Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh [大般若波羅蜜多經] »» Bản Việt dịch quyển số 572 »»

Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh [大般若波羅蜜多經] »» Bản Việt dịch quyển số 572

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.56 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.68 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa

Kinh này có 600 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 561 | 562 | 563 | 564 | 565 | 566 | 567 | 568 | 569 | 570 | 571 | 572 | 573 | 574 | 575 | 576 | 577 | 578 | 579 | 580 | 581 | 582 | 583 |
Việt dịch: Thích Trí Nghiêm

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

XI. PHẨM HIỂN ĐỨC
Bấy giờ, Đại Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, chệch y che vai trái, gối phải quì sát đất, chấp tay cung kính bạch:
- Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát trải qua bao nhiêu kiếp hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, cúng dường bao nhiêu đức Phật mà có thể thưa hỏi, hiển dương khen ngợi về Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu như Như Lai đã thuyết cho Thiên vương Tối Thắng vậy?
Phật bảo Đại Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi:
- Thiện nam tử! Việc như thế này không thể nghĩ bàn được. Nếu chẳng phải vô lượng trăm ngàn đại kiếp tu tập các hạnh, gieo trồng các căn lành thì chẳng được nghe công đức, danh tự của Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu.
Thiện nam tử! Số cát sông Hằng trong hằng hà sa số thế giới khắp mười phương còn có thể biết được, chứ Đại Bồ-tát này hành Bát-nhã ba-la-mật-đa đã trải qua bao nhiêu số kiếp, cúng dường bao nhiêu vị Phật đều không thể biết được.
Thiện nam tử! Trong quá khứ vô lượng, vô biên vô số kiếp khó nghĩ bàn, có đức Phật ra đời tên là Ða Văn đầy đủ mười hiệu, kiếp tên là Tăng Thượng, nước tên là Nhật Quang. Như Lai Ða Văn thuyết pháp môn thanh tịnh cho các Đại Bồ-tát:
“Thiện nam tử! Ông phải siêng năng tu các pháp lành chẳng tiếc thân mạng.
Khi đó, trong hội kia, có một vị Bồ-tát tên là Tinh Tấn Lực, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân ngài, chệch y che vai trái, gối phải quì sát đất, chấp tay cung kính mà thưa Phật:
- Đức Thế Tôn đã nói: Ông nên siêng năng tinh tấn tu các pháp lành chẳng tiếc thân mạng. Theo con hiểu ý nghĩa lời Phật nói là: Các Đại Bồ-tát cần phải biếng nhác, chẳng tu pháp lành, mới có thể mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Vì sao? Nếu các Bồ-tát siêng tu các pháp thì không thể trụ trong sanh tử lâu ngày để làm lợi lạc cho hữu tình. Nhưng các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, chấm dứt phiền não, trụ lâu trong sanh tử, quyết chẳng phải vì bản thân để mau chứng Niết-bàn, mà chỉ vì lợi lạc cho các hữu tình. Bồ-tát lấy sanh tử làm vui, chẳng lấy Niết-bàn làm vui. Vì sao? Vì các Đại Bồ-tát lấy sự giáo hóa hữu tình làm vui vậy. Nghĩa là tùy theo chỗ ưa muốn mà phương tiện khéo léo truyền trao pháp môn giúp họ được an lạc. Nếu siêng tu pháp lành thì mau hết phiền não, không thể làm lợi ích an vui cho tất cả hữu tình. Thế nên Bồ-tát quán sát sanh tử nhiều sự khổ não, khởi tâm đại bi chẳng bỏ hữu tình, thành tựu bản nguyện.
Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát đủ sức phương tiện ở lâu trong sanh tử, thấy được vô lượng, vô biên đức Như Lai, nghe và lãnh thọ vô lượng, vô biên chánh pháp, giáo hóa và dẫn dắt vô lượng, vô biên hữu tình. Thế nên, vì việc này mà Bồ-tát chẳng nhàm chán sanh tử, không ưa thích Niết-bàn.
Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát khi quán sanh tử mà khởi lên sự chán sợ, ưa vui Niết-bàn thì sẽ rơi vào phi đạo, không thể làm lợi lạc cho tất cả hữu tình, không thông suốt cảnh giới mầu nhiệm của Như Lai.
Thế nào là phi đạo?
Là ưa Thanh văn và bậc Độc giác, đối với các loài hữu tình không có tâm đại bi. Vì sao? Vì đạo mà Thanh văn và Độc giác hành trì chẳng phải đạo của các Đại Bồ-tát. Vì sao? Vì Thanh văn và Độc giác chán sợ sanh tử, ưa vui với Niết-bàn, không thể đầy đủ phước đức trí tuệ, vì nghĩa này nên chẳng phải đạo Bồ-tát.
Khi ấy, Phật Ða Văn liền khen ngợi Tinh Tấn Lực:
- Hay thay! Hay thay! Như lời ông nói, các Đại Bồ-tát nên tu tự hành chớ tu tập theo phi đạo.
Tinh Tấn Lực thưa:
- Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Đại Bồ-tát đã tu đạo tự hành?
Phật Ða Văn nói:
- Bồ-tát thành tựu tất cả phước tuệ, vì sức đại bi không bỏ hữu tình, xa lìa Thanh văn và bậc Độc giác, được đắc Vô sanh nhẫn nhưng chẳng bỏ ba cõi, không có sự hy vọng sanh trưởng căn lành, dùng phương tiện thiện xảo tu hành tất cả Ba-la-mật-đa. Dùng sức trí tuệ, không có tâm phân biệt, sanh trưởng căn lành, thành tựu tận trí được vô lượng công đức. Dù biết các pháp không có một pháp nào tự nó có thể sanh, chỉ phương tiện hiện sanh. Dù biết hữu tình không có một hữu tình nào là thật có mà vẫn phương tiện giáo hóa, biết tất cả pháp đều lìa tự tánh. Quán các cõi Phật đều như hư không nhưng thường dùng phương tiện khéo léo nghiêm tịnh cõi Phật. Biết tất cả pháp thân Phật không có hình dáng nhưng phương tiện thị hiện tướng hảo trang nghiêm. Tùy theo tâm các hữu tình ưa thích điều gì liền phương tiện mà trao cho họ. Thân tâm Bồ-tát tuy thường vắng lặng nhưng vẫn thuyết pháp giáo hóa hữu tình, cũng dùng phương tiện thiện xảo xa lìa sự ồn náo, tu các thiền định, biết tự tánh Không nhưng thông suốt được tất cả trí tuệ sâu xa, dùng phương tiện thuyết pháp cho người khác, không chứng quả Thanh văn, Độc giác thừa, mà siêng năng cầu chứng được quả Giải thoát của Như Lai, chẳng bỏ tất cả đạo hạnh của Bồ-tát. Thiện nam tử! Đây gọi là Bồ-tát đã tự hành đạo của mình.”
