Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
]
|
|
Tập IV : Huế một thời xưa Võ Quang Yến *** |
Hồi mới rời Huế vào Sài Gòn du học, tôi thấy như đồng bào miền Nam không mấy hiểu cái giọng Huế đặc sệt của tôi, tuy rứa mà không phải rứa thật cũng không xa mấy dzậy mà không phải dzậy ! Tôi bắt đầu làm một việc mà tự tôi không đồng ý với chính mình : giả giọng Nam, sử dụng một giọng nói lai căng như người mất nguyên gốc. Qua Pháp, đồng bào thường gặp không chỉ là người Nam, mà còn là người Bắc, người dân tứ chiếng nói đủ thứ giọng, giả giọng gì bây giờ ? Mà tại sao mình phải giả giọng khác, sao những đồng bào khác không phải giả giọng mình ? Thôi thì cứ giữ giọng mình, mình hiểu người ta thì người ta phải cố gắng hiểu mình. Rốt cuộc rồi ai cũng hiểu tôi trừ số ít thiếu thiện chí, và như thế tôi yên lòng với lương tâm tôi. Thật ra, tuy nhẹ hơn âm Nghệ Tĩnh, giọng Huế cũng có phần nặng. Nhưng khó lãnh hội một ngôn ngữ không chỉ vì giọng mà còn ở tiếng nói, lối nói. Tiếng nói, lối nói nầy, người Huế quên dần khi tiếp xúc bạn bè bốn phương, chỉ sử dụng khi gặp nhau, gần như để khẳng định mình không quên nguyên gốc giữa những người đã cùng nhau chia sẻ một lối sống trong thời gian qua. Mô, tê, răng, rứa là những từ thường được dùng để ám chỉ tiếng Huế. Eng hỏi tui mần răng mà như rứa, tui chẳng trộ nỏ bìết chi hết, thôi thì chịu rứa chứ mần răng ! Thật ra chẳng có gì khó hiểu lắm. Tuy vậy, nhiều khi có những từ ngữ là lạ, bất thường bắt gặp không biết giải thích ra sao. Có chuyện ông Toàn quyền Đông Dương đến Huế, ghé thăm vua Bảo Đại, sau đó xin sang thăm bà Từ Cung, mẹ của vua, ở tại cung An Định, vùng An Cựu. Ông Nguyễn Duy Quan, em ruột bà Hoàng hậu Nam Phương, lúc bấy giờ làm tại Ngự tiền văn phòng, được cử làm thông ngôn. Sau vài câu chuyện xã giao và trước khi ông Toàn quyền từ giã, bà Từ Cung kết thúc : "Tôi nay tuổi đã cao, hay nói tào lao xịt bộp, có chi sai xin quan Toàn quyền miễn chấp cho". Ông Nguyễn Duy Quan ngơ ngác, tuy được người hầu giải thích tào lao xịt bộp là nói chuyện bậy bạ, không biết dịch ra thế nào. Có thể từ ngữ nầy từ bốn chữ ta bà thế giới của nhà Phật nói sai lầm ra, hiểu theo tiếng Pháp là parler à tort et à travers (Ưng Luận, Huế Xuân Nhâm Ngọ, 2002). Cùng trong ý nghĩa, người Huế còn có những từ ngữ khác : ba xí ba tú (phát xuất từ pas du tout ?), ba xàm ba láp, ba hoa thiên địa, ba hoa xích đế, ba trợn ba dáng, ba nhảm tầm phào, tầm bậy tầm bạ,... xi lô xi la (như mấy ông Tây !). Lối nói nầy có phần vui tai nữa là khác, nhất là khi mấy ôn, mấy mụ thích dùng chữ Hán : đa ngôn thì đa quá (nói nhiều thì lỗi nhiều), tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn (chứa lúa phòng đói, chứa áo phòng lạnh), tích khí tồn thần (giữ gìn nguyên khí), tích thiểu thành đa (dồn ít thành nhiều), đơn thương độc mã (một giáo một ngựa), bần cư trung thị vô nhơn vấn, phú tại sơn lâm hữu khách tầm (nghèo ngay giữa chợ không người hỏi, giàu tại rừng sâu có khách tìm). Có khi tích điển cũng được dùng, tỏ ra người nói biết nhiều về sử sách : đồ phản chủ đầu trâu (phản Trụ đầu Châu : bỏ nhà Trụ theo Châu Văn Vương), phản thục đầu tào (Phản Lưu Bị tức Thục, đánh nhau với Tào Tháo tức Tào), kéo cả bầy họ Tạ (trong tuồng Sơn hậu, nhờ có hai bà