng tưởng phân biệt, thường trụ trong tam muội, biết hết những điều đã xả. Ý dục của chư Phật không giảm, tinh tấn không giảm, thiền định không giảm, trí huệ không giảm, giải thoát không giảm, tri kiến không giảm.
Này Hiền Hộ! Đó là mười tám pháp bất cộng của chư Phật, mà đại Bồ Tát phải nên tu tập thành tựu đầy đủ.
Lại nữa, này Hiền Hộ! Đại Bồ Tát thành tựu đầy đủ chánh pháp thâm sâu khó gặp, khó tiếp nhận. Ai muốn tuyên thuyết tam muội này, phải thọ thêm mười pháp thù thắng, tức là mười lực của chư Phật. Sao gọi là mười lực? Này Hiền Hộ! Là trong Như Lai thị xứ, phi xứ lực. Như Lai đối với những việc thị xứ phi xứ, hay dùng chánh tri như thật mà biết. Này Hiền Hộ! Những việc thị xứ, phi xứ, Như Lai hay dùng chánh tri như thật mà biết, đó là lực thị xứ, phi xứ của Như Lai. Nhờ đắc được lực này, Như Lai biết nơi chân thật, trong giữa đại chúng rống tiếng sư tử, chuyển bánh xe pháp mà trời Đại Phạm xưa chưa từng chuyển. Không có sa môn, bà la môn, trời, Phạm, Ma, người nào có thể chuyển được như thế. Này Hiền Hộ! Đó là trí lực thứ nhất của Như Lai. Đại Bồ Tát nên tu học thành tựu đầy đủ.
Lại nữa, này Hiền Hộ! Là trong Như Lai tất cả chí xứ đạo lực. Nơi tất cả chỗ đạo sai khác, Như Lai đều dùng chánh trí mà biết như thật.
Này Hiền Hộ! Việc của tất cả chí xứ đạo, Như Lai hay dùng chánh trí mà biết đúng như thật, tức là lực chí xứ đạo của Như Lai. Do đắc được lực này mà Như Lai biết đến nơi chân thật, ở trong đại chúng rống tiếng sư tử, chuyển bánh xe pháp mà trời Đại Phạm chưa từng chuyển. Không có sa môn, bà la môn, trời, Phạm, Ma, người nào có thể chuyển được như thế. Này Hiền Hộ! Đó là trí lực thứ hai của Như Lai. Đại Bồ Tát nên tu học thành tựu đầy đủ.
Lại nữa, này Hiền Hộ! Là trong Như Lai thế gian các cõi lực. Đối với các cõi sai khác vô lượng ở thế gian, Như Lai đều hay dùng chánh trí mà biết như thật. Này Hiền Hộ! Những việc trong các cõi ở thế gian, Như Lai đều hay dùng chánh trí mà biết như thật, nên đó gọi là Như Lai thế gian các cõi lực. Do đắc được lực này nên biết đến chỗ chân thật; ở trong đại chúng rống tiếng sư tử, chuyển bánh xe pháp mà trời Đại Phạm chưa từng chuyển. Không có sa môn, bà la môn, trời, Phạm, Ma, người nào có thể chuyển được như thế. Này Hiền Hộ! Đó là trí lực thứ ba của Như Lai. Đại Bồ Tát nên tu học thành tựu đầy đủ.
Lại nữa, này Hiền Hộ! Là trong Như Lai tâm hạnh lực. Đối với bao loại tâm hạnh khác biệt vô lượng của chúng sanh, Như Lai đều hay dùng chánh trí mà biết như thật, nên đó gọi là lực Như Lai biết tâm hạnh chúng sanh. Do đắc được lực này nên biết đến chỗ chân thật; ở trong đại chúng rống tiếng sư tử, chuyển bánh xe pháp mà trời Đại Phạm chưa từng chuyển. Không có sa môn, bà la môn, trời, Phạm, Ma, người nào có thể chuyển được như thế. Này Hiền Hộ! Đó là trí lực thứ tư của Như Lai. Đại Bồ Tát nên tu học thành tựu đầy đủ.
Lại nữa, này Hiền Hộ! Lực Như Lai biết các căn sai khác của chúng sanh. Đối với bao loại căn tánh sai khác của chúng sanh, Như Lai đều dùng chánh trí mà biết như thật. Này Hiền Hộ! Bao loại căn tánh sai khác của chúng sanh như thế, Như Lai đều dùng chánh trí mà biết như thật. Đó gọi là lực Như Lai biết căn tánh sai khác của chúng sanh. Do đắc được lực này nên biết đến chỗ chân thật; ở trong đại chúng rống tiếng sư tử, chuyển bánh xe pháp mà trời Đại Phạm chưa từng chuyển. Không có sa môn, bà la môn, trời, Phạm, Ma, người nào có thể chuyển được như thế. Này Hiền Hộ! Đó là trí lực thứ năm của Như Lai. Đại Bồ Tát nên tu học thành tựu đầy đủ.
Lại nữa, này Hiền Hộ! Là trong Như Lai thiền định lực. Đối với tất cả tam muội thiền định giải thoát, những phiền não sanh khởi Như Lai đều diệt trừ, hay dùng chánh trí mà biết như thật. Này Hiền Hộ! Tất cả thiền định tam ma bạt đề giải thoát sanh khởi phiền não cho đến giải thoát, Như Lai đều dùng chánh trí mà biết như thật, nên gọi là Như Lai thiền định lực. Do đắc được lực này nên biết đến chỗ chân thật; ở trong đại chúng rống tiếng sư tử, chuyển bánh xe pháp mà trời Đại Phạm chưa từng chuyển. Không có sa môn, bà la môn, trời, Phạm, Ma, người nào có thể chuyển được như thế. Này Hiền Hộ! Đó là trí lực thứ sáu của Như Lai. Đại Bồ Tát nên tu học thành tựu đầy đủ.
