Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình. Kinh Pháp cú
"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Căn Bổn Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Ni Đà Na Mục Đắc Ca [根本說一切有部尼陀那目得迦] »» Bản Việt dịch quyển số 2 »»

Căn Bổn Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Ni Đà Na Mục Đắc Ca [根本說一切有部尼陀那目得迦] »» Bản Việt dịch quyển số 2

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.41 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.49 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Căn Bản Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Ni Đà Na Mục Đắc Ca

Kinh này có 10 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
Việt dịch: Thích Tâm Hạnh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Quyển thứ hai
Tụng thứ tám.
Giả linh bất tiệt y
Hữu duyên giai đắc trước
Y khả tùy thân lượng
Nhược đoản tác thùy y.
Cụ Thọ Ô Ba Ly bạch Thế Tôn:
- Y không cắt rọc ra được sử dụng không?
Phật dạy:
- Không được! Nếu có nạn duyên thì được.
- Mặc y không cắt rọc được vào tục lạc không? Ðược vào nhà thế tục không? Ðược phép vào trú xứ của ngoại đạo không?
Phật dạy:
- Các trường hợp này đều không được trừ có nạn duyên; mặc không phạm.
- Mặc y không cắt rọc được phép ngồi trong nhà ngoại đạo không?
Phật dạy:
- Không được! Nhưng khi ngoại đạo không có trong nhà, ngồi không phạm.
Như Thế Tôn dạy:
- Ðược phép sử dụng y dài vừa đúng bao nhiêu khuỷu tay đã qui định; Nếu có người thân thể to lớn mà khuỷu tay ngắn, chẳng lẽ cũng căn cứ vào chiều dài của khuỷu tay người ấy mà làm y hay sao?
Phật dạy:
- Nên căn cứ kích thước thân thể của người này mà làm y.
- Giả sử lấy theo kích thước thân thể thì không đủ (vải) để may y kín người?
Phật dạy:
- Nếu không đủ để may kín, nên may thành y Quyết Tô Lạc Ca mà sử dụng (đây dịch là Thùy Y, dài bốn khuỷu tay, rộng hai khuỷu tay. May dính lại mặc bên trong kéo lên trên, dùng dây vải buộc, nói rõ như những chỗ khác. Xưa gọi là Kỳ Tu La, người ta đều không biết việc này. Y này hình dạng như ống bi nhỏ đây là một trong năm y của Ni. Ðúng ra dịch là quần nguyên chú. Y này hình như chiếc xà rông nhưng may kín, là quần mặc trong y nội của Ni. -- Người dịch)
Tụng thứ chín.
Bất súc ngũ chủng bì
Do hữu quá thất cố
Khai hứa đắc dụng xứ
Tề tọa ngọa dung thân.
Cụ thọ Ô Ba Ly bạch Phật:
- Thế Tôn! Như Thế Tôn dạy: - Không được sử dụng da voi chúa làm giày. Da các con voi khác được dùng làm giày không?
Phật dạy:
- Không được! Tại sao?
- Voi khác cũng có sức mạnh của voi ngà.
Như Thế Tôn dạy: - Da của con ngựa có trí không được dùng làm giày. Da các con ngựa thường, được lấy làm giày không?
Phật dạy:
- Không được! Chúng cũng có sức mạnh khỏe để chạy.
Như Thế Tôn dạy:
- Da của sư tử, cọp, báo không được dùng làm giày. Da các loài thú tương cận khác được phép dùng không?
Phật dạy:
- Không được! Chúng cũng có sức mạnh của móng vuốt.
Như Thế Tôn dạy: - Da các loài thú như vậy, không nên ngồi lên. Ngoài ra da các loài khác được dùng để ngồi. Vậy được dùng cỡ lớn bao nhiêu?
Phật dạy:
- Ðược phép dùng vừa bằng chỗ ngồi.
Như Thế Tôn dạy:
- Có những loại da được phép dùng làm chỗ nằm. Vậy da lớn chừng nào được phép dùng làm chỗ nằm?
Phật dạy:
- Tấm vừa bằng chỗ nằm, sử dụng không phạm.
Tụng thứ mười.
Sanh nhục cập chư toan
Hữu ngũ chủng bất dụng
Trĩ bệnh trảo bất thương
Hồi thí trị hy vọng.
Bạc Già Phạm ở thành Thất La Phạt. Cụ thọ Ô Ba Ly bạch Thế Tôn:
- Như Ðại đức đã dạy: - Cho phép Bí-sô Tây Yết Ða vì nhân duyên bệnh được phép nhận thịt sống để ăn. Không biết nên lấy ở chỗ nào?
Phật dạy:
- Lấy ở chỗ năm hạng đồ tể. Thế nào là năm? Ấy là: Kẻ giết dê; gà; heo; bắt chim; săn thú.
- Bạch Ðại đức! Ai nên đi lấy?
Phật dạy:
- Nên sai người có tâm kính tín đi lấy.
- Ðưa lại cho ai?
Phật dạy:
- Ðưa lại cho người có tín tâm.
Bây giờ trong thành có một Bí-sô, thân bị bệnh khổ, đến thầy thuốc hỏi:
- Tôi bị bệnh tiêu khát. Này đến hiền thủ xin dùng thuốc thích hợp trị bệnh cho tôi.
Thầy thuốc đáp:
- Nên dùng bơ thì hết bệnh.
Bí-sô nói:
- Phật chưa cho phép dùng bơ đ? trị bệnh.
Thầy thuốc nói:
- Thế Tôn đại bi, nếu dùng vì nhu cầu bệnh, ngài sẽ khai cho để sử dụng.
Bí-sô việc này bạch Phật. Phật dạy:
- Bí-sô bị bệnh, thầy thuốc bảo dùng bơ để trị, thì được phép dùng.
Bí-sô này tuy đã dùng bơ nhưng vẫn bị bệnh bức bách.
Thầy thuốc hỏi:
- Ngài dùng bơ thấy sức khỏe như thế nào?
Bí-sô trả lời:
- Vẫn còn bệnh nóng khát.
Thầy thuốc nói:
- Dùng bơ không hết bệnh, tại sao không dùng các loại dấm chua? (Dấm ở đây hiểu theo nghĩa là các loại nước lên men có nồng độ nhẹ, chưa phải là rượu, nhưng không phải dấm thực phẩm; những đoạn văn sau đây cũng hiểu như vậy. -- Người dịch)
Bí-sô đáp:
- Thế Tôn chưa cho phép uống dấm phi thời làm sao được dùng.
Thầy thuốc nói:
- Thế Tôn từ bi, vì cần trị bệnh ngài sẽ cho phép dùng.
Các Bí-sô đem việc này bạch Phật.
Phật dạy:
- Từ nay ta cho phép các thầy dùng các loại dấm.
Các Bí-sô không biết thế nào là dấm, sẽ uống như thế nào, nên lại bạch Phật.
Phật dạy:
- Dấm có sáu loại, đều có thể sử dụng được.
1- Ðại dấm.
2- Dấm gạo.
3- Dấm thuốc.
4- Dấm nhạt.
5- Lạc tương.
6- Lạc tương đặc.
Tất cả các loại dấm này, khi uống nên cho vào một ít nước để tác tịnh, dùng vải dày lược trong sạch như màu nước tre, khi ấy đúng thời hay phi thời, bệnh hay không bệnh, uống đều không phạm, chớ nên nghi hoặc.
- Ðại dấm nghĩa là dùng đường cát hòa nước trộn vào các loại trái cây, hoặc dùng bồ đào mật cây, hay các loại trái ngọt khác, ủ lâu ngày thành dấm.
- Dấm gạo: Là xay bột lúa mì cả vỏ cùng các tạp vật khác cho nát, ủ để thành dấm.
- Dấm thuốc: Dùng rễ nhánh các loại cây thuốc các loại táo chua ủ thành dấm.
- Dấm nhạt: Cho nước vào thố cơm nóng đang hấp để lấy nước cơm. Lấy nước cơm ra bao nhiêu lại thêm nước vào bấy nhiêu để dùng mãi không hư.
- Lạc tương: Là nước chế biến từ lạc ra.
- Lạc tương đặc: Bơ chế biến từ lạc ra.
Ngoài ra các loại nước khác đều là tương.
Trong thành có một Bí-sô bị bệnh trĩ, đầu trĩ lòi ra. Thầy dùng ngón tay ngắt đi, đau đớn vô cùng không thể chịu nỗi. Bí-sô này tự nghĩ:
- Ta bị đau khổ không chịu nổi. Thế Tôn đại bi sao chẳng thương xót.
Bấy giờ, Thế Tôn với sức đại bi, đến chỗ Bí-sô, hỏi rằng:
- Này Bí-sô! Thầy đang đau khổ về việc gì?
Bí-sô bệnh chắp tay nhìn Phật, tâm tình thương cảm, nước mắt tuôn rơi, trình bày hết bệnh khổ của mình ra.
Phật bảo Bí-sô:
- Trước đây ta đã từng ngăn các thầy, khi bệnh trĩ không được cắt bỏ.
Bí-sô bạch Phật:
- Thế Tôn! Ngài đã không cho phép.
Phật hỏi:
- Vậy tại sao thầy lại hành động như thế?
Ðáp:
- Thế Tôn! Con bị đau đớn quá nên làm vậy.
Phật dạy:
- Nếu vì quá đau đớn nên hành động thì không phạm. Nay ta bảo quí thầy, tuy bị đau đớn thế nào đi nữa cũng không được dùng tay ngắt bỏ trĩ. Trị bệnh trị có hay phương pháp: hoặc dùng thuốc hoặc dùng cấm chú. Bí-sô tuy bị đau khổ vì bệnh này, không được tự cắt trĩ hay bảo người khác cắt. Người nào làm ngược lời dạy này, bị tội vượt pháp.
Thế Tôn ở tại trú xứ Thích Ca, xóm làng người khách buôn tên Na Trĩ. Trong thôn này có một trưởng giả, có lòng tin tâm tình hỷ xả, ông ta tạo một trú xứ cúng cho tôn giả La Hổ La. Tôn giả ở trú xứ này chưa bao lâu, lại mang y bát đi du hành trong nhân gian. Trưởng giả nghe ngài đã ra đi, tự nghĩ: Tôn giả du hành không biết có trở lại không. Trưởng giả đem trú xứ ấy cúng cho Tăng già.
Tôn giả La Hổ La sau khi đi du hóa vừa ý, mang y bát trở lại trú xứ khách buôn Na Trĩ. Ngài hỏi ra, mới biết trú xứ này đã cúng cho Tăng già. Ngài đến gặp Phật lạy sát hai chân, bạch:
- Có một trưởng giả phát đại tâm tín ngưỡng, tạo một trú xứ, cúng cho con, con ở đó một thời gian có duyên sự nên ra đi. Sau đó không bao lâu, trưởng giả đem trú xứ này cúng cho tăng già. Con phải làm thế nào đây xin Phật quyết định cho.
Thế Tôn bảo rằng:
- Thầy đến chỗ trú xứ của trưởng giả, nói với ông ta như thế này:
- Nhân giả! Ngài đối với tôi, hoặc thân ngữ ý có lúc nào sinh chút ít ý tưởng chán ghét không?
Tôn giả La Hổ La nghe Phật dạy xong, đến gặp trưởng giả nói:
- Nhân giả... như trên... Trưởng giả trả lời:
- Con đối với tôn giả chưa bao giờ có ý tưởng ấy.
La Hổ La trở lại gặp Phật, trình bày rõ việc trưởng giả trả lời. Phật bảo A Nan Ðà:
- Thầy đến thôn Na Trĩ, tập hợp các Bí-sô đang trú ở đó đến tại giảng đường.
A Nan Ðà vâng lệnh của Phật đến trú xứ ở thôn Na Trĩ, bảo các Bí-sô:
- Các thầy nên tập họp lại giảng đường.
A Nan Ðà báo cáo lời Phật xong, trở lại lạy sát chân Phật bạch rằng:
- Con đã đến trú xứ tại thôn Na Trĩ, tuyên bố chỉ thị của Phật. Hiện nay các Bí-sô đều đã tập hợp.
Thế Tôn đưa các Bí-sô cùng La Hổ La đến chùa kia (thôn Na Trĩ) ngồi xuống chỗ đã dọn sẵn, bảo các Bí-sô rằng:
- Các thầy nên biết, nếu có thí chủ đem vật mình muốn cho, cho riêng một người. Sau đó lại đem vật ấy cho sang người khác. Người cho như vậy là phi pháp, người nhận cũng phi pháp. Gọi là thọ dụng bất tịnh. Cũng như vậy, vật đã cho rồi, xoay lại cho hai người, ba người, hoặc Tăng già. Tất cả như vậy đều được gọi là cho không như pháp, nhận không như pháp, sự thọ dụng như vậy là bất tịnh.
- Này các Bí-sô! Nếu có thí chủ, đem vật của họ muốn cho, cho hai người khác, sau đó lại đem vật ấy thí cho một người người khác. Bố thí như vậy thì người cho lẫn người nhận đều phi pháp. Sự thọ dụng như vậy là bất tịnh.
Cũng vậy, nếu xoay vật lại cho hai người, ba người hay cho Tăng già, người cho kẻ nhận đều là phi pháp. Sự thọ dụng như vậy đều là bất tịnh.
- Này các Bí-sô! Nếu có thí chủ đem vật cho họ muốn bố thí cho ba người khác, sau lại xoay vật ấy cho một, hai, ba người khác hoặc cúng Tăng già. Người cho kẻ nhận đều là phi pháp. Sự thọ dụng như vậy đều là bất tịnh.
- Này các Bí-sô! Nếu có thí chủ đem vật họ muốn bố thí cúng cho Tăng già, sau lại đem vật ấy cho một, hai, ba người khác hoặc cúng cho Tăng già khác. Người cho kẻ nhận đều là phi pháp. Như vậy gọi là thọ dụng bất tịnh.
Nếu trước đó đã cúng cho Bí-sô tăng già, sau lại đem vật ấy cúng cho Bí-sô ni Tăng già, hoặc ngược lại, đều gọi là bất tịnh.
- Này các Bí-sô, nếu Tăng già chia thành hai bộ. Trước đã cúng cho bộ này rồi, sau lại đem vật ấy cúng cho bộ kia, đều gọi là thọ dụng bất tịnh.
- Này các Bí-sô! Nếu đem vật cho một người rồi, không đem vật ấy cho người khác nữa. Người cho người nhận đều là như pháp. Sự thọ dụng như vậy được gọi là thanh tịnh. Cũng như vậy, nếu đem vật cho hai người, ba người, Tăng già, Tăng già ni này, bộ này, sau đó không đem vật ấy cúng cho nơi khác, cho đến không đem ra thọ dụng. Như vậy đều gọi là thanh tịnh. Như trình bày rõ ràng ở trên. Này các Bí-sô, trước là thật thí, sau là phi pháp thí.
Này các Bí-sô! Ðất đai thuộc về quốc vương, vật thuộc về chủ, phòng xá giường nằm thí chủ là chủ. Y bát tư cụ Bí-sô là chủ. Những tài sản được cúng đến chùa, nếu có hư hoại thí chủ nên tự bồi bổ, không được tự tiện lấy vật ấy đem cho người khác. Bố thí lần đầu là như pháp, nhưng bố thí lần sau là phi pháp.
Này các Bí-sô! Nên trả lại trú xứ trước đây cho La Hổ La. Nếu Bí-sô lấy vật đã cho người kia, đem cho người này, trừ trường hợp có nạn duyên, bị tội vượt pháp.
Các Bí-sô vâng lời Phật dạy, trả lại La Hổ La trú xứ trước.
Như Thế Tôn dạy:
- Nên làm đại hội định phát năm hay sáu năm?
Có Bà la môn kính tín cùng các trưởng giả đem các loại bánh trái, thức ăn cúng dường Tăng già.
Khi ấy, các Bí-sô ăn uống không hết, đem thức ăn thừa cho các vị cầu tịch. Các vị cầu tịch này sáng hôm sau đem những thức ăn ấy cúng dường lại các Bí-sô.
Bí-sô hỏi:
- Các người được bánh này ở đâu?
Ðáp:
- Ðây là bánh các ngài đã cho hôm qua.
Bí-sô nghi ngờ tự nghĩ: "Bánh trái này là thức ăn tàn xúc của ta, nay ăn lại, căn cứ theo pháp thì có tội". Bí-sô đem việc ấy bạch Phật. Phật dạy:
- Nếu cho với tâm mong cầu để ăn lại, khi cho phạm ác tác. Ăn vào phạm tội đọa.
- Nếu cho với tâm không mong cầu để ăn lại, cho không phạm. Ăn phạm tội đọa.
- Nếu cho với tâm mong cầu, ăn với tâm không mong cầu, cho phạm ác tác, ăn không phạm.
- Nếu cho với tâm không mong cầu, ăn với tâm không mong cầu. Cho và ăn không phạm.
-ooOoo-
Ni Ðà Na Biệt Môn Thứ Hai
Tụng tổng lược.
Phân vong cập xướng đạo
Trương y thọ học nhân
Trọng tác thu nhiếp khu
Cầu tịch đồng tường thượng.
Tụng thứ nhất.
Phân vong giả y vật
Hổ vô ứng hổ thủ
Kiến đấu ưng tu gián
Tùy đầu hướng xử phần.
Phật ở thành Thất La Phạt. Trưởng giả nọ chỉ có một con trai, người con này lớn lên muốn sống đời xuất gia, thọ cận viên trong chánh pháp. Không may, vị này gặp bệnh nặng qua đời. Các Bí-sô tống táng vị này cùng với cả y bát.
Người đời thấy vị nên thưa cùng các Bí-sô:
- Bọn lưu tục chúng con hiện có con cháu, muốn gì cũng có thể được. Vậy mà vật của người chết còn không vứt bỏ hết. Tôn giả là người xuất gia, lại không con cái, tư cụ khó khăn lắm mới có, tại sao không thu lấy vật dụng của người đã chết?
Các Bí-sô trả lời:
- Thế Tôn chưa cho phép lấy y bát của người chết.
Bí-sô đem việc này bạch Phật.
Phật dạy:
-Y bát của Bí-sô qua đời, không nên vứt bỏ.
Có Bí-sô bị bệnh, qua đời. Các Bí-sô giữ lấy y bát, để thân thể trần mà tống táng. Thế gian thấy vậy chê trách.
Phật dạy:
- Không được để trần tử thi, phải mặc y phục kín đáo để tống táng.
Các Bí-sô lại dùng y phục tốt đẹp để tống táng người chết.
Phật dạy:
- Ðừng dùng y phục tốt đẹp để tống táng.
Các Bí-sô lại dùng y phục rách nát để tống táng.
Phật dạy:
- Dùng y phục trung bình không tốt không xấu lắm để tống táng người chết.
Các Bí-sô bạch Phật:
- Y bát của người chết còn lại nên phân chia như thế nào?
Phật dạy:
- Ðem cho Bí-sô nào bị thiếu thốn.
Khi ấy, lục chúng Bí-sô thường biểu hiện sự thiếu thốn.
Phật dạy:
- Không nên cho lục chúng, nên cho theo thứ tự kể từ bậc thượng tọa trở xuống.
Do đó các Bí-sô nhỏ không được gì cả.
Phật dạy:
- Chúng nên tập họp lại, trước hết phải tác bạch. Chúng tăng đã hòa hợp đồng ý thì đổi ra để cùng nhau phân chia.
Duyên xứ như trước. Có một Bí-sô thình lình qua đời. Y bát của vị ấy để bên trú xứ Bí-sô ny. Sau khi vị ấy đã được tống táng. Các Bí-sô biết vị ấy đã qua đời nên đến trú xứ Bí-sô ny đòi y bát, ny nghe đòi liền hỏi: Vị ấy chết ở đâu?
Ðáp:
- Tại chùa ny.
Ny nói:
- Nếu vị ấy chết tại chùa tăng thì các vật ấy thuộc về nhân giả, nay vị ấy chết tại chùa ny, lại là đồng pháp huynh đệ với tôi. Tất cả y bát của vị ấy hiện còn tôi được phép lấy.
Ny không trả y bát lại. Bí-sô bạch Phật.
Phật dạy:
- Không được để cho ny, nên phân chia cho Bí-sô.
Duyên xứ như trước. Có một Bí-sô ny bị bệnh qua đời. Y bát của vị ấy để bên trú xứ Bí-sô. Các Bí-sô ny đến chỗ Bí-sô thưa:
- Tôn giả! Ny tên ... mỗ... nay đã qua đời, y bát còn gởi ở đây, xin tôn giả cho phép chúng con nhận.
Bí-sô này nghe vị ấy chết, nói:
- Vị ny đã qua đời kia là chị em đồng pháp với tôi. Y bát của vị ấy, tôi được phép giữ lấy.
Bí-sô đem việc này bạch Phật.
Phật dạy:
- Phải trả lại cho ny.
Duyên xứ như trước. Có Bí-sô du hành trong nhân gian, đến nhà cư sĩ tại một tụ lạc nọ, thình lình bị bệnh qua đời. Trưởng giả chủ nhà sau khi tống táng Bí-sô, quản thủ y bát. Bấy giờ có các Bí-sô ny du hành đến đó. Trưởng giả gặp Bí-sô ny bạch:
- Thánh giả! Trước đây có Bí-sô qua đời trong nhà con. Y bát của vị ấy con còn để tại nhà. Quí vị có thể lấy mang đi.
Chúng Bí-sô ny trả lời:
- Y bát của Bí-sô qua đời, ny không được nhận.
Các Bí-sô ny bạch việc ấy cho Bí-sô biết. Bí-sô bạch Phật.
Phật dạy:
- Nếu gặp chỗ không có Bí-sô, Bí-sô ny nên nhận lấy.
Duyên xứ như trước. Có Bí-sô ny mang y bát du hành trong nhân gian, đến nhà cư sĩ ở thôn nọ, bị bệnh qua đời. Chủ nhà đem tử thi đến táng ở thi lâm và giữ bát.
Các Bí-sô du hành đến đó, trưởng giả gặp các Bí-sô bạch rằng:
- Thánh giả! Trước đây có một Bí-sô ny qua đời tại nhà con. Y bát của vị ấy còn để tại nhà. Nhân giả nên đến lấy mang đi.
Bí-sô đáp:
- Vật của ny qua đời, tôi không được lấy.
Các Bí-sô đem việc này bạch Phật.
Phật dạy:
- Nếu ở chỗ không có ny chúng, Bí-sô lấy, không phạm.
Cụ thọ Ô Ba Ly bạch Thế Tôn:
- Bạch Ðại đức! Nếu các Bí-sô qua đời trong nhà người thế tục. Y bát của vị ấy ai được phép nhận?
Phật dạy:
- Ai đến trước nhất được lấy.
- Nếu hai người đến cùng lúc. Ai được lấy?
Phật dạy:
- Ai hỏi trước thì được.
- Nếu hai người cùng hỏi, ai được lấy?
Phật dạy:
- Cả hai người đều được. Hoặc tùy tâm tình hoan hỷ của người thế tục, cho ai người ấy nhận.
Duyên xứ như trước. Hai Bí-sô cùng nhau tranh cãi. Các Bí-sô thấy đánh nhau nhưng không can gián. Mọi người thấy vậy nói rằng:
- Thánh giả! Chúng tôi là bọn tục lưu, thấy người khác đánh nhau còn can gián hòa giải. Tại sao quí ngài thấy đánh nhau mà khoanh tay đứng nhìn?
Bí-sô trả lời:
- Ðấy là những người ưa tranh cãi nhau, ai có thể can gián khuyên giải họ được.
Các Bí-sô đem việc này bạch Phật.
Phật dạy:
- Nên can ngăn họ, không được đứng nhìn.
Các Bí-sô tuy can ngăn nhưng họ không dừng lại.
Phật dạy:
- Nếu can ngăn mà họ không dừng lại, nên tác yết ma xả trí cho họ.
Hai Bí-sô cùng nhau luận nghị đạo lý, nhân đó nổi sân cãi cọ nhau.
Các Bí-sô tác yết ma xả trí cho họ.
Hai vị này nói:
- Chúng tôi bàn luận nghiên cứu đạo lý. Quí vị căn cứ vào đâu tác yết ma xả trí?
Bí-sô trả lời:
- Những người tranh cãi, Phật dạy tác yết ma xả trí cho họ. Vì lý do đó nên chúng tôi tác yết ma cho quí vị.
Bí-sô đem việc này bạch Phật.
Phật dạy:
- Không nên vì thế mà tác yết ma xả trí cho họ. Nếu họ còn hai thầy (Hòa thượng, quỷ phạm sư) nên bảo những vị ấy can gián giáo dục họ. Nếu đủ mười hạ, đã lìa y chỉ, các Bí-sô nên can gián. Nếu họ không chấm dứt tranh cãi thì chúng nên tác yết ma xả trí cho họ.
Cụ thọ Ô Ba Ly bạch Thế Tôn:
- Nếu có Bí-sô qua đời ngay tại hai cương giới, y bát của vị ấy bên nào được phép nhận?
Phật dạy:
- Ðầu hướng về bên nào, trú xứ ấy được phép nhận.
- Nếu đầu tại cương giới chung của hai trú xứ. Trường hợp này giải quyết thế nào?
Phật dạy:
- Cả hai trú xứ đều được.
Tụng thứ hai.
Xướng đạo thừa xa dư
Ðắc y ưng cử chưởng
Tăng già hoạch y lợi
Phàm thánh khả đồng phân.
Thế Tôn ở thành Thất La Phạt. Bấy giờ trong thành có nhiều ngoại đạo cư trú. Phật đến đây nên thế lực của ngoại đạo bị giảm sút đưa đến suy sụp về lợi dưỡng.
Bấy giờ, những kẻ tục lưu còn tín ngưỡng ngoại đạo, tìm cách vận động của bố thí để dâng cúng các ngoại đạo.
Trưởng giả Cấp Cô Ðộc mỗi sáng sớm đến chỗ Phật. Trên đường đi ông ta gặp đồ chúng ngoại đạo vận động trưởng giả bố thí để cúng dường cho thầy họ. Trưởng giả thấy thế, tự nghĩ: "Tà đồ chúng của ngoại đạo tu hành ác pháp mà còn biết xin của bố thí để cúng dường cho thầy mình. Ðức Thế Tôn đã dạy trong Kinh: Nếu người chưa tin làm cho phát sinh tín tâm, để cho mọi người đều được điều phục an trú trong chánh pháp. Nếu được đức đạo sư cho phép, ta sẽ bảo mọi người làm các sự cúng dường cho phước điền này."
Trưởng giả nghĩ như thế rồi, vào rừng Thệ Ða, đãnh lễ Thế Tôn, ngồi qua một bên, đem sự việc vừa rồi bạch Phật:
- Cầu mong Thế Tôn cho phép con được phép vận động sự cúng dường cho Phật và Tăng.
Phật dạy:
- Tùy ý thi hành.
Trưởng giả liền đi phổ biến sự cúng dường, khi ấy các cư sĩ và Bà la môn đều thưa với trưởng giả:
- Nếu thánh chúng cùng đến nhận cúng, thì phước lợi cho chúng tôi rất nhiều.
Trưởng giả đem việc này bạch Phật.
Phật dạy:
- Các Bí-sô nên hỗ trợ cùng trưởng giả.
Các Bí-sô vâng lời dạy của Phật, cùng với trưởng giả phổ biến sự cúng dường.
Mọi người đều thưa rằng:
- Khi bố thí, nêu tên họ chúng tôi lên để mọi người đều biết.
Chúng Bí-sô đáp:
- Lành thay!
Thế Tôn dạy:
- Khi thí chủ đem vật cúng dường nên xướng tên họ người cúng và chú nguyện, sau đó mới thọ. Nên bảo người thế tục xướng tên họ.
Mọi người đề nghị:
- Các thánh giả xướng tên họ chúng tôi thì phước mới nhiều thêm.
Phật dạy:
- Nên bảo Bí-sô xướng tên họ thí chủ.
Khi ấy có thí chủ mang tài vật đến chùa cúng dường.
Phật dạy:
- Nếu họ mang đến chùa, cũng phải xướng tên họ thí chủ và chú nguyện rồi mới nhận.
Bí-sô phổ biến khắp nơi, khi hướng dẫn mọi người tập hợp chen chúc nhau quá đông không tiến tới được.
Phật dạy:
- Người hướng dẫn nên đi xe hoặc ngồi kiệu cao.
Gặp lúc trời nóng hay mưa gió. Phật dạy:
- Nên che bằng dù lọng.
Khi ấy, chỉ mở một cửa, mọi người vào quá đông nghẽn cả lối đi.
Phật dạy:
- Nên mở bốn cửa và đặt bốn người hướng dẫn.
Trưởng giả Cấp Cô Ðộc đi theo sau phổ biến, được cúng nhiều vải tốt đến trăm ngàn vạn xấp và tài vật, số lượng đến rất nhiều. Trưởng giả tự nghĩ: "Ta đã khuyến hóa được số tài vật nhiều thế này. Ta nên lập đại hội bố thí, cúng dường Phật và Thánh chúng. Ta sẽ đem các vật này bố thí trước đại chúng và cúng dường một lần". Trưởng giả nghĩ vậy, ngay nơi rừng Thệ Ða trang hoàng các loại vải đẹp vây chung quanh, đặt ba y và đầy đủ các tư cụ khác lên giá, sai một người giữ gìn chu đáo. Trưởng giả đến lễ sát chân Phật bạch rằng:
- Thế Tôn! Ngày mai con muốn lập đại hội bố thí để cúng Phật và Tăng.
Thế Tôn im lặng nhận lời.
Trưởng giả Cấp Cô Ðộc, ngay đêm ấy sửa soạn các thức ăn uống thượng diệu. Bình minh đã xếp đặt nệm tòa trong chùa, đến bạch Phật:
- Ðã đến giờ.
Phật cùng đại chúng đến chỗ ngồi đã dọn sẵn. Sau khi đức Phật và đại chúng ăn xong, thu y bát, đánh răng súc miệng xong. Trưởng giả đem các y vật đã bố thí trên tòa, quì bạch Phật:
- Thế Tôn! Trong thế gian có bao nhiêu loại phước điền?
Phật dạy:
- Có hai loại là học và vô học. Hữu học nhân sai biệt có 18 loại: vô học nhân có 9 loại. Ðấy là phước điền có thể tiêu thụ các vật lợi dưỡng.
- Mười tám bậc hữu học nhân là gì? Ấy là:
1.- Dự lưu hướng.
2.- Dự lưu quả.
3.- Nhất lai hướng.
4.- Nhất lai quả.
5.- Bất hoàn hướng.
6.- Bất hoàn quả.
7.- A la hán hướng.
8.- A la hán quả.
9.- Tùy tính hành.
10.- Tùy pháp hành.
11.- Tín giải.
12.- Kiến trí.
13.- Gia gia.
14.- Nhất gian.
15.- Trung sanh.
16.- Hữu hành.
17.- Vô hành.
18.- Thượng lưu.
Ðấy là mười tám.
- Chín bậc vô học nhân là gì? Ấy là:
1.- Thối pháp.
2.- Tư pháp.
3.- Hộ pháp.
4.- Trú pháp.
5.- Kham đạt pháp.
6.- Bất động pháp.
7.- Bất thối pháp.
8.- Tuệ giải thoát.
9.- Cầu giải thoát.
Ðấy là chín bậc (xem Trung A Hàm - kinh Phước Ðiền) . Sau khi nói xong, đức Phật đọc kệ:
Với bậc học, vô học trong đời
Là chỗ cung kính đáng cúng dường
Thân miệng ngay thẳng, tâm thanh tịnh
Cúng phước điền này được quả lớn.
Khi ấy, trưởng giả Cấp Cô Ðộc, ngay tại chỗ ấy, xin cử người xướng ngôn, ngưỡng mong thánh giả, tác bạch như thế này:
- Nếu là đệ tử Thanh văn của Thế Tôn thì xứng đáng được cung kính lễ bái, là phước điền vô thượng, xứng đáng được nhận các vật lợi dưỡng trong thế gian. Y vật này, các ngài tùy ý thọ dụng.
Người xướng ngôn đứng trước thượng tọa tác bạch:
- Ðại đức tăng già lắng nghe. Nếu là đệ tử... như trên... thọ dụng.
Ðại chúng nghe cáo bạch xong. Những vị đã viễn ly được tham, sân, si tự nghĩ: "Trưởng giả Cấp Cô Ðộc cáo bạch lời này: Nếu là... như trên..."
Các vị A la hán tự nghĩ: "Ta là bậc chứng quả Vô thượng trong chúng tăng. Ðối với các vật lợi dưỡng này đáng được thọ dụng".
Như Thế Tôn dạy:
- Này các Bí-sô! Nếu tự mình có điều thiện thù thắng phải tự che kín, có việc thô xấu phải phát lồ. Nay tại sao vì các lợi vật này mà ta biểu dương đức độ mình ra, lại phát biểu rằng: "Ta là người ly dục vô thượng". Nghĩ như thế rồi, các vị A la hán đều ngồi im lặng. Các vị chưa đoạn trừ hết các hoặc hữu dư, cũng tự nghĩ: "Các vật này cúng dường cho bậc phước điền vô thượng, các lậu hoặc của ta chưa hết, thật không nên nhận". Các vị ấy cũng ngồi im lặng. Các vị còn cụ triền dị sanh cũng nghĩ như thế này: "Vật này cúng dường cho bậc phước điền vô thượng. Nay phiền trược của ta còn đầy đủ mạnh mẽ, thì không được hưởng đâu".
Trong chúng không có một người nào nhận lấy các vật cúng dường ấy cả.
Bấy giờ, trưởng giả Cấp Cô Ðộc tự nghĩ: "Nay, chẳng lẽ ta gây cho chúng tăng thánh phàm này sự việc úp bát hay sao?" Trong chốc lát trưởng giả hình dung tiều tụy, thần sắc thay đổi, đến chỗ Thế Tôn lạy sát chân Phật ngồi qua một bên, đem tất cả sự việc ở trên trình bày với Phật. Thế Tôn tuy biết rõ nhưng cố ý hỏi cụ thọ A Nan Ðà:
- Trưởng giả Cấp Cô Ðộc đem nhiều y vật để cúng dường đại chúng. Do ý gì mà trong chúng không ai nhận lãnh vậy?
A Nan Ðà thưa:
- Trưởng giả Cấp Cô Ðộc tác bạch như thế này: "Trong chúng này nếu vị nào là đệ tử Thanh văn của đức Thế Tôn thì đáng cung kính và lễ bái, là phước điền vô thượng, xứng đáng nhận vật lợi dưỡng của thế gian. Các y vật này các ngài tùy ý thọ dụng".
Khi đại chúng nghe bạch thế rồi, phàm thánh đều im l?ng. Do nhân duyên ấy không người nào nhận lĩnh cả.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo A Nan Ðà:
- Ông nên đến đó bảo các Bí-sô đang ở thành Thất La Phạt và các nơi khác cùng nhau tập hợp chờ đợi ở giảng đường.
Cụ thọ A Nan Ðà thừa lệnh của Phật, đến bảo mọi người tập họp tại giảng đường xong, trở về lạy sát chân Phật, bạch rằng:
- Ðại chúng đã tập họp hết một nơi, mong Thế Tôn tri thời.
Ðức Thiện Thệ đi đến nơi, ngồi xuống chỗ đã dọn sẵn. Ngài bảo các Bí-sô:
- Trưởng giả Cấp Cô Ðộc cúng dường nhiều y phục. Tại sao quí thầy không ai thọ nhận cả?
Các Bí-sô im lặng không trả lời.
Ðức Ðại Sư tuy biết nhưng vẫn cố ý hỏi A Nan Ðà:
- Tại sao khi ta hỏi mà các Bí-sô im lặng không trả lời.
Tôn giả A Nan Ðà đem tất cả sự việc trước đây bạch đức Thế Tôn.
Phật bảo các Bí-sô:
- Chẳng phải là các thầy ban đầu vì lòng tin nên đến với ta để xuất gia thoát ly thế tục cầu Niết bàn hay sao?
Các Bí-sô bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn đúng vậy.
Phật dạy:
- Nếu các thầy vì lòng tin nên đến với ta để xuất gia, mong muốn cầu Niết Bàn, tu hành tịnh hạnh. Y phục các Bí-sô đang mặc giá trị một ức tiền vàng. Phòng xá đang ở giá trị 500 tiền vàng thực phẩm ăn uống đầy đủ trăm vị ngon. Tất cả những thứ ấy, ta đều cho phép nhận và các thầy đều làm cho tiêu trừ được. Nhưng nếu có Bí-sô nào phá giới, thì ngay trong trú xứ không thể làm cho tiêu trừ được một miếng ăn; đất tăng già lam không thể dung chứa một bàn chân người ấy. Tại sao? Các thầy nên biết, người phá giới có mười điều lầm lỗi.
1- Tự biết mình là người phá giới xấu ác, người khác cũng biết mình là người phá giới.
2- Thiên thần không thân cận giúp đỡ.
3- Ðồng phạm hạnh khinh chê.
4- Người tốt biết pháp, khinh chê.
5- Tiếng xấu của tội ác bốn phương đều biết.
6- Người chưa chứng ngộ không thể chứng thêm được.
7- Ðã chứng ngộ bị thối thất.
8- Những điều đã thấy nghe được, đều quên hết.
9- Khi sắp chết tâm sinh áo não.
10- Sau khi chết đọa địa ngục.
Lại nữa, này các Bí-sô, thọ dụng có năm loại:
1- Chủ thọ dụng.
2- Phụ mẫu thọ dụng.
3- Thính hứa thọ dụng.
4- Phụ trái thọ dụng.
5- Ðạo tặc thọ dụng.
- Thế nào là chủ thọ dụng?
- Nghĩa là bậc A La Hán đã vĩnh viễn trừ sạch hết ba độc.
- Thế nào là phụ mẫu thọ dụng?
- Nghĩa là các bậc học nhân còn có dư hoặc.
- Thế nào là thính hứa thọ dụng?
- Nghĩa là bậc dị sanh thuần thiện với đời sống cao đẹp, giữ giới thanh tịnh, siêng tu thiền tụng, không có tâm phóng dật.
- Thế nào là phụ trái thọ dụng?
- Nghĩa là tuy có giữ gìn giới cấm nhưng không tinh tấn tu hành giác phẩm thiện pháp.
- Thế nào là đạo tặc thọ dụng?
- Nghĩa là phạm một trong bốn giới trong. Thế nên, quý thầy đã biết những sự việc như vậy rồi phải tinh tấn tu học. Ðối với những y vật cúng dường và các phần lợi dưỡng khác của trưởng giả này, đại chúng nên cùng nhau phân chia một cách bình đẳng.
CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THẾ HỮU BỘ
TY NẠI DA
NY ÐÀ NA
- Hết quyển 2-

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 10 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Nghệ thuật chết


Em Là Vì Sao Sáng


Vào thiền


Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 2

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.133.147.193 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập