Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó.
Kinh Pháp cú
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
"Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi."
Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Quyển 2
Phẩm thứ 4: AI THÁN
[861a] Bấy giờ mặt đất chấn động sáu cách. Tất cả thôn xóm, thành ấp, núi, biển ngay thành Câu-di, nhẫn đến mười phương đều chấn động mạnh. Đại chúng sợ hãi. Trời, người, tu-la khóc gào thảm thiết, dập đầu sát đất lễ Phật cúng dường, rồi họ cùng nhau đồng thanh nói kệ:
Dập đầu lạy Thế Tôn,
Thương con, đời côi cút,
Quỳ lạy dưới chân Ngài,
Chiêm ngưỡng Diệu Công Đức.
Xin Phật nói cho con
Vô lượng khổ sinh tử
Trời, người ai nghe được
Đều sinh tâm chán lìa.
Giống như kẻ mồ côi
Bệnh nặng tự nuôi thân
Tuy gặp thầy thuốc giỏi
Nhưng trị bệnh chưa lành
Bỗng giữa chừng thầy thuốc
Bỏ đi qua nơi khác
Tất cả chúng con đây
Cùng khổ cũng như vậy
Mới nhờ chút phương tiện
Trừ phiền não, tà kiến
Thế Tôn, Đại y vương
Bỗng bỏ con mà đi
Chẳng khác người bệnh khổ
Mất thầy thuốc cậy nhờ!
Than ôi! Thế gian này
Từ nay mãi trống vắng
Như đất nước loạn lạc
Lại mất vua hiền minh
Thương thay chúng trời, người
Đều gặp họa la-sát[104].
Như vào kiếp mất mùa
Dân bị khổ đói kém
Thương thay chúng trời, người
Vị cam lộ mất hẳn
Thí như lửa dữ cháy
Thiêu rụi hết chúng sinh
Thương thay chúng trời, người
Đường ác mãi nung đốt
Thương thay chúng trời, người
Đêm dài chịu khổ đau
Trôi lăn dòng sinh tử
Như voi lún bùn sâu
Thương thay nay trời, người
Toàn thân tuôn huyết lệ
Sầu bi, thêm khổ não
Tâm quyến luyến như vậy
Vì Thế Tôn diệt độ[105]
Hành nghiệp khó đo lường
Trời, trăng mây che phủ
Ánh tuệ diệt từ nay
Thương thay chúng trời, người
Đêm dài tăm tối mãi
Vì thế lòng khổ sầu
không gì so sánh được
Thân này chẳng gì vui
Muốn bỏ như đàm giải
không muốn sống ở đời
Khi hay Phật nê-hoàn
Xin nguyện Đại Trí Tôn
Trụ thế thuyết cam lộ
Mây tan, mặt trời hiện
Bóng tối thảy tiêu tan
Ánh sáng trí tuệ Phật
Xua tan màn sinh tử.
[861b] Bấy giờ Thế Tôn bảo các tì-kheo:
- Này các tì-kheo! Chớ như phàm phu, chư thiên, loài người, u sầu khóc lóc mà hãy nỗ lực tinh tấn phụng trì, chuyên niệm giữ gìn những pháp chân thật mà Phật đã dạy.
Lúc ấy trời, người và a-tu-la… nghe Phật nói pháp cho các tì-kheo, liền tự nén lòng, ngăn sự luyến thương, thí như hiếu tử cùng với mẹ hiền vừa mới tiển đưa ông nội ra nơi gò mã tống táng, vĩnh biệt quay về, dù rất thương cảm, áo não trong lòng cũng tự kiềm chế.
Bấy giờ Thế Tôn nói bài kệ rằng:
Các ông hãy lĩnh ngộ
Pháp chư Phật vốn vậy
Mỗi người về chỗ ngồi
Lắng nghe lời Ta dạy
Nhiếp tâm, chớ buông lung
Giữ gìn giới thanh tịnh
Định phục các loạn tưởng
Khéo hộ trì tâm mình.
[861b] Lại nữa, này các tì-kheo! Nếu có hoài nghi nay nên thưa hỏi. Đối với các pháp: không với chẳng không, thường với vô thường, quy với vô quy, y với vô y, hằng với không hằng, chúng sinh với chẳng phải là chúng sinh, thật với không thật, đế với không đế, nê-hoàn với chẳng phải là nê-hoàn, mật với không mật, hai với chẳng hai… đối với các pháp như vậy ai còn hoài nghi điều gì hãy mau thưa hỏi, Ta sẽ tùy thuận trả lời các ông, sẽ vì các ông mở cửa bất tử rồi mới diệt độ. Vì vậy trong tâm các ông hiện còn nghi ngờ điều gì mau đem thưa hỏi. Vì sao như vậy? Phật rất khó gặp, thân người khó được, có được niềm tin càng khó hơn nữa, lìa khỏi tám nạn[106], trì giới cụ túc[107] lại càng khó hơn, giống như trong cát tìm hạt gạo vàng, như hoa ưu-đàm ngàn năm mới nở.
- Lại nữa, này các tì-kheo! Trăm loài thảo dược, lúa gạo, cỏ cây và các trân bảo đều từ đất sinh. Hết thảy chúng sinh nương nơi trái đất mà được sinh trưởng. Như Lai cũng vậy, sinh ra các pháp, cam lộ nhiệm mầu, chúng sinh nhờ đó trưởng dưỡng pháp thân. Vì vậy cho nên, này các tì-kheo, nếu còn hoài nghi hãy đem thưa hỏi, Như Lai sẽ vì các ông quyết nghi rồi vào nê-hoàn, vì Ta muốn cho tất cả chúng sinh đều được an lạc.
Bấy giờ chư vị tì-kheo nghe Phật quyết định nê-hoàn thì tâm của họ đều thấy bất an, vừa buồn vừa sợ, toàn thân sởn ốc. Giống như mặt trời lúc vừa mới mọc rọi lên cây xanh từng đường gân lá như mạch máu đỏ hiện rõ trên ấy, thân thể tì-kheo cũng giống như vậy, khắp cả tứ chi máu huyết tươm ra. Họ dập đầu xuống sát đất đảnh lễ dưới chân Đức Phật, rồi đi nhiễu phải, xong quỳ bạch rằng:
- Lành thay, Thế Tôn! Xin Ngài mau thuyết vô thường, khổ, không. Thí như dấu chân các loài chúng sinh thì dấu chân voi là lớn hơn hết. Thế Tôn cũng vậy, trong các pháp thoại nói về pháp quán, thì quán vô thường là tối thượng nhất, nếu như tinh cần tu tập thì sẽ thoát ly tất cả tham ái cõi dục, ái hữu, ái sắc, vô minh kiêu mạn từ đây diệt tận. Lại nữa, Thế Tôn! Thí như ruộng đồng của người nông phu, vào tiết mùa thu, khi cỏ chưa chín, cày bừa thật sâu, thì đến mùa xuân, gieo ngũ cốc xuống, cỏ dại không mọc. Hành giả cũng vậy, siêng quán vô thường, tinh cần tu tập thì được thoát ly tham ái cõi dục, sắc ái, hữu ái, vô minh kiêu mạn không sinh trở lại, như người nông phu cày vào mùa thu là hơn hết cả. Kính bạch Thế Tôn! Trong các pháp quán, quán tưởng vô thường là pháp đệ nhất. Lại như ông vua, tự biết rằng mình đã sắp băng hà, liền ban chiếu lệnh đại xá thiên hạ, phóng thích tù nhân, rồi sau mới chết. Hôm nay Thế Tôn cũng giống như vậy, trước khi diệt độ, thuyết pháp cam lộ, lợi lạc chúng sinh, giải thoát mọi thứ lao ngục tham ái rồi vào nê-hoàn. Giống như một người, bị ác quỷ bắt, may gặp pháp sư trì chú làm phép liền thoát nạn quỷ. Chúng sinh cũng vậy, bị quỷ la-sát tham ái bắt đi, may nhờ thần chú Thánh huệ của Phật giải thoát chúng sinh ra khỏi lưới tà, quỷ dữ ân ái. Như người bệnh sốt gặp thầy thuốc giỏi, bệnh được trị lành. Chúng con cũng vậy, thân vô lượng bệnh, tà kiến, phiền não, may nhờ pháp dược của Đức Thế Tôn mà lành hẳn bệnh. Như người say rượu chẳng biết thân sơ, tôn ty già trẻ. Đến khi tỉnh rượu, lòng thấy hổ thẹn, liền tự trách mình. Chúng con cũng vậy, trong biển sinh tử không bờ không mé, say mê tình dục, vướng vào tà kiến, nay vừa tỉnh ngộ, biết tấm thân này tựa như cỏ lau hay cây y lan, chẳng gì bền chắc; ta, người, thọ mạng[108] đều không lâu bền.
Phật bảo tì-kheo:
- Như vậy các ông tu tập pháp quán vô ngã phải không?
Các tì-kheo đáp:
- Đúng vậy Thế Tôn! Chúng con thường tu pháp quán vô ngã. Ngoài ra có người còn quán vô thường, khổ, không, vô ngã. Kính bạch Thế Tôn! Như có người nói, mặt trời mặt trăng, các vì tinh tú, đất, núi chuyển dời, mà những thứ này thực không chuyển dời, chúng sinh mê lầm bảo là chuyển dời. Như vậy người nào nói pháp vô thường, khổ, không, vô ngã, phải biết người đó, như những chúng sinh thế tục mê lầm. Pháp chúng con tu là pháp bình đẳng.
Phật bảo tì-kheo:
- Như ông thí dụ, trong thí dụ đó, câu chữ nghĩa lý ông vẫn chưa hiểu. Ta sẽ nói thêm. Như có người nói mặt trời, mặt trăng, đất núi chuyển dời, mà những thứ này thực không chuyển dời, chỉ vì mê lầm mới nói chuyển dời, chúng sinh cũng vậy, ngu si điên đảo, chấp ngã, chấp thường, chấp lạc, chấp tịnh. Nhưng ngã chính là diệu nghĩa của Phật, thường đây chính là nghĩa của Pháp thân, lạc đây chính là nghĩa của nê-hoàn, tịnh đây chính là thật nghĩa của pháp. Này các tì-kheo, chớ sinh mê lầm mà nói rằng Ta đối với các pháp tu quán vô thường, khổ, không, bất tịnh.
Tì-kheo lại thưa:
- Kính bạch Thế Tôn! Chúng con cũng tu ba pháp quán tịnh[109].
