Chim Việt Cành Nam           [  Trở Về   ] 

GỬI THƯƠNG VỀ HUẾ

Tập IV : Huế một thời xưa 

Võ Quang Yến

***

31- ĐIỆU HÒ XỨ HUẾ

Tiếng hát đâu mà nghe nhớ thưong
Mái nhì man mác nước sông Hương.
Tố Hữu
Tôi sống lên ở quê ngoại, làng Mỹ Cang, phía bắc thành phố Huế chừng 40 cây số, trên bờ sông Ô Lâu bốn mùa cuộn sóng xuôi dòng, tùy theo thời tiết khi trong khi đục, phản ảnh mây trời, mưa nắng. Lớn lên một chút, trường huyện quá xa, anh em chúng tôi đi vô Huế học, chỉ tết nhất, mùa nghỉ mới về đây thảnh thơi, vui đùa, gom góp những kỷ niệm êm đềm trước thời chiến tranh tàn phá quê hương. Nghỉ hè, trời nóng, chúng tôi đánh trần ngủ ngay ngoài hiên. Có những đêm quá nóng, lại chuyện trò hào hứng, cũng khó lòng nhắm mắt. Thế rồi, không biết bắt đầu từ bao giờ, khoảng 2-3 giờ sáng, một giọng hò vang lên trong đêm thâu. Tiếng hò theo đò từ xa lại gần rồi lại đi xa, không biết cô lái đò từ đâu đến và đi về đâu, cơ thể dẻo dai làm sao, mặt mũi duyên dáng đến mức nào. Chúng tôi chỉ nghe được lời thổn thức của cô ta, gởi gắm tâm tình vào sông, vào nước.
Biết đâu là cầu ô thước,
Mênh mông nguyện ước, dưới nước trên trời.
Đêm khuya ngót tạnh mù khơi,
Khúc sông quạnh vắng, có người sầu riêng.
Câu hò xao xuyến, bay bổng, điệu hò chậm rãi, miên man, tiếng hò bâng khuâng, da diết trong đêm thâu làm chạnh lòng hơn một người. Và cứ như thế, ba bốn hôm một lần không có ước hẹn, định kỳ, chúng tôi lại được thưởng thức một vài câu hò mặn mà, trữ tình, vô tình kín đáo chia sẻ nỗi lòng của cô lái đò cô đơn. Lúc đầu chỉ để ý, dần dần từ để ý chúng tôi trở qua chờ đợi. Rồi có những đêm trăng sáng, trong cơn gió thoảng, chúng tôi tưởng như có tiếng mái chèo khua nước, đợt sóng vỗ mạn thuyền, nhưng tiếng hò thì tuyệt không, thế là mặc sức thao thức không sao ngủ được. Hết hè, trở lại Huế vào trường học, chúng tôi phải tạm biệt cô lái đò, tạm quên những câu hò đầy tình cảm, thương nhớ của cô gái quê không quen, không biết, chỉ gặp nhau trong không trung, khí quyển, qua gió, mây, sóng, nước.

Người dân xứ Huế thường dễ rung động với đồng ruộng, sông nước, rừng rậm, cây ngàn. Vì vậy trong đời sống hằng ngày họ hay biểu lộ tâm tình qua những câu hò, điệu hát. Riêng câu hò có cả chục điệu. Trong công việc đồng áng, khi đạp nước, đạp lúa, học cố quên thời gian với những câu hò ô thiết tha, trầm bổng. Khi đập đất, đắp nền, họ trêu chọc nhau với những câu hò hụi lưu loát, linh hoạt. Khi làm đường, đắp đê, họ khuyến khích nhau qua điệu hò nện dồn dập, khẩn trương. Khi kéo bè, kéo gỗ, họ động viên nhau với những điệu hò kéo thác mạnh mẽ, khoẻ khoắn. Khi xay lúa, giã gạo, họ đố đá nhau qua những câu hò giã gạo sôi động, hào hùng.

Cây chi trong rừng không lá,
Cá chi dưới biển không xương,
Trai nam nhi đối đặng, gái nữ nhi xin kết nguyền.
Ở nhà, hò ru con là điệu hò ngọt ngào, êm ái thường ngày mà bà mẹ nào cũng biết. Đứa con nhỏ nào mà không lớn lên với những bài học từ thuở dại thơ.
Ru con con théc cho muồi,
Cho mạ đi chợ mua vôi ăn trầu.
Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu,
Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh.
Chợ Dinh bán áo con trai,
Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim.
Trong số các điệu hò nầy, hai điệu được phổ biến rộng rãi nhất có lẽ là hai điệu chèo đò, giống nhau trong câu hát, chỉ khác nhau chút ít trong cách diễn tả. Hò mái nhì là điệu hò nổi tiếng nhất, buông lơi, man mác, thường được nghe trên dòng sông trầm lặng, độc diễn, nhưng cũng có khi đối đáp giữa hai người cùng nhau tâm sự, kẻ xướng, người , gởi lòng vào mây nước trong đêm vắng như hai nhân tình cùng nhau thỏ thẻ mối tình dưới trăng thanh.
Trai : 
Em về ngược gió xô mưa,
Thuận buồm xuôi gió biệt mông xa chừng.
Em về anh cũng muốn về theo
Lên truông cát nóng lội đèo đá dăm.
Gái : 
Cát nóng em đưa lưng em cõng
Đá dăm em lượm sạch đường anh đi.
Gần gũi với hò mái nhìhò mái đẩy, rắn rỏi, dồn nén, thường vang vọng trong khúc sông nước xiết hay ở đầm phá sóng to, gió lớn, người lái đò phải vững tay cầm chèo, giữ lái cho nên điệu hò lơ lửng mà dứt khoát, chắc nịch.
Một mình cả chống cả chèo
Không ai tát nước đỡ nghèo một phen.
Cách ngân nga của các điệu hò mái nhì, hò mái đẩy thật là đặc biệt, nhất là khi do một nghệ sĩ người Huế biểu diễn. Câu hò bắt đầu với những ò ơ à ơ dài dăng dẳng tưởng như không khi nào ngớt. Rồi khi câu hò thật sự bắt đầu, mới được hai chữ lại còn ò ơ à ơ, xem người hò như chần chừ không muốn đi ngay đến đích để người nghe thưởng thức tiếng ngân của mình. Khi một người chưa sành, bước vào hò là thấy hấp tấp như bị chạy đuổi, quên mất ngân nga. Có lẽ cũng vì cách ngân nga nầy không dễ thực hiện mà cũng không dễ học nên biết bao người biết hát mà không biết hò. Ngày nay, như múa rối nước từ ngoài Bắc lên đường Nam tiến, hát cải lương từ Nam Bộ lấn ven sông Hồng, ca hò Huế cùng bún bò, bánh bèo,... phân tán khắp đất nước, vượt biên ra cả nước ngoài. Các ca sĩ buộc phải hát những bài ba miền nên thính giả được nghe những nghệ sĩ quê Bắc, quê Nam cũng ca, hò Huế. Ngay ở đoạn ò ơ à ơ là đã thấy không ổn. Nếu ca trù không thể diễn tả với một giọng khác giọng miền Bắc, cải lương phải được hát với giọng Nam. Ai đi xem hát cải lương ở Hà Nội chỉ được nghe ngâm thơ, sẽ thất vọng không nghe được một câu vọng cổ là tinh túy của cải lương. Và hò Huế chỉ có thể biểu diễn với giọng Trung. Khi giả giọng Huế, thường ca sĩ hạ giọng quá đáng, cho nghe một giọng nếu không vương âm Nghệ Tĩnh thì cũng lai căng, buồn cười như khi nghe tài tử điện ảnh Pierre Fresnay trong vai Marius bắt chước giọng Marseillais ! Tôi chưa may mắn gặp được ai học hò mái nhì, hò mái đẩy qua nốt nhạc mà làm tôi rung động. Trái lại tôi đã được nghe những nghệ sĩ tuyệt diệu trong số những người thường hò trong đời sống hằng ngày từ thuở bé nhỏ, những người không có khi nào lại trường học hò !

Trước thế kỷ XIV, xứ Huế còn là vùng đất của người Chăm. Theo bước chân công chúa Huyền Trân, người Việt từ phía ngoài bắc mới dần dần vào hai châu Ô Rí khai khẩn đất hoang, sống chung với người bản địa. Theo những nhà chuyên khảo, ca hò Huế là hệ quả giao lưu giữa văn hoá Champa và văn hóa Đại Việt. Họ khám phá ra, bên cạnh những điệu nam ai, nam bằng, một giai điệu lơ lớ tức là hơi nam giọng ai hay ngũ cung ai của hò mái nhì, mái đẩy (do, ré non, fa già, sol, la non) là một kết hợp của ngũ cung đúng miền Bắc (do, ré, fa, sol, la) với ngũ cung oán của Champa (do, mi, fa, sol, la). Đặc biệt là kết hợp nầy chỉ giới hạn ở vùng Bình Trị Thiên, tức là ba tỉnh Quãng Bình, Quãng Trị, Thừa Thiên, không lan vào miền Nam mà cũng không tràn ra miền Bắc. Đi xa hơn, các nhà nhạc học nhận thấy nhạc Champa chịu ảnh hưởng nhạc Ấn Độ mà âm giai nhạc Ấn Độ lại gần gũi với âm giai pélog đảo Java ở quần đảo Nam Dương (Indonesia). Giáo sư Trần Văn Khê đem so sánh thì thấy điệu hò mái đẩy rất giống điệu pélog có thể nguyên quán từ vùng Ba Tư-Ả Rập. Đằng khác, một cây đàn đá tiền sử đã được phát hiện ở Đắc Lắc mà âm giai lại cũng rất gần giống âm giai pélog. Thì ra âm giai hai điệu hò mái nhì, mái đẩy đã có sẵn từ trước ở Cao nguyên miền đất Trung Việt, chứng minh một sự giao lưu giữa Nam Dương và Việt Nam. Thảo nào, qua bên ấy, tôi thường được người bản xứ gọi tôi " người anh họ phương xa". Mối giao lưu nầy còn được mở rộng ra Ấn Độ-Nam Dương-Việt Nam khi tôi có dịp tham quan và ý thức những điểm tương đồng giữa ngôi tháp " Bờ biển " ở Mahabalipuram miền đông Ấn Độ và các tháp Chăm ở nước ta. Ưóc mong rồi một ngày nào những nhà khảo cứu giải thích được tường tận cách thức những mối giao lưu âm nhạc, nghệ thuật nầy.

Trong lúc chờ đợi, giao lưu Pháp Việt, trong gần một thế kỷ sống chung và mấy chục năm chinh chiến, lại lên đường nối tiếp. Riêng đối với Huế, hai Festival 2000 và 2002 vừa qua đã là dịp để cho các đoàn văn nghệ Pháp trình bày với công chúng đất Thần Kinh một mặt văn hóa nào của xứ sở Rousseau và Voltaire. Ngược lại, những đoàn ca hát Huế, Phú Xuân hay trường Đại học Mỹ thuật Huế, ban Nhạc Cung đình hay nhóm tụng kinh niệm Phật của mấy vị tu sĩ cũng đem lại cho thính giả Pháp những làn điệu xa xăm, có khi lạ thường. Thật ra, những câu hò Huế đã từng được thưởng thức trên sân khấu Paris, ngay cả trong vở múa nhạc Khúc cầu nguyện trong ấy nghệ sĩ Ea Sola khai thác mặt ảm đạm, u sầu của các điệu hò mái nhì, mái đẩy thay vì sử dụng điệu hò đưa linh thấy như còn não nùng, ai oán hơn, góp phần xoa dịu khổ đau của những kẻ mất người thân.

Đêm năm canh ngày sau khắc con ve kêu giục giã,
Con đương mơ màng sực nghe tiếng mạ kêu.
Muốn tìm mạ tìm răng được mạ,
Tây phương đất Phật mạ đi không về.
May thay, gần đây, hò Huế đã đem lại vui tươi trong một buổi chiều thu ấm áp ở thị xã Orsay trong thung lũng Chevreuse. Nữ sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương, nhân dẫn đoàn Đào Tấn qua Đức diễn tuồng Đông Lộ Địch (phỏng theo vở Le Cid của nhà văn hào Pháp Corneille) của thân phụ, cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, trên đường về ghé qua Paris thăm bà con, bạn bè. Nhân đó, một buổi gặp mặt thân mật nhân đó được tổ chức hôm 3.11.2002 ở Phật đường Khuông Việt để nữ sĩ và anh Trần Văn Khê trình bày tuồng hát bội và những câu hò Huế. Duyên nợ của tôi và chị Hỷ Khương lùi lại mấy chục năm về trước, khi tôi được nghe chị hò trong một băng cát xét từ Sài Gòn gởi qua Paris. Bây giờ đây được nghe chị đích thân hò, lại có anh Khê đệm đàn tranh, tôi thấy không có hạnh phúc nào bằng. Chị luôn còn giữ phong cách một tôn nữ đất Thần kinh. Giọng chị có phần già dặn hơn, tuy hơi khan những vẫn gợi biết bao nhớ thương, làm nhiều khán giả phái nữ dụt sùi, ướm lệ. Riêng phần chị cũng xúc động khi ngâm thơ hay hò những bài của thân phụ mến yêu. Tiếng đàn tranh đã làm tăng giá trị câu hò nhưng, qua trí óc tôi, cũng như ngày nay trên các đò du lịch trên sông Hương, hò có đệm đủ các nhạc khí tranh, nhị, tam, nguyệt, đưa bài hò qua một hệ thống khác, loại thính phòng, đánh mất ít nhiều tính hoang vu, thôn dã của câu hò đơn độc trong đêm vắng trên sông.

Thì ra hò thật là một loại dân ca rất được truyền tụng ở Huế, một kho tàng văn nghệ dân gian phong phú. Có thể nói Huế là nơi tập trung nhiều điệu hò nhất trong một diện tích nhỏ hẹp miền Trung. Người con dân nào đã sống lên ở Huế mà không nuôi dưỡng trong lòng một bầu hò đầy kỷ niệm thơ mộng ? Giờ đây, ngồi làm việc ở bàn giấy, tôi luôn có một dĩa hò nhẹ nhàng cho tỏa ra một bầu không khí ấm cúng quê nhà, làm dịu bớt nỗi nhớ nhung cả một thời thơ ấu êm đềm bờ sông Ô Lâu.

Đây quê mẹ ấp ủ tình thương
Đây xóm làng bao nỗi vấn vương...
Hắc Ký Ni Sơntối mồng một năm Quý Mùi
Đoàn Kết 488-489 2003

  [ trang trước ]  /  [ trang sau ]