Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]             [ Tác giả ]

GIÁO TRÌNH LỊCH SỬ NHẬT BẢN 

Biên soạn: Nguyễn Nam Trân 

PHẦN IV : THỜI TAISHÔ CHO TỚI NAY 

Chương IV : Quân đội tăng cường sức mạnh 
Tiết 1 - Biến cố Mãn Châu
1.1 Quân Quan Đông và biến cố Liễu Điều Hồ :

Sau khi Thủ tướng Hamaguchi bị kẻ khủng bố bắn trọng thương và nằm chờ chết, Ngoại trưởng Shidehara Kijuurô giữ chức Thủ tướng lâm thời, tạm điều hành nội các. Nội các nói trên còn được giữ y nguyên trong ít lâu. Thế rồi nhân vì Thủ tướng Hamaguchi không còn hy vọng trở lại nhiệm sở nên các thành viên đã tổng từ chức vào tháng 4 năm 1931 (Shôwa 6). Người lên thế Hamaguchi là Wakatsuki Reijirô, cũng là đồng chí của ông trong đảng Rikken Minseitô. Wakatsuki lập chính phủ lần này là lần thứ hai. Ông giữ lại những cộng tác viên cốt cán của người tiền nhiệm. Do đó, Tổng trưởng ngoại giao vẫn là Shidehara Kijuurô.

Ngoại giao của Shidehara trên thực tế đem lại nhiều thành quả nhưng nó sẽ phải chấm dứt cùng với nội các này. Lý do là nó đã bị đuổi dồn và đánh sập bởi chính sách cứng rắn về đại lục của quân đội. Tuy Shidehara đã cố gắng bảo toàn đường lối hòa hoãn và đồng điệu với các cường quốc nhưng ông không thể chống đỡ áp lực của quân đội lúc ấy đang được lòng dân, cũng như không chận đứng được bước tiến của cánh hữu nói chung.

Sự kiện đã làm cho nỗ lực ngoại giao của Shidehara bị tiêu tan ra mây khói đã xảy ra vào đêm 18 tháng 9 năm 1931 (Shôwa 6) tại Liễu Điều Hồ (Sự kiện Liễu Điều Hồ).

Ở ngoại ô thành phố Phụng Thiên có một nơi thơ mộng là "hồ tơ liễu", Liễu Điều Hồ. Khác với cái tên của nó, đột nhiên đã có một vụ khủng bố đặt chất nổ xảy ra trên tuyến đường sắt Mãn Châu băng qua nơi đó. Người ta cảm thấy có gì tương tự như một vụ đã xảy ra 3 năm về trước. Lúc ấy, cũng là con đường sắt ngoài thành Phụng Thiên bị đặt bộc phá, toa xe nổ tung dẫn đến cái chết của tướng Trương Tác Lâm.

Nay thì ở ngay bên cạnh chỗ ấy lại có một vụ nổ thứ hai và cũng làm hư hại tuyến đường sắt. Phạm nhân lại chính là người của quân Quan Đông. Hơn thế nữa, lần này quân Quan Đông lại đổ hô cho phía quân đội Trung Quốc là người đã gây ra vụ nổ có tính chất phá hoại đó. Dĩ nhiên lời vu cáo nhằm phục vụ cho mục đích thực dân hoá Mãn Châu.

Rõ ràng là chân tướng đã bị bại lộ sau vụ ám sát tướng Trương Tác Lâm nhưng quân Quan Đông chẳng hề e sợ. Họ tiếp tục ngang nhiên hành động trong cùng một chiều hướng. Giả sử nội các của tướng Tanaka Giichi quyết liệt hạch tội các kẻ phạm tội ác lúc trước thì có thể vụ Liễu Điều Hồ đã không xảy ra. Do đó, trách nhiệm của tướng Tanaka trong vụ này rất lớn. Tuy nhiên, lúc đó Tanaka không còn nữa. Sau khi Thiên hoàng Shôwa tỏ ra không tín nhiệm, ông và nội các đã tổng từ chức. Ông mất không bao lâu sau. Biết đâu những mối ưu tư chẳng đã rút ngắn tuổi thọ của ông!

Chủ phạm trong vụ đánh bom lần này là hai sĩ quan cao cấp trong bộ tham mưu của lực lượng quân Quan Đông, đại tá Ishigaki Seishirô (Phản Viên, Chinh Tứ Lang, 1885-1948) và trung tá Ishihara Kanji (Thạch Nguyên, Hoản Nhĩ, 1889-1949). Họ là những người mang đầu óc quái gỡ cho rằng để chuẩn bị một trận chiến tranh quyết định vận mạng của các nước trên thế giới, Nhật Bản cần nắm chắc lấy Mãn Châu làm cứ điểm nên đã hành động như thế.


Ishihara Kanji (1889-1949), 
kẻ chủ mưu trong vụ Liễu Điều Hồ

"Trận chiến quyết định của thế giới" (Sekai saishuusen ron) là lý luận mà Ishihara Kanji vẫn ôm ấp trong lòng. Ishihara đinh ninh rằng chẳng bao lâu nữa sẽ xảy ra một trận đánh đại qui mô mà trong đó, cuộc đọ sức trên không giữa Mỹ và Nhật có tính quyết định. Sau khi trận đại chiến Nhật Mỹ giả tưởng này xong xuôi thì nhân loại sẽ không còn phải đánh nhau nữa. Ông ta mơ mộng rằng thế giới ngày đó sẽ thái bình, cực lạc.

Cũng theo ông ta, trong trận cuối cùng này, Nhật bắt buộc phải thắng Mỹ. Thế nhưng nói về sức mạnh thì Nhật Bản hãy còn quá yếu kém, không sẽ nào sánh với Mỹ được. Nếu nhanh chóng biến các vùng Phụng Thiên, Cát Lâm, Hắc Long Giang làm thuộc địa thì cho dù phải cầm cự lâu dài, Nhật vẫn có thẻ đủ sức để đối địch với Mỹ.

Ông ta nghĩ rằng nếu đặt bom trên trục giao thông Mãn thiết thì sẽ khuấy động được tình thế, bắt buộc lực lượng quân Quan Đông tham chiến. Thực tế trả lời đúng như vậy. Quân Quan Đông đã đổ vấy cho phía Trung Quốc là kẻ chủ mưu phá hoại tuyến đường đó và đem quân tấn công họ. Địa bàn chiến đấu càng ngày càng mở rộng. Quân Quan Đông đã dùng võ lực để trấn áp được phân nửa Mãn châu. Điều này sử sách mệnh danh là "Biến cố Mãn châu" (Manshuu jihen, 1931).

Đối với một người như Shidehara, trong nhiều năm đã chủ trương ngoại giao bất can thiệp vào nội tình Trung Quốc, thì đây là một hành động gây nhiều phẫn khái cho ông. Trong phiên họp lâm thời của nội các để tìm cách đối phó với những gì vừa xảy ra ở Mãn Châu, Shidehara đã chủ trương phải dẹp ngay cho được cuộc biến loạn này. Kết cuộc, chính phủ nghe theo ý kiến của ông và Thủ tướng Wakatsuki đã ra tuyên ngôn "không mở rộng thêm chiến tranh", yêu cầu hai bên Trung Nhật chớ nên đi xa hơn nữa.

Dù vậy, quân Quan Đông vẫn không thèm đếm xỉa đến quyết định của nội các, tiếp tục hành động quân sự. Thì ra bộ tư lệnh trung ương của quân đội - xưa kia khổ sở vì những hạn chế do chính sách ngoại giao của Shidehara - đã ngầm cho phép đám kiêu binh kia bước thêm bước nữa. Thêm vào đó, dư luận báo chí lại hô ầm lên: "Nếu Mãn Châu trở thành thuộc địa, Nhật Bản chúng ta sẽ thoát ra được cuộc khủng hoảng kinh tế Shôwa này!". Lòng mong mỏi đó đã trở thành hậu thuẫn cho hành động háo chiến, một liều thuốc bổ gây hứng phấn cho đám quân nhân.

Và rồi như chúng ta đã biết, cuộc tranh luận chung quanh việc "vi phạm quyền thống súy" đã diễn ra. Quyền chỉ huy quân đội được họ xem như quyền phù bật (phò tá) thiên hoàng trong việc ông hành sử quyền thống súy. Do đó sở dĩ quân Quan Đông được nước làm tới vì họ nghĩ rằng chỉ có quân đội mới chỉ huy được quân đội, chứ nội các không có quyền ra lệnh bắt họ phải ngưng chiến đấu.

Thực tình mà nói, nếu Wakatsuki thành tâm nghĩ rằng chính phủ là người nắm vận mệnh quốc gia và tỏ ra triệt để trong việc đàn áp quân Quan Đông thì ông không đến nổi thiếu khả năng. Thế mà ông lại không sao làm được. Chỉ vì bên trong nội bộ chính phủ, các thành viên nội các cũng thiếu sự đồng thuận, có khi chỉ là lý do cá nhân.

Chẳng hạn Adachi Kenzô (An Đạt, Khiêm Tàng, 1864-1948), tổng trưởng nội vụ, đã lên tiếng: "Sự thể đã xảy ra đến mức này rồi, chỉ còn có cách kêu gọi đảng Seiyuukai hợp tác, cùng nhau lập một chính quyền liên hiệp mà khống chế quân Quan Đông!". Trong khi đó, Tổng trưởng tài chính Inoue và Tổng trưởng ngoại giao Shidehara lại cực lực phản đối ý kiến trên.

Chúng ta biết Tổng trưởng Inoue còn cay cú vì Rikken Seiyuukai với chủ trương tài chánh tích cực (vung tiền) đã đi ngược với chủ trương cần kiệm khắc khổ mà ông đề ra. Còn như Shidehara thì ông nào thích gì đường lối ngoại giao cứng rắn của đảng đối lập này. Do đó, hai ông mới tuyệt đối bác bỏ phương án chính phủ liên hiệp.

Vì nội các không đồng quan điểm và quân Quan Đông hành động ngược với chỉ thị "không được nới rộng chiến tranh" của ông, Thủ tướng Wakatsuki mất tự tin trong việc điều hành đất nước. Nội các của ông đã tổng từ chức.

1.2 Nội các Inukai và việc thành lập Mãn Châu Quốc:

Sau khi Nội các Wakatsuki đổ rồi, nguyên lão Saionji Kinmochi cho mời chủ tịch Seiyuukai là Inukai Tsuyoshi (Khuyển Dưỡng, Nghị, 1855-1932) [1] thành lập chính phủ mới.

Việc chọn Inukai là điều bất ngờ. Tuy nhiên từ năm 1929 (Shôwa 4), ông đã trở thành chủ tịch đảng đối lập là Seiyuukai. Ông là người xuất hiện nhiều lần trong những trang trước nhưng chưa bao giờ được chúng ta biết đến một cách đầy đủ. Thực ra Inukai Tsuyoshi sinh năm 1855 (Ansei 2), con nhà sĩ tộc vùng Okayama. Khi đang theo học ở Đại học Keiô, đã tham gia hoạt động trong Rikken Kaishintô (Lập hiến cải tiến đảng) của Ôkuma Shigenobu. Từ đó, ông tiến bước trên con đường chính trị. Thời trung niên, ông là "cơ năng suy nghĩ" (brain), là "quân sư" của Ôkuma. Khi nội các Ôkuma 1 ra đời, ông làm Tổng trưởng giáo dục. Ông đi theo con đường chính trị của Ôkuma nghĩa là chuyển lần từ Kenseitô, Kensei Hontô sang Rikken Kokumintô. Cuối cùng, khi Ôkuma rời khỏi chính trường, ông trở thành đảng trưởng Rikken Kokumintô, đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc vận động "hộ hiến" lần thứ nhất và nhân đó, đã lật đổ được nội các Katsura Tarô.

Thủ tướng Inukai Tsuyoshi

Năm 1922 (Taishô 11), Rikken Kokumintô (Lập hiến quốc dân đảng) đổi tên thành Kakushin Kurabu (Câu lạc bộ cách tân). Sang đến năm 1924 (Taishô 13), cuộc vận động "hộ hiến" lần thứ hai đã lật đổ được Nội các Kiyoura Keigo. Lần nào cũng thấy bóng dáng Inukai. Khi chính quyền 3 phái "hộ hiến" thành lập, Inukai lại có chân trong nội các mới. Thế nhưng vào năm 1925 (Taishô 14), ông từ chức lãnh đạo Rikken Kokumintô và về vườn.

Tuy nhiên, Inukai là người rất được dân chúng ủng hộ. Kết cuộc, để đáp lại lòng mong mỏi của mọi người, ông bèn trở lại với con đường chính trị. Nhân vì các đồng chí cũ trong Kakushin Kurabu nay đều có mặt trong Seiyuukai cho nên sau khi Tanaka Giichi tạ thế, ông trở thành chủ tịch của Seiyuukai. Và như thế mà Inukai Tsuyoshi đã đứng ra thành lập nội các vào tháng 12 năm 1931.

Tuy có nội các mới nhưng quân Quan Đông vẫn không ngừng mở rộng các cuộc hành binh. Họ tiến cả lên các vùng Tsitshihar (Qiqihar) và Harbin (Ha'erbin) là những nơi đang ở dưới tầm kiểm soát của người Nga. Đồng thời họ cũng điều quân về Cẩm Châu ở phía đông, nơi người Anh có ảnh hưởng lớn.

Lúc ấy, bộ tham mưu lục quân cũng đành lặng thinh tuy lòng lo lắng không biết những hành vi ngang ngược như vậy có chuốc lấy cơn thịnh nộ của liệt cường hay chăng?

Giữa lúc đó, đã xảy ra cái "vụ Thượng Hải lần thứ nhất".

Đó là việc hai quân đội Nhật Trung chạm trán nhau ở Thượng Hải, làm cho 3.000 người chết. Gọi là "vụ" hay "sự kiện" có lẽ hơi nhẹ, chính xác hơn, phải xem là một cuộc chiến tranh. Trong vụ này, những nhà sư Nhật và tín đồ của họ đã bị dân chúng Trung Quốc tập kích. Vì vậy mà đơn vị bộ binh của hải quân Nhật đã đánh nhau với quân Trung Quốc một trận ra trò.

"Vụ Thượng Hải" sở dĩ có là vì người Trung Quốc trước đây, phẫn uất vì thái độ hung bạo của lính Nhật tại Mãn Châu, đã dấy lên trên toàn quốc một phong trào bài Nhật rộng rãi. Bề ngoài tưởng chừng vụ này chỉ xảy ra một cách tình cờ nhưng người ta ngờ rằng quân đội Nhật đã dàn dựng nó lên để kéo sự chú ý của liệt cường khỏi Mãn Châu, nơi họ đang làm mưa làm gió. Thuyết khác cho rằng, hải quân Nhật ở Thượng Hải ganh tỵ với cánh lục quân ở Mãn Châu và nghĩ mình cũng có thể làm ngang làm ngược như họ được chứ chẳng thua gì.

Khó cho họ là Thượng Hải từ xưa vẫn là một hải cảng quan trọng, người ngoại quốc vào ra tấp nập. Nào là công sứ liệt cường, nào là thương nhân, tất cả đều đóng đô ở đó. Thượng Hải giống như một thành phố quốc tế. Mãn Châu có thể không phải là nơi liệt cường có nhiều quyền lợi để cạnh tranh nhau nhưng Thượng Hải thì khác. Hành động gây rối của quân đội Nhật ở đây chỉ chuốc lấy cơn giận của họ.

Quân Quan Đông lúc ấy hầu như đã chiếm trọn vùng Đông Tam Tỉnh tức Phụng Thiên, Cát Lâm và Hắc Long Giang. Đột nhiên vào tháng 3 năm 1932 (Shôwa 7), ba tỉnh của Mãn Châu tuyên bố ly khai khỏi Trung Quốc và thành lập nên Mãn Châu Quốc, một quốc gia hoàn toàn mới.

Lúc đầu, nhóm đầu não của quân Quan Đông muốn đem sáp nhập Mãn Châu vào lãnh thổ Nhật Bản nhưng vì chính phủ Nhật Bản tỏ ra e ngại cho nên bộ tư lệnh quân đội không dám quá sốt sắng hưởng ứng. Mặt khác, khi xảy ra vụ Mãn Châu (Manshuu jihen, 1931), liệt cường cũng không ngừng lên tiếng chê trách. Vì thế, đám quân Quan Đông mới chọn lấy giải pháp thứ hai này.

Pu Yi (Phổ Nghi), hoàng đế cuối cùng của Thanh triều

Về tổ chức của Mãn Châu Quốc thì người đại diện là Phổ Nghi (Puyi, 1906-1967) [2], lãnh chức Chấp chính (Shissei) trong một buổi lễ ở thành phố Trường Xuân (Changchun, thủ phủ tỉnh Cát Lâm) vào tháng 3 năm 1931. Phổ Nghi là hoàng đế cuối cùng của Thanh triều, còn được biết dưới tên là vua Tuyên Thống. Khi cuộc cách mạng Tân Hợi (1911) bùng nổ, ông lánh về sống yên lặng trong khu tô giới Nhật Bản ở Thiên Tân. Quân Quan Đông bèn kéo ông ra và sử dụng như một lá bài, đặt lên ngôi vị tượng trưng cho Mãn Châu Quốc. Dĩ nhiên cái chức Chấp chính không có ý nghĩa gì. Mọi sự quyết định đều nằm trong tay quân Quan Đông và ông chỉ là vật trang hoàng.

Tổ chức hành chính Mãn Châu Quốc thời điểm "kiến quốc" tháng 3 năm 1932

- Chấp chính: (Phổ Nghi tức Ái Tân Giác La, sau sẽ là hoàng đế). Bên cạnh là Tham mưu phủ và Bí thư cục.

- Pháp viện : chia làm 2 nhánh: 1 Tối cao kiểm sát viện -> Cao đẳng kiểm sát sảnh -> Địa phương kiểm sát sảnh. 2 Tối cao pháp viện -> ao đẳng pháp viện -> Địa phương pháp viện.

- Giám sát viện ; chia làm 3 bộ: 1 Thẩm kế bộ, 2 Giám sát bộ, 3 Tổng vụ bộ.

- Quốc vụ viện: 1 Hưng an cục (Khuyến nghiệp xứ, Chính vụ xứ, Tổng vụ xứ), 2 Tu chính cục (Huấn luyện sở, Nghiên cứu sở, Hoằng pháp xứ, Tổng vụ xứ), 3 Pháp chế bộ (Thống kê xứ), 4 Tổng vụ sảnh (Nhu yếu xứ, Chủ kế xứ, Nhân sự xứ, Bí thư xứ). Ngoài ra còn có các bộ trực thuộc Quốc vụ viện như 1 Tư pháp bộ, 2 Giao thông bộ, 3 Thực nghiệp bộ, 4 Tài chính bộ, 5 Quân chính bộ, 6 Ngoại giao bộ, 7 Dân chính bộ. Mỗi bộ thường chia làm nhiều cục. Hành chính địa phương trực thuộc Quốc vụ viện có: 1 Đông tỉnh đặc biệt khu, 2 Tân kinh đặc biệt khu, 3 Hắc Long Giang tỉnh, 4 Cát Lâm tỉnh và 5 Phụng Thiên tỉnh. Mỗi thị, khu, tỉnh lại có nhiều sảnh để giúp việc.

Mãn Châu Quốc được định nghĩa như một quốc gia theo chế độ dân chủ cộng hòa, gồm có ngũ tộc là các dân tộc Hán, Mãn, Mông, Triều, Nhật. Mới nhìn thì thấy đất nước này quả là tốt đẹp nhưng trên thực tế, nó nằm gọn trong vòng tay sắt thép của quân Quan Đông. Quan chức cao cấp trong chính phủ và các cục các sảnh đều là người Nhật. Như vậy, Mãn Châu Quốc hoàn toàn là một quốc gia bù nhìn bị Nhật Bản nhào nặn và giật giây tùy ý.

Sau đó, quân Quan Đông lại tiến binh qua hai tỉnh Hưng An (miền Bắc) và Nhiệt Hà (miền Đông), trấn áp được cả vùng đó. Như thế Mãn châu quốc càng ngày càng bành trướng. Từ 3 tỉnh nó trở thành 5. Dân số chỉ có 34 triệu tức khoảng 1/4 dân số Nhật Bản ngày nay (127 triệu) thế nhưng diện tích lớn hơn nước Nhật những 3 lần.

Tuy nhiên, Thủ tướng Inukai không nhìn nhận Mãn Châu Quốc - sản phẩm của nhóm quân Quan Đông - như một quốc gia. Ông chẳng những phản đối hành động của quân Quan Đông mà ông còn cho rằng dư luận thế giới sẽ rất khắt khe lên án nếu Nhật Bản chịu nhìn nhận quốc gia bù nhìn này.

Chuyện hãy còn chưa được kiểm lại cho chắc nhưng có thuyết cho rằng Inukai muốn đề nghị Mãn Châu sẽ là phần đất được cả Nhật và Trung Quốc cai quản chung. Ông hình như cũng đã tâu lên Thiên hoàng Shôwa, xin ra một sắc dụ để bắt quân Quan Đông không được nới rộng hoạt động quân sự thêm nữa.Thế nhưng mọi việc đều không thực hiện được. Lý do đơn giản là ngày 15 tháng 5 năm 1932 (Shôwa 7), Inukai đã thiệt mạng vì ám sát.

1.3 Chấm dứt các nội các chính đảng. Nhật Bản rút khỏi Hội Quốc Liên:

Những kẻ đã giết hại Thủ tướng Inukai là một nhóm sĩ quan hải quân trẻ và thành viên của Aigôjuku (Ái hương thục), "trường học yêu làng nước", một tổ chức quần chúng có tư tưởng cực hữu do Tachibana Kôzaburô (Quất, Hiếu Tam Lang, 1893-1974), một nhà tư tưởng "dĩ nông vi bản" và ghét tư bản thành thị làm thủ lãnh.

Thực ra lúc đó đã xảy ra liên tục những âm mưu cũng như những vụ khủng bố thành công do bàn tay liên kết giữa các thanh niên sĩ quan (thường là cấp chỉ huy từ thiếu úy trở lên) cũng như cánh hữu trong dân chúng.Cả vụ tập kích Thủ tướng Hamaguchi vào năm 1930 cũng là do bàn tay của những người này.

Đối tượng hành động khủng bố của họ là những chính trị gia có thể lực và những nhân vật quan trọng trong giới kinh tài. Họ nghĩ rằng lên án hay tiêu diệt những người có quyền thế như vậy thì sẽ làm cho vận mệnh Nhật Bản tốt đẹp hơn lên và sẽ xây dựng nên một quốc gia huy hoàng..

Hình ảnh nhà nước lý tưởng trong đầu óc họ là một quốc gia theo chủ nghĩa quân quốc (national militarism). Họ cho rằng một chính phủ quân đội tốt đẹp hơn chính phủ chính đảng nhiều. Một số sĩ quan trẻ và cánh cực hữu từng tức tối cho rằng: "Các chính đảng và giới tài phiệt cũng như các nguyên lão, trọng thần là đồ hủ bại, thối nát tất cả! Còn như ngoại giao gọi là hòa hoãn, hòa hợp chỉ để che dấu sự khiếp nhược, hèn yếu.Theo chân thế giới tài giảm binh bị là làm cho người quân nhân phải chịu khuất nhục. Còn như đưa đến cuộc khủng hoảng Shôwa chẳng qua vì vô mưu, thiếu chính sách. Cớ sao các nguyên lão, trọng thần có thể phó thác việc nước cho những nội các như vậy. Trong khi dân chúng khổ vì kinh tế suy thoái thì các ông tài phiệt lại ăn cánh với các chính đảng để sống phè phởn".

Họ còn nghĩ "Muốn khai thông tình trạng bế tắc như đến nay thì phải giết sạch những kẻ đang cầm đầu chính trị và kinh tài, đặt những quân nhân nặng lòng với chính nghĩa vào cương vị lãnh đạo, xây dựng một quân đội thật vững mạnh, chứ ngoài ra không có cách nào khác".

Đặc biệt những sĩ quan trẻ phần lớn xuất thân từ nông thôn, mắt đã chứng kiến tận mắt cảnh gia đình thân tộc khổ sở vì cuộc khủng hoảng dưới thời Shôwa. Cho nên trong đám họ, những kẻ thù hận nội các và giới kinh tài không phải là ít.

Tuy nhiên, dù chính quyền có hủ bại đến đâu nhưng dùng bạo lực để thay đổi xã hội hẳn không phải là cách hay nhất. Cùng nhau thảo luận triệt để và thường xuyên để tìm ra giải pháp hòa bình để cải thiện hiện tình vẫn là điều đáng mong muốn hơn hết. Con người vốn là loài tối linh thiêng đứng đầu các động vật lẽ nào không làm được. Thế nhưng tiếc thay, các sĩ quan trẻ và thành phần cực hữu trong dân chúng - có khi vì quá đơn thuần và bồng bột - đã đi đến hành động khủng bố. Họ đã đưa Nhật Bản đến con đường băng hoại, diệt vong.

Chúng ta có thể tham khảo đồ biểu sau đây, tóm lược những vụ khủng bố, thành công lẫn thất bại, đã xảy ra trong giai đoạn "tiền quân phiệt" đó.

Những vụ khủng bố thời tiền chiến ( 1930-1936)

Vụ tập kích Thủ tướng Hamaguchi (1930) Thủ tướng đã bị một nhóm thanh niên cánh hữu tấn công ở nhà ga Tôkyô. Bị thương nặng, năm sau thì mất 
Biến cố tháng 3 (1931) Nhóm trung tá lục quân Hashimoto Kingorô và Ôkawa Shumei lập kế hoạch đảo chánh để đưa Đại tướng lục quân Ugaki Kazushige (1868-1956) lên nắm chính quyền nhưng âm mưu bị thất bại.
Biến cố tháng 10 (1931) Hashimoto Kingorô và các nhân vật trong Sakura no kai (Anh hội) lại toan đảo chánh nhưng âm mưu bị lộ. 
Biến cố Ketsumeidan (Huyết minh đoàn, 1932) Nhóm cực hữu Ketsumeidan do Inoue Nisshô (1886-1967) cầm đầu chủ trương mỗi thành viên phải phụ trách ám sát mội đối tượng chính trị gia đối lập. Đã sát hại cựu tổng trưởng tài chánh Inoue Junnosuke (1869-1932) và kỹ nghệ gia chủ tịch tập đoàn tài phiệt Mitsui là Dan Takuma (1858-1932).
Biến cố 15 tháng 5 (1931) Một nhóm sĩ quan hải quân trẻ đã bắn chết Thủ tướng Inukai Tsuyoshi (1855-1932) tại tư dinh.
Biến cố 26 tháng 2 (Ni.niroku) ( 1936) Một nhóm sĩ quan lục quân trẻ tuổi đã chỉ đạo 1.400 lính chiếm đóng Quốc hội, mưu đảo chính. Họ sát hại các yếu nhân và trọng thần như Saitô Makoto (1858-1936), Takahashi Korekiyo (1854-1936), Watanabe Jôtarô (1874-1936)

Ngày 15 tháng 5 năm 1932 (Shôwa 7), khi Thủ tướng Inukai đang dùng cơm chiều cùng với gia đình ở tư dinh trong Phủ thủ tướng thì đột nhiên, một nhóm thanh niên sĩ quan mang nguyên giày dép đất cát sầm sập xông vào.

Thủ tướng lên tiếng quở trách "Chúng bay làm gì mà ngang nhiên thế!". Ông chứng tỏ là người có đởm lược. Nhóm quân nhân rút súng ra hăm dọa nhưng ông mời họ ra phòng khách: "Nói chuyện thì sẽ hiểu nhau thôi!" ý muốn cho những kẻ khủng bố điềm tĩnh trở lại nhưng bọn họ đã hô lớn "Nói cũng bằng thừa!" rồi nã đạn vào người ông. Sau khi nhóm khủng bố bỏ đi, ông còn nói với người nhà; "Gọi họ lại lần nữa đi. Nếu nói chuyện thì sẽ hiểu ra!". Thế nhưng đó cũng là câu nói tuyệt mệnh của ông. Đó là kết thúc bi thảm của một nhà chính trị lớn Nhật Bản.

Việc ám sát Thủ tướng Inukai được mệnh danh là Biến cố ngày 15 tháng 5 (Go.ichi jiken). Nhóm tham gia hành động bạo lực này đông khoảng 30 người, vừa lính tráng vừa dân sự thuộc cánh hữu. Họ không những nhắm vào dinh thủ tướng mà còn bắn phá hoặc ném tạc đạn vào dinh tổng trưởng nội vụ, tổng nha cảnh sát, trụ sở đảng Seiyuukai, Ngân hàng Trung ương và một số trạm biến thế điện vùng ngoại ô thủ đô... Sau khi Inukai ngã xuống, nguyên lão cuối cùng là cựu thủ tướng Saionji Kinmochi đã không trao chính quyền cho người của Seiyuukai như thông lệ. Hồi hai ông Hara và Hamaguchi, khi thủ tướng tại chức lâm bệnh hoặc bị ám sát thì vị nguyên lão, để tránh sự hỗn loạn, có thói quen bổ nhiệm một chính trị gia xuất thân cùng chính đảng với người đó để tổ chức nội các mới.

"Hiến chính thường đạo" là châm ngôn của Saionji. Ông chủ trương luôn luôn duy trì nội các chính đảng, tôn trọng hiến pháp. Lần này ông định tiếp tục con đường đó nhưng chẳng may, phương châm chính trị của Chủ tịch Seiyuukai đương nhiệm Suzuki Kisaburô (Linh Mộc, Hỷ Tam Lang, 1867-1940) [3] và Saionji lại khác nhau, nhất là trong lãnh vực ngoại giao.Saionji muốn duy trì ngoại giao hòa hợp với Anh Mỹ (như Shidehara) trong khi Suzuki không muốn tiếp tục như thế nữa.

Vì vậy, Saionji mới muốn Nhật phải được dìu đắt bởi một nội các với hình thức gọi là kyokoku itchi (cử quốc nhất trí) nghĩa là nội các làm việc trong tinh thần toàn dân đoàn kết, nhất trí hiệp lực. Do đó, nó không còn là nội các chính đảng nhưng tụ họp rộng rãi nhân tài đến từ nhiều phương trời: quan liêu, quân đội và giới kinh tài. Thủ tướng của nội các kỳ này là Saitô Makoto (Trai Đằng, Thực, 1858-1936) [4], một đại tướng hải quân.

Tuy mang tiếng là "trùm sỏ" (oyadama) của hải quân nhưng tân thủ tướng Saitô không phải là người theo chủ nghĩa "quân quốc" ra mặt. Ông còn được biết là điềm đạm, ôn hòa nữa, nói chung, một nhân vật không có chút gì quá khích trong lời lẽ và hành động.

Như thế, thời kỳ 8 năm chính trị chính đảng liên tục đã đến lúc hạ màn. Muốn thấy lại chính trị chính đảng, phải đợi đến lúc chiến tranh Thái Bình Dương kết thúc và Nhật thua trận.

Nội các đoàn kết mới ra đời sau đó sẽ trao đổi một nghị định thư (protocol) mang tên là Nhật Mãn nghị định thư với Mãn Châu Quốc vào tháng 9 năm 1932 để thành lập quan hệ ngoại giao. Như thế, Nhật Bản đã thừa nhận Mãn Châu Quốc.

Nội dung nghị định thư có ghi rõ: "Mãn Châu Quốc nhìn nhận những quyền lợi Nhật Bản đã có (trên đất Mãn Châu) từ trước đến nay, cho phép vô điều kiện quân đội Nhật Bản đồn trú, bổ dụng quan lại người Nhật (những người đang là công chức Nhật Bản). Những việc bảo vệ các tuyến đường sắt, hải cảng, đường hàng không trên đất Mãn Châu sẽ được ủy thác cho Bộ tư lệnh quân Quan Đông)".

Chỉ nhìn có bao nhiêu thôi thì đủ thấy chính quyền Mãn Châu Quốc chỉ là bù nhìn, một con rối cho người Nhật tha hồ giật giây.

Thế nhưng Nhật Bản đã đụng ngay phản ứng của Trung Quốc. Kết án Nhật là xâm lược, Trung Quốc đã tố cáo việc đó ra trước Hội Quốc Liên. Hội Này bèn cử một phái đoàn do nhà ngoại giao người Anh là Sir Lytton [5] cầm đầu với các ủy viên Mỹ, Pháp, Đức, Ý... sang Mãn Châu với mục đích mở một cuộc điều tra thật cặn kẽ về hiện tình. Kết cuộc, phái đoàn Lytton đưa ra kết luận: "Chủ quyền ở Mãn Châu phải thuộc về Trung Quốc. Mãn Châu là lãnh thổ Trung Quốc. Quốc tế không thể thừa nhận Mãn Châu Quốc" và trình lên Hội Quốc Liên.

Nhận được báo cáo này, vào tháng 2 năm 1933 (Shôwa 8), Hội Quốc Liên đã mở một phiên họp lâm thời đưa đề nghị yêu cầu đại hội đồng của họ khuyến cáo Nhật Bản rằng: "Việc quân Quan Đông chiếm lấy Mãn Châu là trái phép. Yêu cầu quân Nhật hãy trở về vị trí của mình chung quanh đường sắt Mãn thiết như thời trước khi có cuộc xung đột Mãn Châu (Manshuu jihen)"

Giữa đại hội đồng, khi các nước đang thẩm nghị về đề án đó, đại diện toàn quyền của Nhật là Matsuoka Yôsuke (Tùng Cương, Dương Hữu, 1880-1946) [6] đứng lên biện bạch về chủ trương của Nhật Bản, xem việc làm của nước mình là chính đáng. Thế nhưng kết quả buổi họp là quyết định ra khuyến cáo cho Nhật đã được thông qua với 42 phiếu thuận và chỉ có 1 phiếu chống. Đại biểu toàn quyền Matsuoka giận dữ bỏ phòng họp ra ngoài. Qua đến tháng 3, Nhật Bản thông báo rút tên ra khỏi Hội Quốc Liên.


Ngoại trưởng Matsuoka Yôsuke, Ribbentrop Nhật Bản

Thực ra, báo cáo của Phái đoàn điều tra Lytton không phủ nhận trên mặt giấy quyền lợi của Nhật ở Mãn châu có được từ sau Biến cố Mãn Châu. Cho nên nếu chính phủ Inukai hãy còn và nếu người Nhật nói chung không tham cuồng nóng vội thì họ đã có thể đi đến một giải pháp ngoại giao thỏa hiệp. Tuy nhiên, nói gì thì nói, những gì xảy ra ở Mãn Châu vẫn không đi ra ngoài lô-gích một cuộc xâm lược thực dân.

Sau đó, Nhật Bản đã cho thi hành một chính sách di dân đại qui mô sang Mãn Châu để nhằm khai thác phần đất mới rộng bao la này. Năm 1934 (Shôwa 9), Mãn Châu Quốc bỏ chế độ dân chủ cộng hòa, đưa Pu Yi (Phổ Nghi) lên ngôi hoàng đế để có một đế chế như Nhật Bản. Kể từ đó, đối với quốc tế, Nhật Bản đã từ bỏ lộ tuyến hòa hoãn và hòa hợp để đổi lấy một thái độ ương ngạnh và cứng rắn. Cuộc thay đổi này đã xảy ra một cách cấp tốc.

Ví dụ như vào năm 1936 (Shôwa 11), khi có hội nghị về tài giảm hải quân ở London, Nhật Bản làm một việc giống trước kia họ đã làm đối với Hội Quốc Liên là ăn không được thì đạp đổ. Họ cũng nữa chừng bỏ rơi hội nghị tài giảm binh bị hải quân đang tiến triển, và còn thông báo xé bỏ hai hiệp ước tài giảm giống như thế đã ký ở Washington và London trước đây.

Một khi các hiệp ước tài giảm binh bị bay tơi tả như những mãnh giấy vụn rồi thì Nhật Bản mạnh tay trên con đường gia tăng sức mạnh quân sự, không còn phải kiêng dè ai nữa. Và dĩ nhiên, hành động như vậy, Nhật Bản đã tự cô lập mình đối với quốc tế.
 

Tiết 2 - Chính biến ngày 26 tháng 2 (Ni.ni.roku)
2.1 Cao trào của chủ nghĩa quốc gia:

Đứng trước những cuộc khủng hoảng liên tiếp như Cuộc khủng hoảng tài chánh (1927) và Cuộc khủng hoảng Shôwa (1929-32), các chính phủ chính đảng đã tỏ ra họ không đủ năng lực để giải quyết vấn đề. Ngoài ra, dân chúng còn tuyệt vọng vì họ chỉ câu kết với giới tài phiệt để mưu cầu lợi ích riêng. Tình cảm chán ghét đã dâng lên cùng cực.

Mượn cơ hội quốc dân đang bất bình như thế, những thành phần có tư tưởng cực hữu trong dân chúng đã phối hợp hành động với một số sĩ quan trẻ. Họ nghĩ: "Nếu cứ thế này, Nhật Bản sẽ tiêu vong mất. Phải thay đổi đất nước và xã hội. Phải xây dựng một xã hội bình đẳng!" và hô hào: "Phải đặt lợi ích và hạnh phúc của toàn dân lên trên lợi ích và hạnh phúc cá nhân! Phải tìm cách phụng sự đất nước!" Những người mang ý nghĩ trước được gọi là đi theo chủ nghĩa quốc gia xã hội (quốc xã, state nationalism, national socialism), những người mang ý nghĩ sau gọi là nhóm có lập trường chủ nghĩa quốc gia (nationalism).

Thế rồi, lúc Biến cố Mãn Châu (1931) xảy ra, có thể nói là người Nhật vui mừng như điên cuồng vì quân Quan Đông đã biết đánh nhanh đánh mạnh. Đương thời, cả nước đang đắm chìm trong bóng tối của những cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội liên tục. Họ thấy quân Quan Đông tấn công chớp nhoáng và làm chủ được Mãn Châu thì quá phấn khởi - dĩ nhiên đây là một lối suy nghĩ hời hợt, đơn thuần - nhưng ta không thể cấm họ thấy tự ái dân tộc được vuốt ve và nghĩ lầm rằng đó là lòng yêu nước.

Như vậy, quốc gia chủ nghĩa (nationalism) trong tâm thức của họ là việc đặt tối ưu tiên cho quyền hành và phúc lợi của người dân nước mình. Chủ nghĩa quốc gia đó còn có thể được dịch bằng nhiều cái tên khác nhau như chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa quốc dân, chủ nghĩa quốc túy (ultranationalism) nhưng nói chung nội dung và cường độ chẳng khác là bao.

Có một thời sau Thế chiến thứ hai, người dân Nhật hâm mộ một lực sĩ đấu vật kiểu Tây phương (wrestling) tên Rikidôzan (Lực Đạo Sơn) qua chương trình chiếu trên đài truyền hình đặt ở những góc phố. Họ say sưa với người lực sĩ Nhật (thật ra gốc Hàn) ấy vì sau khi bại trận, dân Nhật có mặc cảm tự ti trước người Mỹ. Một Rikidôzan dùng tay không (karate) chặt chém vào mặt vào cổ những lực sĩ da trắng và đánh ngã gục, có thể đem đến cho họ một nguồn an ủi. Rikidôzan tượng trưng cho người Nhật trong khi các địch thủ da trắng của ông là biểu tượng của chính quyền Mỹ.


Rikidozan (Lực Đạo Sơn)

Sự sảng khoái tương tự đã đến với người Nhật từ sau biến cố Mãn Châu. Chúng ta chắc cũng chẳng cần phân biệt thái độ của chính quyền và thái độ của quần chúng vì hai bên đã có những tình cảm tương tự mà thôi. "Chúng ta đã thắng! Trung Quốc thua rồi!". Đó là những tình cảm đơn thuần mà người ngoài đường số có trong đầu. Cái đó chính là "quốc gia chủ nghĩa" của người Nhật ngày đó.

Dĩ nhiên, phải nhìn nhận thêm một điều nữa. Người Nhật thuở ấy cứ nghĩ chiếm được lãnh thổ Mãn Châu thì họ sẽ hưởng thụ được những lợi lộc kinh tế vùng đó đưa lại. Các cuộc khủng hoảng nhờ vậy sẽ lắng dịu và họ chắc chắn vượt qua chặng đường khó khăn. Thế nhưng, hành vi của họ trong biến cố Mãn châu và đối với Trung Quốc là một hành động xâm lược. Khó thể bào chữa và thật đáng chê trách. Biết bao nhiêu người Trung Quốc đã bị hại dưới bàn tay của quân Quan Đông và chúng ta không khỏi có thái độ đồng tình với những nạn nhân trong cuộc.

Thế nhưng khổ thay là trên nửa con số người Nhật lúc đó lại không hề có mặc cảm phạm tội. Bởi vì thời đại họ sống là thời đế quốc chủ nghĩa. Kẻ mạnh xơi tái kẻ yếu, cá lớn làm gỏi cá bé. Cho dù có làm họ động lòng đôi chút nhưng những hành vi tàn ngược ấy vẫn chưa đủ đánh thức lương tâm của số đông quần chúng.

Như chúng ta đã biết, đến khi Thế chiến thứ nhất kết thúc thì cái tâm lý đế quốc xem lô-gích cuộc đời là mạnh được yếu thua mới có một chút thay đổi. Lúc bấy giờ, ngưòi ta bắt đầu nhắc đến nào là "quyền tự quyết của các dân tộc", nào là "nền hòa bình thế giới" vv...Người ta không những tự kiềm chế mình mà còn đòi hỏi người khác phải làm theo. Tuy vậy, hai nước Nhật, Đức vừa mới được nhập bọn với liệt cường Âu Mỹ (lúc đó Đức đã hồi phục phần nào vị thế của mình và Đảng Quốc Xã Đức đã nắm được chính quyền) cũng như Ý thì chưa thỏa thuê nên vẫn duy trì, củng cố khuynh hướng chủ nghĩa đế quốc và hãy còn còn nuôi mộng xâm lấn các nước khác.

Các quốc gia thực dân vừa nhập bọn như Đức và Nhật và Ý lập luận: "Anh, Pháp ư? Họ ranh mãnh quá thể! Họ đã có được đầy đủ thuộc địa cho mình rồi mà vẫn còn tham. Chúng tôi thì chưa. Xưa kia các bác đã đi xâm lược thì sao đến nay đòi phải ngưng đế quốc chủ nghĩa. Chúng tôi cũng có quyền đi kiếm thuộc địa chứ! Nếu được, hãy chia chác lại cho nhau nhờ."

Người đọc lịch sử cần phải đặt mình vào bối cảnh của thời sự việc xảy ra và như thế sẽ hiểu ý nghĩa (dù không thể nào thông cảm cho được) ngôn động của những kẻ đang sống lúc đó. Ví dụ cụ thể là chế độ kết hôn. Bây giờ vợ chồng người Nhật sống chung dưới một mái nhà là chuyện tất yếu nhưng người Nhật thời Heian thì ai ở nhà nấy và đến đêm, ông sẽ đến thăm bà.

2.2 Chuyển hướng sang chủ nghĩa quốc xã:

Hành vi xâm lược có tên là Biến cố Mãn Châu (1931) được sự tán thành của đại đa số quần chúng Nhật Bản. Từ đó, người Nhật đã nghiêng về phía quân đội và ủng hộ đường lối của tập đoàn này. Họ tỏ ra đồng điệu với chủ nghĩa quốc xã do các sĩ quan trẻ và người dân sự thuộc cánh hữu đề xướng.

Trước khi đi vào diễn tiến của các sự kiện, thiết nghĩ cũng nên định nghĩa xem thế nào là chủ nghĩa quốc xã.

Trên lý thuyết, chủ nghĩa quốc xã được xem như một đường lối cải cách xã hội, dùng quyền lực của quốc gia để trừ khử những tệ hại do chủ nghĩa tư bản gây ra. Người như Takabatake Motoyuki (Cao "Điền" [7], Tố Chi, 1886-1928) [8], một nhà tư tưởng Mác-xít thay đổi lập trường (tenkô) sang chủ nghĩa quốc xã, vào thời Taishô, đã lập nên hai cơ quan ngôn luận là các tạp chí Kokka shakai shugi (Quốc gia xã hội chủ nghĩa) và Taishuu undô (Đại chúng vận động) để tuyên truyền cho nó. Cùng với các đồng chí trong Taishuusha (Đại chúng xã), ông đã nới rộng phạm vi ảnh hưởng đến những thành phần xã hội chủ nghĩa, quốc gia chủ nghĩa lẫn các lãnh đạo trong quân đội. Mục đích của nhóm ông là đi đến việc thành lập một chính đảng mang màu sắc quốc xã. Việc chưa thành, ông mất vào năm 1928 (Shôwa 3) ở tuổi 43.

Nói cách khác, người quốc xã nghĩ rằng: "Ngày nay xã hội theo chủ nghĩa tư bản đã hư hỏng cả rồi thì phải làm sao cho quyền lực nhà nước mạnh mẽ ra rồi dùng nó mà thi hành một loạt những chính sách có lợi cho dân chúng, để họ có sống bình đẳng và làm cho xã hội được tốt ra". Sau khi Takabatake Motoyuki mất, nó đã được tiếp nối bởi các nhân vật như Ôkawa Shuumei (Đại Xuyên, Chu Minh, 1886-1957) [9] và Kita Ikki (Bắc, Nhất Huy, 1883-1937). Các nhà hoạt động cánh hữu cực đoan [10] sùng bái tư tưởng Ôkawa và Kita có tên là kakushin uyoku (cách tân hữu dực) để phân biệt với lớp người cánh hữu cực đoan truyền thống trước đây.

Cánh hữu cách tân này hiệp lực với các thanh niên sĩ quan triển khai các hoạt động nhằm củng cố sức mạnh của nhà nước để có thể dùng nó làm phương tiện cải cách xã hội. Dần dần, họ đã tiến về phía quá khích, đưa hẳn ra chiêu bài: "Chống lại các chính đảng đang có, đập nát hiện trạng, tiến đến cải cách" và để thực hiện, họ không ngần ngại dùng phương tiện khủng bố, sát hại. Và như ta đã thấy, đích ngắm là các chính trị gia, kỹ nghệ gia và nghiệp chủ ngân hàng cỡ lớn. Sau đó họ sẽ đưa quân đội lên nắm chính quyền. Nhân vì cũng là những người đồng thời có khuynh hướng quân phiệt cho nên về mặt đối ngoại, họ hoàn toàn ủng hộ Biến cố Mãn Châu, chẳng những thế còn yêu cầu chính phủ mau mau thực hiện chủ nghĩa bành trướng (expansionism) ở đại lục. Thế rồi khi mà quốc dân và giới truyền thông nghiêng theo con đường họ vạch ra thì cánh hữu dân sự và nhóm sĩ quan trẻ này càng có quyền phát ngôn mạnh mẽ hơn nữa trong mọi vấn đề chính trị.

Một chuyện khó tin nhưng có thật là các chính đảng vô sản cũng từ từ ngả theo khuynh hướng quốc xã. Năm 1932 (Shôwa 7), một người xuất thân từ một chính đảng vô sản là Akamatsu Katsumaro (Xích Tùng, Khắc Lữ, 1894-1955) [11] đã thành lập Kokka shakaitô (Quốc gia xã hội đảng). Rất nhiều thành viên các đảng theo tư duy vô sản chủ nghĩa đã gia nhập.

Dĩ nhiên lúc đó hãy còn một số người không thay đổi lập trường. Những người ấy tìm cách qui tụ chung quanh Shakai taishuutô (Xã hội đại chúng đảng). Thế những chính đảng trẻ trung này rồi cũng phải theo dòng thời thế mà bị quốc xã hóa.

Ngoài ra, sang đến năm 1933 (Shôwa 8), hai nhà lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng Sản Nhật là Sano Manabu (Tá Dã, Học, 1892-1953) [12] và Nabeyama Sadachika ( Oa Sơn, Trinh Thân, 1901-1979) [13] đã ra tuyên bố thay đổi lập trường (tenkô seimei = chuyển hướng thanh minh) từ trong nhà giam : "Chủ trương lật đổ thiên hoàng của chúng tôi xưa nay là một điều lầm lẫn. Con đường chính đáng của nhà nước Nhật Bản là phải theo chủ nghĩa quốc gia xã hội". Hai người cũng đề cập trong chiều hướng chấp nhận Biến cố Mãn châu. Họ xem đó như một diễn tiến đến từ cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của người Mãn.

Việc làm của hai ông đã gây ra chấn động và ảnh hưởng to lớn đến người theo chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội ở trong nước. Bắt đầu chỉ với hơn phân nữa các đảng viên đang bị giam giữ, phong trào tuyên bố thay đổi lập trường này đã lan rộng ra. Dĩ nhiên, không phải ai cũng làm như thế. Tuy chỉ là thiểu số nhưng vẫn có những người như Suzuki Mosaburô (Linh Mộc, Mậu Tam Lang, 1893-1970) [14] thuộc Nihon Musantô (Nhật Bản vô sản đảng) chẳng hạn, kiên quyết bảo vệ chính kiến của mình và cũng là bảo vệ phong trào. Ý định này cũng không thể gọi là thành công vì chỉ ít lâu sau, Nihon musantô của ông đã bị nhà nước đàn áp dữ dội. Tháng 12 năm 1937 (Shôwa 12) họ phải đình chỉ mọi hoạt động.

Gặp hồi chủ nghĩa quốc xã và quân phiệt hưng thịnh, những thành phần có tư tưởng và ngôn từ không phù hợp với thể chế thiên hoàng và sự chỉ đạo của chính phủ đều bị kiểm soát chặt chẽ. Không chỉ có người theo chủ nghĩa cộng sản hay xã hội mà thôi. Ngay cả những ai chủ trương phải có tự do và dân chủ cũng trở thành đích nhắm đàn áp của chính quyền.

Sau đây xin tham thảo bảng liệt kê các cuộc đàn áp tư tưởng đã xảy ra trong giai đoạn đầu thời Shôwa ( 1933-1940) trước khi cuộc chiến tranh Thái Bình Dương xảy ra..

Các cuộc khống chế và đàn áp tư tưởng thời trước chiến tranh

Vụ giết hại nhà văn Kobayashi Takiji 
(1933)
Nhà văn khuynh hướng vô sản (proletariat) Kobayashi Takiji (1903-1933) bị sở cảnh sát Tsukiji bắt gia, tra khảo 3 tiếng đồng hồ và giết hại ngày hôm sau.
Vụ Takigawa
(1933)
Giáo sư Takigawa Yukitoki ( 1891-1962) thuộc Đại học Kyôto vì kêu gọi tự do dân chủ mà bị đuổi việc, gây nên một phong trào kháng nghị rầm rộ. Sách "Những bài viết về hình pháp" của ông bị cấm lưu hành.
Vụ tập sách nhỏ của lục quân
(1934)
Tập sách nhỏ (pamplet) của lục quân ra đời. Nó kêu gọi phải đặt ưu tiên cho việc xây dựng và củng cố một nền quốc phòng theo chủ nghĩa quốc gia, kiểm soát kinh tế và cho phép lục quân công nhiên tham gia chính trị. Đã gây xôn xao trong quốc hội.
Vụ tranh luận Thiên hoàng chỉ là một cơ quan nhà nước
(1935)
Giáo sư danh dự Đại học Tôkyô ngành hiến pháp học, đồng thời nghị viên Quý tộc viện là Minobe Tatsukichi (1973-1848) đề xướng thuyết "Thiên hoàng là một cơ quan nhà nước" đã bị chính Quý tộc viện và quân đội, cánh hữu dân sự xem như đi ngược với "quốc thể" tức nền tảng của nhà nước và kịch liệt lên án. Bị ép phải từ chức, sách vở cấm lưu hành. Đây cũng là dịp chính phủ Okada phải ra thanh minh rõ ràng về "quốc thể".
Vụ Yanaihara
(1937)
Giáo sư Đại học Tôkyô ngành kinh tế là Yanaihara Tadao (1893-1961) phê phán chính sách của Nhật trên đại lục qua tập luận thuyết "Lý tưởng của quốc gia" đã bị quân đội và cánh hữu công kích, bắt buộc phải từ chức. 
Vụ Mặt trận nhân dân lần thứ 1
(1937)
Các chính trị gia cánh tả Suzuki Mosaburô (1893-1970), Yamakawa Hitoshi (1880-1958), Katô Kanjuu (1892-1978) thành lập Mặt trận chống phát xít (anti-fascio), bị bắt để điều tra.
Vụ Mặt trận nhân dân lần thứ 2
(1938)
Phái lao nông (Tạp chí Lao Nông, 1927) qui tụ những nhà hoạt động cánh tả như Giáo sư Đại học Tôkyô ngành tài chánh Ôuchi Hyôe (1888-1980), hai đồng nghiệp ngành kinh tế của ông là Arisawa Hiromi (1896-1988) và Minobe Ryôkichi (1904-1984, con trai Minobe Tatsukichi). Cả ba bị bắt để điều tra theo tinh thần Luật duy trì trị an.
Vụ Kawai Eijirô
(1938)
Giáo sư Đại học ngành chính sách xã hội Tôkyô Kawai Eijirô (1891-1944) viết "Phê phán chủ nghĩa phát xít" (fascism). Sách của ông bị xem là đề xướng chủ nghĩa tự do nên thành cấm thư. Sang năm sau ông bị bắt phải tạm ngưng dạy học.
Vụ Tsuda Sôkichi
(1940)
Nhà nghiên cứu lịch sử cổ đại bằng phương pháp khoa học dựa trên văn kiện lịch sử như Kojiki và Nihonshoki là giáo sư Tsuda Sôkichi (1873-1961) thuộc Đại học Waseda bị khép vào tội bất kính vì đã "bôi nhọ thiên hoàng". Nhóm quốc túy chủ nghĩa phê phán ông làm cho tác phẩm "Nghiên cứu lịch sử cổ đại" của ông phải bị mang ra tòa và cấm phát hành.

Cuộc đàn áp liên quan đến tư tưởng tự do dân chủ bắt đầu với vụ Takigawa vào năm 1933 (Shôwa 8). Giáo sư Takigawa Yukitoki của Đại học đế quốc Kyôto bị mất chức. Học thuyết về hình pháp của ông dựa trên quan điểm tự do chủ nghĩa chứ không có màu sắc cộng sản hay xã hội. Dù vậy, nó đã bị gán cho cái tội theo cộng sản và bị hạch hỏi tới tấp. Sách đó đã không được phép lưu hành. Chưa bao giờ quyền tự do học vấn ở Nhật lại rơi vào một tình trạng thảm hại như thế.

Nếu muốn trưng ra thêm bằng chứng về một cuộc đàn áp khác, có lẽ phải nói đến việc học thuyết "thiên hoàng là một cơ quan" gặp phải. Trong những trang trước, ta đã nhắc đến giáo sư Minobe Tatsukichi và học thuyết đó của ông. Học thuyết ấy giải thích Hiến pháp Meiji theo quan điểm chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa nghị hội vốn là một khuynh hướng rất được yêu chuộng suốt thời kỳ Taishô (1912-1926). Thế nhưng nghị viên Quý tộc viện Kikuchi Takeo (Cúc Trì, Vũ Phu, 1875-1955) công kích nó gay gắt: "Đó là một lý thuyết đi ngược với "quốc thể", phản lại chế độ thiên hoàng. Đương thời, Minobe Tatsukichi đang là giáo sư danh dự Đại học đế quốc Đông Kinh và nghị viên Quý tộc viện. Lời phát biểu của Kikuchi đã châm ngòi thuốc súng làm cho bên trong Quý tộc viện, tiếng nói phủ nhận học thuyết ấy càng lúc càng đông, càng to, khiến cho quân đội và cánh dân sự phái hữu mở một chiến dịch tấn công thuyết Thiên hoàng là một cơ quan.
 
Đi xa hơn với khái niệm Kokutai

Koku (quốc) là nước, tai (thể) là hình thể, tổ chức của nó, thế nhưng không dễ gì mà dịch kokutai một cách ngắn gọn. Đây là một khái niệm không biết có tự đời nào nhưng được lưu hành trong giới quân nhân và chính trị gia theo chủ nghĩa quốc gia ở Nhật Bản trong thập niên 1930. Chỉ biết Kokutai nhằm chỉ "một số yếu tố đặc biệt khiến cho Nhật Bản nhờ đó mà có một tính cách độc đáo không thể bị hủy diệt, một định mệnh phi thường". Những nét đặc thù ấy của Nhật Bản có thể được kể ra như sau:

-Một triều đại có nguồn gốc linh thiêng và không hề bị gián đoạn;

-Một triết lý xã hội xem quốc gia Nhật Bản như là đại gia đình;

-Tình cảm mình là thành phần của một nòi giống mang một sứ mạng đặc biệt.

Về bản chất, Kokutai được mệnh danh là yếu tố Nhật Bản, còn có thể được gọi là hồn Nhật Bản, Nhật Bản vĩnh cữu, tinh thần Nhật Bản, nhân cách Nhật Bản vv...Về biểu hiện ngoại giới, kokutai là chính thể quốc gia, tổ chức nhà nước, quyền lực nhà nước vv...nhưng nói chung, nó có thể là một mô hình văn hoá xã hội (sociocultural model) có tính cách điển hình (archetype) mang nặng màu sắc thần bí đến từ huyền thoại cổ xưa của những con người chung một tổ tiên (ancestral mythologies) [15].

Đối với chính phủ, họ khiếu kiện, đòi "tước chức thượng nghị sĩ của Minobe, cấm lưu hành sách của ông ta và đuổi việc tất cả các giáo sư hay quan chức nào ủng hộ học thuyết sai lầm đó". Trước vấn đề có, Nội các Okada Keisuke vốn là một nội các ôn hòa (nội các toàn dân đoàn kết, có đủ thành phần xã hội), nên buổi đầu phát ngôn nhìn nhận thuyết ấy là đúng. Cánh hữu lại hò reo: "Nội các quá nhẹ tay! Phải tổng từ chức!" và họ không ngần ngại chĩa thẳng mũi dùi vào chính phủ. Thành thử lần này nội các đã phải thay đổi thái độ. Trước tiên họ ra lệnh cấm lưu hành tác phẩm nhan đề Kenpô satsuyô (Hiến pháp toát yếu) của giáo sư Minobe cũng như đưa ra bản tuyên bố gọi là Kokutai meichô seimei (Quốc thể minh trưng thanh minh) để giải thích cho rõ nghĩa khái niệm quốc thể. Họ đi đến kết luận; "Thuyết thiên hoàng là một cơ quan chủ trương thiên hoàng không có quyền thống trị và thiên hoàng chỉ là một cơ quan hành sử quyền ấy mà thôi là một nhận thức đi ngược lại thiên hoàng chế". Như vậy, Nội các Okada đã cúi đầu chịu khuất phục trước chủ trương của quân đội và các phần tử phái hữu. Điều đó cho ta thấy quyền phát ngôn của lớp người này từ đây sẽ có tính quyết định.

2.3 Biến cố Ni.niroku:

Tờ mờ sáng ngày 26 tháng 2 năm 1936 (Shôwa 11), giữa trời tuyết tại Tôkyô, một nhóm sĩ quan trẻ trong lục quân đã hướng dẫn bộ phận quân đội ước chừng 1.400 quân nhân ùa vào dinh thủ tướng và các phủ đệ đại thần, tổng nha cảnh sát, lần lượt tập kích các yếu nhân trong chính phủ. Vụ bạo động đó được gọi là Ni.niroku jiken hay Biến cố Nhị nhị lục (2/26).

Cuộc đảo chánh Ni.niroku đã cướp đi sinh mạng của một số đại thần quan trọng. Trước tiên là cựu thủ tướng đồng thời Tổng trưởng nội vụ đương nhiệm Saitô Makoto, rồi đến nguyên chủ tịch đảng Seiyuukai, ông Takahashi Korekiyo, người từng làm thủ tướng và là một Tổng trưởng tài chánh đương nhiệm, đang thi hành một chính sách tài chính tích cực. Sau hết là Đại tướng Watanabe Jôtarô, trách nhiệm tổng thanh tra việc giáo dục của lục quân.

Người sau này sẽ trở thành tổng trưởng nội vụ là Makino Nobuteru (Mục Dã, Thân Hiển) cũng bị tập kích, còn nhân vật sẽ đóng vai trò Thủ tướng trong nội các vào thời Chiến tranh Thái Dình Dương chấm dứt (1945) là Suzuki Kantarô (Linh Mộc, Quán Thái Lang) lúc ấy đang giữ chức chưởng quản trong hoàng cung, bị trọng thương. Dĩ nhiên quân đảo chánh nhắm trước tiên Thủ tướng Okada nhưng người em vợ của ông là Matsuo Denzô đang ở trong nhà vì nhân dáng giống ông nên đã phải chết oan. Các sĩ quan bắn lầm ông này, nhờ đó, Okada đã thoát hiểm như một phép lạ.

So sánh với biến cố Go-ichigo ngày 15 tháng 5 (1932) thì biến cố Ni.niroku (1936) này có qui mô lớn hơn và rõ ràng là một cuộc đảo chánh. Thế nhưng, một điều khác nữa là bản chất của vụ Ni.niroku đậm màu sắc tranh giành giữa các phe phái trong lục quân. Vì muốn sớm có ngay tiếng nói chính trị mà hai bộ phận trong lục quân, Kôdôha (Hoàng đạo phái) [16] và Tôseiha (Thống chế phái) [17] đã xung đột kịch liệt với nhau.

Phái Hoàng đạo là một đoàn thể quá khích. Họ quan niệm: "Cho dù phải dùng đến vũ lực, cũng phải sớm lập cho được chính quyền quân sự". Những viên sĩ quan trẻ trong nhóm này vốn chịu ảnh hưởng sâu đậm của nhà tư tưởng Kita Ikki (Bắc, Nhất Huy, 1883-1937) [18].Trong khi đó phái Thống chế chủ trương: "Quân đội chỉ cần gây áp lực mạnh mẽ lên nội các và dùng thủ đoạn hợp pháp để bắt chính phủ nghiêng về phía quân đội".

Lãnh tụ phái Hoàng đạo là cựu Tổng trưởng lục quân Araki Sadao (Hoang Mộc, Trinh Phu, 1877-1966) [19] và Đại tướng lục quân Masaki Jinzaburô (Chân Kỳ, Thậm Tam Lang, 1876-1956) [20]Mặt khác, lãnh đạo phái Thống chế là chức Quân vụ cục trưởng (vai trò Chính ủy) Nagata Tetsuzan (Vĩnh Điền, Thiết Sơn) [21]. Thế nhưng vào năm 1935 (Shôwa 10) thì Nagata đã bị sĩ quan phái Hoàng đạo là Trung tá Aizawa Saburô (Tương Trạch, Tam Lang, 1889-1936) [22] hạ sát giữa dinh thự Bộ Lục quân. Cái gọi là Biến cố Aizawa này đã làm cho sĩ khí của phái Hoàng đạo lên cao. Do đó, họ mới thực hiện cuộc đảo chánh để sớm thực hiện công cuộc cải cách quốc gia bằng cách đưa quân đội lên nắm chính quyền.

Quân đội phái Hoàng đạo lúc đó đã thành công trong việc trấn áp khu phố có dinh thự chính phủ. Sau khi sát hại một số yếu nhân, họ cứ cố thủ ở đó để đòi chính phủ thực hiện cải cách và yêu cầu diệt trừ phái Thống chế.


Quân đội tham gia đảo chánh Ni.niroku bao vây khu trung tâm hành chính Nagatachô

Chính phủ tuyên bố tình trạng giới nghiêm và giữ thái độ cảnh giác với nhóm phiến loạn. Tuy vậy, lúc đầu họ đã tỏ ra có phần thông cảm với hành động của những người này. Chính Tổng trưởng lục quân Kawashima Yoshiyuki từng trấn an họ qua một văn bản hiểu thị với nội dung: "Những điều các anh mong mỏi, chúng tôi thông cảm được lý do và sẽ cho cải cách trong chiều hướng đó".

Thế nhưng Thiên hoàng Shôwa thì không chấp nhận dễ dàng như vậy. Ông bày tỏ lập trường nghiêm khắc của mình: " Những kẻ đó đã sát hại các bầy tôi thân tín của trẫm. Đó là một cuộc phản loạn chống lại quyền lực nhà nước. Nếu các ông không hành động thì bản thâm trẫm sẽ tự kéo quân đi trấn áp". Do đó, tình thế đổi từ giảng hòa qua đàn áp.

Vì lục quân không muốn thấy cảnh tương tàn nên đã rãi truyền đơn thuyết phục: "Nay hãy còn chưa chậm, tất cả hãy trở về bản bộ của mình. Những ai còn chống cự sẽ bị coi là nghịch tặc. Cha mẹ các ngươi sẽ đau khổ lắm đó". Đồng thời, nội dung này cũng được phát thanh trên đài kể kêu gọi những kẻ nổi loạn ra hàng.

Kết quả là nhóm quân nhân này đã nghe theo và tháo gỡ vòng vây. Cuộc đảo chánh như thế chỉ kéo dài được 4 hôm.


Nhà tư tưởng quốc túy Kita Ikki

Mười lăm sĩ quan trẻ chủ mưu bị bắt ngay, và theo tinh thần sắc lệnh khẩn cấp, họ đã bị một tòa án binh đặc biệt thiết lập để xử một cách cấp tốc. Sau khi án tử hình đã tuyên cáo, họ bị xử bắn ngay. Ngoài họ ra, nhà tư tưởng Kita Ikki - người được xem như có ảnh hưởng quyết định trên lối suy nghĩ của họ - bị buộc tội đã toa rập trong vụ Ni.niroku này, cũng bị xử tử nốt.

Thế thì sau khi cuộc nổi loạn bị dập tắt, sức mạnh của lục quân đã yếu đi chăng?

Thưa không, hoàn toàn không. Ngược lại, tiếng nói của lục quân càng ngày càng đáng kể đối với chính trị Nhật Bản. Điều có có nghĩa là một khi phái Hoàng đạo vì sơ sẩy một bước mà không còn tồn tại nữa, phái Thống chế mặc tình thao túng. Sự kết hợp giữa lục quân với nhau gắn bó keo sơn hơn. Lâu lâu họ lại bày trò hăm dọa đảo chánh làm cho nội các phải làm theo chính sách họ muốn thực hiện.

Nguyên ngoại trưởng Hirota Kôki (Quảng Điền, Hoằng Nghị, 1878-1948) [23] đã được mời ra để thành lập nội các thay cho Nội các Okada Keisuke. Lúc đó, lục quân không ngớt góp ý trong việc tuyển lựa nhân sự và chỉ đồng ý chọn những nhân vật nào ăn cánh với mình mà thôi.

Trong thời gian Hirota giữ chức thủ tướng, quân đội đã đòi lại quyền cho các sĩ quan hiện dịch cấp cao (đại tướng, trung tướng) nắm các bộ lục và hải quân. Nội các Saionji Kinmochi 2 từng bị đổ vì chế độ này. Thế nhưng nó đã tạm thời bị phế bỏ trong giai đoạn Nội các Yamamoto Gonbê 2.

Nay thì quân đội yêu cầu nó phải được thiết lập trở lại. Do đó mà về sau, hễ không ưa một chính sách nào của nội các thì quân đội sẽ rút người đi và làm reo không đưa người mới ra lãnh chức tổng trưởng các bộ liên quan tới quốc phòng. Như thế, nội các không thể tiếp tục tồn tại và càng ngày trở thành con cá trên thớt, luôn luôn chịu sự uy hiếp của quân đội.


Thủ tướng Hirota Kôki

Nội các Hirota đã đi theo phương sách quốc phòng do quân đội đề nghị. Nội các thu nhỏ gồm 5 nhân vật chính (goshô kaigi = ngũ tướng hội nghị) nghĩa là thủ tướng và tổng trưởng các bộ lục quân, hải quân, ngoại giao, tài chính họp lại qui định những tiêu chuẩn của quốc sách: "Để phát triển nền kinh tế, cần kết hợp với đại lục và vùng phương nam thành một khối. Với mục đích như thế, phải triệt để tăng cường sức mạnh quân sự". Muốn thực hiện kế hoạch triển khai sức mạnh quân sự, quân đội đòi hỏi một ngân sách khổng lồ, xứng đáng với tầm cỡ của kế hoạch đó.

Đồng thời, dưới chiêu bài đổi mới đường lối ngoại giao, vào năm 1936 (Shôwa 11), Nhật Bản đã ký kết "Hiệp định phòng Cộng Nhật Đức" (Nichidoku bôkyô kyôtei) với một nước Đức vừa rút ra khỏi Hội Quốc Liên và đang có tham vọng trở thành siêu cường quân sự. "Phòng Cộng" có nghĩa là ngăn chặn chủ nghĩa Cộng sản. Quốc gia bị xem như là đối tượng thù địch giả tưởng, không nêu tên trong hiệp ước này, chính là Liên Xô.

Nội các cũng đã phải tuyên hứa với quân đội là sẽ thi hành ở quốc nội những cải cách mà quân đội cương quyết đòi cho bằng được. Rốt cuộc, Nội các Hirota chỉ còn là một nội các quân đội bảo đâu đánh đấy.Tuy nhiên, quân đội hãy chưa bằng lòng, xem Hirota như thiếu tích cực trong công cuộc tiến hành cải cách. Mặt khác, thủ tướng cũng bị các chính đảng chỉ trích vì mãi lo chi tiền cho quân đội khuếch trương lực lượng quân sự, làm cán cân chi phó bị mất thăng bằng trầm trọng. Hirota như người đứng giữa, bị quân đội và chính đảng bức ép hai bên. Không sao điều chỉnh được hướng đi, nội các cảm thấy bất lực và cuối cùng đã tổng từ chức vào tháng 1 năm 1937 (Shôwa 12).

Lúc đó, nguyên lão cuối cùng là Saionji Kinmochi đã tìm được một người có khuynh hướng ôn hòa như Saitô và Okada để ra lập nội các. Đó là Ugaki Kazushige (Vũ Viên, Nhất Thành, 1868-1956) [24]

Chúng ta đã biết Saionji luôn luôn chống lại sự ra đời của một nội các quốc xã hay quân phiệt nên trong khi chọn người, lúc nào ông cũng cân nhắc để giữ cho được sự quân bình. Thế nhưng Ugaki đã không thành công trong việc tổ chức nội các.Quân đội ghét người ôn hòa như Ugaki và liền xử dụng quyền "phủ quyết" bằng cách làm reo không gửi một ai ra giữ các chức vụ tổng trưởng hải và lục quân. Đây là một ví dụ tượng trưng cho thấy đã đến cái thời mà hễ không có hậu thuẫn của quân đội thì chớ hòng lập được nội các.
 

Tiết 3 - Thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng thời Shôwa
3.1 Lại cấm xuất khẩu vàng:

Trong hai tiết 1 và 2 của chương này, chúng ta đã nói đến tình hình đối ngoại và chính trị quốc nội, bây giờ xin chuyển qua câu chuyện kinh tế Nhật Bản, nhất là bàn về cuộc khủng hoảng thời Shôwa.

Sở dĩ có cuộc khủng hoảng kinh tế thời Shôwa vì Nội các Hamaguchi Osachi đã quyết chí thi hành lệnh giải cấm việc xuất vàng. Thủ tướng Hamaguchi vì muốn đánh sập những trung tiểu xí nghiệp mọc ra như nấm nhờ sự phồn vinh chiến sinh sinh ra mà nay thì sống lây lất, èo uột. Ông cũng muốn đồng thời củng cố các hãng lớn, giúp chúng xuất khẩu mạnh hơn để cạnh tranh nổi với thế giới. Việc bãi bỏ lệnh cấm xuất vàng nằm trong lô-gích của việc ngừng chính sách tài chánh thắt lưng buộc bụng.

Thế nhưng không may là cùng lúc, trên thế giới và nhất là ở Mỹ, kinh tế đang ở trong tình trạng khó khăn vì giá cổ phiếu tụt xuống không phanh. Cơn lốc khủng hoảng đang cuốn đi tất cả kinh tế hoàn cầu. Do đó, chẳng có nước nào còn đủ tiền để mua hàng Nhật. Đương nhiên, việc xuất khẩu bị đình trệ. Ngược lại, hàng tốt giá rẻ của ngoại quốc lại đổ vào và tràn ngập thị trường nội địa.

Chính vì lý do đó mà có rất nhiều xí nghiệp Nhật Bản bị khánh tận và bắt buộc thải nhân viên. Con số ngưởi thất nghiệp tăng lên cấp kỳ. Ở vùng nông thôn, giá kén tằm và giá gạo cũng trụt thấy rõ. Tất cả điều đó đã khiến cho cho kinh tế của Nhật Bản phải hứng chịu những đòn trí mạng.

Hồi năm 1931 (Shôwa 6), Nội các Inukai Tsuyoshi vừa mới thành lập thì vào tháng 12 cùng năm, để cải thiện tình trạng đó, ông đã bổ nhiệm một chuyên viên tài chánh giàu kinh nghiệm là Takahashi Korechiyo (Cao Kiều Thị Thanh, 1854-1936) [25] làm tổng trưởng tài chánh. Takahashi vừa nhậm chức đã ra lệnh cấm xuất vàng trở lại. Điều đó có nghĩa là Nhật không theo chế độ kim bản vị nữa và đình chỉ khả năng đổi chác giữa vàng (chính hóa) và đồng yen (đoái hóa). Như thế, Nhật Bản đã bước vào thời đại của chế độ quản lý thông hóa.

Quản lý thông hoá hay quản lý việc lưu thông tiền tệ có mục đích kiểm soát và điều chỉnh mức độ số hóa tệ được phát hành cũng như giữ cho giá trị của chúng an định. Việc này cũng sẽ giúp duy trì được công ăn việc làm của người dân.

Nếu muốn duy trì chế độ kim bản vị thì nhà nước phải có một trử lượng quí kim (chính hoá) tương đường với số hoá tệ họ định phát hành để lưu thông (thông hoá). Điều này chúng ta đã một lần nhắc tới. Thế nhưng, dưới chế độ quản lý thông hoá thì không có chuyện đó. Nhà nước sẽ quyết định lượng phát hành một cách "thích đáng". Tuy vậy, "thích đáng" không có nghĩa là buông tuồng, thích gì làm nấy. Mục đích của nó phải là giữ cho kinh tế Nhật Bản được an định. Bởi vì nếu in tiền ra nhiều quá, giá trị đồng Yen sẽ bị trượt xuống so với tiền nước ngoài, ngược lại, in ra ít quá thì giá của nó sẽ lên cao vùn vụt.

Lịch sử việc giải cấm xuất khẩu vàng và tái cấm tại các nước

Tên nước Lúc cấm  Lúc giải cấm Lúc cấm lại
Mỹ 09/1917 06/1919 04/1933
Đức 11/1915 10/1924 07/1931
Anh 04/1919 04/1925 09/1931
Ý 08/1914 12/1927 05/1934
Pháp 07/1915 06/1928 09/1936
Nhật 09/1917 01/1930 12/1931

Việc giữ được quân bình lượng phát hành, bao giờ cũng là một việc khó khăn.

Đến đây, câu hỏi được đặt ra là khi quản lý thông hóa như vậy thì kinh tế Nhật sẽ có những hậu quả như thế nào?

Câu hỏi đó cần được đặt ra vì khi đình chỉ kim bản vị, tiền Yen của Nhật không thể được đem đổi với chính hoá là vàng nữa. Tín dụng sẽ mất đi và giá trị đồng tiền cũng mất theo.

Chúng ta còn nhớ Thủ tướng Hamaguchi khi bãi bỏ lệnh cấm xuất vàng đã dựa trên lối ấn định giá đã có (kyuuheika = cựu bình giá) mà theo lối ấy thì 100 Yen ăn khoảng 50 đô-la Mỹ. Còn nếu theo chế độ quản lý thông hóa của chính phủ lúc bấy giờ thì giá trị của đồng Yen xuống chỉ còn một phân nửa tiền đô. Có khi quá tệ đến độ 100 Yen chỉ ăn được 20 đô.

Nhiều người sẽ đặt câu hỏi: " Nếu Yen xuống như thế, hỏi kinh tế Nhật có bị hậu quả xấu không?". Thế nhưng câu trả lời ở đây là : "Không hẳn như vậy!".

Yen rẻ đi và nếu đó đúng là việc đang xảy ra thì ngành xuất khẩu sẽ hưởng lợi. Khi Yen chỉ còn giá trị dưới phân nửa của nó trên thị trường hối đoái, giá hàng Nhật đem bán ở ngoại quốc thành ra rẻ hơn phân nửa. Hàng Nhật quá rẻ và do đó sẽ bán rất chạy ở thị trường ngoại quốc.

Hơn nữa, những xí nghiệp còn sống sót sau cuộc khủng hoảng thời Shôwa sẽ cố gắng hợp lý hoá để trở thành những xí nghiệp mạnh và thành công. Do đó, mọi ngành kỹ nghệ Nhật Bản sẽ có thêm cơ may phát triển trong việc xuất khẩu. Đặc biệt ngành tơ sợi chẳng hạn. Nó đã đuổi kịp và vượt qua ngành tơ sợi của Anh để giữ vị trí đứng đầu trên thế giới.

Sau khi việc tái cấm xuất khẩu vàng xảy ra chỉ mới có 2 năm thôi - nghĩa là vào năm 1933 (Shôwa 8) - qui mô sản xuất của kinh tế Nhật Bản đã hồi phục lại như tình trạng thời tiền khủng hoảng của kinh tế thế giới. Chẳng những thế, nó còn vươn lên hơn cả trước đó.

3.2 Công nghiệp nặng - hóa học đi lên:

Trước đây, Nội các Inukai Tsuyoshi là nội các chính đảng của Seiyuukai. Đảng này chủ trương một đường lối tài chính tích cực.

Do đó, Takahashi Korekiyo, với tư cách là nguyên tổng trưởng trong Nội các Inukai nên cũng đi theo con đường đó nghĩa là ngưng việc khắc khổ kiệm ước mà chính phủ vừa qua đã làm cho đến nay, đồng thời cấm trở lại việc xuất khẩu vàng ra nước ngoài, phát hành thật nhiều quốc trái bổ sung ngân sách (deficit-covering government bond) để có tiền chi cho những việc tăng cường quân bị vốn không ngừng phát triển từ khi có Biến cố Mãn Châu. Như thế, ông đã chuyển sang một chính sách tài chánh tích cực, nói khác đi là in tiền và tiêu tiền.

Kết quả là như ta vừa thấy: khâu xuất khẩu nhờ đó phát triển cấp kỳ, kinh tế Nhật Bản như có sức sống hẳn ra. Đặc biệt không hiểu có phải thừa hưởng sinh khí đó hay không mà ngành kỹ nghệ nặng - hoá học (the heavy chemical industry) có được những thành tích nổi bật.

Kỹ nghệ nặng - hóa học (juukagaku kôgyô, trọng hóa học công nghiệp) là một chữ dùng kết hợp hai lãnh vực kỹ nghệ nặng (heavy industry) và kỹ nghệ hoá học (chemical industry). Kỹ nghệ hóa học tiến triển nhờ sự phồn vinh do chiến tranh gây ra như thế nào thì chúng ta đã đề cập đến. Còn kỹ nghệ nặng là kỹ nghệ luyện thép, kỹ nghệ đóng tàu, kỹ nghệ đóng toa xe, kỹ nghệ chế tạo vũ khí vv...

Khi Biến cố Mãn Châu bộc phát thì những vật tư cần thiết cho quân đội (quân nhu) trở thành một mặt hàng quan trọng hàng đầu. Do đó, kỹ nghệ nặng hóa học đã được phát triển rất nhanh. Lại nữa, chính phủ vì muốn thúc đẩy nó tiến nên đã đề ra nhiều biện pháp giúp đỡ và che chở. Điều đó là một lý do giải thích tại sao, trong một thời gian ngắn, ngành này đã bước được những bước dài.

Năm 1933 (Shôwa 8), các ngành kỹ nghệ như kim thuộc, cơ khí và hóa học đã có mức độ sản xuất - nếu tính theo kim ngạch - vượt trội ngành kỹ nghệ chủ chốt cho đến nay là chế biến tơ sợi. Chúng ta biết kỹ nghệ dệt đã phát triển mạnh mẽ và tốt đẹp như thế nào. Vải vóc xuất khẩu của Nhật từng chiếm vị trí hàng đầu thế giới. Thế mà này ngành kỹ nghệ dệt ấy còn phải đứng sau lưng kỹ nghệ nặng - hóa học thì mới biết những ngành kỹ nghệ đến sau này đã phát triển một cách dị thường!

Kim ngạch sản xuất của các ngành kỹ nghệ Nhật Bản ( 1919-1938)

Năm Thực phẩm Dệt Hoá học Luyện kim Cơ khí Linh tinh Tổng kim ngạch
1919 18,9% 41,2% 9,8% 7,5% 13,2% 9,4% 111,6 ức Yen
1929 23,1% 35,1% 12,2% 8,7% 9,4% 11,5% 107,4 ức Yen
1933 20,2% 32,5% 13,7% 11,3% 10,5% 11,8% 111,6 ức Yen
1938 13,3% 22,2% 16,3% 18,5% 20,0% 9,7% 252,65 ức Yen

Đặc biệt trong lãnh vực gang thép thì nhà máy luyện thép quốc doanh Yawata Seitetsu làm đầu tàu đã hiệp lực với các hãng trong ngành do vốn tư nhân như Mitsubishi Seitetsu, Kamaishi Seitetsu,Tôyô Seitetsu... thành một đại xí nghiệp nửa công nửa tư làm việc theo yêu cầu của nhà nước. Đó là Nihon Seitetsu Kaisha (Nhật Bản chế thiết hội xã), ra đời vào năm 1934 (Shôwa 9).

Từ chuyên môn nói về hình thức xí nghiệp này là kokusakugaisha (quốc sách hội xã). Chúng là một loại xí nghiệp đặc thù, được vận hành dưới sự chỉ đạo của nhà nước và được nhà nước đặc biệt nâng đỡ trong suốt khoảng thời gian từ Biến cố Mãn Châu cho đến Chiến tranh Thái Bình Dương.

Nhiều xí nghiệp "quốc sách" được thiết lập để đảm bảo việc khai thác các vùng đất Nhật thực dân hay chiếm đóng. Nihon Seitetsu Kaisha mà chúng ta vừa nhắc tới đã giúp cho Nhật có thể tự mình cung cấp các vật dụng bằng thép. Loại vật dụng này được dùng trong kiến trúc và việc chế tạo máy móc.

Những nhà cựu tài phiệt đã có vai vế từ trước như Mitsui, Mitsubishi thì đặt trọng tâm vào kỹ nghiệp nặng - hoá học và tích cực tăng cường việc củng cố nó.

Khi nói đến cựu tài phiệt đã có vai vế cũng có nghĩa là cho biết lúc ấy, một số tài phiệt mới nổi đã bắt đầu ra mặt. Nguời ta gọi họ là shinkô zaibatsu (tân hưng tài phiệt).

Kể từ sau Biến cố Mãn châu, cơ cấu tài phiệt kiểu Konzern [26] của Đức đã thành hình. Các cơ cấu có tính tập đoàn kinh tế này đã phát triển nhanh chóng trong khoảng thời gian từ hồi Chiến tranh Nhật Trung (1937, Shôwa 12- 1945, Shôwa 20) và đủ sức đối chọi với giới tài phiệt truyền thống đã có sẳn từ trước.

Tài phiệt mới nổi

Tập đoàn Nissan
(Nissan Konzern)
Nhật Bản sản nghiệp (trước kia là Nhóm công nghiệp nặng Mãn Châu) Aikawa Yoshisuke
Tập đoàn Nitchiku
(Nitchiku Konzern)
Nhật Bản trất tố (nitrogen) phì liệu (phân bón) (sau khai thác thủy điện và kỹ nghệ hóa học ở Triều Tiên) Noguchi Shitagau
Tập đoàn Riken
(Riken Konzern)
Trung tâm nghiên cứu và chấn hưng kỹ nghệ vật lý hóa học Ôkôchi Masatoshi
Tập đoàn Mori
(Mori Konzern)
Công nghiệp điện Shôwa Mori Nobuteru
Tập đoàn Nissô
(Nissô Konzern)
Nhật Bản sôda (sodium)  Nakano Tomonori

Những nhà tài phiệt mới nổi lãnh đạo các tập đoàn nói trên nổi tiếng hơn cả là các ông Aikawa Yoshisuke (Chiêm Xuyên, Nghĩa Giới, 1880-1967) [27], Noguchi Shitagau (Dã Khẩu, Tuân, 1873-1944) [28] Xí nghiệp của họ dính dáng nhiều đến các thuộc địa, như Nissan ở Mãn châu và Nitchiku ở Triều Tiên.Những ngành mà họ đi theo không ít thì nhiều là những ngành mạo hiểm nhưng lại là những ngành mà lớp tài phiệt truyền thống bản chất bảo thủ không muốn ra tay. Thành thử đây mới là cơ hội làm ăn của họ.

Lớp tài phiệt mới nổi là những kẻ có tinh thần sáng nghiệp và chấp nhận rủi ro. Các nhân vật lãnh đạo của họ thường được học cao và đã có kinh nghiệm về kỹ thuật trước đó. Ngoài việc nắm vững kỹ thuật mới, họ còn có nhiều tham vọng và thích xông xáo.

Như chúng ta đã biết, lúc đó, nhóm quân Quan Đông đang cai trị Mãn châu. Những người này không trông mong gì vào giới tài phiệt truyền thống nên đã kêu gọi và hết sức chi viện cho thành phần tài phiệt mới nổi này.

Phải nhấn mạnh ở điểm là giới tài phiệt mới nổi xem kỹ nghệ nặng-hóa học như trung tâm hoạt động kinh doanh của họ. Ngoài ra, thêm một điểm nữa là vì không có sức vốn như giới tài phiệt truyền thống, họ không chịu sự quản trị hạn hẹp của một số gia đình hay thân tộc nhưng có đường lối và phương pháp kinh doanh rộng rãi hơn. Họ tích cực gọi vốn từ bên ngoài, khi cần tiền thì kiếm nó thông qua thị trường cổ phiếu.

3.3 Đụng chạm về mậu dịch gọi là social dumping:

Từ năm 1987 (Shôwa 62) cho đến 1990 (Heisei 2), Nhật Bản được hưởng một thời đại phồn vinh. Đó là thời thịnh vượng của "kinh tế bong bóng" (bubble economy). Kinh tế bong bóng ám chỉ một nền kinh tế do đầu cơ sinh ra chứ không có thực chất. Trong trường hợp này, nó đã được thổi phồng lên như bong bóng nhờ sự bùng lên của giá nhà đất và giá cổ phiếu. Đến khi hai thứ giá cả này sụp đổ thì bong bóng kinh tế ấy vỡ ra, tất cả tan biến như bọt nước, đưa đến khủng hoảng.

Thế nhưng khi Nhật Bản đang như bay bổng trong cảnh phồn vinh thì các nước tiên tiến, trước tiên là Mỹ, đang ở trong sự khốn đốn. Chỉ có một mình Nhật thắng lợi lớn.

Nhưng cũng chính trong giai đoạn ấy, vì những hành động gọi là dumping (một là bán đổ bán tháo, không kể đến giá thành, hai là bán hàng xuất khẩu với giá rẻ hơn khi bán trong nội địa nghĩa là chịu thiệt để chiếm thêm thị phần khách nước ngoài) mà Nhật Bản bị các nước, nhất là Mỹ, lên tiếng chỉ trích.

Lúc đó, Nhật Bản đang chịu cảnh đồng Yen cao giá, hàng xuất khẩu không ai đủ sức mua, nên đã tìm cách lập cho mình những cứ điểm sản xuất ở Đông Nam Á. Nơi đây, lương công nhân hãy còn quá rẻ. Họ có thể ít chi phí về nhân sự mà vẫn có thể sản xuất và đem đi bán những mặt hàng tốt làm ra nhờ trình độ kỹ thuật có chất lượng của mình. Thế nhưng điều đó là cái đích của mọi sự phê phán. Ngành bán dẫn (semi-conductor) chẳng hạn là một ví dụ dễ hiểu.

Hiểu được như thế rồi, chúng ta có thể nói tiếp câu chuyện đang dở dang với bối cảnh Nhật Bản thập niên 1930.

Thực ra, khi Nhật Bản vừa ngoi đầu thoát ra được cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới thì các nước hãy còn phải ngụp lặn trong tình trạng đen tối đó. Khi kinh tế bong bóng thành hình, chỉ mỗi một mình Nhật Bản nếm được vị ngọt của sự phồn vinh. Do đó, thế giới không khỏi khó chịu. Anh quốc đã phản ứng như thế khi cáo buộc Nhật là đã sử dụng "social dumping" hay "dumping xã hội" , nói khác đi, bóc lột công nhân để có hàng với giá thành rẻ.

Thế nhưng lần lượt những nước khác kẻ trước người sau cũng đều từ từ bước ra khỏi cuộc khủng hoảng. Mỗi nước đi theo chính sách riêng. Bên Mỹ chẳng hạn, người thế chân Tổng thống (Cộng Hòa) Herbert C. Hoover (1874-1964, tại chức 1929-1933) là Franklin D. Roosevelt (1882-1945, tại chức 1933-1945) thuộc đảng Dân Chủ đã đề ra The New Deal (Giao ước mới, giải pháp mới) - tên gọi một chuỗi biện pháp kinh tế xã hội - để giải quyết tình hình khủng hoảng. Ba chính sách mới của Roosevelt (gọi là Chính sách 3R) nằm trong 3 khẩu hiệu: cứu tế, phục hồi và cải cách.Theo đó, chính phủ liên bang đã can thiệp trực tiếp vào kinh tế trong nước để vực nó dậy.

Ví dụ để giải quyết tình trạng thất nghiệp, ông đưa ra những công trình khai khẩn đại qui mô ở vùng lưu vực sông Tennessee với mục đích tạo ra công ăn việc làm. Ông cũng cho phép chính phủ mua nông sản thặng dư của nông dân để đề phòng việc mặt hàng này có thể mất giá, gây khốn đốn cho họ. Nói chung, chúng đều là những biện pháp tài chính có tính tích cực. Thế nhưng Nhật Bản không lạ gì với những phương pháp này. Nội các Inukai Tsuyoshi đã từng áp dụng trong quá khứ.

Bên Nga thì nhà nước Liên-Xô với Stalin (Iosif Vissarionovich Stalin, 1879-1953, tại chức tổng bí thư 1922-1953) đề xướng thực hiện "xã hội chủ nghĩa trong một quốc gia" và "kinh tế kế hoạch" (một loạt kế hoạch kinh tế 5 năm), tạo dựng cho nước mình mô hình kinh tế đặc biệt, khác hẳn với hệ thống kinh tế tư bản. Còn như Anh và Pháp thì chọn mô hình kinh tế khối kinh tế (burokku keizai, bloc economy) làm điểm tựa để thoát khỏi cuộc khủng hoảng.

Các khối kinh tế

Khối đồng Yen Nhật Bản, Triều Tiên, Mãn châu, Đài Loan, Quảng Đông, Phi luật tân
Khối đô-la Mỹ Mỹ, Ca-na-đa, Mễ-tây-cơ, vùng phía bắc Nam Mỹ...
Khối đồng bảng Anh Anh, Nam Phi và một phần Đông Phi, Bắc Âu, Úc, Tân tây lan, Ba Tư, bán đảo Ấn Độ, Nam Mỹ (Ác-gien-tin), Miến, Thái...
Khối đồng mark Đức Đức, Áo, Trung Âu... 
Khối vàng (và đồng quan Pháp) Pháp, Ý, Bồ, Tây Phi, Bắc Phi và Trung Phi, Đông Dương...

Như chúng ta đã biết, Anh và Pháp đã sớm thành công trong việc xúc tiến cuộc cách mạng kỹ nghệ và kiếm được nhiều thị trường ở nước ngoài cũng như chiếm được nhiều thuộc địa.

Chẳng hạn Anh đã có các vùng đất phía Nam Phi Châu, Ấn độ, Úc châu. Họ buôn bán và đầu tư ở những nơi này. Họ đã lập ra được một khối thịnh vượng chung, hầu như có thể tự cung tự cấp những mặt hàng quan trọng và đem lại lợi ích cho nhau. Đối với những món hàng đến từ ngoài khu vực thì họ đánh thuế để giới hạn nhập khẩu, nói chung là có khuynh hướng bế tỏa và bài ngoại. Từ khi có sự xuất hiện của nhửng khối kinh tế như thế, cho dù có thể xuất khẩu nhờ việc đồng Yen hạ giá, Nhật Bản cũng đã gặp khó khăn vì chính sách bảo vệ thị trường của những khối đó.

Trên thực tế, Anh đã phê phán việc hàng Nhật Bản đổ vào như tuyết lở vào các vùng đất thực dân của mình là thực hiện "social dumping" (ép lương bán phá giá). Do đó, họ thiết lập hệ thống hạn chế lượng nhập khẩu (quota system), lại trưng thu quan thuế nặng nề đối với hàng thương hiệu Nhật (Made in Japan) để ngăn chặn chúng.

Như đã nói "social dumping" là ép lương công nhân để có giá thành rẻ nhưng cũng là lợi dụng sự mất thăng bằng trong cán cân hối đoái (trường hợp này là lúc đồng Yen bị mất giá). Hai yếu tố này đã giúp người Nhật đẩy được hàng xuất khẩu vào thị trường ngoại quốc.

Nay thì không được nữa rồi vì các "khối kinh tế" đã thành hình và không chỉ có khối đồng bảng (sterling, pound) của người Anh. Pháp có khối đồng phật-lăng (franc), Mỹ có khối đồng đô-la Mỹ.

Ba nước đến chậm trong sòng bài đế quốc thực dân là Nhật, Đức và Ý cảm thấy mình bị thua thiệt. Họ là những cường quốc mới nổi không có được bao nhiêu thuộc địa. Do đó, họ mới yêu cầu các đàn anh chia chác lại. Đối nội, họ củng cố vai trò của quân đội, bên ngoài thì hoạt động lấn chiếm để bành trướng thế lực. Họ nghĩ nếu thêm được đất thực dân như thế, họ cũng sẽ có một khối kinh tế của riêng mình.

Nếu đứng trên quan điểm kinh tế mà nhận xét thì việc quân Quan Đông chiếm đóng Mãn châu, tuy có hàm hồ và dĩ nhiên không thể chấp nhận được nhưng nó đã nằm trong lô-gích của việc thành lập các khối kinh tế. Thế rồi đến khi Nhật Bản gây ra Chiến tranh Nhật Trung (từ 1937) để chiếm đoạt một phần lãnh thổ của Trung Quốc thì cũng là màn thứ hai của kịch bản ấy. Như vậy, để đối kháng với Anh, Mỹ, Pháp, bây giờ Nhật đã mở ra được một khu vực kinh tế đồng Yen. Thế nhưng khối kinh tế mới mẻ gồm có Nhật Bản, Triều Tiên, Mãn châu và vùng Nhật chiếm đóng trên đất Trung Quốc không sao đủ để tạo nên một khu vực tự cung tự cấp. Thành thử trong đầu óc người Nhật bấy giờ mới có cấu tưởng một Khối thịnh vượng chung Đại Đông Á (Daitôa Kyôeiken, Great East-Asian sphere of prosperity) thật hoành tráng. Để thực hiện cho được điều đó, họ mưu toan tiến chiếm những vùng đất ở biển Nam (Nanpô shinshutsu, Nam phương tiến xuất).

Cuối cùng, cũng nên nhắc lại trong việc mậu dịch của Nhật Bản ở thời điểm trước sau Biến cố Mãn Châu, Nhật Bản đã phải nương dựa rất nhiều vào Mỹ để có những mặt hàng như bông vải, dầu hỏa, sắt vụn (scrap iron, kuzutetsu), máy móc... Kể từ năm 1937 (Shôwa 12) trở đi nghĩa là từ lúc Chiến tranh Nhật Trung bộc phát và quân Nhật bắt đầu xâm lăng Trung Quốc một cách không e dè gì nữa, Mỹ đã gia tăng những biện pháp chế tài Nhật Bản về mặt kinh tế. Đói nguyên liệu, Nhật Bản lại lần lần tiến xuống kiếm ăn ở phía Nam. Điều đó càng khơi thêm sự tức giận của người Mỹ nên họ đã cấm hẳn việc bán sắt vụn và dầu hỏa cho Nhật. Như một vòng luẩn quẩn, những bước leo thang như thế đã làm bùng nổ cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương vào năm 1941.

Ở đây, ta nhận thức được một điều là những biến cố lịch sử trọng đại không xảy ra vì những nguyên nhân chính trị mà con liên quan mật thiết với những nguyên nhân kinh tế nữa.

Danh sách các thủ tướng thời kinh tế khủng hoảng và quân phiệt hưng thịnh ( 1926-1939)

Tên họ Thành viên Bắt đầu Chấm dứt Đặc điểm
Wakatsuki
Reijirô
Kenseikai 01/1926 04/1927 Khủng hoảng tài chánh.
Thiên hoàng Shôwa kên ngôi
Tanaka 
Giichi
Rikken
Seiyuukai
04/1927 07/1929 Giải quyết khủng hoảng tài chánh. Vụ Trương Tác Lâm.
Hamaguchi
Osachi
Rikken 
Minseitô
07/1929 04/1931 Tài chính kiệm ước. Khủng hoảng kinh tế thế giới 1929. Bị ám sát trọng thương.
Wakatsuki Reijirô Rikken 
Minseitô
04/1931 12/1931 Vụ Liễu Điều Hồ. 
Lập nội các lần thứ 2.
Inukai 
Tsuyoshi
Rikken 
Seiyuukai
12/1931 05/1932 Tuyên ngôn thành lập Mãn Châu Quốc. Bị nhóm sĩ quan trẻ ám sát.
Saitô
Makoto
Hải quân 
(đại tướng)
05/1932 07/1934 Rút khỏi Hội Quốc Liên. Bị quốc tế cô lập.
Okada
Keisuke
Hải quân
(đại tướng)
07/1934 03/1936 Chính biến Niniroku
Quân đội giành quyền
Hirota
Kôki
Ngoại giao đoàn 03/1936 02/1937 Hiệp ước phòng ngừa Cộng sản ký với Đức.
Ugaki 
Kazushige
Lục quân (đại tướng) 01/1937 01/1937 Nội các đẻ non vì lục quân làm reo.
Hayashi 
Senjuurô
Lục quân (đại tướng) 02/1937 06/1937 Chính phủ đoàn kết toàn quốc nhưng vắn số.
Konoe
Fumimaro
Chủ tịch Quý tộc viện 06/1937 01/1939 Vụ Lư Câu Kiều. Chuẩn bị thể chế thời chiến.
Hiranuma
Kiichirô
Chủ tịch Xu mật viện 01/1939 08/1939 Lệnh trưng binh toàn quốc. 
Bãi bỏ Hiệp ước hàng hải thông thương Nhật Mỹ.
Chú thích :
-------------------------------------------

[1] - Inukai Tsuyoshi quê ở Bichuu (nay là vùng Okayama), đã theo học Đại học Keiô nhưng phá ngang để trở thành ký giả, viết chiến sự về cuộc chiến ở Tây Nam. Là chính trị gia, có lẽ vì từng làm báo, đi đây đi đó nhiều, hiểu biết tâm tình người dân các nơi, ông ủng hộ quyền tự quyết của các dân tộc. Thân với Tôn Văn, ba lần sang Trung Quốc, ủng hộ các chí sĩ cách mạng Triều Tiên, Việt Nam sống lưu vong. Chủ tịch Rikken Seiyuukai.

[2] - Phổ Nghi (Pu Yi) là hoàng đế Tuyên Thống, vua đời thứ 12 của nhà Thanh. Ông là con Thuần thân vương, người em của vua Quang Tự. Tức vị năm 1908 lúc mới 3 tuổi. Phải thoái vị sau cuộc Cách mạng Tân Hợi 1911 nhưng vẫn sống trong Tử Cấm Thành cho đến khi bị tướng quân phiệt Phùng Ngọc Tường đuổi đi (1924) mới lui về cư trú trong lãnh sự quán rồi tô giới Nhật ở Thiên Tân. Ông làm chấp chính, sau lên ngôi hoàng đế (Khang Đức đế) Mãn Châu Quốc từ 1932 đến 1945, lúc Nhật bại trận.Lần lượt bị Nga và Trung Quốc bắt giam sau chiến tranh, chỉ được phóng thích vào năm 1959. Chết ở Bắc Kinh năm 1967, để lại tác phẩm hồi ký "Nửa cuộc đời tôi" (1964).

[3] - Suzuki Kisaburô là nhà tư pháp, xuất thân ở Kawasaki (Kyuushuu), có ảnh hưởng lớn trong giới làm luật. Từng làm Công tố viện, Tổng trưởng tư pháp, Tổng trưởng nội vụ. Nổi tiếng vì đàn áp các phong trào vận động xã hội.

[4] - Saitô Makoto, đại tướng hải quân (đô đốc), người phiên Mizusawa thuộc tỉnh Iwate. Từng làm Tổng trưởng hải quân, Tổng trường nội vụ và Tổng đốc Triều Tiên.Tử tước.

[5] - Victor Alexander Lytton (1876-1947), cháu gọi tiểu thuyết gia Bulwer-Lytton (1803-1873) bằng ông. Đã cầm đầu phái đoàn điều tra về Mãn châu năm 1932, đưa ra kết luận phủ nhận Mãn Châu Quốc như một quốc gia..Còn Bulwer-Lytton thì đã có lần đến Nhật Bản vào thời Meiji.

[6] - Matsuoka Yôsuke, chính trị gia người tỉnh Yamaguchi. Đã du học nhiều năm ở Mỹ. Nhà ngoại giao và Tổng tài của Mãn thiết. Sau làm Ngoại trưởng trong nội các của Thủ tướng Konoe Fumimaro (1941), có trách nhiệm lập liên minh phe trục với Đức và Ý. Bị xem như chiến phạm hạng A, chết trong khi phiên tòa đang diễn tiến.

[7] - ?Một "quốc tự Nhật Bản" không có âm Hán, ý nói "nương rẫy".

[8] - Takabatake Motoyuki người quê ở Maebashi (tỉnh Gunma). Đang học trường Dôshisha thì bỏ ngang. Cùng với người cộng sản Sakai Toshihiko (Giới, Lợi Ngạn, 1870-1933) lập cơ sở Baibunsha (Mãi văn xã). Ông là người đầu tiên dịch toàn bộ Tư Bản Luận của Karl Marx xang tiếng Nhật. Sau trận thế chiến thứ nhất, đã bỏ hàng ngũ, gia nhập và chỉ đạo phong trào vận động cho tư tưởng quốc xã.

[9] - Ôkawa Shuumei người tỉnh Yamagata. Tốt nghiệp Đại học Tôkyô, từng tùng sự ở Công ty đường sắt Mãn thiết. Đã lập các hội đoàn chính trị như Yuuzonsha, Jinmukai vv...Tiếp cận với quân đội và gây nên nhiều sự kiện ví dụ Biến cố Go-ichigo, sát hại Thủ tướng Inukai. Sau Thế chiến thứ hai, bị kết án như chiến phạm hạng A. Có tác phẩm "Lịch sử thực dân thời cận đại của Âu châu".

[10] - Cực đoan (ultra) vì có những hành vi bạo động chứ không chỉ nằm trong phạm vi suy nghĩ.

[11] - Akamatsu Katsumaro người tỉnh Yamaguchi, trong khi đang học ở Đại học Đông Kinh đã hoạt động hội đoàn chính trị.Tuy từng có chân trong các tổ chức lao động và Đảng Cộng Sản Nhật nhưng sau Biến cố Mãn châu bỗng xoay qua tư tưởng quốc xã, đề xướng Nhật Bản chủ nghĩa (Japonism). Tham gia Taisei sanyokukai (Đại chính dực tán hội, 1940), một tổ chức nhằm qui tụ quốc dân dưới sự quản lý nhà nước sau khi các chính đảng phải giải tán. Có tác phẩm nhan đề "Lịch sử phong trào vận động xã hội Nhật Bản".

[12] - Sano Manabu người tỉnh Oita thuộc Kyuushuu. Tốt nghiệp Đại học Tôkyô. Khi biến cố 15 tháng 3 hay Go-ichigo (ngày 15/3/1928, chính phủ đồng loạt đàn áp người Cộng Sản trên toàn quốc) diễn ra, ông đang là ủy viên trung ương ban chấp hành Đảng Cộng Sản Nhật. Năm 1929, bị bắt giam sau biến cố ngày 16 tháng 4 hay Shi-ichiroku đánh sập Đảng Cộng Sản, phân nửa ủy viên trung ương bị khởi tố. Năm 1933, cùng chuyển hướng một lần với Nabeyama Sadachika. Có các tác phẩm: "Lịch sử kinh tế Nga", "Luận đề lịch sử cổ đại Nhật Bản".

[13] - Nabeyama Sadachika sinh ở Ôsaka, vì bố chết, mới tốt nghiệp tiểu học đã dấn thân tranh đấu lao động.Năm 1922, ông tham gia Đảng Cộng Sản Nhật Bản ngay tự buổi đầu, trãi qua nhiều ngục tù. Năm 1932 mang án chung thân khổ sai. Sang năm 1933 ra tuyên ngôn chuyển hướng cùng với Sano Manabu. Được giảm án, sang năm 1943 thì có lệnh ân xá. Sau chiến tranh, ông trở thành một người chống cộng, trước sau giữ thái độ phê phán Đảng Cộng Sản. Có tác phẩm: "Tôi đã bỏ Đảng Cộng Sản" và "Tuyển tập Nabeyama Sadachika".

[14] - Suzuki Mosaburô người tỉnh Aichi (vùng Nayoga bây giờ). Tốt nghiệp Đại học Waseda và là một nhà bình luận thuộc phái lao nông . Đã gia nhập Đảng Xã hội Nhật Bản và đứng về phía tả trong đảng. Trong khoảng năm 1951-1960 giữ chức ủy viên trưởng.

[15] - Theo O.Reischauer & D. Dubreuil, sđd, trang 205-206.

[16] - "Hoàng quân hoàng đạo" là một từ ngữ mà thủ lãnh của phái này, tướng Araki Sadao hay dùng. Hoàng đạo nghĩa là "chính đạo của thiên hoàng". Đại bộ phận là những sĩ quan trẻ, nhiệt huyết.

[17] - Thống chế có nghĩa là đặt một thể chế bao trùm lên tất cả thành phần trong nội bộ để có một sức mạnh lớn. Những người thuộc phái Thống chế có tuổi và chủ trương thận trọng hơn.

[18] - Kita Ikki tên thật là Kita Kôjirô. Sinh ra trong một gia đình nhà buôn hải sản và nấu rượu trên đảo Sado. Trước đã hoạt động nhiều năm trong ngành tình báo ở Trung Quốc. Đã viết "Đại cương đề án pháp lý cải tổ nước Nhật", đề xướng cải cách nhà nước. Bị liên lụy như trách nhiệm tinh thần của Biến cố Niniroku, một cuộc đảo chánh đẫm máu, lãnh án tử hình. Tác phẩm còn có "Quốc thể luận hay một chủ nghĩa xã hội thuần túy và chính đáng". Hầu như ông chỉ tự học. Thích viết văn nghị luận, làm báo. Có tư tưởng xây dựng một mô hình xã hội chủ nghĩa mà trong đó, quyền lực quốc gia phải vượt lên uy quyền thiên hoàng, nghĩa là khác hẳn với lối suy nghĩ truyền thống chỉ xem thiên hoàng mới có đại quyền. Cũng chủ trương đi tìm thuộc địa để bắt kịp các nước Tây Phương, đặc biệt "nhắm" chiếm Úc và vùng Đông Siberia. Rất được lòng nhóm quân nhân trẻ chủ trương "Chiêu Hòa Duy Tân" và là nguồn cảm hứng cho những vụ bạo động của họ. Tác phẩm được gom lại trong Kita Ikki toàn tập, 3 quyển, xuất bản trong năm 1959-1972.

[19] - Araki Sadao là đại tướng lục quân, người Tôkyô, từng làm Tổng trưởng lục quân trong các nội các Inukai, Saitô và sau đó, Tổng trưởng giáo dục trong các nội các Konoe và Hiranuma, chủ trương phải có một nền giáo dục thời chiến. Sau ngày Nhật thất trận, ông bị xét xử như chiến phạm hạng A, lãnh án chung thân cấm cố nhưng được phóng thích năm 1955.

[20] - Masaki Jinzaburô là đại tướng luật quân, xuất thân ở Saga. Tổng giám giáo dục trong quân đội. Bị khởi tố trong vụ Ni.niroku nhưng được xem như vô tội.

[21] - NagataTetsuzan là trung tướng lục quân, quê ở Nagano. Từng sang Âu châu nghiên cứu về tình hình quân đội các nước để mưu việc cải cách quân đội Nhật Bản. Có kinh nghiệm về tình báo. Trong khi làm việc tại Bộ Lục quân, đã khai trừ người phái Hoàng đạo như Araki Sadao, Masaki Jinzaburô ra khỏi những chức vụ quan trọng nên bị những người theo họ oán hận và ám sát.

[22] - Aizawa Saburô, trung tá lục quân, tuy không thuộc phái hoàng đạo nhưng chơi thân với họ. Đã ám sát trung tướng Nagata để trả thù cho phái hoàng đạo sau khi tướng Masaki bị cất chức. Bị tòa án binh tuyên án tử hình và xử tử năm 1936.

[23] - Hirota Kôki sinh ở Fukuoka (Kyuushuu), tốt nghiệp Đại học Tôkyô và là thành viên của Genyôsha (Huyền Dương Xã), một đoàn thể chính trị cực đoan phái hữu do Tôyama Mitsuru thành lập ở Fukuoka. Nhà ngoại giao. Nguyên Đại sứ tại Liên Xô. Từng làm ngoại trưởng trong các chính phủ Saitô và Okada. Lập nội các sau vụ binh biến Ni.niroku. Cũng là ngoại trưởng của Nội các Konoe giữa thời Thế chiến thứ hai. Sau chiến tranh, bị xem như chiến phạm hạng A và là văn quan duy nhất bị xử giảo năm 1948.

[24] - Ugaki Kazushige là một đại tướng lục quân xuất thân ở Bizen (vùng Okayama). Trong giai đoạn Taishô-Shôwa, từng 4 lần giữ chức tổng trưởng lục quân. Đã thi hành việc tài giảm binh bị và cận đại hóa quân đội. Có liên hệ trong biến cố tháng 3/ 1931(đảo chánh bất thành của nhóm Trung tá lục quân Hashimoto Kingorô). Cùng năm, được bổ nhiệm Tổng đốc Triều Tiên. Năm 1937, không lập nổi nội các vì bị quân đội phản đối. Sau Thế chiến thứ hai, trở thành thượng nghị sĩ.

[25] - Takahashi Korekiyo người Tôkyô, từng du học ở Mỹ.Sau khi về nước, vào làm ở Ngân hàng Trung ương, đã lãnh nhiệm vụ bán quốc trái để trả kinh phí trong chiến tranh Nhật Nga.Tổng tài Ngân hàng Nhật Bản, tổng trưởng tài chánh Nội các Hara Takashi.Sau khi Hara bị ám sát, thay thế ông ta trong các chức vụ thủ tướng và chủ tịch đảng Rikken Seiyuukai. Đã lui về nghỉ nhưng lại được mời ra làm tổng trưởng tài chánh để giải quyết cuộc khủng hoảng Shôwa. Sau ông bị sát hại trong vụ binh biến Ni.niroku (1936)

[26] - Konzern theo ngữ nguyên tiếng Đức có nghĩa là cơ cấu tổ chức bao trùm những xí nghiệp độc lập nhưng cùng ngành nhằm tạo ra sức mạnh tập thể để độc chiếm thị trường. Trung tâm chỉ huy của nó thường là một ngân hàng hay một tổ chức tài chánh mẹ (holding company). Độ tập trung của nó còn cao hơn cả hình thức Kartell.

[27] - Aikawa Yoshisuke, người tỉnh Yamaguchi, tốt nghiệp khoa cơ khí Đại học Tôkyô, vào làm trong ngành đúc ở hãng Shibaura. Năm 1905, sang Mỹ học thêm kỹ thuật về chế gang thép. Khi về nước (1910), mở xí nghiệp riêng nhưng sau gia nhập tập đoàn Nissan và đã đưa nhóm tài phiệt này đi lên từ hồi Biến cố Mãn châu (1931) khi mà ngành công nghiệp nặng-hoá học phát triển mạnh.

[28] - Noguchi Shitagau quê ở Kanazawa (tỉnh Ishigawa), tốt nghiệp Đại học Tôkyô khoa kỹ thuật điện. Năm 1905, mở hãng điện Soki Denki. Cũng đã thành công trong việc chế tạo chất amoniac hợp chất. Thành lập tập đoàn Nitchiku. Năm 1920, khai triển hoạt động qua Triều Tiên trong ngành thủy điện và hóa học, nổi tiếng là "vua kỹ nghệ Triều Tiên". Chơi thân với Tổng đốc Triều Tiên đương thời (1931) là đại tướng Ugaki Kazushige.