Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình.
Kinh Pháp cú
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt,
luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Tôi nghe như vầy, một thời, Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật gần thành Vương Xá cùng với năm trăm vị đại tỳ-kheo-tăng câu hội, và chín muôn hai nghìn vị bồ-tát, tên của các ngài là: Đại bồ-tát Chúng Đức Trang Nghiêm, bồ-tát Sư Tử Du Bộ, bồ-tát Quang Vô Chứng Tịnh Vương, bồ-tát Cao Sơn Đảnh Tự Tại Vương, bồ-tát Ái Hỷ Tịnh Quang, bồ-tát Quang Tế Nhật Nguyệt, bồ-tát Diệu Tịnh Kế, bồ-tát Thân Xuất Liên Hoa Quang, bồ-tát Phạm Tự Tại Vương Âm, bồ-tát Du Hí Thế Sư Tử Vương Âm, bồ-tát Kim Sắc Tịnh Quang Oai Đức, bồ-tát Nhu Nhuyến Thân, bồ-tát Kim Sắc Tưởng Trang Nghiêm Thân, bồ-tát Thập Quang Phá Ma Lực, bồ-tát Chư Căn Oai Nghi Thiện Tịch, bồ-tát Đức Như Cao Sơn, bồ-tát Thiên Âm Thanh, bồ-tát Pháp Lực Tự Tại Du Hành, bồ-tát Sơn Đức Tịnh Thân, Đại bồ-tát Diệu Đức, và các vị bồ-tát khác nữa cũng như thế chín muôn hai nghìn người.
Bấy giờ, bồ-tát Sư Tử Du Bộ quan sát đại hội rồi liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch y bày vai hữu, gối hữu sát đất, chắp tay hướng Phật, dùng kệ hỏi rằng:
Thế Tôn Đại Đạo Sư
Danh đức xưng vô lượng
Nay trong chúng hội này
Diễn nói pháp tịch diệt.
Tà kiến, ái, kiêu mạn
Tính giận hờn, ghen ghét
Tại sao tức là đạo?
Phương tiện nói lớn tiếng.
Tại sao tướng niết-bàn
Cùng thế pháp không khác?
Các pháp tính không hai
Đại bi vì diễn nói.
Tại sao tính các pháp
Rốt ráo không có ngại?
Tính ấy như niết-bàn
Cũng đồng với giải thoát.
Không buộc, cũng không mở
Cũng như tướng hư không,
Tiếng ca-lăng-tần-già
Tiếng Đại Phạm thanh tịnh,
Sắc thân như thiên kim
Tịnh mạng vô lượng đức
Diễn nói pháp thật tướng
Rốt ráo không buộc, mở.
Tại sao ngũ cái[1] này
Lại đồng với bồ-đề?
Tại sao bồ-đề này
Đồng với tính các nghiệp?
Là pháp hay phi pháp
Tại sao đồng nhất tướng
Rốt ráo tịnh như vậy?
Cúi xin vì diễn nói.
Vô số, vô phi số
Các pháp rốt ráo diệt
Tướng nhất thiết chủng trí
Và pháp Bồ-đề đạo
Hai pháp tại sao không?
Cúi xin vì diễn nói.
Vô tác, vô phi tác
Vô trước, vô phi trước
Rốt ráo không chúng sinh
Trong các pháp vô ngại
Không giới, không nhẫn nhục
Cũng không có phá giới
Không trí, cũng không huệ
Cũng không phi trí huệ
Pháp ấy thường thanh tịnh
Cúi xin vì diễn nói.
Tại sao tất cả pháp
Tịch diệt như hư không
Không tâm, tâm số pháp
Không thấy đoạn, chứng, tu.
Tất cả các chúng sinh
Đồng như tướng hư không
Pháp nhất tướng cũng không
Tâm hành cũng chẳng có.
Các pháp không sinh diệt
Không học, không La-hán
Cũng không Bích-chi-phật
Cũng không cầu Bồ-tát.
Không trụ, không nương gá
Không đến cũng không đi
Các pháp tướng chẳng động
Thường trụ như Tu-di.
Không tướng, cũng không sắc
Tính sắc tức là đạo
Tính sắc, Phật đạo một
Xin nói pháp như vậy.
Tại sao không Phật, pháp
Cũng không có chúng Tăng
Tam Bảo là nhất tướng?
Cúi xin vì diễn nói.
Không không, không vô tướng
Cũng không có vô tác
Chẳng hợp cũng chẳng tan
Danh tướng pháp cũng không.
Các pháp rốt ráo không
Như vang, không tác giả
Vô sinh, không vô sinh
Vô diệt, không qua lại
Không Trời, không Long thần
Dạ-xoa, Khẩn-na-la…
Không người, không địa ngục
Không ngạ quỷ, súc sinh
Không năm đường chúng sinh
Xin nói các pháp này.
Đạo sư Phật Thế Tôn,
Người ngoại đạo tà kiến,
Cả hai đều diễn nói
Tại sao đồng, không khác?
Các văn tự, ngữ ngôn
Pháp ấy đều nhất tướng
Thế Tôn đại từ bi
Xin mở pháp môn ấy.
Bây giờ, Đức Thế Tôn khen Đại bồ-tát Sư Tử Du Bộ:
- Hay thay, hay thay! Thiện nam tử! Điều của ông hỏi rất là hiếm có, tất cả thế gian khó có thể tin nổi.
Này thiện nam tử! Thôi, thôi, chớ hỏi. Vì sao? Vì bồ-tát mới phát tâm đối với pháp này chẳng thể hiểu nổi nên sinh ra kiến chấp về không, về vô tướng, về vô tác, về vô sinh, về vô sở hữu, về vô thủ tướng, về Phật, về bồ-đề.
Này thiện nam tử! Pháp như thế chẳng nên nói ở trước bồ-tát mới học. Vì sao? Vì họ nghe pháp này rồi hoặc dứt bỏ nghiệp lành, ở trong Phật đạo ắt hành tà đạo, hoặc chấp đoạn diệt, hoặc sa vào chấp thường, mà chẳng biết Như Lai dùng phương tiện gì tùy nghi nói pháp.
Bấy giờ, Đại bồ-tát Sư Tử Du Bộ bạch Phật:
Thế Tôn thương xót thế gian, cúi xin nói cho chúng con nghe. Trong đời vị lai có Bồ-tát chấp không, chấp vô tướng, chấp vô tác, chấp vô sinh, chấp vô sở hữu, chấp vô thủ tướng, chấp Phật, chấp Bồ-đề, phân biệt là không, là vô tướng, là vô tác, ưa chuộng đọc học, siêng tạo sự nghiệp, say mê văn từ, lấy biện thuyết làm sở trường, quý trọng danh lợi. Người như thế nghe đức Như Lai nói pháp không văn tự rốt ráo thanh tịnh này sẽ bỏ các chấp ấy. Các Bồ-tát này tùy theo khả năng tin hiểu của chúng sinh mà dùng sức phương tiện thuyết pháp cho họ nghe: tuy nói thiểu dục mà chẳng cho đó là hơn hết; tuy nói kinh nói giới mà chẳng cho đó là hơn hết; tuy nói ở tại các lỗi lầm mà cũng biết tất cả pháp tướng xa lìa; thường ngợi khen sự ở một mình nơi vắng vẻ mà chẳng cho đó là hơn hết; tuy khen phát tâm bồ-đề mà biết tâm tính tức là bồ-đề, tuy khen kinh Đại thừa mà biết tất cả các pháp đều là tướng đại; tuy nói đạo Bồ-tát mà chẳng phân biệt A-la-hán, Bích-chi-phật và chư Phật; tuy khen bố thí mà thông đạt bố thí tướng bình đẳng; tuy khen trì giới mà rõ biết các pháp đồng là tính giới; tuy khen nhẫn nhục mà biết các pháp tướng vô sinh, vô diệt, vô tận; tuy khen tinh tấn mà biết các pháp tướng chẳng phát, chẳng hành; tuy khen thiền định mà biết tất cả pháp tướng thường định, tuy ngợi khen trí huệ mà rõ biết tính thật của trí huệ; tuy nói tội lỗi của tham dục mà chẳng thấy pháp để tham; tuy nói tội lỗi của giận hờn mà chẳng thấy pháp để giận; tuy nói tội lỗi của ngu si mà biết các pháp không si, không ngại; tuy chỉ cho chúng sinh rõ về cái khổ đáng sợ của sự đọa lạc vào ba đường ác mà chẳng thấy có tướng của địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Như vậy, Bồ-tát tuy tùy theo khả năng tin hiểu của chúng sinh mà dùng sức phương tiện thuyết pháp để cho họ tự tin hiểu pháp nhất tướng, đó là không, vô tướng, vô tác, vô sinh, vô sở hữu, vô thủ tướng.
Bạch Thế Tôn! Cúi xin ngài nói pháp phương tiện chẳng thể nghĩ bàn này, pháp mà tất cả Thanh Văn, Bích-chi-phật và Bồ-tát mới phát tâm chẳng thể hiểu nổi, chỉ vì người tin hiểu pháp nhất tướng sâu xa mà nói.
Bây giờ, Phật bảo Đại Bồ-tát Sư Tử Du Bộ:
- Này thiện nam tử! Ông nay lắng nghe và khéo suy nghĩ. Ta sẽ vì ông giải nói nghĩa này.
- Bạch Thế Tôn! Xin vâng. Con sẽ lãnh thọ.
Bấy giờ, đức Thế Tôn dùng kệ đáp:
Nếu người muốn thành Phật
Chớ hoại diệt tham dục
Các pháp tức tham dục
Biết như vậy, thành Phật.
Tham dục và sân si
Không có người hay được,
Pháp ấy đều như không
Biết như vậy, thành Phật.
Kiến, phi kiến nhất tướng
Chấp, chẳng chấp cũng vậy
Đây không Phật, không pháp
Biết vậy là đại trí.
Như người trong chiêm bao
Đắc đạo độ chúng sinh
Không đạo, không chúng sinh
Phật, pháp tính cũng vậy.
Đạo tràng không sở đắc
Nếu đắc ắt chẳng có,
Minh, vô minh nhất tướng
Biết như thế, là Phật.
Chúng sinh tức bồ-đề.
Bồ-đề tức chúng sinh
Bồ-đề, chúng sinh một
Biết như thế, là Phật.
Như nhà huyễn thuật giỏi
Huyễn làm ra các việc,
Tuy thấy mà không thật,
Kẻ ngu cho là thật.
Tham sân si như huyễn
Huyễn chẳng khác ba độc
Phàm phu tự phân biệt
Tôi tham, tôi sân si.
Người ngu si như thế
Ắt đọa ba đường ác,
Thật tướng không tham, sân
Si cũng chẳng có được.
Phân biệt pháp như huyễn
Tự tính phiền não khởi,
Thật tướng không phiền não
Không chúng sinh, không Phật.
Phân biệt pháp vô sinh
Phàm phu nguyện làm Phật.
Chẳng thấy các Phật pháp
Cũng chẳng thấy chúng sinh,
Người biết pháp tướng ấy
Chóng thành đấng Thế Tôn.
Nếu người cầu bồ-đề
Ắt không có bồ-đề
Người này xa bồ-đề
Ví như trời với đất.
Biết các pháp như huyễn
Chóng thành đấng Thế Tôn.
Nếu người phân biệt giới
Là người không có giới
Giới, phi giới nhất tướng
Biết vậy, là Đại sư.
Như mộng hưởng ngũ dục
Vui chơi tự khoái lạc
Phân biệt thấy nữ sắc
Trong đó thật không nữ.
Giới, phá giới như mộng
Phàm phu phân biệt hai,
Thật không giới, phá giới
Biết vậy, là Đạo sư.
Phàm phu chấp danh tự
Chẳng biết tính ngữ ngôn
Danh tự, phi danh tự
Biết vậy, đắc vô sinh.
Tự cho là Bồ-tát
Đọc tụng, vì người nói,
Chính mình chẳng tu hành
Chỉ ỷ thị dòng dõi.
Chỉ đọc kinh cầu đạo,
Thường thấy lỗi của người,
Chấp oai nghi, văn tụng
Thấy người kính, tự cao.
Ỷ dòng dõi, văn thơ
Chẳng biết pháp thật tướng,
Những người như thế đó
Chẳng thể nào thành Phật.
Vì nói các pháp không
Ác tâm ưa tranh cãi,
Người này không Phật pháp
Cùng không có bồ-đề.
Biết sân, nhẫn đồng tướng
Thấu rõ chẳng còn sân,
Chẳng rõ tính chúng sinh
Ắt sinh ra sân giận.
Người tự xưng Bồ-tát
Lại nói lời như vầy:
Tôi từ bi tất cả
Thành Phật độ chúng sinh,
Bị người não, giận hờn
Chẳng cùng họ nói chuyện.
Thường tìm lỗi của người
Ưa thích sự cãi lẫy,
Cũng ngợi khen nhẫn nhục
Và nói các pháp không.
Tâm mình nhiều kiêu mạn
Thường thấy lỗi của người,
Tham đắm thức ăn ngon
Ngày đêm nhớ ngũ dục.
Người này vào thành ấp
Tự nói là độ người
Thương xót các chúng sinh
Nhưng thường cầu lợi mình.
Miệng tuy nói như vậy
Mà tâm thích não người,
Ta chưa từng thấy nghe
Từ bi làm não người,
Giận hờn não hại nhau
Mà sinh cõi Di-đà.
Nếu người như Hằng sa
Chửi mắng và đánh đập
Như vậy đều nhẫn được
Ắt sinh về Tịnh độ.
Cõi Phật, phi cõi Phật
Biết tướng như hư không
Chẳng phân biệt cõi nước
Và công đức cõi nước,
Những người như thế đó
Sinh về các cõi Phật.
Tự nói nhẫn các ác
Thấy Bồ-tát như Phật,
Ta chưa từng thấy nghe
Đức Phật mà giận hờn.
Tự khen mình, chê người
Thích đàn việt, quen biết
Nói: Được tôi giáo hóa
Khiến cho đúng như pháp,
Ông đáng được tôi độ
Chớ thân cận người khác.
Người này hạnh chẳng thuần
Thường ở chỗ ồn náo
Người này nơi Phật đạo
Chẳng siêng năng tu hành.
Người thật cầu Phật đạo
Ngày đêm cả ba thời
Đảnh lễ các Bồ-tát
Phải sinh tâm cung kính,
Theo đạo của ngài làm
Chẳng nói lỗi của ngài,
Nếu thấy đắm ngũ dục
Cũng chẳng nói lỗi xấu,
Phải nên nghĩ người ấy
Về sau ắt đắc đạo.
Thứ lớp hành đạo nghiệp
Chẳng thể liền thành Phật,
Hoặc phát tâm chẳng lâu
Thế nên hành việc này.
Chớ phân biệt tham dục
Tham dục tính là đạo
Phiền não trước tự không
Vị lai cũng không có
Tin hiểu được như thế
Bèn đắc vô sinh nhẫn.
Quán âm thanh tốt xấu
Biết tính phi âm thanh
Sẽ nhập vào pháp môn
Thật tướng không văn tự.
Nếu tin được pháp này
Ắt không dâm, nộ, si
Quán tham dục, ngu si
Tức là tướng vô lượng.
Cả hai không văn tự
Nhờ văn tự để nói,
Các chỗ có văn tự
Đều là không có thật.
Tất cả các âm thanh
Quán là một tính âm,
Phật nói và tà nói
Thảy đều không phân biệt.
Pháp tuy dùng lời nói
Thật không pháp, không nói.
Vào được môn nhất tướng
Ắt đắc nhẫn vô thượng
Là nhẫn, là phi nhẫn
Chớ phân biệt như vậy.
Tâm tham dục, sân khuể
Chớ tính lợi trong ấy,
Biết cả hai vô sinh
Sẽ làm đấng Thế Tôn.
Phương đông, tây, nam, bắc
Cõi nước như Hằng sa
Đều nghiền thành bụi nhỏ,
Một bụi là một cõi
Của báu đầy trong đó,
Trải qua vô số kiếp
Cúng dường các Như Lai,
Công đức người ấy được
Sánh người nghe kinh này
Trăm nghìn không được một.
Nếu có người xuất gia
Một lòng cầu Phật đạo
Ta phó chúc người ấy
Pháp yếu bí mật này.
Nếu người tụng kinh này
Và giải nói nghĩa kinh
Vô lượng biện tổng trì
Tự nhiên đều sẽ được.
Lợi căn, vô tận huệ
Trí nhạo thuyết biện tài
Vô lượng ức chư Phật
Đều cũng cho người này,
Diệu pháp của các kinh
Tự nhiên đều nói được.
Bấy giờ, Bồ-tát Sư Tử Du Bộ bạch Phật:
- Thế Tôn hôm nay nói kệ này có bao nhiêu người được tự lợi ích?
Phật nói:
Này thiện nam tử! Ông thấy đại chúng đây chăng?
- Dạ thưa, đã thấy.
Hôm nay ta nói pháp này, trong hội có vô lượng chúng sinh nhóm họp, cùng Thiên, Long, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Khẩn-na-la, Ca-lâu-la, Ma-hầu-la-già v.v… đầy trong hư không, nhờ ánh sáng của sự thuyết pháp mà cho đến thế giới phương khác cũng được nhiều sự lợi ích. Chín muôn hai nghìn thần Dạ-xoa đều phát tâm Vô thượng Chính Đẳng Chính Giác. Tỳ-kheo tăng thượng mạn năm trăm người chưa đắc nói đắc nghe pháp này không còn tăng thượng mạn, được tin hiểu chân pháp tất cả các pháp là nhất tướng, chẳng thọ các pháp nên lậu tận, đắc giải thoát. Bấy giờ, trong chúng Bồ-tát có sáu muôn hai nghìn người tin hiểu các pháp không có tướng chướng ngại, đắc vô sinh nhẫn. Vì sao? Vì nói pháp như vậy là bậc nhất trong các sự nói pháp.
Này thiện nam tử! Như ta ở chỗ đức Phật Nhiên Đăng tin hiểu các pháp nhất tướng vô ngại, sau đó mới đắc vô sinh pháp nhẫn, đầy đủ sáu ba-la-mật. Tại sao như thế? Nếu Bồ-tát ở trong số kiếp nhiều như cát sông Hằng bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ, nếu chẳng biết pháp tướng như thế thì người này hoặc hay đoạn dứt các thiện căn.
Này thiện nam tử! Ông thấy chăng, Đề-bà-đạt-đa có thiện căn công đức to tát thành tựu ba mươi hai tướng đại nhân, tuy có công đức như vậy, song vì chẳng biết pháp tướng này nên đoạn mất thiện căn, bị đọa vào đại địa ngục.
Này thiện nam tử! Như vô lượng vô biên chẳng thể nghĩ bàn a-tăng-kỳ kiếp về thuở quá khứ có Phật hiệu Cao Tu-di Sơn Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, thọ mạng chín nghìn chín trăm nghìn muôn ức na-do-tha năm, cõi nước tên là Kim Diễm Minh. Cõi đó đều dùng vàng ròng làm đất. Phật ấy thuyết pháp cũng dùng ba thừa độ thoát chúng sinh: hội thứ nhất có tám mươi trăm nghìn muôn ức na-do-tha đệ tử Thanh văn, hội thứ hai có bảy mươi trăm nghìn muôn ức na-do-tha đệ tử Thanh văn, hội thứ ba có sáu mươi trăm nghìn muôn ức na-do-tha đệ tử Thanh văn, hội thứ tư có năm mươi trăm nghìn muôn ức na-do-tha đệ tử Thanh văn đều đắc A-la-hán, bỏ các gánh nặng, được pháp lợi mình, hết các kiết sử trong ba cõi, được chính trí giải thoát. Chúng tỳ-kheo-ni gấp bội số trên, chúng ưu-bà-tắc cũng gấp bội số trên, chúng ưu-bà-di cũng gấp bội số trên, chúng Bồ-tát cũng gấp bội số trên đều đắc bất thoái chuyển vô sinh pháp nhẫn, đều đắc vô lượng vô biên đà-la-ni môn, tam-muội môn, có khả năng chuyển pháp luân bất thoái, hà huống Bồ-tát mới phát tâm và người phát đạo tâm Bích-chi-phật cũng vô lượng vô biên.
Này thiện nam tử! Bấy giờ trong hội của đức Phật kia số chúng đệ tử vô lượng vô biên. Trong cõi Kim Diễm kia, có cây bằng bảy báu và các cây báu ấy thường vang xa tiếng nói pháp, như là tiếng tất cả pháp không, tiếng vô tướng, tiếng vô tác, tiếng vô sở hữu, tiếng vô thủ tướng, nhân dân cõi nước ấy nghe tiếng nói pháp này tự nhiên đều đắc thật tướng các pháp, tâm được giải thoát. Sau khi đức Phật ấy diệt độ, pháp trụ một nghìn năm, các cây báu cũng chẳng còn phát ra tiếng nói pháp.
Này thiện nam tử! Đức Phật Cao Tu-di Sơn Vương này đem pháp phó chúc cho bồ-tát Tịnh Oai Nghi thủ hộ chính pháp. Ngài phó chúc xong, nhập vô dư niết-bàn. Bấy giờ có tỳ-kheo tên Hữu Oai Nghi trì giới bất tịnh đắc tứ thiền, tứ vô sắc định và ngũ thần thông, tụng rành tạng luật, ưa thích khổ hạnh, song chẳng khéo biết tâm của người khác. Chúng đệ tử của ông ấy cũng đều khổ hạnh, quý pháp đầu-đà.
Pháp sư Tịnh Oai Nghi trì giới thanh tịnh, ở trong pháp vô sở hữu được phương tiện khéo. Một hôm, pháp sư Tịnh Oai Nghi đem các đệ tử đến chỗ của tỳ-kheo Hữu Oai Nghi để ở chung. Pháp sư Tịnh Oai Nghi vì thương xót chúng sinh nên từ chỗ ở thường đi vào xóm làng khất thực xong rồi trở về, giáo hóa trăm nghìn muôn nhà đều làm đệ tử, khiến họ phát tâm Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác. Chúng đệ tử của ngài cũng khéo giáo hóa đến các xóm làng thuyết pháp, khiến trăm nghìn chúng sinh đều phát tâm Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác. Tỳ-kheo Hữu Oai Nghi thường ưa trụ chùa tháp, chúng đệ tử của ông ấy chẳng trì tịnh giới mà thích hạnh đầu-đà. Tỳ-kheo Hữu Oai Nghi siêng năng tinh tấn, ông quyết tâm tự đem điều mình làm dạy lại các đệ tử tham đắm pháp lành, thấy có sở đắc, như là nói: Tất cả pháp hữu vi đều vô thường, đều khổ, tất cả pháp vô ngã, chẳng khéo thực hành các pháp thiền định, và cũng chẳng rành đường lối tu hành của Bồ-tát, là vì tâm ông ấy chẳng thuần.
Pháp sư Tịnh Oai Nghi khéo biết chúng sinh các căn lợi, độn; vì biết tâm của tỳ-kheo Hữu Oai Nghi nên chẳng đi vào xóm làng nữa, còn các đệ tử của ngài thì vẫn đi khất thực như cũ, không khác. Tỳ-kheo Hữu Oai Nghi thấy chúng đệ tử của pháp sư Tịnh Oai Nghi thường vào xóm làng, nên ông sinh tâm bất tịnh liền đánh kiền chùy nhóm chúng thiết lập quy chế: “Các ông từ nay trở đi chẳng được vào nơi xóm làng. Các ông chẳng hay nhất tâm yên tịnh tu hành, thường vào xóm làng có lợi ích gì? A-lan-nhã là chỗ được Phật ngợi khen, các ông nên nhất tâm thiền định, chớ đến nhà người”. Chúng đệ tử của pháp sư Tịnh Oai Nghi chẳng chịu vâng lời, vẫn vào xóm làng. Sau đó, một hôm tỳ-kheo Hữu Oai Nghi thấy chúng đệ tử kia từ trong xóm làng đi ra, ông lại đánh kiền chùy nhóm chúng, và nói như vầy: “Nếu các ông còn vào xóm làng nữa thì chẳng được ở đây”.
Bấy giờ, pháp sư Tịnh Oai Nghi vì muốn hộ niệm tỳ-kheo Hữu Oai Nghi nên bảo các đệ tử: “Các ông từ nay trở đi chớ vào xóm làng”. Chúng liền nghe lời thầy dạy chẳng vào xóm làng. Bấy giờ, dân chúng chẳng thấy pháp sư và đệ tử nên trong lòng lo buồn, thiện căn lui sụt. Pháp sư Tịnh Oai Nghi qua ba tháng tự tứ xong, từ đây đi đến tăng phường khác. Ở đó thầy trò lại đi vào thành ấp xóm làng vì người thuyết pháp. Thời gian sau, tỳ-kheo Hữu Oai Nghi thấy pháp sư Tịnh Oai Nghi lại vào nhà người, thấy chúng đệ tử kia hủy bỏ lệ thường, nên sinh tâm ác bất tịnh nghĩ rằng: “Tỳ-kheo này phá giới, hủy giới, làm sao có bồ-đề!” Liền nói với mọi người: “Tỳ-kheo này tạp hạnh, cách Phật đạo rất xa”. Tỳ-kheo Hữu Oai Nghi khởi nghiệp này rồi, sau đó mạng chung, do quả báo của nghiệp này rồi, sau đó mạng chung, do quả báo của nghiệp này bị đọa đại địa ngục A-tỳ chín trăm nghìn ức kiếp chịu các khổ não. Từ địa ngục ra sáu mươi ba muôn đời thường bị chê bai. Tội ấy dần mỏng, sau làm tỳ-kheo ba mươi hai muôn đời, sau khi xuất gia, do nhân duyên nghiệp này phải bỏ đạo hoàn tục. Lại do chút tội thừa của nghiệp này nên ở chỗ đức Phật Tịnh Minh xuất gia nhập đạo, ân cần tinh tấn như cứu lửa cháy đầu trong nghìn muôn ức năm mà vẫn chẳng đắc nhu thuận nhẫn, vô lượng nghìn muôn đời các căn mờ tối.
Này Sư Tử Du Bộ! Ý ông nghĩ sao? Tỳ-kheo Hữu Oai Nghi thuở ấy đâu phải ai xa lạ, mà chính là tiền thân của ta. Thuở ấy, ta khởi tâm bất tịnh vi tế phải chịu tội nghiệp đọa vào địa ngục như vậy.
Này Sư Tử Du Bộ! Nếu người chẳng muốn khởi các nghiệp tội vi tế này thì đối với bồ-tát khác chẳng nên khởi tâm ác, đối với đạo của bồ-tát thực hành đều cần phải tin hiểu, chẳng nên khởi tâm hờn giận, phải nghĩ rằng: “Tôi chẳng thể biết rành tâm người khác, điều chúng sinh làm cũng rất khó biết”.
Này thiện nam tử! Vì Như Lai thấy sự lợi ích ấy nên thường nói pháp này. Thế nên người tu hành chẳng nên phê bình người khác, chỉ có đức Như Lai và bậc tương đương với Phật mới có thể biết. Vì thế, người tu hành muốn tự giữ thân thì nên cẩn thận chớ phê bình người mà sinh chống đối. Bồ-tát nếu muốn tu tập thường nên ngày đêm tâm siêng năng khắc niệm. Người phát tâm bồ-đề sâu xa chẳng nên ưa tìm sự hay dở củua người. Bồ-tát nếu hay giáo hóa chúng sinh trong ba nghìn đại thiên thế giới khiến họ đều làm thập thiện, chẳng bằng bồ-tát trong khoảng thời gian một bữa ăn nhất tâm ở chỗ yên tịnh niệm pháp môn nhất tướng, cho đến nghe nhận, đọc tụng, giải nói, người này phước đức hơn người kia rất nhiều. Vì sao? Vì các bồ-tát dùng pháp môn này hay diệt tất cả nghiệp chướng trọng tội, cũng lìa được tâm yêu ghét đối với tất cả chúng sinh, có thể chóng được nhất thiết chủng trí.
Bấy giờ, Pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:
- Thế Tôn! Như Phật vừa nói diệt tội của nghiệp chướng. Làm sao để diệt tội của nghiệp chướng?
Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:
- Nếu bồ-tát thấy tất cả pháp tính không nghiệp, không báo ắt hoàn toàn diệt được tội của nghiệp chướng.
Lại này Văn-thù-sư-lợi! Nếu bồ-tát thấy tham dục tế tức là chân tế, thấy sân khuể tế tức là chân tế, thấy ngu si tế tức là chân tế, ắt hoàn toàn diệt được tội của nghiệp chướng.
Lại này Văn-thù-sư-lợi! Nếu bồ-tát thấy tính tất cả chúng sinh tức là tính niết-bàn ắt hoàn toàn diệt được tội của nghiệp chướng. Tại sao như thế? Nếu người hễ tự có thấy thì hay khởi nghiệp mà không biết không hay. Kẻ phàm phu ngu si chẳng biết pháp tướng rốt ráo diệt, cho nên tự thấy mình, cũng thấy người khác. Vì thấy như thế nên khởi ra các nghiệp thân, miệng, ý, người này vọng kiến ức tưởng phân biệt, nghĩ rằng: “Tôi là người tham dục, sân khuể, ngu si”. Vì phân biệt như vậy nên ở trong Phật pháp xuất gia học đạo lại nghĩ rằng: “Tôi là người trì giới tu phạm hạnh, tôi sẽ vượt qua sinh tử, được nhập niết-bàn, thoát khỏi các khổ não”. Người này phân biệt các pháp là thiện, là bất thiện, là phải biết, là phải đoạn, là phải chứng, là phải tu, nghĩa là khổ phải biết, tập phải đoạn, diệt phải chứng, đạo phải tu. Và còn phân biệt tất cả các hành đều là vô thường, tất cả các hành đều là khổ, tất cả các hành đều là ba độc lẫy lừng. “Tôi phải mau bỏ các pháp hữu vi này”, thường nghĩ như vậy, ở trong các hành, do vì chấp tướng mà sinh tâm chán ghét.
Bấy giờ mới nghĩ rằng: “Biết các hành như vậy, ấy là biết khổ. Chán ghét các hành, ấy là đoạn tập”. Phân biệt các hành, thấy được diệt độ, liền nghĩ rằng: “Tôi nay thấy diệt”, ấy là chứng diệt. “Tôi phải tu đạo”, bèn đến chỗ yên tịnh quán niệm pháp như thế. Quán niệm như thế rồi nhiếp tâm trụ định, người này trước được tâm chán ghét, nay được tâm định, cho nên ở trong các hành tâm liền lìa bỏ mà tự thẹn, tự chán chẳng mừng, chẳng vui. Và nghĩ rằng: “Tôi nay ở trong tất cả pháp đã được giải thoát, không còn sở tác. Bản thân tôi đã đắc đạo A-la-hán”. Người này lúc mạng chung thấy bị thọ sinh liền sinh tâm nghi ngờ bồ-đề. Do sự nghi ngờ này mà sau khi mạng chung bị đọa đại địa ngục. Vì sao? Vì người này ở trong pháp vô sinh mà phân biệt.
Bấy giờ, Pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:
- Thế Tôn! Vậy nay phải quán bốn thánh đế như thế nào?
Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:
- Nếu hành giả biết tất cả pháp tức là tính vô sinh, ấy gọi là biết khổ. Nếu thấy tất cả pháp chẳng tập chẳng khởi, ấy là đoạn tập. Nếu thấy tất cả pháp tướng rốt ráo diệt, ấy là chứng diệt. Nếu thấy tất cả pháp tính vô sở hữu, ấy là tu đạo.
Này Văn-thù-sư-lợi! Nếu hành giả hay thấy bốn thánh đế như thế, người này chẳng phân biệt như vầy: Pháp này thiện hay pháp này bất thiện, pháp này nên biết, pháp này nên đoạn, pháp này nên chứng, pháp này nên tu, đó gọi là khổ nên biết, tập nên đoạn, diệt nên chứng, đạo nên tu. Tại sao như thế? Các pháp tham dục, sân khuể, ngu si của phàm phu làm, hành giả thấy các pháp ấy đều không, vô sinh, vô sở hữu, chẳng thể phân biệt, chỉ chứa nhóm hư vọng. Bấy giờ, đối với pháp, không hề lấy, không hề bỏ, ở trong ba cõi tâm không bị chướng ngại, thấy tất cả ba cõi rốt ráo chẳng sinh, thấy tất cả pháp thiện, bất thiện đều hư dối chẳng thật, như huyễn, như mộng, như bóng, như vang, như sóng nắng. Hành giả thấy tính tham dục tức là tính niết-bàn, tính sân khuể tức là tính niết-bàn, tính ngu si tức là tính niết-bàn. Nếu hay thấy tất cả pháp tính như vậy thì chẳng khởi yêu ghét đối với tất cả chúng sinh. Tại sao như thế? Hành giả ấy chẳng được pháp này thì hoặc sinh yêu hoặc sinh ghét. Còn nếu an trụ trong cái tâm như hư không thì thậm chí chẳng thấy Phật, chẳng thấy Pháp, chẳng thấy Tăng, ấy là chẳng thấy tất cả pháp. Nếu chẳng thấy tất cả pháp thì đối với tất cả pháp ắt chẳng sinh nghi. Vì chẳng sinh nghi nên chẳng thọ tất cả pháp. Vì chẳng thọ tất cả pháp nên tự tịch diệt.
Này Văn-thù-sư-lợi! Trưởng lão Tu-bồ-đề biết pháp như thế nên chẳng đến lễ dưới chân Phật. Tu-bồ-đề còn chẳng có được thân mình, huống là có được thân Như Lai. Người chẳng có được thân mình mà có được thân Như Lai thì thật là vô lý.
Ngài Văn-thù-sư-lợi lại bạch Phật:
- Thế Tôn! Hành giả phải quán bốn niệm xứ như thế nào?
Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:
- Vào thời vị lai có tỳ-kheo nói như vầy: Quán bên trong thân, nếu quán bất tịnh là thân niệm xứ. Quán vui đều khổ là thọ niệm xứ. Quán tâm tính sinh diệt là tâm niệm xứ. Quán hoại tướng hòa hợp, chỉ được pháp tướng là pháp niệm xứ.
Ngài Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:
- Thế Tôn! Vậy nay thế nào là quán đúng bốn niệm xứ?
Phật nói:
- Thôi, thôi! Văn-thù-sư-lợi chẳng nên hỏi như thế. Vì Như Lai tuyên thuyết pháp khó có thể hiểu.
Ngài Văn-thù-sư-lợi thưa:
- Thế Tôn! Vì thương xót chúng sinh, cúi xin ngài diễn nói.
Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:
- Nếu hành giả thấy thân như hư không, ấy là thân niệm xứ. Nếu hành giả biết các thọ chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở chặng giữa, ấy là thọ niệm xứ. Nếu hành giả biết tâm chỉ có danh tự, ấy là tâm niệm xứ. Nếu hành giả chẳng đắc pháp thiện, chẳng đắc pháp bất thiện ấy là pháp niệm xứ. Này Văn-thù-sư-lợi! Nên quán bốn niệm xứ như vậy.
Ngài Văn-thù-sư-lợi lại bạch Phật:
- Thế Tôn! Hành giả phải quán tám thánh đạo phần như thế nào?
Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:
- Nếu hành giả thấy tất cả pháp bình đẳng không hai, không phân biệt, ấy là chính kiến; thấy tất cả pháp không suy nghĩ, không phân biệt, vì thấy như thế nên gọi là chính tư duy; thấy tất cả pháp không có tướng ngôn thuyết, vì khéo tu tướng ngữ ngôn bình đẳng nên gọi là chính ngữ; thấy tất cả pháp chẳng phải là tướng tạo tác, vì chẳng thể thủ đắc người tạo tác nên gọi là chính nghiệp; chẳng phân biệt chính mạng, tà mạng, vì khéo tu mạng bình đẳng nên gọi là chính mạng; chẳng phát chẳng khởi tất cả pháp, vì vô sở hành nên gọi là chính tinh tấn; không ức niệm đối với tất cả pháp vì tính của các ức niệm thường ly nên gọi là chính niệm; thấy tính của tất cả pháp thường định, vì chẳng tán loạn, chẳng phan duyên, chẳng thủ đắc nên gọi là chính định. Này Văn-thù-sư-lợi! Hành giả phải nên quán tám thánh đạo phần như thế.
Ngài Văn-thù-sư-lợi lại bạch Phật:
- Thế Tôn! Hành giả phải quán năm căn như thế nào?
Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:
- Nếu hành giả tin tất cả pháp rốt ráo chẳng sinh, từ xưa đến nay thường tự như vậy, ấy là tín căn. Đối với tất cả pháp, tâm không hề trụ, vì lìa tướng xa gần, ấy là tinh tấn căn, không ức niệm tất cả pháp vì duyên tính ly, nên chẳng buộc niệm nơi duyên, ấy là niệm căn. Không suy nghĩ tất cả pháp vì pháp đối đãi chẳng thể thủ đắc, ấy gọi là định căn. Thấy tất cả pháp thường không, vì lìa nơi tướng sinh, ấy là huệ căn. Này Văn-thù-sư-lợi! Hành giả phải quán ngũ căn như vậy.
Ngài Văn-thù-sư-lợi lại bạch Phật:
- Thế Tôn! Hành giả phải quán bảy bồ-đề phần như thế nào?
Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:
- Nếu hành giả thấy tất cả pháp không ức niệm, ấy là niệm bồ-đề phần. Nếu thấy tất cả pháp hoặc thiện, hoặc bất thiện, hoặc vô ký, chẳng thể tuyển trạch, chẳng thể thủ đắc, vì không có quyết định, ấy là trạch bồ-đề phần. Nếu chẳng chấp lấy tất cả tướng ba cõi vì khéo hoại tướng ba cõi, ấy là tinh tấn bồ-đề phần. Nếu đối với tất cả pháp hữu vi chẳng sinh tướng hỷ, vì khéo hoại tướng hỷ, ấy là hỷ bồ-đề phần. Nếu đối với tất cả pháp, trừ bỏ tâm phan duyên, vì tướng của duyên chẳng thể thủ đắc ấy gọi là trừ bồ-đề phần. Nếu tất cả pháp chẳng thể thủ đắc, vì khéo tu hoại tướng, ấy là định bồ-đề phần. Nếu không nương gá, không tham đắm tất cả pháp, vì chẳng chấp tất cả pháp nên được tâm xả, ấy là xả bồ-đề phần. Này Văn-thù-sư-lợi! Hành giả phải quán bảy bồ-đề phần như vậy.
Nếu hành giả thấy bốn thánh đế, bốn niệm xứ, tám thánh đạo phần, năm căn, bảy bồ-đề phần, Phật nói người này là người đã được qua đến bờ kia, lên chỗ đất liền không còn sợ hãi, đã bỏ gánh nặng, trừ các trần cấu, người này được gọi là người vô sở hữu, người vô sở ưu, người vô sở thọ, ấy là A-la-hán, là sa-môn, là bà-la-môn, là tỳ-kheo, là người đã tắm rửa sạch sẽ, là người trí, là người giải thoát, là người danh tiếng, là Phật tử, là Thích tử, là người phá gai góc, là người thoát xích xiềng, là người đã vượt qua hào, là người ra khỏi mong cầu, là người mở cánh cửa giải thoát, là người mang hình tướng thù thắng của Hiền Thánh.
Này Văn-thù-sư-lợi! Nếu có tỳ-kheo thành tựu pháp như vậy là phước điền đáng thọ nhận sự cúng dường của trời, người ở thế gian.
Này Văn-thù-sư-lợi! Nếu tỳ-kheo muốn chẳng thọ của tín thí trong nước một cách vô ích, muốn phá nát lưới ma, muốn qua biển sinh tử, muốn đắc niết-bàn, muốn thoát tất cả khổ não, muốn làm phước điền cho tất cả Trời Người trong thế gian, thì cần phải siêng năng tu tập pháp như thế.
Lúc nói pháp này, có ba muôn hai nghìn chư Thiên đắc thật tướng các pháp, mỗi vị đều đem hoa mạn-đà-la cõi trời rải lên Phật và bạch rằng:
- Thế Tôn! Nếu người được nghe pháp như thế, người này được gọi là khéo xuất gia, hà huống tin nhận, đọc tụng, tu hành đúng như lời dạy. Bạch Thế Tôn! Nếu có người trong khoảnh khắc được nghe pháp này, ấy là người không tăng thượng mạn.
Bấy giờ, Pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:
- Cúi xin Thế Tôn nói đà-la-ni, vì đà-la-ni này khiến các Bồ-tát được biện tài vô ngại, không bị sợ hãi, đối với các âm thanh, hay khiến các pháp đều trở thành Phật pháp, và tin hiểu các pháp đều là nhất tướng.
Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:
- Ông hãy lắng nghe, ta sẽ vì ông nói pháp môn Bất Động Xứ Chủng Tính. Nếu các bồ-tát được vào pháp môn này thì có năng lục dùng ánh sáng trí huệ chiếu soi tất cả pháp, chứng đắc vô sinh pháp nhẫn.
Ngài Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:
- Thế Tôn! Sao gọi là pháp môn Bất Động Xứ Chủng Tính?
Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:
- Tất cả chúng sinh, tâm đều là một, ấy gọi là chủng tính.
- Bạch Thế Tôn! Tại sao việc ấy gọi là chủng tính?
- Này Văn-thù-sư-lợi! Tất cả chúng sinh đều không có tâm, vì tính của duyên chẳng thể thủ đắc, ấy gọi là chủng tính.
Này Văn-thù-sư-lợi! Tất cả chúng sinh đều đồng một lượng, ấy gọi là chủng tính.
- Bạch Thế Tôn! Tại sao việc ấy gọi là chủng tính?
- Tất cả chúng sinh đều lượng như hư không, rốt cuộc quy về không chướng ngại, ấy gọi là chủng tính.
Này Văn-thù-sư-lợi! Tất cả chúng sinh đều là một chúng sinh, ấy gọi là chủng tính.
- Bạch Thế Tôn! Tại sao việc ấy gọi là chủng tính?
- Này Văn-thù-sư-lợi! Tất cả chúng sinh đều là nhất tướng, rốt ráo chẳng sinh, lìa các danh tự, vì một và khác đều chẳng thể thủ đắc, ấy gọi là chủng tính.
Này Văn-thù-sư-lợi! Tham dục là bất động tướng.
- Bạch Thế Tôn! Tại sao việc ấy gọi là bất động tướng?
- Tham dục là bất động tướng an trụ trong pháp tính vì chẳng trụ. Tham dục này chẳng thể có được vì tính thường ly, ấy gọi là bất động tướng.
Này Văn-thù-sư-lợi! Sân khuể là kim cang.
- Bạch Thế Tôn! Tại sao việc ấy gọi là kim cang?
- Này Văn-thù-sư-lợi! Sân khuể chẳng thể đoạn, chẳng thể hoại, cũng như kim cang chẳng thể đoạn, chẳng thể hoại; tất cả pháp cũng như vậy, chẳng thể đoạn, chẳng thể hoại, vì các pháp vốn chẳng quyết định, ấy gọi là kim cang.
Này Văn-thù-sư-lợi! Ngu si là tính trí huệ.
- Bạch Thế Tôn! Tại sao việc ấy gọi là tính trí huệ?
- Này Văn-thù-sư-lợi! Tất cả pháp lìa trí huệ, cũng lìa ngu si.Ví như hư không không có trí huệ, cũng không có ngu si; tất cả pháp cũng như vậy không có trí huệ cũng không có ngu si. Vì trí để biết pháp trí huệ và ngu si từ xưa đến nay đều tịch diệt, ấy gọi là ngu si trí huệ xứ.
Này Văn-thù-sư-lợi! Sắc ấm là bất động xứ.
- Bạch Thế Tôn! Tại sao việc ấy gọi là bất động xứ?
- Này Văn-thù-sư-lợi! Như cây cờ của Thiên Đế gốc sâu chắc chắn chẳng thể lay động; tất cả pháp cũng vậy, vì chẳng trụ pháp nên an trụ trong pháp tính, pháp này không hề đến, không hề đi, không lấy, không bỏ, vì an trụ chỗ vô trụ, thế nên sắc gọi là bất động tướng.
Này Văn-thù-sư-lợi! Thọ ấm là tính diệt.
- Bạch Thế Tôn! Tại sao việc ấy gọi là tính diệt?
- Này Văn-thù-sư-lợi! Tất cả các tướng thọ tính thường tịch diệt nên các thọ chẳng phải trong, ngoài, chẳng phải từ phương đông, chẳng phải từ phương nam, tây, bắc, bốn góc, trên, dưới đến. Vì sao? Nếu lạc thọ ở bên trong thì tất cả chúng sinh lẽ ra thường thọ lạc. Nếu khổ thọ ở bên trong thì tất cả chúng sinh lẽ ra thường thọ khổ. Nếu cái thọ chẳng khổ chẳng lạc ở bên trong thì tất cả chúng sinh lẽ ra thường phải thọ chẳng khổ chẳng lạc.
Này Văn-thù-sư-lợi! Nay tất cả các thọ thật chẳng phải ở trong, chẳng phải ở ngoài, chẳng phải ở chặng giữa, chẳng phải ở phương đông, phương tây, nam, bắc, bốn góc, trên, dưới. Thế nên biết tất cả các thọ như cỏ, cây, ngói, đá, rốt ráo bất sinh bất diệt vô tướng, vì thế thọ được gọi là tướng tịch diệt.
Này Văn-thù-sư-lợi! Tưởng ấm là chủng tính.
- Bạch Thế Tôn! Tại sao việc ấy gọi là chủng tính?
- Này Văn-thù-sư-lợi! Tưởng ấy đều là ức tưởng phân biệt từ trong hư vọng sinh như hư không, như nắm tay, như sóng nắng, bản tính tự lìa, thế nên tưởng ấm gọi là chủng tính.
Này Văn-thù-sư-lợi! Hành ấm là chủng tính.
- Bạch Thế Tôn! Tại sao việc ấy gọi là chủng tính?
- Này Văn-thù-sư-lợi! Tất cả các hành lìa số, không số, nhập vào bình đẳng, ví như cây chuối rốt ráo không thật, ban tính tự như vậy; tất cả pháp cũng như vậy không danh tự, không tính, thế nên hành ấm gọi là chủng tính.
Này Văn-thù-sư-lợi! Thức ấm là chủng tính
- Bạch Thế Tôn! Tại sao việc ấy là chủng tính?
- Này Văn-thù-sư-lợi! Thức ấy như huyễn không thật, không khởi, không sinh, không, vô tướng, vô tác, như năm ngón tay xoa trong hư không, hư không không có tướng hiện. Thế nên thức ấm là chủng tính.
Này Văn-thù-sư-lợi! Sắc là chủng tính.
- Bạch Thế Tôn! Tại sao sắc gọi là chủng tính?
- Này Văn-thù-sư-lợi! Ví như bóng trong gương tuy có thể mắt thấy mà không có thật. Tất cả sắc cũng như vậy tuy thấy mà không thật, chỉ dối gạt mắt, dối gạt tâm, hư vọng chẳng thật, thế nên sắc gọi là chủng tính.
Này Văn-thù-sư-lợi! Thanh là chủng tính.
- Bạch Thế Tôn! Tại sao thanh là chủng tính?
- Này Văn-thù-sư-lợi! Tất cả pháp không có tướng riêng khác, rốt ráo không, như âm vang trong núi. Thế nên âm thanh gọi là chủng tính.
Này Văn-thù-sư-lợi! Hương là chủng tính.
- Bạch Thế Tôn! Tại sao hương gọi là chủng tính?
- Này Văn-thù-sư-lợi! Tất cả pháp không có tướng hương, vì tính vô tri nên không, như hư không; tỷ, hương, thức đều chẳng thể thủ đắc, thế nên hương gọi là chủng tính.
Này Văn-thù-sư-lợi! Vị là chủng tính.
- Bạch Thế Tôn! Tại sao vị gọi là chủng tính?
- Này Văn-thù-sư-lợi! Tính vị tức là tính chẳng thể nghĩ bàn, chẳng thể biết vì lìa nơi biết, vì tự tính thường ly, cho nên gọi là chủng tính.
Này Văn-thù-sư-lợi! Xúc là chủng tính.
- Bạch Thế Tôn! Tại sao xúc gọi là chủng tính?
- Này Văn-thù-sư-lợi! Nếu như hư không, tính nó tự ly, không xúc, không hợp. Tất cả pháp cũng vậy, vì khéo hoại thân, lìa nơi tướng xúc, vì người hay chạm xúc chẳng thể thủ đắc, thế nên xúc gọi là chủng tính.
Này Văn-thù-sư-lợi! Pháp là chủng tính.
- Bạch Thế Tôn! Tại sao pháp gọi là chủng tính?
- Này Văn-thù-sư-lợi! Tất cả pháp vô tướng, vô tâm, lìa tâm tính, lìa danh tự, vì không có quyết định nên đều là tướng pháp tính, thế nên pháp là chủng tính.
Này Văn-thù-sư-lợi! Địa là chủng tính.
- Bạch Thế Tôn! Tại sao địa là chủng tính?
- Này Văn-thù-sư-lợi! Tất cả pháp không có tướng cứng, không có tướng mềm, hư vọng hòa hợp, mọi người cho đó là cứng, thế nên địa gọi là chủng tính.
Này Văn-thù-sư-lợi! Thủy là chủng tính.
- Bạch Thế Tôn! Tại sao thủy là chủng tính?
- Này Văn-thù-sư-lợi! Tất cả pháp không ướt, không hợp như sóng nắng không có nước, thế nên thủy gọi là chủng tính.
Này Văn-thù-sư-lợi! Hỏa là chủng tính.
- Bạch Thế Tôn! Tại sao hỏa là chủng tính?
- Này Văn-thù-sư-lợi! Tất cả pháp không nóng, lìa tướng nóng hư vọng, bản tính tịch diệt, vì lìa điên đảo nên phân biệt nó thật vô định, vô sinh, thế nên hỏa là chủng tính.
Này Văn-thù-sư-lợi! Phong là chủng tính.
- Bạch Thế Tôn! Tại sao phong là chủng tính?
- Này Văn-thù-sư-lợi! Tất cả pháp vô chướng, vô ngại, vô tướng, vô tính, vì chẳng lay động, vì lìa tướng gió, thế nên phong là chủng tính.
Này Văn-thù-sư-lợi! Phật là chủng tính.
- Bạch Thế Tôn! Tại sao Phật là chủng tính?
- Này Văn-thù-sư-lợi! Tất cả pháp vô giác, vô tri, vì lìa tướng tri, thế nên Phật là chủng tính.
Này Văn-thù-sư-lợi! Pháp là chủng tính.
- Bạch Thế Tôn! Tại sao pháp là chủng tính?
- Này Văn-thù-sư-lợi! Các pháp chẳng thể hoại, chẳng thể đoạn, vì lìa đoạn hoại nên vô tướng, vô danh, vô tính, vượt ra ngoài đường ngôn ngữ, thế nên pháp là chủng tính.
Này Văn-thù-sư-lợi! Tăng là bất động tướng.
- Bạch Thế Tôn! Tại sao Tăng là bất động tướng?
- Này Văn-thù-sư-lợi! Thánh chúng an trụ trong thật tế pháp tính Như, định loạn bình đẳng; an trụ trong tất cả pháp trí huệ, ngu si, giải thoát, phiền não bình đẳng; tâm vô sở trụ vì trụ chẳng thể thủ đắc, thế nên Tăng là bất động tướng.
Này Văn-thù-sư-lợi! Tất cả hành xứ là bất động tướng.
- Bạch Thế Tôn! Tại sao việc ấy gọi là bất động tướng?
- Này Văn-thù-sư-lợi! Tất cả pháp hư không hành xứ, bất tư nghì hành xứ, đoạn hành xứ, không cội gốc, không sai khác, vì chẳng thể thủ đắc. Thế nên tất cả hành xứ là bất động tướng.
Này Văn-thù-sư-lợi! Tất cả pháp vô duyên là bất động tướng.
- Bạch Thế Tôn! Tại sao việc ấy gọi là bất động tướng?
- Này Văn-thù-sư-lợi! Tất cả pháp không y chỉ, không trụ xứ, không duyên, không thuận vì lìa các duyên, thế nên tất cả pháp không duyên gọi là bất động tướng.
Này Văn-thù-sư-lợi! Tất cả pháp tướng chẳng lấy chẳng bỏ gọi là bất động tướng.
- Bạch Thế Tôn! Tại sao việc ấy gọi là bất động tướng?
- Này Văn-thù-sư-lợi! Tất cả pháp đều quy về Như, đồng với pháp tính, pháp ấy chẳng thể lấy, chẳng thể bỏ, không cầu, không nguyện, vì các nguyện dứt, từ xưa đến nay tướng thường tịch diệt đồng với hư không, thế nên chẳng lấy chẳng bỏ gọi là bất động tướng.
Này Văn-thù-sư-lợi! Tất cả pháp không lỗi là bất động tướng.
- Bạch Thế Tôn! Tại sao việc ấy gọi là bất động tướng?
- Này Văn-thù-sư-lợi! Tất cả pháp không nhơ, không thật có, trong sạch sáng suốt như hư không không bị ngăn che, vì tướng quyết định của các tội chẳng thể thủ đắc, thế nên tất cả pháp không lỗi gọi là bất động tướng.
Này Văn-thù-sư-lợi! Tất cả pháp không chỗ về gọi là bất động tướng.
- Bạch Thế Tôn! Tại sao việc ấy gọi là bất động tướng?
- Này Văn-thù-sư-lợi! Tất cả pháp không, vì không có gốc rễ nên không có chỗ về, thế nên không có chỗ về gọi là bất động tướng.
Này Văn-thù-sư-lợi! Tất cả pháp vô học gọi là bất động tướng.
- Bạch Thế Tôn! Tại sao việc ấy gọi là bất động tướng?
- Này Văn-thù-sư-lợi! Tất cả pháp tính vô học chẳng nên học, chẳng nên tu, chẳng nên tư, chẳng nên niệm, chẳng nên trụ, chẳng nên phát, chẳng nên hành, chẳng nên đoạn, chẳng nên chứng, chẳng nên nói, chẳng nên bàn, chẳng nên cầu, chẳng nên lấy, chẳng nên bỏ, chẳng nên lìa, chẳng nên trừ. Vì sao? Này Văn-thù-sư-lợi! Vì tất cả pháp tướng rốt ráo ly, nên từ xưa đến nay không có chỗ lấy, thường là tướng xả bỏ. Các pháp chẳng phải là chỗ trí huệ đến, chẳng phải là chỗ ngu si đến, thế nên vô học gọi là bất động tướng. Chú thích:
[1] Ngũ cái: Tham dục, sân nhuế, thùy miên, trạo hối, nghi pháp.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.141.29.90 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.