Chúng ta nhất thiết phải làm cho thế giới này trở nên trung thực trước khi có thể dạy dỗ con cháu ta rằng trung thực là đức tính tốt nhất. (We must make the world honest before we can honestly say to our children that honesty is the best policy. )Walter Besant
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Không thể dùng vũ lực để duy trì hòa bình, chỉ có thể đạt đến hòa bình bằng vào sự hiểu biết. (Peace cannot be kept by force; it can only be achieved by understanding.)Albert Einstein
Vết thương thân thể sẽ lành nhưng thương tổn trong tâm hồn sẽ còn mãi suốt đời. (Stab the body and it heals, but injure the heart and the wound lasts a lifetime.)Mineko Iwasaki
Để đạt được thành công, trước hết chúng ta phải tin chắc là mình làm được. (In order to succeed, we must first believe that we can.)Nikos Kazantzakis
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ bi quan than phiền về hướng gió, người lạc quan chờ đợi gió đổi chiều, còn người thực tế thì điều chỉnh cánh buồm. (The pessimist complains about the wind; the optimist expects it to change; the realist adjusts the sails.)William Arthur Ward
Yếu tố của thành công là cho dù đi từ thất bại này sang thất bại khác vẫn không đánh mất sự nhiệt tình. (Success consists of going from failure to failure without loss of enthusiasm.)Winston Churchill
Sự vắng mặt của yêu thương chính là điều kiện cần thiết cho sự hình thành của những tính xấu như giận hờn, ganh tỵ, tham lam, ích kỷ...Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Nghệ thuật sống chân chính là ý thức được giá trị quý báu của đời sống trong từng khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc đời.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Âm dung »»
(s: saṃbhoga-kāya, 報身): chỉ cho thân quả báo của Phật; còn gọi là Báo Phật (報佛), Báo Thân Phật (報身佛), Thọ Pháp Lạc Phật (受法樂佛); hoặc được dịch là Thọ Dụng Thân (受用身), Thực Thân (食身), Ứng Thân (應身); là một trong 3 thân (Pháp Thân, Ứng Thân và Hóa Thân) và 4 thân (Pháp Thân, Báo Thân, Ứng Thân và Hóa Thân) của Phật; tức là thân Phật có quả báo nhân vị vô lượng nguyện hạnh, vạn đức viên mãn. Đây cũng là thân kết quả của sự báo ứng các nguyện hạnh đầy đủ của vị Bồ Tát mới phát tâm tu tập cho đến tròn đầy Mười Địa. Như A Di Đà Phật, Dược Sư Như Lai, Lô Xá Na Phật, v.v., đều là Báo Thân Phật. Báo Thân lấy Đại Trí (大智, tức trí tuệ không phân biệt của bậc Thánh), Đại Định (大定, nghĩa là không tác ý) và Đại Bi (大悲, tâm từ bi có thể giúp cứu bạt nỗi khổ của chúng sanh) làm thể; có đầy đủ vô lượng sắc tướng, muôn công đức của Thập Lực (s: daśa-bala, p: dasa-bala, 十力, Mười Lực), Tứ Vô Úy (s: catur-vaiśāradya, p: catu-vesārajja, 四無畏, Bốn Vô Úy), v.v. Theo Đại Trí Độ Luận (大智度論, Taishō Vol. 25, No. 1509) quyển 9 cho biết rằng đức Phật co hai thân là Pháp Tánh Thân (法性身, Thân Pháp Tánh) và Phụ Mẫu Sanh Thân (父母生身, thân do cha mẹ sanh ra). Pháp Tánh Thân thì biến khắp cùng hư không, tướng hảo trang nghiêm, có vô lương hào quang sáng rực và vô lượng âm thanh. Quyển 30 cùng điển tịch này còn nêu rõ rằng đức Phật lại có hai thân là Chơn Thân (眞身) và Hóa Thân. Chơn Thân thì cùng khắp hư không, âm thanh thuyết pháp của thân này cũng biến khắp mười phương vô lượng thế giới, nhưng chỉ có vị Bồ Tát ở địa vị Thập Trụ (十住) mới có thể lấy trí lực phương tiện không thể nghĩ bàn mà nghe được. Quyển 33 lại nêu ra hai loại thân khác là Pháp Tánh Sanh Thân (法性生身) và Tùy Thế Gian Thân (隨世間身). Pháp Tánh Sanh Thân thường có vô lượng vô số không thể tính đếm các vị Bồ Tát Nhất Sanh Bổ Xứ theo hầu. Thông thường thân này chỉ cho Thật Báo Thân (實報身) của Phật. Đối với nội chứng cũng như ngoại dụng của Báo Thân, căn cứ trên nghĩa thọ dụng, Thiên Thai học giả chia Báo Thân thành Tự Thọ Dụng Báo Thân (自受用報身) và Tha Thọ Dụng Báo Thân (他受用報身); rồi căn cứ trên quốc độ cư trú của Báo Thân mà phân thành Chơn Báo Thân Độ (眞報身土) và Ảnh Hiện Báo Thân Độ (影現報身土). Chơn Báo Thân Độ chính là nơi chư vị Bồ Tát thị hiện trên mặt đất, là cõi nước Báo Thân để dùng phương tiện giáo hóa, truyền đạo. Thọ Dụng Thân (受用身) của Pháp Tướng Tông và Duy Thức Tông đồng nghĩa với thân này. Đại Thừa Đồng Tánh Kinh (大乘同性經, Taishō Vol. 16, No. 673) quyển Thượng cho rằng thành Phật nơi cõi uế độ tương đối là Hóa Thân, thành Phật nơi cõi Tịnh Độ là Báo Thân. Trong Phật Tam Thân Tán (佛三身讚, Taishō Vol. 32, No. 1678) có bài kệ về Báo Thân rằng: “Ngã kim khể thủ Báo Thân Phật, trạm nhiên an trú đại Mâu Ni, ai mẫn hóa độ Bồ Tát chúng, xứ hội như nhật nhi phổ chiếu, Tam Kỳ tích tập chư công đức, thỉ năng viên mãn tịch tĩnh đạo, dĩ đại âm thanh đàm diệu pháp, phổ linh hoạch đắc bình đẳng quả (我今稽首報身佛、湛然安住大牟尼、哀愍化度菩薩眾、處會如日而普照、三祇積集諸功德、始能圓滿寂靜道、以大音聲談妙法、普令獲得平等果, con nay cúi lạy Báo Thân Phật, sáng trong an trú đức Mâu Ni, xót thương hóa độ chúng Bồ Tát, khắp chốn như trời chiếu cùng khắp, ba đời tích tập các công đức, mới thể tròn đầy đạo vắng lặng, lấy âm thanh lớn bàn pháp mầu, khiến cho đạt được bình đẳng quả).” Hay trong Triệu Luận Lược Chú (肇論略註, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 54, No. 873) quyển 5 có giải thích rằng: “Dĩ tam thế chư Phật khoáng kiếp tu nhân, chứng thử nhất tâm chi thể, danh vi Pháp Thân; dĩ thù quảng đại chi nhân, danh vi Báo Thân; tùy cơ ích vật, danh vi Hóa Thân; nhất thiết chư Phật giai cụ Tam Thân; Pháp Thân vi thể, Hóa Thân vi dụng, hữu cảm tức hiện, vô cảm tức ẩn (以三世諸佛曠劫修因、證此一心之體、名爲法身、以酬廣大之因、名爲報身、隨機益物、名爲化身、一切諸佛皆具三身、法身爲體、化身爲用、有感卽現、無感卽隱, vì ba đời các đức Phật muôn kiếp tu nhân, chứng thể nhất tâm này, nên gọi là Pháp Thân; để báo ứng nhân to lớn này, nên gọi là Báo Thân; tùy cơ duyên mà làm lợi ích muôn loài, nên gọi là Hóa Thân; hết thảy các đức Phật đều có đủ Ba Thân; Pháp Thân làm thể, Hóa Thân làm dụng, có cảm tức hiển hiện, không cảm thì ẩn tàng).” Trong Tứ Phần Luật Sưu Huyền Ký (四分律搜玄錄, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 41, No. 732) quyển 1 cho biết rằng: “Báo Thân danh Lô Xá Na (報身名盧舍那, Báo Thân có tên gọi là Lô Xá Na).” Vì vậy, có câu cúng dường “Viên Mãn Báo Thân Lô Xá Na Phật (圓滿報身盧舍那佛).”
(革凡成聖): hay cách phàm đăng Thánh (革凡登聖), nghĩa là thay đổi, chuyển hóa phàm tâm để trở thành thánh nhân. Như trong bản Sắc Xá Đạo Sự Phật (敕舍道事佛) của vua Lương Võ Đế (梁武帝, tại vị 502-549) thời Nam Triều có đoạn: “Lão Tử, Chu Công, Khổng Tử đẳng tuy thị Như Lai đệ tử, nhi vi hóa ký tà, chỉ thị thế gian chi thiện, bất năng cách phàm thành Thánh (老子、周公、孔子等雖是如來弟子、而爲化旣邪、止是世間之善、不能革凡成聖, Lão Tử, Chu Công, Khổng Tử tuy vậy cũng là đệ tử của Như Lai, mà vì mọi người giáo hóa các sai lầm trước, làm dừng lại điều thiện của thế gian, không thể chuyển phàm thành Thánh được).” Hay trong A Di Đà Kinh Nghĩa Ký (阿彌陀經義記) của Đại Sư Trí Khải (智顗, 538-397) có câu: “Hữu cảm tư ứng, cơ ngộ chi thần, tức ư hội cách phàm thành Thánh (有感斯應、機悟之辰、卽於會革凡成聖, có cảm với ứng ấy, gặp khi cơ ngộ, tức nơi ấy mà hiểu được chuyển phàm thành Thánh).” Hoặc trong bức Đáp Thích Trí Khải Di Chỉ Thư (答釋智顗遺旨書) của Tùy Dương Đế (隋煬帝, tại vị 604-618) cũng có câu: “Thế thế sanh sanh, sư tư bất khuyết, cách phàm đăng Thánh, cấp thị vô khuy (世世生生、師資不闕、革凡登聖、給侍無虧, đời đời kiếp kiếp, thầy trò chẳng dứt, chuyển phàm chứng Thánh, hầu hạ không sót).”
(甘旨): có nhiều nghĩa khác nhau:
(1) ngon ngọt; như trong Luận Quý Túc Sớ (論貴粟疏) của Triều Thác (晁錯, 200-154 trước CN) nhà Hán có câu: “Phù hàn chi ư y, bất đãi khinh noãn, cơ chi ư thực, bất đãi cam chỉ (夫寒之於衣、不待輕煖、飢之於食、不待甘旨, hễ lạnh thì nhờ vào áo mặc, chẳng kể thứ nhẹ ấm; hễ đói thì nhờ vào thức ăn, chẳng đợi đồ ngon ngọt).”
(2) Loại thực vật ngon ngọt. Như trong Kim Lâu Tử (金樓子), Lập Ngôn (立言) của Lương Nguyên Đế (梁元帝, tại vị 552-554) thời Nam Triều có câu: “Cam chỉ bách phẩm, nguyệt tế nhật tự (甘旨百品、月祭日祀, trăm thứ ngon ngọt, tháng cúng ngày thờ).” Hay như trong Liêu Trai Chí Dị (聊齋誌異), chương Cửu Sơn Vương (九山王) của Bồ Tùng Linh (蒲松齡, 1640-1715) nhà Thanh cũng có đoạn rằng: “Nga nhi hành tửu tiến soạn, bị cực cam chỉ (俄而行酒薦饌、僃極甘旨, trong chốt lát thì tiến hành dâng cúng rượu, mâm cỗ, chuẩn bị loại ngon ngọt nhất).”
(3) Chỉ loại thức ăn dùng để nuôi dưỡng song thân. Trong tờ Tấu Trần Tình Trạng (奏陳情狀) của Bạch Cư Dị (白居易, 772-846) nhà Đường có đoạn: “Thần mẫu đa bệnh, thần gia tố bần, cam chỉ hoặc khuy, vô dĩ vi dưỡng, dược bính hoặc khuyết, không trí kỳ ưu (臣母多病、臣家素貧、甘旨或虧、無以爲養、藥餌或闕、空致其憂, mẹ thần nhiều bệnh, nhà thần nghèo cùng, thức ăn ngon ngọt có khi thiếu thốn, chẳng lấy gì nuôi dưỡng song thân, thuốc men khuyết hụt, không có gì làm cho người yên lòng).”
Từ đó, có cụm từ “cúng cam chỉ (供甘旨)” nghĩa là cung phụng cha mẹ hết mực để báo hiếu. Như Trong Nhị Thập Tứ Hiếu (二十四孝), câu chuyện Phụ Mễ Dưỡng Thân (負米養親, vác gạo nuôi song thân) của Tử Lộ (子路) có đoạn thơ rằng: “Phụ mễ cúng cam chỉ, ninh từ bách lí diêu, thân vinh thân dĩ một, do niệm cựu cù lao (負米供甘旨、寧辭百里遙、身榮親已沒、猶念舊劬勞, vác gạo nuôi cha mẹ, chẳng từ trăm dặm xa, giàu sang người đã mất, còn nhớ công ơn xưa).” Hay trong Đại Huệ Phổ Giác Thiền Sư Pháp Ngữ (大慧普覺禪師法語) quyển 20 có đoạn: “Phụ mẫu bất cúng cam chỉ, Lục Thân cố dĩ khí ly, thân cư thanh tịnh già lam, mục đỗ cam dung thánh tướng (父母不供甘旨、六親固以棄離、身居清淨伽藍、目睹紺容聖相, cha mẹ chẳng tròn hiếu đạo, Lục Thân lại phải xa rời, thân sống già lam thanh tịnh, mắt trông thánh tướng dung hiền).” Hoặc trong Quy Sơn Đại Viên Thiền Sư Cảnh Sách (潙山大圓禪師警策) của Quy Sơn Linh Hựu (潙山靈祐) cũng có câu tương tự như vậy: “Phụ mẫu bất cung cam chỉ, Lục Thân cố dĩ khí ly, bất năng an quốc trị bang, gia nghiệp đốn quyên kế tự (父母不供甘旨、六親固以棄離、不能安國治邦、家業頓捐繼嗣, cha mẹ chẳng tròn hiếu đạo, Lục Thân lại phải xa rời, chẳng thể an nhà trị nước, gia nghiệp dứt bỏ kế thừa).”
(琴瑟): tên hai loại nhạc khí là cây đàn cầm, đàn dài 3 thước, 6 tấc, căng 7 dây; và cây đàn sắt, loại đàn có 25 dây. Khi hai loại này cùng đàn tấu lên, âm sắc của chúng mười phần hòa điệu với nhau. Như trong Thượng Thư (尚書), phần Ích Tắc (益稷) có câu: “Ca kích minh cầu, bác phụ cầm sắt chi vịnh, tổ khảo lai cách (嘎擊鳴球、搏拊琴瑟以詠、祖考來格, đánh cầu kêu lắc cắc, gãy đàn cầm sắt vịnh theo, ông nội đến thán phục).” Từ đó, cầm sắt được dùng để tỷ dụ cho sự hòa hợp tốt đẹp của vợ chồng với nhau, hay tình cảm dung hòa giữa bằng hữu, anh em; như trong Thi Kinh (詩經), phần Quan Thư (關雎) có câu: “Yểu điệu thục nữ, cầm sắt hữu chi (窈窕淑女,琴瑟友之, yểu điệu thục nữ, cầm sắt bạn đôi).” Hay như trong Nghĩ Liên Châu (擬連珠) của Dữu Tín (庾信, 513-581) thời Bắc Chu lại có câu: “Trung tín vi cầm sắt, nhân nghĩa vi bào trù (忠信為琴瑟,仁義為庖廚, trung tín là cầm sắt, nhân nghĩa là bồi bếp).” Trong dân gian vẫn thường dùng một số câu đối từ để chúc mừng tân hôn, vợ chồng song toàn, v.v., như “cầm sắt hữu chi (琴瑟友之, cầm sắt bạn đôi)”, “cầm sắt canh hòa (琴瑟賡和, cầm sắt hòa theo)”, “bách niên cầm sắt (百年琴瑟, trăm năm cầm sắt)”, “như cổ cầm sắt (如鼓琴瑟, như trống hòa âm)”, “cầm sắt hòa minh (琴瑟和鳴, cầm sắt hòa vang)”, “cầm sắt trùng điệu (琴瑟重調, cầm sắt trùng điệu)”, “cầm sắt bách niên (琴瑟百年, cầm sắt trăm năm)”, v.v.
(眞性): có hai nghĩa. (1) Thiên tánh, bản tánh. Như trong Trang Tử (莊子), thiên Mã Đề (馬蹄), có đoạn: “Mã, đề khả dĩ tiễn sương tuyết, mao khả dĩ ngự phong hàn, hột thảo ẩm thủy, kiều túc nhi lục, thử mã chi chơn tánh dã (馬、蹄可以踐霜雪、毛可以禦風寒、齕草飲水、翹足而陸、此馬之眞性也, ngựa, móng của nó có thể đạp lên sương tuyết, lông có thể chống gió lạnh, ăn cỏ uống nước, chân cong mà đi trên bộ, đây là bản tánh của ngựa vậy).” Hay trong bài thơ Thái Tang (采桑) của Lý Sảng Viễn (李彥遠, ?-?) nhà Đường có câu: “Hà dĩ biến chơn tánh, u hoàng tuyết trung lục (何以變眞性、幽篁雪中綠, lấy gì đổi thiên tánh, bụi tre trong tuyết xanh).” (2) Bản tánh chân thật, không sai lầm, không thay đổi. Phật Giáo chủ trương con người chúng ta có đủ chơn tánh và chơn tánh của chư Phật, Bồ Tát vốn không khác nhau gì. Trong Lục Tổ Đại Sư Pháp Bảo Đàn Kinh (六祖大師法寶壇經, Taishō Vol. 48, No. 2008), Phẩm Bát Nhã (般若品), có đoạn: “Nhất thiết Bát Nhã trí, giai tùng tự tánh nhi sanh, bất tùng ngoại nhập, mạc thố dụng ý, danh vi chơn tánh tự dụng (一切般若智、皆從自性而生、不從外入、莫錯用意、名爲眞性自用, hết thảy trí tuệ Bát Nhã, đều từ tự tánh mà sanh, không từ ngoài vào, chớ lầm dụng ý, gọi là chơn tánh tự dụng).” Hay trong Bát Nhã Tâm Kinh Chú Giảng (般若心經註講, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 26, No. 568) cũng có câu: “Chơn tánh bổn lai vô nhiễm, cố bất cấu bất tịnh (眞性本來無染、故不垢不淨, chơn tánh xưa nay không nhiễm, nên không nhớp không sạch).” Thiền sư Thuần Chân (純眞, ?-1101), đời thứ 12 dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, có bài kệ Thị Đệ Tử Bổn Tịch (示弟子本寂) rằng: “Chơn tánh thường vô tánh, hà tằng hữu sanh diệt, thân thị sanh diệt pháp, pháp tánh vị tằng diệt (眞性常無性、何曾有生滅、身是生滅法、法性未曾滅, chơn tánh thường không tánh, đâu từng có sanh diệt, thân là sanh diệt pháp, pháp tánh chưa từng diệt).”
(鶴燄, 鶴焰): lửa đuốc, lửa nến. Vì bệ cây nến đứng thẳng trang nghiêm như con hạc, nên có tên như vậy. Như trong bài Vịnh Trì Trung Chúc Ảnh (詠池中燭影) của Lương Nguyên Đế (梁元帝, tại vị 552-554) thời Nam Triều có câu: “Ngư đăng thả diệt tẫn, hạc diễm tạm đình huy (魚燈且滅燼、鶴焰暫停輝, đèn chài còn tắt ngúm, lửa nến tạm dừng cháy).” Hay trong bài thơ Thượng Nguyên Chế Thi (上元應制) của Hạ Tủng (夏竦, 985-1051) nhà Tống lại có câu: “Bảo phường nguyệt kiểu long đăng đạm, tử quán phong vi hạc diễm bình (寶坊月皎龍燈淡、紫館風微鶴燄平, chùa chiền trăng tỏ đèn heo hắt, lữ quán gió hiu đèn đứng yên).” Trong Cao Phong Long Tuyền Viện Nhân Sư Tập Hiền Ngữ Lục (高峰龍泉院因師集賢語錄, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 65, No. 1277) quyển 3 có đoạn: “Hạc diễm huỳnh hoàng chiếu mê mông, Ngọc Đế tô du vạn hộc trung (鶴燄熒煌照迷曚、玉帝酥油萬斛中, lửa nến lập lòe chiếu sáng mơ, dầu bơ Ngọc Đế muôn hộc trong).” Hay tại Đại Chính Điện (大政殿) của Cố Cung bên Trung Quốc, vua Càn Long (乾隆, tại vị 1745-1796) nhà Thanh có đề hai câu: “Long tiên thúy niệu kim tiên vũ, hạc diễm hồng phiên bảo tướng hoa (龍涎翠嬝金仙宇、鶴焰紅翻寶相花, cỏ thơm yểu điệu tiên trời điện, lửa nến chuyển hồng tướng báu hoa).” Trong Đạo Môn Khoa Phạm Đại Toàn Tập (道門科範大全集) tập I của Đạo Giáo, phần Sanh Nhật Bổn Mạng Nghi (生日本命儀) có câu: “Đăng phân hạc diễm chi huy, hương tán long yên chi tuệ (燈分鶴焰之輝、香散龍煙之穗, đèn chia lửa nến rực soi, hương tỏa khói rồng ánh đuốc).”
(鶴駕): cỗ xe hạc, cỡi hạc. Có mấy nghĩa khác nhau.
(1) Căn cứ tác phẩm Liệt Tiên Truyện (列仙傳), phần Vương Tử Kiêu (王子喬) cho biết rằng xưa kia Vương Tử Kiêu, tức là Thái Tử Tấn của Chu Linh Vương (周靈王, ?-545 ttl.) thường cỡi hạc trắng đậu trên đỉnh núi của họ Câu (緱). Cho nên, về sau người ta thường gọi xa giá của Thái Tử là hạc giá. Như trong bài thơ Văn Hoa Kỷ Sự (文華紀事) của Lý Đông Dương (李東陽, 1447-1516) nhà Minh có câu: “Hạc giá tạm đình đương điện ngọ, long nhan nhất cố mãn trì xuân (鶴駕暫停當殿午、龍顏一顧滿墀春, xe hạc tạm dừng trước điện cổng, long nhan ngoảnh lại đầy thềm xuân).”
(2) Cỗ xe của tiên nhân. Như trong bài Lão Thị Bi (老氏碑) của Tiết Đạo Hành (薛道衡, 540-609) nhà Tùy có đoạn: “Luyện hình vật biểu, quyển tích phương ngoại, nghê thường hạc giá, vãng lai Tử Phủ (鍊形物表、卷跡方外、蜺裳鶴駕、往來紫府, rèn hình thành vật, cuộn dấu ngoài xa, nghê thường cỡi hạc, tới lui Tử Phủ).”
(3) Cách gọi khác của cái chết, từ giã cõi đời, cỡi hạc mà đi. Như trong bài Trịnh Thái Tử Bi Minh (鄭太子碑銘) của Lô Chiếu Lân (盧照鄰, 632-695) nhà Đường có đoạn: “Nghê tinh dương Hán, do tầm hủ cốt chi linh; hạc giá đình không, thượng yết tiên nhân chi mộ (霓旌揚漢、猶尋朽骨之靈、鶴駕停空、尚謁先人之墓, cờ tiên dương khắp, để tìm cốt mục vong linh, xe hạc dừng không, tham yết người xưa lăng mộ).” Trong Ngũ Đăng Hội Nguyên Tục Lược (五燈會元續略, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 80, No. 1566) quyển 4 có đoạn: “Ngọc mai phá tuyết, hồng diệp điêu sương, thích quan gia trừ đạm chi thần, nãi hạc giá tiên du chi nhật (玉梅破雪、紅葉凋霜、適官家除禫之辰、迺鶴駕仙遊之日, mai ngọc phá tuyết, lá đỏ khắc sương, đúng nhà quan tang hết lúc này, là cỡi hạc về tiên ngày ấy).” Hay trong bài Du Kim Hoa Động Thiên (遊金華洞天) của Hư Đường Hòa Thượng Ngữ Lục (虛堂和尚語錄, Taishō Vol. 47, No. 2000) quyển 7 có đoạn: “Sưu sưu nhai lựu tĩnh biên văn, đáo thử tiên phàm chỉ xích phân, hạc giá triều chơn hà nhật phản, động môn chung nhật tỏa hàn vân (颼颼崖溜靜邊聞、到此仙凡咫尺分、鶴駕朝眞何日返、洞門終日鎖寒雲, vù vù khe nước nghe lắng trầm, đến chốn tiên phàm cách mấy phân, cỡi hạc quy chơn ngày nao lại, cửa động suốt buổi ngút mây hàn).”
(六供): Theo Đinh Phúc Bảo Phật Học Đại Từ Điển (丁福保佛學大詞典), căn cứ vào Tăng Đường Thanh Quy (僧堂清規) 3 do Diện Sơn Thụy Phương (面山瑞方, Menzan Zuihō, 1683-1769), tăng sĩ Tào Động Tông của Nhật Bản soạn, Lục Cúng là 6 phẩm vật dâng cúng lên chư Phật của Thiền lâm; gồm (1) hoa (華), (2) hương lô (香爐, lò hương), (3) chúc (燭, đèn nến), (4) thang (湯, nước nóng), (5) quả (果) và (6) trà (茶). Đối với Mật Tông, Lục Cúng cũng là pháp tu cúng dường căn bản, gồm (1) hoa (花), (2) linh (鈴), (3) thiêu hương (燒香, hương đốt), (4) phạn thực (飯食, thức ăn), (5) đồ hương (塗香, hương xoa), và (6) đăng minh (燈明, đèn). Sáu vật cúng này tượng trưng cho Sáu Trần là Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc và Pháp. Sáu vật này còn biểu tượng cho Lục Độ (s: ṣaḍ-pāramitā, ṣaṭ-pāramitā, 六度), tức Lục Độ Ba La Mật (六度波羅蜜), gồm Bố Thí Ba La Mật (s, p: dāna-pāramitā, 布施波羅蜜), Trì Giới Ba La Mật (s: śīla-pāramitā, p: sīla-pāramitā, 持戒波羅蜜), Nhẫn Nhục Ba La Mật (s: kṣānti-pāramitā, p: khantī-pāramitā, 忍辱波羅蜜), Tinh Tấn Ba La Mật (s: vīrya-pāramitā, p: virya-pāramitā, 精進波羅蜜), Thiền Định Ba La Mật (s: dhyāna-pāramitā, p: jhāna-pāramitā, 禪定波羅蜜) và Trí Tuệ Ba La Mật (s: prajñā-pāramitā, p: paññā-pāramitā, 智慧波羅蜜). Theo bài tán “Nhân duyên tự tánh sở xuất sanh, sở hữu chủng chủng vi diệu, hoa hương đăng đồ quả nhạc, phụng hiến Thượng Sư Tam Bảo tôn, duy nguyện từ bi ai nạp thọ (因緣自性所出生、所有種種微妙、華香燈塗果樂、上獻上師三寶尊、惟願慈悲納受, nhân duyên tự tánh vốn sanh ra, vốn có các thứ mầu nhiệm, hoa hương đèn dầu quả nhạc, dâng cúng Thượng Sư Tam Bảo trên, cúi xin từ bi thương thọ nhận)” vốn thường được dùng trong các buổi lễ Cúng Ngọ hay trong đàn Lục Cúng Hoa Đăng (六供華燈), được tìm thấy trong Du Già Tập Yếu Thí Thực Nghi Quỹ (瑜伽集要施食儀軌, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1080), Tu Tập Du Già Tập Yếu Thí Thực Đàn Nghi (修習瑜伽集要施食壇儀, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1083) quyển Hạ, Du Già Diệm Khẩu Chú Tập Toản Yếu Nghi Quỹ (瑜伽燄口註集纂要儀軌, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1084) quyển Hạ, v.v.; Lục Cúng ở đây là hoa, hương, đèn, dầu, quả và âm nhạc. Như vậy, cho dầu định nghĩa về Lục Cúng có khác nhau đi chăng nữa, một số vật dâng cúng quan trọng không thể thiếu được như hoa quả, thức ăn, nước uống, đèn, hương, v.v. Như Mật Giáo giải thích về ý nghĩa và tầm quan trọng của 5 loại vật dâng cúng như sau:
(1) Hoa là tâm của chư Phật; khi hoa khai mở thì tượng trưng cho vạn đức mật vận (萬德密運, muôn đức âm thầm chuyển vận), là công đức viên mãn của chư Phật. Lấy hoa dâng cúng chư Phật tức là làm cho trang nghiêm tâm của chính mình.
(2) Hương là một loại thể giới tánh. Dùng hương dâng cúng các đấng Như Lai có nghĩa là trang nghiêm Giới Thể (戒體) của chính mình. Sự trang nghiêm của ngoại tướng kết hợp với sự trang nghiêm của nội tướng, hợp nhất thành trang nghiêm Năm Phần Pháp Thân.
(3) Đèn là ánh sáng chiếu soi của chư Phật, tức chính là trí tuệ nội tâm. Lấy hết thảy ánh sáng mà dâng cúng lên các đấng Như Lai thì sẽ được ánh sáng chiếu rọi khắp, ánh sáng cùng giao nhau, chiếu tận đến bờ bên kia của trí tuệ và hiển hiện công đức trang nghiêm của trí tuệ nội tâm.
(4) Trà bản nguyên là loại nước thanh tịnh, biểu thị cho Pháp Tánh (法性). Lấy trà dâng cúng Phật, tức là mười phương các đức Như Lai ứng hóa vào thân ta, dùng loại “nước thanh tịnh của Pháp Tánh” để trước rửa sạch khí bất tịnh của tự thân, biến thành Pháp Tánh Thân (法性身), Vô Cấu Thân (無垢身, thân không dơ bẩn) và trở thành trang nghiêm Pháp Tánh.
(5) Quả tượng trưng cho thức ăn, lấy sự viên mãn to lớn của thức ăn vi diệu biểu thị cho một loại viên thành. Loại Thiền ý có vị thù thắng như vậy, có nghĩa lý vô cùng thâm sâu; cho nên dâng cúng thức ăn và quy y chư Phật thì sẽ có được thiện quả, tượng trưng cho sự viên thành pháp vị. Đó là một loại “quả công đức trang nghiêm nội tâm.”
Trong Niệm Tụng Kết Hộ Pháp Phổ Thông Chư Bộ (念誦結護法普通諸部, Taishō Vol. 18, No. 904) có nêu một số câu thần chú khi dâng cúng các phẩm vật. Như Chơn Ngôn dùng cho hương đốt là: “Án bạt chiết la đỗ bệ a (唵跋折羅杜鞞阿).” Chơn Ngôn dùng cho rãi hoa là: “Án bạt chiết la bổ sắt bệ án (唵跋折羅補瑟鞞唵).” Chơn Ngôn dâng cúng đèn là: “Án bạt chiết la lô kế nễ (唵跋折羅盧計你).” Chơn Ngôn cho hương xoa là: “Án bạt chiết la kiền đề già (唵跋折羅犍提伽).” Trong Thánh Hạ Dã Hột Lí Phược Đại Uy Nỗ Vương Lập Thành Đại Thần Nghiệm Cúng Dường Niệm Tụng Nghi Quỹ Pháp Phẩm (聖賀野紇哩縛大威怒王立成大神驗供養念誦儀軌法品, Taishō Vol. 20, No. 1072A) có đoạn rằng: “Mỗi nhật thủ chủng chủng thời hoa tán đàn thượng, thiêu hương đồ hương đăng minh ẩm thực cập quả tử, gia trì phân bố tứ biên cúng dường, tùy lực sở biện trần thiết trang nghiêm, mỗi nhập đạo tràng kiền thành tác lễ, phát lộ sám hối tùy hỷ khuyến thỉnh hồi hướng phát nguyện (每日取種種時花散壇上、燒香塗香燈明飲食及果子、加持分布四邊供養、隨力所辦陳設莊嚴、每入道塲虔誠作禮、發露懺悔隨喜勸請迴向發願, mỗi ngày lấy các thứ hoa hiện thời rãi trên đàn, hương đốt, hương xoa, đèn sáng, thức ăn uống và bánh kẹo, gia trì phân chia bốn phía cúng dường, tùy sức bày biện, thiết trí trang nghiêm, mỗi khi vào đạo tràng thì chí thành đảnh lễ, phát lộ sám hối, tùy hỷ cung thỉnh, hồi hướng và phát nguyện).” Trong Pháp Giới Thánh Phàm Thủy Lục Đại Trai Phổ Lợi Đạo Tràng Tánh Tướng Thông Luận (法界聖凡水陸大齋普利道塲性相通論, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 74, No. 1498) quyển 4 có nêu rõ 6 loại điệp cho Lục Cúng là: “Lục cúng điệp, hương nhất, hoa nhất, quả nhất, đồ nhất, tiểu thực nhất, pháp bảo nhất (六供牒、香一、華一、果一、塗一、小食一、法寶一, sáu loại điệp dâng cúng gồm hương một tờ, hoa một tờ, quả một tờ, đồ thoa một tờ, thức ăn một tờ, pháp bảo một tờ).” Trong Ư Mật Sấm Thí Thực Chỉ Khái (於密滲施食旨槩, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1082) lại có đoạn rằng: “Nhiên chư Phật tức ngã Hóa Thân, cố Quan Âm, phóng quang dĩ thỉnh chư Phật dã, Phật chí tắc thân Lục Cúng dĩ cúng dường chi, thử Phổ Hiền hạnh dã (然諸佛卽我化身、故觀音、放光以請諸佛也、佛至則伸六供以供養之、此普賢行也, như vậy chư Phật là Hóa Thân của ta, cho nên đức Quan Âm phóng hào quang để thỉnh chư Phật; khi Phật đến thì bày sáu món cúng mà cúng dường Ngài, đây là hạnh của đức Phổ Hiền).” Đàn Lục Cúng trong lòng văn Sớ nêu trên là Lục Cúng Hoa Đăng (六供華燈), một trong bộ ba của nghi thức Chạy Đàn: Lục Cúng, Khai Tịch và Bạt Độ (hay Chẩn Tế). Múa Lục Cúng Hoa Đăng là một điệu múa cổ xưa của Phật Giáo do các vị sư Ấn Độ truyền vào Việt Nam. Sau khi du nhập vào xứ Đàng Trong tại Thuận Hóa-Phú Xuân, được các vị Tổ sư trong chốn Thiền môn xứ Huế tiếp thu và phát triển lên đến đỉnh cao nghệ thuật, điệu múa Lục Cúng Hoa Đăng từ đó trở thành là một loại hình âm nhạc đặc thù của Phật Giáo xứ Huế. Điệu múa này được diễn múa theo sáu lần dâng cúng; tương ứng với mỗi lần cúng là một lễ vật cúng dường lên đức Phật gồm: hoa, hương, đèn, trà, quả, nhạc. Vì vậy môi trường diễn xướng của điệu múa này luôn được trình diễn trong những hoàn cảnh đặc biệt như lễ An Vị Phật, lễ Lạc Thành Chùa hay lễ hội, vía Phật. Hình thức này cũng được thể hiện với ý nghĩa nguyện cầu cho những người đã khuất giải thoát oan khiên trong các trai đàn Chẩn Tế, Giải Oan Bạt Độ, v.v. Do đó, điệu múa Lục Cúng Hoa Đăng tồn tại với thời gian theo sự phát triển của văn hóa Phật Giáo Việt Nam. Đến thời vua Minh Mạng (1820-1840), Lục Cúng Hoa Đăng đã được tiếp thu và cải biên thành một loại hình âm nhạc cung đình, trở thành một điệu múa đặc sắc được lưu truyền cho đến ngày nay. Trong quá trình tiến hành Lục Cúng Hoa Đăng, có một số bài tán theo các điệu tán cổ xưa trong kho tàng âm nhạc Phật Giáo như tán trạo, tán rơi, tán xấp và có cả Thài—một điệu tán rất cổ xưa—để dâng cúng trong nghi lễ cúng Phật cũng như chư Tổ, như bài Nhân Duyên ở trên, hay bài La Liệt (羅列) được đề cập trong Tu Tập Du Già Tập Yếu Thí Thực Đàn Nghi (修習瑜伽集要施食壇儀, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1083) quyển Hạ: “La liệt hương hoa kiến bảo đàn, trùng trùng Phật cảnh nhất hào đoan, tâm dung diệu lí hư không tiểu, đạo khế chơn như pháp giới khoan, tướng hảo từ bi thu nguyệt mãn, hóa thân đằng xứ mộ vân phiền, hương yên đôi lí chiêm ứng hiện, vạn tượng sum la hải ấn hàm (羅列香花建寶壇、重重佛境一毫端、心融妙理虛空小、道契眞如法界寬、相好慈悲秋月滿、化身騰處暮雲繁、香煙堆裏瞻應現、萬象森羅海印含, la liệt hương hoa lập báu đàn, hàng hàng cảnh Phật sợi lông bằng, tâm thâu lí mầu hư không nhỏ, đạo hợp chơn như pháp giới tròn, tướng tốt từ bi trăng thu rọi, hóa thân khắp chốn mây chiều tan, trong làn mây khói chư Phật hiện, vạn pháp bao la biển trí hàm).” Hoặc bài Phật [Phù] Diện (佛面) được tìm thấy trong Du Già Tập Yếu Thí Thực Nghi Quỹ (瑜伽集要施食儀軌, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1080), Tu Tập Du Già Tập Yếu Thí Thực Đàn Nghi (修習瑜伽集要施食壇儀, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1083) quyển Thượng, Du Già Diệm Khẩu Chú Tập Toản Yếu Nghi Quỹ (瑜伽燄口註集纂要儀軌, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1084) quyển Thượng, v.v.: “Phật diện do như tịnh mãn nguyệt, diệc như thiên nhật phóng quang minh, viên quang phổ chiếu ư thập phương, hỷ xả từ bi giai cụ túc (佛面猶如淨滿月、亦如千日放光明、圓光普照於十方、喜捨慈悲皆具足, mặt Phật giống như trăng tròn lắng, cũng như ngàn trời tỏa hào quang, ánh sáng chiếu khắp cõi mười phương, hỷ xả từ bi thảy đầy đủ)”, v.v.
(s: ṣaḍ-gati, j: rokudō, 六道): hay còn gọi là Lục Thú (六趣), là 6 thế giới trong đó chúng sanh luân hồi lưu chuyển sanh tử do nghiệp nhân thiện ác mình đã từng tạo ra, gồm có:
(1) Địa Ngục (s, p: naraka, 地獄),
(2) Ngạ Quỷ (s: preta, p: peta, 餓鬼),
(3) Súc Sanh (s; tiryagoni, p: tiracchāna, 畜生),
(4) Tu La (s, p: asura, 修羅),
(5) Con Người (s: manuṣya, p: manussa, 人間) và
(6) Cõi Trời (s, p: deva, 天).
Cũng có truyền thuyết theo thứ tự Địa Ngục, Súc Sanh, Ngạ Quỷ và quan điểm gộp chung Tu La vào Địa Ngục để trở thành Ngũ Đạo (五道). Gati vốn phát xuất từ động từ √gam, nguyên ý là “sự đi, con đường”, được dịch là “đạo (道)” hay “thú (趣)”; tuy nhiên, trường hợp Lục Đạo thì có nghĩa là “cảnh giới, trạng thái sinh tồn”. Kết hợp với Tứ Sanh (四生), có dụng ngữ Lục Đạo Tứ Sanh (六道四生). Lục Đạo là tông thể phân loại về 4 hình thức sanh ra gồm thai sanh, thai sanh, thấp sanh và hóa sanh, từ đó nó bao quát hết toàn bộ tồn tại luân hồi. Luân hồi trong Lục Đạo được gọi là Lục Đạo Luân Hồi (六道輪廻). Từ khi Phật Giáo được truyền vào Trung Quốc dưới thời Hậu Hán, quan niệm về Luân Hồi và Lục Đạo được tuyên truyền rộng rãi trong xã hội nước này và trở thành tác động to lớn đối với người dân Trung Quốc vốn mang chủ nghĩa hiện thế trung tâm. Đặc biệt, sức mạnh báo động có hình ảnh Địa Ngục đã sản sinh ra những đồ hình biến tướng của Địa Ngục vốn miêu tả thảm cảnh ở cõi này, các Minh Báo Ký (冥報記) lưu truyền những câu chuyện bị đọa xuống Địa Ngục, hay văn học truyền khẩu, v.v; và tạo ảnh hưởng rộng rãi cho mỹ thuật cũng như văn học. Chính Đạo Giáo cũng lấy tư tưởng Lục Đạo của Phật Giáo để hình thành nên quan niệm Lục Đạo tương tợ như vậy. Hơn nữa, quan niệm cho rằng phạm tội ở đời này sẽ bị luân hồi trong Lục Đạo đã trở thành cơ duyên làm cho mọi người thức tỉnh về tội nghiệp của tự thân; cho nên, dưới thời đại Nam Bắc Triều, rất nhiều bản văn sám hối cầu nguyện cho tội lỗi tiêu trừ đã được sáng tác ra. Khi tư tưởng mạt pháp từ cuối thời Nam Bắc Triều cho đến thời Tùy Đường được quảng bá, niềm tin về đức A Di Đà Phật (阿彌陀佛), Địa Tạng (地藏), Quan Âm (觀音) cứu độ chúng sanh thoát khỏi cảnh khổ bị luân hồi trong Lục Đạo trở nên rất thịnh hành. Từ thời Ngũ Đại cho đến nhà Tống, trên các bức bích họa ở động Đôn Hoàng (敦煌) thỉnh thoảng xuất hiện hình Lục Đạo. Trong Thiên Thai Tông, tín ngưỡng về Lục Quan Âm (六觀音) được phối trí theo từng cảnh giới của Lục Đạo cũng khá phổ biến. Tại Nhật Bản, từ Lục Đạo, Địa Ngục, v.v., xuất hiện đầu tiên trong Nhật Bản Linh Dị Ký (日本靈異記, Nihonryōiki), nếu so sánh thì quan niệm về Lục Đạo rất lạc quan. Tuy nhiên, đến thế kỷ thứ 10, theo đà băng hoại của Chế Độ Luật Lịnh, trong những biến động và chiến loạn của xã hội, tư tưởng mạt pháp và quán sát vô thường càng mạnh hơn thêm; từ đó, quan niệm về Lục Đạo trở nên nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, trong phần Lục Đạo Giảng Thức (六道講式徃生) của bộ Vãng Sanh Yếu Tập (徃生要集, Ōjōyōshū) cũng như Nhị Thập Ngũ Tam Muội Thức (二十五三昧式), Nguyên Tín (源信, Genshin) có miêu tả về sự khủng khiếp của Lục Đạo và đã tạo ảnh hưởng khá lớn cho văn học cũng như mỹ thuật. Do đó, Bảo Vật Tập (寳物集, Hōbutsushū) nói về nỗi khổ của Lục Đạo và khai thị 12 cửa vãng sanh, Bình Gia Vật Ngữ (平家物語, Heikemonogatari) lấy sự sa thải của Lục Đạo trong Quán Đảnh Quyển (灌頂巻) để làm nội dung cho toàn quyển, hay Phương Trượng Ký (方丈記, Hōjōki) làm cho liên tưởng đến những nghiệp khổ trong ác đạo thông qua các thiên tai như hỏa tai, gió lớn, nghèo đói, động đất, v.v., đều là những tác phẩm có ảnh hưởng sâu đến tư tưởng Lục Đạo. Mặt khác, từ giữa và cuối thời Bình An trở đi, các bức tranh bình phong cũng như tranh vẽ về Lục Đạo được phổ biến rộng rãi. Hiện còn lại một số tác phẩm tiêu biểu như Địa Ngục Thảo Chỉ (地獄草紙, Jigokusōshi), Ngạ Quỷ Thảo Chỉ (餓鬼草紙, Gakisōshi), Bệnh Thảo Chỉ (病草紙, Yamaisōshi), v.v., thuộc hậu bán thế kỷ 12. Hơn nữa, vào thời kỳ biến động và chiến loạn, tín ngưỡng về Lục Quan Âm cũng như Địa Tạng phát triển rộng khắp. Đặc biệt, Địa Tạng được gọi là “bậc có thể hóa độ chốn Lục Đạo”, đến thế kỷ thứ 11 thì tín ngưỡng Lục Địa Tạng cho rằng ngài có mặt khắp các cõi để cứu độ hết thảy chúng sanh, được hình thành. Đến cuối thời Liêm Thương trở đi, kết hợp với Thần Tạ Ơn, Thần Tổ Đạo, tại các ngã tư đường cũng như cửa vào mộ địa, người ta có đặt 6 bức tượng Địa Tạng. Những ngã tư như vậy được xem như là nơi người chết phân chia theo sáu đường, cho nên có tên gọi là “Ngã Tư Lục Đạo”. Như trong Phật Thuyết Dự Tu Thập Vương Sanh Thất Kinh (佛說預修十王生七經, CBETA No. 21) có câu: “Bi tăng phổ hóa thị uy linh, Lục Đạo luân hồi bất tạm đình, giáo hóa yếm khổ tư an lạc, cố hiện Diêm La Thiên Tử hình (悲增普化示威靈、六道輪迴不暫停、敎化厭苦思安樂、故現閻羅天子形, buồn thêm hóa độ hiện oai linh, sáu nẻo luân hồi chẳng tạm dừng, giáo hóa bỏ khổ vui an lạc, nên hiện Diêm La Thiên Tử hình).”
(s: pañcendriyāni, 五根): tức Năm Căn Vô Lậu (無漏五根), dùng để hàng phục phiền não, đưa vào Thánh đạo và có tác dụng tăng thượng, thuộc trong 37 phẩm trợ đạo, gồm có:
(1) Tín Căn (s: śradhendriya, 信根): niềm tin vào Tam Bảo, đạo lý Tứ Đế (s: catur-ārya-satya, p: catu-ariya-sacca, 四諦), v.v.;
(2) Tấn Căn (s: vīryendriya, 進根): hay còn gọi là Tinh Tấn Căn, siêng năng dũng mãnh tu các pháp lành;
(3) Niệm Căn (s: smṛtīndriya, 念根): nghĩ nhớ đến các pháp đúng;
(4) Định Căn (s: samādhīndriya, 定根): năng lực khiến cho tâm dừng lại một chỗ, không bị tán loạn; và
(5) Tuệ Căn (s: prajñendriya, 慧根): nhờ có định mà trí tuệ quán xét sanh khởi, cho nên biết được như thật chân lý.
Năm pháp này là căn bản thường khiến cho sanh khởi hết thảy các thiện pháp.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.190.153.171 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập