Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về   ]            [ Trang Chủ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932
*
ĐẶC TÍNH CHUNG THẾ HỆ 1932

Thanh Lãng

 A - Đặc tính chung thế hệ 1932 
 B - Sinh hoạt Phê bình văn học thế hệ 1932
C - Những Vụ Án Văn Học Thế Hệ 1932   :
  1 - Vụ Án Báo Chí   /  2 - Vụ Án Cũ và Mới  /   3 - Vụ Án Phan Khôi - Trần Trọng Kim 
4 - Vụ Án Tản Ðà - Phan Khôi    /   5 - Vụ Án Quốc Học 
6 - Vụ Án Thơ Cũ - Thơ Mới
D - Mặt trận bênh thơ mới (1)    /  Mặt trận bênh thơ mới (2)  /  Mặt trận bênh thơ mới (3) 
E - Phản ứng làng thơ cũ / F - Sự trưởng thành của thi ca Việt Nam

Trung thành với phương pháp đặt các sự kiện văn học vào những " lúc lịch sử quyết liệt ", tôi chọn những năm 32 làm điểm khởi cho thế hệ thứ bốn của nền văn học mới : thế hệ 1932 (1)

Thực vậy chung quanh những năm 32, nhiều biến cố quan trọng đã xẩy ra giúp vào việc sửa soạn xô đẩy hầu như một cách ức bách , sự thành hình của  một hướng đi mới, một lối sống mới, một lối hành động mới, một lối cảm xúc mới, một lối suy tư mới, một lối viết mới...với những nhà lãnh đạo mới.

Lý do rất phức tạp, thuộc đủ mọi chiều hướng : chính trị, kinh tế, xã hội, tâm lý, văn học...

I - Lý do thứ nhất : những Biến động chính trị.
Trước đây, chúng ta nhận thấy những thất bại quân sự đã từng gieo chán nản, tuyệt vọng vào trong các tâm hồn, khiến nhiều người không còn nghĩ đến chiến đấu : các bậc túc nho thì đi tìm quên lãng trong công việc khảo cứu (viết báo, dịch sách, khảo luận...) ; phái trẻ thì say sưa đi tìm những cảm giác thê lương, ốm yếu để, rút cục, tuyệt vọng, thi nhau mà đi tự tử. Đó là vào khoảng từ 1922 đến 1926. Tình trạng bi quan quá độ ấy, tất nhiên, tạo ra một sức phản ứng mãnh liệt bùng nổ vào những năm 30. Đêm mồng 9 rạng mồng 10 tháng 2 năm 1930, dưới sự lãnh đạo của mặt trận Việt Nam Quốc Dân Đảng, cách mạng bùng nổ ở Yên Báy : điểm báo sự vùng dậy của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp. Nhưng, thiếu tổ chức, cuộc cách mạng bị đàn áp nặng nề. Tuy vậy, nó cũng gây được một xúc động mạnh mẽ trong các tầng lớp dân chúng. Cũng trong năm 1930, nhiều đảng phái mới ra đời, đáng chú ý hơn cả là Đông Dương Cộng Sản đảng. Tất cả những biến cố chính trị như trên đây chẳng những đánh thức dậy ý thức quốc gia mà còn xoay chiều hẳn chí hướng và hoạt động của cả một thế hệ : thế hệ trẻ, mới...

II - Lý do thứ hai : việc Bảo Đại hồi loan. 
Phải chăng bởi nhìn thấy tinh thần quốc gia đang bồng bột trong các tâm hồn khó lòng dập tắt được mà, từ sau năm 1930, người Pháp tỏ ra mơn trớn người Việt Nam, tung ra nhiều điều hứa hẹn. Đặc biệt hơn hết là năm 32, họ đã nắm lấy cơ hội Bảo Đại hồi hương để gây hẳn một phong trào cởi mở giả tạo, cốt cho các thành phần Quốc gia tin tưởng vào vai trò khai hoá của Pháp để đưa Việt Nam đến một tương lai rực rỡ. Chính vì vậy mà họ đã cho nghênh đón Hoàng đế Bảo Đại hồi loan rất long trọng. Tiễn đưa Bảo Đại tới Marseille, Thượng Thư thuộc địa Albert Sarraut đã nói với nhà vua : "Tâu Hoàng Thượng, Hoàng Thượng sẽ gánh một gánh rất nặng nề, là phải làm một Vị Đế Vương tân thời, song phải tuân theo cổ tục, Ngài phải làm cho một nước cổ, hoá ra một nước kim...

" Chúng tôi không muốn Ngài hoá ra một người cấm cố ở một chốn điện đài rực rỡ, người ta đối đãi một cách rất sang trọng, để hòng lợi dụng lúc Ngài vui, hoặc khi Ngài chán ngán mà xin chuẩn y một đôi đạo chỉ dụ, nghịch hẳn với quyền lợi của nước của dân " (2).

Thực vậy, cùng với việc vua Bảo Đại hồi loan vào tháng chín năm 32, Chánh Phủ Pháp đã hứa hẹn rất nhiều mà điều hứa quan hệ nhất là việc áp dụng đúng các điều khoản của Hiệp Ước năm 1884. Theo Hiệp Ước năm 1884, thì Bắc Kỳ và Trung Kỳ, tuy chịu quyền bảo hộ của Pháp, vẫn tự trị về nội bộ.

Nhưng người Pháp đã áp bức Nam Triều ra chỉ dụ ngày 26-7-1897 để đặt Bắc Kỳ dưới quyền cai trị của ¨Pháp, tách khỏi Trung Kỳ, là xứ cũng dần dần mất hết tính cách tự trị.

Năm 32, nghe rằng Pháp định nới rộng để trao trả quyền tự trị nội bộ cho Nam Triều ở cả Bắc và Trung, người dân Việt Nam thực là háo hức. Le Grauclaude, trong cuốn " Những thời kỳ trọng đại của nước An Nam trong lúc Hồi xuân " đã ghi chú điều ấy : " vì như người nào xét kỹ xung quanh mình, thì biết rõ ràng sự hồi loan này đã làm cho thiên hạ náo động vô cùng, cái ngày ấy càng gần tới chừng nào, thời sự náo động ấy càng rõ ràng chừng nấy, dầu các nhà lãnh tụ các đảng phái lấy ngôn luận làm bút chiến cũng không tả thấu cái tư tưởng của nhân dân đặng. Nếu biết rõ những sự tín ngưỡng di truyền, thời sau khi có những sự loạn lạc, trừng trị, đói kém, cái phong trào ấy của nhân dân cũng dễ giải nghĩa lắm " (3).

Tuy Chánh Phủ Pháp có thiện chí muốn duyệt lại các điều lầm lỡ để nới rộng quyền hành cho Nam Triều, nhưng quan lại Pháp tại Việt Nam xem ra chống đối và hình như cũng kéo được một phe cánh theo họ để phản kháng việc trao trả Bắc Việt cho Nam Triều. Nói về sự kiện đó, Le Grauclaude viết : " Ở Bắc Kỳ, hai phe ấy đã khiêu chiến nhau và ông Nguyễn Văn Vĩnh đã xưng là thay mặt một phần dân Trung Kỳ nữa. Một phái kia là " phái quan trường có ông Phạm Quỳnh là một nhà văn học trứ danh, làm lãnh tụ, chống với phái thanh niên, tự xưng là thay mặt bọn thanh niên Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Bọn này có một tờ báo làm cơ quan là tờ An Nam Nouveau. Ông Nguyễn Văn Vĩnh là một nhà viết báo có tiếng, chủ trương báo ấy. Còn trong nhân dân, ít nữa là bọn thượng lưu, chia ra hai phe. Một bên đồng tình với ông Phạm Quỳnh mà xin giao Bắc Kỳ lại cho Nam Triều cai trị với chánh phủ bảo hộ Trung kỳ. Một bên hiệp ý với ông Nguyễn Văn Vĩnh mà yêu cầu cho Bắc Kỳ trở nên một xứ thuộc địa, là thể thức cũng tựa như thể thức bây giờ rồi " (4).

Tuy nhiên, phe theo Nguyễn Văn Vĩnh, dầu sao cũng chỉ là số ít, còn phần đông dân chúng vẫn chủ trương theo ông Chủ Nhiệm báo Nam Phong. Được phỏng vấn, Thủ Tướng Nguyễn Hữu Bài, tạm coi được là tiếng nói của các phe Quốc gia, đã trả lời ông Le Grauclaude : " Việc trong thì nước Nam ước ao có quyền nội trị, tự thu xếp lấy. Người ta thường nói người nước Nam không có lòng ái quốc. Tuy không có cái ái quốc như bên Âu Châu, song bên chúng tôi, ai cũng có cái lòng trung ái với nước nhà, ai cũng một lòng một chí mà ước ao cho đặng cái quyền tự xem xét lấy các việc chung của nước nhà " (4).

III - Lý do thứ ba : những cải cách của nội các Bảo Đại.
Cho viết những lời lẽ trên này, người Pháp đã tỏ ra kiêng nể Việt Nam lắm. Lý do là vì họ nhận thấy các phe Quốc gia mỗi ngày một ảnh hưởng đến dân chúng, đặc biệt là các tổ chức Cộng Sản, được sự nâng đỡ của ngoại quốc, đang thu hút được nhân tâm. Đàng khác, nạn kinh tế khủng hoảng trầm trọng của mấy năm qua rất có thể được các lực lượng cách mạng khai thác để xúi giục dân làm loạn. Để đánh lạc dư luận, một đàng họ ngấm ngầm đàn áp, một đàng họ công bố những điều hứa tốt đẹp, đồng thời đề nghị với vua Bảo Đại, vừa mới hồi loan, phải đi tuần du cả Trung và Bắc để làm yên lòng dân và cải tổ nội các một cách thực mới mẻ. Nội các cũ gồm các quan già bị bãi nhiệm và theo đạo chỉ dụ ngày mồng 2 tháng 5 năm 1933, vua Bảo Đại công bố thành phần nội các mới gồm những vị Thượng Thư rất trẻ : Ngô Đình Diệm, Bộ Lại, ba mươi mốt tuổi ; Phạm Quỳnh, Bộ Quốc Dân Giáo Dục, bốn mươi tuổi ; Hồ Đắc Khải, Bộ Tài Chánh, ba mươi tám tuổi ; Bùi Bằng Đoàn, Bộ Tư Pháp, bốn mươi sáu tuổi ; Thái Văn Toản , Bộ Công Tác, bốn mươi bảy tuổi.

Thật vậy, không những người Pháp làm ra mặt hoan hỉ, không những người dân đơn sơ tỏ ra vui mừng vì được có một vị vua đầu tiên văn minh tân tiến, mà cả đến dư luận báo chí toàn quốc cũng tỏ nỗi hân hoan trong dịp vua Bảo Đại hồi loan. Không những báo hàng ngày mà cả đến các tuần báo, nguyệt báo cũng có những bài xã thuyết bàn về việc hồi loan của nhà vua được coi như là một biến cố quan hệ, hứa hẹn nhiều đối với Quốc dân.

Ấy là đối với chính trị thì như vậy. Mà đối với việc canh cải học chánh, đường lối giáo dục, vua Bảo Đại cũng có những ý kiến đáng lưu ý. Báo Văn học tạp chí số 4 tháng 8 và tháng 9 năm 1932, trong bài cảm tưởng đối với cuộc ngự giá hồi loan viết : " Đáng tiếc chỉ có thế mà đáng mừng thì có nhiều điều : một là mừng được trông thấy cái thái độ khoan hoà cẩn trọng của Hoàng Thượng mà có phần tin chắc rằng Ngài sẽ cầm vững vận mệnh tương lai cho quốc dân mà thái độ của Ngài lại chứng tỏ rằng : tiêm nhiễm văn hoá Âu Tây mà tự mình bền chí và có định kiến thì cái kết quả sẽ được mỹ mãn ; thế là đủ làm cái gương sáng cho bạn thanh niên du học sau này, biết noi theo đó thì mới có cái hy vọng tạo phúc cho đồng bào được.

" Hai là mừng được trông thấy Ngài đối với báo giới chẳng những tiếp đãi trọng thể mà lại có vẻ chan chứa cảm tình, thế là con đường ngôn luận của ba kỳ bắt đầu từ nay càng thấy sáng thêm và mở rộng vậy.

" Ba là mừng được nghe rõ Ngài là một vị Đế vương ưa văn hoá, trọng học thuật. Thế là nền văn học nước nhà sẽ nhờ Ngài gây dựng tô bồi họa may có ngày vững vàng tốt đẹp như nền văn học các nước văn minh Âu Mỹ.

" Vì ba điều mừng ấy mà tôi dám có mấy lời ước cầu :

" Ước sao về vấn đề phiên dịch trước thuật, Triều đình dốc lòng chiếu cố , hết sức khuếch trương, khiến cho sách quốc văn rộng đường ban bố lưu hành, họa may quốc dân đối với các món phổ thông trí thức chuyên môn khoa học khỏi phải cái khổ học nhờ viết mướn. (Nghe nói hiện nay Viện cổ học ở Huế đã tự xin tổ chức cuộc phiên dịch mà Viện Dân Biểu cũng định xin lập Viện Hàn Lâm).

" Ước sao niên hạn của học sinh, chương trình của học chánh có chút thay đổi thế nào, để trừ bớt cái nạn thất nghiệp của bạn thanh niên học tử nay mai, vì dân tộc Việt Nam là một dân tộc có khiếu thông minh, có tánh ham học, nhưng trong đó phần nhiều là con nhà cực khổ nghèo hèn "(5).

Sau khi bày tỏ niềm hân hoan và tin tưởng vào Ông vua trẻ, báo Văn học tạp chí còn trích đăng những đoạn văn quan hệ của lời huấn dụ ngày 10 tháng 9 của vua Bảo Đại liên quan đến dự án sửa đổi nền giáo dục lúc ấy : "Ta sẽ tuyển dụng cũng như thuở xưa là do thí khảo, đề mục luân lý, kinh văn và cũng có khoa học về chính trị phép luật tân thời, hễ ai được thắng phân số là trúng tuyển. Sẽ lập một trường đặc biệt (là trường sĩ hoạn). Ta sẽ hết sức lo dạy cách chánh trị thực hành làm cho đức dục và trí dục được tấn tới thêm.

" Việc học bây giờ có nhiều người ý kiến trái nhau : kẻ thời nói việc học tấn bộ, người thời nói thoái bộ, ta xem ra trong mấy năm gần đây, chỉ lấy những vấn đề học qui làm trọng.

Vậy học qui há trọng hơn tôn chỉ, mà sao chỉ chăm dạy khai trí không chăm dạy thành đức cho trẻ con là lũ đương nhiệt tâm về tân học. Ta sẽ hết sức bổ cứu cái hại ai nấy đều phàn nàn, là nó làm cho những đời người cận thời giống như đã quên những phong hoá lưu truyền rất tốt của nước ta.

" Chính vì ý ấy, cho nên nhân có chánh phủ Bảo Hộ đã tổ chức học vụ hay tốt, đặt thầy có mô phạm tân thời, cứ cơ sở vững bền ấy, ta sẽ sửa bộ học lại, sẽ gọi là bộ Quốc Dân Giáo Dục, để biểu minh chủ ý.

" Ta muốn sắp đặt việc giáo dục của quốc dân theo nền vững bền gia đình giáo dục và luân lý đời xưa.

" Có trường công về phần quan kiểm sát làm hướng đạo cho việc giáo dục quốc dân. Ta lại tính đường mở mang hương trường và tư trường là nơi gần mặt phụ huynh, vì theo luật phép và phong tục nước ta, phải có trách vụ to về đường giáo dục.

" Ta khuyên kẻ phụ huynh đem lòng lưu ý việc ấy, lo việc tương lai đặng mà giúp sức với chánh phủ, để cho thành được việc gọi là việc xây dựng lại cho dân cả nước, ấy là chính việc xã hội Việt Nam phải đem lòng chăm lo vào đó cả...

"  Vả lại noi theo thánh ý khoan hồng Đức Tiên Hoàng Hoàng Tôn Tuyên Hoàng Đế, quả nhơn muốn cho quốc dân thân ái của ta được trần ngôn tiếng thấu tai trên, được tỏ tình những điều sở nguyện, được thỉnh cầu những sự cần thiết phải lẽ... " (5).

Cũng như Văn học tạp chí của Dương Tự Quán, An Nam tạp chí của Tản Đà, trong bài xã thuyết bàn về việc hồi loan của vua Bảo Đại, cũng đã cực lực khen ngợi lời chỉ dụ của Nhà Vua : " Hay thay đức Kim Thượng là đứng thánh minh, đã hiểu cái nhẽ : phải tiến.

" Lời thánh dụ ngày 10 Septembre 1932, nhiều ý hướng duy tân đã khiến cho thanh niên phấn chấn mà đợi buổi tương lai " (6).

Tuần báo Phong Hoá cũng có nhiều bài nói về việc vua Bảo Đại hồi loan, nhất là về việc loan truyền những chỉ dụ của nhà vua đối với công cuộc canh tân xứ sở.

Tất cả các chủ trương của vua Bảo Đại cũng như của Pháp lúc ấy là hô hào canh tân, xây dựng một nước Việt Nam mới, cởi bỏ được các tập tục cũ. Trong bài chỉ dụ đặt nội các mới (2-5-1933) cũng như trong bài diễn văn đọc tại điện Cần Chánh trước mặt tân nội các, vua Bảo Đại đều nhấn mạnh đến tính cách canh tân của chế độ : " Chí tôi là muốn trừ bỏ những cách chính trị quá cũ không thích hợp với thời đại này. Tôi muốn cho nước Nam tấn bộ theo thời, không phải kém các nước khác trong thiên hạ nữa. Làm thế không phải là bạo động biến cách, tức là tuần tự canh tân, là một việc cần. Nước không đổi mới là nước hỏng. Tôi muốn cho nước này được hoạt động, nên tôi quyết đem hết quyền lực giúp cho tiến hoá, cho mau bước lên con đường cải cách văn minh " (7).

Về phía người Pháp, toàn quyền Pasquier cũng trịnh trọng nói đến cải cách với tân nội các : " Cái chế độ cũ trong nước, đả động đến phải cho thận trọng lắm, nhưng mà nếu xét ra thời thế phong tục khiến cho phải thay đổi thì cũng không nên ngần ngại mà sửa đổi " (7).

Những lời cổ võ cho ý hướng theo mới ấy do hai chánh phủ Pháp và Nam triều phải đã gieo vào dân gian một làn khí mới bắt đầu từ năm 1932 là năm vua Bảo Đại hồi loan.

Phong trào theo mới hăng say từ sau năm 1932 hẳn một phần đã bắt nguồn từ việc theo mới của tân nội các Bảo Đại lúc ấy.

IV - Lý do thứ tư : lối sống xé rào của vị vua trẻ
Việc vua Bảo Đại về nước năm 1932, chẳng những đã gây xúc động mạnh về phương diện chính trị, cũng như về phương diện canh cải giáo dục và học chánh mà còn gây xúc động mãnh liệt cả về phương diện xã hội nữa. Thứ nhất vì nhà vua là một tay Tây học, đã dám bãi bỏ tất cả các hủ tục, nghi lễ phiền phức, thoái hoá mà Nam Triều đã khuôn mình từ hàng ngàn năm. Thứ hai, tuy không nói ra, tuy không tuyên chiến bằng lời nói, nhưng Bảo Đại đã tuyên chiến bằng việc làm đối với chế độ Đại gia đình. Chính Bảo Đại đã chống lại quyết định của Triều đình Huế, nhất là của Đại Gia đình Hoàng Tộc nhà Nguyễn khi ông cương quyết cưới cho bằng được một bà vợ là con gái thứ dân chứ không phải con hoàng tộc hay con gái bậc Đại Thần. Hơn thế người con gái thứ dân ấy lại theo tôn giáo khác hẳn tôn giáo của Triều đình, của Hoàng tộc. Chính Bảo Đại đã tranh đấu thành công chống chế độ đại gia đình để thực hiện tự do kết hôn. Thứ ba chính Bảo Đại đã khai mở cái thế hệ trai độc thê khác với phong tục cũ vua chúa bao giờ cũng đa thê. Ngần ấy cái mới ảnh hưởng đến lớp thanh niên rất nhiều và các vai truyện của Nhất Linh hay Khái Hưng về sau này, tức mãi 1933-1934, cũng không có gì mới hơn Bảo Đại lúc Bảo Đại làm trái ý Hoàng tộc để cưới cho kỳ được bà Nam Phương làm vợ.

Những luận đề mà mãi đến năm 33 hay 34 có khi mãi đến 1935, Khái Hưng hay Nhất Linh mới đem ra bàn giải ở trong tiểu thuyết luận đề của các ông, thì Bảo Đại, ngay từ năm 1932, đã đem bàn giải và biện minh cho nó ngay trong cuộc đời của nhà vua.

V - Lý do thứ năm : bế mạc thế hệ cũ và xuất hiện thế hệ mới.
Năm 32 là năm " tống cựu nghinh tân " giữa hai thế hệ mới cũ : nếu trong chánh trường những Nguyễn Hữu Bài, những Võ Liêm, những Tôn Thất Đàn, những Phạm Liệu...đã về hưu để nhường chỗ cho những Ngô Đình Diệm, những Phạm Quỳnh, những Bùi Đằng Đoàn... thì trên văn đàn những Phạm Quỳnh, những Đông Hồ, những Hoàng Ngọc Phách, những Tương Phố cũng rút vào bóng tối để nhường trường sở cho những Khái Hưng, những Nhất Linh, những Xuân Diệu, những Thế Lữ... Thực vậy, năm 32 đánh dấu một cái mốc quan hệ : Phạm Quỳnh bỏ báo Nam Phong để vào nội các của vua Bảo Đại. Phạm Quỳnh đã ra đi trong vinh quang, giữa sự nhớ tiếc của mọi người. Nam Phong còn sống thêm được hai năm nữa, nhưng cũng là sống cầm hơi, không nguyên vì mất người thủ lãnh có tài mà nhất là vì thời thế thay đổi. Như một viên lão tướng, dù huấn nghiệp có cao cả đến đâu, cũng phải nghĩ đến ngày rút lui. Phạm Quỳnh đã ra đi đúng lúc để giữ hầu trọn vẹn cảm tình của văn học giới.

VI - Lý do thứ sáu : nhiều báo mới xuất hiện.
Điều đáng chú ý khác là cũng trong khoảng thời gian này nhiều báo chí mới ra đời : Phụ nữ Tân vănra đời năm 1929, Phụ nữ Thời đàm, năm 1930 và đặc biệt là vào khoảng giữa năm 1932 cả một loạt báo mới ra đời hay tái bản hoặc chuyên chú hẳn về xã hội hoặc đi sâu vào nghiên cứu văn học, đó là trường hợp của các báo Chớp bóng, Từ bi âm, Đông tây tuần báo, Văn học tạp chí, Đông thanh tạp chí, An nam tạp chí, Phong hoá tuần báo.

Văn học tạp chí, số 1 ra tháng năm dương lịch năm 1932, trong bài Phi lộ đã tuyên bố mục đích " là để làm cái cơ quan chung cho tất cả các nhà văn có tài, có học thức trong nước cùng đóng góp vô mỗi người một phần tâm lực trau dồi cho, sửa sang cho, gom góp cho, chỉnh đốn cho cái tiếng nói của mình thành một áng văn chương có khuôn phép phân minh, có tài liệu phong thiệm, có thể thức đường hoàng, có lời lẽ tốt đẹp mà dần dần gầy dựng thành một nền văn học xứng đáng sau này " (8).

VII - Lý do thứ bảy : ra đời của báo Phong Hoá và Tự Lực Văn Đoàn.
Nhưng năm 32 là năm của tuần báo Phong Hoá.

Phong Hoá là một tờ tuần báo ra ngày thứ năm, số đầu tiên ra ngày 16 Juin 1932. Phong Hoá buổi đầu là của Phạm Hữu Ninh.

Khổ báo buổi đầu thay đổi nhiều. Từ số 1 đến hết số 10, báo ra khổ nhỏ 24x33 ; nhưng từ số 11 đến số 20 thì khổ báo lại to khác thường, to hơn cả khổ giấy nhật trình ngày nay ; và từ số 20 trở đi thì lại lấy giấy khổ trung bình 31x44.

1 - Kỹ thuật mới mẻ của báo Phong Hoá

Xét về hình thức, thì từ số 1 cho đến số 13, ngoài bìa báo không có đề báo do ai chủ trương hết. Ngay tên ông Phạm Hữu Ninh cũng không hề xuất hiện trên báo bao giờ. Bỗng số 11, ngày 25-8-1932, loan bằng tiêu đề lớn : " Một sự cải cách lớn của báo Phong Hoá...

" Phong Hoá tuần báo tạm ra 4 trang giá bán 0p03 để đủ thời giờ dự định một cuộc hoán cải rất lớn lao.
" Vài tuần nữa tờ báo Phong Hoá sẽ được vừa lòng độc giả về hết các phương diện văn chương, mỹ thuật, tư tưởng.
" Xin độc giả vững tâm chờ đợi : Phong Hoá tuần báo sẽ không phụ tấm lòng yêu mến của độc giả ".

Số 13 ra ngày 8 Sept. 1932, một tiêu đề lớn hơn kéo dài hai cột báo nơi giữa trang nhất.

" Một cuộc hoán cải lớn lao trong báo Phong Hoá.
" Một sự lạ trong làng báo !
Một cái mới !
Đến ngày thứ năm 22 Sept, 1932.
" Báo Phong Hoá sẽ ra số mới
" 8 thay 4 trang (khổ nhật trình) mỗi số 0p07
" Bàn một cách vui vẻ về các vấn đề cần thiết :
" Xã hội, chính trị, kinh tế.
" Nói rõ về hiện tượng trong nước
" Có 15 tranh vẽ, nhiều chuyện vui, v.v...
" Cần thiết...
" Hoạt động...
" Vui vẻ...
" mãi...mãi...
" Ai cần xem báo ! Ai thích đọc báo !
" Nên đọc Phong Hoá "(9)

Nguyên đọc nội dung cũng như cách trình bày hai mục quảng cáo trên đây, ta cũng đã thấy có một bàn tay chuyên nghiệp về báo chí nhúng vào tờ tuần báo Phong Hoá rồi. Trong mục quảng cáo số 13 ra ngày 8 Septembre 1932, ta đọc những câu như : " Bàn một cách vui vẻ về các vấn đề cần thiết : Xã hội, chính trị, kinh tế ". Lần đầu tiên làng báo Việt Nam chủ trương bàn các vấn đề một cách vui vẻ, khác với chủ trương các báo đi trước, như Nam Phong chẳng hạn bao giờ cũng trệnh trọng kênh kiệu, quí phái...

Các lời quảng cáo trên đây kể ra không phải là quá đáng. Thực vậy, Phong Hoá, từ số 14 ra ngày thứ năm, 22 Septembre 1932, mới lạ từ hình thức đến nội dung.

Báo ra 8 trang thay vì 4 trang. Trên trang nhất xuất hiện ban lãnh đạo của Phong Hoá : Fondateur directeur politique, ông Nguyễn Xuân Mai; Directeur, ông Nguyễn Tường Tam; Administrateur Gérant, ông Phạm Hữu Ninh. Tuy chưa được tăng cường như sau này, vì trước khi được đặt dưới quyền điều khiển của Nguyễn Tường Tam, tuần báo Phong Hoá của ông Phạm Hữu Ninh, ngay từ số 1 ra tháng Juin 1932, cũng đã có một nội dung khác các báo đương thời, cả về văn cũng như về ý tưởng. Trần Khánh Giư Khái Hưng là cây bút cốt cán, giữ nhiều mục quan trọng trên Phong Hoá suốt từ số 1 cho đến số 13.

Nhưng, từ số 14 ra cuối tháng Septembre 1932, khi mà Nguyễn Tường Tam đứng ra điều khiển tờ báo này, với sự cộng tác thường xuyên của Khái Hưng, Tú Mỡ, Tứ Ly, Thế Lữ, Thạch Lam... thì báo Phong Hoá quả là một trái bom nổ giữa làng báo.

Thực vậy, từ đấy trở về trước, báo chí ở nước ta có vẻ quan liêu, khệnh khạng. Nam Phong, mặc dầu được coi là một tạp chí tân tiến, mới mẻ, vẫn là cái tân tiến, mới mẻ của bọn trưởng giả, mang tích cách quan lại.

Phong Hoá đã đưa ra hẳn một tinh thần mới trong việc làm báo, tổ chức tòa báo. Điều này chính Nhất Linh hầu như cũng vỗ ngực tự đắc mà nhận như vậy, nhân ngày kỷ niệm báo ra đời được chẳn ba năm. Đọc bài tự thuật sau đây của Nhất Linh, các bạn thấy ngay hồi ấy, Nhất Linh đã có một quan niệm rất mới mẻ về nghề làm báo :

" Chúng tôi ra số báo này để kỷ niệm ngày báo ra, vì hai năm trước đây, chúng tôi đãng trí nên quên mất việc đó.

" Đã ba năm cùng các bạn cùng đi một con đường, tất là có những kỷ niệm chung mỗi bước đường lại một nhiều thêm. Vậy bây giờ cùng các bạn dừng chân trông trở lại để nhắc đến những việc đã qua, những cảnh đã gặp và nhân tiện ngỏ cùng các bạn hay những truyện riêng trong nhà báo và trong nghề báo, những truyện thân mật mà người ta chỉ thường kể cho nhau nghe trong những lúc nhàn rỗi, nghỉ ngơi. Phải là những lúc đó, những câu truyện trong số báo này kể ra mới hợp thời và không có vẻ cầu kỳ.

" Những lý tưởng nó sai khiến chúng tôi, những ý muốn của chúng tôi trong khi làm báo, Tứ Ly đã có bài tỏ ở dưới đây.

" Có một điều ai cũng nhận thấy là vào thời báo Phong Hoá ra đời (kể từ số 14 trở đi, lúc Tự Lực Văn Đoàn bắt đầu chủ trương báo P.H.), trong làng báo có một khuynh hướng mới về mặt nhà nghề : tờ báo viết để quần chúng xem và tờ báo mong sống về độc giả.

" Thời kỳ những báo loại báo Nam Phong đã tàn, hay còn nữa thì những thứ báo đó cũng chỉ để cho một hạng người đọc riêng, không có ảnh hưởng lớn lao đến quần chúng. Những báo của buổi đời mới không thể là những tờ báo khảo cổ hay sống dựa vào những tài liệu cũ được nữa. Những tờ mới đó phải căn cứ vào hiện trạng, phải săn sóc đến dư luận, đến thời sự, phải là những bức tranh hoạt động của xã hội trước mắt. Nhà viết báo không thể cắm đầu lục lọi trong kho sách cũ, hoặc bó gối trong phòng viết những bài luận về triết lý vừa khô khan, vừa khó hiểu, nhà viết báo bây giờ phải làm thế nào cho ai ai cũng hiểu được mình mà viết về những vấn đề có liên quan đến một số đông người. Nghĩa là phải làm theo những người viết báo bên Âu Mỹ.

" Báo Phong Hoá về mặt trong còn có một sự mới khác hẳn các báo trong nước xưa nay. Lệ thường thì tờ báo hoặc là của riêng một hội, một đảng (ở nước ta ít khi thấy), hoặc là của riêng một người. Người bỏ tiền ra bao giờ cũng nhận lấy chức Giám Đốc dầu rằng không có một cái tài nhỏ mọn gì về nghề làm báo. Ông Giám Đốc chủ nhân đó bỏ tiền ra thuê một ông chủ bút và ít nhiều ông trợ bút. Các nhà văn sĩ vì thế nên luôn luôn xung đột với những nhà tư bản có quyền sai khiến mình mà không có đủ tài để mình phục. Tờ báo ít khi có tôn chỉ duy nhất, vì tòa soạn thay đổi luôn mà ông Giám Đốc thì không đủ tài trí bắt họ theo mình.

" Báo Phong Hoá khác hẳn không phải là của riêng một người nào. Báo Phong Hoá là của chung hết thảy những người viết báo Phong Hoá.Không có ông chủ, người làm công, không có cuộc xung đột giữa các nhà văn sĩ, các nhà tư bản. Những người giúp việc báo Phong Hoá là những nhà văn độc lập, mà tờ báo Phong Hoá vì thế là một tờ báo độc lập, không phải theo mệnh lệnh của một đảng nào hay một nhà tư sản nào.

Mỗi người mỗi tháng chỉ cần một số tiền đủ sống, còn tiền lãi, nếu có, sẽ là của chung và sẽ dùng vào những công cuộc chung rồi phải làm sau này " (1).

2 - Phong Hoá đả kích, hạ bệ tất cả thế hệ đàn anh

Muốn hiểu cuộc cách mạng mà báo Phong Hoá đã xô đẩy ra năm 1932, ta cần hiểu biết tình hìnhvăn học từ năm 1932 trở về trước.

Vậy từ năm 1932 trở về trước ta biết triều đình Huế là một triều đình cổ lỗ. Cả một cái nội các già nua của Nguyễn Hữu Bài, toàn là bọn hủ nho, cũng đủ cho ta thấy trình độ dân trí ra sao rồi.

Nếu văn học là bộ mặt xã hội, thì văn học thế hệ 1913-1932 mà các tạp chí, nhất là tạp chí Nam Phong giữ một vai trò vô cùng quan hệ là hình ảnh cái xã hội đồi trệ, quan liêu, kênh kiệu, khệnh khạng của triều đình Huế lúc ấy vậy. Nếu muốn hiểu xã hội Việt Nam, cần nhìn vào triều đình Huế thế nào, thì cũng vậy muốn hiểu văn học Việt Nam hồi này không gì tốt cho bằng nhìn vào Nam Phong. Nam Phong là linh hồn, Nam Phong là tất cả văn hoá thế hệ 1913-1932. Câu nói trên đây quả không phải là quá đáng. Bởi vì, từ 1932 trở về trước, các nhà văn của chúng ta chưa có thói quen viết sách, xuất bản sách mà chỉ có thói quen viết văn trên báo chí. Vậy Nam Phong hầu như là cơ quan ngôn luận duy nhất đã liên kết tất cả các cây bút có thế giá đương thời, đến nỗi nếu đem đốt hết Nam Phong đi, thì nền văn học thế hệ 1913-1932, có thể nói là bị bóc lột rỗng tuếch. Nói như vậy để các bạn ghi nhận thế giá và uy tín của Nam Phong nó to tát đến như thế nào. Thực vậy, trong suốt mười mấy năm trường Nam Phong hầu như giữ vai trò của một viện Hàn Lâm. Điều gì Nam Phong viết ra đều hay, văn Nam Phong viết ra là đẹp, ý kiến Nam Phong bàn là được tôn trọng, luật lệ Nam Phong đặt ra mọi người tuân theo, chữ Nam Phong chế ra mọi người đều dùng... Người ta coi Nam Phong như bậc thầy.

Vậy mà năm 1932 vừa bắt đầu ra đời, tuần báo Phong Hoá đã đánh thẳng vào Nam Phong : đánh các người lãnh đạo Nam Phong, đánh ngay cả đường lối chủ trương về tư tưởng và nghệ thuật mà nhóm Nam Phong bênh vực, tức là quốc dân bênh vực có trên hai chục năm. Thực vậy, tuần báo Phong Hoá là luồng gió mới, làm xáo trộn tất cả trật tự xã hội, thổi tung những lớp bụi bặm phủ đầy trên lâu đài văn hoá cũ để lần này nó bay mù trời. Quanh những năm 32, nhiều hiện tượng văn học xảy đến báo hiệu sự thành hình của nhiều khuynh hướng mới, sự chuyển hướng sâu xa của văn đàn Việt Nam, nhất là sự trưởng thành của một thế hệ văn nghệ sĩ trẻ tuổi ý thức được trách nhiệm của mình trước lịch sử và hiên ngang đòi quyền lãnh đạo trong nước Cộng Hoà Văn Học.

Phong Hoá bắt đầu mở chiến dịch khiêu khích, hạ bệ hai lãnh tụ của hai cơ quan ngôn luận lớn nhất của thế hệ trước, lãnh tụ của Đông Dương Tạp Chí và Nam Phong Tạp Chí. 

Từ bao nhiêu lâu, khắp từ Nam chí Bắc, dư luận đâu đâu cũng coi Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh là hai ông tổ của văn học thế hệ 1913-1932.Vậy mà Phong Hoá số 14, 22 Sept. 1932 đã đặt vè để chế diễu hai ông chủ bút Đông Dương và Nam Phong tạp chí. 

" Phong dao mới "

Nước Nam có hai người tài,
Thứ nhất sừ Ĩnh, thứ hai sừ Uỳnh,
Một sừ béo núng rung rinh,
Một sừ lểu đểu như hình cò hương
Không vốn liếng chẳng ruộng nương,
Chỉ đem dư luận bán buôn làm giầu 
Bây giờ đang sỉa sói nhau : 
Người câu " lập hiến ", kẻ câu "  trực quyền "
-" Thưa các ngài, thực vi tiên
Muốn xem chiến đấu quẳng tiền vào " đây "  (10)

Chế diễu như vậy chưa lấy làm đủ, cây bút hài hước của Phong Hoá, sang số 15, ngày 27 Septembre 1932, lại có mấy dòng sau đây bằng văn xuôi không kém mỉa mai đối với Phạm Quỳnh :

" Báo Phong Hoá ra buổi sớm, buổi chiều đi chơi rong phố, nghe thấy con trẻ hát :

" Nước Nam có hai người tài...
" Thứ nhất sừ Ĩnh, thứ hai sừ Uỳnh
" Hai câu phong dao có lọt vào tai hai ông lãnh tụ hai đảng lập hiến và trực trị, chắc hai ông tài cũng... mát dạ.

" Ông Quỳnh có lẽ chưa vừa lòng. Ông có giận, xin đừng giận nguời làm thơ, nên giận cái người đặt ra điệu thơ sáu tám. Chả nhẽ lại viết, thứ nhất sừ Uỳnh, thứ hai sừ Ĩnh ".

Người ta không thể bảo báo Phong Hoá chống Phạm Quỳnh và Nguyễn văn Vĩnh vì hai ông này làm chính trị mà chỉ vì hai ông bị coi là hủ hoá một lũ mà thôi. Thực vậy, Phong Hoá đã chế diễu nào Hoàng Tăng Bí, nào Huỳnh Thúc Kháng, nào Nguyễn Khắc Hiếu, nào Nguyễn Trọng Thuật, nào Nguyễn văn Tố. Chẳng thế mà Phong Hoá số xuân (24 Janvier 1933), đã có bài chúc Tết " thập bát tú " do Tứ Ly (Hoàng Đạo) gửi cho 18 nhân vật :

- " Mừng cụ Hoàng Tăng Bí tăng phúc, tăng lộc, tăng thọ, tăng...bí.
- " Mừng cụ Nguyễn Văn Vĩnh đầu năm học xem tử vi, cuối năm xem thầy số...
- " Mừng cụ Huỳnh Thúc Kháng dùng chữ nho nhiều bằng năm bằng mười năm ngoái.
- " Mừng ông Phạm Quỳnh thăng quan tiến chức.
- " Mừng ông Hy Tống ra ngoài hẳn cái bị của cụ bảng Bí.
- " Mừng ông Nguyễn Khắc Hiếu say bằng năm bằng mười năm ngoái.
- " Mừng ông Nguyễn Trọng Thuật sinh thêm được năm bảy người An Nam mới.
- " Mừng ông Dương Bá Trạc đầu năm học xong tiếng Ăng Lê, giữa năm học xong tiếng Quảng Đông, cuối năm nói truyện ông Đinh Bộ Lĩnh.
- " Mừng búi tó ông Nguyễn văn Tố năm nay được vào viện Bác cổ Hà Nội.
- " Mừng ông Lê văn Phúc năm nay phát tài một mình... "
 . . . . .

Chẳng những công kích cá nhân các cây bút đàn anh, Phong Hoá còn bơi móc cả văn của bọn họ nữa.

Đây các bạn nghe Phong Hoá diễu văn của Hoàng Tăng Bí và của Dương Bá Trạc : 

" Trứng vịt khó tiêu, không biết còn cái gì khó tiêu hơn nữa không ? Hỏi thế tất ai cũng buồn sắc mặt mà đáp lại rằng : có văn của cụ Hoàng Tăng Bí.

" Nhưng văn cụ bảng tuy có bí, nhưng chưa đến nỗi bí như văn ông cử Dương Bá Trạc, tự là Tuyết Huy. Văn cụ Hoàng bí vì thế văn cụ dài lướt thướt như cái áo thụng nhưng cụ còn có tư tưởng. Đến như ông Dương Bá Trạc, văn ông giống như cái thùng sắt tây, ngoài bóng trong rỗng không có tư tưởng gì. Vì thế văn ông lại bí hơn một bực mà bí lại bí " rỗng ".

" Ngày xưa, Chu Du 3 lần hộc máu, ngẩng cổ lên giời mà than rằng :
" Giời đã sinh Du sao còn sinh Lượng ?

"  Độc giả báo chí nước Nam mấy lần ngủ gật cũng nên ngáp mà than rằng :
" Giời đã sinh ra cụ bảng Hoàng, sao còn sinh ra ông cử Dương ? " (11)

Và đây Phong Hoá diễu cợt nhà học giả Hoàng Tăng Bí :

" Tài phát minh của cụ Hoàng Tăng Bí,
Cụ Hoàng Tăng Bí mới tìm ra một thứ bệnh, cụ gọi là một bệnh chung của bạn thiếu niên ta ngày nay ! Cái bệnh ấy là cái bệnh quá yêu tây học, công kích Nho giáo, không biết rằng dân tộc Việt Nam còn đoàn tụ được đến ngày nay, xã hội Việt Nam còn giữ trật tự đến thế này đều là nhờ Nho giáo !
" Cái bệnh ấy có không, không biết, chỉ biết rằng Cụ bảng Hoàng cũng mắc bệnh, cái bệnh chỉ trông thấy cái tốt đẹp của Nho giáo.
Bệnh của Cụ bảng Hoàng nghe như trầm trọng lắm, cụ nên tìm thuốc chữa đi thôi "(12).

Chẳng những diễu bọn nam nhi, Phong Hoá cũng chẳng thương đến một nữ sĩ đã từng làm cho thanh niên thiếu nữ yêu mến. Đó là nữ sĩ Tương Phố :

" Giải quán quân.
"  Bà Tương Phố xưa làm bài thơ " giọt lệ thu " đăng trong Nam Phong, ai cũng khen là lâm ly, ai oán, sầu thảm, thảm thiết, ảo não, và buồn rầu...
" Tính ra bài văn đó có 61 chữ vừa " than ôi ", " ôi ", và " lệ ", chia ra như sau này :
29 chữ " than ôi ",
18 chữ " ôi ",
14 chữ " lệ ",
Một bài độ bốn trang, mà có những 61 chừng ấy chữ, thì than ôi ! Làm gì mà chẳng đáng bi thương " (11).

Nhưng chẳng hiểu sao Phong Hoá lại có thù riêng gì với thi sĩ Tản Đà ! Trong suốt mấy tháng cuối năm 32 đầu năm 33, chẳng mấy số báo mà Phong Hoá buông tha nhà thơ sông Đà núi Tản.

Họ chế diễu báo của ông :

" Báo Annam của ông Vĩnh đã là báo " Annam mới ", thì báo " Annam " của ông Hiếu hẳn là báo " Annam cũ "... ông Vĩnh mới ít, mà ông Hiếu cũ nhiều. Nên báo ông Vĩnh phải đặt là " Annam mới và cũ " mà báo ông Hiếu là " Annam cũ cũ " hay " cũ cũ " không cho xong chuyện !
" Trong số " cũ cũ " mới đây, ông Tản Đà uống rượu, uống rượu rồi ông say, ông say "  rồi thì xuất ". Ông say nên ông trót làm bài thơ cảm tình để cảm hoá Phong Hoá.
" Nhưng thôi, ta hãy đợi ông tỉnh đã rồi sẽ nói chuyện " (13)
" Giữ quán quân về " chết " đi " sống " lại thì là báo Annam của ông Hiếu :
" 3 lần chết
" 4 lần ra đời
Bao giờ ông Tản Đà làm cho số chết và sống đều bằng nhau thì độc giả mới được nhờ ông lắm lắm " (11).

Họ chửi ông đủ điều, họ làm thơ hoạ vận để rêu ruốc ông. Các bạn nghe Tứ Ly (12) nói về Tản Đà và Annam tạp chí của ông :

" Hoạ nguyên vận :
Anh lên giọng rượu khuyên Phong Hoá
Sặc sụa hơi men khó ngửi quá. 
Đã dạy bao lần tai chẳng nghe,
Hẳn còn nhiều phen mồm bị khoá !
Thân mềm chưa chắc đứng ngay đâu
Lưỡi ngắn thì nên co lại nhé !
Phong Hoá mà không hoá nổi anh, 
Tuý nhân quả thực là nan hoá !
                                PHONG HOÁ
" An nam tạp chí ví như sao ?
" An nam tạp chí ví như đỉa đói, giai lắm, sống đi chết lại đến mấy mươi lần.
" An nam tạp chí giống như con vịt giời, nay ở phố Hàng Lọng, mai ở phố Hàng Bồ, nay ở Hà Nội, mai về Nam Thành, không có cơ sở nhất định, thật là vô gia cư.
" An nam tạp chí ví như con sâu róm. Con sâu róm mùa thu còn là trứng ; mùa đông hoá ra sâu, mùa xuân biến ra bướùm, nhưng sau trước vẫn là con sâu róm, tai hại vô cùng.
An nam tạp chí năm nay nội dung thay đổi, sang năm nội dung thay đổi, nhưng sau trước vẫn là An nam tạp chí, xem đến buồn ngủ vô cùng " (12).
3 - Phong Hoá đả kích tất cả các cơ quan ngôn luận đương thời

Chẳng những Phong Hoá đả phá chế diễu cá nhân này cá nhân khác, mà còn đả phá chế diễu tất cả các cơ quan ngôn luận do các nhân vật thuộc hệ cũ chủ trương. Chẳng những Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, Annam tạp chí, ra đời đã lâu, thậm chí những báo vừa mới ra đời như Văn học tạp chí, Đông Thanh tạp chí, cũng đều bị châm chọc. Đây các bạn nghe Phong Hoá phê bình Đông Thanh tạp chí :

" Trong nước Nam tưởng chỉ có một tờ báo cổ là báo Nam Phong. Dè đâu lại có báo Đông Thanh. Báo Nam Phong không định cổ mà thành ra cổ, báo Đông Thanh định tâm cổ mà cổ thật.

" Các ông bấy lâu chúi mũi tìm tòi trong khe đá nứt hay gậm tủ hôi mù quên cả sự đời. Bỗng một hồi, các ông giật nẩy mình bảo nhau : " Ấy chết, trong lúc ta đang cong lưng tìm tòi, cả quốc dân đương mong ngóng muốn biết những cái ta đã phát minh ra : nghĩ thế rồi các ông ra mở báo.

" Đầu tiên, các ông đem những con dấu cổ ra lòe bà con dốt nát, rồi các ông bàn chuyện nước Chiêm Thành, các ông lo đòi lấy lại tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây như ta đòi hai cái lục bình cổ vậy "  (14).

4 - Phong Hoá đả kích lý tưởng văn hoá của thế hệ trước.

Như vậy đối với thế hệ cũ, chẳng riêng gì con người họ bị bêu xấu, cơ quan ngôn luận của họ bị chế diễu mà chính cả đường lối của họ từng được cả quốc dân ca ngợi nay cũng bị nhạo báng.

Tứ Ly, trong mục " Từ cao đến thấp ", Phong Hoá số 28 ngày 30-12-1932, còn đả kích Nho giáo nặng nề hơn :

" TÀI PHÁT MINH CỦA CỤ HOÀNG TĂNG BÍ "

" Cụ Hoàng Tăng Bí mới tìm ra một thứ bệnh, cụ gọi là một bệnh chung của bạn thiếu niên ngày nay ! Cái bệnh ấy là cái bệnh quá yêu tây học, công kích Nho giáo, không biết rằng dân tộc Việt Nam còn đoàn tụ được đến ngày nay, xã hội Việt Nam còn giữ trật tự đến thế này đều là nhờ công Nho giáo !
" Cái bệnh ấy có không, không biết, chỉ biết rằng Cụ bảng Hoàng cũng mắc bệnh chỉ trông thấy cái đẹp của Nho giáo.
" Bệnh của Cụ bảng Hoàng nghe như trầm trọng lắm, cụ nên tìm thuốc chữa đi thôi !
" Cha ra cha, con ra con
" Cụ bảng Bí mắc cái bệnh ấy nên nói rằng vì mấy nghìn năm chuộng Nho Giáo nên trên dưới có trật tự, cha ra cha, con ra con, anh ra anh, em ra em, chồng ra chồng... cụ Hoàng Tăng Bí ra cụ Hoàng Tăng Bí ;
" Ấy đấy, ý cụ bảng là nếu không có nho giáo thì cha không ra cha, con không ra con, anh không ra anh, em không ra em, chồng không ra chồng, vợ không ra vợ...cụ Hoàng Tăng Bí không ra cụ Hoàng Tăng Bí.
" Quái thật có lẽ cụ bảng đồ rằng bên Âu Mỹ,  cha không ra cha, con không ra con, anh không ra anh, em không ra em, vợ không ra vợ, chồng không ra chồng, mà hề Charlot không ra hề Charlot " (14).

Suốt mấy chục năm, tên tuổi Phạm Quỳnh nổi tiếng như sóng cồn vì cái đạo chiết trung, điều hoà Âu Á, tức là cái triết lý vừa phần bảo toàn được quốc hồn quốc tuý vừa phần thâu thái được cái hay cái đẹp của văn minh Âu Mỹ.

Cái chủ trương ấy có lúc bị Phong Hoá nghi ngờ như ta thấy trong bài " Đạo Trung Dung của ông Quỳnh " đăng trên Phong Hoá số 16 ngày 6-10-1932.

" ĐẠO TRUNG DUNG CỦA ÔNG QUỲNH.

" Dung hợp Âu Á, lấy những cái tinh hoa của phương Tây đem hoà lẫn với những quốc hồn, quốc tuý của ta, ông Phạm Quỳnh bấy lâu kêu gào trên tạp chí Nam Phong (nói bắc phong thì đúng hơn) cái thuyết sâu xa ấy.
" Cái gì hay thì ta giữ lại, cái gì dở thì ta bỏ đi. Chỉ còn một việc đeo chuông...nghĩa là việc phân biệt cái hay với cái dở.
" Nghe ra khó tìm phương thi hành. Gặp việc gì khó, tây phương nói tây phương phải, đông phương nói đông phương phải, tiên sinh biết theo bên nào ?
" Lúc đó chỉ còn ngồi mà đợi thời, theo chiều gió mà phất là hơn cả, thưa tiên sinh " (12).

Điều mà lúc đầu Phong Hoá nghi ngờ, thì dần dần sau này Phong Hoá phát động chiến dịch đả phá.

Nhất Linh trên Phong Hoá số 18 (20-10-32) đã kết án cái thuyết dung hợp của Phạm Quỳnh. Cái điều đáng lưu ý là, ở thế hệ trước, Phạm Quỳnh vẫn tự coi mình là tay tân học, thì, sang thế hệ mới này, cái ôngtân học Phạm Quỳnh, đối với bọn tân học Nhất Linh, đã trở thành cựu học. Nhất Linh viết về Phạm Quỳnh năm 1932 :

" Vì vậy trong bọn cựu học, có ông Phạm Quỳnh, đã xướng thuyết Trung Dung giữ lấy cái hay của Đông phương, thu lấy cái hay của Tây phương ; dung hoà hai cái văn hoá, gây dựng lấy một nền văn minh riêng, cái mộng tưởng ông Phạm Quỳnh là ở đấy.
" Cái thuyết ấy, mới nghe ai ai cũng phải công nhận là hay, là nên theo, song đem ra thực hành thật là khó khăn vô cùng. Ngay đến ông Phạm Quỳnh cũng phải công nhận như vậy. Tôi, tôi lại vượt qua lên một bực nữa : cái thuyết ấy không thể thực hành được...
" Theo bên nào cũng có cái hay, cái dở, chưa chắc chắn đâu là chân lý. Song cái văn minh cũ đem ra thực hành kết quả còn ở trước mắt ta, cái kết quả ấy làm cho ta bất mãn.
" Ta chỉ còn hy vọng ở cái văn minh của Tây phương, cái văn minh ấy, đưa ta đến đâu, ta chưa biết, song cái vận mệnh con người ta là đi vào vô định, vô thường. Cứ thay đổi mới tiến bộ " (15).

Trong mục " Bàn Ngang ", Tứ Ly, trên Phong Hoá số 28 ra ngày 30-12-1932, còn nói mạnh bạo hơn Nhất Linh :

" Các nhà Nho còn sót lại trên cõi đất Việt, thường than thở cho luân thường, phong hoá, mà nhất là than thở cho mình muốn chấn hưng được đạo Nho kia, mong cho chúng ta ở lùi lại một trăm năm về trước.
" Họ muốn cho chúng ta sống như đời Nghiêu Thuấn, còn trẻ con thì cắp sách Nho, đọc Mạnh Tử " chi hồ giả dã " vang khắp bán đảo Đông Dương, nhớn lên thì này bút, này nghiên, này lều, này chiếu, bàn chuyện thì bàn với Tam Hoàng Ngũ Đế , bàn xem Quảng Trọng đã mấy lần tù...
"  Những điều hay ho ấy, thật chúng ta không xứng đáng theo. Chúng ta không thể sống như đời cổ được, vì chúng ta đã chịu ảnh hưởng một trang lịch sử vừa qua mà các nhà nho kia muốn xoá bỏ đi. Chúng ta nghĩ khác xưa, xét đoán cũng khác xưa rồi ! Chúng ta không thể tin rằng người Thái Tây chân chỉ có một ống, ngã là không dậy được, đèn phải có bấc, dốc xuống không cháy được, súng thần công phải là ông súng, có tàn có tán, sốt thì đổ mồ hôi, ốm thì đổ thuốc vào cho uống.
" Thật là không may cho chúng ta...mà rất buồn cho mấy nhà nho hủ " (16).

5 - Chương trình cải cách của Tự Lực Văn Đoàn

Có điều các bạn cần ghi nhận là những cái mà Phong Hoá đánh đấm chẳng phải đánh đấm vu vơ đâu. Nó nằm trong chủ trương , đường lối của cả nhóm.

Một cái bản tuyên ngôn của Tự Lực Văn Đoàn đủ nói lên điều nhận định của tôi. Bản tuyên ngôn này tuy ra đời đầu năm 1934 mà thực nội dung của nó đã tản mát hầu khắp mọi trang báo Phong Hoá ngay từ số 14 là số Nguyễn Tường Tam đứng ra điều khiển tờ báo này. Đây các bạn hãy nghe bản tuyên ngôn đó :

" TUYÊN NGÔN CỦA TỰ LỰC VĂN ĐOÀN.

" Tự Lực Văn Đoàn họp những người đồng chí trong văn giới, người trong đoàn đối với nhau cốt có liên lạc về tinh thần, cùng nhau theo đuổi tôn chỉ, hết sức giúp nhau để đạt được mục đích chung, hết sức che chở nhau trong công cuộc có tính cách văn chương.
" Người trong Văn Đoàn có quyền để dưới tên mình chữ Tự Lực Văn Đoàn và bao nhiêu tác phẩm của mình đều được Văn Đoàn nhận và đặt dấu hiệu.
" Những sách của người ngoài, hoặc đã xuất bản, hoặc còn là bản thảo, gửi đến Văn Đoàn xét, nếu hai phần ba người trong Văn Đoàn có mặt ở hội đồng xét là có giá trị và hợp với tôn chỉ thì sẽ nhận đặt dấu hiệu của Văn Đoàn và sẽ tuỳ sức cổ động giúp. Tự Lực Văn Đoàn không phải là một hội buôn xuất bản sách.
" Sau này nếu có thể được, Văn Đoàn sẽ đặt giải thưởng gọi là giải thưởng Tự Lực Văn Đoàn để thưởng những tác phẩm có giá trị và hợp với tôn chỉ của Văn Đoàn.

" TÔN CHỈ CỦA TỰ LỰC VĂN ĐOÀN
" 1.- Tự sức mình làm ra những sách có giá trị về văn chương chứ không phiên dịch sách nước ngoài, nếu những sách này chỉ có tính cách văn chương thôi : mục đích để làm giầu thêm văn sản trong nước.
" 2.- Soạn hay dịch những sách có tư tưởng xã hội chú ý làm cho người và xã hội ngày một hay hơn lên.
" 3.- Theo chủ nghĩa bình dân, soạn những cuốn sách có tính cách bình dân và cổ động cho người khác yêu chủ nghĩa bình dân.
" 4.- Dùng một lối văn giản dị, dễ hiểu, ít chữ nho, một lối văn thật có tính cách Annam.
" 5.- Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có trí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ.
" 6.- Ca tụng những nết hay vẻ đẹp của nước mà có tính cách bình dân, khiến cho người khác đem lòng yêu nước một cách bình dân, không có tính cách trưởng giả quí phái.
" 7.- Trọng tự do cá nhân.
" 8.- Làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa
" 9.- Đem phương pháp khoa học Thái Tây áp dụng vào văn chương Annam.
" 10.- Theo một điều trong chín điều này cũng được miễn là đừng trái ngược với những điều khác "(17).

Chín mục tiêu tranh đấu và đòi hỏi trên đây của Tự Lực Văn Đoàn chẳng có điều nào có thể dung hoà được với chủ trương điều hoà của thế hệ trước.

Điều tai ác đáng chú ý hơn hết là Tự Lực Văn Đoàn coi việc đả phá, đàn áp, tiêu diệt Nho giáo như là một trong chín tôn chỉ mà tất cả mọi người trong Văn đoàn hầu như phải uống máu ăn thề với nhau để mà triệt để thi hành. Có nhiều nhà văn, nhiều tổ chức đôi khi cũng lên tiếng đả kích Nho giáo rất kịch liệt, phũ phàng ; nhưng chưa có ai coi việc đàn áp Nho giáo là tôn chỉ cả. Tất cả cái khác, cái mới quyết liệt, cái mới phũ phàng của Tự Lực Văn Đoàn là ở chỗ ấy. Điều khoản thứ tám Tôn chỉ của Tự Lực Văn Đoàn ghi là : " Làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa ".

Nhưng quyết liệt nhất, đồng thời cũng cảm động nhất là bài bên " Bên đường dừng bước " của Tứ Ly viết ngày 20-9-1935 để kỷ niệm báo ra đời được chẵn ba năm. Sự tàn bạo, phũ phàng đối với Nho giáo được bộc lộ một cách rất cảm động :

" Cách đây ba năm, một đêm thu giá lạnh, tôi và Nhất Linh từ biệt Khái Hưng ở báo quán, nện gót trên đường vắng mà về. Lúc đó vào khoảng hai giờ sáng. Da trời sám nhạt, điểm mấy ngôi sao thưa, trên rặng cây đen sẫm, chuôi Bắc Đẩu đã nằm ngang trời. Dưới ánh vàng của đèn điện, thành phố Hà Nội ngủ yên lặng : thỉnh thoảng chỉ nghe thấy tiếng rao của hàng bán rong như ở một thế giới xa xăm khác đưa lại. Trong khoảng đêm dài tịch mịch đương lúc gió heo may thổi lá khô sào sạc, chúng tôi thấy trong lòng nhẹ nhàng vui vẻ...Sáng hôm ấy, số đầu (tức là số 14) báo Phong Hoá ra đời.

" Nhắc lại đêm hôm ấy, tôi sinh ra một tư tưởng so sánh cái đêm trường tối tăm kia là cái đời cũ, chặt chẽ, phiền nhiễu, vụn vặt, nhỏ nhen. Sống trong cái hoàn cảnh ủ rũ ấy, ta phải mạnh mẽ chống cự lại, để đợi vừng đông, đợi cái đời mới, phong quang rạng rỡ.

" Đã biết chân lý ở đâu lẽ tự nhiên là phải quả quyết bồng bột mà theo. Vì lẽ ấy, chúng tôi mạnh bạo, hăng hái đem văn chương phụng sự cải cách : phá huỷ những hủ tục đồi phong, xây đắp một cuộc đời hợp lẽ phải, bỏ thành kiến, trí phục tòng, lấy lương tri mà xét đoán mọi sự...Cái tinh thần vị tha bao giờ cũng soi lối cho chúng tôi đi.

" Tuy sẵn có chương trình phân minh, có phương pháp hẳn hoi, mà Phong Hoá lúc ra đời không có lấy một bài phi lộ. Là vì chúng tôi e nói ra không làm được. Chúng tôi sợ chương trình của chúng tôi cũng đến như chương trình của các ông nghị, có cũng như không vậy.

" Ba năm qua...những ý tưởng, những hoài vọng, chúng tôi lần lượt phô bầy trên tờ báo, được các bạn độc giả một ngày một hoan nghênh, khiến chúng tôi nức lòng hởi dạ, càng dốc lòng đi tìm chân lý với các bạn.

" Ba năm qua...sự đổi thay của phong tục, lễ nghi, tuy chưa rõ rệt, nhưng sự thay đổi của linh hồn dân ta đã ngấm ngầm, từ tốn mà tiến hành không có sức mạnh nào ngăn cản lại được nữa. Những lý tưởng, những quan niệm cũ dần dần mất vẻ uy nghi, lẫm liệt, tất rồi cũng phải theo thời gian mà phá tan, nhường chỗ cho những quan niệm, những lý tưởng mới. Linh hồn người ta đã thay đổi, tất hoàn cảnh không chóng thì chầy cũng phải đổi thay. Thay đổi hoàn cảnh, đó là mục đích của chúng tôi vậy.

" Chúng tôi muốn tiêu diệt đời cũ. sẽbị tiêu diệt. Then chốt của nó là cái đạo tống nho. Vì thế mà chúng tôi đã mạnh bạo bài bác cái đạo không hợp thời ấy.

" Có người chê chúng tôi rằng không phô bầy những cái hay của nho giáo. Họ không biết cho rằng chúng tôi không đứng về phương diện của nhà triết học : về phương diện này, nho giáo cũng như tôn giáo khác, không hơn không kém. Đối với nhà triết học, văn hoá đông phương với văn hoá tây phương đều có thể cho là hay cả. Nhưng chúng tôi chỉ muốn làm một nhà cải cách. Nguyên lý của đạo nho, chúng tôi không bàn đến, chúng tôi chỉ nhận ra rằng trong trường thực tế nó đã đưa xã hội ta vào vòng ngừng trệ, tù hãm, kể gì một vài người có trí hướng cao thượng, nếu vì đạo ấy mà phần đông dân ta dầy xéo nhau trong sự nhỏ nhen.

" Cuộc đời cũ mất, sẽ có người thương tiếc ngẩn ngơ. Nhưng tiến bộ tức là biến cải không cùng, ta không thể, trong lúc thế giới đổi thay, sinh sống mãi trong cuộc đời cũ kỹ từ ngàn năm xưa.

" Ba năm qua...Báo chí trong khoảng thời gian ấy cũng tiến bộ một cách mau chóng. Những bài phóng sự, những truyện dài có giá trị thấy dần dần xuất hiện. Báo chí khác trước, ân cần với độc giả tìm cách bênh vực kẻ cô yếu, bài bác những sự bất công...tìm phương pháp, cải cách xã hội một cách sốt sắng hoạt động.

" Ba năm qua...Hôm nay tạm dừng chân đứng lại, chúng tôi nhìn con đường đã đi ; chúng tôi ra báo ngày 22-9 năm 1932, là một ngày rất xấu : ngày tứ ly. Không phải là một sự vô tình : chính là định ý cưỡng lại cái thuyết số mệnh nó bắt dân ta nằm dí một nơi, đương lúc mọi người cùng tiến. Ngày tứ ly, trong ba năm, không thấy reo hoạ gì cho chúng tôi. Công việc chúng tôi làm, các bạn đã rõ. Công cuộc chúng tôi sẽ làm, xin đợi lúc có kết quả, chúng tôi sẽ bàn đến. Dầu sao, ký vãng của chúng tôi, xin đem ra bảo đảm cho tương lai "(18).

VIII - Lý do thứ tám : sự xuất hiện của nhiều cuộc bút chiến
Cũng trong thời kỳ này, xẩy ra nhiều cuộc bút chiến gay go giữa nhiều học giả. Phan Khôi có thể coi là một tay chiến sĩ đáng sợ đã khua động cái bình lặng tù hãm của Văn Đàn Việt Nam. Ông gây hấn với Trần Trọng Kim và Phạm Quỳnh : với ông trên, Phan Khôi công kích bộ Nho giáo ; với ông dưới, Phan Khôi hăng hái cảnh cáo cái tính cách học phiệt, gây nên cái mà người ta gọi là " vụ án các nhà học phiệt ". Cùng một đà ấy, từ năm 31, mở ra ở Phụ nữ Tân văn, mục "  Vai ngự sử Văn Đàn ", với mục đích đàn hoặc các nhà văn mới tập sự.

Ngoài các việc trên đây, chúng ta còn phải ghi nhận mấy biến cố chứng minh sự xoay chiều của nền văn học mới.

IX - Lý do thứ chín : sự xuất hiện những tiểu thuyết theo lối mới

Chúng ta phải kể đến một số tiểu thuyết hay phóng sự ra đời năm 32 này. Trên các tạp chí, từ năm 32, ta thấy xuất hiện nhiều truyện ngắn của Nhất Linh, của Khái Hưng, của Lan Khai, của Thế Lữ, mà chiều hướng chúng ta thấy khác hẳn với các truyện của Nguyễn Bá Học, của Tương Phố...

Nhưng điều đáng chú ý là sự ra đời của mấy truyện như Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng, Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan, Tôi kéo xe của Tam Lang. Từ cách xây dựng truyện đến cách đặt vấn đề, cách mô tả tâm lý các vai truyện mà nhất là lời văn dễ dãi, linh động, ba tác giả này như vạch ra một đường rạch lớn phân đôi hai thế hệ trước (13-32) và thế hệ sau (32-45).

X - Lý do thứ mười : sự xuất hiện thơ mới

Nhưng biến cố đã gây xúc động hơn hết là sự xuất hiện bài " Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ " (Phụ nữ Tân văn số 122 ra ngày 10-3-1932)

Trong bài này, sau khi công kích và kết án thơ cũ một cách nặng nề, Phan Khôi đã trình làng một bài thơ mới. Đây các bạn nghe bài " Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ ".

" Mới đây, tôi có gặp ông Phạm Quỳnh ở Saigon, trong khi nói chuyện ông nhắc đến mấy bài Trúc chi Từ của tôi đã làm trên sông Hương khi gặp người bạn cũ là ông Nguyễn Bá Trác ở ngoại quốc mới về ; ông Phạm tỏ ý khen mấy bài đó và nói chính mình đã dịch nó ra tiếng Pháp. Sau hết ông khuyên tôi nên giữ cái thái độ ngâm thơ như hồi đó thì hơn.

" Lời khuyên của ông Phạm đó, dầu là nói giỡn đi chăng nữa, đối với tôi cũng phải nhìn là có ý nghĩa. Nhưng sau khi nghe lời ấy,tôi chỉ có thể gật đầu mà làm thinh không dám vội vàng tỏ ra mình đã vui lòng lãnh giáo. Vì con người ta mà muốn thay đổi cách sinh hoạt về tinh thần lại còn khó hơn Chánh phủ thay đổi chế độ giáo dục hay chế độ nấu rượu nữa không phải việc chơi đâu mà hấp tấp.

" Duy vì có nghe lời đó mà tôi nhớ sực lại sự làm thơ. Thật, cái động cơ khiến viết bài này là chính ở mấy lời của ông vậy.

" Ông Phạm bảo tôi nên lấy cái thái độ ngâm thơ hồi trước. Trong đó tỏ rằng bấy lâu tôi đã bỏ mất hay đã đổi cái thái độ ấy đi nghĩa là bấy lâu nay tôi không ngâm thơ. Mà quả thế, gần mười năm nay tôi không có bài thơ nào hết, thơ bằng chữ gì cũng không có.

" Trước kia tôi dầu không có tên tuổi trong làng thơ như ông Nguyễn Khắc Hiếu, ông Trần Tuấn Khải, song ít ra trong một năm, tôi cũng có được năm bảy bài, hoặc bằng chữ Hán hoặc bằng chữ Nôm. Mà năm bảy bài của tôi, không phải là nói phách, đều là năm bảy bài nghe được. Vậy mà gần mười năm nay mót lắm chỉ được một vài bài mà thôi, thì kể như là không có.

" Xin thú thực với mấy ông thợ thơ. Không có, không phải là tại tôi không muốn làm hay không thèm làm, nhưng tại tôi làm không được !

" Vậy thì hiện nay, đừng nói tôi không chịu nhận lời khuyên của ông Phạm, dầu cho tôi nhận đi nữa, mà tôi không còn làm thơ được, thì ông mới xử trí cho tôi làm sao. Đó chính là cái vấn đề ở đó rồi.

" Lâu nay, mỗi khi có hứng, tôi toan giở ra ngâm vịnh, thì cái hồn thơ của tôi lại lúng túng. Thơ chữ Hán ư ? Thì ông Lý, ông Đỗ, ông Bạch, ông Tô choán trong đầu tôi rồi. Thơ Nôm ư ? Thì cụ Tiên Điền, bà Huyện Thanh Quan đè ngang ngực làm cho tôi thở không ra. Cái ý nào mình muốn nói lại nói ra được nữa, thì đọc đi đọc lại nghe như họ đã nói rồi. Cái ý nào chưa nói mình muốn nói ra, thì lại bị những niêm, những vận, những luật bó buộc mà nói không được. Té ra mình cứ loanh quanh lẩn quẩn trong lòng bàn tay của họ hoài, thật là dễ tức.

" Duy Tân đi ! Cải lương đi !

(Bị bỏ một đoạn dài)

" Đại phàm thơ là để tả cảnh tự tình mà hoặc tình hoặc cảnh cũng phải quí cho Chơn. Lối thơ cũ của ta, ngũ ngôn hay thất ngôn, tuyệt cú hay luật thể thì nó bị câu thúc quá. Mà dầu có phóng ra theo lối thất cổ,...cũng vẫn còn bị câu thúc. Hễ bị câu thúc thì nó mất cái Chơn đi, không mất hết cũng mất già nửa phần.

" Tôi nhìn thấy trong thơ ta có một điều đáng bỉ, là bài nào cũng như bài nấy. Cứ rủ nhau khen hay thì nó là hay, chớ nếu lột tận xương ra mà xem thì chẳng biết cái hay nó ở đâu...

" Bởi vậy, tôi rắp toan bày ra một lối thơ mới. Vì chưa thành thục nên chưa có thể đặt tên kêu là lối gì được song có thể cử cái đại ý của lối thơ mới này ra, là : đem ý thật có trong tâm khảm mình tả ra bằng những câu, có vần mà không phải bó buộc bởi những niêm luật gì hết. Ấy là như :

TÌNH GIÀ
Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa,
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ, hai cái đầu xanh,
kề nhau than thở !
" Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng, mà lấy nhau hẳn là không đặng ;
" Để đến nỗi tình trước phụ sau, chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau "
" Hay ! Nói mới bạc làm sao chớ ! Buông nhau làm sao cho nỡ !
" Thương được chừng nào hay chừng nấy, chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy.
" Ta là nhân ngãi, đâu có phải vợ chồng mà tính việc thủy chung ?
Hai mươi bốn năm sau, tình cờ đất khách gặp nhau ;
Đôi cái đầu đều bạc. Nếu chẳng quen lung, đố có nhìn ra được
Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi ! Con mắt còn có đuôi
" Đó là bài thơ tôi làm trước đây mấy tháng mà tôi kêu là một lối thơ mới đó. Chẳng phải là tôi hiếu sự, nhưng vì tôi hết chỗ ở trong vòng lãnh địa của thơ cũ, tôi phải đi kiếm đất mới : mà miếng đất tôi kiếm được đó chẳng biết có được không, nên mới đem ra mà trình chánh giữa làng thơ. Chẳng phải tôi người thứ nhất làm ra việc này. Hơn mười năm trước ở Hà Nội cũng có một vị thanh niên làm việc ấy mà thất bại... : Tôi dại gì lại đi theo dấu xe đã úp, dường như một chỗ đế đô mà cái vượng khí, đã tiêu trầm rồi, ta phải kiếm nơi khác mà đóng đô. Tôi cầm chắc việc đề xướng của tôi đây sẽ thất bại lần nữa, nhưng tôi tin rằng sau này có người sẽ làm như tôi mà thành công. " (19)

Phan Khôi đã nói hai lời tiên tri : tiên tri thứ nhứt ông bảo ông sẽ thất bại, lời thứ hai ông bảo người sau ông sẽ thành công. Hai lời đó đều đã ứng nghiệm.

Bài thơ đó thực quả là trái bom ném vào thành trì của thơ cũ. Người ta nhao lên khắp nơi : người công kích không ít mà kẻ tán thành ông cũng không thiếu. Người đầu tiên hưởng ứng Phan Khôi là Lưu Trọng Lư...Ông này viết thư ngỏ ủng hộ Phan Khôi và làm thơ bắt chước Phan Khôi. Bức thư của Lưu Trọng Lư ký tên cô Liên Hương còn mấy bài thơ thì ký tên Lưu Trọng Lư. Sau đây là lời lẽ Lưu Trọng Lư, bộc lộ với Phan Khôi về thơ mới . 

" Phan tiên sinh :

" Cách đây đã lâu, Tiên sinh có đưa trình chánh giữa làng thơ một lối thơ mới. Tôi đọc bài ấy rồi tôi cứ đợi mãi mà sau tiên sinh không thấy ai nối gót theo mà chính tiên sinh hình như cũng không buồn giở dói việc ấy nữa. Thế là thôi. Cái " của mới " ấy có lẽ chưa thích hợp với đời nay. Mấy muôn độc giả đã yên trí như vậy. Mà hẳn tiên sinh cũng từng chau mặt giậm chân mà nói rằng : " Thôi, không ai ưa thì ta xấp lại nữa, đợi khi khác ta lại mang ra ". Thưa tiên sinh đợi khi khác, khi nào nữa ? Thi ca ta ngày nay đương lúc ngấp ngoải, không còn có lấy một chút sinh khí. Nếu không xoay phương cứu chữa gấp, thì ôi thôi còn chi là tánh mạng của thi ca. Đừng có nói lắt láy như vậy tiên sinh ạ ! Nếu tiên sinh cứ giữ mãi cái thái độ tiêu cực ấy thì bọn thi nhân " rỗng tuếch " kia còn cứ ca đi hát lại những câu sáo hủ nghìn xưa mà không thấy nở ra được những bậc thi nhân chân chính.

" Hẳn tiên sinh cũng đủ hiểu rằng, những bậc chân thi nhân không bao giờ chịu đứng trong cái " lãnh thổ " hẹp hòi ngột ngạt, mà có thể đưa tâm hồn người ta lên tận mây xanh phảng phất trên những nôm na, phàm tục, vật chất hàng ngày.

" Những nhà chân thi nhân, thà là chỉ rung động (vibrer) trong mình chứ không chịu xuất phát ra ngoài, mà để cho những cái niêm luật khắc khổ, làm dẹp mất cái hồn thơ lai láng mênh mông. Người ta thường khen Anatole France tiên sinh trọn đời giữ được cái cốt cách của thi nhân, chính là vì lẽ đó. Trong thi giới ta dễ thường được mấy người như thế, phần nhiều nhà thi nhân cần phải xuất phát ra ngoài để cho nỗi lòng được nhẹ nhàng, hể hả.

" Nếu cứ phải uốn nắn theo khuôn khổ chật hẹp, như hiện tình thi ca nước nhà thì họ phải thất vọng biết dường nào !

Vậy ta ngần ngừ gì nữa, mà không mở rộng cái " Lãnh thổ " kia ra, để mặc sức cho họ đem những cái thiên tài phú bẩm ra mà đua bơi vùng vẫy. Làm vậy, hoặc giả có kẻ hoài nghi mà bảo rằng : " Phóng túng buông lung quá rồi thành ra lộn xộn, mất cả nề thơ ". Trong cái lúc quá độ, ắt phải như thế, có buông lung, có phóng túng mới có thể phát triển hết những cái rất hay, rất quí, rất đẹp trong mình, tuy có nhiều lộn xộn, nhưng một ngày kia thành thục rồi, sẽ trở vào trong những cái nguyên tắc lề lối, rộng rãi hơn, tự do hơn.

" Dám khuyên tiên sinh nên mạnh dạn một lần nữa mà tiến lên đường.

" Cái lối thơ mới của chúng ta đương ở vào cái thời kỳ phôi thai, thời kỳ tập luyện nghiên cứu. Không biết rồi đây nó đi được đến chỗ thành công, hay là nửa đường bị đánh đổ ! Đó là sự bí mật của lịch sử văn hoá mai sau ! Dầu thế nào đi nữa, nó cũng có giá trị là giúp cho sự tự do phát triển của thi ca đến một chỗ cao xa rộng lớn, nó như thúc giục, như khiêu khích, như kêu gọi nhà thi nhân ra làm một cuộc canh tân, dầu có thất bại, thất bại vì lòng mong ước quá cao, thì nó cũng đã hiến cho ta một cái công lớn : nó chính là một tiếng chuông cảnh tỉnh làng thơ giữa lúc đương triền miên trong cõi chết.

" Trong lúc ban đầu mà đã vội mong ước có những tay " thầy thợ " chơn chính (véritables maitres) thật là không thể nào được. Nhưng trái lại nếu có ai xem thường những người sáng kiến ra cái lối " thơ mới " kia, tưởng e cũng đắc tội với tiền đồ văn học của nước nhà lắm vậy " (20)
                                                                                                        Cô LIÊN HƯƠNG - Fai-Foo

Đủng đỉnh một con thuyền,
Trăng lên đầu ngọn núi
Đối cảnh với người yêu, 
Cầm tay tôi gạn hỏi :
" Mộng Vân ơi ! vũ trụ ngó bao la
Nên cười hay nên tủi ?...
Lẳng lặng tự Hằng Nga,
Vân nhìn tôi chẳng nói
                            LƯU TRỌNG LƯ

                     ***

Trên bãi biển
Giấc mộng tình
Thừa lương khách đã vắng ;
Trời nước mênh mông, duy còn có bốn mắt nhìn nhau lặng.
Trên cát vô tình, vạch chữ : Vân
Ta vạch vừa xong sóng xoá dần...
Mỉm cười Vân sẽ nói :
" Người yêu Vân hỡi !
Sao người lại quá điên,
Thân này cũng diệt, nữa là tên ? "
Hẳn tưởng nghìn thu, nhờ bãi cát,
Tan tác, nào hay, vì sóng bạc
Cuộc trăm năm đừng có đa mang,
Tình nhân chung kiếp dạ tràng
                             LƯU TRỌNG LƯ

LẠI NHỚ VÂN

Hôm nay dạ lại bần thần,
Nhìn đám mây chiều lại nhớ Vân
Này mây hỡi ! Mây chiều hỡi !
Đứng lại đây chờ ta với
Theo lối chim xanh,
Rẽ lối trời tình
Cậy cùng dì gió, 
Tìm nơi Vân ở, 
Chờ lúc nàng tựa song thưa
Ngang trời ta đổ trận mưa
Trong cánh song, nàng ngồi ủ dột,
Trên lầu tiên, mưa kêu thánh thót,
Kêu rằng : " Vân nương hỡi Vân nương
Mưa nay, là lệ người thương "
                             LƯU TRỌNG LƯ

VÌ SƯƠNG THU ĐỔ

Thế giới bên mình tuý luý say,
Một nàng năn nỉ với gốc cây
Lận đận vừng trên còn vừng bạc,
Ôi ! cái đẹp nghìn thu, huống gì ai thắc mắc ;
Lặng yên nàng đếm giọt sương gieo,
Cùng với sương thu lệ nhỏ theo...
Nương bóng nguyệt rẽ lau tìm tới
Tới tận nàng, cầm tay tôi hỏi
-Lệ hỡi lệ, vì ai tôi sụt sùi, 
Vân hỡi Vân vì ai Vân ngậm ngùi, 
Nếu phải vì ta mà thổn thức
Ta sẽ vì Vân lau hạt ngọc,
-Ô hay ! sao buộc lấy mình,
Em buồn há chỉ vì anh,
Này anh hỡi, kề tai em gạn hỏi :
Hồ lệ đây, vì sương thu đổ " (20)

Từ đấy phong trào bùng nổ : hai phái thơ cũ, thơ mới gây chiến sôi nổi kéo dài mấy năm trường nào bằng bút chiến, nào bằng khẩu chiến.

 

XI - Lý do thứ mười một : sự xuất hiện một thế hệ mới
Như vậy các bạn thấy các biến cố văn học trên đây là những hồi chuông cáo tri bế mạc một thế hệ và tuyên cáo khai mạc một thế hệ mới. Hay nói cách khác, nó là một đạo chỉ dụ tuyên bố cho về hưu " một nội các già " và công bố danh sách " một nội các mới " theo kiểu nội các của vua Bảo Đại.

Quả thế, cho dù có tài đến đâu, có huân nghiệp đến thế nào, các ông Phạm Quỳnh, Đông Hồ, Hoàng Ngọc Phách, Tương Phố, Tản Đà, Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Văn Vĩnh...cũng là những ông thượng thư lỗi thời trong cái nước Tân Cộng Hoà Văn Học mà phái trẻ vừa thành lập. Bởi vậy, những tay đàn anh đã từng làm ra luật, ngự trị một cách oai hùng trong thế hệ trước (1913-1932), theo nhau mà rút lui, vào hậu trường : Nguyễn Bá Học, Phan Kế Bính, Phạm Duy Tốn, đều đã thành người thiên cổ trước năm 1925. Đến những tay cự phách như Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Tuấn Khải, Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Hữu Tiến, nhất là Phạm Quỳnh tuy còn sống quàng sang thế hệ 32-45, nhưng hầu như thôi hoạt động, hay mất ảnh hưởng, thế giá, trước sức đi lên của một số nhà văn mới. Bước vào " chánh trường văn học ", bọn này nắm ngay được ưu thế, được quốc dân hoan hô nhiệt liệt. Họ có đủ mọi điều kiện để thắng thế và thiết lập uy lực : trên, họ dựa vào thế nhà nước, nhất là dựa vào thế nhà vua trẻ mà người dân Việt Nam hãy còn yêu mến một phần nào, bởi vì vua Bảo Đại như ta thấy, tỏ ra rất ham cải cách, bỏ các thói tục cổ hủ như tục lạy lục. Lần đầu tiên, một nhà vua Việt Nam đã dám du tuần khắp nước một cách bình dị như vua Bảo Đại. Cũng lần đầu tiên, một vua Việt Nam lấy có một vợ mà người vợ ấy vừa là con gái bình dân, vừa là người Công giáo, một tôn giáo dầu sao vẫn chưa được triều đình, nhất là hoàng tộc ưa thích. Vua Bảo Đại đã hành động theo sở thích chứ không hành động theo lễ giáo, hay tập tục cũ, dưới sự thúc bách của Hoàng tộc.

Đi trước cả Khái Hưng, Nhất Linh trong Hồn Bướm Mơ Tiên, Nửa Chừng Xuân, Đoạn Tuyệt, Bảo Đại đã tranh đấu thành công cho việc tự do kết hôn, cho chế độ độc thê, mà nhất là trong việc đánh thẳng vào chế độ đại gia đình. Bảo Đại đã chủ trương tự do cá nhân ttước cả Tự Lực Văn Đoàn.

Ngoài những điều kiện chánh trị, các nhà văn thế hệ 32 còn mới một cách hầu như cưỡng bách ở chỗ nếu họ không phải là cánh du học từ bên Pháp trở về như vua Bảo Đại, như Nhất Linh, thì cũng là người xuất thân từ những trường Pháp - Việt mở ra ở trong nước, hay từ trường Đại học Hà Nội thành lập đã có trên dưới mười năm rồi. Món ăn tinh thần của lớp nhà văn này là sách vở Pháp ra đời sau kỳ đại chiến thứ nhất. Thế chiến thứ nhất kết liễu đã đẩy một khúc quặt quan hệ cho lịch sử tư tưởng và nghệ thuật của Pháp : tâm lý chung của các nhà văn hậu chiến thứ nhất là lòng hoài nghi mọi giá trị cổ truyền, mọi nền nếp xã hội, mọi chế độ chính trị : ý hướng của họ là muốn đặt lại mọi vấn đề, là làm lại con người đã muốn sống như con vật. Cái ý hướng khôi phục lại con người ấy của các nhà văn Pháp, ta gặp thấy tiếng vang ở Thiếu Sơn, tác giả Đời sống tinh thần. Mở đầu cho cuốn sách của ông, Thiếu Sơn viết : " Người mà tôi thương tiếc hơn hết là ông Gaston Rageot. Chẳng phải ông là ngôi sao Bắc đẩu ở trên văn đàn Pháp quốc, nhưng vì ông là một danh sĩ hiện đại mà tôi đã hiểu biết và kính yêu. Trước đây tôi đã được đọc một câu văn như sau này : 

" Chúng ta đã hết sống theo người, chúng ta phải trở lại với cái cốt cách nhân loại (Nous avons cessé de vivre humainement. Il faut retourner à la condition humaine). Tôi dịch chưa hết nghĩa. Tôi phải giải nghĩa thêm : thế nào là hết biết sống theo người ?

" Bởi hoàn cảnh và thời đại đã làm tan nát cái linh hồn cố hữu của chúng ta.

" Cái linh hồn đó nguyên nó phong phú, nó linh động, nhưng nó đã bị đầu độc bởi những tư tưởng về chính trị, bị mê muội bởi các tổ chức của xã hội mà thành ra tầm thường, phức tạp, cằn cỗi, nghèo nàn "(21).

Cũng như trong các nước chính trị quân chủ, vua Bảo Đại quả quyết canh tân thế nào, thì ở trong cái nước Cộng Hoà Văn Học, chương trình của các cấp lãnh đạo là theo mới hoàn toàn như vậy.

Cái thứ tôn giáo chiết trung ý chí điều hoà Đông phương và Tây phương mà thế hệ 1913 đã từng ôm ấp một cách say sưa, ngày nay đột nhiên bị đả phá và mất hết " thiện nam tín nữ ". Chương trình của thế hệ mới là phá vỡ tất cả để làm lại tất cả từ đầu : nó gây nên giữa xã hội Việt Nam những rung chuyển sâu xa trầm trọng, mở đường cho sự thành hình những thứ tâm lý mới, những đường lối suy tư mới, cảm xúc mới, lối viết mới...

Những tay chỉ đạo của phong trào mới hầu hết là những tay tân học, xuất thân từ các trường Pháp và du học ngoại quốc về. Họ bắt đầu hoạt động từ một vài năm trước và có tác phẩm xuất bản từ năm 32.

Sự va chạm với Tây phương đã làm thay hẳn những sở thích và tâm tình họ. Hầu hết họ đều không còn chút lòng kính trọng nào đối với nền cựu học mà thường họ ít hiểu biết. Cái đặc điểm của thế hệ 1913 là nó gồm hầu toàn các nhà học giả, các nhà tư tưởng, những người chuyên chú về lý thuyết : hoạt động của họ vì thế thường là công việc dịch thuật hay khảo luận. Họ tự nhận là " Những người thợ " muốn góp công, góp sức vào công việc xây dựng cơ sở cho chữ quốc ngữ mà họ nhận thấy còn nghèo túng cần phải làm cho mỗi ngày một phong phú thêm.

Thế hệ mới, ngược lại, gồm toàn những người muốn tự xưng là " nghệ sĩ " mà lý tưởng là sáng tạo ra những sự nghiệp có bản sắc và hùng mạnh. Bản tuyên ngôn của Tự Lực Văn Đoàn đã đặc biệt chú ý đến điểm này.

Cái họ thắc mắc từ đây là " nghệ thuật ", là " cái đẹp ". Họ không còn quan tâm lắm đến đạo đức luân lý như thế hệ trước. Thuyết "nghệ thuật vị nghệ thuật " hầu được toàn thể văn nghệ sĩ ủng hộ. Họ đòi cho nghệ sĩ sự tự do hoàn toàn, nhất là trong việc cởi mở tâm hồn đến chỗ trần truồng. Tất cả họ đều gặp nhau ở chỗ này : đánh dấu cuộc đời bằng một nếp sống lệch lạc, bừa bãi, yếu đuối. Họ muốn chính sự lệch lạc, bừa bãi, yếu đuối ấy sẽ phá tan những điều mà họ dự tính, sẽ đánh lừa những cái họ mong đợi và trùm lên số mệnh của họ vết tích của sự dở dang, sự thất bại. Đàn bà, từ đây, là món sở thích thường ngày và yêu mến của văn nghệ sĩ. Họ tin tưởng có thể có sự điều hoà trong chính những cái tương phản đối lập nhau hoàn toàn : một bên là những bùn dơ nhớp của cuộc sống mà nghệ sĩ đang sống, bên kia là vàng thập của cuộc đời đã được thi vị hoá. Nghệ sĩ, bởi vậy, tin tưởng rằng tác phẩm văn chương phải là kết tinh do chính những mâu thuẩn bi đát thảm hại ấy, nghĩa là do những bước tiến, bước thoái cũng như do những cố gắng của con người vươn tới, nhân đức hay trườn xuống truỵ lạc. Họ luôn luôn muốn " dấy loạn", muốn " rựt đứt" mọi ước lệ để đòi tự do phóng đãng hoàn toàn và hưởng thụ tất cả với một sức cuồng nhiệt vượt bực.

Sức hoạt động chính vừa có tính cách bao la vừa có tính cách sâu rộng của văn nghệ sĩ thế hệ mới là một hoạt động thiên về tâm lý mà mục đích là để giải phóng cho tinh thần : khuyến khích văn nghệ sĩ tìm ra những nhẫn giới mới, thôi thúc họ đem đặt những giá trị nghệ thuật lên trên đỉnh chót mọi hoạt động của con người.

Trước kia, văn gia thường là những nhà bác học, những tay bách khoa, muốn làm hết mọi công việc. Chẳng hạn như Phạm Quỳnh, ta thấy ông vừa là nhà báo, vừa là nhà dịch giả, vừa là nhà khảo luận, vừa là sử gia, vừa là triết gia, vừa là nhà phê bình, vừa là nhà tự điển...

Nhưng từ nay, văn nghệ sĩ có khuynh hướng đi đến chuyên môn và họp thành trường, thành phái mà lý tưởng và chương trình khác biệt nhau hay đối lập nhau.

Đàng khác, những thể văn như báo, dịch, biên khảo v.v...trước kia giữ một vai trò cực kỳ quan trọng, hầu choán tất cả mọi hoạt động văn học, từ nay rơi xuống hàng dưới.

Ngược lại, những thể văn mới như phê bình, kịch nghệ, tiểu thuyết, thơ ca, sẽ giữ một địa vị cực kỳ quan trọng.

Chúng ta chọn năm 32, để làm khởi điểm cho thế hệ mới mà chúng ta muốn nó sẽ bế mạc vào khoảng tháng 8 năm 45, bởi năm 32 và năm 45, là hai " lúc lịch sử " vô cùng quyết liệt. Năm 32 xoay chiều cho một luồng xúc cảm và suy tư rồi đây sẽ kéo dài cho đến ngày Đảo chánh vào tháng 8 dương lịch năm 45. Thực vậy, dầu sau này, Việt Minh vì theo chủ nghĩa cộng sản đã làm lòng người ly tán, nhưng lúc buổi đầu, họ đã gây được hẳn một phong trào mạnh mẽ, hay nói cách khác, cuộc Đảo chánh vào mùa thu năm 45 đã xoay chiều hẳn lịch sử Việt Nam, công nhiên trả lại cho quốc dân quyền tự do mà thực dân Pháp đã chà đạp lên trong ngót 80 năm. Chính phủ Trần Trọng Kim đã nhờ vào thế lực của Nhật, lật được ách thống trị của Pháp để tuyên bố độc lập, nhưng nền độc lập của chánh thể Trần Trọng Kim không được ai để ý, thậm chí có người không biết đến. Phần vì chiến tranh còn đang kéo dài, phần vì sức uy hiếp của quân Nhật quá mạnh, phần vì nạn đói hoành hành làm chết mấy triệu người. Chứ ngày mà Chánh phủ lâm thời ra mắt quốc dân ở Hà Nội, công nhiên xé hiệp ước đã ký với Pháp và hạ bệ chế độ quân chủ thì không ai là không náo nức tham dự. Toàn là những biến cố trọng đại chưa từng có trong lịch sử Việt Nam. Chính bởi thế chúng ta chọn năm 45 là năm bế mạc cho thế hệ mà chúng ta khảo sát năm nay bởi vì hình thức và nội dung văn học từ sau 1945 đã biến đổi hẳn. Thế hệ 32-45 là một thế hệ văn học phồn thịnh và phong phú nhất trong suốt cả hai ngàn năm lịch sử.

Sau tất cả những phân tích trên đây, chúng ta có thể đi tới những nhận định cụ thể sau đây :

A - CÁC HIỆN TƯỢNG VĂN HỌC VỨA BẾ MẠC
Điều nhận định thứ nhất là ta trông thấy rõ một bức màn vừa buông xuống, một thế hệ vừa rút lui, nhiều hiện tượng văn học vừa bế mạc.

a)- Đường lối suy tư

Trước hết, về mặt tư tưởng, tức đường lối suy tư, ta thấy chấm dứt cái chủ trương từng được đặt lên hàng đầu cho tất cả mọi hoạt động chẳng kỳ là chính trị, văn hoá hay nghệ thuật : đó là chủ trương hoà hoãn, thoả hiệp, điều hoà. Cái chủ trương Pháp Việt đề huề trong chánh trị không còn nữa. Cái chủ trương văn hoá muốn tham bác cả Đông lẫn Tây bị đả kích. Cái lý tưởng bắt nghệ thuật phục vụ cho luân lý đạo đức bị đả phá.

b)- Về mặt tâm tình :

Cái thái độ nhu nhơ, nước đôi, nửa chừng bị coi là hủ hoá, lỗi thời.

c)- Về chữ viết :

Các văn thể như phiên dịch, biên khảo nếu không biến mất, thì cũng bị gạt xuống hàng hai.

- Câu văn biền ngẫu, nhịp nhàng, dài lượt thượt từng đợt bốn, năm chữ biến mất.

B - CÁC HIỆN TƯỢNG VĂN HỌC MỚI KHAI MẠC.
Đồng thời với sự mất đi một số hiện tượng văn học, thì lại xuất hiện ào ạt không biết bao nhiêu hiện tượng mới.

a)-Lối suy nghĩ

Thế hệ mới, phần nhiều trẻ, tây học hoàn toàn đã có lối nghĩ mới hẳn, nghĩ theo tây phương. Những từ ngữ như " đoạn tuyệt", " thoát ly"...không phải chỉ là đề tài của một vài bộ tiểu thuyết mà còn là chủ trương đường lối của thế hệ mới. Thế hệ trẻ đòi đoạn tuyệt với Đông Phương, quyết thoát ly khỏi nho giáo, cương quyết giải phóng nghệ thuật khỏi luân lý đạo đức.

b)-Lối cảm xúc :

Từ lối suy nghĩ với lập trường dứt khoát, con người cũng có lối cảm xúc bộc lộ : cái lối cảm xúc nặng tình cá nhân manh nha từ thời trước, nhưng còn bị gò bó dồn ép, đến thời kỳ này, được tràn lan như nước vỡ bờ. Tất cả những gì kín đáo nhất của lòng người được phơi bày ra cho hết.

c)- Nghệ thuật :

Để phản ứng lại cái sính làm thơ, viết văn vần của mấy trăm năm văn học, học giả thế hệ trước có thái độ miệt thị văn vần và đề cao quá mức văn xuôi.

Đối với thế hệ trẻ, văn xuôi, văn vần không thành vấn đề. Vấn đề thực đáng chú ý là nghệ thuật. Với nhà nghệ sĩ có tài, văn vần hay xuôi không bao giờ làm ngăn cản công trình sáng tác. Và đối với hạng vô tài, thì dù có viết văn xuôi đi nữa, cũng chẳng bao giờ làm nên được cái gì đáng giá. Đây là mấy điểm đáng chú ý của thời đại mới.

- Các văn thể như thơ, kịch, tiểu thuyết, phóng sự, tuỳ bút... tức là các loại sáng tác đi vào con đường cực thịnh...

- Các nhà văn họp thành môn phái có lập trường và chương trình riêng.

- Lời văn uyển chuyển muôn mặt, có văn vần, có văn xuôi ; văn có câu dài như văn của Thái Phi, có câu ngắn cụt ngủn như văn của Hoàng Tích Chu. Nhưng dù dài hay ngắn câu văn bao giờ cũng sáng sủa, và không bao giờ đặt theo lối biền ngẫu như văn của Tản Đà, Tương Phố, hay Hoàng Ngọc Phách ở thời trước.

Sau khi trình bày các lý do khiến tôi chọn năm 32 làm năm khởi đầu cho một thế hệ mới, tôi sẽ đi vào thế hệ này để ghi nhận một vài nét chính trước khi đi vào chi tiết trong việc khảo sát các sinh hoạt văn học.

Là một cuộc sống như mọi cuộc sống, sinh hoạt văn học thế hệ 32-45 cũng có một diễn trình biến hoá.

Vậy mười ba năm văn học, chúng ta đã nói là nó tham dự vào một gia tài chung, nghĩa là nó có những lối suy nghĩ cảm xúc và viết văn chung. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà nhiệt độ bắt buộc lúc nào cũng như lúc nào.

Mà thực diễn hình nhiệt độ của thế hệ này có thể chia làm ba giai đoạn : giai đoạn thứ nhất kể từ 32 đến 37, là thời kỳ mở chiến dịch ; giai đoạn hai từ 37 đến 42, là thời kỳ tổng phản công ; giai đoạn thứ ba kể từ 42 đến 45 là thời kỳ càn quét.

Ở giai đoạn thứ nhất năm 32-37, sự tranh đấu, dầu có hăng hái, nhưng tương đối hãy còn do dự, cầm chừng, và chỉ mới dàn trận trên một số bình diện, như thi ca mà nhất là tiểu thuyết. Mục tiêu của các chiến dịch đặt trọng tâm vào chế độ đại gia đình : người ta muốn đập vỡ chế độ đại gia đình để giải thoát cho cá nhân.

Giai đoạn hai từ năm 37 đến 42, là thời kỳ quyết liệt, chiến tranh có tính cách toàn diện : người ta muốn đánh thẳng vào chế độ cũ, muốn tận diệt Nho giáo và qui cho nền văn minh Á đông thoái trào tất cả tội ác của xã hội, tất cả xấu xa đang dâng lên làm ngập lụt, chìm đắm con người. Khí giới để phản công vẫn là thi ca, tiểu thuyết, phóng sự mà nhất là phê bình.

Sang đến giai đoạn thứ ba, từ năm 1942 đến 1945 là thời kỳ càn quét để tiêu diệt những tàn tích bị coi là phản động còn rớt lại. Phóng sự, tiểu thuyết còn được dùng nhưng nghị luận có tính cách tranh đấu là hình thức mới được xử dụng rất nhiều.

Nếu đặt ba giai đoạn trên đây vào hoàn cảnh lịch sử của chúng ta, thì ta thấy giai đoạn đầu (32-37) có thể coi như là phản ứng của lớp người trẻ trước những biến cố xẩy ra chung quanh các năm 32 mà ta đã nói ở trên. Giai đoạn hai từ 37-42 là do ảnh hưởng phần nào của Mặt trần bình dân vừa mới lên cầm quyền ở Pháp từ năm 1936. Vấn đề ý thức xã hội bắt đầu giày vò nhiều tâm hồn. Thời kỳ này cũng là thời kỳ chuẩn bị đại chiến và tiếp đến chịu đựng những hậu quả của đại chiến thứ hai.

Giai đoạn thứ ba (42-45) là thời kỳ hậu chiến đối với các dân tộc Tây phương mà ngược lại đối với ta nó là thời kỳ chiến tranh thực sự : Pháp, Nhật, Mỹ, Trung Hoa... cùng tranh giành nhau, giày xéo lên đất nước ta : kết cục đưa đến nạn đói chết hơn hai triệu người dân năm 1945.

Nói tóm lại, sau đây là các mục tiêu tranh đấu của thế hệ mới :

- Chống chế độ cũ : hô hào theo chế độ mới, theo mới một cách dứt khoát, triệt để, không kiêng nể, e dè, thương tiếc.

Tiêu biểu đại diện cho chế độ cũ :

Là những cường hào gian ác như các ông nghị :
Nghị Hách trong Giông Tố
Nghị Quốc trong Tắt đèn
Nghị Lại trong Bước đường cùng
Nghị Bá trong Những ngày vui

- Là những quan lại chỉ nghĩ đến làm giàu như huyện Viết trong Gia đình.
- Là những bà mẹ chủ trương môn đăng hộ đối như Bà Án trong Nửa chừng xuân.
- Là những người đầu óc nặng nề bằng cấp như bà Tuần trong Gia đình.
- Là những người đàn bà quái ác xui bẩy bọn dâu, rể, trai gái, như bà Ba trong Thừa tự.
- Là những bà Mẹ làm khổ con gái như bà Hai, hay làm khổ con dâu như bà Phán trongĐoạn tuyệt.
- Là những người quyền thế tàn nhẫn, độc ác làm cho Thị Mịch phải điêu đứng (Giông tố ), làm cho vợ chồng anh Dậu giở sống giở chết (Tắt đèn), làm cho vợ chồng anh Pha điên cuồng (Bước đường cùng).

Là hình ảnh lý tưởng cho thế hệ mới, họ chủ trương :

- Đạp đổ chế đội đại gia đình để giải phóng cho con cái khỏi quyền áp bức cha mẹ, chú bác, phụ nữ khỏi quyền đàn áp của nam giới.
- Đánh vào nền giáo dục gò bó, giả hình, dồn ép của Đông phương.
- Tố cáo những tệ đoan xã hội : như nạn mãi dâm, thất nghiệp.
Vạch trần những hủ tục phản tiến hoá.

Đó là những nhận định tổng lược toàn diện sinh hoạt văn học thế hệ 32-45.

(1) - Bốn thế hệ của nền văn học mới là :
Thời kỳ thứ nhất : thế hệ 1862 (1862-1900)
Thời kỳ thứ hai : thế hệ 1900 (1900-1913)
Thời kỳ thứ ba : thế hệ 1913 (1913-1932)
Thời kỳ thứ bốn : thế hệ 1932 (1932-1945)

(2) - Henri Le Grauclaude, Những thời kỳ trọng đại của nước An Nam trong lúc hồi xuân, 8-7-1933, tr. 8

(3) - Henri Le Grauclaude, tác phẩm kể trên , tr.6

(4) -Henri Le Grauclaude, tác phẩm kể trên, tr.10 

(5) - Văn học tạp chí, số 4, tháng 8 và tháng 9 năm 1932

(6) - Annam tạp chí, số 4 tháng 8 và 9 năm 1932, tr. 3

(7) - Henri Le Grauclaude, tác phẩm kể trên, tr. 229 

(8) - Văn học tạp chí, số 1, Mai 1932, tr. 8

(9) - Phong Hoá, số 13, ngày 8-9-1932

(10) - Phong Hoá, số 14, ngày 22-9-1932

(11) - Phong Hoá, số 29, tr. 5

(12) - Phong Hoá, số 28, tr. 5

(13) - Phong Hoá, số 28, tr. 13

(14) - Phong Hoá, số 17, ngày 13-10-1932

(15) - Phong Hoá, số 16, ngày 6-10-1932

(16) - Phong Hoá, số 18, ngày 20-10-1932

(17) - Phong Hoá, số 87, ngày 2-3-1934

(18) - Phong Hoá, số 154, ngày 20-9-1935

(19) - Phụ nữ Tân văn, số 122, ngày 10-3-1932

(20) - Bốn bài thơ trên đây đều đi kèm theo lá thư Lưu Trọng Lư gửi cho Phan Khôi đăng ở Phong Hoá, số 31, ngày 24-1-1933

(21) - Thiếu Sơn, Đời sống tinh thần, tr. 5,6



 [  Trở Về   ]