Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
XV. PHÁT BỒ ĐỀ TÂM
Bố thí đầy đủ rồi, Bồ tát, người thân của tất cả chúng sinh ấy, vẫn chưa một phút nào rời tâm từ bi. Tâm từ bi của Bồ tát phổ biến tất cả, không ai không thương. Vì từ bi phổ biến, nên Bồ tát muốn cuối cùng, phải thành Phật-đà, được nhất-thế-trí. Nói khác đi, là vì từ bi nên Bồ tát không cầu giải thoát của Thanh văn mà chỉ phát Bồ-đề-tâm: lập chí nguyện mong cầu Trí-giác vô thượng và Giải-thoát tối cao.
Khi đầu tiên, một niệm lập chí nguyện mong cầu Trí-giác vô thượng, bấy giờ cả đại địa vàng đất này không thể ví dụ được rồi. Tại sao? Bởi cái chí nguyện lập ra đó có thể tiêu trừ tất cả phiền não, có thể làm thành tất cả diệu hạnh.
Trí-giác vô thượng là kết quả của chí nguyện mong cầu trí-giác ấy. Và mục đích của chí nguyện ấy là đem an lạc lại cho tất cả chúng sinh.
Bồ tát lập chí nguyện mong cầu Trí-giác vô thượng rồi, người chưa lập hỏi:
- Giải thoát thế nào?
Họ hỏi như thế vì khi lập chí nguyện mong cầu Trí-giác vô thượng là như từ giải-thoát mà ra. Nên họ hỏi giải thoát là gì, là tự giải thoát mà biết, hay giải thoát đến mà biết?
Bồ tát giải thích:
- Khi lập chí nguyện mong cầu Trí-giác vô thượng thì hoan hỷ như giải thoát nên biết được giải thoát.
Muốn phụng sự tất cả Phật-đà thì phải lập chí nguyện mong cầu Trí-giác vô thượng. Muốn báo đáp hồng ân Phật-đà, phải lập chí nguyện bền chắc ấy. Ngoài chí nguyện mong cầu Trí-giác vô thượng, không có một thứ gì có năng lực đi đến Trí-giác vô thượng. Phi chí nguyện mong cầu Trí-giác vô thượng thì không làm sao được địa vị Phật-đà. Không được địa vị Phật-đà thì không thể cứu vớt chúng sinh.
Muốn đem lại vô tận an vui vĩ đại cho hết thảy chúng sinh thì phải lập chí nguyện mong cầu Trí-giác vô thượng, tại sao, vì chí nguyện ấy là nguyên nhân sản xuất tất cả mọi sự an vui. Tất cả vật lý không ngoài bốn đại-chủng, tất cả an lạc không ngoài chí nguyện mong cầu Trí-giác vô thượng.
Chúng sinh là những người rất kỳ dị: Không sợ sinh tử khổ sở mà sợ tâm chí vô úy là tâm chí mong cấu Trí-giác vô thượng.
Muốn cắt dứt tất cả đau khổ không chi hơn lập chí nguyện mong cầu Trí-giác vô thượng. Lập chí nguyện ấy là sự cắt dứt đầu tiên, sự cắt dứt ấy đi đến sự cắt dứt trọn vẹn.
Được lợi tài sản không bằng được lợi phước đức, được lợi phước đức không bằng được lợi trí tuệ, được lợi trí tuệ không bằng được lợi lập chí nguyện mong cầu Trí-giác vô thượng. Phóng túng, quên rơi chí nguyện mong cầu Trí-giác vô thượng đi thì không khác gì loài cầm thú.
Nhưng tâm chí mong cầu Trí-giác vô thượng tức là tâm đại từ đại bi, vậy làm sao Bồ tát không thực hành từ bi được? Cho nên muốn đi đến Trí-giác Phật-đà, quyết định phải lập tâm chí mong cầu Trí-giác vô thượng.
Bị phiền não chướng ngại thì không lập chí cầu giải-thoát, bị nghiệp báo chướng ngại thì không lập chí cầu trí-giác.
Đi đường nào tà? Đi đường nào chánh? Tham ái biến tướng, lấy 4 không định làm giải thoát là đường tà; chí nguyện cầu Trí-giác, thực hành tám chánh đạo là đường chánh.
Muốn giàu thì thực hành bố thí. Muốn vui thì thực hành từ bi. Nhưng muốn cứu vớt an vui tất cả chúng sinh thì phải kiến lập chí nguyện mong cầu Trí-giác vô thượng.
Không thực hành diệu-hạnh thì có 3 điều khó: một, khó gần các vị thiện trí thức; hai, khó thực hành từ bi; ba, khó ham Trí-giác Phật-đà. Mà muốn thực hành diệu hạnh thì phải lập chí nguyện mong cầu Trí-giác vô thượng. Lập chí nguyện mong cầu Trí-giác vô thượng rồi là được nhất-thế-trí vậy. XVI. CÔNG ĐỨC THÙ THẮNG
Đem tài sản như nhau bố thí cho một người, nhưng vì dụng tâm không đồng mà những người bố thí được kết quả khác nhau: có kẻ được an lạc hữu lậu, có kẻ được an lạc niết bàn, có kẻ được an lạc lợi tha. Kết quả khác nhau như thế là vì tư duy và nguyện vọng mỗi người thiên về một bên.
Tham tâm mà thực hành phước thiện thì hưởng kết quả phải mê mờ, vô tâm mà thực hành phước thiện thì khi hưởng kết quả cũng nông nổi. Chứ do chí nguyện mong cầu Trí-giác vô thượng vì lợi ích hết thảy muôn loài chúng sinh mà thực hành phước thiện, thì điều thiện ấy là điều thiện tối cao trong các điều thiện, kết quả của điều thiện ấy là kết quả tối thắng trong các kết quả.
Các điều phước thiện khác chỉ là điều thiện tương tự, không phải là điều thiện tuyệt đối. Thực hành trí-tuệ duy nhất, đó mới là điều thiện tối cao. Trí-tuệ ấy lợi ích chúng sinh, nối giòng giác ngộ, vì biết sự hành động, biết sự kết quả của hành động, biết quy y từ bi của Phật đà,
Vì bản ngã mà thực hành phước thiện thì có khác gì hành động điều ác, thật là điều rất sỉ nhục. Bực đại trượng phu thấy tất cả người trời không ai cứu vớt, nên không bao giờ vì mình mà thực hành phước thiện.
Bực đại trượng phu suy nghĩ: cái khổ sinh tử nghe còn không được huống chi mắt thấy. Vậy mà chúng sinh đương trầm mình trong cực khổ ấy, sao ta lại vì mình thực hành phước thiện, làm việc mà một người từ bi không bao giờ làm?
Ta không phút nào rời tâm đại bi, làm bạn thân của chúng sinh, sao lại vì mình thực hành phước thiện?
Người đã biết khí vị công đức, do năng lực thực hành phước thiện một cách tự do, nếm được khí vị tối cao là lợi tha; thì người ấy cho đến trong chiêm bao còn không mống tâm vì mình thực hành phước thiện, huống chi lúc thức.
Do trí tuệ giác ngộ những khuyết điểm của sinh tử, nên không bao giờ bực trượng phu hành động phước thiện cầu kết quả trong phạm vi sinh tử. Bực trượng phu từ bi lại không bao giờ tự giải thoát mà thực hành phước thiện. – Trí tuệ bỏ hành vi sinh tử, từ bi bỏ hành vi giải thoát, tại sao, bởi bi trí bao giờ cũng vì lợi người,
Trí tuệ tối thắng bình đẳng hành động, nên hành động thì đồng mà kết quả thì vô thượng. Kết quả vô thượng của trí tuệ là mười trí lực.
Do trí lực, bực trượng phu nghĩ, ta biết vì mình hưởng an vui, bỏ an vui lợi người, đó là kẻ bội ân. Do lời Phật dạy, ta xác biết muôn loài là bạn thực hành phước thiện của ta, vậy được kết quả mà hưởng thọ một mình thì đã là kẻ bội ân rồi, mà an vui đâu mà được, huống chi được rồi hưởng lấy một mình?
Nên bực đại trượng phu ấy ruồng bỏ tất cả; dầu nghìn niết bàn mà không lợi ích chúng sinh thì cũng không bằng cứu khổ một người: nên cứu một người đau khổ hơn được vui nghìn niết bàn.
Bực đại trượng phu an lạc giải thoát còn không hưởng riêng như thế, huống chi Trí-giác vô thượng mà hưởng lấy một mình. Tại sao như vậy? vì thấy hết thảy chúng sinh không nơi nương tựa, không ai cứu vớt. XVII. GIẢI THOÁT THÙ THẮNG
Có nhiều phương pháp nữa, có thể lợi ích chúng sinh thực hành Phật sự, như định và tuệ. Do những phương pháp ấy, Bồ tát không muốn tự giải thoát. Hạnh đầu-đà đập rũ tất cả tội ác như rũ áo kia, mà vì chúng sinh, những bậc chân thực cứu vớt vẫn không ham thích.
Do định và tuệ, từ bi tự phát sinh. Từ bi phát sinh thì thấy rõ và thương xót đau khổ của muôn loài. Cho nên các vị Bồ tát, những người chân thật cứu giúp chúng sinh, không khi nào bỏ những thứ ấy.
Hải trào không quá độ; người từ bi dù vì cứu một người đi nữa cũng không bao giờ rời khỏi sinh tử.
Nên người từ bi vì chúng sinh mà ở sinh tử. Ba thứ bố thí lúc nào cũng như gặp trường hợp. Không phải vì mình thực hành, mà thực hành vì người. Do đó, ngày đêm lăn trong sinh tử mà không phải ở sinh tử: hoan hỷ an vui như vui niết bàn.
Bồ tát luôn luôn vì chúng sinh hành động lợi ích, nếm khí vị hoan hỷ của trí tuệ. Sự hoan hỷ đó hoan hỷ trong chiêm bao mà còn hơn an lạc tự giải thoát.
Bồ tát nếm được khí vị của sự hoan hỷ vì chúng sinh gây an lạc. Người khác không nếm được khí vị ấy nên ưa thích sự tự giải thoát. Trí giả khi giải thoát biết cái khí vị của lợi tha thì chắc chắn trở lại lợi ích chúng sinh.
Người sợ sinh tử, vì lợi ích tự kỷ mà cầu tự giải thoát cho là cực lạc, thì sự an lạc cùng cực của người ấy không bằng sự hoan hỷ của Bồ tát lúc thọ thân thể, vì sự thọ thân ấy là để lợi ích cho chúng sinh
Bồ tát nghĩ: nếu chỉ mình ta khổ thì nên tự niết bàn thật, nhưng tất cả chúng sinh đều khổ cả sao ta bỏ họ mà tự niết bàn. Cho nên người chỉ thấy cái khổ của mình mới niết bàn, còn người từ bi thấy chúng sinh đau khổ đều ở trong tâm mình, thì bao giờ chịu bỏ họ mà tự giải thoát.
Ở Bồ tát, lợi tha là niết bàn, tự cứu là sinh tử.
Sự hoan hỷ của người đối với chúng sinh lòng từ bi rất bình đẳng, vì chúng sinh làm lợi ích, thì sự hoan hỷ ấy tức là niết bàn; niết bàn mà Phật-đà rất ngợi khen. Nếu sự an lạc của giải thoát như sự hoan lạc của lợi tha thì trí giả mới ưa thích. Nên cho vui cho người mà không kể công, đó mới là giải thoát thù thắng.
Người từ bi làm lợi ích cho chúng sinh rồi không hy vọng sự đền trả: như vậy là giải thoát, ngược lại là sinh tử.
Vì mình cầu vui là khổ não; bỏ vui của mình, vì người cầu vui là niết bàn.
Kẻ phàm phu cho phá khổ của mình gọi là giải thoát, người từ bi thấy trừ khổ cho người mới là giải thoát thù thắng. Trừ khổ của người thì người mình đều an lạc, thế nên có ai là người trí tuệ mà bỏ cái giải thoát an lạc cả hai, đi lấy an lạc giải thoát một mình.
Có kẻ nói: trí tuệ thì giải thoát. Bồ tát suy nghĩ: ta không tin người nói câu ấy, vì có người trí tuệ nào mà bỏ lợi người tự giải thoát.
Cho nên người tự lợi lợi tha thì coi cái vui trong hữu lậu vẫn hơn cái vui tự giải thoát. Bồ tát vì chúng sinh đau khổ, thắng hơn cái vui vì tự kỷ tự giải thoát. XVIII. LỢI THA
Thế gian vị kỷ nên lao nhọc thân tâm trong sinh tử; Bồ tát tâm trí thảnh thơi vì thường từ bi lợi người. Người ta ngoài pháp tự lợi không có chi vui, Bồ tát ngoài điều lợi tha không có chi vui.
Bồ tát nếm được khí vị khoái lạc của sự lợi tha, nên biết lợi tha là tự lợi. Bỏ tự lợi thích lợi tha thì biết tự lợi là lợi tha, lợi tha là tự lợi, vì sự an vui lợi người là sự an lạc lợi mình.
Người có người cao người vừa người thấp. Người thấp thấy người vui thì lòng mình khổ sở. Người vừa thấy mình khổ sở là khổ. Người cao thì thấy người vui thì mình vui, người khổ thì mình khổ.
Trong bốn hành vi nhiếp pháp của Bồ tát có lợi hành đồng sự. Đồng là gì? Là người khổ mình khổ, người vui mình vui. Từ bi bình đẳng, không thấy người mình khác nhau, nên Bồ tát cùng chúng sinh đồng vui đồng khổ. Nên Bồ tát đặc biệt tự sinh lo khổ, vì lo cứu vớt khổ não cho chúng sinh. Không ngó quá khứ, chẳng nghĩ vị lai, Bồ tát chỉ ngó ý muốn chúng sinh muốn gì thì làm lợi ích thỏa mãn cho họ, vì Bồ tát thấy ý muốn của người là ý muốn của mình.
Thế gian lợi người thì hy vọng đền trả, Bồ tát lợi tha thì xả bỏ tất cả. Lòng từ bi rất bình đẳng, bình đẳng thương mến tất cả chúng sinh, nhưng với người oán thù Bồ tát càng làm lợi ích cho họ. Sự hoan hỷ của Bồ tát khi vì những người oán thù làm lợi ích, thí dụ hy sinh tánh mạng cho họ chẳng hạn, thì sự hoan hỷ ấy đến cực độ: có thế mới là rất bình đẳng, không vậy thì thật bất bình đẳng.
Với người oán thù mà càng làm lợi ích, đó là xứng hợp tâm từ bi mà hành động.
Bồ tát đối với chúng sinh lòng thương bình đẳng, nhưng với người độc ác càng tha thiết thương xót hơn. Lòng thương của Bồ tát thương mến chúng sinh khác nào lòng thương cha mẹ gửi nơi bầy con, nhưng lòng thương của Bồ tát thương người ác cũng như cha mẹ lo cho đứa con hư: càng hư càng lo, càng ác càng thương. Chúng sinh oán thù đối với Bồ tát chỉ một lòng ác, Bồ tát từ bi đối với oán thù chỉ một lòng thương.
Thế gian được đền ân thì lòng hoan hỷ, sự hoan hỷ ấy không bằng sự hoan hỷ của Bồ tát khi làm lợi ích cho kẻ oán thù. Thế gian chưởi người, người không trả lời thì hoan hỷ; Bồ tát bị người chửi mà lòng không giận trả thì hoan hỷ.
Tham ái của phàm phu biến khắp cả ba cõi, từ bi của Bồ tát cũng khắp cả ba cõi.
Bồ tát thương chúng sinh khổ sở trong địa ngục không bằng thương chúng sinh si mê ở thiên đường.
Chúng sinh vì tự lợi lạc nên bị vô số khổ não bao vây, Bồ tát vì lợi lạc người nên cũng bị vô số khổ não bao vây.
Chúng sinh ai cũng đồng một ý muốn, muốn mình hết khổ được vui. Bồ tát nào cũng đồng một ý muốn, muốn người hết khổ được vui.
Người đem lợi về mình thì đó là nguyên nhân mừng mà cũng là nguyên nhân lo. Thấy vậy, người đem lợi đến cho người cũng lo cũng mừng: lo vì thấy đó là ích kỷ, mừng vì thấy họ được tạm vui.
Cho nên bốn vô-lượng là nội tâm thực hành từ bi vì người, bốn nhiếp-pháp là vì người thực hành diệu hạnh lợi tha: cả hai đều rất tối thắng. Bốn vô lượng có năng lực xuất sinh diệu hạnh thế gian và diệu hạnh xuất thế, nghĩa là xuất sinh bốn nhiếp-pháp. Nên bốn nhiếp-pháp và bốn diệu hạnh đồng một mục đích: mục đích lợi ích chúng sinh và mục đích trí giác vô thượng. Động lực lợi ích chúng sinh là bi, động lực trí giác vô thượng là trí, Bi hay lợi tha, trí hay xả bỏ: không sinh tâm hơn thua, không nghĩ sự cao thấp. XIX. THAY NGƯỜI CHỊU KHỔ
Bồ tát thấy người khổ thì mình rất khổ, thấy người vui thì mình rất vui, vì lý do đó, Bồ tát không lúc nào không lợi tha.
Người ngu thấy người khổ thì mình vui, người khổ mình không khổ; người trí thấy mình khổ là vui, người vui mình không khổ. Người ngu vì được chút vui của mình mà làm khổ người nhiều, người trí vì cho người chút vui mà mình chịu nhiều khổ. Kẻ ác làm một chút điều phải, khi được an vui nhiều thì rất hoan hỷ. Sự hoan hỷ ấy không bằng Bồ tát khi đem chút an vui lợi ích cho người.
Bồ tát thấy người khổ thì đem thân mình chịu thay cho họ, bấy giờ thân thể khổ sở mà tâm trí khoái lạc. Tâm từ bi của Bồ tát được cái vui tự-do, khổ não ba cõi không bức áp được. Bồ tát uống nước cam lộ của đại bi nên đau khổ không khổ được, đau khổ không khổ được nên có thế chịu khổ vì người.
Người ngu thấy người khổ thì lòng mình vui, thấy người vui thì lòng mình khổ; ngược lại, Bồ tát thấy người khổ thì mình khổ, thấy người vui thì mình vui. Người ngu si thấy người khổ thì lãnh đạm như mặt trăng lạnh, người từ bi thấy người khổ thì nóng nảy như mặt trời nóng.
Không cứ là ai, hễ thấy người khổ thì bấy giờ thâm tâm chán khổ sợ khổ, nhưng từ thâm tâm ấy, người từ bi lòng lại rất thương người, xác nhận rằng tất cả khổ là mình khổ; xác nhận như thế nên suy nghĩ: nếu không đại tinh tiến thì làm sao phá hoại khổ não ấy?
Bồ tát thấy mình cùng chúng sinh đồng khổ đồng vui, nên tự mình phải khó nhọc gian lao để thật hiện cho được Trí-giác vô thượng. Bồ tát suy nghĩ: khi được Trí-giác vô thượng rồi xả bỏ tất cả, hiến cho chúng sinh; trở lại trong sinh tử lợi ích cho muôn loài như khi mới lập chí mong cầu Trí-giác vô thượng cho đến bây giờ đã thật hiện Trí-giác vô thượng.
Bồ tát vì lợi tha nên hành động các nhiếp-pháp không bao giờ chán mệt, cũng như đại địa duy trì vạn vật không khi nào mệt mỏi.
Người vị kỷ thì hưởng an vui còn chán, huống chi chịu khổ. Chứ Bồ tát làm lợi cho người thì không bao giờ chán, huống chi chịu khổ vì người.
Bồ tát làm lợi ích cho chúng sinh thì khổ địa ngục còn coi như vui niết bàn, huống chi những khổ sở tầm thường khác. Cho nên dù vì một người, Bồ tát cũng vẫn chịu vô số đau khổ.
Với tinh thần ấy, Bồ tát dũng mãnh lợi tha không chán. Tại sao dũng mãnh lợi tha không chán? Vì Bồ tát xem tất cả chúng sinh tức là thân mình.
Bị phiền não sai sử, chúng sinh không lúc nào không muốn hại người; do từ bi chi phối, Bồ tát không khổ sở chi không muốn chịu.
Bồ tát vì người chịu khổ, khổ ấy cũng như người đau khổ được an vui của giải thoát.
Bồ tát thay người chịu khổ, bấy giờ đại bi phát triển. Trí tuệ xét thấy người khổ thì đại bi tức thời phát sinh. Mà đại bi ở đâu thì đau khổ mất ở đó.
Tuy người từ bi vì chúng sinh mà bị khổ não áp buộc, nhưng có lợi ích cho người nên lòng còn hoan hỷ hơn được cái vui giải thoát.
Bồ tát thấy người chịu khổ thì như mình chịu khổ. Mà mình được vui thì đem cho mọi người. Làm như thế Bồ tát cảm giác thấy hơn niết bàn nhiều.
Người từ bi thì bao giờ cũng muốn khổ mình chịu vui cho người: từ bi với đau khổ một sát na cũng không dung nhau được.
Người làm ác thấy người khổ thì muốn lánh xa, thấy người vui thì lòng không thích. Bồ tát ngược lại, thấy người khổ thì lăn vào, thấy người vui thì hoan hỷ.
Nhưng Bồ tát hành động như thế là do từ bi phát động chứ không phải tham ái kích thích. Không có tham ái thì không có hành động làm nguyên nhân của đau khổ. Tại sao như thế? Bởi Bồ tát chỉ vì trừ đau khổ cho người nên lòng hoan hỷ mà thôi.
Bồ tát cho người vui nhiều, lòng không vui mấy; thấy người cho nhau chút ít an vui, bấy giờ lòng đại hoan hỷ. Sao lại như thế? Vì thể tánh Bồ tát là thế: Bồ tát thấy người vui mình còn vui thay, huống chi thấy người biết cho nhau an vui mà lòng không hoan hỷ. XX. TỪ BI
Không biết thân tâm mình bị đau khổ áp buộc thì không biết nỗi khổ của thân tâm người.
Không từ bi thì không điều ác gì không làm. Thấy người nguy khổ mà lòng không động, đó là kẻ cực ác; kẻ ấy dù người có ân nặng với họ, họ cũng không nghĩ.
Người sắp chết thì vui mấy cũng khổ, cũng như thế, kẻ cực ác thì được đại bi vẫn cho là khổ.
Giàu mà ăn chứ không cho, thì ai cũng ghét. Thông minh mà không từ bi thì cũng vậy, người trí ai cũng chê.
Kẻ thấy người đau khổ mà khó sinh lòng thương, thì kẻ ấy không phải là đồ chứa công đức nữa: kẻ ấy như đồ đã bể rồi, không đựng nước được. Người có từ bi thì thấy người đau khổ, tuy không cứu được cũng than buồn vô hạn.
Người từ bi thấy chúng sanh bị tham, giận, si, mê sàm bịnh, bị sinh, già, đau, chết làm khổ, thì than bực sao chúng sinh sa vào chi chỗ khổ não vĩ đại ấy. Thấy chúng sinh thân thể khổ, tâm trí khổ, bị kiết nghiệp phá hoại, thì thương xót vô hạn. – Chúng sinh khổ não dường ấy, Bồ tát nào mà chẳng từ bi.
Trầm mình vào bể khổ vĩ đại, chúng sinh bị ba dòng nước khổ khổ, hành khổ, hoại khổ trôi đẩy chìm đắm. Một trong ba thứ khổ ấy Bồ tát mục kích được là từ bi vô hạn rồi, huống chi thấy cả ba thứ.
Chúng sinh ngu si bị trăm nghìn khổ não làm khổ, mục kích một thứ trong trăm nghìn thứ ấy Bồ tát không cấm được từ bi rồi, huống chi tất cả. Thấy một nỗi khổ mà chưa từ bi thì phải từ bi, từ bi rồi thì phải từ bi thêm, huống chi mục kích tất cả nỗi khổ.
Nghe nỗi khổ vô cùng của người, đá còn mềm lòng, huống chi có lòng mà không thương. Nghe tiếng kêu gào của nỗi khổ người thì cây khô còn chảy nhựa, huống chi có nhựa sống mà không từ bi.
Vũ trụ chỉ một màu khổ não. Lòng thương rất dễ thực hành từ bi. Thực hành từ bi thì trái quả Trí-giác vô thượng đã nằm ngay trong bàn tay. XXI. ÁI VÀ BI
Từ bi phong phú mới ham thích được cái vui của sự lợi tha. Người nghèo nàn lòng thương thì không thể thích được cái vui ấy.
Ngu si thì tham ái tự do xâm chiếm tâm trí, tham ái xâm chiếm thì từ bi thoát đi, từ bi thoát đi thì đau khổ họp tới.
Tham ái tự do thì muốn trao đau khổ cho người, để rồi cùng nhau trầm mình trong bể sinh tử. Từ bi tự do thì muốn trao lợi ích cho người, để rồi cùng nhau đi đến giải thoát tối thắng.
Tham ái thì thích sinh tử, biết tội ác của tham ái thì thích niết bàn, còn thực hành lợi người thì thích từ bi.
Tham ái tự do thì thích sinh tử, vì mình mà thọ thân; từ bi tự do thì thích thọ thân vì lợi người. Tham ái tự do thì bị tự lợi ràng buộc, từ bi tự do thì bị lợi tha ràng buộc. Tham ái thì tự lợi không chán, từ bi tự do thì lợi tha không mệt.
Phàm phu tham ái thì không thương mình chẳng thương người, Bồ tát từ bi thì vì người như vì mình. Ngu si vị ngã mà không vị gì cả, từ bi vì người mà thực là vì mình. XXII. ĐẠI TRƯỢNG PHU
Tâm từ bi của Bồ tát chỉ có một việc bức bách – việc lo lợi tha; chứ không có việc gì khác nữa. Và khổ vì lo lợi tha như vậy tức là từ bi thành tựu.
Từ bi thành tựu nên Bồ tát bỏ niết bàn như bỏ đau khổ, thọ thân thể như lấy giải thoát. Bởi vì, từ bi là gì? Là chỉ có mục đích duy nhất và hành động duy nhất: đem lợi lạc cho chúng sinh.
Biết niết bàn là an lạc, biết sinh tử là tội ác, nhưng không bỏ diệu hạnh hữu-vi, hành động như vậy đều là năng lực của đại từ bi. Bồ tát không chỗ nào không từ bỏ dục vọng, như thế kết quả là niết bàn, vậy mà bồ tát không tự lấy niết bàn vi diệu, đó mới là đại dõng sĩ.
Do đại từ bi nên qua lại một cách tự do trong vòng vây sinh tử. Biến quán vũ trụ biết đều hư hoại, biến quán chúng sinh biết đều đau khổ, nhưng Bồ tát, bực đại trượng phu, vẫn làm người cứu vớt, vẫn làm nơi nương tựa.
Tâm ôm lòng đại bi nên bỏ thân khổ đau cầu thân giác ngộ. Đại bi ở đâu diệu dụng ở đó.
Như một người cha có mười đứa con, nhưng đứa nào nhân trí hơn thì lòng người cha đặc biệt mến trọng. Phật đà cũng vậy, bình đẳng thương tất cả chúng sinh nhưng đặc biệt ái trọng người từ bi.
Hành động những điều lợi ích mà không có trí tuệ không có từ bi thì gọi là bực trượng phu mà thôi. Hành động mà có trí tuệ chỉ đạo, có từ bi chỉ dẫn, mới là bực đại trượng phu.
Chúng ta chỉ nên nói chuyện với các bực đại trượng phu bi trí ấy. Và chỉ nên kính lễ bực đại trượng phu bi trí đủ tất cả đức tốt ấy. XXIII. ĐẠI BI
Loài người loài trời loài súc vật, không một loài sinh vật nào không bình đẳng trước đau khổ. Đau khổ ấy chỉ có Bồ tát mới từ bi thương xót thấu xương thấu tủy.
Từ bi đứng đầu trong tất cả điều thiện, cũng như chữ A đứng đầu trong tất cả các tự mẫu. Tất cả điều thiện đều nằm trong lòng từ bi, khác nào vũ trụ bao gồm hết thảy vật sắc. Từ bi trong sạch như hư không; Hư không không giới hạn, cũng như thế, từ bi không có giới hạn.
Phật dạy: “Muốn thấy tôi như thấy hình ảnh ở trước mắt thì phải cung kính thực hành đại từ đại bi. Muốn thấy tôi thì phải xét ba cõi đều khổ, khổ não vô biên nên từ bi cũng vô biên. Đau khổ ở đâu từ bi ở đó.”
Câu nói cuối cùng của Phật ý nghĩa là gì? Chỗ ở của từ bi ở đâu? Là ở với hết thảy chúng sinh đau khổ vì phiền não và vì sinh tử, làm thân thuộc với họ mà ở.
Có tâm từ bi thì biết nỗi khổ của người. Người ấy ở chung với Phật đà. Người ấy nuôi sống Pháp-thân bằng ba thứ bố thí như người vú nuôi con.
Đại bi là mẹ nuôi của Bồ tát vậy. XXIV. BỐ THÍ CỦA ĐẠI BI
Như tuyết sơn là núi sản xuất tất cả các thứ cây thuốc, cũng vậy, núi đại bi xuất sinh ba thứ bố thí. Trừ đại bi, thì tất cả điều thiện không có thứ nào có năng lực hơn nó, đem lại an lạc cho chúng sinh. Bố thí phát sinh bởi từ bi chủ đạo thì có năng lực đem lại an lạc đấy đủ cho chúng sinh. Tất cả kết quả vĩ đại cũng do ba thứ bố thí mà thành.
Chúng sinh là mẹ đẻ của các đức Phật đà, chúng sinh là chỗ quy-y tối thượng. Mà có năng lực thực hành ba thứ bố thí lợi ích chúng sinh là đại từ bi.
Vô số năng lực của đại bi đều tiềm tàng trong tâm, nên Bồ tát chỉ có một việc mà không khi nào bỏ, không ham việc khác, là thường hành động lợi tha, không chán không mỏi.
Tất cả lợi lạc về thế gian, về xuất thế, về lợi tha, đều phát sinh từ đại bi. Thế nên tôi cung kính đại bi và cung kính người thực hành đại bi, một lòng thương có năng lực lợi ích chúng sinh. Tôi lại cung kính tất cả những việc của đại bi hành động. Những việc của đại bi hành động là hay lợi ích tất cả mọi người và tự trong sạch lòng thương của mình.
Đại bi có năng lực làm trong sạch sự bố thí. Thế nên tôi lại cung kính bố thí, vì bố thí thật hiện đầy đủ lòng từ bi; tôi cung kính người thực hành bố thí, sự bố thí do từ bi chủ đạo; và tôi cung kính những hành động của sự bố thí ấy, là hành động tịnh tâm và hành động tịnh nghiệp. Tịnh tâm là nguyên nhân đi đến đại giải thoát, tịnh nghiệp là nguyên nhân đi đến đại giác ngộ.
Từ bi có thể làm trong sạch hỷ xả, hỷ xả mà không từ bi thì thành ô-nhiễm. Nghĩa là từ bi trong sạch bố thí, bố thí phát triển từ bi. Và như vậy là bực đoan chánh nhất trong đời.
Từ bi phát sinh chánh tín, chánh giải, chánh hành, chánh quả, như quả đất nảy sinh cây nhánh hoa trái tốt.
Chúng sinh bị mặt trời phiền não làm nóng bức, nếu được nước lạnh từ bi thì có thể đem lại sự mát dịu, khác nào nhiệt độ mùa hè đương lên cao nhưng gió mát có thể hạ thấp xuống. XXV. NĂNG LỰC CỦA ÁI VÀ BI
Có ái mới có thủ, không ái thì không thủ; cũng như vậy, có bi mới có xả, không bi thì không xả. Do thủ, ái tăng mạnh; do xả, bi tăng mạnh. Ân ái sinh ra ái, thương xót phát ra bi.
Ái mạnh thì lợi mình hại người, bi mạnh thì lợi người khổ mình. Ái mạnh mà hại người, điều ấy rất hèn hạ; bi mạnh mà hy sinh, điều ấy mới hiếm có.
Ái là người ngu hèn, bao giờ cũng nghèo và khổ; bi là bực trượng phu, bao giờ cũng rất giàu những điều lợi người.
Bi có năng lực trừ diệt ái. Sự chán nản lợi tha, trí tuệ có thể trừ diệt được; nhưng từ bi thì tuyệt không bao giờ chán nản, vì luôn luôn bố thí cho người.
Ái chiêu tập đau khổ thành bể khổ vô biên, bi sản xuất công đức thành núi đức đồ sộ.
Từ bi nếu không trừ hành vi nhơ bẩn thì Bồ tát không ham, từ bi nếu không cứu vớt chúng sinh thì Bồ tát không thích, từ bi nếu không đạt Trí-giác vô thượng thì Bồ tát không muốn.
Ái sản xuất tất cả đau khổ, bi phát sinh tất cả lợi lạc. Hành động phát khởi từ bi gọi là hành động thù thắng.
Từ bi là năng lực đem lại an lạc vô tận cho muôn loài vậy. XXVI. TRÍ TUỆ, TỪ BI, GIẢI THOÁT
Trí tuệ và từ bi hai năng lực ấy thứ nào hơn? Trí tuệ có thể tự mình quy y chánh pháp, từ bi có thể khuyên người quy y chánh pháp.
Từ bi không có trí tuệ thì từ bi ấy người trí không thích, trí tuệ không có từ bi thì trí tuệ ấy người trí không thích.
Từ bi không hòa hợp với trí tuệ thì chướng ngại cho đại giải thoát, từ bi ấy Bồ tát cho là không phải từ bi. Trí tuệ không hòa hợp với từ bi thì chướng ngại cho đại giác ngộ, trí tuệ ấy Bồ tát cho là không phải trí tuệ.
Trí tuệ không khi nào thích sinh tử, từ bi không bao giờ muốn giải thoát.
Giải thoát thiếu từ bi thì Bồ tát, những người của từ bi, thấy vô vị như đồ ăn ngon không có muối. Nếu đại giải thoát đi đôi với đại từ bi thì chúng ta ai cũng nên đảnh lễ.
Đại từ bi là mẹ đẻ của Phật đà, đại giải thoát giải thoát tất cả mê và khổ.
Đại từ bi như chú thuật chân chính, chú cho người chết sống lại.
Nếu nối tiếp thủ hữu là chấp thường, nếu nhập vào giải thoát là chấp đoạn. Viễn ly cả hai thì gọi là Phật đà, đấng cứu vớt tất cả.
Không đại giác ngộ không có đại giải thoát, không đại từ bi không có đại giác ngộ. Đại từ bi phát sinh đại giải thoát nên Bồ tát ham thích. Đại từ bi là một thể mà có hai dụng: có thể cứu vớt chúng sinh đau khổ, có thể phát sinh trí giác Phật đà. XXVII. LẬP CHÍ NGUYỆN
Bồ tát suy nghĩ: tất cả muôn loài đều có vô số đau khổ, ta phải phát tâm đại từ bi, thật hiện đại giác ngộ, để diệt đại khổ não cho chúng sinh.
Bồ tát mục kích chúng sinh trầm đắm trong bể khổ vô biên thì bấy giờ phát sinh tâm từ bi, bình đẳng thương xót cứu vớt, không như người vì mình tự cầu giải thoát, thấy vậy đành lòng bỏ rơi. Chính khổ não vĩ đại của chúng sinh kích động từ bi thù thắng của Bồ tát.
Bồ tát suy nghĩ: tâm từ bi của ta thấy chúng sinh mê khổ, chưa được giác ngộ, ta phải làm sao cho họ được giác ngộ. Vậy chúng sinh nhiều, phước ta ít, làm sao cứu vớt đây? Lại nghĩ: ta là bạn thân nhất của muôn loài, mà muôn loài cứ bị khổ thế kia, ta thiệt là người sống thừa, sống xấu! Ta không diệt được đau khổ đem lại an lạc cho người, thì thân này làm gì?
Suy nghĩ như thế rồi Bồ tát lại nghĩ: ta là bạn thân của chúng sinh, ta phải nuôi dưỡng họ, phải làm đại lợi ích cho chính cả những người oán ghét ta. Chúng sinh làm cho ta thành những hành động tốt đẹp, vậy ta phải làm sao không để một người nào còn tâm lý không tốt.
Lợi tha là gì, – Bồ tát suy nghĩ – tha nghĩa là người khác, nhưng ta không tìm ra sự khác ấy, nên người là ta, mà lợi tha tức tự lợi vậy. Nếu được, ta muốn đem tất cả đau khổ của chúng sinh tập trung lại nơi ta, ta thường chịu để cho họ an vui, chứ không lấy làm khổ. Trú ở trong Trí-giác vô thượng, hết thảy đau khổ ta có thể chịu được hết, nếu ta không thể cứu vớt muôn loài chìm đắm trong bể khổ sinh tử.
Bồ tát suy nghĩ: vì si mê sâu dày và phiền não nặng nề, nên làm cho ta khó được Trí-giác vô thượng, vậy trí tuệ và từ bi là bạn của ta, tâm ta không bao giờ rời bỏ.
Bồ tát nguyện:
Đường đức Điều-Ngự đã đi qua,
Giờ ta cũng đi theo đường ấy;
Ta nay vì tất cả muôn loài,
Đem từ bi thi hành bố thí.
Bồ tát nghĩ: “Ta phải làm sao như Phật.”
Lại suy nghĩ: ta là chỗ nương tựa của chúng sinh, là thuyền cứu vớt của muôn loài, vậy ta phải lập trí nguyện vĩ đại, thực hành hai thứ đại trang nghiêm là đại trí tuệ và đại từ bi. Có chí nguyện ấy là mầm mống Trí-Giác-Phật-Đà đã sắp nảy nở.
Bồ tát lại tự nguyện: Ta muốn cứu khổ cho chúng sinh, ta muốn cho vui cho chúng sinh, vậy hành động gì ta cũng nguyện tuân theo sự chỉ đạo của đại bi. Khổ não sinh tử nghe còn khiếp sợ, nhưng đại bi có năng lực nhẫn nại khổ não ấy, hướng về cửa sinh tử mà đi. Khi Bồ tát chán khổ sinh tử, muốn tự giải thoát, thì đại bi liền khiển trách: chúng sinh khổ não chưa cứu vớt họ, sao lại bỏ mà đi. Bồ tát biết sinh tử khổ, giải thoát vui, nhưng vì đại bi nên vẫn luôn luôn say mê thực hành ba thứ bố thí. Bồ tát nghĩ: ta rất sợ các cõi sinh tử, nhưng vì đại bi cứu vớt chúng sinh, nên vui vẻ ở trong các cõi ấy. Đại bi luôn luôn an ủi Bồ tát: ta làm cho người ở được trong sinh tử, ta sẽ vĩnh viễn ở cạnh người, ta không bao giờ bỏ người, tại sao, vì ta muốn làm cho người báo ân Phật đà, báo ân chúng sinh.
Bồ tát suy nghĩ: Giải thoát lạc thú vô cùng, mà vì chúng sinh ta còn không muốn hưởng dụng – ta không hưởng dụng là vì đại bi bảo đừng – huống chi cái vui giả tạm của sinh tử. Cái vui đứng đầu trong tất cả an vui Phật nói là niết bàn, niết bàn an vui tuyệt đối như vậy nhưng đại trí tuệ ta không muốn đến – đại trí tuệ ta không muốn đến là vì hóa hợp với đại từ bi. Ta rất kính thượng niết bàn – vì niết bàn không còn đau khổ - , vậy mà do đại từ bi lôi kéo, ta vì lợi lạc chúng sinh nên không tự đến giải thoát.
Cho nên, Bồ tát suy nghĩ, đại bi là mẹ đẻ của tất cả Phật đà, ta không chống lại đại bi bằng cách tự niết bàn; niết bàn đến ta còn không hưởng, huống chi bỏ chúng sinh mà đến niết bàn.
Lại nghĩ: ta muốn đến niết bàn; nhưng đại bi là Mẹ Phật, đến cho sữa cho ta, sao ta bỏ đi. Trí giác vô thượng mà nếu không lợi lạc chúng sinh, ta còn không cầu huống chi niết bàn. Cho nên, Bồ tát quả quyết, do tâm đại bi, ta quyết không tự niết bàn, vì niết bàn thì bỏ rơi chúng sinh không nơi nương tựa. Niết bàn là không thọ sinh nữa, không thọ sinh thì làm sao cứu vớt chúng sinh. Thọ sinh có hai thứ lợi lạc: một đại cứu khổ chúng sinh, hai thật hiện đại giả thoát; tại sao, Bồ tát nghĩ, ta bỏ hai thứ vui đổi lấy một.
Bồ tát xác nghĩ: Hết thảy chúng sinh đều có khả năng của Nhất-thế-trí, Nhất-thế-trí chúng sinh rất dễ thật hiện, thế nên ta thương chúng sinh, không thích giải thoát.
Lại nghĩ: ở đâu có chúng sinh đau khổ thì ở đó đại bi được phát sinh, được tăng trưởng, vì vậy, ta thích ở trong các cõi sinh tử. Bồ tát bảo đại bi: Người hãy làm cho ta được thanh tịnh, được tăng trưởng; hãy làm cho chúng sinh đều thanh tịnh, đều tăng trưởng. Lại bảo: Chúng sinh ở trong lò khổ, bị trăm nghìn đau khổ bức áp, ta muốn làm sao cho họ được an lạc cả, người hãy giúp ta làm thành việc ấy. Chúng sinh bị ái ràng buộc, bị chết tóm bắt, thấy chúng sinh không nơi cậy nhờ, không ai cứu vớt như thế, ta tự nguyện làm người cứu vớt, vậy người hãy giúp ta chịu đủ khổ sở để cứu vớt họ.
Bồ tát phát nguyện: ta muốn làm bực đại trượng phu, nguyện bỏ tự niết bàn để cứu khổ chúng sinh. Vì lợi lạc chúng sinh, ta luôn luôn tự cố gắng, tự khuyến khích công việc ấy.
Bồ tát lại nghĩ: Ai cứu độ chúng sinh là đã được vô sinh nhẫn, đã được quyết định trí, được quyết định trí là được sự thọ ký, được sự thọ ký thì ta phải cung kính cúng dường. Phật đà hoàn thành trí-biến-tịnh, tôi xin chấp tay nguyện Ngài thọ ký cho tôi. XXVIII. LẬP CHÍ NGUYỆN RỘNG VÀ CAO
Hết thảy công việc cứu tế chúng sinh của các đức Phật-đà, tôi đã lập chí nguyện có thể làm hết. Chí nguyện giác ngộ ấy tất cả các đấng Đại-Bi-Thế-Tôn đều tán thán. Tôi nguyện đem bao 7nhiêu trí tuệ và từ bi của tôi làm cho chúng sinh cô độc được giải thoát thù thắng. Xin các đức Đại-Bi-Thế-Tôn dìu dắt tôi, đừng để lạc vào tâm địa nhỏ hẹp của tiểu thừa, xin làm cho tôi đầy đủ mười thứ trí lực như Thế-Tôn. Nếu chúng sinh bị lửa phiền não thiêu đốt thì tôi nguyện đem nước chánh pháp rưới tắt đi. Tôi nguyện đủ vô biên hùng lực phá dẹp ma oán, được đại giác ngộ, chuyển chánh pháp luân, trừ đại khổ não. Chúng sinh ở đâu tôi nguyện lăn bánh xe chánh pháp đến tận chỗ đó. Tất cả lợi ích tôi đã hành động đều nguyện làm việc ấy. Nguyện do việc ấy khiến tôi được pháp-thân thù thắng, phổ biến tất cả in như hư không, lại được hóa-thân vô cùng, tùy tâm chúng sinh giáo hóa tất cả. Rồi đem phước đó hòa hợp với Phật-đà, làm cho chúng sinh cô đơn đều được giải thoát tuyệt đối. Phiền não làm nguyên nhân gây ra khổ não, năng lực trí tuệ của tôi nguyện diệt khổ não ấy, làm cho vô lượng chúng sinh trong không gian vô biên đều được một khí vị duy nhất, khí vị an lạc.
Nguyện do công đức của tôi, bao nhiêu giặc ngũ uẩn, giặc phiền não, những giặc cướp công đức của chúng sinh ấy đều phải khiếp sợ và tử vong. Nguyện do công đức của tôi, khiến tôi làm người che chở vĩ đại của muôn loài. Vũ trụ này tồn tại bao nhiêu công đức tôi trường thọ bấy nhiêu, để do công đức ấy, tất cả phàm phu, tất cả thánh giả đều hết khổ được vui, trong một thời gian mà lợi ích tất cả.
Bồ tát suy nghĩ: Từ nay trở đi, tôi theo dõi người xin, tuân hành mệnh lệnh của họ, làm sao cho họ coi thân tôi chỉ thấy là vật của họ chứ không nghĩ là thân của tôi nữa, để họ muốn gì thì tôi nguyện tùy ý, cung cấp thỏa mãn.
Bồ tát lại nghĩ: Nguyện từ nay cho đến đại giác ngộ, không một lần thọ thân nào mà không gặp Phật đà. Nếu, Bồ tát cầu nguyện, nếu trong giòng sinh tử lâu dài mà không gặp Phật đà thì đừng phút nào rời bỏ đại-bi.
Bồ tát lại nghĩ: Dầu mau đại giác ngộ, thành Phật đà đi nữa, nhưng nếu thấy chúng sinh đau khổ, thì tôi vẫn nguyện hiến mình chịu thay cho họ. Nguyện tôi bao giờ cũng như bao giờ, đầy đủ tâm đại từ bi thương người thấu xương thấu tủy, bao giờ cũng làm tay sai cho đại trí tuệ thật hiện đại giải thoát.
Lại nguyện: Nguyện tâm đại bi của tôi rộng lớn như hư không: hết thảy vạn vật nương hư không mà còn, tất cả chúng sinh vào tâm đại bi tôi mà ở. Tôi nhờ tất cả chúng sinh mà gây dựng được đủ các việc thiện tốt đẹp vĩ đại, nguyện đem việc thiện ấy hiến cho chúng sinh để họ được đại giải thoát. Như vũ trụ là của chung, thì việc thiện của tôi cũng vậy, cũng thành của chung của tất cả chúng sinh. Nguyên tố vũ trụ (bốn đại chủng) là của chung, thì việc thiện của tôi cũng là của chung. Tôi do chúng sinh mà thành việc thiện tối thắng, nên nguyện đem việc ấy hồi hướng chúng sinh làm cho họ được trí giác vô thượng.
Bồ tát thệ nguyện: Nguyện do bao nhiêu việc thiện của tôi mà làm cho chúng sinh giải thoát ma giới, thể nhập Phật cảnh; nguyện tôi Trí-Giác-Phật-Đà thường hằng hiện khởi, mười ba la mật đều thành tựu cả; nguyện tất cả chúng sinh thâm tâm bất động, đến bất động địa, bao nhiêu đau khổ đều cứu nhau vớt nhau.
Phát nguyện rồi, Bồ tát bảo phước đức: Chúng sinh bị vô minh mê mờ nên không biết mình khổ người khổ, vậy người hãy giải thích cho họ.
Khi Bồ tát thực hành bố thí là đưa ra nước ngọt bố thí, làm cho chúng sinh trừ hết khát ái, được từ bi vô thượng. Bồ tát tâm niệm: nguyện nhờ bố thí, chúng sinh thoát kiếp tôi mọi của ân ái, tôi mọi của nghèo nàn, được tự do chánh pháp, tài sản chánh pháp.
Nguyện đại trí tuệ của tôi như sông lớn, từ bi làm vị ngọt, tịnh giới làm lòng đáy, bố thí làm nước chảy, trừ hết đau khổ khao khát cho chúng sinh.
Nguyện đại từ bi của tôi như bể cả, tịnh giới làm sông, nhẫn nhục làm ngòi, trí tuệ làm động, phàm bao nhiêu sự bố thí của tôi đều thành bể đại từ bi ấy, trừ diệt khổ não nóng nhiệt của muôn loài. XXIX. LẬP CHÍ NGUYỆN THÙ THẮNG
Khi đối với chúng sinh phát tâm từ bi muốn đem an lạc lại cho họ, thì nguyện tâm từ bi đó bền chắc mãi mãi để thật hiện mục đích duy nhất là trừ diệt đau khổ cho chúng sinh, hiến mình chịu khổ thay cho họ. Và như vậy gọi là bố thí vô úy. Bồ tát lại nguyện đem kết quả của sự bố thí vô úy đó làm cho chúng sinh ai cũng có tâm đại từ bi.
Bồ tát phát nguyện: Nguyện bao nhiêu công đức từ bi của tôi, khi đến thời kỳ đao binh thì diệt hết sân hận của chúng sinh. Nguyện do công đức bố thí đồ ăn của tôi, khi đến thời kỳ cơ cẩn làm cho chúng sinh hết đói khát. Nguyện do công đức bố thí đồ uống của tôi, làm cho chúng sinh có tâm từ bi, trú ở trong tâm tánh. Nguyện do công đức bố thí đồ mặc của tôi làm cho chúng sinh ai cũng có tâm tàm quý. Nguyện do công đức bố thí đèn đuốc của tôi làm cho tôi cùng chúng sinh diệt hết tất cả si ám đối với trí-giác của Phật-đà. Nguyện do công đức bố thí con mắt của tôi làm cho chúng sinh mau được mắt đại giác ngộ của Phật. Nguyện do công đức bố thí đầu cổ của tôi, làm cho chúng sinh đều hướng về tâm chí mong cầu trí giác vô thượng. Nguyện do công đức bố thí thuốc thang của tôi làm cho chúng sinh hết cả sinh già đau chết. Nguyện do công đức bố thí bằng cách làm người sai sử, làm người cung phụng chúng sinh của tôi, làm cho chúng sinh được Thanh-tịnh tuyệt đối, thành Trí-giác vô thượng. Nguyện do công đức đem hoa cúng dường tháp của tôi làm cho chúng sinh được phước cao thắng. Nguyện do công đức đem phan cúng dường xá lỵ của tôi làm cho chúng sinh được ánh sáng vô cùng. Nguyện do công đức cúng dường âm nhạc của tôi làm cho chúng sinh được tiếng phạn-âm vi diệu. Nguyện do công đức cúng dường hương hoa làm cho chúng sinh tận trừ tất cả xú uế phiền não. Nguyện do công đức cúng dường Tam-Bảo làm cho chúng sinh thường gặp Tam-Bảo, gặp mà không phí sự gặp gỡ ấy. Nguyện do công đức của tôi bảo vệ thương khách qua đường nguy hiểm, làm cho chúng sinh vượt khỏi đường sinh tử khủng khiếp. Nguyện do công đức của tôi dìu vớt người vượt qua bể sóng gió, làm cho chúng sinh vượt qua bể sinh tử nguy hiểm. Nguyện công đức đại dõng mãnh, đại thanh tịnh của tôi, làm cho chúng sinh diệt trừ ma quân, thành Chánh-biến-giác.
Tôi sẽ được đại giác ngộ – không, tôi nói thế là để an ủi khuyến khích chúng sinh, nhưng tôi nguyện đem công đức sẽ được đại-giác-ngộ ấy làm cho hết thảy chúng sinh đều được giác-ngộ vô thượng. Giác ngộ của chúng sinh là của tôi, nhưng chúng sinh bị si mê chướng ngại, tôi nguyện đem công đức giác ngộ của tôi làm cho chúng sinh được đại giác ngộ, thành Phật đà trước, tôi nguyện thành sau hết. Tôi nguyện đem công đức qua lại trong sinh tử của tôi làm cho chúng sinh đều làm đấng Phật đà đại giác. Tôi nguyện đem công đức lập chí nguyện vĩ đại của tôi làm cho chúng sinh được trí giác Phât-đà. Tôi nguyện tất cả những ai đọc tụng thọ trì Chánh-pháp đều thành nguyên nhân đi đến Trí- giác vô thượng.
Nói tóm, tôi nguyện làm cho thỏa mãn tất cả nguyện vọng của chúng sinh, tuy đó là ý nguyện nên chưa thỏa mãn.
Tôi nguyện làm sao cho chúng sinh đương quằn quại rên xiết kia thành một đấng Phật đà vô thượng. Nếu tất cả hành động phước thiện của tôi không đi đến cái kết quả làm cho chúng sinh thành Phật-đà, thì tôi không muốn nghe, nữa là thật hành! Nên Bồ tát phân trần với công đức: Nếu người không bảo-vệ chúng sinh, làm người nương nhờ của chúng sinh, thì tôi không ưa thích người, cũng không ưa thích kết quả của người đem lại. Tại sao như thế? Bởi tôi vì chúng sinh mà thật hành người chứ không vì tôi.
Nếu chúng sinh cứu độ hết rồi thì công đức Bồ tát như hư không. Nên Bồ tát luôn bố thí an lạc cho chúng sinh bằng chí nguyện bồ đề.
Và đó là chí nguyện, là hành động của bực Đại trượng phu vậy.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.128.201.207 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.