chị chánh cung và tam cung nâng đỡ nên Tạ Thiên Lăng, Tạ Ôn Đình được làm tể tướng, thái sư và cả nhà họ Tạ làm quan lớn nhỏ trong triều đình của Tề Thiện Đế) (Mặc Khách, Sông Hương, 1982). Trong giao thiệp giữa trai và gái, cô gái nhiều khi muốn thử chàng trai và đặt ra những câu hỏi lắt léo, trai mà đối đặng, ngựa xe em xin rước liền : Bánh cả gánh răng (sao) nói rổ bánh ít, trầu cả chợ răng bảo trầu không ? Trái cau lửa răng gọi cau không nóng, tóc dợn sóng răng mà sóng không trào ? Nước không chân răng kêu nước đứng, lửa không miệng răng bảo lửa cười ? Con mèo không rách răng kêu mèo vá, con cá không thờ răng gọi cá linh ? Chó đánh trên đầu răng nó kêu cẳng (chân), ngựa cột đằng trước răng hí sau hè ? Con gà không rang răng bảo gà nổ, con chó không nướng răng kêu chó vàng ? Con cá chưa tra (già) răng kêu cá móm, con cá giữa chợ răng gọi cá thu ?Mặt trời không lôn (trồng) răng bảo mặt trời mọc, mặt trăng không giận răng trách mặt trăng quầng ? Những câu hò giã gạo biến tấu tùy theo thể thức ướm lòng, trêu ghẹo hay ân tình, ly biệt. Những câu hỏi thử tài thường được thưởng thức nhất vì đòi hỏi bên phía trai những đối đáp tài tình, ý nhị không kém gì những câu hỏi bên gái. - Này anh ơi, chừ (bây giờ) em hỏi anh : Chữ chi là chữ chôn xuống đất ? Chữ chi là chữ cất côi tra (giấu trên gác)? Chữ chi nặng không ai tha (mang) nổi ? Chữ chi mà gió thổi bay đặng không bay ? Trai nam nhi anh đà đối đặng, miếng trầu cay cho chàng. Hai chữ tiền tài anh chôn xuống đất. Hai chữ nhân nghĩa anh cất côi tra. Hai chữ nhớ thương phượng tha không nổi. Chữ tình chữ hiếu gió thổi bay đặng không bay. Trai nam nhi đà đối đặng, miếng trầu cay mô (đâu) nào ? - Trăm trăm loại dầu, có dầu chi là dầu không thắp ? Trăm trăm thứ bắp, có bắp chi là bắp không rang ? Trăm ngàn thứ than, có than chi là than không quạt ? Trăm ngàn thứ bạc, có bạc chi là bạc không tiêu ? Trai nam nhi bên chàng đội đặng, dải lụa đào em trao. Trăm trăm loại dầu, có nắng dãi mưa dầu là dầu không thắp. Trăm trăm loại bắp, lắp bắp mồm, lắp bắp miệng là bắp không rang. Trăm ngàn thứ than, có than hỡi than hời là than không quạt. Trăm ngàn thứ bạc, có bạc tình bạc nghĩa là bạc không tiêu. Trai nam nhi bên chàng đối đặng, dải lụa điều thấy mô ? (Bửu Biền, Câu hò tiếng hát xứ Huế, 2002). Dân Huế thường được xem là người giàu tình cảm, cho nên khi gặp nhau trai gái đã có ngay những trao đổi mặn mà : Tới đây hò hát làm quen, ngày mai ai mô về nấy (ai đâu về đấy), chớ thả lòng quen bạn cười. Thương yêu như thế, anh còn nghi ngại gì nữa : Dạ ăn ở mần ri (thế nầy), anh còn bán tin bán nghi lẽ nào. Hỏi em có thương anh không, hay là bán trâu lẻ bóng giữa đồng cho anh. Không ngại non sông cách trở, em theo anh bất cứ nơi nào : Trồng hường bẻ lá che hường, thương nhau bất quản đôi đường xa xôi. Nếu anh ra về không chút hứa hẹn : Rồi mùa tót rạ (phần thân cây lúa còn lại sau khi gặt) rơm khô, bậu (bạn) về quê bậu biết mô mà tìm ! Chỉ còn lại một nỗi nhớ nhung : Bèo nhớ sen khi sương sa ấm gốc, sen nhớ bèo khi nắng tạt mưa vùi. Bây giờ nước lớn bèo vui, sen nâng niu ở lại, bèo xa rồi sen ơi. Nhưng em không khi nào nản lòng : Trái bòn bon trong tròn ngoài méo, trái thầu đâu trong héo ngoài tươi. Em thương anh ít nói ít cười, ôm duyên ngồi đợi chín mười con trăng. Tuy vậy, em phải chờ đợi đến bao giờ : Chờ anh bơ (cho nên) tuổi em cao, bơ duyên em lạt, bơ má đào em phai. Đằng kia gặp nhau, mến nhau thì chàng vội vàng : Trúc thưa với mai, trúc đà lỡ hứa. Trúc hỏi mai rằng đã dựa mô chưa ? Trúc hỏi thì mai xin thưa, cá còn ẩn vực (chỗ nước sâu) chứ chưa vào lừ (giỏ bắt cá). Đôi ta thật xứng đôi vừa lứa : Trầu vàng nhai với cau xanh, duyên em sánh với tình anh tuyệt vời. Cớ chi em nỡ bỏ ra về : Ra về răng dứt mà về, bỏ non bỏ nước bỏ mây thề cho ai ? Nếu em biệt tăm mất tích : Thương em nỏ biết mần răng (chẳng biết làm sao), mười đêm ra đứng trông trăng cả mười. Anh chỉ biết sầu thảm một mình : Chiều chiều bóng bổ qua cầu, con ong say vì mật, con bướm sầu vì hoa. Không lẽ nào em quên bỏ anh : Cây cao đại thụ có khi rớt lá lọi (gãy) cành, đây chưa bỏ đó (anh chưa bỏ em), răng đó đành bỏ đây (sao em đành bỏ anh) ? Em có biết anh buồn thảm đến mức nào : Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội, người xa người tội lắm người ơi. Nỏ (chẳng) thà không chộ (thấy) thì thôi, chộ rồi mỗi đứa mỗi nơi cũng buồn. Anh ăn ngủ không yên : Đêm năm canh anh nằm không yên giấc, ngày sáu khắc rục rũ khô héo lá gan. Anh chỉ còn van xin em : Tay bưng dĩa muối chén gừng, gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau. Và hy vọng một ngày nào : Cây quế Thiên Thai mọc nơi khe đá, trầm với vạn giả hương tỏa sơn lâm. Đôi đứa mình như quế với trầm, trời xui gặp gỡ sắc trầm trăm năm. Mấy chục năm hiện diện của người Pháp đã để lại trong tiếng Việt nói chung, trong tiếng Huế nói riêng, nhiều danh từ phiên âm. Từ cà phê, phó mát, xà lách, qua xà phòng, cà vạt, mù soa, nhiều từ được thông dụng và lắm khi ta cũng chẳng nghĩ đến nguồn gốc của chúng nữa. Trong giới học sinh, cái "mốt" là chêm tiếng Pháp trong câu nói của mình (như người Ấn Độ chêm tiếng Anh) : Moi (tôi) ra Poste mua tem, toa (mầy) có nhờ moa service gì không ? Ở Huế, thầy Nguyễn Đức Đôn, một vị giáo sư trường Quốc Học, còn đặt ra một bài văn tế lẫn lộn hai thứ tiếng Pháp và Việt cho các học sinh làm biếng bị đuổi : "Nhớ các vu (vous) xưa, có cậu An Nam, có trò mê tít (métis), tư cách đã nuyn (nul), tính tình lại bệt (bête). Người thì pat xap tra vay (passable travail), kẻ lại mô ve công đuýt (mauvaise conduite). Lúc vào lớp sách vở nào nghĩ đến, ba vạc tú dua (bavarder toujours). Khi về nhà cơm nước chẳng lo gì a lê tút xuýt (aller tout de suite). Gặp những lễ Tút Xanh (Toussaint) tút xiếc, công giê (congé) rồi mặc sức cua ria (courir)... Ngoảnh mặt lại thẹn cùng lơ mét (le maỵtre), ơn tác thành nào có duyn ta (résultat). Quay về nhà tủi với pa răng (parents), công dưỡng dục đành không mê rit (mérite). Gạt đê (regarder)khắp sông Hương núi Ngự, non sông chung một vẻ đu lơ (douleur). Pat xê (passer) Thượng Tứ, Đông Ba, quang cảnh đãtrăm chiều trit tét (tristesse). Than ôi ! Vì nhác (làm biếng) mà hư, không lo thì chết. Hỡi ôi, thượng hưởng ! " (*) Vào khoảng 1948, cố nữ sĩ Thái Ngộ Khê có bài thơ song ngữ Đi chợ (Vần thơ dại, 1987) tặng học sinh đệ tam văn học trường Huỳnh Thúc Kháng : Sáng sáng đôi anh đi Marché,Sau cuộc đảo chánh Nhật ngày 9.3.1945, học sinh truờng trung học Khải Định, trước kia và sau nầy là trường Quốc Học, bắt đầu làm quen với chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Việt. Hân hoan tiếp xúc với danh từ khoa học mới mẻ, các thanh niên thiếu nữ không biết và cũng chưa muốn vượt ra khỏi biên giới những kiến thức mới lạ. Bài thơ Tình hoa toán của một học sinh ban toán (Nùng Lan) biểu lộ tâm tư học sinh hồi ấy (*): Ai định nghĩa được lệ hoa man mác,Văn chương ở Huế không chỉ giới hạn trong yêu đương, trong không gian những người có học thức, mà còn lan rộng ra cả quần chúng. Ví dụ, khi giận dữ, họ bày tỏ nỗi lòng trong các câu chưởi : chưởi nhẹ, chưởi xéo, chưởi giận, chưởi loạn, chưởi dai. Mất vài con gà, chủ nhân ra đường chưởi đổng, trình diễn cả một bản trường ca hàm hồ, hỗn xược, tục tĩu, bình thản mà đau điếng, dông dài mà thấm thía : Cao tằng tổ dĩ, cao tằng tổ khảo, cố tổ gia tông, cả ông, cả bà, cả cha, cả mẹ, chú bác, anh em, họ nội, họ ngoại, xa gần ân ái, họ gái họ trai, dưới âm phủ đội mũ mà đi lên, trên thiên đàng xếp hàng mà đi xuống, bay hãy vén mái tai, gài mái tóc, đặng chống tai lên cho rõ, chống cửa ngỏ cho cao, chặt hàng rào cho thấp để mà nghe tao chưởi đây nầy : Tam canh mụ đội, xóm hội, xóm phường, xóm trước, xóm sau, xóm trên, xóm dưới, lư hương bát nước, chiếu trải giường thờ, tau bới mả cha bay rung rinh như thuyền mành gặp sóng, tau nín như nín địt, tau dập như dập cứt mà bay cứ bươi ra, bay chọc cho tau chưởi. Tau chưởi cho tan nát tông môn họ hàng cái quân khốn kiếp, cái quân vô hậu kế đợi đã ăn của tau bảy con gà xám, tám con gà vàng. Bay ăn chi mà ăn ác nhơn ác nghiệp. Bay ăn bằng nồi đồng, bay ăn bằng nồi đất, bay ăn lật đật, bay ăn ban đêm bữa tối. Bay ăn cho chồng bay sợ, cho con bay kinh, bay ăn cho ngã miếu sập đình, cho mồ cha bay chết hết để một mình bây giờ bay ngồi đó bay ăn. Đồ cái quân ăn chó cả lông, ăn hồng cả hộ. Cái quân không sợ trời đánh thánh đâm, trời đánh thánh vật. Bây giờ mần răng mà ăn hết một chục rưỡi con gà (*). Đi một vòng dù vội qua lời văn tiếng nói xứ Huế, chắc ai cũng công nhận vùng đất miền Trung nầy có nhiều từ ngữ lạ tai, có người cho là độc đáo, dễ thương, chính người Huế thì xem nó như là biểu trưng cho bản sắc của mình. Vì vậy, không những lúc gặp nhau huyên thuyên trò chuyện họ đua nhau dùng đủ thứ thổ ngữ, trong sách báo họ sử dụng đôi khi cũng quá nhiều. Ta không thể trách được những người từ chối quên bỏ quá khứ, sống tha hương mà luôn hướng lòng về quê nhà. Tuy vậy, cũng có người thấy bất tất phải dùng mô, tê răng, rứa hay phán câu yêu cầu "eng nớ, ăn xong eng ra xuốc cái cươi chút hí" vì "thiển nghĩ độc đáo chưa chắc là một điểm son, một điều hay, một cái đẹp" và bị trách không biết khai thác tiếng Huế của mình, của hiếm mà không tóm lấy cất dùng, phí của trời (Võ Đình, Văn học, 2000). Thật ra, sử dụng quá đáng không hay mà bỏ quên đi cũng là điều phí lãng. Không phải tình cờ mà bên cạnh những tờ Sông Hương, Người Sông Hương, Tiếng Sông Hương, Huế Xưa và Nay, Nghiên cứu Huế, những giai phẩm, đặc san Quốc Học, Đồng Khánh,... rất nhiều nơi trên năm châu đã đua nhau xuất bản những tập san, tuyển tập Nhớ Huế, ngay cả một bộ Tự điển tiếng Huế (*)cũng được công phu soạn thảo, hầu mong giữ vững lâu dài lối nói tiếng Huế, một khía cạnh văn hóa miền Trung đất nước.
|
|
|
[
trang trước ] / [
trang
sau ]
|