Abhidhammattha Saṅgaha
Vi Diệu
Pháp Toát Yếu
Nārada Mahā Thera
Phạm Kim Khánh dịch
|
||||||||||||||||||||||||
Lời mở đầu Năm chương đầu của sách Abhidhammattha Saṅgaha (Vi Diệu Pháp Toát Yếu) đề cập đến 89 và 121 loại tâm vương, 52 tâm sở, những tiến trình tâm khác nhau trong đời sống và vào lúc tái sanh, 31 cảnh giới sinh tồn và phương thức phân hạng Kamma (Nghiệp). Hiểu theo một lối, những đề tài nầy hợp thành đầy đủ một quyển. Bốn chương còn lại đề cập đến Rūpa (Sắc), Nibbāna (Niết Bàn), Paṭicca-Samuppāda (Ðịnh Luật Tùy Thuộc Phát Sanh, hay Thập Nhị Nhân Duyên), Paṭṭhāna Naya (Duyên Hệ Tương Quan), Những Phân Loại Thiện Và Bất Thiện Pháp, Trau Giồi Tâm, Thanh Tịnh Ðạo, và Những Chứng Ðắc Cao Thượng. Chương thứ sáu cốt yếu dành riêng cho Rūpa (Sắc) và Nibbāna (Niết Bàn). Hai mươi tám loại Sắc được liệt kê. Sắc là gì, phát sanh như thế nào, tồn tại và hoại diệt như thế nào cũng được giải thích. Rūpa (Sắc) là Paramattha (Chân Ðế) thứ ba được đề cập đến trong Abhidhamma (Vi Diệu Pháp), và cũng là một trong hai thành phần cấu thành cái được gọi là chúng sanh -- thành phần kia là Nāma (Danh). Cũng như phần tâm linh, Nāma (Danh), phần cơ thể vật chất, Rūpa (Sắc) cũng đuợc phân tách tỉ mỉ. Nhưng không có một định nghĩa hợp lý cho danh từ Rūpa (Sắc) trong Kinh Ðiển cũng như trong những Chú Giải. Chữ Rūpa do căn "rup", là tan vỡ, phân tán hay hoại diệt (nāsa). Theo sách Vibhāvini Tīkā, Rūpa là cái gì thay hình đổi dạng, hay có một hình thể khác do ảnh hưởng của những điều kiện vật lý nghịch chiều như nóng, lạnh v.v... (sītoṇhādi virodhippaccayehi vikāraṁ āpajjati). Theo quan điểm Phật Giáo, Sắc không những luôn luôn biến đổi mà cũng hoại diệt (khaya, vaya). Sắc chỉ tồn tại trong mười bảy chặp tư tưởng, hay sát-na tâm. Rūpa (Sắc) biến đổi nhanh chóng đến đổi ta không thể gỏ hai lần đúng ngay vào một nơi. Rūpa (Sắc) cũng đuợc giải thích là cái gì tự biểu hiện (căn "rup" -- pakāsane). Các nhà học giả có những gợi ý khác nhau về ý nghĩa của chữ Rūpa. Danh từ nầy thường đuợc phiên dịch là "hình tướng", "thân thể", "phần vật chất", "cơ thể vật chất" v.v... Những ý nghĩa khác nhau, tùy theo đoạn văn. Không có một nghĩa đặc biệt đúng cho tất cả mọi trường hợp. Ðứng về quan điểm triết học, "phần vật chất", hay "sắc", có ý nghĩa gần nhất với danh từ Rūpa, mặc dầu các nhà khoa học cũng thấy khó mà tìm ra một định nghĩa chính xác. Nên ghi nhận rằng lý thuyết về nguyên tử cũng thạnh hành ở Ấn Ðộ vào thời Ðức Phật. Paramānu là một danh từ tương đương với chữ "nguyên tử" thời hiện đại. Theo sự tin tưởng thời bấy giờ, một rathareṇu gồm 36 tajjāris; một tajjāri bằng 36 aṇus; một aṇu bằng 36 paramāṇus. Một hột bụi tý ty vởn vơ trong làn ánh sáng được gọi là ratheraṇu. Như vậy, một paramāṇu bằng 1/46,656 phần của một rathareṇu. Paramāṇu nầy đuợc xem như không thể còn phân chia được nữa. Với nhãn quan siêu thường của một vị Phật, Ðức Thế Tôn phân tách cái gọi là paramāṇu ấy và tuyên ngôn rằng nó bao gồm những paramatthas (chân đế) -- đơn vị cùng tột, không còn có thể bị phân chia thêm nữa. Những chân đế nầy là paṭhavi, āpo, tejo, và vāyo. Không nên hiểu rằng những nguyên tố nầy là đất, nước, lửa và gió thông thường, như vài tư tưởng gia Hy Lạp thời xưa đã tin như vậy. Paṭhavi, đất, là nguyên tố của vật chất có đặc tính duỗi ra, bản thể của vật chất. Nếu không có nguyên tố nầy vật thể không thể chiếm không gian. Tính chất cứng hay mềm, thuần túy tương đối, là hai điều kiện của nguyên tố cá biệt nầy. Có thể nói rằng nguyên tố nầy nằm trong đất, nước, lửa và trong gió. Thí dụ như nước ở phần dưới nâng đỡ nước ở phần trên. Chính nguyên tố có đặc tính duỗi ra nầy, hợp với nguyên tố có đặc tính di động (vāyo) tạo nên áp lực đẩy lên, nâng đỡ phần nước ở trên. Nóng hay lạnh là tejo, nguyên tố lửa. Tính chất lỏng là āpo, nguyên tố nước. Āpo, nước, là nguyên tố có đặc tính làm dính liền. Không giống như paṭhavi, ta không thể cảm nhận nguyên tố nầy bằng giác quan. Ðây là thành phần làm dính liền những phần tử rời rạc của vật thể, và làm khởi sanh ý niệm hình thể. Khi một vật ở thể đặc chảy ra thì thành phần nước (āpo) trong chất lỏng ấy trở nên trội hơn. Khi một vật ở thể đặc bị phân tán thành bụi, trong mỗi hột bụi tí ti cũng có chứa đựng thành phần nước. Thành phần có đặc tính duỗi ra (đất) liên quan rất mật thiết với thành phần có đặc tính làm dính liền (nước) đến độ khi thành phần nầy chấm dứt thành phần kia cũng tiêu tan. Tejo, lửa, là nguyên tố nóng trong vật chất. Lạnh cũng là một hình thức của tejo (lửa). Cả hai, nóng và lạnh, đều được hàm xúc trong thành phần "lửa" vì cả hai đều có năng lực làm cho vật chất trở nên chín mùi. Nói cách khác, tejo, nguyên tố lửa, tạo sinh lực cho vật chất. Vật chất được bảo tồn hay bị hư hoại đều do nguyên tố nầy. Không giống như ba nguyên tố khác trong "tứ đại", nguyên tố nầy có năng lực làm