|
Phẩm VII
-ooOoo-
Sunikkhitta
1. (75) Chuyện thứ
nhất - Lâu Ðài Cittalatà (Cittalatà-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn
trú tại Sàvatthi, trong Kỳ Viên.
Thuở ấy có một đệ tử tại gia
nghèo khó sống nhờ làm công cho
người khác. Vị ấy có lòng mộ
đạo và phụng dưỡng song thân
già yếu của mình, vì vị ấy nghĩ:
'Ðàn bà ở trong nhà thường nắm
quyền cai quản. Họ ít khi quý trọng cha mẹ chồng'.
Như vậy vị ấy tiếp tục
giữ giới luật và các ngày trai giới
Bố-tát. Sau khi từ trần, vị ấy
được tái sanh vào cõi trời Ba
mươi ba trong một Lâu đài mười
hai dặm.
Tôn giả Mahà-Moggallàna
du hành như đã tả ở trên, hỏi
vị ấy:
1. Sáng rực như
vườn lạc Cit-ta,
Khu vườn đệ nhất
cõi Băm-ba,
Lâu đài đây
của chàng bừng sáng
Ở giữa không gian thực
chói lòa.
2. Ðạt thành thần
lực đại hùng cường,
Chàng tạo đức
gì giữa thế nhân,
Vì cớ gì oai nghi rực
rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp
mười phương?
3. Chàng Thiên tử ấy
hỷ tâm tràn,
Ðức Mục-liên Tôn
giả hỏi han,
Chàng giải đáp
ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết
quả cho chàng:
4. Khi được làm người
giữa thế nhân,
Con là thợ khốn khổ,
cùng bần,
Con thường cấp dưỡng
hai thân lão,
Ngưỡng mộ người
cao quý chánh chân.
5. Vì vậy sắc con đẹp
thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào
trong dạ
Yêu chuộng, tức thì
xuất hiện ngay.
6. Xin trình Tôn giả đại
oai thần
Công đức con làm
giữa thế nhân,
Nhờ thế oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp
mười phương.
2 (76) Chuyện thứ
hai - Lâu Ðài Nandana (Nandana-Vimàna)
Cũng giống như chuyện
trước, trừ điểm ở đây: Người
thợ nghèo đã có vợ và câu
kệ đầu đổi là: Sáng rực
như vườn Nan-da-na,...
3. (77) Chuyện thứ
ba - Lâu Ðài Có Trụ Ngọc Bích
(Manithùna-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn
trú tại Sàvatthi, trong Kỳ Viên.
Thời ấy có nhiều Trưởng lão sống
trong rừng. Ðể chư vị có thể vào
làng khất thực, một đệ tử tại
gia làm cho các đường mòn được
bằng phẳng, dọn sạch các bụi cây,
bắc cầu qua suối, đắp bờ và
dẫn nước vào các ao lớn v.v.. cùng
bố thí và giữ Ngũ giới. Về sau từ
trần, vị ấy được tái sanh vào
cõi trời Ba mươi ba trong một Lâu đài
bằng vàng mười hai dặm.
Tôn giả Mahà-Moggallàna
hỏi vị ấy như sau:
1. Lầu các trụ
cao bằng ngọc bích
Mười hai dặm trải rộng
chung quanh,
Bảy trăm nóc nhọn huy hoàng
quá,
Trụ ngọc nền vàng thật
hiển vinh.
2. Chàng uống ăn, cư
trú lạc an,
Khi đàn tiên trổi
khúc du dương,
Ðây là thiên vị,
năm thiên lạc,
Thiên nữ múa, trang điểm
ngọc vàng.
3. Vì sao chàng được
sắc như vầy,
Vì cớ gì chàng
vinh hiển đây,
Những lực thú nào
chàng mến chuộng,
Trong tâm, đều xuất hiện
ra ngay?
4. Chàng Thiên tử ấy
hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên
Tôn giả hỏi han,
Chàng giải đáp
ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết
quả cho chàng:
5. Khi được làm người
giữa thế nhân,
Con xây đường nhỏ
ở trong rừng,
Và trồng cây lớn
trong tinh xá,
Kính mến người đức
hạnh chánh chân.
6. Với các ngài, con có
tín tâm,
Cúng dường thức uống
lẫn đồ ăn,
Với lòng thành kính
con dâng tặng
Mọi lễ vật phong phú
trọn phần.
7. Vì vậy sắc con đẹp
thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào
trong dạ
Yêu chuộng, tức thì
xuất hiện ngay.
8. Xin trình Tôn giả đại
oai thần
Công đức con làm
giữa thế nhân,
Nhờ thế oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp
mười phương.
4. (78) Câu chuyện
thứ tư - Lâu Ðài Bằng Vàng
(Suvanna-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn
trú tại Andhakavinda. Thời ấy một
đệ tử giàu có và mộ đạo
xây cúng dường Ngài một 'hương
thất' trên một đồi trọc, thỉnh Ngài
đến ở đó và phụng sự Ngài.
Sau một thời gian sống chế ngự với giới
luật thanh tịnh, lúc từ trần, vị
ấy được tái sanh vào cõi trời
Ba mươi ba trong một Lâu đài ngọc bích
tuyệt đẹp với mái bằng vàng.
Tôn giả Mahà-Moggallàna
hỏi vị ấy:
1. Ở trên một ngọn núi
vàng ròng,
Lâu đài rực sáng
chiếu quanh vùng,
Tấm màn lưới dệt
vàng bao phủ,
Và lưới chuông rung
nhẹ thật trong.
2-3. Trụ tám cạnh tinh
xảo thập phần,
Xây bằng cẩm thạch
cả toàn thân,
Bảy châu báu tạo
thành từng cạnh,
Vàng, bạc, lưu ly với
ngọc trân,
Lại dát ngọc mắt mèo
mã não,
Ngọc trai, và ngọc sắc hồng
vân.
4. Nền màu rực rỡ, đẹp
mắt sao,
Không chút bụi lay động
dính vào,
Ðược các kèo
vàng hoàng ngọc cẩn
Cùng nâng cả mái
điện lên cao.
5-6. Và bốn cầu thang
dựng bốn phưong,
Các cung ngọc sáng tựa
vầng dương,
Bốn hành lang được
xây cân xứng,
Chiếu khắp bốn phương
thật rỡ ràng.
7. Trong cung này tráng lệ huy
hoàng,
Chàng chính là Thiên
tử đại quang,
Với sắc siêu phàm,
chàng chiếu sáng,
Trông chàng chẳng khác
ánh chiêu dương.
8. Kết quả này do việc cúng
dường,
Hoặc do giữ giới luật
thông thường,
Hoặc do đảnh lễ đầy
cung kính?
Ðược hỏi, xin cho
biết hỡi chàng.
9. Chàng Thiên tử ấy
hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên
Tôn giả hỏi han,
Chàng giải đáp
ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết
quả cho chàng:
10. Kiếp xưa con ở An-dha-ka,
Con có lòng tin bậc Ðạo
Sư,
Thân tộc mặt trời, là
đức Phật,
Con xây tinh xá ở đồi
xa.
11. Tại đó, con đầy
đủ tín tâm,
Vòng hoa, hương liệu, thứ
gì cần,
Dầu thoa các loại và
tinh xá,
Con thỉnh Ðạo Sư
đến cúng dâng.
12. Vì thế nay con hưởng
phước phần:
Ở vườn Hỷ lạc, chủ
Thiên cung;
Trong vườn Hỷ lạc đầy
kỳ thú,
Nơi lắm đàn chim
đến trú chân,
Con được các nàng
tiên hộ tống,
Múa ca, đem lạc thú
vô ngần.
5. (79) Chuyện thứ
năm - Lâu Ðài Vườn Xoài (Amba-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn
trú tại Ràjagaha, trong Trúc Lâm.
Thời ấy có một người nghèo được
thuê giữ vườn xoài. Một hôm về
mùa nắng gắt, vị ấy thấy Tôn
giả Sàriputta đến gần, mệt nhoài
vì cơn nóng, liền thưa:
- Bạch Tôn giả, ngài
có vẻ quá mệt nhọc vì trời nóng.
Lành thay, nếu Tôn giả có lòng thương
xót con, xin hãy bước vào vườn
xoài nghỉ ngơi chốc lát.
Trưởng lão chấp thuận,
ngồi xuống gốc cây xoài, người
ấy liền đem cúng dường Tôn giả
nước uống và nước rửa tay chân,
sau đó lòng đầy hoan hỷ vì công
đức đã tạo được.
Sau khi từ trần, vị ấy
được tái sanh vào cõi trời Ba
mươi ba, và Tôn giả Mahà-Moggallàna
hỏi vị ấy:
1. Lầu các trụ
cao bằng ngọc bích,
Mười hai dặm trải rộng
chung quanh,
Bảy trăm nóc nhọn huy hoàng
quá,
Trụ ngọc nền vàng thật
hiển vinh.
2. Chàng uống ăn, cư
trú lạc an,
Khi đàn tiên trổi
khúc du dương,
Ðây là thiện vị,
năm thiên lạc,
Tiên nữ múa, trang điểm
ngọc vàng.
3. Vì đâu chàng
được sắc như vầy,
Vì cớ gì chàng
vinh hiển đây,
Những lạc thú nào
chàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện
ra ngay?
4. Hỡi chàng Thiên tử
đại oai thần,
Chàng tạo đức
gì giữa thế nhân,
Vì cớ gì oai nghi rực
rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp
mười phương?
5. Chàng Thiên tử ấy
hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên
Tôn giả hỏi han,
Chàng giải đáp
ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây, là kết
quả cho chàng:
6. Vào tháng cuối mùa
hạ nóng rang,
Mặt trời thiêu đốt,
nắng chang chang,
Con làm thuê mướn
cho người khác,
Tưới nước vườn
xoài của chủ nhân.
7. Thế rồi lúc ấy vị
Hiền Tăng,
Xá-lợi-phất, danh tiếng
lẫy lừng,
Thể xác của ngài đều
mệt mỏi,
Nhưng không mỏi mệt cái
tinh thần.
8. Con đang tưới nước
các cây xoài,
Nhìn thấy ngài, con
vội đến mời:
'Tôn giả, con dâng ngài
nước tắm,
Lành thay, an lạc sẽ lâu
dài!'
9. Tôn giả vì lòng
thương xót ai,
Ðặt bình bát xuống
tấm y ngoài,
Mang y độc nhất, ngài
ngồi xuống
Trong bóng mát ngay dưới
gốc xoài.
10. Với lòng thành tín
bậc cao Tăng
Con tắm rửa ngài với
nước trong,
Mang chiếc y vàng, ngài tỉnh
tọa
Dưới bóng gốc xoài
đang trải dăng.
11. Vườn xoài được
tưới nước tươi xanh,
Tôn giả được con
tắm mát lành,
Công đức này con
làm chẳng nhỏ,
Hân hoan ngài biến mãn
thân mình.
12. Ðây là mức
độ việc an lành
Trong kiếp trước con đã
thực hành,
Khi được thoát thân
người thế tục,
Con lên vườn Hỷ lạc
thiên đình.
13. Nan-da-na, Hỷ lạc Viên này,
Nơi lắm chim muông đến
cả bầy,
Con được các nàng
tiên hộ tống,
Cùng nhau ca múa thật
vui thay.
6. (80) Chuyện thứ
sáu - Lâu Ðài Của Người Chăn
Bò (Gopàla-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn
trú tại Ràjagaha, trong Trúc Lâm.
Lúc ấy một người chăn bò đã
rời Ràjagaha để đưa bò đi
ăn cỏ ngoài đồng và thấy
Tôn giả Mahà-Moggallàna đang tiến
bước. Tôn giả nhận thấy kẻ kia
sắp mạng chung, liền đi đến gần bên
cạnh y. Do dự, y không biết có nên mời
Trưởng lão món bánh ngọt Kummàsa
mà y đã đem theo, hay giữ cho đàn
bò khỏi vào các vườn đậu.
Khi đã quyết định
không thể bỏ lỡ cơ hội tốt, dù
các chủ vườn có thể làm gì
đi nữa, y cúng dường phần ăn
của mình và Trưởng lão đã
chấp nhận vì lòng từ mẫn. Sau đó
người chăn bò vội vàng đi giữa
đàn bò, vô ý đạp giẫm một
con rắn và bị nó cắn ở chân.
Lòng tràn ngập hân
hoan hạnh phúc khi nhìn thấy Trưởng
lão thọ thực, người ấy bị nọc rắn
xâm nhập quá mạnh và từ trần,
được tái sanh vào cõi trời Ba
mươi ba trong một Lâu đài mười
hai dặm.
Tôn giả Mahà-Moggallàna
thấy chàng, liền hỏi:
1. Tỷ-kheo thấy một vị
Thiên nam
Tô điểm vòng hoa, thật
vẻ vang,
Trong một Lâu đài
cao, vĩnh cửu,
Trông chàng như dáng
vị thần trăng,
Ở trong cung điện trên thiên
giới,
Tôn giả bèn lên tiếng
hỏi chàng:
2. Lộng lẫy xiêm y, hoa chuỗi
mang,
Ðôi vòng tai rực
rỡ trang hoàng,
Tóc râu chải chuốt,
khăn đầu đội,
Sáng chói, trong cung tựa
Quảng Hàn.
3. Khi đàn tiên trổi
khúc du dương,
Sáu bốn nàng tài
sắc vẹn toàn
Ðồng trú cõi
Băm ba, rực rỡ,
Múa ca, hưởng lạc
thú khôn lường.
4. Ðạt thành thiên
lực, đại hùng cường,
Chàng tạo đức
gì giữa thế nhân?
Vì cớ gì oai nghi rực
rỡ,
Dung quang sáng chói khắp
mười phương?
5. Chàng Thiên tử ấy
hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên
Tôn giả hỏi han,
Chàng giải đáp
ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây, là kết
quả cho chàng:
6. Khi được làm người
giữa thế nhân,
Con chăn bò kẻ khác
chuyên cần,
Giữ đàn bò khỏi
ăn vườn đậu,
Thì một Sa-môn bước
đến gần.
7. 'Nay hai phận sự phải
hoàn thành',
Tôn giả, con suy nghĩ thật
nhanh,
Xem xét kỹ càng và
hiểu pháp,
Con dâng ngài bánh với
tay mình.
8. Con chạy ra vườn đậu
lẹ làng,
Trước khi bò dẫm đất
tha nhân,
Nhưng rồi rắn hổ mang
đen lớn
Cắn phải chân con lúc
vội vàng.
9. Tuyệt vọng, con đau đớn
tận cùng,
Sa-môn mở gói bánh
ra ăn,
Vì lòng bi mẫn cho con
đó,
Con được sanh thiên
lúc mạng chung.
10. Con đã làm nên
thiện nghiệp vầy,
Và đang hưởng phước
lạc nhờ đây,
Chính ngài, Tôn giả,
đầy bi mẫn,
Con tạ thâm ân, đảnh
lễ ngài.
11. Trong cõi Thiên, ma, thế
giới này,
Chẳng ai bi, trí được
như vầy,
Ngài là Tôn giả
đầy bi mẫn,
Con tạ ơn sâu, đảnh
lễ ngài.
12. Trong cõi đời này
hoặc kiếp sau,
Chẳng ai bi, trí sánh
bằng đâu,
Chính ngài, Tôn giả,
đầy bi mẫn,
Con tạ thâm ân, đến
khấu đầu.
7. (81) Chuyện thứ
bảy - Lâu Ðài Của Kanthaka (Ngựa
Kiền-trắc) (Kanthaka-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn
trú tại Sàvatthi trong Kỳ Viên. Thời
ấy khi Tôn giả Mahà-Moggallàna du
hành lên thiên giới, một vị Thiên
tử tên Kanthaka bước ra khỏi Lâu
đài của chàng, đang lên xe đến
vườn Thượng uyển với cả đoàn
tùy tùng đông đảo trong oai nghi
đầy thiên lực.
Khi thấy Tôn giả, vị
Thiên vội xuống xe và đảnh lễ
Tôn giả. Vị Trưởng lão hỏi chàng:
1-2. Như trăng rằm,
chúa tể muôn sao,
Tinh tú vây quanh tựa
đứng chầu,
Mặt nguyệt xoay vần hình
thỏ ngọc,
Lâu đài Thiên tử
sáng dường nào,
Nguy nga tráng lệ trên thiên
giới,
Như mặt trời lên giữa
cõi cao.
3-4. Ngọc bích, lưu ly, mã
não, vàng,
Ngọc trai, hồng ngọc, bạc trang
hoàng,
Nền màu rực rỡ đầy
kỳ thú,
Ngọc bích dát trên khắp
mặt sàng,
Trùng các nóc cao vời
tuyệt mỹ,
Cung điện chàng xây dựng
vẻ vang.
5. Chàng có hồ sen tạo
mỹ quan,
Cá Pu-thu lội nước
tung tăng,
Nước hồ lấp lánh
và trong vắt,
Bờ được viền quanh với
cát vàng.
6. Mặt hồ bao phủ các
hoa sen,
Hoa súng lan tràn khắp
phía trên
Làm đắm say lòng,
cơn gió thoảng
Tỏa làn hương tuyệt
diệu quanh miền.
7-8. Ðôi bờ có đủ
các cây rừng
Kết trái đơm hoa thật
khéo trồng,
Khi chàng an tọa như Thiên
chủ,
Tràng kỷ chân vàng, lót
thảm lông.
9. Tiên nữ hầu chàng
khéo điểm trang,
Vòng hoa đủ loại,
với kim hoàn,
Làm chàng thích thú,
chàng an hưởng
Ðại lực thần như
đấng Ngọc hoàng.
10. Tù và, kèn, trống
với huyền cầm,
Trống lớn, trong con đánh
bập bùng,
Thiên tử hưởng tràn
đầy lạc thú,
Khi đàn, ca, vũ nhạc
vang lừng.
11. Này đây thiên
sắc với thiên thanh,
Thiên vị, thiên hương
đẹp ý mình,
Thiên xúc mượt mà,
êm dịu quá,
Thật là vạn trạng
với thiên hình.
12. Trong cung này rực rỡ
huy hoàng,
Chàng chính là Thiên
tử đại quang,
Với sắc siêu phàm
chàng chiếu sáng,
Trông chàng chẳng khác
ánh chiêu dương.
13. Kết quả này do việc cúng
dường,
Hoặc do giữ giới luật
thông thường,
Hoặc do đảnh lễ đầy
cung kính?
Ðược hỏi, xin cho
biết hỡi chàng.
14. Chàng Thiên tử ấy
hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên
Tôn giả hỏi han,
Chàng giải đáp
ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết
quả cho chàng:
15. Trong chốn kinh thành tuyệt
diệu xưa,
Ca-tỳ-la-vệ, tộc Thích-ca,
Con là Kiền-trắc, cùng
sinh nhật
Với Thái tử là Sĩ-đạt-ta.
16. Vào nửa đêm,
vương tử xuất gia,
Ði tìm Giác Ngộ,
giã từ nhà,
Với bàn tay dịu bao màn
lưới,
Các móng đồng
thau chiếu sáng lòa.
17. Ngài bảo con, vừa vỗ
mạn sườn:
'Hãy mang ta, hỡi bạn
thân thương,
Khi nào giác ngộ đường
Vô thượng,
Ta sẽ giúp người khắp
thế gian'.
18. Khi được nghe lời
nói của Ngài,
Lòng con rộn rã vạn
niềm vui,
Với tâm phấn khởi
đầy hoan hỷ
Tuân lệnh trên, con vội
hý dài.
19. Khi biết hoàng nam Tịnh Phạn
vương,
Ðại danh lừng lẫy,
cỡi lưng con,
Với tâm phấn khởi
đầy hoan hỷ
Con rước người vô
thượng chí tôn.
20. Vượt qua đất nước
của người ta,
Khi mặt trời lên đã
quá xa,
Ngài bước đi, lòng
không luyến tiếc,
Bỏ con cùng với chú
Chan-na.
21. Con liếm chân Ngài với
lưỡi con,
Chân Ngài có các
móng màu đồng,
Và con kêu khóc nhìn
theo mãi,
Khi thấy Ngài đi, bậc
Ðại Hùng.
22. Vì không còn thấy
bóng huy hoàng
Của Thái tử, con Tịnh
Phạn vương,
Con ngã quỵ ngay, lâm trọng
bệnh,
Và nhanh chóng giã biệt
trần gian.
23. Chính nhờ Ngài có
đại oai thần
Ở tại thiên cung con trú
thân,
Thành phố chư Thiên
này có đủ
Biết bao niềm lạc thú vô
ngần.
24. Khi nghe Ngài Giác Ngộ
viên thành,
Hỷ lạc trong lòng con khởi
sanh,
Do chính căn nguyên thuần
thiện ấy
Mà con sẽ tận diệt vô
minh.
25. Nếu như Tôn giả có
đi ra,
Và yết kiến Ngài, bậc
Ðạo Sư,
Tôn giả nói giùm
con kính lễ
Dưới chân đức
Phật Go-ta-ma.
26. Con sẽ hầu thăm bậc
Ðại Hùng,
Là người không có
kẻ ngang bằng,
Khó tìm thấy được
người che chở
Như đức Phật che
chở cõi trần.
27. Rồi chàng Thiên tử,
dáng tri ân,
Biết lợi lạc nên đã
đến gần,
Khi đã nghe lời Ngài
có Mắt,
Chàng thanh tịnh Pháp
Nhãn ly trần.
28. Tẩy sạch lòng nghi,
đạt tín tâm,
Phát nguyền tu tập vững
tinh cần,
Khấu đầu đảnh
lễ chân sư phụ,
Chàng biến mất ngay khỏi
cõi trần.
8. (82) Chuyện thứ
tám - Lâu Ðài Có Nhiều Mầu Sắc
(Anekavanna-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn
trú tại Sàvatthi, ở Kỳ Viên.
Tôn giả Mahà-Moggallàna đang du
hành lên cõi trời Ba mươi ba và
được một Thiên tử có nhiều màu
sắc rực rỡ đến gần, đứng
lại chắp tay đảnh lễ cung kính.
Trưởng lão hỏi chàng:
1. Hiện lên lầu các
đẹp muôn màu,
Xua đuổi bao phiền não,
khổ sầu,
Rực rỡ huy hoàng, đoàn
hộ tống
Gồm bao tiên nữ đứng
quanh hầu,
Trông chàng, như một
vì Thiên đế,
Cõi Hóa Lạc thiên,
thích thú sao!
2. Chàng không có kẻ
sánh ngang bằng,
Không kẻ nào hơn
danh vọng chàng,
Hoặc phước đức
hay là đại lực,
Trong trời Ðao lợi, mọi Thiên
thần
Thảy đều kính lễ
chàng như thể
Thần cõi người cung
kính mặt trăng.
3. Các nàng tiên nữ
ở hai bên
Múa hát vui chơi thỏa
ước nguyền,
Chàng đã đắc
thần thông biến hóa,
Tràn đầy đại
lực của chư Thiên.
4. Kiếp xưa sinh ở chốn phàm
trần,
Chàng tạo đức
gì giữa thế nhân,
Vì có gì oai nghi rực
rỡ,
Dung quang chiếu sáng khắp mười
phương?
5. Chàng Thiên tử ấy
hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên
Tôn giả hỏi han,
Chàng giải đáp
ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết
quả cho chàng:
6. Tôn giả, con sinh một kiếp
xưa,
Môn đồ Thắng giả
Su-me-dha,
Con còn phàm tục, chưa
thành đạo,
Dù đã bảy năm
sống xuất gia.
7. Khi Thắng giả là bậc
Ðạo Sư,
Vượt qua dòng lũ, đắc
vô dư,
Con liền đảnh lễ bên
ngôi Tháp,
Bảo Tháp được
châu ngọc điểm tô,
Bao phủ lưới vàng
ròng rực rỡ,
Mang nhiều an lạc đến tâm
tư.
8. Con chẳng cúng dâng
lễ vật nào,
Song con khuyến khích các đồng
bào:
'Các người sẽ được
lên thiên giới,
Ðến bảo Tháp Ngài
đảnh lễ mau,
Ngài xứng đáng
cho ta kính lễ,
Người xưa vẫn nói
vậy từ lâu'.
9. Thiện sự này xưa con
đã làm,
Nay con hướng lạc thú
thiên đàng,
Hân hoan hội chúng trời
Ðao lợi,
Vì phước báo chưa
đến lúc tàn.
9. (83) Chuyện thứ
chín - Lâu Ðài Của Vị Thiên
Tử Ðeo Vòng Tai Sáng Chói (Mattakundalì-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn
trú tại Sàvatthi, ở Kỳ Viên.
Có một Bà-la-môn sống tại đó
rất giàu nhưng không có lòng tin
vào đạo và không bao giờ bố
thí cho ai vật gì cả, nên được
đặt danh hiệu Người Không bao giờ Bố
thí.
Ông lại thường dạy
bảo con trai là Mattakundalin đừng đến
gần đức Thế Tôn hay các đệ tử
của Ngài. Chàng tuân lệnh. Khi chàng lâm
bệnh, ông cha cũng không cung cấp thuốc
thang gì cho đến khi chàng nguy kịch, các
thầy thuốc được mời đến đều
bảo bệnh đã vô phương cứu chữa.
Bấy giờ bậc Ðạo
Sư vừa xuất định Ðại bi, thấy
Ngài có thể cứu độ cả hai cha con,
bèn đến gần nhà họ và phóng hào
quang. Chàng trai rúng động toàn thân
vì hoan hỷ, đảnh lễ Ngài và nằm
xuống.
Ngay sau khi đức Thế Tôn
ra đi, chàng từ trần và được
tái sanh vào một Lâu đài mười
hai dặm trong hội chúng cõi trời Ba mươi
ba. Ngày hôm sau tang lễ, ông cha ra nghĩa
địa vừa khóc than vừa gọi tên con.
Chàng Thiên tử thấy
ông cha, liền xuất hiện trước mặt ông
như chàng Mattakundalin đang khóc với
hai tay chắp lại vì đau buồn, vừa
kêu: 'Ôi mặt trăng! Ôi mặt trời!'.
Vị Bà-la-môn liền hỏi:
1. Mang chuỗi hoa, vòng tai
điểm trang,
Làn da tẩm phấn bột
chiên-đàn,
Chàng than khóc với đôi
tay chắp,
Sầu khổ vì sao ở giữa
rừng?
Chàng Thiên tử đáp
lại ông:
2. Bằng vàng đúc,
sáng rực huy hoàng,
Xuất hiện ngày xưa xe
của con,
Ðôi bánh xe này
con chẳng thấy,
Do buồn khổ ấy, muốn
lìa trần.
Vị Bà-la-môn lại
nói với chàng:
3. Ðúc bằng hồng
ngọc, bạc, hay vàng,
Hãy nói cho ta biết rõ
ràng,
Nam tử Bà-la-môn quý mến,
Ta đi tìm cặp bánh
cho chàng.
Thanh niên Bà-la-môn ấy
muốn hạ lòng tự cao của vị Bà-la-môn
đã không mua thuốc thang gì cho chàng,
liền nói:
- Hẳn chúng lớn bằng mặt
trăng mặt trời kia.
Và chàng yêu cầu ông
như sau:
4. Nam tử La-môn nói
với ông:
'Ðôi vòng nhật
nguyệt vẫn thường trông,
Xe con vàng đúc thường
bừng sáng
Với cặp bánh này giữa
cõi không!'
Vị Bà-la-môn bảo:
5. Chàng La-môn quả
thật điên khùng,
Chàng kiếm thứ đồ
chẳng thể mong,
Ta chắc rồi đây
chàng sẽ chết,
Vì chàng không thể được
trời, trăng!
Thanh niên Bà-la-môn đáp:
- Thế ai điên khùng hơn
ai, người khóc đòi vật có thể
thấy được hay người khóc đòi
vật không thể thấy?
6. Ta thường thấy
lặn, mọc, trời, trăng,
Ðặc tính, sắc màu
lúc chuyển luân,
Song kẻ mạng chung nào
thấy được,
Giữa ta, ai khóc thật
điên khùng?
Nghĩ rằng chàng nói có
lý, vị Bà-la-môn bảo chàng:
7. Quả chàng nói
đúng, Bà-la-môn,
Than khóc vầy, ta ngu xuẩn
hơn,
Ta khóc than vì người
đã chết,
Khác nào con trẻ khóc
đòi trăng?
Và vị Bà-la-môn không
còn buồn khi ngâm vần kệ trên, ông
lại ngâm các vần kệ tán thán chàng
thanh niên Bà-la-môn ấy:
8. Lòng ta thiêu đốt
nóng bừng,
Như là sữa lạc đổ
trong lửa đào,
Nay vừa được tưới
nước vào,
Và đang lắng dịu
biết bao khổ sầu.
9. Quả chàng nhổ mũi
tên đau
Nỗi buồn kia đã cắm
sâu vào lòng,
Xua tan mọi mối thương tâm
Của người cha đã
đau buồn vì con.
10. Giờ đây mát lạnh,
dịu lòng,
Mũi tên đã nhổ,
ta không còn buồn,
Ta không còn phải khóc
than,
Sau khi nghe nói, hỡi chàng
La-môn!
Sau đó vị Bà-la-môn
hỏi chàng:
- Thế chàng là ai?
và ngâm kệ tiếp:
11. Có phải chàng
Thiên tử, Nhạc thần,
Sak-ka Thiên chủ đại
danh lừng,
Thi ân hào phóng, trang
nam tử,
Con của ai, ta muốn biết chàng?
Chàng liền nói với ông
về bản thân mình:
12. Con là nam tử của
ngài đây,
Ngài hỏa thiêu con nghĩa
địa này,
Ngài đã khóc
than và khổ não,
Còn con làm thiện nghiệp riêng
tây,
Nay lên cộng trú cùng
Thiên chúng
Tam thập tam thiên lạc
thú đầy.
Vị Bà-la-môn hỏi:
13. Cúng dường lớn
nhỏ ở trong nhà,
Ta chẳng thấy đâu,
trước đến giờ,
Hoặc giữ giới hay ngày
Bố-tát,
Làm sao con đạt cõi
Băm-ba?
Thanh niên Bà-la-môn đáp:
14. Xưa con bệnh hoạn
ở trong phòng,
Ðau đớn ngập tràn
cả tấm thân,
Con thấy Phật-đà
vô lậu hoặc,
Ðoạn nghi, Thiện Thệ, trí
viên toàn.
15. Tâm con tràn ngập nỗi
hân hoan,
Ðảnh lễ Như Lai với
tín tâm,
Khi thiện sự con vừa thực
hiện,
Con lên cộng trú chúng
Thiên thần.
Khi chàng đang nói vậy,
toàn thân vị Bà-la-môn tràn đầy
nhiệt tình và ông nói:
16. Thật là hy hữu,
diệu kỳ thay,
Ðây kết quả hành
động chắp tay,
Ta cũng hân hoan, tâm tín
ngưỡng,
Quy y đức Phật tự
ngày nay.
Sau đó vị Thiên tử
muốn khuyên ông quy y và nhận Ngũ
giới, lại ngâm hai vần kệ:
17. Ngay tự hôm nay
với tín tâm
Ngài quy y Phật, Pháp
cùng Tăng,
Hành trì Ngũ giới,
chuyên tu tập,
Giữ trọn vẹn không có
lỗi lầm.
18. Từ nay ngài tránh
sát muôn loài,
Không lấy vật chi chẳng
tặng ngài,
Không uống rượu nồng,
không nói dối,
Và tri túc với vợ
mình thôi.
Khi chàng Thiên tử đã
khuyên ông nhận Tam quy và Ngũ giới
như vậy, vị Bà-la-môn đồng
ý với lời chàng và bảo:
19-20. Chàng muốn an
lạc, Dạ-xoa,
Chàng mong hạnh phúc
với ta mà,
Ta tuân lời dặn, này
Thiên tử,
Chành chính là thầy
giáo của ta,
Ta sẽ quy y vào Phật, Pháp.
Và quy y hội chúng Tăng-già.
21. Từ nay ta tránh sát
muôn loài,
Không lấy các tài
vật của ai,
Không uống rượu nồng,
không nói dối,
Và tri túc với vợ
mình thôi.
10. (84) Chuyện thứ
mười - Lâu Ðài Của Serissaka (Serissaka-Vimàna)
Sau khi đức Thế Tôn đã
viên tịch, Tôn giả Kumàra-Kassapa (Cưu-ma-la
Ca-diếp) cùng với năm trăm Tỷ-kheo đến thành
Setavyà. Tại đó, Tôn giả thuyết
phục vua Pàyàsi (Tệ Túc) từ bỏ
các tà kiến, và an trú vua vào chánh
kiến.
Từ đó về sau, nhà
vua thích làm công đức, cúng dường
các Sa-môn, Bà-la-môn, song không được
chu đáo, vì trước kia chưa quen việc
ấy, nên sau khi từ trần, vua được
tái sanh vào một Lâu đài ở
nơi hoang vắng trong rừng cây Sirìsa
thuộc trú xứ của Tứ Ðại
Thiên vương.
Tục truyền rằng ngày xưa
một số thương nhân nước Anga-Magadha
đi đến xứ Sindhu và Sovìra,
thường du hành ban đêm vì sợ cơn
nóng ban ngày, nên đã đi lạc
đường. Trong số ấy có một đệ
tử cư sĩ đầy đủ mọi khả
năng chứng đắc quả A-la-hán, và
đã tham gia đoàn lữ hành để
kiếm tiền cấp dưỡng cha mẹ.
Muốn giúp đỡ vị
ấy, Thiên tử Serissaka xuất hiện cùng
Lâu đài của mình, rồi hỏi
đám thương nhân đã đến
vùng sa mạc hoang vu không cây cỏ nước
non này bằng cách nào. Bọn họ trả lời
chàng.
Ðể giải thích chuyện này,
các vị kết tập Kinh điển đưa vào
hai vần kệ đầu tiên:
1. Hãy lắng nghe câu
chuyện Dạ-xoa
Và thương nhân gặp
gỡ đường xa,
Chuyện hay khéo kể cho nhau rõ,
Vậy hãy lắng nghe cả
chúng ta.
2. Pà-yà-si, chính hiệu
nhà vua,
Bạn của địa thần,
danh tiếng xa,
Ðang hưởng lạc trong
Lầu các ấy,
Vị Thiên thần hỏi
đám thương gia:
3. 'Trong rừng hiểm trở vắng
phàm nhân,
Sa mạc khô cằn, chẳng
có ăn,
Thật khó đi vào
vùng cát trắng,
Nhiều người mất trí
sợ nguy nan.
4. Không có cây hay trái
ở đây,
Cũng không nhiên liệu,
thức ăn này,
Không gì ngoài bụi
mù và cát,
Sức nóng đang thiêu
đốt đọa đày.
5. Hoang mạc cằn như ấm
sắt nung,
Không gì lợi lạc tựa
âm cung,
Xưa là trang trại bầy
ăn cướp,
Ðáng rủa nguyền thay
cả một vùng.
6. Vậy các ngươi do
động lực nào,
Cớ gì ước muốn
đến đây sao?
Các ngươi vội vã
cùng nhau đến,
Vì sợ, tham lam, lạc lối
vào?
Các thương nhân liền
đáp:
7. Lữ khách thương
nhân Ma-kiệt-đà,
An-ga, cùng đến So-vì-ra,
Ðã mang theo thật nhiều
hàng hóa,
Mong muốn giàu sang, kiếm lợi
mà.
8. Không sao chịu được
khát ban ngày,
Cùng xót thương bò
ngựa cả bầy,
Ðến bước này đây,
đoàn lữ khách
Gặp ban đêm giữa lúc
canh chầy.
9. Khốn khổ chúng tôi
phải lạc đường,
Rối như mù lạc lối
rừng hoang,
Giữa vùng cát khó
du hành quá,
Tâm trí hoang mang chẳng
biết phương.
10. Ðang lúc này đây
được thấy ngài,
Dạ-xoa thần lạc trú
Lâu đài,
Những điều chưa thấy
bao giờ cả,
Hy vọng khởi lên với chúng
tôi,
Vì chúng tôi vừa
nhìn thấy thế,
Chúng tôi đều hạnh
phúc, mừng vui.
Vị Thiên tử lại hỏi:
11. Sa mạc hoang vu vượt
đại dương,
Con đường khúc khuỷu
phải đi ngang
Bằng dây rừng kết làm
cầu nối,
Lại có nhiều khe suối
động hang,
Thật khó đi vào
nhiều thị trấn,
Các ngươi lặn lội
kiếm giàu sang.
12. Khi vào lãnh thổ các
vua kia,
Nhìn mọi người trong xứ
khác xa,
Những việc các ngươi
nghe thấy đó,
Có gì kỳ thú kể
cho ta.
Bọn thương nhân nghe vị Thiên
tử hỏi, liền đáp:
13. Việc chúng tôi nghe
thấy trước đây
Không gì kỳ thú
sánh nơi này,
Siêu phàm, Thiên tử,
không hề chán,
Khi ngắm mỹ quang tuyệt hảo
vầy.
14. Các hồ sen trải giữa
trời cao,
Phong phú hoa đua nở đẹp
biết bao,
Sen trắng cùng cây luôn
kết trái,
Tỏa làn hương tuyệt
diệu dường nào.
15. Một trăm trụ ngọc bích
cao xanh,
Các đế san hô kết thủy
tinh,
Mã não mắt mèo,
hồng ngọc thắm,
Trụ toàn ngọc sáng kết
thành hình.
16. Lâu đài tráng
lệ ở trên đầu,
Ngàn trụ oai nghi tuyệt mỹ
sao,
Hành lang vàng với tường
đầy ngọc,
Nền dát vàng xen lẫn
bảo châu.
17. Lâu đài sáng
rực tựa vàng ròng
Ở tại Jam-bon, một lạch
sông,
Sáng loáng cầu thang,
sân thượng, bệ,
Oai hùng, cân xứng, đẹp
vô ngần.
18. Trong điện ngọc đầy
thức uống ăn,
Một đàn tiên nữ
đứng quây quần,
Ngân vang kèn trống và
đàn địch,
Ngài được cung nghênh
với tán xưng.
19. Ngài được bầy
tiên tạo lạc an,
Thượng lầu kỳ thú
của thiên đàng,
Ngài oai nghi hưởng đầy
ân phước,
Lộng lẫy cao sang chẳng
nghĩ bàn,
Như Ðại Thiên vương
Tỳ-xá ngự
Na-li-nì thượng uyển vinh
quang.
20. Ngài là Thiên nữ,
Dạ-xoa thần,
Thiên chủ mang hình dáng
thế nhân?
Lữ khách cả đoàn
nay kính hỏi,
Xin ngài cho biết rõ danh xưng.
Bấy giờ vị Thiên
tử nói rõ về bản thân mình:
21. Ta là Thiên tử Se-ris-sa,
Ta giữ vùng sa mạc thật
xa,
Cai quản miền này và xứ
nọ,
Tuân hành thiên lệnh Ves-sa-va.
Bấy giờ các thương
nhân hỏi về hạnh nghiệp của chàng:
22. Ngài hưởng lạc
này bởi ngẫu nhiên,
Hay ngài được tặng
bởi chư Thiên?
Do ngài xây dựng, do
thành tựu?
Lữ khách thương nhân
muốn hỏi xem,
Bằng cách nào đây
ngài hưởng được
Lâu đài lạc thú
giữa quần tiên?
Vị Thiên tử lại ngâm
kệ bác bỏ bốn sự phỏng đoán
này và nêu rõ đó chính
là do công đức:
23. Chẳng phải do ta được
ngẫu nhiên,
Hoặc ta được tặng
bởi chư Thiên,
Do ta xây dựng, do thành
tựu,
Mà chính do công đức
tạo nên.
Các thương nhân liền hỏi
về bản chất công đức ấy:
24. 'Phạm hạnh nào
hay bởi nguyện cầu?
Quả này do pháp thiện
hành sao?
Thương nhân lữ khách
này xin hỏi:
Ngài được Lâu
đài bởi tại đâu?'
Vị Thiên tử lại bác
bỏ cả bốn điều phỏng đoán
trên, và trình bày công hạnh do
mình đã tích trữ trước kia:
25. Pa-ya-sì thuở trước
là ta,
Cai trị thần dân Kiều-tát-la,
Keo kiệt, xan tham, tin đoạn
diệt,
Không tin nhân quả, lạc
đường tà.
26. Thế rồi có một vị
Sa-môn,
Cưu-ma Ca-diếp, bậc đa
văn,
Biện tài tuyệt diệu, nhiều phương
tiện
Thuyết pháp, xua tà kiến khỏi
tâm.
27. Khi nghe lời thuyết pháp từ
ngài,
Ta nguyện làm cư sĩ suốt
đời:
Không sát sanh và không
trộm cắp,
Cũng không uống rượu,
nói sai lời,
Cũng không tà dục
và tri túc
Với vợ mình, không
muốn vợ ai.
28. Ðó là lời nguyện
sống trong lành,
Kết quả đây là của
thiện hành,
Chính bởi các hành
vi phước đức
Lâu đài này được
hưởng phần mình.
Khi ấy các thương nhân
đã thấy vị Thiên tử cùng Lâu
đài của chàng, liền khởi lòng tin
vào nghiệp quả, và ngâm hai vần kệ nêu
rõ niềm tin của họ vào nghiệp quả:
29. Quả thật, trí
nhân nói thật chân,
Không hề nói khác, các
hiền nhân,
Nơi nào người thiện
làm công đức,
Nơi ấy người an hưởng
thỏa lòng.
30. Nơi nào có khổ
não, kêu thương,
Chết chóc, nhiều ràng buộc,
khổ buồn,
Nơi ấy, các người
làm ác nghiệp
Khó lòng thoát khỏi
cảnh thê lương.
Trong khi họ ngâm kệ, một trái
Sirìra chín rụng từ cây xuống
cổng Lâu đài và vị Thiên tử
có vẻ buồn. Các thương nhân
thấy thế, liền ngâm kệ khác:
31. Giờ đây Thiên
chúng vẻ bồn chồn,
Lúng túng như đang
dính vũng bùn,
Thiên tử, vì đâu
ngài bất mãn,
Vì đâu hội chúng
chẳng vui lòng?
Khi nghe hỏi vị Thiên tử
đáp lại:
32. Bạn này, các
khóm Si-rì-sa,
Thoang thoảng thiên hương
lan tỏa ra
Vào tận Lâu đài,
hương phảng phất
Ngày đêm xua đuổi
bóng âm u.
33. Khóm này, sau mỗi một
trăm niên,
Một trái nở ra, chín,
rụng liền,
Một trăm năm đã
qua từ lúc
Ta hiện lên đây giữa
chúng Thiên.
34. Biết rằng ta sống giữa
thiên cung
Ngũ bách niên trường,
sẽ mạng chung,
Khi thọ mạng tàn, công
đức tận,
Cho nên ta hoảng sợ buồn
lòng.
Lúc ấy các thương
nhân liền an ủi chàng:
35. Thiên tử làm sao phải
muộn phiền,
Khi ngài ngự ngũ bách
chu niên
Lâu đài tuyệt mỹ
vô song địch?
Chắc chắn những ai phước
đức hèn
Chỉ được sinh vào
nơi thấp kém,
Là người phải chịu
khổ triền miên.
Vị Thiên tử chấp nhận
lời nói của họ, cảm thấy được
an ủi, bèn ngâm kệ:
36. Những lời khích
lệ đẹp lòng sao,
Bạn nói những lời
khen ngợi nhau,
Song bạn hỡi, giờ ta bảo
hộ,
Cất bước bình an
thoả ước ao.
Các thương nhân muốn
bày tỏ lòng biết ơn, lại ngâm kệ:
37. Khi nào đi đến
So-vì-ra,
Và đến Sin-dhu kiếm lợi
to,
Cùng với biết bao quà
tặng quý,
Chúng tôi dâng lễ
Se-ris-sa.
Nhưng vị Thiên tử từ
chối lễ vật hào phóng và muốn
khuyên nhủ họ những việc cần làm, liền
ngâm kệ:
38. Chớ nên dâng
lễ Se-ris-sa,
Còn mọi việc kia sẽ xảy
ra,
Song phải kiên tâm hành
Chánh pháp,
Và cần tránh các
nghiệp gian tà.
Vị ấy lại ngâm kệ để
nêu gương tốt cho họ theo và tán thán
các đức tính của người cư
sĩ mà vị ấy mong muốn bảo vệ an toàn:
39. Có vị tại
gia của lữ đoàn,
Học nhiều, giữ giới nguyện tinh
cần,
Cúng dường hào phóng,
đầy thân ái,
Tri túc, khôn ngoan, đúng
trí nhân.
40. Chàng không cố ý nói
sai lời,
Cũng chẳng chuyên tâm
hại đến ai,
Không thốt lời phân
ly, phỉ báng,
Nói lời dịu ngọt, thật
êm tai.
41. Biết vâng lời, kính
trọng, tu thân,
Tẩy sạch mình theo giới
hạnh luôn,
Người ấy sống đời
cao thượng lắm,
Nương nhờ Chánh pháp,
dưỡng song thân.
42. Ta chắc chàng đi kiếm
bạc vàng
Chỉ vì muốn phụng
dưỡng song thân,
Chứ không phải chính
vì mình vậy,
Bởi thế khi cha mẹ mãn phần,
Chàng sẽ hành trì
đời Phạm hạnh,
Hướng về xuất thế, thoát
ly trần.
43. Thẳng ngay, không hóc
hiểm, mưu mô,
Thiện sự thành công,
chẳng dối lừa,
Giải quyết việc gì, không
kiếm cớ,
Sao người như vậy phải
ưu tư?
44. Vì lý do này ta hiện thân,
Hãy quy ngưỡng Pháp,
hỡi thương nhân,
Giá không chàng, bạn
thành tro bụi,
Hoảng sợ như mù lạc
lối hoang.
Chỉ trích chàng là
điều thật dễ,
Phúc thay gặp gỡ bậc
hiền lương!
Ðám thương nhân muốn
biết rõ chi tiết về người đang được
nói đến một cách tổng quát như
vậy, liền hỏi:
45. Người ấy là
ai tự bấy nay,
Tên chàng, bộ tộc,
thợ hay thầy?
Chúng tôi mong muốn nhìn
người ấy
Ngài đã xót thương
xuất hiện đây,
Quả thật phần chàng
nhiều lợi lạc,
Nhờ ngài mến chuộng đến
như vầy.
Bấy giờ vị Thiên tử
nêu tên họ và bộ tộc chàng kia:
46. Người này tên
gọi Sam-ba-va,
Hớt tóc, người tu tập
tại gia,
Kiếm sống bằng dao, bàn
chải tóc,
Cả đoàn biết thị
giả này mà!
Vì chàng là một
người lương thiện,
Các bạn đừng nên
nhạo báng ta.
Sau đó đám thương
nhân nhận ra chàng kia, liền nói:
47. Chúng tôi đều
biết rõ người này,
Nhưng chẳng biết chàng
đức hạnh thay,
Nay chúng tôi cùng xin
đảnh lễ
Khi nghe ngài nói quý cao vầy.
Bấy giờ, sau khi mời mọi người
bước vào Lâu đài của mình,
vị Thiên tử ngâm kệ khích lệ họ:
48. Bất cứ ai trong
đám lữ hành,
Trung niên, trưởng lão,
hoặc xuân xanh,
Xin mời tất cả lên
lầu thượng,
Ðể bọn xan tham ngắm phước
lành.
Trong phần kết thúc, chư vị
kết tập Kinh điển ngâm sáu vần kệ:
49. Mọi người tại
đó nói to lên,
Khi đặt chàng cư sĩ
trước tiên:
'Tôi thứ nhất', rồi
lên điện ngọc,
Như cung Ðế Thích của
chư Thiên.
50. Cả đoàn lữ khách
nói như vầy:
'Tôi trước tiên', nhận
Ngũ giới này,
Từ bỏ sát sanh loài
thú vật,
Cũng không trộm cắp,
rượu nồng say,
Cũng không nói dối,
và tri túc
Với vợ mình, không
muốn vợ ai.
51. Cả đoàn lữ khách
nói đồng thanh:
'Tôi trước tiên', trì
giới, khởi hành,
Hoan hỷ ngập tràn nhờ đại
lực
Dạ-xoa thần hỗ trợ đồng
tình.
52. Ði vào địa
phận So-vì-ra,
Vì muốn bạc vàng,
kiếm lợi to,
Khi việc làm xong, tròn phận
sự,
Trở về an ổn phố Pà-ta.
53. Tất cả bình yên
trở lại nhà,
Trùng phùng thê tử
cả toàn gia,
Mừng vui, hạnh phúc,
đầy hoan lạc,
Làm lễ tôn vinh Thiên
tử kia,
Lễ hội tưng bừng
và rộn rã,
Cùng xây trú xứ
Se-ris-sa.
54. Như vậy là bầu
bạn thiện nhân
Ðược nhiều lợi lạc
lớn vô ngần,
Kết giao các thiện nhân trong
Pháp,
Nhờ một người, toàn
thể hưởng ân.
11. (85) Chuyện thứ
mười một - Lâu Ðài Của Sunikkhitta
(Sunikkhitta-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn
trú tại Sàvatthi, trong Kỳ Viên.
Thời ấy như đã nói trên, Tôn
giả Mahà-Moggallàna du hành trên
thiên giới, đến cõi trời Ba mươi
ba.
Một vị Thiên tử đang
đứng ở cửa Lâu đài của
chàng liền đến gần cung kính đảnh
lễ Tôn giả. Thuở tiền kiếp, khi ngôi kim Tháp
rộng một dặm đã được dựng
để thờ xá-lợi của đức Phật
Kassapa, bốn hội chúng thường đến cúng
dường lễ vật.
Có một cư sĩ, sau khi dâng
hoa tại đó, đã chưng bày
lại những bông hoa được sắp đặt
vụng về, rồi làm lễ cúng lần
nữa. Vị ấy lấy các hoa kia làm
đề tài thiền quán và tưởng niệm các
đức tính của bậc Ðạo Sư,
rồi đặt trọn công đức này
vào lòng.
Về sau lúc từ trần, nhờ
uy lực của hạnh nghiệp này, vị ấy
được tái sanh vào cõi trời Ba
mươi ba với một đám tùy tùng
đông đảo. Tôn giả Mahà-Moggallàna
ngâm kệ hỏi vị ấy:
1. Lầu các trụ
cao bằng ngọc bích,
Mười hai dặm trải rộng
chung quanh,
Bảy trăm nóc nhọn huy hoàng
quá,
Trụ ngọc nền vàng thật
hiển vinh.
2. Chàng uống ăn, cư
trú lạc an,
Khi đàn tiên trổi
khúc du dương,
Ðây là thiên vị,
năm thiên lạc,
Tiên nữ múa, trang điểm
ngọc vàng.
3. Vì sao chàng được
sắc như vầy,
Vì cớ gì chàng
vinh hiển đây,
Những lạc thú nào
chàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện
ra ngay?
4. Hỡi chàng Thiên tử
đại oai thần,
Chàng tạo đức
gì giữa thế nhân,
Vì cớ gì oai nghi rực
rỡ,
Dung quang chiếu sáng khắp mười
phương?
Vị Thiên tử ngâm kệ nói
về hạnh nghiệp đã làm. Các vị kết
tập Kinh điển giải thích việc này:
5. Chàng Thiên tử
ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên
Tôn giả hỏi han,
Chàng giải đáp
ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết
quả cho chàng:
6. Khi sắp đặt xong một
chuỗi hoa
Mà người đã
sắp đặt qua loa,
Rồi dâng hoa tại ngôi
kim Tháp
Ðấng Thiện Thệ là Kas-sa-pa,
Con đắc đại thần
thông, đại lực,
Hưởng đầy thiên
lạc cõi Băm-ba.
7. Vì vậy sắc con đẹp
thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào
trong dạ
Yêu chuộng, tức thì
xuất hiện ngay.
8. Xin trình Tôn giả đại
oai thần,
Công đức con làm
giữa thế nhân,
Vì thế oai nghi con rực rỡ,
Dung quang chiếu sáng khắp mười
phương.
Tổng Kết
- Lâu đài Hai Người
Nghèo, Hai Tinh Xá.
- Một Người làm thuê,
Một Kẻ Chăn Bò, Kanthaka.
- Lâu đài Nhiều Màu
Sắc, Mattakundalin, Serissaka, Sunikkhitta.
Ðó là Phẩm thứ
Bảy về Lâu đài Nam giới.
Phẩm Thứ Tư Ðể Phúng
Tụng
[Phẩm trước][Mục
lục][Phẩm kế][
^ ]
|