Cuộc sống xem như chấm dứt vào ngày mà chúng ta bắt đầu im lặng trước những điều đáng nói. (Our lives begin to end the day we become silent about things that matter. )Martin Luther King Jr.
Người tốt không cần đến luật pháp để buộc họ làm điều tốt, nhưng kẻ xấu thì luôn muốn tìm cách né tránh pháp luật. (Good people do not need laws to tell them to act responsibly, while bad people will find a way around the laws.)Plato
Muôn việc thiện chưa đủ, một việc ác đã quá thừa.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Sự vắng mặt của yêu thương chính là điều kiện cần thiết cho sự hình thành của những tính xấu như giận hờn, ganh tỵ, tham lam, ích kỷ...Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Mục đích chính của chúng ta trong cuộc đời này là giúp đỡ người khác. Và nếu bạn không thể giúp đỡ người khác thì ít nhất cũng đừng làm họ tổn thương. (Our prime purpose in this life is to help others. And if you can't help them, at least don't hurt them.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Sống trong đời cũng giống như việc đi xe đạp. Để giữ được thăng bằng bạn phải luôn đi tới. (Life is like riding a bicycle. To keep your balance you must keep moving. )Albert Einstein
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Để có đôi mắt đẹp, hãy chọn nhìn những điều tốt đẹp ở người khác; để có đôi môi đẹp, hãy nói ra toàn những lời tử tế, và để vững vàng trong cuộc sống, hãy bước đi với ý thức rằng bạn không bao giờ cô độc. (For beautiful eyes, look for the good in others; for beautiful lips, speak only words of kindness; and for poise, walk with the knowledge that you are never alone.)Audrey Hepburn
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Ngay cả khi ta không tin có thế giới nào khác, không có sự tưởng thưởng hay trừng phạt trong tương lai đối với những hành động tốt hoặc xấu, ta vẫn có thể sống hạnh phúc bằng cách không để mình rơi vào sự thù hận, ác ý và lo lắng. (Even if (one believes) there is no other world, no future reward for good actions or punishment for evil ones, still in this very life one can live happily, by keeping oneself free from hatred, ill will, and anxiety.)Lời Phật dạy (Kinh Kesamutti)
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Khuy Cơ »»
(s: Prajñāpāramitā-hṛdaya, t: çes-rah sñiṅ-po bshugs-so, c: Pan-jo-po-lo-mi-to-hsin-ching, j: Hannyaharamittashinkyō, 般若波羅蜜多心經): nói cho đủ là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh (摩訶般若波羅蜜多心經), còn gọi là Bát Nhã Đa Tâm Kinh (般若多心經), Bát Nhã Tâm Kinh (般若心經), Tâm Kinh (心經), 1 quyển, hiện còn, Taishō 8, 848, No. 251, Huyền Trang (玄奘, 602-664) dịch vào năm 649 hay 648 (niên hiệu Trinh Quán [貞觀] thứ 23 hay 22) nhà Đường. Có 6 dịch bản khác của kinh này:
(1) Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đại Minh Chú Kinh (摩訶般若波羅蜜大明呪經), do Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập (s: Kumārajīva, 鳩摩羅什, 344-413) dịch.
(2) Bát Nhã Ba La Mật Đa Na Đề Kinh (般若波羅蜜多那提經), do Bồ Đề Lưu Chi (s: Bodhiruci, 菩提流支, 562-727) dịch.
(3) Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh (般若波羅蜜多心經), do Bát Nhã (s: Prajñā, 般若, 734-?), Lợi Ngôn (利言, khoảng thế kỷ thứ 8) dịch.
(4) Phổ Biến Trí Tạng Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh (普遍智藏般若波羅蜜多心經), do Pháp Nguyệt (s: Dharmacandra, 法月, 653-743) dịch.
(5) Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh (般若波羅蜜多心經), do Trí Huệ Luân (智慧輪) dịch.
(6) Thánh Phật Mẫu Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh (聖佛母般若波羅蜜多心經), do Thí Hộ (s: Dānapāla, 施護, khoảng thế kỷ thứ 10) dịch.
Nếu so sánh các bản trên, bản dịch của Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập được lưu truyền rộng rãi nhất. Phạn bản của kinh này hiện còn ở Pháp Long Tự (法隆寺, Hōryū-ji) của Nhật Bản; năm 1884 F. Max Müller và Bunyū Nanjō (文雄南條) đã cùng hiệu đính, xuất bản; đến năm 1894 nó được dịch sang Anh ngữ. Ngoài ra, vào năm 1864, học giả người Anh là Beal Samuel cũng đã dịch sang Anh ngữ bản dịch của Huyền Trang. Nếu so bản tiếng Sanskrit và bản Hán dịch của Huyền Trang, chúng có nội dung tương đồng. Còn bản được phát hiện ở thạch động Đôn Hoàng là tư liệu rất quý trọng đối với giới học thuật. Về phần chú sớ của kinh này cũng có rất nhiều bản, trong đó quan trọng nhất là Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh U Tán (般若波羅蜜多心經幽贊) của Khuy Cơ (窺基, 632-682), Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh Tán (般若波羅蜜多心經贊) của Viên Trắc (圓測, 613-696), Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh Lược Sớ (般若波羅蜜多心經略疏) của Pháp Tạng (法藏, 643-712), và Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh Sớ (般若波羅蜜多心經疏) của Huệ Tịnh (慧淨, 578-?), v.v.
(s: Bhaiṣajyaguruvaiḍūryaprabhāsapūryapraṇidhāna, 藥師瑠璃光如來本願功德經): 1 quyển, được thâu lục vào Taishō Vol. 48, No. 450, do Đại Đường Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang (大唐三藏法師玄奘, 602-664) dịch, gọi tắt là Dược Sư Như Lai Bổn Nguyện Công Đức Kinh (藥師如來本願功德經), Dược Sư Bổn Nguyện Công Đức Kinh (藥師本願功德經), Dược Sư Kinh (藥師經). Bản Hán dịch của kinh này có 5 loại: (1) bản do Bạch Thi Lê Mật Đa La (帛尸梨多羅) nhà Đông Tấn dịch (317~322); (2) bản do Huệ Giản (慧簡) nhà Lưu Tống dịch (457); (3) bản do Đạt Ma Cấp Đa (達磨笈多) nhà Tùy dịch (615); (4) bản do Huyền Trang nhà Đường dịch (650); và (5) bản do Nghĩa Tịnh (義淨, 635-713) nhà Đường dịch (707). Ba bản đầu cường điệu về công đức của Phật Dược Sư, được gọi là Dược Sư Tùy Nguyện Kinh (藥師隨願經). Bản của Nghĩa Tịnh dịch là Dược Sư Lưu Ly Quang Thất Phật Bổn Nguyện Công Đức Kinh (藥師琉璃光七佛本願功德經, Taishō No. 451), hay Thất Phật Dược Sư Kinh (七佛藥師經), nói rõ về bản nguyện cũng như Đà La Ni (陀羅尼) của 7 vị Phật. Bản do Huyền Trang dịch là thông hành nhất, có đủ tính chất Mật Giáo, có đặc sắc thuyết về tư tưởng lợi ích hiện thế và vãng sanh Tịnh Độ. Bản dịch Kinh Dược Sư bằng tiếng Tây Tạng có 2 loại, trong đó có bản tương đương với bản hiện hành là Bcom-ldaṃ ḥdás sman-gyi bla vaiḍūryaḥi hod-kyi sṅon-gyi smon-lam-gyi khyad-par rgyas-pa. Bản tương đương với bản của Nghĩa Tịnh dịch là De-bshin-gśegs-pa bdun-gyi sṅon-gyi smon-lam-gyi khya-par rgyas-pa. Bản chú sớ về kinh này có Dược Sư Bổn Nguyện Công Đức Nghĩa Sớ (藥師本願功德義疏) 3 quyển của Thật Quán (實觀), cũng như Dược Sư Bổn Nguyện Công Đức Kinh Sớ (藥師本願功德經疏) của Khuy Cơ (窺基, 632-682), Tĩnh Mại (靖邁), Thần Thái (神泰), Độn Luân (遁倫), Cảnh Hưng (憬興), v.v., mỗi vị viết 1 quyển; cọng thêm Dược Sư Bổn Nguyện Kinh Cổ Tích (藥師本願古迹) 2 quyển của Thái Hiền (太賢).
(敎判, kyōhan), Giáo Tướng Phán Thích (敎相判釋, kyōsōhanshaku) hay Giáo Tướng Phán Giáo (敎相判敎, kyōsōhankyō): sự giải thích kinh điển vốn được hệ thống hóa, phân loại chỉnh lý dựa trên các tiêu chuẩn như hình thức, phương pháp, thứ tự của kinh điển được đức Thích Tôn thuyết ra trong thời gian 45 năm từ khi thành đạo lúc 35 tuổi cho đến khi nhập Niết Bàn lúc 80 tuổi, hay về mặt tu tập thì giáo lý nào là cứu cánh, chân lý căn bản là gì, v.v. Dưới thời Tùy Đường, có khuynh hướng làm sáng tỏ lập trường mang tính giáo nghĩa vốn tín phụng vào tự than và chủ trương tính ưu việt của các kinh điển cũng như nội dung giáo nghĩa làm chỗ nương tựa. Về tự thể của kinh điển, chúng ta có thể thấy trong Pháp Hoa Kinh (法華經) có thuyết về sự khác nhau giữa Đại Thừa và Tiểu Thừa, trong Lăng Già Kinh (楞伽經) có Đốn Giáo và Tiệm Giáo, trong Hoa Nghiêm Kinh (華嚴經) có Tam Chiếu, hay trong Giải Thâm Mật Kinh (解深密經) có Tam Thời, v.v.; hoặc trong các luận thư như Đại Trí Độ Luận (大智度論) thì thuyết về Tam Tạng (三藏) và Ma Ha Diên (摩訶衍), trong Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận (十住毘婆娑論) có Nan Hành Đạo (難行道) và Dị Hành Đạo (易行道), v.v.; tất cả đều chỉ phân loại sự sâu cạn của giáo thuyết và đó không phải là Giáo Phán. Tại Trung Quốc, vào thời Trí Khải (智顗) khoảng thế kỷ thứ 6, tương truyền ở Giang Nam có Giáo Phán Tam Thuyết (三說), ở bắc bộ có Thất Thuyết (七說), được gọi là Nam Tam Bắc Thất (南三北七, theo Pháp Hoa Huyền Nghĩa [法華玄義] 10). Giáo Phán tiêu biểu là Ngũ Thời Bát Giáo (五時八敎) của Trí Khải. Ngũ Thời là thời Hoa Nghiêm (華嚴), Lộc Uyển (鹿苑, tức A Hàm [阿含]), Phương Đẳng (方等), Bát Nhã (般若) và Pháp Hoa Niết Bàn (法華涅槃); Bát Giáo gồm Hóa Nghi Tứ Giáo (化儀四敎) của giáo lý Đốn (頓), Tiệm (漸), Bí Mật (秘密), Bất Định (不定) nếu nhìn từ mặt hình thức thuyết pháp; và Hóa Pháp Tứ Giáo (化法四敎) của Tam Tạng (三藏, Tiểu Thừa), Thông (通, cọng thông cả Tiểu lẫn Đại Thừa), Biệt (別, Đại Thừa), Viên (圓, giáo lý hoàn toàn) nếu nhìn từ mặt nội dung. Tiếp theo, Nhị Tạng Tam Luận (二藏三論) của Cát Tạng (吉藏)—người hình thành giáo học Tam Luận, Tam Giáo Bát Tông (三敎八宗) của Khuy Cơ (窺基) thuộc Pháp Tướng Tông, bắt đầu xuất hiện. Kế thừa những giáo học này, Pháp Tạng (法藏), người hình thành giáo học Hoa Nghiêm, đã thuyết về Giáo Phán gọi là Ngũ Giáo Thập Tông (五敎十宗). Ngoài ra, Đạo Xước (道綽) của Tịnh Độ Giáo có thuyết về Nhị Môn Giáo Phán (二門敎判), gồm Thánh Đạo và Tịnh Độ. Tại Nhật Bản, Không Hải (空海, Kūkai), vị tổ khai sáng Chơn Ngôn Tông có lập ra 2 loại Giáo Phán Hoành Thụ (橫竪). Về phía Thai Mật (台密), An Nhiên (安然, Annen) đề xướng thuyết Ngũ Thời Ngũ Giáo (五時五敎). Ngoài ra, Thân Loan (親鸞, )—người kết hợp tự lực và tha lực, Tiệm Giáo và Đốn Giáo—thì chủ trương thuyết Nhị Song Tứ Trùng (二雙四重); Nhật Liên (日蓮, Nichiren) thì có thuyết Ngũ Cương (五綱), v.v.
(義天): có mấy nghĩa chính. (1) Gọi đủ là Đệ Nhất Nghĩa Thiên (第一義天), Đệ Nhất Nghĩa Tịnh Thiên (第一義淨天), tức chỉ cho chư Phật, Bồ Tát chứng quả Đại Niết Bàn; hoặc chư vị Bồ Tát đang ở quả vị Thập Trú (十住, gồm Phát Tâm Trú [發心住], Trị Địa Trú [治地住], Tu Hành Trú [修行住], Sanh Quý Trú [生貴住], Cụ Túc Trú [具足住], Chánh Tâm Trú [正心住], Bất Thối Trú [不退住], Đồng Chơn Trú [童眞住], Chánh Pháp Vương Trú [法王子住] và Quán Đảnh Trú [灌頂住]); là một trong 4 cõi trời. Như trong Đại Bát Niết Bàn Kinh (大般涅槃經, Taishō Vol. 12, No. 374) quyển 22, phẩm Cao Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương Bồ Tát Phẩm (光明遍照高貴德王菩薩品) có giải thích rõ rằng: “Hữu tứ thiên, nhất giả Thế Gian Thiên, nhị giả Sanh Thiên, tam giả Tịnh Thiên, tứ giả Nghĩa Thiên. Thế Gian Thiên giả như chư quốc vương; Sanh Thiên giả tùng Tứ Thiên Vương nãi chí Phi Hữu Tưởng Phi Vô Tưởng Thiên; Tịnh Thiên giả tùng Tu Đà Hoàn chí Bích Chi Phật; Nghĩa Thiên giả Thập Trú Bồ Tát Ma Ha Tát đẳng. Dĩ hà nghĩa cố Thập Trú Bồ Tát danh vi Nghĩa Thiên ? Dĩ năng thiện giải chư pháp nghĩa cố. Vân hà vi nghĩa ? Kiến nhất thiết pháp thị không nghĩa cố (有四種天、一者世間天、二者生天、三者淨天、四者義天、世間天者如諸國王、生天者從四天王乃至非有想非無想天、淨天者從須陀洹至辟支佛、義天者十住菩薩摩訶薩等、以何義故十住菩薩名爲義天、以能善解諸法義故、云何爲義、見一切法是空義故, có bốn loại cõi trời, một là Thế Gian Thiên, hai là Sanh Thiên, ba là Tịnh Thiên, bốn là Nghĩa Thiên. Thế Gian Thiên là các quốc vương; Sanh Thiên là từ Tứ Thiên Vương cho đến cõi trời Phi Hữu Tưởng Phi Vô Tưởng; Tịnh Thiên là từ Tu Đà Hoàn cho đến Bích Chi Phật; Nghĩa Thiên là các Bồ Tát Ma Ha Tát của quả vị Thập Trú. Vì lấy nghĩa gì mà Bồ Tát của quả vị Thập Trú được gọi là Nghĩa Thiên ? Vì có thể khéo hiểu nghĩa của các pháp. Nghĩa đó là gì ? Thấy hết thảy các pháp là nghĩa không).” (2) Chỉ cho Từ Ân Đại Sư (慈恩大師), tức Khuy Cơ (窺基, 632-682), sơ Tổ của Pháp Tướng Tông Trung Quốc, có thể hiểu được nghĩa nhiệm mầu, nên được gọi là Nghĩa Thiên. (3) Chỉ cho Nghĩa Thiên (1055-1101), hiệu là Đại Giác Thiền Sư (大覺禪師), là con trai thứ 4 của vua Văn Tông (文宗, tại vị 1046-1083) nước Cao Lệ (高麗, Triều Tiên), được phong làm Hựu Thế Tăng Thống (祐世僧統), quản lý tăng giới Triều Tiên.
(s: dharmatā, p: dhammatā, 法性): còn gọi là Thật Tướng Chân Như (實相眞如), Chân Pháp Tánh (眞法性), Chân Tánh (眞性); là tên gọi khác của Chân Như (眞如), v.v.; tuy tên gọi khác mà đồng thể; là thể tánh chân thật của các pháp, cũng là bản tánh chân thật bất biến vốn có của hết thảy hiện tượng trong vũ trụ. Pháp Tánh là gốc của vạn pháp, nên còn gọi là Pháp Bổn (法本). Đại Trí Độ Luận (大智度論, Taishō Vol. 25, No. 1509) quyển 32 lấy tổng tướng và biệt tướng của các pháp cùng quy về Pháp Tánh; cho rằng các pháp có mỗi mỗi tướng (tướng sai biệt của hiện tượng) và thật tướng. Về cái gọi là mỗi mỗi tướng khác nhau, tỷ dụ như sáp ong đốt chảy thành nước, mất đi tướng ban đầu của nó, do vì không cố định, nên phân biệt tìm cầu không thể được; chính vì không thể được nên gọi là “không (空)” (tức không có tự tánh); vì vậy không chính là thật tướng của các pháp. Đối với hết thảy tướng sai biệt mà nói, do vì tự tánh của chúng là không, nên đều là đồng nhất, được gọi là “như (如).” Tất cả các tướng đều quy về không, vì vậy gọi không là Pháp Tánh. Lại nữa, như trong đá màu vàng có đủ tánh chất của vàng, trong tất cả các pháp trên thế gian đều có Pháp Tánh của Niết Bàn; vì vậy mới bảo rằng thật tánh bản nhiên của các pháp là Pháp Tánh. Điều này đồng nghĩa với ý nghĩa gọi là “chúng sanh, quốc độ đồng nhất Pháp Tánh (眾生、國土同一法性, chúng sanh, quốc độ cùng một Pháp Tánh)” trong Đại Phương Quảng Viên Giác Tu Đa La Liễu Nghĩa Kinh (大方廣圓覺修多羅了義經, Taishō Vol. 17, No. 842). Trong Đại Bảo Tích Kinh (大寶積經, Taishō Vol. 11, No. 310) quyển 52, đức Thích Tôn đã từng khai thị về nghĩa thật tánh của các pháp, dạy rằng Pháp Tánh không có đổi khác, không có tăng thêm, không tạo tác và chẳng có không tạo tác; Pháp Tánh không có phân biệt, không có sở duyên, đối với tất cả pháp có thể chứng đắc thể tướng cứu cánh. Cũng có thuyết cho rằng Như Lai Tạng (如來藏) đồng nghĩa với Pháp Tánh. Các luận sư giải thuyết về Pháp Tánh không giống nhau. Đại Sư Từ Ân (慈恩, tức Khuy Cơ [窺基, 632-682]) của Pháp Tướng Tông thì cho rằng Pháp Tánh là Viên Thành Thật Tánh (圓成實性) trong 3 tánh; Y Tha Khởi Tánh (依地起性) này là nơi nương tựa của hết thảy các pháp hữu vi. Trong khi đó, Gia Tường Đại Sư Cát Tạng (吉藏, 549-623) của Tam Luận Tông lại chủ trương rằng chân không là Pháp Tánh. Kế đến, Hiền Thủ (賢首, tức Pháp Tạng [法藏, 643-712]), vị Tổ thứ 3 của Hoa Nghiêm Tông, cho rằng chân như có hai nghĩa là bất biến và tùy duyên; nếu lấy nghĩa tùy duyên, biến tạo ra các pháp, tuy biến tạo mà vẫn giữ tánh chân như bất biến. Chân như tùy duyên biến tạo vạn pháp như vậy, nên gọi chân như là Pháp Tánh. Đại Sư Trí Khải (智顗, 538-597) của Thiên Thai Tông luận rằng Pháp Tánh có đủ ô nhiễm, trong sạch, tức tánh thiện tánh ác; vì tánh có đủ thiện và ác, nên sanh ra các pháp ô nhiễm, trong sạch. Như trong Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh (大方廣佛華嚴經, Taishō Vol. 10, No. 279) quyển 16, Phẩm Thăng Tu Di Sơn Đảnh (昇須彌山頂品) 13, có đoạn: “Pháp Tánh bổn không tịch, vô thủ diệc vô kiến, tánh không tức thị Phật, bất khả đắc tư lường (法性本空寂、無取亦無見、性空卽是佛、不可得思量, Pháp Tánh vốn không lặng, không cầm cũng không thấy, tánh không tức là Phật, suy lường chẳng thể được).” Trong bài tựa của Khởi Tín Luận Tục Sớ (起信論續疏, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 45, No. 764) quyển 1 giải thích rằng: “Pháp Tánh giả, vị chân như bất biến, tùy duyên nhi năng thành nhất thiết pháp (法性者、謂眞如不變、隨緣而能成一切法, Pháp Tánh nghĩa là chân như bất biến, tùy duyên mà có thể thành tất cả các pháp).” Hoặc trong Tông Kính Lục (宗鏡錄, Taishō Vol. 48, No. 2016) quyển 87 cũng có đoạn: “Hựu chư pháp tức Pháp Tánh nhân duyên, nãi chí Đệ Nhất Nghĩa diệc thị nhân duyên (又諸法卽是法性因緣、乃至第一義亦是因緣, lại các pháp là nhân duyên của Pháp Tánh, cho đến Đệ Nhất Nghĩa cũng là nhân duyên).”
(法子): chỉ cho người xuất gia quy nhập chánh pháp của Phật, hay tùy thuận Phật đạo, được pháp nuôi dưỡng thành. Pháp do đức Phật thuyết rất vi diệu, nên các pháp được xem như là người mẹ; nếu người nào an trú vào trong chánh tín này, tức sẽ được tăng trưởng vững chắc, không mất đi niềm tin. Như trong Bạch Y Kim Tràng Nhị Bà La Môn Duyên Khởi Kinh (白衣金幢二婆羅門緣起經, Taishō Vol. 1, No. 10) quyển Thượng có giải thích rằng: “Nhược Sa Môn, nhược Bà La Môn, nhược Thiên Ma Phạm, Tam Giới nhất thiết, tất thị ngã tử, giai đồng nhất pháp, nhi vô sai biệt, chánh pháp khẩu sanh, đồng nhất pháp chủng, tùng pháp sở hóa, thị chơn pháp tử (若沙門、若婆羅門、若天魔梵、三界一切、悉是我子、皆同一法、而無差別、正法口生、同一法種、從法所化、是眞法子, nếu là Sa Môn, nếu là Bà La Môn, nếu là Thiên Ma Phạm, Ba Cõi hết thảy, tất là con ta, đều cùng một pháp, mà không sai khác, chánh pháp từ miệng sanh, cùng một hạt giống pháp, từ pháp biến hóa thành, là đúng người con pháp).” Thêm vào đó, trong A Di Đà Kinh Sớ (阿彌陀經疏, Taishō Vol. 37, No. 1757), Khuy Cơ (窺基, 632-682), sơ Tổ của Pháp Tướng Tông Trung Quốc, cho rằng Phật là vua của các pháp, cho nên Phật tử nào tuân thủ theo mà tu hành, và thể nhập vào pháp đó, thì gọi là pháp tử. Ngoài ra, từ này còn có nghĩa là người kế thừa dòng pháp của thầy. Trong Ưu Bà Di Tịnh Hạnh Pháp Môn Kinh (優婆夷淨行法門經, Taishō Vol. 14, No. 579) quyển 2 có đoạn: “Nhược xuất gia tác Phật, pháp tử hữu thiên vạn, giới định thần thông lực, năng tồi phục ma oán (若出家作佛、法子有千萬、戒定神通力、能摧伏魔怨, nếu xuất gia làm Phật, pháp tử có ngàn vạn, sức thần thông giới định, hàng phục được ma oán).” Hay trong Tống Cao Tăng Tuyện (宋高僧傳, Taishō Vol. 50, No. 2061) quyển 6, phần Đường Đài Châu Quốc Thanh Tự Trạm Nhiên Truyện (唐台州國清寺湛然傳), lại có câu: “Trí Giả chi ngũ thế tôn dã, Tả Khê Lãng Công chi pháp tử dã (智者之五世孫也、左溪朗公之法子也, Kinh Khê Trạm Nhiên là cháu đời thứ 5 của Thiên Thai Trí Khải, là pháp tử của Tả Khê Huyền Lãng vậy).”
(s, p: upāya, 方便): âm dịch là Âu Ba Da (漚波耶), một trong 10 Ba La Mật, còn gọi là Thiện Quyền (善權), Biến Mưu (變謀), chỉ sự uyển chuyển biến đổi tùy theo hoàn cảnh, không gian, thời gian; cũng là một loại phương pháp phát triển hướng thượng. Trong các kinh luận Phật Giáo thường dùng từ này, quy nạp lại thì ý nghĩa của nó có thể phân làm 4 loại:
(1) Đối với pháp chân thật mà nói, là pháp môn giả lập ra để dẫn dụ chúng sanh đi vào pháp chân thật; nên được gọi là Quyền Giả Phương Tiện (權假方便), Thiện Xảo Phương Tiện (善巧方便); tức chư Phật, Bồ Tát tùy theo căn cơ của chúng sanh để dùng các loại phương pháp ban cho lợi ích.
(2) Đối với Thật Trí (實智) của Bát Nhã mà nói. Theo Vãng Sanh Luận Chú (徃生論註) quyển hạ của Đàm Loan (曇鸞, 476-?), Bát Nhã là đạt đến tuệ như như, phương tiện là thông trí quyền xảo; nên lấy Quyền Trí (權智) để quán chiếu những sai biệt hiện ra trong Bình Đẳng Thật Trí (平等實智).
(3) Hai trí quyền và thật đều là pháp môn do chư Phật, Bồ Tát thường dùng để hóa độ chúng sanh.
(4) Là hạnh gia trì, tu tập để chúng ngộ chân lý.
Lại nữa, trong 12 phương tiện của Đại Thừa Nghĩa Chương (大乘義章) quyển 15 do Huệ Viễn (慧遠, 523-592) nhà Tùy trước tác, Pháp Hoa Huyền Tán (法華玄讚) của Khuy Cơ (窺基, 632-682), cũng có nêu ra 4 loại phương tiện khác, gồm:
(1) Tấn Thú Phương Tiện (進趣方便), giống như 7 phương tiện trước khi ngộ đạo, tức sự chuẩn bị hướng đến Bồ Đề.
(2) Quyền Xảo Phương Tiện (權巧方便), như Phương Tiện Trí trong 2 loại trí tuệ, lấy pháp môn của Ba Thừa để tùy theo vật mà quyền hiện.
(3) Thí Tạo Phương Tiện (施造方便, hay Thí Vi Phương Tiện [施爲方便]), như Phương Tiện Ba La Mật (方便波羅蜜) trong 10 Ba La Mật, tức làm những việc thiện xảo để đạt đến mục đích lý tưởng.
(4) Tập Thành Phương Tiện (集成方便), như thuyết về 6 tướng của Thập Địa Kinh Luận (十地經論), các pháp đồng thể nhưng biến tướng hiện thành, nghĩa là bản chất của các pháp đều như nhau; trong một có tất cả, và trong tất cả cũng thành một.
Hơn nữa, theo Pháp Hoa Văn Cú (法華文句) quyển 7 của Đại Sư Trí Khải (智顗), có nêu ra 3 loại phương tiện là Pháp Dụng (法用), Năng Thông (能通) và Bí Diệu (祕妙); ứng với đối tượng của Tam Giáo Tạng (藏), Thông (通) và Biệt (別). Tịnh Danh Kinh Sớ (淨名經疏) lại đề cập đến 3 loại phương tiện khác là Tự Hành (自行), Hóa Tha (化他) và Tự Tha (自他), v.v. Câu “Từ tâm vô lượng, quảng khai phương tiện chi huyền môn (慈心無量、廣開方便之玄門)” trong lòng văn sớ trên có nghĩa là với tâm từ bi vô lượng, chư Phật đã mở rộng cánh cửa vi diệu của phương tiện để cứu độ chúng sanh; cho nên hình thức cúng Cầu Siêu, Cầu An cũng là phương tiện trong muôn vàn phương tiện khác của Phật Giáo.
(天厨): Bếp Trời. Từ này có nhiều nghĩa khác nhau.
(1) Tên gọi của một vì sao, như trong phần Thiên Văn Chí Thượng (天文志上) của Tấn Thư (晉書) có câu: “Tử Vi thản, đông bắc duy ngoại lục tinh viết Thiên Trù, chủ thịnh soạn (紫微垣、東北維外六星曰天廚、主盛饌, trong khu vực sao Tử Vi, sáu ngôi sao ngoài phương đông bắc gọi là Thiên Trù, chủ quản về cỗ ăn uống).”
(2) Nhà Bếp của Thiên Đình, như trong bài thơ Đề Tuyên Luật Sư Họa Tượng (題宣律師畫像) của Lục Du (陸游, 1125-1210) nhà Tống có câu: “Bình sanh nhất ngõa bát, hà xứ hữu Thiên Trù (平生一瓦缽、何處有天廚, bình sanh một bình bát, nơi đâu có Bếp Trời).” Hay trong bài Mai Hoa Am Đồng Lâm Nhã Phủ Thoại Vũ Liên Cú (梅花庵同林若撫話雨聯句) của Ngô Vĩ Nghiệp (吳偉業, 1609-1672) nhà Thanh lại có câu: “Tiên lạc Thanh Thương thái, Thiên Trù pháp tửu triêm (仙樂清商奏、天廚法酒霑, tiên vui Thanh Thương rộn, Bếp Trời rượu thấm ngon).”
(3) Nhà Bếp của Hoàng Đế, như trong bài Nguyên Hựu Bát Niên Sanh Nhật Tạ Biểu (元祐八年生日謝表) của Tô Triệt (蘇轍, 1039-1112) nhà Tống có đoạn: “Lão phùng đản nhật, khấp dưỡng thân chi vô tùng, tứ xuất Thiên Trù, quý quân tư chi mạc báo (老逢誕日、泣養親之無從、賜出天廚、愧君恩之莫報, già gặp ngày sinh nhật, khóc xót nuôi song thân không được toại nguyện, nhận ân sủng Nhà Bếp triều đình, thẹn ơn nhà vua chưa báo đáp).”
Trong Phật Giáo, có những câu chuyện của các vị thần tăng đã từng được trời cúng dường cho thức ăn như trong Ngọc Thanh Vô Cực Tổng Chơn Văn Xương Đại Động Tiên Kinh (玉清無極總眞文昌大洞仙經) quyển 6 của Đạo Giáo có đoạn rằng: “Tích hữu tăng tọa Thiền, văn Hương Tích chi khí, tâm niệm viết tất thị trai cúng, hoặc kiến thiên tiên lai thỉnh phó Thiên Trù cúng, tăng ư định trung tiện khứ, nhật mỗi như thị; hoặc nhật minh, nhãn sư kiến chi, vị viết: 'Nhữ đọa nhất xí trung hỉ'. Tăng bất tín, toại linh tái phó cúng, hồi, sư thủ xí trung nhất trùng sát chi, tăng phương ngộ (昔有僧坐禪、聞香積之炁、心念曰必是齋供、或見天仙來請赴天厨供、僧於定中便去、日每如是、或日明、眼師見之、謂曰汝墮一廁中矣、僧不信、遂令再赴供、回、師取廁中一蟲殺之、僧方悟, xưa kia có vị tăng đang ngồi Thiền, chợt nghe mùi thơm xứ Hương Tích, tâm niệm cho rằng đó là đồ chay cúng dường, hoặc có khi thấy tiên trên trời đến mời dự cúng dường trên Thiên Trù, vị ấy trong định mà đi; mỗi ngày đều như vậy; có hôm nọ lúc trời sáng, thầy ông thấy vậy, bảo rằng: 'Ngươi đọa vào trong nhà xí rồi !' Vị tăng chẳng tin, lại tiếp tục đi tham dự lễ cúng dường; đến khi trở về, thầy ông lấy trong nhà xí ra một con trùng và giết đi; khi ấy vị tăng mới tỉnh ngộ).” Hay như trong Thần Tăng Truyện (神僧傳, Taishō No. 2064) quyển 6, truyện Khuy Cơ (窺基) có đoạn kể rằng: “Sơ Nam Sơn Tuyên Luật Sư, dĩ hoằng luật danh chấn Ngũ Đại, cảm thiên trù cúng soạn; Cơ thường phỏng Tuyên, kỳ nhật quá ngọ nhi thiên soạn bất chí, cập Cơ từ khứ Thiên Thần nãi giáng, Tuyên trách dĩ hậu thời, Thiên viết: 'Thích kiến Đại Thừa Bồ Tát tại thử dực vệ nghiêm thậm, cố vô tự nhi nhập.' Tuyên văn chi đại kinh (初南山宣律師、以弘律名震五天、感天廚供饌、基嘗訪宣、其日過午而天饌不至、及基辭去天神乃降、宣責以後時、天曰、適見大乘菩薩在此翊衛嚴甚、故無自而入、宣聞之大驚, lúc ban đầu Nam Sơn Đạo Tuyên Luật Sư truyền bá Luật Tông danh thanh vang khắp mọi nơi, cảm động khiến cho trời dâng cúng thức ăn; Khuy Cơ thường đến thăm Đạo Tuyên, có hôm nọ đến quá ngọ mà cơm trời vẫn chưa đến, khi Khuy Cơ chuẩn bị ra về thì Thiên Thần giáng xuống; Đạo Tuyên phiền trách vì sao đến trễ; Thiên Thần thưa rằng: 'Tôi thấy có các vị Bồ Tát Đại Thừa canh giữ nơi đây rất nghiêm mật, nên không tự tiện vào.' Đạo Tuyên nghe vậy rất kinh sợ).” Trong Thiền môn có các bài tán về Thiên Trù Cúng như “Thiên Trù cúng, Thuần Đà tối hậu lai, cơ xan ma mạch sung bì đại, tiên nhân hựu hiến trai thực tại, song song mục nữ hiến hương mi, Tứ Thiên Vương bổng bát, diêu vọng Linh Sơn bái. Nam Mô Hương Cúng Dường Bồ Tát (天厨供、淳陀最後來、飢飡麻麥充皮袋、仙人又献齋食在、雙雙牧女献香糜、四天王捧鉢、遙望靈山拜、南無香供養菩薩, món trời cúng, Thuần Đà đến cuối cùng, đói khát mè thóc cũng no đủ, tiên nhân lại dâng thức chay đến, hai hàng mục nữ cúng cháo thơm, Tứ Thiên Vương nâng bát, xa hướng Linh Sơn vái. Nam Mô Hương Cúng Dường Bồ Tát)”; hay “Thiền duyệt Tô Đà, tạo xuất Thiên Trù cúng, thành đạo đương sơ, mục nữ tiền lai tống Lão Mẫu, phó thác tại kim bàn, phụng hiến thượng Như Lai, hiền thánh vô biên chúng. Nam Mô Thiền Duyệt Tạng Bồ Tát (禪悅酥酡、造出天厨供、成道當初、牧女前來送老母、付托在金盤、奉献上如來、賢聖無邊眾。南無禪悅藏菩薩, Thiền vui Tô Đà, tạo nên món trời cúng, thành đạo ban sơ, mục nữ đến trước dâng Lão Mẫu, phó thác tại bàn vàng, dâng cúng lên Như Lai, hiền thánh vô biên chúng. Nam Mô Thiền Duyệt Tạng Bồ Tát)”, v.v. Từ đó, chúng ta thấy rằng Thiên Trù Cúng còn có nghĩa là món thức ăn trân quý do trời cúng, hay món thức ăn cao quý đem dâng cúng cho các bậc cao tăng, thạc đức.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 13.58.50.163 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập