"Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi."
Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó.
Kinh Pháp cú
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác.
Kinh Pháp cú
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Quyển 3
Phẩm 3: BỐ THÍ LỚN
(Phần 2)
Phật lại bảo Bồ-tát Tịch Ý:
-Thiện nam tử, bấy giờ Phạm chí suy nghĩ: “Nếu đời sau ta thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chí nguyện thành tựu, bản thân ta được lợi ích, tiếp đó ta sẽ giáo hóa Đại Phạm thiên vương phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”.
Khi ấy, Phạm thiên vương biết những điều suy nghĩ trong tâm của Phạm chí, đến gặp Phạm chí và thưa:
-Nhân giả muôn dạy bảo điều gì?
Phạm chí hỏi:
-Ông là ai?
Phạm vương thưa:
-Con là Đại Phạm thiên vương.
Phạm chí bảo:
-Lành thay! Vua trời! Ông có thể trở về tập họp các vị trời, đem lời ta bảo với họ: Trong cõi Diêm-phù-đề có đại Phạm chí tên Bảo Hải, trong bảy năm thỉnh Phật, Thế Tôn và vô lượng Tăng chúng dâng cúng các thức cần dùng được an ổn. Ngày nay đốì với phước đức này, quý vị nên phát tâm tùy hỷ. Tùy hỷ xong, hãy phát tâm hồi hướng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Nghe dạy như vậy xong, Phạm vương liền trở về trời tập họp các Phạm thiên, bảo với họ:
-Các khanh nên biết, cõi Diêm-phù-đề có Chuyển Luân Thánh vương tên Vô Tránh Niệm, có đại Phạm chí tên Bảo Hải, là vị đại thần của Thánh vương đó, thỉnh Phật, Thế Tôn và vô lượng Tăng chúng suốt bảy năm dâng cúng các thức cần dùng được an ổn. Các khanh nên sinh tâm tùy hỷ với thiện căn này. Tùy hỷ xong, phát tâm hồi hướng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, sẽ làm cho Bảo Hải đạt được sở nguyện.
Thiện nam tử, khi ấy vô lượng trăm ngàn ức na-do-tha các Phạm Thiên tử cung kính chắp tay thưa:
-Ngày nay đối với thiện căn này, chúng tôi xin phát tâm tùy hỷ. Do việc tùy hỷ này, sẽ giúp cho tất cả chúng tôi đều được thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Phạm thiên vương lại bảo:
-Các khanh nên đến cõi Diêm-phù-đề gặp Phật Bảo Tạng và Tỳ-kheo Tăng lễ bái, hầu hạ, cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi.
Thiện nam tử, khi ấy Phạm thiên vương cùng vô lượng trăm ngàn ức na-do-tha các Phạm Thiên tử cùng nhau đi đến chỗ Phật, đem đầu mặt lạy sát chân Phật và Tỳ-kheo Tăng, lãnh thọ diệu pháp.
Thiện nam tử, bấy giờ Phạm chí lại nghĩ: “Ta sẽ giáo hóa Đao-lợi Thiên vương, Dạ-ma Thiên vương, Đâu-suất Thiên vương, Hóa lạc Thiên vương, Tha hóa tự tại Thiên vương ở cõi thiên hạ thứ hai”. Do nhờ Phật lực cho nên chư Thiên ấy liền cùng đi đến gặp Phạm chí và thưa.
-Nhân giả muốn dạy bảo những việc gì?
Phạm chí hỏi:
-Các ông là ai?
Bắt đầu từ Đao-lợi Thiên vương cho đến Tha hóa tự tại Thiên vương,... từng vị trời đáp:
-Tôi là...
Phạm chí bảo:
-Quý vị hãy trở về chỗ ở của mình, đem lời của ta nói với mọi người: Trong cõi Diêm-phù-đề có Chuyển luân thánh vương tên Vô Tránh Niệm, có Phạm chí tên Bảo Hải, tức là đại thần của vua đó, trọn bảy năm cúng dường Như Lai và Tỳ-kheo Tăng. Quý vị nên tùy hỷ với nhân duyên căn lành này. Tùy hỷ xong, hãy phát tâm hồi hướng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Nghe xong, từ Đao-lợi Thiên vương cho đến Tha hóa tự tại Thiên vương đều tự trở về chỗ của mình, họp chư Thiên lại và bảo:
-Các khanh nên biết! Trong cõi Diêm-phù-đề có Chuyển Luân Thánh vương tên Vô Tránh Niệm, có đại Phạm chí tên Bảo Hải, tức là đại thần của Thánh vương đó, trọn bảy năm cúng dường Như Lai và Tỳ-kheo Tăng. Các khanh nên sinh tâm tùy hỷ đối với nhân duyên thiện căn này. Tùy hỷ xong, hãy phát tâm hồi hướng thành Chánh giác.
Khi ấy, Thiên chúng cung kính chắp tay thưa:
-Đối với thiện căn này, chủng tôi xin tùy hỷ, do sự tùy hỷ nên làm cho tất cả chúng tôi đều được thành Chánh giác.
Các vua trời lại bảo thêm:
-Các khanh nay nên đến gặp Phật, Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo Tăng, lễ bái, thân cận, cung kính, cúng dường, tôn trọng, tán thán.
Thiện nam tử, bấy giờ Đao-lợi Thiên vương cho đến Tha hóa tự tại Thiên vương, mỗi vị đều cùng vô lượng trăm ngàn ức Thiên tử, Thiên nữ, đồng nam, đồng nữ và các quyến thuộc khác cùng nhau đi đến chỗ Phật, đảnh lễ chân Phật cùng Tỳ-kheo Tăng và lãnh thọ diệu pháp.
Năm A-tu-la vương, Thiên ma Ba-tuần, Đại Phạm thiên vương ở cõi thiên hạ thứ hai cũng như vậy. Cõi thứ ba, thứ tư, thứ năm, cho đến tam thiên đại thiên thế giới, trăm ức Đao-lợi thiên, trăm ức Dạ-ma thiên, trăm ức Đâu-suất thiên, trăm ức Hóa lạc thiên, trăm ức Tha hóa tự tại thiên, trăm ức ngũ A-tu-la vương, trăm ức ma Ba-tuần, trăm ức Đại Phạm thiên vương và vô lượng ức trăm ngàn na-do-tha quyến thuộc đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nhờ Phật lực cho nên họ cùng đi đến cõi thiên hạ thứ tư để gặp Phật, đem đầu mặt đảnh lễ Phật cùng chúng Tỳ-kheo Tăng và lãnh thọ diệu pháp.
Bấy giờ đại chúng ở đầy khắp ba ngàn đại thiên thế giới, không một chỗ nào là không có.
Thiện nam tử, Phạm chí Bảo Hải lại nghĩ: “Ta đã giáo hóa được trăm ức Tỳ-sa-môn Thiên vương cho đến trăm ức Đại Phạm thiên vương và với thệ nguyện này ta đã được tự tại”.
Lại nghĩ: “Nếu đời sau sẽ được thành Chánh giác, bản thân được lợi ích, chí nguyện được thành tựu, ta nguyện Phật, Thế Tôn vì đại chúng thị hiện vô số thần túc biến hóa. Nhờ thần lực khiến cho ba ngàn đại thiên thế giới, nơi nào có súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục và người đời, đều được xa lìa tất cả khổ não, hoàn toàn thọ hưởng diệu lạc. Trước mỗi chúng sinh đều có một Hóa Phật khuyên chúng sinh kia phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”.
Thiện nam tử, khi ấy vừa biết những suy nghĩ trong tâm của Bảo Hải, Bảo Tạng Như Lai liền nhập Tam-muội Vô nhiệt. Nhập Tam-muội này xong, Như Lai thị hiện thần tấc biến hóa: nơi mỗi lỗ chân lông phóng ra vô lượng, vô biên ánh sáng, ánh sáng vi diệu đó chiếu khắp ba ngàn đại thiên thế giới, xuống đến địa ngục. Chúng sinh ở trong địa ngục nước đá đông lạnh gặp ánh sáng đó liền được ấm áp. Chúng sinh bị nóng bức, gặp được ánh sáng đó thì mát mẻ. Chúng sinh đói khát gặp được ánh sáng đó thì no đủ, thọ hưởng niềm vui vi diệu. Mỗi một chúng sinh đều có một Hóa Phật ỏ ngay trước mặt với ba mươi hai tướng tốt nơi thân và trang nghiêm bằng tám mươi vẻ đẹp. Thọ hưởng diệu lạc xong, các chúng sinh kia suy nghĩ: “Chúng ta nhờ duyên gì mà được xa lìa khổ não và được thọ hưởng diệu lạc này?”.
Bấy giờ thấy Hóa Phật với ba mươi hai tướng tốt nơi thân và trang nghiêm bằng tám mươi vẻ đẹp như vậy, nên chúng sinh ấy tự nghĩ: “Kết quả này là nhờ ân đức của Bậc Đại Bi đây, khiến ta được xa lìa tất cả khổ não, thọ hưởng diệu lạc”.
Khi ấy, chúng sinh đều rất hoan hỷ chiêm ngưỡng tôn nhan của Phật. Hóa Phật bảo các chúng sinh:
-Các con hãy cùng xưng niệm “Nam-mô Phật” và phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Từ đây trở về sau không còn bị lại các khổ não, thường thọ hưởng diệu lạc tối thắng.
Các chúng sinh kia liền xưng niệm: “Nam-mô Thế Tôn!” và phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Do căn lành này nên chấm dứt tất cả điều ác và ngay trong khi đó liền qua đời và được sinh trong loài người. Chúng sinh trong chỗ nóng bức do nhờ ánh sáng ây nên được mát mẻ, xa lìa khổ đói khát, thọ hưởng diệu lạc, cho đến được sinh trong loài người. Như địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, loài người cũng như vậy, ánh sáng đó chiếu khắp các thế giới xong, trở lại nhiễu quanh thân Phật ba vòng và nhập vào trên đảnh.
Khi ấy, có vô lượng, vô biên Trời, Người, Dạ-xoa, A-tu-la, Càn-thát-bà, Rồng, La-sát được bất thối chuyển với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Lại có vô số chúng sinh được Thiền định Nhẫn nhục đà-la-ni.
Bấy giờ, người ở vùng Diêm-phù nghe vô lượng chư Thiên vì Phật, Thế Tôn và Tỳ-kheo Tăng mà đem vô số các thứ tốt đẹp trên cõi trời trang trí vườn Diêm-phù, ngoài thành An Châu như trang trí trên cõi Trời, họ lại nghĩ: “Chúng ta hãy đến đó sẽ gặp Đức Như Lai và Tỳ-kheo Tăng, nhờ đó lãnh thọ giáo pháp”.
Thiện nam tử, bấy giờ hàng ngày thường có vô lượng trăm ngàn ức na-do-tha người nam, người nữ, đồng nam, đồng nữ đi đến gặp Phật, đem đầu mặt lạy Phật và Tỳ-kheo Tăng, nhiễu quanh bên phải ba vòng, cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi và muốn chiêm ngưỡng vườn Diêm-phù. Vườn đó có hai vạn cửa ngõ làm toàn bằng bảy báu, trước mỗi một cửa ngõ có trải năm trăm tòa bằng bảy báu, có năm trăm Phạm chí ngồi trên từng tòa đó. Nếu chúng sinh nào muôn vào vườn, các vị Phạm chí này liền khuyến hóa làm cho họ đều được quy y Tam bảo, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, rồi sau đấy mới cho vào vườn gặp Thế Tôn và Tỳ-kheo Tăng, lễ bái, hầu hạ, cung kính, cúng dường, tôn trọng, ngợi khen.
Thiện nam tử, Phạm chí ấy trong bảy năm giáo hóa chư Thiên nhiều vô số, làm cho họ đều an trụ nơi Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Phạm chí lại làm cho vô số Rồng, A-tu-la, Càn-thát-bà, La-sát, Câu-bàn-trà, Tỳ-xá-già, ngạ quỷ, súc sinh, địa ngục và người đều an trụ nơi Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Thiện nam tử, bấy giờ sau bảy năm, Phạm chí đem tám vạn bốn ngàn Kim luân, chỉ trừ Thiên luân; tám vạn bốn ngàn voi trắng với bảy báu trang nghiêm, chỉ trừ voi báu; cho đến tám vạn bốn ngàn các loại âm nhạc, đem tất cả các loại như vậy dâng cúng Phật và Tăng.
Trong bảy năm cửa Chuyển Luân Thánh vương không có các sự tham dục, như là không dục về sân hận, không dục về ngu si, không dục về kiêu mạn, không dục về quốc độ, không dục về con cái, không dục về ngọc nữ, không dục về ăn uống, không dục về y phục, không dục về hương hoa, không dục về xe cộ, không dục về ngủ nghỉ, không dục về tưởng vui, không dục về ngã, không dục về người khác... Như vậy, trong bảy năm Vua không có một tâm dục nào, lại thường ngồi không nằm, không nghĩ tưởng về ngày đêm, không nghĩ tưởng đến sự mệt nhọc, cũng không nghĩ tưởng đến thanh, hương, vị, xúc. Trong thời gian đó, Vua thường thấy trong mười phương, ở mỗi phương có nhiều vạn cõi Phật như số vi trần, thế giới của chư Phật đều thanh tịnh trang nghiêm, không thấy Tu-di và các núi nhỏ, Đại tiểu Thiết vi và chỗ tối tăm ở giữa hai núi đó, mặt Trời, mặt Trăng, ngôi sao, cung điện của chư Thiên. Những chỗ thấy được chỉ toàn là cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh. Thấy những việc như vậy xong, vua tùy theo sở nguyện mà nhận lấy. Chuyển Luân Thánh vương trong bảy năm được thọ hưởng diệu lạc và thấy thế giới của chư Phật với vô số sự thanh tịnh trang nghiêm nên nguyện nhận cõi Phật thượng diệu thanh tịnh như vậy. Thái tử Bất Tuần, con của Chuyển Luân Thánh vương, cho đến một ngàn người con, tám vạn bốn ngàn các Tiểu vương... và chín vạn hai ngàn ức chúng sinh đều trong bảy năm tâm không ham về dục, cho đến không tưởng nhớ đến hương, vị, xúc. Mỗi người ở một nơi vắng vẻ nhập định tư duy về các thế giới, ở mỗi mỗi phương trong mười phương có nhiều thế giới như số vi trần vạn cõi Phật và chỉ thấy những việc trang nghiêm đẹp đẽ ở các thế giới Phật, không thấy Tu-di và các núi nhỏ, Đại tiểu Thiết vi và chỗ tối tăm giữa hai núi đó, mặt trời, mặt trăng, tinh tú, cung điện chư Thiên, họ chỉ thấy cõi Phật thanh tịnh trang nghiêm. Như chỗ họ đã thấy, tùy nguyện mà nhận lấy. Tất cả các đại chúng, đều được tu hành vô số pháp môn như vậy trong bảy năm, hoặc nguyện được cõi Phật thanh tịnh, hoặc nguyện nhận cõi Phật bất tịnh.
Thiện nam tử, sau bảy năm, Phạm chí đem các thứ bảy báu dâng cúng Phật cùng Tỳ-kheo Tăng và hướng lên Phật chắp tay bạch:
-Kính bạch Đức Thế Tôn, con đã khuyến hóa Chuyển luân thánh vương phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, trở về chỗ ở ngồi yên lặng tư duy và không cho một người nào vào. Con lại khuyên hóa ngàn người con của vua đó phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Các vương tử ấy cũng đều trở về chỗ ở, ngồi yên tịnh tư duy, cho đến không cho một người nào vào. Tám vạn bốn ngàn tiểu vương, chín vạn hai ngàn ức chúng sinh cũng phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đều ở chỗ vắng vẻ, ngồi ngay thẳng tư duy, cho đến không cho một người nào vào.
Kính bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài làm cho Chuyển Luân vương ấy... sau khi xuất định, đi đến gặp Phật, cùng với những người trước đây đã được Ngài khiến phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, giúp họ tập họp nơi chỗ Đức Phật, nhất tâm ngồi ngay thẳng, lãnh thọ thế giới thanh tịnh của Phật, không còn thối chuyển nơi Vô thượng Chánh giác. Nhờ Phật thọ ký xong, họ sẽ nhận cõi nước và tên họ.
Thiện nam tử, bấy giờ Bảo Tạng Như Lai liền nhập Tam-muội Định vương. Nhập định này rồi, ngay trong miệng Ngài phát ra vô số sắc hào quang: xanh, vàng, đỏ, trắng, tía. Khi Chuyển Luân vương đang ở trong định, mỗi vị đều tự thấy ở trước mình có hóa Phạm vương thưa:
-Các ông ngày nay có thể xuất thiền, đi đến gặp Thế Tôn và Tỳ-kheo Tăng, lễ bái, hầu hạ, cung kính, cúng dường, tôn trọng, ngợi khen. Các ông nên biết, Phạm chí Bảo Hải trong bảy năm mở pháp hội đã hoàn mãn, nay Phật, Thế Tôn sẽ du hành đến các cõi nước khác.
Chuyển Luân vương nghe dạy như vậy liền xuất định. Bấy giờ, chư Thiên ở giữa hư không trỗi các âm nhạc, lập tức Thánh vương đi xe cùng đi một ngàn người con, tám vạn bốn ngàn Tiểu vương..., chín vạn hai ngàn ức người trước sau dẫn đường, ra khỏi thành An-châu-la, hướng đến vườn Diêm-phù. Đến bên ngoài vườn, Vua theo như pháp xuống xe đi bộ tới chỗ Phật, đem đầu mặt đảnh lễ Phật và Tỳ-kheo Tăng rồi lui ngồi một bên.
Thiện nam tử, bấy giờ Phạm chí bạch với Thánh vương:
-Cúi xin Đại vương đem vật báu này cùng với vô số châu báu của tám vạn bốn ngàn thành An-châu-la mà Đại vương đã cúng dường Như Lai và Tỳ-kheo Tăng trong ba tháng trước kia, phước đức như vậy nên hồi hướng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Một ngàn người con của Vua, tám vạn bốn ngàn các Tiểu vương, chín vạn hai ngàn ức người, tất cả đều được dạy bảo khiến đều hồi hướng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Họ nói:
-Đại vương nên biết, nhân việc bố thí này không nên cầu nơi Đao-Lợi thiên vương, Đại Phạm thiên vương. Vì sao? Nay vua được phước báu, có vô sô châu ngọc nhưng đều là vô thường không chắc chắn cố định, giống như làn gió thoảng. Vì vậy, nên cần phải đem các thứ này bố thí sẽ được quả báo khiến tâm tự tại, mau thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, độ thoát vô lượng, vô biên chúng sinh vào Niết-bàn. Phẩm 4: NGUỒN GỐC CÁC BỒ TÁT ĐƯỢC THỌ KÝ
(Phần 1)
Bấy giờ, Bảo Tạng Như Lai lại nghĩ: “Như vậy là có vô lượng chúng sinh không còn thối chuyển nơi Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ta nay sẽ thọ ký cho từng người và cho họ thấy vô số cõi Phật”.
Đức Thế Tôn liền nhập định. Định đó tên là Bất thối Bồ-đề tâm (Chẳng mất tâm Bồ-đề). Do diệu lực của định ấy nên có ánh sáng lớn chiếu khắp vô lượng, vô biên các thế giới, khiến cho tất cả Chuyển Luân Thánh vương và vô lượng chúng sinh đều được thấy vô biên thế giới của chư Phật.
Lúc ấy, ở mười phương vô lượng, vô biên các thế giới khác, trong đó có các Đại Bồ-tát do nhờ ánh sáng và nhờ Phật lực, nên mỗi vị tự đi đến chỗ Phật, đem thần túc biến hóa mà mình đã đạt được cúng dường Phật và Tỳ-kheo Tăng, đầu mặt đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu bên phải Phật ba vòng và ngồi ở trước Phật, muốn được nghe Như Lai thọ ký cho các Bồ-tát thành Phật.
Thiện nam tử, bấy giờ Phạm chí Bảo Hải lại thưa với Thánh vương:
-Đại vương, lúc này Đại vương có thể phát nguyện trước tiên để nhận cõi Phật tốt đẹp.
Thiện nam tử, nghe thưa như vậy, Thánh vương liền đứng dậy chắp tay quỳ thẳng hướng về Phật bạch:
-Kính bạch Đức Thế Tôn, con thật muốn được Bồ-đề. Trước kia, suốt trong ba tháng con đem các thức cần dùng cúng dường Phật và Tỳ-kheo Tăng. Con hồi hướng căn lành này đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, không nguyện nhận lấy cõi Phật bất tịnh.
Bạch Đức Thế Tôn, trước kia trong thời gian bảy năm, ngồi ngay thẳng, con tư duy đến vô số cõi Phật thanh tịnh trang nghiêm.
Bạch Đức Thê Tôn, con xin phát nguyện cho con được thành Chánh giác, trong thế giới ấy không có địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Tất cả chúng sinh sau khi qua đời không bị rơi vào trong ba đường ác. Chúng sinh trong thế giới đều có màu hoàng kim, người và Trời không khác nhau, đều được sáu phép thần thông. Nhờ Túc mạng thông, họ biết được trăm ngàn vạn ức na-do-tha những việc ở kiếp trước. Nhờ Thiên nhãn thanh tịnh, họ thấy tất cả trăm ngàn ức na-do-tha thế giới khắp mười phương, trong đó có chư Phật đang thuyết pháp vi diệu ở mọi nơi. Nhờ Thiên nhĩ thanh tịnh, họ nghe tất cả trăm ngàn ức na-do-tha tiếng của chư Phật trong mười phương thế giới đang thuyết pháp. Do Tha tâm trí nên họ biết được vô lượng, vô biên ức na-do-tha tâm của chúng sinh trong các thế giới khắp mười phương. Nhờ Như ý thông nên trong một niệm họ đến khắp trăm ngàn ức na-do-tha thế giới chư Phật, qua lại cùng khắp, làm cho các chúng sinh đều hiểu được không có ngã, ngã sở, đều được bất thối chuyển nơi Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Nguyện cho thế giới của con không có người nữ và tên gọi về họ. Tất cả chúng sinh chỉ một lần hóa sinh thì được tuổi thọ vô lượng, trừ khi họ có thệ nguyện, không có tất cả các tên bất thiện. Thế giới ấy thanh tịnh không nhơ xấu, thường có hương thơm vi diệu của chư Thiên lan tỏa cùng khắp. Tất cả chúng sinh đều được thành tựu ba mươi hai tướng tốt để trang nghiêm cho mình. Tất cả Bồ-tát trong đó chỉ còn một đời bổ xứ, trừ thệ nguyện của họ.
Nguyện cho thế giới của con, chúng sinh ngay trong thời gian một bữa ăn, nhờ Phật lực nên đến khắp vô lượng, vô biên thế giới gặp Phật trong hiện tại, lễ bái, hầu hạ, đem thần túc biến hóa đã đạt được cúng dường lên Phật và ngay trong khoảng bữa ăn trở về thế giới của mình, thường giảng thuyết tạng pháp của Phật, thân được sức mạnh như Na-la-diên. Những việc trang nghiêm nơi thế giới ấy, người có Thiên nhãn cũng không thể nói hết. Chúng sinh ở đó đều được bốn biện tài. Mỗi vị Bồ-tát ngồi bên một gốc cây, nhánh lá che khắp một vạn do-tuần. Thế giới thường có ánh sáng tịnh diệu làm cho vô lượng cõi Phật ở các phương khác với vô số thứ trang nghiêm đều hiện ra trong đó. Các chúng sinh ở đấy cho đến khi thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không làm việc bất tịnh, thường được tất cả chư Thiên và phi nhân cung kính cúng dường, tôn trọng; cho đến thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác và ở trong giai đoạn ấy thường được sáu căn thanh tịnh, ngay khi sinh ra liền được an vui vô lậu, thọ hưởng diệu lạc, tự nhiên thành tựu tất cả căn lành, vừa sinh ra được mặc ca-sa mới, liền được Tam-muội, Tam-muội đó tên là Thiện phân biệt. Do diệu lực của Tam-muội ấy họ đi đến cùng khắp vô lượng thế giới của chư Phật, gặp Đức Phật hiện tại để lễ bái, hầu hạ, cung kính, cúng dường, tôn trọng, ngợi khen; cho đến thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đối với Tam-muội này không thối chuyển. Có Bồ-tát theo như nguyện của mình đều tự trang nghiêm tu tập cõi tịnh diệu. Ở trong cây bảy báu, họ thấy tất cả chúng sinh nơi thế giới chư Phật ngay sau khi sinh được định Biến chí, do diệu lực của định này nên thường thấy chư Phật hiện đang ở trong vô lượng, vô biên các thế giới nơi mười phương, cho đến khi thành Chánh giác, không còn thối chuyển.
Nguyện trong thế giới của con, những chúng sinh đều được cung điện, y phục, anh lạc và vô số thứ trang nghiêm giống như cõi trời thứ sáu là Tha hóa tự tại. Trong thế giới không có núi, gò, ụ đất, Đại tiểu Thiết vi, Tu-di, biển lớn; cũng không có các tiếng phiền não chướng ngại, như: năm ấm, năm cái... Không có tên ba đường ác, tám nạn, không có tên cảm thọ khổ và tên không khổ không vui.
Bạch Đức Thế Tôn, vào đời sau con sẽ luôn luôn hành đạo Bồ-tát, mong được thành tựu cõi Phật thanh tịnh như vậy.
Bạch Đức Thế Tôn, vào đời sau làm những việc hy hữu như vậy xong, con mới thành Chánh giác.
Bạch Đức Thế Tôn, khi con thành Chánh giác, cây Bồ-đề cao lớn ngang dọc bằng thẳng một vạn do-tuần.
Khi con ngồi nơi đạo tràng, bên gốc cây ấy, chỉ trong một niệm được thành Chánh giác và liền có ánh sáng chiếu đến vô lượng vô biên trăm ngàn ức na-do-tha thế giới chư Phật, khiến cho tuổi thọ của con lâu dài vô lượng, vô biên trăm ngàn ức na-do-tha kiếp không thể biết hết, trừ Bậc Nhất Thiết Trí; làm cho thế giới của con không có Thanh văn, Bích-chi-Phật thừa. Đại chúng nơi đó toàn là Bồ-tát nhiều vô lượng, vô biên không thể tính đếm, trừ Bậc Nhất Thiết Trí.
Nguyện khi con thành Chánh giác xong, được chư Phật trong mười phương xưng dương tán thán danh hiệu của con.
Nguyện khi con thành Chánh giác xong, ở vô lượng, vô biên A-tăng-kỳ kiếp thế giới Phật khác, có chúng sinh nào được nghe danh hiệu của con mà tu các pháp lành, muôn được sinh về thế giới của con, nguyện cho họ sau khi xả bỏ thân mạng, nhất định được sinh về, chỉ trừ người phạm tội ngũ nghịch, hủy báng Thánh nhân, phá hoại chánh pháp.
Nguyện khi con thành Chánh giác xong, vô lượng, vô biên chúng sinh trong thế giới của chư Phật khác, có chúng sinh nào phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tu các căn lành muốn sinh về thế giới của con, khi họ lâm chung, con sẽ cùng đại chúng vây quanh ở trước người đó. Người đó được thấy con và sinh tâm hoan hỷ với con. Nhờ được thấy con nên họ xa lìa các chướng ngại, lập tức xả thân mạng, sinh đến cõi của con.
Nguyện khi con thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác xong, các Đại Bồ-tát nào chưa được nghe pháp, muốn theo con nghe pháp thì đều được nghe như ý nguyện.
Nguyện con thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác xong, ở vô lượng, vô biên, vô số thế giới khác, có các Bồ-tát nào được nghe tên con liền được bất thoái chuyển đối với đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, được đệ nhất nhẫn, đệ nhị, đệ tam nhẫn. Có người nào nguyện muốn được Đà-la-ni và các Tam-muội, chắc chắn sẽ đạt được như nguyện của họ cho đến khi thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, không còn thối lui. Sau khi con diệt độ, trải qua các số kiếp có vô lượng, vô biên, vô số thế giới, trong đó Bồ-tát nào nghe tên con, tâm được tịnh tín, hoan hỷ vô cùng, lễ bái con, khen ngợi, thán phục và nói: “Vị Phật, Thế Tôn ấy khi còn Bồ-tát đã làm rất nhiều Phật sự lâu dài mới chịu thành Chánh giác. Các Bồ-tát kia được tín tâm hoan hỷ xong, quyết định sẽ được đệ nhất, đệ nhị, đệ tam nhẫn. Có người nào nguyện muốn được môn Đà-la-ni và các Tam-muội thì ước nguyện của họ đều đạt được hết, cho đến khi thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác vẫn không thối thất”.
Con thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác xong, ở vô lượng, vô biên, vô số thế giới khác có các người nữ nào nghe tên con liền được tín tâm hoan hỷ đệ nhất, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cho đến khi thành Phật không bao giờ còn trở lại thọ thân người nữ nữa.
Nguyện sau khi con diệt độ, dầu trải qua vô lượng, vô biên, vô số kiếp, ở vô lượng, vô biên, vô số cõi Phật, trong đó có người nữ nào nghe đến tên con liền được tín tâm hoan hỷ đệ nhất, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cho đến khi thành Phật không còn thọ thân người nữ trở lại.
Kính bạch Đức Thế Tôn, lòng nguyện cầu của con là được cõi Phật như vậy, chúng sinh như vậy.
Kính bạch Đức Thế Tôn, nếu được thế giới và chúng sinh thanh tịnh như vậy, sau đó con mới thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Thiện nam tử, bấy giờ Bảo Tạng Như Lai bảo Chuyển Luân Thánh vương:
-Lành thay! Lành thay! Đại vương, theo tâm nguyện sâu xa của ông nên ngày nay ông được nhận cõi thanh tịnh, tâm của chúng sinh ở trong cõi đó cũng thanh tịnh. Đại vương, như ông đã thấy, về phương Tây cách đây trăm ngàn vạn ức cõi Phật có thế giới tên là Tôn thiện vô cấu, thế giới đó có Đức Phật hiệu là Tôn Âm Vương, là Bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Hiện nay, Ngài đang thuyết giảng chánh pháp cho các Bồ-tát. Ở thế giới đó không có tên Thanh văn, Bích-chi-phật, cũng không có nói pháp Tiểu thừa, thuần nhất thanh tịnh một pháp Đại thừa. Tại đó, chúng sinh hoàn toàn do hóa sinh, cũng không có người nữ và danh từ về họ. Những công đức thanh tịnh trang nghiêm của cõi Phật kia đúng y như sở nguyện của Đại vương và Đại vương sẽ được cõi nước với vô lượng, vô biên sẽ trang nghiêm tươi đẹp như vậy. Do đã cứu giúp, điều phục vô lượng, vô biên chúng sinh nên nay đổi tên Đại vương là Vô Lượng Thanh Tịnh.
Bấy giờ Đức Thế Tôn lại bảo Vô Lượng Thanh Tịnh:
-Phật Tôn Âm Vương kia qua một trung kiếp sẽ Bát-Niết-bàn. Bát-Niết-bàn xong, chánh pháp trụ ở đời đủ mười trung kiếp. Sau khi chánh pháp diệt, trải qua sáu mươi trung kiếp, cõi đó đổi tên là Di lâu quang minh, sẽ có Phật xuất hiện ở đời hiệu là Bất Khả Tư Nghị Công Đức Vương, là Bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Đức Phật này cũng giống như Tôn Âm Vương Như Lai với thế giới trang nghiêm đẹp đẽ như cõi Tôn thiện vô cấu. Đức Phật đó sống lâu sáu mươi trung kiếp. Sau khi Phật diệt độ, chánh pháp trụ ở đời sáu mươi trung kiếp. Chánh pháp diệt rồi, trải qua một ngàn trung kiếp, bấy giờ thế giới vẫn tên là Tôn thiện vô cấu.
Lại có Phật ra đời hiệu là Bảo Quang Minh, là Bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Thế giới này và tuổi thọ có khác ít nhiều với cõi Di lâu nhưng chánh pháp trụ thế cũng như Phật Bất Khả Tư Nghị Công Đức Vương không khác. Sau khi chánh pháp diệt, thế giới bấy giờ đổi tên là Thiện kiên, lại có Phật ra đời hiệu là Bảo Tôn Âm Vương, đầy đủ tôn hiệu Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Thế giới này trang nghiêm như trước không khác, Đức Phật thọ ba mươi lăm trung kiếp. Sau khi Phật diệt độ, chánh pháp trụ ở đời đủ bảy trung kiếp. Chánh pháp diệt rồi, lại có vô lượng, vô biên chư Phật tiếp nối ra đời; về thế giới, thọ mạng, chánh pháp cũng đều như vậy. Hiện nay, Ta thấy tất cả các việc của chư Phật từ khi thành đạo cho đến lúc diệt độ là như vậy. Trong giai đoạn ấy, thế giới kia thường trụ không thay đổi, không có thành hoại.
Đại vương, khi chư Phật như vậy đều diệt độ hết, lại trải qua một hằng hà sa vô sô kiếp, vào đệ nhị số kiếp nhiều như cát sông Hằng, bấy giờ thế giới đổi tên là An lạc. Đại vương lúc ấy sẽ thành Phật, hiệu là Vô Lượng Thọ gồm đủ tôn hiệu Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngir Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
Khi Thánh vương nghe những lời này xong, bạch Phật:
-Kính bạch Đức Thế Tôn, những vị sẽ thành Phật như vậy hiện nay đang ở đâu?
Phật bảo:
-Này Đại vương, Bồ-tát như vậy đang ở tại Đại hội này với số đông vô lượng không thể tính kể, đều từ thế giới của các Đức Phật khác trong mười phương tập họp đến đây để cúng dường Ta và lãnh thọ diệu pháp. Các Bồ-tát này đã được chư Phật quá khứ thọ ký thành Chánh giác. Lại được chư Phật hiện tại trong mười phương thọ ký đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cho nên các vị ấy sẽ thành Chánh giác trước.
Này Đại vương, các Bồ-tát ấy đã từng cúng dường vô lượng, vô biên trăm ngàn vạn ức na-do-tha Phật, vun trồng các căn lành, tu tập trí tuệ. Đại vương, vì vậy các Bồ-tát này thành Chánh giác trước Đại vương.
Chuyển Luân Thánh vương bạch Phật:
-Bạch Đức Thế Tôn, Phạm chí Bảo Hải này thường hay khuyên con cùng các quyến thuộc phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Như vậy, vị Phạm chí này vào đời vị lai trải qua thời gian bao lâu sẽ thành Chánh giác?
Phật bảo:
-Đại vương, Phạm chí này thành tựu đại bi cho nên trong đời vị lai, khi vị ấy gầm lên tiếng sư tử thì Đại vương tự biết.
Chuyển Luân vương lại bạch Phật:
-Bạch Đức Thế Tôn, nếu nguyện của con được thành tựu như Phật đã thọ ký thì khi con đem đầu mặt lạy Phật, sẽ khiến cho các thế giới nhiều như cát sông Hằng trong mười phương chấn động đủ sáu cách, chư Phật trong đó cũng sẽ thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cho con.
Thiện nam tử, Vô Lượng Tịnh Vương nói xong liền ở trước mặt Đức Phật, đem đầu mặt lạy sát đất. Bấy giờ, các thế giới Phật nhiều như cát sông Hằng trong mười phương đều chấn động sáu cách, chư Phật trong đó liền thọ ký như sau: “Cõi San-đề-lam trong kiếp Thiện trì, lúc loài người thọ tám vạn tuổi, có Phật ra đời hiệu là Bảo Tạng, có Chuyển Luân Thánh vương tên là Vô Lượng Tịnh làm chủ bốn thiên hạ, suốt ba tháng cúng dường Bảo Tạng Như Lai và Tỳ-kheo Tăng. Do thiện căn này nên qua vô lượng vô số kiếp xong, đi vào đệ nhị vô số kiếp như cát sông Hằng sẽ được thành Phật hiệu là Vô Lượng Thọ, thế giới tên là An lạc, thân thường chiếu ánh sáng khắp nơi, bao trùm khắp vô sô thê giới của chư Phật nhiều như cát sông Hằng trong mười phương.
Bấy giờ, vì Đại vương, Bảo Tạng Như Lai thuyết kệ:
Mười phương thế giới
Đại địa chấn động
Cùng các núi rừng
Nhiều như Hằng sa
Ngài hãy đứng dậy
Được thọ ký rồi
Làm thân trời, người
Thắng pháp điều ngự.
Thiện nam tử, nghe kệ xong, Chuyển Luân Thánh vương tâm rất hoan hỷ, liền đứng dậy chắp tay đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi nghe pháp cách Phật không xa.
Thiện nam tử, bấy giờ Phạm chí Bảo Hải lại thưa với Thái tử thứ nhất của Thánh vương:
-Thiện nam tử, hãy đem vật báu này và các vật như trước, suốt ba tháng cúng dường Như Lai và Tỳ-kheo Tăng với vô số châu ngọc quý, đem phước đức như vậy tập hợp lại mà hồi hướng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Lại bảo thế này:
-Thiện nam tử, làm việc bố thí này không nên cầu về Đao-Lợi Thiên vương, Đại Phạm thiên vương. Vì sao? Những vật có được do phước báo đều là vô thường, không có tướng nhất định, giống như gió thoảng. Vì vậy, nên đem quả báo do bố thí làm cho tâm được tự tại, mau thành Chánh giác, độ thoát vô lượng, vô biên chúng sinh được vào Niết-bàn.
Thái tử nghe những lời như vậy xong, thưa với Phạm chí:
-Tôi xem thấy chúng sinh trong địa ngục có nhiều sự khổ não. Trong cõi trời người mà có tâm bất tịnh thì luôn luôn bị đọa trong ba đường ác.
Thái tử lại nghĩ: “Các chúng sinh này vì gần gũi với ác tri thức cho nên bỏ mất chánh pháp, đọa trong chốn vô cùng tối tăm, từ bỏ các gốc lành, nhận vô số tà kiến..., bị chúng che lấp tâm tánh nên đi vào đường tà”.
Nghĩ xong, liền bạch với Phật:
-Kính bạch Đức Thế Tôn, con dùng âm thanh lớn bảo cho các chúng sinh: Xin đem tất cả các thiện căn mà con có được, hồi hướng hết lên Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nguyện cho con khi thực hành đạo Bồ-tát, nếu có chúng sinh nào chịu các sự khổ não... thối lui nơi chánh pháp, đọa trong chỗ tôi tăm lớn, buồn rầu, cô độc, khốn khổ, không có người cứu giúp, không y phục, nhà cửa mà chúng sinh đó có thể nghĩ đến con, xưng niệm danh hiệu của con, thì chúng sinh đó được con nghe bằng thiên nhĩ, thấy bằng thiên nhãn. Nếu những chúng sinh như thế không được thoát khỏi các khổ não này thì con quyết không thành Chánh giác.
Thái tử lại bạch Phật:
-Kính bạch Đức Thế Tôn, con lại sẽ vì chúng sinh phát nguyện thù thắng. Kính bạch Thế Tôn, nếu con có thể mau được tự lợi ích, nguyện cho Chuyển Luân Thánh vương trải qua đệ nhất hằng hà sa đẳng a-tăng-kỳ kiếp xong, vừa vào đệ nhị hằng hà sa đẳng a-tăng-kỳ kiếp, bấy giờ thế giới tên là An lạc, Đại vương thành Phật hiệu là Vô Lượng Thọ, làm Vua chánh pháp của thế giới trang nghiêm, chúng sinh thanh tịnh. Đức Phật, Thế Tôn này ở vô lượng kiếp làm Phật sự xong, việc cần làm đã làm xong, nhập Niết-bàn vô dư, cho đến khi Chánh pháp còn tồn tại, con ở trong đó tu đạo Bồ-tát, thường làm Phật sự. Chánh pháp của Đức Phật ấy diệt vào đầu đêm thì ngay cuối đêm đó con thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Thái tử lại bạch Phật:
-Cúi xin Đức Thế Tôn thọ ký cho con. Con xin nhất tâm cầu thỉnh chư Phật hiện tại như cát sông Hằng trong mười phương, cúi xin các Ngài thọ ký cho con.
Thiện nam tử, bấy giờ Phật Bảo Tạng liền thọ ký cho Thái tử thứ nhất.
Thiện nam tử, ông thấy cõi Trời, người và tất cả chúng sinh trong ba đường ác nên sinh lòng đại bi, muốn chấm dứt các khổ não cho chúng sinh, muốn đoạn trừ các phiền não cho chúng sinh, muốn khiến cho chúng sinh sống trong sự an vui. Vì vậy, thiện nam tử, nay sẽ đổi tên cho ông là Quán Thế Âm.
Thiện nam tử, khi hành đạo Bồ-tát, ông đã khiến cho vô lượng trăm ngàn ức na-do-tha chúng sinh được lìa khổ não; khi còn là Bồ-tát, ông đã tạo được Phật sự lớn.
Thiện nam tử, sau khi Phật Vô Lượng Thọ Bát-Niết-bàn, vào đệ nhị hằng hà sa... phần sau cùng của a-tăng-kỳ kiếp, trong phần đầu đếm, chánh pháp diệt hết; vào cuối đêm, cõi kia đổi tên là Nhứt thiết trân bảo sở thành tựu thế giới, có vô lượng, vô biên, vô số các thứ trang nghiêm, cõi thế giới An lạc không sánh kịp.
Thiện nam tử, vào cuối đêm, bên gốc cây Bồ-đề, với vô số các thứ trang nghiêm, ông ngồi trên tòa Kim Cang, chỉ trong một niệm thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác hiệu là Biến Xuất Nhứt Thiết Quang Minh Công Đức Sơn Vương, gồm đủ tôn hiệu Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Đức Phật đó sống lâu chín mươi sáu ức na-do-tha trăm ngàn kiếp. Phật Bát-Niết-bàn xong, chánh pháp trụ thế sáu mươi ba ức kiếp.
Bấy giờ, Bồ-tát Quán Thế Âm ở trước Phật, bạch:
-Nếu nguyện của con được thành tựu thì ngay khi con đem đầu mặt kính lễ Phật sẽ được chư Phật hiện tại trong các thế giới như cát sông Hằng ở mười phương, từng vị thọ ký cho con, làm cho đại địa các thế giới như cát sông Hằng trong mười phương và các núi sông đều chấn động sáu cách, phát ra vô số âm nhạc, tâm của tất cả chúng sinh được xa lìa dục.
Thiện nam tử, khi Bồ-tát Quan Thế Âm đem đầu mặt sát đất lạy Bảo Tạng Như Lai thì các thế giới như cát sông Hằng trong mười phương đều chấn động đủ sáu cách. Tất cả núi rừng đều phát ra vô số âm nhạc, chúng sinh nghe xong liền được lìa dục, trong đó chư Phật đều thọ ký như sau: “Cõi San-đề-lam trong kiếp Thiện trì, khi loài người sống tám vạn tuổi, có Phật ra đời hiệu là Bảo Tạng, có Chuyển Luân Thánh vương tên Vô Lượng Tịnh làm chủ bốn thiên hạ. Thái tử của vua đó tên là Quán Thế Âm, cúng dường Bảo Tạng Như Lai và Tỳ-kheo Tăng suốt ba tháng. Do thiện căn này nên vào đệ nhị hằng hà sa, trong phần sau của a-tăng-kỳ kiếp, vị ấy sẽ được làm Phật hiệu là Biến Xuất Nhất Thiết Quang Minh Công Đức Sơn Vương Như Lai. Thế giới tên là Nhất thiết trân bảo sở thành tựu”.
Bảo Tạng Như Lai lại vì Bồ-tát Quán Thế Âm thuyết kệ:
Đại bi công đức
Hãy nên đứng dậy
Nơi các cõi Phật
Đất động sáu cách
Chư Phật mười phương
Thọ ký cho ông
Sẽ được thành Phật
Thật đáng vui mừng.
Thiện nam tử, thái tử Quán Thế Âm nghe kệ xong rất vui mừng, liền đứng dậy trước Phật, chắp tay đảnh lễ sát chân Phật, ngồi cách Phật không xa để nghe pháp.
Thiện nam tử, khi ấy Phạm chí Bảo Hải lại thưa với Vương tử thứ hai là Ni-ma:
-Thiện nam tử, ông đã tạo nghiệp phước đức thanh tịnh, vì tất cả chúng sinh mà được Nhứt thiết trí, vậy nên hồi hướng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Thiện nam tử, bấy giờ Vương tử ngồi ở trước Phật, chắp tay
bạch:
-Kính bạch Đức Thế Tôn, như trước đây trong ba tháng, con cúng dường Như Lai và Tỳ-kheo Tăng và với sự thực hành nơi thân, khẩu, ý thanh tịnh của con, với phước đức như vậy, con xin hồi hướng lên Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, không nguyện về thế giới bất tịnh dơ xấu, nguyện cho quốc độ và cây Bồ-đề của con như thế giới của Bồ-tát Quán Thế Âm, cây Bồ-đề báu với vô số các thứ trang nghiêm và thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Lại nguyện: Khi Đức Phật Biến Xuất Quang Minh Công Đức mới thành Phật đạo, con sẽ thỉnh Phật Chuyển Pháp luân trước hết và tùy thuận theo thời gian thuyết pháp của Ngài, trong giai đoạn đó con thực hành đạo Bồ-tát. Sau khi Đức Phật ấy Niết-bàn, chánh pháp diệt hết, tiếp theo là con thành Chánh giác. Khi con thành Phật, với Phật sự đã làm nên trong thế giới của con có vô số các thứ trang nghiêm tốt đẹp. Sau khi con Bát-Niết-bàn, chánh pháp trụ thế cùng các việc như vậy đều giống như Đức Phật kia không khác.
Phật bảo Vương tử thứ hai:
-Này thiện nam tử, theo nguyên của ông là được nhận thế giới lớn lao, ông ở đời sau sẽ được thế giới đúng như nguyện của mình.
Thiện nam tử, ông ở đời sau sẽ được thế giới lớn lao như vậy và thành Bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, hiệu là Thiện Trụ Trân Bảo Sơn Vương gồm đủ các tôn hiệu Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
Thiện nam tử, do nguyện nhận thế giới hết sức lớn lao của ông cho nên danh hiệu của ông là Đắc Đại Thế.
Bấy giờ, ở trước Phật, Bồ-tát Đắc Đại Thế bạch:
-Kính bạch Đức Thế Tôn, nếu nguyện của con thành tựu, bản thân con được lợi ích thì khi con kính lễ Phật, sẽ làm cho thế giới của các Đức Phật nhiều như cát sông Hằng trong mười phương chấn động sáu cách, mưa hoa Tu-mạn-na, trong đó chư Phật hiện tại đều thọ ký cho con.
Thiện nam tử, lúc ấy Bồ-tát Đắc Đại Thế ở ngay trước Phật, đem đầu mặt lạy sát đất, thì vô số thế giới như cát sông Hằng trong mười phương đều chấn động sáu cách, trời mưa hoa Tu-mạn-na, trong đó chư Phật, Thế Tôn hiện tại đều thọ ký.
Bấy giờ Bảo Tạng Như Lai vì Bồ-tát Đắc Đại Thế, thuyết kệ:
Công đức bền vững
Nay nên tinh tấn
Rúng động đại địa
Mưa hoa Tu-mạn.
Chư Phật mười phương
Thọ ký cho ông
Đời sau sẽ thành
Nhân Thiên Phạm Tôn.
Thiện nam tử, Bồ-tát Đắc Đại Thế nghe bài kệ này xong, tâm rất hoan hỷ, liền đứng dậy, ở trước Phật chắp tay lạy sát chân Phật, cách Phật không xa ngồi nghe diệu pháp.
Thiện nam tử, bấy giờ Phạm chí Bảo Hải lại nói với Vương tử thứ ba là Vương Chúng:
-Thiện nam tử, những phước đức và nghiệp thanh tịnh mà ông đã làm cho tất cả chúng sinh để được Nhứt thiết trí, hãy đem hồi hướng nơi đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Thiện nam tử, bấy giờ Vương tử thứ ba ngồi ở trước Phật, chắp tay bạch Phật:
-Kính bạch Đức Thế Tôn, như trước đây trong ba tháng, con đã cúng dường Như Lai và Tỳ-kheo Tăng những hạnh thanh tịnh về thân, khẩu, ý của con, phước đức như vậy con nay đem hồi hướng về đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nay nguyện của con là không thể thành Chánh giác nơi thế giới bất tịnh, cũng không nguyện mau thành Chánh giác. Khi con tu hành đạo Bồ-tát, nguyện cho chúng sinh được con giáo hóa trong vô lượng, vô biên thế giới của chư Phật trong mười phương đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, được bất thối với tâm Vô thượng Bồ-đề, được khuyên hóa tu tập theo sáu Ba-la-mật.
Nguyện cho con trước hết đối với tất cả các cõi Phật nhiều như cát sông Hằng khắp mười phương có chư Phật thành Phật đang thuyết pháp, khiến cho con khi ấy bằng Thiên nhãn thanh tịnh thấy khắp tất cả.
Nguyện khi con là Bồ-tát có thể làm vô lượng Phật sự như
vậy. Ở đời sau, con hành đạo Bồ-tát không có giới hạn. Đối với các chúng sinh đã hóa độ, con làm cho tâm họ được thanh tịnh giống như Phạm thiên. Chúng sinh như thế được sinh trong cõi của con và được vậy con mới thành Chánh giác, đem sự thanh tịnh như trên để trang nghiêm cõi Phật.
Nguyện khiến cho tam thiên đại thiên thế giới với vô số cõi Phật trong mười phương làm một cõi Phật. Chung quanh thế giới ấy có tường báu lớn bao bọc. Kho chứa đựng đầy bảy báu, tường đó cao lớn đến cõi Vô sắc, đất bằng lưu ly xanh biếc, không có bụi đất, cát đá, gai gốc nhơ nhớp... Lại không có những tiếp xúc xấu, cũng không có người nữ và danh từ về họ. Tất cả chúng sinh đều do hóa sinh, không ăn bằng cách nhai nuốt..., dùng pháp hỷ Tam-muội làm thức ăn, không có thừa Thanh văn, Bích-chi-Phật. Khắp trong nước đó chỉ có các Bồ-tát xa lìa tham dục, sân giận, ngu si và đều tu phạm hạnh. Ngay khi Bồ-tát vừa sinh xong, râu tóc tự rụng, mặc ba pháp y, muốn ăn uống liền có dụng cụ chứa quý báu ở trong tay mặt và tự nhiên trong bát có đầy đủ các thức ăn trăm mùi vị thượng hạng.
Khi ấy, các Bồ-tát suy nghĩ: “Chúng ta không nên ăn thức ăn này, ta hãy đem đến cúng dường chư Phật, chúng Thanh văn và cấp thí cho những người bần cùng trong mười phương. Có các ngạ quỷ đang chịu khổ do đói khát thiêu đốt thân, ta hãy đến nơi đó cung cấp đầy đủ cho họ. Chúng ta nên tu hạnh Pháp hỷ thực Tam-muội”. Nghĩ như vậy xong, các vị ấy được pháp Tam-muội của Bồ-tát. Tam-muội đó tên là Bất khả tư nghị hạnh. Được Tam-muội này xong, các vị ấy liền được thần lực vô ngại, đến nơi vô lượng, vô biên thế giới chư Phật trong hiện tại để cúng dường chư Phật và Tỳ-kheo Tăng, cấp thí cho kẻ bần cùng hạ tiện, loài ngạ quỷ. Làm việc bố thí xong, các vị ấy thuyết pháp cho họ. Ngay trong bữa ăn, các vị ấy qua lại khắp nơi và trở về quốc độ của mình, đem y phục, châu báu cùng các vật cần dùng cúng dường chư Phật cho đến ngạ quỷ cũng như vậy rồi mới tự dùng.
Nguyện làm cho thế giới của con không có tám nạn, bất thiện, khổ não; cũng không có các việc thọ giới, phá giới, sám hối và các danh từ đó.
Nguyện cho thế giới của con thường có vô lượng các loại châu báu cất chứa đầy kho. Cây áo châu báu mà mười phương thế giới chưa từng có, chưa từng thấy nghe, cho đến cả ức năm nói về danh từ của những loại đó cũng không thể hết.
Nguyện nơi thế giới của con, các Bồ-tát muồn thấy sắc vàng, tùy ý được thấy; muốn thấy sắc bạc thì cũng tùy ý thấy. Ngay khi thấy sắc bạc thì không mất tướng sắc vàng. Ngay khi thấy tướng sắc vàng thì không mất tướng sắc bạc; pha lê, lưu ly, xa cừ, mã não, xích trân châu, vô số châu báu cũng tùy ý được thấy như vậy. Muốn thấy A-kiệt-lưu hương, Đa-già-lưu hương, Đa-ma-la-bạt, Chiên-đàn trầm thủy, Xích chiên-đàn và Ngưu đầu chiên-đàn, Thuần chiên-đàn thì tùy ý được thấy; muốn thấy trầm thủy cũng tùy ý thấy. Đang thấy trầm thủy thì không mất chiên-đàn. Đang thấy chiên-đàn thì không mất trầm thủy... Ngoài ra cũng như vậy, vô số các sự nguyện cầu đều thành tựu.
Nguyện cho thế giới của con không có mặt Trời, mặt Trăng. Các Bồ-tát có ánh sáng rộng lớn tự nhiên phát ra theo sự mong cầu và có thể chiếu đến cả trăm ngàn vạn ức na-do-tha thế giới. Nhờ ánh sáng này nên không có ngày đêm. Các hoa nở thì biết đó là phần ngày, các hoa khép lại thì biết đó là phần đêm. Thế giới có khí hậu điều hòa, không có lạnh, nóng và già, bệnh, chết. Nếu Bồ-tát nào chỉ còn một đời rồi sẽ sinh ở phương khác, thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, liền đi đến cung trời Đâu-suất ở phương khác, sau khi qua đời thì thành Phật. Nếu con thành Chánh giác xong, không ở nơi cõi này nhận Bát-Niết-bàn. Nếu khi con Bát-Niết-bàn thì ở ngay giữa hư không.
Nếu các Bồ-tát muốn gì thì tự nhiên có được. Chung quanh thế giới đó thường có trăm ngàn ức na-do-tha âm nhạc tự nhiên. Trong âm nhạc này không có tiếng dục tưởng mà thường phát ra tiếng sáu Ba-la-mật, tiếng Phật, tiếng Pháp, tiếng Tỳ-kheo Tăng, tiếng Bồ-tát tạng, tiếng nghĩa thâm sâu. Đối với các âm thanh đó, các Bồ-tát hiểu được tùy theo căn cơ từng vị.
Kính bạch Đức Thế Tôn, khi con thực hành đạo Bồ-tát, nếu con được thây trăm ngàn ức na-do-tha a-tăng-kỳ thế giới chư Phật với vô số trang nghiêm, vô số anh lạc, vô số tướng mạo, vô số trú xứ, vô số ý nguyện thì khiến cho thế giới của con cũng được thành tựu các việc trang nghiêm như vậy, chỉ trừ Thanh văn, Bích-chi-Phật. Lại nữa, thế giới của con cũng không có đời năm trược, ba đường ác..., các núi Tu-di, Đại tiểu Thiết vi, đất cát, ngói đá, biển lớn, rừng cây, chỉ thuần có cây báu, hơn ở trên Trời. Thế giới của con lại không có các loại hoa khác, chỉ có hoa Mạn-đà-la, hoa Ma-ha mạn-đà-la như trên Trời. Không có các thứ dơ xấu, thuần có hương thơm tỏa khắp trong nước. Các Bồ-tát chỉ còn một lần sinh, không có một người nào sinh ở cõi khác, chỉ trừ đến phương khác để thành Phật, như đến cõi Đâu-suất, khi qua đời sẽ thành Phật.
Kính bạch Đức Thế Tôn, khi con hành đạo Bồ-tát, không có kỳ hạn cần phải thành tựu quả báo như vậy để làm thanh tịnh cõi Phật. Những vị Bồ-tát còn một lần sinh có khắp nơi trong đó. Các Bồ-tát này không một người nào là không được nhận sự giáo hóa từ nơi con rồi mới bắt đầu phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tu tập sáu Ba-la-mật. Như vậy, các Bồ-tát ấy đều bắt đầu nhờ con giáo hóa mà phát tâm tu tập, an trụ vào sáu Ba-la-mật. Nếu chúng sinh trong cõi San-đề-lam này sinh vào cõi con thì tất cả những sự khổ não đều chấm dứt hết.
Bạch Đức Thế Tôn, khi con thực hành đạo Bồ-tát, cốt yếu phải thành tựu các việc hy hữu như vậy, sau đó vào đời vị lai mới thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Nguyện cây Bồ-đề tên Tuyển trạch kiến thiện trân bảo chu vi tỏa rộng vừa một vạn bốn cõi thiên hạ, có hương thơm, ánh sáng lan khắp một vạn ba ngàn đại thiên thế giới. Dưới cây Bồ-đề có tòa Kim cang bằng vô số thứ châu báu, chu vi bằng năm cõi Tứ thiên hạ, tòa đó tên là Thiện trạch tịch diệt trí hương đẳng cận, cao một vạn bốn ngàn do-tuần. Tại tòa này, con ngồi kiết già và chỉ trong một niệm thành Chánh giác, cho đến Bát-Niết-bàn, thường ở nơi đạo tràng, dưới cây Bồ-đề, ngồi nơi tòa Kim Cang không hư hoại, lại sẽ hóa ra vô lượng chư Phật và chúng Bồ-tát, sai đến các thế giới của chư Phật khác để giáo hóa chúng sinh. Mỗi một Hóa Phật trong khoảng thời gian một bữa ăn vì các chúng sinh thuyết giảng pháp vi diệu, liền ngay trong khoảng bữa ăn khiến cho vô lượng, vô biên chúng sinh đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vừa phát tâm xong, liền không thối chuyển nơi đạo quả Vô thượng Bồ-đề. Hóa Phật và chúng Bồ-tát này thường làm các việc hiếm có như vậy.
Khi con thành Chánh giác xong, nguyện: Ở các thế giới khác có các chúng sinh nào chiêm ngưỡng thân con và chúng sinh chiêm ngưỡng thân con với ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp thì chắc chắn họ được đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cho đến Niết-bàn đều không xa lìa sự chiêm ngưỡng Phật.
Nguyện cho chúng sinh trong thế giới của con đầy đủ sáu căn, không bị khiếm khuyết. Các Bồ-tát muốn thấy con thì tùy theo chỗ ở của họ, đi-đứng-nằm-ngồi đều được thấy con. Các Bồ-tát ấy phát tâm xong, lập tức thấy con ngồi nơi Bồ-đề đạo tràng, bên gốc cây. Trước đó, nếu đối với các pháp tướng có chỗ nghi ngờ, chưa được con giảng thuyết, thì ngay khi thấy con, họ liền được dứt hết nghi ngờ và hiểu được nghĩa sâu xa của pháp tướng.
Nguyện đời sau, tuổi thọ của con vô lượng, không thể tính kể, trừ Bậc Nhất Thiết Trí. Tuổi thọ của Bồ-tát cũng như vậy. Trong một niệm con thành Chánh giác xong, ngay trong một niệm có vô lượng Bồ-tát râu tóc tự rụng, mặc ba pháp y cho đến khi chứng Niết-bàn. Nơi khoảng thời gian đó không có một người nào râu tóc để dài và mặc y phục thế tục, tất cả đều mặc pháp phục Sa-môn.
Bấy giờ, Phật bảo Vương tử thứ ba:
-Thiện nam tử! Lành thay! Lành thay! Ông là Đại trượng phu thuần thiện, thông tuệ, khéo hiểu, có thể phát nguyện lớn rất khó như vậy, làm các việc công đức hết sức sâu xa khó có thể nghĩ bàn, chỉ có trí tuệ vi diệu mới có thể làm được. Ông là thiện nam, vì chúng sinh nên tự phát nguyện tôn quý như vậy, nhận cõi nước tươi đẹp, vì thế nên danh hiệu của ông là Văn-Thù-Sư-Lợi Trong đời sau, trải qua hai hằng hà sa vô lượng, vô biên, vô số kiếp, vào vô lượng, vô biên, vô số kiếp thứ ba, ở phương Nam này có thế giới của Phật tên là Thanh tịnh vô cấu bảo trí. Cõi San-đề-lam này cũng nhập vào trong đó. Trong thế giới kia có vô số thứ trang nghiêm, ông ở trong đó sẽ thành Bậc Chánh Giác hiệu là Phổ Hiện gồm đủ tôn hiệu Như Lai, Ứng Cung, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư,
Phật, Thế Tôn. Các chúng Bồ-tát đều thanh tịnh. Nguyện của ông được thành tựu đầy đủ như đã nói trên.
Thiện nam tử, khi ông thực hành đạo Bồ-tát, đã vun trồng các căn lành nơi vô lượng, nơi vô lượng ức các Đức Như Lai, cho nên tất cả chúng sinh đều lấy ông làm thuốc. Tâm ông thanh tịnh, có thể phá tan phiền não, thêm các căn lành.
Bấy giờ, Văn-Thù-Sư-Lợi ở trước Phật, bạch:
-Kính bạch Đức Thế Tôn, nếu nguyện của con được thành tựu, bản thân con được lợi ích, con xin nguyện vô lượng, vô biên, vô số thế giới khắp mười phương đều chấn động sáu cách, trong đó chư Phật hiện tại thuyết pháp thọ ký cho con. Con cũng nguyện cho tất cả chúng sinh nhận niềm vui hoan hỷ, giống như Bồ-tát vào Đệ nhị thiền với diệu dụng tự tại. Trời mưa hoa Mạn-đà-la đầy khắp thế giới, trong hoa thường phát ra tiếng Phật, tiếng Pháp, tiếng Tỳ-kheo Tăng, tiếng sáu Ba-la-mật, mười lực, vô sở úy... đủ các tiếng như vậy. Nguyện khi con đảnh lễ Phật Bảo Tạng thì các tướng trạng như thế liền xuất hiện.
Nói như vậy xong, Văn-Thù-Sư-Lợi đem đầu mặt sát đất lạy Phật. Ngay khi ấy, vô lượng, vô biên, vô số thế giới trong mười phương đều chấn động sáu cách. Trời mưa hoa Mạn-đà-la giữa hư không, tất cả chúng sinh nhận niềm vui hỷ lạc giống như Bồ-tát vào Đệ nhị thiền với diệu dụng tự tại. Khi ấy, các Bồ-tát chỉ nghe tiếng Phật, tiếng Pháp, tiếng Tỳ-kheo Tăng, tiếng sáu Ba-la-mật, mười lực, vô sở úy, với các tiếng như vậy.
Bấy giờ, thấy nghe việc này, các Bồ-tát ở phương khác rất ngạc nhiên, cho là việc chưa từng có, đồng bạch với Phật của mình: -Vì sao có điềm tốt này ứng hiện?
Chư Phật đều bảo các Bồ-tát:
-Chư Phật trong mười phương, mỗi vị đều vì Bồ-tát Văn-Thù-Sư-Lợi mà thọ ký đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Do đó nên điềm lành này ứng hiện.
Bấy giờ, Bảo Tạng Như Lai vì Văn-Thù-Sư-Lợi nói kệ:
Ý đẹp rộng lớn
Hãy nên đứng dậy
Chư Phật mười phương
Thọ ký cho ông
Ngay trong đời sau
Thành đạo tôn thắng
Đại địa thế giới
Chấn động sáu cách
Chúng sinh nhận đủ
Các sự cực lạc.
Thiện nam tử, nghe kệ xong, Văn-Thù-Sư-Lợi rất hoan hỷ, đứng dậy chắp tay lạy sát chân Đức Phật và ngồi cách Phật không xa để nghe diệu pháp. Hết quyển thứ ba
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.21.46.24 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.