Mạn-thù-thất-lợi! Khi Tinh Tấn Lực theo Như Lai để nghe nói về cảnh giới mà Bồ-tát đã tu hành chứng được là chưa từng có, liền vội vàng thưa với Phật Ða Văn:
“Bạch Thế Tôn! Thật hiếm có, như con hiểu ý lời Phật nói là: Bồ-tát đầy đủ phương tiện thiện xảo, quán tất cả pháp đều là đạo cả. Ví như hư không dung chứa các sắc. Như vậy Bồ-tát đầy đủ phương tiện lớn, sự hành đạo thâu nhiếp tất cả pháp. Lại như hư không, tất cả cỏ cây hoa quả đều nhờ đó mà sanh trưởng. Như vậy các vật đối với cõi hư không không thể làm nhiễm hoặc tịnh, chẳng làm giận làm vui. Đại Bồ-tát này đầy đủ phương tiện lớn là Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, nên quán tất cả pháp đều là đạo, nghĩa là pháp của phàm phu hoặc pháp Thanh văn, hoặc pháp Độc giác, hoặc pháp Bồ-tát, hoặc pháp Như Lai. Vì sao? Vì các Bồ-tát này đã thông suốt rồi. Ví như lửa mạnh, nếu gặp cỏ cây tất không lùi lại. Các cây cỏ này đều thuận theo, càng làm cho ngọn lửa cháy mạnh thêm. Cũng vậy các pháp hoàn toàn thuận theo đạo của Bồ-tát nên gọi là Bồ-tát đạo. Thí như kim cương, thể chất nó rắn chắc, dao không thể chặt gãy, lửa không thể đốt cháy, nước không thể thối rửa, độc không thể hại. Cũng vậy, với phương tiện trí tuệ của Bồ-tát, Thanh văn, Độc giác, các ngoại đạo, và tất cả phiền não không thể nào làm tổn hoại được. Như ngọc thủy thanh có thể làm trong nước đục. Cũng vậy, Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu của Bồ-tát có thể làm cho tất cả phiền não của hữu tình đều được thanh tịnh. Ví như thuốc tốt Diệu bảo thần châu không thể ở chung với chất độc, có khả năng làm tiêu hết các chất độc. Cũng vậy Bồ-tát hành phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa chẳng ở chung với tất cả phiền não, mà có thể đoạn diệt tất cả phiền não. nhân duyên các pháp như vậy đều là đạo của Đại Bồ-tát.”
Mạn-thù-thất-lợi! Khi Tinh Tấn Lực nói về pháp này, tám vạn Bồ-tát đều phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Hai trăm Bồ-tát đắc Vô sanh pháp nhẫn. Mạn-thù-thất-lợi! Tinh Tấn Lực kia chính là Thiên vương Tối Thắng hôm nay.
Bấy giờ, Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi lại bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Làm thế nào để các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu được sức kiên cố, hộ trì chánh pháp?
Phật bảo Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi:
- Thiện nam tử! Đại Bồ-tát nào thà bỏ thân mạng chứ không bỏ chánh pháp, khiêm nhường với mọi người, không sanh kiêu mạn, nhẫn nại với sự sĩ nhục của bọn hạ tiện, cho hữu tình đói khát những thức ăn ngon, ban sự không sợ hãi cho người gặp nạn, trị liệu đúng pháp cho người bệnh tật, bố thí nhiều của báu cho hữu tình nghèo thiếu, sửa sang trang nghiêm pháp miếu thờ chư Phật, diệt trừ việc xấu, phát huy việc thiện, đem sự an vui cho hữu tình buồn khổ. Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu như vậy sẽ được sức kiên cố, hộ trì chánh pháp.
Mạn-thù-thất-lợi lại thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn! Làm sao các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu có thể điều phục tâm?
Phật bảo Mạn-thù-thất-lợi:
- Thiện nam tử! Đại Bồ-tát nào hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu chẳng xen vào việc của người khác, suy nghĩ trước rồi mới làm. Tâm tánh ngay thẳng điều hòa, lìa xa sự dua nịnh, lìa xa sự dua nịnh, chẳng tự khoe cao, ý thường nhu hòa. Đại Bồ-tát này có thể điều phục được tâm.
Mạn-thù-thất-lợi lại thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn! Nếu Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu có thể điều phục được tâm thì sẽ sanh về cõi nào?
Phật bảo Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi:
- Thiện nam tử! Nếu Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu có thể điều phục được tâm hoặc sanh lên cõi trời, hoặc sanh trong loài người. Nếu sanh lên cõi trời thì làm Ðế Thích, hoặc làm Phạm vương là chủ cõi Kham Nhẫn. Nếu sanh vào loài người sẽ làm vua Chuyển luân hoặc làm các vua khác, hoặc làm trưởng giả, cư sĩ. Sanh lên trời hay người cũng thường được gặp Phật. Đại Bồ-tát này hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu có thể điều phục tâm sẽ sanh vào cảnh giới như vậy.
Mạn-thù-thất-lợi lại thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn! Chánh tín đưa đến pháp nào?
Phật bảo Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi:
- Chánh tín dẫn đến bạn hiền chơn thật.
- Bạch Thế Tôn! Ða văn đưa đến pháp nào?
Phật dạy:
- Ða văn dẫn đến trí tuệ vi diệu.
- Bạch Thế Tôn! Bố thí đưa đến pháp nào?
Phật dạy:
- Bố thí dẫn đến phước lớn.
- Bạch Thế Tôn! Tịnh giới đưa đến pháp nào?
Phật dạy:
- Tịnh giới dẫn đến cảnh giới lành.
- Bạch Thế Tôn! An nhẫn đưa đến pháp nào?
Phật dạy:
- An nhẫn dẫn đến sự dung nạp tất cả hữu tình.
- Bạch Thế Tôn! Tinh tấn đưa đến pháp nào?
Phật dạy:
- Tinh tấn dẫn đến sự thành tựu tất cả Phật pháp.
- Bạch Thế Tôn! Tịnh lự đưa đến pháp nào?
Phật dạy:
- Tịnh lự dẫn đến sự xa lìa tất cả tán loạn dao động.
- Bạch Thế Tôn! Bát-nhã đưa đến pháp nào?
Phật dạy:
- Bát-nhã dẫn đến sự xa lìa tất cả phiền não.
- Bạch Thế Tôn! Nghe pháp đưa đến pháp nào?
