Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác.
Kinh Đại Bát Niết-bàn
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Phẩm 12: Thiên Vương Hộ Quốc
Vào lúc bấy giờ, đức Thế tôn nghe bốn vị thiên vương cung kính hiến cúng kinh Ánh sáng hoàng kim và hộ trì cho người thọ trì kinh ấy, thì tán dương rằng lành thay, bốn thiên vương, các người đã ở nơi vô số chư vị Như lai quá khứ cung kính hiến cúng tôn trọng tán dương, gieo trồng thiện căn, làm theo chánh pháp, nói theo chánh pháp, đem chánh pháp phục vụ thế giới. Đối với chúng sinh, các người trường kỳ nghĩ cách lợi ích, khởi tâm đại bi, nguyện đem yên vui lại cho họ. Chính vì lý do này mà làm các người hiện được hưởng thụ quả báo thù thắng. Nếu có quốc vương nào cung kính hiến cúng kinh Ánh sáng hoàng kim, thì các người phải siêng năng hộ trì cho [ông và quốc dân của ông] được yên ổn. Bốn thiên vương các người, và vô số dược xoa tùy thuộc, hộ trì kinh này, thì thế là hộ trì chánh pháp của chư vị Như lai quá khứ hiện tại vị lai, nên các người, với chư thiên và dược xoa, chiến đấu với tô la thì thường đắc thắng. Các người hộ trì kinh này thì do thần lực của kinh này mà loại trừ được mọi sự khổ não, giặc thù, đói khát, tật dịch. Do vậy, nếu thấy bốn chúng có ai thọ trì kinh vua này thì các người cũng nên siêng năng chung sức hộ trì, loại trừ suy tổn và đem lại yên vui cho họ.
Bốn vị thiên vương, lúc ấy, từ chỗ ngồi đứng dậy, vắt vạt áo của vai bên phải, gối bên phải quì xuống chấm đất, chắp tay cung kính mà thưa, bạch đức Thế tôn, trong thì vị lai, nơi đất nước, thành thị, làng xóm, núi rừng, đồng nội, chỗ nào và lúc nào bản kinh vua Ánh sáng hoàng kim này lưu hành đến, thì quốc vương chỗ ấy và lúc ấy nên hết lòng lắng nghe, tán dương, hiến cúng, lại cung phụng cho những người trong bốn chúng thọ trì kinh này, thâm tâm hộ trì cho họ tách rời suy não. Vì lý do này, chúng con hộ trì cho quốc vương ấy, và cho quốc dân của ông, ai cũng yên ổn, rời xa lo buồn, thọ lượng tăng thêm, uy đức toàn hảo. Bạch đức Thế tôn, nếu quốc vương ấy thấy những người trong bốn chúng thọ trì kinh này mà cung kính hộ vệ như cha như mẹ, cung cấp những thứ nhu cầu, thì bốn thiên vương chúng con thường hộ vệ cho, làm cho ai cũng tôn kính. Chúng con và vô số các thần dược xoa, kinh vua này ở đâu cũng ẩn mình hộ vệ, không để bị cản trở. Chúng con cũng hộ vệ cho những thính giả, và quốc vương lắng nghe kinh này, loại trừ suy tổn và đem lại yên ổn cho họ, giặc thù từ xứ khác cũng được làm cho thoái tán. Thế nên nếu có quốc vương nào khi lắng nghe kinh này mà lân bang thù địch, động binh xâm lăng phá hoại thì, bạch đức Thế tôn, do thần lực của kinh này mà chúng con sẽ cùng vô số dược xoa tùy thuộc, ai cũng ẩn mình hỗ trợ, làm cho lân bang thù địch kia phải tự đầu hàng, không dám bước đến cương giới của quốc gia ấy, có đâu dám sử dụng vũ khí mà sát phạt (55) .
Đức Thế tôn dạy bốn vị thiên vương rằng tốt lắm, các người có thể hộ vệ như vậy đối với kinh này. Vô số kiếp quá khứ, Như lai đã tu đủ loại khổ hạnh, được vô thượng bồ đề, chứng nhất thế chủng trí, nên ngày nay mới tuyên thuyết kinh này. Nếu có quốc vương nào thọ trì kinh này, cung kính hiến cúng, thì [uy lực kinh này] sẽ làm cho quốc vương ấy hết suy tổn, được yên ổn, lại làm cho tất cả đất nước của quốc vương ấy đến nỗi giặc thù cũng phải thoái tán. Uy lực kinh này cũng làm cho tất cả quốc vương trong đại lục Thiệm bộ không có suy tổn, chinh chiến. Mà, các người nên biết, đại lục Thiệm bộ có tám mươi bốn ngàn quốc gia và quốc vương, quốc vương nào cũng thích thú, tự do, tài sản sung túc, hưởng thụ đầy đủ, không xâm lăng chiếm đoạt lẫn nhau. Ai cũng tùy phước nhân đời trước mà thụ hưởng phước quả đời này, không ai nghĩ xấu, ham chiếm nước khác. Ai cũng giảm thiểu ham muốn, muốn lợi kẻ khác, không gây cái khổ chinh chiến, đày ải. Dân chúng của các quốc vương ấy thì thương nhau, trên dưới hòa thuận như nước với sữa, mến trọng lẫn nhau, hoan hỷ thư nhàn, hiền lành khiêm tốn, tăng tiến thiện căn. Do vậy mà đại lục Thiệm bộ này yên vui, sung túc, dân chúng đông đảo, đất đai màu mỡ, lạnh nóng điều hòa, thời tiết thích hợp, nhật nguyệt tinh tú vận hành bình thường, gió mưa đúng lúc, không có tai ương, tài sản phong phú, tâm tính hào phóng, thường hành huệ thí, đủ mười thiện nghiệp, và chết thì đa số sinh chư thiên, thiên chúng tăng lên. Bốn thiên vương, trong thì vị lai, có quốc vương nào lắng nghe kinh này, cung kính hiến cúng và thọ trì kinh này, thì được bốn chúng ca tụng, lại lợi ích cho chính các người và tùy thuộc của các người là vô số dược xoa. Vì vậy mà các quốc vương thường nên lắng nghe bản kinh vua này. Chính cái nước chánh pháp cái vị cam lộ này tăng thêm sức mạnh và tư thế cho thân tâm các người, làm cho các người tinh tiến mạnh mẽ, đầy đủ phước đức uy quang. Các quốc vương ấy nếu hết lòng lắng nghe kinh này thì thế là đã đem sự hiến cúng lớn lao và hiếm có mà hiến cúng cho ta, Thích ca như lai. Hiến cúng Như lai là hiến cúng vô số chư vị Như lai trong quá khứ hiện tại vị lai. Hiến cúng tam thế Như lai thì được cái khối công đức bất khả tư nghị. Vì lý do ấy, các người nên hộ trì [cho các quốc vương ấy], cho hoàng gia của họ, cho thần trấn hoàng cung, ai cũng khỏi suy tổn, được an lạc, thiện căn khó lường. Quốc dân của các quốc vương ấy cũng hưởng thụ đủ loại lạc thú ngũ dục, mọi sự xấu ác tiêu tan tất cả.
Bốn thiên vương lại thưa, bạch đức Thế tôn, trong thì vị lại, có quốc vương nào ưa thích lắng nghe kinh vua Ánh sáng hoàng kim để cầu mong bản thân và hoàng gia được sự yên vui bậc nhất; để làm cho ngôi vua hiện tại được thịnh đạt; để thu hoạch cái khối phước đức vô lượng; để làm cho quốc dân và quốc gia của mình không bị thù địch, không lo buồn, không tai họa, thì, bạch đức Thế tôn, quốc vương ấy không nên phóng túng, nghĩ tưởng mông lung, mà phải cung kính, chân thành, thiết tha, muốn được lắng nghe tiếp nhận bản kinh vua tối thượng này. Muốn vậy thì trước hết quốc vương ấy phải trang hoàng một cung điện nào trong hoàng cung mà dễ thấy nhất và ông quí nhất, bằng cách đem nước thơm rưới đất, rải những bông hoa danh tiếng, đặt để pháp tòa sư tử đẹp nhất, trang khảm bằng ngọc quí, treo bảo cái tràng phan lên trên, rồi đốt hương liệu vô giá, tấu lên các loại âm nhạc. Bản thân quốc vương thì tắm rửa sạch sẽ, xoa hương thơm vào mình, mặc áo sạch và mới, đeo những chuỗi ngọc, nhưng ngồi trên cái ghế thấp nhỏ, không tự tôn, bỏ ngôi cao, rời ngạo mạn, đoan tâm chính niệm để chờ lắng nghe kinh vua này. Lại nữa, đối với vị pháp sư sẽ đến thì nghĩ tưởng là bậc đại sư; đối với thân quyến thì sinh từ tâm, nhìn nhau vui vẻ, mặt hiền hòa, nói dịu ngọt, đối với bản thân thì tràn ngập một nỗi vui mừng lớn lao, nghĩ rằng tôi được lợi ích vĩ đại, ấy là được hiến cúng long trọng đối với bản kinh vua chúa. Quốc vương chuẩn bị như vậy rồi, thấy vị pháp sư đến thì lòng thành kính, khao khát, ngưỡng mộ.
Đức Thế tôn dạy bốn thiên vương, quốc vương ấy không nên không đi rước vị pháp sư. Quốc vương ấy phải mặc đồ sạch sẽ, trang sức bằng những chuỗi ngọc, đích thân cầm lọng dù màu trắng và hương hoa, nghiêm chỉnh quân cách, dàn nhiều nhạc cụ, đi bộ mà ra khỏi cửa hoàng thành đón rước vị pháp sư, vận dụng tâm tưởng, hết lòng tôn kính mà làm cái việc cầu chúc cát tường. Bốn thiên vương, tại sao quốc vương phải đích thân làm việc tôn kính hiến cúng như vậy? Vì quốc vương lúc ấy cất chân lên, đặt chân xuống, mỗi bước đã là tôn kính hiến cúng vô lượng chư vị Như lai, đã là vượt qua ngần ấy nỗi khổ sinh tử, đã là tương lai được làm ngần ấy ngôi vị luân vương. Lại tùy mỗi bước mà hiện tại phước đức tăng trưởng, vương vị tự tại, cảm ứng khó lường, quần chúng kính trọng; mà tương lai vô số kiếp được cung điện thất bảo trong nhân loại và trên chư thiên, sinh ra ở đâu cũng làm vua chúa, thọ lượng tăng thêm, nói năng thông suốt, người trời tin chịu, không e sợ gì, được tiếng khen lớn, ai cũng ngưỡng mộ, ở trong nhân thiên mà hưởng thụ hạnh phúc tuyệt diệu, được đại thế lực, có đại oai đức, thân tướng kỳ vĩ, uy nghiêm tột bậc, gặp được các đấng Nhân thiên sư, gặp được các bậc Thiêển tri thức, hoàn hảo cái khối phước đức vô lượng. Bốn thiên vương nên biết, quốc vương ấy thấy những lợi ích như vậy nên phải đích thân đi rước pháp sư từ một du thiện na cho đến hàng trăm hàng ngàn du thiện na. Hãy nghĩ tưởng vị pháp sư ấy là Như lai. Rước về hoàng thành rồi, nghĩ rằng thế là đức Thích ca thế tôn vào trong hoàng cung của tôi, nhận cho sự hiến cúng của tôi, nói cho tôi nghe về diệu pháp. Rằng nghe diệu pháp rồi tôi không còn thoái chuyển vô thượng bồ đề, được gặp vô lượng chư vị Thế tôn. Rằng ngày nay tôi đã tấu những nhạc cụ thượng thặng, và đem những cúng phẩm thù thắng, hiến lên tam thế Thế tôn. Rằng ngày nay tôi đã bạt nhổ vĩnh viễn cái khổ trong thế giới Diêm vương, đã gieo trồng hạt giống thiện căn của Phạn vương, Đế thích, Luân vương. Rằng việc tôi làm ngày nay sẽ làm cho vô số chúng sinh, thoát sinh tử được niết bàn, tích tụ cái khối phước đức bất khả tư nghị; làm cho thân quyến và con dân của tôi yên ổn; làm cho đất nước của tôi thanh bình, không tai họa, kẻ ác và giặc thù không thể quấy phá, xâm lược, rời xa mọi nỗi lo buồn. Bốn thiên vương, quốc vương ấy nên trân trọng như vậy đối với diệu pháp, lại nên hiến cúng cung kính tôn trọng tán dương đối với bốn bộ đệ tử Như lai. Rồi trước hết đem cái thắng phước của thiện căn này mà hồi hướng cho chính các người, và tùy thuộc của các người. Thì quốc vương ấy có cái phước đức rất lớn làm yếu tố, nên hiện tại được đại tự tại, tăng thêm uy quang, sự cát tường và tướng tốt đẹp đều trang nghiêm, và đối với mọi loại giặc thù ông có năng lực đem diệu pháp mà chiến thắng.