Phật bảo tì-kheo:
- Ba pháp tu này trong pháp của Ta cũng không thật nghĩa, dù cho khổ tu vẫn không thành tựu, vì tính thay đổi. Khổ mà tưởng vui, đó là điên đảo. Vui mà tưởng khổ, đó là điên đảo. Vô thường nghĩ thường, đó là điên đảo. Thường nghĩ vô thường, đó là điên đảo. Vô ngã tưởng ngã, đó là điên đảo. Ngã tưởng vô ngã, đó là điên đảo. Bất tịnh tưởng tịnh, đó là điên đảo. Tịnh tưởng bất tịnh, đó là điên đảo. Đây là bốn pháp điên đảo vọng tưởng. Người nào không biết vận tâm bình đẳng tu những pháp này thì chẳng phải là tu hành chân chính. Khổ tu bất khổ, vô thường tu thường, vô ngã tu ngã, bất tịnh tu tịnh, bốn pháp tu này, thường-lạc-ngã-tịnh, là của thế gian. Lìa khỏi thế gian cũng có bốn pháp thường-lạc-ngã-tịnh. Các ông phải biết, pháp của thế gian chỉ có tên chữ, pháp xuất thế gian mới có nghĩa lý.
Lúc ấy, chư vị tì-kheo bạch với Phật rằng:
- Kính bạch Thế Tôn! Chúng con làm sao như lời Ngài dạy tu ba quán tưởng, thấy bốn điên đảo? Nguyện xin Thế Tôn trụ lại ở đời hoặc là một kiếp, hoặc hơn một kiếp, như lời Ngài dạy chúng con tu hành. Nếu Đức Như Lai không trụ lại đời chúng con làm sao có đủ khả năng ở chung một nhà với loài rắn độc[110]? Mãi xa Như Lai ai trụ lại đời giữ gìn chính pháp? Nay chúng con sẽ làm y như Phật, nhập vào nê-hoàn.
Phật bảo tì-kheo:
- Chớ nói như vậy! Chớ nói như vậy! Tì-kheo nên biết, chính pháp Như Lai đã trao Ca-diếp. Ông Đại Ca-diếp là chỗ nương tựa cho các tì-kheo, cũng sẽ cứu độ tất cả chúng sinh như Phật không khác. Tì-kheo nên biết, thí như đại vương nắm giữ quyền hành của một đất nước, nếu muốn du hành thì lập đại thần quyền hành như vua coi ngó việc nước. Ta cũng như vậy, đem thế giới này giao cho Ca-diếp. Này các tì-kheo! Các pháp vô thường, khổ, không, vô ngã mà các ông từng tu tập trước đây chưa phải chân thật. Thí như, đêm rằm tháng giêng có đoàn thương nhân dạo chơi trên sông, trong đó có người đánh rơi xuống nước một viên lưu ly. Lúc ấy, mấy người thương nhân liền nhảy xuống nước lặn tìm bảo châu. Có người nhặt được gạch đá dưới nước tưởng lầm bảo châu, vui mừng nổi lên mới biết không phải. Bảo châu lưu ly vẫn còn dưới nước lấp lánh sắc màu sáng tựa trời, trăng. Mọi người nhìn thấy biết minh châu thật, ai cũng trầm trồ, cùng tranh nhau lấy. Lúc ấy có người khéo léo dùng trí lấy được bảo châu. Này các tì-kheo! Đối với tất cả các pháp khổ, không, vô thường, bất tịnh, các ông nghĩ rằng mình đã hết lòng vâng lời tu tập, thì như những người nhặt lấy gạch ngói mà tự dối mình cho là bảo châu. Này các tì-kheo! Chớ như bọn kia tự lừa dối mình mà phải như kẻ thương nhân trí tuệ. Tì-kheo phải biết, có ngã, có thường, có lạc, có tịnh. Pháp các ông tu, nhiếp thọ phụng trì đều là điên đảo, như người không biết thứ bảo châu giả. Này các tì-kheo, tu pháp chân thật, như bảo châu thật, với pháp không thật, tu quán vô thường.
Tì-kheo bạch Phật:
- Như Thế Tôn dạy, tất cả các pháp đều là vô ngã, phải tu như vậy ngã tưởng sẽ diệt. Ngã tưởng diệt rồi hướng đến nê-hoàn. Nghĩa này thế nào? Nguyện xin Thế Tôn, thương xót chúng con giải thích tường tận!
Phật dạy tì-kheo:
- Lành thay, lành thay! Này các tì-kheo! Các ông muốn trừ bản ngã mê lầm mới hỏi như vậy. Thí như ông vua ám độn thiểu trí, gặp ông thầy thuốc cũng hạng ngu si, lừa dối thiên hạ. Ông thầy thuốc này nhận bổng lộc vua, chỉ biết thuốc sữa[111], không biết gì khác, thường dùng thuốc này để điều trị bệnh cho cả quốc dân, lại không biết được nguyên nhân của bệnh phong đàm, viêm họng. Nhưng vua ám độn lại khen ông ấy tài giỏi bậc nhất. Bấy giờ có một thầy thuốc thông hiểu tám cách trị bệnh, mới từ xa đến, bảo thầy thuốc cũ: ‘Xin theo thầy học, ngài là thầy tôi, tôi là đệ tử’. Thầy thuốc cũ nói: ‘Lành thay! Ta sẽ dạy ông phương thuốc trường sinh bất tử, ông phải siêng năng học 48 năm, khi ấy ông sẽ biết hết tất cả y thuật bậc nhất’. Rồi thầy thuốc cũ dẫn đứa học trò ra vào vương cung. Ông vua ám độn cũng rất ưa mến. Thầy thuốc mới đến thưa với vua rằng: ‘Đại vương cũng nên học nghề y thuật’. Vua rất hoan hỷ, bèn theo học nghề, trí tuệ tăng dần, mới vỡ lẽ ra, ông thầy thuốc cũ ngu dốt lừa mình, liền đuổi khỏi nước, thêm phần kính trọng thầy thuốc đến sau. Thầy thuốc đến sau biết đã đúng lúc, liền thưa vua rằng: ‘Có lời muốn thưa, xin vua cho phép’. Vua bảo: ‘Cứ nói’! Thầy thuốc liền thưa: ‘Đại vương nên biết, thuốc sữa mà ông thầy thuốc trước đây thường cho dân uống độc hại nguy hiểm, không nên uống nữa, phải bỏ đi ngay’. Vua liền nghe lời, hạ lệnh toàn dân từ nay về sau ai dùng thuốc sữa sẽ bị phạt nặng. Khi ấy, thầy thuốc đến sau dùng năm loại thuốc đủ cả năm vị: ngọt, chua, mặn, đắng, cay để chữa mọi bệnh. Sau vua lâm bệnh mời thầy thuốc đến. Thầy thuốc xem mạch, biết bệnh của vua phải dùng thuốc sữa, bèn thưa vua rằng: ‘Chỉ có thuốc sữa, mới trị lành bệnh’. Vua bảo thầy thuốc: ‘Ông điên rồi sao? Trước nói là độc, bảo ta phải đuổi thầy thuốc trước đây, nhưng nay lại bảo phải uống thuốc sữa’? Thầy thuốc đáp rằng: ‘Không phải, đại vương! Lời này có ý. Thí như tấm ván bị mối mọt ăn để lại dấu vết như tên của vua. Người không giỏi chữ tưởng là chữ thật, còn người giỏi chữ biết ngay không phải. Thầy thuốc trước đây cũng y như vậy, tuy dùng thuốc sữa nhưng không biết cách sử dụng đúng lúc. Đại vương nên biết, thuốc sữa có thể giết chết con người, nhưng cũng có thể cứu được mạng người. Không giết chết người là nuôi bò sữa thả nơi đồng trống, không có cỏ độc, cho uống nước sạch, không dùng roi đánh, thả nhốt đúng lúc, khi vắt sữa bò đừng cho nổi bọt. Phải biết sữa này cứu tất cả bệnh, không phải thuốc độc’. Vua nói: ‘Hay thay’! Bèn uống thuốc sữa. Khi ấy quốc dân nghe vua uống sữa hết thảy kinh hoàng kéo đến gặp vua, hỏi rõ ngọn ngành: ‘Ông thầy thuốc này không phải quỷ chứ? Sao trước đây nói thuốc sữa hại người nay lại khiến vua dùng lại thuốc ấy’? Bấy giờ nhà vua giải thích rõ ràng cho dân chúng nghe về cách dùng sữa. Vua cùng dân chúng càng thêm kính trọng thầy thuốc đến sau, làm theo cách ấy, thường uống thuốc sữa.
Tì-kheo nên biết, Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chính Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, là Đại y vương xuất hiện ở đời, vì để phá trừ tà thuật ngoại đạo nên sống gần gũi với mọi chúng sinh, để họ yêu thích rồi liền giáo hóa khiến bỏ đường tà mà nói lời này: Không có ngã nhân, chúng sinh, thọ mạng. Tựa như trùng mọt đục ván thành chữ, những kẻ dị học vì chấp ngã nhân, nên nói vô ngã. Hết thảy chúng sinh vâng lời Như Lai xoay vần dạy nhau đều nói vô ngã. Đó là Như Lai biết đúng thời điểm, vì cứu chúng sinh phương tiện thuyết rằng tính của các pháp vốn là vô ngã, chẳng như thế gian chấp có ngã nhân, nên mới nói rằng tính của các pháp vốn là vô ngã. Bây giờ nói ngã, như thầy thuốc kia biết dùng thuốc sữa, phải biết rằng ngã vốn là chân thật, ngã là thường trụ, không phải là pháp thay đổi biến dị, không phải là pháp hủy diệt từ từ. Ngã là phước đức, ngã là tự tại, thí như thầy thuốc khéo dùng thuốc sữa, Như Lai cũng vậy, vì mọi chúng sinh nói pháp chân thật. Hết thảy bốn chúng[112] nên học như vậy.
Bấy giờ Thế Tôn lại bảo tì-kheo:
- Đối với giới luật nếu có nghi lầm mau hỏi Như Lai.
Các tì-kheo thưa:
- Xin vâng, Thế Tôn! Chúng con cũng tu như trên đã nói, hiểu biết thân tướng đều là không tịch[113].
Phật bảo tì-kheo:
- Các ông chớ có bắt chước nói theo bậc Nhất thiết trí: Chúng con cũng tu hết thảy thân tướng đều là không tịch. Lại nữa tì-kheo, đối với giới luật, nếu có nghi lầm hãy mau thưa hỏi.
Chư tì-kheo thưa:
- Kính bạch Thế Tôn! Diệu nghĩa bình đẳng, của đấng Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Giác đâu phải cảnh giới chúng con thưa hỏi? Pháp chư Phật thuyết chẳng thể nghĩ bàn. Việc chư Phật làm chẳng thể nghĩ bàn. Vì vậy chúng con cùng với đại chúng đều không dám hỏi với đức Như Lai. Kính bạch Thế Tôn! Thí như có người sống đã một trăm hai mươi tuổi rồi, thân mang bệnh nặng, đau nằm liệt giường. Lại có một người, không chút trí tuệ, giàu có vô lượng, đến thăm người ấy, ngồi cạnh bên giường, cầm tay người bệnh mà nói như vầy: ‘Này ông bạn già, tôi muốn đi xa, qua nước khác chơi, sẽ đi mười năm hoặc hai mươi năm, nên nhờ ông bạn coi giùm kho bạc trân bảo của tôi, sau này trở về tôi sẽ lấy lại’. Bấy giờ người bệnh, chẳng có vợ con lại không quyến thuộc, bệnh ngày càng nặng, rốt cuộc mạng chung, tài vật ký gởi đều bị mất hết. Chủ tài sản kia sau đó trở về muốn đến lấy đồ chẳng biết tìm đâu. Cũng vậy, Thế Tôn! Ngài bảo chúng con đối với giới luật nếu có nghi ngờ thì mau thưa hỏi, nếu bảo thanh văn thưa hỏi Như Lai sợ chính pháp này không được cửu trụ. Lại nữa không biết ai có thể hỏi để cho chúng sinh nhờ chút ân này? Vì vậy, Thế Tôn! Hôm nay chúng con không dám thưa hỏi. Như có sĩ phu, thầy bói xem tướng ông sống đến một trăm hai mươi tuổi[114], quyến thuộc đầy đủ, giàu có vô lượng. Lại có một người, nói với sĩ phu: ‘Tôi có tài sản, nay gởi cho ông, ông hãy vì tôi làm vốn sinh lời, hoặc sau mười năm, hoặc hai mươi năm, rồi trả lại tôi’. Bấy giờ sĩ phu liền nhận tài vật, làm cho vốn ấy càng sinh thêm lời. Sau đó chủ vốn đến lấy lại tiền, được trả đầy đủ. Đúng vậy, Thế Tôn! Tôn giả A-nan và hàng thanh văn, họ không thể nào hộ trì Như Lai thuyết giảng pháp tạng, mong muốn trường tồn. Vì sao như vậy? Vì là thanh văn. Chỉ có chư vị hàng đại bồ-tát, hoặc ngài Ca-diếp mới có thể hỏi, trăm ngàn vạn kiếp kham nhận phụng trì pháp tạng Như Lai, tất cả chúng sinh ắt được nhờ ân. Vì vậy, Thế Tôn! Nên để bồ-tát vì mọi chúng sinh thỉnh đức Như Lai giải quyết nghi lầm, chẳng phải chúng con kham được việc này.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các tì-kheo:
- Lành thay! Lành thay! Tì-kheo các ông chứng pháp vô lậu, thành a-la-hán, mới có thể nói lời chân thật này, hiểu sâu ý Ta. Có hai nhân duyên, khiến cho bồ-tát giữ gìn chính pháp: Khiến pháp Đại thừa tồn tại lâu dài, và để chúng sinh mong nhờ ân ấy. Phẩm thứ 5: TRƯỜNG THỌ
[863b] Bấy giờ Thế Tôn bảo khắp chúng hội:
- Này các thiện nam và các thiện nữ! Ở trong ba pháp và các giới luật, ai còn hoài nghi nay mau thưa hỏi.
Đức Phật gặn hỏi ba lần như vậy.
Bấy giờ chúng hội có vị Bồ-tát ở thôn Na-la[115], họ Ca-diếp Thị[116], dòng Bà-la-môn, nương oai thần Phật từ nơi chỗ ngồi đứng dậy chỉnh y trịch bên vai hữu, lễ Phật sát chân, nhiễu trăm ngàn vòng, gối phải chấm đất, dùng hương hoa trời cúng dường Đức Phật, xong bạch Phật rằng:
- Kính bạch Thế Tôn! Con nay muốn hỏi, cúi xin Thế Tôn từ bi thương xót giảng bày rộng cho.
Phật bảo Ca-diếp, bậc Đại Bồ-tát:
- Như Lai Ứng Cúng, Chính Đẳng Chính Giác, cho phép ông hỏi, và giải đáp cho.
Bồ-tát Ca-diếp bạch với Phật rằng:
- Kính bạch Thế Tôn! Những lời con hỏi đều nhờ oai lực của Đức Như Lai, cũng nhờ thiện căn của mọi chúng sinh. Ngày nay Như Lai lấy bốn chúng lớn toàn là Hiền thánh dùng làm quyến thuộc, các Đại sư tử dùng làm quyến thuộc, Lực sĩ Kim Cang dùng làm quyến thuộc, Diệu trí đại hải dùng làm quyến thuộc, chư vị Bồ-tát trong chúng hội này đều đã thành tựu vô lượng công đức… những chúng như vậy dùng làm quyến thuộc. Còn chúng con đây phàm phu thấp kém, nếu có nghi ngờ mà không nương nhờ thần lực Như Lai gia trì giúp đỡ thì không thể nào đủ sức thưa hỏi. Vì vậy hôm nay con giám thưa hỏi là phải biết rằng đều nhờ thần lực của đức Như Lai, liền ở trước Phật dùng kệ hỏi rằng:
Làm sao được trường thọ
Thân kim cang bất hoại?
Khế kinh nghĩa thậm thâm
Làm sao để thọ trì?
Bồ-tát độ chúng sinh
Thuyết pháp có căn cơ
người nào kham nhận được
Làm chỗ tựa chân thật?
Dù chưa đạt La-hán
Cũng mong được ngang bằng.
Ma hay Phật nói pháp
Làm sao phân biệt được?
Làm sao biết bình đẳng
Nghĩa của bốn thánh đế
Và bốn tướng điên đảo
Hành khổ, không, vô ngã
Bồ-tát làm sao thấy
Tánh khó thấy của Phật?
Làm sao được đầy đủ
Hiểu nghĩa của bán tự[117]?
Làm sao khéo hóa hiện
Như nhạn, hạc, xá-lợi[118]?
Làm sao có trí tuệ
Sáng tựa mặt trời, trăng?
Sao làm bậc bồ-tát?
Nguyện thương con nói rõ
Các pháp môn như vậy
Vô lượng nghĩa thậm thâm
Chúng con đều muốn biết
Nên mới hỏi lời này
Dám xin hỏi Như Lai
Cảnh giới của chư Phật?
[863c] Phật bảo Ca-diếp:
- Lành thay! Lành thay! Này thiện nam tử! Ông đã dần đến Nhất thiết chủng trí của đức Như Lai mới có khả năng hỏi về nghĩa lý thâm sâu kinh này. Số chư Phật nhiều như cát ở trong a-tăng-kì sông Hằng, bất cứ phương nào, từ xưa đến nay, tại thế giới này đều ngồi nơi đạo tràng dưới gốc cây bồ-đề mà thành Đẳng Chính Giác. Và họ vốn là bồ-tát đắc đạo bồ-đề và đã lần lượt khai ngộ đều nhờ thưa hỏi pháp tạng thâm sâu của đức Như Lai. Ngày nay các ông cũng lại như vậy, hay đem cảnh giới Nhất thiết chủng trí mà thưa hỏi Ta, nhờ đó an lạc tất cả chúng sinh.
Bồ-tát Ca-diếp bạch với Phật rằng:
- Kính bạch Thế Tôn! Con không kham nhận hỏi về cảnh giới Nhất thiết chủng trí của đức Thế Tôn. Thí như con muỗi, con ve không thể vượt qua biển lớn đến bờ bên kia, và không thể bay cùng khắp hư không, cũng không thể nào uống hết nước biển. Con cũng như vậy, không thể kham nhận trí tuệ thâm sâu dường như biển cả, rộng lớn bao la trùm cả hư không của đức Như Lai mà được vô úy. Kính bạch Thế Tôn! Lại như đại vương có viên minh châu ở trong búi tóc, giao người giữ kho cẩn thận gìn giữ như giữ đầu mình. Con cũng như vậy, nay hỏi Như Lai chính pháp thâm sâu, Như Lai giảng rộng dứt trừ lưới nghi.
Phật bảo Ca-diếp:
- Này thiện nam tử! Nay Ta sẽ nói nghiệp nhân trường thọ bậc đại bồ-tát, thực hành nghiệp này là nhân Đẳng giác[119], các ông lắng nghe, khéo suy nghĩ kỹ. Nghe bổn hạnh đó rồi vì người khác giảng nói rộng rãi, nhờ đó được sinh trí tuệ Đẳng giác. Này thiện nam tử! Ta cũng nhờ sự thực hành nghiệp đó và nói rộng rãi cho người khác nghe mà được chứng đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề[120]. Thí như đại vương có con phạm tội nhốt trong ngục tù, vì để cứu con nên phải ân xá cho mọi tù nhân. Bồ-tát cũng vậy, tu nghiệp trường thọ nên thương chúng sinh, y như con một, đối với chúng sinh, đại từ đại bi, đại hỷ đại xả, giữ gìn tịnh giới, không hại chúng sinh, an lập tất cả chúng sinh vào nghiệp năm giới, thập thiện, tùy theo sức mình cứu giúp chúng sinh trong đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, đoạn từ tất cả nghiệp duyên ác thú, giải thoát cho kẻ chưa được giải thoát, độ người chưa độ, chí nguyện kiên cường, thành trí phương tiện. Nhờ hạnh nghiệp này được quả y báo trường thọ vô cùng, thành đại diệu trí, vô úy, tự tại. Bồ-tát như vậy viễn ly sinh tử.
Bồ-tát Ca-diếp bạch với Phật rằng:
- Như lời Thế Tôn, bậc đại bồ-tát xem khắp chúng sinh y như con một, nghĩa này thế nào? Nếu nói bồ-tát xem khắp chúng sinh y như con một chắc là không có. Vì sao như vậy? Bởi trong Phật pháp người nào phạm giới, gây tội ngũ nghịch, phỉ báng chính pháp, thì những người này có xem họ như con một được không?
Thế Tôn trả lời:
- Đúng vậy Ca-diếp! Ta xem chúng sinh như La-hầu-la[121].
Ca-diếp bạch Phật:
- Nếu nói như vậy tại sao lần nọ, vào đêm mười lăm, nhằm kỳ bố tát, chúng Tăng thanh tịnh, thì có đồng tử chưa thọ cụ túc lén trộm nghe giới, lúc ấy đại thần lực sĩ Kim Cang[122] vâng thần ý Phật cầm chày kim cang đập đồng tử ấy nát thành tro bụi, như vậy gọi là thương khắp chúng sinh như con một sao?
Phật bảo Ca-diếp:
- Chớ nói như vậy! Kẻ đồng tử kia chỉ là hóa nhân[123], vì muốn minh chứng ở trong chính pháp những kẻ phạm tội sẽ bị tẫn xuất để dạy những kẻ đời sau có tâm trộm giới và bọn nhất-xiển-đề có ác tâm tiềm phục. Như vua, đại thần bắt kẻ phạm pháp tùy tội mà trị. Phật cũng như vậy, có người hoại pháp, dùng lý trừng phạt, khiến người phạm tội tự thấy ác báo. Như Lai thường lấy ánh sáng tự thân an ủi chúng sinh, khiến cho chúng nó không sợ và cũng không bị ám hại. Tuy có chúng sinh không gặp ánh sáng cho đến khi chết, nhưng đức Như Lai đối với người đó không bỏ đại từ. Lại nữa Ca-diếp! Các ông phải biết nghĩa lý bí mật của đức Như Lai. Nay sẽ nói thêm, này ông Ca-diếp, thí như nơi nào có các tì-kheo trì giới thanh tịnh, đạo đức thuần nhất, đầy đủ uy nghi, Như Lai cõi ấy đã bát-nê-hoàn, có các tì-kheo không chịu giữ giới, vì chúng Tăng đó không có đại sư, có người vô đạo, não hại các vị tì-kheo giữ giới. Bấy giờ quốc vương mến mộ Phật pháp, trị những kẻ ác, hoặc đuổi khỏi nước. Vì vua có công trừng trị kẻ ác, an lập chính pháp, cho nên gặt được bước báo vô lượng. Bởi vì sao thế? Vì phạt kẻ ác, an lập đại pháp. Lại nữa có người, trong vườn nhà họ mọc đầy cây độc, họ liền đốn sạch. Trong pháp cũng vậy, những người phạm giới, nhiễu loạn chính pháp, như hại chủ nô, đều bị tẫn xuất. Nếu không tẫn xuất, phải biết bọn này quay lưng với Ta, lìa xa chính pháp. Nếu bị tẫn xuất là đệ tử Ta.
Bồ-tát Ca-diếp bạch với Phật rằng:
- Theo như nghĩa này, thì chẳng bình đẳng xem mọi chúng sinh y như con một, thí như bình đẳng xem người ân, oán[124], lời này trái nhau. Nếu nói Như Lai phải trị những kẻ phá hoại chính pháp, nghĩa này thế nào?
Phật bảo Ca-diếp:
- Như vua, đại thần, trưởng giả, cư sĩ sinh con đoan chính, thông minh lanh lợi, giữa đời hiếm có, ai cũng mến yêu. Người cha đem con đến nhà thầy giáo học các kỹ nghệ, nói với thầy rằng: “Tôi có đứa con, phước đức đoan chính, chưa học kỹ nghệ, thầy hãy vì tôi dạy nó nên người, nếu không như pháp cần nghiêm khắc trị. Tôi có bốn con, đều học nơi thầy. Giả sử ba đứa bị đòn mà chết, một đứa còn lại cũng phải nghiêm trị để nó nên người, dẫu chết không hối”. Phật bảo Ca-diếp: Ý ông nghĩ sao? Cha, mẹ, thầy giáo nghiêm khắc dạy dỗ đứa trẻ đến nỗi khiến nó mất mạng, thì cha, mẹ, thầy, phạm tội sát không?
Ca-diếp bạch Phật:
- Thưa không, Thế Tôn! Vì lòng thương con, muốn nó nên người, tuy có đánh đòn nhưng không ác ý, dạy dỗ như vậy được phước vô lượng, không mang tội sát.
- Này thiện nam tử! Như Lai cũng vậy, những kẻ phạm giới, phá hoại chính pháp Ta đều thương yêu, y như con Ta, từ mẫn dạy dỗ, muốn họ thành tựu. Những ai phạm giới, phá hoại chính pháp, dù nghiêm khắc trị vẫn không có lỗi. Vì vậy phải biết, bậc đại bồ-tát xem khắp chúng sinh y như con một. Tu tập tam-muội[125] bình đẳng như vậy, tâm không sát hại gọi đó chính là trí tuệ tự tại, nghiệp nhân trường thọ của hàng bồ-tát.
Bồ-tát Ca-diếp bạch với Phật rằng:
- Xem khắp chúng sinh y như con một, bậc đại bồ-tát tu hành như vậy được trường thọ chăng?
Phật đáp:
- Đúng vậy!
Bồ-tát Ca-diếp lại bạch Phật rằng:
- Cúi xin Thế Tôn đừng nói nghĩa này, như trẻ nít đùa, nói làm không thật. Kính bạch Thế Tôn, thí như trẻ con trong khi đóng kịch, dùng lời ca ngợi, đem các phẩm vật cúng dường mẹ cha, nhưng khi về nhà ngỗ nghịch bất hiếu, làm khổ mẹ cha, không báo đáp ân sinh thành dưỡng dục. Thế Tôn cũng vậy, nói đại bồ-tát thương khắp chúng sinh y như con một, nhờ công đức này bèn được trường thọ, trí tuệ tự tại, thường trụ bất tử, vậy mà hôm nay tuổi thọ Thế Tôn chỉ bằng người đời. Phải chăng Thế Tôn trong vô số kiếp đối với chúng sinh ôm lòng nghĩ tưởng thường dùng đao kiếm? Kỳ thay, Thế Tôn! Ngài bị đoản thọ là do quả báo sát hại chúng sinh, giống như người đời chỉ có trăm tuổi. Tuổi thọ bồ-tát, còn không như vậy, huống là Như Lai?
Phật bảo Ca-diếp:
- Đứng trước Như Lai, Ứng Cúng Đẳng Giác, chớ nên buông ra những lời thô tục. Này thiện nam tử! Phải biết Như Lai trường thọ vô lượng. Phải biết Như Lai là pháp thường trụ. Phải biết Như Lai là pháp không đổi. Phải biết Như Lai là pháp bất hoại.
Bồ-tát Ca-diếp bạch với Phật rằng:
- Làm sao biết được Như Lai trường thọ?
Phật bảo Ca-diếp:
- Như Diêm-phù-đề có tám sông lớn và những dòng suối đều chảy ra biển, không bao giờ dứt. Phải biết biển lớn là nơi dung chứa nước của muôn dòng. Như Lai cũng vậy, bao nhiêu thọ mạng của hàng trời, người đều chảy vào biển thọ mạng Như Lai. Do ý nghĩa này mà biết thọ mạng Như Lai vô lượng. Lại nữa Ca-diếp! Thí như hư không thường trụ bất biến. Như Lai thường trụ cũng y như vậy. Cũng như đề hồ[126] là thuốc tươi mát, hay trừ nhiệt não, Như Lai Ứng Cúng, Chính Đẳng Chính Giác, thường lấy pháp dược thanh lương đề đồ trừ mọi khổ nạn cho khắp chúng sinh. Vì vậy Như Lai thường trụ, thanh lương, không có các thứ hoạn nạn, phiền não.
Bồ-tát Ca-diếp bạch với Phật rằng:
- Kính bạch Thế Tôn! Nếu Đức Như Lai thọ mạng vô lượng, lại muốn an lạc tất cả chúng sinh, ngày nay Thế Tôn nên trụ lại đời hoặc là một kiếp hoặc hơn một kiếp, dùng pháp thanh lương như tuôn mưa xuống cho mọi chúng sinh. Cúi xin Thế Tôn thương xót trụ thế.
Phật bảo Ca-diếp:
- Chớ nên đối với Đức Phật Như Lai sinh tâm diệt tận. Các hàng tì-kheo và tì-kheo-ni, hàng ưu-bà-tắc và ưu-bà-di, cùng hàng ngoại đạo còn có năm đức[127], có thể kéo dài tuổi thọ một kiếp hoặc hơn một kiếp, ở giữa hư không kinh hành, nằm ngồi rất là tự tại, hông phải phun lửa, hông trái tuôn nước, thân tỏa ra khói, có thể khiến cho thân lớn vô cùng, có thể khiến cho thân như hạt bụi lọt mọi kẻ hở. Có năm đức này liền được thần lực tự tại như vậy, huống gì Như Lai thành tựu tất cả công đức vô lượng mà không khả năng trụ lại ở đời hoặc là một kiếp, hoặc hơn một kiếp? Vì vậy phải biết Như Lai thường trụ, không phải là pháp thay đổi, hư hoại, phải biết thân này không phải là thân thụ dụng thức ăn, ở thế giới này là thân ứng hóa, như cây thuốc độc nay phải bỏ đi. Vì vậy Ca-diếp, phải biết Pháp thân Như Lai thường trụ, không phải là thân thay đổi, hư hoại, phải vì người khác rộng nói như thế.
Bồ-tát Ca-diếp bạch với Phật rằng:
- Kính bạch Thế Tôn! Các pháp thế gian và xuất thế gian, có gì khác nhau? Phật từng dạy rằng: Như Lai thường trụ mà người thế gian cũng nói thường trụ, con là Ca-diếp cũng từng nghe nói tiên sư Phạm thiên vốn có thần lực thường hay tới lui, chu du khắp chốn. Nếu Đức Như Lai là pháp thường trụ, thì pháp thế gian và xuất thế gian chưa thấy có gì khác nhau hết cả.
Phật bảo Ca-diếp:
- Như ông trưởng giả có con bò sữa giao cho người giữ, sai nó nuôi dưỡng, thả riêng đồng trống, chỗ không cỏ độc, không thả chung đàn, không cột chung chuồng, thương yêu chăm sóc, vì muốn có được thục tô[128] tốt nhất cung cấp quyến thuộc. Không bao lâu sau, trưởng giả qua đời, người chăn bò kia cũng chết sau đó. Lúc ấy có người dân quê đi qua trong vùng đầm vắng được con bò ấy liền dắt đem về, lấy sữa nuôi thân, muốn làm sinh tô, nhưng không biết cách, chứa sữa trong bồn không được tinh sạch, lạnh nóng không hợp nên chẳng thành sinh, cũng chẳng thành tô, lại lấy sữa hư cho là lạc, tô. Đã tưởng lạc, tô nên lấy mà ăn. Chúng sinh ngu si, cũng y như vậy. Chính pháp trong sạch, diệu nghĩa sâu rộng, Phật đã diệt độ như chủ bò chết, chúng sinh sống trong đầm lầy sinh tử như người dân quê, lấy trí thế tục đối với chính pháp, luật nghi trong sạch tưởng thành điên đảo, bảo có chúng sinh, ta, người, thọ mạng, cho là giải thoát, cho là thường trụ. Các chúng sinh này bị tà hoặc che, không biết giải thoát, chẳng biết thường trụ, học theo dị kiến[129], chẳng được giải thoát, xa lìa chân đế, bỏ hạnh luật nghi, không biết Như Lai, là pháp thường trụ, như người dân quê ngu si chẳng được năm loại sữa bò, tự nói ăn tô mà thật chẳng được một vị nào cả trong năm vị sữa. Những kẻ thế tục chấp rằng Phạm thiên là đấng tạo hóa, nói rằng là thường, rằng là chúng sinh, rằng là giải thoát, nhờ cầu Phạm thiên, tu chút phạm hạnh, như lìa tà dâm, hiếu dưỡng cha mẹ, được ít phước báo sinh lên cõi trời, hưởng phước tự nhiên như người dân quê ăn loại sữa hư. Này thiện nam tử! Những người thế tục tu chút phạm hạnh, cúng dường cha mẹ, nhưng nếu không chịu quy y tam bảo, phải biết người ấy có chút quả báo, không được lâu dài. Cúng dường cha mẹ, không hành tà dâm…, sẽ được quả báo vợ chồng hòa thuận, nhưng cũng vô thường, là pháp thế gian như Phật đã nói. Chỉ có Như Lai thường trụ bất diệt. Vì vậy, thiện nam! Hãy tìm phương tiện lìa các hồ nghi, cần phải tư duy đức Phật Như Lai là pháp thường trụ. Lại nữa, thiện nam! Lúc người dân quê nuôi bò sữa ấy, chợt gặp Chuyển luân thánh vương ra đời. Vương pháp chuyển luân cảm đến bò sữa, nhờ sức phước đức, người dân quê ấy thả con bò sữa. Bò được thả rồi, tự nhiên đi đến chỗ thần giữ kho của Chuyển luân vương. Chủ giữ kho biết đây là bò sữa ắt sẽ làm ra năm loại sữa tốt, nhất định là do phước đức Thánh vương cảm ứng mà đến. Phật là pháp vương xuất hiện giữa đời cũng giống y vậy. Như bò sữa kia, âm thanh thường pháp mà người đời nghe chuyển thành âm thanh thường pháp của Phật, như người dân quê thu phục bò sữa, rồi lại phá tán chẳng được sữa ngon, cuối cùng thả bò, bỏ cả âm thanh thường pháp bò sữa, liền đến trước Phật, giống như đệ tử coi giữ kho báu, đứng trước Như Lai, nhờ sức phước báu của các chúng sinh, khiến thường pháp của bò sữa sinh ra sữa luôn thơm ngon. Vì vậy, thiện nam! Phải biết Như Lai chính là pháp thường, chẳng phải là pháp thay đổi biến dị, phàm ngu thế gian không thể hiểu được, đều nhờ âm thanh Như Lai thường trụ mà được biết vậy. Người thế gian kia phải nghĩ như vầy: Âm thanh thường pháp tức là âm thanh thường pháp Như Lai. Từ âm thanh này nên biết Như Lai vô lượng vô biên, không thể suy lường. Này người thiện nam và người thiện nữ, nếu giữ hai chữ “thường trụ” của Phật, trải qua nhiều kiếp tinh cần tu tập thì chúng sinh này không bao lâu nữa thành đạo bồ-đề, chính đẳng chính giác, như Ta không khác. Này thiện nam tử! Hãy gắng cẩn thận, chớ có buông lung, tu hai chữ ấy kiên cố thọ trì. Hôm nay Như Lai sẽ bát-nê-hoàn. Đây là định pháp của tất cả Phật.
Bồ-tát Ca-diếp bạch với Phật rằng:
- Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là pháp? Pháp có nghĩa gì? Nguyện xin được nghe thế nào là tính của các pháp ấy?
Phật bảo Ca-diếp:
- Ông nay muốn nghe pháp tính phải không?
Ca-diếp bạch Phật:
- Xin Phật nói rộng, con muốn được nghe!
Phật bảo Ca-diếp:
- Pháp tính nghĩa là xả bỏ thân mạng.
Ca-diếp bạch Phật:
- Xả bỏ thân mạng? Nghĩa này càng tăng thêm lòng nghi ngờ.
Phật bảo Ca-diếp:
- Chớ nên nghĩ rằng Như Lai xả thân liền thụ thân khác.
Ca-diếp bạch Phật:
- Không hỏi thụ thân.
Phật bảo Ca-diếp:
- Chớ nên nói rằng các pháp đoạn diệt. Lại nữa Ca-diếp! Như trời Phi tưởng, cõi không sắc ấm, chúng sinh cõi ấy làm sao để trụ? Làm sao mà chết? Làm sao mà hiện? Tâm tưởng của họ làm sao hồi chuyển? Là cảnh giới Phật, ông nên thưa hỏi, cũng phải hỏi Ta thụ thân nữa không? Giả sử có người hỏi ông về việc chúng sinh vô tưởng, thân, tâm, trú xứ, thọ lạc thế nào, ông trả lời sao? Bởi đây chẳng phải cảnh giới của hàng thanh văn, duyên giác và hàng bồ-tát, chỉ là cảnh giới Như Lai hành xử. Lại nữa thiện nam! Thân của Như Lai so với thân của chúng trời vô tưởng càng khó biết được. Không phải cảnh giới thanh văn, duyên giác và hàng bồ-tát, làm sao biết được Như Lai ở đâu, xuất hiện thế nào? Thân của Như Lai là thân phương tiện chẳng thể nghĩ bàn, chẳng phải cảnh giới của ông tri lường. Này thiện nam tử! Ông ở nơi Ta chỉ niệm như vầy: Như Lai thường trụ, pháp, tăng cũng vậy. Ba ngôi báu này là pháp không bị vô thường chi phối, thường trụ bất biến, thanh lương, chân thật, lìa mọi phiền não, nếu không như vậy thì người thiện nam và kẻ thiện nữ thanh tịnh quy y ắt không thành tựu. Tu tập như vậy là pháp thường trụ không thể nghĩ bàn. Này thiện nam tử! Thí như có cây thì ắt có bóng, nếu không có cây thì không có bóng. Nếu không thấy cây mà nói thấy bóng là điều không tưởng. Như vậy đã có pháp thường của Phật làm mọi cây lớn che chở chúng sinh, làm chỗ nương tựa cho mọi chúng sinh. Giả sử Như Lai là pháp vô thường thì không có tên Ứng Cúng Đẳng Giác, làm chỗ nương tựa tối thượng cho hàng chư thiên loài người.
Ca-diếp bạch Phật:
- Dạ thưa Thế Tôn! Như trong đêm tối bóng cây hiện không?
Phật bảo Ca-diếp:
- Sao không có bóng? Có bóng vì đã có thân cây này. Thế nhưng không phải mắt thịt chúng sinh mà có thể thấy. Vì vậy phải biết, đã có Như Lai thì là thường trụ, chẳng phải là pháp thay đổi biến dị, chẳng phải là pháp hủy diệt từ từ. Như bóng cây kia ở trong đêm tối mắt thịt không thấy, Phật nê-hoàn rồi, thường trụ bất biến, mắt thịt không thấy cũng y như vậy, nên sinh vọng tưởng, đối với Như Lai nghĩ rằng vô thường. Này thiện nam tử! Nếu cha mẹ ông, tôn trọng quy y nơi Phật, Pháp, Tăng, mà nghĩ vô thường thì sự quy y ấy không thanh tịnh. Ông nay nên lấy ba pháp thường trụ để mà giáo hóa, khuyến khích cha mẹ, khiến cho cha mẹ thành tựu tam quy của hàng bồ-tát.
Ca-diếp bạch Phật:
- Dạ vâng, Thế Tôn! Từ nay về sau con sẽ vận dụng ba pháp thường trụ là Phật, Pháp, Tăng để khai ngộ cho cha mẹ hiện tại, nhẫn đến bảy đời, đều khiến phụng trì các pháp thường trụ. Lành thay Thế Tôn! Con sẽ thụ học, giảng rộng cho người ba pháp thường trụ, nếu họ không nhận lời chân diệu này, phải biết bọn họ bị vô thường che, nhưng con nguyện sẽ mỗi ngày ba lần vì họ dạy dỗ, khiến họ thân cận.
Phật bảo Ca-diếp:
- Lành thay! Lành thay! Này thiện nam tử, hộ trì chính pháp phải làm như thế, cũng thường tu tập không mất tâm từ, không hại quả ấy liền được thành tựu trí tuệ tự tại, thọ mạng vô cùng như hàng bồ-tát. Phẩm thứ 6: THÂN KIM CANG
[866a] Bấy giờ Thế Tôn lại bảo Ca-diếp:
- Này thiện nam tử! Phải quán như vầy: Thân của Như Lai là thân thường trụ, là thân bất hoại, là thân kim cang, chính là pháp thân, chẳng phải là thân thụ thực ô uế.
Bồ-tát Ca-diếp bạch với Phật rằng:
- Kính bạch Thế Tôn! Con không quán chiếu cái tầm thường đó. Bởi vì sao vậy? Nếu nay Như Lai đại bát-nê-hoàn thì thân của Ngài là thân hư hoại, là thân bụi đất, là thân thụ dụng thức ăn ô uế. Nếu Đức Như Lai mãi không nê-hoàn thì con tùy thuận tu quán bình đẳng.
Phật bảo Ca-diếp:
- Này thiện nam tử! Chớ nói thân Ta giống thân người đời, chẳng bền dễ hoại. Trải bao số kiếp đêm dài tăm tối xoay vần sinh tử, thân của Như Lai là thân bất hoại, chẳng phải như thân của những người đời, cũng chẳng như thân của hàng chư thiên, thân không thụ dụng thức ăn ô uế, là thân phi thân, cũng không sinh diệt, không còn tập khởi, không còn lưu chuyển, không có bờ mé, không còn dấu vết, không trí không hành, bổn tính thanh tịnh, không có sở hữu, không có sở thụ, không đến không đi, không dừng không động, không vị không xúc, không thức không tư, không bằng không hơn, không chỗ hướng đến, mà cũng chẳng phải không chỗ hướng đến, vĩnh viễn đoạn diệt, mà cũng chẳng phải là pháp đoạn diệt, chẳng sự chẳng thật, chẳng giác chẳng tưởng, chẳng có bắt đầu, chẳng có kết thúc, chẳng phải kiến lập, chẳng phải sung túc, không chỗ tựa nương, chẳng có nhà cửa, chẳng có dừng nghỉ, chẳng có tịch tĩnh, rộng rãi thanh tịnh, lìa mọi phiền não, không còn nắm giữ, cũng không nhiễm trước, không còn tranh chấp, lìa mọi tranh chấp, thường trụ chẳng trụ, không còn lên xuống, bởi thân không chết, vừa thân phi pháp, vừa cũng chẳng phải là thân phi pháp, chẳng phải phước điền, mà cũng không phải là chẳng phước điền, không thể cùng tận, chẳng phải tì-kheo, mà cũng không phải chẳng là tì-kheo, xa lìa danh tự, lìa sự khen ngợi, lìa cả nói năng, lìa cả tu tập, lìa mọi mong cầu, chẳng phải hòa hợp, mà cũng không phải là không hòa hợp, chẳng còn đo lường, mà cũng không phải là chẳng đo lường, chẳng phải đến nơi, mà cũng không phải là chẳng đến nơi, không phải thông suốt, chẳng còn chướng ngại, không còn hình tướng, lìa mọi hình tướng, tướng tướng trang nghiêm, chẳng có giữ gìn, không còn hiện hữu, lìa mọi hiện hữu, thân này có thể làm ruộng phước đức, thật không thể thấy, không thể biểu hiện, như như chân thật, độ mọi chúng sinh, nhưng chẳng chúng sinh để mà cứu độ, giải thoát tất cả mọi loài chúng sinh, nhưng cũng chẳng có một chúng sinh nào để mà giải thoát, an tịnh tất cả mọi loài chúng sinh mà thật chẳng có một chúng sinh nào để mà an tịnh, che chở tất cả mọi loài chúng sinh mà chẳng chúng sinh nào được che chở, dạy dỗ chúng sinh nhưng chẳng có hai, không người dạy dỗ và người được dạy. Thân của Như Lai gọi là Vô Đẳng, hay Vô Đẳng Đẳng[130], bằng với vô lượng, ngang với hư không, bằng với vô xứ, bằng với vô sinh, bằng vô sở hữu[131]. Thân của Như Lai không gì sánh bằng, lìa mọi so sánh, là thân tịch diệt, nhưng không đoạn dứt, luôn luôn vận hành, kỳ thật rốt ráo không hề chuyển vận, nhiếp thọ hết thảy, đoạn mọi vi diệu, hiện giáo bất nhị[132], không bỏ tự tính. Thân này chẳng thành, không dài không ngắn, không ấm, giới, nhập[133], chẳng tướng hữu vi, cũng chẳng vô vi, không cần nuôi lớn, không cao không thấp, chẳng có nhóm chứa, cũng không phải là chẳng có nhóm chứa, chẳng phải là đất, mà cũng không phải là chẳng phải đất. Công đức như vậy vô lượng vô biên, không thể nghĩ bàn là thân Như Lai, không có ai biết, chẳng có ai thấy, không có ai nói, chẳng người luận bàn, là điều thế gian không thể nhiếp thụ, chẳng có nguyên nhân mà cũng không phải là chẳng nguyên nhân. Hết thảy vọng tưởng, chấp giữ hình tướng, cùng mọi ngôn thuyết và cả nê-hoàn cũng không thể nào so sánh pháp thân. Thành tựu công đức vô lượng như vậy thì mới gọi là thân của Như Lai. Này ông Ca-diếp, thân tướng Như Lai là cảnh sở tri để hàng Thanh văn và Bích-chi-phật nhìn vào hiểu được. Thành tựu được thân Như Lai như thế chính là pháp thân, không phải là thân thụ thực ô uế, thì làm sao có các bệnh các não và bị hư hoại như đồ đất nung? Tùy thuận hóa thân, hiện già, bệnh, chết, chứ pháp thân Phật kim cang khó hoại. Này ông Ca-diếp, từ nay trở đi ông phải biết vậy, thân của Như Lai không phải là thân thụ thực ô uế, và vì người khác rộng nói điều này, từ nhân vi diệu sinh làm pháp thân, là thân kim cang, là thân thuần thục. Nên biết các pháp thường trụ như vậy.
Bồ-tát Ca-diếp bạch với Phật rằng:
- Kính bạch Thế Tôn! Công đức Như Lai đầy đủ như vậy, tại sao còn có bị bệnh và chết? Từ nay trở đi con quán pháp thân của Đức Như Lai là pháp thường trụ, pháp chẳng đổi khác, vắng lặng tột bực, và vì người khác rộng nói điều này. Dạ vâng, Thế Tôn! Pháp thân Như Lai giống như kim cang không hề hư hoại nhưng nay chưa biết nhân ấy thế nào?
Phật bảo Ca-diếp:
- Nhân ấy chính là nhờ vào công đức hộ trì chính pháp.
Ca-diếp bạch Phật:
- Thế nào gọi là hộ trì chính pháp?
Phật bảo Ca-diếp:
- Hộ trì chính pháp là những con người không giữ năm giới, cũng không thực hành oai nghi hiền thánh, ở trong cuộc đời đầy dẫy tội ác, không tiếc thân mạng cầm những binh khí bảo hộ pháp sư và người trì giới. Những người như vậy gọi là hộ pháp.
Ca-diếp bạch Phật:
- Vị tì-kheo kia cùng đi cùng đứng với những người đời, cầm giữ binh khí, phải chăng họ chẳng phải là tì-kheo?
Phật nói:
- Không phải như vậy!
Bồ-tát Ca-diếp lại bạch Phật rằng:
- Đây phải gọi là hạng cư sĩ trọc!
Phật bảo Ca-diếp:
- Chớ nói như vậy. Bởi vì tại sao? Nếu có người nào ở riêng một mình, tu hành chín pháp khổ hạnh đầu đà, khất thực, ít dục, tĩnh mặc, thiền định, quán thân, kinh hành, cũng vì người khác nói về nhân quả công đức tu tập bố thí trì giới, nhưng không thể nào giảng giải rộng rãi sự không sợ hãi, cũng không thể nào hàng phục người ác, giáo hóa người dối. Phải biết người này không thể tự độ, cũng chẳng độ tha, chỉ biết tu hành phạm hạnh độc cư, hành thiện mà thôi. Lại nữa, nếu tì-kheo nào hành pháp đầu đà được sự vô úy, giảng dạy rộng rãi chín bộ kinh điển: Khế kinh trường hàng, Trùng tụng, Thọ ký, Thi kệ, Nhân duyên, Như thị ngữ, Bổn sinh, Phương quảng, Vị tằng hữu[134], dùng chín kinh này giáo hóa chúng sinh, độ mình độ người, lại vì người khác giảng điều cốt yếu từng câu khế kinh. Như nói kinh kia dạy người xuất gia không được nuôi giữ nô tỳ, trâu, ngựa, các loài súc sinh, không được cất giữ, vật dụng phi pháp. Người nào nuôi giữ thì không đúng pháp của người xuất gia, người ấy phạm giới phải bị trục xuất. Các người phạm giới nghe nói như vậy, cả bọn nổi giận, hại pháp sư kia. Vị pháp sư ấy tuy bị mất mạng, nhưng lại có thể độ mình độ người. Vì vậy, Ca-diếp! Các ưu-bà-tắc, hoặc vua, đại thần, hộ trì chính pháp cũng phải hàng phục hạng cư sĩ trọc.
Lại nữa Ca-diếp! Thuở quá khứ xưa, a-tăng-kỳ kiếp, có Phật ra đời hiệu là Nan-đề-bạc-đàn Như Lai, Ứng Cúng Đẳng Giác, cũng đã từng ở thành Câu-di này. Thế giới lúc ấy rộng lớn trang nghiêm, rất là thanh tịnh, giống như quốc độ Cực lạc Phương Tây. Chúng sinh cõi này đều được an lạc, không hề đói khát, thuần chư bồ-tát. Phật ấy ở đời vô lượng ức kiếp mới nhập nê-hoàn. Giáo pháp còn trụ ở đời cũng lâu vô lượng ức kiếp. Phật pháp ngài giảng hơn bốn mươi năm chưa bị diệt mất. Bấy giờ có một tì-kheo tên là Phật-độ-đạt-đa xuất hiện ở đời, đại chúng quyến thuộc vây quanh trước sau, thành tựu vô úy, thuyết pháp tự tại, lấy chín bộ kinh dạy các tì-kheo: Rằng khế kinh nói, không được nuôi dưỡng, nô tỳ, súc sinh, và không cất giữ vật dụng phi pháp. Những người phạm giới liền nổi giận dữ, cùng nhau kết đảng muốn hại pháp sư. Bấy giờ quốc vương nước ấy tên là Bà-già-đạt-đa, nghe bọn ác kia muốn hại pháp sư, vì muốn hộ pháp liền cầm dao bén, ra sức khổ nhọc đánh trừ bọn ác. Rồi vua bị thương, đến chỗ pháp sư. Pháp sư vì vua nói về công đức của người hộ pháp. Vua nghe pháp rồi tức thời mạng chung, sinh về thế giới của Phật A-súc[135]. Bấy giờ quyến thuộc của vua cùng làm hộ pháp lần lượt mạng chung, đều được vãng sinh về thế giới của Đức Phật A-súc. Những người phát tâm tùy hỷ hộ pháp đều được thành tựu đạo quả bồ-đề. Phật-độ-đạt-đa sau đó mạng chung cũng vãng sinh về cõi Phật A-súc và làm đệ tử thượng thủ thứ nhất, quốc vương hộ pháp Bà-già-đạt-đa làm người đệ tử thượng thủ thứ hai.
Phật bảo Ca-diếp:
- Quốc vương thuở ấy đâu phải ai khác, chính là thân Ta. Pháp sư thuở ấy là Phật Ca-diếp. Này ông Ca-diếp, phải biết những người hộ trì chính pháp công đức vô lượng. Ta vốn đã từng không tiếc thân mạng hộ trì chính pháp nên được pháp thân kim cang bất hoại.
Bồ-tát Ca-diếp bạch với Phật rằng:
- Như Thế Tôn dạy, pháp thân Như Lai chân thật thường trụ, không phải là pháp hủy diệt từ từ, lòng con tin sâu như khắc vào đá.
Phật bảo Ca-diếp:
- Này thiện nam tử! Vì nhân duyên đó, các hàng tì-kheo và tì-kheo-ni, hàng uu-bà-tắc và ưu-bà-di cần phải siêng năng hộ trì chính pháp, cũng phải giảng rộng phước báo của người hộ trì chính pháp. Lại nữa Ca-diếp! Những vị pháp sư trì giới thanh tịnh thường xuyên cảnh giác tự hộ vệ mình, nếu không đủ sức tự phòng hộ mình chớ có manh động mà phải nương nhờ những ưu-bà-tắc chưa thọ năm giới mà học Đại thừa, vì tâm hộ pháp cầm dao, gậy gộc, kết thành bạn lữ.
Bồ-tát Ca-diếp lại bạch Phật rằng:
- Kính bạch Thế Tôn! Ngài đã dạy rằng, cầm giữ dao gậy là phi luật nghi.
Phật bảo Ca-diếp:
- Ta nê-hoàn rồi, trong đời ác trược, vì lúa đắt đỏ, bệnh dịch khắp nơi, những người trá hình, tham cầu lợi dưỡng nhiều vô số kể. Bấy giờ pháp sư trì giới giữ luật, oai nghi đầy đủ bị bọn người kia rượt đuổi đánh đập, hoặc hại hoặc giết. Ngay lúc bấy giờ pháp sư trì giới đi qua thành ấp, đồng trống hiểm nạn. Pháp sư nghĩ rằng: Ta nghe nước ấy quốc vương, đại thần, thường dân, cư sĩ, và chiên-đà-la[136]…, không thụ năm giới, có thể hộ pháp, có thể cùng họ kết làm bạn lữ. Những hạng người ấy, tuy không thụ giới nhưng nhờ hộ pháp mà có phước báo công đức vô lượng hơn người thụ giới. Còn vị pháp sư phụng trì giới hạnh, oai nghi thanh tịnh, vui vẻ tin sâu giáo pháp Đại thừa, giảng giải rộng rãi cho người khác nghe có thể xử dụng các thứ cúng dường, hương, dầu, tràng hoa, cùng với quốc vương, đại thần, trưởng giả thay nhau dâng cúng, không để thiếu xót, nhưng không đánh mất pháp hạnh sa-môn. Người này xứng đáng gọi là pháp sư.
- Người trì giới là tự thân giữ gìn các pháp chân thật, giống như biển lớn, oai nghi đầy đủ, đó là trì giới. Lại nữa, người trì giới là không ham khoái lạc, chẳng thích danh dự, chán ghét lợi dưỡng, thường dạy người khác ít muốn biết đủ. Còn như những kẻ giữ giới mà bị tổn giảm lợi ích của bản thân mình, quyến thuộc không ưa thì không phải là pháp sư. Nếu pháp sư nào khởi tâm buồn chán với đồ chúng mình, đó là hành động tự hoại quyến thuộc, cũng gọi phá Tăng. Tăng có ba hạng. Hạng Tăng phạm giới, hạng Tăng trẻ con[137], hạng Tăng thanh tịnh. Trong ba hạng này, hạng Tăng phạm giới và Tăng trẻ con không phá hoại được hạng Tăng thanh tịnh. Tăng phạm giới là phàm phu ngu độn, theo kẻ phạm giới, chẳng kiểm soát nhau, tham lam ô trược mà cùng hòa hợp, những hạng người này là Tăng phạm giới. Giả sử tự thân có thể trì giới nhưng vì lợi danh, thường hay lui tới với người phạm giới thì cũng liệt vào hạng Tăng phạm giới. Những hạng Tăng này thường hay thực hành những điều phi pháp. Ai có khả năng giáo hóa những người làm điều phi pháp gọi là pháp sư. Tăng trẻ con là những hạng người thường tỏ ra vô sự, các căn đần độn, ngu si tăm tối, nếu được lợi dưỡng thì cho quyến thuộc, tu tập riêng rẽ, không cùng hòa hợp, đến ngày tự-tứ, hay ngày bố-tát cũng không tham dự. Hạng Tăng trẻ con cùng đồng một hạng những kẻ phạm giới. Ai có khả năng giáo hóa những người ngu muội phi pháp gọi là pháp sư. Tăng sống thanh tịnh như pháp như luật thì hạng Tăng này trăm ngàn chúng ma, cũng không thể nào phá hoại được họ. Hàng Tăng bồ-tát, tính thường thanh tịnh là thầy của hai hạng Tăng phá giới. Tăng trì luật là, khéo léo giáo hóa biết đúng phải thời, biết trọng biết khinh, không bỏ những điều không phải luật nghi, cũng không ngăn cản người giữ giới luật đúng như pháp luật. Thế nào gọi là khéo léo giáo hóa, biết đúng phải thời? Những người giáo hóa, hoặc là bồ-tát hoặc là trẻ con. Nếu là bồ-tát vì tâm hộ pháp không cần quán sát hợp thời hay là không phải hợp thời, dư hay không dư, hoặc mở hoặc chế, tùy từng trường hợp, tự tại đi đứng qua nơi thôn xóm hay nơi gò mả, vì tâm hộ pháp nên không trái phạm. Nơi mà thanh văn không được đi đến, như nhà kỹ nữ, quả phụ, dâm nữ, hoặc là đồng nữ, thì những nơi đó đều là xứ sở bồ-tát hộ pháp. Bồ-tát hộ pháp tới lui khắp chốn, suốt cả đêm ngày cũng không lỗi lầm. Đó là pháp sư biết thời giáo hóa. Biết điều trọng là, chẳng hạn một kẻ ngay khi Như Lai đầu tiên chế giới họ đã khởi tâm khinh chê, phạm giới, nhẫn đến phạm phải bốn pháp giới trọng[138], kẻ đó không được gọi là xuất gia, đó là biết trọng. Thế nào là khinh? Là biết tì-kheo mỗi một duyên do phạm vào tội nhẹ, tâm giới cũng nhẹ, hoặc tự nhớ nghĩ theo giới Phật chế, việc phạm không nhiều, đó là biết khinh. Không bỏ những điều giới luật còn lại, như là nuôi giữ súc vật, nô tỳ, và chứa những vật bất tịnh v.v… với những điều này, nằm ngoài giới luật, cũng không nên bỏ, phải thường giữ mình, không muốn tranh chấp với người phá giới, dù những điều đó không phải giới luật nhưng không được bỏ, bởi tuy không phải là giới luật nói, nhưng còn trong kinh nói giống giới luật, cho nên gọi đó chính là giới luật, nên không được bỏ. Hiểu trên ngôn thuyết, là chấp câu văn, không hiểu nghĩa chữ. Nếu có thể hiểu tất cả những gì chư Phật ba đời đã nói trong kinh mà tâm không hề một chút hoảng sợ, lại hay thọ trì diệu nghĩa vô lượng rộng lớn thâm sâu mà Phật đã dạy liền thành pháp vương chẳng thể nghĩ bàn của Đức Như Lai.
Bấy giờ Bồ-tát Ca-diếp bạch Phật:
- Dạ vâng, Thế Tôn! Như Lai là đấng Pháp vương vô thượng, không thể nghĩ bàn. Như Lai là pháp thường trụ không đổi. Con sẽ phụng trì và giảng giải rộng cho người khác nghe.
Phật bảo Ca-diếp:
- Lành thay! Lành thay! Ca-diếp phụng trì Pháp thân kim cang không hề biến hoại. Muốn học bình đẳng quán thân Như Lai phải tu pháp quán kim cang bất hoại. Bậc đại bồ-tát tu hành như vậy liền được đẳng quán, Pháp thân vô thượng. Phẩm thứ 7: THỌ TRÌ
[867c] Lại nữa, thiện nam! Nay ta sẽ nói, công đức trọ trì khế kinh thậm thâm. Nếu có chúng sinh nghe được kinh này đời đời không đọa trong bốn đường ác[139], sinh ở chỗ nào cũng thường gặp Phật.
Bồ-tát Ca-diếp bạch Đức Phật rằng:
- Kinh này tên gì, phụng trì thế nào?
Phật bảo Ca-diếp:
- Kinh này tên là Đại bát-nê-hoàn, đoạn đầu cũng thiện, đoạn giữa cũng thiện, đoạn cuối cũng thiện. Nghĩa thiện vị thiện, thuần một vị thiện. Bảo tạng kim cang nay Ta đã thuyết. Này thiện nam tử! Như Diêm-phù-đề có tám sông lớn đều chảy ra biển. Nước trong biển đó thật vô cùng tận. Đại-bát-nê-hoàn cũng lại như vậy, diệt trừ phiền não, hàng phục chúng ma, xoay lưng sinh tử, xả bỏ hóa thân, nên gọi nê-hoàn. Hết thảy chư Phật là diệu pháp này, không gì cao bằng. Lại như thầy thuốc có pháp thuật hay, vi diệu bí mật, bao nhiêu phương thuốc đều ở ông ấy nên gọi đại y. Pháp tạng bí mật Như Lai đã thuyết cũng lại như vậy, chín bộ kinh điển nằm trong kinh này, cho nên gọi là Đại bát-nê-hoàn. Thí như mùa hạ cày ruộng gieo hạt thường nuôi hy vọng, khi thu hoặch xong mọi hy vọng ấy cũng đều chấm dứt. Hành giả cũng vậy, đối với các kinh tu tập thiền định thường có hy vọng, đến khi học được kinh này xong rồi mau thành giải thoát, siêu việt ba cõi. Lại nữa thiện nam! Như người bệnh nặng, trước uống đề hồ, rồi dần uống đến loại thuốc tám vị là loại tốt nhất trong tất cả thuốc. Chúng sinh cũng vậy, đối với giáo pháp bí mật của Phật có bệnh mê lầm, tạm dùng kinh điển Đại thừa giáo hóa, sau cùng mới nói pháp dược tám vị Đại bát-nê-hoàn. Tám vị đó là: thường trụ, tịch diệt, không già, không chết, thanh lương, hư thông, bất động, khoái lạc[140]. Tám vị này là Đại bát-nê-hoàn. Nếu có bồ-tát an trú ở nơi Đại bát-nê-hoàn thì thường có thể ở khắp mọi nơi thị hiện nê-hoàn, vì thế gọi là Đại bát-nê-hoàn. Nếu có thiện nam muốn ở nơi pháp Đại bát-nê-hoàn mà bát-nê-hoàn phải học như vầy: Như Lai thường trụ, Pháp, Tăng cũng vậy. Nếu có thiện nam hoặc người thiện nữ hành trì kinh Đại bát-nê-hoàn này thì đối Như Lai học pháp thường trụ.
Bồ-tát Ca-diếp bạch với Phật rằng:
- Kính bạch Thế Tôn! Pháp thân Như Lai chẳng thể nghĩ bàn. Diệu pháp Ngài thuyết chẳng thể nghĩ bàn. Công đức chúng Tăng chẳng thể nghĩ bàn. Và kinh này cũng chẳng thể nghĩ bàn. Từ nay con sẽ vì mọi chúng sinh có tâm cang cường, diệt trừ vô minh, đêm dài sinh tử tối tăm cho họ. Kinh Đại hát-nê-hoàn, hết quyển 2 Chú thích:
[104] La-sát 羅剎 (S: Rākṣasa): tên chung các loài ác quỷ ăn thịt người (ĐPB).
[105] Diệt độ 滅度 (tức niết-bàn 涅槃; S: nirvāṇa): ra khỏi rừng mê; ra khỏi vòng luân hồi; đi vào bản thể thanh tịnh, sáng suốt.
[106] Tám nạn (tức Bát nạn 八難; S: aṣṭāv akṣaṇāḥ): tám trường hợp không được gặp Phật, không được nghe chính pháp, gồm: 1. Địa ngục, 2. Ngạ quỷ, 3. Súc sinh, 4. Bắc cu lư châu, 5. Trường thọ thiên, 6. Mù, điếc, câm ngọng, 7. Thế trí biện thông, 8. Sinh trước Phật, sau Phật (ĐPB).
[107] Giới cụ túc (tức cụ túc giới 具足戒; S: upasaṃpanna): gần viên mãn, thân cận niết-bàn, là giới luật mà tì-kheo và tỳ-kheo-ni thọ trì (ĐPB).
[108] Ta, người, thọ mạng (tức ngã nhân thọ mạng 我人壽命): các từ chỉ tự ngã, tương đương Pāli: attā (tự ngã), puggala (nhân cách), jīva (sinh hồn) (Tuệ Sĩ).
[109] Nguyên bản ghi: tam chủng tu tịnh 三種修淨. Theo bản dịch của Đàm Vô Sấm (Dharmarakṣa) là vô thường, khổ, vô ngã.
[110] Rắn độc (tức độc xà 毒蛇): chỉ cho phiền não nhiễm ô (ĐPB).
[111] Thuốc sữa (tức nhũ dược 乳藥): thuốc làm bằng sữa bò (hoặc trâu).
[112] Bốn chúng (tức tứ chúng 四衆; S: catasraḥ parṣadaḥ): bốn chúng đệ tử của Phật, gồm hai chúng xuất gia (tì-kheo, tì-kheo-ni) và hai chúng tại gia (ưu-bà-tắc, ưu-bà-di).
[113] Không tịch 空寂: cảnh giới không có bất cứ tướng trạng nào, không có sinh ra và mất đi, không có sai biệt đối lập, vượt thoát thời gian không gian. Đây là nhận thức hoặc thể nghiệm về chân tướng sự vật của người giác ngộ. (Từ điển thiền tông - viết tắt TĐTT)
[114] Theo bản Thánh, sĩ phu chỉ 25 tuổi.
[115] Thôn Na-la (tức Na-la tụ lạc 那羅聚落; S: Nālakagāmaka): thuộc nước Ma-kiệt-đà (Magadha Nālagāmaka).
[116] Ca-diếp Thị 迦葉氏 (Kassapagotta), tên một vị Bồ-tát, khác ngài Maha Kaśyapa (Đại Ca-diếp). (Kinh Tạp A-hàm, quyển 30)
[117] Bán tự 半字. Mẫu tự của tiếng Phạn (Sanskrit), những chữ cái căn bản để cấu thành từ, gọi là bán tự, gồm 12 nguyên âm (đa-ma, mātṛ, mẫu âm), và 35 phụ âm (thể văn, vyañjana, tử âm), được xếp vào chương tất-đàn (siddhaṁ). Ngoài chương này ra, tất cả văn tự đầy đủ nghĩa lý thì gọi là mãn tự. Luận Tì-già-la cho rằng, bán tự dụ cho Tiểu thừa, mãn tự dụ cho Đại thừa (ĐPB).
[118] Nhạn 鴈 (S: Dhārtarāṣṭra): chim nhạn; hạc 鶴: chim hạc; xá-lợi 舍利 (S: Śāri): chim xá-lợi.
[119] Đẳng giác 等覺: quả vị của Phật, còn gọi là Đẳng Chánh Giác, một trong mười hiệu của Phật. Trí tuệ giác ngộ của chư Phật như nhau, nên gọi là Đẳng Giác.
[120] A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề 阿耨多羅三藐三菩提 (S: anuttara-samyak-saṃbodhi): trí tuệ vô thượng của Phật (ĐPB).
[121] La-hầu-la 羅睺羅 (S: Rāhula): một trong mười đại đệ tử của Phật, đứng đầu hạnh nhẫn nhục, là con trai của Phật (PQĐTĐ).
[122] Kim Cang lực sĩ 金剛力士 (S: Vajrapāṇibalin): vốn là Vương tử Pháp Ý, từng thệ nguyện làm lực sĩ Kim Cang, gần gũi đức Phật, âm thầm vâng lời và làm theo ý chỉ của đức Phật, nhằm hộ trì chính pháp (PQĐTĐ).
[123] Hóa nhân 化人 (S: nirmitaka): những người do sức thần thông biến hoá hiển hiện ra. Phật, Bồ-tát, A-la-hán thường tuỳ theo căn cơ mà biến hiện ra hình người có các tướng trạng, thân phận và màu da khác nhau (PQĐTĐ).
[124] Nguyên văn ghi: đồ cát đẳng quán 塗割等觀. Theo bản Đàm Vô Sấm: Thí như có người dùng dao hại Phật, hoặc có một người mang hương chiên-đàn xoa lên thân Phật, với hai người đó Phật đều nhìn với tâm bình đẳng như nhau.
[125] Tam-muội 三昧 (S: samādhi): thiền định, chính định (ĐPB).
[126] Đề hồ 醍醐 (S: maṇḍa): chất dinh dưỡng đặc chế từ sữa bò có mùi vị thơm ngon tuyệt hảo, là 1 trong 5 vị bổ dưỡng nhất: sữa, lạc, sinh tô, thục tô, đề hồ. Trong kinh dùng đề hồ để dụ cho niết-bàn.
[127] Năm đức (tức ngũ 五德): có lẽ là ngũ thông.
[128] Tô 酥: chất dinh dưỡng đặc chế từ sữa bò. Có hai loại, sinh tô 生酥 (S: navanīta) và thục tô 熟酥 (S: ghṛta).
[129] Dị kiến 異見: những nhận thức sai lầm, xấu ác phát sinh từ phiền não.
[130] Vô đẳng 無等 (S: asama): trí tuệ của chư Phật Như Lai, trong tất cả các pháp, không thể thí dụ, cũng không pháp nào có thể hơn, nên gọi là vô đẳng (PQĐTĐ).
- Vô Đẳng Đẳng 無等等 (S: asamasama): chỉ có quả vị của Phật với Phật mới bình đẳng như nhau, nên gọi là vô đẳng đẳng (PQĐTĐ).
[131] Vô sở hữu 無所有: còn gọi là vô sở đắc, tên gọi khác của không (ĐPB).
[132] Bất nhị 不二: tất cả sự lý bình đẳng nhất như, không có sai biệt đối lập (ĐPB).
[133] Ấm, giới, nhập 陰界入: Phật giáo chia tất cả các pháp làm ba phần, gồm: 1. Ấm 陰 (S: skandha), tức năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức. 2. Giới 界 (S: dhātu), tức 18 giới: 6 căn, 6 trần, 6 thức. 3. Nhập 入 (S: āyatana), tức 12 nhập hay 12 xứ: gồm có nội lục nhập là 6 căn và ngoại lục nhập là 6 trần (PQĐTĐ).
[134] Chín bộ kinh (tức cửu bộ kinh 九部經; S: navāṅga-śāsana): gồm: 1. Kinh (S: sūtra), còn gọi là khế kinh, đây là thể loại kinh được nói (hay viết) theo thể văn xuôi mà ta vẫn thường gọi là văn trường hàng. 2. Trùng tụng (S: geya), còn gọi là ứng tụng, ca vịnh, tương ưng với khế kinh. Sau khi thuyết pháp xong, đức Phật thường tóm tắt nội dung bài pháp thoại bằng một hoặc nhiều bài thơ, còn gọi là trùng phức hay chỉnh cú. 3. Ký thuyết (S: vyākaraṇa), còn gọi là ký biệt hay thọ ký, vốn chỉ cho sự giải thoát của giáo nghĩa, sau chỉ những lời đức Phật ấn chứng cho các đệ tử trong tương lai. 4. Kệ tụng (S: gāthā), còn gọi là cô khởi, toàn bộ đều dùng kệ tụng để ghi lại những lời dạy của đức Phật. Thể loại này khác với thể ứng tụng ở chỗ ứng tụng chỉ tóm lược nghĩa chính của văn trường hàng, còn kệ tụng thì ghi lại toàn bộ nội dung pháp thoại. 5. Nhân duyên (S: nidāna), ghi lại nhân duyên đức Phật thuyết pháp, giáo hoá, như phẩm tự của các kinh. 6. Như thị ngữ (S: itivṛttaka), ghi lại hành trạng kiếp trước của đức Phật và các đệ tử của Ngài, hoặc những kinh được mở đầu bằng câu “Phật như thị thuyết”, còn gọi là Bổn sự. 7. Bổn sinh (S: jātaka), ghi lại những hạnh đại bi trong những tiền kiếp đức Phật đã tu hành. 8. Phương quảng (S: vaipulya), tuyên thuyết giáo nghĩa sâu rộng, uyên áo. 9. Vị tằng hữu (S: adbhuta-dharma), ghi lại những sự việc hy hữu của đức Phật cùng với các đệ tử của Ngài.
[135] A-súc Phật 阿閦佛 (S: Akṣobhya-buddha): Bất Động Như Lai (PQĐTĐ).
[136] Chiên-đà-la, 旃陀羅 (caṇḍāla), hạng người thấp nhất trong giai cấp thủ-đà-la (giai cấp sau cùng trong bốn giai cấp của Ấn Độ xưa), chuyên làm nghề đồ tể, coi tù… (PQĐTĐ)
[137] Trẻ con là dịch từ đồng mông 童蒙. Pāli: tvavvm bāle.
[138] Tứ trọng pháp, 四重法, bốn giới trọng, tức bốn pháp ba-la-di, gồm sát, đạo, dâm, vọng. (ĐPB)
[139] Tứ thú 四趣 (S: Durgati): địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, a-tu-la (ĐPB).
[140] Nguyên bản 常住法寂滅法不老不死清涼虛通不動快樂. Tham chiếu Bắc bản Kinh Đại Bát Niết-bàn, Đàm Vô Sấm dịch: thường, hằng, an, thanh lương, bất lão, bất tử, vô cấu, khoái lạc.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.138.134.77 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.