Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]             [ Tác giả ]

GIÁO TRÌNH LỊCH SỬ NHẬT BẢN 

Biên soạn: Nguyễn Nam Trân 

PHẦN III : MỞ CỬA VÀ DUY TÂN - THỜI ĐẠI MEIJI 

Chương IV : Chiến tranh Nhật Nga và bang giao quốc tế 
Tiết 1: Chính trị Nhật Bản sau cuộc chiến tranh Nhật Thanh và Nhật Nga. 
1.1 Thành lập nội các Ôkuma và Itagaki (Waihan naikaku = Phản Viên nội các):

Trong tiết này, chúng ta sẽ bàn một cách khái quát nhưng toàn bộ về tính chất cũng như chính trị thi hành bởi các nội các xuất hiện liên tiếp trên chính trường Nhật Bản từ sau cuộc chiến tranh Nhật Thanh cho đến cuối thời Meiji.

Như đã nhắc đến trong Chương 3, trận chiến Nhật Thanh đã làm thay đổi hoàn toàn chiều hướng chính trị ở quốc nội.Nội các và chính phủ đang đối đầu với nhau một cách kịch liệt bỗng nhiên không còn thấy có gì mâu thuẫn nữa. Tất cả sự hóa giải đều bắt nguồn từ ảnh hưởng của cuộc chiến tranh này. Quả là một sự kiện lạ lùng không ai ngờ tới.

Nhưng điều đó phải có lý do của nó. Đứng trước tình thế nguy ngập của nước nhà trước chiến tranh - cho dù khởi đi từ một cái cớ giả tạo - quốc dân đã một lòng đoàn kết, hợp tác với chính phủ đương nhiệm. Cụ thể là đề án ngân sách tăng gia quân bị do nội các Itô 2 đưa ra trong kỳ quốc hội lần thứ 7 đã được cả đại biểu trong nhóm Dân đảng (phe đối lập) ủng hộ. Ngân sách đặc biệt đó đã được quốc hội nhất trí thông qua.

Đáng lẽ ra khi chíến tranh đã kết liễu thì mọi việc sẽ trở lại như cũ nghĩa là các chính đảng tiếp tục tranh chấp, đấu đá. Nhưng không! Đảng Tự Do càng ngày càng tiến đến gần Itô Hirobumi. Đến quốc hội nhiệm kỳ thứ 9 thì họ hoàn toàn ủng hộ đề án ngân sách, khiến cho nó được thông qua dễ dàng. Xem như Đảng Tự Do nay trở thành một đảng thân chính quyền.

Để cảm ơn sự hợp tác ấy của Đảng Tự Do, Itô Hirobumi bèn mời kẻ địch thủ đáng gờm nhất của mình là Itagaki Taisuke làm Tổng trưởng nội vụ. Hành động này mới đây thôi cũng là một điều khó lòng tưởng tượng.

Năm 1896 (Meiji 29), khi nội các Itô 2 từ chức, Matsukata Masayoshi đứng ra thành lập nội các mới (gọi là nội các Matsukata 2).

Chúng ta còn nhớ Matsukata ngày xưa khi mưu toan thành lập nội các đã can thiệp mạnh mẽ vào cuộc tuyển cử của quốc hội nhiệm kỳ 2. Ông là nhân vật bị nhóm Dân đảng ghét cay ghét đắng. Thế mà con người trước đây từng hăm he, hung hăng đàn áp các chính đảng đối lập nay lại có thể liên kết với Đàng Tiến Bộ (Shinpotô = Tiến Bộ Đảng) - một Dân đảng - để thành lập nội các mới.

Đảng Tiến Bộ nói trên là liên minh của Đảng Lập Hiến Cải Tiến và 4 đảng phái nhỏ kèm thêm một số nghị viên độc lập, không thuộc khuynh hướng nào. Đảng phái mới này chỉ mới xuất hiện vào năm 1896 mà thôi.Họ nắm được khoảng 1/3 thế lực tại quốc hội.

Thủ tướng Matsukata bổ nhiệm ngay luôn cựu thủ lãnh của Lập Hiến Cải Tiến là Ôkuma Shigenobu vào chức vụ Tổng trưởng ngoại giao. Việc đó đã xảy ra vào năm 1898 (Meiji 31). Điều này là bằng chứng cho thấy từ lúc đó, muốn làm chính trị mà coi thường ý kiến của các chính đảng là không xong.

Chẳng bao lâu, đến phiên Itô Hirobumi đứng ra thành lập nội các. Đây là lần thứ 3 và vào năm 1898 (Meiji 31).Cũng đúng vào thời kỳ này, chính phủ nỗ lực tăng cường quân bị để chuẩn bị cho một cuộc đụng độ với Nga. Thế nhưng cả hai mặt thủy lục, họ hãy còn yếu kém.Do đó, giới quân nhân yêu cầu nội các đổ thêm nhiều tiền để khuếch trương sức mạnh quân sự. Itô nghĩ rằng nếu tăng thuế suất địa tô thì có thể có thêm tài nguyên cho món chi tiêu ấy nên đã trình lên quốc hội đề án tăng thuế.

Lúc ấy thì cả Đảng Tự Do lẫn Đảng Tiến Bộ đều cực lực phản đối.Lý do là kể từ khi quốc hội đầu tiên được lập ra, lập trường "khinh giảm địa tô" trước sau vẫn là lá chủ bài chính trị của các Dân đảng tức đảng đối lập. Nhường gì thì nhường chứ họ không thể nhường chính phủ về diểm này. Một khi đạo luật tăng tô được thông qua thì Đảng Tự Do nhất định sẽ mất ngay sự ủng hộ của tầng lớp phú nông và địa chủ.

Đảng Tiến Bộ vốn nhất trí với Đảng Tự Do trong việc chống dự án luật tăng tô, đã lợi dụng cơ hội này để tiến gần với họ. Không những sát cánh với nhau trong hành động phủ quyết dự án luật, hai bên còn kết hợp với nhau để thành lập một chính đảng mới có tên là Đảng Hiến Chính (Kenseitô).Như thế, trong quốc hội Nhật Bản từ đó đã có một chính đảng cực kỳ lớn nắm được đa số tuyệt đối các ghế.

Thủ tướng Itô liền kháng cự nhanh chóng bằng cách giải tán quốc hội. Biết rằng mình không thể điều hành công việc với quốc hội trong một tình huống như vậy, nội các Itô đi đến giải pháp cuối cùng là tổng từ chức.Nhân vật phiên phiệt Satsuma đều thù ghét thế lực Đảng Hiến Chính nên cũng không ai thèm đưa tên mình ra nhận lấy trách nhiệm tổ chức nội các mới.

Do đó khi Itô từ chức, ông đã tâu lên Thiên hoàng Meiji xin vời hai nhân vật của Đảng Hiến Chính là Ôkuma Shigenobu và Itagaki Taisuke ra lập chính phủ. Ông và các bạn hình như muốn nhắn với Đảng Hiến Chính rằng nếu các người không ưa chính trị phiên phiệt của chúng tôi thì hãy tự mình đứng ra lập nội các. Chúng tôi sẽ mở mắt xem các ông làm nên được trò trống gì.

Tuy Thiên hoàng Meiji hơi ngần ngại vì lo âu trong việc giao chính trị phiên phiệt xưa nay vào tay các chính đảng. Nhưng rồi ông cũng theo lời Itô mà gọi Ôkuma và Itagaki của Đảng Hiến Chính đến giao việc thành lập nội các.


Itagaki Taisuke ( 1837-1919)

Theo đó, trong nội các mới, Ôkuma Shigenobu giữ chức Thủ tưởng kiêm Tổng trưởng ngoại giao và Itagaki Taisuke, Tổng trưởng nội vụ.Ngoài hai chức tổng trưởng lục quân và hải quân thì chính vụ đều nằm trong tay các tổng trưởng đảng viên Đảng Hiến Chính.Đây là lần đầu tiên Nhật Bản có một nội các do chính đảng lập ra. Nội các của Ôkuma lần đó quả là một nội các lịch sử.

Đây là Nội các Ôkuma 1. Người viết sử lấy từ tên hai nhà lãnh đạo (Đại Ôi = Ôkuma, Phản Viên = Itagaki) một người một chữ để mệnh danh nó là Nội các Waihan (Ôi trong Đại Ôi = Wai, Phản trong Phản Viên = Han).

Như thấy ở bên dưới đây, sự kết hợp ấy không được lâu bền. Cũng không ai ngờ rằng chỉ trong vòng 4 tháng thôi, nó đã đi đến chỗ tan rã.Nguyên nhân chính của sự thất bại là do những cuộc tranh cãi có tính chất phe phái của các cựu thành viên Đảng Tự Do và Đảng Tiến Bộ nằm bên trong đảng.

Quá trình liên kết và phân rẽ giữa các chính đảng

Khuynh hướng trung hữu Khuynh hướng trung tả Khuynh hướng bảo thủ
Đảng Tự Do (1881)

(giải tán năm 1884)

Đảng Lập Hiến Cải Tiến (1882) Đảng Lập Hiến Đế Chính (1882) 
(giải tán năm 1883)
Đảng Lập Hiến Tự Do (1890) Ôkuma rời đảng (1884)

Ôkuma trở lại đảng (1891)

Đảng Tự Do (1891)

(Đảng trưởng Itagaki Taisuke làm Tổng trưởng Nội vụ Nội các Itô 2 từ tháng 4 đến 8 năm 1896)

Đảng Tiến Bộ (1896)

(Đảng trưởng Ôkuma Shigenobu làm Ngoại trưởng nội các Matsukata 2 từ tháng 9/1896 đến 11/1897)

Quốc Dân Nghị Hội (1892)

(Đảng trưởng là Saigô Tsugumichi, em trai Saigô Takamori)

Hai đảng trên kết hợp thành Đảng Hiến Chính (1898)

(Đảng này lần đầu lập nội các chính đảng, nội các Waihan: Ôkuma làm Thủ tướng, Itagaki Tổng trưởng nội vụ)

(Bốn tháng sau đảng lại phân rẽ làm 2 nhánh)

Đảng Hiến Chính (1898)

(Do các cựu thành viên Đảng Tự Do họp lại. Hợp tác với nội các Yamagata 2, đồng ý tăng tô thuế để tăng cường quân bị)

Hiến Chính Bản Đảng (1898) 

(Đảng gốc, do các cựu thành viên Đảng Tiến Bộ kết hợp. Đảng trưởng lại là Ôkuma Shigenobu)

Lập Hiến Chính Hữu Hội (1900)

(Đảng trưởng là Itô Hi robumi. Thành lập nội các Itô 4)

Lập Hiến Quốc Dân Đảng (1910)
Đảng trưởng Saionji Kintsune nhậm chức (1903) Lập Hiến Đồng Chí Hội (1913)

(Có sự tham gia của một số người trong Lập Hiến Quốc Dân Đảng)

Đảng trưởng Hara Takashi
nhậm chức (1914)
Đảng trưởng Inukai Tsuyoshi nhậm chức (1913) Katsura Keitarô lập kế hoạch kết đảng, chỉ được thực hiện sau khi ông chết. 

Đảng trưởng là Katô Takaaki

Trên thực tế, sau khi nội các ra mắt chẳng được bao lâu, các cựu thành viên của Đảng Hiến Chính gốc Đảng Tự Do đã tái lập một Đảng Hiến Chính mới. Trong khi đó những cựu thành viên gốc Đảng Tiến Bộ cũng ly khai ra và thành lập Hiến Chính Bản đảng. Nguyên nhân trực tiếp của sự phân liệt giữa người thuộc Đảng Hiến Chính cũ với nhau là sự kiện mang tên "Diễn thuyết về thể chế cộng hòa".

Nói một cách giản dị thì sự việc bùng nổ do lời ăn tiếng nói bất cẩn của Tổng trưởng giáo dục Ozaki Yukio (Vĩ Kỳ, Hành Hùng, 1858-1954). Ông bị buộc phải từ chức sau đó. Chỉ vì trong cuộc diễn thuyết ở một khóa học tập của tổ chức gọi là Đế quốc giáo dục hội, ông đã lớn tiếng công kích ảnh hưởng xấu của tiền bạc bên trong chính trị Nhật Bản. Đáng tiếc là những điều ông nói vẫn còn đúng cho cả 100 năm sau ngày đó!

Thế nhưng trong khi Ozaki hăng say phê phản bản chất kim tiền của chính trị Nhật Bản, ông đã hớ hênh khi buột miệng: "Đây là việc tuyệt đối không thể xảy ra nhưng nếu Nhật Bản trở thành một nước theo thể chế cộng hòa thì những kẻ giàu có như Mitsui hay Mitsubishi sẽ ứng cử vào chức Tổng thống".

Dĩ nhiên ông bị công kích tứ bề vì đã vi phạm vào điều 1 và điều 3 của hiến pháp Đế quốc Đại Nhật Bản xem uy quyền của Thiên hoàng là vạn thế nhất hệ, là thần thánh, tuyệt đối. Đặt vào bối cảnh của thời hiện đại thì phát ngôn của Ozaki chắc chắn không có vấn đề gì nhưng chúng ta đang ở giữa thời Meiji! Lời nói của Ozaki như thể phủ nhận tính tuyệt đối của thiên hoàng chế. Ngôn động bất cẩn như thế phải bị trừng trị.

Thế lực phiên phiệt xem đây là một cơ hội bằng vàng và thẳng tay công kích Ozaki. Nhân vì Ozaki là đảng viên Hiến Chính đến từ cựu Đảng Tiến Bộ cho nên ông trở thành cái đích của nhóm đảng viên đến từ cựu Đảng Tự Do. Rốt cuộc, Thiên hoàng Meiji - kẻ vốn không ưa gì sự hiện hữu của một nội các chính đảng - đã gửi người thân tín đến gặp Thủ tướng Ôkuma, yêu cầu bãi nhiệm Ozaki.


Ôkuma Shigenobu (1838-1922)

Không thể nghịch lại yêu cầu của thiên hoàng, rốt cuộc Ozaki tự mình từ chức. Đảng Hiến Chính đi đến chỗ phân rẽ nhân việc chỉ định người thay thế ông ở chức Tổng trưởng giáo dục. Kết quả là nội các chính đảng đầu tiên ở Nhật chỉ sống được một thời gian ngắn ngủi.

1.2 Sự thành lập Nội các Yamagata Aritomo và vai trò Lập Hiến Chính Hữu Hội:

Sau khi nội các chính đảng bị đổ, thay vào đó là một nội các do một người vượt lên trên chính đảng cầm đầu.Đó là nhân vật được xem là có uy tín trong giới quân nhân và quan liêu: Yamagata Aritomo (Sơn Huyện, Hữu Bằng, 1838-1922). Nội các này là Yamagata 2 vì đó là lần thứ nhì ông đứng ra thành lập chính phủ.

Dù biết tính chất của Yamagata, Đảng Hiến Chính (nhóm cựu đảng viên khuynh hướng Đảng Tự Do) tỏ ý sẽ đóng góp từ bên ngoài nội các. Trước kia họ cũng như những thành viên của Hiến Chính đến từ Đảng Tiến Bộ đều chủ trương chống đối việc tăng thuế (địa tô) đến cùng nhưng nay thì trong quốc hội, họ đã hiệp lực và chèn ép được nhóm nghị viên trong Hiến Chính Bản Đảng (hệ phái Đảng Tiến Bộ) giúp cho đề án tăng thuế của chính phủ được thông qua. Như thế, địa tô được tăng từ mức 2,5% lên 3,3% và sẽ được thực thi trong một kỳ hạn nhất định là 5 năm. Đảng Hiến Chính đã thay đổi phương hướng một cách rõ rệt vậy.

Sở dĩ họ chấp nhận sự chuyển hướng lớn lao như vậy có lẽ vì một khi đã nếm được cái vị ngon ngọt khi lãnh đạo chính trị, họ muốn duy trì vị trí của mình như một đảng cầm quyền. Thế nhưng họ không đạt được điều đó. Yamagata dễ gì để cho sức mạnh của các chính đảng đụng tới nấc quyền lực của giới quan liêu và sĩ quan quân đội. Ông đã dùng nhiều thủ đoạn như cải biên luật lệ cũ hay lập ra luật mới để thực hiện điều đó.

Trước tiên, vào năm 1899 (Meiji 32), ông đã thay đổi luật bổ nhiệm các quan văn. Cụ thể thì điều kiện bổ nhiệm quan chức đều đã được qui định rõ ràng rồi, thế nhưng việc bổ nhiệm các quan lớn như thứ trưởng trong các bộ (gọi là các sắc nhiệm quan - chokuninkan - bổ nhiệm theo sắc chiếu của thiên hoàng) thì không theo một qui tắc nào cả.Thông thường, thủ tướng hay các tổng trưởng chọn lựa các chokuninkan đó từ trong số những nhân vật ăn ý với mình.

Dưới thời nội các Waikan (Ôkuma-Itagaki)đảng viên Đảng Hiến Chính có nhiều người trở thành quan chức cao cấp. Như vậy, các vị quan cao đều là đảng viên. Đương nhiên, đảng phái chính trị sẽ có ảnh hưởng đến chế độ quan lại nữa nhà nước.

Yamagata vốn có tinh thần phiên phiệt và bảo thủ nên lấy làm lo âu. Ông mới lập ra qui định mới là những viên quan cao cấp dù là được bổ theo sắc lệnh thiên hoàng (chokuninkan) đi nữa, cũng phải thỏa mãn một số điều kiện như trúng tuyển kỳ thi cao đẳng của công nhân viên. Từ đó, cho dù có những nội các chính đảng ra đời nhưng những kẻ tay mơ (như đảng viên đảng chính trị mà thiếu tri thức và kinh nghiệm chuyên môn) cũng sẽ không có quyền trở thành công chức cao cấp.

Cùng lúc, chính phủ Yamagata đưa ra thêm hai lệnh mới gọi là lệnh phân chia quyền hạn (bungenrei = phân hạn lệnh) và lệnh trừng phạt ( chôkairei =trừng giới lệnh) các văn quan. Tuy nhiên lệnh này không liên quan đến các viên chức tối cao cấp gọi là tân nhiệm quan (shinninkan), tức là các đại thần (bộ trưởng), tỉnh trưởng, công sứ.

Đến năm sau thì qui chế dành cho các võ quan trong quân đội cũng được ban bố. Qui chế này nằm ngăn chặn việc các chính đảng ảnh hưởng đến nội tình quân đội.

Theo đó, các tổng trưởng lục quân và hải quân (lúc ấy chưa có không quân) phải là những đại tướng hoạc trung tướng hiện dịch. Điều đó có nghĩa là các tướng lãnh hồi hưu sẽ không có quyền điều khiển quân đội. Dĩ nhiên các chính trị gia xuất thân từ các chính đảng cũng bị coi như không đủ điều kiện thích hợp.


Yamagata Aritomo ( 1838-1922)

Thủ tướng Yamagata còn cho soạn ra một bộ luật mới gọi là luật trị an và cảnh sát. Mục đích của ông là dùng nó để đàn áp những phần tử gây rối xã hội như giới lao động, nông dân và thành niên các nhóm chính trị có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là những khuôn mặt mới đã xuất hiện vào thời điểm ấy, thay vào chỗ những nhà vận động tự do dân quyền. Bộ luật này đã ảnh hưởng sâu sắc đến tiến trình xã hội Nhật Bản nên đáng cho ta bỏ công xem nội dung nó là gì?

Luật trị an và cảnh sát gồm có 33 điều mà những điều chính là 1) những ai muốn lập hội hay tập họp đều phải làm đơn xin phép trước, 2) các thành phần như quân nhân, cảnh sát, giáo chức, học sinh và phụ nữ không có quyền tham gia các chính đảng và tham dự các cuộc hội họp hay diễn thuyết chính trị, 3) hạn chế và cấm chỉ việc người lao động, nông dân hay tá điền tập họp để khiếu kiện hay tranh đấu quyền lợi. Những ai vi phạm các điều luật kể trên đều sẽ bị xử phạt.

Có hai sự kiện đáng nhớ liên quan đến việc áp dụng trong thực tế bộ luật trị an và cảnh sát này. Trước tiên là việc Đảng Xã Hội Dân Chủ (Shakai Minshutô) chính đảng đầu tiên có khuynh hướng xã hội được thành lập ở Nhật vào năm 1901 (Meiji 34) đã bị giải tán ngay sau đó theo đúng tinh thần của bộ luật này. Sau đó phải nói đến trường hợp của Hội Người Phụ Nữ Mới (Shin Fujin Kyôkai = Tân Phụ Nhân Hiệp Hội) do các bà Hiratsuka Raichô và Ichikawa Fusae chủ trương, ra đời vào năm 1920 (Meiji 34). Hoạt động gan lì của phong trào tranh đấu đòi quyền sống của người phụ nữ đã lay chuyển quốc hội, khiến cho chính phủ phải nhượng bộ và cải chính điều 5 của bộ luật, cho phép người phụ nữ được tham gia các cuộc diễn thuyết chính trị. Có điều là hai sự kiện kia đã xảy ra cách nhau gần 20 năm.


Người phụ nữ mới Hirazuka Raichô (1886-1971)

Dù sao đi nữa, Đảng Hiến Chính cũng đã tỏ ra bất bình trước những chính sách về đảng phái do chính phủ Yamagata đưa ra và hăm dọa sẽ không chịu tiếp tục "hợp tác ngoài nội các" với họ nữa và sẽ trở thành đảng đối lập. Thế nhưng chính phủ vẫn bưng mắt bịt tai trước đòi hỏi này, không chịu mời một đảng viên Hiến Chính nào vào nội các cả. Đó là nguyên nhân làm họ không ủng hộ ông ta nữa.

Thoát ly xong, Đảng Hiến Chính (cựu Tự Do) bèn kết hợp với Hiến Chính Bản Đảng (cựu Tiến Bộ) để tìm cách lật đổ chính phủ Yamagata. Biết rằng lúc đó Itô Hirobumi đang có ý thành lập một chính đảng mới, họ bèn tiến tới gần chính khách có thực lực này. Phía Itô cũng thầm hiểu nếu không liên kết với một chính đảng, ông sẽ khó lòng sống yên ổn với quốc hội khi đã nắm chính quyền.Điều đó giải thích tại sao một chính đảng mới do Itô lãnh đạo đã ra đời.

Như thế, vào năm 1900 (Meiji 33), Đảng Hiến Chính giải tán, thay vào đó,Lập Hiến Chính Hữu Hội (Rikken Seiyuukai) khai sinh. Điều đáng làm ta ngạc nhiên vì nó là sự kết hợp giữa nước và lửa. Vào thời toàn thịnh của Đảng Tự Do (sau là Hiến Chính) thì Itô, ngôi sao của chính quyền phiên phiệt, là kẻ cừu địch trên trường chính trị. Do đó, sự kết hợp của họ khiến nhiều người không hiểu nổi. Một người như nhà tranh đấu thuộc khuynh hướng xã hội chủ nghĩa là Kôtoku Shuusui (Hạnh Đức, Thu Thủy) đứng trước cuộc kết hợp phi lý này đã viết trong tờ Yorozu Chôhô (Vạn Triêu Báo = Thời sự ban mai) bài báo nhan đề "Văn tế Đảng Tự Do", tỏ ý buồn cho tiết tháo của các đảng viên Hiến Chính, những người từng có một lý tưởng cao đẹp.

Lập đảng mới Seiyuukai (Lập Hiến Chính Hữu Hội) xong xuôi, Itô bèn cùng với họ tổ chức Nội các Itô 4. Ông không thể nào hành động khác hơn vì khi đảng của ông vừa lập xong, nội các Yamagata đã tổng từ chức và tiến cử Itô Hirobumi vào chỗ khuyết.

Giao chính quyền cho Lập Hiến Chính Hữu Hội ngay sau khi đảng này vừa mới thành lập và hãy còn đang ở trong tình trạng hỗn độn, không phải Yamagata có ý tốt lành gì. Ông chờ cho nó thất bại. Trong nội các mới, ngoài Ngoại trưởng Katô Takaaki và hai ông quân nhân Tổng trưởng Lục quân, Hải quân, còn lại đều là người của đảng. Như thế, Nội các Itô 4 là một nội các chính đảng.

Như có thể dự đoán, nội các này sống không lâu. Quý tộc viện phủ quyết những đế án tăng thuế (thuế đường ăn, thuế rượu) của nội các Itô 4. Họ đã làm khổ Itô thêm một keo nữa.

Cho dù Chúng viện (hạ viện) có thông qua đề án, vào thời đó, nếu Quý tộc viện (viên trên) ngăn cản thì đề án ấy không thể thành luật được, phải bị hủy bỏ. Mà Quý tộc viện là những ai ? Không gì khác hơn là tổ chức đồng minh của giới quan liêu và quân nhân đại diện cho phiên phiệt. Thành viên của họ là quí tộc, hoa tộc, quan lại được bổ nhiệm theo sắc chiếu của thiên hoàng hay những người đóng thuế cao. Dĩ nhiên đó là thành phần bảo thủ, hoặc dựa vào phiên phiệt, hoặc xuất thân từ đó. Xưa nay họ vẫn đứng về phe chính phủ và đối lập với nhóm Dân đảng. Điều mĩa mai đối với Itô là chính ông đã tạo dựng ra Quí tộc viện để giúp mình làm việc cho trơn tru. Nay thì hậu quả lại đi ngược với điều ông mong muốn. Thật là gậy ông đập lưng ông.

Trong cuộc đối đầu giữa chính trị phiên phiệt và chính trị chính đảng lần này, quí tộc viện đã chọn chính trị phiên phiệt. Ta không lấy làm lạ khi họ đã bỏ phiếu chống Nội các Itô.

Điều duy nhất đáng ngạc nhiên chăng là lần này, Đảng Hiến Chính (cựu Tiến Bộ) lại tiến gần Quí Tộc Viện và công kích nội các đến nơi đến chốn. Phải chăng vì Đảng Hiến Chính chưa quên mùi vị của quyền lực từng nếm khi Ôkuma Shigenobu, đảng trưởng của họ, giữ vai trò thủ tướng, nên mới có hành động như thế.

Bị cả Hiến Chính Bản Đảng và Quí Tộc Viện xúm lại công kích, Nội các Itô 4 rốt cuộc đã tổng từ chức vào năm 1901 (Meiji 34).

1.3 Thời đại của Katsura và Saionji (Quế Viên thời đại):

Người nhận lãnh trách nhiệm lèo lái Nhật Bản sau Itô là Katsura Tarô (Quế, Thái Lang). Lần đầu tiên tên ông được nhắc đến, chỉ biết ông là đàn em của Yamagata. Dĩ nhiên sau lưng ông, ủng hộ viên toàn là người của phiên phiệt. Lúc đó, thành phần chủ yếu trong nhóm phiên phiệt là quan liêu, quân nhân và Quí Tộc Viện.

Cớ sao Yamagata hãy còn sung sức mà chịu đưa một chính trị gia đàn em ra nhận chức thủ tướng? Có lẽ vì đã đến thời thế hệ già phải giao quyền bính lại cho thế hệ trẻ. Bởi vì từ đó về sau, cả Yamagata lẫn Itô không còn đứng ra lãnh những chức vụ hàng đầu nữa. Điều đó không có nghĩa là họ hoàn toàn cắt đứt liên lạc với chính trường. Cho đến lúc chết, hai người vẫn đứng đằng sau để giật giây như truyền thống của chính trị Nhật Bản.

Cả hai ông Itô và Yamagata đều có chức vị gọi là Genrô (Nguyên lão). Đây là danh xưng của người phụ tá cho thiên hoàng.Tuy nhiên đó không phải là một chức vụ chính thức qui định bởi pháp luật. Nhân vì lúc quốc hội vừa mới thiết lập, Thiên hoàng Meiji có hạ chiếu cho Itô Hirobumi và Kuroda Kiyotaka yêu cầu họ cố vấn và giúp đỡ mình vào những lúc quốc gia hữu sự, xem họ như những trọng thần của nhà nước.

Về sau, con số nguyên lão đã lên đến 8 người. Đó là 1) Itô Hirôbumi (Chôshuu), 2) Kuroda Kiyotaka (Satsuma), 3) Yamagata Aritomo (Chôshuu), 4) Matsukata Masayoshi (Satsuma), 5) Inoue Kaoru (Chôshuu), 6) Saigô Tsugumichi (Satsuma), 7) Ôyama Iwao (Satsuma) do Thiên hoàng Meiji và 8) Saionji Kinmochi (công khanh), người duy nhất do Thiên hoàng Taishô bổ nhiệm. Ngoài Saionji vốn là công khanh của triều đình, tất cả 7 người khác đều xuất thân từ phiên phiệt Satsuma và Chôshuu (nếu kể thêm Katsura Tarô của Chôshuu đến sau nữa là 9 nguyên lão). Họ đều là những kẻ có thực lực nhất của thế lực 2 địa phương Satsuchô (Sát Trường).

Danh sách các Nguyên lão

Nhân vật Thời gian 
chức vụ
Xuất thân Chức vụ trước khi trở thành Nguyên lão
1 Itô Hirobumi 1889-1909 Chôshuu Tham nghị, Tồng trưởng nội vụ, Thủ tướng
2 Kuroda Kiyotaka 1889-1900 Satsuma Tham nghị, Khai thác sứ Hokkaidô, Thủ tướng
3 Yamagata Aritomo 1891-1922 Chôshuu Tham nghị, Lục quân đại thần, Thủ tướng
4 Matsukata Masayoshi 1898-1924 Satsuma Tham nghị, Tài chánh đại thần, Thủ tướng
5 Inoue Kaoru 1904-1915 Chôshuu Tham nghị, Ngoại giao đại thần, Tổng trưởng ngoại giao [1]
6 Saigô Tsugumichi ? - 1902 Satsuma Tham nghị, Tổng trưởng hải quân, Tổng trưởng nội vụ
7 Katsura Tarô 1911-1913 Chôshuu Tổng đốc Đài Loan, Tổng trưởng lục quân, Thủ tướng
8 Ôyama Iwao 1912-1916 Satsuma Tham nghị, Lục quân đại thần, Tổng trưởng lục quân
9 Saionji Kinmochi  1912-1940 công khanh Thủ tướng, Đảng trưởng Lập hiến chính hữu hội

Theo ý chỉ của thiên hoàng Meiji, nhiệm vụ của các nguyên lão là cho ông biết ý kiến về việc bổ nhiệm thủ tướng. Các nguyên lão sẽ họp lại thành một hội đồng gọi là Genrô kaigi (Nguyên lão hội nghị), bàn định với nhau và đề cử một ai đó trình lên thiên hoàng. Điều ấy sau đó đã trở thành tập quán là người đứng đầu nội các phải là nhân vật được hội đồng này đề cử. Ngoài nhiệm vụ trọng đại này, Hội đồng nguyên lão còn nhúng tay vào những sự kiện quan trọng khác như việc thiết lập quan hệ đồng minh (Đồng minh Nhật Anh) hay khai chiến với ngoại quốc (chiến tranh Nhật Thanh và Nhật Nga).

Nguyên lão còn ở lại đến cuối cùng (1940) là Saionji . Ông vón Đảng trưởng Seiyuukai (gọi tắt Lập Hiến Chính Hữu Hội) cho nên đã lợi dụng quyền hạn trong Hội đồng nguyên lão của mình để tiếp tục hành sử chính trị chính đảng. Ông dồn hết tâm lực, khéo léo điều chỉnh mối quan hệ giữa giới quan lại và chính trị gia để tạo nên một thời kỳ hoàng kim của chính trị chính đảng trong lịch sử cận đại Nhật Bản, giai đoạn từ cuối đời Taishô (1912-1926) bước qua đầu Shôwa (1926-1969). Thời ấy nay còn được biết dưới cái tên là thời của "hiến chính thường đạo" (kensei no jôdô).

Khi quân phiệt bắt đầu nắm được vai trò chủ đạo trong chính trị Nhật Bản vào năm 1935 (Shôwa 10), ảnh hưởng của Saionji dĩ nhiên phải tàn lụi. Sau khi ông qua đời, chức vụ nguyên lão không còn tồn tại nữa.

Trở lại câu chuyện thời Meiji thì sau khi nội các Katsura 1 cáo chung, chính Saionji (Tây Viên Tự) với tư cách là người lãnh đạo Seiyuukai đã đứng ra thành lập nội các. Nếu Katsura là đàn em của Yamagata thì Saionji là đàn em của Itô vì ông là nhân vật của Seiyukai như Itô.

Nội các Saionji 1 sau đó đã trao quyền lại cho Nội các Katsura 2 và Nhật Bản trở về con đường phiên phiệt. Tiếp đến, Katsura 2 phải để chỗ cho Saigonji 2. Chẳng bao lâu đến lượt Katsura 3. Hai bên cứ thay qua đổi lại như thế. Do đó có thể xem như trong khoảng 10 năm cuối thời Meiji, thế lực phiên phiệt của Katsura (Quế) và thế lực chính đảng của Saionji (Tây Viên Tự) thay nhau đảm đương chính vụ. Nhân thế người ta bèn một chữ trong tên của mỗi ông và ghép lại để mệnh danh nó là Quế viên thời đại (Keienjidai) tức là "thời vườn quế". Hình thức chơi chữ này rất phổ biến ở Nhật.

Dù vậy, phải nói là trong cái vườn quế đó, vẫn có hai chính trị gia lão luyện là Itô (thế lực Seiyuukai) và Yamagata (thế lực phiên phiệt) đứng đằng sau để giật giây.

Sau đây xin tóm tắt những chuyển biến chính trị quan trọng đã xảy ra vào thời Kỳ Quế viên (5 nội các):

1) Nội các Katsura 1 (1901-06): Phê chuẩn hiệp định Bắc Kinh (1901), Nhật Anh đồng minh (1902), Chiến tranh Nhật Nga (1904), Hòa ước Portsmouth (1905), Vụ đập phá phóng hỏa ở Hibiya (1905), Điều ước Nhật Hàn lần thứ 2 (1905), Đảng Xã hội Nhật Bản ra đời (1905), Luật quốc hữu hóa hệ thống đường sắt (1906).

2) Nội các Saionji 1 (1906-08): Vụ mật sứ Den Haag (The Hague) (1907), Hiệp ước Nhật Hàn lần thứ 3 (1907), Hiệp ước Nhật Nga lần thứ nhất (1907).

3) Nội các Katsura 2 (1908-11): Sắc chiếu năm Mậu Thân (1908), Cuộc vận động cải cách địa phương (từ 1908 trở đi), Hội quân nhân đế quốc tại quê quán (Teikoku zaigô gunjinkai, 1910), Vụ án đại nghịch (1910), Việc thôn tính Triều Tiên (1910), Luật về công xưởng (1911), Điều ước thông thương hàng hải Nhật Mỹ (1911).

4) Nội các Saionji 2 (1911-12): Thành lập Yuuaikai (Hữu Ái hội, 1912), Lời yêu cầu thàng lập thêm 2 sư đoàn bị từ chối (1912), Lục quân đình chỉ công tác (1912), Thiên hoàng Meiji băng hà (1912).

5) Nội các: Katsura 3 (1912): Vận động "hộ hiến" lần đầu tiên (1912), Chính biến Taishô (1912)

Những sự kiện kể trên có cái đã được giải thích, có cái chưa. Những gì chưa đề cập đến, sẽ được lần được nhắc lại rõ ràng hơn. Điều quan trọng mà chúng ta nên nhớ là tính cách của các nội các do hai nhân vật Katsura và Saionji đứng ra lãnh đạo cũng như sự thay phiên nhau của chúng.


Thủ tướng Katsura Tarô ( 1848-1913), 
lãnh đạo thời Chiến tranh Nhật Nga.

Trước tiên, nội các Katsura 1 tuy có bền lâu (1901-06) nhưng đã tổng từ chức khi vụ phóng hỏa đập phá ở công viên Hibiya xảy ra.Sau đó, nhờ có sự mở mang các thiết bị như đường sắt và bến cảng trên sông trên biển mà Lập Hiến Chính Hữu Hội - được sự hỗ trợ của các thế lực từ địa phương - đã trở nên hùng mạnh và đủ sức đưa Saionji lên nắm chính quyền vào năm 1906 (Meiji 29). Saionji là một thủ tướng xuất thân từ tầng lớp công khanh, chứ không phải là người của Satsuma và Chôshuu như vẫn thấy cho đến nay.

Đến năm sau (1907), qua lần bầu cử thì Seiyuukai thắng lớn. Thế nhưng, cuộc khủng hoảng hậu chiến (trận Nhật Nga) đã xảy ra làm cho mọi hoạt động để phát triển đều phải ngừng lại. Thêm vào đó là vụ cờ đỏ (mà ta sẽ bàn đến sau), tất cả làm cho chính phủ bị nhóm phiên phiệt phê bình kịch liệt là đã quá yếu ớt lỏng lẻo trước nhóm người theo xã hội chủ nghĩa. Nội các Saionji 1 phải tổng từ chức và trao quyền cho Katsura (Nội các Katsura 2). Dĩ nhiên, cơ sở của nhóm ủng hộ thủ tướng mới không phải là các chính đảng nhưng là thành phần quan lại và Quí Tộc Viện.

Nội các Katsura 2 đánh mất lòng tin của dân chúng từ sau chiến thắng của Nhật Bản trước người Nga vì họ không còn thấy có mục đích, niềm hy vọng và hình ảnh một tương lai mình đã làm tất cả để hy sinh cho nữa.Họ bắt đầu đánh dấu hỏi về "chủ nghĩa quốc gia", lo lắng khi thấy phong tục và tư tưởng càng ngày càng xuống dốc và phải yêu cầu Thiên hoàng Meiji hạ chiếu chỉ có tên là chiếu thư năm Mậu Thân.

Nội dung của chiếu thư đòi hỏi thần dân "phải siết lại những chỗ lỏng lẻo, ra sức làm việc một cách nghiêm túc. Phải học hỏi, phải kiệm ước để đưa nước nhà đến chỗ phồn vinh và hùng mạnh". Nói chung, thiên hoàng đòi hỏi thần dân phải để ý đến lời huấn dụ của ông mà cố gắng thêm nữa.

Lời huấn dụ cũng yêu cầu các vùng nông thôn nơi mà cuộc sống vật chất cũng như tinh thần suy thoái phải tái kiến tài chính, mở những cuộc hội họp và thảo luận với nhà đương cục (Bộ nội vụ, công chức cũng như những người có tên tuổi ở địa phương để có những hoạt động nhằm cải thiện một cách cụ thể cuộc sống của mình. Những hoạt động ấy nằm trong khuôn khổ "Cuộc vận động cải cách địa phương". Cũng trong chiều hướng ấy, tổ chức trở lại và củng cố những Hội thanh niên, một hình thức đã có trong các thôn xóm thời xưa. Không những thế, còn có giải pháp thành lập Hội quân nhân đế quốc sống tại chỗ (tại hương quân nhân = lính sống ngay quê quán mình). Trong mỗi tỉnh thành thôn xóm, chính phủ đều tổ chức cho nó những đơn vị cơ sở cấp thấp hơn.

Sau khi một loạt chính sách như thế được đề ra, Katsura vì muốn ngân sách có điều khoản tăng gia quân bị cho hải quân của mình được quốc hội thông qua, đã xin Seiyuukai (Lập Hiến Chính Hữu Hội) đồng tâm nhất trí (jôi tôgô = tình ý đầu hợp) hiệp lực cho. Lúc đó, hình như Thủ tướng Katsura đã đặt điều kiện ngầm với họ nếu dự án luật thành công, ông sẽ trao chính quyền lại cho Seiyuukai. Có lẽ vì thế mà chỉ trong vòng vài tháng sau, Saionji đã đứng ra thành lập nội các mới (Saionji 2).


Thủ tướng ôn hòa Saionji Kinmochi ( 1849-1940), 
cũng là chức nguyên lão cuối cùng.

Nội các Saionji 2 vì muốn giải tỏa những khó khăn về tài chính, đã thi hành một chính sách cực kỳ khắc khổ, trong đó có cả việc từ chối yêu cầu tăng cường cho quân đội 2 sư đoàn mới. Vì bị lục quân phê phán mãnh liệt, nội các này không biết làm gì hơn là tổng từ chức.

Như vậy, Katsura Tarô có cơ hội trở lại làm thủ tướng thêm một lần thứ 3. Thế nhưng ông cũng không tránh được việc bị quốc dân chống đối dữ dội, đành bỏ cuộc chỉ 50 ngày sau khi nhậm chức.

Riêng chi tiết về sự chuyển tiếp từ nội các Saionji 2 qua Katsura 3 sẽ được trình bày trong những trang sau.

Tiết 2: Chia cắt Trung Quốc sau trận Nhật Thanh. Chiến tranh Nhật Nga bùng nổ. 
2.1 Liệt cường xâu xé Trung Quốc:

Sau cuộc chiến tranh Nhật Thanh, liệt cường Âu Mỹ kẻ trước người sau tiến vào Trung Quốc, mượn danh nghĩa mướn đất đai làm tô giới (tô tá) để mưu biến nước này thành thuộc địa. Trung Quốc đã bị liệt cường thi nhau xâu xé.Tuy là gián tiếp nhưng Nhật Bản cũng không thể từ chối phần trách nhiệm đầu tàu của mình trong đó. Chỉ vì liệt cường đã nhìn thấy chiến thắng quá dễ dàng của Nhật Bản trước quân Thanh (1894-95).

Dĩ nhiên trước đó đã có việc người Anh gây ra cuộc Chiến tranh nha phiến (1840-42), vũ tàu Arrow (1856) và chính sách mở rộng bờ cõi về hướng nam của người Nga. Thế nhưng, hồi đó, liệt cường còn đang lo lắng dè chừng không biết nếu mình kích động quá mạnh và quá trực tiếp thì nhà Thanh - "con sư tử đang ngủ" - sẽ đi đến phản ứng dữ dội như thế nào. Nay thì qua chiến cuộc Nhật Thanh, họ đã nhìn ra chỗ yếu của nước này. "Con sư tử đang ngủ" cũng lại là "Á Đông bệnh phu" và họ đều nghĩ rằng nay thì thời cơ đã đến, không có quyền chần chờ nữa.

Sau đây xin liệt kê những vùng cát cứ (tô giới) của liệt cường trên đất nước Trung Quốc:

- Đức à Bán đảo Sơn Đông và Giao Châu Loan (1898). Loan có nghĩa là vùng đất ven hồ hay cửa sông, cửa biển.

- Nga à Bán đảo Liêu Đông, Lữ Thuận, Đại Liên Loan (1898).

- Anh à Bán đảo Cửu Long, Uy Hải Vệ (1898)

- Pháp à Quảng Châu Loan (1899)

Một khi đã có tô giới, liệt cường bèn cho đặt ngay đường sắt và xúc tiến việc xây dựng những thành phố kiểu Âu châu.

Lúc bấy giờ Hoa Kỳ khi thấy cảnh liệt cường đua nhau xâu xé Trung Quốc cũng cảm thấy rằng mình cần phải tăng tốc độ tham dự vào cuộc bành trướng thế lực.

Đúng ra thì hồi năm 1823, tổng thống Mỹ đương nhiệm là James Monroe (1758-1831, tại chức 1817-25) có lần ra tuyên ngôn: "Chúng tôi không can dự vào việc của các nước Âu châu và mong rằng các nước cũng không can thiệp vào việc của chúng tôi (Chủ thuyết Châu Mỹ của người Mỹ, Monroe Doctrine). Từ sau đó, nước Mỹ vẫn giữ đúng lập trường "bất can thiệp" (non interventionism) và theo "chủ nghĩa cô lập" (isolationism). Thế nhưng sang đến năm 1899 thì ngoại trưởng Mỹ là John Hay đã gửi thông tri đến liệt cường lẫn Nhật Bản với đại ý: "Các nước đã tự tiện qui định phạm vi ảnh hưởng của mình đối với Trung Quốc nhà Thanh nhưng trong khu vực mình quản lý, xin hãy bảo đảm quyền tự do mậu dịch cho cả chúng tôi nghĩa là mở rộng cửa ngõ chứ không khép kín". Như thế, Hoa Kỳ cũng bắt đầu lộ bản ý muốn tiến vào đất Trung Quốc.

Cũng nên nói thêm rằng, trước đó một năm, Hoa Kỳ đã thôn tính quần đảo Hawai và chiếm lĩnh quần đảo Phi Luật Tân.

Trong thời đại Trung Quốc bị chia ba xẻ bảy như thế thì Nhật Bản đã nhúng tay vào nơi nào ? Chúng ta còn nhớ, vùng đất đầu tiên vào tay Nhật Bản chính là Đài Loan.

Đảo Đài Loan sau Điều ước Hạ Quan (Shimonoseki, 1895, Meiji 29) đã bị Trung Quốc đem cắt nhượng cho Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên, Nhật Bản có thuộc địa ở nước ngoài.Người dân Đài Loan chống đối lại quyết định cắt đất này khá dữ dội nhưng họ đã bị chính phủ Meiji dùng võ lực đàn áp triệt để. Cùng năm đó, người Nhật đã cử viên tướng trông coi về trị an nội bộ của hải quân là đại tướng Kabayama Sukenori (Hoa Sơn Tư Kỷ, 1837-1922) làm Tổng đốc Đài Loan để tổ chức mạng lưới cai trị đảo này. Năm sau thì nhà nước định điều lệ là người giữ trách nhiệm tổng đốc (tổng trấn) của đảo từ đây phải là một sĩ quan cao cấp xuất thân lục hay hải quân.

Lần hồi, Nhật Bản đã lợi dụng Đài Loan như cứ điểm để bành trướng sang vùng đối ngạn trong đại lục, đó là tỉnh Phúc Kiến.Từ đó, Nhật Bản đã góp mặt với liệt cường và làm không khác gì những quốc gia này trong việc xâu xé lãnh thổ Trung Quốc.

Trước đây chúng ta đã tìm hiểu "Thoát Á Luận" của Fukuzawa Yukichi nhưng tiếc thay và không còn ngờ vực gì nữa, chính lý luận của ông đã trở thành phương châm cho hành động thực dân của chính quyền Nhật Bản đương thời.

Dân chúng Trung Quốc nhà Thanh dĩ nhiên vô cùng đau khổ, nhục nhã và căm phẫn trước tình hình bi thảm của nước nhà. Được quần chúng ủng hộ trong bối cảnh ấy, một tổ chức chính trị và quân sự mang tên Nghĩa Hòa Đoàn đã dấy lên mạnh mẽ. Nghĩa Hòa Đoàn nguyên phát xuất từ một giáo đoàn mới nổi lên lại là Bạch Liên Giáo. Họ tuyên truyền rằng nếu đọc thần chú, đốt bùa lấy tro uống với nước thì sẽ có gồng, không bị chết cho dù có tên bay đạn bắn. Họ còn chủ trương phải rèn luyện thân thể bằng cách tập tành vũ nghệ theo một phương pháp đặc biệt. Ngưòi Tây phương nhân đó gọi phong trào của họ một cách khinh bỉ là Boxers'Rebellion, Boxers' Uprising, dịch sang chữ Hán là Quyền phỉ. Những cuộc tranh hùng trong phim ảnh Kung fu (Công phu) mà ta thấy bây giờ cho ta thấy phần nào cách chiến đấu bằng đao kiếm quyền cước của họ.

Họ giương ngọn cờ "Phù Thanh diệt Dương" và dần dần mở rộng phạm vi ảnh hưởng. Ý nghĩa của chiêu bài là giúp nước (Thanh triều) và đánh đuổi người ngoài (Tây dương). Đặc biệt phong cách bài ngoại của họ rất triệt để. Dĩ nhiên Nhật Bản cũng nằm trong nhóm Tây dương mà họ xem như đối tượng phải đánh đuổi.

Cuộc nổi loạn này nhờ sự ủng hộ của quốc dân đã lên đến cao trào khi họ chiếm cứ được tỉnh Sơn Đông. Đến năm 1900 (Meiji 33), họ vào được thủ đô Bắc Kinh và đưa đến việc bao vây các công sứ quán ngoại quốc. Sử chép đó là Loạn Nghĩa Hòa Đoàn (1899-1900).

Thay vì trấn áp cuộc nổi loạn này, Thanh triều đã lợi dụng Nghĩa Hòa Đoàn làm vây cánh, ra cả bố cáo tuyên chiến với liệt cường. Trước việc đó, Nhật Bản cũng như các cường quốc phương Tây (Anh, Nga, Pháp...) tất cả là 8 nước, đã gửi quân đội đến Bắc Kinh, cùng nhau đàn áp Nghĩa Hòa Đoàn và buộc triều đình nhà Thanh phải đầu hàng (Bát quốc liên quân).

Tất cả những biến động này được mệnh danh là "Bắc Thanh sự biến" vì sân khấu của nó là hai vùng Sơn Đông và Bắc Kinh, miền bắc Trung Quốc.

Năm 1901 (Meiji 34), giữa các nước trong nhóm liên quân và triều đình nhà Thanh, một nghị định thư đã được ký kết (Bắc Kinh nghị định thư). Theo đó, nhà Thanh phải trả một số tiền bối thường chiến phí cho các nước, cho phép các vùng có công sứ quán trú nhậm hưởng trị ngoại pháp quyền cũng như cho phép các công sứ quán được bố trí quân đội để bảo vệ mình. Như thế, nhà Thanh lại phải chấp nhận thêm một lần nữa sự có mặt của quân đội ngoại quốc đồn trú.

2.2 Quá trình liên kết đồng minh Nhật Anh:

Trong khoảng thời gian này, liên kệ giữa Nga và Nhật Bản đột nhiên xấu hẳn. Như đã nói bên trên, sau khi 3 nước (Nga, Pháp, Đức) gây áp lực (Tam quốc can thiệp, 1895) để Nhật Bản phải nhả bán đảo Liêu Đông (nơi có hai cảng Lữ Thuận và Đại Liên) thì năm 1898 (Meiji 31), Nga đã nhảy vào để ký một hiệp ước mướn hai hải cảng ấy với thời hạn là 25 năm.

Dân chúng Nhật tất nhiên là bực mình, nhưng hơn thế nữa, kể từ sau Bắc Thanh sự biến, quân đội Nga không kéo về nước mà tiếp tục để lại một lực lượng lớn đồn trú ở Mãn Châu (hiện là vùng Đông Bắc Trung Quốc) Họ không buồn triệt binh và trên thực tế, muốn giữ vùng đó làm của riêng. Sau này, họ đã dần dà gây áp lực với nhà Thanh để triều đình chính thức chấp nhận quyền lợi độc chiếm của họ đối với Mãn châu.

Chúng ta còn nhớ chính vì Nhật Bản muốn đòi hỏi nhà Thanh phải triệt thoái khỏi Triều Tiên để nước này thoát ra ngoài vòng ảnh hưởng của họ mà cuộc Chiến tranh Nhật Thanh đã bùng nổ. Và trước đó thì Nhật Bản lại muốn xem Triều Tiên như một biên giới vòng ngoài của mình để bảo vệ từ xa trước nguy cơ một cuộc xâm lăng nước mình từ phía người Nga (Ít nhất, đây chỉ là cách suy nghĩ của người Nhật nói chung thời đó).

Do ảnh hưởng cuộc chiến tranh Nhật Thanh mà tình hình giữa hai nước Nga Nhật xấu đi. Đã đành có việc Nga chiếm đóng Mãn Châu nhưng thêm vào đó, còn có dấu hiệu cho thấy Nga cũng đang nới rộng thế lực của mình trong nội bộ Triều Tiên.

Trong Điều ước Hạ Quan, có điều khoản nhà Thanh nhìn nhận Triều Tiên là một quốc gia độc lập. Nhưng thực ra, điều khoản ấy đã trở thành vô nghĩa. Bởi vì trên nguyên tắc, một khi đã là quốc gia độc lập rồi thì Triều Tiên muốn chơi với ai cũng được. Họ có thể thân với nhà Thanh, thân với Nga mà không cần biết Nhật Bản nghĩ gì. Họ bắt đầu muốn thoát ngoài vòng ảnh hưởng của Nhật Bản.

Mặt khác, vì có chính sách tiến xuống miền nam cho nên người Nga xem việc Nhật Bản muốn đặt Triều Tiên dưới ảnh hưởng của mình tự thể cũng là một thái độ vi phạm điều khoản qui định "Triều Tiên là một quốc gia độc lập". Cho nên người Nga mới tìm cách tiếp cận triều đình Triều Tiên, khuyên họ nên tuyên cáo rằng người Triều Tiên muốn nắm giữ thực quyền.

Để phòng ngừa việc Nga và Triều Tiên quá gắn bó với nhau, năm 1895 (Meiji 28), Nhật Bản đã ám sát người có thực lực trong triều đình Triều Tiên là bà Mẫn phi. Điều đó làm cho người Triều Tiên phẫn nộ và người ngoại quốc cũng phải chau mày. Quốc vương Triều Tiên sợ hãi, lánh mình vào Đại sứ quán Nga để nhờ bảo vệ. Như thế việc làm của Nhật là một thất sách đưa đến kết quả là Triều Tiên đi theo con đường thân Nga! Chính quyền Meiji rất khổ sở, nhất là nhìn vào hiện trạng thì ở Mãn châu nghĩa là ngay phía bắc Triều Tiên, có một lực lượng quân sự quan trọng của Nga đang đồn trú.

Sau khi Nga đã chiếm lĩnh được Triều Tiên như thế, trong nội bộ chính phủ Nhật Bản, có hai lối suy nghĩ khác nhau về đường hướng đối ngoại:

Một phái cho rằng phải tiếp tục thỏa hiệp mới Nga như từ trước đến nay. Phái thứ hai chủ trương đây là lúc cần có những hành động cứng rắn.

Chiêu bài của phải thứ nhất là "Mãn Hàn giao hoán".Mãn là Mãn Châu, Hàn tức Triều Tiên, Hàn Quốc. Triều Tiên hay Hàn Quốc chính ra chỉ là một. Năm 1897 (Meiji 30), quốc hiệu của Triều Tiên (tên cổ) được cải thành Đại Hàn đế quốc. Cho nên trong sách này, chúng ta có dịp dùng được cả hai.

"Mãn Hàn giao hoán" nghĩa là đánh đổi Mãn với Hàn. Theo đó thì Nhật Bản sẽ chấp nhận sự cai trị của Nga ở Mãn Châu, bù lại, Nga sẽ nhìn nhận quyền lợi của Nhật Bản trên lãnh thổ Hàn Quốc. Điều đó trên nguyên tắc sẽ được ghi trong Nhật Nga thông thương điều ước một khi hai bên đồng ý. Phía Nhật, người đề xướng nó là Itô Hirobumi. Ông đã sang cả bên Nga để thương lượng. Thế nhưng không có kết quả và mọi việc sau đó đã chìm lắng.

Những người theo giải pháp thứ hai (cứng rắn) thì cho rằng phải thành lập một đồng minh quân sự với Anh để đối đầu với Nga, bắt buộc họ nghe tiếng nói của mình trong vấn đề Triều Tiên. Nếu Nga vẫn không nghe theo thì sẽ không từ nan nếu có chiến tranh.

Phái cứng rắn được đa số ủng hộ. Có lẽ là do khí thế "quốc gia chủ nghĩa" đang phừng phừng lúc đó.Nhất là giới báo chí truyền thông đã góp phần không nhỏ vào chuyện châm ngòi lửa ấy.

Dĩ nhiên trong quần chúng Nhật Bản không phải không có những người lên tiếng chống cuộc chiến ấy. Tiếc rằng họ chỉ là một nhóm nhỏ so sánh với khí thế của đa phần xã hội thời ấy.

Về những người phản chiến, ta có thể kể đến nhà tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa khuynh hướng Ki-tô giáo tên là Uchimura Kanzô (Nội Thôn, Giám Tam, 1861-1930). Ngoài ra, phải nói đến hai trí thức khuynh hướng xã hội chủ nghĩa là nhà văn Kôtoku Shuusui (Hạnh Đức, Thu Thủy, 1871-1911 và nhà báo Sakai Toshihiko (Giới, Lợi Ngạn, 1870-1933). Nữ thi nhân thơ waka là bà Yosano Akiko (Dữ Tạ Dã, Tinh Tử, 1878-1942) cũng đã góp tiếng nói vào phong trào chống chiến tranh trong bài thơ gửi cho người em trai vừa nhận được lệnh tòng quân: Kimi shi ni tamau koto nakare (Em ơi, đừng để phải chết nhé!), nhắn nhủ em nhớ gìn giữ mạng sống để có một ngày về vì bà thấy cuộc chiến tranh vô ý nghĩa.Bài thơ được đăng trên tạp chí thi ca Myôjô (Sao Kim). May mắn là em bà đã trở về vô sự sau cuộc chiến ác liệt này và sống đến thời Shôwa.

Nhân đây thiết tưởng cũng nên mở một dấu ngoặc để nói thêm về tình hình văn hoá xã hội (sesô = thế tướng = social conditions) dưới thời Meiji mà chúng ta thấy đi cùng chiều với những chuyển biến lịch sử đương thời.
 

Các trào lưu tư tưởng

Về mặt tư tưởng thì khi bắt đầu tiếp nhận ảnh hưởng Tây phương, đã có hai dòng tư tưởng chủ yếu ở Nhật Bản là Dân quyền luận (công lợi chủ nghĩa kiểu Anh cộng với tự do chủ nghĩa kiểu Pháp) và Quốc quyền luận (lấy quyền lợi tổ quốc làm trung tâm kiểu Đức). Theo chủ nghĩa công lợi thì có những nhà tư tưởng như Fukuzawa Yukichi và Taguchi Ukichi, còn tự do chủ nghĩa và thiên phú nhân quyền luận (inborn human right) thì do Nakae Chômin và Ueki Emori chủ xướng. Trong khi đó Katô Hiroyuki thiên về việc phú quốc cường binh vốn chịu ảnh hưởng của người Đức.

Đến lúc vấn đề Triều Tiên bộc phát, cuộc tranh luận về tư tưởng vận tiếp tục với sự đối lập giữa chủ nghĩa Âu hoaù và chủ nghĩa dân tộc. Âu hoá kiểu quí tộc thì có những nhân vật lui tới Rokumeikan như kiểu ngoại trưởng Inoue Kaoru, Âu hoá kiểu bình dân thì có nhà báo Tokutomi Sohô (1863-1957) cũng như nhóm văn nhân trong Kenyuusha (Nghiễn hữu xã). Trong khi đó, khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc với màu sắc cận đại được đại diện bởi Miyake Setsurei (1860-1945, chủ nghĩa quốc túy) và Kuga Satsunan (1857-1907, chủ nghĩa quốc gia). Setsurei phê phán việc tiếp thu văn minh phương Tây và hô hào phải gìn giữ thuần phong mỹ tục Nhật Bản (Nhật Bản nhân luận, Japaneseness). Satsunan thì chủ trương đặt ưu tiên cho độc lập quốc gia và thống nhất dân tộc. Tư tưởng của hai người nói trên dĩ nhiên đậm màu sắc bảo thủ.

Qua đến thời Chiến tranh Nhật Thanh và Tam quốc can thiệp thì chủ nghĩa đạt đến cao trào, đưa đến tư tưởng duy Nhật Bản (Japanism) xem quyền lợi quốc gia phải đặt trước lợi ích cá nhân, ngay cả tán thành việc bành trướng ra hải ngoại. Takayama Chogyuu (1871-1902) chính là nhà tư tưởng đi đầu phong trào đó. Thế nhưng, ngược lại, cũng đừng quên sự có mặt của Takano Fusatarô (1869-1904), Kôtoku Shuusui (1871-1911) với khuynh hướng vô chính phủ xã hội chủ nghĩa. Phong trào này dần dần lớn mạnh nhất là sau cuộc Cách mạng thàng 10 (1917) ở Nga.

Về văn học

Có thể phân chia văn học thời Duy Tân ít nhất làm 5 thời kỳ, mỗi thời kỳ độ 5 năm kể từ 1867. Mỗi thời kỳ đều có những đặc sắc của nó:
Meiji sơ kỳ Meiji trung kỳ
tiền bán
Meiji trung kỳ 
hậu bán
Meiji hậu kỳ  Giao điểm Meiji 
và Taishô
Ba đặc điểm: văn học mua vui, tiểu thuyết phiên dịch và tiểu thuyết lịch sử. Văn học tả chân khuyến thiện trừng ác nhưng rình bày hiện thực như nó là. Chủ nghĩa lãng mạn của Âu châu. Xem trọng cái tôi, muốn thoát khỏi đạo đức phong kiến. Ảnh hưởng chủ nghĩa tự nhiên của Nga. Coi trọng hiện thực của xã hội con người. Phản tự nhiên chủ nghĩa. 

Bên cạnh, còn có những khuynh hướng khác như:

phái cao sang, phái đam mỹ và phái Bạch hoa

Kanagaki Robun (mua vui), Kawashima Chuunosuke (dịch thuật), Yano Ryuukei, Tôkai Sanshi, Suehiro Tecchô (chính trị)

.

Tsubouchi Shôyô, Futabatei Shimei. Kôda Rohan, Ôzaki Kôyô, Yamada Bimyô. Mori Ôgai, Higuchi Ichiyô, Shimazaki Tôson, Izumi Kyôka, Tokutomi Roka, Kitamura Tôkoku Kunikida Doppo, Shimazaki Tôson, Tayama Katai, Tokuda Shu usei, Masamune Hakuchô  Natsume Sôseki, Mori Ôgai (cao sang), Nagai Kafu (đam mỹ), (Mushanokoji Saneatsu (Bạch hoa)

Về thi ca
Thi nhân Thi tập Đặc điểm
Thơ cận đại (thơ mới) Toyama Masakasu

Mori Ôgai (viết chung)

Shimazaki Tôson

Doi Bansui

Susukida Kyuukin

Shintaishi shô

Omokage

Wakanashuu

Tenchi ujô

Hakuyôkyuu

Tiên khu cho thơ kiểu Tây phương

Thơ dịch

Thơ 5, 7 chữ nhiều chất trữ tình

Phong vị hoài cổ

Chủ nghĩa lãng mạn

Thơ cận đại (thơ tượng trưng) Ueda Bin

Kitahara Hakushuu

Kaichôon

Jashuumon

Dịch thơ cận đại Âu châu

Tính nhục thể và hương xa

Thơ cổ thể (Haiku) Masaoka Shiki

Takahama Kyoshi

Haiku zasshi

Hototogisu

Vận động đổi mới Haiku

Trọng truyền thống và tả sinh (sketching). 

Thơ cổ thể (Tanka) Ochiai Naofumi

Yosano Tekkan

Yosano Akiko

Ishikawa Takuboku

Masaoka Shiki

Itô Sachio

Nagatsuka Takashi

Shintaishi

Tạp chí Myôujo

Midaregami

Ichiaku no suna

Thi luận

Tạp chí Araragi

Tạp chí Ashibi

Đổi mới Tanka với thi xã Asaka

Sáng lập Tân thi xã, tanka lãng mạn.

Tanka đam mê và giàu cảm giác

Phản ánh sinh hoạt. Thương cảm.

Phục cổ.: thơ Kokin và Manyôshuu.

Trở lại làn điệu Manyôshuu.

Tả sinh Văn học nông dân.

Tác phẩm văn học tiêu biểu thời Meiji

(bộ môn tiểu thuyết )
Tên tuổi Tác phẩm Năm xuất bản Đặc điểm
Kanagaki Robun Aguranabe (Nồi thịt bò hầm) 1871 Tiểu thuyết bình dân 
Yano Ryuukei Keikoku bidan (Truyện hay về việc trị nước. 1883 Tiểu thuyết chính trị
Futabatei Shimei Ukigumo (Mây trôi giạt) 1887 Văn viết như văn nói
Mori Ôgai Maihime (Nàng vũ công) 1890 Một trong 2 đại văn hào (với Soseki)
Kôda Rohan Gojuu no tô (Ngôi tháp năm tầng) 1891 Văn chương tả chân
Higuchi Ichiyo Takekurabe ( Ai cao hơn ai) 1895 Chủ nghĩa lãng mạn
Ozaki Kôyô Konjiki yasha (Con quỉ kim tiền) 1897 Thành viên nhóm Kenyuusha
Kunikida Doppo Musashino (Cánh đồng Musashi) 1901 Chủ nghĩa tự nhiên
Natsume Soseki Botchan (Cậu ấm) 1906 Một trong 2 đại văn hào (với Ôgai)
Shimazaki Tôson Hakai (Vứt bỏ điều kiêng kị) 1906 Chủ nghĩa tự nhiên
Tayama Katai Futon (Tấm nệm giường) 1907 Chủ nghĩa tự nhiên

Về kịch nghệ và âm nhạc
Bộ môn Nhân vật Vai trò Đặc sắc
Kabuki cổ điển
 

 

- Kawatake Mokuami 
 

- Dan Kikusa

- Soạn giả
 

- Diễn viên

Phản ảnh phong tục tập quán thời đại và sự thực lịch sử.

Cải cách diễn xuất và sân khấu.

Kabuki hiện đại
(Shinpageki)
- Kawakami Otojirô.
 

-Ozaki Kôyô và Tokutomi Rôka

Diễn viên tuồng  sôshishibai

- Nhà văn

Phê bình chính phủ.Có tính cách thời sự. Lập nhà hát kiểu mới.

Kịch bản phóng tác từ tiểu thuyết.

Kịch mới Shimamura Hôgetsu, Tsubouchi Shôyô
 

- Matsui Tsumako 

- Osanai Kaoru

Nhà văn, soạn giả thuộc nhóm Văn Nghệ Hiệp Hội (1906-13)

- Nữ diễn viên

- Soạn giả của nhóm Tự Do Kịch Trường (1909-19)

Áp dụng kịch nghệ Tây Phương.
 
 

- Chủ diễn kịch Ibsen.

- Phiên dịch kịch, sử dụng diễn viên trẻ.

Âm nhạc -Izawa Shuuji

-Taki Rentarô

-Quân đội

-Nhà giáo dục âm nhạc

-Nhà soạn tân nhạc

-Quân nhạc kiểu Tây phương.

-Dạy ca hát trong các trường tiểu học.
-Lập cơ sở giáo dục âm nhạc 

-Thành lập đội quân nhạc

Về mỹ thuật
 

Bộ môn Người sáng tác tiêu biểu Tác phẩm tiêu biểu
Hội họa Nhật Bản Kanô Hôgai
Hashimoto Gahô
Hishida Shunsô
Yokoyama Taikan
Shimomura Kanzan
Quan Âm từ bi
Long hổ đồ
Lá rụng. Con mèo đen
Vô ngã
Cuộc ngự du vùng Ôhara.
Hội họa Tây phương Takahashi Yuichi
Kuroda Seiki
Akamatsu Rinsaku
Wada Sanzô 
Asai Chuu
Con cá hồi
- Bên hồ
- Tàu đêm
- Gió nam
- Được mùa
Điêu khắc -Takamura Kôun
-Ogiwara Morie
-Shinkai Taketarô
-Takeuchi Kyuuichi
-Vincenzo Ragusa (người Yatoi)
-Con khỉ già
-Người phu mỏ
-Cô Yuami
- Nữ thần nghệ thuật Gigeiten
- Người phụ nữ Nhật
Kiến trúc - Josiah Conder (người Yatoi)
- Satachi Shichijirô
- Tatsuno Kingo
- Takayama Tôkuma
- Sone Tatsuzô 
- Thánh đường Nicolai
- Trụ sở bưu chính cũ ở Otaru
- Trụ sở Ngân hàng Nhật Bản
- Cung điện Akasaka
- Thư viện Đại học Keiô

 
Bên hồ (Kuroda Seki vẽ)
Vô ngã (Yokoyama Taikan vẽ)

 
Trường Kaichi kiểu Âu ở Nagano (1876)
"Người phụ nữ Nhật" (1881) theo Vincenzo Ragusa

Trở lại câu chuyện Chiến tranh Nhật Nga và không khí của xã hội Nhật giai đoạn trước khi chiến tranh bùng nổ. Khác với Yosano Akiko và những người phản chiến, phải nói là quốc dân Nhật Bản lúc đó không ngại có chiến tranh. Tiếng nói hô hào quá khích ngày một dâng cao, nhất là từ năm 1902 (Meiji 35), sau khi Hiệp ước đồng minh giữa Nhật và Anh được ký kết. Có lẽ quần chúng nghĩ rằng khi có một nước đồng minh hùng hậu như Anh thì sác xuất chiến thắng sẽ rất lớn.

Dù sao, đương thời, Đại Anh là một đế quốc (British Empire) mà "mặt trời không bao giờ lặn trên lãnh thổ" bởi vì đất họ chiếm lĩnh làm thuộc địa có khắp nơi trên mặt địa cầu. Huống hồ cho đến lúc đó, Anh vẫn giử thái độ "cô cao" (cô độc và cao ngạo), chưa bao giờ liên kết đồng minh với bất cứ ai. Do đó, người Nhật rất lấy làm hạnh phúc và tin tuởng. Hai đảo quốc, một bên đông, một bên tây, một bên có truyền thống, một bên mới dấy lên, cùng chung sức thì làm gì chẳng vững lòng.

Tranh manga phúng thích đương thời còn vẽ cảnh một người Nga đang ngồi nướng hạt dẻ trên than, bên cạnh đã có 3 anh Nhật, Mỹ, Anh chõ mắt vào dòm một cách thèm thuồng.

Nhân đây, hãy thử xem riêng liên minh Anh Nhật thì cụ thể nội dung là như thế nào?

Trước tiên phải tìm hiểu vì cớ gì Anh đã bỏ thái độ trên trước để chấp thuận đồng minh với Nhật.Nói ngắn gọn là vì họ ghét việc người Nga nới rộng vùng ảnh hưởng xuống phía Nam. Việc nam tiến của người Nga làm cho họ lo âu vì nó sẽ đụng chạm quyền lợi của mình. Lúc hữu sự thì Anh không để điều quân từ một nơi như Âu châu đến vùng Cực Đông được. Việc đó lại hoàn toàn dễ dàng đối với người Nga.Lúc đó, đường xe hỏa xuyên Siberia đang tuần tự hoàn thành, mai mốt thì việc chuyển quân đến vùng này sẽ rất chóng vánh.

Do đó, người Anh nghĩ nếu có Nhật Bản làm đồng minh thì họ có thể cậy người Nhật bảo vệ quyền lợi của họ tại Trung Quốc. Sau đây là 3 điều khoản được xem như quan trọng nhất trong Hiệp ước đồng minh Nhật Anh (Nichiei dômei kyôyaku, 1902-1921):

1- Hai bên cùng nhìn nhận sẽ bảo toàn lãnh thổ cũng như nền độc lập của Triều Tiên và Thanh Quốc.

2- Hai bên cùng nhìn nhận quyền lợi của hai nước ở Thanh Quốc cũng như những quyền lợi chính trị, kinh tế, kỹ nghệ của Nhật Bản ở Hàn Quốc.

3- Nếu một trong hai nước đồng minh phải giao chiến với một nước khác, nước kia sẽ giử vị trí trung lập một cách nghiêm nhặt. Tuy nhiên, nếu có một nước thứ ba đứng về phía địch để tham chiến thì nước kia cũng sẽ tham chiến để giúp bạn đồng minh.

Đặc biệt điều thứ 3 cho biết Nhật Bản không cần đến sự trợ lực của đồng minh, xem như họ nghĩ một mình vẫn có thể đương cự lại người Nga.

Năm 1903 thì dư luận chủ chiến Nhật Bản lại bùng với một mồi lửa quá khích nữa là bài tham luận của 7 vị tiến sĩ (shichihakase) từ Đại Học Đế Quốc Đông Kinh. Bảy người chủ chiến này vốn liên hệ với Nhóm đồng chí chống Nga (Tairo dôshikai, Đối Lộ đồng chí hội) chủ trương chính trị đối ngoại cứng rắn. Một người chủ xướng trong nhóm này là nhà luật học và chính trị gia Tomizu Hirondo (Hộ Thủy, Khoan Nhân, 1861-1935).

Chính phủ vừa đàm phán với người Nga nhưng vẫn xúc tiến mọi chuẩn bị cần thiết từ khi ký đồng minh Nhật Anh. Thế rồi đầu năm 1904 (Meiji 37), trước sự từ chối thỏa hiệp của phía Nga, cuộc hiệp thương giữa Nhật và Nga đổ vỡ. Tháng 2 năm ấy, hai nước tuyên chiến với nhau và Chiến tranh Nhật Nga bắt đầu.

2.3 Từ chiến tranh Nhật Nga đến Hòa ước Portsmouth

Chiến tranh lần này có qui mô lớn hơn trận Nhật Thanh nhiều cho nên Nhật Bản phải động viên toàn bộ lực lượng.

Chiến trường chính không nằm trên đất Nhật mà cũng không nằm trên đất Nga. Nó là Thanh Quốc và Mãn Châu. Nhật Bản thành công trong việc được Hoa Kỳ ủng hộ. Nước này cũng giống như Anh là ghét việc Nga chiếm đóng Mãn Châu (Hoa Kỳ cũng không phải là không có dã tâm muốn chiếm vùng đất này). Hai nước Anh và Hoa Kỳ bằng lòng mua rất nhiều công trái của Nhật, giúp Nhật có phương tiện thanh toán chiến phí. Nếu không có sự hỗ trợ về mặt tài chánh như thế thì Nhật Bản khó lòng tiếp túc chiến đấu đến giờ phút cuối cùng vì tài nguyên của họ không thế nào sánh với một đất nước như Nga vốn giàu có hơn họ thập bội.

Cụ thể thì chiến tranh đã làm hao tốn cho Nhật 17 ức Yen (ức trong tiếng Nhật là 100 triệu trong tiếng Việt). Trong đó, ngoại trái (nợ nước ngoài) đã lên đến 7 ức.

Những cuộc xung đột kịch liệt đã xảy ra suốt thời gian chiến tranh (từ tháng 2 năm 1904 đến tháng 5 năm 1905) nhưng với thời gian, quân Nhật ngày càng chiếm ưu thế. Sau đây là diễn tiến cuộc chiến trên đất liền và trên mặt biển:

1) Trên đất liền:

- Trận đụng độ ở Liêu Dương (từ tháng 8 đến tháng 9 năm 1904, Meiji 37).

- Trận đụng độ ở Sa Hà (tháng 10 năm 1904).

- Cuộc tổng tấn công cảng Lữ Thuận ( từ tháng 12/1904 đến tháng 1/1905).

- Trận đụng độ ở Phụng Thiên (tháng 3 năm 1905, Meiji 38).


Trong bản đồ thì Sa Hà là Shahe, 
Lữ Thuận là Port Arthur, 
Liêu Dương là Liaoyang theo cách đọc tiếng Anh.

2) Trên mặt biển:

- Cuộc phong tỏa hải cảng Lữ Thuận (từ tháng 2 đến tháng 5 năm 1904).

- Hải chiến trên biển Hoàng Hải (tháng 8 năm 1904).

- Hải chiến trên Biển Nhật Bản (tháng 5 năm 1905).

Vào thời điểm thành phố Phụng Thiên rơi vào tay quân Nhật thì xem như cuộc chiến đấu trên đất liền đã chung cuộc. Thế nhưng, sở dĩ Hoàng đế Nicolai II (tức là Hoàng thái tử người đã bị thương trong sự cố ở Ôtsu) chưa chịu đàm phán hòa bình vì ông còn tin tưởng vào sức mạnh của Hạm đội Baltic để xoay chuyển thế cờ.

Nga vốn có hai hạm đội: một là Hạm đội Thái Bình Dương ở về phía chấu Á và Hạm đội biển Baltic phía châu Âu. Hạm đội Thái Bình Dương của họ thì hầu như đã bị Hạm đội liên hợp của Nhật đánh cho tan tành thế nhưng Hạm dội Baltic mới có một qui mô ngang ngửa với hạm đội Nhật. Hạm đội này mới di chuyển từ Âu châu qua. Nếu như hạm đội này tiến vào được cảng Vladivostok thuộc vùng Cực Đông nước Nga, cục diện chiến tranh đã có thể khác. Bởi vì về lục quân, Nga hãy còn có những đơn vị trừ bị. Trong khi quân Nhật đã kiệt sức sau khi chiến đấu liên tiếp mà không có người thay thế, Nga còn dự trữ trên 10 vạn quân chưa xuất trận nằm ở Âu châu. Họ có thể chuyển vận quân sang theo tuyến đường sắt xuyên Siberia.

Dưới đây là bản đồ vẽ chuyến hành trình dài dằng dặc bằng đường biển của hạm đội Baltic, trên đường có ghé vào vịnh Cam Ranh tránh bão. Đến Tsushima là nơi trận hải chiến lịch sử xảy ra thì họ đã mệt nhoài!


Trời như thế đã chiều lòng người Nhật.

Hạm đội biển Baltic có hai lựa chọn, một là đi vòng quanh bằng đưòng Thái Bình Dương (đường ngoài), hai là theo đường thông qua Biển Nhật Bản (đường trong) xuyên eo biển Tsushima (giữa Nhật Bản và Triều Tiên) để hướng về cứ điểm Vladivostok, hải cảng lớn của họ. Hạm đội liên hợp của Nhật do Nguyên soái Tôgô Heihachirô (Đông Hương Bình bát Lang, 1847-1934) chỉ huy đã phục binh, đón đợi hạm đội Nga đi qua eo biển Tsushima. Canh bạc đó trúng lớn.Hạm đội Nhật đuổi theo và bắt kịp hạm đội địch rồi tiêu diệt nó hoàn toàn (Trận hải chiến trên Biển Nhật Bản).


Tôgô Heihachirô (1848-1934), 
Đề đốc Horatio Nelson của phương Đông

Lúc đó Sa hoàng Nicolai II mới quyết định đàm phán hòa bình với phía Nhật.

Sự kiện này đã xảy ra vào tháng 9 năm 1905 (Meiji 38) với sự trọng tài của Tổng Thống Mỹ Theodore Roosevelt tại quân cảng Portsmouth ở Mỹ. Họ đã ký kết bản Hiệp ước giảng hòa Nhật Nga Portsmouth.

Đại diện toàn quyền phía Nhật tham dự hội đàm là Komura Jutarô. Ông cũng là người sau đó đã ký kết thành công với người Anh Hiệp ước Thông Thương Hàng Hải Nhật Anh, triệt bỏ được trên nửa thế kỷ khuất nhục vì những điều khoản bất bình đẳng ký với liệt cuờng thời mới bắt đầu mở cửa.

So sánh lực lượng hai bên tham chiến trong trận Nhật Nga
Chi tiết Nhật Bản Nga
Quân số tham gia ước lượng 1.080.000 ước lượng 1.290.000
Tử trận ước lượng 84.000 ước lượng 50.000
Bị thương ước lượng 143.000 ước lượng 200.000
Chiến phí 17 ức 1644 vạn Yen 20 ức Yen
Số chiến hạm 106 chiếc 63 chiếc (hạm đội Thái Bình Dương)
Trọng tải của chiến hạm 232.000 tấn 191.000 tấn (như trên)

Nguồn: Shôsetsu Nihonshi zuroku (tr. 230), dẫn Yokote Shinji trong Nichiro sensôshi (Lịch sử chiến tranh Nhật Nga).


Hòa đàm ở Portsmouth (1905)

Người đại diện toàn quyền phía Nga là chính trị gia sau trở thành thủ tướng, Sergei Yul'evich Vitte (1849-1915). Dưới đây là nội dung những điều thỏa thuận chính giữa hai bên trong hòa ước ấy:

1- Nước Nga hoàn toàn chấp nhận quyền chỉ đạo và giám sát của Nhật Bản ở Triều Tiên.

2- Nước Nga nhượng lại cho Nhật Bản quyền mướn tô giới Lữ Thuận và Đại Liên cũng như đường sắt từ Trường Xuân xuống phía nam cùng các quyền phụ thuộc quyền đó.

3- Nước Nga nhượng lại phần đất phía nam đảo Sakhalin (Hoa Thái Đảo) từ vĩ tuyến thứ 50 trở xuống cũng như các đảo phụ thuộc phần đất ấy.

4- Nước Nga nhìn nhận quyền đánh cá của Nhật Bản ở vùng duyên hải bán đảo Kamchatka.

Đây là một thành quả quá to lớn mà Nhật đạt được. Thế nhưng khi trưởng phái đoàn điều đình Komura Jutarô về nước, ông đã bị dân chúng phẫn nộ, xem như là một thằng ngốc đã bán rẻ xương máu quốc dân. Họ phản đối, cật vấn chính phủ.

Tại sao lại có chuyện đó? Chỉ vì họ tưởng cũng như thời Chiến tranh Nhật Thanh, lần này Nhật sẽ thu về mốn món tiền bồi thường chiến phí khổng lồ. Hơn nữa, chính phủ và giới truyền thông Nhật Bản đã quá khoa trương về chiến thắng của quân đội, nên quốc dân bây giờ mới ngã ngữa ra khi thấy kết quả không tương xứng với sự hy sinh của mình.

Để chuẩn bị cho cuộc chiến, quốc dân Nhật Bản đã nhịn nhục suốt 10 năm liền trong cái cảnh mà họ gọi là "nằm gai nếm mật". Nhất là họ đã chịu hết thuế này đến thuế khác. Nội số thuế tăng lên trong thời chiến đã lên đến 3 ức 2000 vạn Yen. Hơn nữa, quốc dân cũng đã bị buộc phải vắt kiệt tài sản để mua quốc trái. Tiền quốc trái lên đến 6 ức Yen tức hai lần tiền tăng thuế. Đó là không nói đến việc tiền tiết kiệm dân chúng gửi ở nhà bưu điện cũng bị chính phủ đem ra tiêu hết.


Quang cảnh biểu tình đốt phá ở Công viên Hibiya (05/09/1905)

Cực lòng cho họ hơn cả là phải gửi con em ra chiến trường. Con số người tùng quân viễn chinh lên đến 110 vạn. Trong đó 9 vạn chết và 13 vạn bị thương.Ngoài ra, để chi viện cho quân đội ngoài tiền tuyến có đủ phương tiện dành lấy thắng lợi, quốc dân từ hậu phương cũng phải gửi vật tư ủng hộ. Ở nông thôn thì cả làng xã phải góp sức giúp đỡ cho những gia đình có con em ra trận vì không còn kẻ gánh vác để duy trì sinh kế.

Với những hy sinh của người thường dân như thế mà Komura Jutarô không đem về được một xu tiền bồi thường. Sự tức giận của dân chúng càng ngày càng dâng cao và đã bùng nổ trong ngày 5 tháng 9 năm 1905, lúc hiệp ước được ký kết.

Mít-tinh ở công viên Hibiya trung tâm Tôkyô biểu tình phản đối nội dung hiệp ước ấy đã biến thành một cuộc bạo động lớn. Dân chúng không những đập phá dinh thự của Tổng trưởng Nội Vụ, các trạm cảnh sát và những tòa báo thân chính quyền mà còn phóng hỏa. Vì qui mô của nó còn có cơ bành trướng hơn nữa, chính phủ phải thiết lập lệnh giới nghiêm và điều quân đội đến giữ trật tự. Biến cố này đã kéo dài suốt một tháng trường, không những chỉ ở Tôkyô mà còn tiếp tục lan ra khắp nước. (Sử chép đó là Cuộc bạo động đốt phá ở Hibiya).

Tiết 3: Thôn tính Hàn Quốc. Tình cảnh Trung Quốc sau chiến tranh Nhật Nga. 
3.1 Thành lập Phủ thống giám (Sôkanfu):

Tuy không được một đồng bồi thường chiến phí nhưng chính phủ Meiji cũng đã thành công trong việc nhất thời ngăn chận được bước nam tiến của người Nga, gỡ bớt đi một mối lo toan.

Về việc đối với Hàn Quốc thì chính phủ này cũng đã được người Nga "hoàn toàn chuyển nhượng" quyền chỉ đạo và giám sát nước này theo tinh thần của Hòa ước Portsmouth. Tự nhiên bỗng thấy Nhật Bản không còn có ai đặt vấn đề, được một mình một cõi nới rộng thế lực của mình trên bán đảo.

Chúng ta còn nhớ, trong bài xã thuyết về Datsuaron (Thoát Á Luận, 1885) [2] trong Jiji nippô (Thời sự Nhật Báo), Fukuzawa Yukichi đã khuyên người Nhật phải cắt đứt liên hệ của mình với Á châu để trở thành một thành viên của liệt cường Âu Mỹ, cũng như nên bắt chước Âu Mỹ đi kiếm đất đai làm thuộc địa. Chủ trương của ông đã trở thành phổ biến, bắt rễ rất sâu ở Nhật kể từ thập niên Meiji thứ 10 trở đi. Thực ra, sau trận Nhật Thanh, Nhật Bản đã có một thuộc địa. Đó là Đài Loan. Thế rồi, Nhật lại về hùa với liệt cường để cùng nhau xâu xé Trung Quốc. Giờ đây, sau chiến thắng trước người Nga, khuynh hướng muốn biến Hàn Quốc thành một nước bảo hộ, hay xa hơn nữa, một thuộc địa, rất mạnh mẽ ở Nhật.

Nhật đã nhanh chóng tiến đến việc thực hiện kế hoạch ấy.

Trước tiên, vào tháng 2 năm 1904 (Meiji 37) khi trận Nhật Nga mới mở màn, Nhật đã ký với Hàn Nikkan giteisho (Nhật Hàn nghị định thư). Trong đó, chính phủ Hàn hứa giúp quân Nhật mọi phương tiện cần thiết để đi đến chiến thắng trong cuộc tranh chấp quân sự với người Nga. Bù lại, phía Nhật hứa sẽ "bảo toàn" lãnh thổ cho Hàn. Nói chung, những lời đẹp đẽ này chẳng qua che dấu yêu sách của Nhật buộc Hàn phải hiệp lực trong chiến tranh.

Lại nữa, tháng 8 cùng năm ấy, Hiệp ước Nhật Hàn thứ nhất được ký kết Theo nội dung của nó, chính phủ Hàn phải đặt một số cố vấn ngoại giao và tài chính do chính phủ Nhật đề cử. Mỗi khi có sự kiện ngoại giao nào quan trọng, Hàn hứa sẽ hiệp nghị với chính phủ Nhật trước khi lấy quyết định.

Để kế hoạch biến Hàn thành một nước bảo hộ không bị cản trở như lần Tam quốc can thiệp (Nga, Đức, Pháp) trước đây (sau Chiến tranh Nhật Thanh) để đưa đến thất bại, lần này Nhật đã tìm cách được sự thỏa thuận của liệt cường.

Do đó, năm 1908 (Meiji 38), Nhật đã thành công ký kết một hiệp định phi chính thức với Mỹ sau cuộc đàm phán giữa Katsura và Taft. Katsura Tarô là Thủ tướng kiêm Tổng trưởng ngoại giao Nhật, còn W.H.Taft là Tổng trưởng lục quân kiêm đặc sứ Mỹ. Trong đó, Nhật Bản tuyên bố sẽ không đụng chạm đến Phi Luật Tân, lúc đó Mỹ đang chiếm đóng. Ngược lại, Mỹ thừa nhận quyền chỉ huy của Nhật đối với bán đảo Triều Tiên.

Vào tháng 9 năm đó, Nhật duyệt lại hiệp ước đồng minh đã ký với Anh. Lần này thêm vào các điều khoản như Nhật nhìn nhận quyền cai trị của Anh đối với Ấn Độ và nới rộng khu vực áp dụng hiệp ước Nhật Anh ra tận Ấn Độ. Phía Anh cũng tuyên bố thừa nhận quyền bảo hộ Triều Tiên của người Nhật.

Sau khi có những bảo đảm như vậy từ các cường quốc, chỉ 2 tháng sau khi Hòa ước Portsmouth được phê chuẩn vào năm 1905 (Meiji 38), Nhật uy hiếp Hàn phải ký Hiệp ước Nhật Hàn thứ hai.

Theo tinh thần hiệp ước mới này thì Nhật đoạt luôn cả quyền ngoại giao của Hàn. Nhật sẽ đặt một chức "thống giám" (sôkan) như một quan toàn quyền hay phó vương bên cạnh hoàng đế Hàn Quốc.Người này sẽ trông coi tất cả những vụ việc liên quan đến ngoại giao.Phủ thống giám được đặt tại Hán Thành (Seoul) và viên thống giám đầu tiên không ai khác hơn là chính trị gia lão luyện Itô Hirobumi.

Tức tối trước sự việc Nhật Bản đoạt hết quyền bính, Hoàng đế Cao Tông (Kojong) của Hàn Quốc đã gửi một viên mật sứ đến Đại hội hòa bình lần thứ hai của các nước trên thế giới tổ chức vào năm 1907 (Meiji 40) tại Den Haag (The Hague, Hà Lan). Viên mật sứ này đã tố cáo việc Nhật Bản vi phạm chủ quyền của nước ông giữa hội nghị. Khổ nỗi là các cường quốc trước đó đã ký những hiệp định cho phép Nhật bảo hộ Triều Tiên. Viện cớ là Hàn Quốc không có quyền ngoại giao, họ đã bác bỏ lời tố cáo ấy. (Vụ mật sứ ở Den Haag).

Viên thống giám Itô Hirobumi rất ngạc nhiên khi được biết vụ mật sứ tố cáo Nhật Bản ở Den Haag. Giận dữ trước hành động "tự chuyên" của Cao Tông (Kojong), ông ta bèn bắt ép nhà vua phải thoái vị.Cùng năm đó, với sự ra đời của Hiệp ước Nhật Hàn lần thứ 3, Hàn Quốc bị tước đoạt mất cả quyền nội trị, còn quân đội cũng bị giải tán.Như thế, Hàn Quốc hoàn toàn rơi xuống hàng quốc gia chịu Nhật Bản bảo hộ

Dân chúng Hàn Quốc bèn phản ứng quyết liệt. Tuy còn thiếu tổ chức nhưng đâu đâu cũng thấy có những toán nghĩa binh được thành lập. Nhân vì quân đội Hàn Quốc đã bị giải thế, các cựu quân nhân bèn tham gia vào các cuộc vận động của nghĩa binh. Nhờ có sự đầu quân của họ, phong trào kháng Nhật càng lúc càng tăng thêm sức mạnh.

Năm 1909 (Meiji 42), tiền thống giám Itô Hirobumi bị ám sát chết bằng súng lục tại ga Harbin.

Người như Itô trên thực chất là một chính khách hàng đầu của Nhật Bản. Về thành tích, ông là người coi như đã soạn ra hiến pháp, làm thủ tướng đầu tiên và giử chức vụ này đến 4 lần. Ông còn là nghị trưởng Xu mật viện, nguyên lão của Viện Nguyên Lão, thống giám Hàn Quốc vv...Là một quan lại có thực lực trong chính quyền, trải qua bao nhiêu là chức vụ quan trọng, nói gọn đi, có thể xem ông như nhân vật lịch sử đã đảm đương công cuộc cận đại hóa và duy tân Nhật Bản. Thế nhưng ông đã ngã xuống một cách dễ dàng và không mấy vinh quang.

Người ám sát Itô là một nhà cách mạng chủ nghĩa dân tộc Triều Tiên. Ông tên An Jun Gen (An Trọng Căn, 1879-1910). Ở Nhật Bản người ta xem ông là tên khủng bố nhưng ở Hàn Quốc, ông là một anh hùng liệt sĩ. Có thuyết cho là vụ ám sát này không chỉ có một phạm nhân, có thuyết cho là có bàn tay của người Nga vv... Thế nhưng động cơ của An Jun Gen không có gì khó hiểu. An là người đấu tranh cho sự tồn vong của nước mình, còn Itô là một viên thống giám đến từ một quốc gia thù địch và đã cai trị tổ quốc ông một cách quá nghiệt ngã.

3.2 Thôn tính Hàn Quốc và kinh lược Mãn Châu:

Sau cái chết của Itô, chính phủ Meiji có cớ để tăng cường hệ thống cai trị trên đất Hàn. Họ gửi hiến binh qua và đoạt luôn quyền cảnh sát trị an của người bản xứ.

Đến năm sau, giữa hai nước Nhật Hàn có thêm một hiệp ước mới, Nikkan heigô jôyaku (Nhật Hàn bình hợp điều ước). Heigo (bình hợp, amalgamation, annexation, merger) không phải là một sự kết hợp đồng đẳng. Nhật Bản như thế đã thôn tính Hàn Quốc.

Cứ xem điều 1 của văn bản thì rõ: "Hàn Quốc hoàng đế bệ hạ nhường và trao lại cho Nhật Bản hoàng đế bệ hạ hoàn toàn và vĩnh cửu tất cả quyền cai trị trên toàn lãnh thổ Hàn Quốc". Hoàng đế Hàn Quốc lúc ấy là Thuần Tông (Shunjong) sẽ nhường và trao lại vĩnh viễn tất cả quyền cai trị nước mình cho Thiên hoàng Meiji. Nói một cách khác, Hàn Quốc trở thành thuộc địa của Nhật.

Nhân đây cũng nói thêm rằng theo Kawai Atsushi [3], ngay cả Itô Hirobumi cũng chưa từng mơ ước có thể được như vậy. Sinh thời, tuy tán thành việc Nhật Bản bảo hộ Hàn Quốc nhưng ông không đồng ý việc đặt Hàn Quốc ngang hàng với Đài Loan, một vùng trên danh nghĩa và thực chất mới là một thuộc địa.

Dầu sao, ta thấy ngay trước khi Itô bị ám sát, chính phủ Nhật Bản đã chính thức làm mọi chuyện để thực dân địa hoá Hàn Quốc cho nên dù Itô sống hay chết, quyết định thôn tính Hàn Quốc vốn có từ trước sẽ không có gì thay đổi. Họa chăng, cái chết của ông chỉ được sử dụng như một cái cớ tốt để sự việc được tiến hành nhanh hơn mà thôi.

Sau khi đã biến Hàn Quốc thành phần đất thực dân, chính phủ Nhật Bản đã lập ra Sôtokfu (Tổng Đốc Phủ), một cơ quan chỉ huy mọi công việc hành chánh.Tổng Đốc đầu tiên là Đại tướng lục quân Terauchi Masatake (Tự Nội, Chính Nghị, 1852-1919, ông sẽ trở thành thủ tướng Nhật giai đoạn 1916-18). Quốc hiệu Hàn Quốc bị bãi bỏ, họ bị bắt lấy lại tên cũ là Chôsen (Triều Tiên).

Ở phủ tổng đốc, người Nhật thi hành chính trị lối nhà binh (võ đoán). Họ triệt để đàn áp nghĩa binh Triều Tiên, hạn chế triệt để các quyền tự do, xử phạt nặng nề các hành động có tính cách chống Nhật. Họ lại ấn định rõ ràng quyền tư hữu ruộng đất, và để thu thuế một cách hiệu quả, đã mở những cuộc điều tra điền địa. Đến năm 1918 (Taishô 7), họ hoàn thành công việc này. Tuy nhiên, vì cuộc điều tra chỉ dựa vào những thông tin qua báo cáo (shinkokusei = chế độ tự khai báo) cho nên đa số nông dân thấp cổ bé miệng đã bị tước đoạt điền sản và phải sống cuộc đời điêu đứng.

Chính sách quá hà khắc của người Nhật khiến cho dân chúng Triều Tiên phẫn uất. Nhân vì lúc đó (1918) ở Paris (điện Versailles) có cuộc Hòa nghị kết thúc cuộc Đại chiến lần thứ nhất, Tổng thống Hoa Kỳ Thomas Woodrow Wilson (1856-1924) đã tuyên bố chấp nhận quyền tự quyết của các dân tộc [4], nên kể từ năm 1919 (Taishô 8), trên bán đảo đã nổi lên nhưng phong trào đòi độc lập để thoát khỏi ách thống trị của Nhật Bản.

Phong trào đòi độc lập này bắt đầu một cách chính thức tại Công viên Pagoda thuộc thành phố Seoul vào ngày 3 tháng 1 cùng năm cho nên được gọi là Cuộc vận động độc lập mùng 1 tháng 3 (hay Vạn tuế sự kiện).Lúc đó, một bản Tuyên ngôn độc lập đã được các người tham dự đọc lên.

Một mặt, người Nhật đã cho hiến binh, cảnh sát và cả quân đội đến dẹp. Thế nhưng mặt khác, họ cũng tỏ ra dễ dãi hơn bằng cách bãi bỏ chế độ trị an do cảnh sát và hiến binh nắm. Tổng đốc Triều Tiên xưa nay phải là võ quan thì kể từ đây chức ấy sẽ có thể trao cả cho một văn quan.Tuy nhiên, trên thực tế thì mãi về sau, chức tổng đốc Triều Tiên vẫn do các viên quan võ nắm. Có điều là sau biến cố này, viên tổng đốc Triều Tiên không có quyền chỉ huy quân đội nữa.

Rốt cục, cuộc vận động đòi độc lập đã bị thất bại. Cho đến khi Nhật bại trận trong Chiến tranh Thái Bình Dương và phải trả lại độc lập cho Triều Tiên vào năm 1945 (Shôwa 20) thì Triều Tiên vẫn là đất thực dân của Nhật. Đặc biệt trong khoảng thời gian Chiến tranh Thái Bình Dương, người Triều Tiên cũng bị sung quân và tùng chinh cùng với quân đội Nhật (lệnh trưng binh năm 1943, Shôwa 18). Có hàng chục vạn người đã bị quân đội Nhật bắt đem đi (kyôsei renkô = cưỡng chế liên hành) làm lao động nặng nhọc như khai thác quặng mỏ. Ngoài ra phụ nữ Triều Tiên cũng bị buộc phải làm làm gái phục vụ sinh lý (ianfu = ủy an phụ) cho binh lính trong các cơ sở do quân đội lập ra [5].

Bên trên, chúng ta đã nói qua tình hình Triều Tiên trước và sau khi bị Nhật Bản thôn tính. Sau đây, chúng ta sẽ bàn về quyền lợi Nhật Bản đã có được ở Nam Mãn Châu (phần đất phiá nam bán đảo Liêu Đông, còn được gọi là Quan Đông [6] châu), điều đã được Hòa ước Portsmouth qui định.

Năm 1906 (Meiji 39), người Nhật thiết lập Quan Đông tổng đốc phủ ở Lữ Thuận (người Tây phương gọi là Port Arthur) để làm cứ điểm cho vùng nam Mãn Châu (Nam Mãn), xem nó như bàn đạp để tiến vào đại lục. Ngoài ra, họ cũng lập ra một công ty cổ phần có tên Nam Mãn Châu Thiết Đạo Công Ty, gọi tắt là Mantetsu (Mãn Thiết). Mục đích của nó thì nhiều nhưng chủ yếu là khai thác quặng mỏ ở khu vực tuyến đường sắt Đông Thanh (Đông Thanh thiết đạo) trước kia, nằm giữa Trường Xuân với Lữ Thuận.Tiếng là công ty cổ phần nhưng nó không chỉ thuần có vốn tư nhân. Mantetsu là một công ty bán công bán tư.


Quang cảnh toa ăn trong xe hỏa Nam Mãn Thiết
Để bảo vệ Công ty Mantetsu, chính phủ đã điều động quân đội đến nơi. Sang năm 1909 (Taishô 8) lực lượng bảo vệ này đã trở thành một toán quân độc lập. Nó được mang một cái tên mà lịch sử cho thấy là không mấy tốt đẹp: Quan Đông quân (Kantôgun). Chính nhóm quân này đã coi thường mệnh lệnh bắt phải tự kiềm chế của chính phủ Nhật Bản và quân ủy trung ương mà xâm lược Trung Quốc một cách độc đoán.Cả hai vụ đặt chất nổ ám sát tướng Trương Tác Lâm và gây nên biến cố Mãn Châu đều là do tay họ.Nhóm quân phiệt này đã lôi kéo Nhật Bản vào cuộc Chiến tranh Trung Nhật [7].

Nhân đây cũng nên biết rằng việc thành lập Công ty Mantetsu đã làm cho sự giao hảo Nhật Mỹ xấu đi. Lý do là khi dựng ra Mantetsu, Nhật Bản đã trái lời giao ước. Giao ước ấy là việc khai thác đường sắt Nam Mãn phải do cả Mỹ lẫn Nhật chung sức. Lúc đó, ông vua trong ngành đường sắt ở Mỹ là nhà đại phú hào Harriman.Khi có cuộc Chiến tranh Nhật Nga, ông ta đã bỏ ra rất nhiều tiền để mua quốc trái giúp Nhật. Dĩ nhiên việc ông ta làm không có mục đích từ thiện mà chỉ vì nghĩ xa cho quyền lợi riêng.

Sau khi hòa ước Portsmouth vừa ký xong, Harriman đã trao đổi giác thư (memorandum) với Thủ tướng Katsura Tarô, đồng ý với nội dung: "Harriman mua lại đường sắt Mãn Châu mà Nhật Bản đã dành được bằng hòa ước Portsmouth, rồi hai bên Nhật Mỹ sẽ cùng nhau khai thác". Thế nhưng khi Ngoại trưởng Komura Jutarô phó hội ở Portsmouth trở về thì ông này cực lực phản đối quyết định thủ tướng nêu ra và chủ trương phải dành độc quyền khai thác tuyến đường ấy cho dân Nhật. Điều đó khiến cho Thủ tướng Katsura phá lời giao kết và cho phép thành lập Công ty Mantetsu.

Không chỉ mỗi mình Harriman mà cả nước Mỹ thời trước đều có cảm tình với Nhật trong Chiến tranh Nhật Nga, ngay Tổng thống Theodore Roosevelt còn nhận lời làm trọng tài cho cuộc đàm phán giữa hai bên. Dĩ nhiên, vì chậm chạp nên thiệt thòi trong việc tranh phần ở Trung Quốc, Mỹ cũng trông đợi Nhật Bản - như món quà đổi chác - sẽ chia sẻ cho mình một ít quyền lợi ở Mãn Châu.

Thế mà Nhật đã xử sự như vậy. Nó làm cho người Mỹ mếch lòng. Cùng năm ấy, ở San Francisco lại xảy ra một trận động đất rất lớn. Mỹ bèn có hành động kỳ thị là cấm cửa các học sinh con cái dân di trú gốc Nhật khỏi các trường (sự kiện gọi là Nihon gakudô kakuri = Nhật Bản học đồng cách ly). Từ đó ở những bang như California nơi dân Nhật tụ tập sinh sống làm ăn đông đảo, bèn có phong trào tẩy chay, bài xích đối với họ.Một phần cũng vì dân chúng địa phương đã từ lâu e rằng những người Nhật vừa đông con, vừa làm việc chăm chỉ sẽ chịu đồng lương thấp dành hết công ăn việc làm.

Năm 1913 (Taishô 2), bang California ban hành đạo luật về nhà đất với nội dung bài Nhật. Từ dó, người Nhật không còn quyền sở hữu đất đai. Sang năm 1924 (Taishô 13), đạo luật di dân có tính bài Nhật ra đời, hoàn toàn cấm người Nhật không được đến Mỹ di trú nữa. Điều này cho thấy không phải đợi trận Chiến tranh Thái Bình Dương (tức giai đoạn sau của Thế chiến thứ II) quan hệ của hai bên Nhật Mỹ mới xấu đi đâu.

Về mặt ngoại giao, khi bị bội ước như vậy thì phía Mỹ dĩ nhiên sẽ bắt chẹn Nhật chuyện khác.Trước tiên, họ đòi Nhật phải mở cửa cho họ làm ăn, sau là kêu gọi liệt cường ủng hộ họ để trung lập hoá tuyến đường sắt Nam Mãn. Năm 1909 (Meiji 42), họ cho nhà Thanh vay tiền để nhà Thanh có thể chuộc tuyến đường ấy lại hay đặt trong phần đất Trung Quốc một tuyến đường sắt song song.

Trước áp lực của Mỹ, nhật bèn kéo Anh vào làm đồng minh cho mình bằng cách ký lại Hiệp ước Đồng Minh Nhật Anh thứ 2 (1905 và 1911). Lại nữa, năm 1907 (Meiji 40), họ ký một thỏa thuận về thương mại mang tên Hiệp ước Nhật Nga thứ 1, rồi đến năm 1910 (Meiji 43) Hiệp ước Nhật Nga thứ 2 ra đời.Nhân vì Nhật nhìn nhận quyền lợi của Nga ở Ngoại Mông Cổ cho nên bù lại, Nga cũng thừa Nhật quyền lợi của Nhật ở Nam Mãn Châu.

Có Anh và Nga về cánh với mình, Nhật đã dẹp được sự lo lắng về áp lực của Mỹ qua một bên.Tuy vậy, mối hận sâu sắc này Mỹ cũng không hề quên và nó sẽ làm cho quan hệ song phương không còn tốt đẹp nữa.

Cũng vào giai đoạn này, Tôn Văn đã đề xướng chủ nghĩa tam dân ở Trung Quốc (dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc) dẫn đến sự thành công của Cách mạng Tân Hợi (1911). Qua năm sau, Thanh triều sụp đổ và Trung Hoa Dân Quốc ra đời.

Ở Nhật, đã từng có ý kiến là Nhật nên đứng về phía cách mạng để có thể củng cố quyền lợi của mình ở Mãn Châu (điều về lâu về dài hầu như là không tưởng!), thế nhưng Nhật Bản đã không làm gì khác hơn liệt cường Âu Mỹ là giữ một thái độ bất can thiệp.

-----------------

[1] - Đại thần dịch chữ Kyô (Khanh, Lord) như Thượng thư, chức vụ trực thuộc thiên hoàng, vào thời trước khi có chế độ nội các.

[2] - Nguyên hình của nó là "Thoát Á nhập Âu luận" thấy trong tác phẩm của Fukuzawa Yukichi viết năm 1875 nhan đề Khái luận về văn minh Tây Phương (Seiyô bunmei no gairyaku) phần "Phải lấy văn minh Tây Phương làm mục đích" (Saeiyô bunkei wo mokuteki to subeshi). Nó đã ảnh hưởng rất lâu trong hệ tư tưởng Nhật Bản. Lý luận này phối hợp cả chủ nghĩa khải mông, chủ nghĩa dân chủ vào với chủ nghĩa đế quốc, một điều nghiễm nhiên là vô lý và không thể chấp nhận được trong thời đại chúng ta.

[3] - Kawai Atsushi, Nabigeta Nihonshi B, quyển 3, tr.219.

[4] - Cùng lúc, nhiều nhà cách mạng đến từ các thuộc địa cũng đã lợi dụng cơ hội này để lên tiếng cho nước mình, trong đó có Nguyễn Ái Quốc của Việt Nam..

[5] - Về những điểm này, trong dư luận Nhật Bản, nhất là cánh hữu, vẫn duy trì luận điệu là có sự đồng tình của đương sự và vì kinh tế bắt buộc Những điều này khiến cho quan hệ giữa Nhật Bản và các nước cựu thuộc địa đã khó khăn lại càng khó khăn thêm.

[6] - Xin đừng lầm với Quan Đông (Kantô), tên của vùng đất chung quanh Tôkyô để phân biệt với Quan Tây (Kansai ) chung quanh Ôsaka và Kyôto.

[7] - Dĩ nhiên quan điểm này không thể tẩy xoá được trách nhiệm chính của Tôkyô. Không lý do gì mà những cuộc "vi lệnh" có thể xảy ra liên tục từ Đài Loan, Triều Tiên đến Mãn Châu.