Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Hãy sống như thế nào để thời gian trở thành một dòng suối mát cuộn tràn niềm vui và hạnh phúc đến với ta trong dòng chảy không ngừng của nó.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Bất lương không phải là tin hay không tin, mà bất lương là khi một người xác nhận rằng họ tin vào một điều mà thực sự họ không hề tin. (Infidelity does not consist in believing, or in disbelieving, it consists in professing to believe what he does not believe.)Thomas Paine
Nếu không yêu thương chính mình, bạn không thể yêu thương người khác. Nếu bạn không có từ bi đối với mình, bạn không thể phát triển lòng từ bi đối với người khác.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Sự kiên trì là bí quyết của mọi chiến thắng. (Perseverance, secret of all triumphs.)Victor Hugo
Tài năng là do bẩm sinh, hãy khiêm tốn. Danh vọng là do xã hội ban cho, hãy biết ơn. Kiêu căng là do ta tự tạo, hãy cẩn thận. (Talent is God-given. Be humble. Fame is man-given. Be grateful. Conceit is self-given. Be careful.)John Wooden
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Phật cung »»
(印心): Thiền Tông chủ trương ấn chứng nơi tâm mà đốn ngộ. Như trong bài tựa của Lăng Già A Bạt Đa La Bảo Kinh (楞伽阿跋多羅寶經, Taishō Vol. 16, No. 670) có đoạn: “Ngô quán Chấn Đán sở hữu kinh giáo, duy Lăng Già tứ quyển khả dĩ ấn tâm (吾觀震旦所有經敎、惟楞伽四卷可以印心, ta xét các kinh giáo vốn có của trung quốc, chỉ có bốn quyển Lăng Già mới có thể dùng để ấn tâm).” Hay trong Tông Kính Lục (宗鏡錄, Taishō Vol. 48, No. 2016) quyển 98 lại có đoạn rằng: “Tùng thượng dĩ lai, Tổ Phật tương truyền nhất tâm chi pháp, dĩ tâm ấn tâm, bất truyền dư pháp (從上已來、祖佛相傳一心之法、以心印心、不傳餘法, từ xưa đến nay, Tổ Phật cùng truyền một pháp nhất tâm, lấy tâm ấn chứng tâm, không truyền pháp nào khác).”
(寶蓋): lọng báu, dù báu; là từ mỹ xưng cho lọng hay dù; tức chỉ cho lọng trời được trang sức bằng 7 thứ báu; còn gọi là hoa cái (華蓋, lọng hoa). Loại này thường được treo trên tòa cao của Phật, Bồ Tát hay Giới Sư. Theo Phật Thuyết Duy Ma Cật Kinh (佛說維摩詰經, Taishō Vol. 14, No. 474), Phẩm Phật Quốc (佛國品) thứ 1, cho biết rằng trong thành Tỳ Da Ly (s: Vaiśālī, p: Vesālī, 毘耶離) có người con một vị trưởng giả tên Bảo Tích (寶積), cùng với 500 con trưởng giả khác, cầm lọng bảy báu đến chỗ đức Phật. Ngoài ra, trong các kiến trúc thời cổ đại, trên đỉnh tháp đá, v.v., có điêu khắc rất tinh xảo hình dạng giống như cái lọng. Trong Huệ Lâm Tông Bổn Thiền Sư Biệt Lục (慧林宗本禪師別錄, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 73, No. 1450) có câu: “Thiên thùy bảo cái trùng trùng tú, địa dũng kim liên diệp diệp tân (天垂寶蓋重重秀、地涌金蓮葉葉新, trời buông lọng báu lớp lớp đẹp, đất vọt sen vàng lá lá tươi).” Hay trong Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh (佛說大乘無量壽莊嚴經, Taishō Vol. 12, No. 363) quyển Hạ có đoạn: “Đông phương Hằng hà sa số Phật sát, nhất nhất sát trung, hữu vô lượng vô số Bồ Tát Ma Ha Tát, cập vô lượng vô số Thanh Văn chi chúng, dĩ chư hương hoa tràng phan bảo cái, trì dụng cúng dường Cực Lạc thế giới Vô Lượng Thọ Phật (東方恆河沙數佛剎、一一剎中、有無量無數菩薩摩訶薩、及無量無數聲聞之眾、以諸香花幢幡寶蓋、持用供養極樂世界無量壽佛, Hằng hà sa số cõi Phật ở phương Đông, trong mỗi một cõi ấy, có vô lượng vô số Bồ Tát Ma Ha Tát, và vô lượng vô số chúng Thanh Văn, lấy các hương hoa, tràng phan, lọng báu, mang đến cúng dường đức Phật Vô Lượng Thọ của thế giới Cực Lạc).” Hoặc trong Viên Ngộ Phật Quả Thiền Sư Ngữ Lục (圓悟佛果禪師語錄, Taishō Vol. 47, No. 1997) quyển 4 lại có đoạn: “Tổ Phật đồng căn bổn, nhân thiên cọng tán dương, kết thành bảo cái tường vân, cọng chúc Nam sơn thánh thọ (祖佛同根本、人天共讚揚、結成寶蓋祥雲、共祝南山聖壽, Tổ Phật cùng gốc rễ, trời người cùng ngợi khen, kết thành lọng báu mây lành, cùng chúc núi Nam thánh thọ).”
Bát Nạn (s: aṣṭa-akṣaṇa, p: aṭṭha akkhaṇā, 八難): ý dịch là Bát Nạn Xứ (八難處), Bát Nạn Giải Pháp (八難解法), Bát Vô Hạ (八無暇), Bát Bất Nhàn (八不閑), Bát Phi Thời (八非時), Bát Ác (八惡); là 8 loại nạn xứ, tức là 8 loại cảnh giới mà một vị tu hành không thấy được Phật, không được nghe chánh pháp, không tu phạm hạnh để hướng đến đạo Bồ Đề. Đó là:
(1) Địa Ngục (s, p: naraka, 地獄);
(2) Súc Sanh (s: tiryagyoni, p: tiracchānayoni, 畜生);
(3) Ngạ Quỷ (s: preta, p: peta, 餓鬼);
(4) Trường Thọ Thiên (s: dīrghāyu-deva, p: digghāyu-deva, 長壽天, còn gọi là [無想天], tuổi thọ của chư thiên trên cõi trời này còn nhiều hơn tuổi thọ ở Bắc Cu Lô Châu [s: Uttara-kuru, 北俱盧洲], không có duyên gặp Phật, nghe pháp và thấy chư tăng);
(5) biên địa (s; pratyanta-janapada, p: paccanta-janapada, 邊地);
(6) manh lung ám á (s: indriya-vaikalya, p: indriya-vekalla, 盲聾瘖啞, mù, điếc, câm, ngọng, các căn bị hủy hoại, mất đi chức năng của chúng);
(7) thế trí biện thông (s: mithyā-darśana, p: micchā-dassana, 世智辯聰, tức tà kiến, nhận thức, quan điểm không đúng); và
(8) Phật tiền Phật hậu (s: tathāgatānāṁ anutpāda, p: tathāgatānāṁ anuppāda, 佛前佛後, sanh ra trước Phật hay sau Phật).
Như trong Thập Thượng Kinh (十上經) của Trường A Hàm Kinh (長阿含經, Taishō No. 1) quyển 9, có giải thích rằng: “Vân hà Bát Nan Giải Pháp ? Vị Bát Bất Nhàn phương tu phạm hạnh, vân hà bát ? Như Lai chí chơn xuất hiện ư thế, thuyết vi diệu pháp, tịch diệt vô vi, hướng Bồ Đề đạo, hữu nhân sanh Địa Ngục trung, thị vi bất nhàn xứ, bất đắc tu phạm hạnh; Như Lai chí chơn xuất hiện ư thế, thuyết vi diệu pháp, tịch diệt vô vi, hướng Bồ Đề đạo, nhi hữu chúng sanh tại Súc Sanh trung, Ngạ Quỷ trung, Trường Thọ Thiên trung, biên địa vô thức, vô Phật pháp xứ, thị vi bất nhàn xứ, bất đắc tu phạm hạnh; Như Lai chí chơn đẳng chánh giác xuất hiện ư thế, thuyết vi diệu pháp, tịch diệt vô vi, hướng Bồ Đề đạo, hoặc hữu chúng sanh sanh ư trung quốc, nhi hữu tà kiến, hoài điên đảo tâm, ác hạnh thành tựu, tất nhập Địa Ngục, thị vi bất nhàn xứ, bất đắc tu phạm hạnh; Như Lai chí chơn đẳng chánh giác xuất hiện ư thế, thuyết vi diệu pháp, tịch diệt vô vi, hướng Bồ Đề đạo, hoặc hữu chúng sanh sanh ư trung quốc, lung manh ám á, bất đắc văn pháp, tu hành phạm hạnh, thị vi bất nhàn xứ; Như Lai chí chơn đẳng chánh giác bất xuất thế gian, vô hữu năng thuyết vi diệu pháp, tịch diệt vô vi, hướng Bồ Đề đạo, nhi hữu chúng sanh sanh ư trung quốc, bỉ chư căn cụ túc, kham thọ Thánh giáo, nhi bất trị Phật, bất đắc tu hành phạm hạnh, thị vi Bát Bất Nhàn (云何八難解法、謂八不閑妨修梵行、云何八、如來至眞出現於世、說微妙法、寂滅無爲、向菩提道、有人生地獄中、是爲不閑處、不得修梵行、如來至眞出現於世、說微妙法、寂滅無爲、向菩提道、而有眾生在畜生中、餓鬼中、長壽天中、邊地無識、無佛法處、是爲不閑處、不得修梵行、如來至眞等正覺出現於世、說微妙法、寂滅無爲、向菩提道、或有眾生生於中國、而有邪見、懷顛倒心、惡行成就、必入地獄、是爲不閑處、不得修梵行、如來至眞等正覺出現於世、說微妙法、寂滅無爲、向菩提道、或有眾生生於中國、聾盲瘖啞、不得聞法、修行梵行、是爲不閑處、如來至眞等正覺不出世間、無有能說微妙法、寂滅無爲、向菩提道、而有眾生生於中國、彼諸根具足、堪受聖敎、而不值佛、不得修行梵行、是爲八不閑, thế nào là Tám Pháp Khó Giải Quyết ? Tức là Tám Điều Không Yên làm trở ngại cho việc tu phạm hạnh, thế nào là tám ? Đức Như Lai chí chơn xuất hiện giữa đời, nói pháp vi diệu, vắng lặng vô vi, hướng đến đạo Bồ Đề, nếu có người sanh vào trong Địa Ngục, là nơi không yên ổn, không thể tu phạm hạnh; đức Như Lai chí chơn xuất hiện giữa đời, nói pháp vi diệu, vắng lặng vô vi, hướng đến đạo Bồ Đề, mà có chúng sanh nào trong cõi Súc Sanh, trong cõi Ngạ Quỷ, trong cõi Trường Thọ Thiên, biên địa không biết, nơi chẳng có Phật pháp, là nơi không yên ổn, không thể tu phạm hạnh; đức Như Lai chí chơn, giác ngộ chân chánh, xuất hiện giữa đời, nói pháp vi diệu, vắng lặng vô vi, hướng đến đạo Bồ Đề, hoặc có chúng sanh nào sanh ở nước giữa, mà có tà kiến, mang tâm điên đảo, thành tựu hạnh ác, tất vào Địa Ngục, là nơi không yên ổn, không thể tu phạm hạnh; đức Như Lai chí chơn, giác ngộ chân chánh, xuất hiện giữa đời, nói pháp vi diệu, vắng lặng vô vi, hướng đến đạo Bồ Đề, hoặc có chúng sanh nào sanh ở nước giữa, bị điếc, đui, câm, ngọng, không thể nghe pháp, tu hành phạm hạnh, là nơi không yên ổn; đức Như Lai chí chơn, giác ngộ chân chánh, không xuất hiện giữa đời, không thể nói pháp vi diệu, vắng lặng vô vi, hướng đến đạo Bồ Đề, mà có chúng sanh nào sanh ở nước giữa, các căn người đó đầy đủ, có thể thọ Thánh giáo, mà không gặp được Phật, không thể tu hành phạm hạnh; đó là Tám Điều Không Yên).” Hay như Từ Bi Đạo Tràng Sám Pháp (慈悲道塲懺法, Taishō No. 1909) quyển 7 cũng giải thích tương tự: “Bát Nạn, nhất giả Địa Ngục, nhị giả Ngạ Quỷ, tam giả Súc Sanh, tứ giả biên địa, ngũ giả Trường Thọ Thiên, lục giả tuy đắc nhân thân lung tàn bách tật, thất giả sanh tà kiến gia, bát giả sanh Phật tiền, hoặc sanh Phật hậu, hữu thử Bát Nạn (八難、一者地獄、二者餓鬼、三者畜生、四者邊地、五者長壽天、六者雖得人身癃殘百疾、七者生邪見家、八者生佛前、或生佛後、有此八難, Tám Nạn, một là Địa Ngục, hai là Ngạ Quỷ, ba là Súc Sanh, bốn là biên địa, năm là Trường Thọ Thiên, sáu là tuy được thân người nhưng bị tàn tật trăm bệnh, bảy là sanh vào nhà tà kiến, tám là sanh ra trước Phật, hoặc sanh sau Phật, có Tám Nạn này).” Tắm Phật cũng có công đức xa lìa được Tám Nạn này, như trong Dục Phật Công Đức Kinh (浴佛功德經, Taishō No. 698) có dạy: “Trường từ Bát Nạn, vĩnh xuất khổ duyên (長辭八難、永出苦緣, từ bỏ Tám Nạn, mãi ra khỏi duyên khổ).” Hoặc trong Di Sơn Phát Nguyện Văn (怡山發願文) của Thiền Sư Di Sơn Kiểu Nhiên (怡山皎然, Isan Kōnen, ?-?) cũng có câu: “Chấp trì cấm giới, trần nghiệp bất xâm, nghiêm hộ oai nghi, quyên phi vô tổn, bất phùng Bát Nạn, bất khuyết Tứ Duyên (執持禁戒、塵業不侵、嚴護威儀、蜎飛無損、不逢八難、不缺四緣, vâng giữ giới cấm, trần nghiệp chẳng xâm, gìn giữ oai nghi, bọ bay chẳng hại, không gặp Tám Nạn, không khuyết Bốn Duyên).” Ngoài ra, theo giải thích của thế tục, Tám Nạn là 8 thứ tai ách: đói, khát, lạnh, nóng, lửa, nước, đao, binh.
(眞濟, Shinzei, 800-860): vị tăng của Chơn Ngôn Tông Nhật Bản, sống vào đầu thời Bình An, Tự Trưởng đời thứ 3 của Đông Tự (東寺, Tō-ji), một trong 10 vị đại đệ tử của Không Hải, húy là Chơn Tế (眞濟), thông xưng là Cao Hùng Tăng Chánh (高雄僧正), Kỷ Tăng Chánh (紀僧正), Thị Bổn Tăng Chánh (柿本僧正), xuất thân kinh đô Kyoto; con của Tuần Sát Đàn Chánh Đại Bậc Kỷ Ngự Viên (巡察彈正大弼紀御園). Lúc nhỏ, ông theo học Nho Giáo, sau đầu sư với Không Hải, rồi đến năm 824 thì thọ phép Quán Đảnh và trở thành Truyền Pháp A Xà Lê. Đến năm 832, khi Không Hải lên ẩn cư trên Cao Dã Sơn, ông được phó chúc quản lý Cao Hùng Sơn Tự (高雄山寺, tức Thần Hộ Tự [神護寺, Jingo-ji]). Vào năm 836, ông định sang nhà Đường với Chơn Nhiên (眞然), nhưng vì phong ba bão táp nên không thành, và đến năm 840 thì làm Biệt Đương của Thần Hộ Tự. Năm 843, ông làm Tự Trưởng của Đông Tự, rồi đến năm 855 thì được bổ nhiệm làm Tăng Chánh của Chơn Ngôn Tông, nhưng ông nhường chức lại cho Không Hải. Vào năm 858, ông làm lễ cầu nguyện cho bệnh tình của Văn Đức Thiên Hoàng (文德天皇, Montoku Tennō, tại vị 850-858), nhưng sau đó thì Thiên Hoàng băng hà; từ đó, ông lui về ẩn cư ở Thần Hộ Tự. Và tận lực làm cho chùa này hưng thịnh. Ông rất giỏi về thi văn, từng biên tập bộ Hán Thi của Không Hải là Tánh Linh Tập (性靈集). Trước tác của ông để lại có Thai Tạng Giới Niệm Tụng Tư Ký (胎藏界念誦私記) 1 quyển, Phật Bộ Phật Cúng Dường Pháp (佛部佛供養法) 1 quyển, Cao Hùng Khẩu Quyết (高雄口決) 1 quyển, v.v.
(轉女爲男): hay chuyển nữ thành nam (轉女成男), biến thành nam tử (變成男子), nghĩa là chuyển thân nữ thành nam. Từ ngàn xưa, tại Ấn Độ, người nữ không được xem là pháp khí, vì thân người nữ có 5 thứ chướng ngại; cho nên nếu muốn thành Phật thì cần phải chuyển đổi thân hình. Hơn nữa, người nữ không thể nhập vào cõi Tịnh Độ của chư Phật, vì vậy A Di Đà Phật cũng như Dược Sư Phật có lập bản nguyện riêng để cho người nữ chuyển thành thân nam. Theo như Vô Lượng Thọ Kinh (無量壽經) quyển thượng cho biết, người nữ nào có chướng ngại nặng thì nên chuyên tâm Xưng Danh Niệm Phật, nhờ sức bản nguyện của đức Phật Di Đà, có thể chuyển biến thân nữ thành nam. Trong Phẩm Đề Bà Đạt Đa (提婆達多品) của Kinh Pháp Hoa có thuật lại câu chuyện Long Nữ 8 tuổi biến thành thân nam, vãng sanh về thế giới phương Nam và thành Phật: “Nhĩ thời Ta Bà thế giới Bồ Tát, Thanh Văn, Thiên Long Bát Bộ, nhân dũ phi nhân, giai diêu kiến bỉ Long Nữ thành Phật, phổ vị thời hội nhân thuyết pháp, tâm đại hoan hỷ tất diêu kính lễ, vô lượng chúng sanh văn pháp giải ngộ đắc bất thối chuyển (爾時娑婆世界菩薩聲聞天龍八部人與非人、皆遙見彼龍女成佛、普爲時會人天說法、心大歡喜悉遙敬禮、無量眾生聞法解悟得不退轉, lúc bấy giờ, các vị Bồ Tát, Thanh Văn, Tám Bộ Trời Rồng, người và loài không phải người của thế giới Ta Bà, ở xa đều thấy vị Long Nữ kia thành Phật, vì khắp chúng trời người trong hội lúc ấy mà thuyết pháp, tâm họ rất hoan hỷ, thảy đều kính lẽ từ xa; vô lượng chúng sanh nghe pháp được giải ngộ, được không thối chuyển).” Đặc biệt, trong Phật Thuyết Chuyển Nữ Thân Kinh (佛說轉女身經, Taishō No. 564) có giải thích rất rõ các pháp giúp cho người nữ chuyển biến thành thân nam như: “Phục thứ, nữ nhân thành tựu ngũ pháp, đắc ly nữ thân, tốc thành nam tử. Ngũ pháp như hà ? Nhất lạc cầu thiện pháp, nhị tôn trọng chánh pháp, tam dĩ chánh pháp nhi tự ngu lạc, tứ ư thuyết pháp giả kính như sư trưởng, ngũ như thuyết tu hành; dĩ thử thiện căn, nguyện ly nữ thân, tốc thành nam tử, hồi hướng Bồ Đề, thị chuyển nghiệp chi ngũ (復次、女人成就五法。女人成就五法、得离女身。得離女身、速成男子。速成男子、五法云何。五法云何、一乐求善法,二尊重正法,三以正法而自娱乐,四于说法者敬如师长,五如说修行。一樂求善法、二尊重正法、三以正法而自娛樂、四於說法者敬如師長、五如說修行、以此善根。以此善根、愿离女身。願離女身、速成男子。速成男子、回向菩提。迴向菩提、是转业之五。是轉業之五, Lại nữa, người nữ thành tựu năm pháp, được lìa thân nữ, mau thành người nam. Năm pháp ấy là gì ? Một là vui cầu pháp lành, hai là tôn trọng chánh pháp, ba là lấy chánh pháp để tự làm niềm vui, bốn là đối với người thuyết pháp thì cung kính như thầy dạy, năm là theo đúng như lời dạy mà tu hành; lấy căn lành này, nguyện lìa thân nữ, mau thành người nam, hồi hướng Bồ Đề, đó là nam pháp để chuyển nghiệp).”
(融通念佛宗, Yūzūnembutsushū): một trong 13 tông phái lớn của Nhật Bản, còn gọi là Đại Niệm Phật Tông (大念佛宗). Vị Tông Tổ sáng lập ra tông phái này Thánh Ứng Đại Sư Lương Nhẫn (聖應大師良忍). Năm 1117, ông cảm đắc được câu kệ của A Di Đà Như Lai là “nhất nhân nhất thiết nhân, nhất thiết nhân nhất nhân, nhất hạnh nhất thiết hạnh, nhất thiết hạnh nhất hạnh, thị danh tha lực vãng sanh, Thập Giới nhất niệm, dung thông niệm Phật, ức bách vạn biến, công đức viên mãn (一人一切人、一切人一人、一行一切行、一切行一行、是名他力徃生、十界一念、融通念佛、億百萬遍、功德圓滿, một người hết thảy mọi người, hết thảy mọi người một người, một hạnh hết thảy mọi hạnh, hết thảy mọi hạnh một hạnh, ấy tên tha lực vãng sanh, mười cõi một niệm, dung thông niệm Phật. trăm vạn ức biến, công đức tròn đầy)”, rồi lấy câu kệ này làm tư tưởng căn bản; và nhân lúc đó làm năm khai sáng Tông này. Khi ấy, ông lấy bức tranh vẽ tượng Phật ở giữa và có 10 vị Thánh cung quanh làm tượng thờ chính, và ngôi chùa trung tâm của Tông này là Đại Niệm Phật Tự (大念佛寺, Dainembutsu-ji), hiện tọa lạc tại Hirano-ku (平野區), Ōsaka-shi (大阪市). Vị Tông Tổ Lương Nhẫn sinh ra ở vùng Phú Đa (富多), Quận Tri Đa (知多郡, Chita-gun), Vĩ Châu (尾州, Bishū, thuộc Aichi-ken [愛知縣]). Năm lên 12 tuổi, ông lên xuất gia trên Duệ Sơn, làm vị tăng Hành Đường ở Đông Tháp. Nơi đây ông thường tham gia tu pháp môn niệm Phật không gián đoạn, nên đã tạo cơ hội bồi dưỡng thêm cho thiên tài về âm nhạc của Lương Nhẫn. Về sau, ông đến ẩn cư ở vùng Đại Nguyên (大原, Ōhara), hoàn thành phần Thanh Minh do Viên Nhân (圓仁, Ennin) truyền lại, và khai xướng ra pháp môn Dung Thông Niệm Phật với khúc hợp xướng mang tính âm nhạc. Sau ông lại được cảm đắc về giáo lý Tự Tha Dung Thông (自他融通) từ đức Di Đà Như Lai, và khai sáng ra Dung Thông Niệm Phật Tông. Từ đó tiếng tăm ông vang khắp, chúng đạo tục khắp các nơi tập trung theo ông rất đông. Pháp môn Dung Thông Niệm Phật của Lương Nhẫn được tổ chức theo cách ghi tên vào sổ danh bạ, nên mọi người được gọi là Đồng Chí. Còn xướng niệm Phật thì chủ trương có công đức dung thông với nhau, cả đời này và đời sau đều được lợi ích to lớn. Sau khi Lương Nhẫn qua đời, có Nghiêm Hiền (嚴賢, tức Lương Huệ [良惠]), Minh Ứng (明應), Quán Tây (觀西), Tôn Vĩnh (尊永), Lương Trấn (良鎭) kế thừa ông; nhưng đến thời Pháp Minh (法明, tức Lương Tôn [良尊]) tiếp nối Lương Trấn, thì ngọn pháp đăng bị tuyệt diệt trong khoảng thời gian 140 năm trường. Tuy nhiên, chính trong khoảng thời gian này, Dung Thông Niệm Phật Tông lại được truyền bá đến các địa phương khác nhờ các vị Thánh Niệm Phật (念佛聖) và Thánh Khuyến Tấn (勸進聖). Trong số đó có Đạo Ngự (道御, tức Viên Giác Thập Vạn Thượng Nhân [圓覺十萬上人]) đã khởi xướng ra Dung Thông Đại Niệm Phật Cuồng Ngôn (融通大念佛狂言, ngày nay gọi là Nhâm Sanh Cuồng Ngôn [壬生狂言]) ở Địa Tạng Viện (地藏院) thuộc vùng Nhâm Sanh (壬生) vào năm 1257, rồi Dung Thông Đại Niệm Phật Hội (融通大念佛會) ở Pháp Kim Cang Viện (法金剛院) vào năm 1276, cũng như tại Thanh Lương Tự (清涼寺) vào năm 1279. Thêm vào đó, vị Tổ sư của Thời Tông (時宗, Jishū) là Nhất Biến (一遍, Ippen) cũng được gọi là “vị Thánh khuyên người Niệm Phật Dung Thông”. Nguyên lai, Dung Thông Niệm Phật của Lương Nhẫn là hình thức niệm Phật hợp xướng với số đông người, từ việc thể nghiệm sự cảm đắc mang tính huyễn mộng bằng cảm giác thông qua âm điệu phong phú, và cuối cùng trở thành Đại Niệm Phật. Hơn nữa, vì pháp môn này phù hợp với hoạt động quyên góp tiền để xây dựng chùa chiền, nên Tông này đã vượt qua các tông phái khác để lan truyền rộng rãi khắp toàn quốc nước Nhật; từ đó tập đoàn Dung Thông Niệm Phật cũng được hình thành ở các địa phương. Thư tịch hiện tồn nói lên sự hoạt động hưng thạnh rực rõ của tông phái này là Dung Thông Niệm Phật Duyên Khởi Hội Quyển (融通念佛緣起繪巻). Người có công lao to lớn trong việc lưu truyền di phẩm này là Lương Trấn. Kể từ năm 1382 cho đến 1423, trong vòng 42 năm trường, ở mỗi tiểu quốc trong nước Nhật đều được phân bố 1 hay 2 bản này. Những vị Thánh Khuyến Tấn tập trung theo Lương Trấn thì vẽ các bức tranh giải thích rõ về tác phẩm này, rồi khuyên mọi người tham gia vào Dung Thông Niệm Phật Tông; ghi tên những ai kết duyên với tông phái vào sổ danh bạ, và đem nạp vào Lưu Ly Đường (瑠璃堂) của Đương Ma Tự (當麻寺, Taima-ji) ở tiểu quốc Đại Hòa (大和, Yamato). Những hành sự đáng lưu ý nhất hiện tại vẫn còn được tiến hành trong Dung Thông Niệm Phật Tông là Ngự Hồi Tại (御回在), Truyền Pháp (傳法). Về lễ Ngự Hồi Tại, hằng năm người ta thường lấy tượng thời chính của Tông này đem đi vòng quanh các nhà tín đồ để cầu nguyện cũng như cúng dường cho tổ tiên. Còn lễ Truyền Pháp thì chỉ giới hạn trong 2 ngày mồng 5 và mồng 7 hằng tháng. Khi ấy, các tự viện trở thành đạo tràng nghiêm tịnh, các tín đồ đệ tử tập trung về tham bái, lễ sám, dội nước lên mình, nghe pháp tu hành, thọ giới Viên Đốn, và được truyền trao cho pháp an tâm của Tông môn. Hiện tại, tông này có khoảng 357 ngôi chùa khắp nơi trong nước như Ōsaka-fu (大阪府), Kyoto-fu (京都府), Nara-ken (奈良縣), Mie-ken (三重縣), Hyōgo-ken (兵庫縣).
(s: sīmā-bandha, bandhaya-sīman, 結界): âm dịch là Bạn Đà Dã Tử Mạn (畔陀也死曼), tức nương vào tác pháp mà quy hoạch một khu vực nhất định nào đó; hay y cứ vào pháp gọi là Bạch Nhị Yết Ma (白二羯磨), tùy nơi chỗ mà hoạch định giới vức để giúp cho tăng chúng không vi phạm lỗi biệt chúng (別眾, tách khỏi chúng), ly túc (離宿, lìa xa 3 y và nghĩ lại qua đêm ở một nơi nào đó), túc chử (宿煮, ở lại qua đêm và nấu ăn), v.v. Về phạm vi kết giới, các bộ Luật đều thuyết khác nhau; nay theo Tứ Phần Luật (四分律) thì đại thể có 3 loại: Nhiếp Tăng Giới (攝僧界), Nhiếp Y Giới (攝衣界) và Nhiếp Thực Giới (攝食界). (1) Nhiếp Tăng Giới nghĩa là chư Tỳ Kheo tập trung tại một nơi để tiến hành Bố Tát (s: poṣadha, upavasatha, upoṣadha, upavāsa; p: uposatha, posatha, 布薩), v.v.; được phân thành Tự Nhiên Giới (自然界) và Tác Pháp Giới (作法界). Tự Nhiên Giới, còn gọi là Bất Tác Pháp Giới (不作法界), là khu vực không cần phải quy định đặc biệt nào, mà chỉ căn cứ vào địa hình để hoạch định. Trong Tự Nhiên Giới lại được chia thành 4 loại là: (a) Tụ Lạc Giới (聚落界, khu vực làng xóm, tụ lạc), tụ lạc (làng xóm) ở đây có hai loại là tụ lạc có thể phân biệt và tụ lạc không thể phân biệt. Theo thuyết của Thập Tụng Luật (十誦律), trường hợp tụ lạc có thể phân biệt thì lấy một tụ lạc làm giới vức. Trong khi đó, theo thuyết của Ma Ha Tăng Kỳ Luật (摩訶僧祇律), trường hợp tụ lạc không thể phân biệt thì lấy 63 bộ (một bộ là 6 thước) làm giới vức. (b) Lan Nhã Giới (蘭若界). Nếu không có người mắng pháp phản đối, thì đây là giới vức của nơi nhàn tĩnh, yên lắng; cách cự ly với tụ lạc là một Câu Lô Xá (s: krośa, p: kosa, 拘盧舍, có thuyết cho là tương đương với 600 bộ; Tạp Bảo Tạng Kinh [雜寶藏經] cho là 5 dặm). Trường hợp nếu có người mắng pháp phản đối, thì giới hạn trong vòng 58 bộ (Thiện Kiến Luật Tỳ Bà Sa [善見律毘婆沙] cho là tương đương với 7 Bàn Đà [槃陀, đơn vị đo lường của Ấn Độ, một Bàn Đà tương đương 28 khuỷu tay]). Những người phản đối thì tự tác pháp Yết Ma ngoài phạm vi này. (c) Đạo Hành Giới (道行界), khi vị tỳ kheo đi du hành, có thể tùy theo nơi mình ở mà lấy ngang dọc một Câu Lô Xá làm giới vức. Trong phạm vi này thì không được ăn riêng, Bố Tát riêng. (d) Thủy Giới (水界), tức là kết giới trên tàu thuyền khi rời khỏi đất liền. Tác Pháp Giới thì được phân thành 3 loại: (a) Đại Giới (大界), có các trường hợp người và pháp cùng nhau, pháp và thức ăn cùng nhau, pháp giống mà thức ăn khác. Trong đó, trường hợp người và pháp cùng nhau làm chủ, còn hai loại kia tùy duyên mà khai mở riêng. Người cùng nhau nghĩa là cùng chung một trú xứ, cùng chung một khu vực thuyết giới. Pháp cùng nhau nghĩa là mỗi nữa tháng cùng nhau tập trung tại một trú xứ để tiến hành pháp Bố Tát, thuyết giới. Phạm vi của Đại Giới lấy ngoại giới của một ngôi già lam nào đó làm giới hạn nhỏ nhất, rộng đến 10 dặm cho đến 100 dặm. Kết Đại Giới này với mục đích vào lúc chư tăng thuyết giới, v.v., khiến cho tăng chúng trong một khu vực rộng lớn tập trung lại, không ai trái phạm. Phàm Đại Giới nên lấy những sự vật có thể thấy rõ ở địa phương đó như núi, sông, cây cối, v.v., làm ranh giới; đó gọi là giới tướng (界相). Thiện Kiến Luật Tỳ Bà Sa (善見律毘婆沙, Taishō Vol. 24, No. 1462) quyển 17 có nêu ra 8 loại giới tướng là sơn tướng (山相, hình dạng núi), thạch tướng (石相, hình dạng tảng đá), lâm tướng (林相, hình dạng khu rừng), thọ tướng (樹相, hình dạng cây), lộ tướng (路相, hình dạng con đường), giang tướng (江相, hình dạng dòng sông), nghị phong tướng (蟻封相, hình dạng ranh giới đàn kiến), thủy tướng (水相, hình dạng dòng nước). Về hình trạng của Đại Giới, các bộ Luật thuyết bất đồng. Thiện Kiến Luật Tỳ Bà Sa quyển 17 lấy 5 loại hình vuông, hình tròn, hình trống, hình bán nguyệt và hình tam giác làm 5 tướng kết giới. Ngoài ra, khi kết Đại Giới, sau khi chúng tăng tập trung trong phạm vi giới tướng, vị tăng sống lâu tại đó nên tuyên xướng giới tướng của bốn phương mà tuyên bố rằng: “Đồng nhất trú xứ, đồng nhất thuyết giới để làm kết giới.” Nghi thức này được gọi là xướng giới tướng. (b) Giới Trường (戒塲), trường hợp trong tăng chúng có người phạm giới, tiến hành pháp sám hối, hay thọ giới, v.v., cần phải hợp đủ chúng 4 người cho đến 20 người; để tránh làm cho tăng mệt mỏi, đặc biệt kết Giới Trường hình 4 phương, gọi là tứ phương giới tướng (四方界相, giới tướng bốn phương). Giới Trường này có thể chứa tối thiểu 20 người. Theo Giới Trường của Ấn Độ, nguyên là nơi vùng đất trống; trong phạm vi ấy không được lập phòng tăng, nhưng có thể dựng điện Phật cũng như cây Bồ Đề. Hơn nữa, vì Giới Trường là nơi truyền trao giới pháp, nên chủ yếu cần phải thô sơ, đơn giản. Ban đầu, Giới Trường được kết ở ngoài Đại Giới, về sau, do vì nạn cướp bóc, nên được phép kết trong phạm vi Đại Giới. Về thứ tự kết giới, trước kết Giới Trường, sau kết Đại Giới. Nếu như đã kết Đại Giới rồi, thì phải giải bỏ Đại Giới, kết lại Giới Trường, rồi mới kết Đại Giới. Nếu Đại Giới và Giới Trường cùng kết, khi giải giới thì phải trước giải Đại Giới rồi kế đến Giới Trường; không được đảo lộn thứ tự. (c) Tiểu Giới (小界), sợ các Tỳ Kheo ác ở trong gây trở ngại mà rút lui, phế bỏ pháp sự, nên đặc biệt giới hạn trong thời gian nào đó, kết một giới vức tạm thời. Loại này được chia thành 3 tùy theo trường hợp thọ giới, thuyết giới, Tự Tứ. Bên cạnh đó, Tiểu Giới còn được kết tạm thời khi gặp già nạn, không có giới hạn về phạm vi, hình trạng, v.v. Cho nên, không giống như tác pháp lâu dài của Đại Giới và Giới Trường, mà khi việc hoàn thành thì tiến hành giải giới ngay. Nói chung, trong phần Tự Nhiên Giới của Nhiếp Tăng Giới, tùy theo xứ sở mà nói, có 4 loại bất đồng; tùy theo phạm vi lớn nhỏ mà nói, có 6 loại khác nhau. Đại Giới, Tiểu Giới trong Tác Pháp Giới đều có 3 loại, lại cọng thêm Giới Trường, thành 7 giới. (2) Nhiếp Y Giới, còn gọi là Bất Thất Y Giới (不失衣界), Bất Ly Y Túc Giới (不離衣宿界); tức là hoạch định một phạm vi nào đó để tránh cho các Tỳ Kheo vi phạm sai lầm về việc ly túc (離宿). Ly túc ở đây có nghĩa là chỉ việc Tỳ Kheo xa lìa 3 y của mình mà trú qua đêm ở nơi khác. Nếu đã hoạch định một phạm vi nào đó, trong phạm vi ấy vị Tỳ Kheo có thể khôn cần phải mang theo 3 y thường xuyên. Điều thứ 2 trong 30 pháp Xả Đọa (s: naiḥsargika-prāyaścittika,p: nissaggiya pācittiya, 捨墮, âm dịch là Ni Tát Kì Ba Dạ Đề [尼薩耆波夜提]) của Ba La Đề Mộc Xoa (s: prātimokṣa, pratimokṣa,p: pātimokkha, pāṭimokkha, 波羅提木叉, ý dịch là Tùy Thuận Giải Thoát [隨順解脫], Xứ Xứ Giải Thoát [處處解脫], v.v.) có quy định về việc ly túc này. Loại Nhiếp Y Giới này cũng được phần thành 2 loại là Tự Nhiên Giới và Tác Pháp Giới. (3) Nhiếp Thực Giới, tức quy định kết giới nơi cất chứa thức ăn, là giới vức có thể nấu nướng thức ăn, giúp cho vị Tỳ Kheo không phạm phải lỗi gọi là túc chử. Vùng đất được quy định được gọi là tịnh địa (淨地), hay tịnh trù (淨廚). Nếu trong phạm vi này mà nấu nướng thì không phạm tội này. Thực tế tác pháp của Nhiếp Thực Giới được chia thành hai loại là Thông Kết (通結, kết giới chung) và Biệt Kết (別結, kết giới riêng). Như muốn giải trừ kết giới nói trên, thì khi kết giới, cũng phải nên trãi qua tác pháp gọi là Bạch Nhị Yết Ma (s: jñaptidvitiyā-karmavacanā, 白二羯磨, tức một lần thưa bạch và một lần Yết Ma) rồi mới có thể giải trừ. Tứ Phần Luật Hành Sự Sao Tư Trì Ký (四分律行事鈔資持記, Taishō Vol. 40, No. 1805) quyển Thượng giải thích rằng: “Y Giới giả, nhiếp y dĩ thuộc nhân, linh vô ly túc tội; Thực Giới giả, nhiếp thực dĩ chướng tăng, linh vô túc chử tội; Tăng Giới giả, nhiếp nhân dĩ đồng xứ, linh vô biệt chúng tội (衣界者、攝衣以屬人、令無離宿罪、食界者、攝食以障僧、令無宿煮罪、僧界者、攝人以同處、令無別眾罪, Nhiếp Y Giới là giữ gìn y luôn đi theo bên người, khiến cho không phạm tội ly túc; Nhiếp Thực Giới là giữ gìn thức ăn để ngăn chận chư tăng [khỏi sai phạm], khiến cho không phạm tội túc chử; Nhiếp Tăng Giới là giữ gìn mọi người cùng một trú xứ, khiến cho không phạm tội biệt chúng).” Trong Luật Học Phát Nhận (律學發軔, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 60, No. 1125) quyển Trung, phần Kết Giới (結界), có đoạn: “Tỳ Kheo trú xứ, tiên đương kết giới, cái Yết Ma, thuyết giới, thọ giới, trị tội đẳng sự, tất y giới lập; nhược vô giới, tắc chư pháp giai bất năng thành tựu dã (比丘住處、先當結界、蓋羯磨、說戒、授戒、治罪等事、悉依界立、若無界、則諸法皆不能成就也, trú xứ của Tỳ Kheo, trước phải kết giới, phàm các việc như Yết Ma, thuyết giới, truyền trao giới, trị tội, v.v., đều nương vào giới vức mà lập; nếu không giới vức, thì các pháp đều không thể thành tựu vậy).” Bên cạnh đó, kết giới còn có nghĩa là nữ nhân kết giới (女人結界), tức cấm chỉ người nữ ra vào khu vực quy định. Kết giới cũng chỉ cho phạm vi nội trận (內陣, bộ phận chính giữa an trí tượng Phật) và ngoại trận (外陣, chỉ chu vi của nội trận, hay phần bên ngoài khu vực tham bái) trong Chánh Điện thờ Phật. Ngoài ra, đây cũng chỉ cho pháp kết giới của Mật Giáo. Đối với Mật Giáo, khi tu pháp, để phòng ngừa ma chướng xâm nhập, một địa khu được hoạch định để bảo vệ cho đạo tràng và hành giả; đó gọi là kết giới hay kết hộ (結護, ý là kết giới hộ thân). Pháp kết giới của Mật Giáo có nhiều loại khác nhau. Theo Bất Không Quyên Sách Thần Biến Chơn Ngôn Kinh (不空罥索神變眞言經, Taishō Vol. 20, No. 1092) quyển 2, Đà La Ni Tập Kinh (陀羅尼集經, Taishō Vol. 18, No. 901) quyển 1, v.v., có thể lấy hạt cải trắng, rãi bốn phương trên dưới để kết giới. Tô Tất Địa Yết La Kinh (蘇悉地羯羅經, Taishō Vol. 18, No. 893b) quyển Hạ, Phẩm Cúng Dường (供養品), thì lấy giới vức địa phương, hư không, tường Kim Cang, thành Kim Cang, v.v., mà kết giới chơn ngôn. Thông thường, kết giới thường dùng của pháp tu Mật Giáo phần lớn y cứ chuẩn vào thuyết của Đà La Ni Tập Kinh (陀羅尼集經, Taishō Vol. 18, No. 901) quyển 3, Cam Lộ Quân Trà Lợi Bồ Tát Cúng Dường Niệm Tụng Thành Tựu Nghi Quỹ (甘露軍荼利菩薩供養念誦成就儀軌, Taishō Vol. 21, No. 1211), v.v., được phân thành 5 loại như sau: (1) Địa Kết (地結), còn gọi là Kim Cang Quyết (金剛橛), tức là dựng một cây cọc nơi đại địa, gốc cọc đó hoặc bảo là đến tận cùng Kim Luân (s: kāñcana-maṇḍala, 金輪), hay đến tận cùng Thủy Luân (s: jala-maṇḍala, 水輪), v.v., là pháp thứ 6 trong 18 đạo Khế Ấn (契印). (2) Tứ Phương Kết (四方結), còn gọi là Kim Cang Tường (金剛牆), tức lấy bốn phương làm giới vức để kết giới, là pháp thứ 7 trong 18 đạo Khế Ấn. (3) Hư Thất Võng (虛室網), còn gọi là Kim Cang Võng (金剛網); tức lấy lưới Kim Cang giăng ra giữa hư không, mép lưới rũ lên đàn Kim Cang, là pháp thứ 14 trong 18 đạo Khế Ấn. (4) Hỏa Viện (火院), còn gọi là Kim Cang Viêm (金剛炎), lấy lửa cháy rực xoay nhiễu quanh bốn góc hư không, có thể giúp đuổi lui chướng nạn của ma Ba Tuần (s: Māra-pāpman, 波旬), là pháp thứ 15 trong 18 đạo Khế Ấn. (5) Đại Tam Muội Da (大三昧耶), là tổng kết giới ngoại trừ Hỏa Viện vừa nêu trên.
(金仙): có hai nghĩa. (1) Chỉ đức Phật. Trong Phật Pháp Kim Thang Biên (卍 Tục Tạng Kinh Vol. 87, No. 1628 佛法金湯編) quyển 11 cho biết rằng: “Tuyên Hòa nguyên niên đế cảm ư Lâm Linh Tố chi thuyết, chiếu cải Phật vi Đại Giác Kim Tiên, tăng vi Đức Sĩ, tự vi cung quán (宣和元年帝惑於林靈素之說、詔改佛爲大覺金仙、僧爲德士、寺爲宮觀, vào năm đầu [1119] niên hiệu Tuyên Hòa [đời vua Huy Tông nhà Tống], nhà vua cảm được lời nói của Đạo sĩ Lâm Linh Tố, bèn hạ chiếu đổi Phật thành Đại Giác Kim Tiên, tăng là Đức Sĩ, chùa là cung quán).” Như trong bài thơ Dữ Nguyên Đan Khâu Phương Thành Tự Đàm Huyền Tác (與元丹丘方城寺談玄作) của Lý Bạch (李白, 701-762) nhà Đường có câu: “Lãng ngộ tiền hậu tế, thỉ tri Kim Tiên diệu (朗悟前後際、始知金仙妙, biết rõ trước sau thảy, mới hay Phật vi diệu).” Hay trong Cao Phong Long Tuyền Viện Nhân Sư Tập Hiền Ngữ Lục (高峰龍泉院因師集賢語錄, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 65, No. 1277) quyển 3, phần Thất Hiến Tổng Văn (七獻總文), cũng có câu: “Cửu long thân thổ dục Kim Tiên, vạn cổ Tào Khê vô tận duyên (九龍親吐浴金仙、萬古曹溪無盡綠, chín rồng phun nước tắm Kim Tiên, vạn cổ Tào Khê vô tận duyên).” (2) Tên gọi khác của thần tiên. Hai người con gái của vua Duệ Tông (睿宗, tại vị 684-690, 710-712) nhà Đường xuất gia làm nữ Đạo sĩ, một người được phong là Kim Tiên Công Chúa (金仙公主), người kia là Ngọc Chân Công Chúa (玉眞公主). Nhà Phật cũng gọi những tiên nhân ngoại đạo tu hành tinh tấn là Kim Tiên.
(六供): Theo Đinh Phúc Bảo Phật Học Đại Từ Điển (丁福保佛學大詞典), căn cứ vào Tăng Đường Thanh Quy (僧堂清規) 3 do Diện Sơn Thụy Phương (面山瑞方, Menzan Zuihō, 1683-1769), tăng sĩ Tào Động Tông của Nhật Bản soạn, Lục Cúng là 6 phẩm vật dâng cúng lên chư Phật của Thiền lâm; gồm (1) hoa (華), (2) hương lô (香爐, lò hương), (3) chúc (燭, đèn nến), (4) thang (湯, nước nóng), (5) quả (果) và (6) trà (茶). Đối với Mật Tông, Lục Cúng cũng là pháp tu cúng dường căn bản, gồm (1) hoa (花), (2) linh (鈴), (3) thiêu hương (燒香, hương đốt), (4) phạn thực (飯食, thức ăn), (5) đồ hương (塗香, hương xoa), và (6) đăng minh (燈明, đèn). Sáu vật cúng này tượng trưng cho Sáu Trần là Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc và Pháp. Sáu vật này còn biểu tượng cho Lục Độ (s: ṣaḍ-pāramitā, ṣaṭ-pāramitā, 六度), tức Lục Độ Ba La Mật (六度波羅蜜), gồm Bố Thí Ba La Mật (s, p: dāna-pāramitā, 布施波羅蜜), Trì Giới Ba La Mật (s: śīla-pāramitā, p: sīla-pāramitā, 持戒波羅蜜), Nhẫn Nhục Ba La Mật (s: kṣānti-pāramitā, p: khantī-pāramitā, 忍辱波羅蜜), Tinh Tấn Ba La Mật (s: vīrya-pāramitā, p: virya-pāramitā, 精進波羅蜜), Thiền Định Ba La Mật (s: dhyāna-pāramitā, p: jhāna-pāramitā, 禪定波羅蜜) và Trí Tuệ Ba La Mật (s: prajñā-pāramitā, p: paññā-pāramitā, 智慧波羅蜜). Theo bài tán “Nhân duyên tự tánh sở xuất sanh, sở hữu chủng chủng vi diệu, hoa hương đăng đồ quả nhạc, phụng hiến Thượng Sư Tam Bảo tôn, duy nguyện từ bi ai nạp thọ (因緣自性所出生、所有種種微妙、華香燈塗果樂、上獻上師三寶尊、惟願慈悲納受, nhân duyên tự tánh vốn sanh ra, vốn có các thứ mầu nhiệm, hoa hương đèn dầu quả nhạc, dâng cúng Thượng Sư Tam Bảo trên, cúi xin từ bi thương thọ nhận)” vốn thường được dùng trong các buổi lễ Cúng Ngọ hay trong đàn Lục Cúng Hoa Đăng (六供華燈), được tìm thấy trong Du Già Tập Yếu Thí Thực Nghi Quỹ (瑜伽集要施食儀軌, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1080), Tu Tập Du Già Tập Yếu Thí Thực Đàn Nghi (修習瑜伽集要施食壇儀, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1083) quyển Hạ, Du Già Diệm Khẩu Chú Tập Toản Yếu Nghi Quỹ (瑜伽燄口註集纂要儀軌, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1084) quyển Hạ, v.v.; Lục Cúng ở đây là hoa, hương, đèn, dầu, quả và âm nhạc. Như vậy, cho dầu định nghĩa về Lục Cúng có khác nhau đi chăng nữa, một số vật dâng cúng quan trọng không thể thiếu được như hoa quả, thức ăn, nước uống, đèn, hương, v.v. Như Mật Giáo giải thích về ý nghĩa và tầm quan trọng của 5 loại vật dâng cúng như sau:
(1) Hoa là tâm của chư Phật; khi hoa khai mở thì tượng trưng cho vạn đức mật vận (萬德密運, muôn đức âm thầm chuyển vận), là công đức viên mãn của chư Phật. Lấy hoa dâng cúng chư Phật tức là làm cho trang nghiêm tâm của chính mình.
(2) Hương là một loại thể giới tánh. Dùng hương dâng cúng các đấng Như Lai có nghĩa là trang nghiêm Giới Thể (戒體) của chính mình. Sự trang nghiêm của ngoại tướng kết hợp với sự trang nghiêm của nội tướng, hợp nhất thành trang nghiêm Năm Phần Pháp Thân.
(3) Đèn là ánh sáng chiếu soi của chư Phật, tức chính là trí tuệ nội tâm. Lấy hết thảy ánh sáng mà dâng cúng lên các đấng Như Lai thì sẽ được ánh sáng chiếu rọi khắp, ánh sáng cùng giao nhau, chiếu tận đến bờ bên kia của trí tuệ và hiển hiện công đức trang nghiêm của trí tuệ nội tâm.
(4) Trà bản nguyên là loại nước thanh tịnh, biểu thị cho Pháp Tánh (法性). Lấy trà dâng cúng Phật, tức là mười phương các đức Như Lai ứng hóa vào thân ta, dùng loại “nước thanh tịnh của Pháp Tánh” để trước rửa sạch khí bất tịnh của tự thân, biến thành Pháp Tánh Thân (法性身), Vô Cấu Thân (無垢身, thân không dơ bẩn) và trở thành trang nghiêm Pháp Tánh.
(5) Quả tượng trưng cho thức ăn, lấy sự viên mãn to lớn của thức ăn vi diệu biểu thị cho một loại viên thành. Loại Thiền ý có vị thù thắng như vậy, có nghĩa lý vô cùng thâm sâu; cho nên dâng cúng thức ăn và quy y chư Phật thì sẽ có được thiện quả, tượng trưng cho sự viên thành pháp vị. Đó là một loại “quả công đức trang nghiêm nội tâm.”
Trong Niệm Tụng Kết Hộ Pháp Phổ Thông Chư Bộ (念誦結護法普通諸部, Taishō Vol. 18, No. 904) có nêu một số câu thần chú khi dâng cúng các phẩm vật. Như Chơn Ngôn dùng cho hương đốt là: “Án bạt chiết la đỗ bệ a (唵跋折羅杜鞞阿).” Chơn Ngôn dùng cho rãi hoa là: “Án bạt chiết la bổ sắt bệ án (唵跋折羅補瑟鞞唵).” Chơn Ngôn dâng cúng đèn là: “Án bạt chiết la lô kế nễ (唵跋折羅盧計你).” Chơn Ngôn cho hương xoa là: “Án bạt chiết la kiền đề già (唵跋折羅犍提伽).” Trong Thánh Hạ Dã Hột Lí Phược Đại Uy Nỗ Vương Lập Thành Đại Thần Nghiệm Cúng Dường Niệm Tụng Nghi Quỹ Pháp Phẩm (聖賀野紇哩縛大威怒王立成大神驗供養念誦儀軌法品, Taishō Vol. 20, No. 1072A) có đoạn rằng: “Mỗi nhật thủ chủng chủng thời hoa tán đàn thượng, thiêu hương đồ hương đăng minh ẩm thực cập quả tử, gia trì phân bố tứ biên cúng dường, tùy lực sở biện trần thiết trang nghiêm, mỗi nhập đạo tràng kiền thành tác lễ, phát lộ sám hối tùy hỷ khuyến thỉnh hồi hướng phát nguyện (每日取種種時花散壇上、燒香塗香燈明飲食及果子、加持分布四邊供養、隨力所辦陳設莊嚴、每入道塲虔誠作禮、發露懺悔隨喜勸請迴向發願, mỗi ngày lấy các thứ hoa hiện thời rãi trên đàn, hương đốt, hương xoa, đèn sáng, thức ăn uống và bánh kẹo, gia trì phân chia bốn phía cúng dường, tùy sức bày biện, thiết trí trang nghiêm, mỗi khi vào đạo tràng thì chí thành đảnh lễ, phát lộ sám hối, tùy hỷ cung thỉnh, hồi hướng và phát nguyện).” Trong Pháp Giới Thánh Phàm Thủy Lục Đại Trai Phổ Lợi Đạo Tràng Tánh Tướng Thông Luận (法界聖凡水陸大齋普利道塲性相通論, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 74, No. 1498) quyển 4 có nêu rõ 6 loại điệp cho Lục Cúng là: “Lục cúng điệp, hương nhất, hoa nhất, quả nhất, đồ nhất, tiểu thực nhất, pháp bảo nhất (六供牒、香一、華一、果一、塗一、小食一、法寶一, sáu loại điệp dâng cúng gồm hương một tờ, hoa một tờ, quả một tờ, đồ thoa một tờ, thức ăn một tờ, pháp bảo một tờ).” Trong Ư Mật Sấm Thí Thực Chỉ Khái (於密滲施食旨槩, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1082) lại có đoạn rằng: “Nhiên chư Phật tức ngã Hóa Thân, cố Quan Âm, phóng quang dĩ thỉnh chư Phật dã, Phật chí tắc thân Lục Cúng dĩ cúng dường chi, thử Phổ Hiền hạnh dã (然諸佛卽我化身、故觀音、放光以請諸佛也、佛至則伸六供以供養之、此普賢行也, như vậy chư Phật là Hóa Thân của ta, cho nên đức Quan Âm phóng hào quang để thỉnh chư Phật; khi Phật đến thì bày sáu món cúng mà cúng dường Ngài, đây là hạnh của đức Phổ Hiền).” Đàn Lục Cúng trong lòng văn Sớ nêu trên là Lục Cúng Hoa Đăng (六供華燈), một trong bộ ba của nghi thức Chạy Đàn: Lục Cúng, Khai Tịch và Bạt Độ (hay Chẩn Tế). Múa Lục Cúng Hoa Đăng là một điệu múa cổ xưa của Phật Giáo do các vị sư Ấn Độ truyền vào Việt Nam. Sau khi du nhập vào xứ Đàng Trong tại Thuận Hóa-Phú Xuân, được các vị Tổ sư trong chốn Thiền môn xứ Huế tiếp thu và phát triển lên đến đỉnh cao nghệ thuật, điệu múa Lục Cúng Hoa Đăng từ đó trở thành là một loại hình âm nhạc đặc thù của Phật Giáo xứ Huế. Điệu múa này được diễn múa theo sáu lần dâng cúng; tương ứng với mỗi lần cúng là một lễ vật cúng dường lên đức Phật gồm: hoa, hương, đèn, trà, quả, nhạc. Vì vậy môi trường diễn xướng của điệu múa này luôn được trình diễn trong những hoàn cảnh đặc biệt như lễ An Vị Phật, lễ Lạc Thành Chùa hay lễ hội, vía Phật. Hình thức này cũng được thể hiện với ý nghĩa nguyện cầu cho những người đã khuất giải thoát oan khiên trong các trai đàn Chẩn Tế, Giải Oan Bạt Độ, v.v. Do đó, điệu múa Lục Cúng Hoa Đăng tồn tại với thời gian theo sự phát triển của văn hóa Phật Giáo Việt Nam. Đến thời vua Minh Mạng (1820-1840), Lục Cúng Hoa Đăng đã được tiếp thu và cải biên thành một loại hình âm nhạc cung đình, trở thành một điệu múa đặc sắc được lưu truyền cho đến ngày nay. Trong quá trình tiến hành Lục Cúng Hoa Đăng, có một số bài tán theo các điệu tán cổ xưa trong kho tàng âm nhạc Phật Giáo như tán trạo, tán rơi, tán xấp và có cả Thài—một điệu tán rất cổ xưa—để dâng cúng trong nghi lễ cúng Phật cũng như chư Tổ, như bài Nhân Duyên ở trên, hay bài La Liệt (羅列) được đề cập trong Tu Tập Du Già Tập Yếu Thí Thực Đàn Nghi (修習瑜伽集要施食壇儀, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1083) quyển Hạ: “La liệt hương hoa kiến bảo đàn, trùng trùng Phật cảnh nhất hào đoan, tâm dung diệu lí hư không tiểu, đạo khế chơn như pháp giới khoan, tướng hảo từ bi thu nguyệt mãn, hóa thân đằng xứ mộ vân phiền, hương yên đôi lí chiêm ứng hiện, vạn tượng sum la hải ấn hàm (羅列香花建寶壇、重重佛境一毫端、心融妙理虛空小、道契眞如法界寬、相好慈悲秋月滿、化身騰處暮雲繁、香煙堆裏瞻應現、萬象森羅海印含, la liệt hương hoa lập báu đàn, hàng hàng cảnh Phật sợi lông bằng, tâm thâu lí mầu hư không nhỏ, đạo hợp chơn như pháp giới tròn, tướng tốt từ bi trăng thu rọi, hóa thân khắp chốn mây chiều tan, trong làn mây khói chư Phật hiện, vạn pháp bao la biển trí hàm).” Hoặc bài Phật [Phù] Diện (佛面) được tìm thấy trong Du Già Tập Yếu Thí Thực Nghi Quỹ (瑜伽集要施食儀軌, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1080), Tu Tập Du Già Tập Yếu Thí Thực Đàn Nghi (修習瑜伽集要施食壇儀, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1083) quyển Thượng, Du Già Diệm Khẩu Chú Tập Toản Yếu Nghi Quỹ (瑜伽燄口註集纂要儀軌, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1084) quyển Thượng, v.v.: “Phật diện do như tịnh mãn nguyệt, diệc như thiên nhật phóng quang minh, viên quang phổ chiếu ư thập phương, hỷ xả từ bi giai cụ túc (佛面猶如淨滿月、亦如千日放光明、圓光普照於十方、喜捨慈悲皆具足, mặt Phật giống như trăng tròn lắng, cũng như ngàn trời tỏa hào quang, ánh sáng chiếu khắp cõi mười phương, hỷ xả từ bi thảy đầy đủ)”, v.v.
(s, p: Nanda, 難陀): ý dịch là Hoan Hỷ (歡喜), Hỷ Lạc (喜樂), còn gọi là Nan Nỗ (難努), Nan Đồ (難屠), Nan Đề (難提), là em cùng cha khác mẹ với Đức Phật, vợ ông là Tôn Đà Lợi (s: Sundarī, 孫陀利), khác với Nan Đà Chăn Trâu (tức Mục Ngưu Nan Đà [牧牛難陀], ý dịch là Thiện Hoan Hỷ [善歡喜], tên của một vị Tỳ Kheo, nhân hỏi Phật về 11 việc thả trâu như thế nào; biết được Ngài là bậc Nhất Thiết Trí, sau theo Phật xuất gia, chứng quả A La Hán). Cha là vua Tịnh Phạn (s: Śudhodana, 淨飯), mẹ là Ma Ha Ba Xà Ba Đề (s: Mahāprajāpatī, 摩訶波闍波提). Tướng hảo của ông gần như Đức Phật, thân dài 1 trượng 5 tấc, tướng mạo đoan chính, có 30 tướng đẹp (chỉ thua đức Phật 2 tướng mà thôi). Chính vì có tướng hảo đoan nghiêm như vậy nên ông được gọi là Tôn Đà La Nan Đà (s: Sundarananda, 孫陀羅難陀) có nghĩa là Nan Đà đẹp như con gái. Tương truyền ông có tướng hảo đẹp như vậy là vì đời quá khứ thường lấy vàng ròng làm trang nghiêm các tượng Phật, rồi thắp đèn cúng Phật, nên có được quả báo như vậy. Sau khi đức Thế Tôn thành đạo, ông trở về thăm cố hương Ca Tỳ La Vệ (s: Kapilavastu, p: Kapilavatthu, 迦毘羅衛). Khi ấy, Nan Đà là Hoàng thái tử và đang chuẩn bị kết hôn với người đẹp số một trong nước là nàng Tôn Đà Lợi, nhưng Đức Phật lại dùng phương tiện để khuyến dụ ông xuất gia. Ngài đã hóa độ ông xuất gia tại vườn Ni Câu Luật (s: nyagrodha, p: nigrodha, 尼拘律). Sau khi xuất gia xong, do vì quá nhớ đến vợ, ông vẫn thường trở về nhà thăm vợ. Về sau, ông được đức Phật dùng phương tiện hóa độ, giúp ông đoạn trừ ái dục, chứng quả A La Hán. Trong số các đệ tử Phật, ngài được tôn xưng là điều phục các căn đệ nhất. Về câu chuyện đức Phật hóa độ Nan Đà. Tương truyền một hôm nọ, đức Phật cùng với Tôn Giả A Nan đến khất thực tại ngay trước cửa nhà của Nan Đà. Ông nghênh đón, chuẩn bị dâng cơm vào bát cúng đường đức Phật. Bỗng nhiên Ngài chuyển thân chạy đi và nói với A Nan là bảo Nan Đà đem thức ăn đến. Nan Đà nghe vậy đem cơm đến chỗ Phật. Lập tức đức Phật cho người cạo đầu Nan Đà; như vậy trong tình huống đó, ông bị buộc phải xuất gia. Ngày hôm sau, Ngài cùng với đại chúng ra ngoài khất thực; chỉ mình Nan Đà ở nhà mà thôi, với ý định trốn thoát. Biết vậy, đức Thế Tôn bảo ông quét dọn sạch các cửa khắp bốn phía. Ông quét sạch cửa này thì cửa kia nhớp, cứ như vậy không thể nào làm cho sạch hết tất cả được. Nhân đó ông nghĩ rằng, nếu lúc này không chạy trốn thì không biết khi nào mới thoát được. Vì vậy, ông trốn thoát ra khỏi Tinh Xá, chạy đến giữa đường thì thấy đức Phật từ xa đi đến, bèn nép mình trốn sau gốc cây, không ngờ cây đó bay bổng lên không trung, khiến cho hành tung Nan Đà bị bại lộ. Thấy vậy đức Phật hỏi ông vì sao chạy trốn. Ông trả lời rằng vì quá nhớ thương vợ con ở nhà. Đức Phật dạy rằng: “Trước khi về nhà, ta sẽ dẫn con đi chơi hai nơi.” Ngài bèn dẫn ông lên trên Trời, ông thấy các nàng Thiên nữ trên đó, liền thốt lên rằng: “Quả đẹp như tiên nữ.” Nghe vậy, đức Phật hỏi ông rằng: “Thế thì nếu so sánh tiên nữ kia với vợ con ông, ai là người đẹp hơn ?” Nan Đà trả lời ngay rằng: “Tiên nữ kia đẹp hơn vợ con cả ngàn lần.” Sau đó, đức Thế Tôn lại dẫn ông đến một cung điện khác, bên trong có vàng ngọc rực rỡ, một đàn tiên nữ đang ngồi quây quần bên bức tượng, chứ không thấy Thiên tử. Ông bèn hỏi nguyên do, một tiên nữ trả lời rằng: “Cung điện này sẽ được cấp cho bào đệ của Phật là Nan Đà. Người đó đang thọ hưởng phước lạc dưới dương thế, sau khi mạng chung sẽ tiếp tục lên đây hưởng phước.” Nghe vậy, Nan Đà vui mừng tột đỉnh, tự biết mình là người có phước báo lớn. Tiếp theo, đức Thế Tôn lại đưa ông xuống cõi Địa Ngục. Ông vô cùng xót xa khi thấy các tội nhân nơi đây phải chịu khổ hình thê thảm. chân tay ông rã rời, run sợ không muốn ở lại lâu nơi đó. Đức Phật lại đưa ông đến một nơi khác, thấy có hai người ngục tốt đang ngồi ngủ gà ngủ gậc; nước dầu trong chảo cũng lạnh ngắt; lửa dưới chảo dầu chưa đỏ cháy. Lấy làm lạ, ông bạo gan hỏi ngục tốt nguyên do vì sao. Người lính cai ngục bảo rằng: “Chảo dầu sôi này vốn để dành cho Nan Đà, em của đức Phật. Ông ấy hiện tại đang hưởng phước trên dương gian, sau khi qua đời sẽ được sanh lên cõi Trời, hưởng phước lần nữa. Khi phước trên cõi Trời đã hết, ông ấy phải đọa xuống đây để chị quả báo tội nghiệp của nhiều đời trước.” Nghe lời này xong, Nan Đà kinh hãi đến nỗi lông tóc dựng đứng, run sợ không kể xiết, cùng Phật trở về Tinh Xá, cầu xin Ngài cứu thoát ra khỏi cảnh khổ của Địa Ngục. Từ đó, Ngài giải thích cho Nan Đà biết rõ tầm quan trọng và ý nghĩa xuất gia. Cho nên ông mới thật sự phát tâm xuất gia.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 13.58.50.163 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập