Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại;
giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to!
(Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
HỘI THỨ 16
PHẨM BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
01
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Bạc-già-phạm ở bên ao Cò trắng, trong vườn Trúc Lâm thuộc thành Vương Xá, cùng đông đủ chúng Bí-sô một ngàn hai trăm năm mươi người, và vô lượng, vô số Đại Bồ-tát, từ các cõi Phật đồng đến tập hợp, đều là Bồ-tát còn một đời nữa. Khi ấy, hơn trăm ngàn chúng cung kính vây quanh nghe Thế Tôn thuyết pháp.
Trong chúng có vị Đại Bồ-tát tên Thiện Dũng Mãnh, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, chệch y che vai trái, gối phải quì sát đất, chắp tay cung kính bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Con muốn thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác chút nghĩa sâu xa, cúi xin Thế Tôn thương xót cho chúng con hỏi, Thế Tôn trả lời.
Phật bảo:
- Thiện Dũng Mãnh! Như Lai cho ông hỏi, tùy ý ông hỏi Ta sẽ trả lời, để lòng ông vui mừng.
Đại Bồ-tát Thiện Dũng Mãnh bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Những chỗ mà đức Thế Tôn vì chúng Đại Bồ-tát giảng nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sao gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa? Đại Bồ-tát làm sao tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa? Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa làm sao mau được viên mãn? Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa làm sao tất cả ác ma không phá được, mà còn biết rõ được những việc của ma? Làm sao Bồ-tát an trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa mau viên mãn pháp trí nhất thiết?
Phật khen ngợi Đại Bồ-tát Thiện Dũng Mãnh:
- Lành thay! Lành thay! Thiện nam tử! Nay ông mới có thể thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy. Ông đã vì chúng Đại Bồ-tát được nghĩa lợi ích, cũng muốn cho chúng sanh được lợi ích, cũng muốn cho chúng sanh được an lạc, thương xót tất cả chúng sanh ở thế gian, muốn cho chư thiên và loài người được lợi ích an lạc, muốn làm ánh sáng cho Đại Bồ-tát v.v… đời này đời sau nên thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này.
Khi ấy, Phật biết mà hỏi lại Đại Bồ-tát Thiện Dũng Mãnh:
- Này Thiện nam tử! Ông quán nghĩa nào mà hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy?
Đại Bồ-tát Thiện Dũng Mãnh bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Vì con đang thương xót tất cả hữu tình mà làm việc lợi ích an vui, nên thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế.
Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thông đạt tất cả pháp Thanh văn, Độc giác, Bồ-tát và Chánh đẳng giác. Cúi xin Thế Tôn thương xót chúng con mà giảng nói đủ cảnh trí Như Lai.
Nếu loài hữu tình nào đối với tánh Thanh văn thừa đã quyết định, nghe pháp này rồi mau chứng được tự địa vô lậu. Nếu loài hữu tình nào đối với tánh Độc giác thừa đã quyết định, nghe pháp này rồi mau nương tự thừa mà được ra khỏi. Nếu loài hữu tình nào đối với tánh Vô thượng thừa đã quyết định, nghe pháp này rồi mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Nếu loài hữu tình nào tuy chưa hay đã nhập vào Chánh tánh ly sanh, mà đối với tánh tam thừa không quyết định, nghe pháp này rồi đều phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Cúi xin Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác trả lời câu hỏi về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, khiến cho thiện căn các hữu tình thêm sanh trưởng.
Bạch Thế Tôn! Nay con không vì các hữu tình tin hiểu thấp kém, mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Cũng không vì các hữu tình giữ tâm nghèo cùng, mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Cũng không vì các hữu tình trở thành hàng bần cùng, mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Cũng không vì các hữu tình lười biếng trễ nãi, mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Cũng không vì các hữu tình bị biếng lười che khuất, mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Cũng không vì các hữu tình rơi vào bùn ác kiến, mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Cũng không vì các hữu tình mắc phải lưới ma, mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Cũng không vì các hữu tình không hỗ thẹn, mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Cũng không vì các hữu tình tánh không liêm khiết, cần kiện, mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Cũng không vì các hữu tình quên mất chánh niệm, mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Cũng không vì các hữu tình tâm thường mê loạn, mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Cũng không vì các hữu tình chìm trong bùn lầy tham dục, mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Cũng không vì các hữu tình làm nhiều hành động dối trá, mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Cũng không vì các hữu tình làm nhiều dối gạt, mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Cũng không vì các hữu tình chẳng biết đền ơn, mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Cũng không vì các hữu tình đầy đủ ác dục, mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Cũng không vì các hữu tình muốn làm hạnh ác, mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Cũng không vì các hữu tình phá hoại giới pháp, mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Cũng không vì các hữu tình giới không thanh tịnh, mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Cũng không vì các hữu tình hủy hoại chánh kiến, mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Cũng không vì các hữu tình muốn thích hành động trong cảnh giới của ma, mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Cũng không vì các hữu tình ưa khen ngợi mình, mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Cũng không vì các hữu tình ưa chê bai hủy báng người, mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Cũng không vì các hữu tình yêu chuộng lợi dưỡng, mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Cũng không vì các hữu tình ngầm tham đắm y bát, mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Cũng không vì các hữu tình ngầm làm việc dối trá, mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Cũng không vì các hữu tình ưa dệt lời xằng bậy, mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Cũng không vì các hữu tình dối hiện dị tướng, mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Cũng không vì các hữu tình cầu xin ép buộc, mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Cũng không vì các hữu tình đem lợi cầu lợi, mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Bạch Thế Tôn! Nay con không vì các loài hữu tình ô uế ấy, mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Lại nữa, Bạch Thế Tôn! Nếu các hữu tình thâm tâm vui thích trí nhất thiết trí, trí vô trước, trí tự nhiên, trí vô đẳng đẳng, trí vô thượng, thì nay con cũng vì họ mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Nếu các hữu tình đối với sở hữu của mình còn không sở đắc, huống nữa tự khen ngợi mình, thì con vì họ thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Nếu các hữu tình đối với sở hữu của người khác còn không sở đắc, huống nữa chê bai, huỷ báng người ta, thì con vì họ thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Nếu các hữu tình xô ngã kiêu mạn như bẻ sừng thú, thì con vì họ mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Nếu các hữu tình muốn nhổ các loại tên độc phiền não, thì con vì họ mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Nếu các hữu tình tâm họ khiêm hạ như đứa con Chiên-đà-la, thì con vì họ mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Nếu các hữu tình tâm họ bình đẳng như tứ đại hư không, thì con vì họ mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Nếu Đại Bồ-tát đối với tất cả pháp còn không có sự đắc, cũng không chấp trước, huống gì đối với phi pháp, thì con vì họ mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Nếu Đại Bồ-tát ý muốn thanh tịnh, không nịnh, không dối, tính chất ngay thẳng, thì con vì họ mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Nếu Đại Bồ-tát trong tâm bình đẳng, thương xót, muốn làm lợi lạc cho tất cả hữu tình, thì con vì họ mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Nếu Đại Bồ-tát thường đối với pháp lành chỉ dạy, khuyên răn, hướng dẫn, khen ngợi, vui mừng tất cả hữu tình, thì con vì họ mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Nếu Đại Bồ-tát gánh nổi gánh lớn, cỡi được xe lớn, dựng nên việc lớn, thì con vì họ mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Nếu Đại Bồ-tát đem lòng từ bi, làm lợi lạc cho tất cả hữu tình, thì con vì họ mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Nếu Đại Bồ-tát đối với các hữu tình có thể làm người dẫn đường, hướng đạo thù thắng và đi khắp nơi, thì con vì họ mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Nếu Đại Bồ-tát đối với tất cả pháp không bị lệ thuộc, thì con vì họ mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Nếu Đại Bồ-tát đối với các chỗ sanh không có sự mong cầu, thì con vì họ mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Nếu Đại Bồ-tát thoát khỏi lưới của tất cả ác ma, thì con vì họ mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Nếu Đại Bồ-tát có vui thích lớn, đầy đủ tinh tấn lớn, thường không buông lung, thì con vì họ mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Nếu Đại Bồ-tát muốn đến bờ các pháp rốt ráo kia, thì con vì họ mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Nếu Đại Bồ-tát muốn khéo đoạn diệt tất cả lưới nghi, thì con vì họ mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Nếu Đại Bồ-tát đối với trí Phật chứng còn không kiêu mạn, không chấp, không đắm huống là đối với trí khác, thì con vì họ mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Nếu Đại Bồ-tát vượt khỏi tất cả kiêu mạn chấp trước, có thể trụ trong chánh đạo, có khả năng hành chánh đạo, thuyết giảng chánh đạo, thì con vì họ mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Nếu Đại Bồ-tát nào luôn vì lợi ích cho tất cả hữu tình, mà làm cho được lợi ích, làm cho an lạc, giúp hữu tình được an ổn, thì con vì họ mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Bạch Thế Tôn! Con vì ban bố khắp cho tất cả hữu tình niềm an vui không nhiễm, niềm an vui vô thượng, niềm an vui không gì hơn, niềm an vui của Niết-bàn, niềm an vui của chư Phật, niềm an vui vô vi, nên thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Con vì muốn đoạn hẳn các thứ lưới nghi, dây phiền não ràng buộc cho tất cả hữu tình, nên thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Con vì muốn cắt đứt các thứ lưới nghi, dây phiền não ràng buộc, nên thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Nếu chính con tự cắt đứt các thứ lưới nghi, dây phiền não ràng buộc, thì mới có thể như thật vì các hữu tình nói các pháp yếu, đoạn dứt lưới nghi, trừ dây phiền não.
Vì sao? Vì tất cả hữu tình đều thích an vui, đồng chán nguy khổ, tất cả hữu tình đều tìm cách cầu an vui. Con hoàn toàn chẳng thấy có chút an lạc nào đáng mong cầu, chỉ trừ Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Con hoàn toàn chẳng thấy có chút an vui nào đáng cầu, chỉ trừ Đại Bồ-tát thừa.
Con hoàn toàn chẳng thấy có chút an vui nào đáng cầu, chỉ trừ Đại thừa.
Con xem thấy nghĩa lợi như thế muốn ban bố cho hữu tình những sự an vui mầu nhiệm, nên thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Con xem thấy chúng Đại Bồ-tát được nghĩa lợi như thế, nên thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, cúi xin Thế Tôn thương xót mà trả lời cho.
Phật bảo Đại Bồ-tát Thiện Dũng Mãnh:
- Lành thay! Lành thay! Thiện nam tử! Ông có thể thương xót đại chúng sanh v.v… nên thưa Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Do duyên này ông được công đức vô lượng. Ông nên lắng nghe, suy nghĩ cho kỹ, Ta sẽ phân biệt, giảng nói cho ông.
Thiện Dũng Mãnh đáp:
- Bạch Thế Tôn! Hay thay! Cúi xin Thế Tôn giảng dạy, chúng con muốn được nghe.
Phật bảo Đại Bồ-tát Thiện Dũng Mãnh:
- Những điều mà ông đã hỏi Thế Tôn ở trước đều là vì chúng Đại Bồ-tát mà tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa. Sao gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa?
Các ông nên biết! Thật chẳng có chút pháp nào có thể gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa. Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa vượt qua tất cả con đường danh ngôn.
Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thật không thể nói đây là Bát-nhã ba-la-mật-đa. Cũng không thể nói Bát-nhã ba-la-mật-đa thuộc kia, không thể nói Bát-nhã ba-la-mật-đa do kia, cũng không thể nói Bát-nhã ba-la-mật-đa từ kia.
Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Vì trí tuệ có thể thấu đạt thật tánh các pháp, nên gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa. Trí tuệ của Như Lai còn không thể đắc, huống chi đắc Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Thiện Dũng Mãnh! Bát-nhã ấy nghĩa là hiểu các pháp và biết các pháp nên gọi là Bát-nhã.
Thiện Dũng Mãnh! Bát-nhã hiểu các pháp là sao?
Nghĩa là các pháp khác nhau, nên danh ngôn cũng khác nhau, nhưng tất cả pháp không lìa danh ngôn. Nếu hiểu các pháp hoặc biết các pháp đều chẳng thể nói, nhưng theo sự hiểu biết của hữu tình mà nói, nên gọi là Bát-nhã.
Thiện Dũng Mãnh! Bát-nhã ấy nghĩa là giả thiết lập. Do giả thiết lập nên gọi là Bát-nhã. Nhưng tất cả pháp chẳng thể thiết lập, không thể chuyển động, không thể giảng nói, không thể trình bày, biết như vậy gọi là như thật biết.
Thiện Dũng Mãnh! Bát-nhã đó không phải là biết, không phải không biết, không phải đây, không phải chỗ khác, nên gọi là Bát-nhã.
Này Thiện Dũng Mãnh! Bát-nhã ấy là sở hành của trí, sở hành phi trí, chẳng phải cảnh phi trí, cũng cảnh phi trí, vì trí xa lìa tất cả cảnh.
Nếu trí là cảnh tức là phi trí, không từ phi trí mà được có trí.
Cũng không từ trí mà có phi trí, không từ phi trí mà có phi trí.
Cũng không từ trí mà được có trí, không do phi trí mà gọi là trí.
Cũng không do trí mà gọi là phi trí, không do phi trí mà gọi là phi trí.
Cũng không do trí mà gọi là trí, tức phi trí gọi là trí. Do đây tức trí gọi là phi trí. Trong đây, trí không thể hiển thị nên gọi là trí, không thể hiển thị thuộc về trí này, không thể hiển thị nguyên do của trí này, không thể hiển thị từ trí này, nên trong trí không có thật tánh trí, cũng không có thật trí trụ trong tánh trí.
Trí và tánh trí đều bất khả đắc, phi trí cùng tánh cũng lại như vậy, chắc chắn không do phi trí gọi là trí.
Nếu do phi trí gọi là trí thì tất cả phàm phu đều có trí.
Nếu có như thật đối với trí, phi trí thì đều không thể đắc.
Đối với trí, phi trí như thật biết khắp, đây gọi là trí. Nhưng thật tánh trí chẳng phải như đã nói.
Vì sao? Vì thật tánh trí lìa ngôn ngữ. Trí chẳng phải cảnh của trí, chẳng phải cảnh phi trí. Vì trí vượt khỏi tất cả cảnh, không thể nói đây là cảnh của trí hay phi trí.
Thiện Dũng Mãnh! Đây gọi là như thật giảng nói tướng trí. Như vậy, tướng trí thật không thể nói, không thể hiển bày, nhưng theo sự hiểu biết của hữu tình mà trình bày. Ai có thể biết cũng không thể nói. Cảnh trí còn không có huống có kẻ trí. Nếu có thể như thật biết, như thật tuỳ ngộ thì gọi là Bát-nhã.
Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu có thể hiện quán tác chứng được như thế, thì gọi là Bát-nhã xuất thế. Bát-nhã xuất thế đã nói như vậy cũng không thể nói.
Vì sao? Vì thế gian còn không có huống là có xuất thế gian. Sự xuất còn không có huống chi là người xuất. Do đây, Bát-nhã xuất thế cũng không có.
Vì sao? Vì hoàn toàn không đắc thế gian, xuất thế gian, người xuất và sự xuất, nên gọi là Bát-nhã xuất thế. Nếu có sở đắc thì không gọi là Bát-nhã xuất thế. Tánh của Bát-nhã này cũng bất khả đắc, vì xa lìa tánh khả đắc của hữu và vô.
Này Thiện Dũng Mãnh! Thế gian gọi là giả lập, không thể dựa vào thế gian giả lập mà thật có xuất thế. Nhưng vì ra khỏi các sự giả lập nên gọi xuất thế. Xuất thế đối với thế gian chẳng thật có xuất hay không xuất.
Vì sao? Vì trong này hoàn toàn không có pháp xuất hay có thể xuất, nên gọi xuất thế. Xuất thế ấy không có thế gian và xuất thế gian. Không xuất không phải không xuất nên gọi xuất thế. Nếu như thật biết rõ như vậy gọi là Bát-nhã xuất thế. Như vậy, Bát-nhã chẳng phải như đã nói.
Vì sao? Vì Bát-nhã xuất thế vượt khỏi tất cả đường ngôn ngữ, tuy gọi xuất thế mà không có sự xuất, tuy gọi Bát-nhã mà không có sự biết. Sự xuất, sự biết bất khả đắc; hay xuất hay biết cũng bất khả đắc. Như thật biết như vậy gọi là Bát-nhã xuất thế. Do đây nên Bát-nhã vuợt ra tất cả. Thế nên gọi là Bát-nhã xuất thế.
Này Thiện Dũng Mãnh! Đây cũng gọi là thông đạt Bát-nhã. Như vậy, thông đạt Bát-nhã là thế nào?
Nghĩa là Bát-nhã này không có sự thông đạt. Nếu Bát-nhã này có sự thông đạt tức là giả lập. Nếu là giả lập thì không gọi là Bát-nhã thông đạt. Nghĩa là đối với trong này hoàn toàn không có gì cả. Không có ở đây, không có ở kia, cũng không ở giữa, không có được thông đạt, không có bị thông đạt, không nơi thông đạt, không có thời gian thông đạt, không người thông đạt, nên gọi là thông đạt.
Lại ở trong này hoàn toàn không sở hữu, không có người hành, không có nơi hành, không đây, không kia, cũng không ở giữa, nên gọi thông đạt, lại là thông đạt tuệ. Nói thông đạt là thông đạt tuệ. Thông đạt này hoàn toàn không sở hữu, không trên, không dưới, không chậm, không mau, không tiến, không lui, không qua, không lại nên gọi là thông đạt.
Này Thiện Dũng Mãnh! Tuệ thông đạt là thông đạt cái gì? Nghĩa là có sự thấy hoàn toàn thông đạt.
Do cái gì thông đạt? Do Bát-nhã thông đạt.
Như vậy, Bát-nhã làm sao thông đạt? Là tướng giả lập mà có thông đạt. Các tướng giả lập tất cả là phi tướng. Như vậy, phi tướng gọi là tướng giả lập.
Này Thiện Dũng Mãnh! Ai thành tựu Bát-nhã như vậy tức là có thể như thật thông đạt ba cõi. Như thật thông đạt ba cõi là thế nào? Nghĩa là không phải ba cõi gọi là ba cõi.
Vì sao? Vì trong này không có cõi để thông đạt. Thông đạt ba cõi tức chẳng phải cõi. Do thông đạt ba cõi nên gọi là thành tựu thông đạt Bát-nhã.
Thế nào là thành tựu thông đạt Bát-nhã? Là không có việc nhỏ nào mà không thông đạt hoàn toàn. Đối với tất cả việc hoàn toàn thông đạt nên gọi là thông đạt Bát-nhã. Như vậy, Bát-nhã đối với tất cả việc đều siêu việt. Nếu thành tựu Bát-nhã như vậy thì các điều thấy, nghe, ngửi, nếm, biết đều thông đạt.
Thông đạt cái gì? Nghĩa là vô thường, khổ, bệnh, ung nhọt, tên bắn, không, trở ngại, hại, khác, hoại, hoại pháp, động, mau diệt, không ngã, không sanh, không diệt, không tướng v.v…
Này Thiện Dũng Mãnh! Ai thông đạt như vậy thì gọi là mát mẻ, như xa lìa tên bắn. Như có vị lương y giỏi được mệnh danh là lìa mũi tên. Những chỗ bị tên bắn, ông ta đều có thể chữa lành, thuốc độc không còn trong vết thương. Vì nhờ công lực của dược thảo mà trừ khử được hết. Nếu các Bí-sô thành tựu được pháp mát mẻ lìa mũi tên này, gọi là thành tựu thông đạt Bát-nhã. Nếu đầy đủ sáu hằng tánh thông đạt Bát-nhã, thì xa lìa tất cả nhiễm trước ba cõi, vượt khỏi lưới của tất cả ác ma.
Này Thiện Dũng Mãnh! Ví như Kim cương khoan được các vật, khoan chỗ nào cũng xuyên qua. Cũng vậy, nếu các Bí-sô v.v… đạt được Kim cương dụ, do được tuệ thông đạt dung nạp, nên quán pháp gì cũng đều thông đạt. Tuệ thông đạt này được định Kim cương dụ bảo hộ, quán đến pháp nào cũng đều thông đạt. Nếu ai thành tựu trí tuệ thông đạt này, có thể xuất thế gian, diệt hết các khổ, dù đạt đến các khổ đã tận nhưng không bị đắm nhiễm. Tuệ thông đạt này cũng gọi là ba minh.
Này Thiện Dũng Mãnh! Gọi là minh là vĩnh viễn diệt trừ vô minh. Đây cũng gọi là biết khắp vô minh, cũng gọi là khái niệm diệt khổ uẩn.
Như vị lương y thông minh biết rộng, làm điều gì cũng xem xét rõ ràng, nhờ thế mà thành tựu trí tuệ xem xét vi diệu, biết rõ các thuốc, hiểu rõ nguyên nhân của bệnh, biết rõ bệnh tướng có thể chữa nhiều chứng bệnh khổ. Bất cứ bệnh tật nào cũng chữa lành.
Vì sao? Vì người ấy thông thạo về thuốc, nguyên nhân, tướng trạng của bệnh, phương pháp hòa hợp thuốc, cho nên có thể trừ tất cả bệnh khổ. Nếu ai có thể thành tựu minh thứ ba (lậu tận minh), thì có thể diệt các vô minh, dứt tất cả khổ, trừ tất cả sanh, già, bệnh, chết và các pháp sầu than, khổ, ưu, não. Đây gọi là thông đạt Bát-nhã xuất thế.
Này Thiện Dũng Mãnh!
Ta nương nghĩa này mật ý nói: Tất cả thế gian tuệ là hơn hết, nghĩa là thông đạt thật tánh các pháp. Nhờ chánh tri này làm cho chấm dứt sanh vào các cõi.
Sự chấm dứt sanh vào các cõi là khái niệm gì? Là khái niệm thông đạt xuất ra, chìm mất.
Vì sao gọi là thông đạt xuất ra và chìm mất? Nghĩa là hoàn toàn thông đạt các pháp có tập khởi, đều có pháp diệt tận. Như vậy gọi là thông đạt xuất và chìm.
Này Thiện Dũng Mãnh! Xuất là khái niệm về sanh, chìm là khái niệm về diệt. Tuy là nói vậy nhưng không nói có xuất hay có chìm.
Này Thiện Dũng Mãnh! Những gì tập khởi chẳng thật có pháp xuất.
Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Vì tập khởi là bình đẳng xuất, chẳng phải bình đẳng có xuất, cũng chẳng phải có chìm; bình đẳng tuỳ khởi nên gọi là tập khởi. Bình đẳng tùy khởi là trong này không có xuất, không có chìm. Như vậy, tự thể tự nhiên phá hoại gọi là diệt. Trong đó không có vật gì cả nên nói là diệt, nghĩa là vô gián diệt; không phải ở đây sanh ra là nơi đây có diệt, nên nói là diệt, mà không sanh cũng gọi là diệt. Như vậy, thông đạt hoặc xuất, hoặc chìm, không sanh, không diệt nên gọi là thông đạt hoặc xuất, hoặc chìm.
Này Thiện Dũng Mãnh! Nói thông đạt là có thể biết khắp về các duyên khởi, do các duyên mà các pháp được khởi, nên gọi là duyên khởi. Như vậy, duyên khởi hoàn toàn không sở hữu, nên gọi là sự thông đạt duyên khởi. Đây gọi là biết khắp duyên khởi. Nghĩa là có thể hiểu rõ như thật không khởi, vì không khởi nên gọi là duyên khởi. Bình đẳng không khởi nên gọi là duyên khởi, với chỗ này khởi còn không có, huống chi có diệt. Tùy sự hiểu rõ duyên khởi hoặc thuận, hoặc trái đều bất khả đắc. Vì không đẳng khởi nên gọi là duyên khởi; nếu không đẳng khởi thì không có sanh; nếu không có sanh thì không có quá khứ, cũng không có đã sanh. Nếu không có quá khứ, cũng không có đã sanh, thì không có diệt; nếu không có diệt tức vô sanh trí. Do vô sanh trí nên không sanh cũng không chứng diệt. Do vô sanh nên cũng không diệt. Do có sanh nên thiết lập có diệt, đã không có sanh nên không có diệt. Đối với tất cả pháp thấy biết, thông đạt tác chứng như vậy gọi là tận trí.
Thiện Dũng Mãnh! Tận trí là chấm dứt sự vô tri (không biết) nên gọi là tận trí. Thế nào gọi là tận? Là do không tận nên gọi là tận, không thấy có pháp nào để gọi là tận; nhưng lìa vô tri nên gọi là tận trí. Tức là chấm dứt vô tri gọi là tận trí, biết khắp tất cả pháp vô tri nên gọi là chấm dứt vô tri. Do chấm dứt vô tri nên gọi là tận trí, chẳng phải pháp vô tri có tận, không tận; nhưng lìa vô tri nên gọi là tận trí, như thật biết khắp. Pháp vô tri này hoàn toàn không sở hữu, nên gọi là lìa. Như vậy, do trí biết pháp vô tri, không riêng biệt, có thể đắc nên gọi là xa lìa vô tri; nhưng pháp vô tri thật bất khả đắc. Trí còn không có huống là có vô tri.
Nếu người có thể tận đắc giải thoát thì gọi là tận trí. Tuy nói như vậy mà như không nói. Đã có trí tận thì hoàn toàn không thể nói, chỉ là giả danh. Nên nói chấm dứt vô tri cũng gọi là tận trí. Nếu đem vô tận tận trí mà xem xét các pháp, thì tận trí cũng không. Nếu biết như vậy liền lìa tận trí, cho đến bờ vô tận. Bờ vô tận này tức là không bờ, cũng là bờ Niết-bàn. Tuy nói như vậy mà như không nói.
Vì tất cả pháp đều là không bờ, cũng là bờ Niết-bàn, các bờ dứt hẳn gọi là Niết-bàn. Tuy nói như vậy mà như không nói. Vì bờ Niết-bàn lìa ngôn ngữ, tất cả ngôn ngữ trong ấy hoàn toàn dứt hẳn.
Này Thiện Dũng Mãnh! Như Lai tuy nói cõi Niết-bàn, mà như không nói. Vì cõi Niết-bàn hoàn toàn không thể nói, vượt tất cả sự nói. Trong cõi Niết-bàn dứt hẳn các lời nói. Nếu nói tướng cõi Niết-bàn như thế, tức là nói tướng thông đạt Bát-nhã xuất thế.
Này Thiện Dũng Mãnh! Chẳng phải Niết-bàn có thể nói phương xứ ở đây, ở kia. Nên Niết-bàn thật không thể nói.
Này Thiện Dũng Mãnh! Sao trong này gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa?
Thiện Dũng Mãnh! Chẳng phải Bát-nhã ba-la-mật-đa này có thể đắc một phần nhỏ xa bờ kia.
Thiện Dũng Mãnh! Nếu Bát-nhã ba-la-mật-đa này có một phần nhỏ nào xa bờ kia, thì Như Lai nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có xa bờ kia.
Thiện Dũng Mãnh! Chẳng phải Bát-nhã ba-la-mật-đa này có xa được, nên không nói đây có bờ bên kia.
Này Thiện Dũng Mãnh! Bát-nhã ba-la-mật-đa này nghĩa là tác nghiệp diệu trí, rốt ráo đến bờ kia của tất cả pháp, nên gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa. Tuy nói như vậy mà như không nói.
Vì sao? Vì chẳng phải ngữ, chẳng phải nghiệp, có thể đến Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không thể nói được.
Này Thiện Dũng Mãnh! Bát-nhã ba-la-mật-đa tùy sự hiểu rõ các pháp, nếu có thể tùy sự hiểu rõ tức trái giác ngộ.
Vì sao? Vì trong đây không có vật để gọi là tùy sự hiểu rõ. Tùy sự hiểu rõ không, nên giác ngộ cũng không. Tức là đối với các pháp không thông đạt nghĩa, tùy sự hiểu rõ thông đạt pháp tánh bình đẳng là Bồ-đề. Tùy sự hiểu rõ các pháp nên gọi là Bồ-đề. Làm sao có thể tuỳ sự hiểu rõ các pháp, vì trong đây không có vật để gọi Bồ-đề, nên đối với trong đây cũng không có tùy sự hiểu rõ?
Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Vì nếu có đắc được chút phần Bồ-đề nào, tức là trong Bồ-đề đắc Bồ-đề. Nhưng trong Bồ-đề không có Bồ-đề, nên làm như vậy là hiện chứng Bồ-đề. Vì chẳng tùy sự hiểu rõ, chẳng thông đạt nên gọi là giác ngộ. Tuy nói như vậy mà như không nói. Vì tất cả pháp không thể tuỳ sự hiểu rõ, không thể thông đạt. Lại pháp và phi pháp đều không có tự tánh, do giác ngộ lý này nên gọi là Bồ-đề.
Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Vì không phải các Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác có thể đắc Bồ-đề. Không phải các Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác có thể rõ Bồ-đề. Vì như thật Bồ-đề không thể rõ, không thể nêu ra, không phải các Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác sanh Bồ-đề, vì tánh Bồ-đề không sanh, không khởi.
Này Thiện Dũng Mãnh! Nói Bồ-đề là không có sự ràng buộc, chẳng phải trong Bồ-đề có chút hữu tình, thiết lập hữu tình. Ở trong Bồ-đề không có hữu tình, thiết lập hữu tình. Tại sao nói rằng Tát-đỏa (hữu tình) là sở hữu Bồ-đề, mà phải nói Bồ-đề Tát-đỏa của Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Này Thiện Dũng Mãnh! Không phải trong Bồ-đề có thể đắc Bồ-đề, chẳng phải trong Bồ-đề có thể đắc Tát-đỏa.
Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Vì Bồ-đề siêu việt, Bồ-đề không sanh, Bồ-đề không khởi, Bồ-đề không tướng. Không phải trong Bồ-đề có tánh Tát-đỏa, không phải trong Bồ-đề có thể đắc Tát-đỏa. Không do Tát-đỏa thiết lập Bồ-đề, không do Bồ-đề thiết lập Tát-đỏa. Vì tùy sự hiểu rõ Tát-đỏa không có tự tánh nên gọi là Bồ-đề, biết trong Bồ-đề thật không có Tát-đỏa, nên gọi là Bồ-đề Tát-đỏa.
Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Bồ-đề Tát-đỏa không phải tưởng Tát-đỏa hiện bày. Trừ tưởng Tát-đỏa nên gọi là Bồ-đề. Tuy nói như vậy mà như không nói.
Vì sao? Vì Bồ-đề Tát-đỏa lìa ngôn ngữ. Bồ-đề Tát-đỏa lìa tánh Tát-đỏa. Bồ-đề Tát-đỏa lìa tưởng Tát-đỏa, biết Bồ-đề như vậy nên gọi là Bồ-tát.
Làm sao Bồ-tát có thể biết Bồ-đề? Nghĩa là biết Bồ-đề siêu việt tất cả, Bồ-đề không tạo, Bồ-đề không sanh, Bồ-đề không diệt. Không phải tánh Bồ-đề có thể rõ Bồ-đề. Cũng không phải Bồ-đề hiển bày, không thể hiện rõ, không thể thiết lập, không thể dẫn chuyển, nên gọi là Bồ-đề. Nếu không thể trái ngược tùy sự hiểu rõ, thông đạt, không sự phân biệt, dứt hẳn phân biệt thì gọi là Bồ-đề Tát-đỏa. Tuy nói như vậy mà như không nói.
Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Vì Bồ-đề Tát-đỏa không thể đắc vậy. Nếu Bồ-đề Tát-đỏa có thể đắc, tức đắc đây là Bồ-đề, đây thuộc Bồ-đề, đây là Tát-đỏa, đây thuộc Tát-đỏa; nhưng không thể nói đây là Bồ-đề, đây thuộc Bồ-đề, cũng không thể nói đây là Tát-đỏa, đây thuộc Tát-đỏa. Vì có thể tùy sự hiểu rõ thật không có Tát-đỏa. Không có tánh Tát-đỏa, lìa tánh Tát-đỏa nên gọi là Bồ-tát. Do không có Tát-đỏa, trừ tưởng Tát-đỏa nên gọi là Bồ-tát.
Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Cõi hữu tình tức là khái niệm không thật có hữu tình. Chẳng phải trong hữu tình có tánh hữu tình. Hữu tình không có nên gọi là cõi hữu tình. Nếu trong hữu tình có tánh hữu tình thì không nói là cõi hữu tình. Cõi hữu tình ấy tức là hiện không cõi. Vì cõi hữu tình không có tánh cõi. Nếu cõi hữu tình có tánh cõi thì phải thật có mạng, tức là thân. Nếu cõi hữu tình lìa tánh cõi mà có, thì phải thật có mạng, tức là có thân khác. Nhưng cõi hữu tình không thật tánh cõi, chỉ do thế tục giả nói là cõi. Không phải trong cõi hữu tình có tánh cõi, cũng không phải trong tánh cõi có cõi hữu tình. Không phải tánh cõi là cõi hữu tình, không phải lìa tánh cõi có cõi hữu tình. Vì tất cả pháp không có tánh cõi.
Này Thiện Dũng Mãnh! Ta nương nghĩa này, mật ý nói các cõi hữu tình không thể thiết lập có vơi có đầy.
Vì sao? Vì cõi hữu tình không có tánh, các cõi hữu tình lìa có tánh, như vậy cõi hữu tình không thể thiết lập có vơi có đầy. Các pháp cũng vậy, không thể thiết lập có vơi có đầy. Vì tất cả pháp đều không thật tánh, không thể nói có vơi có đầy. Nếu có thể tùy sự hiểu rõ các pháp như thế, tức gọi là tùy sự hiểu rõ Phật pháp. Ta nương nghĩa này, mật ý nói như cõi hữu tình không thể thiết lập có vơi có đầy. Các pháp cũng vậy, không thể thiết lập có vơi có đầy. Nếu tất cả pháp không vơi không đầy, thì lấy không chơn thật làm phương tiện, tức là Phật pháp không vơi không đầy. Như vậy, tùy sự hiểu rõ tất cả pháp, tức gọi Phật pháp không vơi không đầy. Vì tất cả pháp không vơi không đầy nên gọi là Phật pháp. Phật pháp tức không phải khái niệm Phật pháp, chẳng phải Phật pháp có vật khiến có thể vơi hoặc đầy được.
Vì sao? Vì tùy sự hiểu rõ tất cả pháp, nếu có thể tùy sự hiệu rõ tánh tất cả pháp, thì trong ấy không có pháp hoặc vơi hoặc đầy. Tất cả pháp ấy, nên biết là khái niệm pháp giới. Không phải pháp giới ấy có vơi có đầy.
Vì sao? Vì pháp giới kia không có bờ bến, chẳng phải hữu tình giới và pháp giới kia sai khác có thể đắc; không phải hữu tình giới và pháp giới kia hoặc vơi hoặc đầy, hoặc đắc hoặc mất. Tùy sự hiểu rõ như vậy tức gọi là Bồ-đề. Do đây nên nói không phải Phật pháp có thể đắc, có thể thiết lập có vơi có đầy.
Này Thiện Dũng Mãnh! Không có tánh vơi đầy. Nếu người có thể như thật không phân biệt gọi là người thấy như thật. Chẳng phải ở trong đây có lấy có bỏ, tùy sự hiểu rõ như vậy gọi là Bồ-đề.
Thiện Dũng Mãnh! Bồ-đề tức là tướng Phật. Sao gọi là tướng Phật? Nghĩa là tất cả tướng rốt ráo vô tướng tức là tướng Phật.
Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Vì rốt ráo vô tướng cùng tướng Bồ-đề là tự tánh xa lìa. Như vậy, tùy sự hiểu rõ gọi là Bồ-đề. Tuy nói như vậy mà như không nói.
Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Cần có thể tùy sự hiểu rõ pháp như thế, nên gọi là Bồ-đề. Nếu có Bồ-tát nào thật không biết rõ pháp tánh như vậy mà bảo ta có thể như thật tùy sự hiểu rõ, tự xưng là Bồ-tát. Phải biết người ấy xa bậc Bồ-tát, xa pháp Bồ-tát, đem danh Bồ-tát dối gạt trời, người, A-tố-lạc v.v…
Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu chỉ dùng lời dối tự xưng là Bồ-tát, thành Bồ-tát ấy thì tất cả hữu tình chẳng lẽ đều là Bồ-tát.
Này Thiện Dũng Mãnh! Không phải chỉ lời dối vào bậc Bồ-tát, được pháp Bồ-tát, chẳng do lời nói mà chứng được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Không do ngữ nghiệp tự xưng danh mà liền được Bồ-đề. Cũng không do lời tự xưng danh vào bậc Bồ-tát, được pháp Bồ-tát.
Này Thiện Dũng Mãnh! Tất cả hữu tình hành hạnh Bồ-đề, không biết, không hiểu thật tánh các pháp, thì không gọi là Bồ-tát.
Vì sao? Vì chẳng biết hữu tình, chẳng phải hữu tình vậy. Nếu biết hữu tình chẳng phải tánh hữu tình là hành hạnh Bồ-đề, nên thành Bồ-tát. Nhưng do các hữu tình điên đảo, không thể hiểu rõ việc làm của mình, cảnh giới của mình, hành xứ của mình. Nếu như thật biết rõ việc làm của mình, thì hành không còn phân biệt. Bởi hành phân biệt, nên tất cả phàm phu ngu si duyên cảnh hư dối, khởi hành điên đảo. Cũng duyên Bồ-đề mà khởi kiêu mạn chấp trước. Vì họ duyên vọng cảnh, sanh ra điên đảo kiêu mạn, hành hạnh phân biệt nên không thể đắc pháp của các Bồ-tát, huống là đắc Bồ-đề. Nếu ai có thể biết rõ pháp ấy như vậy, thì chẳng còn khởi hành duyên hư dối, cũng không còn duyên các pháp sanh kiêu mạn. Đây gọi là Bồ-tát hành nơi vô hành.
Bồ-tát không nên do phân biệt mà khởi hành phân biệt. Nếu ở chỗ này không có sự phân biệt, thì không phải ở chỗ này mà có sự hành. Nếu ở chỗ này không khởi phân biệt, thì không phải ở chỗ này lại có sự hành. Chư Phật Bồ-tát đối với tất cả hành không có sự phân biệt mà tu hành. Tất cả kiêu mạn rốt ráo không khởi, Bồ-tát biết tất cả pháp như vậy. Đối với tất cả pháp không còn dính vào, không còn phân biệt, không dạo, không đi. Như vậy, gọi là chơn hạnh Bồ-tát, lấy vô sở hành làm phương tiện. Nếu các Bồ-tát có thể hành như thế thì gọi là Bồ-tát chơn hạnh.
Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Vì có thể tùy sự hiểu rõ các pháp, thông đạt các pháp nên gọi là Bồ-tát.
Này Thiện Dũng Mãnh! Nên biết không hữu tình tức là khái niệm Bồ-tát. Vì có thể từ bỏ tất cả tưởng.
Vì sao? Vì có thể rõ suốt tất cả hữu tình chẳng thật hữu tình.
Tất cả hữu tình đều không phải hữu tình.
Tất cả hữu tình đều là điên đảo chấp trước hữu tình.
Tất cả hữu tình đều là biến kế sở chấp hữu tình.
Tất cả hữu tình đều là hư dối sở duyên hữu tình.
Tất cả hữu tình đều là bại hoại tự hành hữu tình.
Tất cả hữu tình đều là vô minh duyên hành hữu tình.
Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Nếu pháp của tất cả hữu tình, chẳng có các loài hữu tình tạo tác pháp kia, thì gọi là vô minh duyên hành hữu tình.
Pháp nào không có? Nghĩa là chấp ta, chấp của ta, chính ta chấp cái của ta, sự chấp ấy là nắm giữ, bám víu, pháp đó chẳng có. Nếu có pháp đó thì tất cả hữu tình đều chấp là ta, chấp là của ta, chính ta chấp cái của ta, sự chấp kia là nắm giữ, bám víu, nên cho là thật có, không gọi hư dối. Không có pháp đó mà các hữu tình vọng chấp là ta, chấp là của ta, chính ta chấp cái của ta, sự chấp ấy là nắm giữ, bám víu đều không thật có, đều là hư dối, nên nói thế này: Tất cả hữu tình không thật hữu tình, tất cả hữu tình đều là vô minh duyên hành hữu tình.
Này Thiện Dũng Mãnh! Không phải hữu tình là có chút thật pháp có thể chấp là ta, hoặc chấp là của ta, hoặc là hai chấp ấy nắm giữ, bám víu đều không thật pháp. Nên nói tất cả hữu tình là không thật hữu tình; nên biết không hữu tình ấy là khái niệm chẳng thật. Nói chẳng thật ấy phải biết đó là khái niệm không phải hữu tình, như trong tưởng không thật hữu tình, tất cả hữu tình vọng chấp là thật; nên nói tất cả hữu tình không thật hữu tình.
Này Thiện Dũng Mãnh! Nói không thật ấy là đối với trong này không thật, không khởi. Vì tất cả pháp đều là không chơn thật, cũng không phát khởi. Hữu tình trong này do hư dối chấp trước mà tự ràng buộc. Nên có thể nói tất cả hữu tình đều là hư dối, duyên theo hữu tình, họ đối với việc làm của mình không thể hiểu rõ, nên nói là không thật hữu tình. Tức là trong nghĩa này phải giác ngộ viên mãn cùng khắp. Nếu họ đối với các hành có giác ngộ viên mãn cùng khắp, thì biết người ấy gọi là Bồ-tát. Quyển thứ 593
HẾT
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 52.14.7.53 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.