Lúc ấy bốn thiên vương lại thưa, bạch đức Thế tôn, nếu quốc vương nào tôn kính diệu pháp, muốn nghe kinh vua được như vậy, lại tôn kính hiến cúng bốn bộ thọ trì kinh vua, [trong đó có vị pháp sư], và muốn làm cho chúng con hoan hỷ, thì gần một bên pháp tòa, hãy rưới nước thơm, rải bông hoa, đặt ghế bàn cho bốn thiên vương chúng con. Chúng con sẽ nghe pháp chung với quốc vương. Quốc vương được thiện căn thì cũng đem một phần cái phước của thiện căn ấy hồi hướng cho chúng con. Bạch đức Thế tôn, khi quốc vương thỉnh mời vị pháp sư bước lên pháp tòa, thì cũng có một phần vì chúng con mà đốt các danh hương hiến cúng kinh vua này. Bạch đức Thế tôn, khói hương ấy, trong khoảnh khắc, bay lên không gian, bay đến cung điện của chúng con, và biến thành hương cái ở trong không gian. Chư thiên chúng con liền nghe được hơi thơm của danh hương, và thấy khói hương có ánh sáng màu hoàng kim, chiếu rực cung điện của chúng con, chiếu đến cung điện của Phạn vương, của Đế thích, của Đại biện tài thiên, của Đại cát tường thiên, của Kiên lao địa thần, của Chánh liễu tri đại tướng, của chư thần hai mươi tám bộ dược xoa, của Đại tự tại thiên, của Kim cang mật chủ, của Bảo hiền đại tướng, của quỉ mẫu Ha lị để và năm trăm quỉ tử, của long vương hồ Vô nhiệt não, của long vương Đại dương. Bạch đức Thế tôn, chư thiên chư thần như vậy, nơi cung điện của mình, ai cũng thấy khói hương ấy trong khoảnh khắc biến thành hương cái, nghe hơi thơm của khói hương và thấy ánh sáng của khói hương đến khắp tất cả cung điện của chư thiên chư thần.
Đức Thế tôn bảo bốn thiên vương, khói hương ấy, với hơi thơm và ánh sáng, không phải chỉ bay đến, biến thành hương vân hương cái và phóng ánh sáng lớn ở những cung điện [mà các người thấy được]. Khói hương do chính tay quốc vương tự bưng lò hương mà đốt lên để hiến cúng kinh vua ấy, trong khoảnh khắc, còn bay đến khắp đại thiên thế giới này với trăm ức nhật nguyệt, trăm ức núi Diệu cao, trăm ức bốn đại lục. Tại cung điện của tất cả tám bộ trong đại thiên thế giới này, khói hương ấy tràn đầy không gian, biến thành hương vân và hương cái, ánh sáng màu hoàng kim của vân cái này chiếu khắp cung điện chư thiên [và chư thần]. Tất cả hương vân và hương cái trong đại thiên thế giới này toàn là do cái lực của uy thần kinh vua Ánh sáng hoàng kim. Nhưng không phải khói hương do chính tay quốc vương bưng lò đốt lên hiến cúng kinh vua này chỉ bay đến khắp đại thiên thế giới này, mà, trong khoảnh khắc, cũng bay đến khắp vô lượng quốc độ của chư vị Như lai. Ở trên các Ngài, trong không gian, khói hương cũng [kết thành hương vân và] biến thành hương cái, chiếu ra ánh sáng hoàng kim. Đức Như lai nào cũng nghe hơi thơm của khói hương nhiệm mầu ấy, cũng nhìn thấy hương vân hương cái và ánh sáng hoàng kim ấy hiện ra khắp nơi vô lượng chư vị Như lai, thì chư vị Như lai cùng quan sát, và khác miệng cùng tiếng mà tán dương vị pháp sư, rằng lành thay bậc đại trượng phu, ông có năng lực quảng bá bản kinh sâu xa mầu nhiệm! Như thế là ông đã thành tựu cái khối phước đức bất khả tư nghị. Ai lắng nghe ông giảng kinh này thì cái lượng công đức có được thật quá nhiều, huống chi sao chép, tiếp nhận, ghi nhớ, nghiên cứu, tụng thuộc, diễn nói cho người, làm đúng kinh dạy. Tại sao, vì, thiện nam tử, ai nghe bản kinh Ánh sáng hoàng kim này thì không còn thoái chuyển nữa đối với vô thượng bồ đề. Chư vị Như lai trong vô lượng quốc độ còn khác miệng cùng tiếng, ngồi ngay trên pháp tòa mà tán dương vị pháp sư, rằng lành thay thiện nam tử, trong đời sau, ông do tinh tiến lực mà tu được vô số khổ hạnh, đầy đủ hai loại tư lương phước đức và trí tuệ, siêu việt trên hiền thánh, vượt ra quá ba cõi, làm bậc tối tôn tối thắng, sẽ ngồi dưới bồ đề thọ vương một cách trang nghiêm thù thắng, năng lực cứu được chúng sinh có liên hệ với mình (56) ở trong đại thiên thế giới, khéo léo thắng được ma quân hình nghi đáng sợ, thực hiện cái tuệ giác biết các pháp một cách hơn hết, trong sáng, rất sâu, không gì trên nữa, rất chính xác và cùng khắp. Thiện nam tử, ông sẽ ngồi trên kim cang tòa, chuyển cái pháp luân vô thượng, được chư vị Như lai tán dương, đủ cả mười hai hành tướng mầu nhiệm, cực kỳ sâu xa. Ông gióng trống pháp vô thượng rất lớn, thổi loa pháp vô thượng rất mầu, dựng cờ pháp vô thượng rất cao, đốt đuốc pháp vô thượng rất sáng, mưa nước pháp vô thượng rất ngọt, cắt đứt vô lượng phiền não kết thắt, làm cho vô lượng chúng sinh vượt qua biển cả đáng sợ mà không bến bờ, chấm dứt sự luân hồi bất tận của sinh tử, gặp được vô lượng chư vị Như lai.
Bốn thiên vương lại thưa, bạch đức Thế tôn, kinh Ánh sáng hoàng kim này, trong hiện tại vị lai, thành tựu được vô lượng công đức như vậy. Thế nên quốc vương nào được nghe bản kinh mầu nhiệm này là vì đã gieo trồng thiện căn nơi vô lượng chư vị Thế tôn. Chúng con sẽ hộ trì cho quốc vương ấy. Lại vì nhìn thấy vô lượng phước đức, nên bốn thiên vương chúng con, cùng với vô lượng chư thần tùy thuộc, khi tại cung điện của mình thấy khói hương biến hiện hương vân hương cái, thì ẩn mình đi, vì để được nghe pháp nên đến chỗ thuyết pháp là cung điện bậc nhất của hoàng cung quốc vương. Các vị Phạn vương, Đế thích, Đại biện tài thiên, Đại cát tường thiên, Kiên lao địa thần, Chánh liễu tri đại tướng, chư thần hai mươi tám bộ dược xoa, Đại tự tại thiên, Kim cang mật chủ, Bảo hiền đại tướng, quỉ mẫu Ha lị để và năm trăm quỉ tử, long vương hồ Vô nhiệt não, long vương Đại dương, vô lượng chư thiên và dược xoa cũng vì để được nghe pháp nên ẩn mình mà đến chỗ đặt pháp tòa cao để thuyết pháp là cung điện bậc nhất của quốc vương. Bạch đức Thế tôn, bốn thiên vương chúng con, với chư thần dược xoa tùy thuộc, sẽ một lòng cùng quốc vương làm thiện tri thức cho nhau. Vì ông là đại thí chủ pháp thí, đem cam lộ vị mà sung mãn cho chúng con, nên chúng con sẽ hộ vệ cho ông, loại trừ tai họa cho ông, làm cho ông được yên ổn, lại làm cho hoàng cung, quốc gia và quốc dân của ông tiêu tan được mọi thứ tai biến.
Bốn thiên vương lại cùng nhau chắp tay mà thưa, bạch đức Thế tôn, nếu quốc vương nào trong quốc gia của mình có kinh này mà chưa quảng bá bao giờ, muốn rời bỏ, không thích lắng nghe, không hiến cúng ca tụng, thấy người trong bốn bộ đệ tử Thế tôn thọ trì kinh này cũng không tôn trọng hiến cúng, làm cho chúng con cùng thân thuộc, và vô lượng chư thiên, không ai được nghe diệu pháp rất sâu xa, mất vị cam lộ, mất nước chánh pháp, không còn uy quang và thế lực, nẻo dữ thêm lên, người trời bớt đi, rơi sông sinh tử, mất đường niết bàn. Bạch đức Thế tôn, bốn thiên vương chúng con, và những dược xoa tùy thuộc của chúng con, thấy như vậy nên bỏ quốc gia ấy, không có lòng nào hộ vệ. Chẳng những chúng con bỏ quốc gia của quốc vương ấy, mà các đại thiện thần có thệ nguyện hộ vệ đất nước cũng bỏ mà đi. Bỏ đi rồi, quốc gia ấy có đủ loại tai họa. Vị thế quốc gia bị mất (57) . Quốc dân không có thiện tâm. Chỉ có tù đày, tàn hại, hận thù, đấu đá, dèm pha, dua nịnh, cô thế oan khuất, tật dịch hoành hành, sao chổi thường xuất hiện, hai mặt trời cùng xuất hiện (58) , nhật thực nguyệt thực bất thường, hai cầu vồng đen trắng xuất hiện, sao sa, địa chấn, lòng giếng phát tiếng, mưa bạo, gió dữ, thời tiết hổn loạn, đói, mất mùa, kẻ thù và giặc giã thường từ xứ khác đến cướp phá xâm lược, quốc dân khổ sở, đất nước không có chỗ nào bình yên. Bạch đức Thế tôn, khi bốn thiên vương chúng con, vô lượng chư thiên thiện thần, cùng với thiện thần cũ hộ vệ quốc gia ấy, đều xa lánh cả, thì quốc gia ấy sinh ra lắm sự tai quái dữ dằng như vậy.
Bạch đức Thế tôn, quốc vương nào muốn quốc gia vui vẻ, muốn quốc dân yên ổn, muốn chiến thắng ngoại địch cho đất nước thịnh vượng, muốn lưu bố chánh pháp cho nỗi khổ điều dữ tan biến, thì, bạch đức Thế tôn, quốc vương ấy nên lắng nghe kinh vua nhiệm mầu này, nên hiến cúng những người thọ trì kinh này. Làm như vậy thì chúng con với vô lượng chư thiên thiện thần, do cái thiện căn lực lắng nghe chánh pháp và uống cam lộ vị mà gia tăng thắng ích cho chúng con, cho tùy thuộc của chúng con, cho chư thiên thiện thần, tại sao, vì quốc vương ấy hết lòng lắng nghe tiếp nhận kinh này.
Bạch đức Thế tôn, vì chúng sinh mà Phạn vương thường nói những luận thuyết xuất thế, mà Đế thích nói những luận thuyết đa dạng, và các tiên nhân ngũ thông cũng nói mọi thứ luận thuyết. Phạn vương, Đế thích và tiên nhân ngũ thông tuy có vô số luận thuyết, nhưng đức Thế tôn vì thương nhân loại và chư thiên mà tuyên thuyết kinh Ánh sáng hoàng kim thì, so với những luận thuyết trên, phẩm chất hơn đến vô số bội số, không thể nào ví dụ được nữa. Tại sao? Vì kinh ấy có năng lực làm cho bao nhiêu quốc vương của đại lục Thiệm bộ đều đem chánh pháp mà phục vụ quốc gia, có năng lực ban cho chúng sinh mọi sự an lạc, làm cho bản thân các quốc vương, cho hoàng gia và quốc dân của các quốc vương ấy, đều không bị khổ não, không bị giặc thù xâm lăng tàn hại, mọi sự dữ dằng đều đi rất xa, đất nước trừ hết tai họa, hoán cải bằng chánh pháp mà không còn mọi sự tranh tụng. Do vậy, các quốc vương mỗi người nơi quốc gia của mình hãy đốt lên ngọn đuốc chánh pháp mà soi sáng vô tận, tăng thêm chư thiên và tùy thuộc của chư thiên. Bạch đức Thế tôn, bốn thiên vương chúng con với vô lượng chư thiên thiện thần, bộ chúng dược xoa, với bao nhiêu chư thiên thiện thần trong đại lục Thiệm bộ, do việc làm của quốc vương ấy mà được uống cam lộ vị tối thượng, được đại uy đức, thế lực và ánh sáng có đủ tất cả, và tất cả chúng sinh cũng được yên ổn; vị lai thì vô số kiếp thường hưởng hạnh phúc; được gặp chư vị Thế tôn, gieo trồng thiện căn, để rồi chứng được vô thượng bồ đề. Vô lượng thắng ích như vậy toàn là do đức Thế tôn đem đại từ bi quá hơn Phạn vương, đem đại trí tuệ quá hơn Đế thích, đem đại khổ hạnh quá hơn các tiên nhân ngũ thông, đem những sự trải qua vô số kiếp ấy, vì chúng sinh mà tuyên thuyết bản kinh nhiệm mầu này, làm cho tất cả quốc vương và dân chúng trong toàn cõi đại lục Thiệm bộ hiểu được, trong phạm vi thế gian, những phương thức quản trị quốc gia và cải hóa quốc dân. Nhờ kinh này quảng bá mà nơi nào cũng được yên vui. Cái phước như vậy toàn là do từ bi lực của đức Thích tôn, vị thầy cao cả của chúng con, quảng bá rộng rãi kinh này. Bạch đức Thế tôn, vì vậy mà các quốc vương hãy thọ trì, hiến cúng cung kính tôn trọng tán dương bản kinh vua nhiệm mầu này. Tại sao, vì bản kinh này đem những phước đức bất khả tư nghị như vậy mà lợi ích tất cả, nên còn mệnh danh là bản kinh Chúa tể tối thượng. Bấy giờ đức Thế tôn dạy bốn thiên vương, các người, và tùy thuộc của các người, cùng với vô lượng chư thiên, thấy quốc vương nào hết lòng lắng nghe, hiến cúng cung kính tôn trọng tán dương kinh này, thì hãy hộ trì cho quốc vương ấy hết mọi suy tổn, và như vậy cũng làm cho các người hưởng thụ yên vui. Trong bốn bộ đệ tử của Như lai, ai quảng bá được kinh vua này, thì thế là ngay trong nhân loại và chư thiên, những người ấy làm việc Phật làm một cách rộng lớn, đem lại thắng ích cho vô số chúng sinh. Những người như vậy, bốn thiên vương các người hãy thường xuyên hộ vệ, đừng để họ bị việc khác quấy nhiễu. Hãy làm cho thân tâm của những người như vậy được yên tĩnh để quảng bá kinh vua này tồn tại liên tục, lợi ích chúng sinh cho đến cùng tận thì gian vị lai.
Bây giờ Đa văn thiên vương từ chỗ ngồi đứng dậy mà thưa, bạch đức Thế tôn, con có một minh chú tên là Ngọc như ý. Người nào ưa thích thọ trì minh chú ấy thì công đức vô lượng. Con luôn luôn hộ vệ cho người ấy rời khổ được vui, có năng lực hoàn thành hai loại tư lương phước đức và trí tuệ. Muốn thọ trì minh chú ấy thì trước hết phải trì tụng minh chú giữ gìn bản thân. Đa văn thiên vương liền nói minh chú giữ gìn bản thân: Nam mô, Vai sra va na da ma ha ra ja da, tát da tha, ra, ra, ra, ra, ku nu, ku nu, khu nu, khu nu, sa pa, sa pa, ma ha vi ka ra ma, ma ha vi ka ra ma, ma ha ra ja, rát sa, rát săn tu, năng, sa ra, sát toa năng, soa ha. (Namo Vaisravanayamaharajaya tadyatha ra ra ra ra kunu kunu khunu khunu sapa sapa mahavikarama mahavikarama maharaja raksa raksantu nam sarva sattvanam svaha).
Bạch đức Thế tôn, trì tụng minh chú này thì phải lấy chỉ trắng mà trì tụng bảy biến, mỗi biến thắt một gút, rồi buộc vào sau khuỷu tay, thì việc giữ gìn bản thân được thành tựu. Kế đó, phải tắm rửa sạch sẽ, mặc đồ sạch sẽ, rồi đem các hương liệu như an tức, chiên đàn, long não, tô hạp, đa yết la, huân lục, mỗi phần bằng nhau, trộn chung lại, tự tay bưng lò hương mà đốt hương liệu ấy để hiến cúng. Rồi ở trong cái phòng yên tĩnh (59) mà trì tụng mình chú triệu thỉnh con, Đa văn thiên vương. Đa văn thiên vương liền nói minh chú triệu thỉnh: Nam mô, Vai sra va na da, nam mô, Đa na đa da, Đa nết va ra da, a ka sá, a pa ri mi ta, đa nết va ra, pa ra ma, ka ru ni ka, sa va, sát toa hi ta chin ta, ma ma, đa na, va đa pa dê, soa dăm, a ka sa, soa ha. (Namo Vaisravanya namo Danadaya Danesvaraya akarsa aparimita danesvara parama karunika sarva sattvahitacinta mama dana vardhaparye svayam akarsa svaha).
Trì tụng minh chú này bảy biến rồi mới trì tụng minh chú căn bản là minh chú Ngọc như ý. Muốn trì tụng minh chú Ngọc như ý thì trước hết phải xướng hồng danh mà kính lạy Tam bảo, rồi lạy con, [với lời này: kính lạy] Đa văn thiên vương, người có năng lực ban cho tiền tài bảo vật, làm cho sở cầu mãn nguyện, thành tựu an lạc. Xướng lạy như vậy rồi trì tụng minh chú Ngọc như ý của con, Đa văn thiên vương, minh chú có năng lực đem cho người sự vui vẻ tùy ý. Đa văn thiên vương liền đối trước đức Thế tôn mà nói minh chú Ngọc như ý: Nam mô, rát na tra da da, nam mô, Vai sra ma na da, ma ha ra ja da, tát da tha, si mi, si mi, su mu, su mu, chăn đa, chăn đa, cha rê, cha rê, sa ra, sa ra, ka ra, ka ra, ki ri, ki ri, ku ru, ku ru, mu ru, mu ru, chu ru, chu ru, sa đa da, át ma năm, nít dăm, ăn ta ra, đa tu, soa ha; nam mô, Vai sra ma na da, soa ha, đa na đa da, soa ha, na mô ra tha, pa ri pu ri ka da, soa ha. (Namo ratnatrayaya namo Vaisramanaya maharajaya tadyatha simi simi sumu sumu canda canda care care sara sara kara kara kiri kiri kuru kuru muru muru curu curu sadaya atmanam nityam antara dhatu svaha; namo Vaisramanaya svaha dhanadaya svaha namoratha paripurikaya svaha).
[Bạch đức Thế tôn], thọ trì minh chú Ngọc như ý thì trước hết tụng một ngàn biến, sau đó, nơi trong tịnh thất (60) dùng cù ma (61) bôi đất, làm một đàn tràng nhỏ. Tùy thời mà đem ẩm thực nhất tâm hiến cúng. Thường xuyên đốt hương quí, sao cho khói hương không ngớt. Rồi tụng minh chú Ngọc như ý, ngày đêm tập trung tâm trí vào đó. Tụng sao chỉ tai mình tự nghe, đừng để ai biết. Thì bấy giờ sẽ có con của con, Đa văn thiên vương, tên là vương tử Thiền ni si, hiện thân đồng tử, đến chỗ người trì tụng, hỏi người cần gì mà kêu gọi phụ vương của tôi? Người trì tụng hãy trả lời, rằng tôi muốn hiến cúng Tam bảo nên cần tiền của, xin thiên vương ban cho. Vương tử Thiền ni si nghe lời ấy rồi, tức tốc trở về, tâu với con, rằng thưa phụ vương, nay có thiện nhân muốn chí thành hiến cúng Tam bảo mà thiếu tiền của, vì vậy mà triệu thỉnh phụ vương. Con bảo, con đi gấp đi, mỗi ngày đem cho thiện nhân ấy một trăm ca lị sa ba na (62) . Người thọ trì minh chú thấy như vậy thì biết việc thành được. Hãy một mình ở trong tịnh thất ấy, đốt hương mà nằm. Đặt một cái hộp thơm bên giường. Mỗi sáng sớm nhìn vào sẽ được của mình cầu. Mỗi khi được của thì nội ngày ấy hãy hiến cúng Tam bảo bằng hương hoa ẩm thực, lại đem cho những người nghèo thiếu. Phải sử dụng như vậy cho hết, không được cất giữ. Đối với chúng sinh phải sinh tâm từ bi, không được sinh lòng giận dữ, dối trá, dua nịnh, tác hại. Giận dữ thì tức khắc mất linh nghiệm. Phải thường xuyên giữ cho tâm chớ có giận dữ. Lại nữa, thọ trì minh chú Ngọc như ý thì mỗi ngày tưởng nhớ đến con, Đa văn thiên vương, cùng với con trai con gái thân quyến của con, ca tụng, tán dương, và thường đem mười thiện nghiệp mà hỗ trợ cho nhau, làm cho chư thiên chúng con phước lực càng sáng, thiện nghiệp càng lớn, chứng được bồ đề. Chư thiên chúng con thấy như vậy thì ai cũng rất hoan hỷ, cùng đến hộ vệ cho người thọ trì minh chú. Người thọ trì minh chú ấy thọ lượng lâu dài, vĩnh ly ba nẻo đường dữ, thường xuyên tuyệt hết tai nạn. Người ấy cũng được làm cho được ngọc như ý, được kho tàng ẩn trong lòng đất, thần lực tự tại, sở nguyện thành cả. Cầu quan chức, vinh hoa, không có gì không vừa ý. Lại còn hiểu được tiếng nói của chim muông.
Bạch đức Thế tôn, thọ trì minh chú Ngọc như ý mà muốn nhìn thấy con tự hiện thân, thì ngày tám hoặc ngày rằm mỗi tháng, lấy vải trắng vẽ tượng đức Thế tôn, bằng cách dùng nhựa cây và nhiều màu mà tô vẽ. Người vẽ tượng phải được truyền thọ cho giới Bát quan trai. Bên trái tượng đức Thế tôn thì vẽ tượng Cát tường thiên nữ, bên phải tượng đức Thế tôn thì vẽ con, Đa văn thiên vương. Lại vẽ con trai con gái thân quyến của con. Rồi đặt để cho đúng phép. Bày ra bông hoa đủ màu, đốt lên hương liệu danh tiếng. Thắp đèn sáng luôn, ngày đêm không tắt. Aẫm thực thượng hạng và tinh tế, những thứ quí lạ, đều đem lòng thiết tha mà hiến cúng theo lúc. Thọ trì minh chú Ngọc như ý thì không được với tâm trí dễ dãi. Và khi triệu thỉnh con thì tụng minh chú này: Na ma hơ, Sri, kăn na da, bút đa da, nam mô, Vai sra ma na da, dát sa ra ja da, ma ha ra ja, a đi ra ja da, na ma hơ, sri dê, ma ha đêv dê, tát da tha, ta ra, ta ra, tu ru, tu ru, ba la, ba la, su sút đi, ha na, ha na, ma ni ka na ka, va rát vai đu ry da, múc ti ka lăm kri ta, sa ra ra da, sar va sát toa, hi ta ka ma, Vai sra ma na sri da, đê vi pra đa ya, ê hi, ê hi, ma vi lăm ba, gu ri na, gu ri na, pra si da, pra si da, đa đa hi, ma ma, a na ka na ma da, đa sá na, ka ma si da, đa săn năn, ma ma, ma na, pa ri ha ra đa da, soa ha. (Namah Sri kannaya buddhaya namo Vaisramanaya yaksarajaya maharaja adhirajaya namah sriye mahadevye tadyatha tara tara turu turu bala bala susuddhi hana hana manikanaka vajravaidurya muktikalamkrsta sariraya sarvasattva hitakama Vaisramanasriya devipradhaya ehy ehi mavilamba ghurna ghurna prasya prasya dadhahi mama amakanamaya darsana kamasya darsanan mama mana pariharadhaya svaha).
Bạch đức Thế tôn, nếu con thấy người ấy tụng trì minh chú, lại thấy hiến cúng trang trọng như vậy, thì thương mến và hoan hỷ. Con liền biến thể làm thân thiếu nhi, thân lão trượng, hay thân Bí sô, tay cầm ngọc như ý và túi vàng mà vào đạo tràng, thân thì thể hiện tôn kính, miệng thì niệm hồng danh của đức Thế tôn, rồi nói với người thọ trì minh chú Ngọc như ý, rằng tùy người cầu gì tôi cũng làm cho như nguyện. Muốn ẩn rừng rú, muốn chế tạo ngọc, muốn mọi người yêu mến, muốn những thứ bạc vàng, muốn trì minh chú nào cũng linh nghiệm, muốn thần thông, trường thọ, thắng diệu lạc, không có gì không vừa ý. Tôi nay chỉ nói mấy việc như vậy. Muốn cầu gì nữa thì cũng tùy ý thành tựu. Kho báu thì vô tận, phước đức thì vô cùng. Giả sử mặt trời mặt trăng sa xuống mặt đất, hoặc đại địa có lúc di chuyển vị trí, lời nói chắc thật của tôi cũng không bao giờ vô hiệu quả, yên vui thường có, hạnh phúc tùy tâm.
Bạch đức Thế tôn, có ai thọ trì kinh vua Ánh sáng hoàng kim mà đọc tụng minh chú Ngọc như ý, thì không mượn sự mệt nhọc nhiều lắm mà linh nghiệm vẫn mau chóng thành tựu. Bạch đức Thế tôn, nay con vì bao kẻ nghèo nàn, khốn khó, khổ não, mà tuyên thuyết minh chú Ngọc như ý là để cho họ được lợi ích lớn lao, được giàu vui, tự tại, vô bịnh, cho đến suốt đời vẫn được con hộ vệ, theo dõi người thọ trì minh chú mà loại trừ cho họ bao nhiêu tai ách. Con lại làm cho những người quảng bá mà duy trì kinh vua Ánh sáng hoàng kim, và những người thọ trì minh chú Ngọc như ý, trong chu vi mỗi phía trăm bước, được ánh sáng chiếu đến. Cả ngàn thần dược xoa của con cũng thường hộ vệ, tùy ý sai sử, họ làm vừa lòng cả. Con nói chân thành, không rỗng, không dối, chỉ có đức Thế tôn chứng biết cho con.
Bấy giờ, khi Đa văn thiên vương nói về minh chú Ngọc như ý rồi, đức Thế tôn dạy, rằng lành thay thiên vương, ông có năng lực xé nát mạng lưới nghèo khổ cho chúng sinh, làm cho họ giàu, vui, nên đã tuyên thuyết minh chú Ngọc như ý. Ông lại làm cho kinh vua này quảng bá cả thế giới.
Bốn vị thiên vương cùng từ chỗ ngồi đứng dậy, vắt vạt áo một bên vai, đảnh lễ ngang chân đức Thế tôn, rồi gối bên phải quì xuống chấm đất, chắp tay cung kính, đem chỉnh cú tuyệt diệu mà tán dương đức Thế tôn.
(1) Khuôn mặt Thế tôn
như trăng tròn sáng,
như ngàn mặt trời
phóng ánh quang minh.
Mắt trong dài rộng
như cánh sen xanh.
Răng thì đều khít
trắng như tuyết ngọc.
(2) Đức tính Thế tôn
vô biên như biển,
bao phẩm chất quí
dồn lại ở đây;
nước đại giác tuệ
được giữ dẫy đầy,
ngọc đại thắng định
sung mãn trong đó.
(3) Bàn chân chỉ tròn
bố trí tuyệt đẹp,
bằng phẳng vững vàng
như bánh xe êm (63) .
Các ngón tay chân
có mạng tuyệt đẹp,
tựa như mạng chân
của con nga vương.
(4) Thân thể Thế tôn
núi vàng sáng rực,
trong sạch đặc thù
không ai sánh bằng,
lại đầy phước đức
như núi Diệu cao:
chúng con kính lạy
Núi chúa như vậy.
(5) Tướng hảo vô lượng
tựa như không gian,
phóng ra ánh sáng
hơn ngàn mặt trời;
coi như huyễn ảo
bất khả tư nghị:
chúng con kính lạy
đấng Không vướng mắc.
Bốn thiên vương tán dương đức Thế tôn rồi, Ngài cũng nói lại bằng những chỉnh cú sau đây.
(6) Ánh sáng hoàng kim
kinh tối thượng này
là được tuyên thuyết
bởi đấng Vô thượng.
Thiên vương các người
hãy thường hộ vệ;
hãy có tâm chí
dũng mãnh bất thoái.
(7) Kinh này quí báu
cùng cực sâu xa,
năng lực làm cho
chúng sinh yên vui.
Bởi vì làm cho
chúng sinh yên vui,
nên thường lưu hành
đại lục Thiệm bộ.
(8) Nhưng làm cho cả
đại thiên thế giới
bao loại chúng sinh
trong thế giới ấy,
nhất là địa ngục
ngạ quỉ bàng sinh,
những nẻo khổ ấy
đều được loại trừ.
(9) Những vị quốc vương
toàn cõi Thiệm bộ,
cùng với bao nhiêu
quốc dân của họ,
cái lực kinh này
làm cho hoan hỷ,
và được hộ vệ
giữ cho thanh bình.
(10) Tất cả nhân loại
trong đại lục này
không bịnh không khổ
không giặc không cướp;
nhờ trong quốc gia
quảng bá kinh này,
quốc dân yên ổn
sung túc vui thỏa.
(11) Những ai lắng nghe
bản kinh vua này,
muốn cầu cao sang
cầu tài cầu lợi,
cầu cho đất nước
phong phú thái bình,
tùy tâm cầu nguyện
thỏa mãn tất cả.
(12) Giặc từ xứ khác
cũng làm lui mất,
trong quốc gia mình
thường sống yên ổn;
chính nhờ cái lực
của kinh vua này
mà thoát khổ não
mà không lo sợ.
(13) Tựa như cây ngọc
ở chính trong nhà
thì sinh tất cả
công cụ hạnh phúc;
bản kinh tối thượng
cũng là như vậy,
ban cho quốc vương
bao nhiêu thắng phước.
(14) Như nước trong sạch
mà lại mát ngọt,
thì trừ được hết
cái nóng đói khát;
bản kinh tối thượng
cũng là như vậy,
ai ưa phước lạc
làm cho thỏa mãn.
(15) Như kẻ trong nhà
có hộp ngọc quí,
thì sự hưởng dụng
toàn theo ý muốn;
bản kinh tối thượng
cũng là như vậy,
phước lạc tùy tâm
không thiếu thốn gì.
(16) Thiên vương các người
cùng với chư thiên
hãy nên hiến cúng
bản kinh vua này;
phụng trì kinh này
theo lời Như lai,
thì đủ tất cả
trí tuệ uy thần.
(17) Hiện tại mười phương
chư vị Như lai
cùng nhau hộ trì
bản kinh vua này;
thấy ai đọc tụng
thọ trì kinh này
thì khen lành thay,
rất là hiếm có!
(18) Những ai lắng nghe
bản kinh vua này,
thân tâm phấn chấn
hoan hỷ tràn ngập;
thường có trăm ngàn
bộ chúng dược xoa
ở đâu cũng theo
mà hộ vệ cho.
(19) Thế giới hệ này
bộ chúng chư thiên
số lượng vô lượng
không thể nghĩ bàn,
ai cũng lắng nghe
bản kinh vua này
hoan hỷ hộ vệ
chứ không thoái chuyển.
(20) Những ai lắng nghe
bản kinh vua này,
thì uy đức mạnh
thì tự tại luôn;
làm cho tăng thêm
nhân loại chư thiên,
làm hết suy bại
làm thêm ánh sáng.
Bốn thiên vương nghe những lời chỉnh cú này rồi hoan hỷ phấn chấn, thưa rằng bạch đức Thế tôn, từ xưa đến nay chúng con chưa từng được nghe pháp âm thậm thâm vi diệu như thế này, trong lòng vừa mừng vừa tủi, mắt mũi trào nước, cả người chấn động, chứng được sự thể hiếm có, bất khả tư nghị. Các thiên vương liền lấy thiên hoa mạn đà và đại mạn đà tung rải trên đức Thế tôn. Họ hiến cúng một cách thù thắng như vậy rồi, lại thưa, bạch đức Thế tôn, bốn thiên vương chúng con ai cũng có năm trăm dược xoa tùy thuộc, sẽ thường xuyên hộ vệ kinh này, và vị pháp sư tuyên thuyết kinh này, đem ánh sáng trí tuệ mà hỗ trợ. Vị pháp sư ấy có quên chữ nghĩa nào trong kinh vua này, thì chúng con làm cho vị ấy nhớ lại, không quên. Chúng con cũng hiến cho vị pháp sự ấy minh chú thù thắng, để vị ấy được toàn hảo. Lại làm cho bản kinh vua tối thượng này ở đâu thì quảng bá cho người, không mau chóng ẩn mất.
Khi ở trong đại hội, đức thế tôn tuyên thuyết pháp thoại này, thì vô lượng chúng sinh được sự hùng biện đầy trí lớn thông minh, thu thập cái khối phước đức vô số lượng, rời lo buồn, phát hoan hỷ, khéo hiểu mọi thứ luận thuyết, bước lên trên đường thoát ly, không còn thoái chuyển mà mau chóng chứng được vô thượng bồ đề. Chú thích:
(55) Đoạn nhỏ này có lược mấy câu.
(56) Chúng sinh có liên hệ với mình, chính văn là hữu duyên chúng sinh.
(57) Tức như nói mất chủ quyền, độc lập.
(58) Tức như nói nhiệt độ gấp đôi.
(59) Chính văn là tịnh thất.
(60) Tịnh thất: cái phòng sạch sẽ.
(61) Cù ma (gomaya) là ngưu phấn. Coi ghi chú 69 .
(62) Ngài Nghĩa tịnh tự ghi: Ca li sa ba na (karsapana) đúng ra chỉ là bối xỉ (bối xỉ là vỏ sò, xưa lấy làm tiền tiêu). Nhưng tùy xứ mà chữ ấy có nơi là bối xỉ, có nơi là tiền kim loại. Xứ Ma kiệt đà thì 1 karsapana ăn 1600 bối xỉ (1 bối xỉ ăn 16 hay 19 tiền cổ). Nhưng có Phạn bản chép mỗi ngày cho 100 trần na ra (tiền vàng). Trì chú này thì suốt đời ngày nào cũng được cho như vậy. Ấn độ cầu nguyện đa số linh nghiệm, trừ ra không dốc lòng. (Chính 16/431).
(63) Dịch đủ là như vành bánh xe có cả ngàn cái díp.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.21.46.24 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.