Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Cựu Tạp Thí Dụ Kinh [舊雜譬喻經] »» Bản Việt dịch quyển số 1 »»

Cựu Tạp Thí Dụ Kinh [舊雜譬喻經] »» Bản Việt dịch quyển số 1

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.65 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.75 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Cựu Tạp Thí Dụ

Kinh này có 2 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 |
Việt dịch: Lê Mạnh Thát

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Xưa vô số kể, có một nhà buôn tên gọi Tát Bạc, lúc ấy đến một nước khác mua hàng hóa. Chỗ trú chân gần nhà một đệ tử Phật. Nhà đệ tử Phật bấy giờ làm lễ cầu phước lớn, đặt tòa cao, các tăng thuyết pháp, giảng bàn tội phước thiện ác đều do thân, miệng, ý tạo ra và giáo lý bốn sự thật, vô thường, khổ, không. Người buôn đường xa lúc ấy đến nghe, lòng hiểu, vui tin, bèn thọ 5 giới gọi là ưu bà tắc. Vị thượng tọa đem giáo lý khuyên dỗ, nói: “Thiện nam tử, giữ thân miệng ý thì mười lành đầy đủ. Mỗi giới có 5 thần, năm giới có 25 thần, đời này hộ vệ khiến không chết oan, đời sau tự tại, đạo lớn vô vi”. Nhà buôn nghe giảng càng vui vô kể.
Sau về nước mình, trong nước hoàn toàn không có Phật pháp. Bèn muốn truyền đạo, sợ không người nghe, nên đem giáo pháp đã nhận giáo hóa cha mẹ, anh em, vợ con và người làm trong ngoài, ai cũng vâng theo.
Cách nước nhà buôn ngàn dặm có một nước, dân đông giàu sướng, của quý nhiều, đẹp. Hai nước ngăn cách, tuyệt không thông hiếu đã hơn trăm năm, trên đường có quỉ Dạ xoa ở, bắt người ăn thịt, trước sau khôn kể, vì thế đoạn tuyệt không người vãng lai. Nhà buôn tự nghĩ: “Ta giữ giới Phật, thì như kinh dạy, có 25 vị thần hộ trợ, không nghi ngờ gì. Còn quỉ kia nghe nói chỉ một mình nó. Ta đến hàng phục, chắc được thắng lợi”.
Bấy giờ có hơn 500 nhà buôn cùng đi, bèn nói với họ: “Tôi có sức lạ, có thể phục quỉ, còn quý vị có đi đến gặp quỉ thì chắc không có lợi lớn”. Họ bèn tự bàn nhau: “Hai nước không thông hiếu đã lâu lắm rồi. Nếu thông được, thì lợi được không nhỏ”. Họ đồng ý lên đường đi. Đến giữa đường thấy chỗ quỉ ăn người, hài cốt tóc tai lăn lóc đầy đất. Tát Bạc tự nghĩ: “Quỉ thần trước sau đều có thể ăn thịt người, nay là điều chứng nghiệm. Ta chết, đó đúng với chức phận, chỉ sợ cho những người này thôi”. Bèn nói với họ: “Quí vị ở lại đây, chỉ một mình tôi đi tới. Nếu thắng được quỉ, thì sẽ trở lại đón. Nếu không trở lại thì biết ngộ hại, các vị nên mỗi người trở về, chớ đừng đi tới nữa.”
Rồi Bạc một mình đi tới. Mới đi vài dặm đã gặp thấy quỉ đến, bèn một lòng niệm Phật, ý định không sợ. Quỉ đến hỏi: “Ông là ai?” Đáp: “Tôi là người hướng đạo mở đường”. Quỉ cười lớn nói: “Ngươi có nghe đến tên ta không mà muốn mở đường?”. Tát Bạc đáp: “Biết ngươi ở đây, nên đến tìm để đấu với ngươi. Nếu ông thắng, ông ăn ta. Nếu ta thắng, thì mở đường cho muôn họ, làm lợi ích cho thiên hạ”. Quỉ hỏi: “Ai nên hạ thủ trước?” Nhà buôn đáp: “Ta đến tìm, nên phải hạ thủ trước”. Quỉ đồng ý. Bạc dùng tay phải đánh nó, tay đụng bụng quỉ, mắc cứng không ra. Tay trái lại đánh, cũng mắc. Như vậy, hai chân và đầu đều mắc vào bụng quỉ, không thể đụng đậy được. Bấy giờ, Dạ xoa dùng bài tụng hỏi:
Tay chân cùng với đầu
Năm món vậy cột chắc
Chỉ nên ra chịu chết
Vùng vẫy lại ích gì?
Nhà buôn dùng kệ đáp:
Tay chân cùng với đầu
Năm món tuy bị cột
Giữ lòng như kim cương
Rốt không bị ngươi giết
Quỉ ma lại nói kệ:
Ta là vua các thần
Làm quỉ nhiều “sức lớn”
Trước sau ăn bọn ngươi
Số không thể đếm xiết
Nay ngươi chết gần rồi.
Sao lại nói năng lắm.
Khách buôn dùng kệ đáp:
Vô thường là thân này
Ta muốn sớm bỏ đi
Mà nay nguyện ta thỏa
Đem ra bố thí mày
Nhờ thế được chính giác
Trí vô thượng chứng ngay
Quỉ nói kệ đáp ý:
Chí mầu người vĩ đại
Ba cõi hiếm có ai
Chắc làm thầy độ ngươi
Chẳng lâu đức trùm cả
Xin đem thân tự qui
Đầu diện kính lạy ngài.
Rồi thì Dạ xoa ra xin thọ năm giới, lòng thương chúng sinh, xong làm lễ, rút vào trong núi sâu. Tát Bạc trở lại kêu mọi người tiến lên về nước kia. Từ đó, hai nước đều biết chuyện 5 giới 10 lành dẹp quỉ mở đường, mới biết Phật pháp chí chân vô lượng, đều cũng giữ giới, cung kính Tam bảo, nước thành thái bình, sau lên trời đắc đạo. Ấy là nhờ ân lực của vị hiền giả thẳng tin 5 giới.
Phật bảo các Tỳ kheo: “Tát Bạc lúc ấy là thân ta”.
Bồ tát thực hành giới Ba la mật, độ được như vậy.
2
Quá khứ vô số kiếp, bấy giờ có vua công với 500 vợ công theo nhau đi khắp các núi non, thấy công xanh kia sắc rất đẹp, bèn bỏ 500 vợ đi theo công xanh. Công xanh chỉ ăn quả ngọt cam lộ. Lúc ấy, vợ vua có bệnh, đêm mộng thấy vua công. Thức dậy trình vua: “Xin vua nên treo giải lớn để bắt”. Vua ra lệnh thợ săn ai bắt được vua công đem dâng thì sẽ thưởng vàng 100 cân, gả con gái cho làm vợ.
Các thợ săn chia nhau đi khắp các núi, thấy vua công đang theo công xanh, bèn lấy hồ ngọt đem bôi khắp cây. Vua công ngày ngày đi lấy thức ăn ấy cho công xanh. Như vậy quen thói, thợ săn bèn lấy hồ ngọt đem bôi lên thân mình. Vua công đến lấy hồ ngọt, liền bị người bắt được, bèn nói với người: “Ta đem một núi vàng cho ông, ông có thể thả ta ra?” Người đáp: “Vua cho ta vàng và gả con gái làm vợ, đủ để sống một đời rồi”. Rồi mang nạp vua.
Vua công trình vua: “Vua vì quá yêu phu nhân, nên mới bắt tôi. Xin đem nước đến, tôi chú nguyện cho phu nhân uống, tắm rửa, nếu không lành bệnh thì giết cũng chẳng muộn”. Vua bèn lấy nước cho chú nguyện, rồi đem trao phu nhân uống. Bệnh liền hết. Trong cung hay ngoài ai có bá bệnh đều nhờ nước ấy mà được chữa lành. Vua và nhân dân đến lấy nước, số nhiều không kể. Vua công nói với vua: “Ngài có thể lấy cây cột chân tôi, để tôi đi lại tự do trong hồ nước cùng chế thuốc chú nguyện, khiến dân xa gần có nước lấy thoải mái”. Vua đáp: “Rất hay”. Công đem cây đi vào trong hồ nước, tự chế nhiều phương, vừa chú nguyện. Người dân uống nước, mù được sáng, điếc được nghe, què gù được thẳng.
Vua công lại trình vua: “Trong nước các bệnh dữ đều được chữa lành hết. Nhân dân thờ cúng tôi như thiên thần không khác. Tôi rốt cuộc không có ý bay đi. Đại vương có thể mở chân tôi, khiến tôi được bay đi lại vào trong nước hồ. Đêm đến tôi nghỉ đêm trên rừng kia”. Vua liền sai mở. Như vậy được vài tháng.
Một hôm đứng trên rừng vua công cười lớn. Vua hỏi: “Ngươi sao lại cười?”. Đáp: “Tôi cười thiên hạ có 3 cái ngu. Một là cái ngu của tôi. Hai là cái ngu của thợ săn. Ba là cái ngu của vua. Tôi có 500 người vợ đi theo, mà lại bỏ để được theo công xanh. Vì lòng ham muốn nên bị thợ săn bắt. Đấy là cái ngu của tôi. Người thợ săn, tôi cho một núi vàng không lấy, lại nói có vua cho vàng và vợ. Đó là cái ngu của thợ săn. Vua có được thần y vương, phu nhân, thái tử, nhân dân trong nước, ai bệnh đều được chữa lành, lại thêm đẹp đẽ. Vua được thần y mà không giữ kỹ, lại thả cho đi. Đó là cái ngu của vua”. Nói rồi vua công bay đi.
Phật bảo Xá lợi phất: “Vua công bấy giờ là thân ta đó. Quốc vương bấy giờ là thân ông. Phu nhân bấy giờ, nay là vợ Điều Đạt. Thợ săn bấy giờ là Điều Đạt”.
3
Xưa có quốc vương đi săn trong vùng đầm rộng, rất đói khát mệt mỏi. Xa trông thấy nhà cửa cây cối um tùm, bèn đi đến đó. Trong nhà có người con gái, vua đến xin ăn uống trái cây các loại. Vua xin gì được nấy, bèn xin gặp người con gái. Người hầu trả lời: “Trần truồng, không có áo quần”. Vua liền cởi áo đem cho, tự nhiên có lửa cháy áo. Ba lần như thế. Vua kinh ngạc hỏi người con gái: “Vì sao lại như vậy?”. Người con gái đáp: “Đời trước tôi là vợ vua. Vua đãi cơm các sa môn Phạm chí, lại muốn dâng áo. Tôi lúc đó nói: Chỉ đãi cơm là được rồi, khỏi cần cho áo. Nên bây giờ mắc tội này. Nếu vua còn nghĩ tới, xin may áo cúng cho các sa môn đạo sĩ trong nước. Nếu có ai hiểu kinh Phật, xin chú nguyện cho người con gái ấy thoát được sự khổ cực kia”.
Vua nhận lời, trở về nước may áo, tìm các sa môn đạo sĩ mà không có ai. Lúc ấy trong nước không ai hiểu kinh Phật. Vua nhớ lại, bảo hỏi ông chèo đò thì chắc biết. Ông chèo đò nói: “Trước đây có người muốn qua sông, không có tiền trả, bèn lấy kinh Năm giới một cuốn trao tôi để đọc”. Vua bảo: “Người biết kinh Phật thì đem áo cho người”. Rồi khiến người chèo đò chú nguyện cho người con gái trần truồng được phước vô lượng mà thoát khỏi sự cực khổ. Người con gái lúc ấy có áo mới mặc vào thân. Nên sau hết sống trong đường quỉ, sẽ sinh lên cõi trời thứ nhất.
4
Xưa bờ biển có quốc vương đi săn, bắt được một sa môn, bèn khiến sa môn ban đêm tụng kinh tán nhạc. Vua bảo: “Người này là một ca sĩ lớn”. Nên hễ có khách, bèn bảo ca. Bấy giờ có một nhà buôn ưu bà tắc nước khác đến nước ấy. Vua xin đem sa môn ra bảo ca. Vị ưu bà tắc nghe đọc kinh xong, trong lòng hớn hở ra đi. Nhà buôn đem một ngàn muôn đến chuộc, đến 3 ngàn muôn, vua mới cho chuộc. Nhà buôn làm lễ nói: “Tôi đem ba ngàn muôn đến chuộc mới được như vậy”. Nhà sư tức khắc bay lên giữa hư không, nói: “Khanh tự chuộc mình, chứ không phải chuộc tôi. Sao vậy? Xưa vua là người bán hành. Ông đến vua mua hành, không trả đủ ba tiền. Ta bấy giờ cho ông mượn. Ông lại không trả lại 3 tiền. Nay tiền ấy sinh cháu con tới đến 3 ngàn muôn, mà ông phải trả lại cho 3 tiền gốc”. Ý vua liền hiểu, hối lỗi, thọ 5 giới làm ưu bà tắc.
Thầy nói: “Nợ không kể nhiều ít, không thể mắc, cũng không giao cho người khác.”
5
Lúc Phật còn ở đời có một bé con cùng ở với con người anh. Bé hằng ngày đến chỗ Phật nghe kinh giới. Con người anh can mãi không được, sau bắt bé kiềng giữ lại, lấy gậy đánh, nói: “Phật, tỷ kheo tăng sẽ đến cứu mày”. Bé khóc kêu sợ hãi tự qui Tam bảo thì chứng được quả Tu đà hoàn. Nhờ oai thần của Phật, bé liền bay đi cùng với cây kiềng trói, vào tường ra tường, lên đất độn thổ một cách tự do theo ý. Con người anh thấy thế, sợ hãi cúi đầu hối lỗi. Bé liền nói các việc làm lành dữ cho con người anh, rồi cùng đến chỗ Phật thọ giới. Phật tái hiện lại đầu đuôi đời trước, con người anh vui vẻ, lòng hiểu hết, do thế được quả Tu đà hoàn.
6
Xưa có la hán cùng hành đạo với một sa di trong núi. Sa di hằng ngày đến nhà đạo hữu lấy cơm. Đường đi qua trên một con đê gồ ghề hiểm trở, thường trượt chân đổ cơm vào trong bùn. Sa di lấy phần cơm sạch bỏ trong bát thầy, còn phần cơm nào dơ bèn đem rửa để ăn. Chuyện như thế chẳng một ngày. Thầy hỏi: “Sao rửa mất đi mùi cơm?” Đáp: “Khi đi xin thì trời tạnh, về thì mưa. Trên đường đê trượt chân đổ cơm”. Thầy lặng lẽ thiền định, biết là do rồng chọc ghẹo sa di. Bèn đứng dậy, đến trên đê, cầm gậy gõ vào đê. Rồng hóa làm một ông già, cúi đầu lễ sát đất. Sa môn hỏi: “Ngươi vì sao lại chọc ghẹo sa di của ta?” Đáp: “Không dám chọc ghẹo. Sự thật là thích dung mạo của sa di”. Rồng lại hỏi: “Sao ngày nào cũng thấy đi?” Thầy đáp: “Đi xin cơm”. Rồng nói: “Từ ngày nay trở đi, xin hằng ngày đến nhà con ăn cơm cho đến hết đời con”. Sa môn mặc nhiên nhận lời, trở về bảo sa di: “Con đi chỉ xin phần cơm của con, chớ đừng mang phần cơm thầy về”.
Sa di từ đó đến nhà kia ăn. Sau thấy trong bát thầy có vài ba hạt cơm thơm ngon khác với cơm thế gian. Bèn hỏi Hòa thượng: “Phải cơm trên trời không?” Thầy mặc nhiên không đáp. Sa di muốn rình biết cơm thầy từ đâu, bèn chui xuống giường, ôm lấy chân giường. Hòa thượng tọa thiền, dùng định ý cùng giường bay đến cung bảy báu của rồng. Rồng cùng vợ và các thể nữ đều đến làm lễ sa môn, rồi lại làm lễ sa di. Thầy biết, kêu ra, nói: “Chính tâm ngươi, chớ động. Đây là một việc phi thường. Sao lại làm dơ lòng mình. Ăn xong trở về, ta sẽ nói cho biết. Rồng kia tuy cung điện nhà cửa bảy báu, vợ con thể nữ, cũng vẫn là súc sinh. Ngươi là sa di, tuy chưa đắc đạo, nhưng nhất định sinh lên trời Đao Lợi, hơn kia trăm lần. Nên chớ vì thế mà dơ lòng”. Lại bảo sa di: “Cơm trăm vị này, vào miệng hóa thành ểnh ương. Lòng ghét mửa ngược ra lại, cơm lại ăn không xuống. Hai là đàn bà con gái đẹp khó sánh, muốn làm lễ vợ chồng thì hóa thành hai con rắn quấn nhau. Ba là lưng rồng có vẩy ngược, cát sinh ở trong, đau tới tim gan. Rồng có ba nỗi khổ đó. Ngươi sao muốn làm rồng?” Sa di không đáp, ngày đêm tương tư không ăn, mắc bệnh mà chết. Thần hồn sinh làm con rồng, oai thần dũng mãnh. Sau rồng hết số, thoát được làm người.
Thầy nói: “Ngươi chưa đắc đạo, không thể khiến thấy đạo và trong nhà quốc vương”.
7
Xưa có vợ vua sinh một người con gái. Cha mẹ đặt tên Nguyệt Nữ, đẹp đẽ vô song. Vua đem cho quần áo trân báu, cô bảo là tự nhiên. Đến năm 16 tuổi, vua giận nói: “Đấy là đồ ta cho, sao con bảo tự nhiên”. Sau có đứa ăn mày đến xin, vua nói: “Đó thật là chồng con”. Nguyệt Nữ thưa: “Vâng, tự nhiên”. Bèn bị đuổi đi. Người ăn xin sợ hãi, không dám nhận. Cô gái nói: “Anh xin ăn thường không no, vua cho anh vợ, sao anh từ chối”. Rồi cùng nhau ra khỏi thành, ngày nghỉ đêm đi.
Đến một nước lớn, vua nước ấy mới băng hà, không có thái tử. Vợ chồng ngồi ở ngoài thành. Những người đi vào ra hỏi: “Các người là ai, tên họ là gì, từ nước nào đến?” Đáp: “Tự nhiên”. Như vậy hơn mười ngày. Bấy giờ quan đại thần sai tám Phạm chí ra ở cửa kinh thành theo thứ tự, xem tướng những người vào ra cửa, chỉ có hai vợ chồng ấy là đúng tướng. Lúc ấy, quần thần cả nước cùng đón về làm vua. Hai vợ chồng vua dùng chính pháp cai trị, nhân dân yên ổn. Các tiểu vương đến chầu, trong đó có vua cha của Nguyệt Nữ. Ăn uống xong, Nguyệt Nữ đặc biệt giữ vua cha lại. Nguyệt Nữ dùng bảy báu làm một chiếc máy cá, màn kéo một con thì 120 con hiện ra, gõ cửa một con thì (120 con) mở, bèn xuống làm lễ cha, thưa với cha: “Nay được như vậy là tự nhiên”. Người cha nói: “Phu nhân làm vậy, thần không bì kịp được”.
Thầy bảo: “Nguyệt Nữ cùng người ăn xin đời trước là hai vợ chồng cùng làm ruộng, chồng bảo vợ đi lấy cơm. Chồng xa thấy vợ gặp sa môn dừng lại bên bờ sông theo vợ khất thực. Vợ chia phần cơm dâng cho nhà sư. Nhà sư dừng lại ăn. Chồng từ xa thấy hai người, không thể bảo là (không) có ác ý, liền cầm gậy đến xem. Nhà sư bèn đi. Vợ nói: “Phần anh đang còn đó, chớ giận”. Chồng bảo: “Phân làm hai, anh và em cùng ăn”.
Thầy nói: “Chồng có ác ý, nên đọa làm con nhà nghèo khó, sau thấy nhà sư, bèn vui vẻ tự hối lỗi, nên cùng hưởng phước ấy”.
8
Xưa có chúng Tỳ kheo cùng đi với nhau, gặp ba người say. Một người chạy vào trong cỏ trốn. Một người ngồi ngay ngắn, vỗ má bảo không có tình trạng phạm giới. Một người đứng dậy, múa, nói: “Ta cũng đâu uống rượu của Phật thì có gì mà sợ”. Phật bảo A Nan: “Người trốn trong cỏ, khi đức Phật Di Lặc chứng Phật, sẽ được độ thoát làm la hán. Người ngồi ngay ngắn vỗ má, thì qua một ngàn đức Phật, đến đức cuối cùng sẽ được độ thoát làm la hán. Người đứng dậy múa thì vô số kiếp sau mới được độ”.
Xưa có sa môn ngày đêm tụng kinh. Có con chó nằm dưới giường, một lòng nghe kinh, không còn nghĩ tới ăn uống. Như vậy mấy năm, khi chết, được làm thân người, sinh làm con gái ở nước Xá Vệ. Lớn lên, thấy sa môn khất thực, cô liền tự chạy đi lấy cơm, vui vẻ cúng dường. Như vậy sau cô theo sa môn xuất gia làm Tỳ kheo ni, tinh tấn tu hành, được quả la hán.
9
Xưa lúc đức Phật Duy Vệ còn ở đời, các họ lớn trong nước, mỗi họ cúng Phật và chúng Tỳ kheo một lần. Bấy giờ có một họ lớn, nghèo không có gì cúng Phật, bèn thưa rằng: “Xin chúng Tỳ kheo, có ai muốn có thuốc trị bệnh, tôi xin cung cấp hết”. Lúc ấy, có một Tỳ kheo, thân thể có bệnh. Họ lớn đem một quả ngọt cho ăn, Tỳ kheo được an ổn lành bệnh. Họ lớn sau chết, sinh lên cõi Trời, hơn các chư thiên khác năm điều: Một là thân không tật bệnh. Hai là đẹp đẽ. Ba là sống lâu. Bốn là được của giàu. Năm là có trí tuệ. Như vậy trong 91 kiếp, trên thì làm trời, thác xuống thì làm nhà họ lớn, không đọa vào đường dữ. Cho đến khi đức Phật Thích Ca Văn thì làm con nhà giàu, tên là Đa Bảo, gặp Phật thì vui vẻ, làm sa môn thì tinh tấn tu hành được đạo gọi là la hán. Hễ cúng dường sa môn cao hạnh một người còn hơn cúng dường người cả nước dơ dáy đầy tà kiến.
Xưa có vợ chồng đều giữ năm giới phụng sự sa môn. Có Tỳ kheo mới học, không biết kinh, đến nhà xin ăn. Vợ chồng mời vị Tỳ kheo lên ngồi làm cơm cúng dường. Ăn xong, vợ chồng đều cúi đầu làm lễ, thưa: “Chúng con phụng sự quí thầy chút ít, mà chưa từng nghe kinh. Mong thầy khai mở chỗ u tối bất cập của chúng con”. Vị Tỳ kheo cúi đầu, không biết gì để đáp, nói: “Khổ thay, khổ thay!” Tâm ý vợ chồng đều được cởi mở, nói rằng thế gian thật khổ, lúc ấy liền chứng được đạo. Tỳ kheo thấy hai người vui vẻ, cũng được chứng đạo.
Thầy nói: “Kiếp trước nhiều đời, ba người này là anh em nguyện học đạo cùng thực hành, nên nay đều chứng đạo”.
10
Xưa có quốc vương đi săn trở về, qua nhiễu tháp, làm lễ sa môn. Quần thần đều cười. Vua biết, bèn hỏi quần thần: “Có vàng trong vạc, vạc đang sôi, có thể dùng tay lấy ra được không?” Đáp: “Không thể được”. Vua nói: “Đem nước lạnh đổ vào, có thể lấy được không?” Quần thần thưa vua: “Có thể được”. Vua nói: “Ta làm việc vua săn bắn thì như nước sôi. Thắp hương đốt đèn, nhiễu tháp, thì như đem nước lạnh đổ vào nước sôi. Hễ làm vua thì có việc làm lành và dữ, sao lại chỉ có việc làm dữ mà không là việc lành?”.
11
Xưa có sa môn đi đến nước khác, ban đêm không được vào thành, nên ngồi trong cỏ ngoài thành. Đến đêm quỉ Dạ xoa tới bắt nói “Phải ăn mày”. Sa môn đáp: “Cách xa nhau rồi”. Quỉ hỏi: “Sao cho là cách xa nhau?”. Sa môn đáp: “Ngươi hại ta, ta sẽ sinh lên trời Đao Lợi, ngươi sẽ vào địa ngục, thế không cách xa sao?” Quỉ bèn dâng lời, từ tạ làm lễ mà đi.
12
Xưa có quốc vương sai người đi kêu người bạn. Người bạn bảo: “Cám ơn vua, tôi đang mắc đào đất làm hầm, muốn giấu bảy báu”. Vua nghe rất kinh ngạc. Vua lại sai người đi kêu người bạn. Người bạn thưa vua: “Nay đang mắc đưa của báu vào trong hầm”. Vua lại ra lệnh gọi người bạn. Người bạn thưa vua: “Nay đang mắc lấp đất hầm, lấp bằng xong sẽ đi”. Vua hỏi: “Ngươi sao ngu thế? Giấu bảy báu mà đi nói cho người biết ư ?”. Người bạn thưa: “Ban nãy lo thức ăn chén dĩa ngon đẹp, định để dâng cơm cho Phật và các thầy Tỳ kheo, ấy là đào đất làm hầm. Đem cơm canh ra dọn, ấy là đưa của báu xuống hầm. Quét đường sá, dâng nước rửa, giảng kinh, ấy là san lấp đất hầm. Thưa vua, của báu đó năm nhà không thể làm nhục được”. Vua nói: “Lành thay! Lành thay! Ngươi sao không nói sớm. Ta sẽ nói sớm. Ta sẽ kiểm lại các báu giấu trong kho”. Vua liền mở kho tàng, bố thí lớn, dâng cơm đức Phật và các thầy Tỳ kheo. Đức Phật vì vua giảng lẽ thanh tịnh và chú nguyện. Vua liền phát lòng đạo.
13
Xưa có nhà giàu thỉnh Phật dâng cơm. Bấy giờ có một người bán sữa bò, nhà giàu giữ lại ăn cơm, dạy giữ trai giới. Ở lại nghe kinh, khách mới về nhà. Vợ nói: “Em từ sáng chờ anh, chưa ăn cơm”. Rồi ép chồng ăn, phá việc trai giới. Tuy vậy, vẫn bảy lần sinh lên trời, bảy lần sinh ở đời.
Thầy nói: “Một ngày trì trai, có lương thực cho sáu mươi vạn tuổi. Lại có năm phước. Một là ít bệnh, hai là thân thể yên ổn, ba là ít lòng dâm, bốn là ít nằm ngủ, năm là được sinh lên trời, thường biết việc làm đời trước của mình”.
14
Đức Phật và chúng Tỳ kheo đáp lời mời. Có một sa môn cùng một sa di đến sau. Giữa đường gặp dâm nữ lôi kéo vị sa môn. Sa môn cùng dâm nữ ăn nằm. Ăn nằm xong mới đến nhà dâng cơm. Đức Phật bảo vị sa di: “Con đến dưới núi Tu Di lấy nước cam tuyền đến đây”. Sa di đã đắc đạo, bèn quăng bát lên trước, rồi chắp tay đuổi theo, phút chốc đã được nước đem về. Vị thầy hổ thẹn, tức tưởi, hối lỗi, trách mình, liền chứng la hán. Người nữ ấy kiếp trước từng là đôi bạn với sa môn. Gặp đôi bạn, hết tội, mới chứng được đạo.
Xưa vua A Dục mỗi ngày dâng cơm cho một nghìn la hán. Sau đến một sa môn trẻ tuổi, cùng một nghìn vị sư vào cung. Vị sa môn trẻ tuổi ngồi xong, nhìn cung điện vua trên dưới, rồi lại nhìn không ngớt vợ cả của vua. Vua có ý giận. Cơm xong, mỗi người tự ra về. Vua giữ lại ba vị thượng tọa, hỏi: “Vị sa môn trẻ tuổi từ đâu đến, tên họ là gì, thờ ai làm thầy, đó chẳng phải là sa môn, sao đem vào cung, nhìn mặt phu nhân, mắt không nhấp nháy?” Ba vị đáp: “Vị sa môn ấy từ Thiên Trúc đến. Thầy tên ấy, y họ ấy, tên ấy, có trí tuệ, hiểu rõ kinh điển, nên đến để xem cung điện xây cất, rồi ngó lên trời Đao Lợi, vừa ngang bằng, chứ không có ý gì khác. Vua đời trước đem cát cúng trong bát Phật, vòi vọi là vậy. Nay mỗi ngày lại dâng cơm cho một nghìn la hán, phước ấy vô cùng. Còn vì sao nhìn chính phu nhân, ấy là phu nhân đẹp đẽ vô song trên một vạn sáu ngàn người, nhưng sau bảy ngày thì chết sẽ vào địa ngục. Thế gian vô thường, vì thế nên mới nhìn”. Vua sợ hãi kêu phu nhân quy y với ba vị sư. Vị sư nói: “Vua tuy hằng ngày dâng cơm cho chúng tôi cả ngàn người, nhưng ngàn người không thể cởi mở được ý của phu nhân, nên phải mời được vị sa môn trẻ tuổi kia giảng kinh thì phu nhân mới mau thấy được đạo Phật”. Vua sai đi mời vị sư thật ấy. Vị sư trở lại. Vua cùng phu nhân cúi đầu sát đất, xin quy y, khiến cho tội nặng được nhẹ. Vị sư giảng cho phu nhân những gì đã thấy trải qua ở đời trước và giáo lý chính yếu của đạo. Bèn lúc ấy vui vẻ, lông tóc dựng ngược, chứng được quả Tu đà hoàn. Phu nhân năm trăm đời trước vốn là chị của vị sư này, có cùng nhau thề ai được đạo trước thì độ cho nhau.
Thầy nói: “Người không có đời trước, rốt cuộc không thể do đâu hiểu được, không thể gặp nhau, nói năng thì rốt cuộc không ăn ý với nhau. Mỗi người đều có thầy riêng của mình”.
15
Xưa có nhà giàu tên Y Lợi Sa, giàu không thể kể, nhưng bủn xỉn không chịu ăn ngon mặc đẹp. Bấy giờ có một ông già ham ăn cũng ở gần, hằng ngày ăn uống cá thịt tự do, khách khứa không dứt. Người nhà giàu tự nghĩ: “Ta của cải không kể xiết, trái lại không được như ông già ấy”. Bèn giết một con gà, nấu một thăng gạo trắng, đem lên xe, đến một chỗ không người. Xuống xe, vừa định ăn thì trời Đế Thích hóa làm chó đi đến, trông lên ngó xuống. Bèn nói mời chó: “Mày nếu treo ngược được giữa trời, ta sẽ cho mày ăn”. Chó liền treo ngược giữa trời. Người nhà giàu ý quá sợ, do đâu mà có việc đó, bèn nói: “Mắt mày văng ra ngoài đất, ta sẽ cho mày chăng?” Hai mắt chó liền văng rơi xuống đất. Người nhà giàu bỏ đi chỗ khác.
Vua trời hóa làm thân thể, giọng nói người nhà giàu, cưỡi xe trở về nhà, ra lệnh người nhà có ai trá xưng nhà giàu thì phải xua đuổi đánh đi. Người nhà giàu chiều trở về nhà. Kẻ giữ cửa la mắng bảo đi. Vua trời lấy hết của cải để bố thí lớn. Người nhà giàu cũng không được về. Của cải hết, ông vì thế phát cuồng. Vua trời hóa làm một người đến hỏi: “Ngươi sao mà buồn?” Đáp: “Của cải tôi sạch hết rồi”. Vua trời nói: “Hễ có của quí khiến người ta nhiều lo lắng. Năm nhà rốt cuộc đến không hẹn. Chứa của không ăn không cho, chết làm quỉ đói thường thiếu ăn mặc. Nếu thoát được làm người, thường sinh vào nhà hạ tiện. Ngươi không hiểu vô thường, giàu lại bủn xỉn không ăn, muốn mong cái gì?” Vua trời liền giảng bốn sự thật, khổ, không, vô ngã. Người nhà giàu lòng hiểu, vui vẻ. Vua trời liền đi. Người nhà giàu được trở về, tự mình hối lỗi trước, hết lòng đem bố thí, chứng được đạo.
16
Xưa có con một dòng họ lớn, đẹp đẽ, đem vàng đúc một tượng con gái, thưa với cha mẹ: “Có con gái ai giống như thế, con sẽ lấy làm vợ”. Bấy giờ nước khác có một người con gái cũng đẹp đẽ, cũng đem vàng làm một tượng con trai, thưa với cha mẹ: “Có người con trai nào như thế, con sẽ lấy làm chồng”. Cha mẹ mỗi bên nghe có việc ấy, bèn xa đưa lễ, hợp hai người làm vợ chồng. Lúc ấy, quốc vương đưa gương soi mình, bảo quần thần: “Người trong thiên hạ, có ai dung nhan như ta không?” Đáp: “Thần nghe nước kia có người con trai đẹp đẽ vô song”. Bèn sai sứ đến mời. Sứ giả đến, đem ý vua ra nói: “Vua muốn gặp hiền giả”. Bèn đóng xe ra đi. Rồi tự nghĩ: “Vua cho ta sáng suốt, nên đi mời”. Bèn trở về lấy những yếu thuật của sách vở thì gặp vợ đang gian dâm với khách. Buồn rầu trĩu nặng, bèn vì thế hết khí, nhan sắc hư hao cổ quái, lại xấu. Bề tôi thấy như vậy, nghĩ người đi đường khó nhọc, nên nhan sắc tiều tụy, bèn lấy chuồng ngựa để cho nghỉ ngơi. Đến ở chuồng ngựa, anh thấy chính phu nhân của vua ra thông dâm với tên nuôi ngựa. Lòng anh tự hiểu ra: “Phu nhân của vua còn vậy, huống nữa là vợ ta!”. Ý được cởi mở, nên nhan sắc trở lại như cũ. Bèn đến gặp vua, vua hỏi: “Sao ở ngoài đến ba ngày?” Đáp: “Sứ giả đến đón, tôi có chỗ quên, nên giữa đường trở về lấy thì thấy vợ gian dâm với khách, tức ý vì thế buồn giận, nhan sắc suy vi, phải ở chuồng ngựa ba ngày. Hôm qua trong chuồng ngựa thấy chính phu nhân đến tư thông với tên nuôi ngựa. Phu nhân còn vậy, huống nữa là những người khác. Lòng hiểu ra, nên nhan sắc trở lại như cũ”. Vua nói: “Vợ ta còn vậy, huống nữa đàn bà người thường”. Hai người cùng vào núi, cạo bỏ râu tóc, làm sa môn, nghĩ rằng không thể làm việc với đàn bà, tinh tiến không biếng nhác, đều được quả Phật Bích Chi.
17
Xưa có người đàn bà sinh một người con gái đẹp đẽ vô song. Năm ba tuổi, quốc vương lấy xem, kêu nhà sư coi tướng sau có trúng làm phu nhân không. Nhà sư nói: “Người con gái này sẽ có chồng, vua ắt đến sau” (Vua nghĩ): “Ta phải giấu kỹ nó”. Bèn gọi chim câu đến hỏi: “Ngươi ở chỗ nào?” Nó thưa vua: “Tôi ở lưng chừng núi lớn, có cây, người và súc thú không thể đến được, dưới có dòng nước xoáy, thuyền không thể qua được”. Vua nói: “Đem người con gái này gửi ngươi nuôi”. Bèn kẹp đem đi. Hằng ngày đều đến chỗ vua lấy cơm cho người con gái.
Như vậy lâu sau đó, thượng lưu có một xóm bị nước đẩy trôi đi, có một cây thẳng băng trôi theo nước, dưới dòng có một người con trai ôm được cây ấy, rớt vòng nước xoáy không trôi đi được. Xoáy một hồi, cây đứng thẳng lên, bám vào núi. Người con trai leo lên cây của chim câu, tư thông với con gái. Người con gái giấu người đó. Chim câu hằng ngày cân người con gái xem. Khi chưa có thân người con trai thì nhẹ. (Bây giờ) chim biết người con gái nặng. Bèn tìm hiểu phải trái thì biết được người con trai, đem quăng đi, rồi đến như thật trình vua. Vua nói: “Nhà sư đã xem tướng rồi”.
Thầy nói: “Người có đôi từ kiếp trước, không thể dùng sức mà ngăn được. Gặp đôi thì được. Các loài súc sinh cũng vậy.”
18
Xưa có quốc vương giữ kỹ phụ nữ. Vợ cả gọi thái tử bảo: “Ta là mẹ con, cả đời không thấy cảnh trong nước, mẹ muốn đi chơi một lần, con có thể thưa với vua”. Nói vậy đến ba lần, thái tử trình vua. Vua liền đồng ý. Thái tử tự làm người đánh xe, đưa quần thần ra đường nghênh đón, vái chào phu nhân. Phu nhân đưa tay mở màn cho người thấy được mình. Thái tử thấy đàn bà như vậy, bèn giả vờ đau bụng trở về. Phu nhân nói: “Ta vô duyên quá”. Thái tử nghĩ: “Mẹ ta còn như vậy, huống nữa là người khác”. Đêm đến, bèn giao việc nước lại, đi vào trong núi xem chơi.
Bấy giờ bên đường có cây, dưới cây có dòng suối đẹp. Thái tử leo lên cây, thấy Phạm chí đi một mình đến suối tắm rửa. Rồi đem cơm ra ăn. Dùng thuật mửa ra một chiếc bình. Trong bình có người con gái cùng Phạm chí ăn nằm ở chỗ kín đáo. Phạm chí thỏa mãn nằm ngủ. Người con gái lại dùng thuật ói ra một chiếc bình, trong bình có người con trai trẻ tuổi, lại cùng ăn nằm, xong lại nuốt bình. Giây lát, Phạm chí thức dậy, lại đem người con gái nhốt vào bình, nuốt bình, rồi cầm gậy mà đi.
Thái tử trở về nước trình vua mời nhà tu cùng các thần hạ, làm ba phần cơm để một bên. Phạm chí đến rồi, nói: “Tôi một mình thôi”. Thái tử nói: “Nhà tu nên đưa vợ ra cùng ăn”. Nhà tu bất đắc dĩ đưa vợ ra. Thái tử bảo bà vợ: “Phải đưa người con trai ra cùng ăn”. Như vậy đến ba lần, bất đắc dĩ bà đưa người con trai nọ ra cùng ăn. Ăn xong, họ bỏ đi.
Vua hỏi Thái tử: “Con làm sao biết được?” Đáp: “Mẹ con muốn xem cảnh trong nước, con làm người đánh xe. Mẹ đưa tay ra khiến người ta thấy. Con nghĩ người nữ hay có nhiều dục, nên vờ đau bụng trở về vào núi, thấy nhà tu ấy giấu vợ trong bụng ắt có điều gian. Như vậy, người nữ gian không thể dứt được. Xin đại vương tha những người trong cung tự do đi đâu thì đi”. Vua liền ra lệnh trong hậu cung ai muốn đi tùy ý mình.
Thầy nói: “Thiên hạ không thể tin người nữ”.
19
Xưa có hai người theo thầy học đạo, cùng đi đến nước khác. Trên đường đi thấy dấu voi. Một người nói: “Con voi mẹ này có mang voi con cái, một mắt nó mù, trên voi có một người đàn bà đang mang thai một bé gái”. Người kia hỏi: “Anh sao biết?”. Đáp: “Dùng ý tứ mà biết. Anh không tin đi tới nữa sẽ thấy”. Hai người đi bắt kịp voi, đều đúng như lời người trước nói. Đến sau, voi và người đều sinh. Như vậy, người kia tự nghĩ: “Ta với anh ấy cùng theo thầy học, riêng ta không thấy được chỗ chính yếu”. Sau trở về thưa với thầy: “Hai người con cùng đi, anh ấy thấy dấu voi, biết những điểm đúng, mà con thì không hiểu. Xin thầy giảng lại, con không lơ là”. Thầy liền gọi anh kia vào hỏi: “Con sao biết điều đó?” Đáp: “Ấy là điều thầy thường nói. Con thấy chỗ đất voi tiểu tiện thì biết đó là voi cái, thấy chân phải đạp đất lún sâu thì biết voi mang thai con voi cái, thấy cỏ phía bên phải đường không động đậy thì biết mắt phải nó mù, thấy chỗ voi dừng có tiểu tiện thì biết đó là người nữ, thấy chân phải đạp đất lún sâu thì biết mang thai gái. Con dùng ý tứ suy nghĩ chặt chẽ mà thôi”.
Thầy nói: “Hễ học thì phải dùng ý tứ suy nghĩ chặt chẽ thì mới đạt được. Hễ giản lược thì không tới, chẳng phải là lỗi của thầy”.
20
Xưa có người đàn bà có vàng bạc, cùng giao du với một người đàn ông, bèn đem hết vàng bạc, áo quần theo nhau mà đi. Đến bờ một con sông xiết, người đàn ông nói: “Em đem của cải đến đây, anh đưa qua trước, rồi trở lại đón em”. Người đàn ông qua rồi liền chạy đi không trở lại. Người đàn bà một mình ở lại bên này bờ sông, thấy cáo bắt được ó, lại buông ra đi bắt cá. Bắt không được cá, lại mất cả ó. Người đàn bà gọi cáo bảo: “Mày sao ngu quá! Bắt hai thì không được một”. Cáo nói: “Tôi ngu còn được, chứ bà ngu còn quá hơn tôi”.
21
Xưa con gái vua rồng đi chơi, bị đứa chăn trâu bắt trói đánh. Quốc vương đi thị sát, thấy bé gái, bèn cởi trói, bảo đi đi. Vua rồng hỏi con gái: “Sao lại khóc?” Bé gái đáp: “Quốc vương đánh oan con”. Vua rồng nói: “Vua này thường nhân từ, sao đánh oan người”. Vua rồng lén hóa làm một con rắn, nằm dưới giường nghe vua nói với vợ: “Ta đi thấy một đứa bé gái bị đứa chăn trâu đánh. Ta cởi trói bảo đi”. Hôm sau vua rồng hiện thành người đến gặp vua, nói với vua: “Vua có ơn lớn ở chỗ hôm qua hứa cho con gái đi chơi, bị người đánh, được vua đến cởi thả. Tôi là vua rồng, ngài có muốn được gì không?” Vua nói: “Của báu mình đã nhiều, xin nghe được tiếng súc thú nói”. Vua rồng nói: “Phải trai giới bảy ngày. Bảy ngày xong đến bảo tôi. Cẩn thận chớ cho ai biết”.
Như vậy, vua với phu nhân cùng ăn cơm, nghe con ruồi cái bảo ruồi đực lấy cơm. Ruồi đực bảo mỗi con tự mình lấy. Ruồi cái nói: “Bụng em bất tiện”. Vua lỡ cười. Phu nhân hỏi: “Sao vua cười?” Vua mặc nhiên. Sau cùng phu nhân ngồi, vua thấy ruồi leo vách, gặp nhau tranh giành, đánh nhau cùng rớt xuống đất. Vua lại lỡ cười. Phu nhân hỏi: “Sao lại cười?” Như vậy nghe tới lần thứ ba vua nói: “Ta không nói cho em”. Phu nhân nói: “Nếu vua không nói, em sẽ tự sát”. Vua nói: “Đợi ta đi về sẽ nói cho em”.
Vua bèn ra đi. Vua rồng hóa làm vài trăm đầu dê vượt sông. Có một con dê cái mang thai kêu con dê đực: “Anh trở lại đón em”. Dê đực nói: “Anh thật không thể đưa em qua”. Dê cái nói: “Anh không đưa em qua em sẽ tự sát. Anh không thấy quốc vương đang chết vì vợ”. Dê đực nói: “Vua ấy ngu si mới chết vì vợ. Em chết, nghĩ anh chắc không có dê cái khác hay sao?”. Vua nghe vậy, nghĩ: “Ta làm vua một nước, mà trí không bằng con dê ư?” Vua trở về, phu nhân nói: “Vua không vì em mà nói thì em sẽ tự sát”. Vua đáp: “Em tự sát được thì tốt. Trong cung ta còn nhiều phụ nữ, không cần đến em”.
Thầy nói: “Người đàn ông ngu làm theo ý muốn của vợ thì tự giết thân mình”.
22
Xưa có một nước, ngũ cốc được mùa, nhân dân yên ổn, không có bệnh tật, ngày đêm đàn hát, không có lo lắng. Vua hỏi quần thần: “Ta nghe thiên hạ có họa, nó giống cái gì?” Đáp: “Thần cũng không thấy”. Vua sai một bề tôi đến nước láng giềng tìm mua. Thiên thần hóa làm một người bán nó trong chợ, hình thù nó giống như con heo cầm khóa sắt trói chặt. Vị bề tôi hỏi: “Cái đó tên gì?” Đáp: “Mẹ họa”. Hỏi: “Bán bao nhiêu tiền?” Đáp: “Ngàn muôn”. Vị bề tôi bèn xem, hỏi: “Nó ăn gì?” Đáp “Mỗi ngày ăn thăng kim”.
(Từ đó), vị bề tôi phát động nhà nhà tìm kim. Như vậy nhân dân tụm hai, tụm ba gặp nhau đều tìm kim, khiến cho các quận huyện nhiễu loạn đến nỗi hoạn độc cũng không thảm hại hơn. Vị bề tôi trình vua: “Mẹ họa này đã khiến dân chúng rối loạn, trai gái thất nghiệp, muốn giết vứt đi”. Vua nói: “Rất hay!” Rồi ở ngoài thành, đâm không thủng, chém không đứt, phanh không chết, chất củi đốt, thân thể nó đỏ như lửa, bèn chạy đi. Chạy qua làng đốt làng, chạy qua chợ đốt chợ, chạy vào thành đốt thành. Như vậy, chạy qua nước, nước rối loạn, nhân dân đói khát. Ấy là do chán hưởng sướng mà vua đi mua họa.
23
Xưa có oanh vũ bay nhóm ở một núi khác. Chim chóc súc thú trong núi trở nên thương kính, không còn tàn hại nhau. Oanh vũ tự nghĩ: “Tuy vậy không thể ở lâu, nên phải trở về”. Rồi bèn đi. Sau đó vài tháng núi lớn thất hỏa, bốn bề đều cháy. Oanh vũ xa thấy, bèn bay vào sông, dùng lông mình lấy nước bay lên không trung, dùng lông mình rũ nước tưới lên, ý muốn diệt lửa lớn. Như thế cứ bay đi bay lại, bay đi bay lại. Thiên thần nói: “Hỡi oanh vũ, ngươi sao ngu thế. Lửa ngàn dặm, há vì nước đôi cánh ngươi mà dập được sao?” Oanh vũ nói: “Tôi cũng biết là không dập tắt được. Nhưng tôi đã từng ở trọ trong núi đó. Chim chóc súc thú trong núi đều hiền lành, thảy là anh em. Tôi không nỡ thấy chúng chết cháy”. Thiên thần cảm lòng chí thành, bèn làm mưa dập tắt lửa.
24
Phật với Tỳ kheo cùng đi, tránh (đường lớn) đi vào trong cỏ. A Nan hỏi Phật: “Sao thầy bỏ đường, mà đi trong cỏ”. Phật bảo: “Trước có giặc. Sau ba Phạm chí sẽ bị giặc bắt”. Ba người đến sau, thấy bên đường có đống vàng. Họ dừng lại, cùng lấy, rồi sai một người trở lại xóm mua cơm. Người đó lấy thuốc độc bỏ vào cơm để giết hai người kia. “Ta sẽ một mình được vàng”. Hai người kia lại sanh ý thấy người đó đến thì cùng giết, xong lại ăn cơm có thuốc độc, nên đều chết. Ba người mỗi người sanh ác ý, dần dà giết nhau như vậy.
25
Xưa có nhà giàu giấu vợ không để người thấy. Vợ sai đứa hầu đào hang đất, để tư thông với với tên dũa bạc. Chồng sau đó biết được. Vợ nói: “Em suốt đời không đi đâu, anh đừng nói bậy”. Chồng nói: “Phải đem em đến chỗ thần cây”. Vợ nói: “Tốt”. Trì trai bảy ngày, họ vào nhà trai. Người vợ lén nói với tên dũa bạc: “Anh phải làm gì? Anh giả vờ làm người điên, gặp người ở chợ thì ôm giữ kéo đi”. Chồng trì trai xong, bèn đem vợ ra đi. Vợ nói: “Em suốt đời không thấy chợ, anh đem em đi qua chợ”. Tên dũa bạc bèn ôm giữ nằm xuống đất làm vợ tại chỗ. Vợ bèn thở hổn hển kêu chồng: “Sao lại sai người ôm giữ em?” Chồng nói: “Đó là người điên”. Vợ chồng cùng đến chỗ thần, cúi đầu thưa: “Suốt đời không làm ác, chỉ bị người điên ấy ôm”. Vợ liền được sống. Chồng lặng lẽ hổ thẹn. Đàn bà gian trá đến như thế ấy!
26
Xưa có một người con gái đi về nhà chồng. Những cô gái khác cùng tiễn đưa, ăn uống vui chơi ở trên lầu. Một trái quít rớt xuống đất. Các cô cùng trông theo, nói: “Ai dám xuống lấy được quít lên thì sẽ cùng ăn uống”. Người con gái sắp gả bèn xuống lầu, thấy một thanh niên đã lấy được quít. Cô gái nói với cậu thanh niên: “Cho trái quít đi”. Thanh niên đáp: “Em đến lúc lấy chồng thì trước phải đến nhà tôi, tôi mới trả quít lại. Nếu không thì không cho”. Cô gái nói: “Vâng”. Thanh niên liền trao quít. Cô gái được quít mang trở về. Các cô cùng nhau ăn uống, rồi đem cô đến chỗ chồng. Cô gái nói: “Tôi có lời thề nặng, xin trước đến gặp cậu thanh niên, rồi trở về làm vợ anh”. Người chồng cho đi. Ra khỏi thành gặp giặc, cô xin xỏ giặc: “Tôi có lời thề nặng phải trả”. Giặc thả cho đi. Vừa lên phía trước thì gặp quỉ ăn thịt người, cô cúi đầu xin cỗi lời thề. Quỉ thả cho đi. Đến cửa nhà cậu thanh niên, bèn xin ngồi tại gia trước, cậu thanh niên không cản trở, còn dọn đồ ăn uống, rồi đem vàng riêng một bánh, đưa trở về.
Thầy nói: “Như vậy, chồng, giặc, quỉ, và cậu thanh niên, bốn người đều tốt. Tuy ý còn có chỗ khác nhau. Hoặc có người nói chồng hơn vì giữ kỹ vợ, hoặc nói giặc hơn vì giữ kỹ của cải. Hoặc nói quỉ hơn vì giữ kỹ ăn uống. Hoặc nói cậu thanh niên hơn vì là thường thường”.
27
Xưa có người đàn bà thường nói: “Ta không bao giờ mất gì”. Đứa con đem chiếc nhẫn của mẹ quăng xuống sông rồi đến hỏi mẹ: “Chiếc nhẫn vàng đâu rồi?”. Người mẹ nói: “Ta có mất gì đâu”. Hôm sau, người mẹ mời ngài Mục Liên, A Na Luật và Đại Ca Diếp đến ăn cơm. Bấy giờ đang được mùa cá. Bèn sai người đi chợ mua cá về làm thì tìm được chiếc nhẫn trong bụng cá. Người mẹ gọi con nói: “Ta có mất gì đâu”. Người con rất vui mừng, đi đến chỗ Phật hỏi: “Mẹ con vì đâu có được phước báu không mất ấy?” Đức Phật dạy: “Xưa có một tiên nhân ở phía Bắc núi, đến mùa đông thì tối tăm lạnh lẽo, ai ai cũng dời về phía Nam núi. Bấy giờ có một bà góa già nghèo khó không thể đi, một mình ở lại cất giấu của cải đồ vật cho mọi người. Xuân đến, mọi người trở về, người mẹ đem hết từng cái trao lại cho chủ chúng. Mọi người đều vui mừng”. Đức Phật dạy: “Người mẹ góa ấy là mẹ con bây giờ. Đời trước giữ của cải cho mọi người nên nay được phước báu không mất gì”.
Xưa có người con nhà giàu làm một nhà nhỏ cho Ly Việt, chỗ đủ để ở cho một người, lại làm chỗ kinh hành. Sau chết, bèn sinh lên trời Đao Lợi, có được nhà báu doanh vây bốn ngàn dặm, muốn gì thì được thỏa, vui vẻ đem hoa trời rải trên nhà Ly Việt. Vị trời nói: “Ta làm một chòi đất nhỏ, mà được cung điện đẹp, nhớ ơn nên đến rải hoa”.
28
Xưa có ba nhà tu cùng hỏi nhau: “Thầy vì sao đắc đạo?” Một người nói: “Tôi ở trong vương quốc, thấy vườn nho nở rộ đẹp, đến chiều người ta đến bẻ lấy đi mất. Cả vườn tàn tạ ngổn ngang trên mặt đất. Tôi thấy vậy biết đời vô thường, nhân thế đắc đạo”. Người kia nói: “Tôi ngồi bên bờ sông, thấy người đàn bà đưa tay giặt đồ, những chiếc vòng va nhau, nhân thế hợp thành tiếng. Tôi nhờ vậy mà đắc đạo”. Người thứ ba nói: “Tôi ngồi bên bờ sông có hoa sen, thấy hoa nở rộ đẹp, đến chiều có vài chục cỗ xe đến, người ngựa đều xuống tắm, lấy hoa đi sạch. Vạn vật vô thường là thế. Tôi giác ngộ điều đó nên đắc đạo”.
29
Xưa có Phạm chí tài cao, học vấn rộng lớn, luận nghị chi ly, chủ trương không mối, ép đổi lẽ ngay, đem hư làm thật, lấy vật kết dụ, chẳng ai đương nổi, các nước đều thờ làm thầy. Sau đến nước Xá Vệ, ban ngày thắp đuốc mà đi. Người trong thành hỏi: “Sao lại như vậy?” Đáp: “Nước tối tăm không ánh sáng, nên đốt đuốc”. Quốc vương rất xấu hổ, treo trống dưới cổng thành, chiêu tìm người sáng suốt có thể đánh bại kẻ kia. Bấy giờ có một sa môn vào nước hỏi: “Sao lại có chuyện đó?” Đáp: “Vua xấu hổ vì việc làm của Phạm chí. Nếu có ai sáng suốt thì xin đánh trống”. Sa môn dở chân nhảy vào. Vua nghe rất vui mừng. Bèn mời sa môn và Phạm chí lên điện ăn uống. Sa môn nói với vua: “Lành thay Phạm chí này, trí tuệ minh đạt, đúng là nhà tu, chẳng phải giống nô tì, lính tráng hay vác người chết”. Phạm chí mặc nhiên, không có gì đáp lại. Nhạc múa đồng thời trổi lên. Vua bèn đem Phạm chí quăng vào sọt phân, xóa dấu vết, đuổi ra khỏi nước, truyền bảo nói cho nhau biết.
30
Xưa có sa môn ăn xong, kỳ cọ trang sức mặt mày, chỉnh đốn áo quần, ngắm nghía trước sau. A Nan bạch Phật nói: “Tỳ kheo này không đúng phép nên mới thế”. Đức Phật dạy: “Ông ấy vừa đến từ kiếp đàn bà, nên thói cũ chưa hết”. Thầy Tỳ kheo liền hiện quả la hán, tịch đi luôn.
31
Xưa ngoài thành Xá Vệ có vợ nhà người kia là thanh tín nữ, giới hạnh thuần đủ. Đức Phật tự đến cửa nhà khất thực. Người vợ đem cơm đặt trong bát, rồi làm lễ. Đức Phật dạy: “Gieo một sinh mười, gieo mười sinh trăm, gieo trăm sinh ngàn, như vậy sinh vạn sinh ức, đến được thấy đạo chân”. Người chồng không tin đạo đức, lặng lẽ đứng sau nghe Phật chú nguyện, nói: “ Sa môn Cù Đàm nói sao như quá lắm. Cho một bát cơm mà được phước đến vậy, lại thấy được đạo chân”. Đức Phật hỏi: “Anh từ đâu đến?” Đáp: “Từ trong thành đến”. Đức Phật hỏi: “Anh thấy cây bàng cao bao nhiêu?” Đáp: “Cao bốn mươi dặm, mỗi năm vài vạn hộc trái, hạt lớn như hạt cải”. (Chỗ này chắc có thoát lạc đi một câu hỏi của đức Phật, đại khái như: “Trồng bao nhiêu hạt mà được nhiều thế?” để có lời đáp: “Chút ít thôi”) Đáp: “Chút ít thôi”. Đức Phật hỏi: “Một thăng ư?” Đáp: “Một hạt thôi”. Đức Phật hỏi: “Anh nói sao như quá lắm thế, trồng một hạt như một hạt cải, mà cao tới bốn mươi dặm, một năm vài mươi vạn trái”. Đáp: “Thật vậy”. Đức Phật dạy: “Đất vô tri, mà sức báo trả nó còn thế, huống nữa vui vẻ đem một bát cơm dâng Phật, phước không thể kể đo”. Vợ chồng lòng ý cởi mở, tức khắc chứng được quả Tu đà hoàn.
32
Xưa có sa môn đã chứng được quả A na hàm, ở trên núi nấu cỏ nhuộm y. Bấy giờ có người mất trâu, đi khắp nơi tìm trâu. Thấy trên núi có khói, bèn đến xem thấy trong nồi thảy là xương trâu, bát hóa thành đầu trâu, cà sa hóa thành da trâu. Người ấy bèn lấy xương cột với đầu, đi khắp trong nước. Mọi người đều thấy.
Sa di thấy mặt trời đã đứng bóng, đánh bảng, không thấy thầy đến. Bèn vào phòng ngồi suy nghĩ, thấy thầy đã bị người ta làm nhục, liền đến đảnh lễ thưa: “Vì sao như vậy?” Đáp: “Tội lỗi xa xưa”. Sa di nói: “Có thể tạm về ăn cơm”. Hai người liền duỗi chân thần cùng đi. Sa di chưa đắc đạo, thường có lòng giận chưa trừ, xem thấy thanh tín sĩ và người trong nước đối đãi với thầy mình như vậy, bèn sai rồng mưa cát đá. Thành quách nhà cửa đều bị phá hoại. Thầy bảo: “Ta kiếp trước một đời làm nghề mổ trâu, nên bị họa như thế. Con vì sao lại gây tội đó? Con đi không cần phải đuổi theo ta”.
Thầy nói: “Tội phước như vậy, há không cẩn thận ư?”.
33
Xưa có quốc vương và năm người đại thần. Một đại thần hôm trước đến mời Phật. Phật không nhận. Đại thần trở về. Nhân vua mời Phật, Phật nói: “Đại thần ấy hôm nay chắc hết sống, ngày mai nhờ ai mà làm phước ư?” Đại thần thường bảo thầy xem tướng nói: “Phải chết về việc binh”. Nên thường dùng lính để tự vệ. Bản thân mình cũng rút kiếm cầm lấy. Đêm khuya muốn ngủ, bèn đem kiếm giao cho vợ giữ. Vợ ngủ gục, rơi kiếm, cắt đầu chồng. Vợ liền khóc lóc nói: “Anh chết”. Vua liền triệu bốn đại thần đến hỏi: “Các ông tổ chức tự vệ, gấp rút đề phòng gian biến, mà đem vợ theo để bỗng chốc gây ra tội này, thì đứng giữ một bên là để cho ai”. Bèn chém tay phải của bốn đại thần.
A Nan hỏi Phật vì sao? Đức Phật nói: “Người chồng đời trước làm trẻ chăn dê, vợ là con dê mẹ trắng. Bốn đại thần đời trước làm giặc, thấy trẻ chăn dê, gọi trẻ cùng giơ tay phải chỉ khiến giết con dê mẹ trắng, rồi năm người cùng nướng ăn. Trẻ khóc lóc buồn bã, giết dê cho giặc ăn. Như vậy dần dà sống chết đến đời này mới gặp nhau để trả tội kiếp trước.”
34
Xưa có nhà giàu, giàu cả cự ức, thường thích bố thí, ai xin không trái ý. Sau sinh một đứa con trai không có tay chân, thân hình như cá, nên gọi là ngư thân. Cha mẹ cuối cùng mất đi, bèn thừa kế gia nghiệp, nằm ngủ trong nhà không có ai thấy.
Bấy giờ có lực sĩ được ăn bếp vua luôn thấy đói thiếu, một mình kéo mười sáu xe củi bán để nuôi mình, lại thường không đủ. Bèn đến nhà giàu trên xin chỗ không đủ, nói: “Nhiều năm được vua cho ăn uống, nhưng thường không đủ, luôn cảm thấy đói, (nay) nghe nhà giàu của cải cự ức, nên đến xin ăn.”
Ngư thân mời đến gặp. Thấy thân hình ấy, lực sĩ trở về tự nghĩ: “Sức đá nên vậy, gần không như người không tay chân nhờ lấy đồ vật”. Bèn đến chỗ Phật, hỏi chỗ mình nghi: “Đời hoặc có người giàu sang như quốc vương, mà chết không có tay chân. Lo làm giàu nên mới vậy. Gần hơn là con sức vóc trong nước vô địch, mà thường đói khát, ăn uống không đủ. Cớ sao như thế?”
Phật dạy: “Xưa vào đời Phật Ca Diếp, ngư thân với vua ấy cùng dâng cơm cho Phật, con lúc ấy nghèo khó, chạy đến giúp. Ngư thân lo đủ những gì cần có, rồi cùng vua đi, nhưng gọi vua bảo: “Hôm nay có việc, tôi không thể cùng đi được. Bỏ việc đó là chặt bỏ tay chân tôi không khác”. Người đi lúc ấy, nay là vua. Người thất hứa không đi, nay là ngư thân. Người nghèo khó giúp đỡ, nay là thân con”. Nhờ thế, lòng ý lực sĩ hiểu ra, liền làm sa môn, đắc đạo A la hán.

« Kinh này có tổng cộng 2 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Phật giáo và Con người


Tích Lan - Đạo Tình Muôn Thuở


Lục tổ Đại sư - Con người và huyền thoại


Kinh Đại Bát Niết-bàn

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.22.79.165 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập