Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình.
Kinh Pháp cú
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó.
Kinh Pháp cú
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Quyển thứ tư
Tụng thứ tư
Yên đồng hoại sắc y
Tỷ đồng ẩm thúy khí
Châm đồng phi bảo vật
Nhãn được hợp tinh trùy.
Phật ở thành Thất La Phạt. Cụ Thọ Ô Ba Ly bạch Thế Tôn:
- Như Thế Tôn dạy cho phép các Bí-sô được giữ ống khói, không biết được dùng bằng vật liệu gì?
Phật dạy:
- Trừ vật liệu quí, ngoài ra đều được cất giữ.
Như Thế Tôn dạy: Cho phép các Bí-sô mặc y hoại sắc, không biết làm bằng vật liệu gì?
Phật dạy:
- Ðược phép dùng bảy loại sợi để làm, và tùy ý cất giữ.
- Cho phép các Bí-sô dùng ống thông mũi, không biết dùng bằng vật liệu gì?
Phật dạy:
- Trừ vật quí.
- Cho phép các Bí-sô dùng chén uống nước, không biết được dùng bằng vật liệu gì?
Phật dạy:
- Trừ vật liệu quí.
- Cho các Bí-sô được giữ ống đựng kim không biết được dùng bằng vật liệu gì?
Phật dạy:
- Trừ vật liệu quí.
- Cho phép các Bí-sô được giữ que chấm thuốc nhỏ mắt và vật nhỏ đựng thuốc. Không biết được dùng bằng vật liệu gì?
Phật dạy:
- Trừ vật quí, ngoài ra được phép giữ.
Tụng thứ năm.
Dược khí cập cù du
Thừa túc khô tả dược
Bí-sô bất ưng tác
Ðương trạch tử nhân y.
Duyên xứ như trước. Cụ thọ Ô Ba Ly bạch Thế Tôn:
- Như Thế Tôn dạy: Cho phép các Bí-sô được chứa vật dụng đựng thuốc, nên dùng bằng vật gì?
Phật dạy:
- Trừ các vật quí.
- Cho phép các Bí-sô cất dùng tấm thảm, vậy được sử dụng loại nào?
Phật dạy:
- Thảm dệt bằng bảy loại sợi, có thể giữ sử dụng.
- Cho phép các Bí-sô khi rửa chân được sử dụng vật lót chân cho khô. Vậy được phép dùng loại gì?
Phật dạy:
- Trừ vật quí.
Duyên xứ như trước. Có trưởng giả bị bệnh nặng, đến thầy thuốc hỏi:
- Hiền thủ! Dùng thuốc thích hợp để trị bệnh cho tôi.
Thầy thuốc đáp:
- Trước hết ăn vật có chất trơn nhớt để bệnh thay đổi, sau đó có thể uống thuốc xổ.
Trưởng giả nghe lời, uống dầu bơ. Có Bí-sô là chỗ trưởng giả thường cúng dường đến nhà thăm hỏi bệnh tình, sức khỏe có an ổn không?
Người bệnh đáp:
- Thánh giả! Tôi bị bệnh khó tiêu, thầy thuốc cho uống dầu bơ, sau đó dùng thuốc xổ.
Bí-sô bảo trưởng giả:
- Tôi giỏi nghề thuốc. Ngài đem tiền mua thuốc mà trị bệnh đưa cho tôi. Tôi có thuốc xổ đưa cho ngài.
Trưởng giả nghe vậy nói:
- Rất tốt!
Bí-sô đưa thuốc cho trưởng giả dùng.
Bấy giờ trưởng giả dùng thuốc công phạt quá mạnh vội vàng sai người đến thầy thuốc hỏi:
- Hiền thủ! Gia chủ tôi dùng thuốc bị xổ mãi không cầm.
Thầy thuốc hỏi:
- Ai đưa thuốc?
Trả lời:
- Một Bí-sô đưa.
Thầy thuốc nghe xong rất tức giận:
- Người nên đến hỏi ông ta đó là thuốc gì?
Người này vội đến chỗ Bí-sô để hỏi. Bấy giờ trưởng giả đã chết mất.
Các Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:
- Này các Bí-sô! Không được bán thuốc. Nếu Bí-sô nào giỏi về thuốc, phát tâm từ bi tùy bệnh cho thuốc. Nhưng các Bí-sô không được đưa thuốc xổ cho họ rồi bỏ đi. Phải tự xem xét không được để quá độ. Giả như có việc cần đi, phải bảo người ở lại chăm sóc, sau đó mới đi, nhưng phải bảo họ, nếu thuốc công phạt quá mạnh nên lấy thuốc... mổ... để giải. Nếu Bí-sô nào nhận tiền của họ, sau đó đưa thuốc; hoặc thuê người khác làm, đều bị tội ác tác.
Duyên xứ như trước. Người kia mắc nợ trưởng giả một số tiền, lại bị câu lưu trải qua bảy tám ngày, theo giấy nợ thì kỳ hạn đã gần kề. Người mắc nợ tự nghĩ: "Ngày hẹn trả nợ đã đến mà ta không thể trả cho họ, bỏ trốn là hơn". Anh ta lại nghĩ: "Bỏ nhà chạy trốn thật là khó, nên giết họ là tốt nhất". Trưởng giả ở gần rừng Thệ Ða, bị người mắc nợ kia giết chết.
Trưởng giả khi chết có mặc y phục. Lục chúng thấy vậy, bàn với nhau:
- Nay được y phấn tảo dồi dào đầy đủ.
Họ nói xong, cùng nhau lấy y phục của trưởng giả, bấy giờ thân tộc của trưởng giả đi đến. Trông thấy như vậy, liền buông lời độc ác mắng chửi:
- Thánh giả! Ngài mặc y phục của bậc Ðại tiên mà làm việc hi pháp này, thật là kẻ giặc ti tiện.
Lục chúng trả lời:
- Ðây không phải tôi giết đâu! Do thù hằn oan trái cá nhân nên bị họ giết hại. Phần chúng tôi chỉ lấy y phấn tảo, nào có lỗi gì?
Các Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:
- Này các Bí-sô! Không được tự ý lấy đoạt y phấn tảo này. Nếu tất cả đại chúng đều biết là vật bỏ, thì mới được lấy loại y ấy. Nếu không làm như vậy, bị tội ác tác.
Tụng thứ sáu.
Thiết oa tinh chử tiêu
Tự thân bất phụ đảm
Dĩ thực cúng phụ mẫu
Mao điềm bất sung y.
Phật ở thành Thất La Phạt. Cụ Thọ Ô Ba Ly bạch Thế Tôn:
- Như Phật đã dạy: Vì dùng nước ấm cho phép các Bí-sô chứa chảo sắt lớn đậy kín. Vậy được phép dùng bằng vật liệu gì?
Phật dạy:
- Trừ vật liệu quí.
- Cho phép các Bí-sô vì nấu thuốc nên giữ chén sang thuốc. Ðược dùng bằng vật liệu gì?
Phật dạy:
- Trừ vật quí.
Duyên xứ như trước. Lục chúng Bí-sô tự gánh vác chăn lớn. Bà la môn cư sĩ thấy vậy chê rằng:
- Thánh giả! Người thế tục chúng tôi vì cha mẹ vợ con quyết thuộc phải tìm cầu y thực nên phải đem thân ra gánh vác, quí ngài vì ai mà phải làm việc nhọc nhằn như vậy.
Các Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:
- Này các Bí-sô! Không được đội, vác, gánh, ôm chăn lớn. Nếu phạm bị tội ác tác.
Duyên xứ như trước. Cư sĩ nọ lấy vợ chưa bao lâu, sinh đợc một con hình dáng đẹp đẽ, mọi người đều yêu mến. Cha vì con lập hội sơ sinh giao cho nhũ mẫu nuôi dưỡng đứa trẻ.
Người con lớn lên, theo Phật xuất gia, ngày đầu tiên mặc y mang bát vào Thành Thất La Phạt khất thực, tình cờ gặp cha. Cha hỏi:
- Con đã xuất gia?
Ðáp:
- Vâng! Con đã xuất gia.
Người cha nói:
- Thân con do ta sinh ra và nuôi nấng, ngày nay con được khôn lớn, đối với việc buồn vui phải có người chia xẻ. Nay con từ bỏ xuất gia thì ai sẽ giúp đỡ ta?
Bí-sô trả lời:
- Chẳng lẽ con phải gánh vác cả việc gia đình thế tục hay sao?
Các Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:
- Cha mẹ đối với con làm những việc khó làm, gánh vác những điều cực khổ. Nếu có xuất gia đi nữa, đối với cha mẹ cần phải giúp đỡ cung cấp.
Vị ấy không biết lấy gì cung cấp cho cha mẹ.
Phật dạy:
- Trừ y bát ra được phép cung cấp các vật khác. Nếu không có vật khác có thể tùy lúc xin của thí chủ, nếu cầu xin khó khăn, nên lấy những vật lợi dưỡng thường nhận được của tăng, gom lại cung cấp. Nếu không có lợi vật, nên lấy phần ăn của tăng chia cho mình, bớt một nửa để cung cấp. Nếu thường khất thực thì tùy theo vật họ cho, lấy phần ăn vừa đủ no của mình, chia bớt một nửa giúp cha mẹ.
Duyên xứ như trước.
Có thí chủ lập trú xứ ngay trong tụ lạc cúng dường chúng tăng, một Bí-sô già sống ở trú xứ này. Bí-sô già vì lễ bái tháp nên đến rừng Thệ Ða.
Lục chúng Bí-sô vì tham lợi dưỡng, cùng nhau lập ra qui định mỗi ngày thay nhau xem xét, sai một người thường đứng ngoài cửa. Một hôm đến phiên Ô Ba Nan Ðà trực, đi kinh hành ngoài cửa rồi đứng đó. Ô Ba Nan Ðà thấy từ xa ông lão Bí-sô đang đi đến, tự nghĩ: "Ðây là thượng tọa nào vậy, ta mau đến gặp vị ấy để lễ kính". Ðến nơi, Ô Ba Nan Ðà nói:
- Thiện lai! Thiện lai!
Bí-sô già đáp:
- Tôi xin kính lễ A Giá Lợi Da (quĩ phạm sư).
Ô Nan Ðà tự nghĩ: "Người này giả cả xuất gia, chẳng những không biết hai thầy (Bổn sư và giáo thọ sư) căn bản mà cũng chưa từng biết pháp lễ kính các vị ấy".
Ô Ba Nan Ðà ôn tồn nói rằng:
- Thiện lai lão phụ!
Sau đó đưa vị này vào rừng Thệ Ða giải lao, Ô Ba Nan Ðà bảo vị ấy tạm nghỉ.
Bí-sô già bạch rằng:
- Ðại đức Ô Ba Nan Ðà! Tôi cần đi.
Hỏi:
- Ông muốn đi làm việc gì?
Ðáp:
- Tôi lễ bái tháp xong sẽ trở lại.
Ô Ba Nan Ðà lại khuyến dụ vị ấy ở lại. Bí-sô già này nói:
- Trước đây, tôi không có ý định ở lại bên ngoài trú xứ, nên để ba y ở nhà. Do đó, tôi không thể ở lâu hơn nơi đây được.
Ô Ba Nan Ðà nói:
- Tại đây có ba y chớ nên lo lắng, tôi sẽ đưa cho ông để sử dụng.
Ô Ba Nan Ðà đưa tấm mền lông dày và tấm nệm lông dùng làm ba y và y mặc bên dưới.
Vào xế chiều, chúng tăng đánh kiền chùy, đến giờ lễ bái tháp, mọi người đều tập hợp.
Bí-sô già nói:
- Ô Ba Nan Ðà! Tôi ra ngoài một lúc để lễ bái tháp.
Ô Ba Nan Ðà nói:
- Ông già! Không có ba y làm sao lễ kính?
Ô Ba Nan Ðà lấy tấm thảm nhỏ mặc cho Bí-sô già là hạ y. Dùng dây thô làm dây buộc lưng, đem tấm nĩ hướng mặt lông ra ngoài làm Ôn đản la tăng già (y mặc trên), chồng hai tấm nỉ lên nhau hướng mặt lông ra ngoài làm Tăng già chi (trùng y). Làm như thế rồi, bảo rằng:
- Ông già! Bây giờ có thể tùy ý kính lễ.
Bí-sô già mang y phục ấy xong, đi ra khỏi phòng. Các Bí-sô thấy vậy đều nói:
- Ông già này ở đâu mà mặc y lố bịch này?
Ðáp:
- Ba y tôi mặc đều đúng như Phật chế ra, sao gọi là đùa giỡn?
Các Bí-sô hỏi:
- Người nào đưa cho ông thọ trì ba y này?
Ðáp:
- Ðại đức Ô Ba Nan Ðà.
Mọi người nghe xong đều nói:
- Trừ nhóm người ấy ra, ai lại làm việc ác như thế này!
Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:
- Y phục có lông dài, gây những lỗi như vậy. Này các Bí-sô! Tất cả những vật có lông dài đều không được lấy dùng làm ba y. Nếu ai quy phạm bị tội ác tác.
Như Thế Tôn dạy: Các Bí-sô không được giữ và dùng ba y có lông dài.
Bấy giờ có Bà la môn tịnh tín và các cư sĩ đem tấm nỉ dệt bằng lông tốt và những tấm choàng dày khác cúng dường cho các Bí-sô. Các Bí-sô nghi ngại không dám nhận, các cư sĩ nói rằng:
- Thánh giả! Nếu đức Phật Thế Tôn không xuất hiện trong thế gian thì chúng tôi chỉ biết tôn thờ ngoại đạo là hơn hết. Nay Thế Tôn giáng lâm thế giới này, chúng tôi lấy quí ngài làm phước điền cao thượng. Chúng tôi cúng dường vật mọn này, lại không được nhận. Chẳng lẽ quí ngài để cho chúng tôi mất cả tư lương tốt đẹp, để rồi đi không từ thế gian này bước qua đời khác hay sao!
Các Bí-sô này đem việc bạch Phật. Phật dạy:
- Ðược phép nhận cho họ nhưng sử dụng với ý tưởng là vật của họ. Nếu loại bằng lông ngắn nhẹ mỏng thì lấy làm y chư để thọ trì. Nếu loại bằng lông dài, dày, lớn thì phải nghĩ là vật của thí chủ kia rồi vì họ nên cất giữ.
Tụng thứ bảy.
Phát trảo tốt đổ ba
Nhiệm tác tiễn bạch sắt
Tùy ý mang đăng xứ
Nhất bạn xuất cao diêm.
Phật ở thành Thất La Phạt. Trưởng giả Cấp Cô Ðộc đến chỗ Thế Tôn, bạch rằng:
- Con muốn thu nhặt tóc, móng tay của Thế Tôn xây tháp thờ. Cầu mong Thế Tôn từ bi cho phép!
Thế Tôn bảo:
- Tùy ý.
- Xin Thế Tôn cho phép trên tháp thờ này con dùng vật liệu trắng tốt đẹp để sơn phết, con lại thắp đèn thành hàng tại nơi tháp để cúng dường.
Phật dạy:
- Tùy ý.
Trưởng giả bố trí đèn trên bậc cấp, dầu chảy làm bẩn tháp.
Phật dạy:
- Nên xếp đèn thành hàng dưới bậc cấp.
Bố trí như vậy chó đến ăn dầu làm ngã hư đèn.
Trưởng giả bạch Phật:
- Xin làm cây đèn.
Phật dạy:
- Tùy ý.
Bò đến húc ngã. Trưởng giả bạch Phật:
- Xin làm giá để đèn.
Phật dạy:
- Nên làm.
Bốn phía để đèn nên không nhìn rõ ở xa. Trưởng giả bạch Phật:
- Xin phép làm hành lang cao lên.
Phật dạy:
- Tùy ý.
Tụng thứ tám
Môn hộ tinh diêm ốc
Cập dĩ tháp hạ cơ
Xích thạch tử khoáng đồ
Thử đăng giai tùy tác.
Trưởng giả Cấp Cô Ðộc bạch Thế Tôn:
- Cho phép con làm cửa nơi chỗ trống ở tháp thờ tóc, móng Phật, làm thêm hàng lang có mái che và xây thêm nền tháp dùng đá đỏ tô trát nơi trụ, dùng bột đỏ tô trát nơi trụ, dùng bột đỏ vẽ các đồ hình.
Phật dạy:
- Tùy ý.
Tụng thứ chín.
Bất ưng dĩ quyết đinh
Cặp thăng tốt đổ ba
Khai hứa kim ngân hoa
Tháp thượng dĩ xá cái.
Bấy giờ Phật ở thành Thất La Phạt. Chúng Bí-sô khi cúng dường muốn dùng vòng hoa treo lên tháp. Ðể tiện việc leo lên, họ đóng đinh lên tháp để treo các vòng hoa.
Các Bà la môn cư sĩ nói:
- Ðại sư của quí ngài đã từ bỏ gai góc từ lâu. Tại sao ngày nay quí ngài lại dùng đinh để đóng lên.
Các Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:
- Không được dùng mũi nhọn đóng lên tháp. Nếu ai vi phạm bị tội ác tác. Nhưng khi xây tháp nên làm thêm bên ngoài những cọc gỗ hình ngà voi.
Các Bí-sô khi cúng dường, leo lên đỉnh của tháp để đặt ngọn đèn.
Phật dạy:
- Không được bố trí đèn sáng trên đỉnh nhà cao. Người nào vi phạm bị tội ác tác.
Các Bí-sô lên tháp trang hoàng phan lọng và các vật cúng dường. Bà la môn cư sĩ chê trách để lại dấu chân bất tịnh.
Phật dạy:
- Nên bảo cư sĩ làm; nếu không có cư sĩ thì bảo cầu tịch; nếu không có cầu tịch, các Bí-sô trước hết phải rửa chân thật sạch bằng nước thơm hay xoa dầu thơm lên. Làm như vậy với ý nghĩa: "Nay ta muốn cúng dường đại sư". Sau đó mới lên tháp, làm trái với trên, bị tội ác tác.
Nếu tháp quá cao lớn nên dùng dây cột với nhau từ trên xuống dưới và nắm dây leo lên trên.
Có Bà la môn cư sĩ đến chỗ tháp thờ tóc, móng tay, đều cầm vòng hoa để cúng dường, những chỗ có hoa héo không vứt bỏ nên không tinh khiết.
Phật dạy:
- Nên bỏ đi.
Trưởng giả Cấp Cô Ðộc thưa Thế Tôn:
- Con muốn dùng vàng bạc vòng hoa để cúng dường tháp.
Phật dạy:
- Tùy ý.
Trên tháp chim đậu phóng uế bất tịnh, nên muốn làm nhà che trên tháp.
Phật dạy:
- Tùy ý.
Không có đủ cửa, phòng thất bị tối tăm hư hoại.
Phật dạy:
- Tùy ý làm thêm cửa.
Tụng thứ mười.
Thiết tác tốt đổ ba
Cập dĩ kim ngân đẳng
Hứa phan kỳ cúng dường
Tinh khả dụng hương do.
Phật ở thành Thất La Phạt. Trưởng giả Cấp Cô Ðộc bạch Thế Tôn:
- Xin phép Thế Tôn cho con làm tháp bằng sắt.
Phật dạy:
- Tùy ý.
Hỏi:
- Dùng vàng, bạc, lưu ly, thủy tinh, đồng, v.v... làm được không?
Phật dạy:
- Nên làm.
Tuy đã làm tháp nhưng chưa trang hoàng muốn dùng phướn, cờ, lụa nhiều màu để trang hoàng cúng dường.
Phật dạy:
- Nên làm.
Họ không biết cách làm cờ.
Phật dạy:
- Có bốn loại cờ: là cờ sư tử, cờ trâu, cờ kim xí điểu, cờ rồng. Trên cờ và phướn vẽ hình bốn loại thú ấy.
Lại bạch Phật:
- Con muốn dùng dầu thơm xoa, sau đó dùng bột tía, chiên đàn uất kim làm nước thơm đặc biệt để chùi rửa tháp thờ, mong Phật cho phép.
Phật dạy:
- Ðược làm tùy ý.
(Hết Phần Thứ Ba)
-ooOoo-
Ny Ðà Na, tụng tổng quát thứ tư
Hộ hoàn tùy xứ dụng
Triêm y đại tiểu tiện
Nhiễm y tổn nhẫn y
Xa y quả vô tịnh.
Tụng thứ nhất.
Hộ hoàn ỷ đới võng
Thủ mễ vi chúng thực
Tự nội tác tư phòng
Cư nhân ưng thọ dụng.
Phật ở thành Thất La Phạt. Cụ thọ Ô Ba Ly bạch Thế Tôn:
- Như Thế Tôn dạy: Nên làm vòng khóa cửa. Bí-sô không biết làm bằng vật gì?
Phật dạy:
- Trừ vật quí, các loại khác đều làm được.
- Như Thế Tôn dạy: Bí-sô được làm gối để dựa. Vậy được phép làm bằng vật gì?
Phật dạy:
- Cỏ tranh, cỏ cói, cỏ chổi đót, dây gai đều có thể làm.
- Như Thế Tôn dạy Cho phép làm cửa sổ lưới, vậy làm bằng vật gì?
Phật dạy:
- Trừ vật quí ra, đều được phép làm.
Duyên xứ như trước.
Trong thành có một trưởng giả kính tín Tam Bảo thuần thành tâm ý vui thích sống trong điều thiện. Nhưng trưởng giả cưới vợ là tín đồ của ngoại đạo lõa hình. Trưởng giả bảo vợ:
- Hiền thủ! Bậc Vô Thượng từ phụ là đại sư của anh, em phải thường xuyên cúng dường và các tăng già là phước điền thắng thượng, nên cúng dường y phục, ăn uống cho các vị ấy.
Bấy giờ các Bí-sô y theo sự phân chia theo thứ tự của tăng, hằng ngày thường đến nhà trưởng giả nhận thức ăn.
Một hôm, trưởng giả có việc riêng phải đi qua làng xóm khác bảo vợ rằng:
- Anh có việc phải qua thôn bên kia. Như khi anh ở nhà, em phải thường xuyên cúng dường cho Phật và Tăng, không được để thiếu thốn.
Vợ đáp:
- Thánh đệ tử! Em sẽ làm theo lời anh dặn bảo.
Trưởng giả đến chỗ các Bí-sô bạch rằng:
- Thánh giả! Nay con có việc riêng phải qua xóm bên kia. Ngưỡng mong Tăng già vẫn theo thứ lớp của Tăng đến nhà con nhận thức ăn.
Ðáp:
- Vâng.
Khi ấy, các Bí-sô bàn với nhau:
- Vợ của trưởng giả này trước đây có tín tâm. Vị nào đến lược tăng sai phải đi cho sớm.
Hôm ấy, vợ trưởng giả thấy các Bí-sô đến sớm, tức giận bảo rằng:
- Tôi chưa làm thức ăn xong và chưa dọn chỗ ngồi, tại sao các ông đến sớm thế!
Các Bí-sô nói với nhau:
- Chúng ta biết từ trước, vợ trưởng giả không có tín tâm, nay đến sớm nên bị giận dỗi trách móc, ngày mai chờ đến trưa chúng ta đi lại nhà.
Hôm sau mới sáng sớm, vợ trưởng giả đã dọn thức ăn và trải tòa, để đợi các Bí-sô. Ðến gần trưa, tăng già mới đến. Vợ trưởng giả nói rằng:
- Thánh giả! Tôi nào phải ở không để chỉ làm việc này! Từ sáng sớm tôi đã dọn thức ăn và trải tòa xong, tại sao giữa trưa các ông mới đến?!
Các Bí-sô nói với nhau:
- Chúng ta đến sớm đã bị giận trách chờ trưa mới đến cũng bị trách cứ! Bí-sô chúng ta khất thực là việc thường ngày, nên tuần tự từng nhà để nuôi thân, không đến nhà thế tục kia nữa.
Sau khi xong việc, trưởng giả trở về nhà, hỏi vợ:
- Hiền thủ! Các vị Thánh giả của anh có thường đến nhà thọ thực không?
Ðáp:
- Hai ngày đầu có đến thọ thực, sau không đến nữa.
Trưởng giả tự nghĩ: "Ðúng là vợ ta biểu hiện tướng bỉn xỉn thô tháo làm cho các vị Thánh giả không đến thọ thực nữa".
Bấy giờ các Bí-sô tuần tự khất thực đi đến cửa nhà trưởng giả. . Trưởng giả thấy vậy dò hỏi:
- Thánh giả! Tại sao quí ngài không thường đến nhà con thọ thực nữa.
Ðáp:
- Trưởng giả! Tôi vốn là người khất thực, chỉ mang bát đi là được no đủ.
Trưởng giả nói:
- Thánh giả! Chỉ vì vợ con sinh tâm bỏn xẻn thô tháo. Nhưng ruộng con lúa mới chín, tùy ý quí ngài mang đem về để bổ sung vào bữa ăn trưa.
Bí-sô đáp:
- Phật chưa cho phép.
Các Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:
- Phải sinh ý tưởng là vật của người, nhận mang về cho tăng già, không phạm.
Lại có trưởng giả ngay tại rừng Thệ Ða lập ra một phòng riêng. Ngay trong phòng này bố trí nhiều giường nệm và các thứ lợi dưỡng. Bấy giờ các Bí-sô chia nhau lần lượt quản lý. Có người đem vật trong phòng này nhập vào vật của chúng Tăng. Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:
- Vật thuộc phòng riêng, tùy chỗ nào nơi đó sử dụng.
Có Bí-sô đem lợi dưỡng của phòng riêng hòa vào lợi dưỡng của Tăng, Phật dạy:
- Không nên hòa lẫn, người nào ở phòng riêng có thể sử dụng lợi dưỡng ấy.
Tụng thứ hai.
Tùy xứ đương dụng vật
Doanh tác nhân sở tu
Khí cực thực đăng do
Tùy tha chủ ưng dụng.
Phật ở thành Thất La Phạt. Có trưởng giả ngay trong chùa cũ lập một phòng riêng. Trong phòng này được cúng dường nhiều giường nệm và đặt lợi dưỡng rất đầy đủ.
Bấy giờ các Bí-sô tự tiện đưa vật trong phòng này vào vật của tăng.
Phật dạy:
- Thọ dụng tùy theo người ở biệt phòng. Những vật lợi dưỡng có được không nên hòa lẫn vào tăng. Họ cúng dường nơi nào, nơi ấy thọ dụng.
Bấy giờ Bí-sô phân vật của tăng, không chịu phân cho người ở biệt phòng.
Phật dạy:
- Tuy họ đã có thọ nhận ở biệt phòng nhưng vẫn được hưởng lợi chung với Tăng.
Các Bí-sô sai người làm việc, vì thấy người ở biệt phòng nên không sai.
Phật dạy:
- Cứ y vào thứ tự để sai họ.
Trong thành có một Bí-sô khất thực. Ông khuyến hóa thí chủ kia qui y Tam Bảo và thọ trì năm học xứ. Vào một lúc nọ, ông giảng dạy cho thí chủ kia về bảy phước nghiệp, tán thán phước lợi thù thắng này.
Thí chủ nói:
- Con cũng muốn làm vậy, nhưng hiện nay nên làm gì?
Ðáp:
- Nên vì tăng già tạo lập trú xứ.
Thí chủ thưa:
- Con có tài vật muốn tạo phước nghiệp nhưng chưa có người hỗ trợ.
Bí-sô đáp:
- Ngài có thể mang đến và tôi sẽ giúp đỡ để làm.
Bấy giờ trưởng giả đem vật tư đến đưa cho Bí-sô để tạo trú xứ. Bí-sô nhận vật tư mà không chịu làm trú xứ. Thí chủ tự nghĩ: "Ta đến xem trú xứ đã cất xong chưa!" Thí chủ đến nơi, không thấy xây dựng trú xứ gì cả, thưa rằng:
- Thánh giả! Tại sao đã lâu rồi mà vẫn chưa xây cất?
Bí-sô đáp:
- Tôi cần dùng vật liệu để xây cất nhưng những thứ ấy không có đủ thì làm sao khởi công được?
Thí chủ trả lời:
- Vật tư tôi đã cúng tại sao không sử dụng?
Bí-sô đáp:
- Vật tư ấy thuộc tứ phương Tăng già, ai dám đem ra sử dụng.
Các Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:
- Nếu thí chủ đồng ý thì nên lấy vật họ đã đưa, đổi ra vật liệu xây dựng.
Bí-sô này nhân đi khất thực đến nhà thí chủ. Trưởng giả thấy Bí-sô từ xa đi lại, hỏi:
- Thánh giả! Ngày nào ngài cũng phải đi khất thực từng nhà, vậy ai trông coi việc xây chùa của con.
Bí-sô đáp:
- Chẳng lẽ tôi nhịn đói để làm chùa cho người hay sao?
Trưởng giả nói:
- Vật con cúng tại sao ngài không đem ra sử dụng vào việc ăn uống?
Ðáp:
- Vật ấy thuộc tứ phương Tăng già. Phật chưa cho phép (xử dụng riêng).
Ðem sự việc bạch Phật. Phật dạy:
- Thí chủ đồng ý thì được sử dụng.
Bí-sô làm những món ăn uống thượng hạng đặc biệt và tùy tiện sử dụng.
Phật dạy:
- Không được như vậy, nên ăn thực phẩm tầm thường.
Khi Bí-sô ăn thức ăn quá tầm thường, không có sức khỏe để trông coi xây cất. Phật dạy:
- Bí-sô được phép ăn vật thực đồng hạng với chúng Tăng đang ăn.
Bí-sô để vật liệu xây cất trong phòng tối, phải cần đèn dầu, nên đi từng nhà để xin. Thí chủ thấy Bí-sô đi xin dầu liền hỏi:
- Thánh giả! Ngài xin dầu làm gì?
Bí-sô trình bày sự việc.
Trưởng giả nói:
- Tại sao không đem vật ra đổi?
Bí-sô trình bày sự việc như trên.
Phật dạy:
- Thí chủ đồng ý sử dụng không phạm.
Bí-sô này thắp đèn suốt đêm không tắt. Phật dạy:
- Không được thắp đèn suốt đêm, thu xếp vật liệu xong, phải tắt đèn.
Như vậy nên biết rằng từ các vật lau chân cho đến những việc làm lớn, căn cứ theo như trên để thi hành.
Tụng thứ ba.
Linh vũ triêm tăng vật
Dạ bán cộng phân sáng
Tiểu tòa tinh y niên
Phu tịch hàm đồng thử.
Phật ở thành Thất La Phạt. Lục chúng mang y tăng già phi (sanghati: y nhiều lớp) đã xả ra, bố trí sử dụng nơi đất trống, để cho mưa làm hư nát. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:
- Ngọa cụ của đại chúng không được để ngoài trời suốt mùa hạ, mưa làm cho hư nát. Ai không thu cất bị tội ác tác.
Các Bí-sô mặc y của Tăng già để giặt y, nhuộm y và làm bát, làm cho y bị hư hoại. Phật dạy:
- Nếu mặc y của chúng để nhuộm y, làm bát bị tội ác tác.
Lục chúng Bí-sô du hành trong nhân gian đến một thôn kia. Trong thôn có một trú xứ của tăng. Lục chúng vào chùa vừa lúc nửa đêm, tìm đến thân hữu, họ đều đã nghỉ ngơi. Lục chúng bảo rằng:
- Này các cụ thọ! Chánh pháp của bậc đại sư còn ở đời. Tại sao quí vị không phụng hành lời dạy, đừng nên để sau này sanh tâm hối hận. Các người nên tùy theo năm mà cho chúng tôi ngọa cụ.
Bấy giờ các vị cựu trú, ngay lúc giữa đêm, tập hợp, tất cả tọa cụ lớn nhỏ, nệm giường của tăng lại một nơi, cùng nhau phân chia. Lục chúng lấy được ngọa cụ liền đi tìm chỗ ngủ. Chúng tăng phân phối công việc xong thì trời vừa rạng sáng. Bấy giờ lục chúng bảo các Bí-sô:
- Quí vị hãy thu cất ngọa cụ,chúng tôi muốn ra đi.
Vị chủ trú xứ nói:
- Thượng tọa chỉ cần an thân một đêm, làm cho đại chúng phải mệt nhọc sinh bệnh.
Các Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:
- Không được phân tọa cụ của tăng vào ban đêm. Nếu ngủ một đêm nên ở tạm nơi chỗ bạn thân. Nếu ở lại thêm nữa, có thể tùy theo năm mà đưa cho họ. Nếu làm trái qui định này, bị tội ác tác.
Lục chúng Bí-sô du hành trong nhân gian đến một trú xứ trong thôn xóm kia. Vào chùa họ thấy có chỗ nằm đã dọn sẵn. Bấy giờ lục chúng cùng các đệ tử chiếm những giường lớn này để nghỉ ngơi. Do lục chúng là người lớn tuổi, không ai có thể mời qua chỗ khác. Các vị kỳ túc khác phải ngủ dưới đất.
Ðến sáng hôm sau đoàn người đến rừng Thệ Ða. Các Bí-sô thấy họ đến, chào mừng:
- Thiện lai! Thiện lai! Những nơi quí ngài đi qua được an lạc không?
Ðáp:
- Nào có an lạc gì, ngủ cả đêm dưới đất không an gì cả!
Hỏi:
- Cụ thọ! Vậy đêm qua quí vị ngủ ở đâu?
Các Bí-sô này đem sự việc kể lại. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:
- Nếu giường tòa lớn và nệm nằm khác, nên tùy theo bậc thượng tọa mà nhường cho nhau.
Tụng thứ tư.
Ðại tiểu tiện lợi xứ
Kinh hành bất não tha
Tẩy túc cập thức hài
Phủ bề bất đoạt dụng.
Duyên xứ như trước. Lục chúng Bí-sô thường đến kinh hành nơi phòng đại tiểu tiện. Họ cùng nhau nói chuyện, dạy dỗ, đọc tụng và chơi đùa. Họ thấy Bí-sô khác nói chuyện dạy dỗ, đọc tụng và chơi đùa. Họ thấy Bí-sô khác sắp vào phòng vệ sinh, cùng nhau ngăn lại, bảo rằng:
- Thầy thong thả hãy vào. Tôi là người lớn tuổi.
Họ cố ý giữ lại làm cho người khác sinh phiền não. Các Bí-sô sinh tâm bực bội, đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:
- Không được kinh hành, ở lại lâu, gây phiền hà nhau tại chỗ đại tiểu tiện. Nếu ai vi phạm bị tội vượt pháp.
Lục chúng Bí-sô ngay tại chỗ rửa chân, bên cạnh vò chứa nước, đuổi người khác đứng dậy, tự nói:
- Tôi lớn tuổi được phép dùng trước.
Phật dạy:
- Tại chỗ rửa chân, ai rửa trước nhưng chưa xong, không được bảo họ bảo họ đứng dậy. Làm trái lại bị tội vượt pháp.
Các Bí-sô vào chỗ tiểu tiện trước, lục chúng đến sau lấn trước, bảo rằng:
- Ta lớn tuổi.
Phật dạy:
- Ai đến trước vào trước, chỗ ấy không nên tùy theo tuổi tác.
Có Bí-sô đang rửa chân nửa chừng, lục chúng đến nói:
- Ta lớn tuổi, ông nên tránh xa.
Phật dạy:
- Không được làm như vậy. là bậc thượng tọa phải biết lúc nào nên làm gì. Thấy họ làm trước nhưng chưa xong, không được bảo họ đi nơi khác. Ai làm trái lại, bị tội vượt pháp. Có Bí-sô đang lau dép nửa chừng, lục chúng lấy khăn lau, bảo rằng:
- Ta lớn tuổi.
Phật dạy:
- Không được dựa vào tuổi lớn, phải đợi người trước làm xong, đoạt lấy bị tội vượt pháp.
Có Bí-sô đang nấu thuốc trong nồi chưa được nửa chừng. Lục chúng lấy nồi nói:
- Ta lớn tuổi nên dùng vật này trước. Lục chúng đổ thuốc ra đất và sử dụng nồi.
Phật dạy:
- Không được y vào tuổi, chờ người trước làm xong mới được lấy dùng. Ai không tuân thủ, bị tội vượt pháp.
Bí-sô dùng cào dầy bằng sắt của Tăng để trải thuốc, đang làm chưa xong, lục chúng giật lấy.
Phật dạy:
- Không được! Nếu ai phạm như vậy, bị tội vượt pháp.
Tụng thứ năm.
Nhiễm phủ cập thủy bình
Tăng bát tinh ẩm khí
Ðao thạch trão tỉ vật
Chi sàng bất vấn niên.
Duyên xứ như trước. Các Bí-sô dùng thau bình chảo, v.v... để nhuộm y của tăng, dùng nấu thuốc nhuộm. Ðang làm nửa chừng, lục chúng bảo rằng:
- Ta đáng được dùng trước!
Các Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:
- Không được ỷ vào tuổi tác phải chờ người trước dùng xong, nếu ai cố ý cưỡng đoạt, bị tội vượt pháp.
Có Bí-sô đang dùng bát của chúng để ăn, nhưng chưa xong, lục chúng bảo rằng:
- Ta lớn tuổi nên đưa ta dùng.
Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Ðợi họ ăn xong, không nên cưỡng lấy. Nếu cố ý đoạt, bị tội vượt pháp. Ngoài ra những vật dùng để uống nước, căn cứ như trên thì biết.
Có Bí-sô đang cạo tóc nửa chừng. Lục chúng đến, đoạt lấy dao của vị ấy.
Phật dạy:
- Nếu họ cạo chưa xong, không được lấy dùng. Ðá mài, dao căn cứ như trên thì rõ biết. Ngoài ra kéo cắt, dao nhỏ, đang dùng nửa chừng, kềm nhỏ đang dùng chưa xong, giường tòa giành lấy khi họ đang nằm.
Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:
- Tất cả vật ấy đều không được y vào tuổi tác. Phải chờ họ làm xong mới được lấy dùng. Nếu không tuân thủ bị tội vượt pháp.
Tụng thứ sáu.
Yết sĩ na y trành
Tinh tuyền chánh phùng thời
Nhiễm chấp tạp vất đẳng
Dụng thời bất ưng đoạt..
Duyên xứ như trước. Ðại chúng có dụng cụ là y yết sĩ na. Bí-sô dùng dụng cụ này để làm y tăng già phi (đại y) vị này đang làm y được một nửa. Lục chúng đến thấy, liền đoạt lấy, bảo rằng:
- Ta lớn tuổi, theo lý được sử dụng trước.
Các Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:
- Họ chưa dùng xong, không được đoạt lấy, chờ họ làm xong mới có thể lấy. Như vậy, ai đoạt lấy bị tội vượt pháp.
Thế nên biết rằng:
- Kim chỉ khâu vá cắt may nửa chừng, lục chúng liền đoạt.
Phật dạy:
- Chờ họ làm xong mới lấy, họ chưa xong mà lấy, bị tội vượt pháp.
Nếu sử dụng nước nhuộm, dao nhỏ, kim, y cạo tóc, chỗ ngồi, đều không được đoạt, căn cứ ở trên thì biết rõ. CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THẾ HỮU BỘ
TỲ NẠI DA
NY ÐÀ NA
- Hết quyển 4 -
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.12.76.168 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.