Lại nữa, này Hiền Hộ! Như Lai nghiệp lực, tức là đối với tất cả bao loại nghiệp lực sai khác, và nghiệp lực tương lai hòa hợp được quả báo cũng có vô lượng sai khác, Như Lai đều dùng chánh trí mà biết như thật. Này Hiền Hộ! Đó là các loại nghiệp sai khác, tương lai được quả báo cũng sai khác, mà Như Lai đều dùng chánh trí mà biết như thật, nên gọi là lực Như Lai biết nghiệp lực. Do đắc được lực này nên biết đến chỗ chân thật; ở trong đại chúng rống tiếng sư tử, chuyển bánh xe pháp mà trời Đại Phạm chưa từng chuyển. Không có sa môn, bà la môn, trời, Phạm, Ma, người nào có thể chuyển được như thế. Này Hiền Hộ! Đó là trí lực thứ bảy của Như Lai. Đại Bồ Tát nên tu học thành tựu đầy đủ.
Lại nữa, này Hiền Hộ! Như Lai thiên nhãn lực, tức là Như Lai thường dùng thiên nhãn thanh tịnh vượt hơn mắt người, thấy chúng sanh trong tương lai sanh đây chết kia, thọ thân đẹp đẽ, xấu xí, hiền, dữ, có sắc tướng đẹp, xấu, thô tháo, vi diệu, hoặc sanh cõi lành, hoặc sanh cõi ác; lại thấy chúng sanh tạo nghiệp hoặc lành hoặc dữ; hoặc thấy chúng sanh có thân đủ ác nghiệp, đủ khẩu ác nghiệp, đủ ý ác nghiệp, chửi mắng thánh nhân, phỉ báng chánh pháp, phá hòa hợp tăng; do đầy đủ những nghiệp ác đó, sau khi chết sanh xuống những cõi ác. Lại có chúng sanh, đầy đủ thân nghiệp lành, khẩu nghiệp lành, ý nghiệp lành, cung kính bậc thánh, tôn trọng chánh pháp, cúng dường chư Tăng, đầy đủ những hạnh nghiệp như thế, sau khi chết, sanh lên cõi trời người lành thiện. Những việc như thế, Như Lai đều biết như thật. Này Hiền Hộ! Như Lai dùng thiên nhãn thanh tịnh thấy các chúng sanh sanh đây chết kia, cho đến sau khi chết sanh lên các cõi trời, đó là Như Lai sanh tử trí lực. Do đắc được lực này nên biết đến chỗ chân thật; ở trong đại chúng rống tiếng sư tử, chuyển bánh xe pháp mà trời Đại Phạm chưa từng chuyển. Không có sa môn, bà la môn, trời, Phạm, Ma, người nào có thể chuyển được như thế. Này Hiền Hộ! Đó là trí lực thứ tám của Như Lai. Đại Bồ Tát nên tu học thành tựu đầy đủ.
Lại nữa, này Hiền Hộ! Như Lai túc mạng trí lực, tức là Như Lai hay dùng các trí túc mạng, biết đời quá khứ những việc túc mạng trong đời quá khứ, biết chúng sanh sanh đây chết kia, hoặc vừa thọ sanh ở một chỗ, hoặc hai, hoặc ba, hoặc năm, hoặc mười, hoặc trăm, hoặc ngàn, cho đến vô lượng trăm đời, vô lượng ngàn đời, vô lượng trăm ngàn đời, cho đến vô lượng chuyển kiếp, vô lượng định kiếp, vô lượng chuyển bất chuyển kiếp, đều biết hết cả. Như Lai lại biết như thật chỗ họ sanh ra, nhà như thế, dòng họ như thế, tên tuổi như thế, tướng mạo như thế, sanh trong đời như thế, ăn mặc như thế, việc làm như thế, lành xấu như thế, mến thích như thế, khổ vui như thế, cho đến các thọ mạng cũng đều biết rõ. Đối với những việc trong đời quá khứ, chỗ nào xả bỏ thân, rồi chỗ nào lại sanh ra, thân tướng như thế, lời nói như thế, chỗ đi qua như thế, cho đến thọ mạng, v.v… Như Lai đều biết như thật. Này Hiền Hộ! Như Lai hay dùng bao loại vô lượng trí túc mạng, biết túc mạng mà các chúng sanh đó đã từng trãi qua, trước từ một đời và vô lượng đời, cho đến những việc thọ mạng trong đời quá khứ, đều biết đúng như thật, nên gọi là Như Lai túc mạng trí lực. Do đắc được lực này nên biết đến chỗ chân thật; ở trong đại chúng rống tiếng sư tử, chuyển bánh xe pháp mà trời Đại Phạm chưa từng chuyển. Không có sa môn, bà la môn, trời, Phạm, Ma, người nào có thể chuyển được như thế. Này Hiền Hộ! Đó là trí lực thứ chín của Như Lai. Đại Bồ Tát nên tu học thành tựu đầy đủ.
Lại nữa, này Hiền Hộ! Như Lai lậu tận lực, tức là Như Lai hay dứt tận hết tất cả các cõi, không còn các lậu hoặc, tâm huệ giải thoát, pháp tự giác đã xong. Thế nên xướng lời rằng Ta sanh đã hết, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, chẳng thọ thân sau. Này Hiền Hộ! Như Lai hay dứt hết các lậu hoặc như thế, tâm huệ sáng suốt, giải thoát, tự chứng biết. Vì vậy, xướng lời rằng Ta sanh đã dứt, cho đến chẳng thọ thân sau. Như Lai biết rõ như thật, nên đó là Như Lai tận trí lực. Do đắc được lực này nên biết đến chỗ chân thật; ở trong đại chúng rống tiếng sư tử, chuyển bánh xe pháp mà trời Đại Phạm chưa từng chuyển. Không có sa môn, bà la môn, trời, Phạm, Ma, người nào có thể chuyển được như thế. Này Hiền Hộ! Đó là trí lực thứ mười của Như Lai. Đại Bồ Tát nên tu học thành tựu đầy đủ.
