Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận.
Kinh Pháp cú
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
"Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi."
Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
I. SỰ BỐ THÍ THÙ THẮNG
Đảnh lễ đức Thế-Tôn, người giác-ngộ triệt để, từ bi bao la, người mà Chánh-Pháp vô thượng từ đó phát sinh. Sự-bố-thí-thù-thắng của Đức Thế Tôn dạy là kho báu vô tận, là hành động căn bản của các vị Bồ tát. Bây giờ vì lợi người, tôi tóm tắt trình bày sau đây vài phần của sự bố thí thù thắng ấy. Xin các vị hiền sĩ hãy hoan hỉ nghe cho.
Khi Bồ tát thực hành bố thí thì cõi đất này rúng động, bể cả kia bừng sóng: những thứ không tâm thức mà còn như thế huống chi loài có tâm thức? Sự bố thí của Bồ tát vĩ đại như không gian, thần thánh nghe còn không thấu huống chi nói được? Như nước đổ trên cõi đất thì không chỗ nào không tràn thấm tới, cũng như thế: bất cứ chỗ nào trên cõi đất này, không có vật chi Bồ tát không cho, không có người nào không nhận vật của Bồ tát cho. Cho nên tôi nói chúng ta nên đảnh lễ cõi đất này, vì nó là chỗ Bồ tát đã thực hành bố thí. Bồ tát không lúc nào không trút đổ tất cả để bố thí, sự bố thí ấy không ai có thể biết được giới hạn của nó. Tại sao như thế, vì sự bố thí ấy thể chất là tâm đại bi. Sự bố thí ấy là nguyên nhân lớn nhất của kết quả Nhất-thế-trí. Đó là lời của các vị trí giả công nhận và nói ra, vì bố thí có năng lực đến chỗ cứu kính. Bố thí cứu kính thì cứu kính được tất cả ba la mật khác. Ba la mật nghĩa là hợp thành ra, như nhiều người hợp lại thành đại chúng đông đảo: Bố thí là giống của giác ngộ, có năng lực tác thành kết quả đại trí giác; tất cả kết quả vô thượng không thứ chi không thànhh tựu bởi bố thí. Bố thí là con đường của quả báo an lạc, là bào thai của diệu quả xuất thế. Trong sự bố thí, bố thí vô tướng là vi diệu nhất, bố thí bình đẳng là thù thắng nhất. Bố thí lại có bốn thứ, là hy sinh tính mệnh, hy sinh tài sản, chỗ nào cũng cho, lúc nào cũng cho, bố thí bốn thứ như vậy mà tâm trí bất động thì người đó là bố thí bất tư nghị. Sự bố thí bất tư nghị ấy bố thí một người mà tất cả an vui, còn bố thí mà không như thế thì chỉ là kẻ dối trá.
Do tâm đại bi khắp vì tất cả mà bố thí, thì sự bố thí ấy dù cho một người cũng gọi là cho tất cả. Tâm đại bi sở dĩ vì tất cả là cốt để cầu Nhất-thế-trí. Vì cầu Nhất-thế-trí nên vận dụng tâm bình đẳng tâm đại bi mà cúng dường các ruộng phước. Bố thí như thế mới là bố thí thù thắng; bố thí bằng vô tận tài sản cũng không bằng một phút của sự bố thí thù thắng ấy. Từ bi mà cho một người, kết quả bằng cả cõi đất; vì mình mà cho tất cả, thì kết quả chỉ bằng hạt cải. Tinh tú tuy sáng, không sáng bằng một mặt trăng, cũng như thế, cứu một người hoạn nạn hơn kẻ bố thí cho nhiều người. Chúng ta tâm lý quá thấp kém nên bố thí thường vì mình, còn Bồ tát vì tâm từ bi mà bố thí nên như tro trừ khử đồ nhớp. Vì tất cả muôn loài mà từ bi bố thí, sự bố thí từ bi như thế công đức thật vô cùng tận. Sự bố thí từ bi ấy có thể an lạc tất cả muôn loài, sốt sắng ham cầu Trí-giác-ngộ vĩ đại của Chư Phật. Bố thí từ bi có năng lực trừ diệt vô minh, khai đạo người mê mờ làm cho họ được mắt trí tuệ; có năng lực tiêu trừ phiền não, phá nát đau khổ.
Sự bố thí đi đôi với tâm từ bi là nước ngọt của muôn loài vậy. II. CHẤT VỊ CỦA SỰ BỐ THÍ
Do tâm đại bi mà bố thí là sự bố thí với chí nguyện muốn được đại giác ngộ; cho nên người trí giả ấy có thể thực hành tất cả sự bố thí. Tất cả sự bố thí đó, cuối cùng chỉ thành một chất vị ấy là đại giác ngộ. Cho nên do tâm đại bi làm thể chất thì có thể thực hành tất cả hình thức bố thí, cứu giúp tất cả chúng sinh đau khổ, cuối cùng làm cho họ đạt đến chỗ đại giác ngộ, diệt hết si mê và phiền não. Sự bố thí của tâm đại bi có năng lực làm cho muôn loài an lạc như thế, ai không ưa thích? Không ưa thích lợi ích vĩ đại của sự bố thí do tâm đại bi chủ đạo, thì kẻ ấy là kẻ chống lại sự cứu giúp. Kẻ ấy là kẻ bằng lòng sự buộc ràng của "ái", rất khó hy vọng được trí đại giác ngộ. Trí đại giác ngộ của Chư Phật, ai muốn mong cầu là phải say sưa, ưa thích sự bố thí từ bi. Những người trí giả mê đắm sự bố thí vì họ mê say quả đại giác ngộ. Và đó là mùi vị vô thượng của bố thí. Có người thấy rõ mùi tội ác nên ưa thích vị niết bàn, họ muốn tránh xa ngay sinh tử, nhưng ngó lại kết quả của sự bố thí thì thấy còn hơn chất vị niết bàn. Tuy vậy, say mê kết quả của sự bố thí thì tất nhiên quên mất chí nguyện mong cầu trí đại giác ngộ, chí nguyện ấy đã quên mất lại bảo trí đại giác ngộ khó được! Trí giả tự xét sự ưa thích bố thí của mình là vì tâm đại bi của mình thương cứu tất cả chúng sinh và chỉ để đi đến mùi vị tối cao của sự bố thí là đại giác ngộ, nên không say mê mùi vị an lạc của ba sự bố thí sau đây, dù chính do ba sự này mà bố thí phát triển:
a) Mùi vị an lạc của sự bố thí vì quả báo.
b) Mùi vị an lạc của sự bố thí vì cầu giải thoát,
c) Mùi vị an lạc của sự bố thí vì tâm đại bi. III. TƯ CÁCH NGƯỜI BỐ THÍ
Người nhận của bố thí vì được của nên tâm đại hoan hỷ, người thực hành bố thí vì thực hành được bố thí nên tâm được hoan hỷ gấp ngàn vạn lần sự hoan hỷ của người nhận. Người bố thí được như thế mới là hạnh cao nhất.
Thành được sự cứu giúp người là vì tâm đại bi nên Bồ Tát thực hành hạnh đại bi bố thí ấy thì trừ sạch các kết quả xấu của sự tham lẫn.
Bồ tát lấy đại bi làm thể chất, cũng như chúng sinh lấy phiền não làm thể chất. Bởi phiền não chúng sinh khổ não vô cùng, vì đại bi nên Bồ tát thực hành bố thí làm cho họ an lạc. Thể chất mặt trời là chói sáng, thể chất mặt trăng là dịu mát, cũng như thế, Bồ tát lấy đại bi làm thể chất. Bồ tát vận dụng trí tuệ và tài sản bố thí an lạc cho tất cả. Như một người từ khi kết thai cho đến lúc già cả đều là một dòng sinh mệnh, cũng như thế, Bồ tát khao khát bố thí cứu giúp muôn loài cũng chỉ vì tâm-đại-bi. Như người dù đến cõi trời cao nhất cũng vẫn là phàm phu, Bồ tát cũng vậy, đại bi không bao giờ bỏ tâm bố thí cứu giúp tất cả.
Muốn trừ sự khao khát bố thí thì hãy uống nước bố thí, nhưng bố thí chỉ thỏa mãn một lúc còn sự khao khát có bao giờ thôi, vì Bồ tát luôn luôn say mê cứu giúp muôn loài.
Tất cả sinh vật nhờ ăn mà sống, tâm đại bi cũng vậy: do bố thí mà tồn tại. Pháp thân của Bồ tát không do ăn uống mà sống còn, nhưng do đại bi mới nuôi sống Pháp-thân.
Tâm đại bi như lửa nấu chín đồ ăn, sự khao khát bố thí như bụng đói, sự bố thí như đồ ăn ngon, Bồ tát cho, cho mãi không chán. Tâm đại bi như bể cả, lòng cứu giúp như nước, sự bố thí như vòi hút nước, hút mãi không cùng, tưới rải cho chúng sinh. Muốn đến Bồ-đề (đại giác ngộ) phải lấy chúng sinh làm bạn đường, lấy đại bi làm bản thân, bố thí không cùng như cặp chân đi mạnh. Như bể cả thâu nạp các dòng sông không bao giờ dừng nghỉ,
Cũng như thế, tất cả muôn loài đến đòi hỏi, Bồ tát cho hết mà lòng không chán, lấp hết khổ sở cho muôn loài. Dù có kẻ chưa hết thì Bồ tát cho nữa, không bao giờ biết đủ. IV. NGƯỜI XIN GIÚP NGƯỜI CHO
Có tâm đại bi mới ở được trong sinh tử, bố thí đủ cách, cứu khổ chúng sinh. Được như thế mới gọi là khéo ở trong sinh tử.
Bực Đại trượng phu phước trí đem tâm đại bi, đưa tay bố thí, cứu vớt những kẻ trầm đắm trong bùn lầy nghèo nàn mà tự họ không thoát ra được.
Tâm đại bi có thể thực hành bố thí vĩ đại, dập tắt lửa đau khổ vĩ đại của chúng sinh, cũng như mây lớn mưa xuống mưa lớn, trừ diệt nắng lớn mùa hè. Sấm đại bi nổ sét bố-thí, đánh tan núi bần cùng, cứu giúp tầng lớp nghèo khổ ra khỏi sự nghèo nàn tối tăm. Dùng nước mưa bố thí vĩ đại mưa xuống lợi ích tất cả, thì sự bần cùng không còn tồn tại ở đâu được nữa. Cho nên khi Bồ tát vì cứu giúp chúng sinh mà bố thí thì ma và bè đảng của ma đều ganh ghét, lo lắng, khổ não và tức giận. Khi Bồ tát thực hành tài thí pháp thí vô tận thì tham lam và tật đố đều kinh hãi, kêu gào, khiếp sợ tất cả.
Từ bi che thân thể, trí tuệ làm mắt sáng, bố thí làm khí giới, Bồ tát như một thủ lãnh quốc-gia hàng phục kẻ xâm lăng tàn bạo. Tâm đại bi như cung, sự bố thí như tên, trừ diệt giặc bần cùng không còn tồn-tại chỗ nào được nữa. Từ bi như rễ chắc, ái ngữ như thân cây, nhẫn nhục như nhánh lá, bố thí như hoa trái, trí-tuệ như gió mạnh, thổi rụng hoa quả bố thí no đủ cho người nghèo khổ. Từ-bi như trăng rằm, bố-thí như ánh-sáng, người xin như hoa quỳnh; trong đêm trường sinh-tử, sự xuất hiện của Bồ tát như trăng rằm đưa ánh-sáng làm nở quỳnh hoa.
Người xin đã thỏa mãn rồi lại bố-thí như Bồ-tát đã bố thí, bố-thí cho những người nghe tiếng đến xin. Sự bố thí của Bồ tát vang khắp tất cả, những người nghèo khổ đều đến quy tụ như khách bộ hành quy tụ dưới bóng cây đại thọ giữa đồng trống. Bấy giờ Bồ-tát tự thấy mình được sự thù-thắng, tại sao như vậy, vì đã làm cho người xin đến làm cho mình thực hành được sự bố-thí nên gọi là được sự thù thắng. Do đó tất cả chúng sinh càng đến quy tụ. Và vị Bồ tát đại-sĩ như thế chúng ta nên kính lễ.
Khi thấy vị Bồ-tát ấy tỏ vẻ hoan hỷ là biết thế nào cũng có người đến xin. Khi có người đến tin cho Bồ-tát có người đến xin, Bồ tát liền hoan hỷ đem của cải thưởng cho người tin và cho người xin. Thấy người xin, Bồ-tát vô cùng hoan hỷ kính mến. Người xin mở miệng xin là điều Bồ tát rất đau lòng, Để cho người xin phải mở miệng xin là điều Bồ tát rất tự trách. Nếu người xin không biết Bồ tát tánh thích bố thí thì Bồ tát hoan hỷ, cúi đầu, cầm tay, nói với người ấy như nói với bạn thân để cho họ biết. Bởi vậy người xin thỏa mãn rồi vô cùng hoan hỷ, người khác xem thấy cũng rất hoan hỷ, chân thành thốt ra lời nói: Đây mới là người chân chính cứu giúp tôi, tôi cầu nguyện người cứu giúp tôi tồn tại mãi ở đời. Riêng Bồ tát thấy người hoan hỷ lòng mình cũng tươi sáng, làm cho người xin càng như được cam lộ thấm lòng. Bồ tát ngó người xin với mắt từ bi, biết ơn: ví như nỗi sung sướng của người được của và đem bán đắt giá, tâm trạng của Bồ tát khi được người đến xin cũng y như thế. Một người giàu thương con cho con, lòng thương và sự cho ấy không làm sao như Bồ tát. Bồ tát thấy người xin hơn người thường thấy cha mẹ. Thấy người xin thỏa mãn rồi tự hào, Bồ tát càng hoan hỷ hơn. Khi người đến nói tôi cần thứ này cần thứ kia thì, vì tâm khao khát bố thí quá nặng, Bồ tát tai nghe như uống nước cam lộ. Càng nghe xin càng mến trọng. Luôn luôn mến trọng người xin, đó là tâm lý của Bồ tát. Bồ tát tự nghĩ chúng sinh là ruộng phước của mình. Và suy nghĩ mình phải như họ. Tại sao? Lòng ham muốn của người không chán, lòng bố thí của ta cũng vậy; lòng họ mến trọng người cho, lòng ta mến trọng người xin cũng thế; họ tìm người cho để xin, cũng vậy, ta tìm người xin để cho; ta với họ xin nhau: ta xin họ sự bố thí, họ xin ta những tiền của; người xin nghe người cho hết của thì buồn bực, lòng ta cũng vậy, rất bực khi không tìm được người xin hoặc người đến xin mà không làm cho họ được vừa lòng. Người xin xin không được, Bồ tát tìm tìm không ra, những trường hợp ấy, Bồ tát nghĩ, Phật dạy “cầu không được: khổ”, thực đúng như thế.
Với người xin, Bồ tát bao giờ cũng nghĩ rất ít có, rất khó gặp, vì sao, vì nếu không có họ thì bố-thí ba-la-mật khó đầy đủ, và do đó trí-giác vô thượng (đại giác ngộ) khó mà toàn vẹn. Thế nên với người cầu xin, bao giờ Bồ tát cũng biết ơn. Nếu có họ thì trí-giác vô thượng nắm chắc trong tay. Khi nghe người xin nói cho tôi, thì Bồ tát nghĩ rằng thế là họ cho tôi trí-giác vô thượng. Có những người kém nghĩ nghe người xin thì khinh khi; Bồ tát nghĩ rằng gọi là người xin, là cái tên những kẻ kém nghĩ ấy mê mờ đặt ra. Chứ chính người xin ấy mới là người cho, vì họ cho ta sự bố-thí ba-la-mật. Dù có của cải mà không có tâm cho, dù có tâm cho mà không có người xin, thì bố thí làm sao thành được; nên, phải đủ ba điều mới thành bố thí, thì người xin đối với người cho, quả là người đại phước đức vậy. Một người nghèo được kho báu quá sự tưởng tượng, lòng vừa mừng được vừa lo mất, đồng thời lại bị vua quan, giặc giã, kẻ trộm, kẻ cướp đe dọa, trong lúc đó một người bạn thân đến khéo léo bày cách cho cất giữ, làm cho người nghèo ấy vui mừng và biết ơn vô kể. Bồ tát khi gặp được người xin cũng y như trường hợp ấy, người xin là bạn thân của Bồ tát vậy.
Tâm đại bi của Bồ tát biến khắp tất cả, nhưng với người xin Bồ tát đặc biệt mến trọng. Thấy họ Bồ tát vui vẻ liền, để họ biết chắc chắn mình sẽ được vừa lòng. Thấy họ, Bồ tát cúi mình dịu dàng bảo người cần gì xin tùy ý. Và an ủi họ: Hay thay hiền giả! Tôi tự nguyện làm kẻ cung phụng người. Bồ tát làm cho lòng người xin hoan hỷ, thanh lương, bằng lời nói ái ngữ. Lòng tham người xin như lửa, Bồ tát đem sữa bố thí dập tắt. Bố thí được như thế mới gọi là người biết sống. Không thì chỉ là một người chết.
Khi người nhận được sự bố thí, lòng rất hoan hỷ, người xung quanh thấy cũng hoan hỷ như thế, thì chính lúc ấy quả trí-giác vô thượng đã nắm trong tay Bồ tát.
Tâm đại bi thanh tịnh thì sự bố thí thanh tịnh. Không đại bi, bố thí sẽ biểu lộ sự tự hào, sự khinh khi, sự cầu biết ơn, sự cầu trả ơn. Bồ tát suy nghĩ: điêu luyện tâm đại bi thì kính người thương người, phát động sự bố thí thanh tịnh. Bồ tát thấy người nghèo thì lòng thương cực nặng, người nghèo được Bồ tát thì của cải sẽ giàu. Được ngọc như ý thỏa mãn ý muốn thế nào, thì gặp Bồ tát cũng y nghư thế: nghèo khổ hết cả.
Sự bố thí của Bồ tát là hy sinh tất cả: hy sinh tài sản, hy sinh thân thuộc, hy sinh tay chân, hy sinh tánh mạng, cho đến tư tưởng, năng lực, học thức, kỹ năng, không thứ gì không hy sinh cho người và vì người. Thấy người cần tánh mạng, Bồ tát tự đem đến cho họ, huống chi họ đến xin. Tánh mạng còn thế huống chi tài sản.
Bồ tát chỉ lấy đại bi làm bản thân. Vì vậy, tự nhiên thân thể không còn là mình nữa mà là vật của người. Cho nên Bồ tát rất bực, khi thấy người xin cho thân mình không phải vật của họ. Bồ tát nói cho người ấy biết: tất cả những gì của tôi là của người, sao người còn xin, còn tưởng của người khác. Bồ tát nói cho họ rõ nguyên do: tôi đã đối trước đấng Vô-thượng-tôn trong hết thảy muôn loài là Đức Phật, phát nguyện rằng tất cả những gì của tôi, tôi nguyện cho chúng sinh cả, thế của tôi là của người rồi.
Bồ tát tự nguyện tất cả của mình muôn loài hãy xem là của họ. Nguyện vọng ấy rộng lớn trong mát như nước sông Hằng, vật thú gì uống cũng tùy ý, không bao giờ sông Hằng có ý niệm chống trái, bảo là của mình. Vì nguyện vọng của Bồ tát như vậy nên với tài sản tánh mạng bao giờ cũng đã xả ly rồi. Chỉ có điều đã đưa hay chưa đưa cho người xin mà thôi, chứ không nói rằng cho hay sinh lòng tự mãn. Tại sao? Vì Bồ tát đã nguyện cho họ rồi, và cho chỉ vì lòng thương muốn hy sinh để người khỏi khổ.
Bồ tát là tay sai của chúng sinh, chúng sinh là người cho của Bồ tát. Khi lòng người nghèo thỏa mãn là Bồ tát đầy đủ bố-thí ba la mật, bố thí đầy đủ thì công-đức viên mãn, công đức viên mãn thì đại-giác-ngộ hiện thành. Kẻ tham lẫn thấy người xin thì quay mặt đi, người bố thí thấy người xin thì ngó thân mến. Bồ tát thấy người xin được sự bố thí rồi biết triển chuyển bố thí người khác thì lòng rất hoan lạc: thấy tất cả mọi người biết và thích bố thì, tán thán sự bố thí, lòng càng hoan lạc hơn, sự hoan lạc ấy còn hơn sự an lạc của giải thoát.
Khi đem tâm đại bi bố thí, Bồ tát thấy chúng sinh được tài sản nên thỏa mãn, vì thỏa mãn nên chúng sinh tự lập chí nguyện ở mãi trong sinh tử hành động những điều lợi ích chứ không cầu giải thoát, thấy chúng sinh phát đại nguyện như vậy Bồ tát nghĩ rằng thế là ta đã được kết quả, dù chưa được đại giác ngộ cũng đã đầy đủ lắm rồi. V. GIẢI THOÁT THÙ THẮNG
Bồ tát suy nghĩ: những người ham thích giải thoát thường đến giác ngộ ta, những người ấy không phải vì tiền của mà đến, họ đến chỉ vì tác thành sự vĩ đại cho ta.
Khi Bồ tát làm thủ lãnh quốc gia, người thực hành phước đức đến báo có người đến xin. Thủ lãnh liền nghĩ: người xin nghèo khổ đến là giải thoát thù thắng đến, điều ta rất mong bây giờ đã được. Bồ tát lại nghĩ: ta vốn không ham địa vị thủ lãnh, chỉ vì muốn làm lợi ích tất cả; vậy không nên ngồi không trên địa vị thủ lãnh, phải thực hành bố thí đầy đủ, cho nên người báo tin kia thật là vị giác ngộ ta. Người xin bao giờ cũng cử chỉ e dè ngại ngùng, Bồ tát biết vậy nên dịu dàng trước: người là ân nhân, là thí chủ của tôi, cần chi xin người cứ lấy. Khi người xin thỏa mãn, thì hai nỗi hoan lạc người cho người nhận hòa giao với nhau như an lạc niết bàn.
Sinh tử là lò lửa vĩ đại, Bồ tát ở trong đó như ở niết bàn, tại sao như thế, vì Bồ tát muốn cứu giúp chúng sinh. Bồ tát tâm niệm: thương cứu chúng sinh là giải thoát của mình; đem đại bố thí cứu giúp chúng sinh, chúng sinh an lạc là giải thoát của mình. Giải thoát ấy mới là giải thoát thù thắng. Bố thí vĩ đại mà không có đại bi thì không gọi là bố thí được; bố thí vì đại bi tức là giải thoát tối cao.
Được giải thoát như vậy, Bồ tát suy nghĩ: Ngày xưa, đối trước đấng Vô-thượng-tôn, ta nghe cực lạc của giải thoát, giờ đây ta đã thật hiện được, tại sao, vì ta bố thí vừa lòng là ta giải thoát. Nếu sự an lạc của giải thoát nào tương tự với sự hoan lạc của bố thí do lòng thương phát sinh thì ta ưa thích. Không thì ta tránh xa. Ta chỉ thích sự hoan lạc của bố thí, vì ta thấy đó là giải thoát thù thắng.
Sự hoan lạc của bố thí do đại bi hành động thì không gì sánh bằng. Sự an lạc giải thoát của bố thí do đại bi hành động không gì thí dụ được. Sự hoan lạc của bố thí phát sinh từ đại bi, nếu ai muốn dùng thí dụ hình dung, thì vì nó tối cao, nó cực đại, nó vi diệu, nên không thể ví dụ được. VI. NGƯỜI CHO ĐẶC BIỆT
Đại bi chủ đạo bố thí, sự bố thí ấy đem lại an lạc đầy đủ cho chúng sinh. Người bố thí an lạc chúng sinh như vậy là người tối thắng, thắng hơn giải thoát. Người bố thí an lạc cho chúng sinh được là do thực hành đại bi, tâm đại bi rất bình đẳng đối với tất cả chúng sinh.
Bố thí như vậy mới là người thí chủ, bố thí không được như vậy thì chỉ là người hành khất. Sự bố thí của ta làm cho người nghe phải cảm động, mới là người thí chủ tốt; bố thí không được như vậy thì chỉ là kẻ tâm xen tạp. Bố thí thế nào cho người hoan hỷ nhận lãnh mới là thí chủ toàn vẹn. Người ta phải xin mới cho thì không phải người bố thí nữa, thân hành đem đến đưa cho người mới là thí chủ tốt. Hy sanh tất cả mà vì tham ái nên cho, đó không phải là người bố thí; cho bằng tâm đại bi mới là thí chủ vĩ đại. Nghèo như người đến làm cho họ vừa lòng, thì đó là thí chủ tốt; còn giàu mà người đến không vừa lòng, thì đó là kẻ bần cùng. Giàu mà cho không có lòng thương, thì gọi là cho không gọi là bố thí; phải có đại bi thương người mới là thí chủ. Không ăn không no, cho không có lòng thương không gọi là bố thí được; có lòng thương từ bi thì dù không của cũng gọi là bố thí. Cầu sự đền trả mà gọi là bố thí được thì buôn bán cũng gọi là bố thí sao. Tuy vậy, sự cho cầu đền trả ấy vẫn có kết quả vô cùng, huống chi cho vì thương người chứ không cầu sự đền trả, thì kết quả làm sao mô tả nổi. Cho mà cầu đền trả thì chỉ tự hưởng, không thể cứu giúp người, như thế phí công vô ích; còn cho vì thương người thì đã có năng lực cứu giúp, sau kết quả cũng đại lợi chúng sinh.
Nghèo không bằng có của, có của không bằng đem cho, cho không thương không bằng từ bi: Đại bố thí có thể cải thiện tất cả muôn loài vậy. Cho nên giàu thì phải cho, cho thì phải cho bằng lòng thương. Giàu có mà bố thí giàu có mới bền, bố thí mà có từ bi bố thí mới chắc. Cho nên thực hành bố thí thì giàu sang, thực hành thiền định thì giải thoát, còn thực hành đại từ bi mới đại giác ngộ: kết quả tối cao trong các kết quả. VII. KÍNH TRỌNG NGƯỜI XIN
Bồ tát suy nghĩ: nhờ người xin mà ta được đại giác ngộ, vậy, để báo ân họ, ta phải đem đại giác ngộ ấy hồi hướng cho chúng sinh. Ta nhờ bố thí chúng sinh mà được kết quả vô thượng, do kết quả vô thượng mà thành đại giác ngộ, vậy đại giác ngộ ấy ta phải hiến lại chúng sinh. Ta nhờ bố thí chúng sinh mà được an lạc thắng hơn an lạc của giải thoát. Sự an lạc trong khi bố thí còn như thế, huống chi đại giác ngộ, kết quả tối cao của bố thí? Cho nên ta phải đem tất cả bố thí cho người xin.
Và, chính vì vậy, ân người xin rất nặng, không chi báo đáp được. Chính người xin là nguyên nhân lớn nhất đem lại an lạc vô thượng và kết quả vĩ đại cho ta. Ta đem tài sản không đủ báo đáp, phải đem trí giác vô thượng mà phụng hiến họ. Nhờ phước ấy, các người xin tương lai cũng thành đại thí chủ như ta.
Bồ tát lại tâm niệm: Nhờ người xin mà ta được an lạc của bố thí, vậy ta phải là thí chủ pháp thí, làm sao cho họ được Trí giác vô thượng?
Khi người xin thấy Bồ tát đại bố thí thì hỏi:
- Người vì hy vọng gì mà thực hành bố thí?
Bồ tát giải thích:
- Tôi không hy vọng sung sướng ở loài người, thiên đường ở loài trời, cũng không mong cầu niết bàn của Thanh văn, giải thoát của Duyên giác. Tôi chỉ nguyện được Trí giác vô-thượng để cứu vớt tất cả.
- Nhờ năng lực gì mà người bố thí không chán lòng?
- Bản sư tôi là đấng Vô-thượng-tôn, từ bi nghĩ nhớ tất cả muôn loài. Tôi không biết lấy chi báo ân Ngài nên bố thí không mệt.
Tất cả an lạc không chi bằng an lạc giải thoát, nhưng lòng tôi yêu thương chúng sinh hơn ưa thích giải thoát: vì lòng yêu thương ấy, tôi muốn chúng sinh ai cũng giải thoát nên bố thí đủ cách. Nếu sinh tử không cùng cực khổ sở thì tôi không bố thí mong cầu Trí giác vô thượng. Vì sinh tử vô cùng khổ não nên tôi đắm mình trong sự bố thí mong cầu đại giác đại ngộ. Sinh tử ai gây? phiền não và vọng nghiệp. Ai trừ sinh tử? từ bi và bố thí. Giả sử chúng sinh lấy từ bi làm thể chất thì không khi nào không thích bố thí. Và, vì vậy, tôi luôn luôn bố thí bởi từ bi nặng lòng vì người. VIII. BỐ THÍ VỚI THAM LẪN
Không nghĩ ân đức của người xin thì không có tâm từ bi, không có từ bi thì không thể thực hành bố thí, không thực hành bố thí thì không thể cứu vớt chúng sinh qua bể sinh tử. Không tâm từ bi thì kẻ ấy là kẻ cô độc, có tâm từ bi thì người ấy đầy những bạn thân. Kẻ chấp bản ngã thì lấy ái làm thể chất, người cứu giúp người thì lấy bi làm bản thể. Ái nặng thì không còn biết gì đến ai nữa, Bi nặng thì không còn biết gì đến mình nữa. Nhưng nếu không bố thí thì làm sao nghiệm biết tâm từ bi, như đem hình đá vẽ với viên đá thật so sánh mới biết gì thật gì giả. Nếu thấy người nguy khốn mà đại đại bố thí thì biết người ấy có từ bi. Kẻ tham lẫn thì dù cha mẹ bà con họ đến xin cũng sinh tâm oán ghét, người từ bi thì kẻ thù người ác đến cầu cũng mến trọng như bạn. Tham lẫn thì cho đất nặng hơn vàng, từ bi thì vàng nhẹ như cỏ. Tham lẫn thì mất của rất sầu khổ; từ bi thì sầu khổ xấp mấy, nếu có của không bố thí được. Tài sản phải bỏ vào hai lúc: lúc mạng chết và lúc bố thí. Chết mà bỏ thì bỏ hết, tất cả không có một mảy may theo đến đời sau; bố thí mà bỏ thì bỏ ít kết quả nhiều, kết quả không những ở đời nay mà còn theo đến đời sau. Đối chiếu như vậy, ai là người trí mà không bỏ tham lẫn, làm bố thí?
Khi bố thí thì lòng người hoan hỷ, lòng mình cũng vậy. Bố thí mà không hoan hỷ được thì chỉ là hối hận, tự dối. Có kẻ người xin đến cầu, vì họ cầu xin nên làm thỏa mãn rồi lòng rất vui vẻ; lại có người tự đem đến cho họ, không cầu sự đền trả mà đại đại bố thí, thì sự vui vẻ của họ sánh với sự vui vẻ của kẻ trước, nào chi có thể thí dụ được?
Có đồ ăn ngon, không bố thí trước rồi mới ăn thì ăn ngon lành gì; còn đồ ăn dở mà bố thí rồi ăn sau, thì lòng vui thỏa, nên ăn thấy ngon lành. Nên cho rồi còn sẽ ăn. Bực trượng phu nghe lời này mừng như được niết bàn, chứ kẻ hèn kém thì ai tin lời ấy. Người đói đứng trước mâm ăn mà còn nhẫn tâm không cho được một bát cơm, huống chi đem giải thoát thù thắng cho người được? Nhiều của, người xin đến kẻ ấy còn không có tâm cho, huống chi của ít? Kẻ ấy, ngay trong sinh tử ta còn không tìm thấy một chỗ an vui của họ, huống chi niết bàn; kẻ ấy là kẻ ở bên sông cả mà không cho người được hớp nước. Còn người thấy sinh tử cùng cực khổ sở mà vẫn trầm mình để bố thí, huống chi niết bàn, thì lòng người ấy như dòng sông cái, bố thí mấy cũng không vừa.
Từ bi thì niết bàn cũng hy sinh rất dễ; còn tham lẫn thì phân đất dễ được hơn nước mà còn lẫn tiếc, huống chi tài sản. IX. BỐ THÍ BẰNG TÀI SẢN
Hai người, một rất giàu, một rất nghèo, người xin đến cả hai đều buồn bực: Kẻ giàu lo người xin mất, người nghèo lo không có cho. Cả hai đồng lo, nhưng kết quả rất khác nhau: Người vì thương người, lo không có cho thì an lạc trong nhân thiên; kẻ vì tham lẫn, lo bị mất của thì khổ sở trong ngạ quỉ.
Bồ tát có tâm từ bi thương người thì đối với người, thế cũng đủ lắm rồi, huống chi còn cố gắng bòn mót chút ít để bố thí. Kẻ giàu có tùy ý tiêu dùng, lòng sung sướng bực nào, thì lòng thương Bồ tát lo nghĩ bố thí còn quá gấp mấy ngàn vạn lần. Từ bi thì người xin đến, không có của không nỡ nói không, buồn khổ thương khóc - Thấy người khổ mà không sa nước mắt thì sao gọi là thực hành từ bi. Nên con người hơn người ấy tai nghe người khổ còn không nhẫn nổi, huống chi mắt thấy người khổ mà không cứu giúp. Có từ bi, người đó thấy người nghèo khổ mà không có của cho thì lòng buồn rầu vô hạn, nỗi buồn ấy không chi so sánh được. Người thương cứu người thì thấy người khổ, tất khóc lóc bi thảm. Chính điều ấy biểu hiện tất cả lòng thương mến, lòng trong sạch của Bồ tát: Thấy người khổ mà buồn khóc, đó là biểu lộ lòng thương mến; vì lòng thương mến nên biết lòng trong sạch, vì người chứ không cầu đền trả. Lòng thương từ bi của Bồ tát như tuyết, tuyết đụng mặt trời thì tan ra nước; lòng thương chạm người khổ thì chảy ra nước mắt.
Nước mắt của Bồ tát thì chảy vào ba lúc: một, lúc thấy người thực hành lẽ phải, vì kính mến nên chảy nước mắt; hai, lúc thấy người khổ sở vô phước, vì thương mến nên chảy nước mắt; ba, lúc tự mình đại hành bố thí, thì thương mừng tràn ngập nên chảy nước mắt. Nước mắt ấy của Bồ tát đã đổ bằng bốn bể đại dương. Người đời cha chết mẹ chết khóc không bằng Bồ tát khi thấy người nghèo khổ mà không có của cho họ. Bởi vậy, Bồ tát thực hành đại định CỨU VỚT CHÚNG SINH, dũng xuất vô tận vật dụng tài sản, tất cả người xin tùy ý tự tại. Bực đại trượng phu là người đem của mình hy sinh cho người, để người biết hy sinh bố thí. Vì lý do ấy mà Bồ tát đem tài sản bố thí cho chúng sinh giàu có.
Do tâm từ bi bình đẳng không giới hạn, Bồ tát nghe tiếng người xin thì khóc như mưa, người xin thấy vậy biết chắc chắn mình sẽ được vừa ý. Bồ tát thấy người xin đến lòng rất buồn thương, khi người xin thỏa mãn hoan hỷ rồi Bồ tát mới hết buồn. Nghe người xin nói, Bồ tát không cầm được nước mắt, khi người xin bảo đã thỏa mãn Bồ tát mới cầm được.
Bồ tát bố thí đủ cách, cho chúng sinh đầy đủ rồi, thiền định suy nghĩ: làm sao diệt được ba thứ khổ độc cho người? Bồ tát tự xét có tài sản là để cho người, nhưng cho tài sản vẫn không diệt khổ được, nên xả bỏ tất cả, xuất gia học hành và truyền bá Chánh-Pháp. X. XẢ BỎ TẤT CẢ
Bồ tát bố thí tài sản cho người xin đầy đủ rồi, bấy giờ suy nghĩ: Ta phải làm sao đoạn trừ phiền não, nguyên nhân đau khổ cho họ. Do tâm đại bi, Bồ tát thấy tất cả chúng sinh đều bị đau khổ bao vây, nên lập chí nguyện cứu độ họ. Bồ tát hy sinh tất cả là vì mong cầu giác-ngộ vô-thượng và cứu giúp chúng sinh đau khổ. Tâm chí tối thắng và từ bi như thế thì gì mà không hy sinh cứu người. Có tâm từ bi thì, vì người, niết bàn còn bỏ huống chi tánh mạng. Bỏ tánh mạng bỏ tài sản, điều ấy có khó gì. Bỏ tài sản không khó bằng bỏ tánh mạng, bỏ tánh mạng không khó bằng bỏ niết bàn, mà niết bàn còn bỏ thì gì không hy sinh được. Từ bi thấu xương tủy, Bồ tát hy sinh tất cả, đại thí cứu người - Người cứu vớt người thì bố thí tất cả, có gì là khó. Người ấy là người tối thân của muôn loài, là người hướng dẫn muôn loài về an lạc. Người ấy là con người của từ bi, nên hy sinh tất cả mà không chán. Người ấy là người chân thật cứu người, oán thân bình đẳng, tánh mạng còn bỏ, vật gì không cho.
Chúng ta trọng tài sản, nhưng ái trọng tánh mạng lại hơn trọng tài sản, vì vậy mà bỏ tài sản dễ hơn bỏ tánh mạng. Ngược lại, sự hoan hỷ của Bồ tát khi bỏ của không bằng sự hoan hỷ lúc hy sinh tánh mạng.
Khí vị tối cao của bố thí là trí-giác vô thượng, khí vị ấy lấy bố thí làm chất ăn mà tồn tại. Người lợi tha muốn nếm khí vị ấy nên hy sinh tánh mạng. Do sự hy sinh ấy, Bồ tát thấy người đến xin bộ phận thân thể mừng hơn thấy người đến xin của vật. Người thích khí vị an lạc của bố thí mà được rồi thì rất hoan lạc, sự hoan lạc ấy không bằng sự hoan lạc của Bồ tát lúc bố thí thân mạng. Bồ tát tự nghĩ: ở châu diêm-phù này, có lẽ ta vô phước hay sao, mà người xin của nhiều kẻ xin tánh mạng ít. Bồ tát xét tài sản là của ở ngoài, nên có khi ta cho không tự do theo ý muốn; chứ thân mạng là của ở trong, hoàn toàn tùy ý ta hy sinh, không ai cản trở được. Bồ tát quan sát thân này không bền không chắc, nên bảo mọi người ai cần xin lấy mau. Những người cần hỏi Bồ tát:
- Người đem xương máu bố thí chúng tôi, chúng tôi lấy chi báo đáp được?
Bồ tát giải thích:
- Muốn báo đáp thì bảo với mọi người hãy từ bi bố thí, hy sinh tánh mạng. Và, giờ hãy đến nhận lấy các bộ phận thân thể của tôi. Nhưng, các người không nên nói đến việc đền trả. Các người nhận lấy cái thân vô-thường của tôi làm cho tôi sẽ được Pháp-thân bất diệt, thế là ngược lại, chính các người có ân đức rất nặng đối với tôi, tôi làm sao báo đáp cho xứng đáng. Tôi nguyện sẽ đem thân mạng đời sau và kết quả của sự hy sinh thân mạng đời này cúng hiến các người. Tôi vì cứu vớt hết thảy chúng sinh nên hy sinh thân mạng. Bỏ thân xác thịt tôi sẽ được Pháp thân, được Pháp-thân thì được Nhất-thế-trí; và trở lại làm cho chúng sinh cũng được Nhất-thế-trí bằng cách hy sinh xác thân thực hiện Pháp thân. Pháp-thân có năng lực vĩ đại là lợi lạc chân thực cho chúng sinh như thế. Bồ tát nghĩ như thế nên làm sao không hy sinh tánh mạng. Khi bỏ thân mạng, Bồ tát lại nghĩ: Ta làm bạn thân của chúng sinh. Ta đã giải thoát sinh tử, ta phải giải thoát chúng sinh ra khỏi sinh tử ấy, nên phải hy sinh tánh mạng. Công đức hy sinh này không những là thương cứu đau khổ chúng sinh, mà còn nuôi dưỡng Pháp thân của ta. Khi Bồ tát quả quyết xác nhận như vậy thì bỏ thân mạng không có vẻ khó khăn gì cả. Không khó vì bỏ thân xác để được Pháp thân. Cho nên, không những không khó, mà còn hoan hỷ vô lượng. Sự hoan hỷ của Bồ tát lúc hy sinh tánh mạng còn gấp ngàn vạn lần sự hoan hỷ của kẻ tham lam khi được kho báu vô tận. Bồ tát lấy trí tuệ và từ bi làm thể chất, nên vì chúng sinh mà cầu được Pháp thân. Khi kẻ thấp thỏi được lên ngôi vua, sự khoái lạc của kẻ ấy không làm sao bằng sự khoái lạc của Bồ tát khi bỏ mình vì người. Do từ bi và trí tuệ, Bồ tát hy sinh tánh mạng, sự hoan hỷ lúc hy sinh đó còn gấp ngàn vạn lần sự hoan hỷ của dòng quân nhân khi thắng địch.
Kẻ ngu phu vì địa vị và quyền lợi mà bỏ mạng được trong trận địa, kẻ ngoại đạo vọng đảo giải thoát mà còn vùi mình trong am viện, huống chi Bồ tát đem trí tuệ đem từ bi vì tất cả muôn loài mà không hy sinh thân thể. Ngu phu đem tham ái mà bỏ mình cho chiến tranh, Bồ tát đem bi trí vì người mà bỏ mình, sự xả bỏ ấy nào có gì khó.
Khi Bồ tát lập chí nguyện thì đã nguyện xả bỏ tất cả. Tuy nói thế nhưng chúng sinh chưa thật được lợi ích. Khi thực hành bố thí chúng sinh mới được lợi ích thiết thực.
Bồ tát bỏ tánh mạng, điều ấy không khó; khó nhất là biết thân vô thường, đau khổ, không thật rồi mà không hy sinh được cho người. Từ bi vì người hy sinh tánh mạng, điều ấy không khó; khó nhất là ham thích hy sinh mãi không chán. Một người lo lắng khi phải chuyển dời cả cõi đất mà ngó lại sức mình không đủ, sự lo lắng ấy không bằng Bồ tát lo lắng khi thấy chúng sinh đau khổ mà chưa giải cứu được. Vì từ bi như vậy nên bồ tát xem thân mạng nhẹ rẻ như thảo mộc, hy sinh cho người nào thấy khó khăn.
Một người vì mình giữ giới KHÔNG SÁT SINH, người ấy sau được an lạc trong nhân thiên, đó, thực hành ít mà quả báo còn như thế, huống chi Bồ tát vì chúng sinh bỏ thân mạng, thì kết quả biết dung vào đâu trong sinh tử. Chỉ có Trí-giác vô thượng mới dung nổi mà thôi.
Với tất cả ý niệm thuần thục trên, khi Bồ tát nghe người đến xin tánh mạng, vui vẻ nghĩ: Ta nguyện bỏ cho họ lâu rồi mà họ không đến nhận lấy; nay mới đến hỏi, hẳn họ nghĩ ta tiếc rẻ nên đến thử mà thôi. XI. BỎ THÂN THỌ THÂN
La hán bỏ thân tối hậu được an lạc niết bàn, sự an lạc ấy không bằng sự an lạc của Bồ tát lúc vì chúng sinh bỏ thân mạng. La hán được giải thoát, sự an lạc của giải thoát ấy không bằng sự an lạc của Bồ tát lúc vì chúng sinh thọ thân mạng.
Khi thọ thân, Bồ tát nghĩ: ta do không lấy niết bàn, vì chúng sinh nên thọ thân này, đó mới thật là vi diệu. Khi bỏ thân, Bồ tát nghĩ: ta vì bố thí chúng sinh nên bỏ thân, bỏ thân để thọ thân mà bố thí, đó mới thật là tối thắng.
Bồ tát luôn luôn thích nghe sự cứu độ chúng sinh của các đức Phật-đà. Bồ tát nghĩ: ta được khí vị của tâm đại bi cứu vớt chúng sinh, ta ham thích khí vị ấy nên không muốn niết bàn. Cho nên, thực ra, khi Bồ tát vì chúng sinh mà bỏ thân bố thí, thì tuy không được niết bàn mà hơn được niết bàn, vì niết bàn không có khí vị vì chúng sinh bỏ thân mạng.
Bồ tát khi thọ thân thì rất khổ cũng như rất vui khi bỏ thân, nói ngược lại, bồ tát khi bỏ thân thì rất khổ cũng như rất vui khi thọ thân. Khổ vì khổ đau, nhưng vui vì lợi người.
Phàm phu vì nghèo nàn bịnh khổ bức bách, không thoát được nên muốn bỏ thân; cũng như thấy thân thể đau khổ, không thể cứu vớt nó nên muốn mau niết bàn. Bồ tát khác, Bồ tát suy nghĩ: Quả niết bàn rất an lạc, thân sinh tử rất cực khổ; nhưng chính vì vậy mà ta phải thay tất cả chúng sinh thọ thân sinh tử ấy, bỏ quả niết bàn kia, để làm cho họ được giải thoát.
La-hán thân nhập diệt thì Phật-đà thân cũng nhập diệt. Nhập diệt tuy đồng, nhưng sự nhập diệt của thân Phật-đà lợi ích chúng sinh, còn sự nhập diệt của La-hán chỉ tự giải thoát. Cho nên sự nhập diệt của Phật-đà là tốt, là vĩ đại. Bồ tát nghĩ: ta phải học sự nhập diệt bỏ thân ấy. XII. XẢ BỎ THÂN MẠNG
Bồ tát vì Nhất-thế-trí, vì đại bi thương cứu chúng sinh, nên xả bỏ thân mạng, được kết quả chân thật. Bỏ thân mạng mà không được kết quả chân thật, thì chỉ là sự không phí.
Bồ tát xả bỏ thân mạng là vì giác ngộ chúng sinh. – Bồ tát vì chúng sinh bỏ thân mạng, dễ dàng hơn người tham lẫn bỏ một vắt cơm. Nên Bồ tát xả bỏ thân mạng là mục đích để giác ngộ những người tham lẫn.
Bồ tát xả bỏ tính mạng là để bảo vệ tính mạng người khác, tại sao, vì Bồ tát xem tính mạng người là tính mạng mình.
Bồ tát xả bỏ thân mạng để cứu người là vì thấy thân mạng không đáng kể. Thân mạng không đáng kể nhưng vì lợi người nên bỏ thân rồi thọ thân lại.
Cho nên nếu phi đại bi thì người trí ai thích thân mạng này? Nếu phi đại bi thì bố thí sao ở sinh tử?
Bồ tát say mê bố thí vì đại bi tự do, nên thọ thân sinh tử như vui niết bàn. XIII. ĐẠI BI BIỂU HIỆN
Bồ tát có tâm từ bi vĩ đại vận chuyển trong toàn thân nhưng không ai biết được, chỉ khi biểu hiện ra sự bỏ thân mạng vì chúng sinh, bấy giờ người mới biết chút ít.
Tâm từ bi của Bồ tát cùng cực sâu xa rộng lớn, biến khắp tất cả chúng sinh, nhưng không ai thấy được, chỉ khi biểu hiện ra bằng sự bố thí tài sản, bố thí vô úy, bố thí chánh pháp, bấy giờ mới thấy.
Tất cả thân thể của chúng ta đều biểu hiện bịnh khổ, chúng ta không tự biết mà thôi. Nhưng do ba điều sau đây mà biết nó là biểu hiện của bịnh: ăn uống, áo mặc, thuốc thang. Đối lại, Bồ tát là biểu hiện thân của từ bi. Từ bi của Bồ tát do ba điều sau đây mà biểu hiện: cho tài sản, cho vô úy, và cho chánh pháp.
Bồ tát vì đem an lạc cho chúng sinh, vì diệt đau khổ cho chúng sinh, nên hy sinh tánh mạng để cứu vớt họ.
Bồ tát không cầu quả báo. Bồ tát xem quả báo như cỏ khô. Đại bi của Bồ tát hành động đủ phương pháp lợi người. Bồ tát đổ máu huyết dễ hơn ta bỏ nước lã. Ngày xưa, khi Bồ tát khắp mình năm chỗ chảy huyết để bố thí thú vật, bấy giờ lòng hoan hỷ cực độ của Bồ tát không chi có thể ví dụ được. Bồ tát hành động như vậy là vì cứu vớt chúng sinh, hoan hỷ như vậy là đã cứu vớt được chúng sinh.
Có người hỏi Bồ tát:
- Đại bi có khí vị chi mà ngài bỏ huyết dễ hơn bỏ nước?
Đại bi Bồ tát giải thích:
- Chính sự vì muốn người được an lạc mà xả bỏ thân mạng đó, là khí vị của đại bi. Đại bi không cầu đền trả mà hành động. Cái khí vị tối cao của đại bi là vô tướng.
Có người thấy Bồ tát đại hành bố-thí thì xét biết bồ tát lấy đại bi làm thể chất, nhưng phân vân không biết đại bi do tâm tánh bồ tát phát hiện, hay do người khác khuyên bảo kích thích.
Nhưng sự xả bỏ tánh mạng của Bồ tát tất cả chúng sinh không ai làm được như thế, chỉ đại bi của tâm tánh mới làm được. Sự thật hiện Nhất-thiết-trí tất cả chúng sinh cũng không ai làm được, chỉ có đại bi trong tâm luôn luôn lợi ích chúng sinh mới thật hiện được như thế. Tâm luôn luôn muốn lợi ích chúng sinh, nghĩa là đại bi thường ở trong tâm, thì Trí-giác vô thượng tức ở trong lòng bàn tay rồi. Cho nên khi đại bi đến giai đoạn biểu hiện bởi vô-sinh-pháp-nhẫn thì có thể hiện khởi vô số đà-la-ni, đến đệ-thập địa. Bấy giờ Bồ tát tự biết đã gần như Phật-đà. XIV. BỐ THÍ CHÁNH PHÁP
Bố thí tài sản chỉ được an lạc trong loài người và đi đến bổ thí chánh-pháp. Duy bố thí chánh pháp biểu hiện bởi tâm đại bi mới được tất cả kết quả của mọi sự bố thí tài sản, bố thí chánh pháp, và vô số an lạc về sau.
Đại bi bố thí thật hiện giải thoát, biểu hiện đầy đủ của sự bố thí hoan hỷ. Nhưng Bồ tát thuần một khí vị đại bi duy nhất, vì vậy mà không một sát na nào muốn tự giải thoát. Bố thí chánh pháp đủ cách rồi, Bồ tát cầu thỉnh người nghe pháp:
- Khi tôi được kết quả của sự bố thí chánh pháp thì xin mời các người đến nghe chánh pháp vô thượng.
Khi Bồ tát bố thí chánh pháp chỉ là muốn pháp-thí, phải đến lúc thành Phật-đà bố thí chánh pháp mới là pháp-thí căn bản. Tại sao?
Trí giác vô thượng của Phật-đà in như hư không: san phủ kín đáo bởi tâm đại từ bi, nên mưa xuống nước ngọt bố thí chánh pháp, thỏa mãn tất cả ao hồ chúng sinh đau khổ.
Lấy bốn nhiếp pháp làm phương tiện, lấy giải thoát chúng sinh làm mục đích, lấy tám chánh đạo làm đường đi, như thế thì thế nào cũng về thành trì niết-bàn.
Bố thí tài sản trừ đau khổ thân thể cho chúng sinh, bố thí chánh pháp trừ đau khổ tâm trí cho chúng sinh. Vô số bố thí tài sản là để đi đến bố thí chánh pháp vi diệu. Bố thí chánh pháp có năng lực bố thí vô úy cho chúng sinh.
Cực chán sinh tử thì cầu giải thoát niết bàn, thương cứu chúng sinh thì cầu bố thí chánh pháp.
Bố tát có tiền tài là để bố thí, bố thí tài sản mục đích là đi đến, phải đi đến bố thí chánh pháp.
Chúng sinh có hai, có kẻ tham ái, có kẻ ngu si. Tham ái nhiều, Bồ tát bố thí tài sản; ngu si nhiều, Bồ tát bố thí chánh pháp. Bố thí tài sản là để gây tài sản vô tận cho người, bố thí chánh pháp là để gây trí tuệ vô biên cho người. Bố thí tài sản để được an lạc thân thể, bố thí chánh pháp để được an lạc tâm trí. Bố thí chánh pháp có năng lực vĩ đại là thỏa mãn tất cả nguyện vọng của chúng sinh, không cùng tận, không mệt mỏi. Sự hoan hỷ của bố thí chánh pháp như trăng rằm mùa thu, làm cho chúng sinh lòng và mắt chiêm ngưỡng mãi không chán.
Bố thí tài sản chúng sinh ưa thích, bố thí chánh pháp chúng sinh kính trọng. Bố thí tài sản người ngu ưa thích, bố thí chánh pháp người trí mến trọng. Bố thí tài sản phá hoại sự nghèo nàn tài sản, bố thí chánh pháp phá hoại sự nghèo nàn trí đức. Cho nên cả hai ai không kính trọng? Bố thí tài sản đem lại an lạc, bố thí chánh pháp đem lại giải thoát.
Người hiện thân của từ bi thì yêu thương tất cả chúng sinh. Yêu thương chúng sinh như yêu thương chính mình. Cho nên La-hán bỏ chúng sinh vào niết bàn Bồ tát còn không thích, huống chi thích kẻ làm hại chúng sinh. Do đó, muốn báo ân Bồ tát, ta phải diệt 10 điều ác, hiếu kính cha mẹ, và cao hơn nữa, phải nối tiếp dòng giống Giác-ngộ bằng cách đem tâm từ bi lợi ích mọi người, luôn luôn suy nghĩ những điều thành tựu chúng sinh.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.146.176.112 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.