Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về   ]            [ Trang Chủ ]

LỊCH SỬ THIỀN TÔNG TRUNG QUỐC
Biên dịch: Nguyễn Nam Trân
Chương 5: Thiền được kế thừa và duy trì 
(Thiền thời Nam Tống, Kim, Nguyên)
Tiết 1: Phát triển của Thiền dưới thời Nam Tống.
Tình trạng xã hội Nam Tống:

Nhà Tống bị diệt sau cuốn biến loạn trong niên hiệu Tĩnh Khang nhưng năm 1127, em trai Khâm Tông là Triệu Cấu (1107-1187) lên ngôi ở phủ Ứng Thiên, Nam Kinh tức vua Tống Cao Tông (trị vì 1127-1162), phục hưng cơ nghiệp và lấy Lâm An (Hàng Châu Chiết Giang) làm kinh đô mới. Đó là thời Nam Tống (1127-1279). Như thế đã tạo thành thế ba chân vạc mới: Kim, Tây Hạ và Nam Tống. Nhà Tống bị đuổi xuống miền Giang Nam, lúc đầu muốn lấy lại đất đai đã mất nhưng khi đại thần Tần Cối bị Kim bắt và thả cho về thì phái chủ hòa càng thêm mạnh. Năm 1142, hòa nghị lập xong, người cầm đấu phái chủ chiến là Nhạc Phi (1103-1141) bị xử hình.Nội dung hòa ước cho thấy việc Tống chấp nhận số phận khuất nhục làm bầy tôi của Kim và phải giữ lệ tiến cống. Sau khi việc đối ngoại đã được dàn xếp, Tần Cối quay vào bên trong để tổ chức chính quyền theo ý mình. Một trong những chính sách là thu thuế cá nhân (nhân đầu thuế) có tên là "miễn đinh tiền" của giới tăng lữ (1145).Lý do đích thực của chính sách này là để khống chế và kiểm soát Phật giáo qua việc lập tăng tịch để thu thuế.

Năm 1161, vua Kim là Hải Lăng Vương bất chợt xâm lấn nhưng hiệp ước giảng hòa lại đem đến lợi thế cho Nam Tống vì nhờ đó, vào đời vua kế tiếp của Tống là Hiếu Tông (trị vì 1163-89), trong nước hưởng được một thời gian hòa bình và an định. Thời kỳ này có những tăng nhân hoạt động tích cực như Mật Am Hàm Kiệt (?-1207), người nối nghiệp Đại Huệ Tông Quả (1089-1163) và cũng là thời đại Tống Học đại thành với Chu Hy (tức Chu Tử, 1130-1200). Thế nhưng, đến cuối thế kỷ 12 , ngoại thích là Hàn Thác Trụ (?-1207) nắm được chính quyền, ra tay đàn áp phái đối lập (gọi là đạo giáo phái, trong đó có cả Chu Hy). Sử gọi là vụ "đảng cấm năm Khánh Nguyên". Xã hội rất dao động vì lúc đó Nam Tống lại đang chuẩn bị cho cuộc chiến tranh với nước Kim.

Đến năm 1207, Hàn Thác Trụ bị ám sát. Cuộc hòa nghị với Kim được thành lập nhưng sau đó, xuất hiện hai tể tướng chuyên quyền là Sử Di Viễn (?-1333) và Giả Tự Đạo (1213-1275), đến năm 1217 Tống lại khai chiến với Kim, lúc đó đã bị Mông Cổ làm yếu đi. Từ 1233 qua đến năm sau, Tống hợp tác với Mông Cổ đánh Kim với mục đích chinh phục lại lãnh thổ, thế rồi năm 1235 lại phải mở một cuộc chiến tranh phòng ngự trước sự xâm lấn của Mông Cổ. Tất cả đưa xã hội đến chỗ lung lay.

Năm 1260, Kubilai (Thế Tổ, tại vị 1260-94) kế nghiệp chức kha-hãn đời thứ 5 của Mông Cổ, nhưng khác với những người đi trước, ông lại muốn làm hoàng đế ở trung nguyên. Do đó, năm 1273, Mông Cổ tấn công thành Tương Dương, năm sau, tuyên chiến với Nam Tống, cử Bayan ( Bá Nhan) mở đầu cuộc tổng tiến công. Quân Tống thua ở khắp các mặt trận. Năm 1275, Giả Tự Đạo thống lĩnh trên 13 vạn đại quân ra nghênh chiến bị thua đậm ở Vu Hồ (An Huy). Giả Tự Đạo mất chức, do dư luận qui cho trách nhiệm về sự thất trận nên bị giết sau đó.

Năm 1276, quân Nguyên tiến đến Lâm An và vây hãm. Cung Đế ( tại vị 1274-76) và chính quyền Nam Tống qui hàng. Hoàng tộc và quan lại trên mấy nghìn người bị giải từ Lâm An vê Thượng Đô, nơi Khubilai đóng dinh. Tàn đảng nhà Tống còn cố gắng phò Đoan Tông (tại vị 1276-78) và Vệ Vương (1278-79) đề kháng nhưng đến năm 1279 thì cuối cùng đã bị tiêu diệt hoàn toàn ở Nhai Sơn thuộc tỉnh Quảng Đông.

Đường hướng hoạt động của các phái Thiền:

Kể từ khi triều Nam Tống bắt đầu, hoạt động của tông Vân Môn dần dần suy yếu. Chỉ biết sơ lược là có một thiền tăng tên Lôi Am Chính Thụ (1146-1208) đã biên tập tác phẩm tên là Gia Thái Phổ Đăng Lục (1204) mà thôi chứ hệ phổ của tông môn thì cuối đời Nam Tống coi như đã tuyệt. Do đó, chỉ còn có hai tông Lâm Tế và Tào Động là còn tiếp nối được dòng Thiền. Đặc biệt, phái Dương Kỳ, một phân nhánh của Lâm Tế, hoạt động rất mạnh mẽ. Trong đám môn hạ từ cửa Viên Ngộ Khắc Cần (1063-1135) có Đại Huệ Tông Quả (1089-1163) là người tụ tập được nhiều đệ tử hơn cả. Ông đã khai sáng ra một phái mới gọi là phái Đại Huệ.

Có thể kể đến những nhân vật phát xuất từ phái này như học trò của Đại Huệ Tông Cảo là Chuyết Am Đức Quang (tức Phật Chiếu Thiền Sư, 1121-1203), Lãn Am Đĩnh Nhu (1092-1153), Khai Thiện Đạo Khiêm (Mật Am, năm sinh năm mất không rõ), Hiểu Oánh Trọng Ôn (1116-?). Riêng đệ tử của Chuyết Am Đức Quang thì lại có những người như Bắc Giản Cư Giản (1164-1246) và Chiết Ông Như Diễm (1151-1225). Lại nữa, Bắc Giản Cư Giản có đệ tử là Vật Sơ Đại Quan (người giữa thế kỷ 13), Chiết Ông Như Diễm đã đào tạo Đại Xuyên Phổ Tế (1179-1253), Yển Khê Quảng Văn (1189-1263) cũng như Hối Nham Trí Chiếu (thế kỷ 12-13), người được biết như là nhà biên tập của Nhân Thiên Nhãn Mục (1183), tác phẩm làm rõ được đặc sắc của ngũ gia.

Đại Huệ Tông Cảo vì tích cực giao du với giới sĩ đại phu cho nên trong đám môn hạ có nhiều người là cư sĩ. Đáng kể hơn cả là Trương Cửu Thành (1092-1159) vốn được Đại Huệ tín nhiệm nhất. Một số được biết đến nhờ văn tài lỗi lạc như Lã Bản Trung (1084-1145), Hàn Câu (? -1136), Lý Bính (1085-1146).

Về Đại Huệ Tông Cảo:

Năm 16 tuổi ông đã đắc độ, 17 tuổi thụ đủ các giới. Ban đầu ông theo học Động Sơn Đạo Vi tức đệ tử của Phù Dung Đạo Khải. Sau thờ Trạm Đường Văn Chuẩn (1061-1115) phái Hoàng Long thuộc tông Lâm Tế làm thầy. Đến khi thầy mất, bắt đầu du hành và tham học nhiều nơi. Nhận di mệnh của Văn Chuẩn, cùng Trương Thương Anh (1043-1121) tìm đến phái Dương Kỳ làm đệ tử của Viên Ngộ Khắc Cần, chẳng bao lâu đã nhận được pháp tự. Năm 1137 về sống ở Kinh Sơn (Chiết Giang), tập hợp học trò đến cả nghìn người. Do đó, ông được xem như là người đã phục hưng tông Lâm Tế. Năm 1141, dính dấp vào một cuộc cạnh tranh chính trị nên bị đày đi Hành Châu (Hồ Nam) rồi Mai Châu (Quảng Đông). Đến khi được ân xá, ông vào tu ở A Dục Vương Sơn ở Minh Châu (Chiết Giang). Năm 1158, lại vào núi Kinh Sơn, mất năm 75 tuổi (1163).

Ông có nhiều trứ tác như Chính Pháp Nhãn Tạng, Đại Huệ Ngữ Lục, Đại Huệ Pháp Ngữ, Đại Huệ Phổ Thuyết, Đại Huệ Thư...Ông phê bình kịch liệt mặc chiếu thiền [1] của phái Tào Động, đồng thời sử dụng những công án có từ đời Ngũ Tổ Pháp Diễn (? - 1104) đến Viên Ngộ Khắc Cần vào việc dạy dỗ tăng nhân. Đáng gọi là bậc đại thành công án. Ông còn thừa kế truyền thống đại tu đại dụng của dòng thiền Mã Tổ, chủ trương Phật pháp và vương pháp cùng nhất trí, thông qua đám môn đệ là giới sĩ đại phu, cố gắng tích cực tham gia vào xã hội. Với tư thế năng động như vậy, tư tưởng của ông đã ảnh hưởng nhiều đến triết học của Chu Hy.

Tuy nhiên sau đó, dựa vào sức hoạt động của Mật Am Hàm Kiệt, phái Hổ Khâu của Hổ Khâu Thiệu Long, đệ tử Viên Ngộ Khắc Cần, cũng hưng thịnh lên. Trong đám môn nhân của Mật Am Hàm Kiệt đặc biệt có hai nhân vật tiếng tăm, đó là Tùng Nguyên Sùng Nhạc (1132-1202) và Phá Am Tổ Tiên (1136-1211), mỗi người đứng đầu một phái (phái Tùng Nguyên và phái Phá Am). Phái Tùng Nguyên có Hư Đường Trí Ngu (1185-1269) trong khi phái Phá Am có Vô Chuẩn Sư Phạm (tức Phật Giám Thiền Sư, 1177-1249). Hai ông đều có danh vọng, cùng được hoàng đế Tống Lý Tông (1224-64) ban tử y (áo tía).

Hư Đường Trí Ngu cũng có người học trò giỏi là Linh Thạch Như Chi (năm sinh và mất không rõ) nhưng chính môn đệ của Vô Chuẩn Sư Phạm mới tỏ ra có nhiều sắc thái hơn cả, bắt đầu với "tứ triết" (bốn người hiền): Biệt Sơn Tổ Trí (1200-1260), Đoạn Kiều Diệu Luân (1201-1261), Tây Nham Liễu Huệ (1198-1262), Ngột Am Phổ Ninh (1197-1276) rồi đến Hoàn Khê Duy Nhất (1202-81) tác giả Ngũ Gia Chính Tông Tán (1254) luận về gia phong của ngũ gia, Thoái Canh Đức Ninh (năm sinh năm mất không rõ), Tuyết Nham Tổ Khâm (? - 1287), Vô Học Tổ Nguyên (1226-1286) vv...Lại nữa, về nhân tài đứng bên ngoài hệ phái của Viên Ngộ Khắc Cần, phải kể đến Tăng Đĩnh Thủ Trách (tức Trách Tạng Chủ, năm sinh năm mất không rõ) cũng như người trứ tác cuốn tập ngữ lục Vô Môn Quan (1129) tức Vô Môn Huệ Khai (1183-1260).

Những thiền tăng trứ danh kể trên được rất nhiều đồ đệ từ Nhật Bản và Triều Tiên đến tham học. Con số những người này có khi vượt qua cả con số tăng nhân Trung Quốc nữa. Người Nhật lưu học ở Trung Quốc trong giai đoạn này có Nanpo Jômin ( Nam Phố Thiệu Minh, 1235-1291) đã nhận pháp tự của Hư Đường Trí Ngu, Tôfuku Enni (Đông Phúc Viên Nhĩ, 1202-1280), nhận pháp tự của Vô Chuẩn Sư Phạm, Mukan Fumon (Vô Quan Phổ Môn, 1183-1260) từng tham học với Đoạn Kiều Diệu Luân, Hakuun Egyô (Bạch Vân Huệ Hiểu (1228-1297) học trò Hy Tẩu Thiệu Vân.

Mặt khác, phía tông Tào Động thì Đan Hà Tử Thuần (1064-1117) có hai đệ tử giỏi là Hoằng Trí Chính Giác (tức Thiên Đồng Chính Giác, 1091-1157) và Chân Yết Thanh Liễu (1088-1151). Tuy họ vạch được một giới tuyến với tông Lâm Tế nhưng về ảnh hưởng thì hoàn toàn không bắt kịp tông này. Có điều là từ hệ phái Tào Động của Thanh Yết Thanh Liễu có Thiên Đồng Như Tịnh (1163-1228), người đã truyền Thiền cho Dôgen (Đạo Nguyên, 1200-53) của Nhật Bản lúc ấy vừa nhập Tống. Và như ta đã biết, Dôgen chính là nguyên lưu của tông Tào Động ở Nhật vậy.

Cuối đời Nam Tống bước qua Nguyên sơ, nhiều thiền tăng lỗi lạc của Trung Quốc đã đến Nhật. Trong số đó có Lan Khê Đạo Long (1213-78, sang Nhật năm 1246), của phái Tùng Nguyên, Ngột Am Phổ Ninh (sang Nhật năm 1260, về lại Trung Quốc năm 1265) và Vô Học Tổ Nguyên (sang Nhật năm 1279), hai người thuộc phái Phá Am.Trong nhóm này, còn có Nhất Sơn Nhất Ninh (1247-1317, sang Nhật năm 1299), vốn là người thuộc sứ bộ triều Nguyên nhưng được người Nhật khẩn khoản mời ở lại. Ngoài ra một số khác sang Nhật vì tránh cảnh chiến tranh ly loạn dưới thời Nam Tống, hoặc vì không muốn phục tùng một triều đình do người ngoại quốc đến chiếm đóng dựng nên.

Một điều quan trọng cần đề cập đến khi nói về Phật giáo thời Nam Tống là sự thay đổi trong mối quan hệ giữa phái Thiên Thai và Thiền Tông.Thời Bắc Tống thì quan hệ đó rất xấu, nhìn vào việc Tứ Minh Trí Lễ (960-1028) thì rõ, người phái Thiên Thai thường chĩa mũi giáo công kích Thiền Tông. Thế nhưng đến giai đoạn Nam Tống, ngược lại, họ tích cực tìm cách tiếp cận. Các tăng Thiên Thai như Thanh Tu Pháp Cửu (?-1163), Trúc Am Khả Quan (1092-1182), Bắc Phong Tông Ấn (1148-1213) vv...đều đến tham học với Đại Huệ Tông Cảo, còn Giác Vận Trí Liên (1088-1163) thì thờ Hoằng Trí Chính Giác làm thầy. Đệ tử của Tông Ấn là Hối Nham Pháp Chiếu ( 1185-1273) lại hỏi đạo Si Tuyệt Đạo Trùng (1169-1250) và Hư Đường Trí Ngu. Học trò của họ thường tham học với các thiền tăng nổi danh ( Pháp Chiếu được biết nhiều vì đã viết lời tựa cho cuốn Đại Giác Thiền Sư Ngữ Lục của Lan Khê Đạo Long, vị thiền tăng đã sang Nhật). Hình như lý do các tăng Thiên Thai quan tâm đến Thiền là vì việc tham thiền có thể giúp cho họ thực chứng được pháp môn của mình.Đến đời Pháp Cửu thì trong các chùa phái Thiên Thai cũng áp dụng các thanh qui của thiền viện. (Ví dụ Giáo Uyển Thanh Quy được truyền đến ngày nay có thể do bản gốc có từ đời Pháp Cửu. Thanh quy này đã được Nhất Am Nhất Như (năm sinh và mất không rõ) đem vào đất Nhật hồi đầu nhà Minh, từng được Vân Ngoại Tự Khánh tái biên tập năm 1347). Trong số các nhân vật phái Thiên Thai cũng có kẻ rốt cục đã chuyển hướng, gia nhập hẳn vào làng Thiền như Mục Am Pháp Trung (1084-1149) và Tịnh Từ Đàm Mật (1120-1188). Như thế mới thấy vào thời này, ảnh hưởng của Thiền Tông đến Phật giáo nói chung thật triệt để, việc phân chia "lưỡng ban" đông tây để vận hành thiền tự và chế độ "thập phương trụ trì" cũng được các giáo tự cũng như luật tự bắt chước và phổ biến rộng rãi (Luật Uyển Thanh Quy do tăng Tỉnh Ngộ biên tập đã được san hành vào năm 1324).

Việc nhập tạng và xuất bản thư tịch Thiền Tông:

Như đề cập đến ở bên trên, vua Thái Tổ nhà Tống đã ra lệnh chạm khắc bản (điêu tạo) Đại Tạng Kinh (971) và cho Ần Kinh Viện ấn hành. Đến cuối đời Bắc Tống thì nhờ kinh tế phát triển nên việc in ấn Đại Tạng Kinh đã được phát triển rộng ra cả trong dân chúng. Chuyện ấy vẫn được kế tục dưới thời Nam Tống với sự ra đời của các bản Đại Tạng Kinh của Đông Thiền Tự ở Phúc Châu (1080-1112), của Khai Nguyên Tự cũng ở Phúc Châu (1112-1151), bản Tư Khê ở Hồ Châu (khoảng năm 1133), bản Tích Sa (1231-1315) vv... Cùng với sự xác định vai trò của Thiền Tông trong đời sống tôn giáo và xã hội, các thiền tịch (thư tịch Thiền Tông) như Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, Truyền Pháp Chính Tông Ký, Truyền Tâm Pháp Yếu, Lục Tổ Đàn Kinh, Đại Huệ Thiền Sư Ngữ Lục...dần dần được phép nhập tạng (bảo tồn bảo tàng như văn kiện chính thức) và quảng bá giống như trường hợp của Đại Tạng Kinh. (Việc cho phép thiền tịch được nhập tạng sẽ được nối tiếp. Vào đời Nguyên có Trung Phong Hòa Thượng Quảng Lục, đời Minh có Hộ Pháp Luận và Viên Ngộ Phật Quả Thiền Sư Ngữ Lục lọt vào trường hợp ấy).

Lệnh cho khắc bản và ấn hành Đại Tạng Kinh vào đời Tống đã ảnh hưởng tới nhiều nước lân cận. Liêu, Kim, Cao Lệ đều xuất bản kinh ấy ( ví dụ bản do người Khiết Đan khắc (1031-64), bản do người Kim khắc (1149-?), sơ điêu bản (1011-?) và tái điêu bản (1236-1251) của Cao Lệ). Dầu bên Tống đã nhập tạng kinh ấy, người các nước vẫn tiếp tục in, cùng lúc họ lại chêm thêm nhiều sách mới vào trong nữa. Điều này góp phần không nhỏ vào việc đề phòng sự thất thoát các tác phẩm. Ví dụ như hai cuốn Bảo Lâm Truyện và Truyền Đăng Ngọc Anh Tập tưởng đã mất hẳn nhưng đến thời cận đại, người ta lại phát hiện ra nó trong Kim Khắc Đại Tạng Kinh. Việc Tổ Đường Tập đã được tìm ra trong phần phụ lục bản Đại Tạng Kinh của Cao Lệ là một chuyện nhiều người biết.

Đời Tống, việc xuất bản rất hưng thịnh, nhiều khi chỉ vì mục đích doanh lợi. Trong bối cảnh đó, ngoài Đại Tạng Kinh là một thiền tịch trọng yếu, các tác phẩm khác cũng được in ra. Xin trưng ra hai ba ví dụ nổi tiếng nhất. Đó là Lục Tổ Đàn Kinh được Phật Nhật Khế Tung (1007-72) san hành vào năm 1056, Truyền Tông Pháp Yếu được Giác Phạm Huệ Hồng (1071-1128) san hành (vào năm nào thì không rõ), Trấn Châu Lâm Tế Huệ Chiếu Thiền Sư Ngữ Lục được Viên Giác Tông Diễn (không rõ năm sinh năm mất) san hành vào năm 1120. Vân Môn Khuông Chân Thiền Sư Quảng Lục cũng được Tông Diễn in ra như không rõ vào thời điểm nào.

Đến thời Nam Tống thì việc san hành thiền tịch càng thịnh vượng, nhất là các ngữ lục. Đặc biệt nhiều tùng thư chuyên môn về ngữ lục đã ra đời. Trong số đó, quan trọng hơn hết Trách Tạng Chủ ở Phúc Châu (tỉnh Phúc Kiến) đã thu thập và ấn hành ngữ lục của 12 người từ đời Đường đến đời Tống, trong đó có Nam Tuyền Phổ Nguyện (748-834) và Đầu Tử Đại Đồng (819-914), thành tác phẩm Cổ Tôn Túc Ngữ Yếu (1128-1144). Sách này sau đó được tăng bổ hai lần vào năm 1178 và 1267 và trở thành cơ sở để soạn Cổ Tôn Túc Ngữ Lục (trong Nam Tạng, 1403), tác phẩm được nhập tạng dưới thời Minh. Trong lần tục biên, nó thu thập được lời nói của 80 vị thiền sư dưới nhan đề "Tục Khai Cổ Tôn Túc Ngữ Yếu", đã ảnh hưởng rất lớn đến hậu thế.

Cổ Tôn Túc Ngữ Yếu và Cổ Tôn Túc Ngữ Lục:

Từ đời Đường đến đời Tống, có rất nhiều thiền ngữ lục xuất hiện, chúng được lưu truyền lại và có ảnh hưởng to tát đến đời sau. Trách Tạng Chủ (tức thiền sư Tăng Đĩnh Thủ Trách, người sống giữa thế kỷ thứ 12), đã ấn hành ở vùng Cổ Sơn thuộc Phúc Châu (thuộc tỉnh Phúc Kiến) khoảng năm 1140 tác phẩm Cổ Tôn Túc Ngữ Yếu. Nội dung của nó gồm có:

  • 1) Trì Châu Nam Tuyền Phổ Nguyện Hòa Thượng Ngữ Yếu (Nam Tuyền Phổ Nguyện).
  • 2) Đầu Tử Hòa Thượng Ngũ Lục (Đầu Tử Đại Đồng).
  • 3) Mục Châu Hòa Thượng Ngữ Lục (Mục Châu Đạo Tung).
  • 4) Triệu Châu Chân Tế Hòa Thượng Ngữ Lục (Triệu Châu Tùng Thẩm).
  • 5) Nhữ Châu Nam Viện Ngung Hòa Thượng Ngữ Yếu (Nam Viện Huệ Ngung).
  • 6) Nhữ Châu Thủ Sơn Niệm Hòa Thượng Ngữ Yếu (Thủ Sơn Tỉnh Niệm).
  • 7) Nhữ Châu Diệp Huyện Quảng Giáo Tỉnh Thường Sư Ngữ Lục (Diệp Huyện Quy Tỉnh)
  • 8) Đàm Châu Thần Đĩnh Sơn Đệ Nhất Đại Nhân Thiền Sư Ngữ Lục ( Thần Đĩnh Hồng Nhân).
  • 9) Tinh Châu Thừa Thiên Tung Thiền Sư Ngữ (Thừa Thiên Trí Tung).
  • 10) Thạch Môn Sơn Từ Chiếu Thiền Sư Phượng Nham Tập (Cốc Ẩn Uẩn Thông).
  • 11) Thư Châu Pháp Hoa Sơn Cử Hòa Thượng Ngữ Yếu (Pháp Hoa Toàn Cử).
  • 12) Quân Châu Đại Ngu Chi Hòa Thượng Ngữ Lục (Đại Ngu Thủ Chi)
  • 13) Vân Phong Duyệt Thiền Sư Ngữ Lục (Vân Phong Văn Duyệt).
  • 14) Viên Châu Dương Kỳ Hội Hòa Thượng Ngữ Lục (Dương Kỳ Phương Hội).
  • 15) Đàm Châu Đạo Ngô Chân Hòa Thượng Ngữ Yếu (Đạo Ngô Ngộ Chân).
  • 13) Đại Tùy Thần Chiếu Thiền Sư Ngữ Yếu (Đại Tùy Pháp Chân).
  • 17) Tử Hồ Sơn Đệ Nhất Đại Thần Lực Thiền Sư Ngữ Lục (Tử Hồ Lợi Tung).
  • 18) Cổ Sơn Tiên Hưng Thánh Quốc Sư Hòa Thượng Pháp Đường Huyền Yếu Quảng Tập (Cổ Sơn Thần Án).
  • 19) Tương Châu Động Sơn Đệ Nhị Đại Sơ Thiền Sư Ngữ Lục (Động Sơn Thủ Sơ).
  • 20) Trí Môn Tộ Thiền Sư Ngữ Lục (Trí Môn Quang Tộ).

  •  

     
     
     
     
     
     
     

    Sau đó, trong lần trùng san năm 1178 lại bổ sung thêm 2 cuốn:
     

  • 21) Thư Châu Bạch Vân Sơn Hải Hội Diễn Hòa Thượng Ngữ Lục (Ngũ Tổ Pháp Diễn).
  • 22) Từ Châu Lang Da Sơn Giác Hòa Thượng Ngữ Lục ( Lang Da Huệ Giác).

  •  

     
     
     
     
     
     
     

    Đến năm 1267 lại trùng san. Lần này thêm 5 nhà:

  • 23) Trấn Châu Lâm Tế Huệ Chiếu Thiền Sư Ngữ Lục (Lâm Tế Nghĩa Huyền).
  • 24) Vân Môn Khuông Chân Thiền Sư Quảng Lục ( Vân Môn Văn Yển).
  • 25) Thư Châu Long Môn Phật Nhãn Hòa Thượng Ngữ Lục (Phật Nhãn Thanh Viễn).
  • 26) Bảo Phong Vân Am Chân Tịnh Thiền Sư Ngữ Lục (Chân Tịnh Khắc Văn).
  • 27) Đông Lâm Hòa Thượng Vân Môn Am Chủ Tụng Cổ (Trúc Am Sĩ Khuê, Đại Huệ Tông Cảo).

  •  

     
     
     
     
     
     
     

    Đến đây, tên sách được đổi thành Cổ Tôn Túc Ngữ Lục. Thế rồi đến năm 1403 nhân được nhà Minh tuyển vào Nam Tạng, lại thêm vào đấy 17 cuốn nữa:

  • 28) Nam Nhạc Đại Huệ Thiền Sư Ngữ (Nam Nhạc Hoài Nhượng).
  • 29) Mã Tổ Đại Tịch Thiền Sư Ngữ (Mã Tổ Đạo Nhất).
  • 30) Bách Trượng Hoài Hải Thiền Sư Ngữ (Bách Trượng Hoài Hải).
  • 31) Quân Châu Hoàng Bá Đoạn Tế Thiền Sư Ngữ, Quảng Lăng Lục (Hoàng Bá Hy Vận).
  • 32) Hưng Hóa Thiền Sư Ngữ Lục (Hưng Hóa Tồn Tương).
  • 33) Phong Huyệt Thiền Sư Ngữ Lục (Phong Huyệt Diên Chiểu).
  • 34) Phần Dương Chiêu Thiền Sư Ngữ (Phần Dương Thiện Chiêu).
  • 35) Từ Minh Thiền Sư Ngữ Lục (Thạch Sương Sở Viên).
  • 36) Bạch Vân Đoan Thiền Sư Ngữ (Bạch Vân Thủ Đoan).
  • 37) Phật Chiếu Thiền Sư Kinh Sơn Dục Vương Ngữ (Chuyết Am Đức Quang).
  • 38) Bắc Giản Giản Thiền Sư (Bắc Giản Cư Giản).
  • 39) Vật Sơ Quan Thiền Sư (Vật Sơ Đại Quan).
  • 40) Hối Cơ Thiền Sư Ngữ Lục (Hối Cơ Nguyên Hi).
  • 41) Quảng Trí Toàn Ngộ Thiền Sư (Tiếu Ẩn Đại Hân).
  • 42) Trọng Phương Hòa Thượng Ngữ Lục (Trọng Phương Thiên Luân).
  • 43) Giác Nguyên Đàm Thiền Sư (Giác Nguyên Huệ Đàm).
  • 44) Phật Chiếu Thiền Sư Tấu Đối Lục (Chuyết Am Đức Quang).
  • Trong thời gian ấy, người biên tập là Định Nham Tịnh Giới (? - 1418) muốn xén bớt một số đoạn cho nên trong lần san hành Vạn Lịch Bản Đại Tạng Kinh (Gia Hưng Tạng), người ta có ý phục hồi lại nguyên hình của nó nghĩa là các cuốn từ 36 đến 43 để có bộ mặt như chúng ta thấy ngày nay.

    Ấy là những đoạn đường mà Cổ Tôn Túc Ngữ Yếu đời Tống đã trải qua để trở thành Cổ Tôn Túc Ngữ Lục hiện hành. Ngoài ra còn có chuyện xảy ra vào năm 1238 là việc Hối Thất Sư Minh, một người sống vào tiền bán thế kỷ 13, đã hoàn thành một cuốn Tục Khai Cổ Tôn Túc Ngữ Yếu như một tục biên của nó và đem vào đấy 80 nhà. Hình như lúc đầu ông có chủ tâm gộp nó với chính biên để có đủ 100 nhà nhưng ngoài Lâm Tế Lục đặt ở đầu sách, ông đã xén bỏ gần hết.

    Đến đời Tống, nếu nhìn trường hợp của Phần Dương Thiện Chiêu (947-1024), Thạch Sương Sở Viên (986-1-39), Tuyết Đậu Trọng (Trùng) Hiển (980-1052), ta thấy việc biên tập các thiền ngữ lục đã diễn ra ngay lúc các bậc đại sư còn sống, và đã được sự giám tu của các vị ấy. Ngay sau khi các vị ấy chết đi, chúng được ấn hành ngay (và cũng có lúc việc này xảy ra lúc các vị ấy còn sống như trường hợp Hư Đường Lục của thiền sư Nam Tống Hư Đường Trí Ngu vào năm 1269). Trong trường hợp biên tập sau khi chết, thường bản thảo sẽ đem trình cho một thiền sư đàn anh để xin sửa đổi thêm bớt và cho lời tựa và lời bạt rồi mới đem in. Vào đời Tống, tư tưởng Thiền đã thẩm thấu sâu xa trong xã hội và phải nói nguyên động lực của nó là việc quảng bá thiền tịch.

    Thế những ý nghĩa của các bản ấn hành vào đời Tống không ngừng lại ở đó. Việc quảng bá ấn phẩm các ngữ lục Đường Tống còn có ảnh hưởng đến hậu thế nữa. Lục Tổ Đàn Kinh là một ví dụ điển hình. Đương thời, những ấn bản của cuốn sách này đã được truyền bá khắp nơi trước khi nó bị nhiều người cải biên nên ta có thể biết hình thức cổ xưa nhất của nó, rồi qua sự so sánh với các ấn bản về sau, thấy được tư trưởng Thiền Tông đã phát triển như thế nào. Do đó, chúng trở thành những tư liệu nghiên cứu quí giá vì có vai trò lịch sử.

    Các ấn bản đời Tống đã được các học tăng và thương nhân đem từ Trung Quốc về Nhật. Ngày vẫn còn giữ được một số. Ngoài chất lượng chạm khắc (điêu tạo) cao làm cho chúng có thêm cả giá trị công nghệ, các "Tống bản" và các Nguyên bản" cứ được để nguyên như thế mà lưu truyền ở Nhật. Nó trở thành những "bản lót" (để bản) cho các "bản Gozan" (bản của năm chùa thiền Nhật hay Ngũ Sơn bản) và đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc xuất bản thiền tịch Nhật Bản.

    Sự hình thành của các công án Thiền:

    Từ khi bước vào thời Nam Tống, phong trào viết bình luận cho các công án đã bắt đầu. Trong tác phẩm Chính Pháp Nhãn Tạng [2] của ông, thiền sư Đại Huệ Tông Cảo đã biên tập lời trước ngữ và bình xướng cho rất nhiều công án. Tuy vậy, thể loại tụng cổ mới là hình thức phổ biến nhất. Các vị như Hoằng Trí Chính Giác, Tuyết Am Tùng Cẩn (1117-1200), Hư Đường Trí Ngu đã viết ra Tụng Cổ Bách Tắc. Cuốn Tứ Gia Lục (một "tụng cổ tập" thu thập các tác phẩm nổi tiếng của 4 người là Tuyết Đậu Trọng (Trùng) Hiển, Đầu Tử Nghĩa Thanh, Thiên Đồng Chính Giác, Đan Hà Tử Thuần) cũng được xuất bản. Lại nữa, Thiền Tông Tụng Cổ Liên Châu Thông Tập, được xem như tục biên của Thiền Môn Thống Yếu thời Bắc Tống, đã được biên soạn lần đầu tiên năm 1175 và các tác phẩm phê bình khác thuộc loại tụng cổ, niêm cổ...đã được ấn loát và phổ biến rộng rãi. Qua đến đời Nguyên, chúng vẫn được tiếp tục tăng bổ và tiếp tục phát triển.

    Sự lưu hành của công án đã ảnh hưởng đến hình thức và nội dung các cuốn đăng sử. Thay vì tiếp tục viết truyện ký các thiền sư, có những cuốn chỉ chú trọng đến việc phê bình các công án như Tông Môn Liên Đăng Hội Yếu (1183) chẳng hạn. Ta thấy trong đó ảnh hưởng nhận được từ Chính Pháp Nhãn Tạng (1147) và Tông Môn Thống Yếu (1133) rất mạnh.

    Công án tập thành:

    Người tiên khu trong việc tập thành (thâu tóm nhiều thể loại khác nhau) công án, tụng cổ, niêm cổ...(để gộp thành một tập) có lẽ là thiền sư thời Bắc Tống Huệ Nghiêm Tông Diễn (năm sinh năm mất không rõ) với tác phẩm Tông Môn Thống Yếu (1133). Sau đó, Cổ Lâm Thanh Mậu (1262-1329) đời Nguyên đã tục biên nó dưới cái tên Tông Môn Thống Yếu Tục Tập (1320). Đến đời Thanh lại có Vị Trung Tịnh Phù tăng bổ chúng trong tác phẩm Tông Môn Niêm Cổ Vựng Tập (1664). Khuynh hướng tập thành và tăng bổ các công án ngày càng nhiều ra. Ví dụ sau khi Pháp Ứng (năm sinh và mất không rõ) đời Tống đã biên tập Thiền Tông Tụng Cổ Liên Châu Thông Tập, năm 1317 sách ấy lại được Lỗ Am Phổ Hội (năm sinh năm mất không rõ) đời Nguyên tăng bổ. Cuốn Niêm Bát Phương Châu Ngọc Tập (1257) do Tổ Khánh (măm sinh năm mất không rõ) biên cũng đã dựa trên cơ sở của những bài niêm lộng (tóm tắt những điều quan trọng của tông môn bằng những lời bình luận có cá tính của mình) do Phật Giám Huệ Cần (1059-1117) và Viên Ngộ Khắc Cần (1063-1135) viết năm 1125, vốn được bổ sung và niêm cổ (lối phê bình các cổ tắc với lời lẽ thông thường bằng văn xuôi) một lần trước vào năm 1136 với Chính Giác Tông Hiển (người thế kỷ 12-13). Sách mà Tổ Khánh biên lại có phụ thêm những lời trước ngữ của thầy ông là Thạch Khê Tâm Nguyệt (? - 1254). Ngoài ra, như đã nhắc đến nhiều lần, hãy còn có Chính Pháp Nhãn Tạng (1147) trong đó Đại Huệ Tông Cảo đã viết trước ngữ và bình xướng cho 661 tắc công án. Các thiền sư đời Nguyên như Thiện Tuấn, Trí Cảnh, Đạo Thái cũng hiệp lực soạn chung một công án tập thành là Thiền Lâm Loại Tụ (1307).

    Từ đời Tống trở đi, thiền lâm có khuynh hướng chú trọng vào "thể nghiệm khai ngộ" (kinh nghiệm được sự giác ngộ bằng bản thân của mình) hơn cả. Trong Thiền Bắc Tống, "thể nghiệm khai ngộ" đã được nâng lên cao nhưng kể từ đời Hà Trạch Thần Hội (684-758) về sau thì bị miệt thị và đến Mã Tổ Đạo Nhất hầu như ông không thèm nhắc tới nó. Phải nói thể nghiệm về thiền được xem là quan trọng trở lại là từ khi các thiền tăng có khuynh hướng quay vào bên trong để tìm hiểu nội tâm. Một trong những lý do tạo ra khuynh hướng này là vì những lời bình luận về các công án đã thấm sâu vào các giai tầng trong tổ chức xã hội của tùng lâm. Hơn nữa, ngày nay họ không còn có sự tư do đi đây đi đó tham học như các vân thủy đời trước nên khuynh hướng quay vào bên trong cũng dễ giải thích.

    Sự phổ biến các hình thức phê bình luận công án và sự chú trọng vào thể nghiệm khai ngộ, hai thứ đó đã kết hợp lại để sinh ra "thiền công án" hay "khán thoại thiền", một sản phẩm của thời Nam Tống. Nó đã được manh nha với Ngũ Tổ Pháp Diễn và Viên Ngộ Khắc Cần, thừa kế bởi Đại Huệ Tông Cảo. Từ đó, nó trở thành một hình thức tu hành có phương pháp luận hẳn hoi, qua đó, người tu hành dùng "công án" để bắt buộc mình khơi dậy một "nghi đoàn" (khối nghi ngờ thực sự) rồi thông qua đó tìm ra sự giác ngộ (khai ngộ).

    Công án ban đầu vốn thể hiện tâm cảnh giác ngộ qua lời nói và hành động của các thiền sư vĩ đại trong quá khứ cho nên từ xưa người ta đã dùng nó để đi tìm sự giác ngộ. Người như Hoàng Long Huệ Nam (1002-1069) chẳng hạn, khi tu học với Thạch Sương Sở Viên, đã nhờ công án Triệu Châu khám bà [3] (Triệu Châu tìm hiểu hành động của bà lão) mà ngộ đạo, nên sau đó thường dùng chính công án này làm giáo khoa chỉ đạo học trò mình.

    Thế nhưng khi học tập bằng "thiền công án", phải xem nó như một dụng cụ (miếng ngói để gõ cửa, dùng xong thì vứt) mà thôi. Việc tìm hiểu nội dung của nó là gì không bao giờ là vấn đề chính. Điều trọng yếu nhất chỉ là làm sao khơi dậy lên được mối nghi ngờ đích thực (nghi đoàn) một cách có hiệu quả. Để được như thế, phải tập trung tinh thần tìm hiểu một công án thuộc loại nan giải cỡ Triệu Châu vô tự [4](Chữ Vô của Triệu Châu). Các bậc sư phó lúc chỉ đạo thường đòi hỏi nơi học trò một kỹ năng chính xác hơn là cá tính của họ.

    Công án thiền vì trình bày những thành quả nổi tiếng về sự tu tập để đi đến giác ngộ cho nên được lưu hành sâu rộng. Đặc biệt Đại Huệ Tông Cảo đã dùng công án để dìu dắt học trò, trong đó có cả giới sĩ đại phu, khiến cho ảnh hưởng của hình thức tu học này lan ra khắp xã hội. Vì lẽ đó, Đại Huệ được mọi người xưng tụng là "bậc đại thành về thiền công án" (công án thiền đại thành giả). Tuy nhiên, việc thiền công án ra đời đã làm cho Thiền trở nên tầm thường, nhàm chán, và ta không thế phủ nhận rằng nó là nguyên nhân làm giảm sút sức hấp dẫn của thiền.

    Đại Huệ và chư đệ tử đã để lại nhiều trước tác, kể cả những tập xem như ghi lại các giai thoại về chốn tùng lâm. Đại Huệ Tông Cảo có Đại Huệ Vũ Khố (do Khai Thiện Đạo Khiêm biên năm 1186), Trọng Ngôn Hiểu Oánh (đệ tử của Đại Huệ Tông Cảo, 1116 ? - ?) có La Hồ Dã Lục (1155) và Cảm Sơn Vân Ngoại Kỷ Đàm (hay Vân Ngoại Kỷ Đàm, khoảng 1179), Đông Ngô Tịnh Thiện (năm sinh năm mất không rõ) có Thiền Lâm Bảo Huấn (khoảng 1180) , Giả Am Huệ Bân (năm sinh năm mất không rõ) có Tùng Lâm Công Luận (khoảng 1189), Cổ Nguyệt Đạo Dung (năm sinh năm mất không rõ) có Tùng Lâm Thịnh Sự (1197). Ngoài những tác phẩm chủ yếu do các nhân vật nói trên, về sau một chút, lại xuất hiện thêm Nhân Thiên Bảo Giám (1230) của Tứ Minh Đàm Tú (ông là đệ tử Tiếu Ông Diệu Thậm (1177-1248)), cũng như Khô Nhai Hòa Thượng Mạn Lục (hay Khô Nhai Mạn Lục, 1263) của Khô Nhai Viên Ngộ (đệ tử Yển Khê Quảng Văn (1189-1263)). Đó là những quyển sách ra đời với mục đích khuyến khích nỗ lực tìm về giác ngộ của những người tu hành. Sự xuất hiện liên tiếp những tác phẩm thuộc loại này chứng minh rằng ảnh hưởng của thiền công án đã lan ra rất rộng. Chúng ta còn có thể nhìn thấy sự thực đó qua nội dung Đại Huệ Thư (do Huệ Nhiên (không rõ năm sinh năm mất) biên tập năm 1166), tập sách gom góp thư tín Đại Huệ trao đổi với các đệ tử sĩ đại phu của ông.

    Dĩ nhiên, sự có mặt của những thiền sư tông Tào Động như Chân Yết Thanh Liễu và Hoằng Trí Chính Giác cho ta thấy hãy còn có một phương pháp khác để tu thiền ("mặc chiếu thiền" của họ đối lập với "công án thiền"). Thế nhưng trước sự hấp dẫn của trường phái Đại Huệ, nó không thể nào phát triển nổi. Trong đám đệ tử của Hoằng Trí, có Tự Đắc Huệ Huy (1097-1183) đã sáng tác Lục Ngưu Đồ (Sáu bức tranh trâu). Về sau tông Tào Động ở Trung Quốc đã được duy trì nhờ sức các học trò đàn cháu của Hoằng Trí.

    Mặc chiếu thiền là gì?

    Đó là một phương pháp thiền đương thời đã bị Đại Huệ Tông Cảo phê phán là "tà thiền". Theo những người chống đối, mặc chiếu thiền, đúng như cái tên gọi của nó, không nhắm vào sự giác ngộ chỉ lấy sự trầm mặc ngồi thiền làm quan trọng. Nhân vì Hoằng Trí Chính Giác có viết Mặc Chiếu Minh cho nên người ta nghĩ Đại Huệ đã tấn công các nhân vật tông Tào Động phái Hoằng Trí. Tuy nhiên, giữa Hoằng Trí và Đại Huệ lại có mối thân giao, có lẽ Đại Huệ tấn công trực tiếp vào người đồng môn của Hoằng Trí là Chân Yết Thanh Liễu thì đúng hơn. Dù nói gì đi nữa, khó lòng chối cãi một tiền đề là giữa tông phong của Lâm Tế (phía phê phán) và Tào Động (bị phê phán) có một sự khác nhau rõ ràng. Về phía Nhật Bản thì quả là thiền sư Dôgen (Đạo Nguyên) khi đề xướng "chỉ quản đả tọa" [5] đã thừa hưởng di sản của tư tưởng mặc chiếu thiền của tông Tào Động Trung Quốc. Việc Đạo Nguyên kịch liệt chỉ trích Đại Huệ Tông Cảo cũng nằm trong lô-gíc ấy.

    Ảnh hưởng của công án: Vô Môn Quan và Thập Ngưu Đồ.

    Sự thịnh hành của thiền công án đã khiến cho nội dung của nó biến chất đi. Điều này ta có thể thấy khi đọc một tập công án như Vô Môn Quan. Nếu từ trước đến nay các tập công án nặng tính cách văn học [6], thiên về sự thưởng thức thì từ nay, khía cạnh đó dã bị thụt lùi, công án chỉ đặt trọng tâm vào sự thực dụng nghĩa là đóng vai trò công cụ giúp đỡ và khuyến khích người tu học, nội dung nhấn mạnh vào việc làm sao cho những người ấy sớm tìm thấy sự giác ngộ.

    Từ đây các tập công án có khuynh hướng trở thành tập cẩm nang, tập bài tập...như trường hợp các tác phẩm thuộc loại Mục Ngưu Đồ (Tranh chăn trâu) liên tiếp ra đời. Có lẽ đây là đặc điểm của tư tưởng Thiền thời này. Trong loại Mục Ngưu Đồ có Tứ Ngưu Đồ, Lục Ngưu Đồ, Bát Ngưu Đồ, Thập Ngưu Đồ, Thập Nhị Ngưu Đồ vv... đủ mọi hình thức, nhưng nổi tiếng hơn cả là Thập Ngưu Đồ (Mười bức tranh trâu) của Khuếch Am [7] Sư Viễn (thế kỷ 11-12). Phải nói tập sách này thể hiện đầy đủ nhất tính chất của thiền công án.

    Vô Môn Quan:

    Thiền sư đời Tống Vô Môn Huệ Khai trong lúc chỉ đạo các đệ tử ở chùa Long Tường ở Đông Gia (tỉnh Chiết Giang) năm 1228, đã nhân cơ hội biên tập lại các bài giảng của mình và ấn hành vào năm sau. Nội dung của nó gồm 48 tắc công án quan trọng xưa nay có thêm lời tụng và bình xướng của ông. Cùng với Bích Nham Lục, Vô Môn Quan (Ải Không Cửa) là một tập công án tiêu biểu. Thiền sư Nhật Bản Shinchi Kakushin (Thiên Địa Giác Tâm, 1207-98), người đã nhập Tống và nhận pháp tự của Huệ Khai, đã đem sách ấy về và phổ biến lần đầu tiên trong nước. Sau đó sách đó được tông Rinzai (Lâm Tế Nhật Bản) yêu chuộng, cho in đi in lại nhiều lần. Đặc biệt từ thời cận đại trở đi, nó rất được chú ý. Có lẽ vì so với Bích Nham Lục thì nó ngắn hơn, nội dung rõ ràng hơn, có nhiều chỉ dẫn áp dụng được cho việc tu học hơn. Trong tập này, nổi tiếng hơn cả là công án thứ nhất nhan đề Triệu Châu cẩu tử (Con chó của Triệu Châu). Tương truyền thiền sư đời Đường là Triệu Châu Tùng Thẩm (778-897) khi có người hỏi xem con chó có Phật tính hay không thì ông đã trả lời "Không!". Thoại về con chó này là một thay đổi đột biến trong cách trình bày công án thiền. Thế nhưng khi so sánh với Bích Nham Lục về tính văn học nghệ thuật, ta thấy Vô Môn Quan đã đánh mất đi nhiều và không thể nào xóa trong đầu cái ấn tượng là vì muốn trở thành thực dụng, nó phải gọn gàng và do đó, nghèo nàn đi.

    Thập Ngưu Đồ:

    Do Khuếch Am Sư Viễn soạn. Tác giả đem "bản lai tự kỷ" (con người xưa nay) giả thác vào con trâu rồi ví von cách tu hành thiền bằng việc tìm bắt con trâu đi lạc về chuồng qua mười giai đoạn : 19 Tầm ngưu (Tìm trâu), 2) Kiến tích (Thấy dấu vết), 3) Kiến ngưu (Thấy trâu), 4) Đắc trâu (Được trâu), 5) Mục trâu (Chăn trâu), 6) Kỵ ngưu qui gia (Cưỡi trâu về nhà), 7) Vong ngưu tồn nhân (Quên trâu lẫn người), 9) Phản bản qui nguyên (Quay lại cội nguồn), 10) Nhập triền thùy thủ (Thỏng tay vào chợ). Mỗi giai đoạn đều được minh họa và kèm thêm lời giải thích và thơ. Thập Ngưu Đồ đã đến Nhật rất sớm, được ghép vào các tập Tứ Bộ Lục [8], Ngũ Vị Thiền và đem san hành, phổ biến. Nó được cái tiện lợi là bình dị, chỉ nhìn một cái đã đủ thấy một cách bao quát ý nghĩa của sự tu Thiền. Ngày nay tác phẩm này vẫn được mọi người quan tâm cũng vì nó có đặc điểm giúp cho người ta nắm bắt được cái tính đồng nhất (nhất nguyên tính) của tâm hồn con người. Khuynh hướng này vẫn là khuynh hướng chung của các công án thiền và phán ánh được trạng huống của tùng lâm đương thời. Thế nhưng giản dị, dễ hiểu thì có đấy, ngược lại, nhìn toàn thể thì không khỏi thấy tư tưởng và khí lực của Thập Ngưu Đồ quá yếu ớt, nghèo nàn. Bộc lộ được chăng là tính tiêu khiển của nó. Hơn thế nữa, ta cũng không thể bỏ qua khía cạnh trước tác này dường như đã cho phép thể chế đang dần dần cai quản tùng lâm len cả vào bên trong tâm hồn con người và trụ lại vững vàng. Ngoài ra, hãy còn có một Thập Ngưu Đồ cũng được phổ biến rộng rãi ở Trung Quốc, đó là tác phẩm của Phổ Minh (ông là đệ tử của Viên Thông Pháp Tú (1027-90) thuộc tông Vân Môn, năm sinh năm mất không rõ). Tác phẩm này đã được truyền vào đất Nhật vào thời tiền cận đại. Đến thời Edo thì có Nguyệt Pha Đạo Ấn (1637-1716) đã dung hợp cả hai của Phổ Minh lẫn của Khuếch Am để làm thành Thập Ngưu Đồ tiếng Nhật mang tên là Ushikaigusa (Truyện chăn trâu).

    Ý nghĩa của sự hình thành thiền công án thật là to lớn.Vì thành lập được phương pháp luận để giúp cho người ta tự tìm đến giác ngộ, Thiền đã vượt qua những dị biệt về văn hóa để truyền đến được cho tất cả mọi người. Thực tế cho thấy ở Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản, lịch sử tiếp nhận Thiền đã bắt đầu từ lâu đời nhưng Thiền chỉ có chân đứng trên các đất nước đó kể từ thời đại của những ngữ lục trở về sau ( tổ của Tào Động Tông ở Triều Tiên, Trí Nột (1158-1210), đã soạn Khán Thoại Quyết Nghi Luận, còn ở Việt Nam thì đối với phái Trúc Lâm mà vua Trần Nhân Tông (tại vị 1279-1293) là khai tổ thì ảnh hưởng của Đại Huệ Ngữ Lục rất trọng yếu.

    Thời Tam Giáo Nhất Trí Luận thịnh hành và sự ra đời của Chu Tử Học:

    Đến đời Tống, trong chốn tùng lâm, màu sắc chủ nghĩa dân tộc trở nên sâu đậm. Như đã trình bày ở trên, tư tưởng Nho Thiền nhất trí hay Tam Giáo nhất trí được đề xướng và biểu dương. Thế nhưng sở dĩ khuynh hướng ấy càng ngày càng mạnh là vì Thiền có sự ủng hộ của tầng lớp sĩ đại phu. Họ thuộc lớp quan lại cai trị dân cho nên không thể thờ ơ được với Nho giáo. Từ đó sinh ra nhu cầu làm cách nào để điều chính, hòa hợp được quan hệ giữa những tín điều Thiền Tông và giáo lý đạo Nho. Trong các tác phẩm của các thiền nho, ta thấy họ không ngừng kêu gọi Nho Thiền nhất trí hay Tam giáo nhất trí, chẳng hạn trong Hộ Pháp Luận của Trương Thương Anh, Như Như Cư Sĩ Ngữ Lục (năm 1386, dưới thời Minh được cải biên thành Như Như Cư Sĩ Tam Giáo Đại Toàn Ngữ Lục) của Nhan Bính (hiệu Như Như Cư Sĩ, ? -1212), Phật Pháp Đại Minh Lục (1229) của Khuê Đường Cư Sĩ (thế kỷ 12-13) và Tam Giáo Bình Tâm Luận (tác phẩm đời Nguyên) của Lưu Mật (không rõ năm sinh năm mất).

    Người được chú ý vì lập trường hô hào tam giáo nhất trí có lẽ là Lâm Hy Dật (hiệu Nguyện Trai, sống giữa thế kỷ 13). Ông chơi thân với đệ tử của Mật Am Hàm Kiệt là Ẩn Tĩnh Trí Nhu (người hậu bán thế kỷ 12) và Vĩnh Thanh Cổ Nguyên (không rõ thuộc tông phái nào, 1215-91) dựa trên quan điểm hợp nhất Nho giáo, Lão Trang và Thiền, trong lục chú thích kinh điển của Đạo gia (trong Lão Tử Nguyện Trai Khẩu Nghĩa và Trang Tử Nguyện Trai Khẩu Nghĩa) đã thường xuyên sử dụng thuật ngữ Thiền Tông để giảng giải tư tưởng của Lão Trang. Các sách đó rất được người trong tùng lâm yêu chuộng. (Ngay cả phái Gozan (Ngũ Sơn) của Nhật cũng đề cao chúng).

    Về phía các thiền tăng, vì đi lại với giới sĩ đại phu, họ cũng không thể phủ nhận những giá trị của Nho giáo. Hơn nữa, dưới thời Bắc Tống, người Trung Quốc bị các dân tộc phương bắc đàn áp cho nên sau khi dời xuống miền nam, dưới triều Nam Tống, chủ nghĩa hoa di, tranh luận về đại nghĩa danh phận và nhương di (đuổi bọn man di) thường được họ nung nấu trong lòng. Khuynh hướng xem Phật giáo như "giáo lý của di địch" trở nên mạnh mẻ cho nên Thiền Tông cũng cần thích ứng với tình thế mới. Do đó, lý thuyết Nho Thiền nhất trí và Tam giáo nhất trí được Đại Huệ Tông Quả dề xướng buổi đầu đã được các thiền tăng đồng ý và sử dụng.

    Trong tình huống ấy, sự thành lập của Chu Tử Học cũng ảnh hưởng phần nào đến Thiền Tông. Chu Hy đã tổng hợp thành công một loạt những giáo lý do các Nho gia Bắc Tống như Chu Đôn Di (Liêm Khê, 1017-73), Trương Tái (Hoành Cừ, 1020-77), Trình Hiệu (Minh Đạo, 1032-85) và Trình Di (Y Xuyên, 1033-1107) đề ra trước đó. Đó là Chu Tử Học. Như ta đã biết, họ Chu họ Trình chịu ảnh hưởng rất nặng của Thiền Tông. Chính Chu Hy thời trẻ cũng theo học Khai Thiện Đạo Khiêm (thế kỷ 12), một học trò của Đại Huệ Tông Cảo. Ông cũng thích đọc ngữ lục của Đại Huệ, đáng lẽ ông cũng phải nhìn nhận phần nào những yếu tố có chất Thiền trong lối suy nghĩ của các bậc tiền bối. Chu Hy lại có một tác phẩm tên Chu Tử Ngữ Loại có hình thức giống như một ngữ lục của thiền tăng. Thế mà trên thực tế, Chu Hy đã dựa vào truyền thống nhà nho để phê phán Thiền Tông kịch liệt.

    Trường phái Chu Hy có thêm nhiều đồ đệ và học vấn của ông được chính quyền công nhận có lẽ là khi khoa cử, bị bãi bỏ đầu đời Nguyên, được mở ra lại từ năm 1315. Tuy vậy, để phản biện những lời phê bình cứng rắn và ngoan cố từ phía các người theo Chu Tử Học và cũng vì giữa hai hệ tư tưởng chính ra vẫn có những điểm tương thông, các thiền tăng đã tích cực học hỏi Chu Tử Học. Do đó, việc Chu Tử Học hình thành chỉ làm cho chủ trương Thiền Nho nhất trí càng ngày càng phát động mạnh.

    Bỏ qua một bên chuyện các thiền tăng thời đó ý thức vấn đề đến mức nào, chỉ biết Thiền Tông tuy phổ biến trong xã hội nhưng đã gặp những khó khăn mà Chu Tử Học đã biết vượt được lên trên để bỏ Thiền Tông lại đằng sau. Bởi vì dầu Thiền Tông là một hệ tư tưởng sinh động và cũng muốn đi tìm một chỗ đứng trong xã hội, ta khó lòng phủ nhận những hạn chế của nó. Đó cũng là hạn chế của Phật giáo nói chung khi chủ trương việc "xuất gia". Trong khi ấy, Chu Tử Học đã biết thu nạp hoàn toàn những điểm ưu việt của Thiền Tông mà vẫn giữ cái gốc Nho Giáo để cho phép mình tham gia chính trị. Đối với tầng lớp sĩ đại phu mà mục đích tối hậu không khác gì hơn là trở thành quan lại thông qua khoa cử, dĩ nhiên Chu Tử Học phải có sức hấp dẫn mạnh hơn Thiền.

    Vào lúc ấy, bên ngoài xã hội, gió đã không còn thuận chiều đối với Thiền Tông nữa. Những sĩ đại phu đi thi không đỗ đã bỏ nhà đi tu, làm thành ra cả một phong trào (thiền sư Hối Cơ Nguyên Hi (1238-1319) là một ví dụ cụ thể). Như thế giới tăng lữ trở thành một lực lượng đối kháng với Nho gia, và đứng trước họ, Nho gia cảm thấy cần phải phòng thủ. Thêm nỗi, vì công quĩ thiếu tiền, chính quyền phải đem các thứ độ điệp, tử y, chức tước nhà chùa.. làm món hàng. Phẩm chất tăng lữ vì thế sa sút hẳn, trong xã hội họ chỉ còn là những kẻ có địa vị thấp kém nhất.Ngoài mặt, Thiền Tông đời Tống có vẻ như thịnh vượng hơn đời Đường nhưng bên trong thì họ đã ở trên con đường suy thoái.

    Chế độ quan tự và văn hóa Thiền:

    Như đã trình bày, từ đời Tống trở đi, hệ thống chùa chiền đã trở thành một bộ phận của thể chế quốc gia. Đời Nam Tống, chế độ "quan tự" (chùa nhà nước) đã được đưa vào trở lại và ngày càng trở thành một hệ thống chặt chẽ. Đời Tống Ninh Tông (tại vị 1194-1224), theo lời tâu của Sử Di Viễn (? - 1233), cho thành lập chế độ "ngũ sơn thập sát" [9].

    Cách vận hành các "chùa nhà nước" cũng theo tổ chức thành lưỡng ban đã có ở các tự viện thời Bắc Tống. Tuy nhiên nếu nhìn vào các sớ, bảng...tức là những phương tiện thông tin trong chùa thì ta thấy chúng đã bị quan liêu hóa. "Sớ" tức tờ trình của cấp dưới lên cấp trên nay lại chia ra tờ chúc mừng lúc vào chùa (gọi là nhập tự sớ, theo thứ bậc hay vị trí chia ra thành sơn môn sớ, chư sơn sớ, giang hồ sớ...), tờ xin tiền nước tắm (lâm hãn sớ), tờ trình việc quyên góp tiền (cán duyên sớ). Còn "bảng" là yết thị của cấp trên thông tin cho cấp dưới và khải tráp (khải trát) là thư tín qua lại có tính cách nghi thức giữa những người cùng đẳng cấp).Chức thư ký khi soạn thảo, ghi chép cũng dùng thể văn tứ lục (tứ lục biền lệ văn) nghĩa là mô phỏng hình thức của công văn. Như thế, trong sinh hoạt tùng lâm, thể văn tứ lục trở thành tất yếu. Do đó, mối quan tâm của các thiền tăng đối với văn học càng ngày càng lớn. Họ thường tổ chức các hội thơ với mục đích xã giao, và mỗi lần như thế, ghi chép lại trong những cuốn thơ. Các thi văn tập xuất hiện trong thời này đáng kể có Bắc Giản Văn Tập, Bắc Giản Thi Tập (khoảng năm 1238) của Bắc Giản Cư Giản, Vật Sơ Chuế (?) Ngữ (1267) của Vật Sơ Đại Quan (học trò Bắc Giản Cư Giản), Vô Văn Ấn (1273) của Vô Văn Đạo Xán. Đặc biệt thi tập và văn tập của Bắc Giản Cư Giản được người Nhật đánh giá cao.

    Tuy vậy, người được đánh giá cao về mặt văn hóa Thiền trong thời này có lẽ phải nói là Vô Chuẩn Sư Phạm. Ông chẳng những vẽ tranh rất giỏi mà còn đào tạo ra Mục Khê (Pháp Thường, ? -khoảng 1280), họa gia được xem như số một trong chốn tùng lâm. Tác phẩm của Mục Khê đôi khi được các tăng sĩ Nhật Bản sang Tống du học mang về, đến bây giờ vẫn còn coi như là những bức tranh hàng đầu. Vô Chuẩn Sư Phạm cũng giao du với Trương Tức Chi (1186-1266), một nhà thư đạo tiêu biểu đương thời. Đệ tử của ông nhiều người theo học thư pháp họ Trương. Khi tiễn Tôfuku Enni (Đông Phúc, Viên Nhĩ) về Nhật, Vô Chuẩn Sư Phạm có tặng ông một bút tích bằng mực (mặc tích), tương truyền là nét chữ của Trương Thức Chi. Lại nữa, đệ tử của Vô Chuẩn Sư Phạm là Tùng Pha Tông Khế (người hậu bán thế kỷ 13) vào thời Tống mạt Nguyên sơ đã thu thập thơ của các thiền tăng thành Giang Hồ Phong Nguyệt Tập (đầu thế kỷ 14). Tất cả cho thấy ảnh hưởng văn hóa của Sư Phạm to lớn dường nào.

    Ngoài ra, các thiền tăng đồng thời kỳ với Vô Chuẩn Sư Phạm như Bắc Giản Cư Giản và Hư Đường Trí Ngu đều có đi lại với Lương Giai (tiền bán thế kỷ 13), một họa gia ở Họa Viện (tức cơ quan Hàn Lâm Đồ Họa Viện của nhà nước). Cũng nên biết rằng Mã Công Hiển (sống giữa thế kỷ 12) và Mã Viễn (thế kỷ 12-13), hai nhân vật thuộc dòng họ Mã (dòng họ này vốn là cái nôi cung cấp nhân tài cho Họa Viện nhiều nhân tài), cũng thường vẽ loại tranh gọi là "thiền cơ họa" . Thời đại các đệ tử của Vô Chuẩn và Trí Ngu là một thời đại văn hóa Thiền rạng rỡ, đến nỗi đời sau khi nhắc đến đã phê phán bằng cách gọi "cái hào nhoáng của những năm Cảnh Định Hàm Thuần" (Cảnh Định Hàm Thuần chi phù hoa) .

    Hình như vào thời Nam Tống, số con nhà quan lại và học trò thi trượt vào chốn tùng lâm tìm một dịp may để ra góp mặt với đời không phải là ít. Như thế, tùng lâm không đứng bên ngoài giới sĩ đại phu nhưng chính ra kết hợp làm một với họ. Vì thế, sự giao lưu giữa hai bên ngày một thêm nhiều, việc trao đổi thi văn, tranh vẻ và bút tích với giới sĩ đại phu trở thành những hoạt động không thể thiếu được trong cuộc sống các thiền tăng. (Vào thời này, các thiền tăng cũng tham dự vào các việc tang tế tại gia cho nên đây cũng có thể coi như nguyên nhân tạo ra cơ hội).

    Ngũ sơn thập sát:

    Vì chính phủ sắp đặt thứ bậc các chùa thiền chính cho nên họ phải bắt đầu bằng việc tuyển lựa những người trụ trì từ số cao tăng trong nước và sau đó, ban bằng sắc bổ nhiệm. Những ngôi chùa được nhà nước công nhận phải làm một số nghĩa vụ để đền đáp. Đó là việc các "quan tự" tổ chức những buổi "chúc thánh" (dịch vụ cho nhà nước như cúng tế cầu đảo) cho nhà nước và đôi khi để các quan chức đến giám sát sinh hoạt thường nhật trong chùa. Chỉ biết là nếu đứng ra làm lễ cho nhà nước, các quan tự sẽ được giảm miễn tô thuế chứ còn những liên hệ khác giữa nhà nước và quan tự như thế nào thì chưa ai rõ cho lắm.

    Ở Trung Quốc, "ngũ sơn" tức là:

    1) Kính Sơn , Hưng Thánh Vạn Thọ Tự (Hàng châu Lâm An phủ thuộc tỉnh Chiết Giang).
    2) Bắc Sơn, Cảnh Đức Linh Ẩn Tự (như trên).
    3) Nam Sơn, Tịnh Từ Báo Ân Quang Hiếu Tự (như trên).
    4) Thái Bạch Sơn, Thiên Đồng Cảnh Đức Tự (Minh châu Khánh Nguyên phủ, thuộc tỉnh Chiết Giang).
    5) A Dục Vương Sơn, Mậu Phong Quảng Lợi Tự (như trên).

    Còn "thập sát" tức là:

    1) Trung Thiên Trúc Sơn Thiên Ninh Vạn Thọ Vĩnh Tộ Tự (Hàng châu Lâm An phủ).
    2) Đạo Trường Sơn Hộ Thánh Vạn Thọ Tự (Hồ châu Ô Trình huyện, thuộc tỉnh Chiết Giang).
    3) Tưởng Sơn Thái Bình Hưng Quốc Tự (Kiến Khang Thượng Nguyên phủ, thuộc tỉnh Giang Tô).
    4) Vạn Thọ Sơn Báo Ân Quang Hiếu Tự (Tô châu Bình Giang phủ, thuộc tỉnh Giang Tô).
    5) Tuyết Đậu Sơn Tư Thánh Tự (Minh châu Khánh Nguyên phủ).
    6) Giang Tâm Sơn Long Tường Tự (Ôn châu Vĩnh Gia huyện, thuộc tỉnh Chiết Giang).
    7) Tuyết Phong Sơn Sùng Thánh Tự ( Phúc châu Hầu Quan huyện, thuộc tỉnh Phúc Kiến)
    8) Vân Hoàng Sơn Bảo Lâm Tự (Vụ châu Kim Hoa huyện, thuộc tỉnh Chiết Giang).
    9) Hô Khâu Sơn Vân Nham Tự (Tô châu Bìng Giang phủ).
    10) Thiên Thai Sơn Quốc Thanh Kính Trung Tự (Thai châu, Thiên Thai huyện, tỉnh Chiết Giang).

    Chế độ "ngũ sơn thập sát" đến đời Nguyên vẫn được kế tục, thế nhưng, đến năm 1330, Tok Temul (Nguyên Văn Tông, tại vị 1329-32) không dùng ly cung ở ngoại ô Kim Lăng (Kiến Khang, Giang Tô) nữa và biến nó thành Đại Long Tường Tập Khánh Tự. Ông cho đón Tiếu Ẩn Đại Hân về khai sơn, đặt vị trí của nó lên trên cả 5 chùa đã có (ngũ sơn chi thượng). Đến đời Minh, chùa này được đổi tên thành Thiên Giới Thiện Thế Thiền Tự nhưng hầu như vẫn giữ thế chế cũ. Trong chế độ ngũ sơn thập sát, các chùa cấp dưới chúng được gọi là "giáp sát" (Nhật Bản gọi là "chư sơn"). Nhật Bản đã mô phỏng Trung Quốc, tuyển chọn năm chùa ở vùng Kyôto và Kamakura làm ngũ sơn, lại đặt Nanzenji (Nam Thiền Tự) làm "ngũ sơn chi thượng" giống như trường hợp của Đại Long Tường Tập Khánh Tự. Khi chế độ "quan tự" đã hoàn thành rồi thì triều đình đã mở những cuộc thi chọn tăng quan trụ trì, ấn định nghi thức thi cử chọn người có năng lực "bỉnh phất" (người cầm phất chủ lên tòa thuyết pháp) và đặt hệ thống thăng tiến cố định cho các trụ trì. Sự "tấn trụ" (tiến lên trong việc trụ trì) phải theo giai đoạn, đi từ giáp sát lên thập sát rồi mới tới ngũ sơn.

    Kinh tế chùa thiền và sự buông thả đối với quy luật:

    Như thế, vào thời Nam Tống, ngũ sơn thập sát và các chùa thiền cấp dưới đã đóng vai trò trọng yếu trong hoạt động văn hóa nhưng mặt khác, phải biết rằng nếu được như vậy là cũng nhờ vào sự phong phú của kinh tế thiền viện.Vì nhiều người qui y, Thiền Tông nhận được sự tiến cúng đất đai để lập chùa. Tự viện nhân đấy đã trở thành đại địa chủ sở hữu những trang viên (giống như nông trại hay đồn điền) rộng lớn.Tăng lữ cũng biết kinh doanh bằng cách lấy của cải nhà chùa cho vay sinh lợi cho nên kinh tế các tự viện đời Tống vượt trội hẳn đời Đường.

    Dưới thời Bắc Tống đã có đạo luật gọi là "hạn điền pháp" (giới hạn số ruộng sở hữu) đối với tự quán (chùa Phật và đền Đạo giáo). Luật này cho phép các đền chùa kinh đô được 5 nghìn mẫu, chùa các địa phương 3 nghìn mẫu. Vào năm 1121, nó cũng qui định quan nhất phẩm trong triều đình được 10 nghìn mẫu là mức cao nhất, từ đó ta có thể suy ra số ruộng đất nhà chùa chiếm hữu nhiều đến mức độ nào.Trên thực tế, sách vở thời ấy cho biết trong niên hiệu Bảo Khánh (1225-27) triều Nam Tống, tự sản (tài sản nhà chùa) của A Dục Vương Sơn, một trong Ngũ Sơn, là 3.895 mẫu ruộng và 12.050 mẫu rừng. Thiên Đồng Tự, nơi khoảng một nghìn tăng nhân sinh sống thì có 3.284 mẫu ruộng và 18.950 mẫu rừng. Ngoài ra họ còn sở hữu 36 trang viên, diện tích chung là 13.000 mẫu đất và từ đó thâu được 35.000 đấu [10] ngũ cốc.

    Kinh tế tự viện sung túc như vậy không thể không gây ảnh hưởng đến cuộc sống của các thiền tăng. Có thể thấy qua sự buông thả trong quy luật. Vài thiền viện cho đến thời điểm đó không cho chư tăng ăn cơm chiều, thường gọi là "dược thạch", nay cũng bãi bỏ lệnh cấm ấy. Vào thời kỳ này, không thiếu chi thiền tăng để móng tay dài, để tóc dài . Vì lý do đó, theo Thiền Uyển Thanh Quy vào thời Bắc Tống, nhà chùa cho phép các tăng nhân chọn thời giờ tọa thiền theo ý thích, bước sang Nam Tống thì họ đã đặt ra qui chế "tứ thì" (bốn lần trong ngày) rõ ràng: hoàng hôn (lúc mặt trời lặn) , hậu dạ (nửa khuya), tảo thần (sáng sớm), bô thì (buổi trưa, sau giờ Thân). Người ta bắt buộc làm như vậy có lẽ vì nhiệt tâm tu hành của các tăng đã sa sút do kiểm soát quá lỏng lẻo. Quy định "đông an cư" (họp đoàn để tu học vào mùa đông) vốn không có bên Ấn Độ cũng đã được thực thi vào giai đoạn này.

    Sở dĩ có nạn mua bán độ điệp, tử y, sư hiệu... là bởi vì các tăng nhân sống khá giả, có của cải, đủ sức mua. Hơn nữa, đôi khi chức trụ trì cũng có thể dùng tiền bạc mà đoạt được.Ngoài ra, vào đời Nam Tống, các tự viện có khuynh hướng bỏ qui chế "thập phương trụ trì" (chức trụ trì là người từ bên ngoài) để trở lại qui chế "đồ đệ viện" (chức trụ trì do người trong nội bộ đưa lên). Lý do là vì mỗi lần thay bậc đổi ngôi, trụ trì cũ thường hay đem đồ nhật dụng của chùa đi bán, làm cho tự viện hoang phế điêu tàn. Nhìn cảnh ấy mới thấy thời đó cái nạn đem của chung làm của riêng phổ biến biết chừng nào.

    Việc bảo vệ tài sản, đất đai núi rừng của nhà chùa khỏi tay người khác lấn chiếm là việc chẳng dễ dàng, nói chi trùng tu sửa chữa vốn cũng gây ra hao tốn. Việc phục hưng đền đài miếu mạo đổ nát hay thiêu hủy vì thiên tai, hỏa tai đòi hỏi rất nhiều kinh phí. Vì vậy, khi các trụ trì tích cực giao thiệp với danh sĩ các giới hay những kẻ có thực lực trên chính trường cũng là vì họ xem đó như một bổn phận khi thừa hành chức vụ. Người muốn trở thành trụ trì phải sẳn sàng làm việc này chứ không chỉ có tâm hồn thanh cao hay biết dạy dỗ đệ tử là đủ. Để khỏi phải đối đầu với những trở ngại như thế, không thiếu gì thiền tăng đã ra sống ở am riêng, không biết đến ai và không cho ai hay biết. Đó là kiểu mẫu tu hành gọi là "am cư" như trường hợp Trung Phong Minh Bản, thiền sư đời Nguyên mà ta sẽ nhắc đến sau.
     

    Tiết 2: Phát triển của Thiền dưới các triều Kim và Nguyên

    Từ Kim qua Nguyên:

    Cho đến cuối thế kỷ thứ 12, tại Trung Quốc, ba nước Kim, Tây Hạ và Nam Tống đã tiếp tục duy trì được thế chân vạc nhưng từ khi Mông Cổ hùng cường lên thì sự thăng bằng trong chính trị của bộ ba đã phải chấm dứt. Temujin (Thiết Mộc Chân) từ năm 1205 đã thống nhất phân nửa cao nguyên Mông Cổ, năm sau trong đại hội các tù trưởng (khuriltai), lại được bầu làm Gengis Khan (Thành-Cát-Tư Hãn). Ông tức là Nguyên Thái Tổ (tại vị 1206-27) về sau. Gengis Khan chỉnh đốn thể chế quốc gia, trước tiên chinh phục tất cả các nước vùng Trung Á (1209-11), sau đó thảo phạt nước Kim, đánh chiếm Trung Đô làm cho triều đình nước này bắt buộc nam thiên về Khai Phong (1211-15). Sau đó, ông lại chinh đông, tiêu diệt vương triều Hồi giáo Khwarazm Shah lúc đó đang cai quản vùng Iran và Afghanistan. .

    Trở về cao nguyên Mông Cổ, Gengis Khan chĩa mũi giáo về phương đông, diệt được Tây Hạ (1225) nhưng chẳng bao lâu thì ngã bệnh. Ogotei (Oa-Khoát-Đài Hãn, Nguyên Thái Tông, trị vì 1229-1241) kế vị ông, thanh toán luôn nước Kim (1234). Nhân vật đóng một vài trò bên cạnh hai kha-hãn Gengis và Ogotei trong việc thôn tính Trung Quốc là Da Luật Sở Tài (1190-1244), vốn xuất thân hoàng tộc nước Liêu.Từ đó về sau, triều đình Mông Cổ vẫn tiếp tục chính sách dùng người dựa trên năng lực, tích cực sử dụng nhân tài thuộc các sắc dân khác.

    Sau Ogotei là Guyuk (Nguyên Định Tông, tại vị 1246-48). Ông ở ngôi chỉ có 2 năm thì băng, Mongke (Mông Kha, Nguyên Hiến Tông, tại vị 1251-59) kế vị. Mongke tự mình dẫn quân tiến đánh Nam Tống nhưng mất trên đường hành quân. Sau đó đã xãy ra một cuộc tranh ngôi nhưng rốt cục Kubilai (Hốt Tất Liệt, Nguyên Thế Tổ, 1260-94) thắng lợi trước mọi người và trở thành kha-hãn đời thứ 5.

    Kubilai mở lại cuộc hành binh đánh Tống. Năm 1276, ông vào thủ đô Lâm An không đổ một giọt máu. Thế rồi năm 1279, sau khi dẹp tàn đảng của Nam Tống, ông thống nhất Trung Quốc. Kubilai trở thành hoàng đế của Trung Quốc, đổi niên hiệu là Trung Thống và dùng chữ Nguyên có trong Kinh Dịch để đặt quốc hiệu. Ông cho kiến thiết kinh đô, đặt tên là Đại Đô (sau này trở thành Bắc Kinh).

    Vương triều Nguyên củng cố sức mạnh quân sự để cho phép thiểu số người Mông Cổ cai trị đa số người Hán. Họ đặt trạm thuế khóa ở những mạch giao thông xung yếu, thu nạp được nhiều tài hóa.Về pháp luật và thuế chế, chính quyền trung ương không cần phải nhúng tay vào, họ cứ theo đúng phương pháp của chính quyền cũ. Do đó họ chỉ việc chỉnh đốn cơ cấu quan lại Trung Quốc đã có sẳn và đặt người Mông Cổ ở trung khu để thi hành chính sách truyền thống gọi là "cai trị bên lề" (trắc cận chinh trị).

    Sau khi Kubilai tạ thế, kha-hãn đời thứ 6, Temul (Nguyên Thành Tông, tại vị 1294-1307) lên nắm quyền. Sau đó, phe ông đã chiến thắng trong một cuộc tranh chấp với con cháu Ogotei nhưng ngược lại bản thân ông sinh ra đam mê rượu chè nên chết sớm, lúc mới 42 tuổi. Từ đó, triều Nguyên chỉ toàn có các hoàng đế yểu mệnh, những cuộc tranh chấp ngai vàng bùng nổ thường xuyên làm cho chính trị mất hết sự an định. Đặc biệt là sự hỗn loạn xảy ra sau cái chết của đời vua thứ 11 là Isun Temul (Thái Định Đế, 1323-28) mà sử gọi là "cuộc nội loạn năm Thiên Lịch". Người dàn xếp được cho yên và sau đó lên ngôi là Tok Temul, kha-hãn đời thứ 12, nhưng ông chỉ làm bù nhìn. Từ đó, quyền lực của triều Nguyên nằm trong tay quân đoàn cấm binh nhưng họ không phải là người Mông Cổ.

    Irinjibal (Nguyên Hiến Tông, tại vị 1332) lên ngôi lúc mới 7 tuổi và làm vua có 43 ngày thì mất. Đời thứ 14 là Togon Temul (Nguyên Thuận Đế, tại vị 1333-70). Ông trị vì gần 40 năm nhưng trong thời gian đó, tiền giấy mất giá làm cho kinh tế hỗn loạn, lại thêm những thiên tai như khí tượng dị thường và động đất... khiến cho kể từ năm 1350 giặc giã dấy lên như ong. Nhất là kể từ năm 1342 về sau, mỗi năm sông Hoàng Hà lại gây ra lụt lội làm cho tín đồ Bạch Liên Giáo nổi lên làm loạn dưới cờ hai cha con Hàn Sơn Đồng (? - 1351) và Hàn Lâm Nhi (? - 1366), người tự xưng là Phật Di Lặc hạ sinh. Bởi vì họ bịt khăn đỏ trên đầu nên được gọi là giặc Hồng Cân. Lúc đầu tưởng Hồng Cân đã bị dẹp yên nhưng nhân vì hoàng thất chia rẽ, thế lực của họ lại bùng lên mạnh mẻ. Một thủ lãnh Hồng Cân là Chu Nguyên Chương (1328-98), xưa vốn xuất thần bần nông nhưng biết sử dụng cả lớp trí thức nên dần dần gây dược thanh thế, lần lượt đánh bại các đối thủ như Trần Hữu Lượng (1316-1363) và Trương Sĩ Thành (1321-67), khống chế phân nửa phía nam Trung Quốc. Xong, Chu mới mưu chuyện bắc phạt để dẹp nhà Nguyên. Đến năm 1368 thì lên ngôi ở phủ Ứng Thiên, đặt quốc hiệu là Minh với niên hiệu Hồng Vũ. Chu Nguyên Chương trở thành Thái Tổ nhà Minh, còn gọi là Hồng Vũ Đế (trị vì 1368-98). Cùng năm ấy, ông xua quân vây hãm Đại Đô và thành công trong việc đuổi người Mông Cổ về phương bắc.

    Phương hướng hoạt động của các phái Thiền:

    Các hoàng đế nước Liêu đời nào cũng qui y Phật pháp nhưng đạo mà họ theo chủ yếu là các tông thuộc giáo học Phật giáo như Hoa Nghiêm, Pháp Tướng và Mật Tông. Do đó vai trò của Thiền Tông bị lu mờ. Chỉ đến khi Kim lên thế Liêu, thế lực của Thiền Tông mới duỗi ra được, đặt biệt vào cuối đời Kim, nhờ sự có mặt của tăng nhân phái Tào Động là Vạn Tùng Hành Tú (1167-1246). Ông đã đào tạo nhiều học trò xuất sắc, trong số đó phải kể Lâm Tuyền Tùng Luân (năm sinh năm mất không rõ), Tuyết Đình Phúc Dụ (1203-75), Kỳ Ngọc Chí Ôn (1217-67), Lý Bình Sơn (1185-1231), Da Luật Sở Tài (Đam Nhiên Cư Sĩ). Ngay cả hoàng đế Kim Chương Tông (trị vì 1198-1208) cũng qui y với ông. Da Luật Sở Tài có công lớn trong việc sáng nghiệp của triều đình Mông Cổ là điều đã nhắc bên trên nhưng Tuyết Đình Phúc Dụ cũng rất được Kubilai kính trọng, cho cai quản hết Thích giáo trong thiên hạ. Vào năm 1255, ông ta đã luận chiến tay đôi trong cung đình ở Karakorum với đạo sĩ phái Toàn Chân là Lý Chí Thường (1193-1256) và thắng cuộc. Vì Phúc Dụ sống ở chùa Thiếu Lâm trên Tung Sơn nên nhiều người phái Tào Động sau đó đã đến ngụ ở chùa này. Thiếu Lâm Tự trở thành căn cứ của Tào Động ở phương Bắc (từ giữa thời Minh trở đi, họ tự xưng là Tào Động chính tông) Lại nữa, Lý Bình Sơn là người đã soạn ra tác phẩm Minh Đạo Tập Thuyết (1235, Da Luật Sở Tài đề tựa), trong đó có viết phản biện đối với những điều Tống Nho đã phê bình Phật giáo.

    Trong số những thiền tăng nổi tiếng thời nhà Nguyên mới dấy nghiệp, ta còn phải kể đến Hải Vân Ấn Giản (1202-57) của tông Lâm Tế, người được bốn đời kha-hãn từ Ogotei đến Kubilai trọng vọng. Ông đã nhận được chiếu chỉ cho phép quản lý toàn bộ Phật giáo (Sau khi ông mất, địa vị này về tay Phúc Dụ. Các học trò đàn cháu của Ấn Giản vẫn giữ được quan hệ mật thiết với triều đình nhà Nguyên và do đó, vào khoảng đầu thế kỷ 14, tông phái của họ mang danh hiệu là Lâm Tế chính tông). Tuy nhiên, năm 1269, khi Paspa (1235-80) được Kubilai tín nhiệm và phong chức "Đế sư" người Mông Cổ lại hướng về Phật Giáo Tây Tạng nhiều hơn. Người ta cho rằng sự mù quáng trong lòng tin tôn giáo và sự hoang phí xa xỉ đã là hai nguyên nhân khiến cho Nguyên triều đi đến chỗ diệt vong.

    Vạn Tùng Hành Tú

    Ông họ Sái, người huyện Hà Nội thuộc tỉnh Hà Nam. Lúc nhỏ đi tu ở chùa Tịnh Độ ở Hình Châu (Hà Nam), sau tham học nhiều nơi và nối pháp tự của Tuyết Nham Mãn ( ? - 1206) ở Đại Minh Tự, Từ Châu (Hà Nam). Ông lại về chùa Tịnh Độ, kết am Vạn Tùng Hiên để tu. Năm 1193, lúc mới 27 tuổi, đã được Kim Chương Tông mời vào cung thuyết pháp. Ông lên đường thăm nhiều chùa danh tiếng và dành thời giờ để đào tạo đệ tử. Năm 1223, ông dựng Thung Dung Am trong khuôn viên chùa Báo Ân ở Yên Kinh. Đầu đời Nguyên thì nhập tịch. Những bài giảng của ông về Tụng Cổ Bách Tắc của thiền sư Hoằng Trí Chính Giác (1091-1157) ở Thung Dung Am đã được chư đệ tử góp nhặt lại và soạn thành Thung Dung Lục (1223). Sách ấy cùng với Thỉnh Ích Lục (1230) tức tập giảng nghĩa về Niêm Cổ Cửu Thập Cửu Tắc của Hoằng Trí là hai tác phẩm đại biểu của Thiền Tông vào thời đại này.

    Triều đình Nhà Nguyên noi theo tập tục của người Mông Cổ nghĩa là để cho các dân tộc dưới quyền cai trị của mình, mỗi khi có vấn đề tranh chấp nội bộ, giải quyết vấn đề theo tinh thần luật pháp cố hữu của chính dân tộc họ (bản tục pháp). Do đó, dạng thức sinh họat và văn hóa của người Hán từ thời Nam Tống trở đi vẫn cứ y như cũ. Tôn giáo cũng vậy, nếu không làm gì chống đối lại Mông Cổ thì vẫn được chấp nhận. Do đó dầu đã bước vào thời Nguyên, đối với người Trung Quốc, khi nói đến Phật giáo thì hầu như ai cũng nghĩ là Thiền Tông.

    Những thiền tăng danh tiếng thời Nguyên phần lớn thuộc tông Lâm Tế. Phái Đại Huệ thì có học trò giỏi của Vật Sơ Đại Quy tên là Hối Cơ Nguyên Hi (1238-1319), đệ tử của Yển Khê Quảng Văn là Vân Phong Diệu Cao (1219-1293). Đặc biệt trong đám đệ tử của Nguyên Hy có nhiều anh tài ví dụ như Tiếu Ẩn Đại Hân (1284-1344) tác giả quyển Bồ Thất Tập, Đông Dương Đức Huy (năm sinh năm mất không rõ) nhà biên tập Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy (1336-1343), Mai Ốc Niệm Thường ( 1282 - ? ) người đã biên soạn cuốn sử Phật Tổ Lịch Đại Thông Tải (1341), Giác Ngạn Bảo Châu (1286-1355?) biên tập cuốn sử Thích Thị Kê Cổ [11] Lược. Riêng về hội họa, Nguyên Hy lại có những học trò như Tuyết Song Phổ Minh (thế kỷ 13-14). Ngoài ra, từ hệ phổ của Diệu Phong Chi Thiện (1152-1235) tức một đệ tử của Phật Chiếu Đức Quang, đã xuất hiện các danh tăng như Sở Thạch Phạn Kỳ (1296-1370), Mộng Đường Đàm Ngạc (1285-1373) và Ngu Am Trí Cập (1311-1378).

    Mặt khác, bên phái Phá Am, từ cửa Tuyết Nham Tổ Khâm cũng có những nhân vật đáng lưu ý. Trong pháp hệ của Tổ Khâm, sau thời các nhà truyền giáo năng nỗ như Cao Phong Nguyên Diệu (1238-95), Trung Phong Minh Bản (1263-1323) đã có Thiên Nham Nguyên Trường (1284-1357), Trí Như Duy Tắc (? - 1354), kế thừa. Lại nữa, về phía phái Tùng Nguyên thì những nhân vật quan trọng nhất có thể kể ra là thiền sư Cổ Lâm Thanh Mậu (1262-1329), Liễu Am Thanh Dục (1288-1363), Tức Hưu Khế Liễu (1269-1351) và Hổ Nham Tịnh Phục (năm sinh năm mất không rõ).

    Tông Tào Đông phái Hoằng Trí có Trực Ông Đức Cử (năm sinh năm mất không rõ) và đệ tử là Vân Ngoại Vân Tụ (1242-1324) . Các tăng người Nhật qua bên nhà Nguyên du học như Kohô Kakumyô (Cô Phong Giác Minh, 1271-1361), Gida Daichi (Kỳ Đà Đại Trí, 1290-1366), Betsugen Enshi ( Biệt Nguyên Viên Chỉ, 1294-1364) đều đến hỏi đạo nơi ông. Ngoài ra, học trò Đức Cử như Đông Minh Huệ Nhật (1272-1340), học trò Vân Tụ như Đông Lăng Vĩnh Dư (1285-1365) đã đến Nhật và xây dựng môn môn phái riêng.

    Suốt đời Nguyên, Thiền Tông giữ được một vai trò nhất định, ngũ sơn đảm bảo được quyền uy của mình nhưng đến những ngày tàn của vương triều, các chùa danh tiếng như Kính Sơn hay Linh Ẩn Tự đều mắc nạn binh lửa, số đền đài miếu mạo bị thiêu hủy không phải là ít. Trường hợp thoát được tai nạn như Tịnh Từ Tự rất hiếm. Phải đợi đến đời Minh, những ngôi chùa này mới được xây dựng lại.

    Trung Phong Minh Bản:

    Thiền sư sống vào đời Nguyên, thuộc phái Phá Am, dòng Dương Kỳ tông Lâm Tế. Hiệu là Huyễn Trú Đạo Nhân. Ông người Tiền Đường, Hàng Châu (thuộc tỉnh Chiết Giang), tộc tính là Tôn. Năm lên 9 đã mồ côi mẹ, 15 tuổi có chí muốn xuất gia. Năm 1226 ông đến tham học với Cao Phong Nguyên Diệu ở Tây Thiên Mục Sơn Sư Tử Nham, năm sau, rốt cuộc xuất gia với Nguyên Diệu. Năm 1288 thụ cụ túc giới (giới luật) rồi năm sau lại nhận pháp tự của Nguyên Diệu. Thầy mất, trối trăn muốn nhượng cho ông Đại Giác Tự nhưng ông tiến cử người đệ nhất tòa vào chỗ đó và bỏ xuống núi (1295). Từ đó ông không định cư, đi đến đâu thì kết am tạm thời ở đó, gọi là Huyễn Trú Am. Lâu lâu lại trở về chùa cũ ở Thiên Mục Sơn sinh hoạt. Trong thời gian ấy, ông đã từ khước lời mời của hai chùa Kính Sơn và Linh Ẩn Tự nhưng lại giao lưu thường xuyên với các danh sĩ như Triệu Mạnh Phủ. Năm 1318, Ayul Baruwada (Nguyên Nhân Tông, tại vị 1311-1320) ban cho ông kim lan cà sa (áo cà sa dệt bằng tơ vàng) và danh hiệu Phật Từ Viên Chiếu Quảng Huệ Thiền Sư, đặt thêm viện hiệu là Sư Tử Chính Tông Tự. Về sau, Shidibara (Nguyên Anh Tông, trị vì 1320-23) lại qui y với ông, tặng kim lan cà sa và hương liệu. Ngày 14 tháng 8 năm 1323 thì viên tịch, 61 tuổi. Năm 1329, Tok Temul tức Nguyên Văn Tông ban cho ông thụy hiệu Trí Giác Thiền Sư và tháp hiệu Pháp Vân. Không những thế, năm 1334, Togon Temul (Thuận Đế) 30 quyển Trung Phong Hòa Thượng Ngữ Lục đã được phép nhập tạng, riêng ông được gia phong Phổ Ứng Quốc Sư. Ông được biết đến như người chủ trương "Giáo Thiền nhất trí" và đã giảng dạy tư tưởng "Thiền Tịnh song tu". Ông viết nhiều. Trước tác có Huyễn Trú Am Thanh Quy, Nhất Hoa Ngũ Diệp, Đông Ngữ Tây Thoại, Huyễn Trú Gia Huấn, Hoài Tịnh Độ Thi Bách Biên, phần nhiều đã được sao lục lại trong Trung Phong Hòa Thượng Quảng Lục. Có nhiều tăng nhân Nhật Bản nhập Nguyên như Kosen Ingen (Cổ Tiên Ấn Nguyên, 1295-1374), Enkei Soô (Viễn Khê Tổ Hùng, 1286-1344), Fukuan Sôko (Phúc Am Tông Kỷ, 1280-1358), Muin Genkai (Vô Ẩn Nguyên Hối, ? -1358), Myôsô Saitetsu (Minh Tẩu Trai Triết, ? - 1347) đều đến học với ông. Khi về đến nước nhà, họ cũng làm như ông nghĩa là sống một cuộc đời phiêu bạt, đi khắp nước để giảng đạo một cách thực tiễn. Có thể gọi họ với cái tên chung là phái Huyễn Am nhưng điều đáng quan tâm hơn cả là trong đám họ, thực sự đã có những người theo đúng chủ trương Thiền Tịnh song tu và nối tiếp trung thực thiền phong của Trung Phong Minh Bản.

    Tình hình trước tác dưới hai triều Kim và Nguyên

    Những trước tác thời này còn lưu truyền hậu thế tiêu biểu hơn cả là các ngữ lục như Cao Phong Nguyên Diệu Thiền Sư Ngữ Lục của Cao Phong Nguyên Diệu và Trung Phong Hòa Thượng Quảng Lục của Trung Phong Minh Bản. Về các tập công án thì có Thung Dung Lục (1224, Hoằng Trí Chính Giác tụng cổ, Vạn Tùng Hành Tú thị chúng, trước ngữ và bình xướng), mô phỏng phong cách của Bích Nham Lục, Hư Đường Tập (1295, Đan Hà Tử Thuần tụng cổ, Lâm Tuyền Tùng Luân bình xướng), Không Cốc Tập (1285, Đầu Tử Nghĩa Thanh tụng cổ, Đan Hà Tử Thuần trước ngữ, Lâm Tuyền Tùng Luân bình xướng), Thỉnh Ích Lục (Hoằng Trí Chính Giác niêm cổ, Vạn Tùng Hành Tú bình xướng) vốn mô phỏng Kích Tiết Lục, Tông Môn Thống Yếu Tục Tập (1320) do Cổ Lâm Thanh Mậu biên để tiếp nối Tông Môn Thống Yếu có trước đó. Đệ tử của Vạn Tùng Hành Tú là Tuyết Đường Đức Gián (sống giữa thế kỷ 13) đã chú thích trong Thiền Uyển Mông Cầu (chú năm 1255) học giả người nước Kim là Thác Am Chí Minh (thế kỷ 12-13) đã thu thập (1225) để giúp tài liệu những người mới bước vào làng thiền.

    Những trước tác của Thiền Tông đời Nguyên đáng chú ý là loại sử thư Phật giáo. Chúng đã nhận ảnh hưởng của phong cách của đời Tống, thời mà việc chép sử rất hưng thịnh với những tác phẩm và tác giả như Ngũ Đại Sử (1053) của Âu Dương Tu (1007-72) hay Tư Trị Thông Giám (1084) của Tư Mã Quang (1019-86). Các bộ sử thiền môn đáng ghi nhớ ấy là Phật Tổ Lịch Đại Thông Tải của Mai Ốc Niệm Thường và Thích Thị Kê Cổ Lược của Bảo Châu Giác Ngạn đã nhắc đến bên trên vậy.

    Những bộ sử này khác với các cuốn "đăng sử" có từ trước đến nay. Chúng không chỉ viết về lịch sử Thiền Tông nhưng về lịch sử đạo Phật nói chung. Lý do có lẽ là các tác giả đã hiểu rằng trong khi các tông phái khác của Phật giáo suy thoái thì Thiền Tông phải có nhiệm vụ nâng đỡ họ vì tương lai chung của hai bên. Chính trong thời này đã có những người biên tập đăng sử trong tinh thần tổng hợp ấy, ví dụ trường hợp của Đại Xuyên Phổ Tế với Ngũ Đăng Hội Nguyên.

    Một tác phẩm không thể quên nhắc tới ở đây Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy do Đông Dương Đức Huy (người tiền bán thế kỷ 14) biên tu, nó đặt nặng tính cách chủ nghĩa quốc gia còn hơn cả Thiền Uyển Thanh Quy đời Tống như ta sẽ thấy sau đây.

    Thiền Uyển Thanh Quy và Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy

    Thiền Uyển Thanh Quy (1103) là tác phẩm do thiền sư đời Tống là Trường Lô Tông Trách (người thế kỷ 11-12) thu thập các quy tắc sống thiền trong chốn tùng lâm đương thời, biên tập và san hành.Lý do của việc làm ấy là vì Tông Trách lấy làm tiếc khi thấy tác phẩm Bách Trượng Thanh Quy do cao tăng đời Đường là Bách Trượng soạn không được truyền lại. Nhân sách ra đời đúng vào niên hiệu Sùng Đức nên còn có tên là Sùng Đức Thanh Quy, và là cuốn thanh quy tối cổ hiện còn bảo tồn. Nó đã được truyền bá sang Triều Tiên,Nhật Bản. Bản ở Nhật có nhiều bổ sung nhưng bản Triều Tiên hãy còn gần gũi với bản gốc hơn cả.

    Riêng về Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy (các tên khác là Chí Nguyên Thanh Quy hay Sắc Quy) là do Đông Dương Đức Huy biên tập theo mệnh lệnh của Togon Temul (Nguyên Thuận Đế, tại vị 1333-67). Sau khi được Tiếu Ẩn Đại Hân hiệu duyệt, sách mới chính thức ra đời vào khoảng năm 1336-43. Nội dung của nó là một tổng hợp các thanh quy có trước đó như Thiền Uyển Thanh Quy, Tùng Lâm Hiệu Định Thanh Quy Tổng Yếu (có tên khác là Hiệu Định Thanh Quy, Hàm Thuần Thanh Quy, 1274) của Duy Miễn (năm sinh năm mất không rõ), Thiền Lâm Bị Dụng Thanh Quy (có tên khác là Chí Đại Thanh Quy, 1311) của Trạch Sơn Nhất Hàm (năm sinh năm mất không rõ) vv...

    Trong các loại thanh quy có từ trước đến nay Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy được xem như có qui củ nhất, được in đi in lại ở Nhật. Nôi dung gồm 9 chương 1) Chúc ly, 2) Báo bản, 3) Báo ân,, 4) Tôn tổ, 5) Trụ trì, 6) Lưỡng tự, 7) Đại chúng, 8) Tiết Lạp, 9) Pháp khí. Mào đầu với Chúc ly là nghi thức cầu xin cho quốc gia được an thái (Chúc ly hay "Chúc thánh" được đem vào thanh quy lần đầu tiên với Hiệu Định Thanh Quy), Trong phần Báo ân lại nhấn mạnh đến nghĩa vụ "báo quốc" cho ta thấy màu sắc của chủ nghĩa quốc gia được tô đậm. Ngoài ra, quy tắc trong Thiền Uyển Thanh Quy đòi hỏi người trụ trì khi bổ nhiệm các tri sự hay đầu thủ cần có sự đồng ý của đại chúng đã biến mất khỏi Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy. Điều này cho thấy tính cách "cộng đồng thể" (tương đối dân chủ, LND) còn sót lại trong tùng lâm thời Bắc Tống đến đời Nguyên thì không còn tồn tại nữa.

    Sự phát triển của văn hóa Thiền:

    Có thể nói gọn là, về cơ bản, tư trưởng Thiền Tông đời Nguyên vẫn kế thừa được di sản đời Tống. Tư tưởng Thiền Tịnh song tu, Giáo Thiền nhất trí, Tam Giáo nhất trí bắt nguồn từ Ngũ Đại, khai triển dưới đời Tống đã được quảng bá vào thời Nguyên thông qua các nhân vật như Trung Phong Minh Bản và Thiên Như Duy Tắc. Nó sẽ còn tiếp tục dưới các triều Minh, Thanh. Thế nhưng điều đáng chú ý đặc biệt là sự phát triển của thời đại này về mặt văn hóa. Khuynh hướng này còn mạnh hơn cả dưới thời Nam Tống.

    Văn học rất được quan tâm. Bằng cớ là thơ của các thiền tăng đã được thu thập thành những thi tập mà nổi tiếng nhất vẫn là Giang Hồ Phong Nguyệt Tập, ra đời vào đầu thế kỷ 14, do Tùng Pha Tông Khế (người hậu bán thế kỷ 13, đệ tử của Vô Chuẩn Sư Phạm) biên soạn. Nội dung các "thi kệ" dần dần thế tục hóa nên không khác thơ người thường là bao. Dĩ nhiên chúng tăng không quay lưng lại với bổn phận nhưng họ vẫn muốn tự mình chính thống hóa quan điểm "thi thiền nhất vị" mà họ đã đề xướng.

    Cổ Lâm Thanh Mậu (1262-1329) còn coi trọng nội dung Phật Giáo của thể loại "kệ tụng" cho nên định ngăn cản sự phát triển "thi kệ" theo chiều hướng thế tục hóa nhưng đến thời Tiếu Ẩn Đại Hân ( 1284-1344) xuất hiện thì văn tứ lục dần dần được tôn sùng. Tác phẩm Bồ Thất Tập của ông là một khuôn mẫu hành văn cho những ai muốn viết văn kiểu tứ lục và đã được lưu hành rộng rãi ở Nhật Bản.

    Cổ Lâm Thanh Mậu và Tiếu Ẩn Đại Hân

    Cổ Lâm Thanh Mậu họ Lâm, người Ôn Châu (thuộc tỉnh Chiết Giang), hiệu Kim Cương Tràng (tràng = ngọn cờ). Năm 13 tuổi xuất gia, tham học nhiều nơi, sau nhận pháp tự của Hoành Xuyên Như Củng (1222-89). Sau khi trụ trì ở nhiều chùa nổi tiếng (danh sát) kể cả Bảo Ninh Tự ở Kiến Khang (Giang Tô), ông qua đời. Học trò có Liễu Am Thanh Dục (1288-1363), Trúc Tiên Phạn Tiên (1292-1348). Về ngữ lục, ông đã để lại Cổ Lâm Mậu Thiền Sư Ngữ Lục. Còn được biết đến như người đã biên tập Tông Môn Thống Yếu Tục Biên. Nói chung là văn tài của ông thuộc loại cao siêu. Những người nối nghiệp ông ngoài Nguyệt Lâm Đạo Hạo (1293-1351), Thạch Thất Thiên Cửu (1293-1389), hai người nhận pháp tự, còn có Cô Phong Giác Minh (1271-1361), Biệt Nguyên Viên Chỉ (1294-1364), Khả Ông Tông Nhiên (? -1345), Thiết Chu Đức Tế (? -1366), Thiên Ngạn Huệ Quảng (1273-1335) vv... Các tăng sĩ Nhật Bản khi sang bên nhà Nguyên ngưỡng mộ sự thông thái như một sĩ đại phu của ông bèn tìm đến cửa ông xin học. Khi về đến nước nhà, họ vượt qua khỏi khuôn khổ của pháp tự, có chung một ý thức là những người đã núp dưới bóng Kim Cương Tràng (Kim Cương Tràng hạ), qua hoạt động văn học tiếp tục giao lưu với nhau. Tuy vậy, dầu có điểm chung là hoạt động thi văn nhưng trong khi những người thuộc phái Đại Huệ có khuynh hướng thế tục hóa, Cổ Lâm Thanh Mậu chỉ giới hạn đề tài của mình trong giáo lý nhà Phật và "kệ tụng chủ nghĩa".

    Về phần Tiếu Ẩn Đại Hân, ông vốn họ Trần, quê vùng Nam Xương (thuộc tỉnh Giang Tây). Sau khi nhận pháp tự của Hối Cơ Nguyên Hi, ông theo học Trung Phong Minh Bản và nhiều vị khác. Ông lần lượt trụ trì các chùa lớn như Đại Báo Quốc Tự, Trung Thiên Trúc Tự ở Hàng Châu (Chiết Giang), Đại Long Tường Tập Khánh Tự ở Kim Lăng (Giang Tô). Cũng từng vào cung thuyết pháp. Năm 1336, được phong Thích Giáo Tông Chủ, cai quản tất cả ngũ sơn. Ông là một đại gia về văn tứ lục trong chốn thiền lâm. Nhờ có sự xuất hiện của ông mà văn học thiền lâm đã chuyển từ kệ tụng sang văn tứ lục. Trước tác có Bồ Thất Tập và Tiếu Ẩn Đại Hân Thiền Sư Ngữ Lục, Cách viết văn tứ lục trong Bồ Thất Tập đáng mặt giáo khoa thư, được phái Gozan (Ngũ Sơn của Nhật) hết sức trọng vọng. .

    Văn nhân tiêu biểu đời Nguyên là một nhân vật mang dòng máu hoàng thất nhà Tống. Đó là Triệu Mạnh Phủ (tự Tử Ngang, 1254-1322), người giỏi từ thi, thư đến họa và lại là một Phật tử nhiệt thành.Ông giao du thân mật với thiền sư Trung Phong Minh Bản và không biết phải vì lý do đó hay không mà các thiền tăng đời Nguyên đều chuộng thư pháp của ông.Những dấu vết thư pháp (mặc tích) của ông đã được các học tăng sang Nguyên đem về nước. Ảnh hưởng của ông vì lẽ đó cũng rất sâu rộng ở Nhật

    Giới tăng lữ Thiền Tông biết yêu hội họa không phải là ít. Người dẫn đầu hệ phổ văn nhân họa Nhật Quan Tử Ôn (? - 1293?) với bức Bồ Đào Đồ cũng như Tuyết Song Phổ Minh với bức Mặc Lan, Tử Đình Tổ Bách (thế kỷ 13-14) qua bức Thạch Xương Bồ. Mặt khác, giỏi về tranh chân dung các đạo sĩ và thiền sư (Đạo Thích nhân vật họa) thì đã có Nhân Đà La (sống giữa thế kỷ 14) và tăng sĩ người Nhật tên là Mặc Am (? -1345). Ông này đã sang bên nhà Nguyên học lối vẽ của Mục Khê, sau chết ở đất khách.Tuy tranh của ông được nhập nhiều vào đất Nhật nhưng Mặc Am thường được xem như là một họa gia Trung Quốc.

    Những người phát triển họa phong của Triệu Mạnh Phủ và mở đường cho một lối vẽ tranh sơn thủy mới mẻ là 4 nhân vật trong "Nguyên mạt tứ đại gia": Hoàng Công Vọng (tự Đại Si, 1269-1354), Nghê Toản (tự Vân Lâm, 1301-74), Ngô Trấn (tự Mai Hoa Đạo Nhân, 1280-1354) và Vương Mông (tức Hương Quang cư sĩ, 1308-1385). Tất cả bọn họ đều là những xử sĩ (trí thức không ra làm quan), lòng hướng về Thiền, cho nên trong tranh sơn thủy của họ, người ta cảm thấy có sự hòa điệu với thiên nhiên và bộc lộ được tư tưởng nhà Thiền.

    Tuy vào thời Nguyên, ngoài mặt làm như có sự đoạn tuyệt quốc giao giữa Nhật và Trung Quốc nhưng bên trong, hai bên vẫn tiếp tục thông thương và thiền tăng qua lại rất nhiều.Vì lẽ đó, sau khi Nhất Sơn Nhất Ninh tháp tùng sứ bộ nhà Nguyên lần đầu tiên sang Nhật rồi, các thiền tăng ưu tú như Minh Cực Sở Tuấn (1262-1336, sang Nhật năm 1329) và Trúc Tiên Phạn Tiên (1292-1348, đi cùng Minh Cực Sở Tuấn đến Nhật) của phái Tùng Nguyên, Thanh Chuyết Chính Trừng (1274-1339, sang Nhật năm 1326) thuộc phái Phá Am cũng lục tục kéo qua. Họ không những truyền bá văn học mà còn giới thiệu những sản phẩm văn hóa khác. Giới vũ sĩ thượng lưu trong xã hội Nhật Bản thời đó hình như chỉ có khuynh hướng chú ý đến mặt văn hóa văn học chứ chưa hẳn đã quan tâm đến Thiền. Nhất Sơn Nhất Ninh là người đầu tiên đến truyền bá tư tưởng Chu Tử Học nhưng cũng là người thành thạo về thi, thư và họa, còn như môn đệ của Cổ Lâm Thanh Mậu là Trúc Tiên Phạn Tiên thì ông vốn đã nổi tiếng về văn học từ khi còn ở Trung Quốc. Việc ông đem kỹ thuật ấn loát và "phạm bái" [12] vào đất Nhật thật có ý nghĩa to lớn trong lịch sử văn hóa. Minh Cực Sở Tuấn và Thanh Chuyết Chính Trừng đều là những văn nhân lỗi lạc nhưng nằm trong quĩ đạo bảo thủ của Cổ Lâm tức là thiên về chủ nghĩa kệ tụng.

    Khi các tăng nhân này sang Nhật cũng là lúc thiền sư Nhật Bản là Mặc Am vào đất Nguyên. Sau đó, cũng như Mặc Am, sẽ có nhiều tăng Nhật nhập Nguyên và đem hội họa, mặc tích thư đạo về nước. Như thế, văn hóa Thiền thời Muromachi (1336 hay 1392-1573, tùy theo quan điểm về sự phân chia thời đại) đã bắt rễ vững vàng với năm chùa goi là Gozan (Ngũ sơn Nhật Bản), nó sẽ là một yếu tố quan trọng trong việc thành hình văn hóa Nhật Bản về sau.

    Tân Đạo Giáo xuất hiện. Cuộc tranh luận giữa Thiền Tông- Đạo Giáo:

    Thời Nam Tống, trong quá trình thẩm thấu vào các thành tố xã hội, Thiền đã ảnh hưởng nhiều đến Nho Giáo, thế nhưng đến đời Kim thì nó lại ảnh hưởng đến Đạo giáo, giúp tôn giáo này cách tân. Lúc ấy, trên lãnh thổ của Kim đã lần lượt xuất hiện các giáo phái mới của Đạo giáo như Chân Đại Đạo Giáo (ra đời năm 1142) của Lưu Đức Ninh (năm sinh năm mất không rõ) và Toàn Chân Giáo (ra đời năm 1163) của Vương Trùng Dương (1112-70). Người ta thường gọi hai phái này là Tân Đạo Giáo.

    Đặc biệt phái Toàn Chân khích lệ những hành động như hành cước và tọa thiền cũng như việc thiết lập "thanh quy" (Toàn Chân thanh quy), việc truy cầu sự giác ngộ bằng "kiến tính", xem ra không có gì khác với giáo lý của Thiền Tông. Sau khi giáo chủ Vương Trùng Dương mất, Toàn Chân Giáo dưới sự lãnh đạo của 4 học trò giỏi (tứ triết) của ông dần dần phát triển mạnh. Tứ triết gồm Mã Đan Dương (1123-83), Đàm Trường Chân (1123-85), Lưu Trường Sinh (1147-1203) và Khâu Trường Xuân (1148-1227). Đặc biệt đạo sĩ Khâu Trường Xuân (tức Khâu Xử Cơ) được vua Kim Thế Tông và Gengis Khan che chở, không những phó mặc mọi việc về Đạo giáo cho ông mà còn đi đến độ tha không đánh thuế (giáo đoàn duy nhất được hưởng ân huệ ấy). Toàn Chân Giáo từ đó về sau là một thế lực tôn giáo mạnh, đủ sức áp đảo các giáo đoàn khác.

    Tuy nhiên đến thời Lý Chí Thường (1193-1256) thì sự thể đổi khác đi. Nhân có cuộc bình nghị xem Lão Tử Hóa Hồ Kinh và Lão Tử Bát Thập Nhất Hóa Đồ là của thật hay của giả, giữa Tín đồ Toàn Chân và Phật Giáo có sự đôi co (1255-58), đưa đến một cuộc tranh luận trước mặt kha-hãn Mongke. Phe Toàn Chân bị thua và từ đó xuống dốc.(Thích Tường Mại trong Chí Nguyên Biện Ngụy Lục (1291) có chép lại đầu đuôi sự kiện này) Thế nhưng, sau đó Toàn Chân Giáo âm thầm xây dựng lại thế lực , rồi cùng với Chính Nhất Giáo, một phái Đạo giáo khác, chia nhau ảnh hưởng suốt một vùng Giang Nam cho đến ngày nay.

    Sự thành lập và phát triển của Toàn Chân Giáo, một tôn giáo biết lấy hầu như toàn bộ tư tưởng của Thiền Tông làm của mình đã diễn ra giống y trường hợp thành hình của hệ tư tưởng Chu Tử Học thời Nam Tống.Ta thấy hiện tượng thuyết Tam Giáo nhất trí thẩm thấu vào trong xã hội kể từ thời Nguyên trở về sau đã góp một phần không nhỏ cho hai sự thành hình ấy. Cuộc tranh giành giữa Phật Đạo nhị giáo đến thời Nguyên coi như là kết thúc, từ đó hai bên sẽ cùng tiến lên trên con đường dung hợp và không có bên nào còn có ý thức hoàn toàn về bản sắc cố hữu của giáo lý mình nữa.

    Ảnh hưởng của tư tưởng Thiền trong giáo lý Toàn Chân:

    Toàn Chân Giáo đã phủ định mục đích xưa nay của Đạo Giáo là đi tìm "trường sinh bất tử". Họ chủ trương muốn "đắc đạo" phải tu hành bằng những phương pháp như "kiến tính", "thức tâm kiến tính". Hơn thế, khi gọi trạng thái tinh thần (cảnh địa) đó là "vô tâm", "vô niệm", rõ ràng họ đã dùng những thuật ngữ đến từ Thiền Tông.Mặt khác, họ giải thích rằng cần phải dùng phương pháp tu hành như hành cước để đi nhiều nơi học hỏi (biến tham) và ngồi thiền (đả tọa). Còn về qui luật trong cuộc sống phải theo đúng "thanh quy" mà trong Toàn Chân thanh quy ấy lại có nhiều cái vay mượn từ Thiền Tông.

    Về phương diện tư tưởng, họ giải thích rằng "kim đan" phải được hiểu là "bản lai chân tính", như thế họ đã chấp nhận cái mà Thiền Tông sơ kỳ gọi là Quán Tâm Thích. Lại nữa, Toàn Chân Giáo cũng lập ra một Tổ thống gọi là Ngũ Tổ có từ Đông Hoa Đế Quân đến Vương Trùng Dương. Y như Đạo Thống Luận của Chu Hy đối với Chu Tử Học, họ chứng tỏ mình đã kế thừa Tổ Thống Thuyết của Thiền Tông vậy. Rồi khi họ nhắc đến 7 người học trò giỏi của Vương Trùng Dương là "thất chân" và dùng cách nói "ngũ tổ thất chân", vô hình trung, họ đã rập khuôn cách diễn đạt "ngũ gia thất tông" của thiền gia. Chưa hết, vào đầu đời Nguyên, từ trong giáo phái Toàn Chân lại đẻ ra quan niệm Nam Tông và Bắc Tông đối lập chẳng khác nào câu chuyện Thần Tú-Huệ Năng.

    Nói tóm lại, trong những yếu tố cấu thành Toàn Chân Giáo đã có rất nhiều quan niệm tương tự từng thấy nơi Thiền Tông. Tuy nói thế, xin chớ nên quên rằng Toàn Chân Giáo cũng phải có hệ thống giá trị riêng của nó nữa.

    Hệ phổ Thiền (5):

    Đến đây thì hệ phổ Thiền Tông thu lại vào hai tông mạnh nhất là Lâm Tế và Tào Động mà thế lực còn duy trì mãi đến ngày nay. Tông Lâm Tế dòng Dương Kỳ được đại diện bởi Đại Huệ Tông Quả và Hổ Khâu Thiệu Long, cả hai đều xuất thân từ cửa Viên Ngộ Khắc Cần. Trong khi đó, Tào Động dược nối tiếp với hai học trò của Phù Dung Đạo Khải là Đan Hà Tử Thuần và Lộc Môn Tự Tại.

    Đặc biệt con số thiền gia độ lai (người Trung Quốc đến Nhật) và tăng gốc Nhật Bản nhập Nguyên (sang bên ấy du học) đã tăng thêm nhiều.Lịch sử Thiền và Zen như thế đã móc nối thực sự.

    Tông Lâm Tế::

    Chi lưu của Đại Huệ:

    1 Đại Huệ Tông Cảo -> 2 Chuyết Am Đức Quang  ->  3 Tàng Tẩu Thiện Trân  ->  4 Nguyên Tẩu Hành Đoan  ->  5 Sở Thạch Phạm Kỳ, đồng 5 Mộng Đường Đàm Ngạc  ->  6 Đại Tông Tâm Thái. Đồng 5 Ngu Am Trí Cập  ->  6 Độc Am Hành Diễn.

    Đồng 2 Khai Thiện Đạo Khiêm, 2 Lại Am Đĩnh Nhu, 2 Lý Bính, 2 Trương Cửu Thành, 2 Hiểu Oánh Trọng Ôn, 2 Khả Am Huệ Nhiên à 3 Như Như Nhan Bính. Đồng 2 Vô Dụng Tịnh Toàn (  ->  3 Tiếu Ông Như Thậm  ->  4 Vô Văn Đạo Xán).

    Đồng 2 Chuyết Am Đức Quang  ->  Đồng 3 Dainichi Nôin = Đại Nhật Năng Nhẫn (Nhật Bản), 3 Vô Tế Liễu Phái, 3 Chiết Ông Như Diễm  ->  4 Đại Xuyên Phổ Tế, 4 Hối Nham Trí Chiêu, 4 Yển Khê Quảng Văn  ->  5 Vân Phong Diệu Cao, 5 Khô Nhai Viên Ngộ. Đồng 3 Bắc Giản Cư Giản  ->  4 Vật Sơ Đại Quan  ->  5 Hối Cơ Nguyên Hi  ->  6 Đông Dương Đức Huy  ->  7 Chuugan Engetsu = Trung Nham Viên Nguyệt (Nhật Bản). Đồng 6 Tiếu Ẩn Đại Hân  ->  7 Quý Đàm Tông Lặc, 7 Tôden Seiso = Đông Truyền Chính Tổ (Nhật Bản), 7 Giác Nguyên Huệ Đàm  ->  8 Bảo Nham Tịnh Giới.

    Chi lưu của Hổ Khâu:

    Đồng 1 Hổ Khâu Thiệu Long  ->  2 Ứng Am Đàm Hoa  ->  3 Mật Am Hàm Kiệt  ->  4 Tùng Nguyên Sùng Nhạc*, 4 Tào Nguyên Đạo Sinh, 4 Phá Am Tổ Tiên.

    4 Tùng Nguyên Sùng Nhạc*  ->  5 Diệt Ông Văn Lễ ( ->  6 Hoành Xuyên Như Củng  -> 7 Cổ Lâm Thanh Mậu  ->  8 Trúc Tiên Sở Tiên (sang Nhật Bản), 8 Sekishitsu Zenkyuu = Thạch Thất Thiện Cửu (Nhật Bản), 8 Betsugen Enshi = Biệt Nguyên Viên Chỉ (Nhật Bản), 8 Getsurin Dôkô = Nguyệt Lâm Đạo Hạo (Nhật Bản). Đồng 5 Vô Minh Huệ Tính  ->  6 Lan Khê Đạo Long. Đồng 6 Vận Am Phổ Nham  ->  7 Hư Đường Trí Ngu ( ->  8 Nanpo Shômei = Nam Phố Thiệu Minh (Nhật Bản)), đồng 7 Thạch Phàm Duy Diễn ( ->  8 Thạch Giản Tử Đàm (sang Nhật)). Đồng 5 Vô Đắc Giác Thông  ->  6 Hư Chu Phổ Độ  ->  7 Hổ Nham Tịnh Phục  ->  8 Minh Cực Sở Tuấn (sang Nhật), 8 Tức Hưu Khế Liễu ( ->  9 Ngu Trung Chu Cập (Nhật Bản)).Đồng 5 Yếm Thất Thiện Khai  ->  6 Thạch Khê Tâm Nguyệt  ->  7 Đại Hưu Chính Niệm (sang Nhật), 7 Mushô Seishô = Vô Tượng Tĩnh Chiếu (Nhật Bản).

    Đồng 4 Tào Nguyên Đạo Sinh  ->  5 Si Tuyệt Đạo Trùng  ->  6 Ngoan Cực Hành Di  ->  7 Nhất Sơn Nhất Ninh (sang Nhật).

    Đồng 4 Phá Am Tổ Tiên  ->  5 Thạch Điền Pháp Huân ( ->  6 Ngu Cực Trí Huệ ->  7 Thanh Chuyết Chính Trừng (sang Nhật)). Đồng 5 Vô Chuẩn Sư Phạm  ->  6 Hoàn Khê Duy Nhất ( ->  7 Kính Đường Giác Viên (sang Nhật)). Đồng 5 Đoạn Kiều Diệu Luân (...Vân Cốc Pháp Hội  ->  Hám Sơn Đức Thanh). Đồng 5 Vân Nham Tổ Khâm*, 5 Tùng Pha Tông Khế, 5 Mục Khê Pháp Thường, 5 Hy Tẩu Thiệu Đàm, 5 Biệt Sơn Tổ Trí, 5 Tây Nham Liễu Huệ, 5 Thoái Canh Đức Ninh, 5 Tôfuku Enji = Đông Phúc Viên Nhĩ (Nhật Bản), 5 Vô Học Tổ Nguyên (sang Nhật), 5 Ngột Am Phổ Ninh (sang Nhật).

    Đồng 5 Vân Nham Tổ Khâm*  ->  6 Cập Am Tông Tín, 6 Linh Sơn Đạo Ẩn (sang Nhật), 6 Vô Cực Chí Nguyên ( ->  7 Thiên Chân Duy Trắc  ->  8 Bạch Liên Trí An  ->  9 Không Cốc Cảnh Long). Đồng 6 Thiết Ngưu Trì Định ( ->  7 Tuyệt Học Thế Thành  ->  8 Cổ Mai Chính Hữu  ->  9 Mumon Gensen = Vô Văn Nguyên Tuyển (Nhật Bản)). Đồng 6 Cao Phong Nguyên Diệu  ->  7 Trung Phong Minh Bản  ->  8 Thiên Như Duy Tắc, 8 Thiên Nham Nguyên Trường ( ->  9 Vạn Phong Thì Úy , 9 Daisetsu Sonô = Đại Chuyết Tổ Năng (Nhật Bản)  ->  10 Bạch Nhai Bảo Sinh. Đồng 8 Enkei Soô = Viễn Khê Tổ Hùng (Nhật Bản), 8 Kosen Ingen = Cổ Tiên Ấn Nguyên (Nhật Bản) , Fukuan Sôki = Phục Am Tông Kỷ (Nhật Bản).

    Tông Tào Động:

    1 Đan Hà Tử Thuần  ->  2 Chân Yết Thanh Liễu ( ->  3 Đại Hưu Tông Giác  ->  4 Túc Am Trí Giám  ->  5 Thiên Đồng Như Tịnh à Eihei Dôgen = Vĩnh Bình Đạo Nguyên (Nhật Bản). Đồng 2 Thạch Song Pháp Cung.

    Đồng 2 Hoằng Trí Chính Giác  ->  3 Tự Đắc Huệ Huy  ->  4 Minh Cực Huệ Tộ  ->  5 Đông Cốc Minh Quang  ->  6 Trực Ông Đức Cử  ->  7 Đông Minh Huệ Nhật (sang Nhật)  ->  8 Betsugen Enshi = Biệt Nguyên Viên Chỉ (Nhật Bản)). Đồng 7 Vân Ngoại Vân Tụ  ->  Đông Lăng Vĩnh Dư (sang Nhật).

    1 Lộc Môn Tự Tại  ->  2 Thanh Châu Hy Biện  ->  3 Đại Minh Bảo  ->  4 Vương Sơn Thể  ->  5 Tuyết Nham Mãn  ->  6 Vạn Tùng Hành Tú  ->  7 Lâm Tuyền Tùng Luân, 7 Da Luật Sở Tài, 7 Tuyết Đình Phúc Dụ, 7 Tuyết Đường Đức Gián, 7 Lý Bình Sơn, 7 Kỳ Ngọc Chí Ôn.

    Địa lý Thiền (5)

    Bắc Hoàng Hà:

    Đại Đô: Báo Ân Hồng Tế Tự (Hành Tú, Tùng Luân trụ trì), Đại Khánh Thọ Tự (Ấn Giản trụ trì), Mã Yên Sơn Vạn Thọ Tự (Hành Tú trụ trì).

    Nam Hoàng Hà bắc Trường Giang:

    Vân Cư Sơn Thánh Thủy Tự (Minh Bản), Tứ Châu Đại Thánh Tự (Chính Giác), Tung Sơn Thiếu Lâm Tự (Phúc Dụ).

    Nam Trường Giang:

    Chú ý là Ngũ Sơn Thập Sát đều nằm phía nam Trường Giang chung quanh vùng Tô Hàng.

    Phượng Sơn và Ngũ Sơn:

    Phượng Sơn Đại Long Tường Tập Khánh Tự (Thiên Giới Thiện Thế Thiền Tự) (Đại Hân), Kính Sơn Hưng Thánh Vạn Thọ Tự (Đức Quang, Tông Cảo, Sư Phạm, Trí Ngu, Quảng Văn, Hàm Kiệt, Diệu Cao, Trí Cập), Bắc Sơn (Linh Ẩn Sơn) Cảnh Đức Linh Ẩn Tự (Đức Quang, Sùng Nhạc, Phổ Tế, Quảng Văn, Hàm Kiệt), Thái Bạch Sơn Thiên Đồng Cảnh Đức Tự (Chính Giác, Hoài Sưởng, Như Tịnh, Hàm Kiệt, Tùng Cẩn), Nam Sơn (Nam Bình Sơn) Tịnh Từ Báo Ân Quang Hiếu Tự (Quảng Văn, Trí Cập, Cử Giản, Như Tịnh), A Dục Vương Sơn Mậu Phong Quảng Lợi Tự (Đức Quang, Tông Cảo, Sư Phạm, Trí Ngu, Thanh Liễu, Đại Quan).

    Thập Sát:

    Trung Thiên Trúc Sơn (Linh Ẩn Tự) Thiên Ninh Vạn Thọ Vĩnh Tộ Tự (Đại Hân), Đạo Trường Sơn Hộ Thánh Vạn Thọ Tự (Cư Giản), Tưởng Sơn Thái Bình Hưng Quốc Tự (Thanh Viễn, Hàm Kiệt), Vạn Thọ Sơn Báo Ân Quang Hiếu Tự, Tuyết Đậu Sơn Tư Thánh Tự (Trọng (Trùng) Hiển, Sư Phạm, Quảng Văn), Giang Tâm Sơn Long Tường Tự (Thanh Liễu, Huệ Khai), Tuyết Phong Sơn Sùng Thánh Tự, Vân Hoàng Sơn Bảo Lâm Tự, Hổ Khâu Sơn Vân Nham Tự (Thiệu Long, Sùng Nhạc), Thiên Thai Sơn Quốc Thanh Kính Trung Tự.

    Các chùa thiền danh tiếng khác:

    Phượng Hoàng Sơn Bảo Ninh Tự (Thanh Mậu, Huệ Khai), Lâm An (Hàng Châu) Lục Thông Tự (Mục Khê, Mặc Am), Gia Hưng Bản Giác Tự (Thanh Dục), Tô Châu Sư Tử Lâm (Duy Tắc), Lô Sơn Đông Lâm Tự (Minh Bản), Lương Sơn (Sư Viễn), Bách Trượng Sơn (Hoài Huy), Ngưỡng Sơn (Tổ Khâm), Nam Nhạc Vân Phong Tự, Tây Thiên Mục Tự (Nguyên Diệu, Minh Bản), Cổ Sơn (Thủ Trách), Mai Châu Tây Nham Tự (Tông Cảo), Dương Dư Am (Tông Cảo).



    [1] - Thiền phong do thiền sư Hoằng Trí Chính Giác phái Tào Động đề xướng. Mặc là lặng lẽ chuyên tâm tọa thiền, chiếu là dùng huệ soi tâm tính linh bản lai thanh tịnh chứ không cần đến cổ tắc công án để nghiền ngẫm như tông Lâm Tế. Đại Huệ Tông Cảo cho mặc chiếu thiền là tà thiền, là loại thiền xoay mặt vào vách, bỏ mất việc tham ngộ tu chứng (theo TĐTNTT, Thông Thiền). Sẽ còn nhắc lại trong những trang sau.

    [2] - Sách do Đại Huệ Tông Cảo soạn năm 1147 gồm 3 quyển. Không nên nhầm với Shôbôgenzô (âm của Chính Pháp Nhãn Tạng), còn gọi là Vĩnh Bình Chánh Pháp Nhãn Tạng, tác phẩm 12 quyển (có nơi chia thành 95 quyển) của tăng Dôgen (Đạo Nguyên, 1200-1253) người Nhật viết trong khoảng năm 1231-53, hoàn thành vào lúc cuối đời ở chùa Eiheiji (Vĩnh Bình Tự) tỉnh Fukui.

    [3] - Xem Vô Môn Quan của Vô Môn Huệ Khai (Nguyễn Nam Trân có biên dịch).

    [4] - Xem Vô Môn Quan của Vô Môn Huệ Khai (Nguyễn Nam Trân có biên dịch).

    [5] - Chuyên tâm tọa thiền, không để ý vào chuyện gì khác như đốt hương niệm Phật, sám hối, lễ bái, xem kinh, đứng trên lập trường vô sở đắc vô sở ngộ (TĐTN TT, Thông Thiền). Dĩ nhiên thiền sinh cũng không cần nghiền ngẫm các công án.

    [6] - Qua các ví dụ cụ thể như Bích Nham Lục, Thung Dung Lục, Lâm Tế Lục...

    [7] - Chữ này có 2 cách đọc: Quách hay Khuếch nhưng thiển nghĩ nên hiểu theo nghĩa "cái am rộng rãi, không tường vách" (Khuếch) chắc đúng hơn vì có những thiền sư đặt tên như Phá Am, Vô Am, Huyễn Am...

    [8] - Tên gọi tắt của Thiền Thông Tứ Bộ Lục, bốn văn bản cớ sở tương đối giản dị, được dùng làm cẩm nang cho người tu thiền. Gồm: Tín Tâm Minh, Chứng Đạo Ca, Thập Ngưu Đồ và Tọa Thiền Nghi.

    [9] - Giáo hội gồm 5 ngọn núi và 10 cảnh chùa. Mô phỏng "Ngũ tinh xá thập tháp" của Ấn Độ. Nhật bản cũng có ngũ sơn thập sát (theo TĐPH, Đạo Uyển)

    [10] - Đấu là đơn vị đo lường nhưng dung lượng biến hóa theo mỗi thời. Đời Đường tương đương với 6 lít, đời Thanh, 10 lít. Ở Nhật, khoảng 18 lít.

    [11] - Kê cổ nghĩa là tìm hiểu ý nghĩa những việc đã xảy ra để học tập kinh nghiệm.

    [12] - Khúc hát ca tụng công lao, đức hạnh của Phật, theo TĐPH, Đạo Uyển.


    [ chương trước ] <-     -> [ chương sau ]

     
    - Chương I: Giai đoạn Thiền hình thành
    Tiết 1- Giai đoạn trước Đạt Ma
    Tiết 2: Đạt Ma và Huệ Khả
    Tiết 3: Pháp môn Đông Sơn hình thành
    - Chương 2: Giai đoạn Thiền phát triển và phân chia tông phái
    Tiết 1: Pháp môn Đông Sơn khai triển
    Tiết 2: Hà Trạch Thần Hội xuất hiện
    Tiết 3: Ảnh hưởng của Hà Trạch Thần Hội
    - Chương 3: Tư tưởng Thiền hoàn thành. Trăm nhà đua tiếng
    Tiết 1: Mã Tổ Đạo Nhất xuất hiện. Các môn phải bị đào thải
    Tiết 2: Thiền phát triển và thẩm thấu vào xã hội
    - Chương 4: Thiền phổ cập và biến thái (Thiền thời Bắc Tống)
    Tiết 1: Thiền đầu đời Tống
    Tiết 2: Phát triển của Thiền vào giai đoạn nửa sau thời Tống
    - Chương 5: Thiền được kế thừa và duy trì (Thiền thời Nam Tống, Kim, Nguyên)
    Tiết 1: Phát triển của Thiền dưới thời Nam Tống
    Tiết 2: Phát triển của Thiền dưới các triều Kim và Nguyên
    - Chương 6: Suy vong của Thiền Trung Quốc
    Tiết 1: Tình trạng Thiền đời Minh
    Tiết 2: Thiền kể từ đời Thanh
    - Tạm Kết