Này Hiền Hộ! Nếu chư đại Bồ Tát đọc tụng thọ trì suy tư tu tập tam muội này, thì hay nhiếp thọ mười lực của Như Lai.
Bấy giờ, đức Thế Tôn muốn nói lại nghĩa trên nên nói kệ rằng:
“Mười tám bất cộng đẳng học pháp
Mười lực trí minh chư Phật đồng
Bồ Tát tu tập diệu thiền này
Tự nhiên thành tựu hai loại đó”.
Phẩm Tùy Hỷ Công Đức Thứ Mười Lăm
Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Hiền Hộ rằng:
-Này Hiền Hộ! Nếu đại Bồ Tát thành tựu đầy đủ bốn pháp tùy hỷ, thì đắc được tam muội Hiện Tiền, mau chóng thành tựu đạo Bồ Đề vô thượng chánh đẳng chánh giác. Sao gọi là bốn pháp tùy hỷ? Đại Bồ Tát suy nghĩ như vầy, như chư Phật trong đời quá khứ lúc hành hạnh Bồ Tát đều do hạnh tùy hỷ mà đắc được tam muội này; nhờ tam muội này mà đầy đủ đa văn; nhờ đa văn mà mau chóng thành tựu đạo Bồ Đề vô thượng chánh đẳng chánh giác, nên tôi ngày nay cũng phải như vậy, y theo hạnh tùy hỷ mà đắc được tam muội này; nhờ tam muội này mà đầy đủ đa văn; nhờ đa văn mà sớm thành tựu đạo Bồ Đề vô thượng. Này Hiền Hộ! Đó là tụ công đức tùy hỷ thứ nhất của đại Bồ Tát.
Này Hiền Hộ! Đại Bồ Tát lại phải niệm nhớ như vầy: Như chư Phật Như Lai trong tương lai lúc hành đạo Bồ Tát đều nhờ hạnh tùy hỷ mà đắc được tam muội; nhờ tam muội này mà được đầy đủ đa văn; nhờ đa văn mà mau chóng thành tựu đạo Bồ Đề vô thượng chánh đẳng chánh giác, nên tôi ngày nay không khác, sẽ nhờ hạnh tùy hỷ mà đắc được tam muội; nương tựa vào tam muội này mà cầu đầy đủ đa văn; do đa văn mà sớm thành tựu đạo Bồ Đề vô thượng. Này Hiền Hộ! Đó là tụ công đức tùy hỷ thứ hai của đại Bồ Tát.
Này Hiền Hộ! Đại Bồ Tát phải nên niệm nhớ như vầy: Hiện nay trong vô lượng vô biên a tăng kỳ cõi nước, tất cả chư Phật xưa kia lúc còn hành hạnh Bồ Tát, cũng nhờ tùy hỷ mà đắc được tam muội; do được tam muội này mà đầy đủ đa văn; do đa văn mà hiện tại đều đắc quả Bồ Đề vô thượng, nên tôi ngày nay cũng tùy hỷ, cho đến muốn chóng thành tựu đạo Bồ Đề vô thượng. Này Hiền Hộ! Đó là tụ công đức tùy hỷ thứ ba của đại Bồ Tát.
Lại nữa, này Hiền Hộ! Đại Bồ Tát lại phải niệm nhớ như vầy: Nay tôi đã ngưỡng vọng học theo hạnh Bồ Tát mà hết thảy chư Phật trong quá khứ đã từng hành trì; các ngài đều nhờ tùy hỷ mà đắc tam muội; đều nhờ tam muội mà đầy đủ đa văn; đều nhờ đa văn mà được thành Phật. Nay tôi nương công đức tùy hỷ, nguyện cùng tất cả chúng sanh, đồng sanh tâm tùy hỷ, cùng đắc được tam muội này, cùng đầy đủ đa văn, cùng thành tựu đạo Bồ Đề vô thượng chánh đẳng chánh giác. Này Hiền Hộ! Đó là tụ công đức tùy hỷ thứ tư của đại Bồ Tát.
Lại nữa, này Hiền Hộ! Chư Bồ Tát đã thành tựu hạnh tùy hỷ như thế, tam muội như thế, đa văn như thế, sớm chứng quả Bồ Đề như thế; nhờ công đức đó mà cùng với chúng sanh đồng hồi hướng đến quả Bồ Đề vô thượng chánh đẳng chánh giác. Công đức đó thật khó xưng lường. Nay Ta vì ông mà lược nói chút ít phần. Ông phải chú ý lắng nghe, khéo suy nghĩ.
Này Hiền Hộ! Ví như có người sống đến một trăm tuổi, thân nhẹ nhàng, khí lực mạnh, đi mau như bay, lúc vừa sinh ra họ đã đi suốt một thế giới; trước hết họ đi hết các cõi ở phương đông; như thế thứ lớp họ đi qua suốt hết mười phương như phương nam, tây, bắc, bốn bên, trên dưới. Này Hiền Hộ! Ý ông nghĩ sao? Giả sử có người thông minh xuất chúng, khéo thông thạo toán số, hay tính toán cõi nước, đất đai, đường xá xa gần, dài ngắn mà người đó đã đi qua được chăng?
Hiền Hộ bạch rằng:
-Bạch đức Thế Tôn! Không thể được.
Đức Phật bảo rằng:
-Lại có thể đo lường chăng?
-Bạch đức Thế Tôn! Không thể được!
-Lại có thể xem xét được chăng?
