Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
"Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi."
Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại;
giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to!
(Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay.
Kinh Bốn mươi hai chương
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
TẮC 91: DIÊM QUAN CÂY QUẠT TÊ NGƯU
LỜI DẪN: Vượt tình lìa kiến mở trói gỡ niêm, dựng dậy tông thừa hướng thượng, đỡ đứng chánh pháp nhãn tạng, phải là mười phương đồng ứng, tám mặt linh lung, thẳng đến điền địa ấy. Hãy nói lại có đồng đắc đồng chứng, đồng tử đồng sanh hay không, thử cử xem ?
CÔNG ÁN: Một hôm, Diêm Quan gọi thị giả: Đem cây quạt tê ngưu lại cho ta. Thị giả thưa: Cây quạt rách rồi. Diêm Quan bảo: Cây quạt đã rách trả con tê ngưu cho ta. Thị giả không đáp được. Đầu Tử nói: Chẳng từ đem ra, ngại đầu sừng chẳng đủ. Tuyết Đậu niêm: Ta cần cái đầu sừng chẳng đủ. Thạch Sương nói: Nếu trả Hòa thượng thì không vậy. Tuyết Đậu niêm: Con tê ngưu vẫn còn.Tư Phước vẽ một vòng tròn, ở trong vẽ một chữ ngưu. Tuyết Đậu niêm: Vừa rồi vì sao chẳng đem ra ? Bảo Phước nói: Hòa thượng tuổi cao, riêng mời người thì tốt. Tuyết Đậu niêm: Đáng tiếc nhọc mà không công.
GIẢI THÍCH: Một hôm Diêm Quan gọi thị giả: “Đem cây quạt tê ngưu lại cho ta.” Việc này tuy chẳng ở trên ngôn cú, song cần nghiệm tác lược ý khí bình sanh của người, lại cần mượn lời như thế để hiểu. Đến ngày ba mươi tháng chạp vẫn được đắc lực làm chủ, muôn cảnh đầy dẫy trông thấy mà chẳng động, đáng gọi công mà vô công lực mà vô lực. Diêm Quan là Thiền sư Tề An. Thời xưa lấy sừng con tê ngưu làm quạt. Khi ấy Diêm Quan há chẳng biết cây quạt tê ngưu đã rách, mà cố hỏi thị giả. Thị giả thưa: Cây quạt tê ngưu đã rách. Xem cổ nhân trong mười hai giờ thường ở trong ấy sờ đến chạm đến. Diêm Quan bảo: Cây quạt đã rách, trả con tê ngưu lại cho ta. Hãy nói Sư cần con tê ngưu làm gì ? Chỉ cần nghiệm người biết được chỗ rơi hay không ? Đầu Tử đáp: Chẳng từ đem ra, ngại đầu sừng chẳng đủ. Tuyết Đậu nói: Ta cần cái đầu sừng chẳng đủ. Cũng là nhằm dưới câu liền đầu cơ. Thạch Sương nói: Nếu trả Hòa thượng thì không vậy. Tuyết Đậu nói: Con tê ngưu vẫn còn. Tư Phước vẽ một vòng tròn, ở trong vẽ một chữ ngưu. Vì Sư kế thừa Ngưỡng Sơn nên bình sanh thích lấy cảnh tiếp người để rõ việc này. Tuyết Đậu nói: Vừa rồi vì sao chẳng đem ra ? Lại xỏ lỗ mũi kia vậy. Bảo Phước nói: Hòa thượng tuổi cao riêng mời thì tốt. Lời này nói được ổn đáng. Ba câu trước dễ thấy, một câu này có ý xa xôi. Tuyết Đậu cũng đã phá xong. Sơn tăng khi xưa ở chỗ Khánh Tạng chủ lý hội, nói: Hòa thượng tuổi cao già nua, được đầu quên đuôi, vừa rồi đòi cây quạt, giờ đây lại đòi con tê ngưu, khó vì hầu hạ, cho nên nói riêng mời người khác thì tốt. Tuyết Đậu nói: Đáng tiếc nhọc mà không công. Đây đều là cách thức hạ ngữ. Cổ nhân thấy tột việc này, mỗi mỗi tuy chẳng đồng, mà nói ra đều trăm phát trăm trúng, cần có con đường xuất thân, mỗi câu chẳng mất huyết mạch. Người nay bị hỏi đến, chỉ cần tạo đạo lý suy gẫm. Vì thế trong mười hai giờ cần người gặm nhấm, dạy một giọt cô đọng một giọt, cần chỗ chứng ngộ. Xem Tuyết Đậu tụng nhất quán.
TỤNG: Tê ngưu phiến tử dụng đa thì
Vấn trước nguyên lai tổng bất tri
Vô hạn thanh phong dữ đầu giác Tận đồng vân vũ khứ nan truy.
DỊCH: Cây quạt tê ngưu dụng đã lâu
Hỏi ra như trước thảy không hay
Đầu sừng với gió lành vô hạn
Trọn đồng Vân vũ đi khó tìm.
Tuyết Đậu lại nói: Nếu cần gió mát trở lại, đầu sừng sanh ra, thỉnh Thiền khách mỗi người hạ một chuyển ngữ. Hỏi rằng: Cây quạt đã rách trả con tê ngưu lại cho ta ? Có vị Tăng ra thưa: Đại chúng đến nhà tham thiền đi. Tuyết Đậu hét, nói: Thả câu cá kình mà câu được con ếch. Liền xuống tòa.
GIẢI TỤNG: Hai câu “cây quạt tê ngưu dụng đã lâu, hỏi ra như trước thảy không hay”, mỗi người sẵn có cây quạt tê ngưu, trong mười hai giờ toàn nhờ sức của nó, vì sao hỏi đến thảy không biết ? Thị giả, Đầu Tử cho đến Bảo Phước cũng chẳng biết. Hãy nói Tuyết Đậu lại biết chăng ? Đâu chẳng thấy Vô Trước đến tham vấn Văn-thù, khi uống trà Văn-thù đưa cái chung pha lê lên hỏi: Phương Nam lại có cái này chăng ? Vô Trước thưa: Không. Văn-thù hỏi: Bình thường dùng cái gì uống trà ? Vô Trước không đáp được. Nếu biết được chỗ rơi của công án này, thì biết được cây quạt tê ngưu có vô hạn thanh phong, cũng thấy được đầu sừng con tê ngưu sừng sững. Bốn vị Trưởng lão nói thế ấy, như sáng mây chiều mưa, một phen đi thật khó tìm. Tuyết Đậu lại nói: Nếu cần gió mát trở lại, đầu sừng sanh ra, thỉnh Thiền khách mỗi người hạ một chuyển ngữ. Hỏi: Cây quạt đã rách, trả con tê ngưu lại cho ta ? Có một Thiền khách đáp: Đại chúng đến nhà tham thiền đi. Vị Tăng này đoạt được quyền bính của chủ nhà, nói đến tột chỉ nói được tám phần. Nếu cần mười phần, liền lật ngược giường thiền. Ông hãy nói, vị Tăng này hiểu con tê ngưu hay chẳng hiểu ? Nếu chẳng hiểu sao lại biết nói thế ấy ? Nếu hiểu, tại sao Tuyết Đậu chẳng chấp nhận y ? Vì sao nói: “thả câu cá kình mà câu được con ếch” ? Hãy nói cứu kính thế nào ? Quí vị vô sự thử nêu lên xem ? TẮC 92: THẾ TÔN ĐĂNG TÒA
LỜI DẪN: Nhạc điệu bản hay ngàn năm khó gặp, thấy thỏ thả chim ưng một lúc thật tài, gom tất cả ngữ ngôn làm một câu, góp đại thiên sa giới làm một hạt bụi, đồng chết đồng sống, bảy xoi tám thủng, lại có người chứng cứ hay chăng, thử cử xem ?
CÔNG ÁN: Một hôm Thế Tôn đăng tòa, Văn-thù bạch chùy rằng: Quán kỹ pháp đấng Pháp Vương, pháp đấng Pháp Vương như thế.
GIẢI THÍCH: Trước kia Thế Tôn đưa cành hoa, sớm đã có tin tức này. Buổi đầu từ vườn Lộc Uyển, sau cùng đến sông Bạt-đề, đâu từng dùng đến cây bảo kiếm Kim Cang Vương. Trong chúng khi đó, nếu có người có hơi hám Thiền tăng nhận ra được, mới khỏi sau này Ngài đưa cành hoa khiến một trường rối bời. Thế Tôn trong khoảng im lặng bị Văn thù đẩy một cái, liền xuống tòa. Khi ấy cũng có tin tức này. Đức Thích-ca đóng cửa thất, ngài Tịnh Danh ngậm miệng, đều giống cái này, đã nói xong vậy. Như câu vua Túc Tông hỏi Quốc sư Huệ Trung về tháp Vô Phùng. Như lời ngoại đạo hỏi Phật, chẳng hỏi có lời chẳng hỏi không lời. Xem hành lý của người hướng thượng đâu từng vào hang quỉ làm kế sống. Có người nói ý ở chỗ làm thinh. Có người nói ở chỗ im lặng giây lâu. Dùng có lời để rõ việc không lời, không lời để rõ việc có lời. Vĩnh Gia nói: “Khi im lặng nói, khi nói im lặng.” Thảy hiểu thế ấy thì ba đời sáu mươi kiếp cũng chưa mộng thấy. Nếu ông thẳng đó thừa đương được, chẳng thấy có phàm có Thánh, pháp ấy bình đẳng không có cao thấp, mỗi ngày cùng chư Phật ba đời nắm tay đồng đi. Phần sau, xem Tuyết Đậu tự nhiên thấy được tụng ra.
TỤNG: Liệt Thánh tùng trung tác giả tri
Pháp Vương pháp lệnh bất như tư
Hội trung nhược hữu Tiên Đà khách
Hà tất Văn-thù hạ nhất chùy.
DỊCH: Liệt Thánh tùng lâm tác giả tri
Pháp Vương pháp lệnh chẳng như đây
Hội này nếu có Tiên Đà khách
Nào thiết Văn-thù hạ một chùy.
GIẢI TỤNG: Câu “liệt Thánh tùng lâm tác giả tri”, trong hội Linh Sơn tám muôn đại chúng đều là liệt Thánh, Văn-thù, Phổ Hiền cho đến Di-lặc, chủ bạn đồng hội, phải là khéo trong khéo, kỳ trong kỳ, mới biết chỗ rơi kia. Ý Tuyết Đậu nói liệt Thánh trong tùng lâm không một người “Tri Hữu”. Nếu có bậc tác gia mới biết chẳng thế ấy. Cớ sao ? Văn-thù bạch chùy: “quán kỹ pháp đấng Pháp Vương, pháp đấng Pháp Vương như thế” ? Tuyết Đậu nói “Pháp Vương pháp lệnh chẳng như đây.” Cớ sao như thế ? Trong hội khi ấy, nếu có người đảnh môn đủ mắt, trong tay có linh phù, nhằm trước khi Thế Tôn đăng tòa xem được phá, đâu cần Văn-thù bạch chùy. Kinh Niết-bàn nói: Tiên-đà-bà một tên có bốn nghĩa:
1) - Là muối, 2) - Là nước, 3) - Là đồ dùng, 4) - Là ngựa.
Có vị quan thông minh khéo hiểu bốn nghĩa, nếu vua cần rửa tay gọi tiên-đà-bà liền dâng nước, khi ăn gọi tiên-đà-bà thì dâng muối, ăn xong gọi tiên-đà-bà thì dâng đồ dùng uống nước, muốn đi gọi tiên-đà-bà thì dâng ngựa. Tùy ý ứng dụng không sai chạy. Hẳn thế, phải là người lanh lợi mới được. Như Tăng hỏi Hương Nghiêm: Thế nào là vua đòi tiên-đà-bà ? Hương Nghiêm đáp: Qua bên này đi. Tăng qua bên này, Hương Nghiêm nói: Ngu chết người. Tăng lại hỏi Triệu Châu: Thế nào là vua đòi tiên-đà-bà ? Triệu Châu bước xuống giường thiền cúi đầu khoanh tay. Khi ấy nếu có kẻ Tiên-đà-bà, trước khi Thế Tôn đăng tòa thấu được, vẫn còn so sánh đôi chút. Thế Tôn lại đăng tòa, liền xuống tòa, đã là chẳng tiện rồi vậy. Đâu kham Văn-thù lại bạch chùy, hẳn là làm mờ đường lối đề xướng của Thế Tôn. Hãy nói thế nào là chỗ làm mờ ? TẮC 93: ĐẠI QUANG ĐÂY LÀ DÃ HỒ TINH
CÔNG ÁN: Tăng hỏi Đại Quang: Trường Khánh nói nhân trai khánh tán, ý chỉ thế nào ? Đại Quang liền múa. Tăng lễ bái. Đại Quang bảo: Thấy cái gì liền lễ bái ? Tăng liền múa. Đại Quang nói: Đây là dã hồ tinh.
GIẢI THÍCH: Hai mươi tám vị Tổ ở Ấn Độ, sáu vị Tổở Trung Hoa chỉ truyền cái này. Các ông lại biết chỗ nơi chăng ? Nếu biết khỏi được lỗi này. Nếu chẳng biết, như xưa chỉ là dã hồ tinh. Có người nói: Là kéo lỗ mũi kia, đến gạt người. Nếu thật thế ấy, thành đạo lý gì ? Đại Quang thật khéo vì người, trong câu có con đường xuất thân, là bậc Tông sư phải vì người nhổ đinh tháo chốt, gỡ niêm cởi trói, mới gọi là thiện tri thức. Đại Quang liền múa, vị Tăng lễ bái, rốt sau Tăng liền múa, Đại Quang nói đây là dã hồ tinh. Chẳng phải chuyển vị Tăng, cứu kính chẳng biết đúng đích. Ông chỉ biết liền múa đổi thay nhau thế ấy, đến bao giờ được thôi dứt. Đại Quang nói: Đây là dã hồ tinh. Câu này cắt đứt Kim Ngưu, thật là kỳ đặc. Vì thế nói: Kia tham câu sống, chẳng tham câu chết. Tuyết Đậu chỉ thích Sư nói “đây là dã hồ tinh”, do đó tụng ra. Hãy nói “đây là dã hồ tinh” cùng “Tạng đầu bạch, Hải đầu hắc” là đồng là khác. Lại biết chăng ? Với “thùng sơn”, “Sư Tăng tốt” là đồng hay khác ? Chỗ chạm gặp y, Tuyết Đậu tụng ra.
TỤNG: Tiên tiễn du khinh hậu tiễn thâm
Thùy vân hoàng diệp thị huỳnh kim
Tào Khê ba lãng như tương tợ
Vô hạn bình nhân bị lục trầm.
DỊCH: Tên trước còn nhẹ tên sau sâu
Ai rằng lá úa ấy vàng ròng
Tào Khê dậy sóng dường tương tợ
Vô hạn người thường bị đắm chìm.
GIẢI TỤNG: Câu “tên trước còn nhẹ tên sau sâu”, Đại Quang liền múa là tên trước, lại nói đây là dã hồ tinh là mũi tên sau. Đây là nanh vuốt từ trước đến giờ. Câu “ai rằng lá úa ấy vàng ròng”, Ngưỡng Sơn dạy chúng nói: “Cả thảy các ông mỗi người tự hồi quang phản chiếu, chớ nhớ lời tôi. Các ông từ vô thủy đến giờ trái sáng hợp tối, gốc vọng tưởng sâu dày, rất khó nhổ nhanh. Vì thế, tạm bày phương tiện cướp thô thức của ông, như đem lá vàng dỗ con nít khóc, giống như đem quả ngọt đổi lấy trái đắng.” Cổ nhân quyền bày phương tiện vì người, đến khi hết khóc thì lá vàng chẳng phải lá vàng. Thế Tôn nói pháp một đời cũng chỉ là nói để dỗ nín khóc. Câu “đây là dã hồ tinh”, chỉ cần đổi nghiệp thức cho kia. Ở trong cũng có quyền thật, chiếu dụng, mới thấy lỗ mũi Thiền tăng. Nếu hiểu được, như cọp chắp cánh. Câu “Tào Khê dạy sóng dường tương tợ”, bỗng chợt bốn phương tám hướng học giả, chỉ quản liền múa như thế. Một bề thế ấy thì “vô hạn người thường bị đắm chìm”, có chỗ nào mà cứu được ? TẮC 94: LĂNG NGHIÊM CHẲNG THẤY
LỜI DẪN: Trước tiếng một câu ngàn Thánh chẳng truyền, trước mặt một sợi tơ hằng không gián cách, lột trần bày lồ lộ, trâu trắng phơi bày, trợn mắt, vễnh tai. Sư tử lông vàng gác lại, hãy nói thế nào là trâu, trắng phơi bày ?
CÔNG ÁN: Kinh Lăng Nghiêm nói: “Khi ta chẳng thấy, sao chẳng thấy chỗ chẳng thấy của ta. Nếu thấy cái chẳng thấy, tự nhiên chẳng phải tướng chẳng thấy kia. Nếu chẳng thấy chỗ ta chẳng thấy, tự nhiên chẳng phải vật, tại sao chẳng phải ông ?”
GIẢI THÍCH: Kinh Lăng Nghiêm nói: “Khi ta chẳng thấy, sao chẳng thấy chỗ chẳng thấy của ta. Nếu thấy cái chẳng thấy, tự nhiên chẳng phải tướng chẳng thấy kia. Nếu chẳng thấy chỗ ta chẳng thấy, tự nhiên chẳng phải vật, tại sao chẳng phải ông ?” Tuyết Đậu đến đây dẫn văn kinh mà dẫn chẳng hết. Dẫn hết thì có thể thấy. Kinh nói: “Nếu cái thấy là vật, thì ông cũng thấy được cái thấy của ta. Nếu đồng thấy gọi là “thấy cái thấy” của ta. Khi ta chẳng thấy, sao chẳng thấy chỗ chẳng thấy của ta ? Nếu thấy cái chẳng thấy, tự nhiên chẳng phải tướng chẳng thấy kia. Nếu chẳng thấy chỗ ta chẳng thấy, tự nhiên chẳng phải vật, tại sao chẳng phải ông ?” Vì lời nhiều chẳng chép hết. Ý Tôn giả A-nan nói: “Thế giới, lồng đèn, cột cái đều nên có tên, cần thiết Thế Tôn chỉ ra cái Diệu tinh nguyên minh này gọi là vật gì, khiến con thấy ý Phật ?” Thế Tôn nói: Ta thấy đài hương. A-nan thưa: Con cũng thấy đài hương, tức là cái thấy của Phật. Thế Tôn nói: Ta thấy đài hương thì dễ biết, nếu khi ta chẳng thấy đài hương, ông làm sao thấy ? A-nan thưa: Khi con chẳng thấy đài hương là thấy Phật. Phật bảo: “Ta nói chẳng thấy, tự là ta biết, ông nói chẳng thấy tự là ông biết, chỗ người khác không thấy ông làm sao biết được ?” Cổ nhân nói: Đến trong đây chỉ nên tự biết, vì người nói chẳng được. Như Thế Tôn nói khi ta chẳng thấy, sao chẳng thấy chỗ chẳng thấy của ta. Nếu thấy cái chẳng thấy, tự nhiên chẳng phải tướng chẳng thấy kia. Nếu chẳng thấy chỗ ta chẳng thấy, tự nhiên chẳng phải vật, tại sao chẳng phải của ông ? Nếu nói nhận cái thấy là có vật thì chưa có thể phủi dấu “khi tôi chẳng thấy”. Như con linh dương mọc sừng, tiếng vang dấu vết, khí tức đều tuyệt, ông nhằm chỗ nào dò tìm ? Ý kinh trước buông ra để phá, sau đoạt để phá. Tuyết Đậu mở con mắt giáo pháp để tụng, chẳng tụng vật, cũng chẳng tụng thấy cùng chẳng thấy, thẳng thừng tụng thấy Phật.
TỤNG: Toàn tượng toàn ngưu ế bất thù
Tùng lai tác giả cộng danh mô
Như kim yếu kiến Hoàng đầu lão
Sát sát trần trần tại bán đồ.
DỊCH: Voi đủ trâu đầy mắt bệnh đồng
Từ lâu tác giả thảy dò tìm
Như nay cốt thấy lão già Ấn
Cõi cõi trần trần ở giữa đường.
GIẢI TỤNG: Câu “voi đủ trâu đầy mắt bệnh đồng”, những người mù rờ voi, mỗi người nói khác nhau, xuất xứ từ kinh Niết-bàn. Có vị Tăng hỏi Ngưỡng Sơn: Hòa thượng thấy người hỏi thiền hỏi đạo, liền vẽ một vòng tròn, ở giữa vẽ chữ ngưu, ý tại chỗ nào ? Ngưỡng Sơn đáp: “Cái này cũng là việc nhàn, nếu như hội được chẳng từ ngoài đến, nếu như hội chẳng được quyết định chẳng biết. Ta thử hỏi ông, các bậc lão túc mọi nơi ở trên thân ông chỉ ra cái gì là Phật tánh của ông ? Lại là nói thì phải, nín thì phải, chẳng nói chẳng nín thì phải ? Hoặc giả thảy phải, thảy chẳng phải ? Nếu ông nhận nói là phải, như người mù mò được cái đuôi con voi. Nếu ông nhận nín là phải, như người mù mò được lỗ tai con voi. Nếu ông nhận chẳng nói chẳng nín là phải, như người mù mò được lỗ mũi con voi. Nếu nói vật vật đều phải, như người mù mò được bốn chân con voi. Nếu nói tất cả chẳng phải, là bỏ con voi rơi tại không kiến. Như thế chỗ thấy của những người mù chỉở trên con voi mà danh từ tướng mạo sai biệt. Ông cần yếu chớ mò voi, chớ nói kiến giác phải, cũng chớ nói chẳng phải”. Tổ sư nói: “Bồ-đề vốn không cội, gương sáng cũng không đài, xưa nay không một vật, chỗ nào dính trần ai.” Lại nói: “Đạo vốn không hình tướng, trí tuệ tức là đạo, khởi kiến giải thế ấy, gọi là chân Bát-nhã.” Người sáng mắt thấy toàn thể con voi, như Phật thấy tánh cũng thế. Toàn ngưu là xuất phát từ Trang Tử. Bào Đinh mổ trâu chưa từng thấy toàn ngưu kia, chỉ thuận lý mà mổ, dao dạo tự tại, chẳng cần nhọc công, trong khoảng chớp mắt đầu sừng chân thịt đồng thời mổ xong. Như thế mười chín năm dao vẫn bén như mới ra từ lò rèn, gọi đó là toàn ngưu. Tuy nhiên kỳ đặc như thế, Tuyết Đậu nói giả sử được toàn tượng toàn ngưu cùng trong mắt có cườm lại chẳng khác. Câu “từ lâu tác giả thảy dò tìm”, dù là tác gia đến trong đây dò tìm cũng chẳng được. Từ Tổ Ca-diếp cho đến chư TổởẤn Độ, Trung Hoa, các bậc lão Hòa thượng trong thiên hạ đều chỉ gọi mò. Tuyết Đậu nói thẳng thừng rằng “như nay cần thấy lão già Ấn”, sở dĩ nói cần thấy tức thì thấy, đợi tìm kiếm mới thấy cách ngàn dặm muôn dặm. Hoàng đầu lão tức là ông già mặt vàng. Như nay ông cần thấy thì “cõi cõi trần trần ở giữa đường”. Bình thường nói “một hạt bụi, một cõi Phật, một chiếc lá một Thích-ca”. Trọn cả tam thiên đại thiên thế giới có bao nhiêu hạt bụi, chỉ nhằm trong một hạt bụi thấy. Chính khi ấy vẫn ở nữa đường. Bên kia lại còn có nửa đường không ? Hãy nói còn chỗ nào ? Ông già Thích-ca còn chẳng biết, bảo Sơn tăng làm sao nói được? TẮC 95: TRƯỜNG KHÁNH A-LA-HÁN BA ĐỘC
LỜI DẪN: Chỗ có Phật chẳng được trụ, trụ đây đầu mọc sừng, chỗ không Phật chạy qua nhanh, chẳng chạy qua cỏ cao một trượng. Dù cho lột trần bày lồ lộ, ngoài việc không cơ, ngoài cơ không việc, chưa khỏi ôm gốc cây đợi thỏ. Hãy nói thảy chẳng thế ấy, hành lý thế nào, thử cử xem ?
CÔNG ÁN: Trường Khánh có khi nói: Thà nói A-la-hán có ba độc chẳng nói Như Lai có hai thứ lời, chẳng nói Như Lai không nói, chỉ là không hai thứ lời. Bảo Phước hỏi: Thế nào là Như Lai nói ? Trường Khánh đáp: Người điếc đâu được nghe. Bảo Phước nói: Biết rõ ông nhằm đầu thứ hai nói. Trường Khánh hỏi: Thế nào là Như Lai nói ? Bảo Phước đáp: Uống trà đi.
GIẢI THÍCH: Trường Khánh, Bảo Phước ở trong hội Tuyết Phong thường cùng nhau nhắc những công án của cổ nhân để thương lượng. Một hôm như thường lệ, Trường Khánh nói: Thà nói A-la-hán có ba độc, chẳng nói Như Lai có hai thứ lời. Tiếng Phạn A-la-hán, Trung Hoa dịch Sát Tặc, do công năng mà lập tên, hay đoạn tám mươi mốt phẩm phiền não, các lậu đã sạch, phạm hạnh đã xong, đây là bậc A-la-hán vô học. Ba độc tức là tham sân si căn bản phiền não. Tám mươi mốt phẩm còn tự đoạn sạch, huống là ba độc. Trường Khánh nói: Thà nói A-la-hán có ba độc, chẳng nói Như Lai có hai thứ lời. Đại ý cần nêu lên Như Lai hẳn là nói thật. Kinh Pháp Hoa nói: Chỉ đây một sự thật, còn hai thì chẳng chân. Lại nói: Chỉ có pháp Nhất thừa, không hai cũng không ba. Thế Tôn hơn ba trăm hội, xem căn cơ dạy giáo pháp, hợp bệnh cho thuốc, thuyết pháp muôn thứ ngàn loại, cứu kính không hai thứ lời. Ý của Ngài đến đây, quí vị làm sao thấy được ? Phật dùng một âm diễn nói pháp thì chẳng không, Trường Khánh vẫn còn chưa mộng thấy lời nói của Như Lai. Tại sao ? Giống như người nói ăn, trọn không thể no. Bảo Phước thấy y trên đất bằng nói giáo, liền hỏi: Thế nào là Như Lai nói ? Trường Khánh đáp: Người điếc đâu được nghe. Kẻ này biết những lúc khác ở trong hang quỉ làm kế sống. Bảo Phước nói: Biết rõ ông nhằm trên đầu thứ hai nói. Quả thật đúng lời kia. Lại hỏi Sư huynh, thế nào là Như Lai nói ? Bảo Phước đáp: Uống trà đi. Cán thương đổi ngược bị người khác cướp rồi. Cả thảy Trường Khánh mất tiền bị tội. Xin hỏi quí vị, Như Lai nói có mấy thứ ? Phải biết thấy được thế ấy, mới thấy chỗ bại khuyết của hai vị này. Kiểm điểm chín chắn về sau trọn nên ăn gậy. Phóng một bước nói cùng kia lý hội. Có người nói: Bảo Phước nói được đúng, Trường Khánh nói chẳng đúng. Chỉ thiết theo lời sanh hiểu, nói có được có mất. Đâu chẳng biết cổ nhân như chọi đá nháng lửa, tợ làn điện chớp. Người nay chẳng xem chỗ cổ nhân chuyển, chỉ cần chạy dưới câu, nói Trường Khánh khi ấy dùng chẳng tiện, vì thế rơi vào đầu thứ hai. Bảo Phước nói uống trà đi, là đầu thứ nhất. Nếu chỉ xem thế ấy, đến đức Phật Di-lặc hạ sanh cũng chẳng thấy ý cổ nhân. Nếu là tác gia thì chẳng khởi loại kiến giải này, nhảy khỏi hang ổ ấy, hướng thượng tự có một lối đi. Nếu ông nói người điếc chẳng được nghe, có chỗ nào là chẳng phải ? Bảo Phước nói uống trà đi, có chỗ nào là phải ? Càng không dính dáng. Thế nên nói “kia tham câu sống, chẳng tham câu chết”. Nhân duyên này cùng “khắp thân phải, toàn thân phải” một loại. Không có chỗ cho ông so tính thị phi. Phải là dưới chân ông lột trần, mới thấy chỗ cổ nhân thấy nhau. Ngũ Tổ lão sư nói: Giống như trước ngựa đánh nhau, phải là mắt nhìn tay nắm. Công án này nếu dùng chánh nhãn xem đó, đều không có chỗ được mất để biện được mất, không có chỗ thân sơ để biện thân sơ. Trường Khánh cũng phải lễ bái Bảo Phước mới được. Cớ sao ? Chỗ khéo này dùng rất tài, giống như điện xẹt sao băng, Bảo Phước quả là trên nanh sanh nanh, trên vuốt sanh vuốt.
TỤNG: Đầu hề đệ nhất đệ nhị
Ngọa long bất giám chỉ thủy
Vô xứ hữu nguyệt ba trừng
Hữu xứ vô phong lãng khỉ.
Lăng thiền khách ! Lăng thiền khách !
Tam ngoạt võ môn tao điểm ngạch.
DỊCH: Đầu chừ thứ nhất thứ hai
Rồng nằm chẳng xem nước đứng
Chỗ không, có trăng sóng dừng
Chỗ có, không gió sóng dậy.
Thiền khách Lăng ! Thiền khách Lăng !
Tháng ba võ môn bị điểm trán.
GIẢI TỤNG: Câu “đầu chừ thứ nhất thứ hai”, chỉ cần hiểu thứ nhất thứ hai, chính là ở trong nước chết làm kế sống. Cái cơ khéo này, ông chỉ khởi hiểu thứ nhất thứ hai thì dò tìm chẳng đến. Tuyết Đậu nói “rồng nằm chẳng xem nước đứng”, trong nước chết đâu có rồng ẩn. Nếu là thứ nhất thứ hai, chính là trong nước chết làm kế sống. Phải là chỗ nước nổi sóng to, sóng bủa ngập trời mới có rồng ẩn. Giống như trước nói “đầm lặng chẳng cho rồng to ở”. Đâu chẳng thấy nói “nước chết chẳng chứa rồng” ? Lại nói: “Rồng nằm hằng sợ nước đầm trong.” Vì thế nói “chỗ không rồng, có trăng sóng dừng”, gió lặng sóng yên. “Chỗ có rồng, không gió sóng dậy.” Giống như Bảo Phước nói “uống trà đi”, chính là không gió sóng dậy. Tuyết Đậu đến trong đây một lúc vì ông chập chùng tình giải tụng xong. Sư có vận thừa khiến thành văn lý, như trước đến trong đầu đặt một con mắt, cũng thật là kỳ đặc. Lại nói “Thiền khách Lăng ! Thiền khách Lăng ! tháng ba võ môn bị điểm trán”. Trường Khánh tuy là con rồng vượt khỏi Long môn, lại bị Bảo Phước ngay đầu điểm một cái. TẮC 96: TRIỆU CHÂU BA CHUYỂN NGỮ
CÔNG ÁN: Triệu Châu dạy chúng ba chuyển ngữ.
GIẢI THÍCH: Triệu Châu dạy chúng ba chuyển ngữ xong, rốt sau lại nói: Chân Phật ngồi trong thất. Một câu này rõ ràng quá mức. Cổ nhân mở một con mắt đưa tay tiếp người, tạm mượn lời này để thông tin tức, cốt yếu vì người. Nếu ông một bề toàn nêu chánh lệnh thì trước pháp đường cỏ cao một trượng. Tuyết Đậu không hài lòng câu rốt sau ló đuôi của Sư, vì thế bỏ bớt chỉ tụng ba câu. Phật đất nếu độ nước thì tan hoại. Phật vàng nếu độ lò đúc thì chảy. Phật gỗ nếu độ lửa thì bị đốt. Có cái gì khó hiểu ? Tuyết Đậu tụng cổ một trăm tắc, so sánh sắn bìm, chỉ có ba bài tụng này quả có hơi hám Thiền tăng. Chỉ bài tụng này cũng thật khó hiểu. Nếu ông thấu được ba bài tụng này, cho ông khỏi tham.
TỤNG: Nê Phật bất độ thủy
Thần Quang chiếu thiên địa
Lập tuyết như vị hưu
Hà nhân bất điêu ngụy.
DỊCH: Phật đất chẳng độ nước
Thần Quang soi trời đất
Đứng ngoài tuyết chưa thôi
Người nào chẳng dối trá.
GIẢI TỤNG: “Phật đất chẳng độ nước, Thần Quang soi trời đất”, hai câu tụng này rõ ràng rồi. Hãy nói vì sao lại dẫn Thần Quang ? Nhị Tổ khi mới sanh, thần quang soi sáng nhà thẳng đến trên trời. Lại một đêm, thần nhân hiện bảo Nhị Tổ: Ở đây làm gì ? Ông sẽ đắc đạo, thời cơ đã đến, nên sang phương Nam. Nhị Tổ do gặp Thần nên gọi là Thần Quang. Ngài cư ngụ vùng Y Lạc, đọc hết các sách, mỗi khi than: “Khổng, Lão dạy về thuật phong qui.” Được nghe Đại sư Đạt-ma ở Thiếu Lâm, Ngài bèn đến đó sớm tối tham vấn. Tổ Đạt-ma ngồi thẳng ngó mặt vô vách, chẳng được nghe dạy bảo điều gì. Ngài tự suy nghĩ: Người xưa cầu đạo, chẻ xương lấy tủy, chích máu giúp người đói, trải tóc che bùn, gieo mình cho cọp ăn, xưa còn như thế, ta lại là sao ? Ngày mùng chín tháng chạp năm ấy, ban đêm tuyết dày, Nhị Tổ đứng dưới thềm đến sáng, tuyết lên đến đầu gối. Tổ Đạt-ma thương hỏi: Ông đứng dưới tuyết như thế để cầu việc gì ? Nhị Tổ buồn khóc thưa: Chỉ mong Ngài từ bi mở cửa cam lồ rộng độ chúng sanh. Tổ Đạt-ma nói: Diệu đạo của chư Phật nhiều kiếp tinh cần, khó làm mà hay làm, khó nhẫn mà hay nhẫn, há lấy đức nhỏ trí nhỏ, tâm khinh tâm mạn, mong được chân thừa, không có lẽ ấy. Nhị Tổ nghe dạy răn, lòng mộ đạo càng thiết, lén lấy dao bén tự chặt tay trái, đến trước dâng Tổ Đạt-ma. Đạt-ma biết là pháp khí, bảo: Ông đứng ngoài tuyết chặt tay, sẽ vì việc gì ? Nhị Tổ thưa: Tâm con chẳng an, xin Thầy pháp an tâm. Đạt-ma bảo: Đem tâm ra, ta vì ông an. Nhị Tổ thưa: Con tìm tâm trọn không thể được. Đạt-ma nói: Vì ông an tâm xong. Sau Đạt-ma đổi tên cho Ngài là Huệ Khả. Sau Ngài gặp được Tam tổ Tăng Xán, truyền pháp xong, ởẩn tại núi Hoàn Công Thơ Châu, gặp thời Hậu Châu, vua Võ Đế phá diệt Phật pháp, sa thải Tăng Ni, Tam Tổ qua lại huyện Thái Hồ vùng núi Tư Không, không ở chỗ nào cố định, hơn mười năm mà không có người biết. Cao Tăng Truyện của Tuyên Luật sư chép việc Nhị Tổ không được rõ. Truyện Tam Tổ nói: Diệu pháp của Nhị Tổ chẳng truyền ở đời, nhờ sau gặp người như trước ngộ được chỗ của Ngài đứng trong tuyết. Vì thế Tuyết Đậu nói: “Đứng ngoài tuyết chưa thôi, người nào chẳng dối trá.” Đứng ngoài tuyết nếu chưa thôi, đủ khiến bọn người dối trá bắt chước theo, một lúc chỉ thành dối trá, tức là bọn dối trá. Tuyết Đậu tụng Phật đất chẳng độ nước, vì sao lại dẫn nhân duyên này để dùng ? Sư tham đến dưới ý căn không còn một việc, lột trần mới tụng được như thế. Ngũ tổ Diễn bình thường bảo người xem ba bài tụng này. Đâu chẳng thấy Hòa thượng Thủ Sơ có bài tụng dạy chúng: “Trên núi Ngũ đài mây nấu cơm, trước nhà Phật cổ chó đái trời, ở đầu cột phướn toan nướng bánh, ba đứa trẻ Hồ đêm rải tiền.” Hòa thượng Đỗ Thuận tụng: “Hoài Châu trâu ăn lúa, Ích Châu ngựa no đầy, mọi người tìm thầy thuốc, chích heo đùi trái này.” Phó Đại sĩ tụng: “Tay không cầm cây cuốc, bộ hành cỡi trâu đi, trên cầu người qua lại, cầu trôi nước chẳng trôi.” Lại nói: “Người máy đá giống ông, cũng biết bài ca hát, ông nếu giống người đá, bản tuyết nên cùng hòa.” Nếu hiểu được lời này là hiểu được bài tụng của Tuyết Đậu:
TỤNG: Kim Phật bất độ lô
Nhân lai phỏng Tử Hồ
Bi trung sổ cá tự
Thanh phong hà xứ vô.
DỊCH: Phật vàng chẳng độ lò
Người đến hỏi Tử Hồ
Trong bia có mấy chữ
Gió mát chỗ nào không.
GIẢI TỤNG: “Phật vàng chẳng độ lò, người đến hỏi Tử Hồ”, hai câu này cũng tụng xong, vì sao lại dẫn người đến hỏi Tử Hồ ? Phải là hàng tác gia rèn luyện mới được. Hòa thượng Tử Hồ có làm tấm bia ở đường lên núi, trong bia viết: “Tử Hồ có một con chó, trên thì cắn đầu người, giữa thì cắn lưng người, dưới thì cắn chân người, suy nghĩ thì tan thân mất mạng.” Phàm thấy người mới đến liền hét: Coi chừng chó ! Tăng vừa xoay đầu nhìn, Tử Hồ trở về phương trượng. Hãy nói vì sao cắn Triệu Châu chẳng được ? Lại một đêm giữa khuya, Sưở trong phòng kêu to: Bắt ăn trộm ! Bắt ăn trộm ! Trong lúc tối mù mịt gặp một vị Tăng, chụp vào ngực nói to: Bắt được rồi ! Bắt được rồi ! Tăng thưa: Bạch Hòa thượng ! Con, chẳng phải. Tử Hồ bảo: Phải thì phải, chỉ chẳng chịu thừa nhận. Nếu ông hiểu lời nói này, nhận ông cắn chết mọi người, nơi nơi gió mát rười rượi. Nếu chưa được như thế, “trong bia có mấy chữ” quyết định không thể nào thông. Nếu cần thấy Sư, chỉ thấu được tột mới thấy.
TỤNG: Mộc Phật bất độ hỏa
Thường tư Phá Táo Đọa
Trượng tử hốt kích trước
Phương tri cô phụ ngã.
DỊCH: Phật gỗ chẳng độ lửa Thường nhớ Phá Táo Đọa
Cây gậy chợt đánh đến
Mới biết cô phụ ta.
GIẢI TỤNG: “Phật gỗ chẳng độ lửa, thường nhớ Phá Táo Đọa”, hai câu này tụng xong. Tuyết Đậu nhân Phật gỗ chẳng độ lửa này thường nghĩ đến Phá Táo Đọa. Hòa thượng Phá Táo Đọa ở Tung Sơn chẳng biết tên họ, ngôn hạnh khó lường, thường ở ẩn Tung Sơn. Một hôm, Sư dẫn chúng vào lòng núi, có một cái miếu rất linh, trong điện chỉ để một vị táo, gần xa đến cúng kính liên miên, sát sanh hại mạng rất nhiều. Sư vào trong miếu lấy cây gậy gõ vị táo ba cái, nói: Dốt ! Ngươi vốn đất gạch hợp thành, linh từ đâu lại, Thánh từ chỗ nào hiện, mà sát sanh hại mạng thế ấy ? Lại gõ ba cái, táo tự nghiêng ngả rồi bể nát. Chốc lát, có người đầu đội mũ mặc áo xanh, bỗng nhiên đứng trước mặt Sư, lễ bái thưa: Tôi là thần Táo thọ nghiệp báo đã lâu, ngày nay nhờ Thầy nói pháp vô sanh, đã thoát khỏi chỗ này, sanh vào cõi trời, đến đây bái tạ. Sư nói: Tánh bản hữu của ông chẳng phải tôi gắng nói. Thần lại lễ bái rồi ẩn. Thị giả thưa: Chúng con theo hầu Hòa thượng đã lâu, chưa nhờ chỉ dạy, thần Táo được yếu chỉ thẳng tắt gì, liền sanh cõi trời ? Sư đáp: Ta chỉ nói với y, ngươi vốn đất gạch hợp thành, linh từ đâu lại, Thánh từ chỗ nào hiện, mà sát sanh hại mạng thế ấy ? Thị giả không nói được. Sư hỏi: Hiểu chăng ? Thị giả thưa: Chẳng hiểu. Sư bảo: Lễ bái đi. Thị giả lễ bái. Sư bảo: Bể rồi ! Bể rồi ! Rơi rồi ! Rơi rồi ! Thị giả bỗng nhiên đại ngộ. Sau có người thuật lại cho Quốc sư Huệ An nghe. Quốc sư khen: “Kẻ này hiểu tột vật ngã nhất như, thần Táo ngộ lẽ này là phải, vị Tăng kia là năm uẩn hợp thành, cũng nói bể rồi rơi rồi, cả hai đều khai ngộ.” Vả lại, tứ đại ngũ uẩn cùng ngói gạch bùn đất là đồng là khác ? Đã như thế, vì sao Tuyết Đậu dẫn nói: “cây gậy chợt đánh đến, mới biết cô phụ ta” ? Tại sao lại thành cô phụ ? Chỉ là chưa được cây gậy. Hãy nói Tuyết Đậu tụng Phật gỗ chẳng độ lửa, tại sao lại dẫn công án Phá Táo Đọa ? Lão tăng thẳng thừng vìông nói: Ý kia chỉ là bặt được mất, tình trần ý tưởng lột trần, tự nhiên thấy chỗ thân thiết kia. TẮC 97: KINH KIM CANG TỘI NGHIỆP TIÊU DIỆT
LỜI DẪN: Nắm một buông một chưa phải tác gia, đưa một rõ ba vẫn trái tông chỉ. Dù được trời đất bỗng đổi, bốn phương bặt tiếng, sấm vang chớp nhoáng mây bay mưa đuổi, hồ nghiêng núi ngả, chậu bể bồn nghiêng, cũng chưa đề được phân nửa. Lại có người khéo chuyển cửa trời hay dời trục đất chăng, thử cử xem ?
CÔNG ÁN: Kinh Kim Cang nói: “Nếu bị người khinh tiện, người ấy tội nghiệp đời trước nên đọa đường ác, vì đời nay bị người khinh tiện nên tội nghiệp đời trước ắt là tiêu diệt.”
GIẢI THÍCH: Kinh Kim Cang nói: “Nếu bị người khinh tiện, người ấy tội nghiệp đời trước nên đọa đường ác, vì đời nay bị người khinh tiện nên tội nghiệp đời trước ắt là tiêu diệt.” Căn cứ chỗ bình thường giảng cứu là thường luận trong kinh. Tuyết Đậu nêu ra tụng là ý muốn đả phá các nhà giảng kinh nhằm trong hang quỉ tìm kế sống. Thái tử Chiêu Minh phân khoa phần này là “hay sạch nghiệp chướng”. Đại ý kinh nói, kinh này linh nghiệm, người như thế đời trước tạo nghiệp địa ngục, vì sức lành mạnh chưa thọ, do đời nay bị người khinh tiện, tội nghiệp đời trước ắt là tiêu diệt. Kinh này vẫn hay tiêu tội nghiệp từ vô lượng kiếp đến giờ, chuyển nặng thành nhẹ, chuyển nhẹ khỏi thọ, lại được Phật quả Bồ-đề. Cứ theo các nhà kinh luận thì tụng hơn hai mươi chương kinh này, gọi là trì kinh. Có gì dính dáng. Có người nói, kinh tự có linh nghiệm. Nếu như thế, ông thử đem một quyển kinh bỏ ở chỗ trống, xem có cảm ứng hay không ? Pháp Nhãn nói: “Người chứng Phật địa gọi là trì kinh này.” Trong kinh nói: “Tất cả chư Phật và pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của chư Phật đều từ kinh này ra.” Hãy nói gọi cái gì là kinh này ? Đâu phải là gáy vàng bìa đỏ là phải sao ? Chớ nhận lầm trái cân bàn. Kim Cang là dụ cho pháp thể kiên cố nên vật không thể phá hoại, vì cái dụng bén hay phá dẹp tất cả vật, nghĩ đến núi thì núi băng, nghĩ đến biển thì biển cạn, căn cứ trên dụ đặt tên, pháp ấy cũng vậy. Bát-nhã có ba thứ:
1)- Thật tướng Bát-nhã.
2)- Quán chiếu Bát-nhã.
3)- Văn tự Bát-nhã.
Thật tướng Bát-nhã tức là chân trí, một đoạn đại sự đang ở dưới chân các ông, sáng tột xưa nay, vượt hẳn thấy biết, lột trần bày lồ lộ. Quán chiếu Bát-nhã tức là chân cảnh, trong mười hai giờ phóng quang khắp nơi, nghe tiếng thấy sắc. Văn tự Bát-nhã tức là văn tự nói ra, tức như hiện nay người nói kẻ nghe. Hãy nói là Bát-nhã hay chẳng phải Bát-nhã ? Người xưa nói: Mỗi người tự có một quyển kinh. Lại nói: Tay chẳng cầm quyển kinh, thường tụng như thế. Nếu căn cứ sự linh nghiệm của kinh này, đâu những chuyển nặng thành nhẹ, chuyển nhẹ khỏi thọ, giả sử công năng bằng bậc Thánh cũng chưa phải là kỳ đặc. Bàng cư sĩ nghe giảng kinh Kim Cang, hỏi Pháp sư: “Kẻ tục có việc nhỏ muốn hỏi, chẳng biết được không ?” Pháp sư đáp: Có nghi xin hỏi. Bàng Uẩn hỏi: Không tướng ngã, không tướng nhân, đã không tướng ngã nhân, bảo ai giảng ai nghe ? Pháp sư không đáp được, lại nói: Tôi y văn giải nghĩa chẳng biết ý này. Bàng Uẩn làm một bài tụng: “Không ngã cũng không nhân, làm gì có sơ thân, khuyên ông thôi đừng giảng, đâu bằng thẳng cầu chân. Tánh Kim Cang Bát-nhã, ngoài dứt mảy bụi trần, tôi nghe cùng tin nhận, cả thảy đều giả danh.” Bài tụng này rất hay, rõ ràng một lúc nói xong. Khuê Phong phân khoa tứ cú kệ nói: “Phàm đã có tướng, đều là hư vọng, nếu thấy các tướng chẳng phải tướng, tức thấy Như Lai.” Đây là nghĩa bốn câu kệ, giống như “Người chứng Phật địa gọi là trì kinh này”. Lại nói: “Nếu do sắc thấy ta, do âm thanh cầu ta, người ấy hành đạo tà, không thể thấy Như Lai.” Đây cũng là bốn câu kệ. Chỉở trong đó nhận nghĩa nó thì đúng vậy. Có vị Tăng hỏi Hối Đường: Thế nào là tứ cú kệ ? Hối Đường đáp: Lời rơi rồi, chẳng biết. Tuyết Đậu ở trên “Kinh này” chỉ ra, nếu có người trì “Kinh này” tức là Bản địa phong quang, Bản lai diện mục của các ông. Nếu căn cứ Tổ lệnh đang hành Bản địa phong quang, Bản lai diện mục cũng chặt làm ba đoạn, chư Phật ba đời, mười hai phần giáo chẳng tiêu một cái ấn tay. Đến trong đây giả sử có muôn thứ công năng cũng không thể xem xét được. Người nay chỉ cần tụng kinh, trọn chẳng biết là đạo lý gì ? Chỉ thích nói tôi một ngày tụng được nhiều hay ít, nhận lấy bìa vàng gáy đỏ, chạy theo những hàng chữ mực. Đâu chẳng biết toàn do tự kỷ trên bản tâm dấy khởi, cái này chính là chỗ tụng vậy. Hòa thượng Đại Châu nói: “Nhằm trong thất chồng mấy hòm kinh, xem có phóng quang chăng ? Chỉ do chính mình một niệm phát tâm là công đức. Vì sao ? Bởi muôn pháp đều xuất phát nơi tâm mình, một niệm tức linh, đã linh tức thông, đã thông tức biến.” Cổ nhân nói: “Trúc biếc xanh xanh trọn là chân như, hoa vàng rợp rợp đều là Bát-nhã.” Nếu thấy được triệt tức là Chân như, nếu thấy chưa được hãy nói cái gì là Chân như ? Kinh Hoa Nghiêm nói: “Nếu người muốn biết rõ tất cả Phật ba đời, nên quán tánh pháp giới, tất cả do tâm tạo.” Nếu ông biết được rồi, chạm cảnh gặp duyên làm chủ làm tông. Nếu chưa thể rõ được, hãy lắng nghe xử phân. Tuyết Đậu mở mắt tụng đại khái, cốt rõ sự linh nghiệm của “Kinh này”.
TỤNG: Minh châu tại chưởng
Hữu công giả thưởng
Hồ Hán bất lai
Toàn vô kỹ lưỡng.
Kỹ lưỡng ký vô
Ba Tuần thất đồ
Cù-đàm ! Cù-đàm !
Thức ngã dã vô ?
DỊCH: Minh châu trong tay
Có công ắt thưởng
Hồ Hán chẳng đến
Toàn không xét nét.
Xét nét đã không
Ba Tuần mất lối
Cù-đàm ! Cù-đàm !
Biết tôi cùng chăng ?
Lại nói: Khám phá xong.
GIẢI TỤNG: Hai câu “minh châu trong tay, có công ắt thưởng”, nếu có người trì được “Kinh này” có công nghiệm thì đem châu thưởng cho. Kia được châu này tự nhiên biết dùng, Hồ đến hiện Hồ, Hán đến hiện Hán, vạn tượng sum la dọc ngang hiển hiện, đây là có công huân. Pháp Nhãn nói: Người chứng Phật địa gọi là trì kinh này. Hai câu này là tụng xong công án. Hai câu “Hồ Hán chẳng lại, toàn không xét nét”, Tuyết Đậu vặn lỗ mũi lại, nếu có Hồ Hán đến thì bảo ông hiện, nếu khi Hồ Hán đều chẳng đến thì làm sao ? Đến trong đây con mắt Phật nhìn cũng chẳng thấy. Hãy nói là công huân, là tội nghiệp, là Hồ là Hán ? Thật giống con linh dương mọc sừng, chớ nói là tiếng vang, dấu vết đến hơi hám cũng không, nhằm chỗ nào dò tìm ? Dù là chư Thiên dâng hoa cũng không có đường, ma ngoại lén nhìn cũng không có cửa. Thế nên Hòa thượng Động Sơn một đời trụ viện mà thần Thổ địa tìm không thấy dấu vết. Một hôm thấy trước nhà trù cơm bún rơi lan lệ, Ngài khởi tâm bảo: Đồ vật của thường trụ đâu nên khinh rẻ như thế. Thần thổ địa thấy được Ngài liền lễ bái. Tuyết Đậu nói: “Xét nét đã không”, nếu đến đây không có chỗ xét nét thì Ma-ba-tuần cũng phải mất lối. Thế Tôn xem tất cả chúng sanh như con đỏ, nếu có một người phát tâm tu hành thì cung điện Ba-tuần bị rạn nứt, nó liền đến não loạn người tu hành. Tuyết Đậu nói, dù cho Ma-ba-tuần đến thế ấy, cũng khiến mất hết đường lối, không thể đến gần chỗ người tu. Tuyết Đậu lại tự vỗ ngực nói: “Cù-đàm ! Cù-đàm ! Biết tôi cùng chăng ?” Chớ nói là Ma-ba-tuần, dù là Phật đến, lại biết tôi cùng chăng ? Ông già Thích-ca còn chẳng thấy, các ông nhằm chỗ nào dò tìm ? Lại nói: Khám phá xong. Hãy nói là Tuyết Đậu khám phá Cù-đàm hay Cù-đàm khám phá Tuyết Đậu ? Người đủ mắt thử xét định xem ? TẮC 98: THIÊN BÌNH HÀNH CƯỚC
LỜI DẪN: “Một hạ lăng xăng tạo sắn bìm, tợ hồ cột được Ngũ Hồ tăng. Kim Cang kiếm báu ngay đầu chặt, mới hiểu từ lâu trăm bất năng.” Hãy nói thế nào là kiếm báu Kim Cang ? Nhìn lên lông mày, mời thử bày mũi nhọn xem ?
CÔNG ÁN: Hòa thượng Thiên Bình khi đi hành cước, đến tham vấn Tây Viện, tự thường nói: “Chớ nói hội Phật pháp, tìm người nói thoại cũng không có.” Một hôm, Tây Viện xa! Thiên Bình ra đi. Tây Viện nói: Hãy ở lại đây qua hạ, sẽ cùng Thượng thấy gọi: Tùng Ỷ ! Thiên Bình ngưỡng đầu. Tây Viện nói: Lầm ! Thiên Bình đi hai ba bước. Tây Viện bảo: Lầm ! Thiên Bình lại gần. Tây Viện bảo: Vừa rồi hai cái lầm, là Tây Viện lầm, là Thượng tọa lầm ? Thiên Bình thưa: Tùng Ỷ lầm ! Tây Viện nói: Lầm! Thiên Bình ra đi. Tây Viện nói : Hãy ở lại đây qua hạ, sẽ cùng Thượng tọa thương lượng hai cái lầm này. Khi ấy Thiên Bình liền đi. Sau Thiên Bình trụ viện bảo chúng: Ta khi ban đầu đi hành cước bị gió nghiệp thổi đến chỗ Trưởng lão Tư Minh, liên tiếp hạ hai cái lầm, lại cầm ta qua hạ sẽ cùng ta thương lượng, ta chẳng nói khi ấy là lầm, cất bước đi phương Nam, ta sớm biết lầm rồi.
GIẢI THÍCH: Tư Minh trước tham vấn Đại Giác, sau kế thừa tiền Bảo Thọ. Một hôm hỏi: Khi đạp nát hóa thành đến thì thế nào ? Thọ đáp: Kiếm bén chẳng chém kẻ chết. Minh nói: Chém. Thọ liền đánh. Tư Minh mười lần nói chém. Bảo Thọ mười lần đánh, nói: Kẻ này chết gấp, đem cái thây chết chống lại đòn đau, bèn nạt đuổi ra. Khi ấy có vị Tăng thưa Bảo Thọ: Vị Tăng hỏi thoại vừa rồi rất có đạo lý, Hòa thượng nên phương tiện tiếp y. Bảo Thọ cũng đánh đuổi vị Tăng này ra. Hãy nói Bảo Thọ cũng đánh đuổi vị Tăng này là vì nói phải nói quấy, hay riêng có đạo lý, ý thế nào ? Về sau hai vị đều kế thừa Bảo Thọ. Một hôm Tư Minh ra yết kiến Nam Viện. Nam Viện hỏi: Ở đâu đến ? Tư Minh thưa: Hứa Châu đến. Nam Viện hỏi: Đem được gì đến ? Tư Minh thưa: Đem được con dao cạo tóc ở Giang Tây đến dâng Hòa thượng. Nam Viện hỏi: Đã từ Hứa Châu lại, tại sao có con dao cạo tóc ở Giang Tây ? Tư Minh nắm tay Nam Viện bấm một cái. Nam Viện bảo: Thị giả nhận lấy. Tư Minh lấy y phất một cái rồi đi. Nam Viện nói: A thích thích !
A thích thích ! Thiên Bình từng tham vấn Tiến Sơn chủ đến. Vì Sư đến các nơi tham được cái Thiền rau cải để trong bụng, đến nơi nào cũng khai đại khẩu nói ta hội thiền hội đạo, thường nói: “Chớ nói hội Phật pháp, tìm người nói thoại cũng không.” Phân hôi thúi huân người, chỉ quản tuôn cái khinh bạc. Vả như chư Phật chưa ra đời, Tổ sư chưa từẤn sang, trước khi chưa có vấn đáp, chưa có công án, lại có thiền đạo chăng ? Cổ nhân sự bất đắc dĩ đối cơ dạy bảo, người sau gọi là công án. Nhân Thế Tôn đưa cành hoa, ngài Ca-diếp cười chúm chím. Sau đến A-nan hỏi Ca-diếp: Thế Tôn ngoài truyền y Kim Lan, còn truyền pháp gì riêng chăng ? Ca-diếp gọi: A-nan ! A-nan ứng: Dạ ! Ca-diếp nói: Cây phướn trước cửa ngả. Nếu như trước khi chưa đưa cành hoa, A-nan chưa hỏi, chỗ nào được công án ? Chỉ quản bị các nơi dùng ấn bí đao ấn định, rồi nói ta hội Phật pháp kỳ đặc chớ bảo người biết. Thiên Bình chính như thế, bị Tây Viện kêu liên tiếp hai chữ lầm khiến phải sợ hãi kinh hoàng bối rối, trước chẳng đến thôn sau chẳng tới quán. Có người nói: Nói ý Tây sang sớm đã lầm rồi. Đâu chẳng biết chỗ rơi hai chữ lầm của Tây Viện. Các ông hãy nói rơi tại chỗ nào ? Vì thế nói: Kia tham câu sống chẳng tham câu chết. Thiên Bình ngưỡng đầu đã rơi hai rơi ba rồi. Tây Viện nói lầm, Sư lại không tiến được chỗ dùng hiện tại, chỉ nói ta trong bụng có thiền, chẳng cần người, lại đi hai ba bước. Tây Viện nói lầm, vẫn như xưa tối mù mịt. Thiên Bình đến gần, Tây Viện nói vừa rồi hai chữ lầm, là Tây Viện lầm hay Thượng tọa lầm ? Thiên Bình nói Tùng Ỷ lầm. Đáng tức cười không dính dáng. Đã là đầu thứ bảy thứ tám rồi vậy. Tây Viện bảo: Hãy ở lại đây qua hạ, cùng Thượng tọa thương lượng hai chữ lầm. Khi ấy Thiên Bình liền đi. Giống thì cũng giống, phải thì chưa phải, cũng chẳng nói Sư không phải, chỉ là tiến chẳng lên. Tuy nhiên như thế, cũng có chút ít hơi hám của Thiền tăng. Thiên Bình sau trụ viện bảo chúng: Ta buổi đầu đi hành cước bị gió nghiệp thổi đến chỗ Hòa Thượng Tư Minh bị liên tiếp hạ hai chữ lầm, lại lưu qua hạ cùng ta thương lượng, ta chẳng nói khi ấy là lầm. Ta cất bước phương Nam, sớm biết lầm rồi vậy. Gã này dầu nói tột, chỉ là rơi vào đầu thứ bảy thứ tám, trước sau không liên hệ. Như hiện nay có người nghe Sư nói, khi cất bước sang phương Nam, sớm biết lầm rồi, liền suy nghĩ nói: Khi chưa đi hành cước không có nhiều Phật pháp thiền đạo, đến khi đi hành cước bị các nơi quở gạt. Chẳng bằng khi chưa đi hành cước, gọi đất là trời, gọi núi là nước, may thay không một việc. Nếu khởi kiến giải lưu tục thế ấy, sao chẳng mua một chiếc mũ đội cho tất cả để qua thời, có dùng được chỗ gì ? Phật pháp chẳng phải đạo lý này. Nếu luận việc này há có nhiều thứ sắn bìm. Nếu ông nói tôi hội, kia chẳng hội, là gánh một gánh thiền chạy quanh khắp thiên hạ, bị người mắt sáng khám phá, một điểm sử dụng cũng không được, Tuyết Đậu chính như thế tụng ra:
TỤNG: Thiền gia lưu, ái khinh bạc
Mãn đổ tham lai dụng bất trước
Kham bi kham tiếu Thiên Bình lão
Khước vị đương sơ hối hành cước.
Thố ! Thố !
Tây Viện thanh phong đốn tiêu thước.
DỊCH: Dòng thiền gia, thích đơn sơ
Đầy bụng tham rồi dùng chẳng được
Đáng thương, đáng cười lão Thiên Bình
Lại bảo ban sơ hối hành cước.
Lầm ! Lầm !
Tây Viện gió lành thổi tiêu sạch.
Lại nói: Chợt có Thiền tăng ra nói lầm. Tuyết Đậu lầm đâu giống Thiên Bình lầm.
GIẢI TỤNG: Hai câu “dòng thiền gia, thích đơn sơ, đầy bụng tham rồi dùng chẳng được”, gã này hiểu thì hiểu chỉ là dùng chẳng được. Bình thường mắt nhìn trời mây nói kia hội nhiều ít thiền, đến khi gặp lò lửa vừa đốt thì một điểm sử dụng cũng không được. Ngũ Tổ tiên sư nói: “Có một nhóm người tham thiền giống như giả bánh dầy trong bình lưu-ly, xoay lăn không được, trút ra chẳng ra, chạm đến thì bể. Nếu cần chỗ linh động, chỉ tham được cái thiền vỏ rách, đi thẳng lên núi cao vạch ra cũng không bể không hư.” Cổ nhân nói: “Giả sử trước lời nói tiến được, vẫn là kẹt vỏ dính niêm, dù cho dưới câu tinh thông, chưa khỏi chạm đường thấy loạn.” Hai câu “đáng thương đáng cười lão Thiên Bình, lại bảo ban sơ hối hành cước”, Tuyết Đậu nói đáng thương Sư đối người nói chẳng ra, đáng cười Sư hiểu một thứ thiền da bụng, lại dùng chút ít chẳng được. “Lầm ! Lầm !” Hai cái lầm này, có người nói Thiên Bình chẳng hội là lầm. Lại có người nói: Không lời nói ấy là lầm. Có dính dáng gì ? Đâu chẳng biết hai cái lầm này như chọi đá nháng lửa, tợ làn điện chớp, là chỗ hành lý của người hướng thượng. Như cầm kiếm chém người, phải chặt ngay cổ người thì mạng căn mới chết. Nếu nhằm trên kiếm bén này đi được, liền bảy dọc tám ngang. Nếu hiểu hai cái lầm, có thể thấy “Tây Viện gió lành thổi tiêu sạch”. Tuyết Đậu thượng đường cử thoại đầu này rồi, ý nói lầm. Tôi hỏi ông cái lầm của Tuyết Đậu có giống cái lầm của Thiên Bình chăng ? Hãy tham ba mươi năm. TẮC 99: TRUNG QUỐC SƯ MƯỜI THÂN ĐIỀU NGỰ
LỜI DẪN: Rồng ngâm mù khởi, cọp rống gió sanh, tông đạo xuất thế, vàng ngọc chạm nhau, tác lược của bậc thông phương như hai mũi tên chọi nhau, khắp cõi chưa từng ẩn, xa gần đồng bày, xưa nay biện rõ. Hãy nói là cảnh giới người nào, thử cử xem ?
CÔNG ÁN: Vua Túc Tông hỏi Quốc sư Huệ Trung: Thế nào là mười thân Điều Ngự ? Quốc sư đáp: Thí chủ đạp trên đảnh Tỳ-lô đi. Vua nói: Quả nhân chẳng hội. Quốc sư nói: Chớ lầm nhận Pháp thân thanh tịnh chính mình.
GIẢI THÍCH: Vua Túc Tông khi còn ở vị Thái tử đã tham vấn Quốc sư Huệ Trung. Sau lên ngôi vua, lại càng cung kính, Quốc sư ra vào đích thân vua đỡ lên xe. Một hôm, vua đặt câu hỏi này ra hỏi Quốc sư: Thế nào là mười thân Điều Ngự ? Quốc sư đáp: Thí chủ đạp trên đảnh Tỳ-lô đi. Bình thường Quốc sư xương sống cứng như sắt, đến khi ở trước mặt Đế vương giống hệt bùn lầy. Tuy nhiên đáp được tầm thường lại có chỗ hay. Sư nói, ông cần hội được, thí chủ phải nhằm trên đảnh Tỳ-lô mà đi mới được. Vua lại chẳng tiến, nói: Quả nhân không hội. Phần sau, Quốc sư quá mức lê thê rơi trong cỏ, lại rót một câu trên đầu nói: Chớ lầm nhận Pháp thân thanh tịnh chính mình. Nên nói người người đầy đủ, mỗi mỗi viên thành. Xem Sư một phóng một thâu, tám mặt thọ địch. Đâu chẳng nghe người khéo làm thầy hợp cơ nói giáo, xem gió thả buồm. Nếu chỉ tránh giữ một góc đâu hay hồi hỗ. Xem lão Hoàng Bá đặc tài tiếp người, gặp được Lâm Tế ba phen ban cho sáu mươi gậy, Lâm Tế ngay đó liền hội. Đến khi gặp Tướng quốc Bùi Hưu thì sắn bìm quá nhiều. Đây há chẳng phải khéo làm thầy người. Quốc sư Huệ Trung dùng phương tiện khéo léo tiếp vua Túc Tông, bởi vì Sư có thủ đoạn tám mặt thọ địch. Mười thân Điều Ngự là mười thứ thân tha thọ dụng. Ba thân: Pháp thân, Báo thân, Hóa thân tức là Pháp thân. Cớ sao ? Vì Báo và Hóa không phải Phật thật, cũng chẳng nói pháp. Pháp thân là một mảnh rỗng lặng linh minh tịch chiếu. Thượng tọa Phù ở Thái Nguyên, khi trụở chùa Quang Hiếu Dương Châu giảng kinh Niết-bàn, có một du Tăng tức là Điển tọa ở Giáp Sơn, vì trở tuyết tạm trú trong chùa, nhân đó đến nghe giảng. Khi giảng đến ba nhân Phật tánh, ba đức Pháp thân, nói rộng về diệu lý của Pháp thân, Điển tọa bỗng nhiên phát cười. Thượng tọa Phù xem thấy, giảng xong sai thị giả mời Thiền sư đến hỏi: Tôi trí ý kém cỏi, y văn giải nghĩa, trong khi đang giảng thấy Thượng tọa cười, có chỗ thiếu sót xin Thượng nhân vì chỉ dạy. Điển tọa nói: Tọa chủ chẳng hỏi thì không dám nói. Tọa chủ đã hỏi thì không thể chẳng nói, thật tôi cười Tọa chủ chẳng biết Pháp thân. Thượng tọa Phù hỏi: Giải nói như thế, chỗ nào chẳng phải ? Điển tọa nói: Mời Tọa chủ nói lại một lần. Thượng tọa Phù nói: Lý Pháp thân ví như hư không, dọc cùng tam tế ngang khắp mười phương, đầy dẫy bát cực, bao trùm nhị nghi, tùy duyên đến cảm ứng đâu chẳng khắp giáp. Điển tọa nói: Chẳng nói Tọa chủ giảng chẳng phải, chỉ biết việc bên lượng của Pháp thân, thật chưa biết Pháp thân. Phù nói: Đã hẳn như thế, Thiền giả nên vì tôi nói. Điển tọa nói: Nếu như thế, Tọa chủ nghỉ giảng một tuần lễ, ở trong tịnh thất ngồi ngay lặng nghĩ, thâu tâm nhiếp niệm, các duyên thiện ác một lúc buông hết, tự nghiên cứu tột xem. Phù y như lời dạy, từ đầu hôm đến canh năm, nghe tiếng trống bỗng nhiên khế ngộ, liền chạy đến gõ cửa Thiền giả. Điển tọa hỏi: Ai đó ? Phù nói: Tôi. Điển tọa quở: Bảo ông truyền thừa đại giáo thay Phật nói pháp, giữa đêm vì sao say rượu nằm ngoài đường ? Phù nói: Từ trước giảng kinh, đã vặn tréo cái lỗ mũi của cha mẹ sanh rồi, từ nay về sau lại chẳng dám như thế. Xem kia là hạng kỳ đặc, đâu chỉ nhận cái chiêu chiêu linh linh, rơi ở trước lừa sau ngựa, phải là đả phá nghiệp thức không còn một mảy tơ khá được cũng chỉ được phân nửa. Người xưa nói: “Chẳng khởi mảy may tâm tu học, trong quang vô tướng thường tự tại.” Chỉ biết cái thường tịch diệt, chớ nhận thanh sắc, chỉ biết cái linh tri, chớ nhận vọng tưởng. Vì thế nói: “Giả sử vòng sắt trên đầu xoay, định tuệ sáng tròn trọn chẳng mất.” Đạt-ma hỏi Nhị Tổ: Ông đứng ngoài tuyết, chặt tay chính vì việc gì ? Nhị Tổ thưa: Tâm con chưa an, xin Thầy an tâm. Đạt-ma bảo: Đem tâm ra vì ông an. Nhị Tổ thưa: Tìm tâm trọn không thể được. Đạt-ma nói: Vì ông an tâm rồi. Nhị Tổ bỗng nhiên lãnh ngộ. Hãy nói chính khi ấy Pháp thân ở chỗ nào ? Trường Sa nói: “Bởi người học đạo chẳng biết chân, chỉ tại từ xưa nhận thức thần, vô lượng kiếp rồi gốc sanh tử, kẻ si cho đó người xưa nay.” Như người hiện nay chỉ nhận được cái chiêu chiêu linh linh, liền nhìn sững trợn tròng, đùa tinh hồn, có gì giao thiệp. Đến như Quốc sư bảo: “chớ nhận Pháp thân thanh tịnh của chính mình”, Pháp thân của chính mình ông còn chưa mộng thấy, lại nói gì chớ nhận. Các nhà kinh luận cho Pháp thân thanh tịnh là tột cùng, tại sao lại chẳng bảo người nhận ? Đâu chẳng nghe nói: “nhận được như xưa lại chẳng phải, dốt ! đáng ăn gậy” ? Hiểu được ý này, mới hiểu Quốc sư nói: “Chớ nhận Pháp thân thanh tịnh của chính mình.” Tuyết Đậu không thích tâm lão bà tha thiết của Quốc sư, đâu ngờ trong bùn lại có gai. Há chẳng thấy Hòa thượng Động Sơn tiếp người có ba con đường: huyền lộ, điểu đạo, xòe tay. Người sơ cơ học đạo nhằm ba con đường này đi. Có vị Tăng hỏi: Bình thường Thầy dạy học nhân đi điểu đạo, chưa biết thế nào là điểu đạo ? Động Sơn đáp: Chẳng gặp một người. Tăng hỏi: Làm sao đi ? Động Sơn đáp: Cần phải dưới chân vô tư đi. Tăng hỏi: Đi điểu đạo có phải là Bản lai diện mục chăng ? Động Sơn đáp: Xà-lê tại sao điên đảo ? Tăng hỏi: Chỗ nào là chỗ con điên đảo ? Động Sơn đáp: Nếu không điên đảo tại sao nhận tớ làm bạn ? Tăng hỏi: Thế nào là Bản lai diện mục ? Động Sơn đáp: Chẳng đi đường chim. Cần phải thấy đến loại điền địa này, mới có ít phần tương ưng. Thẳng đó hạ thủ công phu, dạy lấp dấu ẩn tiếng, vẫn là kiến giải đồng hạnh Sa-di ở trong nhà thiền. Cần phải quay đầu trở lại trong trần lao, dấy khởi muôn ngàn đại dụng mới được. Tuyết Đậu tụng ra:
TỤNG: Nhất quốc chi Sư diệc cưỡng danh
Nam Dương độc hứa chấn gia thanh
Đại Đường phù đắc chân Thiên tử
Tằng đạp Tỳ-lô đảnh thượng hành
Thiết chùy kích toái hoàng kim cốt
Thiên địa chi giang cánh hà vật
Tam thiên sát hải dạ trầm trầm
Bất tri thùy nhập thương long huyệt.
DỊCH: Một nước làm thầy cũng gượng kêu
Nam Dương riêng nhận tiếng vang nêu
Đại Đường phò được nhà vua tốt
Từng đạp Tỳ-lô trên đảnh đi
Chùy sắt đập tan xương vàng mảnh
Trong khoảng đất trời nào có vật
Ba ngàn sát hải đêm lặng chìm
Chẳng biết ai vào hang rồng dữ.
GIẢI TỤNG: Hai câu “một nước làm thầy cũng gượng kêu, Nam Dương riêng nhận tiếng vang nêu”, câu tụng này giống hệt lời tán chân dung. Đâu chẳng nghe “chí nhân không danh”, gọi là Quốc sư cũng gượng an danh rồi. Đạo của Quốc sư không thể so sánh, khéo tài tiếp người thế ấy, riêng nhận Nam Dương là hàng tác gia. Hai câu “Đại Đường phò được nhà vua tốt, từng đạp Tỳ-lô trên đảnh đi”, nếu là Thiền tăng đủ mắt sáng, phải nhằm trên đảnh Tỳ-lô mà đi, mới thấy được mười thân Điều Ngự. Phật gọi là Điều Ngự, là một trong mười hiệu. Một thân hóa mười thân, mười thân hóa trăm thân, cho đến ngàn trăm ức thân… Chủ yếu chỉ là một thân. Câu tụng này cũng dễ nói. Mấy câu tụng sau, Quốc sư nói: “chớ nhận Pháp thân thanh tịnh của chính mình”, tụng được nước rưới chẳng dính, hẳn là khó mở miệng. “Chùy sắt đập tan xương vàng mảnh, trong khoảng đất trời nào có vật”, hai câu này “chớ nhận Pháp thân thanh tịnh của chính mình”, Tuyết Đậu rất mực tán thán kia, một mảnh xương vàng một chùy đập nát rồi vậy. Trong khoảng trời đất lại có vật gì ? Hẳn phải lột trần bày lồ lộ, không có một vật khá được, mới là bản địa phong quang. Giống như “ba ngàn sát hải đêm lặng chìm”. Tam thiên đại thiên thế giới ở trong biển Hương Thủy, có vô biên cõi, mỗi cõi có một biển, chính khi đêm lặng canh khuya, trời đất đồng thời chìm lặng. Hãy nói ấy là gì ? Tối kỵ khởi hiểu bụm mặt nhắm mắt. Nếu hiểu thế ấy chính là rơi vào biển độc. “Chẳng biết ai vào hang rồng dữ”, duỗi chân hay co chân. Hãy nói là ai ? Lỗ mũi của quí vị một lúc bị Tuyết Đậu xỏ rồi vậy.
TẮC 100: BA LĂNG KIẾM THỔI LÔNG
LỜI DẪN: Thâu nhân kết quả tột thủy tột chung, đối mặt vô tư vốn chẳng từng nói. Chợt có người ra nói: Một hạ thỉnh mời, tại sao chẳng từng nói ? Đợi ông ngộ rồi vì ông nói. Hãy nói là ngay mặt tránh né? Hay là riêng có chỗ hay ? Thử cử xem ?
CÔNG ÁN: Tăng hỏi Ba Lăng: Thế nào là kiếm thổi lông ? Ba Lăng đáp: Cành cành san-hô chỏi đến trăng.
GIẢI THÍCH: Ba Lăng chẳng khởi chiến tranh, bốn biển năm hồ bao nhiêu người lưỡi rơi xuống đất ? Vân Môn tiếp người đúng như thế. Sư là đích tử của Vân Môn nên mỗi cái đều có đủ tác lược. Thế nên nói: “Tôi mến Thiều Dương máy mới định, một đời vì người nhổ đinh tháo chốt.” Lời thoại này chính là chỗ thế ấy. Ở trong một câu tự nhiên đủ ba câu: che đậy càn khôn, cắt đứt các dòng, theo mòi đuổi sóng. Lời đáp quả thật kỳ đặc. Viễn Lục công ở Phù Sơn nói: Người chưa thấu tham câu chẳng bằng tham ý, người thấu được tham ý chẳng bằng tham câu. Dưới Vân Môn có ba vị tôn túc, câu hỏi “kiếm thổi lông” đều đáp bằng chữ “Liễu”. Chỉ riêng Ba Lăng đáp hơn một chữ “Liễu”, đây là được câu vậy. Hãy nói chữ “Liễu” cùng “cành cành san-hô chỏi đến trăng” là đồng là khác ? Trước nói ba câu có thể biện một mũi tên thấu trên không. Cần hiểu thoại này, phải là tình trần ý tưởng hết sạch mới thấy. Sư nói: “Cành cành san-hô chỏi đến trăng.” Nếu khởi đạo lý càng thấy dò tìm chẳng đến. Câu này là trích trong thơ Thiền Nguyệt Nhớ Bạn: “Dày như sắt trên núi Thiết Vi, mỏng như tơ áo tiên Song Thành, máy Thục Phụng Sồ kiễng chân dẫm, cành cành san-hô chỏi đến trăng. Kho nhà Vương Khải giấu khó đào. Nhan Hồi kẻ đói buồn trời tuyết, thông xưa ngọn thẳng sấm gãy nào, thạch nữ áo tuyết bàn đào vắng, đeo vào Long cung bước chầm chậm, rèm thêu chiếu bạc nào khác nhau. Chẳng biết Ly Long mất châu báu, biết chẳng biết ?” Ba Lăng ở trong đó rút ra một câu để đáp “kiếm thổi lông” thật là thích. Trên lưỡi kiếm bén lấy lông thổi qua để thử nó, sợi lông tự đứt là kiếm bén, gọi là kiếm thổi lông. Ba Lăng chỉ theo chỗ kia hỏi, liền đáp lời ông tăng này, đầu rơi cũng chẳng biết.
GIẢI TỤNG: Hai câu “cần bình chẳng bình, quá khéo thành vụng”, xưa có một hiệp khách đi đường thấy việc bất bình, dùng mạnh hiếp yếu, liền phi kiếm lấy đầu kẻ mạnh. Sở dĩ nhà tông sư mi mắt ẩn bảo kiếm, trong tay áo giấu chùy vàng để dứt việc bất bình. Quá khéo thành vụng, chỗ đáp của Ba Lăng cốt bình việc bất bình. Song lời của Sư quá khéo trở thành vụng. Vì sao ? Vì Sư không đối diện huơi kiếm, lại ẩn chỗ vắng lén chặt đầu người mà người không hay. Hai câu “hoặc chỉ hoặc chưởng, Ỷ Thiên soi tuyết”, hiểu được như kiếm dài Ỷ Thiên thần uy lẫm lẫm. Cổ nhân nói: “Tâm nguyệt riêng tròn, sáng trùm vạn tượng, sáng không chiếu cảnh, cảnh cũng chẳng còn, sáng cảnh đều quên, lại là vật gì ?” Kiếm báu này hoặc hiện trên ngón tay, chợt hiện trong bàn tay. Ngày xưa Tạng chủ Khánh nói đến đây, đưa tay lên nói: “Lại thấy chăng?” Không hẳn ở trên ngón tay vậy. Tuyết Đậu mượn đường đi qua, dạy cho ông thấy ý cổ nhân. Nên nói: Tất cả chỗ thảy là kiếm thổi lông vậy. Vì thế nói: “Ba cấp sóng cao cá hóa rồng, người si vẫn múc nước sông Đường.” Tổ Đình Sự Uyển chép truyện Hiếu Tử rằng: “Phu nhân của vua Sở thường mùa hạ đi hóng gió đứng tựa cây trụ sắt, cảm thọ thai, sau sanh một khối sắt. Vua Sở sai Can Tương luyện làm kiếm, ba năm mới thành hai cây kiếm, một Thư một Hùng. Can Tương thầm lưu cây Hùng, đem cây Thư dâng lên vua Sở, vua Sở để trong giáp, thường nghe tiếng kêu buồn. Vua hỏi quần thần, thần tâu: Kiếm có Thư và Hùng, kêu buồn là nhớ Hùng vậy. Vua nổi giận bắt Can Tương giết đi. Can Tương biết sẽứng điều này, lấy cây kiếm giấu trong cây cột trong nhà, dặn vợ là Mạc Da rằng: Mặt trời mọc cửa Bắc cây tùng ở núi Nam, tùng sanh nơi đá, kiếm ở giữa đó. Sau vợ ông sanh con trai tên Mi Gian Xích, được mười lăm tuổi hỏi mẹ: Cha ở đâu ? Mẹ thuật lại việc trước. Nó suy nghĩ lâu, chẻ cây cột được kiếm, ngày đêm muốn vì cha trả thù. Vua Sở cũng ra lệnh tìm kiếm nó, lệnh rằng ai bắt được Mi Gian Xích sẽ hậu thưởng. Mi Gian Xích trốn đi, chợt có người khách hỏi: Con có phải Mi Gian Xích chăng ? Xích đáp: Phải. Khách bảo: Ta là Chân Sơn Nhân có thể vì con trả thù cha con. Xích thưa: Cha tôi xưa vô cớ bị giết oan, nay ông thương xót có cần điều gì ? Khách bảo: Phải được đầu của con và cây kiếm. Xích bèn dâng kiếm và đầu. Khách được rồi, đến dâng vua Sở. Vua Sở rất vui mừng. Khách tâu: Xin nấu dầu chưng nó. Vua bèn để trong đảnh. Khách nói dối vua rằng: Đầu nó chẳng tan. Vua đến gần xem. Khách ở sau dùng kiếm chặt đầu vua rơi trong đảnh. Hai cái đầu cắn lộn nhau. Khách sợ Mi Gian Xích không thắng, liền tự cắt đầu bỏ vào giúp nó. Ba cái đầu cắn nhau, từ từ tan hết. Tuyết Đậu nói “cây kiếm này hay tựa trời soi tuyết”. Bình thường nói “trường kiếm Ỷ Thiên sáng hay soi tuyết”, chỗ dùng này thẳng được, “đại trị chừ giũa mài chẳng được”, dù là thợ giỏi chùi quét cũng chưa xong. Thợ giỏi tức là Can Tương ấy vậy, việc xưa đã rõ. Tuyết Đậu tụng xong, rốt sau bày ra nói “khác, khác”, cũng thật kỳ đặc, riêng có chỗ hay cùng với kiếm tầm thường chẳng đồng. Hãy nói thế nào là chỗ khác ? “Cành cành san-hô chỏi đến trăng”, đáng gọi là suốt trước tột sau, đứng riêng trong hoàn vũ, không có ai sánh bằng. Cứu kính thế nào ? Các ông đầu rơi vậy. Lão tăng lại có tiểu kệ:
Vạn hộc doanh chu tín thủ noa
Khước nhân thất liệp úng thôn xà
Niêm đề bách chuyển cựu công án
Tát khước thời nhân kỷ nhãn sa.
DỊCH: Thuyền đầy muôn hộc dễ dàng kéo
Lại nhân một hạt ghè đựng rắn
Nêu lên trăm chuyển công án xưa
Ném cát thời nhân bao mắt đầy.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.117.91.170 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.