Phật dạy:
- Nghe pháp dẫn đến sự xa lìa tất cả lưới nghi.
- Bạch Thế Tôn! Hỏi đúng đưa đến pháp nào?
Phật dạy:
- Hỏi đúng dẫn đến trí tuệ vi diệu quyết định đối với các pháp.
- Bạch Thế Tôn! Ở yên tịnh đưa đến pháp nào?
Phật dạy:
- Ở yên tịnh dẫn đến định thù thắng và các thần thông.
- Bạch Thế Tôn! Tu đúng đắn đưa đến pháp nào?
Phật dạy:
- Tu đúng dẫn đến chánh đạo.
- Bạch Thế Tôn! Tiếng vô thường đưa đến pháp nào?
Phật dạy:
- Tiếng vô thường dẫn đến sự không nắm bắt đối với cảnh.
- Bạch Thế Tôn! Tiếng khổ đưa đến pháp nào?
Phật dạy:
- Tiếng khổ dẫn đến sự vô sanh.
- Bạch Thế Tôn! Tiếng vô ngã đưa đến pháp nào?
Phật dạy:
- Tiếng vô ngã dẫn đến sự diệt trừ chấp ngã và ngã sở.
- Bạch Thế Tôn! Tiếng Không đưa đến pháp nào?
Phật dạy:
- Tiếng Không dẫn đến sự tịch tĩnh.
- Bạch Thế Tôn! Chánh niệm đưa đến pháp nào?
Phật dạy:
- Chánh niệm dẫn đến Thánh kiến.
- Bạch Thế Tôn! Thân tâm xa lìa đưa đến pháp nào?
Phật dạy:
- Thân tâm xa lìa dẫn đến tất cả thần thông diệu tịnh
- Bạch Thế Tôn! Thánh đạo đưa đến pháp nào?
Phật dạy:
- Thánh đạo dẫn đến Thánh quả.
- Bạch Thế Tôn! Thắng giải đưa đến pháp nào?
Phật dạy:
- Thắng giải dẫn đến sự thành tựu tất cả giải thoát.
- Bạch Thế Tôn! Đức Phật ra đời đưa đến pháp nào?
Phật dạy:
- Phật ra đời dẫn đến tất cả pháp phần Bồ-đề.
Bấy giờ, Tối Thắng ở trước Phật thưa:
- Bạch Thế Tôn! Thế nào là Phật ra đời?
Phật dạy:
- Tối Thắng! Như phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
- Bạch Thế Tôn! Thế nào là phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề?
Phật dạy:
- Như phát sanh đại bi.
- Bạch Thế Tôn! Sanh đại bi là thế nào?
Phật dạy:
- Chẳng bỏ tất cả hữu tình.
- Bạch Thế Tôn! Chẳng bỏ tất cả hữu tình là sao?
Phật dạy:
- Phải giống như chẳng bỏ Tam bảo.
- Bạch Thế Tôn! Ai có thể không bỏ Tam bảo?
Phật dạy:
- Tất cả những người không có phiền não.
Tối Thắng liền bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Thật kỳ lạ. Bạch Thiện Thệ! Thật hy hữu. Chư Phật kín đáo thâm sâu mầu nhiệm, tuy nói pháp Không, không sanh, không diệt, xưa nay vắng lặng nhưng chẳng phá hoại nghiệp quả thiện ác, xa lìa đoạn thường. Bạch Thế Tôn! Có trường hợp nào mà những hữu tình nghe pháp này chẳng kính tin lại sanh tâm hủy báng không?
Phật dạy:
- Cũng có.
- Bạch Thế Tôn! Hữu tình này do đời quá khứ tu hành thiện nghiệp nên được thọ thân người. Nhưng do gần gũi bạn ác nên đối với giáo pháp thâm sâu không thể kính tin lại sanh hủy báng, thì làm uổng phí nghiệp thiện quá khứ. Ân đức của chư Phật thật là sâu nặng, giả sử có đem máu thịt của mình cúng dường chư Phật cũng chẳng đền đáp được. Nhờ ơn Phật nên ngày nay chúng ta tăng trưởng căn lành, được pháp lạc lớn, trụ đại tự tại, trời người cung kính.
Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu nên biết ơn Phật, thân gần bạn lành, phải tu hạnh của Phật, chứng quả Bồ-đề của Phật.
Khi nói pháp này, trong chúng có hai vạn năm ngàn Bồ-tát đắc Vô sanh nhẫn, bốn vạn năm ngàn chúng trời người đều phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Một vạn hai ngàn chúng Thiên tử xa lìa trần cấu, sanh pháp nhãn thanh tịnh.
XII. PHẨM HIỆN HÓA
Bấy giờ, Bồ-tát Thiện Tư thưa với Thiên vương Tối Thắng:
- Hóa thân của Phật có thể biến hóa nữa không?
Tối Thắng đáp:
- Nay đối với việc đó lấy Thế Tôn làm minh chứng. Hóa thân của Phật lại có thể hóa làm hằng hà sa số vô lượng hóa thân Phật nữa, với vô lượng hình tượng thần thông để thuyết pháp làm lợi lạc hữu tình. Vì sao? Vì nguyện lực thuở xưa của chư Phật thanh tịnh nên mới được như vậy.
Bồ-tát Thiện Tư lại hỏi:
- Thiên vương thường thuyết pháp thâm sâu một cách khéo léo. Nếu gọi nguyện lực thuở xưa của Phật thanh tịnh thì cúi xin Thiên vương thỉnh thần lực Phật làm cho Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu tồn tại lâu dài trên thế gian, không bao giờ diệt mất.
Tối Thắng trả lời:
- Thiện Tư nên biết! Tất cả Như Lai thường cùng nhau hộ trì Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu. Vì sao? Vì văn tự để tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, văn tự này chẳng khởi đầu, chẳng kết thúc, thường không ẩn mất. Ý nghĩa được hiển bày kia cũng chẳng khởi đầu, chẳng kết thúc, thường không ẩn mất. Do đó, Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu của chư Phật cũng không ẩn mất. Vì sao? Vì pháp chẳng sanh. Nếu pháp không sanh thì cũng không diệt, tức là giáo lý bí mật của chư Phật. Diệu lý như vậy thì Như Lai ra đời, hoặc không ra đời, tánh tướng vẫn yên lặng gọi là chơn như, cũng gọi là pháp giới, còn gọi là thật tế, thuận theo nhân duyên mà chẳng chống trái, đó là chánh pháp. Tánh nó thường trú vĩnh viễn không ẩn mất.
Bồ-tát Thiện Tư lại hỏi Thiên vương:
- Còn những người nào thường hộ trì chánh pháp?
