Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]             [ Tác giả ]

GIÁO TRÌNH LỊCH SỬ NHẬT BẢN 

Biên soạn: Nguyễn Nam Trân 

PHẦN IV : THỜI TAISHÔ CHO TỚI NAY 

Chương III : Thời đại của khủng hoảng 
Tiết 1 - Cuộc khủng hoảng tài chính
1.1 Trận động đất lớn vùng Kantô và trái phiếu cứu thiên tai

Nhật Bản được biết đến như một đất nước chịu nhiều thiên tai mà trong đó, không có loại thiên tai nào khủng khiếp hơn là động đất. Chuyện xa xưa khó lòng nói tới nhưng riêng những gì xảy ra vào năm 1923, trận Kantô daishinsai(đại địa chấn vùng Kantô xung quanh Tôkyô) thì hãy còn ghi lại khá rõ ràng trong tư liệu và ký ức của những người cao tuổi nếu còn sống.


Cuộc động đất năm 1923 đã tàn phá Tôkyô và vùng phụ cận

Đại địa chấn vùng Kantô đã xảy ra vào đúng 11:58 ngày 1 tháng 9 năm 1923 (Taishô 12). Từ trường chấn động lên đến mức M 7.9. Với trận động đất này, nhà cửa khu vực thành phố Tôkyô và Yokohama hầu như hoàn toàn sụp đổ. Cả thủ đô lẫn vùng phụ cận bao trùm trong một cơn bão lửa lớn. Có đến 57 vạn nóc gia bị thiêu rụi, con số tử vong và mất tích lên trên 14 vạn người.

Năm 1995 (Heisei 7), vùng Hanshin-Awaji đã có một trận động đất lớn thiệt hại về nhân mạng. Ngoài ra, trận động đất ngày 11/03/2011 (Heisei 23) ở Fukushima cũng gây nhiều thiệt hại về người và của nhưng phải nói, thiệt hại phần lớn chỉ là do sóng thần. Trận động đất Kantô gây thiệt hại gấp đến hơn chục lần trận động đất Hanshin Awaji và trận động đất Fukushima (tuy Fukushima có tầm nguy hiểm hơn vì nguy cơ rò rỉ lò hạt nhân). Riêng con số người chịu thiệt hại do trận động đất Kantô gây ra lên đến 340 vạn người. Quả là một thiên tai khủng khiếp đã để lại vết thương không lên sẹo trong lòng người dân Nhật.

Đặc điểm của trận động đất này là nạn nhân ít bị chết vì nhà sập mái đè mà vì hỏa hoạn. Động đất xảy ra vào giữa trưa lúc nhà nhà đang sửa soạn cơm nước, họ phải dùng lửa. Hỏa hoạn do đó bùng ra dữ dội và số nạn nhân chết ngạt giữa đám khói đã chiếm đến quá nửa. Đặc biệt những xóm người bình dân sinh sống đông đảo và tụ họp san sát bên nhau trong thành phố Tôkyô (gọi là shitamachi) thì thiệt hại về sinh mạng rất lớn. Đặc biệt những người chạy đến tỵ nạn trong khu đất trống ở Ryôgoku (trên đường Tôkyô-Chiba), nơi có công xưởng may mặc của lục quân cũ, đã bị lửa bao vây và chết cháy. Con số nạn nhân ở đây thôi đã là 4 vạn người.

Một năm sau khi động đất xảy ra, vẫn còn 8 vạn người phải trú ngụ trong những căn nhà cất lên tạm thời để tiếp đón họ. Cả nơi đây sau đó đã thành một khu "tổ chuột" nghèo nàn.

Hôm trận động đất ấy xảy ra, có những người loan tin thất thiệt "Tối hôm nay sẽ còn một trận động đất lớn nữa!" hay "Bọn Triều Tiên bỏ thuốc độc xuống giếng đấy!". Những tin đồn này đã gieo một bầu không khi lo âu và khiếp sợ trong dân chúng, dẫn đến những hành vi có tính bạo lực vô nghĩa, khiến cho chính phủ không còn giữ nổi trị an.

Lệnh giới nghiêm ban hành. Quân đội và cảnh sát được điều ra giữ trật tự. Đây là lần thứ hai có lệnh giới nghiêm kể từ cuộc bạo động đập phá ở Công viên Hibiya sau chiến tranh Nhật Nga.

Trong các thị trấn và làng xã chung quanh thủ đô, có những nhóm dân phòng gọi là Jikeidan (Tự cảnh đoàn), loại cảnh sát vũ trang do thường dân lập ra để canh phòng và bảo vệ cho chính mình. Họ tự cho cái quyền tra hỏi những người bị tình nghi là thành phần bất hảo.

Tuy nhiên lúc đó có kẻ vô danh tung tin "Bọn Triều Tiên chuẩn bị nổi loạn!", ""Đám Triều Tiên đang phóng hỏa khắp nơi!". Những nhóm dân phòng cả tin lời vu cáo đó đã bắt bớ người Triều Tiên đang sống trong vùng và sát hại họ. Có nguồn tin cho rằng con số nạn nhân của hành vi vô kỷ luật này lên đến 6.000 người.

Ngoài nhóm Triều Tiên bị hãm hại này còn có 200 người Trung Hoa và nhóm các người theo chủ nghĩa vô chính phủ và hoạt động công đoàn trong đó có nhân vật tên tuổi như Ôsugi Sakae (Đại Sam, Vinh, 1885-1923) [1]. Họ đã bị một số phần tử quá khích trong dân chúng, hiến binh và cảnh sát giết hại một cách thê thảm. Cho dù ở trong tình trạng khẩn cấp đến đâu đi nữa, việc tin vào những lời đồn đại vô căn cứ để gây ra hành vi bạo lực hung cuồng như vậy, đã chứng tỏ sự mong manh và bản chất đáng sợ của tâm hồn con người. Đó là những hành động ngu xuẫn mà ai có lương tri ai ai cũng muốn ngăn không cho tái diễn.

Dù vậy, trận động đất này cũng phô ra những nét đẹp của con người. Đó là một niềm an ủi. Nghe có tin động đất ở Kantô, người các địa phương đã đổ về thủ đô, tham gia các hoạt động cứu trợ và y tế. Không thiếu gì những kẻ tích cực tự nguyện đi kéo thây chết và những kẻ còn đang mắc kẹt trong đống nhà cửa đổ nát. Nhờ hành động nhanh chóng như thế mà điều kiện vệ sinh của thành phố được đảm bảo để khỏi có bệnh dịch. Các cuộc quyên góp tiền bạc và vật tư cũng được tổ chức song song.

Từ hải ngoại, các quốc gia như Anh, Pháp, Ấn Độ, Úc... đều bày tỏ lòng tương trợ bằng cách gửi tiền bạc và vật dụng đến cứu giúp. Ngay cả những nước đang có hiềm khích như Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng đã giúp đỡ. Tuy là chỉ ngắn hạn, nhưng liên hệ ngoại giao đang căng thẳng nhờ đó được một lúc thư giản.

Dù sao đi nữa, tính ra thiệt hại của trận động đất Kantô đã lên đến 60 ức Yen (1 ức =100 triệu). Đó là chưa kể việc các xí nghiệp không hoạt động được vì cơ xưởng bị sụp đổ hay thiêu hủy, gây ra một làn sóng thất nghiệp. Kinh tế Nhật Bản như thế đã chịu một cú đấm trời giáng vì trận động đất ấy. Hơn thế, lúc đó tình hình kinh tế Nhật Bản hãy còn chưa được phục hồi từ sau năm 1920 (Taishô 9) với cuộc khủng hoảng kinh tế hậu chiến (hậu quả của cuộc Thế chiến 1914-1918). Cuộc khủng hoảng kép này làm cho tình hình kinh tế càng trầm trọng.

Đặc biệt khó khăn cho Nhật Bản là tìm đâu ra cách "xử lý các món nợ xấu" (write-off of bad loans) sinh ra từ việc phát hành các trái phiếu.

Trái phiếu (tegata, promissory note, bill) là một loại chứng khoán (shôken, securities) mà người ta phát hành như lời hứa chắc chắn sẽ trả cho ai đó một món tiền vào thời điểm qui định. Một hãng A làm ra thương phẩm và bán cho một hãng B thì khi tiếp nhận thương phẩm, B thường thường chưa có tiền để trả (vì chưa kịp đem hàng đó đi bán cho ai khác, chẳng hạn). Để thanh toán cho A, B phải phát hành một trái phiếu. Đó là hình thức một tờ giấy ghi chép lời giao ước của B sẽ trả tiền cho chủ nợ vào ngày đó tháng đó. Theo thông lệ trên thương trường, chỉ sau khi trái phiếu được trao cho A thì thương vụ (deal, transaction) mới hoàn thành và B được phép nhận hàng.

Những trái phiếu như vậy thường được một ngân hàng thân với B mua lại. Ngân hàng này tin tưởng khả năng trả nợ của B, sẽ mua trái phiếu từ A với giá rẻ hơn một chút vì đã giữ lại cho mình một khoản thù lao (handling fee, commission) và tiền lãi (interest income) tính từ lúc phát hành trái phiếu cho đến ngày B thực sự hoàn trả. Ngân hàng trở thành chủ nợ (creditor) của B và giữ trong tay trái phiếu đó.

Thế nhưng sau trận động đất Kantô, các xí nghiệp bị đẩy vào tình huống ngưng hoạt động, đến kỳ hẹn phải trả tiền lại không có tiền để trả. Như vậy, trong trường hợp này thì B vì hoàn cảnh bắt buộc, không có khả năng để thực hiện lời hứa thanh toán món nợ đúng như điều kiện đã ghi trên trái phiếu. Những trái phiếu không có khả năng thanh toán được gọi là trái phiếu xấu, một món nợ xấu (furyô saiken, bad loans) đối với ngân hàng. Những xí nghiệp hay ngân hàng đang giữ trong tay những trái phiếu như vậy vì không được con nợ trả tiền, phải đứng mấp mé bên vực thẳm của sự phá sản. Đó là một tình hình cực kỳ nguy ngập cho họ và nên nhớ rằng, nó sẽ đẻ ra phản ứng dây chuyền.

Lúc bấy giờ, Nội các Yamomoto Gonbê vừa mới thành lập xong. Chính phủ ông bèn ra một đạo luật cứu trợ nạn nhân do tổn thất gây ra bởi những trái phiếu không hoàn trả nổi vì nguyên nhân động đất. Cụ thể là đối với những ngân hàng đang nắm trong tay những trái phiếu mang tên "trái phiếu thiên tai động đất" (shinsai tegata) này, ngân hàng quốc gia sẽ đặc biệt cho họ vay tiền.

Số tiền Ngân hàng trung ương Nhật Bản (Nichigin) đem cho vay lên đến tổng ngạch 4 ức 3.000 vạn Yen.Số tiền đem cho vay này, trong tương lai chưa chắc ngân hàng trung ương sẽ thu lại được. Nếu tình huống xảy ra như vậy thì với đạo luật "cứu trợ thiên tai động đất này", chính phủ sẽ phải bù lỗ đến mức 1 ức Yen. Đối tượng của sự cứu viện trên nguyên tắc chỉ giới hạn trong vòng những ngân hàng hay xí nghiệp nạn nhân của sự thất thu vì thiên tai nhưng thực tế cho thấy, người ta đã gộp chung trong đó cả những loại trái phiếu bị mất khả năng thanh toán vì tình trạng kinh tế tuột dốc nói chung kể từ khi Thế chiến thứ nhất chấm dứt.

Như vậy, những ngân hàng nào được Ngân hàng trung ương đặc biệt cho vay sẽ tức tốc đem đổi những trái phiếu xấu này lấy về tiền mặt. Tuy nhiên, cho đến cuối năm 1926 (Shôwa nguyên niên), số nợ xấu chưa thu về được vẫn còn tồn tại ở một mức độ lớn nghĩa là trên 2 ức Yen. Để giúp cho việc trả nợ xấu được diễn ra êm thắm, chính phủ đã đưa thêm hai dự án luật mới về cách xử lý trái phiếu để quốc hội bàn cãi vào năm 1927 (Shôwa 2). Thế nhưng lúc đó lại xảy ra việc Tổng trưởng tài chánh phát ngôn thiếu thận trọng, đã gây thêm một cuộc khủng hoảng mới. Đó là cuộc khủng hoảng tài chính.

1.2 Khi tổng trưởng lỡ lời. Cuộc khủng hoảng tài chánh

Người làm chính trị, nhất là kẻ có quyền lực như thủ tướng hay tổng trưởng, ăn nói cần phải thận trọng. Do đó, một thủ tướng vì ăn nói bừa bãi hay một tổng trưởng lỡ lời có thể làm mất uy tín của chính phủ trước quốc dân, đưa đến khủng hoảng chính trị. Lịch sử vốn không thiếu gì những ví dụ như thế.

Lúc đó, ở Nhật đã xảy ra câu chuyện tương tự. Việc các ngân hàng thay nhau phá sản, kinh tế bị cuốn vào trong vùng nước xoáy của cuộc khủng hoảng tài chính năm 1927 (Shôwa 2) đã bắt đầu bằng lời phát biểu thiếu thận trong của một chính trị gia.


Thủ tướng Wakatsuki Reijirô

Vì nội các Wakatsuki Reijirô (Nhược Khuy, Lễ Thứ Lang, 1866-1949) không sao xúc tiến việc xử lý các món nợ xấu của ngân hàng, họ bèn phải đưa ra hai dự luật mới để giải quyết vấn đề này ra trước quốc hội. Theo tiến trình của cuộc bàn cãi trong nghị trường, thông tin về sự yếu kém trong việc kinh doanh của các ngân hàng dần dần lộ ra trước ánh sáng. Một hôm, tổng trưởng tài chính đương nhiệm là Kataoka Naoharu (Phiến Cương, Trực Ôn, 1859-1934), trong khi trả lời chất vấn trước quốc hội, đã lỡ lời tuyên bố: "Ngân hàng Watanabe vừa mới phá sản!".

Đang khi quốc hội bàn luận để tìm cách cứu các ngân hàng mà ông tổng trưởng đưa tin thêm một ngân hàng vừa phá sản thì dĩ nhiên có tác dụng ngược. Kataoka đã làm một chuyện không khôn khéo. Huống chi khi Kataoka tuyên bố như thế thì thực ra, Ngân hàng Watanabe - đã một lần tạm ngưng kinh doanh - đang tìm cách chấn chỉnh để có thể hoạt động trở lại.

Dĩ nhiên khi thông tin này lan rộng ra trong quần chúng thì Ngân hàng Watanabe, vốn là một ngân hàng cỡ nhỡ, không thể nào sống yên ổn được. Các thân chủ của họ ồ ạt kéo tới các ghi-sê đòi rút tiền đang gửi ở đó ra gây nên náo động (toritsuke sawagi). Chính lúc bấy giờ, ngân hàng mới thực sự phá sản. Cùng lúc, thân chủ của 6 ngân hàng cỡ nhỡ hay cỡ nhỏ cùng đến rút tiền và tất cả các ngân hàng này đều vỡ nợ.

Nên nhớ vào thời đó, một khi ngân hàng bị phá sản thì chính phủ hãy còn chưa có chế độ bảo chứng cho tiền các thân chủ gửi ở đó (pay-off system). Do đó, các thân chủ chỉ còn có cách làm sao để có thể nhanh tay đến lấy ra càng sớm càng tốt.

Chính ra khi trận động đất Kantô vừa xảy ra, thân chủ các ngân hàng cũng đã đổ xô nhau đi rút tiền làm sinh hoạt phí. Lúc ấy, để tránh nạn chen lấn trước các quầy (ghi-sê) của ngân hàng và tình trạng các kho tiền trống rỗng, Tổng trưởng tài chính Inoue Junnosuke của Nội các Yamamoto đã phát lệnh tạm ngưng không cho rút tiền (moratorium) 30 ngày. Nhờ đó tình hình ổn định trở lại. Trong thời gian ấy, ngân hàng đã vay được vốn khẩn cấp từ Ngân hàng trung ương và sau đó, có thể trả cho các thân chủ một cách bình thường.

Còn bây giờ Tổng trưởng lại đưa tin không đích xác về Ngân hàng Watanabe, gây ra cuộc khủng hoảng tài chính. Trong một giai đoạn, nó như có vẻ lắng dịu để rồi sau đó lại nổ bùng lên một lần thứ hai. Bởi vì giữa khi ấy, người ta phát giác ra rằng một ngân hàng khác, Ngân hàng Taiwan, đang gặp phải vấn đề kinh doanh. Khó khăn còn lớn hơn gấp bội vì Ngân hàng Taiwan là một ngân hàng lớn chứ không phải cỡ nhỡ hay cỡ nhỏ như Ngân hàng Watanabe và các ngân hàng bạn của nó.

Nguyên nhân làm cho tình hình kinh doanh của Ngân hàng Taiwan xấu đi là vì họ không thu hồi được món nợ đã cho Công ty Suzuki Shôji vay. Hơn nữa, món tiền ngân hàng đã cho công ty ấy vay có trị giá đến phân nữa tài sản của ngân hàng, nghĩa là 3 ức 5000 vạn Yen, một con số khổng lồ.

Về công ty Suzuki Shôji, nếu chỉ nhìn qua cái tên không mấy tiếng tăm của nó thì có thể tưởng đó là một cửa hiệu tầm thường. Suy nghĩ như thế là lầm. Suzuki là một công ty mậu dịch (shôji = thương sự, trading company) tuy trước kia chỉ chuyên buôn long não (camphor) nhưng nhờ sự phồn vinh do Thế chiến thứ nhất đem lại đã phát triển thành một công ty mậu dịch tổng hợp với chiến lược kinh doanh đa dạng, đối địch nổi với cả các nhóm tài phiệt như Mitsui, Mitsubishi. Một xí nghiệp tầm cỡ như vậy mà cũng không trụ lại được trước cuộc khủng hoảng thời hậu chiến. Thành tích của họ tệ hại đi một cách nhanh chóng và hầu như sắp phá sản đến nơi.

Ngân hàng Taiwan cho Suzuki Shôji vay một món tiền lớn như thế nhưng nay thì không mong chi thu hồi trờ lại đành phải lãnh nợ xấu đó cho mình, rốt cuộc đình chỉ hoạt động. Nhân việc này, làn sóng các thân chủ đòi các ngân hàng phải cho họ rút tiền về lại ùa lên. Ngân hàng Dai Juugo - một ngân hàng do lớp quí tộc lập ra và nổi tiếng làm ăn đứng đắn chân phương - vẫn bị thân chủ kéo đến sách nhiễu đến nỗi phải đình chỉ nghiệp vụ. Giới ngân hàng bị ảnh hưởng dây chuyền (domino effect) thành ra ngả nghiêng chồng chất lên nhau. Tính ra có đến trên 30 ngân hàng lâm vào cảnh phá sản hay đình chỉ nghiệp vụ.

Nội các Wakatsuki ý thức rằng nếu họ để cho tình thế tiếp diễn như vậy thì uy tín của ngành ngân hàng Nhật Bản sẽ không còn gì nữa nên đã yêu cầu Ngân hàng trung ương tức Nichigin cho Ngân hàng Taiwan vay tiền. Chính phủ còn xin thiên hoàng ký sắc dụ nhận cho họ bù lỗ số tiền Ngân hàng Taiwan đã thất thoát vì món nợ xấu. Chính phủ hy vọng làm như thế mình sẽ trấn áp cuộc khủng hoảng tài chánh.

Sắc dụ nói đến ở đây là một chiếu chỉ đặc biệt mà thiên hoàng ban ra trong thời gian quốc hội không có kỳ họp với tiền đề là quốc hội sẽ chuẩn y sau đó. Đó là một lối làm việc có tính cách độc đoán nhưng nó đã được điều 8 trong Hiến pháp Đại đế quốc Nhật Bản (Hiến pháp Meiji) cho phép. Sắc dụ này trở thành một pháp lệnh có tính khẩn cấp. Có điều là khi ban một sắc dụ như vậy, thiên hoàng bắt buộc hỏi ý kiến Xu mật viện. Thế nhưng trong trường hợp sắc dụ nói trên đây, thực ra Xu mật viện sau khi thẩm nghị đã bác bỏ yêu cầu của nội các. Không phải vì các thành viên Xu mật viện lo lắng cho tương lai kinh tế Nhật Bản. Điều này đáng cho ta ngạc nhiên nhưng động cơ của sự cự tuyệt là việc họ muốn lật đổ nội các Wakatsuki. Tại sao Xu mật viện muốn lật đổ ông? Không vì lý do kinh tế. Kỳ thực họ bất mãn trước chính sách ngoại giao của ông mà thôi.

Như chúng ta đã có lần nói đến, tổng trưởng ngoại giao trong Nội các Wakatsuki là Shidehara Kijuurô. Chúng ta chắc hãy còn nhớ Shidehara đã thi hành một chính sách ngoại giao hòa hiếu với Anh Mỹ để giữ một lập trường bất can thiệp vào nội tình Trung Quốc.Chính đây là điều Xu mật viện không vừa ý.

Lúc đó (từ năm 1926), tại Trung Quốc Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch (Chiang Kai-shek, 1887-1975) [2] đang ở trong giai đoạn "Liên Nga dung Cộng", đưa quân lên miền bắc để đánh dẹp các thế lực quân phiệt cát cứ trên đó hòng thống nhất Trung Quốc. Chiến dịch này gọi là Bắc phạt. Quân Quốc Dân Đảng nhân đó cũng tiến qua Mãn Châu, nơi đang là vùng ảnh hưởng của Nhật Bản. Có thể hiểu ý đồ của Tưởng Giới Thạch là nhắm vào viên tướng quân phiệt miền Bắc, Trương Tác Lâm (Zhang Zuolin, 1875-1928) [3].Trương vốn có tiếng là người thân Nhật. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Shidehara vẫn giữ nguyên lập trường bất can thiệp.

Xu mật viện cũng như Quý tộc viện (thượng viện) xưa nay là cái tháp ngà của giới phiệt tộc vốn có lập trường bảo thủ. Do đó, họ lúc nào cũng rất cứng rắn, ương ngạnh đối với Trung Quốc trong lãnh vực ngoại giao. Nay thấy Shidehara tỏ ra mềm mỏng như vậy thì họ cho rằng ông ta quá khiếp nhược và sinh lòng bất mãn. Lập luận của họ là: "Đáng lý ra chính phủ phải tăng cường sức mạnh quân sự trên đất Trung Quốc để bảo vệ quyền lợi của Nhật Bản ở đó, cho dù có phải xung đột với quân đội Quốc Dân Đảng!".

Ưu tư của Nội các Wakatsuki lúc ấy là có cho được cái sắc dụ để cứu Ngân hàng Taiwan nói riêng và giới tài chính nói chung. Thế nhưng trước sự phản đối của Xu mật viện, kế hoạch đó đã thất bại. Ý thức được tránh nhiệm của mình là không cứu vãn được tình thế trước cuộc khủng hoảng tài chính, cả nội các nhất loạt từ chức.

Người được chỉ định để tổ chức nội các kế tiếp là Chủ tịch Seiyuukai, tướng Tanaka Giichi. Lâu lắm, chính quyền mới về lại trong tay chính đảng này. Ít nhất cũng là từ năm 1924 (Taishô 13), khi họ là một thành viên của Nội các 3 phái hộ hiến.

Thủ tướng Tanaka Giichi

Như đã có lần nhắc tới, đại tướng lục quân Tanaka Giichi là thủ lãnh phe phái quân phiệt Chôshuu. Đối với Xu mật viện và Quý tộc viện thì ông, một nhà chính trị có ảnh hướng lớn trong lục quân, là một nhân vật lý tưởng đối với quân đội. Họ tin rằng ông sẽ chuyển qua một đường lối ngoại giao cứng rắn, phù hợp với nguyện vọng của họ. Thực tế đã cho thấy họ nghĩ đúng. Tanaka vừa làm thủ tướng vừa kiêm nhiệm chức tổng trưởng ngoại giao, liền cho thi hành một đường lối ngoại giao cứng rắn đối với Trung Quốc. Việc này chúng ta sẽ đề cập thêm ở bên dưới. Giờ đây xin ghé xem diễn biến của cuộc khủng hoảng tài chính đã đến đâu.

Sau khi tổ chức xong nội các, Tanaka bèn có được sắc dụ khẩn cấp để tạm treo việc trả tiền cho thân chủ (pháp lệnh Shiharai yuuyo, Moratorium). Dĩ nhiên là Xu mật viện lẫn Quý tộc viện đều nhắm mắt cho qua.

Pháp lệnh tạm treo (Moratorium) đã từng xuất hiện hồi thời động đất lớn Kantô năm 1923. Nó đình chỉ việc các quầy ngân hàng trả tiền lui cho thân chủ. Lần này tuy không phải 30 ngày nhưng giới hạn hiệu lực ấy trong vòng 3 tuần. Giữa lúc ấy thì Ngân hàng trung ương Nhật Bản sẽ in gấp rút một số lượng hóa tệ để giúp các ngân hàng đủ tiền để trả.

Từ khi có pháp lệnh tạm treo thì các thân chủ cũng im ắng trở lại và ngân hàng nhờ kế hoãn binh này mà thu góp tiền bạc để có thể tiếp tục hoạt động. Nhân vì kho tiền các ngân hàng đã cạn tới đáy cho nên chính phủ không bắt ngân hàng phải đình chỉ công việc. Riêng Ngân hàng Taiwan thì sau đó còn được hưởng sự ưu ái của nhà nước qua một đạo luật ban hành ra với mục đích cứu giúp họ.

Những cuộc khủng hoảng tài chánh như vừa thấy không phải chỉ xảy ra một lần thôi vì lịch sử không ngừng lập đi lập lại.Trong thập niên 1910, vì trận Thế chiến thứ I đem lại phồn vinh nên các ngân hàng không tiếc gì mà không cho các xí nghiệp vay mượn. Nó cũng giống như chuyện xảy ra về sau vào giai đoạn sau của thập niên 1980 khi kinh tế bong bóng (bubble economy) phồng to, các ngân hàng vì thừa tiền còn đi chèo kéo các xí nghiệp đến để cho vay. Thế rồi, đến khi khung hoảng bùng ra cũng như khi bong bóng vỡ, cả hai trường hợp đều đẻ ra những món nợ xấu, các ngân hàng phải ôm lấy nó mà thi nhau phá sản. Chuyện xảy ra như thể từng thấy một lần đâu đó rồi (déjà vu).

Thời kinh tế đại khủng hoảng (Great Depression) ở Nhật Bản

Cuộc khủng hoảng hậu chiến (1920) Kinh tế các nước Âu châu trên đường hồi phục làm cho doanh số xuất khẩu của Nhật Bản qua khu vực Á châu giảm xuống.

Thị trường chứng khoán tuột dốc.

Cuộc khủng hoảng vì trận đại địa chấn Kantô (1923) Một vùng Kantô tan hoang đổ nát.

Kinh tế Nhật Bản chịu những thiệt hại cơ cấu nặng nề. 

Trái phiếu thiên tai ra đời.

Cuộc khủng hoảng tài chánh (1927) Tổng trưởng tài chánh lỡ lời trước quốc hội, sinh ra việc các thân chủ thi nhau đổ đến ngân hàng đòi rút tiền đang gửi.

Thủ tướng Tanaka Giichi ban lệnh ngưng trả lui (moratorium) để ven vún lại lượng hóa tệ.

Cuộc khủng hoảng Shôwa (1930) Nội các Hamaguchi bãi bỏ lệnh cấm việc xuất vàng ra nước ngoài. Va chạm của khủng hoảng Shôwa với khủng hoảng thế giới gây ra nguy cơ kinh tế trầm trọng

Nếu như những nhà lãnh đạo ngân hàng hiểu được bài học của quá khứ (thập niên 1920) như vậy thì về sau có lẽ đã không chạy theo kinh tế bong bóng (thập niên 1980) và tránh được hiểm họa phá sản.

Nhân đây cũng nói thêm rằng những ngân hàng bị khổ sở vì dính chùm với các món nợ xấu đã biết hợp lý hóa hoạt động của mình và tái cấu trúc (re-structuring). Họ đã vượt qua biên giới của phe phái, bè nhóm để sáp nhập (merger) với nhau thành những tổ chức mới, vững mạnh hơn. Những cuộc sáp nhập hay thu mua (acquisition) còn được diễn ra trong hàng ngũ các xí nghiệp tư doanh ở mọi lãnh vực.

Khuynh hướng này vẫn được tiếp diễn ngay cả sau thời khủng hoảng tài chánh. Đặc biệt với các ngân hàng thuộc 5 nhóm tài phiệt như Mitsui, Mitsubishi, Sumitomo, Yasuda và Daiichi (Big 5). Những tập đoàn này đã bành trướng một cách nhanh chóng bởi vì các thân chủ nhận thấy rằng nếu gửi tiền cho những nhóm ngân hàng lớn như Big 5, họ sẽ đỡ có mối lo hơn là đem tiền đó gửi ở một ngân hàng cấp nhỏ.

Tuy giới truyền thông không nhắc đều nhiều nhưng chắc hẳn là ngay cả giữa thời buổi bây giờ, thì sau khi kinh tế bong bóng bị vỡ, vẫn có thể xảy ra hiện tượng là tiền bạc của các ngân hàng cỡ nhỏ và cỡ nhỡ sẽ chạy sang phía các ngân hàng gộc.

Như thế các ngân hàng thuộc 5 nhóm tài phiệt (Big 5) đã lãnh đạo nền tài chính của Nhật Bản kể từ buổi đầu thời Shôwa và đứng trên chóp đỉnh của mọi ngành công kỹ nghệ. Bọn họ như thế đã củng cố được sự chi phối của mình đối với kỹ nghệ Nhật Bản từ khâu đầu tư đến khâu phân phối hàng hóa.

Nếu hiểu được bài học lịch sử này thì chắc chắn chúng ta sẽ tự mình nhìn thấy được hình ảnh tương lai của nền tài chánh cũng như của công kỹ nghệ Nhật Bản khi mà bong bóng kinh tế bị vỡ.

Tiết 2 - Cuộc khủng hoảng vào thời Shôwa
2.1 Chính sách siết chặt tài chính của Thủ tướng Inoue

Bị bao vây bởi vòng tường trùng điệp của những cuộc khủng hoảng, từ cuộc khủng hoảng kinh tế hậu chiến, cuộc khủng hoảng vì trận đại địa chấn đến cuộc khủng hoảng tài chánh, kinh tế Nhật Bản tuy có phát triển trong một vài lãnh vực như hóa học công nghiệp nặng (về điện lực như điện cơ khí, điện khí hóa học) nhưng nói chung thì vẫn bị trầm trệ trong một tình huống khủng hoảng mạn tính.

Sau khi Nội các Tanaka ban hành sắc lệnh Moratorium cho phép các ngân hàng tâm ngưng việc trả lui tiền các món tiền thân chủ của họ gửi, tình hình có vẻ lắng dịu nhưng không đủ làm cho kinh tế bước vào giai đoạn sáng sủa hơn. Những xí nghiệp ra đời nhờ có cuộc phồn dinh do Thế chiến thứ nhất mang lại nay thì lần lượt sụp đổ.

Để có thể sống còn, các xí nghiệp đành phải chọn con đường hợp lý hoá, có nghĩa là thải bớt nhân công và thu hẹp phạm vi hoạt động. Mặt khác, họ tập hợp thành những liên minh các xí nghiệp (kartell, tiếng Đức) hay xuất khẩu tư bản nghĩa là đầu tư ở nước ngoài. Kartell (tiếng Anh là cartel) có nghĩa là một sự liên kết giữa các xí nghiệp chung ngành nghề để ấn định một chính sách về số lượng sản xuất hay giá cả của thương phẩm. Hiện nay hình thức kartell bị pháp luật ngăn cấm với tội danh là độc chiếm thị trường (monopoly) và cản trở tự do kinh doanh, thế nhưng vào thời ấy thì ngược lại, chính phủ còn khuyến khích những chuyện như thế. Họ ra những đạo luật như Juuyô sangyô tôseihô (Trọng yếu sản nghiệp thống chế pháp, 1931, Shôwa 6) tức luật nhằm quản lý chặt chẽ những ngành công kỹ nghệ quan trọng, điều này đã thúc đẩy một cách tích cực hành động của các kartell.

Khi kinh tế suy thoái, trên nguyên tắc, nếu hàng hóa không hạ giá thì người tiêu thụ sẽ không chịu mua. Do đó, nhiều khi xí nghiệp đã phải hạ giá một cách quá đáng để có thể chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với các hãng địch thủ. Nếu phóng tay làm chuyện đó thì giữa những xí nghiệp cùng một ngành nghề sẽ xảy ra một cuộc chiến tranh về giá cả, ai cũng tìm cách hạ giá hàng và cuối cùng, bán đổ bán tháo. Họ sẽ đấu đá và làm thiệt hại cho nhau và có khi chết chùm.

Lúc ấy, không hành động một cách tương tàn như vậy mà tất cả họp nhau lại, cùng nhau ấn định mức giá chung (price fixing) hay đồng ý sản xuất một số lượng sản phẩm nào đó thôi thì các xí nghiệp sẽ có thể duy trì được doanh thu của mình cũng như đối đầu được với hoàn cảnh khó khăn của thị trường. Sự từ chối cạnh tranh là mục đích của kartell.

Một danh từ tương tự với kartell là trust (tiếng Mỹ, tổ hợp xí nghiệp). Theo đó, một số xí nghiệp cùng một ngành nghề sẽ sáp nhập với nhau để trở thành đại xí nghiệp. Họ sẽ có đủ quyền lực để chi phối lãnh vực kinh doanh của mình và sống còn đến sau cùng.

Thời bấy giờ, những tổ chức như kartell hay trust phát triển rất nhanh chóng. Một vài xí nghiệp nhân đó đã củng cố được vị trí độc chiếm thị trường trong lãnh vực mà họ kinh doanh.

Lại nữa, những nhóm tài phiệt phất lên nhờ sự phồn vinh do Thế chiến thứ nhất đem lại, đã biết lợi dụng khả năng cung cấp tư bản của các ngân hàng thành viên phe nhóm mà thu hút hay đặt dưới sự lãnh đạo của tập đoàn mình những xí nghiệp đang bị cuộc khủng hoảng kinh tế gây khó khăn. Chẳng bao lâu, giới tài phiệt đã thành công trong việc đặt nhiều ngành sản xuất dưới trướng của họ và sức mạnh của họ bao trùm lên cả nền kinh tế Nhật Bản. Họ tiếp cận giới chính trị và tỏ ra có khuynh hướng gắn bó mật thiết với giới này.

Tiếp theo đây, xin nói về việc xuất khẩu tư bản hay nói khác đi, việc đầu tư ở nước ngoài.

Một số xí nghiệp ngành dệt sớm thiết lập được thể chế độc chiếm thị trường, nhân thấy tình hình kinh tế quốc nội suy thoái nên đã bỏ ra đi. Họ bắt đầu mở hãng xưởng ở nước ngoài như các vùng Thanh Đảo và Thượng Hải ở Trung Quốc.

Những hãng dệt này mang tên chung là zaikabô (tại Hoa phưởng) hay xưởng dệt của người Nhật trên đất Trung Quốc. Hoa dĩ nhiên ám chỉ Trung Quốc. Vào năm 1935 (Taishô 14), sức cản xuất của các zaikabô đã tăng lên bằng 1/3 sức sản xuất ở quốc nội.

Việc thành lập hãng xưởng ở nước ngoài như thế có tên là chiến lược "xuất khẩu tư bản".

Người Nhật mở hãng trên đất nước người, mướn lao động ngoại quốc và sản xuất. Bây giờ, trong giai đoạn toàn cầu hoá, chúng ta thấy cách làm ăn như thế chỉ là chuyện thường tình. Tuy nhiên, nếu như không mở hãng ở nước ngoài mà duy trì nó ở quốc nội thì số người Nhật Bản đang lâm vào cảnh thất nghiệp sẽ bớt đi. Tiền lương trả cho lao động Nhật Bản sẽ được họ đem ra tiêu dùng trong nước.Chỉ vì người lao động Trung Quốc chỉ nhận một đồng lương chừng phân nửa lương trả cho người Nhật nên mới có việc xuất khẩu tư bản như thế. Không cần phải nói, chuyện ấy đã gây ra khó khăn cho giới thợ thuyền quốc nội Nhật Bản.

Tháng 7 năm 1929 (Shôwa 4), chính phủ Rikken Seiyuukai của tướng Tanaka Giichi bị đổ. Hamaguchi Osachi (Tân Khẩu, Hùng Hạnh, 1870-1931) [4] của Rikken Minseitô được giao phó nhiệm vụ thành lập chính phủ mới.

Để khắc phục tình hình kinh tế khủng hoảng đã trở thành mạn tính, Hamaguchi dùng Tổng tài của Ngân hàng Nhật Bản là Inoue Junnosuke (Tỉnh Thượng, Chuẩn Chi Trợ, 1869-1932) [5] vào chức tổng trưởng tài chánh. Inoue là người có kinh nghiệm giải quyết cuộc khủng hoảng do trận đại địa chấn năm 1923 sinh ra khi ông ta là tổng trưởng tài chính trong chính phủ Yamamoto Gonbê 2.

Tổng trưởng Inoue đã thi hành một chính sách khắc khổ, tập trung vào việc tiết giảm chi tiêu. Ông cho cắt chi phí quân sự cũng như mọi chi tiêu của các bộ, các sảnh trong chính phủ. Ông giảm lượng phát hành quốc trái và cực lực đòi hỏi siết chặt ngân sách. Có thể nói chính sách tiết giảm chi tiêu là một đặc trưng của chính trị đảng ông (Rikken Minseitô).

Trong khi đó, đảng Seiyuukai chẳng hạn, vẫn có đường lối ngược lại với đảng Minseitô. Thời Thủ tướng Hara Takashi, nhà nước đã đầu tư vào các công trình công cộng, gia tăng chi phí quân bị cũng như phát hành thêm nhiều quốc trái. Nói chung, Seiyuukai có đường lối tài chính tích cực. Đặc biệt, chúng ta còn nhớ vào thời Thủ tướng Takahashi Korekiyo, nhân chính sách tài chánh tích cực ấy mà giữa hai đảng đã xảy ra những vụ xô xát vì bất đồng ý kiến.

Tổng trưởng tài chính Inoue tin tưởng rằng với chính sách kiệm ước khắc khổ, ông có thể đưa kinh tế Nhật Bản đến một thời kỳ sáng sủa hơn nên đã ra tay làm một cuộc mổ xẻ đến nơi đến chốn.

Lúc đó, ông để mặc cho phần lớn các trung tiểu xí nghiệp phồn vinh nhờ cuộc đại chiến 1914-1918 phải chịu cảnh sụp đổ, nhưng yêu cầu các đại xí nghiệp hợp lý hóa (tái cấu trúc), nhằm giúp kinh tế Nhật Bản có khả năng cạnh tranh mạnh hơn trên trường quốc tế. Nói rõ thêm thì các trung tiểu xí nghiệp nào không sản xuất được mặt hàng tốt sẽ không thể nào tiếp tục tồn tại. Cho dù con số người thất nghiệp có tăng lên cũng đành phải chịu thôi. Inoue cho nuôi dưỡng các xí nghiệp có thể sản xuất những mặt hàng tốt, rẻ và giúp chúng trở thành đại xí nghiệp để có thể xuất khẩu hàng hóa ra thị trường quốc tế và đối địch được với các đối thủ Âu Mỹ.

Thực ra thì vào thời đó, ngược hẳn giai đoạn phồn vinh do đại chiến mang lại, Nhật Bản đang ở trong tình trạng nhập siêu quá tải. Ngoài ra, để ngăn chặn những cuộc khủng hoảng không cho chúng tái phát, liên tiếp trong nhiều năm, chính phủ đã yêu cầu Ngân Hàng Nhật Bản in thêm một lượng tiền mới (Tính độc lập của Ngân Hàng Nhật Bản vẫn là một đề tài nóng bỏng). Kết quả là số tiền được in ra thừa thãi, gây nạn lạm phát, vật giá lên cao. Những lý do trên giải thích tại sao chính phủ Hamaguchi đặt trọng tâm vào chính sách kiệm ước khắc khổ để giảm phát và kéo vật giá xuống thấp trở lại.

2.2 Con đường dẫn đến việc bỏ lệnh cấm xuất vàng

Một trong những chính sách tài chính (kiệm ước khắc khổ) của Tổng trưởng Inoue Junnosuke được thể hiện với sắc lệnh bãi bỏ việc cấm xuất vàng (Kinkaikin = Kim giải cấm) do Nội các Hamaguchi ban hành vào tháng 1 năm 1930 (Shôwa 5). Giải thích rõ hơn thì nó là lệnh thừa nhận việc vàng được xuất khẩu một cách tự do. Không dễ gì hiểu ngay ý nghĩa của chính sách này, vậy nên xin nói dông dài một chút.

Số là trước đây sau khi thắng trận trong Chiến tranh Nhật Thanh, Nhật Bản đã hưởng được một số vàng từ tiền Thanh triều bồi thường chiến phí. Do đó, năm 1897 (Meiji 30) trở đi, Nhật Bản đã chọn theo chế độ kim bản vị (the gold standard system) như các nước Âu Mỹ. Điều đó cho phép tiền giấy Nhật Bản (chỉ tệ) có thể trao đổi được với vàng (hóa tệ chính), làm cho giá trị của đồng Yen trong thế giới tăng vụt lên. Nhân đây cũng nhắc lại điều cơ bản là tiền giấy có thể trao đổi được với vàng bạc rthì được gọi là "đoái hoán chỉ tệ". Tiền giấy không đổi được như thế gọi là "bất hoán chỉ tệ".

Tuy nhiên, khi cuộc Thế chiến thứ nhất bắt đầu, thị trường ở Âu châu - lúc đó là bãi chiến trường - trở nên vô cùng hỗn loạn làm cho các nước Âu Mỹ bắt buộc đình chỉ chế độ kim bản vị. Thành thử tiền giấy hết còn có thể đánh đổi với vàng bạc và các loại quí kim này không được đem ra nước ngoài nữa. Nhật Bản cũng bị kéo vào cơn lốc ấy nên đã bắt chước họ mà cấm đem vàng ra nước ngoài. Kể từ năm 1917 (Taishô 6), chế độ đoái hoán bị đình chỉ và việc xuất khẩu vàng cũng vậy.

Sau khi chiến tranh chấm dứt, kinh tế Âu châu phục hưng, các nước ấy mới mở lại chế độ kim bản vị và giải cấm việc xuất vàng.

Tính đến năm 1928 (Shôwa 3) hầu như các quốc gia tiên tiến đã trở lại với kim bản vị trong khi Nhật Bản vẫn chưa theo bước họ. Chính ra không theo chỉ vì không thể theo mà thôi. Bởi vì từ khi thế giới bước vào thời hậu chiến, Nhật Bản đã chịu hết cuộc khủng hoảng này đến khủng hoảng khác. Do đó, để cứu các xí nghiệp và ngân hàng đang đứng mấp mé bờ vực của sự phá sản gây ra bởi khủng hoảng kinh tế đã trở thành mạn tính, Ngân hàng trung ương Nhật Bản phải in thêm thật nhiều đến độ thị trường tràn ngập tiền giấy. Chúng ta phải hiểu rằng làm như thế thì lượng tiền in ra trong giai đoạn đó đã vượt quá giới hạn số vàng bạc dự trữ (chính hoá) vốn dùng để đảm bảo cho giá trị của nó.

Như chúng ta đã biết, khi có sự mất thăng bằng như vậy, không còn có khả năng đem tiền giấy để đổi lấy vàng bạc, điều vốn là nguyên tắc cơ bản của chế độ kim bản vị. Nói cách khác, khi muốn in thêm chỉ tệ (đồng Yen), trong nước phải chuẩn bị một số chính hoá (vàng bạc) tương đương.Nay thì không đủ điều kiện để thực hiện nguyên tắc ấy, Nhật Bản đành để cho các nước Âu châu đi trước mình.

Lúc đó, Tổng trưởng tài chính Hamaguchi mới làm như bậc tiền bối Matsukata là thực hiện một chính sách giảm phát (deflation). Ông triệt để thi hành kiệm ước khắc khổ để nén ép số lượng hóa tệ đang lưu thông trên thị trường. Ông cũng cho dự trữ thật nhiều chính hóa (vàng bạc) và đến năm 1930 (Shôwa 5) thì giải cấm việc xuất khẩu vàng.

Như thế, Nhật Bản đã có thể trở về với kim bản vị như mọi người. Lúc đó, tỷ suất giao hoán giữa đồng Yen (JPY) và tiền đô (USD) là JPY 100 = 75g vàng = USD 49.85 (#50).

Năm 1930, tỷ lệ giao hoán lại giống như trước năm 1917 hay kyuuheika (cựu bình giá) nghĩa là cách đánh giá cũ có từ hồi trước chiến tranh. Thế nhưng trong bối cảnh tỷ suất giao hoán cũ như trên mà giải cấm việc xuất vàng thì quá ư vô lý cho Nhật. Đó là vì Yen trở thành ra quá rẻ đối với Đô nếu đem so sánh với ngày xưa. Hỏi tại sao Yen bấy giờ rẻ hơn trước thì cũng dễ giải thích thôi. Lý do là hiện tượng nhập siêu và việc in quá nhiều tiền giấy của Nhật Bản kể từ khi chiến tranh chấm dứt làm cho đồng Yen đã mất đi sự tín nhiệm của quốc tế. Do đó chính phủ mới dùng biện pháp giải cấm vàng để bồi đắp, nâng giá trị của đồng Yen lên cao. Hiện tượng này có tên chuyên môn là "tăng giá đồng Yen" hay Yen no kiriage (Yen revaluation).

Tuy các nước Đức, Pháp, Ý sau chiến tranh cũng ở trong một tình huống như Nhật Bản nhưng ngược với Nhật, họ đều đã phá giá hóa tệ của nước mình (kahei no kirisage = devaluation of the currency) trong khi lập ra hình thức đánh giá mới (tân bình giá = shin.hyôka) và giải cấm việc xuất vàng. Thế thì cớ gì Nhật Bản lại tăng giá đồng Yen tức là làm một chuyện không giống ai?

Thực ra Nhật Bản có 3 lý do khi hành động như vậy.

Nếu nâng cao giá đồng Yen lên và bãi bỏ việc cấm xuất vàng, đương nhiên đồng Yen sẽ cao giá trong tỷ suất giao hoán giữa hai nước (trường hợp này là Nhật và Mỹ vì chúng ta đang bàn về Yen và Đô-la). Nếu Yen cao lên, sẽ bất lợi cho xuất khẩu. Điều này thật hiển nhiên, không cần phải nhọc công giải thích.

Vào thời điểm đó, Nhật đang nhập siêu (nghĩa là xuất khẩu yếu). Vì đồng Yen lên cao, hiện tượng này càng nguy kịch. Chẳng lẽ chính phủ Hamaguchi lại làm chuyện điên rồ? Và còn lại bãi bỏ lệnh cấm xuất vàng, một chính sách hầu như đi ngược với tình hình? Bình thường chúng ta đều nghĩ như thế. Nhưng khoan, phải nhớ rằng Thủ tường Hamaguchi vì muốn cứu kinh tế Nhật đã đặt ưu tiên đánh sập các xí nghiệp yếu kém bấp bênh cái đã.

Tóm lại, đưa đồng Yen lên cao làm là tăng giá trị hối đoái của nó và khiến cho ngành xuất khẩu càng suy thoái, kết quả là các xí nghiệp yếu kém bị đào thải, văng ra khỏi cuộc chơi. Đó là mục đích thứ nhất của Hamaguchi. Dĩ nhiên là có những tiếng phản đối nhưng ông lang Hamaguchi vẫn quyết tâm đi đến cùng cuộc giải phẩu kinh tế.

Lý do thứ hai là nếu muốn phá giá đồng Yen (Yen no kirisage), chính phủ phải tu chính luật về hối đoái. Mà lúc ấy, đảng thân cận chính phủ là Rikken Minseitô chỉ là thiểu số trong quốc hội, dù có đưa dự án luật ra trước quốc hội, thế nào cũng sẽ bị phủ quyết. Còn như giải tán quốc hội để tổng tuyển cử trở lại, cũng chưa chắc Minseitô đã đạt được đa số. Không những thế, kéo dài ra chỉ làm mất thời giờ. Do đó, lúc ấy không gì hay hơn là áp dụng cách đánh giá cũ. Như thế, chẳng cần phải tu chính luật gì cả.

Lý do cuối cùng đáng được nhắc đến là "phương diện quốc gia". Nếu Đế quốc Đại Nhật Bản phải phá giá đồng Yen thì còn gì là uy tín đối với thế giới. Chính phủ trong quyết đoán của mình cũng đã đặt yếu tố chính trị lên bàn cân.

Thế nhưng đường lối kinh tế của Hamaguchi là một giải pháp kỳ lạ mà người Nhật ví von "để chống bão lại mở toang cửa sổ" đã đưa đến một kết quả phủ phàng là giết chết con bệnh thay vì cứu nó.

2.3 Cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới và cuộc khủng hoảng thời Shôwa

Ngày 24 tháng 10 năm 1929 (Shôwa 4), giữa lúc nền kinh tế của Mỹ đang tươi sáng, thịnh vượng, bỗng nhiên giá cổ phiếu ở Thị trường chứng khoán Wall Street bỗng tụt xuống một cách khủng khiếp. Ngày hôm đó được mệnh danh là "Thứ năm đen tối" (Black Thursday). Cuộc đại khủng hoảng kinh tế (The Great Depression) trên thế giới đã mở màn.

Vào lúc ấy, chính phủ Hamaguchi vẫn lạc quan cho rằng đấy là một cuộc khủng hoảng nhất thời và nước Mỹ thế nào cũng hồi phục trở lại nhanh chóng. Sự phồn vinh vẫn tiếp diễn. Do đó, vào tháng 1 năm 1930 (Shôwa 5), ông đã ra lệnh giải cấm việc xuất khẩu vàng.

Thế nhưng phán đoán của ông là một sự lầm lẫn chết người.

Cổ phiếu vẫn tiếp tục tụt dốc ở Mỹ và không hề có dấu hiệu sẽ trở lại mức cũ. Nó làm cho tình hình kinh tế của Mỹ thoái trào một cách nhanh chóng.

Ảnh hưởng của kinh tế Mỹ đối với kinh tế thế giới trên thực tế quả thật to lớn hơn mọi dự tưởng. Lúc đầu, làn sóng khủng hoảng lan qua Âu châu, thế rồi bao phủ lên khắp nơi. Nó đã phát triển thành một cuộc khủng hoảng có tầm cỡ thế giới.

Nhân vì Nhật Bản đi theo chính sách kinh tế giảm phát (deflation), giá hàng trong nước càng ngày càng thấp đi. Xí nghiệp làm ăn buôn bán rất là khó khăn. Hơn thế lại có thêm chính sách nâng giá đồng Yen và lệnh bãi bỏ việc cấm xuất vàng, người kinh doanh không còn cơ may xuất khẩu.Chẳng những thế, việc xuất khẩu còn gặp muôn ngàn khó khăn khác do ảnh hưởng của cuộc đại khủng hoảng trên toàn thế giới.

Điều này chính ra cũng dễ hiểu. Khi mà tình hình kinh tế trên thể giới suy thoái đồng loạt như thế, người tiêu thụ không còn ham muốn mua hàng. Hàng Nhật bán ra chẳng có ai mua. Đặc biệt Mỹ vốn là khách xộp của các nhà xuất khẩu Nhật Bản. Nay nếu kinh tế Mỹ đã ngã gục thì không có lý do gì ngành xuất khẩu của Nhật có thể trụ lại được. Nếu muốn bán được hàng thì phải bán đổ bán tháo mà thôi. Nhưng nếu làm như thế thì không thể nào có đồng lời.

Vừa nâng giá đồng Yen vừa bỏ việc cấm xuất vàng còn đưa đến một mối hại lớn khác. Đó là trong khi xuất khẩu khó khăn bao nhiêu, nhập khẩu càng dễ dàng bấy nhiêu.

Nhân kinh tế cả thế giới bị suy thoái vì cuộc đại khủng hoảng, các xí nghiệp Âu Mỹ đã hạ giá triệt để các mặt hàng của họ. Đương thời, không phải những món hàng Made in Japan (Thương hiệu Nhật Bản) mà là những món hàng Âu Mỹ mới là hàng chất lượng cao. Những mặt hàng có phẩm chất này đã được đổ ùn ùn vào Nhật. Chính phủ đứng trước tình cảnh như vậy đã thử tìm cách giải tỏa nên kêu gọi dân chúng hãy yêu chuộng hàng nội. Thế nhưng dù ái quốc đến đâu, đang ở trong cảnh khốn khó, người dân đành phải đi mua hàng ngoại vì chúng tốt và rẻ hơn.

Như vậy, hàng Nhật dù đem bán ở thị trường quốc nội vẫn không được chiếu cố.Tình hình kinh doanh của các xí nghiệp trong nước vì thế trở nên tệ hại. Các hãng thi nhau đình chỉ hoạt động hay tuyên bố phá sản. Còn những hãng khác thì để tiếp tục sống còn đã phải tái cấu trúc, giới hạn lãnh vực hoạt động, cắt luơng, thải người làm vv... Khi thì họ tìm cách tự chấn chỉnh trở lại, khi thì bắt tay với các tập đoàn lợi ích (kartell hay trust). Kết quả là họ đã làm cho số người thất nghiệp gia tăng. Việc cắt lương cũng đưa nhiều gia đình đến cảnh thiếu trước hụt sau.

Như vậy, giữa khi có chính sách giải cấm việc xuất khẩu vàng, Nhật Bản đã phải gánh chịu những tai ách, hệ quả của cuộc đại khủng hoảng đang xảy ra trên thế giới. Hiện tượng hỗn loạn và trầm trệ có tính đặc thù của kinh tế Nhật Bản thời ấy được mệnh danh là "Cuộc khủng hoảng thời Shôwa" (Shôwa no kyôkô)

Những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Cuộc khủng hoảng thời Shôwa này là nông dân. Nhà nông đã được hưởng sự phồn vinh do kinh tế chiến tranh. Họ xuất khẩu đều đặn những mặt hàng như tơ sống sang Mỹ và có thu nhập ổn định. Cuộc đại khủng hoảng đã làm cho lượng hàng xuất khẩu giảm mạnh, giá tơ và giá kén tằm cũng sụt xuống trông thấy, khiến cho cuộc sống của họ hết sức khốn đốn.

Vào thời đó, nhà nông Nhật Bản còn làm thêm nghề phụ là trồng dâu nưôi tằm. Nghề phụ này có thể cứu họ khi nghề chính gặp phải khó khăn. Dĩ nhiên nghề chính là nghề làm ruộng, sản xuất thóc gạo. Chúng ta còn nhờ rằng cho đến khi Cuộc biến động về giá gạo bùng nổ thì giá gạo khá cao. Thế nhưng kể từ thập niên 1920, gạo ở Triều Tiên và Đài Loan với giá rẻ đã tràn ngập thị trường quốc nội khiến cho từ đó, giá gạo cứ tiếp tục thấp lè tè. Khi hai thứ giá cả (giá gạo và giá kén) sụt xuống, nó sẽ kéo theo giá các nông phẩm khác làm cho chúng sụt mạnh đồng loạt, tạo thành mối nguy hại cho kinh tế nông thôn. Điều đó đã xảy ra trong giai đoạn khủng hoảng đời Shôwa.

Chỉ số giá nông phẩm trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế (1929-1934)

Năm Gạo Lúa mạch Kén Trà
1929 (Shôwa 4) 100,0 100,0 100,0 100,0
1930 (Shôwa 5) 70,5 75,0 46,4 79,4
1931 (Shôwa 6) 57,6 57,2 42,1 61,9
1932 (Shôwa 7) 77,9 58,3 45,3 60,7
1933 (Shôwa 8) 90,5 81,8 76,4 69,6
1934 (Shôwa 9) 87,4 94,7 31,1 75,0

Thêm vào đó, khi các xí nghiệp bị phá sản hoặc hợp lý hoá, số người mất việc sinh ra. Họ lần lượt bỏ thành phố về nông thôn kiếm ăn và vì có thêm miệng ăn, cuộc sống ở nông thôn xưa đã nghèo nay lại nghèo hơn. Chính vì thế, người nhà nông phải sống khốn khổ lầm than, nhất là vùng Tôhoku (Đông Bắc). Những cảnh như đem gạt nước mắt đem con gái bán cho nhà chứa hay bắt con em đến tuổi đi học phải nhịn cơm trưa ở trường thì kể ra không hết.

Để cứu vãn tình hình cơ cực ở nông thôn, Nội các Hamaguchi đã phải tạm thắng bớt chính sách thắt lưng buộc bụng. Chính phủ lúc đó phải đặt ra những công trình xây dựng công cộng để mướn nông dân lao động, như thế giúp đỡ họ có việc làm và thu nhập. Tuy nhiên chẳng bao lâu Biến cố Mãn Châu bùng nổ (sẽ khai triển sau) và khuếch đại. Nhà nước bắt buộc đem tiền đổ vào những mục tiêu có tính quân sự. Các chương trình công cộng đành phải đình lại. Thay vì cứu giúp nông dân, chính phủ bây giờ đành để họ cố gắng tự lực cánh sinh bằng cách tổ chức kiểu hợp tác xã để làm ăn lấy với nhau. Do đó mới xuất hiện một phong trào mang tên "Kinh tế cánh sinh" không những trong phạm vi nông thôn mà còn lan ra cả các vùng núi và biển nữa.

Như thể vừa mới đưa nước tới để cứu hạn hán mà đã giật lui, chính sách trước sau bất nhất của Nội các Hamaguchi đã gây ra sự phẫn nộ trong dân. Rốt cuộc, nhà nông không còn tin vào chính trị chính đảng mà họ kết án là đã bắt tay với giới tài phiệt. Không những đánh mất lòng tin vào chính phủ, họ còn căm hận nữa. Điều đó đã khiến cho họ bắt đầu đùa với lửa trong những năm kế tiếp khi ngã về cánh quân đội và ủng hộ những giải pháp chính trị của đám người này.

Tiết 3 - Ngoại giao hòa hoãn của Shidehara và ngoại giao cứng rắn của Tanaka
3.1 Tiến binh sang bán đảo Sơn Đông

Trong tiết 1 và 2, chúng ta đã điểm qua tình hình kinh tế. Trong tiết 3 này, hãy thử xem ngoại giao Nhật Bản đã diễn biến như thế nào.

Sau khi Thể chế Washington được thành lập, Tổng trưởng ngoại giao Shidehara Kijuurô đã giữ cho Nhật Bản đi đúng với mục tiêu ngoại giao hòa hoãn và hòa điệu. Sự hòa điệu đó nghĩa là cùng với Âu Mỹ, thực hành được chủ trương không can thiệp vào nội tình chính trị của Trung Quốc.

Thế nhưng Shidehara lại bị phái bảo thủ, quân đội cũng như các phần tử khuynh hữu trong dân chúng cho là quá nhu nhược. Họ khi dễ đường lối ôn hòa của ông. Đặc biệt họ chủ trương Shidehara cần phải mạnh tay hơn nữa ở đại lục để tích cực bảo vệ quyền lợi của Nhật Bản. Chúng ta còn nhớ trước đây không lâu, khi có cuộc khủng hoảng và tài chánh, Xu Mật Viện (thế lực bảo thủ) đã từ khước bảo chứng cho sắc lệnh khẩn cấp mà chính phủ Wakatsuki đòi hỏi, khiến chính phủ ấy phải đổ.

Sau khi Wakatsuki và nội các của ông ra đi, Tanaka Giichi, thủ lãnh đảng Rikken Seiyuukai đứng ra thành lập nội các mới. Giữ cả vị trí hàng đầu trong lục quân, ông được sự trông cậy của quân đội cũng như phái bảo thủ để thực hiện chính sách cứng rắn ở đại lục, giấc mộng của họ. Tanaka cũng tỏ ra đồng thuận nên đã tự mình kiêm nhiệm chức Ngoại trưởng. Đối với Trung Quốc, ông chuyển từ chính sách hòa hoãn và hiệp điệu sang chính sách cứng rắn. Dưới thời ông, Nhật Bản đã 3 lần điều binh qua Sơn Đông.

Chúng ta sẽ tìm hiểu 3 cuộc tiến binh ấy diễn ra như thế nào nhưng trước tiên, thiết tưởng cũng cần lội ngược dòng để nói đến tình hình Trung Quốc trong giai đoạn ấy.

Sau khi cuộc Cách mạng Tân Hợi (1911) lật đổ được Thanh triều và thành lập Trung Hoa Dân Quốc, lãnh tụ Tôn Văn (Sun Wen, 1866-1925) vì tình thế bắt buộc đã phải nhượng chức Tổng thống cho lãnh tụ quân phiệt Bắc Dương và cựu thần nhà Thanh là Viên Thế Khải (Yuan Shikai, 1859-1916). Chẳng bao lâu, họ Viên đã trở thành một kẻ độc tài và leo lên cả ngôi hoàng đế. Tôn với chủ trương cộng hòa bèn đứng ở tư thế đối lập, thành lập Trung Hoa Cách Mạng Đảng, bao lần tổ chức những cuộc vận động cách mạng làm cho chính quyền của Viên phải khốn đốn.

Năm 1917 (Taishô 6), Tôn Văn thành lập một chính phủ địa phương ở thành phố Quảng Đông, rồi sang năm 1919 (Taishô 9), khi nhìn thấy cuộc Ngũ Tứ vận động trong dân chúng đã lan rộng khắp toàn quốc, Tôn bèn tích cực lợi dụng tình thế và sức mạnh của dân chúng để cải tổ và mở mang đảng Trung Hoa Cách Mạng Đảng thành Trung Hoa Quốc Dân Đảng.

Lúc đó, trên đất nước Trung Quốc, có rất nhiều nhóm quân phiệt, mỗi người hùng cứ một phương. Chính phủ trung ương đóng ở Bắc Kinh chỉ là cơ cấu liên kết các nhóm quân sự đó trên danh nghĩa chứ trong nội bộ chính quyền, các nhóm quân phiệt không ngừng có những cuộc tranh giành thế lực rất chướng mắt.

Trung Hoa Quốc Dân Đảng bèn lập kế hoạch bình định những nhóm quân phiệt này để thống nhất đất nước.Thế rồi vào năm 1921 (Taishô 10), khi Đảng Cộng Sản Trung Quốc thành lập ở Thượng Hải, họ đã tìm cách xích lại với đảng này để rồi sang đến năm 1924 (Taishô 13), hai bên bắt tay với nhau. Các nhà viết sử gọi đó là Cuộc hợp tác quốc cộng lần thứ nhất. Hai đảng đã hiệp lực để đối phó với tình thế trong giai đoạn ấy.

Qua trung gian của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, Quốc Dân Đảng đã móc nối được với Komintern (Quốc tế Cộng sản) Liên Xô và thắt chặt quan hệ với tổ chức này. Quốc Dân Đảng nhận được chi viện về võ khí và cố vấn do Liên Xô gửi đến, rốt cuộc đã có một sức mạnh quân sự đáng kể. Có thể nói nếu Tôn Văn sống được thêm vài năm nữa, ông chắc chắn sẽ có cơ hội thống nhất Trung Quốc. Thế nhưng đáng tiếc là ông đã mắc chứng ung thư gan và mất ở tuổi 60 vào năm 1925 (Taishô 14).

Người nối tiếp sự nghiệp của Tôn Văn là Tưởng Giới Thạch (Chiang Kai-shek, Jiang Jieshi, 1887-1975). Như trước đây có lần nhắc đến, Tưởng là người thừa kế di chí của Tôn, đã điều động quân cách mạng của Trung Hoa Quốc Dân Đảng lên miền Bắc. Cuộc Bắc phạt bắt đầu từ tháng 7 năm sau (1926). Các đạo quân của Quốc Dân Đảng dần dần bình định được quân phiệt và chính quyền địa phương. Sang đến tháng 3 năm 1927 (Shôwa 2) thì họ đã chiếm được Thượng Hải. Tháng 4, họ lập được chính phủ quốc dân ở Nam Kinh và thu phục được hơn phân nửa nước. Khí thế của họ vô cùng mạnh mẽ. Chỉ có điều là ngay trước khi họ Tưởng thành lập chính phủ ở Nam Kinh, Tưởng đã cho thi hành chính sách phản cộng, loại thế lực Cộng Sản ra khỏi Quốc Dân Đảng. Cuộc hợp tác quốc cộng lần thứ nhất xem như cáo chung.

Đến đây, xin nhắc lại rằng với điều ước ký kết tại Portsmouth, Nhật Bản đã đoạt lấy từ tay người Nga quyền lợi đối với vùng Mãn châu trên đại lục Trung Quốc.

Lúc đó, cả Mãn châu đang nằm dưới sự cai quản của tướng quân phiệt Trương Tác Lâm (Zhang Zuolin, 1875-1928). Đối với Tưởng Giới Thạch, ông đã tuyên bố rõ ràng đất của Trương là một nơi mà quân đội dân quốc sẽ phải đến bình định. Thế nhưng nếu quân đội Dân quốc tiến vào Mãn châu thì quân đội và phiệt tộc Nhật Bản lo rằng quyền lợi của người Nhật ở đó sẽ lâm nguy. Có lẽ vì lý do trên mà họ đã toa rập với nhau lật đổ Nội các Wakatsuki, người vốn chủ trương một chính sách hòa hoãn, hòa điệu với Âu Mỹ, không can thiệp vào nội tình Trung Quốc. Con bài mới Tanaka xem ra phù hợp với phái bảo thủ hơn.

Đáp ứng nguyện vọng ấy, Thủ tướng Tanaka mới mượn danh nghĩa bảo vệ Nhật kiều đang sinh sống tại Trung Quốc trước nguy cơ của đoàn quân Bắc phạt (quân đội cách mạng dân quốc) nên cuối tháng 5 năm 1927 (Shôwa 2) đã phái quân qua bán đảo Sơn Đông. Đây là cuộc tiến binh qua Sơn Đông lần thứ nhất.

Tuy nhiên, Tanaka không hẳn đã nghĩ đến một cuộc xung đột toàn diện. Như sẽ trình bày sau, ông vẫn hành động trong khuôn khổ Thể chế Washington. Việc tiến binh qua Sơn Đông nói đúng ra là để thực hiện lời hứa với quân đội và phiệt tộc khi ông thành lập nội các. Ông đã nhanh chóng cho triệt thoái binh lính vào tháng 9 cùng năm.

Thế nhưng sau cuộc triệt thoái này, một chuyện không ngờ tới đã xảy ra. Đó là việc Tưởng Giới Thạch đến Nhật và họp bí mật với Tanaka Giichi.

Thực ra, vào tháng 8 năm 1927, Tưởng Giới Thạch đang mất chân đứng. Có thể một phần ông mang tiếng lãnh đạo quá cứng rắn, một phần người ta đổ cho ông tội chỉ đạo tác chiến sai lầm làm cho có một lúc quân Bắc phạt bị đánh bại, phải rút lui. Đó chỉ là những giả thuyết bởi vì nguyên nhân chính của việc ông bị đẩy ra đến nay vẫn còn chưa ai rõ.Có khi nó chỉ là phương tiện để che dấu việc đến Nhật thương thuyết của ông. Lý do là về nước chẳng bao lâu, ông đã phục hồi địa vị cũ trong Quốc Dân Đảng.

Không ai hiểu nội dung cuộc đàm phán Tưởng -Tanaka có gì. Tuy nhiên người ta phỏng đoán rằng Tưởng đã đến để yêu cầu Nhật cắt viện trợ Trương Tác Lâm để chuyển qua giúp đỡ mình. Rốt cuộc, việc liên kết ấy hình như bất thành, Tưởng phải về nước và trở lại Quốc Dân Đảng, lần này tìm cách tiếp cận với Anh Mỹ để xúc tiến cuộc hành quân Bắc phạt trở lại.

Trước đó nghĩa là vào ngày 26 tháng 7 năm 1927, Nội các Tanaka đã họp các tổng trưởng và lãnh đạo quân đội. Các nhà ngoại giao lưu trú tại Trung Quốc cũng được gọi về Tôkyô. Cuộc hội họp này nhằm kiểm thảo chính sách của Nhật ở đại lục. Trong buổi họp, đã có ý kiến đưa ra là phải xem Mãn Châu như một phần đất hoàn toàn riêng biệt đối với Trung Quốc.Họ đã đi đến quyết định là sẽ sử dụng quyền tự vệ nếu thấy sinh mệnh của kiều dân Nhật trên lãnh thổ Trung Quốc bị hăm dọa. Còn như đối với Mãn Châu thì phải triệt để dùng sức mạnh của mình bảo vệ mọi quyền lợi Nhật Bản trên đất này. Phương án ngoại giao này có tên "Cương lĩnh chính sách đối với Trung Quốc" (Taishi seisaku kôryô). Ngày đó người Nhật gọi Trung Quốc là Shina (Chi Na) [6].

Tuy nhiên, khi đọc đoạn này, chúng ta vẫn có thể hiểu là chính sách ngoại giao của Nội các Tanaka tuy cứng rắn hơn nhưng nội dung vẫn chưa xa hẳn ngoại giao Shidehara vốn chủ trương hòa hoãn, hiệp lực với Âu Mỹ và không can thiệp vào nội tình Trung Quốc.

Đến năm 1928 (Shôwa 3) thì đã xảy ra một sự việc là "sinh mạng người Nhật bị hăm dọa trên đất Trung Quốc" , nó nằm trong những điều mà "cương lĩnh" nói trên đòi hỏi chính phủ Nhật phải phản ứng.

Thực ra, tháng 4 năm đó, khi cuộc Bắc phạt tiến hành trở lại, Nhật Bản bèn tiến quân qua Sơn Đông lần thứ hai. Lúc đó, chuyện muốn tránh cũng không tránh khỏi là giữa quân Nhật và quân Dân quốc đã có một cuộc xung đột lớn. Theo nguồn tin phía Nhật thì nguyên do là đạo quân Bắc phạt đã liên tiếp tấn công các cửa tiệm do thương nhân Nhật làm chủ ở thành phố Tế Nam (Jinan) trên bán đảo Sơn Đông và có hành vi bạo lực, cướp đoạt. Vì vậy, quân Nhật mới tấn công quân Bắc phạt và cứ thế, cuộc chiến đã diễn ra giữa hai bên.

Sự xung đột này sau đó đã chấm dứt nhờ một hiệp định đình chiến nhưng quân Nhật cương quyết đòi phía Dân quốc phải xin lỗi và bồi thường thiệt hại cũng như xử phạt những kẻ đã gây rối. Phía Dân quốc từ chối. Quân Nhật bèn tổng tấn công thành Tế Nam và chiếm đóng nó. Cuộc chiến đã làm khoảng 5.000 người thương vong, trong đó có nhiều thường dân.

Cuộc xung đột quân sự vừa nói có tên là Biến cố Tế Nam (Sainan jiken). Nó là cái mốc đánh dấu sự suy thoái trong quan hệ Nhật-Trung. Dân chúng Trung Quốc phẫn nộ trước sự hung bạo của lính Nhật đã phản ứng giống như thời Ngũ Tứ vận động nghĩa là hô hào tẩy chay hàng Nhật. Trước việc đó, phía Nhật cũng không chịu nhún, ngược lại họ còn tỏ ra thái độ chống trả cương quyết hơn đối với dân chúng Trung Quốc. Cao điểm của việc này là chuyện họ tiến binh lần thứ ba qua Sơn Đông.

Khi thấy quân Nhật tăng cường sức mạnh quân sự như thế, phía Dân quốc tỏ ra muốn tránh một cuộc xung đột toàn diện nên đã rẽ về hướng Tây, đi đường vòng tiến lên Bắc Kinh.

3.2 Vụ đặt chất nổ ám sát tướng Trương Tác Lâm

Nội các Tanaka, trong quan hệ đối với Âu Mỹ, đã tỏ ra có thái độ muốn kế thừa di sản của đường lối ngoại giao Shidehara. Điều này đã được biểu lộ một cách cụ thể qua việc chính quyền ông đặt bút ký Điều ước không gây chiến ở Paris (Treaty of the renunciation of war) vào năm 1928 (Shôwa 3).

Điều ước bất chiến này còn có tên là Điều ước Kellog-Briand, mang tên chính trị gia người Mỹ Frank Billings Kellog (1856-1937) và ngoại trưởng Pháp Aristide Briand (1862-1932). Briand là người sau được giải Nobel về hòa bình. Các bên liên hệ ra tuyên ngôn rằng nếu các nước nếu có xung đột quyền lợi sẽ tìm cách thương thuyết với nhau để giải quyết thay vì dùng võ lực.

Ngoài Mỹ, Anh, Pháp, Đức là những nước trong 15 nước ký kết đầu tiên, về sau có tất cả 63 nước gia nhập, trong đó có Nhật. Đây là hiệp ước rất quan trọng, đánh dấu một chặng đường trong quan hệ ngoại giao quốc tế. Nhật đã gửi đặc sứ toàn quyền Uchida Yasuya (Nội Điền, Khang Tai, 1865-1936) tham dự.

"Từ bỏ chiến tranh" nghe giống như điều 9 trong Hiến pháp Nhật ngày nay. Người ta nghĩ rằng ảnh hưởng của điều ước này rất lớn trong hiến pháp Nhật Bản hiện tại (công bố ngày 3 tháng 11 năm 1946).

Điều cực kỳ đáng tiếc là năm 1928 (Shôwa 3), có biết bao nhiêu nước đã tham gia ký kết vào điều ước này như vậy mà nhân loại vẫn bị mê muội cuốn hút vào Thế chiến thứ hai, một cuộc chiến tranh bi thảm khủng khiếp. Tuy nội dung của Điều ước bất chiến ký ở Paris này rất đáng cho chúng ta ngưỡng mộ nhưng đáng buồn mà nói, trên thực tế, nó không có hiệu quả gì hết.

Giữa khi điều ước đang đưọc phê chuẩn thì đảng đối lập lúc ấy là Rikken Minseitô và Xu Mật Viện lại lên tiếng kèo nhèo và đòi có thời giờ để đọc lại nguyên văn của nó. Lý do là trong điều ước có chữ "Nhân danh nhân dân..." mà trong khi ở Nhật, chủ quyền quốc gia vốn được hiến pháp qui định là ở nơi thiên hoàng chứ không ở nơi dân chúng. Nay văn bản qui định "chủ quyền tại dân" thì không thích hợp vv...Trước sự chống đối đó, Thủ tướng Tanaka phải ra tuyên ngôn chính thức là "câu này không thích hợp với Nhật Bản" nhưng cũng cố gắng tìm cách phê chuẩn điều ước. Thái độ này cho ta thấy, thêm một lần nữa, chính phủ Tanaka không muốn gây ra sự phức tâm trong chính sách ngoại giao hòa điệu với Âu Mỹ.

Xin trở lại việc hai bên quân đội Trung Nhật đã chạm súng từ khi có việc Nhật Bản tiến binh sang Sơn Đông. Nhưng tình hình không đến nổi xấu đi đến thế nếu không có một biến cố khác - vụ ám sát tướng Trương Tác Lâm - xảy ra.

Ngày 4 tháng 6 năm 1928 (Shôwa 3), chuyến xe lửa đặc biệt dành cho khách quí đưa tướng quân phiệt Trương Tác Lâm từ Bắc Kinh trở về Mãn châu, đã bị ai đó đặt bộc phá khi vừa đến ngoại ô Phụng Thiên (tên cũ của Thẩm Dương thuộc Liêu Ninh). Trương bị vết thương nặng, chẳng bao lâu thì chết.

Bộ tham mưu của quân đội Nhật Bản lúc đầu xem đây là hành vi của Trung Hoa Quốc Dân Đảng cánh Tưởng Giới Thạch nhưng sau khi điều tra kỹ thì mới biết âm mưu này là của quân Quan Đông đồn trú tại Mãn châu.

Đạo quân của Nhật đóng ở Mãn châu được gọi là Kantôgun (Kwantung Army, quân Quan Đông). Đây là bộ phận lục quân người Nhật phái đến để phòng thủ tuyến đường sắt Mãn thiết và khu vực châu Quan Đông (một phần của vùng Nam Mãn châu).Nên nhớ rằng vào năm 1919 (Taishô 8) thì Quan Đông đô đốc phủ đã được đổi thành Quan Đông sảnh. Quân Quan Đông trở thành một đơn vị độc lập, đóng bản doanh ở Lữ Thuận (Lushun).
 

Trương Tác Lâm
Trương Học Lương

Thế nhưng cớ sao toán quân Quan Đông này lại không bàn trước với chính phủ và quân đội mà có hành động tự chuyên như vậy?

Số là những kẻ đứng đầu lực lượng đồn trú tại chỗ đã thương nghị với nhau rằng: "Trương tác Lâm sẽ không đủ sức chọi với quân cách mạng Dân quốc của Tưởng Giới Thạch". Họ cũng nhận thức rằng chính phủ Tanaka vẫn đứng sau lưng ủng hộ Trương Tác Lâm (và Trương cũng có thái độ thân Nhật) để đối kháng Tưởng. Do đó bộ tham mưu quân Quan Đông mới muốn làm liều để những mong thay đổi cục diện.

Đại tá Kômoto Daisaku (Hà Bản, Đại Tác), sĩ quan tham mưu cao cấp của họ tin tưởng : "Nếu ta làm cho cả vùng Mãn châu rơi vào sự hỗn loạn rồi mượn tiếng tái lập trị an mà đưa quân đội trấn áp thì có thể đón đầu quân đội Dân quốc và Nhật Bản như thế sẽ có mối lợi" [7]. Tạo nên sự hỗn loạn, không gì bằng ám sát Trương Tác Lâm. Điều đó sẽ khiến cho Mãn châu bị cắt đứt khỏi Trung Quốc và lọt vào vòng ảnh hưởng trực tiếp của quân đội Nhật. Lối suy nghĩ này thật nông nỗi và khiên cưỡng nhưng bọn họ đã tin tưởng rằng đó là giải pháp duy nhất.


Kômoto Daisaku (1883-1955) 
trách nhiệm trực tiếp biến cố Phụng Thiên

Chân tướng của họ dần dần bị tiết lộ, các giới truyền thông đánh hơi được và định tung ấy ra trước dư luận. Lúc ấy, chính phủ bèn ra lệnh ngăn cấm báo chí viết những ký sự về chuyện đó. Vì vậy mà trong quần chúng Nhật không mấy ai biết được sự thực. Người ta chỉ gọi nó một cách lấp lửng là "Biến cố trọng đại ấy ở Phụng Thiên" (mỗ sự kiện).

Tuy nhiên, một mặt Thủ tướng Tanaka cũng chỉ thị cho lục quân điều tra kỹ càng về những gì đã xảy ra. Tháng 10 năm đó, khi biết việc Trương chết là do người của lục quân ám sát, Tanaka đã giận dữ tuyên bố: "Tuyệt đối không thể tha thứ!", ông trình bày mọi sự một cách cặn kẽ cho thiên hoàng và hứa sẽ trừng trị nghiêm khắc các kẻ chủ mưu.

Hiện trường vụ đặt chất nổ ám sát tướng Trương Tác Lâm (04/06/1928)

Tuy Tanaka hứa như vậy nhưng rốt cuộc, những bị cáo chỉ bị xử hành chánh tức cảnh cáo qua loa, không tương xứng với cái án nặng nề cần phải có trong trường hợp ấy. Chính vì quân đội và chính đảng thân chính quyền là Rikken Seiyuukai (Chính hữu hội) đã gây áp lực với ông. Họ lý luận rằng: "Nếu sự việc phanh phui ra trước ánh sáng công lý thì quyền uy của lục quân sẽ rơi xuống đất đen". Trước thái độ đó, Thủ tướng Tanaka xưa hăng hái bao nhiêu thì nay nhũn nhặn bấy nhiêu và hầu như bỏ qua việc xử phạt.

Một chuyện khó ngờ cho mọi người là phản ứng của Thiên hoàng Shôwa. Ông đã cho gọi Tanaka đến và bảo: "Thế thì lời hứa của ông đâu?" để trách cứ lối xử phạt quá nhẹ nhàng của ông ta. Ngày hôm sau, Tanaka lại xin yết kiến để tâu bày nhưng lần này thiên hoàng cự tuyệt không tiếp. Có thuyết cho rằng Tanaka còn bị thiên hoàng buộc phải từ chức.

Chới với vì không được thiên hoàng tín nhiệm, Tanaka và toàn thể nội các đã tổng từ chức. Cũng hơi khó hiểu cho chúng ta: việc một nội các phải từ nhiệm vì thái độ của thiên hoàng thì đây chỉ mới là lần đầu trong lịch sử Nhật Bản.

Trở lại chuyện chính, sau đây xin trình bày những gì đã xảy ra ở Trung Quốc lúc ấy.

Năm 1929 (Shôwa 4), tướng Tưởng Giới Thạch thống nhất được toàn lãnh thổ. Tuy nhiên, ông đã hoàn thành cuộc Bắc phạt mà không cần phải đem quân tấn công Mãn Châu. Chỉ vì lực lượng quân phiệt Mãn Châu đã dần dần ngã về phía Tưởng Giới Thạch.

Sau khi Trương Tác Lâm bị ám sát chết, quân phiệt Mãn châu được đặt dưới quyền chỉ huy của con trai trưởng của ông, viên tướng trẻ Trương Học Lương (Zhang Xueliang, 1901-2001) [8]. Tuy biết rành rành cha mình chết dưới bàn tay của quân Quan Đông nhưng ông vẫn vờ làm ngơ, tiếp tục ngoài mặt một chính sách ngoại giao thân Nhật, khéo léo thu vén để gìn giữ sự ổn định của vùng Đông Tam Tỉnh. Nó làm cho tham vọng của đám quân Quan Đông không thực hiện được. Thế rồi, bỗng nhiên Trương chịu làm hòa với Tưởng Giới Thạch. Như vậy, không cần đổ một giọt máu mà lá cờ "Thanh thiên bạch nhật mãn địa hồng" của Trung Hoa Dân Quốc đã phất phới trên toàn thể đất Mãn Châu. Tưởng Giới Thạch toại nguyện giấc mơ thống nhất Trung Quốc. Nói cách khác, mưu đồ của quân Quan Đông đã mang đến một kết quả hoàn toàn trái ngược.

3.3 Vấn đề vi phạm "quyền thống súy"

Như chúng ta đã biết, người thay đại tướng lục quân Tanaka Giichi để thành lập nội các là nhà tài chính Hamaguchi Osachi. Nội các mới ấy đã gây nên cuộc khủng hoảng kinh tế thời Shôwa khi ban kệnh giải cấm việc xuất khẩu vàng. Trong thời nội các cầm quyền, Shidehara Kijuurô, người nổi tiếng với chính sách ngoại giao hòa hoãn, hòa hợp mang tên ông, có lần được mời ra để giữ chức Tổng trưởng nhưng vì chính vấn đề ngoại giao, đã làm bùng nổ lên một sự kiện gọi là Vấn đề vi phạm "quyền thống súy". Tên gọi hơi khó hiểu, phải giải thích từng bước một.

Năm 1922 (Taishô 11), sau những cuộc hội đàm ở Washington, Nhật và các cường quốc đã ký một hiệp ước tài giảm binh bị dành cho hải quân. Điều quan trọng được đem ra bàn cãi lúc đó là việc giới hạn trọng tải của các chiến hạm chủ lực. Lần này, cũng có hội nghị nhưng đối tượng của nó là việc giới hạn các chiến hạm trợ lực (tuần dương hạm, khu trục hạm, tiềm thủy đĩnh, vốn khác với các chiến hạm chủ lực) là những đoàn thuyền phụ không đem ra bàn ở Hội nghị Washington. Quốc gia hải dương hàng đầu là Anh đã ra lời kêu gọi này cho nên vào năm 1930 (Shôwa 5), các cường quốc hải dương đã họp nhau tại London để bàn luận.

Theo định nghĩa, chiến hạm trợ lực là những chiến hạm khác ngoài chiến hạm chủ lực vốn có trọng tải trên 1 vạn tấn.

Sau khi hiệp nghị, vào tháng 4 năm đó, ba nước Nhật, Anh, Mỹ đã ký kết với nhau Hiệp ước tài giảm binh bị hải quân tại London.

Khi Hiệp định Washington được ký kết, hải quân Nhật Bản có yêu cầu rằng phải cố đòi để giữ được tỷ lệ các chiếm hạm chủ lực trong vòng 70% so với Anh Mỹ. Thế nhưng chính phủ đã đi đến một con số thỏa hiệp là 60%. Thực ra, lần này trong hội nghị London, họ cũng đòi con số 70%. Kết quả là nói về tổng số tấn thì họ đã đạt được nguyện vọng với mức gần 70% (hay đúng hơn là 69,7%) nhưng riêng với các tuần dương hạm cỡ lớn thì chỉ được trên 60% một tí (đúng ra là 62%).

Tuần dương hạm (cruiser) là loại thuyền trung gian giữa chiến hạm (battleship) và khu trục hạm (destroyer). Tốc lực cúa nó nhanh hơn chiến hạm và sức mạnh tấn công cũng như phòng ngự lại cao hơn khu trục hạm. Tuần dương hạm cỡ lớn là một võ khí đáng sợ.

Do yêu cầu của mình không được thỏa mãn, bên trong hải quân có sự bất mãn lớn. Thế nhưng chính phủ lại bỏ ngoài tai và cứ phê chuẩn hiệp ước. Hai đặc sứ toàn quyền của Nhật có mặt tại hội nghị lúc đó là cựu thủ tướng Wakatsuki Reijirô và Tổng trưởng hải quân Takarabe Takeshi (Tài Bộ, Bưu, 1867-1949.)

Việc hai ông cố ký cho bằng được hiệp ước đã gây nên sóng gió. Nội bộ hải quân chia làm hai phái, phái nghịch và phái thuận. Phái nghịch từ chối việc ký kết được gọi là "phái hạm đội" (kantaiha), phái thuận đồng ý việc ký kết, được gọi là "phái điều ước" (jôyakuha).

Lúc đó, đảng đối lập là Rikken Seiyuukai và Xu Mật Viện, hang ổ của nhóm chính trị gia phiệt tộc, định nhân cơ hội này mà lật đổ chính phủ. Họ bèn ngả về phía phái hạm đội. Giới khuynh hữu trong dân chúng cũng tỏ ra đồng điệu.Thế rồi họ cùng nhau hò hét, buộc tội rằng Nội các Hamaguchi đã vi phạm quyền thống súy.

Những kẻ to tiếng nhất có lẽ là bộ tư lệnh hải quân. Bộ tư lệnh này trên nguyên tắc là cơ quan trong thời chiến sẽ chỉ huy quân đội dưới quyền thống súy trực tiếp của thiên hoàng. Phía lục quân cũng vậy và phần việc đó nằm trong tay bộ tham mưu của lục quân.

Quyền thống súy là quyền đã minh định trong hiến pháp của Đế quốc Đại Nhật Bản, còn gọi là "thiên hoàng đại quyền". Hiến pháp ấy đã trao cho thiên hoàng một quyền uy tuyệt đại mà quyền thống súy hay quyền chỉ huy hải quân và lục quân là một trong những quyền ấy.

Điều 11 của hiến pháp nói rằng trong khi thiên hoàng chỉ huy hải quân thì bộ tư lệnh hải quân có nhiệm vụ phò tá thiên hoàng. Khi thiên hoàng biên chế tức qui định qui mô của lục và hải quân thì nội các phải phò tá thiên hoàng để đi đến quyết định.

Do đó, trong thời chiến, nội các không có quyền ra lệnh cho quân đội mà chính là bộ tư lệnh hải quân và bộ tham mưu lục quân sẽ triển khai, chỉ huy tác chiến dưới sự thừa nhận của thiên hoàng. Còn như việc cấu thành qui mô của các lực lượng quân sự thì trên thực chất, nội các nắm quyền. Việc họ ký kết hiệp định ở London về hải quân chính ra không có vấn đề gì. Bộ tư lệnh hải quân trên nguyên tắc không có quyền đưa ra ý kiến.

Duy một điều phức tạp là trong điều lệ của hải quân lại có qui định rõ ràng: "Khi có quyết định về số lượng binh lính, phải có sự đồng ý của bộ tư lệnh hải quân". Cho nên phái hạm đội nghĩa là những người chống việc ký kết hiệp định mới dùng nó làm cái cớ để kết án: "Nội các chưa có sự đồng ý của bộ tư lệnh hải quân mà đã tự tiện ký kết hiệp ước tài giảm binh bị, như thế là đã vi phạm quyền thống súy của thiên hoàng". Nấp sau tấm lá chắn là thiên hoàng, họ cực lực tấn công Hamaguchi và nội các của ông.

Chính ra người Nhật không nói "vi phạm" mà dùng chữ "can phạm" (kanpan) tức là vượt ra ngoài vòng trách nhiệm của mình, lấn qua một địa hạt khác, nhưng trong ngữ cảnh này, nó là một cái tội.

Tuy vậy, Thủ tướng Hamaguchi không dễ dàng chịu khuất phục. Ông cho rằng ngoại giao hòa hợp với Anh Mỹ mới là chuyện ưu tiên, và tỏ ra sẳn sàng ăn thua đủ với phái chống đối. Việc Hamaguchi cương quyết như thế lại đi kèm theo với chiến thắng trong kỳ tổng tuyển cử tổ chức vào tháng 2 năm ấy của Rikken Minseitô. Đảng này đã tăng thêm 100 ghế trong quốc hội, chiếm trên phân nửa số ghế nghĩa là trở thành phái đa số. Như thế họ đã có thể áp đảo đảng đối lập Rikken Seiyuukai.

Ngoài ra, phải nói là giới báo chí truyền thông và dư luận cũng tán thành việc tài giảm binh bị và ủng hộ lập trường của nội các.

Lợi dụng gió đang đang đổi chiều thuận lợi cho mình, Thủ tướng Hamaguchi bèn sử dụng lý thuyết "Thiên hoàng là một cơ quan" của học giả Minobe Tatsukichi như võ khí, hăm dọa sẽ cách chức hai nhân vật chính phó của Xu Mật Viện với chủ tâm đè bẹp phái chống đối.

Hamaguchi Osachi có biệt hiệu là Lion (Sư tử). Đúng như danh hiệu đã dành cho mình, ông có những hành vi cương quyết từ việc giải cấm xuất khẩu vàng cho đến việc giữ y nguyên chủ trương tài giảm binh bị. Đó là những quyết đoán táo tợn có tầm cỡ của một "chúa tể sơn lâm". Thế nhưng vị thủ tướng với trái tim "sư tử" đó đã không thắng nổi một phát súng nhắm vào ông. Ngày 14 tháng 11 năm 1930 (Shôwa 5), ông bị nhóm quá khích phái hữu phục kích ở nhà ga Tôkyô, bị trọng thương và qua năm sau (1931) thì mất.
---------------------------------

Chú thích:
[1] - Ôsugi Sakae người tỉnh Kagawa. Tốt nghiệp Đại học ngoại ngữ Tôkyô, hoạt động trong phong trào công đoàn vô chính phủ (anarcho-syndicalism), nhiều lần bị bắt giam. Ôsugi và vợ, bà Itô Noe (1895-1923) - một thành viên Hội bí tất xanh (Seitôsha) và Làn sóng đỏ (Sekirankai) - cũng như các bạn của họ đã bị đại úy hiến binh Amakasu Masahiko (1891-1945) giết hại trong trận động đất năm 1923. Ôsugi đã dịch và giới thiệu thiên tự truyện của nhà cách mạng vô chính phủ người Nga Kropotkin.

[2] - Tưởng Giới Thạch, chính trị gia Trung Quốc, quê Chiết Giang. Từng học quân sự ở Nhật. Tham gia Cách mạng Tân Hợi 1911 với Tôn Văn và trở thành phụ tá của ông. Sau điều quân bắc phạt thành công và trở thành chỉ huy tối cao của Quốc Dân Đảng. Có giai đoạn hòa hoãn với Đảng Cộng Sản để kháng chiến chống Nhật nhưng sau đổi qua chống Cộng triệt để. Năm 1949, thất bại trong cuộc phân tranh Quốc Cộng phải rút sang đảo Đài Loan và mất ở đấy.

[3] - Trương Tác Lâm, chính trị gia và quân nhân Trung Quốc, nguyên soái quân phiệt phái Phụng Thiên, người Liêu Ninh Hải Thành. Chiếm giữ vùng Đông Tam Tỉnh. Năm 1927, đánh nhau với quân đội Bắc phạt ở Hà Nam nhưng bại trận. Năm 1928, bị ám sát trong một vụ đặt chất nổ trên xe lửa. Nhân vì chính phủ Nhật Bản dấu nhẹm sự thực về cuộc ám sát này nên đã dẫn đến những biến cố trọng đại ở Mãn Châu.

[4] - Hamaguchi Osachi xuất thân từ tỉnh Kochi trên đảo Shikoku, là một nhà chính trị sống từ thời Meji đến đầu Shôwa. Tốt nghiệp khoa chính trị Đại học Tôkyô, ông phục vụ trong ngàmh tài chánh, viễn thông trước khi trở thành thứ trưởng tài chánh của Nội các Ôkuma rồi tổng trưởng tài chánh Nội các Katô Takaaki và tổng trưởng tài chánh, nội vụ nội các Wakatsuki Reijirô 1.Trở thành chủ tịch đảng Rikken Minseitô, 2 năm sau làm thủ tướng.

[5] - Inoue Junnosuke là nhà tài chánh ngân hàng trong giai đoạn Taishô Shôwa. Xuất thân tỉnh Oita trên đảo Kyuushuu. Tốt ngiệp Đại học Tôkyô năm 1896, sau đó làm việc trong giới ngân hàng. Từng du học ở Anh và làm việc ở chi nhánh của Ngân hàng Nhật Bản ở New York (1908). Năm 1911 trở thành Tổng tài (Governor) của Ngân hàng Nhật Bản.

[6] - Shina chỉ là diễn âm của chữ China (Tần) cũng như Chôsen là diễn âm của chữ Chosul (Triều Tiên) nhưng người Trung Quốc lẫn người Hàn Quốc rất ghét và xem như bị xúc phạm vì nó mang dấu ấn của thời quân phiệt.

[7] - Dĩ nhiên chúng ta phải hiểu những Kômoto Daisaku trong vụ đặt bom giết Trương Tác Lâm hay về sau Ishihara Kanji trong vụ Lư Câu Kiều chỉ là người ra mặt chứ đằng sau là cả một tập đoàn lấy quyết định.Jean Lequiller trong tác phẩm của ông gọi họ là "Những ông đại tá quân Quan Đông"(Les Colonels du Kouantoung) mà giây mơ rễ má dính chằng với những nhân vật quân sự quốc nội như các tướng tá như Tatekawa, Shigeto, Hashimoto, Nagata, Tôjô, Ninomiya, Koiso vv...Lại cũng nên biết rằng các hội đoàn ái quốc cực đoan mà thành viên hầu hết và quân nhân đã bắt đầu kết hợp từ năm 1918.

[8] - Trương Học Lương sau đó được phong làm phó tư lệnh tiểu phỉ vùng Đông Bắc để tiêu diệt lực lượng Cộng sản nhưng được họ thuyết phục, đã thay đổi thái độ. Đến nỗi có lần dụ Tưởng Giới Thạch đến bắt giam ở Tây An (1936) để buộc ông này hợp tác với Mao Trạch Đông trong một liên minh kháng Nhật cứu quốc. Sau vụ này, bị Tưởng - người anh em kết nghĩa - giam lỏng trong nhiều năm ở Đài Loan. Chết năm 2001 lúc đã 100 tuổi.