cho vật chất tự mình hồi sinh. Vāyo, nguyên tố gió, có đặc tính di động, không thể tách rời ra khỏi tejo, lửa. Chính thành phần gió (vāyo) trong vật chất tạo sự vận chuyển và được xem là năng lực làm phát sanh nhiệt độ. "Sự di động và nhiệt độ trong phạm vi vật chất tương đương với tâm và nghiệp báo trong phạm vi tinh thần". Tứ Ðại -- bốn nguyên tố đất, nước, lửa, gió -- luôn luôn dính liền nhau, không thể tách rời, nhưng trong một loại vật chất, thành phần nầy có thể trội hơn những thành phần khác, thí dụ như trong đất thành phần paṭhavi trội hơn, trong nước āpo trội hơn, trong lửa tejo, và trong gió vāyo trội hơn. Bốn nguyên tố nầy cũng được gọi là Mahābhūtas, Tứ Ðại Chánh Yếu bởi vì luôn luôn có mặt trong tất cả những hình thể vật chất, từ tế bào cực nhỏ đến thiên thể khổng lồ. Tùy thuộc nơi bốn thành phần chánh yếu ấy có bốn chuyển hóa là vaṇṇa (màu sắc), gandha (hương), rasa (vị) và ojā (tinh chất dinh dưỡng). Những năng lực và tánh chất cùng dính liền với nhau nầy hợp thành nhóm vật chất gọi là "Suddhaṭṭhaka Rūpa kalāpa -- nhóm tám-thành-phần-sắc". Hai mươi loại nguyên tố vật chất (sắc) còn lại cũng rất quan trọng. Nên ghi nhận rằng nguyên lý của đời sống vật chất (rūpa jīvindriya, mạng căn) và tánh nam hay tánh nữ của một chúng sanh cũng do Kamma (Nghiệp) tạo điều kiện. Nên phân biệt rõ ràng sức sống của những vật vô cơ, vô tri giác, và đời sống của những chúng sanh hữu tri hữu giác. Sự kiện nói rằng rūpas, sắc hay vật chất, phát sanh theo bốn phương cách như nghiệp, tâm, hiện tượng thời tiết, và vật thực, sẽ là một ý niệm mới mẻ cho những tư tưởng gia hiện đại. Tất cả bốn căn nguyên nầy, phần lớn nằm trong khả năng kiểm soát của ta. Ðến một mức độ nào chúng ta chịu trách nhiệm về việc tạo nên những hiện tượng vật chất xảy đến cho chính mình, dầu đáng được ưa thích hay không. Ðể hợp thành đặc tính vật chất của một người, các khuynh hướng nghiệp báo tích trữ mà người ấy tạo nên trong những kiếp sống quá khứ đôi khi có vai trò quan trọng hơn là những tế bào và những chủng tử truyền thống của cha mẹ, Ðức Phật chẳng hạn, đã thọ nhận những tế bào và những chủng tử do cha mẹ truyền thừa, như tất cả mọi người. Nhưng từ ông cha nhiều đời trong gia tộc quý phái của Ngài, không ai có thể so sánh với Ngài về phần vật chất. Chính Ðức Phật đã tuyên ngôn rằng Ngài không thuộc về huyết thống nhà vua mà về dòng dõi chư Phật. Quả thật Ngài là bậc siêu nhân, được tạo nên một cách kỳ diệu do Nghiệp lực mà chính Ngài đã dày công huân tập. Theo kinh Lakkhana Sutta, Dīgha Nikāya, Trường A Hàm số 30, Ðức Phật thừa hưởng những đặc tướng phi thường như 32 tướng tốt. Ấy là quả lành của bao nhiêu công đức mà Ngài đã tạo trong vô số kiếp. Bài kinh giải thích rành mạch nghiệp lành nào đã là nhân đưa đến hảo tướng nào. Trong chương thứ sáu, chỉ có một vài hàng đề cập đến chân đế thứ tu -- Niết Bàn, mục tiêu cứu cánh của Phật Giáo. Nhưng đường đến Niết Bàn thì được mô tả với nhiều chi tiết ở chương thứ chín. Chương thứ bảy liệt kê tất cả trạng thái có tánh cách đạo đức và phân hạng làm nhiều nhóm khác nhau. Hai giáo huấn thâm sâu nhất trong Phật Giáo có tánh cách triết học là Paṭicca-Samuppāda (Ðịnh Luật Tùy Thuộc Phát Sanh, hay Thập Nhị Nhân Duyên) và Paṭṭhāna (hai mươi bốn Duyên Hệ Tương Quan) được mô tả trong chương tám. Chương cuối cùng quan trọng nhất và cũng là hứng thú và đáng chú ý nhất, vì chương nầy bàn thảo về pháp Trau Giồi Tâm (bhāvanā), tức thiền tập, và Giải Thoát, phần nòng cốt của Phật Giáo. Ðể thấu hiểu những điểm phức tạp của Vi Diệu Pháp ta nên nhẫn nại, thận trọng đọc đi và đọc lại nhiều lần tập Abhidhammattha Saṅgaha, Vi Diệu Pháp Toát Yếu, và suy gẫm sâu sắc phần giáo lý thâm diệu trong đó. Người thấu hiểu Vi Diệu Pháp sẽ có thể lãnh hội Lời Dạy của Ðức Phật và do đó chứng ngộ mục tiêu cùng tột. -ooOoo- CHƯƠNG VI RŪPA-SAṄGAHAVIBHĀGO
1. Ba chương đầu đề cập đến các loại tâm vương và tâm sở khác nhau một cách chính xác và giản lược mô tả. 2. Chương thứ tư dành cho bảy tiến trình tâm trong đời sống, và chương thứ năm cho những cảnh giới khác nhau và tiến trình tâm lúc chết và lúc tái sanh. 3. Samuddesa, Liệt Kê, tức là trình bày vắn tắt về sắc. 4. Vibhāga, Phân Loại, tức là phân tách sắc pháp. 5. Samuṭṭhāna, tức hiện tượng sanh khởi của những phần khác nhau cấu thành sắc pháp, như mười-thành-phần-mắt v.v... khởi sanh do Nghiệp, tâm, hiện tượng thời tiết, và vật thực. 6. Kalāpa, những tổng hợp cấu thành sắc pháp, như mười-thành-phần-thân, mười-thành-phần-tánh nam nữ v.v... 7. Pavattikkama -- tức là sắc pháp phát sanh như thế nào tùy theo cảnh giới sinh tồn, thời gian, và hạng chúng sanh. 8. Mahābhūtāni, Tứ Ðại. Theo nghĩa từng chữ, là những gì trở nên lớn. Bốn Ðại Chánh Yếu là những thành phần căn bản của sắc pháp, luôn luôn dính liền, không thể tách rời nhau. Mọi vật thể, từ vi tế nhất đến vật to lớn nhất, đều do bốn nguyên tố có đặc tính cá biệt ấy hợp thành. 9. Upādāya-rūpāni, Chuyển Hóa Của Sắc. Ðặc tính chuyển hóa, hay đặc tính phụ thuộc của sắc pháp tùy theo Bốn Ðại. Như đất là những Chánh Yếu; chuyển hóa giống như cây cối từ đó mọc lên. Hai mươi bốn sắc pháp còn lại được xem là Chuyển Hóa. 10. Paṭhavi-dhātu, Nguyên Tố Ðất. Phạn ngữ dhātu có nghĩa là cái gì mang những dấu hiệu cá biệt của mình. Nguyên tố là danh từ tương đương gần nhất của chữ dhātu. Paṭhavi-dhātu, theo nghĩa đen là nguyên tố đất. Ðược gọi như vậy vì cũng như đất, nguyên tố nầy có tác dụng nâng đỡ, làm nền tảng cho ba nguyên tố khác đồng sanh khởi. Paṭhavi (saṁskrt: prṭhvi), cũng được viết là pathavi, puthavi, puthuvi, puṭhuvi -- phát nguyên từ căn "puth", có nghĩa nới rộng ra, dãn ra, hay duỗi ra. Ðến đây, mặc dầu không mấy là viên mãn lắm, danh từ gần nhất với paṭhavi-dhātu là "nguyên tố có đặc tính duỗi ra". Nếu không có nguyên tố nầy, một vật không thể choán không gian. Tánh chất cứng và mềm là đặc tính của nguyên tố nầy. 11. Āpo-dhātu, Nguyên Tố Nước. Theo nghĩa từng chữ, là nguyên tố có đặc tính lỏng. Āpo phát nguyên từ căn "ap", đến, hay từ "ā" + căn "pāy" là lớn lên, trưởng thành. Ðây là "nguyên tố có đặc tính làm dính liền". Theo Phật Giáo, chính nguyên tố nầy làm dính liền những phần tử khác nhau của sắc pháp và như thế, ngăn ngừa không để những phần tử kia rời rạc. Lỏng và rỉ chảy là đặc tính của nguyên tố nầy. Nên hiểu rằng lạnh không phải là đặc tính của nguyên tố nước. 12. Tejo-dhātu, Nguyên Tố Lửa. Theo nghĩa đen, là nguyên tố lửa, được giải thích là "nguyên tố có đặc tính nóng". Danh từ tejo phát nguyên từ căn "tij", làm cho sắc bén, chín mùi. Sự vật tươi tắn hay chín mùi đều do nguyên tố nầy. Nóng và lạnh đều là đặc tính của tejo. Tejo cao độ là nóng, tejo dịu dàng, ở độ thấp, là lạnh. Không nên hiểu rằng lạnh là đặc tính của āpo (nước), và nóng là đặc tính của tejo (lửa), bởi vì trong trường hợp đó, cả hai nóng và lạnh cùng ở chung, vì āpo và tejo cùng tồn tại chung. 13. Vāyo-dhātu, Nguyên Tố Gió. Theo nghĩa đen là nguyên tố gió, được giải thích là "nguyên tố có đặc tính di động". Danh từ vāyo phát nguyên từ căn "vāy", di động, rung động. Có sự di động, rung động, lung lay và áp lực đều do nguyên tố nầy. 14. Pasāda-rūpa, Phần Nhạy Của Sắc Pháp. Phần nhạy của năm giác quan -- mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân. Phần nhạy nầy có khuynh hướng làm sáng các phần sắc khác trong giác quan. Thí dụ như cái mà thông thường ta gọi con mắt, sasambhāra cakkhu, là sự hổn hợp những hiện tượng khác nhau của sắc pháp, bao gồm bốn bhūtarūpas (tứ đại), bốn ūpādārūpas (chuyển hóa -- tức màu, mùi, vị, và sinh lực) và jīvitindriya (mạng căn). Phần nhạy, nằm ở giữa con ngươi và làm cho ta thấy sự vật là cakkhu-pasāda. Ðó là nền tảng của sự thấy (cakkhu-viññāṇa, nhãn thức) và trở thành phương tiện cho tiến trình ý thức của nhãn môn (cakkhu-dvāravīthi). Ý muốn thấy có khuynh hướng làm phát triển nhãn quan. Vậy, mắt gồm mười hiện tượng của sắc pháp trong đó pasāda, đặc tính nhạy, là một. Phần nhạy (pasāda-rūpa) của các giác quan khác phải được hiểu cùng một thế ấy. Pasāda-rūpa, phần nhạy, của tai, mũi, và lưỡi nằm giữa các bộ phận ấy; kāyapasādarūpa, phần nhạy của thân, tràn lan khắp châu thân ngoại trừ tóc, móng tay, móng chân, và trong lớp da chết khô. 15. Gocararūpa, Trần Cảnh. Những hiện tượng của sắc pháp làm đối tượng cho giác quan, tức trần cảnh, tác động như hỗ trợ làm khởi sanh sự hay biết của giác quan tương ứng. 16. Rūpa, Sắc. Danh từ bao hàm cả hai, màu sắc và hình tướng. 17. Phoṭṭhabba, Xúc Vì trong sắc pháp, nguyên tố có đặc tính làm dính liền (āpo, nước) quá tế nhị nên ngũ quan không thể cảm nhận. Chỉ có ba nguyên tố kia của Tứ Ðại -- tức đất, lửa, và gió -- được xem là xúc, phoṭṭhabba, tức giác quan có thể cảm nhận. Thí dụ như trong nước, đặc tính lạnh là tejo, lửa, mềm dịu là paṭhavi, đất, và có sức nặng đè xuống, hay áp lực, là vāyo, gió. Ta không thể sờ đụng āpo, nguyên tố làm dính liền. Xem Compendium, trang 155, ghi chú số 6. 18. Itthattaṁ purisattaṁ, Tánh Nam hay Tánh Nữ. Cũng được gọi itthindriyaṁ, purisindriyaṁ, là danh từ chung được thâu gọn dưới hình thức bhāvarūpa, trạng thái do đó nam tính và nữ tính được phân biệt. 19. Hadayavatthu, Ý Căn. Bộ Dhammasaṅgani không đề cập đến sắc pháp nầy. Trong sách Atthasālīni, danh từ hadayavatthu đuợc giải thích là cittassa vatthu, căn cứ từ nơi đó tâm phát sanh. Rõ ràng Ðức Phật không nhất quyết chỉ nơi nào là căn môn của tâm như Ngài đã chỉ rõ khi đề cập đến các giác quan khác. Vào thời của Ngài, phần đông người ta tin rằng quả tim là ý căn và thuyết nầy hiển nhiên được kinh Upanishads hỗ trợ. Nếu muốn, Ðức Phật đã chấp nhận lý thuyết rất phổ thông thời bấy giờ ấy, nhưng Ngài không nói đến. Trong bộ Paṭṭhāna, bộ sách đề cập đến Duyên Hệ Tương Quan, Ngài nhắc đến căn cứ của thức (ý căn) bằng những danh từ gián tiếp như "yaṁ rūpaṁ nissāya" "tùy thuộc nơi sắc pháp ấy", mà không quả quyết xác nhận rūpa (sắc) ấy là trái tim (hadaya) hay bộ não. Nhưng theo quan niệm của các nhà chú giải như Ngài Buddhaghosa và Anuruddha, thì ý căn nhất định là tim. Nên hiểu biết rằng Ðức Phật không hề chấp nhận hoặc bác bỏ lý thuyết rất phổ thông vào thời xa xưa ấy, cho rằng ý căn là tim. Xem Compendium trang 156 và trang 277. 20. Jīvitindriya, Mạng Căn. Có sự sống trong cả hai, danh pháp và sắc pháp. Ðời sống tâm linh, danh mạng căn, vốn là một trong 52 tâm sở (cetasikas), và đời sống vật lý, sắc mạng căn, vốn là một trong 28 sắc pháp, là những hiện tượng chánh yếu của cái gọi là chúng sanh. Danh mạng căn là một trong bảy tâm sở phổ thông, và sắc mạng căn kết hợp với hầu hết những nhóm sắc, ngoại trừ cơ thể người chết. Ðồng thời, khi thức tái sanh khởi phát, sắc mạng căn cũng khởi phát cùng một lúc với nhóm sắc pháp sơ khởi. Jīvita (sự sống) được xem là indriya (khả năng) vì nó ảnh hưởng mạnh mẽ và tạo sức sống đến những phần tử khác đồng phát sanh. 21. Kabalīkāro Āhāro, Vật Thực. Ðược gọi như vậy vì vật thực thô sơ được đem vào bằng cách làm thành miếng ăn nhỏ. Nơi đây āhāra có nghĩa là sức dinh dưỡng (ojā) để nuôi cơ thể vật chất. Trong câu tuyên ngôn, "sabbe sattā āhāraṭṭhitikā", tất cả chúng sanh đều sống nhờ vật thực, danh từ āhāra có nghĩa là một trợ duyên (paccaya), hay điều kiện. 22. Mười Tám . 23. 4 + 5 + 4 (ngoại trừ xúc)+ 2 + 1 + 1 +1= 18. 23. Sabhāvarūpa -- Ðặc Tính Cố Hữu Của Sắc Pháp. Theo những đặc tính cố hữu của nó -- tức đối với chính những đặc tính cá biệt của nó, như cứng, lỏng v.v... 24. Salakkhaṇarūpa -- Ðặc Tướng Của Sắc Pháp. Theo những đặc tướng tiêu biểu của nó. Gọi như vậy bởi vì những hiện tượng nầy phát sanh với những đặc tướng cố hữu vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anattā). 25. Nipphannarūpa -- Ðược Tạo Nên Do Nhân Duyên. Tức do Nghiệp, tâm v.v... tạo nên. 26. Rūparūpa -- Luôn Luôn Biến Ðổi. Ở đây chữ rūpa đầu được dùng theo ngữ nguyên, có nghĩa là đặc tính biến đổi, giống như trong câu Pāli dukkha-dukkha. 27. Sammasanarūpa -- Thích Nghi Ðể Ðược Suy Niệm. Bởi vì có thể giúp ta dùng nó như đối tượng để suy niệm, hay đề mục quán chiếu, nhằm phát triển tuệ minh sát. 28. Ākāsadhātu -- Nguyên Tố Không Gian. Theo các nhà chú giải Tích Lan (Sri Lanka) danh từ ākāsa xuất nguyên từ "ā" + căn "kas", cày. Bởi vì không thể cày như trên đất nên gọi không gian là ākāsa. Theo Saṁskrt, ākāsa phát nguyên từ "ā" + căn "kās", có nghĩa thấy, nhận ra. Theo Ngài Ledi Sayadaw, chữ nầy xuất nguyên từ "ā" + căn "kās", có nghĩa sáng chói, xuất hiện. Ākāsa, không gian, vốn tự nó là hư không. Và như vậy, là vĩnh cửu, trường tồn. Ākāsa là một nguyên tố, cũng gọi không giới, trong ý nghĩa là một nijjīva, không có thực thể, không phải như một nguyên tố "sống" như bốn Ðại Chánh Yếu. Khi được kể là một trong 28 sắc pháp, ākāsa không có nghĩa là lớp không gian rộng lớn bên ngoài, mà là không gian bên trong, phân giới hạn chia những nhóm sắc pháp với nhau. Vì lẽ ấy Abhidhamma (Vi Diệu Pháp) xem là paricchedarūpa, phân giới hạn. Mặc dầu ākāsa, không gian, không phải là một đối tượng có thực thể, nhưng vì nó kết hợp với tất cả những sắc pháp phát sanh do bốn phương cách, Vi Diệu Pháp dạy rằng cùng một thế, không gian cũng được tạo nên do bốn nhân duyên như Nghiệp, tâm, hiện tượng thời tiết và vật thực. Ðồng thời với sự phát sanh và hoại diệt của những sắc pháp được tạo nên do nhân duyên, ākāsa rūpa (sắc pháp không gian) cũng phát sanh và hoại diệt cùng lúc. Xem Compendium, trang 226. 29. Viññatti -- Những Hiện Tượng Truyền Cảm. Là phương tiện do đó người ta có thể truyền cảm tư tưởng với nhau, người nầy có thể hiểu biết ý định của người kia. Có hai cách truyền thông, là kāyaviññatti, biểu lộ bằng thân, tức truyền cảm bằng hành động, và vacīviññatti, biểu lộ bằng lời nói. Kāyaviññatti, thân biểu, phát nguyên do tâm (cittaja) tạo nên nguyên tố gió (vāyodhātu, có đặc tính di động) đưa đến hành động bằng thân. Vacīviññatti, ngữ biểu, phát nguyên do tâm tạo nguyên tố đất (paṭhavi- dhātu). Thời gian tồn tại của một viññatti chỉ là một chặp tư tưởng, hay sát-na tâm. 30. Vikārarūpa -- Tánh Cách Biến Ðổi Của Sắc Pháp. 31. Lahutā -- Ðặc Tính Nhẹ Của Sắc Pháp. Chỉ sức khỏe của cơ thể vật chất, và được ví như một thanh sắt nóng suốt ngày. 32. Mudutā -- Mềm Dịu. Như một tấm da được đập và nhồi đầy đủ. 33. Kammaññatā -- Nhu Thuận. Nghịch nghĩa với sự cứng rắn của thân, được ví như một khối vàng đã được nhồi nắn nhuyển. 34. Lakkhaṇarūpa -- Ðặc Tướng Của Sắc Pháp. Ðược gọi như vậy vì sắc pháp có nhiều đặc tướng cá biệt trong những giai đoạn khác nhau như sanh (upāda), trụ (ṭhiti), và diệt (bhaṅga). Upacaya có nghĩa là sự chồng chất sơ khởi, hay sự phát sanh sơ khởi, ở đây gọi là sự khởi sanh. Trong chữ upacaya, "upa" được dùng trong nghĩa "đầu tiên". Sự khởi sanh của ba thập pháp -- mười-thành-phần thân, mười-thành-phần-pháp, và mười-thành-phần-giới (kāyadasaka, bhāva-dasaka, vatthudasaka) ngay lúc được thọ thai vào lòng mẹ. Sự khởi sanh kế tiếp của ba thập pháp, từ giai đoạn tịnh của thức tái sanh xuyên qua kiếp sống, được xem như sự liên tục (santati). Cả hai, upacaya (khởi sanh) và santati (liên tục) được xem là jāti, sự sanh. Hai danh từ nầy khác nhau ở điểm upacaya là bước sơ khởi của tiến trình sắc pháp, còn santati là sự liên tục lặp đi lặp lại cũng tiến trình sắc pháp ấy. Như vậy con số các sắc pháp là 27, thay vì 28. Thời gian tồn tại của một sắc pháp thông thường được xem là 17 chặp tư tưởng [1]. Chặp đầu tiên là upacaya, chặp cuối cùng là aniccatā, 15 chặp ở khoảng giữa là jaratā. Aniccatā là sự phân tán của sắc pháp. Một cách chính xác, chỉ có ba lakkhaṇarūpas (đặc tướng của sắc pháp) là sanh, hoại và diệt. Aniccatā đồng nghĩa với maraṇa (chết). Suốt khoảng cách giữa sanh và tử là sự trưởng thành, trụ, hay hoại diệt. Ngoại trừ năm sắc pháp -- tức hai viññatti, jāti, jarā, và aniccatā -- tất cả 23 sắc pháp còn lại tồn tại 17 chặp tư tưởng, hay sát-na tâm. Ghi chú: Rūpavibhāgo
35. Ahetukaṁ, Không Nhân. Bởi vì các sắc nầy không kết hợp với những căn lobha, dosa (tham, sân) v.v... 36. Sappaccayaṁ, Có Duyên Hệ. Bởi vì nó liên quan đến những nhân: Kamma, citta, utu, và āhāra (Nghiệp, tâm, điều kiện thời tiết và vật thực). 37. Sāsavaṁ, Có Hoặc Lậu. Bởi vì nó là đối tượng của Dục Vọng 38. Saṅkhataṁ, Ðược Cấu Tạo. Sắc pháp hiện hữu do duyên sanh, tức hữu vi. Ðược cấu thành do bốn nguyên nhân: Nghiệp, tâm, thời tiết, và vật thực. 39. Lokiyaṁ, Tại Thế. Thuộc về thế gian, bởi vì liên kết với thế gian Ngũ Uẩn Thủ (pañcupādānakkhandhaloka, chấp thủ vào năm uẩn). Không có sắc xuất thế. 40. Kāmāvacaraṁ, Thuộc Về Dục Giới. Bởi vì nằm trong phạm vi của ngũ trần. 41. Anārammaṇaṁ, Không Có Ðối Tượng. Bởi vì tự chính nó không thể tri giác đối tượng. Chính tâm tri giác đối tượng xuyên qua giác quan. Sắc pháp, rūpa, tác hành như đối tượng. 42. Appahātābbaṁ, Không Thể Bị Loại Trừ. Bởi vì không có sự tuần tự loại trừ các sắc pháp như loại trừ những khát vọng. Danh từ nầy không hàm xúc ý nghĩa cho rằng sắc pháp "không thể bị hủy diệt" vì sắc pháp vẫn bị định luật vô thường chi phối. 43. Ajjhattikaṁ, Cá Nhân. Sắc pháp ở bên trong, thuộc về hạng gọi là cá nhân. Năm giác quan có phần nhạy rất cần thiết cho một chúng sanh. Nếu không có những bộ phận nầy chúng sanh trở thành vô tri vô giác như một khúc gỗ. 44. Tức là nó có tác dụng như cứ điểm của thức, ý căn. 45. Các sắc pháp tác hành như căn môn cho những hành động thiện và bất thiện, cho tâm và tâm sở, cho hành động và lời nói. 46. Indriyarūpaṁ, Khả Năng Kiểm Soát Sắc Pháp. Ðược gọi như vậy vì trong mỗi phạm vi tương ứng nó có năng lực kiểm soát. Thí dụ như con mắt thịt, được cấu thành do mười sắc pháp; nhưng chính phần nhạy của mắt, hay nhãn quan (cakkhupasādarūpa) kiểm soát chín phần còn lại. Những phần nhạy của tai, mũi, lưỡi v.v... phải được hiểu cùng một thế ấy. Nam tánh hay nữ tánh kiểm soát trạng thái nam hay nữ. Cũng như vị thuyền trưởng trên một chiếc tàu, chính sắc mạng căn kiểm soát các sắc pháp. 47. Oḷārikaṁ, Thô. Bởi sự quan trọng của nó về cả hai phương diện, chủ quan và khách quan. Ðược xem là santike (gần), vì tánh cách thọ cảm của nó. Do đặc tánh "thô" và "gần" cả hai, giác quan nhạy và đối tượng của giác quan, chạm vào nhau. Vì lẽ ấy được gọi là sappaṭigha, theo nghĩa đen là "đụng chạm với nhau". Xem Compendium, trang 159, chú giải số 4. 48. Upādinnaṁ, Bám Chặt. Tham ái và tà kiến bám chặt vào 18 loại sắc pháp đầu tiên sanh khởi do Nghiệp. 49. Gocaraggāhikarūpaṁ, Giữ Lấy Ðối Tượng. Ðược gọi như vậy bởi vì nó giữ lấy ngoại cảnh. Ngũ quan có tác dụng làm căn môn cho thức khởi sanh. Nhưng mắt, tai v.v... vốn là sắc pháp, không thể hiểu biết đối tượng. Chính ngũ quan thức, như nhãn thức, nhĩ thức v.v... hay biết đối tượng. Theo Abhidhammattha Saṅgaha (Vi Diệu Pháp Toát Yếu), hình sắc và âm thanh được xem là những đối tượng không đến gần mắt và tai như những sự xúc chạm bằng thân v.v.... Cả hai, mắt và tai, thâu nhận đối tượng từ xa, không cần phải trực tiếp chạm đến. Trong trường hợp các đối tượng khác, thì trực tiếp chạm đến căn môn của giác quan. Thí dụ như muốn có vị thì đối tượng phải trực tiếp tiếp chạm với lưỡi. Hai đối tượng kia, hương và xúc, cũng phải được hiểu như thế. Có thể vì lẽ ấy mà tác giả chú giải phân biệt gocaraggāhikarūpaṁ, thủ cảnh sắc, tức giữ lấy đối tượng, và agocaraggāhikarūpaṁ, bất thủ cảnh sắc, tức không giữ lấy đối tượng. Xem Compendium, trang 160. 50. Ojā, Sinh Tố. Vốn tự nó là một sắc pháp, có khả năng tạo nên những sắc pháp khác. 51. Thông thường tám sắc pháp nầy dính liền với nhau. Bốn Ðại Chánh Yếu không thể tách rời nhau và bốn Chuyển Hóa cũng vậy. Vì lẽ ấy có danh từ suddhaṭṭhaka, "một nhóm thuần túy tám thành phần", và ojaṭṭhaka, "với ojā (sinh tố) như phần thứ tám". Sự trưởng thành của sắc pháp vô tri cũng do nơi sự hiện hữu của ojā phổ thông nầy. -ooOoo- Rūpasamuṭṭhāna-Naya
52. Rūpasamuṭṭhāna, Sự Sanh Khởi Của Các Sắc Pháp. Phật Giáo không cố gắng giải quyết vấn đề nguồn gốc cùng tột của những hiện tượng vật lý, hay sắc pháp. Thừa nhận rằng đây là một sự kiện sẵn có, sắc pháp nầy vốn hiện hữu, Phật Giáo dạy rằng sắc pháp (rūpa) phát triển bằng bốn phương cách. 53. Kammaja, Do Nghiệp. Một cách chính xác, Kamma, Nghiệp, có nghĩa là những loại tâm thiện và bất thiện trong quá khứ. Chỉ những hạng tâm thuộc Dục Giới và Sắc Giới mới có chiều hướng tạo sắc pháp. Ðó là 12 loại tâm bất thiện, 8 loại tâm thiện, và 5 loại tâm thiện Thiền Sắc Giới (rūpajhānas). Một loại tâm thiện hay bất thiện tạo Nghiệp phát sanh vào lúc lâm chung của một người, tạo duyên cho thức tái sanh (paṭisandhi) phát khởi trong kiếp sống sau kế đó. Cùng lúc với sự khởi sanh của thức tái sanh, sắc pháp được Nghiệp quá khứ tạo điều kiện cũng khởi sanh vào lúc ấy, như lửa của một ngọn đèn được mồi, chí đến chặp tư tưởng (sát-na-tâm) thứ 17, khi con người lâm chung. Do Nghiệp lực tái tạo, ngay vào lúc bà mẹ thọ thai, khởi sanh ba thập pháp -- mười thành-phần-thân, mười thành-phần-tánh (nam hay nữ), và mười thành-phần-căn. Mười thành-phần-thân bao gồm bốn nguyên tố chánh yếu (Tứ Ðại), bốn chuyển hóa, mạng căn, và phần nhạy của thân (kāyapasāda). Mười-thành-phần-tánh và mười-thành-phần- căn cũng được cấu thành cùng một cách ấy, nghĩa là chín thành phần đầu và thành phần thứ mười là tánh nam hay nữ, và căn. 54. Cittaja, Do Tâm. Tâm -- tuy vô hình, nhưng là yếu tố hổn hợp có rất nhiều năng lực trong cái gọi là chúng sanh -- có khả năng tạo sắc pháp. Nói cách khác, tư tưởng thiện hay bất thiện tạo nên sắc pháp đáng hay không đáng được ưa thích. Ðiều nầy hiển hiện rõ rệt qua những biến đổi sắc tướng của một người do sự biến đổi tư tưởng của người ấy. Theo Abhidhamma, Vi Diệu Pháp, ngay vào lúc chặp tâm hộ kiếp (bhavaṅga) đầu tiên khởi sanh, có nghĩa là tức khắc liền sau khi thức tái sanh (paṭisandhi) chấm dứt, sắc pháp do tâm tạo khởi phát. Thức tái sanh không tạo sắc pháp-do-tâm-tạo, vì chính Nghiệp làm nhiệm vụ ấy, và bởi vì đây là yếu tố mới mẻ trong kiếp sống mới. Không có sắc-pháp-do-tâm-tạo khởi sanh vào giai đoạn trụ và diệt của những chặp tư tưởng, vì những sát-na tâm ấy rất yếu ớt. Mười thành phần nhạy không đủ khả năng tạo sắc pháp. Bốn tâm Thiền Quả Vô Sắc Giới (Arūpa Vipāka Jhāna) không tạo sắc pháp, vì đã được trau giồi và phát triển bằng cách buông bỏ, không luyến ái vào sắc pháp. Những chi Thiền rất cần thiết để tạo loại sắc-pháp-do-tâm-tạo. Do đó, người đắc Thiền (Jhāna) có thể tạo sắc pháp có năng lực mạnh mẽ giúp cho mình sống mà không cần vật thực. Tâm linh mạnh không thiếu sức sống. Người chứng nghiệm hạnh phúc Niết-Bàn (Nibbānic bliss) có thể sống một thời gian lâu dài mà không cần vật thực. Thí dụ như Ðức Phật. Ngài không ăn uống trong suốt 49 ngày sau khi Thành Ðạo. Trong 75 loại tâm, 26 tốc hành tâm, javanas -- 10 rūpa kusala và kriyā (tâm thiện và hành thuộc Sắc Giới), 8 arūpa kusala và kriyā (tâm thiện và hành thuộc Vô Sắc Giới), và 8 lokuttaras (tâm siêu thế) -- có thể tạo những cử động phi thường bằng thân như bay bổng trên không trung, đi xuyên qua đất, đi trong nước v.v... Nơi đây tâm Xác Ðịnh (Votthapana) là ý môn hướng tâm (manodvārāvajjana). 29 Kāmajavanas (tốc hành tâm thuộc Dục Giới) là 12 tâm bất thiện, 1 hasituppāda (tiếu sanh tâm), và 16 sobhana kusala và kriyā (tâm thiện đẹp và hành). Abhiññā citta (Siêu Trí, thường gọi là thần thông) là hai Jhāna kusala và kriyā (Ngũ Thiền thiện và hành) đồng phát sanh với thọ xả và liên hợp với tri kiến. 13 javanas (tốc hành tâm) là 4 bất thiện và 8 tâm đẹp thiện và hành, đồng phát sanh cùng thọ hỷ, và một tiếu sanh tâm. Người phàm tục, khi cười ra tiếng hay mĩm cười, thì kinh nghiệm bốn akusala (bất thiện) và bốn sobhanas, tâm đẹp hay tịnh hảo; những bậc sekhas (Tu Ðà Huờn, Tư Ðà Hàm và A Na Hàm) cũng chứng nghiệm các loại tâm nầy, ngoại trừ hai loại tâm bất thiện đồng phát sanh với tà kiến. Các bậc A La Hán, chứng nghiệm bốn tâm hành (kriyās) và một tiếu sanh tâm. Chư Phật chỉ mĩm cười với bốn sobhana kriyās (tâm hành đẹp). 55. Utuja, Do Thời Tiết. Như đã có đề cập ở phần trên, vào lúc tái sanh, Kamma (Nghiệp) tạo ba thân thập pháp là mười thành-phần-thân, mười thành-phần-tánh nam hay nữ, và mười thành-phần-căn. Nguyên tố lửa bên trong nằm trong ba nhóm thập pháp ấy, phối hợp với nguyên tố lửa bên ngoài, tạo những sắc pháp do điều kiện thời tiết, vào giai đoạn trụ và diệt của thức tái sanh. Vào giai đoạn sơ khởi của sự tái sanh, nguyên tố lửa do Nghiệp tạo thay thế nguyên tố lửa do tâm tạo. Rõ ràng là danh từ utu, được xử dụng trong ý nghĩa lửa, bao gồm cả hai nóng và lạnh. Một cách chính xác, chính nguyên tố lửa (tejo) bên trong và bên ngoài tạo sắc pháp (rūpa). Nên hiểu rằng sắc pháp được tạo do điều kiện thời tiết cũng được bao hàm trong phân hạng utuja. 56. Āhāraja, Do Vật Thực. Danh từ āhāra có nghĩa là tinh chất dinh dưỡng trong vật thực, và ojā, sinh tố, nằm trong nhóm sắc pháp tạo nên do Nghiệp, tâm, và điều kiện thời tiết. Sinh tố bên trong, do tinh chất dinh dưỡng bên ngoài nâng đỡ, tạo sắc pháp vào giai đoạn tịnh, vốn tồn tại trong 49 sát-na nhỏ. Sắc pháp khởi sanh khi ojā (sinh tố, tức nguyên tố bồi bổ sự sống trong vật thực) được tiêu hóa, lan rộng trong thân. Riêng rẽ một mình, sinh tố bên trong không thể tạo sắc pháp nếu không có tinh chất dinh dưỡng bên ngoài. Hadaya, trái tim và 8 Indriya rūpas (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tánh nam, tánh nữ, và mạng căn) hoàn toàn do Nghiệp tạo. Như vậy jīvitindriya (mạng căn) hay sức sống trong các chúng sanh hữu tri hữu giác như người và thú, phải được phân biệt với những vật vô tri giác như cây cỏ và những vật thể vô cơ, vì những vật nầy không phải do Nghiệp tạo. Chúng vẫn có một loại sinh sống, nhưng khác với đời sống của con người và loài thú. Ākāsa, Không Gian. Khoảng hư không được xem là khởi sanh do cả bốn nguyên nhân. Sadda, Tiếng Nói. Nguyên nhân của những tiếng nói được phát âm rõ ràng là do tâm; Utu, hiện tượng thời tiết, là nguyên nhân tạo những tiếng động không có giọng nói. Nhạc điệu do con người dùng nhạc cụ tạo nên, do điều kiện thời tiết và tâm tạo duyên. Kammaja, Do Nghiệp = 18. Ðó là: không thể tách rời nhau 8 + không gian 1 + trái tim 1 + Mạng căn 8. Cittaja, Do Tâm = 15. Ðó là những biến đổi 5 + tiếng động 1 + không thể rời nhau 8 + không gian 1. Utuja, Do Thời Tiết = 13. Ðó là: tiếng động + nhẹ v.v... 3 + không thể tách rời nhau 8 + Không gian 1. Āhāraja, Do Vật Thực = 12. Ðó là: nhẹ v.v... 3 + không thể tách rời nhau 8 + không gian 1. 4 Lakkhaṇa rūpas, đặc tướng của sắc pháp, là chung cho tất cả vì không có sắc pháp nào không trải qua ba giai đoạn -- sanh, hoại, và diệt. -ooOoo- Kalāpa-Yojanā
Rūpapavattikkamo
Nibbānaṁ
57. Rūpas, Các Sắc Pháp, Các sắc pháp nầy không khởi sanh riêng rẽ mà chung cộng từng nhóm. Có tất cả 21 nhóm như vậy. Cũng như tất cả tâm sở đều có bốn đặc tính chung, các sắc pháp trong những nhóm trên đây cũng có chung những đặc tính nổi bật. Thí dụ như trong "mười-thành-phần-mắt", tất cả mười thành phần sắc pháp liên hợp cùng chung khởi sanh và cùng hoại diệt (ekuppāda-ekanirodha). Nguyên tố đất là một trong mười thành phần, tác hành như nền tảng của chín thành phần còn lại (ekanissaya). Tất cả mười cùng tồn tại chung (sahavutti). Nên hiểu rằng nguyên tố đất của "mười-thành-phần-mắt" không thể tác hành như nền tảng cho các liên hợp sắc pháp của "mười-thành-phần-tai". Bốn đặc tính chỉ áp dụng cho các sắc pháp của mỗi nhóm riêng. 58. Phần nầy đề cập đến phương cách theo đó các nhóm sắc pháp khởi sanh và cùng chung tồn tại trong kiếp sống, vào lúc được thọ thai, và trong những trạng thái sanh khác nhau. Theo Phật Giáo có bốn loại sanh -- đó là noãn sanh (aṇḍaja), thai sanh (jalābuja), ẩm sanh (saṁsedaja), và hóa sanh (opapātika). Vài hình thức thú thấp kém được sanh ra và sống ở những nơi ẩm thấp, thuộc về hạng ẩm sanh. Ðôi khi những chúng sanh thuộc loại ẩm sanh thiếu một vài giác quan và không có tánh nam hay nữ. Tất cả phải có tâm vì được sanh ra với mười-thành-phần-căn, tức ý căn. Những chúng sanh hóa sanh thông thường là vô hình đối với mắt thịt. Do Nghiệp quá khứ tạo duyên, những chúng sanh ấy tự nhiên xuất hiện mà không cần phải trải qua giai đoạn thọ thai và sanh sản. Các Ngạ Quỷ và chư Thiên, chư Phạm Thiên thuộc về hạng nầy. Vài hạng chúng sanh hóa sanh trong cảnh Dục Giới không có tánh nam hay tánh nữ. Nhưng tất cả những vị hóa sanh trong cảnh Sắc Giới chẳng những không có tánh nam hay nữ mà cũng không có phần nhạy của mũi, lưỡi, và thân mặc dầu có đủ các bộ phận ấy. Những vị Phạm Thiên không có thành phần nhạy của sắc pháp (pasādarūpa) vì các Ngài không bao giờ xử dụng đến. Hạng noãn sanh cũng giống như hạng chúng sanh thai sanh. Vào lúc được thọ thai tất cả đều có ba thập phần: mười thành-phần-thân, mười thành-phần-tánh và mười- thành-phần-căn-môn. Ðôi khi vài chúng sanh không có tánh nam hay nữ. Do đó ta thấy rằng dầu trong trứng, vẫn có tâm. 59. Nibbāna, Niết Bàn. [1] Danh từ Saṁskrt là Nirvāna, do "ni" và "vāna" hợp thành. Ni + vāna = Nivāna = Nibāna = Nibbāna. Phần "ni" hàm xúc ý "không". "Vāna" có nghĩa là dệt, như dệt vải, cũng có nghĩa là ái dục. Chính ái dục nầy tác hành như sợi dây nối liền một loạt những kiếp sống của một cá nhân trong vòng luân hồi. Ngày nào còn bị vướng víu kẹt dính trong ái dục, hay luyến ái, thì ta còn tích trử Nghiệp lực mới, và những năng lực nầy phải cụ thể hóa dưới một hình thức nào trong vòng quanh những kiếp sanh tử-tử sanh vô cùng tận. Khi tất cả mọi hình thức ái dục đều bị tận diệt, Nghiệp lực chấm dứt và theo ngôn ngữ chế định thông thường, ta chứng ngộ Niết Bàn, thoát ra khỏi vòng quanh những kiếp sống và chết. Theo quan niệm của Phật Giáo, Giải Thoát là vượt thoát ra khỏi vòng quanh sanh và tử mãi mãi trở đi trở lại, và đó không phải chỉ là thoát ra khỏi "tội khổ và địa ngục". Theo ngữ nguyên, chữ Nibbāna do "ni" + căn "vu", dệt, có nghĩa là không ái dục hay không luyến ái, hoặc tách rời, lìa bỏ ái dục. Một cách chính xác, Nibbāna, Niết Bàn, là Pháp (Dhamma), chứng ngộ được bằng cách tận diệt mọi hình thức ái dục. Danh từ Nibbāna cũng xuất nguyên từ "ni" + căn "vā", thổi. Trong trường hợp nầy Nibbāna, Niết Bàn, có nghĩa là thổi tắt, dập tắt hay tận diệt những ngọn lửa tham ái, sân hận, và si mê. Nên hiểu rằng Niết Bàn không phải chỉ suông là tận diệt khát vọng (khayamattam eva na nibbānanti vattabbaṁ). Tận diệt khát vọng chỉ là phương tiện để chứng ngộ Niết Bàn, tự nó không phải là cứu cánh. Niết Bàn là thực tại cùng tột (vatthudhamma) và thực tại nầy là siêu thế (lokuttara), tức là vượt ra khỏi thế gian danh-sắc, hay ngũ uẩn. Niết Bàn phải được hiểu biết bằng trí tuệ trực giác và trí suy luận (paccakkha hoặc paṭivedha ñāṇa và anumāna hoặc anubodha ñāṇa). Ðể diễn đạt cả hai ý niệm nầy, có lời tuyên ngôn rằng Niết Bàn phải được chứng ngộ bằng trí tuệ của bốn Thánh Ðạo và trở thành đối tượng của những Ðạo và Quả. Theo bản chất cố hữu (sabhāvato), Niết Bàn là thanh bình an lạc (santi). Do đó là duy nhất (kevala). Niết Bàn duy nhất nầy được thấy là có hai, theo phương cách được chứng ngộ, trước và sau khi chết. Bản văn dùng một câu Pāli đơn giản nhưng bí hiểm -- kāraṇapariyāyena. Bản Chú Giải Tích Lan giải thích nguyên nhân sở dĩ nói lên như vậy là vì có hay không còn lại ngũ uẩn (sa-upādisesā- divasena paññāpane kāraṇabhūtassa upādisesabhāvā- bhāvassa lesena). Thêm vào đó S.Z. Aung ghi nhận: "Các Chú Giải Tích Lan giải thích bằng câu paññāpane kāraṇassa lesena -- bằng phương cách của những sự hiểu biết về vấn đề ngôn ngữ." Compendium, trang 168, ghi chú số 6. Saupādisesa -- Sa = với; upādi = uẩn (danh và sắc); sesa = còn lại. Upādi, do "upa" + "ā" + căn "dā", lấy, có nghĩa là ái dục và tà kiến bám chặt lấy năm uẩn. Upādi cũng có nghĩa là khát vọng hay ô nhiễm (kilesa). Theo bản văn và các chú giải, Niết Bàn mà chư vị Sotāpannas (Tu Ðà Huờn hay Nhập Lưu), Sakadāgāmis (Tư Ðà Hàm hay Nhứt Lai), và Anāgāmis (A Na Hàm hay Bất Lai) chứng ngộ là saupādisesa-Nibbānadhātu, hữu dư Niết Bàn, vì các Ngài có thân và chút ít ô nhiễm còn sót lại. Niết Bàn mà các vị A La Hán còn sống cũng là saupādisesa-Nibbānadhātu vì các Ngài vẫn còn thân. Chỉ sau khi chư vị A La Hán nhập diệt mới gọi là anupādisesa-Nibbānadhātu, vô dư Niết Bàn, vì các Ngài đã tuyệt nhiên không còn ngũ uẩn và đã tận diệt mọi hình thức ô nhiễm. Sách Itivuttaka nói đến hai loại Niết Bàn ấy nhưng chỉ đề cập đến Niết Bàn do chư vị A La Hán sau khi nhập diệt. Sách ghi rằng: Hai trạng thái Niết Bàn được chỉ dạy rõ ràng bởi Bậc đã Thấy, đã là như vậy và không luyến ái. Một trạng thái được chứng nghiệm trong chính kiếp sống nầy, với thân còn lại, mặc dầu đã cắt đứt dòng trôi chảy của sự trở thành. Trong khi trạng thái kia thuộc về tương lai, không còn thân, và nơi đây mọi trở thành rõ ràng đã hoàn toàn chấm dứt. (Viết theo Itivuttaka, trang 38; Woodward -- As it was said, trang 143; Xem Ðức Phật và Phật Pháp). 60. Suññata, Hư Không. Ðược gọi như vậy vì không còn tham ái, sân hận, và si mê, hay không còn tất cả những gì được cấu tạo, tức pháp hữu vi. Hư Không đây không có nghĩa rằng Niết Bàn là "hư vô", không có gì hết. 61. Animitta, Vô Tướng. Không có dấu hiệu của tham, sân v.v... hoặc không có dấu hiệu của tất cả các vật được cấu tạo, hay các vật do duyên sanh. 62. Appaṇihita, Không Khát Vọng. Không có sự khát khao ham muốn, tham vọng v.v... hoặc bởi vì không bám níu vào những thọ cảm của ái dục. 63. Padaṁ Nơi đây danh từ padaṁ được dùng trong ý nghĩa một thực tại khách quan (vatthudhamma). Chữ "trạng thái" không diễn đạt chính xác ý nghĩa của Phạn ngữ nầy. Có thể lý luận để tìm xem Niết Bàn có thể chính xác được gọi là một trạng thái hay một tiến trình. Trong tiếng Pāli Niết Bàn được gọi là một "Pháp" (Dhamma). 64. Asaṅkhata, Vô Vi. Niết Bàn là Pháp (Dhamma) duy nhất không do duyên nào sanh, vô vi, không được cấu tạo, do đó là vĩnh cửu, không phải là nguyên nhân cũng không phải là hậu quả. Ghi chú: Ðồ Biểu 13 Những Loại Tâm Nào Làm Sanh Khởi Sắc Pháp Nào
Chữ viết tắt:K. : Kammajarūpa, sắc pháp sanh khởi do Nghiệp. Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 |
[ Trở Về ]