Tối Thắng đáp:
- Những người nào chẳng trái nghịch tất cả pháp thì có thể hộ trì chánh pháp. Vì sao? Vì chẳng trái chánh lý, thường không tranh luận nên gọi là hộ trì chánh pháp.
Thiện Tư lại hỏi:
- Thế nào gọi là chẳng trái chánh lý, thường không tranh luận nên gọi là hộ trì chánh pháp?
Tối Thắng đáp:
- Nếu thuận theo văn tự chẳng trái chánh lý, thường không tranh luận gọi là hộ trì chánh pháp. Vì sao? Vì hàng phàm phu thế gian đều đắm các kiến chấp. Người thuận theo chánh lý thời thường nói Không. Vì thế gian cùng họ tranh luận sôi nổi.
Hàng phàm phu này thì mến chuộng pháp có.
Người thuận chánh lý đối với pháp có lại coi khinh.
Thế gian nói có: Thường, lạc, ngã, tịnh.
Người thuận chánh lý nói: Vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh.
Thế nên thế gian cùng họ khởi lên tranh luận. Những hạng phàm phu thuận dòng thế gian, còn người thuận chánh lý thì nghịch dòng thế gian. Vậy nên thế gian cùng họ khởi lên tranh luận.
Phàm phu thế gian đắm uẩn, xứ, giới.
Người thuận chánh lý hoàn toàn không có sự chấp đắm.
Do đó thế gian cùng họ tranh luận.
Phàm phu thuận theo đời chẳng hành chánh lý.
Người thuận chánh lý cùng với đời trái nghịch nhau, nên thường không tranh, gọi là hộ trì chánh pháp.
Bồ-tát Thiện Tư lại hỏi Tối Thắng:
- Vậy hôm nay Thiên vương nên lấy gì?
Tối Thắng đáp:
- Thiện Tư nên biết! Ngã chẳng lấy ngã cũng chẳng lấy pháp.
Thiện Tư lại hỏi:
- Vì sao chẳng lấy?
Tối Thắng đáp:
- Tự tánh ngã là xa lìa. Tự tánh của pháp và hữu tình cũng là xa lìa. Các sự xa lìa này cũng bất khả đắc.
Tự tánh quá khứ là xa lìa. Tự tánh vị lai, hiện tại cũng là xa lìa. Các sự xa lìa này đều bất khả đắc.
Tự tánh chư Phật chẳng phải xa lìa, tự tánh chư Phật chẳng phải không xa lìa. Tự tánh của quốc độ chư Phật chẳng phải xa lìa. Tự tánh của quốc độ chư Phật chẳng phải không xa lìa.
Tự tánh các pháp chẳng phải xa lìa, tự tánh các pháp chẳng phải không xa lìa. Thiện Tư nên biết! Hành được như vậy gọi là thuận chánh lý. Không có pháp để lấy, không lấy mới có thể hộ trì chánh pháp.
Bồ-tát Thiện Tư khen Thiên vương Tối Thắng:
- Hay thay! Hay thay! Đại sĩ chính là người có thể thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này, không chấp lấy, không đắm, không văn, không tự, diệt các hý luận, lìa phân biệt và pháp bị phân biệt.
Bấy giờ, trong chúng có một Thiên tử tên là Hiền Ðức, từ tòa đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, chệch y che vai trái, gối phải quì chấm đất, chấp tay cung kính thưa với Phật:
- Bạch Thế Tôn! Thiên vương Tối Thắng đã nói không có sự phân biệt, đó là pháp nào?
Phật bảo Hiền Ðức:
- Thiên vương nên biết! Không có phân biệt ấy chính là pháp tịch tĩnh. Vì sao? Vì được lấy và bị lấy đều bất khả đắc, chẳng sanh chẳng diệt, lìa ngã và ngã sở. Như vậy gọi là pháp không phân biệt. Đại Bồ-tát nào quán như vậy thì mới có thể hộ trì chánh pháp, không thấy mình hộ trì và pháp được hộ trì.
Khi nói pháp này mười ngàn Bí-sô tâm được giải thoát, hai ngàn Thiên tử xa lìa trần cấu, phát sinh pháp nhãn thanh tịnh.
Bồ-tát Thiện Tư hỏi Thiên vương Tối Thắng:
- Những biện tài nào có thể thuyết pháp thâm sâu như thế?
Tối Thắng đáp:
- Bậc không còn tất cả tập khí phiền não, đã đạt được sự biện tài thì có thể nói pháp thâm sâu này. Vượt qua đường ngôn ngữ, không thể nghĩ bàn, thắng nghĩa diệu trí, biện tài như vậy mới có thể nói được pháp thâm sâu này.
Bồ-tát Thiện Tư hỏi Thiên tử Hiền Ðức:
- Vì sao trong pháp không sanh lại dùng sự biện tài để nói?
Thiên tử Hiền Ðức đáp:
- Đại Bồ-tát nào chẳng trụ pháp không sanh, không diệt thì không dùng biện tài để nói pháp thâm sâu. Vì sao? Vì xa lìa sự hý luận, không thấy năng duyên, không thấy sở duyên, tâm không có chỗ trụ, vì vậy nên có thể nói. Chẳng trụ ngã pháp, chẳng trụ đây kia, chỉ trụ trong thắng nghĩa thanh tịnh, thế nên có thể nói.
Bồ-tát Thiện Tư liền thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn! Thật là kỳ lạ. Thiên tử Hiền Ðức thật là hiếm có, chính ngài mới có thể thông suốt pháp thâm sâu, biện tài vô tận.
Phật bảo Thiện Tư:
- Thiên Tử Hiền Ðức từ chỗ Phật Bất Động của thế giới Diệu Hỷ, mà đến thế giới Kham Nhẫn này nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu. Các ông nên biết! Thiên tử Hiền Ðức đã ở vô lượng trăm ngàn ức kiếp tu tập môn Đà-la-ni hiếm có, trải qua nhiều kiếp thuyết pháp cũng chẳng cùng tận.
Bồ-tát Thiện Tư lại bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Sao gọi là môn Đà-la-ni hiếm có?
Phật dạy:
- Thiện Tư! Sự hiếm có này là gọi các pháp không nhập môn Đà-la-ni. Môn Đà-la-ni vượt qua các văn tự, nói không thể nhập, tâm không thể lường, trong pháp nội ngoại đều bất khả đắc.
Thiện Tư nên biết! Không có chút pháp nào có thể nhập vào đây được, thế nên gọi là các pháp không nhập môn Đà-la-ni. Vì sao? Vì pháp này bình đẳng không cao không thấp, không vào không ra, không một văn tự nào từ ngoài vào được, cũng không một văn tự nào từ trong mà ra, không một văn tự nào trụ trong pháp này, cũng không có văn tự cùng thấy được nhau, cũng chẳng phân biệt pháp khác với phi pháp. Các văn tự này nói cũng không giảm không nói cũng không tăng, từ xưa đến nay hoàn toàn không có sự làm ra và hoại diệt. Như các văn tự tâm cũng như vậy; như tâm tất cả pháp cũng như thế. Vì sao? Vì pháp lìa ngôn ngữ cũng lìa sự suy nghĩ so lường, từ xưa đến nay không sanh không diệt nên không vào ra. Do đây gọi là các pháp chẳng nhập môn Đà-la-ni. Nếu người nào thông suốt được pháp môn này thì biện tài vô tận. Vì sao? Vì thông suốt pháp vô tận chẳng dứt đoạn. Nếu người có thể vào được hư không thì có nhập vào môn Đà-la-ni này.
Thiện Tư nên biết! Nếu Đại Bồ-tát thông suốt được môn Đà-la-ni này, tâm được thanh tịnh, thân ngữ cũng thế, sự tu hành thuận theo lý Bát-nhã vững chắc thì các quân ma không thể quấy nhiễu. Tất cả ngoại đạo chẳng dám đối diện, các nghiệp phiền não làm gì hoại được, thần lực vững vàng, tâm lìa sự khiếp nhược, hễ có thuyết giảng thì biện tài vô tận, có thể tuyên thuyết các môn Thánh đế thậm thâm vi diệu. Trí tuệ đa văn tựa như biển cả. An trụ tịch định dụ như núi Diệu Cao, như sư tử chúa giữa chúng không sợ. Pháp thế gian chẳng nhiễm, giống như hoa sen trong sạch. Làm lợi ích hữu tình ví bằng đất lớn. Rửa sạch cấu uế như dòng nước lớn. Thành thục thế gian sánh với các lửa dữ. Tăng trưởng pháp lành đồng như gió mạnh. Mát mẻ vui lòng như ánh sáng hiền hòa của mặt trăng. Thường phá đi những sự tối tăm như ánh sáng mặt trời. Phá dẹp phiền não oán hại như dũng sĩ oai hùng. Tâm tánh điều phục như voi chúa lớn. Thường vang sấm pháp dụ như rồng lớn. Mưa pháp rưới khắp ví như đám mây lớn. Như đại lương y chữa bệnh phiền não, giống như đại quốc vương khéo ngự trị thế gian. Như Tứ Thiên vương ủng hộ hữu tình và hộ trì chánh pháp. Như trời Ðế Thích giàu sang hơn hết, đối với trong trời, người. Tâm được tự tại như Đại Phạm vương làm chủ thống lãnh cõi Kham Nhẫn một cách tự tại, thân được vô ngại. Như Yết-lộ-trà chỉ dạy hữu tình. Như người cha của thế gian thường lưu chuyển pháp bảo. Như Tỳ-sa-môn có thể sanh ra các thứ quý báu thế gian, được trang nghiêm bằng phước đức trí tuệ. Những hữu tình nào trông thấy đều mong nhờ lợi ích. Ðược chư Phật Thế Tôn khen ngợi, các trời, rồng v.v... cùng nhau ủng hộ.
Thiện Tư nên biết! Các Đại Bồ-tát nếu đắc môn Đà-la-ni này liền được tự tại, làm lợi ích hữu tình, phương tiện thuyết pháp mà chẳng cùng tận, tâm không mỏi mệt, chẳng màng lợi dưỡng tiếng khen, pháp thí bình đẳng không có bỏn sẻn, ganh tị. Thọ trì tịnh giới, ba nghiệp không lỗi.
An nhẫn thanh tịnh lìa các sự giận dỗi, bực bội.
Tinh tấn thanh tịnh làm việc thành tựu.
Tĩnh lự thanh tịnh khéo léo điều phục tâm.
Trí Bát-nhã thanh tịnh vĩnh viễn không nghi ngờ.
Ðủ bốn Vô lượng như Đại Phạm vương thường tu hành các đẳng trì, đẳng chí một cách khéo léo, vào ra tự tại, hơn hẳn các thế gian, tu nhân Đại Giác đủ các phước tuệ, nhận lãnh ngôi quán đỉnh được tự tại lớn.
Khi Phật thuyết môn Tổng trì này, trong chúng có sáu vạn bốn ngàn Bồ-tát được Bất thối chuyển, ba vạn Bồ-tát được Vô sanh nhẫn. Hai vạn trời người xa lìa trần cấu, sanh pháp nhãn thanh tịnh. Vô lượng, vô biên trời, người v.v... đều phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
XIII. PHẨM ĐÀ-LA-NI
Bấy giờ, Đại Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ chân Phật, chệch y che vai trái, gối phải quì sát đất, chấp tay cung kính bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn, thật kỳ lạ! Như Lai đã nói: Các Đại Bồ-tát nếu được các pháp chẳng nhập môn Đà-la-ni như vậy thì thành tựu vô lượng, vô biên công đức.
Phật bảo Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi:
- Thiện nam tử! Công đức như thế, giả sử Như Lai nói trăm ngàn năm cũng chưa hết được.
Khi ấy, trong chúng có vị Bồ-tát tên là Tịch Tĩnh Tuệ liền thưa với Đại Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi:
- Nếu Đại Bồ-tát chứng được môn Đà-la-ni này sẽ được đức Phật Thế Tôn khen ngợi. Bồ-tát ấy được lợi lớn hoàn toàn, tự hành hóa kia đều không phải Không.
Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi bảo Bồ-tát Tịch Tĩnh Tuệ:
- Thiện nam tử! Trong thắng nghĩa đế không pháp nào đáng khen vì không sắc không tướng. Cái không sắc tướng thì có gì đáng khen? Vì không gì đáng khen nên có cái gì để vui mừng.
Tịch Tĩnh Tuệ lại thưa:
- Tôi nghe trong Kế kinh, Như Lai nói: Tự tánh các pháp không có ngã, ngã sở, không thể làm cho vui cũng không thể làm cho giận. Pháp bình đẳng này các Bồ-tát cần nên học. Thí như đại địa dựa vào Thủy luân, nếu đào ao giếng thì được nước để dùng. Những kẻ không đào không do đâu mà có. Như vậy, cảnh pháp Thánh trí bình đẳng biến khắp tất cả pháp. Nếu ai siêng năng tu Bát-nhã liền được chứng đắc, còn người chẳng tu làm sao chứng được. Thế nên Bồ-tát mong cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề thì không nên biếng nhác. Nếu siêng năng tinh tấn như đã nói thì cảnh bình đẳng của pháp sẽ hiện ra trước mắt. Như người mù bẩm sanh không thể thấy màu sắc. Cũng vậy, hữu tình bị phiền não làm mù tối thì không thể thấy pháp bình đẳng. Như người có mắt nếu không có ánh sáng bên ngoài thì không thể thấy hoàn toàn màu sắc, hình tượng đã có.
Cũng vậy, người tu hành tuy có trí tuệ nhưng không có bạn tốt thì không thể thấy pháp. Còn như người có thiên nhãn không nhờ ánh sáng ngoài, tự họ vẫn thấy được sắc. Cũng vậy, Bồ-tát nào dự vào dòng pháp thì tự nhiên thắng tiến. Ví như ở thế gian, người trong thai dần dần tăng trưởng nhưng chẳng tự thấy. Cũng vậy, những Bồ-tát siêng năng tinh tấn thì các hạnh tăng trưởng dần, dù chẳng tự thấy mà được thành tựu tất cả Phật pháp. Như trong núi Tuyết có cây thuốc ra quả mà thân cây, cành nhánh chẳng khô chẳng gãy.
Cũng vậy, Bồ-tát siêng tu tinh tấn được bao nhiêu thắng hạnh đều không lui mất. Như vua Chuyển luân xuất hiện ở đời đầy đủ bảy báu. Cũng vậy, Bồ-tát phát tâm Bồ-đề đầy đủ bảy pháp Bảo, là bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã phương tiện thiện xảo. Như vua Chuyển luân dạo khắp bốn châu, tâm trải bình đẳng đến các loài hữu tình.
Cũng vậy, Bồ-tát đem bốn Nhiếp sự làm lợi ích cho hữu tình với tâm luôn bình đẳng. Như vua Chuyển luân dù ở chỗ nào cũng không có sự tranh cãi, kiện tụng. Bồ-tát như thật thuyết pháp cũng không có sự tranh luận. Ví như thế giới tam thiên đại thiên lúc mới tạo thành liền có núi Diệu Cao và biển lớn.
Cũng vậy, Bồ-tát khi mới phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề liền có Bát-nhã và tâm đại bi. Thí như lúc mặt trời mọc, những chỗ núi cao được ánh sáng chiếu trước. Bồ-tát cũng thế, nếu được đuốc Bát-nhã thì các Bồ-tát có hạnh thanh cao, các căn thuần thục sẽ được ánh sáng chiếu trước. Ví như đại địa có thể gánh vác tất cả cỏ, cây, hoa quả, thuốc thang thảy đều bình đẳng. Bồ-tát cũng vậy, chứng được môn Đà-la-ni này đối với các hữu tình tâm đều bình đẳng.
Bấy giờ, đức Phật khen ngợi Tịch Tĩnh Tuệ:
- Hay thay! Hay thay! Như lời ông nói: Các Đại Bồ-tát nếu đắc môn Đà-la-ni như vậy thì có nói ra lời gì dù một câu một chữ cũng đều là lời Phật. Những lời đã nói ra này đều xa lìa sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Vì sao? Vì pháp được nói ra đây chẳng phải thế tục, nên vô cùng vô tận, có thể làm cho tất cả thân tâm nhẹ nhàng thoải mái. Giả sử được nói trước trăm ngàn đức Phật cũng chẳng khiếp nhược. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát này được Phật gia trì, tâm không có sự chấp đắm, nghĩa là không đắm ngã, không đắm hữu tình, không đắm các pháp. Do đó, chứng được chơn như thanh tịnh, pháp giới thanh tịnh, thật tế thanh tịnh, được pháp vô tận, văn tự vô tận, biện tài vô tận. Ngay khi ấy phát sanh sự hoan hỷ thù thắng vì được diệu tuệ, vì được diệu trí, vì không còn lưới nghi.
Lúc Phật nói môn Tổng trì này, có tám ngàn Bồ-tát đắc các pháp như vậy, không nhập môn Đà-la-ni. Lại có một vạn hai ngàn Bồ-tát đắc Bất thối chuyển. Năm ngàn Bồ-tát đắc Vô sanh nhẫn. Một vạn sáu ngàn chúng Thiên tử xa lìa trần cấu, sanh pháp nhãn thanh tịnh, vô lượng, vô biên các loài hữu tình đều phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Bấy giờ, Phật bảo Tịch Tĩnh Tuệ:
- Ðà-la-ni này có thể chinh phục các ma, đánh dẹp ngoại đạo, phá hoại người ganh ghét pháp, đốt đèn Bát-nhã, dập tắt lửa phiền não, ủng hộ người thuyết pháp đưa họ đến Niết-bàn; điều phục nội tâm, khéo léo giáo hóa chúng ngoài; dung nghi nghiêm chỉnh, người thấy vui mừng. Vì người chánh hạnh, bình đẳng thuyết pháp. Như thật quán sát căn tánh hữu tình, truyền pháp đúng lúc không trước, không sau.
Khi Phật nói các công đức như thế, trong thế giới tam thiên đại thiên, tất cả biển cả, núi chúa Diệu Cao, đất liền, các núi khác v.v... đều chấn động. Bấy giờ, trời rưới hoa Vi Diệu Âm, hoa đại Vi Diệu Âm, hoa Diệu Linh Thụy, hoa đại Diệu Linh Thụy, hoa sen xanh, hoa sen vàng, hoa sen đỏ, hoa sen trắng, hoa Ca-mạt-la. Trong không trung, chư Thiên trổi các kỹ nhạc.
Ðức Thế Tôn lại bảo Tịch Tĩnh Tuệ:
- Thiện nam tử! Vô lượng, vô biên, vô số kiếp không thể nghĩ bàn trong quá khứ có đức Phật ra đời tên là Bảo Nguyệt, đầy đủ mười hiệu, nước tên Vô Hủy, kiếp tên Hỷ Tán. Ðệ tử Thanh văn ba mươi hai ức. Đệ tử Bồ-tát nhiều vô lượng, vô biên. Nhưng đức Như Lai ấy trước đó không có việc khổ hạnh và hàng phạt ma mà chứng Bồ-đề.
Khi ấy, trong chúng kia có một Bồ-tát tên Bảo Công Ðức đủ biện tài kỳ diệu, có thể vì hữu tình nói nhiều loại pháp. Khi đó, các chúng thỉnh cầu đức Như Lai ấy đừng vào Niết-bàn, trụ lâu ở đời. Bảo Công Ðức bảo đại chúng:
- Chư Phật Thế Tôn không sanh không diệt, cần gì khuyến thỉnh chớ vào Niết-bàn. Nếu hư không ấy vào Niết-bàn thì Như Lai mới thể vào đại Niết-bàn. Nếu có chơn như pháp giới, thật tế, cảnh giới bất tư nghì vào Niết-bàn thì Như Lai mới thể vào đại Niết-bàn. Vì sao? Vì pháp của Như Lai không thành, không hoại, không nhiễm, không tịnh, chẳng phải thế gian, chẳng phải xuất thế gian, chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi; chẳng phải thường, chẳng phải đoạn; giả sử một miệng mà có mười lưỡi, mỗi mỗi lưỡi này lại sanh ra một trăm lưỡi, mỗi lưỡi này lại sanh ra ngàn lưỡi cũng không thể nói Như Lai thành hay hoại, cho đến không thể nói có thường hay đoạn. Vì sao đại chúng lại thỉnh cầu Như Lai chớ vào Niết-bàn để trụ lâu ở đời?
Khi Bảo Công Ðức nói pháp ấy, có tám vạn sáu ngàn các chúng Bồ-tát được Bất thối chuyển. Bảy ngàn chúng Đại Bồ-tát đều đắc môn Đà-la-ni và được vô biên công đức: Môn Đà-la-ni duyệt ý, Đà-la-ni vô ngại, Đà-la-ni hoan hỷ, Đà-la-ni đại bi, Đà-la-ni nguyệt ái, Đà-la-ni nguyệt quang, Đà-la-ni nhật ái, Đà-la-ni nhật quang, Đà-la-ni núi chúa Diệu Cao, Đà-la-ni biển cả sâu rộng, Đà-la-ni công đức Bảo vương. Ba vạn sáu ngàn đại chúng trời, người xa lìa trần cấu, sanh pháp nhãn thanh tịnh.
Thế Tôn lại bảo Tịch Tĩnh Tuệ:
- Bảo Công Ðức ngày xưa nay chính là ông. Do nhân duyên này ông mới có thể nói được các loại công đức của môn Đà-la-ni.
Khi ấy, Đại Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi nói bài tụng:
Tổng trì như thuốc hay,
Chữa được các bệnh mê.
Cũng như cam lồ thiên,
Ai uống thường an vui.
Đại Bồ-tát Công Ðức Hoa Vương lại nói bài tụng:
Tổng trì không văn tự,
Văn tự hiển tổng trì.
Nhờ Bát-nhã đại bi,
Lìa lời dùng lời nói.
Bấy giờ, Thiên vương San-đổ-sử-đa liền từ tòa đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, chệch y che vai trái, gối phải quì sát đất, chấp tay cung kính thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn! Công đức của chư Phật không thể nghĩ bàn. Những điều Phật nói không thể nghĩ bàn. Các Đại Bồ-tát đã hành thắng hạnh, đã thuyết diệu pháp không thể nghĩ bàn. Chúng con và các trời nhờ đời trước đã trồng căn lành sâu dày, được gặp Như Lai nghe thuyết diệu pháp thâm sâu như vậy, nên đem vô lượng hương hoa tốt đẹp của trời rải dâng lên cúng dường Như Lai.
Phật bảo Thiên vương:
- Thiên vương nên biết! Những người muốn cúng dường Phật Thế Tôn phải tu ba pháp:
Một là phát tâm Bồ-đề.
Hai là hộ trì chánh pháp.
Ba là như pháp tu hành.
Thiên vương nên biết! Nếu người nào có thể tu học ba pháp này mới được gọi là chơn thật cúng dường Phật. Giả sử Như Lai trụ đời một kiếp, nói về công đức đã đạt được nhờ sự cúng dường này cũng không thể hết. Vì thế Thiên vương! Nếu ai muốn cúng dường đức Phật Thế Tôn mà đủ ba pháp ấy gọi là chơn thật cúng dường.
Thiên vương nên biết! Nếu ai ủng hộ đức Phật dù chỉ là một bài tụng bốn câu, thì tức là ủng hộ chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai đã chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Vì sao? Vì quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề mà chư Phật Thế Tôn đã chứng là từ pháp sanh. Người cúng dường pháp gọi là chơn cúng dường, là sự cúng dường đệ nhất, hơn hết trong các sự cúng dường, sự cúng dường của cải chẳng thể sánh bằng.
Thiên vương nên biết! Ta nhớ về quá khứ vô lượng, vô số kiếp không thể nghĩ bàn, khi tinh tấn siêng năng tu học đạo Bồ-tát, nghe chư Thiên trong hư không nói bài kệ:
Hai người xa lìa vua các giặc,
Kho báu lớn không bị xâm nhập.
Trăm ngàn vạn kiếp khó nghe pháp,
Ðược nghe không giữ, chẳng giảng dạy.
Tâm đại Bồ-đề hộ chánh pháp,
Như pháp tu hành tâm vắng lặng.
Từ lợi, lợi tha tâm bình đẳng,
Đây mới gọi chơn cúng dường Phật.
Thiên vương nên biết! Ở quá khứ khi mới nghe bài tụng này ta liền nói cho người khác. Khi ấy, có tám ngàn các loài hữu tình đồng phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Thế nên Thiên vương dùng pháp cúng dường là tối thắng đệ nhất. Vì sao? Vì quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật từ pháp mà sanh vậy.
XIV. PHẨM KHUYÊN RĂN
01

Bấy giờ, Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, chệch y che vai trái, gối phải quì sát đất, chấp tay cung kính thưa Phật:
- Như Lai đã nói Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu. Vậy trong đời vị lai khi chánh pháp sắp diệt, và trong giai đoạn chuyển tiếp có hữu tình nào có thể tin nhận không? Nếu các thiện nam tử, thiện nữ v.v... nghe thuyết kinh này tin nhận không hủy báng, thì những người như vậy được công đức gì?
Phật bảo Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi:
- Thiện nam tử! Trong đời vị lai khi chánh pháp sắp diệt, trong giai đoạn chuyển tiếp, có những thiện nam, thiện nữ v.v... đã từng ở chỗ của vô lượng, vô biên đức Phật tu hành tịnh giới, tịnh lự, Bát-nhã, là Phật tử chơn chánh, có thể tin kinh này, cho đến công đức đạt được không thể tính kể. Các pháp thắng thiện đều từ Bát-nhã sanh. Nếu có người tin nhận không hủy báng, thì nay Ta sẽ nói ví dụ cho ông.
Mạn-thù-thất-lợi! Châu Thiệm-bộ này chu vi bảy ngàn do-tuần, phía Bắc rộng, Nam hẹp, hình giống như chiếc thùng xe. Người ở trong đó, mặt cũng như vậy. Giả sử người ở châu Thiệm-bộ này toàn là Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác, đông như thóc, lúa, gai, trúc, cỏ, sậy, lau, mía, rừng v.v… nhiều không có chỗ trống; trong suốt tuổi thọ dài ngắn của Thánh chúng kia, có những thiện nam, thiện nữ v.v… đem các thứ thượng diệu ở thế gian như: Đồ ăn, nước uống, y phục, giường nằm, thuốc thang v.v... dâng lên cúng dường với tâm thanh tịnh; sau khi Thánh chúng kia nhập Niết-bàn, họ thâu xá-lợi, xây dựng bảo tháp, trang trí cúng dường; hoặc đem bảy báu đầy cả châu Thiệm-bộ chứa đến Phạm cung, đem hết bảy báu ấy dâng cúng đến từng Thánh chúng. Suốt cả ngày đêm cúng dường liên tục không gián đoạn, cho đến hết tuổi thọ của mình.
Mạn-thù-thất-lợi! Ý ông thế nào? Do nhân duyên này mà các thiện nam, thiện nữ v.v... đây được phước nhiều chăng?
Mạn-thù-thất-lợi liền thưa:
- Bạch Thế Tôn! Rất nhiều. Bạch Thiện Thệ! Rất nhiều!
Phật bảo Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi:
- Nếu thiện nam, thiện nữ v.v... đối với kinh này thường tin nhận không hủy báng, thì sẽ được phước nhiều hơn phước bố thí trước gấp trăm lần, ngàn lần, cho đến vô cực lần.
Mạn-thù-thất-lợi! Ở châu Ðông Thắng Thân, chu vi tám ngàn do-tuần, hình như bán nguyệt, mặt người ở đó cũng vậy. Giả sử người ở châu Ðông Thắng Thân toàn là bậc Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác, đông như thóc, lúa, gai, trúc, cỏ, sậy, lau, mía, rừng v.v... nhiều không có chỗ trống; trong suốt tuổi thọ dài ngắn của Thánh chúng kia, có những thiện nam, thiện nữ v.v... đem các thứ thượng diệu ở thế gian: Đồ ăn, nước uống, y phục, đồ nằm, thuốc thang v.v... dâng lên cúng dường với tâm thanh tịnh; sau khi Thánh chúng kia nhập Niết-bàn, họ thâu lấy xá-lợi, xây dựng bảo tháp cúng dường trang nghiêm; hoặc đem bảy báu chứa đầy châu Ðông Thắng Thân đến Phạm cung, đem hết bảy báu ấy dâng cúng từng Thánh chúng. Suốt cả ngày đêm cúng dường liên tục không gián đoạn, cho đến hết tuổi thọ của mình.
Mạn-thù-thất-lợi! Ý ông thế nào? Do nhân duyên này mà các thiện nam, thiện nữ v.v... đây được phước nhiều chăng?
Mạn-thù-thất-lợi liền bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Rất nhiều. Bạch Thiện Thệ! Rất nhiều.
Phật bảo Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi:
- Nếu các thiện nam, thiện nữ v.v... đối với kinh này thường tin nhận không hủy báng, thì sẽ được phước hơn phước bố thí ở trước gấp trăm lần, ngàn lần, cho đến vô cực lần.
Mạn-thù-thất-lợi! Ở châu Tây Ngưu Hóa, chu vi chín ngàn do-tuần, hình như trăng tròn, mặt người ở đó cũng như vậy. Giả sử người ở châu Tây Ngưu Hóa toàn là bậc Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác, đông như thóc, lúa, gai, trúc, cỏ, sậy, lau, mía, rừng v.v... nhiều không có chỗ trống; trong suốt tuổi thọ dài ngắn của Thánh chúng kia, có những thiện nam, thiện nữ v.v... đem các thứ thượng diệu của thế gian: Đồ ăn, nước uống, y phục, đồ nằm, thuốc thang v.v... dâng lên cúng dường với tâm thanh tịnh; sau khi Thánh chúng kia nhập Niết-bàn, họ thâu lấy xá-lợi, xây tháp cúng dường trang nghiêm; hoặc đem bảy báu chứa đầy châu Tây Ngưu Hóa cho đến Phạm cung, đem hết bảy báu ấy cúng dường cho từng Thánh chúng. Suốt cả ngày đêm cúng dường liên tục không gián đoạn, cho đến hết tuổi thọ của mình.
Mạn-thù-thất-lợi! Ý ông thế nào? Do nhân duyên này mà các thiện nam, thiện nữ v.v... đây được phước nhiều chăng?
Mạn-thù-thất-lợi liền thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn! Rất nhiều. Bạch Thiện Thệ! Rất nhiều.
Phật bảo Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi:
- Nếu đối với kinh này, các thiện nam, thiện nữ v.v... thường tin nhận, không hủy báng thì sẽ được phước hơn phước bố thí trước gấp trăm lần, ngàn lần, cho đến vô cực lần.
Mạn-thù-thất-lợi! Ở châu Bắc Câu-lô, chu vi mười ngàn do-tuần, hình nó vuông thẳng, mặt người ở đó cũng vậy. Giả sử châu Bắc Câu-lô toàn là bậc Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán và Độc giác, đông như thóc, lúa, gai, trúc, cỏ, sậy, lau, mía, rừng v.v... nhiều không có chỗ trống; trong suốt tuổi thọ dài ngắn của Thánh chúng kia, có những thiện nam, thiện nữ v.v... đem các thứ thượng diệu ở thế gian: Đồ ăn, nước uống, y phục, giường nằm, thuốc thang v.v... dâng lên cúng dường với tâm thanh tịnh; sau khi Thánh chúng kia nhập Niết-bàn, họ thâu xá-lợi, xây tháp cúng dường trang nghiêm; hoặc đem bảy báu chứa đầy châu Câu-lô cho đến Phạm cung, đem hết bảy báu ấy cúng dường cho từng Thánh chúng. Suốt cả ngày đêm cúng dường liên tục không gián đoạn, cho đến hết tuổi thọ của mình.
Mạn-thù-thất-lợi! Ý ông thế nào? Do nhân duyên này mà các thiện nam, thiện nữ v.v... đây được phước nhiều chăng?
Mạn-thù-thất-lợi liền thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn! Rất nhiều. Bạch Thiện Thệ! Rất nhiều.
Phật bảo Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi:
- Đối với kinh này, nếu các thiện nam, thiện nữ v.v... thường tin nhận, không hủy báng thì sẽ được phước hơn phước bố thí trước gấp trăm lần, ngàn lần, cho đến vô cực lần.
Quyển thứ 572
HẾT

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 600 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.139.104.23 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập