Chim Việt Cành Nam         Trở Về   ]        [ Tác giả ]

Đại Lược Về Quan Chế (1)
-
I-Quan chế ở Trung Quốc
II-Quan chế ở Việt Nam
III-Chú thích
IV-Ngữ vựng
Nguyễn Thị Chân Quỳnh
Tuổi mới 12 vào Thái học,
Ðến năm 16 dự thi Ðình,
24 tuổi làm quan Gián,
26 tuổi sang sứ Yên-kinh.
Nguyễn Trung Ngạn (1)
Trước nhà Lý, sử sách chỉ chép rất sơ lược về quan chế Việt Nam : Thời Hùng Vương nước ta có các Quan Lang, Lạc hầu, Lạc tướng... ; thời Ngô Quyền đặt đủ trăm quan, dựng nghi lễ triều đình và định sắc áo mặc...

Kể từ nhà Tiền Lê, quan chế nước ta bắt đầu rập theo khuôn mẫu Trung quốc : "Năm 1006 Lê Long Ðĩnh sửa quan chế theo nhà Tống". Tuy nhiên, An-Nam Chí Lược ghi rõ :"Nước ta từ nhà Ðinh mới chịu tước phong vương của nhà Tống nhưng ở trong nước tự đặt danh hiệu, đặt quan có chức ChánhTiếp, tựa như phẩm, tùng".
 

I - QUAN CHẾ Ở TRUNG QUỐC

Ban đầu xã hội Trung quốc không phân biệt giai cấp. Từ vua Phục Hy (4486-4365) về trước nước gồm các bộ lạc gọi là chư hầu, người cầm đầu gọi là Hậu, đứng đầu các Hậu là Nguyên hậu hay Ðế.

Hoàng đế (2698-2597) đem đất đai phong cho những chư hầu nào tùng phục mình, được chư hầu tôn làm Cộng chủ, tức Thiên tử. Từ đó bắt đầu chế độ phong kiến (2), mới chia thành hai giai cấp : quý tộc và thứ dân, quý tộc nắm chính quyền.

Sang đến thời Chiến quốc (479-221) chế độ phong kiến sa sút, thứ dân thay quý tộc cầm quyền chính, có bốn giai cấp : sĩ, nông, công, thương (sĩ đứng đầu).

1 - Thời Ðường, Ngu (3)

Tuy Thiên tử là chúa tể mà tuyển dụng quan chức phải hỏi ý kiến mọi người và đặt chức quan chỉ có 100 người.

Trung ương có Bách quỹ (Tể tướng), Tứ nhạc (bốn Chúa chư hầu đứng đầu bốn phương). Dưới quyền Bách quỹ có 9 chức quan :

Hậu tắc coi việc nông ;
Trẫm ngu coi sản vật tự nhiên ;
Cung công coi việc công ;
Sĩ coi về hình pháp ;
Tư đồ coi về giáo dục ;
Trật tông coi về lễ ;
Ðiển nhạc coi về nhạc ;
Tư không phụ trách địa lợi, thiên thời ;
Nạp ngôn coi việc tấu đối (4).
Vua Thuấn chia nước làm 12 châu, mỗi châu cắt một Chúa chư hầu làm kẻ chăn dân có quyền coi các chúa chư hầu nhỏ khác. Thập nhị Mục thuộc quyền Tứ nhạc, Hầu Bá nhỏ hơn một bậc (5).

Vua Nghiêu, vua Thuấn truyền ngôi cho người hiền năng, không truyền cho con.

2- Thời Hạ, Thương (6)

- Số quan nhiều gấp đôi.

Nhà Hạ đặt Tam Công (Thái sư, Thái bảo, Thái phó (= thầy, nuôi dưỡng, dậy dỗ) là ba chức lớn nhất ; Cửu khanh ; 27 Ðại phu ; 81 Nguyên sĩ (7).

Nhà Ân (trước gọi là nhà Thương) đặt 6 quan Thái (Thái tể, Thái tông, Thái sử, Thái chúc, Thái sĩ, Thái bốc) ; 5 quan Tư (Tư đồ, Tư mã, Tư không, Tư sĩ, Tư khấu)...

Vua Hạ Vũ truyền ngôi cho con, bắt đầu chế độ thế tập, cha truyền con nối.

3- Nhà Chu (1134-247/221) :

Ðánh xong nhà Ân, Chu Công Ðán cải sửa cơ cấu quan liêu đời Thương/Ân khiến chế độ phong kiến thành hệ thống minh bạch, đặt lục quan, lục điển chia nhau làm việc, đứng đầu xã hội là Thiên tử. Vũ vương phong cho trên 70 người làm vua chư hâu, chia ra 5 bậc (Công, Hầu, Bá, Tử, Nam). Ðất phong 100 dậm gọi là Ðại quốc, 70 dậm là Trung quốc, 50 dậm trở lên là Tiểu quốc, dưới 50 dậm gọi là Phụ dung.

* Chu Lễ là bộ sách sưu tập quan chế đời Chu. Toàn bộ có 6 thiên :
- Lục điển (Trị điển, Giáo điển, Lễ điển, Chính điển, Hình điển, Sự điển) để dựng nước, do quan Thái tể giữ.
- Lục quan là :
Thiên quan Trủng tể đứng đầu, thống suất trăm quan, coi việc chính trị ;
Ðịa quan Ðại Tư đồ giữ việc nông thương, cảnh sát, giáo dục, rèn đúc dân ;
Xuân quan Ðại Tông bá giữ lễ của nước (tế tự, triều sinh...) ;
Hạ quan Ðại Tư mã thống sáu quân, dẹp yên trong nước ;
Thu quan Ðại Tư khấu coi về hình phạt, kiện tụng... ;
Ðông quan Ðại Tư không khuyến công, nông, việc thổ mộc, xét địa lợi, thiên thời.
Mỗi quan có 60 thuộc hạ (8).

* Ở trung ương, người thống trị cao nhất là Thiên tử, phù trợ có :
Tam Công = Thái sư, Thái phó, Thái bảo. Bất tất phải đủ ba người, chỉ cần người xứng đáng, bàn đạo trị nước (thời Thành Vương thì Chu công làm Thái sư).
Tam Cô / Thiếu = Thiếu sư, Thiếu phó, Thiếu bảo, giúp các Công.
Lục khanh : 6 quan Thái nhà Ân giúp vua xử lý chính vụ, đứng hai bên tả hữu vua.
Lại có Ngũ quan Tư là : Tư đồ dậy học, Tư mã coi binh bị, Tư khấu coi hình phạt, Tư không quản lý nghề nghiệp, Tư thổ quản lý bản tịch, tước lộc.
Dưới Ngũ quan Tư có rất nhiều liêu thuộc.
Cứ 6 năm một lần Thiên tử đi tuần các nơi, xét chế độ ở Tứ nhạc ; 6 năm các Chúa chư hầu một lần về chầu Thiên tử.
- Ở ngoài thì chia ra các Châu, dưới Châu là Quận, dưới nữa là Lý (làng), giao cho các Ðại phu hoặc kẻ Sĩ cai trị (9).

4- Nhà Tần (246-209)

- Cuối Chu, chư hầu tranh nhau xưng hùng, xưng bá. Tần Thủy Hoàng thống nhất đất nước, bỏ chế độ phong kiến, chia nước làm 36 quận, mỗi quận có :
1 Thái thú coi việc dân chính
1 Thái úy coi việc quân sự
1 Giám giám đốc, giám sát.
- Ở trung ương chính quyền trong tayThiên tử, với ba chức độc lập là :
Thừa tướng coi tất cả chính sự
Thái úy coi binh quyền
Ngự sử đại phu can gián, kiểm soát các quan (10).

5- Nhà Hán (206 tr.TL - 220)

Nhà Tần tàn bạo, thất nhân tâm, bị mất về tay Hán Cao Tổ. Lúc đầu Hán theo chế độ quận quốc, sau thấy các vương hầu làm loạn bèn chia nước ra thành 13 châu mỗi châu gồm nhiều quận và đặt một Thứ sử coi việc hành chính các quận quốc.
Mỗi quận đặt một Thái thú và chia ra nhiều huyện. Cứ một vạn nhà trở lên thì đặt quan lệnh, dưới một vạn nhà thì đặt quan trưởng.
- Trung ương có :
Thừa tướng
Thái úy
Ngự sử đại phu
9 quan khanh, chưa chia ra tùng, phẩm (11).

6- Nam Bắc triều - Nhà Tùy

Nhà Ðông Tấn (265-420) - Nhà Hán suy, gây ra loạn Tam quốc, Hán mất về tay nhà Ngụy. Nhà Tấn lên thay Ngụy, thấy nhà Ngụy vì thế cô mà mất, bèn phong họ hàng ra trấn các nơi làm vây cánh, các Thân vương tranh giành nhau gây nội loạn, ngôi vua suy.

Nam, Bắc triều (420-588)

- Phương Nam có các nhà : Tống, Tề, Lương, Trần ; phương Bắc có : Ngụy, Tề, Chu.

Nhà Tùy (581-618)

thu gồm cả Nam, Bắc triều.

7- Nhà Ðường (618-907)

- Nhà Tùy chỉ được hai đời vua đã sụp đổ, chưa kịp tổ chức xã hội, nhà Ðường mới thực sự thống nhất Trung quốc.
- Ở Trung ương :
Các chức Tam Công, Tam Cô là Cố vấn tối cao nhưng chỉ là hư hàm, không có thực quyền,
Ðứng đầu có 3 cơ quan là :
Môn hạ tỉnh chuyển mệnh lệnh vua hay báo cáo của các quan lên vua
Trung thư tỉnh giúp việc triều chính, đứnh đầu là Trung thư lệnh
Thượng thư tỉnh / Nội các, đứng đầu là Ðồng bình chương sự (Tể tướng) và Tả Hữu Bộc xạ.
Phụ giúp có :
Khu mật sứ
Nhất đài tức Ngự sử đài
Lục bộ
Cửu tự (Thái thường tự, Quan lộc, Hồng lô, Ðại lý tự...).
- Ở ngoài : Chia nước ra 10 đạo, mỗi đạo có Tuần sát sứ hỏi việc thiện ác, không trực tiếp hành chính.
Phủ có Mục doãn
Châu cóThứ sử
Huyện cóHuyện lệnh.
Ðô hộ phủ thì coi phiên quốc, sau cải là Tiết độ sứ (12).

8- Nhà Tống(916-1234/79)

- Nhà Ðường suy, tới thời Ngũ đại, Thập quốc... Tống Thái Tổ thu về một mối, chia nước ra các lộ, phủ, châu, huyện, không đặt chính quan mà phái các quan trong triều ra cai trị bên ngoài.
Ở trung ương, chính quyền chia ba :
Ðồng bình chương sự
Tam Ty
Khu mật sứ và Binh chính (13).
Nhà Tống không ban Nhất phẩm, Tô Ðông Pha giữ chức Hàn lâm là Tam phẩm nhưng coi như Nhị phẩm (14).
- Ðịnh liệt hàm :
Hành là cấp bậc cao mà chức quan thấp
Thự cấp thấp mà chức quan cao (15).

9- Nhà Nguyên(1234-1368)

- Nhà Tống bị Mông cổ đô hộ, lập ra nhà Nguyên, phép cai trị tựa như nhà Tống.

Ở ngoài chia ra các lộ, phủ, huyện. Vì là dị tộc, trên còn đặt Hành tỉnh (khu vực hành chánh) cho tiện sự trấn áp. Các chức Trưởng quan đều người Mông cổ, người Hán chỉ làm Phó.
Trung ương có :
Trung thư tỉnh giữ chính quyền
Khu mật viện giữ binh quyền
Ngự sử đài giữ việc đàn hặc
Lục bộ (16).

10- Nhà Minh (1368-1660)

- Minh Thái Tổ đánh đuổi quân Mông cổ, giành lại chủ quyền, chia nước ra các đạo, phủ, châu, huyện.
- Ở ngoài có :
Ty Bố chính coi dân chính, bỏ Hành tỉnh
Ty Án sát coi hình chính.
- Ở trung ương, ban đầu theo nhà Nguyên, đặt Trung thư tỉnh và Tả, Hữu Thừa tướng, sau sợ chuyên quyền, bỏ Trung thư tỉnh, chia việc cho 6 Bộ. Lại có :
Ðiện các Học sĩ làm cố vấn
Ðô sát viện đàn hặc, tựa như thời phong kiến.
Không có đại thần. Bắt đầu dùng hoạn quan, cho dự triều chính vi vua Thành Tổ nhờ hoạn quan mà cướp được ngôi.

11- Nhà Thanh(1616-1911)

- Trung hoa lại bị đô hộ lần nữa, dưới chế độ nhà Mãn Thanh.
- Ở ngoài, trừ phủ Phụng-thiên, đặt Phủ doãn, mỗi tỉnh đặt Tuần vũ coi việc cai trị, quân chính, trên có Tổng đốc, dưới có Bố chánh, Án sát.
- Ở trung ương, tựa như nhà Minh, không có Tể tướng, chỉ đặt Nội các Ðại Học sĩ cầm quyền chính trị, quân sự, do các tước vương đại thần người Mãn nghị tâu.
Lục Bộ trưởng quan gồm một nửa người Mãn, một nửa người Hán (17).
- 1911 Nhà Thanh bị lật đổ, sang thời dân chủ, quan chế đổi.

- NGHI THỨC TRIỀU YẾT
Ðời cổ, khi các quan vào triều yết không phân biệt quan văn, quan võ, chỉ hạ lệnh cho tước Công, tước Hầu chia ban thứ mà đứng.
Lễ Ký chép :
Tước Công hướng mặt về Ðông (hướng Ðông dành cho những người được quý trọng), tước Hầu hướng về Tây.
Lúc vua đứng yên vị ở cửa điện, chư hầu theo thứ tự tiến vào thì :
Tước Công đứng phía Tây vì địa đạo lấy phía hữu tôn hơn
Tước Hầu đứng phía Ðông (18).
Thời Hán Cao Ðế thì Công hầu, Liệt hầu, Tướng quân... theo thứ tự đứng ở phía Tây, ngoảnh về Ðông, các quan văn đứng phía Ðông, ngoảnh về Tây (19).
 

II - QUAN CHẾ Ở VIỆT NAM
A - QUAN CHẾ TRƯỚC THỜI NGUYỄN
1- TRƯỚC THỜI BẮC THUỘC

Thời hồng bàng - Sử chép : Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ đẻ ra một lần một trăm cái trứng, nở ra một trăm người con trai, năm mươi người theo mẹ lên núi, năm mươi người theo cha về miền Nam (có chỗ nói là Nam hải), phong con trưởng làm vua nước Văn-Lang, xưng là Hùng Vương, cha truyền con nối gọi là Phụ đạo. Con trai vua gọi là Quan Lang, tướng văn gọi là Lạc hầu, tướng võ là Lạc tướng, các quan nhỏ gọi là Bồ chính.

Nước Văn-Lang chia làm 15 bộ (Giao-chỉ, Cửu-chân, Chu-diên, Việt-thường...). Bộ Văn-lang là đô của vua, mỗi bộ có Trưởng tá, thế tập truyền đời giữ chức.

Lê Quý Ðôn ngờ những tên này do hậu nho góp nhặt chép ra vì thời ấy ta chưa có chữ, tên 15 bộ (Giao-chỉ, Cửu-chân...) gọi lẫn lộn với tên những quận huyện do nhà Hán, nhà Ngô đặt ra.

Nhà thục (258 tr.TL) Họ Hồng Bàng mất về tay nhà Thục. An Dương Vương xây Loa thành.

Nhà Triệu (208 tr.TL) Triệu Ðà lập kế kết thân với nhà Thục, cướp lấy nước Âu Lạc.
 

2- THỜI BẮC THUỘC

a- Bắc thuộc lần thứ nhất (111 tr TL-39 sau TL) - Hán Vũ Ðế đánh nhà Triệu, lấy nước Nam-Việt cải là Giao-chỉ bộ, chia làm 9 quận, mỗi quận có một quan Thái thú cai trị. Ðặt một Thứ sử để giám sát các quận.

Trong quận Giao-chỉ các Lạc hầu, Lạc tướng vẫn giữ quyền cai trị các bộ lạc (như các quan Lang miền thượng du Bắc Việt sau này).

Trưng Vương (40-43) đánh đuổi xong Tô Ðịnh, ban thưởng chức tước cho các các công thần như nữ tướng Lê Chân được phong làm Thánh Chân Công chúa, giao cho trọng trách Chưởng quản binh quyền Nội bộ (như Tổng Tư lệnh quân đội) đóng đại bản doanh ở Giao-chỉ ; Trưởng Nội các Ðông phương, Tả cung Thị nội Xuân nương Phùng thị Chính... những chức tước này nếu đúng là thật thì cho thấy Trưng vương chưa kịp sửa quan chế, còn chịu ảnh hưởng Trung quốc (20).

b- Bắc thuộc lần thứ hai (43-544) - Mã Viện đánh Trưng Vương, đem Giao-chỉ thuộc nhà Ðông Hán như cũ, biến cải cách cai trị các châu quận.

Nhà Tiền Lý (544-602) Năm 541 Lý Bôn chiếm lại Giao-châu, xưng là Nam Việt Ðế, đặt trăm quan văn võ, dùng điện Vạn-thọ làm nơi triều hội, Tinh Thiều làm tướng văn, Phạm Tu làm tướng võ, Triệu Túc làm Thái phó.

Triệu Việt Vương (549-571) - Lý Nam Ðế thua quân Lương, binh quyền giao cho Tả tướng quân Triệu Quang Phục. Triệu Quang Phục xưng là Việt Vương.

Lý Phật Tử chống lại Triệu Việt Vương, đánh lấy Long-biên, xưng đế hiệu, sau bị nhà Tùy đem quân sang đánh phải xin hàng.

c - Bắc thuộc lần thứ ba (603-939) - Giao-châu bị nội thuộc nhà Tùy, rồi nhà Ðường. Nhà Ðường chia Giao-châu thành 12 châu, đặt An-nam Ðô hộ phủ.

Mai Hắc Đế - Mai Thúc Loan chống quan nhà Ðường, chiếm vùng Hoan-châu, xưng đế, sau thua quân Ðường rồi mất.

Bố Cái Đại Vương- Năm 791 Phùng Hưng chiếm Ðô hộ phủ, được mấy tháng thì mất, dân tôn là Bố Cái Ðại Vương. Con là Phùng An xin hàng nhà Ðường.
 

3 - NHÀ NGÔ

- Năm 938 Ngô Quyền thắng quân Nam Hán ở Bạch đằng giang. 939 xưng vương, đặt quan chế, dựng nghi lễ triều đình, định sắc áo mặc.
 

4 - NHÀ ĐINH

- Năm 968 Ðinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 Sứ quân, lên ngôi, tức là Ðinh Tiên Hoàng

Năm 971 Ðinh Tiên Hoàng bắt đầu định giai phẩm các quan văn võ và tăng đạo :
Nguyễn Bặc làm Ðịnh quốc công
Giang Cự Vọng làm Nha hiệu
Lưu Cơ làm Phó Ðô hộ phủ Sĩ sư (Sĩ sư là chức quan coi việc hình án ở kinh sư, đứng đầu tư pháp trong nước)
Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân (đứng đầu quân đội)
Ngô Châu Lưu (tức Khuông Việt Ðại sư) làm Tăng thống (đứng đầu các tăng đạo)
Trưởng Ma Ní làm Tăng lục đạo sĩ (Tăng lục là chức thứ hai coi các tăng đạo)
Ðặng Huyền Quang làm Sùng chân uy nghi (quan coi về đạo giáo).
Lại có các chức Thái úy, Nha nội chỉ huy sứ, Chi hậu nội nhân... (21).
974 Nước chia làm 10 đạo quân, mỗi đạo 10 quân (1 quân gồm 10 lữ, 1 lữ = 10 tốt, 1 tốt = 10 ngũ, 1 ngũ = 10 người) (22), đứng đầu là Thập đạo Tướng quân.
Theo An Nam Chí Lược thì tứ nhà Ðinh mới chịu vương tước của nhà Tống gia phong nhưng ở trong nước vẫn tự đặt danh hiệu : quan có chức "chánh" và "tiếp" tựa như "phẩm" và "tùng".
 

5 - NHÀ TIỀN LÊ

- Cuối nhà Ðinh, quyền chính trong tay Lê Hoàn. Khi quân Tống đem quân sang đánh, Lê Hoàn được tôn làm vua, tức Lê Ðại Hành.

980 Lê Ðại Hành đặt các chức :
Thái sư : Hồng Kính (người Trung quốc)
Thái uý : Phạm Cự Lượng
Ðại Tổng quản tri quân dân sự : Từ Mục, như Tể tướng
Nha nội Ðô Chỉ huy sứ : Ðinh Thừa Chính, thống lĩnh toàn bộ binh quyền.
1006 Lê Long Ðĩnh sửa quan chế theo nhà Tống.
 

6 - NHÀ LÝ

- Năm 1010, Lý Thái Tổ phong quan chức cho các người thân thuộc và công thần có các danh hiệu : Thái Sư, Thái phó, Thái bảo, Tổng quản (đứng đầu quân đội), Tướng công (đứng đầu quan văn trong triều, sau mới đặt Tể tướng), Khu mật sứ (giữ việc cơ mật trong triều), Viên ngoại lang (sứ bộ đi cống, dự chính sự ở Thượng thư sảnh), Tả Hữu Kim ngô (giữ quân cấm vệ, bảo vệ cung cấm), Hóa đầu (như đội trưởng), Cấm quân, Tả Hữu Võ vệ (đi hộ tống khi vua ra ngoài). Các chức khác theo nhà Tiền Lê.

1042 Bấy giờ việc kiện tụng bề bộn, nhiều người bị oan uổng, vua sai quan Trung thư soạn bộ Hình Thư là bộ sách đầu tiên định rõ pháp luật minh bạch : định lại luật lệnh, phân ra từng loại, từng khoản (cách tra hỏi, hình phạt...), tham bác, châm chước cho thích hợp thời thế, rất tiện lợi.

1089 Ðịnh quan chế văn võ đều có 9 phẩm, nhiệm kỳ 9 năm.

A- Quan trong, ở trung ương

- Các đại thần :
Tam Thái / Tam Công (Thái sư, Thái phó, Thái bảo),
Tam Thiếu (Thiếu sư, Thiếu phó, Thiếu bảo)
(Phụ quốc) Thái uý (nắm binh quyền), Thiếu uý (coi cấm binh),
Nội ngoại Hành điện Ðô Tri sự.
Kiểm hiệu Bình chương sự.

a- Văn ban :

Thượng thư sảnh (có các chức Thượng thư, tả hữu Bộc xạ, tả hữu Thị lang, Viên ngoại lang...)
Trung thư sảnh chuyên nghĩ mọi việc để tâu vua, định luật lệnh, vâng truyền mệnh lệnh, tuyển bổ các quan (các chức Trung thư Thị lang, Xá nhân...).
Tham tri chính sự bàn về chính sự.
Ngự sử đài giữ việc đàn hặc các quan (Ngự sử đại phu, Gián nghị đại phu...)
Hàn lâm viện Học sĩ soạn chế cáo của vua.
Văn minh điện Học sĩ, chức quan của Nội thị sảnh.
Nội thị sảnh hầu cận vua (Tri nội ngoại sự, Hành điện nội ngoại Ðô trị sự, Nội thị nội thường thị...)
Hành khiển là Trung quan tức Hoạn quan, gia thêm danh hiệu Nhập nội Hành khiển Ðồng Trung thư môn hạ Bình chương sự chức hàm rất trọng, giữ then chốt chính sự (như Tể tướng).
Ðình úy giữ việc hình án.
Ðô hộ phủ Sĩ sư xét các án còn ngờ.
Phò mã lang.
10 Thư gia.
b- Võ ban :
Viên chỉ huy tối cao là Ðô thống, rồi tới Nguyên suý, Tổng quản Khu mật sứ (nắm quyền binh, đối lập với Trung thư sảnh).
Ðặt ra 10 quân Cấm Vệ để bảo vệ vua và kinh thành, trại quân đóng quanh cả trong Cấm thành. Có các chức : Tả Hữu Kim ngô Vệ Thượng tướng, Kim ngô Ðô lãnh binh sứ, Tả Hữu Vũ Vệ Tướng quân, hàm Vệ, Thượng tướng quân, Ðại tướng quân, Tướng quân... (23).
Ðiện tiền Ðô chỉ huy sứ coi các ban trực ở trước điện.
Kinh sư lưu thủ thì chọn một thân vương đại thần giao cho ở lại giữ kinh thành khi vua ra ngoài.
B - Quan ở ngoài (các lộ, trấn) :

a- Văn ban :

Châu mục coi các châu ở biên giới (các chức Tri châu, Thông phán, Tổng quản...)
Quan ở phủ có Tri phủ, Phán phủ sự...


b- Võ ban :

Ðô thống tướng quân, Chư lộ trấn trại quan...

Ngoài ra còn các chức : Tứ sương quân (quân đóng bốn mặt thành), Ðô thống thượng tướng quân (coi việc binh, quan ngoài), Hữu nhai Tăng thống quan (đứng đầu tăng quan), Chi hậu quan (hầu bên vua, giữ việc truyền lệnh, đưa người ra vào), Nội nhân quan (để sai bảo trong cung), Thị nội quan (chầu hầu trong cung), Học sĩ các điện, Hàn lâm viện Lang trung, chức trọng, dùng Hành khiển... Chức Thượng thư bắt đầu có nhưng chưa rõ chia việc như thế nào (24).

- Năm 1034, vua Thái Tông hạ lệnh cho các quan khi đứng trước mặt vua thì gọi vua là "Triều đình".

Vua Nhân Tông cho các công thần 80 tuổi được chống gậy và ngồi ghế trong triều đình, đặt chức Thái úy phụ quốc kiểm hiệu Bình chương quân quốc trọng sự.

- Tư cách để làm quan thì dùng tuyển cử rồi tới dùng các con quan, sau mới tới người nộp tiền để vào ngạch. Con cháu thợ thuyền và kỹ nữ đều không được bổ dụng. Họ ngoại về Hoàng hậu không có công gì cũng được phong danh hiệu An quốc, Khuông quốc v.v... (25).

- Khảo xét công trạng: siêng năng, tài cán mà thông thạo chữ nghĩa xếp một loại, có chữ nghĩa, tài cán làm một loại, tuổi cao, hạnh thuần, biết rõ việc xưa nay làm một loại. Theo thứ tự mà trao chức vụ để tránh lạm nhũng (26).
 

7- NHÀ TRẦN

Quan chế đời Trần đại khái như nhà Tống, về danh hiệu các quan có phần hay hơn đời Lý nhưng về chức sự đại lược theo đời trước mà châm chước ít nhiều.

-Tôn phái: Hoàng trưởng tử phong tước Ðại vương, con thứ phong Vương, thứ nữa là Thượng vị hầu, con trưởng của Vương được phong Vương, con thứ phong Thượng vị hầu.

Từ trên xuống dưới : Vương, Thượng hầu, Tiếp hầu, Minh tự (các quan hầu cận thêm chữ "nội"), Tiếp Minh tự, Ðại liêu ban, Thân vương ban, Thái sư, Thái phó, Thái bảo, Tể tướng hoặc Tư đồ Tả Hữu Tướng quốc.

Theo Ngô Thì Sỹ thì Vương hầu ở nhà riêng ở làng, khi làm Tể tướng mới giữ việc nước nhưng chỉ cầm đại cương, quyền hành ở Hành khiển, để bảo toàn danh dự cho tôn thất. Lệ cũ người cầm quyền đều là tôn thất, đến vua Anh Tông mới không kể thân sơ, dùng người ngoài (27).

Ngoài các đại thần văn ban, võ ban còn có Tăng quan (Quốc sư, Tăng thống...), Ðạo quan (Ðạo lục, Uy nghi...). Công việc chia cho các Quán, Các, Sảnh, Cục, Ðài, Viện. (28).

* Ðại yếu quan chế đời Trần :

A- Quan trong, ở trung ương :

a- Văn ban :

3 chức Thái, 3 chức Thiếu (sư, phó, bảo) coi cả việc quân việc dân, không phải như xưa chỉ có trách nhiệm bàn về trị đạo.
Tam Tư : Tư đồ, Tư mã, Tư không (thời Lý chưa có).
Thượng tể, Thái tể (Tể tướng) thì thêm danh hiệu tả hữu Tướng quốc Bình chương sự dành cho Thân vương thôi.
Ðại hành khiển (trước chỉ dùng hoạn quan, từ 1267 dùng người có văn học).
Thứ tướng thêm danh hiệu Tham tri chính sự, Nhập nội Hành khiển hoặc thêm tả phù hữu bật, tham dự triều chính.
Trung thư sảnh (Trung thư lệnh, Thị lang, Gián nghị đại phu, Tham nghị...) giữ việc đề nghị lên vua, vâng truyền mệnh lệnh).
Khu mật viện (Tham tri chính sự, Ðại sứ, Phó sứ...).
Môn hạ sảnh (Hành khiển, Lang trung, Viên ngoại lang...) giữ việc vâng theo lệnh chỉ của vua.
Thượng thư sảnh (Hành khiển, Bộc xạ, bộ Thượng thư, Lang trung, Viên ngoại...) vâng lệnh chỉ của Thượng hoàng.
Tuyên huy viện (Ðại sứ, Phó sứ...) giữ sổ sách các Ty, các ban trong cung, việc tế tự triều hội).
Thẩm hình viện (Ðại lý chính) định tội khi tụng án đã thành.
Bí thư sảnh (Bí thư giám, Hiệu thư...) giữ việc kinh tích đồ thư, quốc sử thực lục, thiên văn nhật lịch).
Quốc sử viện (Ðề điệu, Giám tu quốc sử...).
Tập hiền viện (Học sĩ...), giảng sách, bàn đạo trị nước với vua.
Thái sử cục vốn là Tư thiên giám (Thái sử lệnh, Thì hậu nghi lang...).
Tam quán học sinh : Thái học sinh, Thị thần học sinh, Tướng phủ học sinh.
Nội thị sảnh (Nội thị, Thiên chương các Học sĩ...) hầu vua tuyên chế lệnh.
Hàn lâm viện (Học sĩ, Thừa chỉ...) phụng ngự.
Sáu cục chi hậu (lấy vương hầu, tôn thất).
Mười thư gia (Nội hỏa thư gia, Ngự khố thư gia, Chi hạ thư gia, Lệnh thư gia...) là quan trong nội điện.
Ngự sử đài (Ngự sử đại phu, Ngự sử trung tán, Trung thừa, Trung tướng...).
Tam Ty viện (trước là Ðô vệ phủ) xét các án ngờ.
Ðình úy viện (vốn là Ðăng văn viện) tra xét hình án.
Thái y ty chữa bệnh trong cung.
Thái chúc ty coi lễ nhạc.
Tôn chính phủ giữ công việc họ hàng vua.
Quốc tử giám (Tư nghiệp dậy Hoàng tử).
b- Võ ban
Thái úy, Thiếu úy.
Phiêu kỵ Thượng Tướng quân (dành cho Hoàng tử hoặc thân vương), chỉ huy tối cao của quân đội.
Ðiện súy đô áp nha Thống chế coi các quân ngự tiền, Ðại doãn, Tổng quản, Ðại An phủ sứ...
Cấm vệ Thượng Tướng quân, Kim ngô vệ Ðại Tướng quân (cấm quân, mỗi vệ có Ðại tướng quân, Tướng quân, Giám quân, Ðại đội trưởng), Ðô Thống chế...
B- Quan ngoài (ở các lộ, trấn) :

Văn : Kinh lược sứ, Quan sát sứ, Ðô hộ phủ, An phủ sứ, Phó sứ, Tri phú, Trấn phủ sứ, Tri châu, Lệnh, Thông phán, Tào vận sứ, Chuyển vận sứ, Ðề hình ty, Khuyến nông ty...

: Mỗi lộ có một bộ quân, đứng đầu là Lộ Tướng quân. Dọc biên giới đặt Phòng ngự sứ. Vùng biển có Binh Hải quân.

* Luật lệ :

1246 Ðịnh cứ 15 năm một lần duyệt bậc, 10 năm một lần thăng tước, 15 tháng thăng chức một bậc.

1288 Lệ cũ phàm có tuyên lời vua thì viện Hàn lâm đưa bản thảo tờ chiếu cho Ty Hành khiển học tập trước để khi tuyên đọc giảng nghĩa cho dân dễ hiểu, vì chức Hành khiển chỉ dùng hoạn quan ít chữ (29).
 

8- NHÀ HỒ

- Nhà Hồ theo chế độ nhà Trần, chỉ thêm chức Ðăng văn triều chính và đặt thêm các tạp chức : Phong quốc giám, Ðại lý tự, Hương đình quan...
 

9-THUỘC MINH

- Ðặt quan ba Ty ở Giao-chỉ : Ty Tổng binh, Ty Bố chính, Ty Án sát. Các phủ, châu, huyện thì đặt Tri phủ, Ðồng Tri, Tri huyện... dùng cả người Trung quốc.

Các quan địa phương hàng năm phải lần lượt vào chầu ở Yên-kinh, song năm Bính Ngọ, Tuyên đức 1, ba Ty lấy cớ địa phương chưa yên, xin miễn vào chầu.
 

10 - NHÀ HẬU LÊ

- Quan chế lúc đầu tựa như nhà Trần, nhà Hồ, phỏng theo nhà Tống.

Lê Thái Tổ trao cho các đại thần văn võ là thân thuộc của nhà vua hoặc những bầy tôi có công các trọng chức : tả hữu Tướng quốc, Kiểm hiệu Bình chương quân quốc trọng sự, Tư đồ, Tư mã, Tư không (sau mới thêm chữ "Ðại" như Ðai Tư đồ)... Người thân tín thì thêm "Nhập nội".

1460 Thánh Tông đặt thêm bốn bộ Hộ, Binh, Hình, Công và đặt 6 khoa : Trung thư khoa, Hải khoa, Ðông khoa, Tây khoa, Nam khoa, Bắc khoa.

1465 đổi 6 Bộ làm 6 Viện, mỗi Viện đặt chức Thượng thư đứng đầu rồi đến tả hữu Thị lang, dưới có Lang trung, Viên ngoại...

Ðổi Trung thư khoa thành Lại khoa
Hải khoa Hộ khoa
Ðông khoa Lễ khoa
Nam khoa Binh khoa
Tây khoa Hình khoa
Bắc khoa Công khoa.
Ðặt chức Ðô cấp sự trung đứng đầu mỗi Khoa (bãi chức Hành khiển ở các đạo), đặt Tuyên chính sứ đứng đầu ty Tuyên chính, thứ nhì đến Tham chính, Tham nghị, dưới là Chủ sự (30).

1476 đổi 6 Viện ra 6 Tự ( Hồng lô, Quang lộc, Ðại lý, Thái thường...), đổi các lộ ra phủ.

- Luật lệ : 1486 Các quan ở ngoài không được lấy đàn bà con gái trong hạt mình.

Các quan và thuộc lại lấy đàn bà con gái hát xướng làm vợ phạt 70 trượng, biếm 3 tư, con cháu lấy thì chỉ phạt 60 trượng. Ðều phải ly dị.

* 1471 Quan chế thời Hồng Ðức :

Năm Hồng-đức thứ 2 đời Lê Thánh Tông (1471) Thân Nhân Trung, Ðỗ Nhuận... soạn Thiên Nam Dư Hạ Tập, sửa định Hoàng triều quan chế, bãi chức Tướng quốc, Bình chương, Bộc xạ... Các viên chức lớn nhỏ, trong, ngoài lên tới 5398 viên (31).

1- Tôn phái : Ðứng đầu quan chế là nhà vua.

Hoàng tử được phong là Thân vương thì dùng tên một phủ làm tên hiệu và chỉ dùng một chữ (phủ Kiến-hưng thì gọi là Kiến vương), con cả của Thân vương là Tự thân vương thì dùng nguyên tên một huyện, dùng cả hai chữ làm tên hiệu, con thứ của Thái tử và của Thân vương phong tước Công, dùng chữ đẹp làm hiệu (như Triệu Khang Công).

Con trưởng Tự thân vương và Tự thân công phong tước Hầu, dùng chữ đẹp làm hiệu.

Các con Tự thân vương, Hoàng thái tôn, tước Quốc Công, Quận công phong tước . Quốc công lấy tên một phủ làm hiệu, chỉ dùng một chữ (Tuyên-quang là Tuyên Quốc Công) ; Quận Công lấy tên một huyện, chỉ dùng một chữ ; con trưởng của Thân công chúa phong tước Hầu, Bá, lấy tên một xã làm hiệu, dùng cả hai chữ.

Các con thứ của Thân công chúa, con trưởng của tước Hầu, Bá phong tước Tử, tựa như Chánh nhất phẩm.

Các con thứ của Hầu, Bá phong tước Nam, tựa như Tùng nhất phẩm.

2- Công thần - Sau tôn thất mới đến các công thần. Bầy tôi có công thì văn huân (quan có hàm mà không có chức), võ huân đều có 5 bậc (phẩm) ; văn giai có 9 bậc (phẩm), chánh và tùng ; Tản quan (có hàm mà không có thực chức) thì văn có 9 phẩm, võ có 6 phẩm, chánh và tùng.

Tên hiệu: Phong tước Quốc công, lấy tên 1 phủ làm hiệu, chỉ dùng một chữ (Tuyên Quốc công, Tuyên-quang), Quận công lấy tên 1 huyện làm tên hiệu, chỉ dùng một chữ, các tước Hầu, Bá lấy tên 1 xã làm hiệu, dùng cả hai chữ (Hải-lăng Hầu, Diên-hà Bá).

* Ở trung ương, các chức trọng yếu là Tam Thái, Tam Thiếu, Lục bộ, Lục khoa, Lục tự, Ngự sử đài, Hàn lâm viện, Quốc tử giám...

a- Văn Giai

có 9 bậc, chánh và tùng :
Chánh nhất phẩm : Ba chức Thái (sư, phó, bảo).
Tùng nhất phẩm : Ba chức Thái tử Thái sư, Thái tử Thái phó, Thái tử Thái bảo.
Chánh nhị phẩm : Ba chức Thiếu (sư, phó, bảo).
Tùng nhị phẩm : Thượng thư 6 bộ, ba chức Thái tử Thiếu (sư, phó, bảo).
Chánh tam phẩm : Ðô ngự sử...
Tùng tam phẩm : tả hữu Thị lang, Tôn nhân phủ tả hữu Tôn chính, tả hữu Xuân phường , tả hữu Dụ đức (hai chức quan ở cung Thái tử, hầu cận), Thừa tuyên sứ...
Chánh tứ phẩm : Hàn lâm viện Thừa chỉ, Phó Ðô ngự sử, tả hữu Trung doãn...
Tùng tứ phẩm : Ðông các Ðại Học sĩ, Quốc tử giám Tế tửu, Thông chính sứ, Tham chính...
Chánh ngũ phẩm : Hàn lâm viện Thị độc, Thiêm đô Ngự sử, Tự khanh 6 Bộ, Tự, Phụng thiên Phủ doãn...
Tùng ngũ phẩm : Hàn lâm viện Thị giảng, Ðông các Học sĩ, Quốc tử giám Tư nghiệp, Tham nghị...
Chánh lục phẩm : Hàn lâm viện Thị thư, Ðông các Hiệu thư, Lang trung 6 Bộ, Thiếu khanh 6 Tự
Tùng lục phẩm : Hàn lâm viện Ðãi chế, Viên ngoại lang 6 Bộ, Tri phủ...
Chánh thất phẩm : Hàn lâm viện Hiệu lý, Ðề hình Giám sát Ngự sử, Ðô cấp sự trung 6 khoa, Tựthừa 6 tự, Phụng thiên Huyện úy...
Tùng thất phẩm : Hàn lâm viện Kiểm thảo, Thông phán, Tri huyện, Tri châu...
Chánh bát phẩm : Tư huấn ở Nho lâm quán, Tú lâm cục, Hàn lâm viện Tu soạn, Quốc tử giám Giáo thụ, Cấp sự trung 6 Khoa...
Tùng bát phẩm : Lục bộ Tư vụ, Sử quan biên lục Chủ sự, Huyện thừa, Ngũ kinh Học chính...
Chánh cửu phẩm : Hồng lô Tự ban, Huấn đạo, Tăng thống, Ðạo thống...
Tùng cửu phẩm : Huấn khoa ở y học, Trưởng Thị các chợ, các vụ sứ, Tăng đạo chánh...
b- Võ giai :
Chánh nhất phẩm : 3 chức Thái (sư, phó, bảo) và Thái úy.
Tùng nhất phẩm : 3 chức Thiếu và tả hữu Ðô đốc.
Chánh nhị phẩm : Thiếu uý, Ðô Kiểm điểm, Ðề đốc, Ðô đốc Ðồng tri...
Tùng nhị phẩm : Ðô đốc Thiêm sự, tả hữu Kiểm điểm, Tham đốc...
Chánh tam phẩm : Ðô Chỉ huy sứ, Ðô Tổng binh sứ...
Tùng tam phẩm : Ðô Chỉ huy Ðồng tri...
Chánh tứ phẩm : Ðô Chỉ huy Thiêm sự, Chỉ huy sứ, Tổng binh Thiêm sự...
Tùng tứ phẩm : Chỉ huy sứ Ðồng tri, Tổng binh Ðồng tri, Ðô tri...
Chánh ngũ phẩm : Chỉ huy Thiêm sự, Lực sĩ Hiệu uý, Tổng lĩnh, Quản lĩnh Phó Ðô tri, Thiên hộ...
Tùng ngũ phẩm : Phó Thiên hộ, Phó quản lĩnh, Trung uý...
Chánh lục phẩm : Phó Trung uý, Chánh võ uý, Bách hộ, Chánh Ðề hạt...
Tùng lục phẩm : Ðề hạt, Kinh lược Ðồng tri, Hiệu úy các nha...
Chánh thất phẩm : Phó Võ úy, Phó Ðề hạt...
Tùng thất phẩm : Vệ úy, Phó Vệ úy... (32).
* Triều nghi

- Ban thứ : 1472 Các tướng sĩ hàng ngày vào triều đứng sắp hàng hai bên Ðông Tây cửa Ðoan-môn, những ngày sóc vọng (ngày rầm, mồng một) ở ngoài cửa Văn-minh Sùng-vũ, đợi hồi trống thứ ba tiến vào đan trì để dàn bầy nghi trượng, ban thứ chỉnh tề. Nếu hết ba hồi trống mà chưa chỉnh tề thì các vệ Cẩm y, Kim ngô bắt giữ, xin trị tội.

- Vào chầu - 1473 Ðịnh từ nay các quan văn võ vào chầu không được nhổ cốt trầu, ném bã trầu ở cửa hay sân đan trì.

1485 Vào chầu : Ðến ngoài cửa Ðại-hưng phải xuống kiệu hay ngựa. Nếu là Công, Hầu, Bá, Phò mã được hai tiểu đồng theo hầu, quan nhất phẩm được một. Khi vào đến ngoài cầu Ngoạn-thiềm thì đứng lại, làm trái thì quan giữ cửa ngăn lại, tâu hặc để xét hỏi.

Ngày phiên chầu : Hồi trống thứ nhất, quân hộ vệ theo thứ tự tiến vào đan trì, hồi trống thứ hai, các quan tiến vào đan trì theo thứ tự, không được tranh nhau đi trước. Sau hồi trống thứ ba mà các quan còn ở ngoài cửa Chu-tước và sau khi chuông đánh quá 50 tiếng mà còn ở bên tả, hữu cửa Ðoan-môn thì quan coi cửa ngăn lại hết, ty xá nhân vệ Cẩm y tâu hặc, giao xuống trừng trị (33).

1489 : Vào chầu thì chắp tay vào dưới chỗ cổ áo tròn, nếu đứng hộ vệ thì chắp tay dưới ức.

1493 Ðịnh thứ tự triều ban các quan văn võ theo chức tước mà đứng : Cùng một phẩm thì quan cũ, hay nhiều tuổi đứng trước. Người phẩm thấp nhưng chức cao hay người phẩm cao nhưng chức thấp đều theo chức mà đứng vào phẩm ban của chức mình.

- Bàn tâu - Quan Chức Chí chép năm 1487 (SKTT I I I chép 1474) định thứ tự khi triều thần bàn việc : Khi có chỉ xuống, trước hết từ Khoa đài, thứ đến Bộ, Tự, rồi đến Công, Hầu, Bá, Ðô đốc 5 phủ lần lượt bàn, không được hùa theo hay nín lặng không nói. Ai không tuân thì Giám sát Ngự sử hặc bẻ rồi tâu lên.

Dâng chế cáo - Năm 1488 định : Từ nay bưng tờ chế, cáo, sắc mệnh cùng ấn của vua và sắc chỉ đều phải hai tay bưng cao ngang đầu, bưng các bản tâu, thiếp tâu đều cao ngang mặt.
 

11- NHÀ LÊ TRUNG HƯNG

- Chúa Trịnh cầm quyền, buổi đầu đại lược theo quan chế cũ.

1606 mới đặt các chức Tham tụng, Bồi tụng ở phủ đường. (1787 Chiêu Thống bãi chức Tham tụng đặt lại là Bình chương sự, bãi Bồi tụng, đặt lại Tham tri chính sự).

1631 đặt Ðốc đồng ở các trấn.

1685 : Trước đây mỗi năm một lần khảo xét các quan rồi lập tức thăng hay truất, thời hạn quá gấp. Nay định lại mỗi năm khảoxét một lần, ba lần mới truất hay thăng trật (34).

1718 : Ðặt quan 6 phiên (Lại, Lễ, Binh, Hình, Hộ, Công) chuyên hết việc 6 Bộ. Sai quan văn làm Tri phiên, mỗi phiên 60 thuộc lại. Chế độ cũ chỉ có 3 phiên : Binh, Hộ, Thủy sư, chỉ có 100 thuộc lại. (1787 Chiêu-Thống bãi 6 phiên, đổi gọi là 6 Bộ).

1721 định quan chế : về giai phẩm theo đời Hồng-đức, về danh hiệu đặt thêm nhiều tên :
Chưởng : chức cao coi việc nha thấp ;
Tri : quan bản nha coi việc thuộc quyền mình ;
Kiêm : chức này nhận thêm chức khác ;
Thự : phẩm thấp mà tạm làm việc bản nha ;
Hành : phẩm cao làm việc phẩm thấp ;
Quyền : phẩm thấp mà tạm coi việc chức cao (35).

1723 Giáo thụ thăng Tri huyện, đủ niên hạn thăng Tự thừa, Tự thừa đủ niên hạn thăng Tri phủ.

1739 dổi Trấn thủ, Lưu thủ ra Ðốc phủ, Nghệ-an gọi là Ðốc suất.

1772 : Thời Cố Lê, các quan hàng Ðô ngự sử, Tả Thị lang tại chức lâu thì thăng Thượng thư ba Bộ Binh, Hình, Công rồi chuyển lên ba Bộ Lại, Hộ, Lễ. Phẩm trật 6 Bộ đều tòng hai phẩm nhưng bổng lộc thì Thượng thư Bộ Công kém một bực, theo trật chánh tam phẩm, cả năm được 56 quan (tòng nhị phẩm62 quan). Vì thế từ Bộ Lại chuyển sang Bộ Công gọi là giáng chức (36).

- Triều nghi :

1732 Trịnh Giang muốn làm lễ nhạc sáng tỏ để tô điểm thời thái bình, định : Ngày Chúa coi chầu, phường nhạc sắp hàng ở phủ đường, cửa phủ đường bên tả và bên hữu mở thì bắt đầu cử nhạc, các quan văn vũ lạy xong thì ngừng nhạc.

Khi Chúa tuần du, bắn ba tiếng súng ; buổi trưa đi nghỉ, ban đêm đi nằm cũng theo quy tắc ấy. Khi ra đi thì có cờ lệnh, phường nhạc đi trước dẫn đường (37).

1773 - Ðầu triều Lê, ngày mồng một và ngày rầm cử hành lễ thường triều, trăm quan theo ban thứ vào chầu bái yết. Từ khi Trịnh Sâm chuyên quyền, hạ lệnh cho Phủ liêu và Ngự sử đài ngày mồng một hàng tháng vào phủ chúa bàn định công việc, gọi là "nhập các".

Ðến lúc Lê Quý Ðôn giử chính quyền trong phủ Chúa, đến ngày mồng một, ngày rầm, các quan thường thoái thác có bệnh, cáo nghỉ không ai đến cả nên lễ thường triều chỉ có Hoàng tử (Thế tử ?) bầy tôi nội điện vào chầu, bái yết mà thôi (38).

Hội lớn thì Văn ban đứng phía Tây, Võ ban phía Ðông, là trọng văn hơn võ (39).
 

12- NHÀ TÂY SƠN

- Phan Huy Chú bình :"Xét rằng tước ấp đời Lê rất là quan trọng, từ đời Hồng-đức về sau chưa từng cho lạm bao giờ. Ngưởi có tước ở triều đình phải là người làm quan lâu mới được cất nhắc... Gần đây Tây Sơn phong tước quá lạm, đến cả phu quét chợ, lính đẩy xe cũng đều trao cho tước hầu, tước bá !".

Phan Trần Chúc thì viết Tây Sơn đặt quan chế mới với những chức Ðại Tổng quản, Ðại Tư mã là muốn xóa nhoà quan chế cũ của hai họ Lê, Trịnh, song chỉ là bắt chước cổ nhân bề ngoài, sự thực không có ảnh hưởng gì đến chính trị (40).
 

B - NHÀ NGUYỄN
* THỜI GIA-LONG

1804 Gia-Long định :

a- Văn giai:

Trên cùng là Tôn nhân lệnh Tôn nhân phủ và Tam Công.
Chánh nhất phẩm : Tam Thiếu, tả hữu Tôn chính Tôn nhân phủ.
Tùng nhất phẩm : Tham chính, Tham nghị, Thị trung Ðại học sĩ.
Chánh nhị phẩm : Thượng thư 6 Bộ, tả hữu Ðô ngự sử Ðô sát viện...
Tùng nhị phẩm : Tham tri 6 Bộ, Phó Ðô ngự sử Ðô sát viện...
Chánh tam phẩm : Chánh Thiêm sự, Thị trung Trực Học sĩ, Học sĩ các điện, Hiệp trấn Cai bạ, Ký lục...
Chánh tứ phẩm : Ðốc học Quốc tử giám, Thiêm sự 6 Bộ, Ðông các Học sĩ, Tham hiệp...
Chánh ngũ phẩm : Hàn lâm Thừa chỉ, Thị giảng, Thị độc, Tu soạn, Ðốc học...
Chánh lục phẩm : Tri phủ...
Chánh thất phẩm : Tri huyện, Tri châu...
Chánh bát phẩm : Trợ giáo, Huấn đạo...
Chánh cửu phẩm : Lễ sinh...
Từ chánh ngũ phẩm trở lên là Bá tước, chánh lục phẩm trở xuống là Nam tước.
b- Võ giai :
Chánh nhất phẩm : Tôn nhân chính Tôn nhân phủ, Tam Thiếu, Ðô Thống chế thị trung...
Chánh nhị phẩm : Phó tướng, Thống chế Thị trung, Thị nội, Thủy dinh...
Chánh tam phẩm : Vệ uý Thị nội, Phó vệ uý Thị trung, Cai cơ...
Chánh tứ phẩm : Phó vệ uý các dinh quân...
Chánh ngũ phẩm : Cai đội...
Chánh lục phẩm : Phó đội các dinh quân, Phó Thủ hiệu...
Tùng cửu phẩm : Cai tổng, Cai huyện...
Từ tùng lục phẩm trở xuống là Bá tước, Tản giai tùng cửu phẩm trở xuống là Tử tước ; Vị nhập lưu tùng cửu phẩm trở xuống là Nam tước (41).
* THỜI MINH-MỆNH

1827 Minh-Mệnh định phẩm hàm mỗi giai :

a- Văn giai :

Chánh nhất phẩm : Cần chánh điện Ðại Học sĩ, Văn Minh, Võ hiển, Ðông các điện Ðại học sĩ... cáo thụ (của triều đình cho tước hiệu) Ðặc tiến vinh lộc đại phu.
Tùng nhất phẩm : Hiệp biện Ðại Học sĩ... cáo thụ Vinh lộc đại phu.
Chánh nhị phẩm : Lục bộ Thượng thư, Ðô sát viện tả hữu Ðô ngự sử... cáo thụ Tư thiện đại phu.
Tùng nhị phẩm : Lục Bộ tả hữu Tham tri, Ðô sát viện tả hữu Phó Ðô ngự sử... cáo thụ Trung phụng đại phu.
Chánh tam phẩm : Tả hữu Thị lang 6 Bộ, Hàn lâm viện Chưởng viện Học sĩ, Hàn lâm viện Trực Học sĩ, Ðại lý tự khanh, Nội vụ phủ Thị lang, Thừa-thiên phủ Phủ doãn, các trấn Hiệp trấn... cáo thụ Gia nghị đại phu.
Tùng tam phẩm : Thượng bảo khanh, Quang lộc tự khanh, Thái bộc tự khanh... cáo thụ Trung nghị đại phu.
Chánh tứ phẩm : Hồng lô tự khanh, Ðại lý tự Thiếu khanh, Quốc tử giám Tế tửu, lục Bộ Lang trung, Hàn lâm viện Thị độc Học sĩ, Thương bạc ty Thương bạc sứ, Tôn nhân phủ Phủ thừa, các trấn Tham hiệp... cáo thụ Trung thuận Ðại phu.
Tùng tứ phẩm : Thượng bảo Thiếu khanh, Quang lộc tự Thiếu khanh, Quốc tử giám Tư nghiệp, Hàn lâm viện Thị giảng Học sĩ... cáo thụ Triều liệt đại phu.
Chánh ngũ phẩm : Hồng lô tự Thiếu khanh, Hàn lâm viện Thị độc, các đạo Giám sát Ngự sử, các trấn Ðốc học, Ðại lý tựViên ngoại lang, Thái y viện Ngự y, Khâm thiên giám giám chính... cáo thụ Phụng nghị đại phu.
Tùng ngũ phẩm : Hàn lâm viện Thửa chỉ, Hàn lâm viện Thị giảng, các phủ Tri phủ, Cẩm y Tri bạ..., cáo thụ Phụng thành đại phu.
Chánh lục phẩm : Ðại lý tư Chủ sự, Thương bạc ty Chủ sự, Ðồng tri phủ, Kinh huyện Tri huyện, Thị nội Tri bạ... sắc thụ (của triều đình cho tước hiệu) Thừa vụ lang.
Tùng lục phẩm : Hàn lâm viện Tu soạn, Tri huyện, Quốc tử giám Học chính, Giám thành tri bạ, chư quân Tri bạ, Thừa-thiên phủ tả hữu Thông phán... sắc thụ Văn lâm lang.
Chánh thất phẩm : Hàn lâm viện Biên tu, Ðô sát viện Lục sự, Ðại lý tự Tư vụ, Quốc tử giám Giám thừa, các phủ Giáo thụ... sắc thụ Trưng sĩ lang.
Tùng thất phẩm : Hàn lâm viện Kiểm thảo, Thái y viện Y chính, Thổ Tri châu, Tri huyện... sắc thụ Trưng sĩ tá lang.
Chánh bát phẩm : Huấn đạo, thư lại lục bộ Thanh lại ty, thư lại Ðại lý tự, Hồng lô tự, Khâm thiên gíám, Thừa-thiên phủ, Tri sự các phủ... sắc thụ Tu chức lang.
Tùng bát phẩm : Hàn lâm viện Ðiển bạ, Văn miếu Tự thừa, Quốc tử giám Ðiển bạ, Thái y viện Y phó, thư lại Cẩm y, Thị trung, Tri sự các huyện... sắc thụ Tu chức tá lang.
Chánh cửu phẩm : Thư lại lục bộ Thanh lại ty, thư lại Ðại lý tự, Hồng lô tự, Thương bạc ty, Thị nội, Kiêu kỵ, Thừa-thiên phủ,... sắc thụ Ðăng sĩ lang.
Tùng cửu phẩm : Hàn lâm viện Ðãi chiếu, Quốc tử giám Ðiển bạ, Thái y viện ngoại khoa Y sinh, thư lại Hộ thành binh mã ty, Nam Bắc tào, thổ lại mục... sắc thụ Ðăng sĩ tá lang.
b- Võ giai :
Chánh nhất phẩm : Chư quân Ðô thống phủ, Chưởng phủ sự... cáo thụ Ðặc tiến Tráng võ tướng quân.
Tùng nhất phẩm : Thị nội Thần cơ dinh Ðô thống, Thị nội Hổ oai dinh Ðô thống, Thần sách ngũ dinh Ðô thống... cáo thụ Tráng võ tướng quân.
Chánh nhị phẩm : Thị trung tả / Hữu dực Thống chế, Thị nội Thần cơ dinh Thống chế, Thần sách ngũ quân Thống chế, Chư quân Thống chế... cáo thụ Nghiêm uy Tướng quân.
Tùng nhị phẩm : Cẩm y Ðô Chỉ huy sứ ty Ðô Chỉ huy sứ, Cẩm y Chưởng vệ sứ, Kinh thành Ðề đốc, Thị trung tả hữu dực Vệ úy, Khinh xa Ðô úy tập ấm... cáo thụ Hùng uy Tướng quân.
Chánh tam phẩm : Nhất đẳng Thị vệ, Thị nội Tiền phong vệ úy, Thị nội nội hầu vệ úy, Thị nội thị tượng vệ úy, Thượng tứ viện viện sứ, Hộ lăng vệ úy, Thị trung tả hữu dực phó vệ úy, Trấn thủ các thành trấn... cáo thụ Anh dũng tướng quân.
Tùng tam phẩm : Giám thành vệ úy, vệ úy các quân, Thị nội thần cơ phó vệ úy, Kinh thương giám đốc, Kiêu kỵ đô úy tập ấm... cáo thụ Phấn dũng tướng quân.
Chánh tứ phẩm : Nhị đẳng Thi vệ, Giám thành Phó Vệ uý, chư quân Phó Vệ úy, Kinh thương Phó Giám đốc... cáo thụ Minh nghĩa đô úy.
Tùng tứ phẩm : Thành thủ úy, Phó Quản cơ, Trung hầu Cai đội, Nội hầu Cai đội, Giám đốc các cục bảo hóa, Tạo tác, Trưởng chi các chi Thổ binh... cáo thụ Tín nghĩa đô úy.
Chánh ngũ phẩm : Tam đẳng Thị vệ, Cẩm y Hiệu úy, Thần cơ Thị nội Cai đội, Chánh đội trưởng suất đội đội Trung hầu, quản lãnh Nam Bắc tào... cáo thụ Võ công đô úy.
Tùng ngũ phẩm : Tứ đẳng Thị vệ, Giám thành Cai đội, Chư quân Cai đội, Phó lãnh Nam Bắc tào, Phi kỵ úy tập ấm, Tuyên úy Phó sứ, Phòng ngự sứ... cáo thụ Kiến công Ðô úy.
Chánh lục phẩm : Ngũ đẳng Thị vệ, Cai đội các thành trần đạo, Giám thành Chánh đội trưởng suất đội, Chư quân Cai đội trưởng... sắc thụ Tráng tiết Kỵ úy.
Tùng lục phẩm : Chánh đội trưởng suất đội các thành trấn đạo, Từ tế Cai đội trưởng, Ân kỵ úy tập ấm, Tuyên úy Ðồng tri, Cai đội thổ binh... sắc thụ Tráng tiết tá Kỵ úy.
Chánh thất phẩm : Giám thành Chánh đội trưởng suất thập, Chư quân Chánh đội trưởng suất thập, Cẩm y đội trưởng suất thập, Thiên hộ... sắc thụ Hiệu trung Kỵ úy.
Tùng thất phẩm : Chánh đội trưởng suất thập các thành trấn đạo, Giám thành đội trưởng suất thập, Phó Thiên hộ, Phụng ân úy tập ấm... sắc thụ Hiệu trung tá kỵ úy.
Chánh bát phẩm : Ðội trưởng suất thập các thành trấn đạo, Chánh bát phẩm Bá hộ, Dịch trạm thứ đội trưởng... sắc thụ Trung tín hiệu úy.
Tùng bát phẩm : Bá hộ, các cục tượng Phó Tri sự thừa ân úy tập ấm... sắc thụ Trung tín tá Hiệu úy.
Chánh cửu phẩm : Chánh cửu phẩm Bá hộ, các Cục tượng Chánh cửu phẩm tượng mục... sắc thụ Hiệu lực Hiệu úy.
Tùng cửu phẩm : Tùng cửu phẩm Bá hộ, Hộ trưởng các hộ, thợ các cục, huyện lệ mục... sắc thụ Hiệu lực tá Hiệu úy (42).
* 1829 bắt đầu đặt Nội cácBốn Tào. Minh-Mệnh phán : "Nhà Minh sợ Tể tướng chuyên quyền mà đặt Nội các, quyền hành không khác. Hoàng khảo Thế tổ Cao Hoàng Ðế đặt ra Thị Thư Viện, Trẫm đổi là Văn Thư Phòng, nay đổi ra Nội các. Ðặt bốn người quản lãnh và 28 thuộc viên.

1831 bắt đầu đặt nha Ðại lý tự xét lại những án nặng. Ðặt 1 chức Tự khanh, 1 Thiếu khanh, 1 Viên ngoại lang, 2 Chủ sự, 2 Tư vụ, 4 thư lại bát, cửu phẩm, 10 thư lại vị nhập lưu. Mỗi năm cấp tiền công 115 quan.

Ðịnh lại điều lệ cho các quan văn võ trực ban, các bộ và Nội các kiểm xét lẫn nhau.

1832 bắt đầu đặt Ðô sát viện, chức Tả hữu Ðô Ngự sử, ngang Thượng thư lục bộ, chức Phó Ðô ngự sử ngang Tham tri, Giám sát ngự sử ngang chánh ngũ phẩm, thư lại hàng bát, cửu phẩm.

Ðặt Viện Cơ mật, chọn các đại thần mỗi ngày thay phiên túc trực. Phàm những việc sáu Bộ làm chưa đúng thì Nội các hạch, Nội các chưa đúng thì Viện Cơ mật hạch, khiến cho ràng rịt lẫn nhau mới mong thịnh trị.

Ðặt Tam Pháp Ty (Hình bộ, Ðô sát viện, Ðại lý tự) : Ngày 6, 16, 26 các đường quan ngồi nhận đơn ai oan khuất, những ngày khác có 1 thuộc viên thường trực. Việc cần kíp cho đánh trống Ðăng văn bất kỳ lúc nào để nộp đơn. Vu cáo càn bậy xử nghiêm, không cần mà đánh trống, gông 10 ngày, mãn hạnđánh 100 trượng.

1833 Hội Ðiển Toát yếu gồm 14 quyển, chép chế độ, chức trách trăm quan.
 

* ÐẠI YẾU 

Quan chế thời Nguyễn tựa như thời Lê nhưng bó chức Tể tướng, mọi việc đều do lục Bộ đảm nhiệm. Ngoài lục Bộ có Ðô sát viện giữ việc can gián vua và đàn hặc các quan.

A- Chính quyền trung ương

a- Văn ban:

Tứ trụ triều đình (hàng chánh nhất phẩm) : Cần chánh điện Ðại Học sĩ, Văn minh điện Ðại Học sĩ, Võ hiển điện Ðại Học sĩ, Ðông các điện Ðại Học sĩ.

Cửu phẩm chánh và tùng.

b- Võ ban :
Ðứng đầu, hàng Chánh nhất phẩm là Ngũ quân Ðô thống phủ Ðô thống Chưởng phủ sự, hàng tùng nhất phẩm là Ngũ quân Ðô thống phủ, Ðô thống ; hàng Chánh nhị phẩm có Thống chế, Ðề đốc ; tùng nhị phẩm có Ðô chỉ huy sứ, Phó Ðề đốc ; chánh tam phẩm có Nhất đẳng Thị vệ, chánh lục phẩm là Ngũ đẳng Thi vệ... cùng các Thân binh, Cấm binh...
B- Chính quyền địa phương

Thời Gia-Long chia đất nước ra các trấn thì có các Tổng trấn, Hiệp trấn coi cả hành chánh lẫn quân đội, quyền hành rất to. Minh-Mệnh bãi chức Tổng trấn, đặt Tổng đốc đứng đầu một tỉnh lớn, coi việc quân, việc dân, Tuần phủ đứng đầu một tỉnh nhỏ. Có các thuộc quan là Bố chánh sứ coi việc thuế má, đinh điền, lính tráng, Án sát coi việc hình luật, Lãnh binh chỉ huy quân đội cấp tỉnh.

* Theo luật thì quan văn không có tước (Công, Hầu...) chỉ những người có quân công mới được.

Các Hiệp tá Ðại Học sĩ, Phó Ðại học sĩ có hàm, không có chức, để đãi quan có học hạnh, văn chương (43).
 

- TRIỀU NGHI 

1806 Gia-Long chuẩn định triều ban : Văn đứng bên hữu, võ bên tả. Ngày mồng 1 và ngày rầm đặt Ðại triều ở điện Thái-hòa, các quan từ lục phẩm trở lên mặc triều phục vào lạy chầu ; các thành, dinh, trấnbái vọng ở Hành cung. Những ngày mồng 5, 10, 20, 25 đặt thường triều ở điện Cần chính, các quan từ tứ phẩm trở lên mặc thường triều vào lạy chầu.

1832 Minh-Mệnh đổi văn sang bên tả, võ bên hữu (44).

1836 Thường triều ở điện Cần-chính : Lệ trước, ngày mồng một và ngày rầm đặt Ðại triều, những ngày 5, 25, 11, 21 đặt Thường triều. Bộ Lễ làm thẻ bài đưa mời. Nay ra lệnh nếu không có việc cần thì miễn thiết triều. Hàng tháng ngày mồng một và ngày rầm bầy lỗ bộ ở sân điện Cần-chính, Hoàng tử, các tước Công, quan văn từ Thự Viên ngoại lang đến Khoa đạo, võ từ Thự Phó Vệ úy, mặc áo có bổ tử, theo ban thứ đến chiêm bái. Lễ xong các nha theo thứ tự tâu việc. Việc quan trọng thì đường quan nha ấy đem bản chính chương sớ đã niêm phong tiến vào phía tả gian giữa, quay mặt về hướng Bắc quỳ tâu. Viên đường quan Nội các tiếp lấy mở niêm phong đặt lên án ngự, mở rộng ra, khấu đầu đứng dậy, rảo bước sang bên, đến chỗ tâu việc cùng đường quan bản nha đều quỳ rồi tuyên đọc phó bản, vâng lĩnh chỉ dụ, đăng ký để tuân làm. Việc thường không cần diện tâu. Nếu vua đi tuần vào ngày mồng một hay rầm thì miễn đặt triều nghi (45).

* 1916- Ðại triều nghi (ngày 22 tháng 11 Khải Ðịnh nguyên niên, tức ngày16-12-1916) :

Ngày 21 các quan và Nội các ngủ ở cung điện, tâu xin được đóng ấn "Hoàng đế tôn thân chi bửu" chiếu vào tờ Ấn chiếu rồi cất vào ống Kim-phụng bằng đồng, vẽ hình kim phụng mầu vàng. Ðến trưa, các quan bộ Lễ chuẩn bị một án thư vàng giữa điện Thái-hòa để đặt ống Kim-phụng.

Ngày 22, sau hồi súng (ống lệnh) buổi sáng, các quan có trách nhiệm treo lá cờ vàng và cờ ngũ sắc (ngày hội) lên kỳ đài. Các võ quan bầy nghi trượng, gươm giáo, nhạc cụ ở sân điện, voi ngựa, cờ súng trường ở hai bên cầu Kim-thủy-trì. Các hoàng thân, trăm quan mặc triều phục đứng đợi ở hai bên sân điện, một đường quan trong Nội các đặt ống Kim-phụng lên án thư.

7 giờ sáng, Thượng thư bộ Lễ và võ quan, đêm trước ngủ trong điện, tâu mọi việc trong ngoài đều tốt đẹp. Vua đội mũ cửu long (9 con rồng), mặc áo đoạn vàng, tay cầm ngọc Trấn Khuê, ra khỏi điện Cần-chính, lên xe loan. Quân tùy tùng đã đặt loan giá ở giữa điện, các nghi trượng gươm giáo, quạt, nhạc cụ dàn hai bên. Một quân vệ xướng to :"Chuẩn bị ngự xa !" rồi quỳ tâu vua lên kiệu. Nhã nhạc nổi lên. Ở Ngọ-môn chiêng trống gióng hồi khi đoàn tùy tùng đưa vua đi. Ðến Ðại-cung-môn, bắn 7 phát súng đại bác. Khi tới thềm phía Nam điện Thái-hòa vua xuống kiệu, nhã nhạc ngừng, Ðại nhạc nổi lên, các chiêng trống ở Ngọ-môn đều dừng. Vua bước lên ngự tọa. Sau khi thị vệ đốt trầm hương, đại nhạc cũng ngừng. Xướng :"Bằng ban, ban tề, quỵ !". Nhạc nổi lên, các quan lạy 5 lạy. Xướng :"Hưng !" các hoàng thân và trăm quan đứng lên, lui về chỗ. Một quan bộ Lễ bước ra khỏi hàng quỳ tâu :"Tấu lễ mừng đã hoàn tất" rồi đứng lên, lui ra. Một đường quan Nội các tiến ra giữa điện, hơi về bên trái, quỳ tâu :"Tấu xin hạ lệnh" rồi đứng lên, hướng về phía Bắc xướng :"Lệnh đã xin, các quan có trách nhiệm phân phát ấn chiếu ra kinh thành và các tỉnh" rồi lui ra đứng về phía Ðông, gần tường.

Hoàng đế về cung, đến Ðại-cung-môn bắn ba phát súng. Một đường quan bộ Lại một thuộc bộ Tài chính tiến ra, cầm ống Kim-phụng đặt lên án thư vàng cùng tuỳ tùng nghi trượng, cờ lọng đưa đến Phu-văn-lâu yết ba ngày rồi gỡ ra đem về Nội các. Các quan bộ Lại, bộ Công có trách nhiệm truyền ấn chiếu đến các quan hàng tỉnh (46).
 

* THỜI PHÁP THUỘC

A- Ðại lược bộ máy hành chánh của chính phủ Bảo hộ :

1858 Pháp tấn công Ðà-nẵng, khởi đầu cuộc xâm lược.

15/3/1879 Hòa ước Giáp Tuất nhường cho Pháp 6 tỉnh Nam kỳ và Hà-nội, đặt Trú sứ ở Huế.

6/6/1884 Hòa ước Giáp Thân (Patenôtre) Ðặt nên Bảo hộ ở Bắc kỳ và Trung kỳ.

1887 Ðặt phủ Toàn quyền điều khiển chính trị cả ba xứ và Cao-Mên. 15-11-1887 Constant, Toàn quyền đầu tiên, sang nhậm chức ở Saigon.

Từ đó Nam có Thống đốc ; Trung và Cao-Mên có Khâm sứ, Bắc và Lào có Thống sứ đứng đầu nhưng những việc quan trọng phải theo lệnh của Toàn quyền.

- Nam kỳ là thuộc địa, bộ máy hành chánh như của Pháp. Ðứng đầu là Thống đốc (người Pháp), giúp việc có Soái phủ, Hội đồng Tư mật, Hội đồng Học chính...

Saigon đứng đầu là Ðổng lý (người Pháp), giúp việc có Hội đồng thành phố... Các tỉnh có Tỉnh trưởng (người Pháp) và Hội đồng hàng tỉnh, Ðốc phủ sứ, dưới là Tri phủ, Tri huyện, Chánh tổng, Xã trưởng và Hội đồng kỳ mục.

- Trung kỳ : Huế thì ngoài chính phủ Nam triều còn có tòa Khâm sứ, đứng đầu là Khâm sứ (người Pháp), giúp việc có Hội đồng Bảo hộ, Viện dân biểu...

Các tỉnh có Công sứ (Pháp) đứng đầu.

Ðà nẵng (Tourane) là nhượng địa thì có Ðốc lý (người Pháp) cai trị.

- Bắc kỳ : Ðứng đầu là Thống sứ (người Pháp). Kinh lược sứ (người Việt) thay mặt triều đình làm việc với Pháp (trên thực tế là nhận chỉ thị và thừa hành công việc mà Thống sứ giao cho).

Ở tỉnh có Công sứ (người Pháp) đứng đầu, dưới quyền là Tổng đốc, Tuần phủ, Tri phủ, Tri huyện, Chánh tổng, lý trưởng, giúp việc có Hội đồng kỳ mục...

Hà-nội, Hải-phòngnhượng địa thì do Ðốc lý đứng đầu.

B- Cải cách giáo dục :

Bỏ dần Hán học, thay Hán tự bằng quốc ngữ :

- Nam kỳ :

Từ 1879, chương trình học và thi ngoài chữ Hán gồm cả chữ quốc ngữ và chữ Pháp, do chính quyền Pháp tổ chức.

- Bắc kỳ và Trung kỳ :

* 1905 Cải cách giáo dục, chia ra ba trình độ :

a- Ấu học : học chữ Hán và quốc ngữ, ở các làng xã, thi đỗ Tuyển sinh.

b- Tiểu học học chữ Hán và quốc ngữ do các giáo, Huấn dậy, chữ Pháp tình nguyện chứ không bắt buộc, thi đỗ Khoá sinh.

c- Trung học dậy Khóa sinh ở các tỉnh lỵ, do Ðốc học điều khiển và dậy chữ Hán, các giáo viên trường Pháp Việt dậy quốc ngữ và chữ Pháp (bắt buộc).Thi đỗ Thí sinh, được dự thi Hương.

- Ở Huế có Quốc tử giám lại có trường Quốc học dậy tiếng Pháp, và Trường Hậu bổ (Ecole des Mandarins) đào tạo các Ấm sinh, Cử nhân, Tú tài về hành chính, học chính để ra làm quan. Sau khi tốt nghiệp, tập sự tại các cơ quan hành chính tỉnh, vài tháng sau nếu chạy chọt tốt thì được trọng nhậm tại các huyện. Tập sự gọi là "ông Hậu, quan Hậu", tới huyện thành "quan huyện".

- Ở Hà-nội có Trường Bảo hộ, tựa như trương Quốc học, và Trường Sĩ hoạn, tức như trường Hậu bổ.

Các tỉnh thì có Trường Tiểu học Pháp Việt, không dậy chữ Hán. Thi bằng Cơ thủy, cũng gọi là "Ri-me" (Primaire), đỗ thì được vào trường Quốc học hay trường Bảo hộ.

1909 Thi Hương, thi Hội bắt buộc một phần viết chứ Hán, một phần chữ quốc ngữ, thi chữ Pháp thì tình nguyện chứ không bắt buộc.

1912 Thi Hương, thi Hội chữ Pháp thành bắt buộc.

* 21/12/1917 Nghị định phủ Toàn quyền bãi bỏ nghị định cải cách 1905. Học quy mới gồm ba bậc :

a- Tiểu học có 3 cấp : Sơ học (bằng Sơ học yếu lược) ; Tiểu học (bằng Cơ thủy tức Sơ học Pháp Việt) ; Cao đảng tiểu học cho những người đỗ "Ri-me" học lấy bằng Thành chung, cũng gọi là bằng Cao đẳng tiểu học (Diplôme). Trường Quốc học cũng chuẩn bị để thi lấy bằng Thành chung. b- Trung học dậy những người có bằng Thành chung (thi bằng Tú tài bản xứ).

c- Ðại học từ 1919 : Y khoa, Dược khoa, Luật khoa, trường Nông lâm, Công nghệ thực hành (Bách khoa), trường Cao đẳng Mỹ thuật... (47).

* 1919 Bãi khoa cử.

C- Quan chế mới - 26-12-1918 Hai đạo dụ định ngạch quan lại và quan hàm ở Bắc kỳ.

a - Dụ 498, điều 3 :

- Bổ dùng, thăng hay chuyển quan tỉnh, phủ, huyện hoặc nha lại do Thống sứ, bổ đường quan phải có Toàn quyền duyệt y.

- Thăng trật thì quan tỉnh ba năm, phủ, huyện hai năm tại chức.

Quan tỉnh có sáu hạng : Tổng đốc, Tuần phủ, Án sát, Bố chính hạng nhất, nhì. Chức vụ thứ nhất của quan tỉnh là giúp Công sứ đầu tỉnh trong việc cai trị.

Các quan phủ, huyện hay châu có năm hạng : Tri phủ hạng nhất hay nhì, Tri huyện hạng nhất, nhì hay ba, trực thuộc quyền Công sứ, bổ dùng do Thống sứ.

Chức Tri huyện bổ những người thi trúng, tốt nghiệp Cao đẳng Pháp chánh Ðông dương hay Cử nhân luật một trường đại học Pháp. Phải qua ít ra ba năm làm Tham biện trong một sở hành chánh ở Ðông-dương. Phải có giấy hạnh kiểm tốt.

Chức Tri phủ bổ những Tri huyện hạng nhất đã hai năm tại chức.

Nha lại có bẩy hạng : hai hạng trên là Thông phán hạng nhất hay nhì, năm hạng dưới gọi là Thừa phái. Thừa phái hạng 5 tuyển bằng thi : thi Hương phải qua nhất, nhị trường hay có bằng Tiểu học Pháp-Việt, đã qua ba năm trong một trường Trung học.

b- Dụ 492 :

- Lương bổngcác quan lại ở Bắc sẽ tăng hơn trước nhiều, chủ ý là để trừ các tệ tham nhũng. Hiện một quan tứ phẩm lương mỗi tháng 40 đồng bạc thì khó lòng nuôi vợ con, đủ dùng sao được ? (48)

Những Hậu bổ ngạch cũ lương bổng cũng sáp nhập vào hàng Thừa phái hạng nhất (49).

c- Bãi các Giáo, Huấn : 1919 Theo quy thức của Toàn quyền A. Sarraut, bộ Học tư cho các tỉnh Trung kỳ bãi hết các viên Giáo, Huấn cũ chỉ biết chữ nho hay quốc ngữ, không đủ tư cách làm thầy giáo nữa. Mỗi người sẽ được thăng hai trật và sáu tháng lương. Ai tình nguyện đủ sức dậy học trò đỗ Tiểu học được thì cho ở lại, nếu sau xét ra không được thì bị triệt về, sẽ mất hết quyền lợi (tức là không được thăng trật và cấp bổng như trên) (50).

d- Quyền hạn các Thượng thư - Dụ ban hành tháng 4- 1937 :"Các Thượng thư có quyền nghiên cứu hết thẩy những vấn đề trong quyền hạn của mình nhưng cần phải hợp tác với viên có vấn người Pháp trong Bộ. Có quyền ban những phẩm hàm văn võ cho đến ngũ phẩm, còn những phẩm hàm cao hơn thì cũng có quyền sau khi thỏa hiệp với Viện Cơ Mật và ông Khâm sứ, đệ lên Ðức Kim Thưông một bản tâu xin cho những người xứng đáng. Lần này từ tùng ngũ phẩm trở xuống không cần phải hợp tác với ai, cứ việc tự do phân phát" (51).

e- Xin quan hàm : Nghị định 30/10/44 : Từ nay xin quan hàm phải có bằng cấp :

Cao đẳng cấp hàm đương

Trung học, Cao đẳng Tiểu học, chuyên nghiệp : hàm Hàn lâm

Sơ học, tốt nghiệp trường kỹ nghệ : hàm Văn giai.

Các làng từ nay chỉ những người có bằng cấp ít nhất ngang với Cao đẳng Tiểu học mới được chân chức sắc. Những người có hàm khác sẽ được liệt vào hàng "miễn sai" (52).
 
 

III - CHÚ THÍCH

1- Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) - SKTT, I I, 117.

2- Phong kiến : chia cắt đất phong cho chư hầu lập nước. Thịnh hành thời Chu.

3- Ðường, Ngu : vua Nghiêu nhà Ðào Ðường (2357-2257) và vua Thuấn nhà Hữu Ngu (2256-2208).

4- Thượng thư, tr 29.

5- KVTL, 122 - Thượng thư 25, 29, 173.

6- Hạ, Thương : Nhà Hạ (vua Hạ Vũ) (2205-1767) và Nhà Thương 1766-1401) sau gọi là nhà Ân (1401-1123).

7- Việt-Nam Sử Lược, I, 33 - TQSC, 36, 45, 81.

8- TQSC, 36 - Thượng thư, 173-4 - 100 tác phẩm 164-7 - KVTL, 118 - Việt-Nam Sử Lược, I, 33 - QCC, 5.

9- Nguyễn Hiến Lê, Sử Trung quốc, 82.

10- TQSC, 139.

11- TQSC, 139-40.

12- TQSC, 140-1.

13- TQSC, 263.

14- Tô Ðông Pha, 226.

15- VÐLN, 227.

16- TQSC, 264.

17- TQSC, 444-6.

18- KVTL, 64-5.

19- Nguyễn Hiến Lê, Tư Mã Thiên, 591-2.

20- Phương Lan, Anh thư nước Việt, 18-9 - Văn Hạc, "Lai lịch và ý nghĩa Hội Vật làng Mai-động...", TBCN, số 100, 1-3-1942 - Nguyễn Khắc Xương, Văn hóa dân gian vùng đất tổ, 111-2.

21- SKTT, I, 155-8, 170, 331 - Ngô Thì Sỹ, 88 - QCC, 6.

22- Thời nhà Chu : 1 quân = 12 500 ; nhà Ðinh ( 974) : 1 quân gồm 10 lữ, 1 lữ = 10 tốt, 1 tốt = 10 ngũ, 1 ngũ = 10 người ; nhà Lý : 1 quân là 200 người. Ba quân : 1 quân gồm tráng nam, 1 quân gồm tráng nữ, 1 quân gồm những người già yếu. SKTT, I, 156 - Luận Ngữ, 103 - Hàn Phi, 74.

23- SKTT, I, 338-9.

24- SKTT, I, 335- 353.

25- Ngô Thì Sỹ, 115-6.

26- SKTT, I, 293.

27- An Nam Chí Lược, 118-20 - Ngô Thì Sỹ, 184.

28- QCC, 8. _

29- SKTT, I I, 19, 256-7 (theo Ðặng Xuân Bảng, Sử học bị khảo).

30- CM, X, 85 - QCC, 13 lầm là 1475, đúng ra là 1465.

31- KVTL, 121 - CM, XIX, 14.

32- QCC, 12, chép đủ 9 phẩm Văn giai, về Võ giai chỉ chép hết Tùng thất phẩm.

CM, XI, tr. 74 chép Võ giai có 6 bậc ; tr. 80-1 chép lẫn lộn Văn giai và võ giai, nhưng Võ giai chỉ có đến Thất phẩm, từ Bát phẩm trở xuống toàn Văn giai.

33- SKTT, I I I, 247.

34- Tục Biên, 29.

35- QCC, 15.

36- CM, XIX, 31.

37- CM, XVI I, 20.

38- CM, XIX, 33.

39- KVTL, 64-5.

40- QCC, 65 - Phan Trần Chúc, Triều Tây Sơn, 32.

41- TL, I I I, 180-5.

42- TL, VI I I, 292-301.

43- Thân Trọng Huề, Nam Phong, số 50, 8-1921.

44- TL, XX, 130.

45- TL, XVI I I, 131-2.

46- BAVH, No 1, 1917.

47- Học Chế Quan chế, 31-6 - Bùi Nhung, Thối nát, không đề nhà xuất bản, không đề năm.

48- TL, X, 330 - 1831 Ðịnh lệ dưỡng liêm cho các phủ huyện : Bộ Hộ bàn ngoài số lương tháng lại cho tiền dưỡng liêm để khuyến khích tiết tháo trong sạch. Từ nay các viên Phủ, Huyện mới được thăng bổ nhận việc vào tháng mạnh thì cấp tiền dưỡng liêm cả quý ấy, vào tháng trọng thì cấp một nửa, vào tháng quý thì không cấp. Viên nào thăng điệu hay đến kinh hậu bổ thì phải trả lại.

49- Nam Phong, số 19, 1/1919, tr. 1-16.

50- Nam Phong, số 21, tr. 242.

51- Thế Kỷ 21, số 199, Nov.-Dec. 2005, trích Hoàng Ðạo, "Người và việc", Ngày Nay, số 69, 25-7-1937.

52- Mai Hương, "Văn bằng và chức sắc", Tri Tân, số 168, 30/11/1944.
 
 

IV-NGỮ VỰNG

(Danh hiệu, chức vụ các quan mỗi triều đại một khác, có khi cùng một danh hiệu mà chức vụ khác nhau, có khi chức vụ giống nhau nhưng danh hiệu lại khác. Ở đây tôi chỉ chú trọng tới văn quan)
 

Á tướng / Á khanh : (Lý, Trần) đứng dưới Chánh khanh (Tể tướng), tức là Tham tri chính sự. Thời Nguyễn gọi là Cai bạ.

An phủ sứ : (Trần) cai trị địa phương cấp phủ, tương đương với Tri phú sau này.

Án sát sứ: (Minh) coi việc hành chính, kiện tụng, tư pháp, phong hóa, kỷ cương ở các tỉnh, dưới quyền Tổng đốc, Tuần phủ. Thời Nguyễn, quan tỉnh đứng sau Tổng đốc và Bố chính, hàng Tam, Tứ phẩm.

Ấn quyển: đóng dấu vào quyển thi và niêm phong quyển tại các trường thi.

Ba Ðường(Nguyễn) : Quảng thiện đường, Quảng học đường, Minh luân đường, ba trường chuyên dậy các Hoàng tử, Hoàng tôn nhỏ trong Nội cung, do một Trưởng sử trông coi.

hộ: (Nguyên, Minh) cũng gọi là Bách hộ, quan võ cầm 100 binh ; (Nguyễn) Phẩm hàm cấp cho những người mua quan tước.

Bách quỹ : (Ðường, Ngu) đứng đầu trăm quan, như Tể tướng.

Bạn độc: một chức giảng quan trong Viện Tập Hiền, có vua dự nghe.

Bí thư sảnh: (Trần) giữ kinh tích đồ thư, soạn thư văn của vua, quốc sử thực lục, thiên văn, nhật lịch. Thời Lê gọi là Bí thư các.

Biên tu: sửa chữa, ghi lại văn bản ở viện Hàn lâm, ở Quốc sử quán, soạn sử. Dùng Tiến sĩ, quan hàng Chánh thất phẩm đến tứ phẩm thời Minh-Mệnh.

Biền binh : một hạng lính không thường trực ở các tỉnh và Kinh thành, chia ba ban thay nhau trực trong quân đội.

Biện lý: làm việc ở 6 Bộ, đứng sau Thị lang. Thời Nguyễn gọi là Tá lý (không nên nhầm với Biện lý, công tố uý viên ở các tòa án Pháp).

Bình chương quân quốc trọng sự : như Tể tướng. Nhà Lý gọi là Kiểm hiệu Bình chương sự (Bình chương nghĩa là xếp đặt cho tốt đẹp), nhà Lê lúc đầu gọi là Hành khiển.

Bộ : (Minh) bỏ Trung thư tỉnh, chia việc cho 6 Bộ. Nhà Lý tuy đã có Thượng thư song chưa có các Bộ, nhà Trần lúc đầu chỉ có 4 Bộ (Lại, Hình, Binh, Hộ), thời Nghi Dân mới đặt đủ 6 Bộ. 1465 đổi lục Bộ ra lục Viện, 1476 đổi 6 Viện ra 6 Tự.

Bộ chỉ đề xuất với vua những quyết định cần thiết và nhân danh vua thi hành luật lệ, tâu trình kết quả. 6 Bộ làm việc chưa đúng thì Nội các hạch.

1833 Bộ Lại bổ dụng quan văn, khảo sát tài năng, phong tước, gia cấp ký lục ; bộ Hộ coi phép lưu thông tiền tệ, vật giá đắt rẻ, kho tàng trong cung và kinh thành; bộ Lễ coi nghi lễ triều hội, khánh hạ, tế tự, quy tắc về trường học và thi cử ; bộ Binh thuyên bổ võ quan, tuyển mộ lính (hầu hết do quan văn điều hành, quan võ ít nghiên cứu binh pháp, chiến lược) ; bộ Hình ra chính lệnh về pháp luật, xét lại những án nặng, tội còn ngờ ; bộ Công sửa sang việc thổ mộc, đắp thành, đóng thuyền bè.

Ðứng đầu mỗi Bộ có 1 Thượng thư (như Bộ trưởng), tả hữu Tham tri (như Thứ trưởng), tả hữu Thị lang (Chánh văn phòng), thuộc quan có Lang trung, Viên ngoại, Chủ sự, Tư vụ (giải quyết những việc vặt), Thư lại. 1856 mỗi Bộ có từ 25 đến 50 nha dịch.

Thời Lê, bổng lộc Thượng thư bộ Công kém một bậc, từ bộ Lại chuyển sang bộ Công gọi là giáng chức (CM, XIX, 31).

Bộ Binhtrước là Nam khoa, từ 1465 gọi là Binh khoa.

Bồ chính (Hồng bàng) quan Hữu tư coi việc, quan nhỏ.

Bố chính (Nguyễn) coi việc dân chính ở các tỉnh, dưới quyền Tổng đốc, Tuần phủ. 1831 coi thuế má, đinh điền, lính tráng, tuyên đặt mệnh lệnh triều đình cho mọi người biết.

Bộc xạ: là chức Á tướng. Từ nhà Trần dùng Hành khiển, Thượng thư vào chức ấy. Ðời Lê Hồng-đức bãi chức ấy.

Bồi tụng : (1601 / 1606) giữ chức vụ của Tham tri chính sự ở phủ chúa Trịnh, dưới quyền Tham tụng. 1787 Chiêu Thống bãi, đổi lại là Tham tri.

Cai bạ : (Gia-Long) chức quan thứ nhì ở trấn, coi quân lương, thuế khóa, điền thổ, hộ tịch. Minh-Mệnh đổi ra Bố chánh sứ.

Cẩm y vệ đi tuần cảnh, cấm binh (Nguyễn).

Cần-chánh điện Ðại Học sĩ : một trong "Tứ trụ triều đình" (tổ chức Tư vấn của vua) cùng với Văn minh, Võ hiển, Ðông các Ðại Học sĩ. Không phải chức mà là tước hàm, phong cho những đại thần công lao lão thành. Thời Minh-Mệnh hàng Chánh nhất phẩm.

Cáo thụsắc phong kèm theo bài chế hay cáo, có trục để cuốn tờ sắc. Chỉ từ ngũ phẩm đến nhất phẩm mới có cáo thụ.

Cáp môn sứ : (từ nhà Lý) coi việc lễ nghi.

Câu kê: Thời các Chúa Nguyễn Ðàng Trong là chức Tá nhị ở Tam Ty (Xá sai, Tướng thần lại, Lệnh sứ), mỗi Ty có 3 Câu kê, chức như Thị lang các Bộ.

Châu mục: (Ðường, Ngu) kẻ chăn dân, chúa một châu, đứng đầu các chư hầu nhỏ.

Chi hậu quan : hầu bên vua, giữ việc truyền lệnh, đưa người ra vào.

Chiêu văn quán: (Lê Thánh Tông) sao chép, hiệu đính tứ khố đồ thư Hàn lâm viện.

Chủ sự : Thời Nguyễn phụ trách một phần việc chuyên ngành ở các Bộ, Viện, Nha, hàng ngũ, lục phẩm

Chưởng: (1721, theo luật Hồng-đức) chức cao coi việc thấp.

Chưởng ấn : giữ ấn của vua ở Môn hạ sảnh. Thời Nguyễn, đứng đầu một cơ quan, được giữ ấn triện quyết định mọi việc.

Chuyển vận sứ : (Trần) như Tri huyện. Thời Nguyễn chỉ huy đoàn vận tải lớn chuyển hàng hóa cho nhà nước trong những trường hợp cấp bách, hàng Chánh nhị phẩm.

Cơ mật viện, còn gọi là Khu mật viện, Xu mật viện : (Lý, Trần) bàn bạc các việc cơ mật. Ðời Lê đổi ra Nội mật viện, Minh-Mệnh đổi lại là Cơ mật viện, trụ sở ở Tả Vu điện Cần-chính. Tính chất Tư vấn, coi bí mật quân sự, quốc sự, quan tam phẩm trở lên.

(Nguyễn) Những việc 6 Bộ làm chưa đúng thì Nội các hạch, Nội các chưa hợp lệ thì Cơ mật viện hạch để đình thần có thì giờ làm chức vụ không phải mỗi ngày túc trực và tránh việc Nội các một mình nắm hết quyền chính.

Công (bộ) : trước là Bắc khoa, 1465 đổi ra Công khoa, giữ việc thổ mộc, đóng thuyền bè, đắp thành cờ cho quan về hưu, thi Ðình làm hòm gỗ, bảng vàng, mũ áo, cành hoa cho Tiến sĩ...

Di phong : ghi ký hiệu lên quyển thi, rọc phách, niêm phong hòm đựng quyển tại các trường thi.

Doanh : tức "dinh". Có Tiền phong, Hổ oai, Thần cơ, Hùng nhuệ doanh... mỗi doanh có 5 vệ, mỗi vệ có 10 đội.

Ðãi chế: (Lê) trong viện Hàn lâm, cho ý kiến về văn từ trong bài chế của vua.

Ðãi chiếu : trong viện Hàn lâm, hiệu đính văn sử, cho ý kiến về văn từ, chiếu chỉ của vua. Thời Minh-Mệnh hàng Tùng cửu phẩm.

Ðại Hành khiển : trước là hoạn quan, từ 1267 (Trần) mới dùng quan văn. Ðời Lê thì đứng đầu văn ban, như Tể tướng : sau đổi là tả hữu Tướng quốc Bình chương quân quốc trọng sự.

Ðại Học sĩ : một chức quan hàng nhất, nhị phẩm, là cố vấn của vua trong những việc trọng đại. Thời Minh-Mệnh, bốn chức Văn minh, Võ hiển, Ðông các, Cần chính điện Ðại Học sĩ hàng Chánh nhất phẩm. Hiệp biện Ðại Học sĩ hàng Tùng nhất phẩm. Từ 1833 không được làm việc ở Nội các.

Ðại lý tự: (1831) xét lại các án nặng, những nghi án, gửi kết quả cho bộ Hình để tâu vua, xin quyết định. Nằm trong Tam Pháp Ty (Ðại lý tự, Ðô sát viện, Bộ Hình) do Ðại lý tự khanh điều khiển, hàng Chánh tam phẩm thời Minh-Mệnh.

Ðại phu: (Trung Quốc) chức quan to, thần thuộc của chư hầu.

Ðăng văn: trống dùng để đánh khi cần kíp khiếu oan. Ðời Trần, Ðăng văn viện coi luật pháp, 1341 đổi ra Ðình úy viện.

Ðằng lục : sao chép lại quyển thi của thí sinh.

Ðề điệu: Chủ khảo trường thi thời Lê, thường là quan văn, sang thời Nguyễn là quan võ, phụ trách việc kiểm soát trường thi.

Ðề lĩnh : tuần hành xem xét các địa phận trong thành, xét hỏi những vụ kiện do Ngự sử đài khám đoán cuối năm trình bầy về chính sự hiện thời.

Ðiền bảng : viết bảng.

Ðiển bạ : (Hàn lâm viện) chuyên giữ sổ sách, coi phát nhận văn thư. Thời Nguyễn, sưu tầm tài liệu, giúp biên soạn sách, hàng bát, cửu phẩm.

Ðiển tịch: làm ở các Bộ, Viện, sưu tầm, khảo sát thư tịch, giúp biên soạn lịch sử, giảng tập. Hàng cửu phẩm.

Ðiện tiền Ðô chỉ huy sứ : (Lý) coi các ban trực ở trước điện.

Ðình úy viện: (Trần) tra xét hình án tình nghi tội nặng, vốn là Ðăng văn viện. Ðời Lê thuộc Cẩm y vệ, sau đặt riêng làm một Ty, không thuộc Cẩm y vệ nữa. Ðời Trung-hưng bỏ Ty ấy, những án ngờ thuộc Ngự sử đài.

Ðô cấp sự trung : (Lê) đứng đầu mỗi Khoa (như Bộ).

Ðô Chỉ huy sứ: Thời Nguyễn là tướng chỉ huy vệ Cẩm y, hàng Chánh nhị phẩm.

Ðô hộ phủ Sĩ sư : (Ðường) coi phiên quốc, sau cải là Tiết độ sứ. (Lý) xét án còn ngờ.

Ðô Ngự sử : can gián vua, đàn hặc các quan, đứng đầu Ngự sử đài, nhà Nguyễn đổi ra Ðô sát viện.

Ðô sát viện : giữ việc đàn hặc, giám sát các quan, can gián vua. Có các chức Ngự sử, tả hữu Ðô Ngự sử... Quan ở kinh hoặc phái đi điều tra các nơi. Thời Nguyễn nằm trong Tam Pháp Ty, cơ quan quan trọng về pháp luật, chỉnh đốn pháp luật để nghiêm phong hóa. Quan hàng Chánh nhị phẩm thời Minh-Mệnh.

Ðô thống Thượng tướng quân : (Lý) quan ngoài, coi việc binh.

Ðô thống ngũ quân (tiền, hậu, tả, hữu, trung) : (Nguyễn) quan võ, bảo vệ vua, hoàng tộc và kinh thành. Chỉ huy 5 binh chủng : Bộ binh, Thủy binh, Pháo binh, Tượng binh, Kỵ binh. Dưới có Thống chế, Ðề đốc, coi các doanh (dinh), mỗi doanh có 5 vệ, mỗi vệ có 10 đội.

Ðô tri : đứng đầu Nội thị sảnh.

Ðốc đồng: (đầu đời Trung-hưng) quan ở trấn, khám xét việc kiện tụng ở trấn đó, hàng tứ, ngũ phẩm trở xuống.

Ðốc học : đứng đầu Học quan một tỉnh. Dùng Tiến sĩ, quan hàng Chánh tứ phẩm. Thời Minh-Mệnh quan hàng Chánh Ngũ phẩm.

Ðốc phủ sứ : (Nguyễn) chức quan ở Nam kỳ, tương tự như Tổng đốc, Tuần phủ.

Ðốc thị : (Trung-hưng) riêng có ở Nghệ-an, dự coi việc biên cương. Quan tam, tứ phẩm.

Ðốc trấn: giữ yên địa phương.

Ðối độc có 2 người, một người đọc, một người soát lại, đối chiếu quyển Ðằng lục sao chép cho đúng với quyển văn của thí sinh trước khi đưa cho khảo quan chấm.

Ðông các Ðại Học sĩ : Thời Lê Thánh Tông, sửa chữa chế, biểu, văn thơ, tiến cử quan lại ở triều đình. Ðứng đầu là Ðông các Ðại Học sĩ, rồi tới Ðông các Học sĩ, Học sĩ, Hiệu thư. Thời Nguyễn, Ðông các Ðại Học sĩ là một trong Tứ trụ triều đình, cố vấn của vua, lo những việc trọng đại, hàng Chánh nhất phẩm

Ðồng bình chương sự (Ðường) như Tể tướng.

Ðồng khảo: Sơ khảo, những khảo quan thi Hương, thi Hội chấm trước nhất.

Ðồng Tri phủ: đứng dưới Tri phủ, hàng Chánh lục phẩm.

Ðường quan : từ tùng 3 phẩm trở lên. Thời Nguyễn là Trưởng quan các cơ quan ở Kinh và ở ngoài, quan từ hàm Hồng lô tự thiếu khanh hàng ngũ phẩm trở lên, dưới là thuộc quan.

Giám thí : Phó chủ khảo các trường thi Hương, thi Hội thời Lê.

Giám sát Ngự sử: làm nhiệm vụ của viên Ðô sát ở tỉnh, hàng Chánh ngũ phẩm thời Minh-Mệnh.

Giáo thụ: Học quan ở một phủ coi việc học chính, dùng Cử nhân, quan hàng lục, thất phẩm. Thời Minh-Mệnh, quan hàng ngũ, thất phẩm.

Hàm (Hư hàm) Phẩm danh dự, không có chức việc, không lương.

Hàn lâm viện (Lý) soạn thảo chế cáo, chiếu chỉ, đạo dụ thay vua, luật, sử, văn kiện với ngoại quốc, thảo luận kinh điển, đứng đầu là Hàn lâm viện Học sĩ. Ðời Trần đặt Hàn lâm viện Phụng chỉ thì dùng Thái sư, Mật viện chức trọng, giỏi văn học. Ðời Lê sơ có Hàn lâm viện Ðại Học sĩ, Thị độc Học sĩ, Thị giảng Học sĩ, Ðãi chế, Hiệu lý, Kiểm thảo... Từ Thánh Tông còn chỉ đạo 3 quán Sùng văn, Chiêu văn, Tú lâm cục, đứng đầu là Hàn lâm viện Thừa chỉ... Ðời Nguyễn có các chức Chưởng viện Học sĩ, Trực Học sĩ, Hàn lâm viện Thị độc, Hàn lâm viện Thị giảng,Hàn lâm viện Thừa chỉ, Trước tác, Tu soạn, Biên tu, Kiểm thảo ; Ðiển tịch, Ðiển bạ, Cung phụng, Ðãi chiếu... Quan hàng Chánh tứ, ngũ phẩm trở xuống.

Hành (1721, theo Hồng-đức) là phẩm cao làm việc của chức quan phẩm thấp.

Hành khiển: (Lý) dùng hoạn quan, tức trung quan, gia thêm danh hiệu "Nhập nội Hành khiển đồng Trung thư môn hạ Bình chương sự", chức đứng sau Tể tướng. Nhà Trần có Hành khiển ty ở Thánh từ cung (của Thượng hoàng) và Hành khiển ty ở Quan triều cung (của vua) đều gọi Mật viện, sau đổi ra Môn hạ sảnh. Từ 1267 mới dùng người có văn học. Nhà Lê đặt Ðại Hành khiển và Hành khiển 5 đạo, đứng đầu văn ban, như Tể tướng. Thánh Tông bỏ chức ấy.

Hành khiển 5 đạo : (Lê) giữ việc quân dân 5 đạo ở ngoài, trên các quan phủ, huyện ở các lộ. 1465 bãi.

Hành tẩu : thư ký ở các Bộ, Viện. Thời Nguyễn, thực tập công việc trong bộ máy hành chánh, hàng lục phẩm.

Hậu bổ : trường hành chính, đào tạo nhân viên bước vào chức vụ chính thức.

Hình (bộ) : trước là Tây khoa, 1465 đổi ra Hình khoa, 1833 ra chính lệnh về pháp luật, xét lại những án nặng, tội còn ngờ.

Hiến sát sứ: coi việc án trong một tỉnh.

Hiến ty : (Trần) là An phủ Phó sứ. 1473 định rõ chức vụ của Hiến ty là dò xét, đàn hặc các nha môn, kiểm xét các quan trong hạt, khảo khóa, tuần hành.

Hiệp trấn: Thời Gia-Long, coi việc quân dân các tỉnh, đứng dưới Tổng trấn. Thời Minh-Mệnh, hàng Chánh tam phẩm.

Hiệu quan : khảo hạch các sinh đồ, rèn tập học sinh.

Học chính: chức quan dậy và quản lý ở Quốc tử giám, thường chuyên dậy các Tôn sinh. Thời Minh-Mệnh, hàng Tùng lục phẩm.

Học sĩ: Nhà Lý đã đặt Học sĩ các điện, nhà Trần đặt thêm Kinh diên Ðại Học sĩ, Nhập thị Học sĩ. Thời Lê Thái Tổ, Học sĩ thuộc Hàn lâm viện, Thánh Tông lại đặt lại Học sĩ các điện, quan hàng Chánh tứ phẩm.

Hộ (bộ) : trước là Hải khoa, 1465 đổi ra Hộ khoa, 1833 giữ việc lưu thông tiền tệ, giá vật đắt rẻ, kho tàng trong cung và kinh thành, thuế má, thưởng bạc tiền cho các quanđi Bắc sứ về, phát cờ thêu, câu đối cho các quan về hưu, thi Hương, thi Hội thì cắt đặt cai lại viết bảng, đằng tả, đối độc, giữ cửa...

Hộ lý / Thự lý : phẩm cấp thấp, làm việc một ngạch cao hơn.

Hỏa đầu: (Lý, Trần) như đội trưởng, cấm quân.

Hồng lô tự khanh : quan đứng đầu Hồng lô tự, coi nghi tiết triều hội, khánh hạ, sắp xếp trật tự ban thứ, ngôi vị, lễ nghi tiếp đón sứ giả nước ngoài, lễ xướng danh thi Ðình... Thời Minh-Mệnh hàng Chánh tứ phẩm.

Huân công: có công lớn, được phong hàm Huân tước (Công, Hầu, Bá...).

Huân quanquan có hàm, không có chức.

Huấn đạo : Học quan của một huyện, quan hàng thất, bát phẩm.

Hữu nhai Tăng thống : (Lý) quan đứng đầu Tăng quan.

Khâm sứ(Résident supérieur, người Pháp) : ở Huế, trước là Tổng Trú sứ (Résident général), từ 1886 đổi ra Khâm sứ, coi việc cai trị Trung kỳ.

Khanh (lục khanh) : (đời Chu) giúp vua xử lý chính vụ, đứng hai bên tả hữu vua.

Khoa : có từ Lê Nghi Dân, thanh tra 6 Bộ. 1465 đổi Trung thư khoa thành Lại khoa ; Hải khoa thành Hộ khoa ; Ðông khoa thành Lễ khoa ; Nam khoa thành Binh khoa ; Tây khoa thành Hình khoa ; Bắc khoa thành Công khoa. Ðứng đầu mỗi khoa là Ðô cấp sự trung.

Khởi cư trú: Thời Nguyễn, phục vụ trong buổi giảng tập ở Kinh diên. Nhiệm vụ tạm thời kiểm điểm, giữ sổ sách. Thường lấy quan Hàn lâm viện Trước tác, Tu soạn, hàng Tùng lục phẩm.

Khu mật sứ : (Lý) quan võ đứng đầu viện Khu mật, trong triều coi việc cơ mật, nắm quyền binh. Ðối lập quan văn Trung thư sảnh. Nhà Lê đổi ra Nội mật viện (gồm một số quan thân cận vua), nhà Nguyễn gọi là Cơ mật viện (xem Cơ mật viện, Xu mật viện).

Kiêm : (1721, theo Hồng-đức) giữ chức này nhận thêm chức khác.

Kiểm thảo: quan Hàn lâm viện, thời Minh-Mệnh, kiểm soát văn tự, giúp biên duyệt sách.

Kim ngô : (Lý) cấm quân, túc trực ở Ðại nội, bảo vệ cung cấm.

Kinh diên : Khóa giảng sách cho vua ở điện Kinh diên gọi là Tập Hiền, dài 9 tháng, mỗi tháng định kỳ 6 ngày. Giảng quan có Thi độc, Thị giảng giúp việc, lại co nhiệm vụ tra xét những việc tố cáo của các xã dân tùy thuộc nội điện, hàng Chánh nhị phẩm, thời Nguyễn.

Kinh lược sứ : có nhiệm vụ đi xét qua việc trị an trong hạt. Thời Nguyễn, đặt ở Bắc thành và Gia định thành, thay mặt triều đình liên lạc với các quan cai trị người Pháp (thực sự là để nhận chỉ thị và thừa hành những việc người Pháp giao cho). Toàn quyền Paul Doumer bãi bỏ chức này.

Kinh sư lưu thủ : ((Lý) Thân vương đại thần giữ kinh sư khi vua ra ngoài.

Ký chú tào: Thời Nguyễn là một trong 4 tào của Nội các, có nhiệm vụ ghi chép những lời tâu vua, những sắc chỉ vua phán truyền khi thiết triều cũng như khi ngự giá.

Ký lục : Lê Thánh Tông đặt ra chức này để thi các tướng siêng năng hay lười biếng, dũng cảm hay nhút nhát (tâu lên) khi ra quân. Thời các chúa Nguyễn Ðàng Trong là quan đứng đầu Xá sai ty, sau đổi làm đứng đầu bộ Lại. Thời Gia-Long, là quan ở công đường các quân doanh, giúp việc Ðô tri, Cai bạ.

Kỳ mục : (Nguyễn) Ðứng đầu các làng, xã là Tiên chỉ, Thứ chỉ, có quyền quyết định việc làng, Hội đồng kỳ mục gồm các cựu Chánh tổng, cựu Lý trưởng, dưới là Lý dịch (Lý trường, Phó Lý) bàn việc làng : thuế má, binh lương...

Lạc hầu : (Hùng vương) tướng văn.

Lạc tường : (Hùng vương) tướng võ.

Lại (bộ) : trước là Trung thư khoa, 1465 đổi ra Lại khoa, 1499 là Thuyên tào, 1833 tuyển dụng quan văn, khảo sát tài năng, gia cấp kỷ lục, phong tước, làm sổ tên các quan, tập ấm.

Lang trung : (Lý, Trần) đều thuộc Trung thư, Môn hạ, dùng Hành khiển sung chức ấy. Nhà Lê đặt đủ Lang trung 6 Bộ nhưng chức thấp, không trọng như đời Trần, quan hàng Chánh lục phẩm. Thời Minh-Mệnh, đứng đầu các Ty trong 6 Bộ, hàng Chánh tứ phẩm.

Lãnh : phẩm cấp cao, nhận việc một ngạch thấp hơn.

Lãnh binh : (Nguyễn) võ tướng, chỉ huy quân đội cấp tỉnh, hàng Chánh tam phẩm.

Lễ (bộ) : (Trần) là Ðông khoa, 1465 đổi ra Lễ khoa, 1499 Nghi tào, 1833 coi nghi lễ, khánh hạ, tế tự, quy tắc trường học, thi Hương thì tổ chức yến tiệc, chuẩn bị áo mũ, ấn dấu, giữ các sắc chỉ, thi Hội thì thu quyển thi, thi Ðình và thi Ðông các thì làm bản kê đãi yến, cho tiền thưởng Tiến sĩ, tiền áo ban cho Tiến sĩ...

Lệnh :(Hán) mỗi quận chia ra nhiều huyện, một vạn nhà thì đặt quan lệnh. Nhà Ðường gọi là huyện lệnh. Việt-Nam thường gọi là quan huyện.

Lính khố đỏ: lính đánh trận, quấn xà cạp ở chân bằng vải đỏ,

Lính khố xanh : lính phòng giữ các tỉnh, quấn xà cạp xanh ở chân.

Lính lệ : làm tạp vụ ở huyện, mặc quần trắng áo the thâm.

Lộ : sau đổi ra "phủ".

Lưu thủ: như Ðốc trấn, Trấn thủ. 1721 đổi gọi Ðốc phủ, Nghệ-an gọi Ðốc suất.

Môn hạ sảnh: (Trần) vâng theo lệnh chỉ của vua.

Mục doãn : (Ðường) cai trị một phủ.

Ngũ kinh Học sĩ : (Lê) dậy ở Quốc tử giám, hàng Tùng bát phẩm.

Ngự sử : (Lý) giữ việc đàn hặc.

Nhiêu học:(Nguyễn) đỗ kỳ sơ tuyển ở tỉnh, được miễn dao dịch để yên tâm chuẩn bị thi Hương.

Nội các : Gia-Long gọi là Thị thư viện, Minh-Mệnh cải là Văn thư phòng, từ 1829 gọi là Nội các, là văn phòng vua, ghi chép tấu, sớ các nha dâng lên, khởi thảo chiếu, chế, sắc ban ra các cơ quan, thi Ðình thì đằng lục các chế sách và cấp quyển thi.

1831 Dụ : Phàm những việc 6 Bộ làm chưa đúng thì Nội các hạch, Nội các làm chưa đúng thì Viện Cơ mật hạch khiến cho rằng rịt lẫn nhau mới mong thịnh trị.

1833 Ghi chép những tấu sớ, chiếu chỉ, chia việc ra từng Tao chuyên trách. Dùng các quan tam, tứ phẩm ở các Bộ sung vào, Ðại học sĩ không được làm ở Nội các.

Nội nhân quan : (Lý) để sai bảo trong cung.

Nội thị sảnh : hầu vua, tuyên chế lệnh.

- Phiên : (Trung hưng, 1718) như "Bộ". Có các chức Thiêm sai, Tri phiên (dùng Tiến sĩ), Phó tri, Thiêm tri (dùng Giám sinh). 1787 Chiêu Thống bỏ, giao việc cho 6 Bộ.

Phiêu kỵ tướng quân : (Trần) chức dành cho Thái tử, Hoàng tử.

Phò mã : Thời Hán là quan võ, trông coi ngựa của xe vua, từ Ngụy Tấn thì người lấy công chúa được giữ chức ấy. Ở Việt-Nam Phò mã cũng trỏ người lấy công chúa.

Phòng ngự sứ : (Trần, Lê) quan cai trị ở biên giới, miền núi, tựa như Tri châu.

Phủ (Ngũ phủ) : (Lê Thánh Tông) quân đội toàn quốc đặt dưới quyền thống lãnh của 5 phủ (Trung quân phủ, Ðông, Tây, Nam, Bắc quân phủ). Mỗi phủ có 5 vệ, mỗi vệ = 5, 6 sở, mỗi sở = 10 đội, mỗi đội = 20 quân. Cai quản cả 5 phủ là Thái úy, đứng đầu mỗi phủ là Ðô đốc, người trực tiếp điều khiển 5 quân.

Phủ doãn : (Trần) đặt Kinh thành bình bạc ty, sau đổi ra Kinh sư Ðại an phủ sứ, rồi Kinh sư Ðại doãn, Trung đô doãn. Ðời Hồng-đức đổi ra Phụng-thiên phủ doãn, hàng Chánh ngũ phẩm. Phủ doãnđàn áp cường hào, xét những vụ kiện do huyện quan xử mà kêu lại ở bản hạt, khảo xét thành tích quan lại, khảo luận sĩ tử kỳ thi Hương. Thời Minh-Mệnh là quan đứng đầu phủ Thừa-thiên và kinh thành, hàng Chánh tam phẩm.

- Quan Lang (Hùng vương) con trai vua. Thời Nguyễn : quan cai trị người Mường (như Tuần phủ).

Quân : (Chu) một quân gồm 12 500 lính, nước lớn có ba quân = 37 500 người. Thời Hàn Phi, Quản Trọng thì ba quân gồm : tráng nam (1 quân), tráng nữ (1 quân), những người già yếu (1 quân, giữ việc chăn nuôi). Luận Ngữ, 103 - Hàn Phi, 74.

Nhà Lý : 1 quân = 200 người. Nhà Ðinh (974) định nước có 10 đạo quân, mỗi đạo = 10 quân, 1 quân = 10 lữ, 1 lữ = 10 tốt, 1 tốt = 10 ngũ, 1 ngũ = 10 người. SKTT, I, 156.

Quốc tử giám thành lập từ 1076, đời Trần đổi là Quốc tử viện rồi cải là Quốc học viện, nhà Lê đổi lại là Quốc tử giám, rồi nhà Thái học, Gia-Long gọi là nhà Quốc học, Minh-Mệnh cải là Quốc tử giám. (Thời Pháp thuộc, ngoài Quốc tử giám còn có trường Quốc học là trường Trung học đệ nhất cấp, tức Cao đẳng tiểu học, cấp bằng Thành chung (Diplôme), dậy toàn chữ Pháp, không dậy chữ Hán).

Quốc tử giám thoạt đầu để dậy các hoàng tử và hoàng thân, sau mở rộng cho con quan, từ 1253 con nhà thường dân mà xuất sắc cũng được vào học, giữ việc rèn tập sĩ tử để gây dựng nhân tài cho nước.

Ðời Lý, tên các chức quan chưa rõ, đời Trần có Tư nghiệp đứng đầu Quốc tử giám, đời Lê đứng đầu là Tế tửu, rồi Tư nghiệp, Trực giảng, Bác sĩ, Giáo thụ, đời Trung hưng bãi chức Ngũ kinh Bác sĩ. Quan hàng Tùng tứ phẩm trở xuống.

Quyền : (1721) phẩm thấp tạm coi việc của chức cao.

- Sắc thụ : có sắc phong nhưng không có bài chế, cáo, kèm theo như Cáo thụ. Quan từ Chánh lục phẩm trở xuống, thời Nguyễn. Khi chết được một tên thụy hiệu kèm sắc thụ.

Sảnh : Nhà Lý chưa có, nhà Trần mới có hai sảnh Thượng thư và Môn hạ, thời Lê sơ đặt 5 sảnh :

1- Thượng thư sảnh / Thượng thư tỉnh giúp Tể tướng điều khiển trăm quan liên lạc với Thượng thư các Bộ. Ðời Trần đứng đầu là Thượng thư lệnh, cũng gọi là Hành khiển Thượng thư, là Á tướng. Lê Thánh Tông trực tiếp liên lạc với Thượng thư các Bộ, bãi sảnh này.

2- Trung thư sảnh / Trung thư tỉnh giúp vua những việc trọng đại, đứng đầu là Trung thư lệnh. Thời Lê sơ thường giao cho Tể tướng kiêm nhiệm, Thánh Tông đổi gọi là Trung thư giám, giảm bớt quyền hành.

3- Môn hạ sảnh / Môn hạ tỉnh có từ đời Trần. Thời Lê sơ giữ ấn của vua, chuyển lệnh vua đến các quan, tâu vua việc các quan thi hành lệnh vua, điều khiển lễ nghi trong cung. Thánh Tông bãi.

4- Hoàng môn sảnh / Hoàng môn tỉnh : thời Lê sơ giữ ấn của vua.

5- Nội thị sảnh / Nội thị tỉnh : Thời Lê sơ quản đốc công việc trong cung, ban bố chế lệnh cho quan võ.

Sĩ sư : (Ðinh) coi việc hình án ở kinh sư, đứng đầu tư pháp trong nước.

Soạn hiệu : biên số hiệu trên quyển thi trước khi rọc phách, trong các kỳ thi Hương, thi Hội.

Sùng văn quán : (Lê Thánh Tông) lo về sách vở đồ thư, cung cấp tài liệu, chỉ bảo học sinh.

- Tam cô / Tam Thiếu (Thiếu sư, Thiếu bảo, Thiếu phó) : (Chu) giúp đỡ Tam Công / Thái.

Tam Công / Tam Thái (Thái sư, Thái bảo, Thái phó) : thầy, nuôi nấng, dậy dỗ vua, ba chức lớn nhất. Từ nhà Chu chỉ bàn xét việc nước không dự việc hành chánh. Nhà Lý bắt đầu làm danh hiệu gia thêm cho đại thần, sau mới giao cho chính sự, có lúc kiêm Tể tướng. Ðời Trần coi cả việc quân dân,không phải như xưa chỉ có trách nhiệm bàn về trị đạo. Ðời Lê, quan hàng Chánh nhất phẩm, nhưng chỉ là danh chức gia thêm cho đại thần.

Tam pháp ty : (1832) gồm bộ Hình, Ðô sát viện, Ðại lý tự. Những ngày 6, 16, 26 các đường quan ba ty ngồi nhận đơn khiếu oan, những ngày khác có thuộc viên thường trực. Cần kíp thì cho đánh trống Ðăng văn để nộp đơn minh oan. Vu cáo càn bậy thì xử nghiêm. Không cần kíp mà đánh trống Ðăng văn thì gông 10 ngày, mãn hạn đánh 100 trượng.

Tam Tư là Tư đồ, Tư mã, Tư không. Thời Lý chưa có, Trần mới gia thêm cho các Tôn thất đại thần.

Tam ty viện : (Trần) xét án còn ngờ, trước là Ðô vệ phú.

Tán lý : quan văn giúp việc quan võ khi dẹp giặc, Tham tán.

Tản quan : quan có hàm mà không có thực chức.

Tăng thống (Lý) đứng đầu Tăng quan.

Tào : 1829 bắt đầu đặt 4 Tào : Tào Thượng bảo giữ các sổ ấn triện quan phòng, phó bản các chỉ dụ, hồng bản các sắc dụ ; Tào Ký chú giữ nghiên bút thượng phương (vua dùng) ; Tào Ðồ thư giữ thi văn ngự chế ; Tào Biểu hạ giữ hồng bản châu phê.

Tập hiền viện : giữ việc giảng sách, bàn đạo trị nước để vua, quan từ Tham tri trở lên nghe. Khóa giảng hàng năm có định kỳ, mỗi tháng 10 ngày. Có lễ khai giảng, bế giảng trọng thể theo triều nghi.

Tế tửu : đứng đầu Quốc tử giám, coi nghi lễ khi tế. Thời Lê hàng Tùng tứ phẩm, thời Minh-Mệnh hàng Chánh tứ phẩm.

Tể tướng : đứng đầu trăm quan coi hành chính.

Ở Trung quốc, lúc đầu gọi là Bách quỹ, (Hạ, Thương) gọi là Trủng tể, (Hán) là Thừa tướng), (Ðường) là Ðồng Bình chương sự.

Ở Việt-Nam : (Ðinh) Tổng quản (995 Lê Ðại Hành) ; (Lý) Tướng công, Phụ quốc Thái úy, Ðồng bình chương quân quốc trọng sự ; (Trần) Thượng tể, Thái tể, thêm tả, hữu Tướng quốc Bình chương sự ; (Lê) Tướng quốc kiểm hiệu Bình chương quân quốc trọng sự, Tỏng quản tri quân dân sự, (Trung Hưng) Tham tụng).

Thái bộc tự : giữ xe vua và hoàng tử, chuồng ngựa của vua, kiểm soát mục súc trong nước.

Thái chúc ty : (Trần) thuộc bộ Lễ, coi lễ nhạc, lo việc cầu đảo.

Thái sử cục : (Trần) vốn là Tư thiên giám.

Thái tể / Thượng tể : (Trần) như Tể tướng.

Thái thú : (Tần) coi dân chính một quận.

Thái thường tự : giữ hình thức lễ nghi tế tự.

Thái úy : (Tần) coi binh quyền, quân sự. Ðầu đời Lý, Phụ quốc Thái uý là Tể tướng, Thái uý là chức quan tổng thống việc binh. Ðời Trần là chức gia thêm cho các thân vương vẫn giữ chức quan của mình mà kiêm chức hàm Tể tướng phụ chính. Ðời Lê là quan hàng Chánh nhất phẩm, đời Trung-hưng chỉ làm hàm gia thêm cho võ tướng và thân thần.

Tham hiệp trấn : thời Minh-Mệnh là Phó Trấn hàng Chánh tứ phẩm.

Tham tri chính sự : (Lý) Á tướng, quyền như Tể tướng. Thời Minh-Mệnh, đứng dưới Thượng thư trong một Bộ (như Thứ trưởng), hàng Tùng nhị phẩm.

Tham tụng : (1606) như Thủ tướng, ở phủ chúa. 1787 Chiêu Thống bãi, đặt lại là Bình chương sự.

Thẩm hình viện : (Trần) định tội khi tụng án đã thành.

Thân vệ điện tiền chỉ huy sứ : (Lý) coi việc cung cấm và ban trực trước điện. "Thân vệ" là vệ binh của vua.

Thập đạo tướng quân (Ðinh) đứng đầu quân đội.

Thị độc Học sĩ : chức cao nhất trong Hàn lâm viện, phụ trách việc đọc sách, tham khảo, biên soạn chỉ dụ, chế cáo giúp vua. Thời Minh-Mệnh, quan Hàn lâm viện giữ việc giảng dậy, biên soạn sách ở Tập Hiền, Quốc tử giám, ba Ðường (Quảng học đường, Quảng thiện đường, Minh thiện đường), hàng Chánh tứ phẩm, Thị độc hàng ngũ phẩm.

Thị giảng Học sĩ : dậy vua, giải thích, bình luận các văn thư, thơ ca, chế biểu... Thời Hồng-đức dùng Trạng nguyên, quan hàng Chánh lục phẩm. Thời Minh-Mệnh, quan Hàn lâm viện, dưới Thị độc Học sĩ, hàng tứ, ngũ phẩm.

Thị lang : Nhà Lý chưa có các Bộ, chưa đặt đủ các chức Thị lang 6 Bộ, nhà Trần mới đặt đủ ; đời Lê, quan hàng Tùng tam phẩm ; (Nguyễn) đứng dưới Thượng thư, Tham tri trong một Bộ (như Chánh văn phòng). 1826 trật Chánh tam phẩm.

Thị nội : chầu hầu trong cung.

Thị thư : biên chép văn bản. Thời Hồng-đức dùng Bảng nhãn, quan hàng Tùng lục phẩm.

Thiêm sai : (Lê) thuộc Mật viện, quan hàng Chánh ngũ phảm, xét lại việc kiện tụng, trước xét ở Ngự sử đài.

Thiếu úy : Ðầu nhà Lý là chức quan tổng thống việc binh, coi cấm quân ; đời Trần chỉ là hư hàm, không làm việc gì ; đời Lê, quan hàng Chánh nhị phẩm.

Thông chính ty : (Lê Thánh Tông) tuyên bố đức hóa của vua, đề đạt tình dân bên dưới.

Thông phán : (Lý) coi tạp tụng. Ðời Nguyễn là thư ký văn phòng, hàng Tùng lục phẩm (như trưởng phòng).

Thống sứ : (người Pháp) đứng đầu Bắc kỳ.

Thu chưởng : giữ quyển thi tại các trường thi.

Thư gia : (Lý) theo Lê Quý Ðôn là lại điển. Thời Trần là quan trong nội, hầu cận vua, "Nội hỏa thư gia" là quan giữ việc ngự thiện (ăn uống của vua).

Thứ sử : (Hán) giám sát, coi việc hành chính đứng đầu một quận quốc, hay một tỉnh. Mỗi quận đặt một Thái thú ; (Ðường) đứng đầu việc hành chính một châu (mỗi châu gồm nhiều quận).

Thự / Thự lý / Hộ lý : (1721, theo Hồng-đức) phẩm cấp thấp, tạm làm việc một ngạch cao hơn ở bản nha.

Thừa chỉ : biên soạn, trước thuật. Thời Lê Thánh Tông, đứng đầu viện Hàn lâm, thời Minh-Mệnh, đứng hàng thứ ba trong viện, hàng Tùng ngũ phẩm.

Thừa tướng : (Tần, Hán) như Tể tướng.

Thừa ty : hàng năm trình lên luận xét thành tích các quan.

Thượng thư : đứng đầu một Bộ trong lục Bộ (như Bộ trưởng), hàng Chánh nhị phẩm thời Minh-Mệnh.

Thượng thư sảnh : (Trần) vâng lệnh chỉ của Thượng hoàng.

Tiết độ sứ : (Ðường) là Ðô hộ phủ. Thời nhà Ðinh là võ quan chỉ huy, thống lĩnh đạo quân cả nước.

Toản tu : Quốc sử quán, chuyên lưu trữ sử liệu, nghiên cứu, biên soạn sách, sửa chữa lịch sử. Thời Nguyễn, hàng Tùng nhị phẩm.

Tôn nhân phủ : 1833 ghi chêp họ xa gần, việc cấp dưỡng trẻ mồ côi, việc hiếu hỷ của hoàng gia...

Tổng đốc : Thời Gia-Long có Tổng trấn đứng đầu nhiều trấn, Minh-Mệnh bỏ Tổng trấn đặt Tổng đốc đứng đầu một tỉnh to, coi việc quân dân, khảo hạch quan lại, sửa sang bờ cõi hạt mình. Hàng Chánh nhị phẩm, như Thượng thư.

Tổng quản Lê Ðại Hành đã đặt Tổng quản kiêm hàm Tri quân dân sự, tước Hầu, ngôi ở trên Thái uý. Nhà Lý là chức đứng đầu quân đội, nhà Trần lúc đầu bó chức ấy, sau là chức phòng giữ một địa phương. Nhà Lê lúc đầu có các chức Ðại Tổng quản (đứng đầu ban chỉ huy 5 đạo vệ quân), Ðô Tổng quản... đời Hồng-đức bãi chức ấy.

Tổng quản tri quân dân sự : (Tiền Lê) như Tể tướng.

Tổng tài : chủ biên một bộ sách lớn. Dùng đại thần có uy tín, hàng nhất phẩm. Ðứng đầu Quốc sử quán.

Tổng trấn : Gia-Long chia nước ra 23 trấn và 4 doanh. Các trấn đặt quan Trấn thủ. Bắc thành gồm 11 trấn (từ Ninh bình trở ra) thì đặt Tổng trấn, hàng Chánh nhị phẩm (Gia định thành cũng gồm nhiều trấn, đặt Tổng trấn). Minh-Mệnh ngại Tổng trấn nhiều quyền hành nên bãi chức Tổng trấn, đặt Tổng đốc, chỉ đứng đầu một tỉnh.

Tổng Trú sứ : (Résident général) từ 1886 đổi ra Khâm sứ, đại diện chính phủ Pháp ở Huế, liên lạc với triều đình Huế.

Trấn thủ : như Ðốc trấn.

Tri : (1471) quan bản nha coi việc thuộc quyền mình.

Tri cống cử : quan kiểm tra, lập danh sách thí sinh thi Hội.

Trung quan : hoạn quan.

Trung thư giám : chọn thuộc quan ở Giám chép tờ kim tiên (giấy rắc vàng chép lời phong trong kim sách), ngân tiên (lời ngân sách), chế sách và các bài biểu, gián, quan lịch, văn tế ở điện, miếu.

Trung thư khoa : (Lê) như bộ Lại.

Trung thư sảnh : (Lý) chuyên nghĩ mọi việc tâu vua, truyền mệnh lệnh vua, định luật lệnh, tuyển bổ các quan. Ðời Trần : vâng lệnh chỉ của Thượng hoàng. Quan văn, đối lập với Khu mật sứ, quan võ.

Trung thư tỉnh : đề nghị lên vua, vâng truyền mệnh lệnh. (Thời Tống, như Tể tướng).

Trủng tể : (Hạ, Thương) Tể tướng coi việc hành chánh.

Trực Học sĩ : Hàn lâm viện, thời Minh-Mệnh hàng Chánh tam phẩm, ngang Chưởng viện Học sĩ.

Trước tác : (Viện Hàn lâm) viết các văn bản, quan hàng Chánh lục phẩm.

Tu soạn : biên khảo, dùng Hoàng giáp, quan hàng Tùng lục phẩm.

Tú lâm cục : (Lê Thánh Tông) thuộc Hàn lâm viện, trông nom, dậy bảo con các quan.

Tuần sát : dẫn đầu đội quân tuần phòng trường thi.

Tuần vũ / Tuần phủ : (1831) cai trị một tỉnh nhỏ : chính trị, giáo dục, giữ gìn phong tục...

: Theo quan chế nhà Trần và Lê sơ, có việc vui mừng đều cho các quan được thăng một tư, chưa đủ để thăng đến phẩm trật cao.

Luật Hồng-đức Thông tư của các tước và cấp bậc từ cao xuống thấp cộng là 24 tư : Quốc công là Thượng trật, 24 tư ; Quận công là Thượng giai, 23 tư ; Chánh nhất phẩm là Thượng tuyển, 18 tư ; Chánh nhị phẩm là Trung trật, 16 tư... Tùng cửu phẩm là Hạ liệt, 1 tư. Từ Thượng trật đến Hạ liệt có 18 "thông". QCC, 64 - CM, XI, 74-82.

Tư đồ : (Nghiêu, Thuấn) coi giáo dục, nông thương.

Tư khấu : (Hạ, Thương) coi hình phạt, kiện tụng, như bộ Hình.

Tư không : (Ðường, Ngu) phụ trách địa lợi, thiên thời, khuyến khích công nông.

Tư lễ giám : đóng ấn vào sắc mệnh, chiếu chỉ ban ra các công vụ, chuyển đệ các ngự định của vua.

Tư mã : (Hạ, Thương) thống suất 6 quân, như Thượng thư bộ Binh.

Tư nghiệp quan giảng dậy ở Quốc tử giám, dưới Tế tửu. Thời Lê, hàng Tùng ngũ phẩm, thời Minh-Mệnh, hàng Tùng tứ phẩm.

Tứ sương quân : (Lý) quân đóng bốn mặt thành. SKTT, I, 336.

Tư thành (Thời Khổng Tử) đứng đầu kinh thành.

Tự trước là Viện để giải quyết những việc không thuộc 6 Bộ, thừa hành công việc 6 Bộ giao cho.

Từ Lê Thánh Tông có 6 Tự là :

Hồng lô tự : tổ chức, sắp xếp thể thức lễ nghi tiếp đón sứ giả nước ngoài, lễ Xuớng danh thi Ðình...

Quang lộc tự : cung cấp, kiểm tra rượu lễ, thực vật trong các buổi tế tự, triều hội, yến tiệc.

Ðại lý tự xét lại các án còn ngờ.

Thái thường tự : trông coi đền chùa, thi hành thể thức lễ nghi, điều khiển ban âm nhạc.

Thái bảo tự : đóng ấn quyển thi Hội.

Thái học tức là Quốc tử giám.

Ðứng đầu là Tự khanh, rồi đến Thiếu khanh, Tự thừa, Viên ngoại, Chủ sự, Tư vụ, thư lại. Hàng Chánh ngũ phẩm trở xuống.

Tứ trụ triều đình (Nguyễn) : bốn đại thần đầu triều : Văn minh điện Ðại Học sĩ, Võ hiển, Cần chánh, Ðông các Ðại Học sĩ, hàng nhất phẩm.

Tướng công : (Lý) đứng đầu quan văn, sau mới gọi Tể tướng.

Tuyên huy viện : (Trần) giữ sổ sách các Ty, Ban, trong cung, việc tế tự, triều hội.

Ty Niết : cơ quan làm việc của Án sát sứ.

Ty Phiên : cơ quan làm việc của Bố chánh sứ.

- V : (Lý) cấm quân, bảo vệ quanh vua.

Vị nhập lưu : chưa vào chính ngạch.

Viên ngoại lang : (Lý) sung sứ bộ đi cống, dự chính sự Thượng thư sảnh ; (Trần) thuộc Trung thư sảnh. Thời Lê quan hàng tùng lục phẩm, thời Minh-Mệnh, quan hàng Chánh ngũ phẩm, chuyên gia đầu ngành cho nhiều nghề khác nhau, đứng đầu những tổ chức chuyên môn ở các Bộ, Viện. Ðứng dưới Thượng thư, Tham Tri, Thị lang trong một Bộ.

Viện : trước là Bộ, từ 1476 đổi 6 Viện ra 6 Tự (Hồng lô, Quang lộc, Ðại lý, Thái thường tự...)

Vũ vệ : (Lý) quân hộ tống khi vua đi ra ngoài.

- Xá sai ty : một trong ba Ty quan trọng nhất của chúa Nguyễn Ðàng Trong, chuyên lo việc văn án, tư pháp. Ðứng đầu là Ðô ty và Ký lục, thuộc viên có 3 Câu kê...



  Trở Về   ]
( còn tiếp)