-Bạch đức Thế Tôn! Không thể được.
-Lại có thể suy gẫm hết được chăng?
-Bạch đức Thế Tôn! Không thể được.
-Này Hiền Hộ! Người đó đi suốt một trăm năm, rồi mau chóng trở về, đi qua vô số cõi nước trong mười phương. Người giỏi toán số có thể tính đếm được chăng?
-Bạch đức Thế Tôn! Không thể được. Người giỏi toán số còn không biết buổi đầu, chỗ đi, cõi đất xa gần, nói gì hay tính biết người đó trong một đời tận sức bay đi khắp mười phương, vô số cõi nước, đường xá, số do tuần ít nhiều; nếu muốn biết thì chỉ có đức Thế Tôn, đại đệ tử Xá Lợi Phất, và hàng đại Bồ Tát bất thối mới rõ được.
-Này Hiền Hộ! Đúng như thế, đúng như thế! Nay Ta nói rõ cho ông nghe, nếu có người trai hiền gái thảo nào khởi tâm cung kính, mang đầy đủ trân bảo ở trong các cõi nước mà người đi trong gió đã từng đi qua, để cúng dường chư Phật trong mười, thì phước báu đó tuy gọi là nhiều, nhưng không bằng một phần nhỏ công đức của người tùy hỷ tam muội này. Vì sao? Này Hiền Hộ! Do đại Bồ Tát tu tam muội này nên đầy đủ bốn pháp tùy hỷ lớn như trên, rồi hồi hướng đến đạo Bồ Đề vô thượng chánh đẳng chánh giác, vì cầu đa văn thành đấng Chánh Giác.
Này Hiền Hộ! Nhân duyên hành hạnh bố thí phước nếu so sánh với công đức tùy hỷ tam muội thì không thể bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần trăm ngàn vạn, một phần ức trăm ngàn, cho đến tính đếm ví dụ cũng không thể được.
Này Hiền Hộ! Ông nên biết rằng công đức do tùy hỷ và hồi hướng đạo Bồ Đề của chư Bồ Tát, nay Ta sẽ nói cho ông biết rõ chút ít. Hãy chú ý lắng nghe. Này Hiền Hộ! Ta nhớ trong đời quá khứ trãi qua vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp, có Phật hiệu là Sư Tử Ý Như Lai, đầy đủ mười hiệu, xuất hiện ở cõi này. Này Hiền Hộ! Bấy giờ, trong cõi Diêm Phù Đề này, nhân dân đông đúc, có nhiều tài sản châu báu, phồn thịnh, vui vẻ, an ổn, thật rất đáng thích.
Này Hiền Hộ! Cõi Diêm Phù Đề này dài rộng mười tám ngàn do tuần, mà trong đó có mười tám ngàn đô thành xóm làng; tất cả đều xây dựng từ bảy loại châu báu; mỗi đô thành dài rộng mười hai do tuần; trong thành có chín mươi ức dân chúng.
Này Hiền Hộ! Thành lớn tên là Hiền Tác, có mười sáu ức dân chúng sống trong đó, và là nơi mà Phật Sư Tử Như Ý thị hiện đản sanh.
Này Hiền Hộ! Hội ban đầu, đức Phật Sư Tử Ý thuyết pháp có chín mươi ức người chứng quả A La Hán. Qua bảy ngày sau, trong hội thuyết pháp thứ hai, có chín mươi ức người chứng quả A La Hán. Trong hội thuyết pháp thứ ba lại có chín mươi ức người đắc quả A La Hán. Sau hội thuyết pháp thứ ba, lại có chín mươi ức vị Bồ Tát thanh tịnh từ phương khác đến tham dự đại hội. Từ đó, đức Phật kia thường có vô số đại chúng Thanh Văn.
Này Hiền Hộ! Lúc ấy dân chúng hành mười điều lành, như các chúng sanh do đức Phật Di Lặc dạy dỗ trong tương lai; họ thành tựu đầy đủ mười loại hạnh lành, thọ mạng tám mươi bốn ngàn tuổi, như các chúng sanh thời Phật Di Lặc không khác.
Này Hiền Hộ! Lúc đó, trong thành lớn có Chuyển Luân Thánh Vương tên là Thắng Du, y theo chánh pháp mà trị thế gian, đầy đủ bảy báu, như vòng vàng ròng, voi báu, ngựa báu, ma ni báu, nữ báu, trưởng giả báu, chủ binh báu, cùng với một ngàn thái tử tướng hảo đoan nghiêm, thành tựu oai nghi, hàng phục oán địch. Nhà vua cai quản toàn cõi thế giới, mà chẳng dùng đao binh, cũng không dùng oai mà bức bách, không có thuế má, tất cả sự thu liễm đều đủ tự nhiên.
Khi ấy, vua Thắng Du đi thẳng đến chỗ Phật Sư Tử Như Ý, cúng dường bậc Chánh Giác, đảnh lễ chân Phật, rồi lui về ngồi sang một bên. Lúc đó, đức Phật Sư Tử Như Ý biết tâm của nhà vua đã khát ngưỡng nghe pháp, nên tuyên nói rộng tam muội Hiện Tiền. Sau khi nghe xong tam muội này, tự thâm tâm nhà vua phát khởi sự tùy hỷ, dâng một chuỗi châu báu lên cho Phật. Do căn lành tùy hỷ đó, sau khi chết, nhà vua tái sanh trở lại cõi Diêm Phù Đề này, làm vua hiệu là Phạm Đức, lại y theo chánh pháp mà trị dân chúng. Sau khi Phật Sư Tử Ý diệt độ, trong thời chánh pháp có một vị tỳ kheo tên là Bảo, thông minh tinh tấn, thường vì bốn chúng giảng rộng kinh điển như vầy.
Này Hiền Hộ! Nhà vua Phạm Đức sau khi nghe pháp này từ tỳ kheo Bảo xong, được niềm tin thanh tịnh thâm sâu, khởi tâm tùy hỷ, đem y phục vi diệu tối thượng trị giá trăm ngàn lượng vàng dâng lên cho vị tỳ kheo đó.
Này Hiền Hộ! Sau khi nghe tam muội này từ tỳ kheo Bảo, nhà vua phát tâm Bồ Đề vô thượng chánh đẳng chánh giác, vì mến pháp nên xả bỏ vuơng vị, xuất gia cạo bỏ râu tóc, đắp y ca sa. Bấy giờ cũng có trăm ngàn người thành tựu tín tâm, y theo vương pháp đắp y xuất gia, cũng vì tam muội này.
Lúc ấy, tỳ kheo Phạm Đức và trăm ngàn đại chúng tỳ kheo cùng cúng dường hầu hạ tỳ kheo Bảo suốt tám ngàn năm mà không mõi mệt, nhưng chưa có thể chứng đắc tam muội này, chỉ được nghe; nghe rồi tùy hỷ, đầy đủ công đức của bốn pháp tùy hỷ, hồi hướng đạo Bồ Đề vô thượng chánh đẳng chánh giác, như vừa tùy hỷ thì rộng hành theo như thế. Về sau, tỳ kheo Phạm Đức và trăm ngàn đại chúng tỳ kheo nhờ căn lành này mà gặp trực tiếp 68,000 chư Phật. Ở tất cả chỗ sanh ra thường rộng nói tam muội này cho đại chúng nghe. Tỳ kheo Phạm Đức do căn lành này, lại gặp được 68.000 ức chư Phật. Trồng những căn lành theo thứ lớp như thế, nên đắc được tam muội này, viên mãn đầy đủ các pháp trợ Bồ Đề xong, chứng đắc đạo Bồ Đề vô thượng chánh đẳng chánh giác, thành Phật hiệu là Kiên Cố Tinh Tấn, đầy đủ mười hiệu. Trăm ngàn vị tỳ kheo cũng đắc được tam muội này, và hay thành tự pháp trợ đạo Bồ Đề, rồi đồng chứng đắc đạo Bồ Đề vô thượng, hiệu là Kiên Dũng, đầy đủ mười hiệu; lại khiến cho trăm ngàn vô số chúng sanh trụ trong đạo Bồ Đề vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Này Hiền Hộ! Họ vừa nghe qua lại được công đức như thế, huống gì Bồ Tát nghe tam muội này, đọc tụng thọ trì, vì người nói rộng, lại khuyên tinh cần suy tư tu hành mà không chứng đắc sao!
Này Hiền Hộ! Do nghĩa này, chư Bồ Tát nghe được tam muội này mà ai lại không tùy hỷ, ai lại không đọc tụng, ai lại không thọ trì, ai lại không tu tập, ai lại không nói rộng! Vì sao? Này Hiền Hộ! Do Bồ Tát được nghe tam muội này, nên thành tựu các pháp trợ đạo Bồ Đề, chóng thành tựu đạo Bồ Đề vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Này Hiền Hộ! Do nhân duyên đó mà nay Ta bảo ông rằng nếu có ai chánh tín, tâm thanh tịnh, muốn cầu đạo Bồ Đề vô thượng chánh đẳng chánh giác, trước hết phải chí tâm cầu tam muội này. Bồ Tát nếu nghe trong vòng trăm do tuần có kinh điển tam muội này, thì phải đích thân đến đó mà nghe giảng giải. Nghe rồi phải đọc tụng, thọ trì, tu tập, suy tư, vì người nói rộng.
Này Hiền Hộ! Trong vòng trăm do tuần phải đến nghe. Nếu Bồ Tát nghe trong vòng hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm cho đến ngàn do tuần có tam muội này, đang được giảng ở thành đô, xóm làng nào đó, thì phải đích thân đến nghe, thọ trì, đọc tụng. Vì sao? Này Hiền Hộ! Đó là do Bồ Tát có tín tâm thanh tịnh, cầu thành tựu đạo Bồ Đề vô thượng chánh đẳng chánh giác. Vì vậy, Bồ Tát chớ nên khởi tâm làm biếng, uể oải, tán loạn, mà phải phát tâm tinh tấn dũng mãnh, phải vì tam muội này mà mau đến chỗ xa ngàn do tuần đó, để được nghe tam muội này, huống là đọc tụng thọ trì suy tư, giải thích! Vì sao? Này Hiền Hộ! Do nhờ tam muội này mà hay gìn giữ tất cả pháp trợ đạo Bồ Đề.
Lại nữa, này Hiền Hộ! Trong đại chúng này nếu có ai dùng tâm thuần tịnh vì cầu Bồ Đề, đi xa ngàn do tuần, được nghe tam muội này, thì Bồ Tát nên hầu hạ cúng dường vị Pháp Sư thuyết pháp đó; tất cả thức ăn đồ vật đều dâng cúng; thường phải y theo vị Pháp Sư đó mà hành trì; hoặc qua một năm, hai năm, mười hai năm, trăm năm, cho đến suốt đời vẫn y theo vị Pháp Sư mà không rời bỏ, chỉ vì cầu nghe tam muội này, huống là đọc tụng, thọ trì, suy tư nghĩa lý, vì người giải thích. Lúc Bồ Tát đi theo hầu vị Pháp Sư, phải buông xả tất cả vọng tưởng trong tâm, phải tùy thuận theo ý hạnh của vị Pháp Sư A Xà Lê đó, tâm thành khẩn thiết hầu hạ mà chẳng làm trái lời dạy, khởi tâm cung kính, mến trọng, trừ bỏ tất cả những việc không đáng kính mến. Đối với vị Pháp Sư thường nghĩ tưởng là vị Thiện Tri Thức, cho đến khởi tâm xem như chư Phật.
Này Hiền Hộ! Bồ Tát ở nơi vị Pháp Sư A Xà Lê, hay sanh tâm kính mến. Nếu không thọ trì đọc tụng, suy tư, nói rộng, cho đến không nghe tam muội này, thì quyết không có lý nào như thế, chỉ trừ định nghiệp đọa đường ác bất tịnh do xưa kia đã từng phỉ báng kinh điển thâm sâu này.
Lại nữa, này Hiền Hộ! Giả sử Bồ Tát đó muốn rời vị Pháp Sư đó, phải biết ân, thường nhớ ân, thường nên báo ân. Vì sao? Này Hiền Hộ! Đó là nhờ nhân duyên vị Pháp Sư tuyên giảng, nên kinh này mới được trụ ở thế gian dài lâu.
Lại nữa, này Hiền Hộ! Nếu có Bồ Tát vì cầu tam muội này, phải đi đến chỗ xa ngàn do tuần, huống gì ở những chỗ gần gũi như trong thành ấp, xóm làng, chỗ vắng vẻ, chỗ núi rừng hoang dã mà không đến lắng nghe, đọc tụng, thọ trì, suy tư nghĩa lý, vì người nói rộng!
Lại nữa, này Hiền Hộ! Nay Ta nói cho ông nghe, nếu có Bồ Tát vì cầu tam muội này hay đi tới nơi xa ngàn do tuần, nhưng chưa nghe được tam muội này, thì vị này phải niệm cầu căn lành trong chánh pháp, phải tinh tấn, chớ giãi đãi. Ông nên biết rằng Bồ Tát đó đã không còn thối chuyển nơi đạo Bồ Đề vô thượng chánh đẳng chánh giác, huống gì được nghe, thọ trì đọc tụng, suy tư, vì người nói rộng.
Này Hiền Hộ! Ông nên xem hàng Bồ Tát đó, sau khi nghe tam muội này rồi mà hay thọ trì đọc tụng tu hành, cũng sẽ thành tựu đầy đủ các công đức lớn, cho đến dù cầu mà chưa được nghe thì cũng đầy đủ các căn lành lớn. Dù được nghe hay không, cũng đều đã trụ trong địa vị bất thối chuyển, rốt ráo thành tựu đạo Bồ Đề vô thượng chánh đẳng chánh giác, huống là nghe rồi thọ trì đọc tụng, suy tư tu tập, vì người nói rộng, cũng khiến cho nhiều người được nghe, thọ trì đọc tụng, suy tư tu tập, lưu bố rộng rãi khắp nơi.
Bấy giờ, đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên liền nói kệ rằng:
“Ta nhớ xưa kia có Phật hiệu
Sư Tử Như Ý trên trời người
Lúc ấy có vua làm thượng thủ
Đích thân đến Phật cầu tam muội
Lúc vua đại trí nghe xong rồi
Vui vẻ vô vàn không thể nói
Tự tay dâng cúng chuỗi ngọc báu
Cúng dường Như Lai Sư Tử Ý
Trong tâm suy tư phát lời rằng
Con nay quy y Vô Thượng Giác
Vì thế gian mà làm lợi ích
Cúi xin khéo nói tam ma đề
Khi vua hưng khởi nghiệp lành xong
Chết rồi sanh lại hoàng cung đó
Lại tìm gặp được tỳ kheo Bảo
Đại đức danh vang khắp mười phương
Khi nghe thầy kia khéo thuyết pháp
Tâm sanh hoan hỷ không xưng lường
Tức dùng bảo y tối thắng diệu
Đắp thân tỳ kheo vì Bồ Đề
Lại cùng trăm ngàn người xuất gia
Cúng dường hầu hạ tỳ kheo đó
Trãi qua suốt hết tám ngàn tuổi
Vì cầu tam muội này như thế
Thầy kia nói rồi chẳng thuyết lại
Nghe thọ thâm diệu như biển cả
Lúc ấy tâm trí đều không mệt
Cầu tịch định thù thắng như thật
Sau khi các vị đó tu hành
Được gặp chư Phật đại oai hùng
Mãn đủ sáu mươi tám ngàn vị
Lúc đó cũng nghe tam muội này
Đời khác cúng dường và hầu hạ
Sáu mươi tám ngàn ức Thế Tôn
Điều nghe thâm diệu tất tùy hỷ
Nhờ nghe Phật Sư Tử Ý thuyết
Vua y theo tu hành đầy đủ
Sau thành Phật Kiên Cố Tinh Tấn
Giáo hóa chúng sanh vô số lượng
Ai ở sanh tử đều rời bụi
Theo vua xuất gia hàng ngàn vị
Cũng đồng thành Phật hiệu Kiên Dũng
Danh đức vang khắp cõi mười phương
Nghe tên tam muội chứng Đại Giác
Huống gì lại hay vì người nói
Chẳng nhiễm trước các cõi nước
Lại nên hiển rộng diệu suy tư
Nếu tam muội do Phật diễn thuyết
Nếu biết có giảng trăm do tuần
Vì cầu Bồ Đề nên đến nghe
Nơi lời dạy không màng mệt nhọc
Công đức người nghe không thể lường
Nếu đến đó mà không được nghe
Còn được hàng ngàn phước đức tụ
Huống gì nghe rồi nghĩ, thuyết ra
Hãy nên chóng cầu tam muội này
Thường nhớ kia đủ phạm công đức
Gần gũi hầu hạ chớ sanh chán
Vị thầy nào có kinh điển này
Phải đến đó tu tập cúng dường.”
Phẩm Giác Tỉnh Thứ Mười Sáu
Bấy giờ, đức Thế Tôn lại bảo Bồ Tát Hiền Hộ rằng:
-Này Hiền Hộ! Ta nhớ xưa kia qua nhiều vô số a tăng kỳ kiếp, có Phật ra đời, hiệu là Tát Giá Na Ma, đầy đủ mười hiệu. Lúc đó, có tỳ kheo tên là Hòa Luân, sau khi Phật diệt độ, xưng tán nói rộng kinh điển tam muội này. Khi đó, Ta làm một vì vua lớn, nhất tâm chuyên cầu tam muội vi diệu này. Ngay trong giấc mộng nghe có lời dạy rằng: “Đây là nơi có tam muội”, nên tỉnh dậy, đi thẳng đến chỗ vị tỳ kheo Hòa Luân cầu học tam muội này. Ta lại thỉnh Pháp Sư cho thế độ cắt tóc xuất gia để cầu nghe tam muội này, và thường cung phụng hầu hạ vị đó. Qua suốt 36.000 tuổi không còn bị thiên ma che chướng.
Này các vị tỳ kheo, tỳ kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ! Nay Ta bảo các vị rằng phải nên nghĩ nhớ nghe thọ vua tam muội mà không trì hoãn, hay không quên mất, phải khéo hầu hạ Pháp Sư thuyết pháp không lỗi lầm. Cầu được tam muội này chắc sẽ chứng đắc. Nếu trãi qua một kiếp cho đến trăm ngàn kiếp, chẳng sanh tâm giải đãi, thì sẽ đắc được.
Này Hiền Hộ! Nếu có người nhất tâm cầu tam muội này phải tùy thuận vị Pháp Sư, chẳng được xa rời, phải dâng cúng dường thuốc men, đồ ăn uống, y phục, giường nằm, chỗ ngồi, và tất cả vàng bạc châu báu. Đối với các đồ dùng cá nhân đều cúng dường hết mà không mến tiếc, như của chính mình, chẳng cầu mà vẫn dâng cho. Khi được tam muội này thì chớ sanh tâm chán chường.
Này Hiền Hộ! Lại phải cúng dường những vật dụng cần thiết. Đối với người cầu pháp, nếu vị Pháp Sư có cần, cho đến phải nên tự dâng thân mình, cắt da thịt bắp vế cung phụng cho vị đó. Nếu vị Pháp Sư cần thân mạng cũng không mến tiếc, huống gì những vật bên ngoài mà lại không cung phụng.
Này Hiền Hộ! Người cầu pháp hầu hạ vị Pháp Sư phải tùy thuận Pháp Sư như vầy: Phải hầu hạ Pháp Sư như nô tỳ hầu chủ, như quần thần hầu vua. Người như thế mới đắc được tam muội này. Sau đó, phải niệm nhớ thọ trì, thường nhớ ân Pháp Sư, thường nghĩ cách báo đáp.
Này Hiền Hộ! Tam muội này không phải dễ được nghe. Dù có người qua trăm ngàn kiếp cầu nghe danh tự cũng không thể nghe được, huống gì nghe rồi viết chép đọc tụng thọ trì, lại vì người mà phân biệt giải thích.
Này Hiền Hộ! Giả sử có người đem trân châu cúng dường hằng hà sa số cõi nước chư Phật, phước đức của họ tuy nhiều, nhưng không bằng công đức sau khi nghe kinh điển tam muội này rồi biên chép một bài kệ vì không thể tính lường.
Bấy giờ, đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên nên nói kệ rằng:
“Ta nhớ đời quá khứ vô lượng
Đầy đủ số sáu mươi ngàn năm
Thường theo Pháp Sư chẳng tạm rời
Trước chưa nghe tên tam muội này
Có Phật Quyết Hiệu vì chí thành
Lúc đó tỳ kheo tên Hòa Luân
Sau khi đức Thế Tôn diệt độ
Tỳ kheo nói rộng tam muội này
Ta khi ấy làm vua cõi đó
Trong mộng nghe báo nơi tam muội
Tỳ kheo Hòa Luân thường tuyên chuyển
Vua nên nghe thọ kinh vi diệu
Vừa thức dậy liền đi tìm cầu
Thẳng đến tỳ kheo giảng tam muội
Lại bỏ ngôi vua mà xuất gia
Cung kính cúng dường chẳng tạm dừng
Trãi qua hai mươi sáu ngàn năm
Vẫn nguyện sau gặp tuyên lưu
Thiên ma thường đến cố nhiễu loạn
Rốt ráo chưa từng nghe đến chúng
Do đó, tỳ kheo, tỳ kheo ni
Cư sĩ nam và cư sĩ nữ
Ta khuyên các ông lời thành thật
Hãy nên thọ trì tam muội này
Nếu muốn kính phụng vị Pháp Sư
Dù qua một kiếp đến nhiều kiếp
Thường dâng thuốc men thức ăn ngon
Cầu nghe kinh tam muội vi diệu
Lại may ức số các y phục
Giường gối đèn đuốc các châu báu
Tinh cần như thế chẳng thấy mệt
Vì nghe vi diệu tam muội này
Tỳ kheo chẳng tự cầu cung phụng
Cho đến thân mạng chẳng nuối tiếc
Huống gì vật khác có tâm tiếc
Người cầu như thế đắc tam muội
Thọ ơn thường nghĩ nhớ báo ơn
Bậc trí nghe rồi rộng tuyên nói
Ức na do tha kiếp chuyên cầu
Tam muội vi diệu sẽ được nghe
Giả sử hằng hà sa cõi nước
Đầy cả trân bảo dùng bố thí
Trong một câu kệ hay tuyên nói
Công đức người này hơn kia nhiều
Lời chánh tuyên thuyết một câu kệ
Hơn kia các kiếp na do tha
Huống gì nghe rồi hay rộng truyền
Công đức người này không thể nói
Nếu ai thích hành đạo Bồ Đề
Thường vì chúng sanh cầu pháp này
Sẽ chứng chánh giác đạo vô thượng
Đã nghe an trụ trong định này”.
Phẩm Chúc Lũy Thứ Mười Bảy
Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Hiền Hộ rằng:
-Này Hiền Hộ! Do đó, người trai hiền gái thảo có tâm tịnh tín, phải thường tinh cần nghe tam muội này; nghe rồi đọc tụng tổng trì suy tư nghĩa lý, vì người thế gian rộng phân biệt diễn thuyết, lại khéo viết chép, đặt trong kho tạng. Vì sao? Này Hiền Hộ! Trong đời tương lai sau khi Ta diệt độ, có chư đại Bồ Tát tâm tịnh tín, vì chúng sanh nên cầu đa văn; do cầu đa văn nên đi đến các nơi để nghe thọ chánh pháp.
Này Hiền Hộ! Vì vậy, người trai hiền gái thảo nào có sự mến thích, đầy đủ tín tâm, nhiếp thọ chánh pháp, mến thích chánh pháp, tổng trì kinh điển, sẽ tuyên thuyết rộng, do nhờ lực gia trì của Như Lai; viết chép kinh điển Đại Thừa như thế, do nhờ Như Lai ấn chứng, rồi sau đó đặt trong tàng khố.
Này Hiền Hộ! Trong đây gì là ấn chứng của Như Lai? Đó gọi là tất cả các hạnh vô tướng, vô tạo, vô tác. Vô tạo tác, tức là chưa từng có vô vi, vô tướng, vô tưởng, vô y, vô nhiếp, vô thủ, vô trụ. Tất cả các hạnh dứt tận, nhân khổ dứt tận. Dứt tận hết tất cả phiền não. Không sanh, không diệt, không đạo, không đạo quả. Tất cả chư thánh không có che giấu. Chỗ kẻ ngu hủy báng, thì bậc trí khen ngợi. Bậc thiện xảo hay thọ trì.
Lúc đức Như Lai thuyết kinh này, vô số chúng sanh đều trồng căn lành nơi đạo Bồ Đề vô thượng chánh đẳng chánh giác. Trong hằng hà sa số cõi Phật có vô lượng a tăng kỳ chư đại Bồ Tát đều từ xứ của họ đồng đến nơi đây, đều nghe được tam muội này. Họ đều được không thối chuyển nơi đạo Bồ Đề vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Lúc ấy, trong ba ngàn đại thiên cõi nước, tất cả đất đai chấn động sáu cách, như động đại động, đẳng biến động, dũng đại dũng, đẳng biến dũng, khởi đại khởi, khởi đẳng biến khởi, chấn đại chấn, đẳng biến chấn, hống đại hống, đẳng biến hống, giác đại giác, đẳng biến giác, cho đến bên ngoài lồi, bên trong lõm, bên trong lồi bên ngoài lõm. Lúc đó, thế giới chấn động như thế.
Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo tôn giả Ma Ha Ca Diếp, tôn giả Xá Lợi Phất, tôn giả Mục Kiền Liên, tôn giả A Nan, và Bồ Tát Hiền Hộ, Bảo Đức Ly Xa Tử, trưởng giả Thương Chủ, con trưởng giả Tinh Đức, trưởng giả Vĩ Đức Ma Nạp, v.v…, năm trăm người, và hàng trời người bốn bộ chúng rằng:
-Này Ca Diếp! Nay Ta đem pháp Bồ Đề vô thượng chánh đẳng chánh giác đã từng tu tập trong ba a tăng kỳ kiếp, phó chúc cho các ông. Những nghĩa lý như thế ở tất cả người đời không thể tin được. Vì sao? Kinh điển do Như Lai thuyết tối thù thắng vi diệu, thâm sâu bậc nhất. Trong tương lai các ông phải ban cho tất cả chúng sanh đạo Bồ Đề vô thượng chánh đẳng chánh giác. Vì vậy, nay Ta ân cần phó chúc cho các ông. Các ông nên lắng nghe, nên đọc tụng, nên ghi nhớ, nên suy tư, nên tu hành, nên khai phát, nên rộng tuyên nói, nên giải thích, nên làm tất cả việc lành, nên lưu bố chớ cho đoạn tuyệt.
Lại nữa, này A Nan! Nếu có trai hiền gái thảo nào nghĩ muốn tu tập kinh điển tam muội này, muốn đọc tụng, muốn thọ trì, muốn suy tư, muốn khai thị, muốn nói rộng, thì phải giúp họ sanh chánh tín, giúp họ đọc tụng, giúp họ thọ trì, giúp họ suy tư, giúp họ khai thị, giúp họ nói rộng. Ta nay vì các trai hiền gái thảo an trụ Đại Thừa mà chỉ bày rộng rãi, phải tu học như thế, thường nên niệm nhớ lời răn nhắc của Ta.
Lúc đức Thế Tôn nói lời đó xong, tôn giả Ma Ha Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên, A Nan, tất cả đại Thanh Văn, và Bồ Tát Hiền Hộ, Bảo Đức, Thiện Thương Chủ, Tinh Đức, trưởng giả Vĩ Đức Nguyệt Thiên, v.v… năm trăm cư sĩ nam, và chư đại Bồ Tát từ mười phương cõi Phật khác đến đây nghe pháp, cho đến tất cả hàng trời, rồng, quỷ, thần, người, phi nhân nghe đức Như Lai thuyết pháp, đều vui mừng hớn hở, y theo lời dạy mà tu hành.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 5 quyển »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Đừng đánh mất tình yêu


Một trăm truyện tích nhân duyên (Trăm bài kinh Phật)


Hoa nhẫn nhục


An Sĩ toàn thư - Khuyên người bỏ sự tham dục

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.12.165.68 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập