Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Phật Thuyết Đại Bát Nê Hoàn Kinh [佛說大般泥洹經] »» Bản Việt dịch quyển số 4 »»

Phật Thuyết Đại Bát Nê Hoàn Kinh [佛說大般泥洹經] »» Bản Việt dịch quyển số 4

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 1.46 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.86 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Đại Bát Nê Hoàn

Kinh này có 6 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 |
Việt dịch: Thích Nguyên Hùng

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Quyển 4
Phẩm thứ 9: TỨ Y

[875c] Đức Phật lại bảo ngài Ca-diếp rằng:
- Trong kinh Đại bát-nê-hoàn này có bốn hạng người xuất hiện giữa thế gian. Họ có khả năng hướng đến chính pháp, hộ trì chính pháp. Họ có thể làm bốn chỗ nương tựa, đem đến rất nhiều sự giải thoát và nhiều sự lợi ích. Bốn hạng ấy gồm: Một là phàm phu chưa lìa phiền não xuất hiện ở đời, đem đến rất nhiều sự giải thoát và nhiều sự lợi ích. Hai là hạng người chứng Tu-đà-hoàn hoặc Tư-đà-hàm. Ba là hạng người chứng A-na-hàm. Bốn là hạng người chứng A-la-hán. Đó là bốn hạng người làm chỗ nương tựa rất chân thật, đem đến rất nhiều sự giải thoát và nhiều sự lợi ích.
- Hạng phàm phu là những người tự mình giữ gìn giới đức, đầy đủ uy nghi, vì để hộ pháp nên đã lãnh thụ chính pháp Như Lai, đọc tụng, thọ trì câu chữ, nghĩa lý, giảng giải rộng rãi cho người khác nghe, sống ít tham muốn, lại vì người khác giảng dạy tám điều đại nhân giác ngộ[178], giáo hóa những người phạm giới khiến họ ăn năn sám hối, biết nhiều ngôn ngữ của các chúng sinh, tập hành công đức hộ trì chính pháp của hàng bồ-tát. Hạng này gọi là đệ nhất phàm phu trong hàng bồ-tát. Dù vậy, hàng phàm phu này chưa được Như Lai thụ ký cho vào địa vị bồ-tát.
- Hạng Tu-đà-hoàn và Tư-đà-hàm là những người đã chứng đắc chính pháp, lìa mọi nghi hoặc. Họ không bao giờ dạy người những thứ kinh sách phi pháp, luận ký văn vẻ ca tụng thế gian xa khế kinh Phật, hay nuôi nô tỳ, giữ vật phi pháp. Hạng này là Tu-đà-hoàn bồ-tát. Tuy họ chưa đắc địa vị bồ-tát thứ hai, thứ ba, nhưng họ đã được chư Phật thụ ký[179] ngay ở đời này.
- A-na-hàm là đã đắc chính pháp, lìa mọi hồ nghi. Họ không bao giờ dạy người những thứ kinh sách phi pháp, luận ký văn vẻ ca tụng thế gian xa Khế kinh Phật, hay nuôi nô tỳ, giữ vật phi pháp. Phiền não chưa khởi họ đã biết ngay. Còn những phiền não trong thời quá khứ họ đã đoạn sạch không còn trở lại. Những pháp họ thuyết không đoạn Phật tính, đức hạnh thanh tịnh, thân không có bệnh từ bên ngoài vào; rắn độc bốn đại[180] làm chỗ nương tựa cho các mầm bệnh cũng không thể sinh; khéo giảng vô ngã độ người chấp ngã[181]. Họ đã xa lìa ngô ngã thế gian nhưng vẫn phương tiện tùy thuận thế gian. Họ chỉ thuyết giảng giáo pháp Đại thừa, không thuyết gì khác. Trong thân chẳng có vô lượng não hoạn của tám vạn trùng. Tâm lìa ái dục, không có ác mộng. Thoát tất cả hữu và nạn sinh tử. Người làm được vậy là A-na-hàm. Không còn trở lại cõi đời này nữa là A-na-hàm. Huân tập công đức qua nhiều thời gian, bao nhiêu điều ác không thể nhiễm vào là A-na-hàm. Gọi A-na-hàm này là bồ-tát phát tâm thụ ký. Phát tâm thụ ký nghĩa là người ấy không bao lâu nữa sẽ thành Phật đạo.
- A-la-hán là phiền não đã hết, lìa mọi gánh nặng, những việc cần làm đều đã làm xong, đầy đủ thập địa[182], đã được thụ ký pháp nhẫn[183] thậm thâm. Họ có khả năng hóa hiện mọi hình về mọi phương diện tùy theo ý muốn. Là bậc Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Giác. Đầy đủ công đức như vậy gọi là bậc A-la-hán.
- Trong kinh Đại Bát-nê-hoàn này có bốn hạng người đó xuất hiện ở đời, đem đến rất nhiều sự giải thoát và nhiều sự lợi ích, làm thầy trời, người giống như chư Phật. Bốn hạng người này làm chỗ chúng sinh nương tựa chân thật.
Bồ-tát Ca-diếp bạch với Phật rằng:
- Kính bạch Thế Tôn! Con không tin rằng bốn hạng người đó có thể làm chỗ nương tựa chân thật. Bởi vì sao vậy? Bởi vì Thế Tôn từng dạy trưởng giả Cù-sư-la[184] rằng: “Nếu như thiên ma, phạm ma hóa hiện làm thân đức Phật, đủ ba hai tướng, tám mươi vẻ đẹp, vầng hào quang tròn rộng đến một tầm, hiện tướng lông trắng giữa hai chân mày, đến chỗ của ông, ông phải biết cách hàng phục ma ấy. Nay Ta khuyên ông hàng phục bọn ma xấu ác thế kia. Bởi vì sao vậy? Vì không phải là bậc a-la-hán mà lại tự xưng là a-la-hán. Giả sử bọn ma xấu ác biến hóa nhiều trò ngồi, nằm ở giữa hư không, hông trái phun lửa, hông phải phun nước, toàn thân cháy đỏ tan thành mây khói, hoặc có thể thuyết chín bộ khế kinh… ông cũng đừng tin. Vì vậy ông phải hàng phục bọn ma xấu ác đó đi chớ sinh nghi hoặc. Thí như ban đêm con chó ăn vụng vào nhà người ta. Chủ nhà biết được có chó vào nhà lập tức la mắng: “Con chó chết tiệt, hãy mau cút đi, nếu không ta sẽ giết chết bây giờ”! Thế là con chó nhanh chóng bỏ chạy, không dám trở lại. Ác ma Ba-tuần cũng y như vậy. Nếu ác ma đến biến hóa thì ông hãy lấy năm pháp trói buộc[185] của Ta để trói buộc chúng. Bị năm pháp này trói buộc rồi thì ác ma Ba-tuần sợ hãi chạy nhanh, như chó ăn vụng”. Đức Phật còn vì ông Cù-sư-la mà nói lời rằng: “Nay ông có thể hàng phục ác ma thì ông đã gần đến chỗ nê-hoàn”. Kính bạch Thế Tôn! Vậy thì tại sao hôm nay lại nói bốn hàng người kia làm chỗ nương tựa rất là chân thật? Vì lý do đó con nay chẳng tin.
Phật bảo Ca-diếp:
- Đúng vậy thiện nam! Ta nói pháp này cho hàng Thanh văn đầy đủ hục nhãn hàng phục chúng ma, chứ không phải cho những người thực hành giáo pháp Đại thừa. Trong hàng Thanh văn tuy có thiên nhãn nhưng Ta vẫn nói họ còn nhục nhãn. Nhưng người nhục nhãn mà tin Đại thừa thì Ta vẫn nói họ có Phật nhãn. Bởi vì sao vậy? Bởi vì những người trì kinh Đại thừa chính là Phật thừa[186]. Lại nữa thiện nam! Giống như đại tướng biết giỏi binh pháp, dạy cho một người tính tình hèn nhát những môn võ thuật, bảo kẻ ấy rằng: “Ông phải nắm chặt đao kiếm chiến đấu, giữ vững tâm mình như ngọn lửa dữ, cẩn thận chớ có quay đầu trở lại. Đến lúc lâm trận hãy nắm giữ chặt binh khí trên tay đại chiến với giặc giống như mãnh hỏa, binh giặc chắc chắn sẽ bị đánh lui”. Đại Hùng Thế Tôn, tướng quân ba cõi, dạy hàng Thanh văn hàng phục chúng ma cũng y như vậy. Lại nữa thiện nam! Thí như một người bản tính dũng mãnh, lại được học thêm binh pháp chiến đấu, chẳng hề khiếp sợ, là kẻ đứng đầu trong hàng chiến sĩ. Cũng vậy, thiện nam! Những người học tập khế kinh Đại thừa thâm sâu vi diệu chẳng còn sợ hãi. Phải biết người ấy đã từng cúng dường vô lượng chư Phật, đã từng thụ học giáo pháp Đại thừa, niềm tin của họ vô cùng vững chắc, cho dù ức trăm ngàn ma biến hóa trọn không sợ hãi, dù chỉ một niệm nhỏ như lông tóc, nhưng chúng ma kia thấy người thụ học kinh điển Đại thừa thì sinh sợ hãi, như kẻ hèn nhát. Thí như rắn độc thấy thuốc trị độc thì sinh sợ hãi, thiên ma Ba-tuần cũng y như vậy. Ức trăm ngàn ma nghe được âm thanh kinh điển Đại thừa, hoặc nghe hương thơm, thấy kinh chiếu sáng thì bao kiêu mạn, cống cao, tự đại thảy đều tiêu hết. Lại nữa thiện nam! Thí như con người nếu thấy rồng dữ, rắn độc, sư tử, hổ, báo, chó sói ai cũng sợ hãi, hoặc chỉ nghe tiếng cũng đã sợ rồi. Nhưng lại có người có được khả năng hàng phục ác thú như kẻ trượng phu. Người thấy ác thú sinh lòng sợ hãi thì cũng giống như hết thảy những hàng Thanh văn, Duyên giác nhìn thấy chúng ma. Nếu thấy chúng ma sinh lòng sợ hãi thì bị chúng ma làm cho lung lạc. Còn như trượng phu có được khả năng hàng phục ác thú, nên biết những người học kinh Đại thừa cũng y như vậy, họ có khả năng hàng phục chúng ma, đã hàng phục rồi lại còn thuyết pháp, như người trượng phu hàng phục thú độc. Bọn ma Ba-tuần tâm đã điều phục liền nói lời rằng: “Từ nay về sau, đối với chính pháp con sẽ phát tâm vui vẻ tin ưa, không dám nhiễu loạn”. Nên biết Thanh văn thì còn phiền não, tập khí sợ hãi; còn người Đại thừa đã diệt hoàn toàn tập khí sợ hãi. Người Đại thừa là dõng mãnh tinh tấn. Vì vậy Ta nói những hàng Thanh văn phải nên hàng phục, chớ sinh sợ hãi. Như vậy, thiện nam! Bản kinh Đại thừa Đại bát-nê-hoàn rất là hy hữu. Nếu nghe kinh này thì cũng giống như Phật còn tại thế. Người nào tin nhận cũng là hy hữu. Như hoa ưu-đàm rất khó được gặp, kinh Đại thừa này cũng y như vậy, thật là hy hữu. Ta nê-hoàn rồi, nếu ai gặp được kinh Đại thừa này cũng y như vậy, rất là hy hữu. Ta nê-hoàn rồi, nếu chúng sinh nào nghe được kinh này cũng rất hy hữu. Vì sao hy hữu? Này thiện nam tử! Vì đời tương lai có nhiều chúng sinh hủy báng kinh này.
Bồ-tát Ca-diếp bạch đức Phật rằng:
- Kính bạch Thế Tôn! Nếu như sau này có nhiều chúng sinh hủy báng kinh này, vậy thì tương lai ai sẽ là người hộ trì chính pháp?
Phật bảo Ca-diếp:
- Sau Ta diệt độ pháp này lưu bố khoảng 40 năm, sau đó ẩn mất. Này thiện nam tử! Thí như người đời lấy mía, lúa, gạo, tô du[187], nhũ lạc[188] dùng làm thức ăn. Có nhiều chúng sinh ăn uống thứ này thì sinh ra bệnh, trái lại ăn uống hoa trái thô cứng lại thấy ngon lành như người ăn uống lúa gạo, tô du… Kinh điển Đại thừa lại không muốn nghe chính là hạng người ăn thứ hoa trái, cỏ cây thô cứng, và đó chính là hàng Thanh văn thừa[189], bỏ mất mỹ thực kinh pháp Đại thừa Đại bát-nê-hoàn, không ưa muốn nghe.
[877a] Lại nữa thiện nam! Thí như ông vua ở trong núi sâu, không có thức ăn lúa gạo, tô du… Nhân dân ông ấy có nhiều thức ngon đều dâng lên vua, còn tự thân mình ăn uống những thứ hoa trái thô cứng. Nhiều người gần gũi với lại nhà vua được thừa hưởng ân, bấy lâu chưa từng thấy thức ăn ngon mà nay được ăn. Cũng vậy, thiện nam! Bốn hạng người này là những tướng quân dõng mãnh bậc nhất ở trong Phật pháp, là đại bồ-tát trong hàng bồ-tát. Nếu có một người xuất hiện ở đời, những nơi họ đến đều lấy kinh điển Đại bát-nê-hoàn giáo hóa chúng sinh, tự mình sao chép, dạy người sao chép, làm cho quyển kinh đến với mọi loài. Nếu chúng sinh nào ở gần với bậc đại bồ-tát ấy nghe được pháp thực Đại thừa nê-hoàn sẽ được thần lực quang minh của họ khiến người nghe kinh, dù chưa từng biết câu cú, nghĩa lý, thậm chí một chữ, được nhuần lợi ích, như những chúng sinh nhờ ân của vua được ăn mỹ thực. Vì vậy, thiện nam! Bản kinh Đại thừa Đại bát-nê-hoàn đến ở nơi nào phải biết chỗ ấy đất thành kim cương, chúng sinh chỗ ấy nghe được pháp này, thụ trì đọc tụng dù chỉ một chữ, phải biết thân họ cũng thành kim cương. Còn những chúng sinh bạc đức thiếu phước không muốn thụ trì kinh điển Đại thừa dù cho chính pháp lưu thông khắp nước, như những chúng sinh trong đất nước mình có bao nhiêu loại thực phẩm thượng vị mà chẳng muốn ăn. Thương thay chúng sinh nghe nghĩa chân thật mà chẳng tin nhận!
Bồ-tát Ca-diếp lại bạch Phật rằng:
- Kính bạch Thế Tôn! Phật diệt độ rồi pháp này tồn tại khoảng 40 năm, sau đó ẩn mất, vậy trong bao lâu pháp này sẽ được lưu bố trở lại?
Phật bảo Ca-diếp:
- Này thiện nam tử! Sau Ta nê-hoàn, lúc chính pháp còn hơn 80 năm, là lúc kinh điển Đại thừa lưu bố khắp Diêm-phù-đề, qua 40 năm, kinh này lại ẩn.
Ca-diếp lại bạch:
- Như Thế Tôn dạy, lúc kinh Đại bát-nê-hoàn này ẩn, sau đó lại hiện ở giữa cuộc đời, bấy giờ những người trì giới rất ít, người phạm giới nhiều, chính pháp ẩn mất, đường chính tổn giảm, vậy thì người nào có được khả năng tin nhận pháp này? Ai sẽ giữ gìn? Ai đọc? Ai tụng? Ai sẽ cúng dường? Ai sẽ giảng giải? Ai biên chép kinh, dạy người sao chép? Cúi xin Thế Tôn phân biệt giải thích, khiến mọi chúng sinh nhờ đó được độ. Chư vị bồ-tát ưa học pháp sâu, nghe Thế Tôn dạy sẽ vâng làm theo.
Phật bảo Ca-diếp:
- Lành thay! Lành thay! Này thiện nam tử! Nếu chúng sinh nào phát tâm bồ-đề với chư Như Lai nhiều số như cát của sông Hi-liên, thì mới có thể đối với chính pháp lúc sắp diệt tận phát tâm bồ-tát, dù chưa quyết định đắc đạo vô thượng, nhưng không phỉ báng kinh Phương đẳng[190] này.
- Nếu chúng sinh nào phát tâm bồ-đề với chư Như Lai nhiều như số cát của một sông Hằng thì mới có thể đối với chính pháp lúc sắp diệt tận không khởi phỉ báng kinh điển Phương đẳng, lại còn khởi tâm vui thích tin nhận, nhưng chưa khả năng giảng rộng cho người.
- Nếu chúng sinh nào phát tâm bồ-đề với chư Như Lai nhiều như số cát của hai sông Hằng thì mới có thể đối với chính pháp lúc sắp diệt tận không khởi phỉ báng kinh điển Phương đẳng, mà tự thân còn thụ học thêm nữa, nhưng cũng chưa có khả năng dạy người.
- Nếu chúng sinh nào phát tâm bồ-đề với chư Như Lai nhiều như số cát của ba sông Hằng thì mới có thể đối với chính pháp lúc sắp diệt tận không khởi phỉ báng kinh điển Phương đẳng, lại có khả năng tin nhận, thuyết giảng, biên chép kinh điển, nhưng chưa khả năng hiểu được nghĩa lý.
- Nếu chúng sinh nào phát tâm bồ-đề với chư Như Lai nhiều như số cát của bốn sông Hằng thì mới có thể đối với chính pháp lúc sắp diệt tận không khởi phỉ báng kinh điển Phương đẳng, lại có khả năng tin nhận, thuyết giảng, hiểu được một phần mười sáu nghĩa lý thâm sâu của kinh.
- Nếu chúng sinh nào phát tâm bồ-đề với chư Như Lai nhiều như số cát của năm sông Hằng thì mới có thể đối với chính pháp lúc sắp diệt tận không khởi phỉ báng kinh điển Phương đẳng, lại có khả năng tin nhận, thuyết giảng, biên chép, gìn giữ, hiểu một phần tám nghĩa lý thâm sâu.
- Nếu chúng sinh nào phát tâm bồ-đề với chư Như Lai nhiều như số cát của sáu sông Hằng thì mới có thể đối với chính pháp lúc sắp diệt tận không khởi phỉ báng kinh điển Phương đẳng, lại có khả năng tin nhận, thuyết giảng, biên chép, giữ gìn, hiểu một phần tư nghĩa lý thâm sâu.
- Nếu chúng sinh nào phát tâm bồ-đề với chư Như Lai nhiều như số cát của bảy sông Hằng thì mới có thể đối với chính pháp lúc sắp diệt tận không khởi phỉ báng kinh điển Phương đẳng, lại có khả năng tin nhận, thuyết giảng, giữ gìn, biên chép, dạy người biên chép, hiểu một phần hai nghĩa lý thâm sâu.
- Nếu chúng sinh nào phát tâm bồ-đề với chư Như Lai nhiều như số cát của tám sông Hằng thì mới có thể đối với chính pháp lúc sắp diệt tận không khởi phỉ báng kinh điển Phương đẳng, lại có khả năng tin nhận, biên chép, dạy người biên chép, giữ gìn, đọc tụng, giảng giải, truyền bá, khéo léo ẩn mật, gìn giữ chở che, khéo léo hiển thị, thương xót thế gian, khuyên người cung kính cúng dường kinh điển, chuyển dạy người khác cung kính cúng dường, trí tuệ đầy đủ, hiểu sâu nghĩa lý, khéo biết Như Lai là pháp thường trụ, chẳng phải là pháp thay đổi, hủy diệt, an ổn khoái lạc, khéo hiểu chúng sinh ai cũng đều có tự tính Như Lai, khai mở chúng sinh hiểu rõ điều đó. Chư bồ-tát này trong thuở quá khứ đã từng phụng sự vô lượng chư Phật, vì vậy nên có khả năng hộ trì chính pháp Như Lai. Nếu như hôm nay người ấy lại phát tâm bồ-đề thì đời sau người ấy cũng sẽ kham nhận hộ trì chính pháp và những việc như biên chép, đọc tụng, hiểu nghĩa, giảng giải cho chúng sinh khác họ đều thành tựu.
- Này thiện nam tử! Nên quán xét rằng, ở đời hiện tại và đời tương lai nếu có người nào tin ưa giáo pháp, phát tâm bồ-đề, phải biết người ấy chính là hộ pháp.
- Lại nữa, thiện nam! Có bọn ngoại đạo vì tham lợi dưỡng, nghe Phật nê-hoàn, liền la lên rằng: “Phật chết hẳn rồi”! Bọn chúng không có một chút lo buồn, ngược lại thêm vui. Ở đời tương lai, trong pháp của Ta, có kẻ giả dạng đắp áo ca-sa xuất gia học đạo, lười biếng, buông lung, phỉ báng khế kinh nê-hoàn, Phương đẳng… phải biết bọn này chính là những hạng dị đạo hôm nay. Vì vậy những ai tin sâu giáo pháp, ưa thích Phương đẳng, Đại bát-nê-hoàn đều là những người thành tựu vô lượng công đức thù thắng. Này thiện nam tử! Giả sử người này trong kiếp quá khứ đã từng tạo tác vô lượng tội lỗi, gieo nhiều nghiệp ác, đáng lẽ phải chịu vô lượng quả báo khổ ở cuộc đời, hoặc bị khinh khi, hoặc rất xấu xí, áo quần chẳng đủ, ăn uống thiếu thốn, cầu tài chẳng lợi, sinh nhà bần tiện, hoặc nhà tà kiến, hoặc bị nạn vua… thì nay nhờ sức công đức hộ pháp chỉ chịu quả báo nhẹ nhàng mà thôi, còn bệnh nhức đầu thì được khỏi hẳn. Này thiện nam tử! Thí như sương tuyết, lúc trời chưa mọc, đọng lại chưa tan, đến lúc trời mọc thảy đều tan hết. Chúng sinh tạo tác vô lượng tội ác cũng y như vậy, khi vầng mặt trời kinh Đại nê-hoàn này chưa xuất hiện, vô lượng ác báo tích tụ chẳng mất, đến lúc mặt trời Đại bát-nê-hoàn này xuất hiện thì vô lượng ác báo thảy đều tiêu mất. Lại nữa, thiện nam! Thí như một người xuất gia học đạo, dù chẳng giữ giới nhưng được đi chung với đức Như Lai và với đại chúng, ở bất cứ đâu, giả đắp ca-sa, nhận người cúng dường, tên họ vẫn có trong đoàn thể Tăng của đức Như Lai. Cũng vậy, thiện nam! Nếu đại bồ-tát đã chứng Thập địa và hàng ngoại đạo có thể tin nhận một lời trong kinh điển Đại thừa này thoáng qua lỗ tai, thì những người đó đều được nhập vào chúng đại bồ-tát của đức Như Lai. Giả sử họ vì danh dự, lợi dưỡng mà tụng kinh này, nhưng không phỉ báng, thì họ cũng sẽ thành đạo Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Giác. Vì vậy Ta nói bốn hạng người trên là bốn chỗ nương tựa rất chân thật. Trong bốn hạng đó, chỉ cần làm cho một người có được khả năng tự quyết không lấy luận ký ngoại đạo thế tục cho là Phật nói, thì đã xứng danh làm chỗ chúng sinh nương tựa chân thật, phải nên cúng dường, theo học hộ pháp. Cúng dường thế nào? Nếu ai thụ trì kinh điển đại thừa, thì nên suốt đời theo họ để học hộ trì chính pháp; theo họ học rồi còn cúng dường thêm. Vì vậy, Ta nói kệ này:
Người nào biết chính pháp
Bất luận trẻ hay già
Nên hết lòng cúng dường
Như người thờ thần lửa.
Người nào biết chính pháp
Bất luận trẻ hay già
Phải hết lòng kính lễ
Như trời thờ Đế thích.
[878a] Bồ-tát Ca-diếp bạch với Phật rằng:
- Kính bạch Thế Tôn! Như lời Phật dạy, đối với sư trưởng phải nên cung kính đảnh lễ, cúng dường là điều tất yếu. Giả sử những bậc trưởng lão theo người trẻ tuổi để học cũng phải cung kính đảnh lễ hay sao? Nếu như trưởng lão tuy biết kinh pháp nhưng chẳng giữ giới, còn người trẻ tuổi giữ gìn giới hạnh, thì có kính lễ trưởng lão kia không? Nếu hàng bạch y[191] khéo biết kinh pháp, những người xuất gia theo họ thụ học, thì phải cung kính theo pháp thế nào?
Phật bảo Ca-diếp:
- Những người xuất gia không nên lễ bái những người tại gia, vì họ chẳng phải là ruộng phước điền. Còn người xuất gia thuộc hàng trưởng lão đều là ruộng phước, phải nên kính lễ. Nếu người phạm giới thì không nên lễ. Bởi vì sao vậy? Vì giữ cỏ dại thì hại lúa tốt!
Bồ-tát Ca-diếp lại bạch Phật rằng:
- Trong hai bài kệ Thế Tôn đã dạy là phải hết lòng cung kính đảnh lễ như những chư thiên phụng sự Đế thích, nhưng so lời dạy vừa rồi thì nghĩa đã trái ngược nhau? Nếu phải lễ kính tất cả trưởng lão thì các tì-kheo giữ giới ắt bị phạm tội rất nhiều. Kính bạch Thế Tôn! Ngài nói bài kệ nghĩa nó thế nào? Lại nữa, ở trong khế kinh Phật dạy phải nên hàng phục những người phạm giới?
Phật bảo Ca-diếp:
- Ta nói cho hàng bồ-tát tương lai, phải nên hết lòng cung kính đảnh lễ, như những chư thiên phụng thờ Đế thích. Hai bài kệ này nói cho bồ-tát, chẳng phải để nói cho hàng thanh văn. Này thiện nam tử! Ta nê-hoàn rồi, đến lúc chính pháp Như Lai sắp diệt, người giữ giới giảm, người phạm giới tăng; những bậc thanh tịnh, đạt được giải thoát đều ẩn dật hết, chỉ còn những người xuất gia thụ nhận tài vật phi pháp, nuôi dưỡng nô tỳ… Vào lúc bấy giờ, trong bốn hạng người, nếu có một hạng xuất hiện ở đời, với lòng tịnh tín, từ bỏ gia đình, xuất gia học đạo, cũng thị hiện như những người thụ nhận tài vật phi pháp, nuôi dưỡng nô tỳ, nhưng người ấy biết phân biệt những điều đúng pháp, phi pháp, đúng luật, phi luật, biết rõ người nào không giữ giới hạnh, cũng tự biết mình phạm tội nặng nhẹ, lại có khả năng biết việc Phật làm, khéo biết phong tục, pháp luật từng vùng. Lúc học chín bộ kinh điển Như Lai, biết người tụng tập chín bộ kinh điển phạm giới trái luật. Dù biết người đó phạm tội rất nặng, nhưng vì hộ pháp nên vẫn phương tiện im lặng không nói lỗi lầm của họ, mà tự nhún nhường theo họ thụ học, vì tâm hộ pháp nên chẳng phá hoại. Phải biết người này xuất hiện ở đời là để hộ pháp.
- Này thiện nam tử! Thí như đất nước vua mới băng hà, vương tử còn nhỏ chẳng thể trị quốc. Có người dân quê, dòng chiên-đà-la[192], lợi dụng sức mạnh cướp đoạt ngôi vua. Bấy giờ, những dòng trưởng giả và bà-la-môn suy nghĩ như vầy: Nay chiên-đà-là làm chủ nước này, chúng ta vì sao không phản, lại theo? Bèn bỏ quê hương trốn qua nước khác. Vua chiên-đà-la sai người đuổi theo, chặn các ngã đường. Vua chiên-đà-la đánh trống tuyên lệnh, bảo các trưởng giả và bà-la-môn: “Mọi người chớ đi, ta sẽ chia cho các ông nửa nước”. Nhân dân trong nước có người không đi. Vua lại nói rằng: “Các bà-la-môn! Mọi người hãy chuyển lời của ta rằng, vào bảy ngày sau, các bà-la-môn, những nhân sĩ phải thiết đại hội cho vua chiên-đà-la. Mọi người cùng nhau đến chỗ của vua, cùng với quốc vương và hàng thân tộc dòng chiên-đa-la ăn uống ngủ nghỉ. Nếu có người nào không tuân theo lệnh thì sẽ bị ta nghiêm khắc trừng trị”. Vua lại nói rằng: “Gia tộc của ta có thuốc cam lộ từ trời Đao-lợi, người nào uống vào sẽ được trường sinh, vậy hãy tìm cách giữ gìn, dùng chung”. Bấy giờ có một Phạm chí bện tóc, chuyên tu tịnh hạnh, nghe vua thông báo liền đến chỗ vua, đầu mặt đảnh lễ dưới chân nhà vua, thưa rằng: “Muôn tâu đại vương! Thần chính là người làm điều đại ác, bất nhẫn bậc nhất ở trong thiên hạ. Nếu ngài ban cho chức tước, bổng lộc, thì thần nguyện xin nghe theo lệnh ngài”. Vua liền chuẩn tấu. Khi ấy Phạm chí vâng theo lệnh vua, lãnh đạo quốc nội. Bấy giờ trong nước các bà-la-môn đều nổi giận dữ, trách mắng Phạm chí, nhưng Phạm chí vẫn theo vua trị nước. Một thời gian sau, đại thần Phạm chí thưa với vua rằng: “Thần với đại vương cùng nhau lãnh đạo đất nước bấy lâu, chẳng lẽ chưa đủ để tin tưởng nhau, sao chẳng thấy ngài dạy cho pháp thuật?” Vua bảo Phạm chí: “Từ từ ta sẽ dạy ông pháp thuật. Nay trong nhà ta còn thuốc cam lộ của bậc tiên vương, hãy cùng nhau uống”. Rồi vua bèn đem vị thuốc cam lộ cùng với cách dùng giao cho Phạm chí. Đại thần Phạm chí lấy được cam lộ và cách dùng rồi, hòa thuốc vào cơm đưa cho vua ăn. Vua ăn thuốc ấy tức thì mạng chung[193]. Bấy giờ đại thần Phạm chí liền lập thái tử của vua thuở trước lên ngôi, truyền trao vương vị, giúp đỡ nhà vua dùng pháp tiên vương giáo hóa dân chúng. Như vậy đại thần Phạm chí không bỏ pháp bà-la-môn thực hành theo pháp của chiên-đà-la. Đó là Phạm chí tu hạnh bồ-tát cứu vớt chúng sinh, nhân dân trong nước hết lời ca ngợi: “Lành thay! bà-la-môn này hộ trì vương pháp”. Bấy giờ bồ-tát hộ trì chính pháp cũng dùng phương tiện như bà-la-môn lập vương tử đó lên ngôi quốc vương, trong ngoài hoàng cung cho đến đại thần đều theo chính pháp. Vợ con quyến thuộc vua chiên-đà-la đều bị thuốc độc làm cho mê mẩn, sau khi tỉnh lại bị đuổi khỏi nước. Bậc đại bồ-tát cũng y như vậy, hiện tướng phạm giới, nuôi dưỡng nô tỳ, thụ nhận tài vật không đúng chính pháp, đến chỗ tì-kheo phạm giới, làm ác thụ học kinh điển. Học kinh điển xong, vì muốn truyền dạy cho người trì giới, nên phải ở chung với những người ác, qua lại ăn uống, tự tay nấu nướng, không đi khất thực, vì để hộ pháp nên mới phương tiện làm tám sự việc phi pháp[194] khiến những người ác mê mẩn, nhằm điều phục họ, không cùng bọn họ hòa hợp bố-tát hay dự tự-tứ. Hàng phục tất cả những người phạm giới, rồi cùng hòa hợp với chúng thanh tịnh bố-tát, tự-tứ, đem pháp Đại thừa giảng giải rộng rãi cho mọi người nghe, làm cho an ổn và cứu độ khắp vô lượng chúng sinh. Đó là bồ-tát hộ trì chính pháp. Ta vì những người như thế mà nói hai bài kệ trên. Nếu tì-kheo nào nghe Ta nói đây mà không có tâm hộ trì chính pháp, nhưng muốn phương tiện bắt chước những vị bồ-tát thế kia, thì những người đó gây nên tội lỗi mà Phật đã cấm, nếu nói bồ-tát thật sự có làm những điều xấu ác, thì Ta nói họ là bọn lười biếng. Ta dùng phương tiện dạy pháp vi diệu cho hàng bồ-tát nên nói kệ này:
Người nào biết chính pháp
Bất luận trẻ hay già
Nên hết lòng cúng dường
Như người thờ Thần lửa.
Người nào biết chính pháp
Bất luận trẻ hay già
Phải hết lòng kính lễ
Như Trời thờ Đế thích.
[879a] Bồ-tát Ca-diếp bạch với Phật rằng:
- Kính bạch Thế Tôn! Bồ-tát buông thả, lười biếng như vậy với giới cụ túc có thanh tịnh không?
Phật bảo Ca-diếp:
- Này thiện nam tử! Với giới cụ túc, nếu như người ấy thành tâm sám hối thì được thanh tịnh. Này thiện nam tử! Thí như bờ đê bị vỡ thì nước sẽ chảy ra ngoài. Bởi vì sao vậy? Vì không sửa chữa. Này thiện nam tử! Bờ đê bị vỡ liền đắp vá lại thì giữ được nước. Người giải đãi kia cũng giống như vậy. Với giới cụ túc, bố-tát, tự-tứ bị phá vỡ thì giới thể lọt mất. Bởi vì sao vậy? Vì siêng năng giảm, lười biếng lại tăng. Nhưng nếu tì-kheo giới hạnh tổn giảm liền tu chỉnh lại, theo chư bồ-tát hộ pháp học đạo, siêng năng sửa đổi, ân cần sám hối sẽ được thanh tịnh.
Ca-diếp bạch Phật:
- Trái a-ma-lặc[195] mà Thế Tôn từng ví dụ trong kinh, dù sống hay chín cũng khó phân biệt; trì giới, phạm giới, cũng khó nhận biết giống y như thế, vậy phải làm sao để phân biệt được?
Phật bảo Ca-diếp:
- Này thiện nam tử! Muốn biết tướng trạng trì giới, phạm giới thì y cứ kinh Đại bát-nê-hoàn sẽ phân biệt rõ. Này thiện nam tử! Như người nông dân gieo trồng ngũ cốc, trừ hết cỏ dại gọi là ruộng sạch. Nếu còn cỏ bại[196] giống y như lúa, đến khi kết hạt, cỏ lúa khác nhau, khi đó sẽ biết thật giả rõ ràng. Bồ-tát hộ pháp cũng y như vậy. Phương pháp làm cho ruộng phước điền Tăng sạch sẽ trước hết phải trừ tám loại hành vi tội lỗi[197]. Lỗi lầm trừ sạch, bấy giờ sẽ được gọi là chúng Tăng nhục nhãn thanh tịnh, họ được xếp vào ruộng phước tốt lành dẫn đến thánh quả. Ngoài chúng nhục nhãn là Tăng thanh tịnh. Chỉ cần trừ sạch tám loại rắn độc lỗi lầm xấu ác[198] thì được chúng Tăng ruộng phước tốt lành, dù chưa phải là thanh tịnh tất cả, nhưng cũng xứng đáng làm ruộng phước lành cho trời, người cúng, huống gì là bậc thành tựu rốt ráo diệu quả thánh hiền, ruộng phước thanh tịnh, là bậc tiêu biểu vượt ngoài thấy biết của hàng nhục nhãn?
- Lại nữa thiện nam! Thí như nước nọ có hai loại quả, một là ca-lưu[199], hai là triêm-mâu[200]. Cây ca-lưu thì có trái rất đắng, còn cây triêm-mâu có trái rất ngọt. Nhưng cả hai cây đều có hoa, lá và trái giống nhau. Có một người kia không biết phân biệt hai loại trái trên lượm hết đem về, rồi ra chợ bán, người mua ăn vào bị chết rất nhiều. Bấy giờ người trí nghi là trái độc liền đến dò hỏi: “Ông lượm trái này từ chỗ nào về?” Đáp: “Ở chỗ nọ”. Người trí liền bảo với kẻ kia rằng: “Đó là trái độc, làm chết nhiều người, phải bỏ đi mau”. Cũng vậy, thiện nam! Chúng Tăng lười biếng, làm tám điều ác[201], thì người trì giới ở chung với họ như cây trái ngọt mọc chung trong rừng với cây có độc, bồ-tát hộ pháp dạy họ từ bỏ, không để những người đệ tử tín tâm thân cận lễ bái, cung kính, cúng dường, sợ đoạn mạng sống, mất giống trí tuệ, đọa vào địa ngục. Vì vậy những người cư sĩ nếu có lòng tin cần phải khéo léo phân biệt, chớ thấy hình tướng liền theo gần gũi, mà phải đến hỏi họ có làm tám điều phi pháp không? Tự-tứ, bố-tát có hòa hợp không? Nếu họ không làm tám điều phi pháp, thì hàng Tăng đó được Thế Tôn nhận, vì thương chúng sinh, ở rừng Kỳ-hoàn[202] cùng chung hòa hợp y như vàng thật tụ về một chỗ. Phải biết đây là chỗ đáng cúng dường. Còn nói không nhận, không cùng hòa hợp bố-tát, tự-tứ, phải biết bọn họ chẳng phải là chỗ trời, người cúng dường, các tì-kheo khác không nên cùng họ bố-tát, tự-tứ. Còn nếu như hỏi mà vẫn không biết, thì phải nương vào khế kinh chân thật của đức Như Lai để mà phân biệt. Nếu người ngu si, chẳng biết phân biệt, đi theo cung kính, chu cấp vật dụng và thường gần gũi, Ta nói kẻ ấy sẽ đọa đường ác.
- Lại nữa thiện nam! Thí như núi Tuyết[203] có loại thảo dược vị nó rất ngọt. Bấy giờ thương nhân đem thứ thuốc ấy đi bán khắp nơi. Có một người nọ không biết phân biệt về các loại thuốc, hỏi thương nhân rằng: “Ông có dược thảo vị ngọt ở vùng núi Tuyết hay không?” Thương nhân nói: “Có”! Người nọ liền mua. Nhưng người lái buôn thì đưa thuốc đắng. Người nọ tìm mua thuốc ngọt mà lại bị tráo thuốc đắng. Chúng Tăng thanh tịnh như thuốc núi Tuyết mà cùng với những tì-kheo lười biếng, phạm giới ở chung, những người tín tâm cúng dường lễ bái, phải biết đây là người trần mắt thịt, giống như kẻ nọ chẳng biết phân biệt thuốc ngọt, thuốc đắng. Người nào thanh tịnh, kẻ nào phạm giới, tướng trạng khó biết, người trần mắt thịt không thể phân biệt, chỉ người thiên nhãn mới khéo phân biệt. Cho nên những ai làm tám điều ác, dù mặc pháp phục, không nên thụ nhận người ta cung kính, lễ bái cúng dường. Nhưng nếu có thể sửa đổi, sám hối, bỏ tám điều ác thì cũng trở thành bậc Tăng thanh tịnh.
Ca-diếp bạch Phật:
- Hay thay! Hay thay! Thế Tôn giảng nói pháp hoan hỷ này! Con sẽ lãnh thụ giống như giữ gìn bảo vật kim cương.
Bấy giờ bồ-tát Ca-diếp lại bạch:
- Thế Tôn có dạy cho các tì-kheo bốn pháp nương tựa. Bốn pháp đó là: Nương tựa chính pháp, không nương tựa người; nương nghĩa quyết định, không nương tựa pháp nghĩa chưa quyết định[204]; nương tựa trí tuệ, không nương tựa thức; nương tựa nghĩa lý, không nương văn tự. Chúng con tin bốn pháp nương tựa này, chứ không tin bốn hạng người có thể làm chỗ chúng sinh nương tựa chân thật.
Phật bảo Ca-diếp:
- Tên các pháp đó chính là Như Lai đại bát-nê-hoàn. Hết thảy chư Phật đều đồng pháp ấy. Chư Phật Như Lai đắc pháp ấy rồi thường trụ bất biến, không hề hư hoại. Đối với Như Lai mà nghĩ vô thường, Ta bảo người đó chẳng hề biết pháp, nên chẳng đáng tin. Còn bốn hạng người mà Ta đã nói họ đều khéo hiểu phương tiện mật giáo của đức Như Lai, họ biết Như Lai là pháp thường trụ, chẳng phải là pháp thay đổi, hư hoại. Chư Phật Như Lai cũng ở trong họ. Bốn hạng người đó và chúng sinh khác khéo hiểu nghĩa lý phương tiện mật giáo Như Lai thường trụ, cho nên Ta nói họ làm nền tảng cho sự nương tựa, phải biết nên tin. Vì ý nghĩa này Ta nói bốn hạng người ấy là chỗ nương tựa chân thật.
- Nương tựa pháp là, chư vị Thanh văn đại đức, trí tuệ, đối với chính pháp tâm không thất niệm; chính pháp chính là Như Lai thường trụ; đối với chính pháp phương tiện tinh cần, gọi là y pháp.
- Không nương tựa người là người phạm giới, tham dục, phiền não, lại nói Như Lai là pháp vô thường. Hạng người như vậy không đáng tin cậy, cho nên Ta nói không nên nương tựa.
- Nương nghĩa quyết định: Nghĩa quyết định là hàng đại bồ-tát. Chư vị thanh văn đối với phương tiện mật giáo Như Lai tâm còn nghi ngờ, chưa có lòng tin. Biển trí Đại thừa khiến cho tâm ấy đi đến quyết định, lìa mọi nghi hoặc. Quyết định nghĩa là trí tuệ Đại thừa vĩnh viễn xa lìa tất cả chướng ngại. Chướng ngại tức là trí của thanh văn. Chư vị bồ-tát khéo lấy trí tuệ Đại thừa quyết định, hiểu được Như Lai là pháp thường trụ, cho nên bồ-tát là chỗ đáng tin.
- Nghĩa chưa quyết định là trí thanh văn, họ nói thân Phật là do thức ăn ô uế nuôi dưỡng, Như Lai nê-hoàn tức là diệt tận, giống như lửa tắt. Do trí như vậy nên chẳng đáng tin. Cho nên Như Lai thuyết bản kinh này phương tiện giáo hóa cho những chúng sinh nhị thừa[205] lầm lạc. Hạng người thanh văn là trí hữu dư[206], là không quyết định, vì vậy cho nên gọi thanh văn là trí chưa quyết định, bởi trí tuệ ấy không thể hiểu được lời dạy của bậc Như Lai Đại thánh. Cho nên nói họ là không đáng tin. Do đó Như Lai nói nghĩa quyết định chính là bốn chỗ nương tựa chân thật.
- Nương vào trí tuệ: Trí tuệ chính là tin pháp thân Phật, còn thân phương tiện thì không đáng tin. Thế nào là chỉ thấy thân phương tiện của đức Như Lai? Là cho rằng thật có ấm, giới, nhập[207], nếu không thì thân này từ đâu tới, và nay hiện có tích tụ xá-lợi? Vì có xá-lợi hiện giữa thế gian, nên nói pháp thân là thân ô uế, thức ăn nuôi dưỡng. Bởi thức khởi lên ý nghĩ hư vọng như vậy cho nên không thể tin tưởng. Thức không đáng tin, cho nên những người sử dụng ý thức, phải biết người đó cũng không đáng tin.
- Nương tựa nghĩa lý: Nghĩa tức là chính. Chính là đầy đủ. Đầy đủ nghĩa là không bị sút giảm. Không sút giảm là Như Lai thường trụ. Như Lai thường trụ là pháp thường trụ. Pháp thường trụ nghĩa là tăng thường trụ, đó là lời Phật. Như thế gọi là nương tựa nghĩa lý. Nếu kẻ phàm phu tâm không ngay thẳng, may nhờ Như Lai từ bi che chở cho nên họ được xuất gia học đạo, nhưng rồi lười biếng, buông lung, phạm giới, nói rằng: “Đức Phật cho phép được nuôi súc vật, đầy tớ, nhận vật phi pháp”. Gặp lúc mất mùa, thì lại nói rằng: “Đệ tử của Phật chớ nên chịu khổ. Đức Phật cho phép nuôi giữ súc vật, trâu, ngựa, đầy tớ, cất giữ lúa gạo, tiền tài, vàng, bạc, buôn bán kiếm lời”. Những thứ kinh luật văn từ như vậy không nên tin theo. Người nào tin theo những kinh luật đó, phải biết người đó cũng không đáng tin. Vì ý nghĩa này cho nên mới nói phải nương tựa nghĩa. Phi nghĩa tức là cho rằng tam bảo là pháp vô thường, thay đổi, hủy diệt. Đây là phi nghĩa, cũng gọi văn tự, do đó nói rằng phải nương ý nghĩa, đừng nương văn tự. Giả sử ngoại đạo có thuyết kinh luật, ý nghĩa lại hợp giáo pháp Đại thừa, thì nên tin theo, điều đó chẳng phải chỉ là văn tự.
- Này thiện nam tử! Bốn điều y cứ và bốn hạng người nhục nhãn nói trên là chỗ nương tựa chân thật ở đời, gọi là tứ y. Nên học như vậy!
Phẩm thứ 10: PHÂN BIỆT TÀ CHÍNH
[880a] Phật bảo Ca-diếp:
- Có bốn loại pháp. Pháp của ma thuyết. Pháp của Phật thuyết. Có những chúng sinh theo pháp ma nói. Có những chúng sinh theo pháp Phật thuyết.
Bồ-tát Ca-diếp bạch với Phật rằng:
- Kính bạch Thế Tôn! Chúng con làm sao biết để phân biệt? Xin Phật chỉ dạy, chúng con muốn nghe!
Phật bảo Ca-diếp:
- Này thiện nam tử! Sau Ta nê-hoàn khoảng bảy trăm năm, giáo pháp Như Lai từ đó ẩn dần. Bấy giờ chúng ma giả làm tì-kheo nhiễu loạn chính pháp, hiện tướng thợ săn cố che giấu mình. Thiên ma ba-tuần giả tướng tì-kheo, tướng tì-kheo-ni, tướng ưu-bà-ắc, tướng ưu-bà-di, tướng tu-đà-hoàn, tướng tư-đà-hàm, tướng a-na-hàm, tướng a-la-hán, và cả tướng Phật; bỏ tướng thế tục nhưng lại hành động pháp của thế gian để phá pháp Ta. Ba-tuần nói rằng: “Như Lai từ trời Đâu-suất chết đi, giáng thần vào nhà của vua Tịnh Phạn, phu nhân Ma-da ái dục hòa hợp mà sinh ra thân. Nếu như nói rằng không phải từ chuyện ái dục mà sinh, là điều không thật. Ngài cũng sinh ra như cách người đời, nhưng được trời, người và a-tu-la cung kính cúng dường là bởi đời trước Ngài đã gieo trồng cội gốc phước đức, tự đem vợ con và mọi tài sản ra làm bố thí, nhờ đó thành Phật”. Phải biết đây là tướng mạo, lời nói, kinh luật của ma. Tại sao như vậy? Bởi đức Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Giác vì muốn giáo hóa cho mọi chúng sinh mà sinh ra đời, chẳng phải Như Lai sinh ra từ sự mẹ cha ái nhiễm, thị hiện tướng ấy là để tùy thuận thế gian mà thôi. Phải biết tướng mạo và lời nói này chính là kinh luật của đức Phật thuyết. Nếu chúng sinh nào tin tưởng kinh luật của chúng ma nói, phải biết bọn họ là quyến thuộc ma. Nếu chúng sinh nào tin tưởng kinh luật của đức Phật thuyết, phải biết họ là những bậc bồ-tát.
- Lại nói “Như Lai xuất hiện ở đời, hướng về mười phía, bước đi bảy bước, chẳng phải thị hiện nói là thị hiện, nên chẳng thể tin”. Phải biết đây là kinh luật ma nói. Nếu nói “Như Lai lúc vừa đản sinh, hướng về mười phương, bước đi bảy bước, đó là Như Lai phương tiện thị hiện”. Phải biết đây là kinh luật Phật thuyết. Kinh luật ma nói, nếu người nào tin, phải biết người đó là quyến thuộc ma. Kinh luật Phật thuyết, nếu người nào tin, phải biết người đó chính là bồ-tát.
- Lại nói “Như Lai đi đến miếu trời, cung kính lễ bái, chẳng phải thiên thần lễ bái bồ-tát. Bởi vì sao vậy? Thiên thần đứng trước, Như Lai đứng sau”. Phải biết đây là kinh luật ma nói. Kinh luật Như Lai là nói thế này: “Như Lai phương tiện đi đến miếu trời, chư thiên, Đế thích, Phạm thiên đều phải cung kính đảnh lễ, hầu hạ bồ-tát”. Kinh luật ma nói, nếu người nào tin, phải biết người đó bị ma dạy dỗ. Nếu người nào tin kinh luật Phật nói, đó là bồ-tát.
- Lại nói “Như Lai lúc làm thái tử, hưởng thụ năm món dục lạc cùng với cung nhân mỹ nữ”. Phải biết đây là kinh luật ma nói. Còn nói “Như Lai thị hiện ở trong thâm cung đầy đủ dục lạc, mỹ nữ vậy mà Ngài bỏ như nhổ đàm giải để đi xuất gia”, thì đây chính là kinh luật Phật thuyết. Kinh luật ma nói mà có người tin, phải biết người đó bị ma dạy dỗ. Nếu người nào tin kinh luật Phật nói, đó là bồ-tát.
- Lại nói “Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Giác ở rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc thụ nhận tiền tài, vàng bạc, vật báu, đồng, sắt, lưu ly, hạt trai, ngọc bội, san hô, hổ phách, nuôi giữ súc vật voi, ngựa, trâu, dê, gà, chó, mèo, chồn, khỉ, chuột các loại…, ruộng nương nhà cửa, buôn bán trao đổi, nuôi dưỡng nam nữ, tích trữ lúa gạo. Vô số vật dụng như vậy vì lòng thương xót thế gian, nên nhận về hết”. Phải biết đây là những lời ma nói. Đức Phật Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Giác thương xót tất cả chúng sinh muôn loài, khi trụ ở rừng Na-la[208] Ta đã từng nói với bà-la-môn Di-la-kì-la và vua Ba-tư-nặc[209] rằng: “Đại vương! Nói những đệ tử của Ta thụ nhận những vật phi pháp là điều không có. Chẳng hạn nói nuôi nô tỳ, voi ngựa, trâu, dê, gà, chó, mèo, chồn, khỉ, chuột, đồng, sắt, lưu ly, vàng bạc, hạt trai, ngọc bội, cẩm thạch, san hô, hổ phách, nhiều loại vật khác; ruộng nương nhà cửa, buôn bán trao đổi, nuôi dưỡng nam nữ, tích trữ lúa gạo, tự nấu đồ ăn, dạy người nấu nướng, học xem tướng số, học luyện bùa chú, tập luyện theo tiếng của các loài chim, tính toán ngày tháng nhật thực, nguyệt thực, đoán xem số mạng, học kết hoa tóc, học làm thợ mộc, học sáu mươi bốn thuật đoán giải mộng, uống thuốc tiêu thực, sửa sang răng, môi, cài hoa trên tóc, thân ướp dầu thơm, dua nịnh tiến thân, giả tướng tri túc mà sự thật thì lòng tham không chán, nói cười chuyện phiếm, tham ăn vị ngon, cá, thịt các thứ, gom các thuốc độc, hoặc gom dầu thơm, làm các nhạc khí[210], giày dép, nón mũ bằng đồ da thú, chẻ tre, dệt vải khắc vẽ, thêu thùa, uống các loại thuốc hòa trộn nhiều hương, học cách ăn nói theo lối vương gia, đứng ngồi, nói cười an nhiêm trầm mặc, học bọn đàn bà trang sức hương hoa, nói năng đùa bỡn, y phục lòe loẹt, làm lầu gác vàng, vào hội quán rượu và nhà dâm nữ… bao nhiêu những điều phi pháp như vậy, hoặc làm, hoặc nhận, hoặc cho người khác, đại vương nên biết, Ta đều nghiêm cấm không cho tì-kheo làm những việc đó. Bởi vì sao vậy? Bởi vì những điều phi pháp này giống như đám cỏ dại sẽ làm hư hoại ruộng lúa tốt tươi. Ta phải khổ nhọc trừ bỏ nó đi”. Phải biết những lời như vừa nói đó là kinh luật Phật. Những người tin theo kinh luật ma nói, phải biết bọn họ bị ma dạy dỗ. Những người tin theo kinh luật của Phật, phải biết người đó chính là bồ-tát.
- Nếu nói “Như Lai không thể thị hiện đi vào miếu trời, cũng không thể nào hàng phục chư thiên, loài người trong đó; cũng không thể ở trong chín mươi sáu đạo mà xuất gia; không thể thị hiện kiếp thành kiếp bại, không thể học hết tất cả y thuật; cũng không thể nào hóa hiện làm người nô bộc nam, nữ, hay làm cây thuốc, làm vua, đại thần. Giả sử Như Lai làm được việc ấy, thì Ngài chẳng phải là đấng Như Lai, thấy biết như vậy là bọn tà kiến. Như Lai bình đẳng với mọi ân, oán; không có oán giận, chẳng có yêu thương, cũng không có các tâm niệm như vậy”. Nên biết đây là kinh luật của ma. Còn nói “Như Lai thị hiện vào trong tất cả miếu trời, ở trong chín mươi sáu đạo xuất gia, làm kiếp thành, bại, vào các giảng đường chú thuật đọc sách, làm thân nô bộc, thân nam, thân nữ, hoặc làm cây thuốc, làm vua, đại thần, vào nhà dâm nữ, hoặc làm trưởng giả, cư sĩ, phạm chí, bần cùng, nam nữ, hoặc là phi nam, hiện hữu khắp nơi trong hai lăm cõi[211], biến hóa không cùng mà chẳng hề bị thân ấy nhiễu hại, giống như hoa sen chẳng nhiễm bùn dơ. Phải nên biết rằng, vì để hóa độ tất cả chúng sinh mà phải tùy thuận theo cách thế gian biến hóa ra đủ tướng mạo như thế”. Những điều ghi chép như vậy chính là kinh luật của Phật. Những ai tin theo kinh luật ma nói, phải biết bọn họ bị ma dạy dỗ. Còn ai tin theo kinh luật của Phật, đó là bồ-tát.
- Nếu ai nói rằng: “trong kinh luật ta, Thế Tôn đã dạy đây là tội lỗi, đây là điều ác, đây là điều nhẹ, đây là điều nặng, đây là tội thô, đây là tội tính[212], đây là tội chế[213]… Ta nói giới luật này là chân thật. Ông cũng nói giới luật ông là thật, nên bỏ giới của ta theo của ông? Ông cho rằng đây là giới luật của thế gian hay sao? Kinh luật của ta là chín bộ kinh Như Lai đã thuyết, có dấu chứng thật. Trong chín bộ kinh ta chưa từng nghe một câu, một chữ, thậm chí nửa lời về kinh Phương đẳng. Kinh điển Như Lai có mười bộ chăng? Bộ kinh Phương đẳng vô lượng như vậy, phải biết đều là do Điều-đạt[214] làm, vì muốn phá hoại tất cả nghĩa lý nên mới tạo ra lời hư vọng đó. Kinh điển Phương đẳng tạo ra từ những ý nghĩ hư vọng, chúng ta đừng tin”.
Phật bảo Ca-diếp:
- Những lời như vậy làm loạn giáo pháp của đức Như Lai, bài báng khế kinh Phương đẳng của Phật. Phải biết đó là kinh luật ma nói. Ở đời tương tai có bọn người đó. Ai cũng cho rằng mình có kinh luật, cùng tranh luận với kinh luật tà thuyết. Có các tì-kheo biết được ngoài chín bộ kinh Như Lai thuyết riêng một bộ Đại kinh Phương đẳng, nên dốc lòng tin; đối với giới luật không hề chấp trước những điều tà kiến; những gì bất tịnh, không hợp uy nghi đều xả bỏ hết; đối với pháp luật của đức Như Lai đầy đủ thanh tịnh tựa như trăng tròn; biết tất cả kinh, mỗi mỗi pháp luật, mọi điều giới hạnh số nhiều như cát ở trong sông Hằng, không thể tính đếm, nghĩa lý chân thật, mọi nghĩa lý đó đều do Phật thuyết. Nếu người nào nói giới luật của ta không có giới này, phải biết giới này chẳng phải Phật thuyết; hoặc nói giới luật ta giữ chỉ có giới hạn mà thôi. Phải biết đây là những người phạm giới. Kinh luật nào nói thiểu dục, thanh tịnh, hợp với lời Phật, phải biết nghĩa này đều là kinh điển của Đại thừa thuyết. Nếu ai bảo rằng, đức Phật Như Lai vì muốn an ổn và vì cứu độ tất cả chúng sinh cho nên thuyết kinh Phương đẳng Đại thừa Đại bát-nê-hoàn. Phải biết người này là đệ tử Ta. Những người nói khác thì Ta chẳng phải là thầy của họ, chẳng phải xuất gia học đạo nơi Ta, mà là đệ tử ngoại đạo tà kiến. Các dấu hiệu trên phải biết đó là kinh luật Phật thuyết. Người nào tin theo kinh luật ma thuyết, phải biết người đó bị ma dạy dỗ. Đối với kinh luật của Như Lai thuyết người nào tin theo, phải biết người đó chính là bồ-tát.
- “Như Lai thành tựu công đức vô lượng, đắc tuệ Không vô[215], vì chúng sinh thuyết khổ, không, vô ngã, nay đã đến lúc vô thường hoại diệt nên nhập nê-hoàn, không phải thị hiện tùy thuận thế gian”. Những lời như vậy đều là ma nói. Phải biết Như Lai không thể nghĩ bàn. Ngài đã thành tựu vô lượng vô số công đức trang nghiêm, là Phật, Thế Tôn, là pháp thường trụ, không phải là pháp thay đổi, biến hoại, chẳng phải tất cả như cây đa-la[216] đã bị chặt ngọn, nhưng Thế Tôn thuyết bốn pháp bất độ[217] như cây đa-la đã bị chặt ngọn; lại nói mỗi một bất độ tựa như đá chẻ làm đôi; ai tự cho rằng mình đã chứng được pháp hơn người thì sẽ bị đọa ngục Vô gián trở lên. Pháp hơn người là chưa thật chứng quả nói mình chứng quả. Nếu có tì-kheo ít muốn, biết đủ, lại nhiều tri thức, vua và đại thần, cùng với dân chúng thấy đều cung kính, nói kệ tán thán thầy tì-kheo ấy công đức vô lượng, xưng là tôn giả, nói rằng sau khi tôn giả xả bỏ thân này chắc chắn sẽ thành Phật đạo. Thầy tì-kheo ấy nghe vậy liền nói: “Các ông chớ nên lấy đạo giải thoát tán thán những người chưa chứng đạo quả, bởi những lời đó đắm trên chữ nghĩa, Phật chẳng hài lòng. Các ông im đi, chớ nên suốt đời vì người tu hành pháp lạc như ta mà nói những lời đa dục như vậy, ta tự biết mình chưa chứng đạo quả”. Vua và đại thần bảo tì-kheo rằng: “Tôn giả ngày nay chẳng khác đức Phật, mọi người nghe tiếng, đều sẽ theo ngài học kinh, luật, luận”. Nên biết nhà vua cùng với đại thần nói kệ tán thán sẽ được thành tựu công đức vô lượng. Còn tì-kheo kia tu trì phạm hạnh, không vi phạm giới, chẳng phạm bất độ, không phạm vào lỗi tự cho rằng mình có pháp hơn người.
- Lại có tì-kheo diễn thuyết rộng rãi kinh tạng Như Lai, nói rằng: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính của mình. Một khi vô lượng phiền não trong thân đã trừ diệt hết thì tính Phật ấy sẽ hiển lộ ra, trừ nhất-xiển-đề”. Bấy giờ quốc vương cùng với đại thần hỏi tì-kheo kia: “Ngài sẽ làm Phật hay chẳng làm Phật? Trong thân của ngài cũng có Phật tính?”. Tì-kheo kia đáp: “Chưa biết tôi sẽ thành Phật hay không, nhưng tôi biết chắc là trong thân tôi thật có tính Phật”. Lại hỏi tì-kheo: “Như ngài chẳng làm hạng nhất-xiển-đề, vậy thì phải chăng ngài tự cho rằng mình sẽ làm Phật”? Tì-kheo ấy đáp: “Đúng vậy! Chỉ cần trong thân thật có Phật tính”. Dù tì-kheo kia nói lời như vậy, chẳng phải tự xưng đắc pháp hơn người, bởi vì sự thật là có Phật tính, nhờ giữ giới luật mới thành Phật quả.
- Lại có tì-kheo tư duy như vầy: “Ta sẽ thành Phật, chắc chắn như vậy, không nghi ngờ gì”. Tư duy như vậy, dù chưa chứng đắc đạo quả giải thoát, người ấy vẫn có phước đức vô lượng. Vì ý nghĩa này, tất cả tì-kheo đều nên tu hành pháp tư duy đó. Bởi vì sao vậy? Vì sẽ ngay đây xa lìa tám mươi ức pháp bất tịnh; thanh tịnh, thiểu dục tất được thành tựu, chân tính Như Lai nhờ đó hiển hiện, mau được trăm ngàn kho tàng pháp báu. Thế Tôn đại bi mới nói lời này. Phải biết tướng trạng trình bày ở trước chính là kinh luật của đức Phật thuyết. Kinh luật của ma, người nào tin theo, phải biết người đó bị ma dạy dỗ. Người nào tin theo kinh luật Phật thuyết, phải biết người đó chính là bồ-tát.
- Lại nữa, nếu ai bảo rằng: “Chẳng có bốn pháp tội đọa, mười ba tăng tàn, ba mươi pháp xả, chín mốt pháp đọa, nhiều pháp chúng học, bốn pháp hối lỗi, hai pháp bất định, bảy pháp diệt tránh; không việt tỳ-ni[218], cũng chẳng tội nặng, không có ngũ nghịch, chẳng báng kinh pháp, chẳng có hạng người là nhất-xiển-đề, cũng chẳng có chuyện phạm các giới này sẽ bị quả báo đọa trong địa ngục. Tất cả tì-kheo và những ngoại đạo đều được sinh thiên, nhưng Phật Thế Tôn để hù dọa người nên thuyết giới luật. Nếu muốn mặc tình hưởng thụ khoái lạc ở cuộc đời thì hãy bỏ pháp phục, trở lại thế tục thụ hưởng năm dục, chừng nào thấy chán năm món dục rồi, trở lại tu thiện, ăn năn sám hối. Thời Phật tại thế cũng có tì-kheo thụ hưởng năm dục được sinh cõi trời, cũng được giải thoát. Xưa nay đều có những chuyện như vậy, chẳng phải riêng ta tự tạo dựng nên. Phạm bốn tội đọa, cho đến năm giới, cùng với tất cả luật nghi bất tịnh, nhận vật phi pháp… đều được giải thoát. Nếu ai nói rằng, tội việt tỳ-ni đọa trong địa ngục chịu khổ lâu dài, thời gian bằng tám vạn bốn ngàn năm của trời Đao-lợi, còn các tội khác phần nào chuyển thành quả báo nặng hơn. Đây là những lời của các luật sư giả danh Phật giáo, vọng nói hư ngụy, chẳng nên tin tưởng”. Những điều trên đó, phải biết chính là kinh luật của ma. Tội việt tỳ-ni rất là vi tế. Nếu tì-kheo nào phạm mỗi mỗi điều luật nghi vi tế, biết mình phạm tội mà cố che giấu, như rùa giữ kỹ sáu chi của mình, với bọn người này phải nên xa lìa, đừng nên gần gũi, như Ta nói kệ:
Nếu người phạm tội nhỏ
Nói dối bằng im lặng
Không kể trong đời sau
Việc ác nào cũng làm.
[882a] Đây là những điều nhỏ nhặt vi tế, đều do Như Lai quyết định giáo giới, huống phạm tội nặng?! Giới luật không kể là lớn hay nhỏ đều phải giữ vững, vì là Phật tính.
- Nếu ai bảo rằng: “Chín bộ kinh điển không nói chúng sinh đều có Phật tính; kinh điển Phương đẳng cũng thuyết vô ngã chính là bài báng chín bộ khế kinh. Tại sao lại không khơi mở cái thấy ở nơi chúng sinh? Trong chín bộ kinh chưa từng nghe nói tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Ta làm sao tin? Hoặc là tự xưng nói pháp hơn người”. Phải biết những lời bọn họ vừa nói, như bảo biển cả chẳng có của báu. Người kia tuy có học chín bộ kinh, nhưng mà yếu tạng của kinh Phương đẳng, biển pháp Đại thừa, vô lượng pháp bảo chẳng phải là cảnh giới của người kia. Đức Phật thuyết pháp đâu vì tất cả thanh văn, duyên giác, cảnh giới Đại thừa không phải của họ. Thấy được nhân duyên, dấu hiệu Phật thuyết, lại cũng biết được tất cả chúng sinh đều có Phật tính, không hoại các tướng ngô ngã, thọ mạng, tâm giữ trung đạo, nói trong thân ta đều có Phật tính, ta sẽ thành Phật, ta nay phải đoạn tất cả phiền não. Ai nói như vầy, thì bản thân họ chính là thanh văn, nếu ai nói khác gọi là tự xưng được pháp hơn người.
- Nếu ai bảo rằng: “Ta đã thành Phật, ta đã thấy pháp, trụ ở Phật địa”, chính là tự xưng được pháp hơn người. Ai không nói vậy thì không bao lâu họ sẽ thành Phật. Pháp Phật thâm sâu quyết định như vậy. Trong những tì-kheo tự cho rằng mình được pháp hơn người vì cầu lợi dưỡng, dua nịnh tiến thân, giả đi khất thực, ngu si phạm giới, chưa chứng đạo quả mà nói với người là mình đã chứng, để mọi người biết nhằm được cung kính, hưởng sự cúng dường, tăng thêm tham muốn, chờ đợi cúng dường, không tu niệm pháp, nhưng giả uy nghi làm vui lòng người. Ta nói bọn này là kẻ tự xưng được pháp hơn người.
- Lại có tì-kheo vì để hộ trì chính pháp nên giả tham cầu lợi dưỡng, ưa muốn nổi danh, suy nghĩ như vầy: “Phải khiến tất cả mọi người được biết, khen ngợi lành thay, cung kính, thừa sự. Ta sẽ nhân đó, hàng phục ngoại đạo và bọn phạm giới, quang rạng oai đức trời người tôn kính của đức Như Lai, rộng tuyên kinh điển Phương đẳng Đại thừa Đại bát-nê-hoàn, khai đạo chúng sinh khéo hiểu kinh luật và luật liên hệ của Như Lai thuyết, nuôi lớn hạt giống Như Lai tự thân, khiến cho Phật tính nhanh chóng hiển bày, vô lượng kết hoạn đồng thời trừ diệt, bảo các chúng sinh: ‘Mọi người đều có khả tính thành Phật, cho nên hãy gắng diệt sạch phiền não’”. Vì tâm hộ pháp mà nói như vậy, Ta bảo người này là hàng bồ-tát, chỉ vì hộ pháp nên chẳng có tội nói pháp hơn người. Tội việt tỳ-ni còn bị đọa địa ngục chịu khổ với thời gian bằng tám vạn bốn ngàn năm của trời Đao-lợi, huống là tội nặng? Trong pháp Đại thừa người phạm tội nặng đều bị trục xuất. Có tâm chiếm giữ là phạm tội nặng. Như người giữ tháp mà chiếm một vật nhỏ bằng hạt cải, lấy một quyển kinh mà không hỏi chủ, đều phạm tội nặng; có lòng gian tà phá hoại tháp Phật, cũng phạm tội nặng, tất phải trục xuất. Nếu vua, đại thần xây dựng chùa, tháp, cúng dường xá-lợi, hoặc vì cung kính mời một tì-kheo thay vua sắp đặt, giữ gìn tiền bạc, nhưng tì-kheo đó làm theo ý mình khiến chủ quở trách. Những tì-kheo này cũng phải trục xuất. Những người bất nam[219] và người nhị căn[220], đều phải trục xuất. Bởi vì sao vậy? Vì vượt năm giới. Thậm chí phải có từ tâm bố thí sự không sợ hãi cho cả con kiến, là pháp sa-môn. Giả sử chỉ nghe mùi rượu đã phải nhanh chóng rời xa, là pháp sa-môn. Pháp của sa-môn thì ở trong mộng cũng không vọng ngữ. Pháp của sa-môn thì ở trong mộng cũng không ở chung chỗ có người nữ. Nếu ở trong mộng mà cùng ở chung, dù chưa phạm giới, như hương của hoa khiến người xao xuyến, tâm khởi buông lung, đều do ban ngày nhìn thấy cảnh vật, tâm liền sinh theo, nên tối nằm mộng, khi tỉnh mộng rồi ý niệm thêm loạn, như nghĩ đến ăn mới đi khất thực, làm sao khiến tâm phóng túng không sinh? Ngay ở trong mộng, tâm niệm mới sinh phải mau trừ diệt. Những điều nêu trên phải biết đó là kinh luật của Phật. Nếu ai tin theo kinh luật của ma, phải biết người đó bị ma dạy dỗ. Còn ai tin theo kinh luật Phật thuyết, phải biết người đó chính là bồ-tát.
- Nếu ai bảo rằng: “Như Lai cho phép những bậc đại nhân chỉ ngồi một chỗ, uy nghi đi đứng, không nói là pháp; gieo đầu vào đá, tự uống thuốc độc, hoặc là nhịn ăn, sát hại sinh vật, trói buộc chúng sinh để nuôi thân thể, làm nghề mưu mẹo, luyện thuật bùa chú khiến người mê loạn, hạng chiên-đà-la, bất nam, nhị căn, thân thể khuyết tật… đều được xuất gia, vì thương chúng sinh. Vì lòng từ bi, nên những sữa, mật, lụa là, ngọc bội, thuộc da, lúa gạo… đều không nên dùng, những loài cỏ cây đều có mạng sống. Nê-hoàn diệt hẳn”. Những lời như trên phải biết chính là kinh luật ma thuyết. Trừ bốn uy nghi của bậc đại nhân, nếu ai bảo rằng Ta cho phép được uống thứ thuốc độc, lao đầu vào lửa, nhịn ăn đến chết, gieo đầu vào đá, tàn sát chúng sinh, làm nghề mưu mẹo, luyện thuật bùa chú khiến người mê loạn, những loại sữa, mật, lụa là, ngọc bội, lúa gạo nấu chín nghĩ đó là thịt, đối với hết thảy cỏ cây nghĩ rằng chúng có thọ mạng… ai nói như vậy Ta không hài lòng. Người nói điều đó, phải biết họ là đệ tử ngoại đạo. Những ai hành trì theo lời Ta dạy là đệ tử Ta, không nói bốn đại là có mạng sống. Những điều như vậy phải biết chính là kinh luật Phật thuyết.
- Những điều so sánh còn nhiều vô lượng. Những ai tin theo kinh luật ma thuyết, phải biết người đó bị ma dạy dỗ. Những ai tin theo kinh luật Phật thuyết, phải biết người đó chính là bồ-tát.
- Này thiện nam tử! Phải khéo phân biệt, tướng trạng sai khác giữa kinh Phật thuyết, với kinh ma thuyết, như vừa trình bày.
Bồ-tát Ca-diếp bạch với Phật rằng:
- Hay thay, Thế Tôn! Hôm nay chúng con mới hiểu lời dạy của đức Như Lai thật là thâm sâu.
Phật bảo Ca-diếp:
- Lành thay, lành thay! Này thiện nam tử! Phải học như vậy mới là người có trí tuệ thông suốt.
Kinh Đại Bát-nê-hoàn
Hết quyển thứ 4


Chú thích:
[177] Tứ y 四依: bốn chỗ nương tựa.
[178] Xem kinh Bát đại nhân giác.
[179] Thụ ký 授記 (S: Vyākaraṇa): dự ngôn việc chứng quả trong tương lai cũng như danh hiệu Phật mà người đó thành tựu (PQĐTĐ).
[180] Xem chú thích quyển 1.
[181] Ngã kiến 我見 (S: atma-dṛṣṭi), còn gọi thân kiến, nhận thức sai lầm cho rằng có thật ngã thường tồn (ĐPB).
[182] Thập địa 十地: 10 giai vị trong quá trình tu hành của đệ tử Phật. Hành giả trụ ở giai vị này lấy đó làm trú xứ, đồng thời giữ gìn pháp, trưởng dưỡng pháp, khiến cho sinh quả (PQĐTĐ).
[183] Pháp nhẫn 法忍: phẩm chất nhẫn chịu các thứ khổ nạn, khó khăn và đối với Phật pháp tin chắc không nghi (TĐTT).
[184] Cù-sư-la 瞿師羅 (S: Ghoṣira): tên trưởng giả ở nước Kiêu-thưởng-di (Kauśāmbī), trung Ấn Độ cổ. (ĐPB)
[185] Năm pháp trói buộc (tức ngũ hệ 五繫): lấy năm thứ tử thi như xác người, xác rắn…trói buộc thiên ma Ba-tuần thì chúng không thoát được, hoặc trói hai tay, hai chân và cổ của thiên ma lại (ĐPB).
[186] Phật thừa 佛乘 (S: buddha-yāna): giáo pháo dạy tất cả chúng sinh đều sẽ thành Phật (ĐPB).
[187] Tô du 酥油: còn gọi là tô, xem chú thích quyển 2.
[188] Nhũ lạc 乳酪: chất béo trong sữa, chất bơ.
[189] Thanh Văn thừa 聲聞乘: chỉ những người tu tập Tứ đế thành tựu quả thánh Thanh văn (PQĐTĐ).
[190] Phương đẳng 方等: tên gọi chung cho kinh điển Đại thừa (ĐPB).
[191] Bạch y 白衣 (S: avadāta-vasana): cư sĩ tại gia.
[192] Chiên-đà-la 旃陀羅 (S: caṇḍāla): giai cấp thấp nhất trong xã hội Ấn Độ, chuyên làm những nghề hạ tiện (ĐPB).
[193] Tham chiếu Bắc bản kinh Đại bát-niết-bàn, Đàm Vô Sấm dịch, vua chỉ bị ngất xỉu, chưa chết.
[194] Nguyên bản ghi: bát chủng phi pháp 八種非法. Tham chiếu Bắc bản kinh Đại bát-niết-bàn, Đàm Vô Sấm dịch: 八不淨. Theo Niết-bàn Kinh Sớ gồm: Vàng, bạc, nô tì, trâu, dê, kho vựa, mua bán và trồng trọt.
[195] A-ma-lặc 阿摩勒 (S: Āmala, Āmlikā, Āmlīkā, Amlaphala): tên khoa học là Tamarindus indica, giống trái đậu, vị chua, có thể ăn và trị bệnh được; trái này khi còn xanh hay đã chín chỉ một màu, rất khó phân biệt (PQĐTĐ).
[196] Bại 稗: một thứ cỏ giống lúa, hạt hơi đắng, có thể nấu cháo ăn được.
[197] Tức bát chủng phi pháp đã nói trên. Xem ct. bát chủng phi pháp.
[198] Xem bát chủng phi pháp.
[199] Ca-lưu 迦留: không tra thấy. Tham chiếu Bắc bản kinh Đại bát-niết-bàn, Đàm Vô Sấm dịch: Ca-la-ca 迦羅迦 (S: Kālaka): loại quả có màu đen, giống trái xí muội, rất độc.
[200] Chiêm-mâu 沾牟: không tra thấy. Tham chiếu Bắc bản kinh Đại bát-niết-bàn, Đàm Vô Sấm dịch: Trấn-đầu-ca 鎮頭迦 (S: Tinduka): loại quả như quả thị, không độc, rất giống trái Ca-la-ca.
[201] Xem bát chủng phi pháp.
[202] Kì-hoàn 祇桓: hay Kì-thụ Cấp Cô Độc viên (S: Jetavana-anāthapiṇḍasyārāma): một trong những thánh địa Phật giáo, nằm phía Nam thành Xá-vệ của nước Kiều-tất-la thuộc Trung Ấn ngày xưa (PQĐTĐ).
[203] Núi Tuyết (tức Tuyết sơn 雪山; S: Himālaya): tức Hi-mã-lạp sơn, dãy núi nằm ở phía bắc Ấn độ, quanh năm tuyết trắng phủ đầy, nên gọi là núi Tuyết (ĐPB).
[204] Nguyên bản: 依決定說不依未定. Tham chiếu Bắc bản kinh Đại bát-niết-bàn, Đàm Vô Sấm dịch 依了義經不依不了義經: nương tựa kinh thấu đạt diệu nghĩa, không nương tựa kinh chẳng thấu đạt nghĩa.
[205] Nguyên bản 二道: tức nhị thừa.
[206] Hữu dư 有餘 (S: sopadhi-śeṣa): sự hiểu biết chưa đạt đến cứu cánh (ĐPB).
[207] Ấm giới nhập 陰界入: tức 5 ấm, 18 giới, 12 nhập (ĐPB).
[208] Na-la lâm 那羅林.
[209] Ba-tư-nặc 波斯匿 (S: Pāsenādi): quốc vương nước Xá-vệ (Śrāvastī), trung Ấn độ cổ (ĐPB).
[210] Nhạc khí 樂器: dụng cụ âm nhạc.
[211] Nhị thập ngũ hữu, xem chú thích quyển 3.
[212] Tội tính (tức tính tội 性罪: là những tội ác như sát sinh, trộm cướp, tà dâm, nói dối… nói chung là những hành vi tội ác tổn hại đến chúng sinh hữu tình (PQĐTĐ).
[213] Tội chế (tức chế tội 制罪): ngược lại với tính tội, như đào đất, chặt cây, tổn hại chúng sinh vô tình… (PQĐTĐ).
[214] Điều-đạt 調達, hay Đề-bà-đạt-đa 提婆達多 (S: Devadatta): tì-kheo phạm tội ngũ nghịch, phá Tăng đoàn, tổn hại thân Phật (PQĐTĐ).
[215] Tuệ không vô (tức Không vô tuệ 空無慧): trí tuệ thấy tự tính các pháp vốn không, nhưng không vì thế mà bỏ mất tâm nguyện đại bi cứu độ chúng sinh (ĐPB).
[216] Đa-la 多羅 (S: tāla): cây thân gỗ, rất cao, tựa như cây lữ, hoa màu trắng, trái chín màu đỏ, như trái thạch lựu, ăn được, mọc nhiều ở Ấn Độ, Tích Lan, Miến Điện… (BKTT)
[217] Tứ bất độ pháp 四不度法: không rõ nghĩa, có lẽ bốn pháp Ba-la-di.
[218] Việt tỳ-ni 越比尼 = 越毘尼: vượt qua giới luật.
[219] Bất nam 不男: những người không có đủ bộ phận nam giới (BKTT).
[220] Nhị căn 二根: người có cả hai khả năng tham muốn với nam lẫn nữ (BKTT).

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 6 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Dưới bóng đa chùa Viên Giác


Quy nguyên trực chỉ


Tích Lan - Đạo Tình Muôn Thuở


Hạnh phúc khắp quanh ta

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.15.34.50 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập