Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về   ]        [ Tác giả ]  

Vì sao tôi nghiên cứu khoa cử

Nguyễn Thị Chân Quỳnh

Từ nhỏ tôi vẫn thích viết lách nhưng yên trí nếu không làm thơ thì cũng viết truyện ngắn, truyện dài, không bao giờ ngờ rằng một ngày kia mình lại có thể "say mê" đi vào con đường "khô khan" là nghiên cứu, biên khảo.

Tôi bước chân vào ngành biên khảo một cách rất tình cờ : Như đã nói trong "Lối Xưa Xe Ngựa... ", khoảng 1985, tôi mua được quyển Quand les Français découvraient l'Indochine (Khi người Pháp tìm ra Ðông-dương) của Charles Daney trong có loạt ảnh do Salles chụp cảnh lễ Xướng Danh trường Hà-Nam khoa Ðinh-Dậu (1897), ảnh rất rõ và đẹp. Tôi đã đọc Lều Chõng của Ngô Tất Tố và Bút Nghiên của Chu Thiên nên đã biết Khoa cử nhưng nay mới thấy tận mắt quang cảnh trường thi là thế nào, Khảo quan, lính hầu, Tân khoa ăn mặc ra sao... Tôi như người được du lịch ngược thời gian. Thích quá, tôi đã tìm đến tận kho ảnh để xem toàn bộ, chọn thêm được mấy cái nữa. Từ đấy tôi nẩy ra ý muốn săn tìm tất cả những ảnh chụp về Khoa cử để in thành sách cho mọi người cùng được thấy quang cảnh trường thi ngày xưa, đồng thời cũng là một cách bảo tồn những tấm ảnh lịch sử quý hiếm.

Nhìn quang cảnh sĩ tử nhập trường cắp lều chiếu nhẹ thênh thênh, tôi liên tưởng đến đoạn Ngô Tất Tố tả trong Lều Chõng : "Hàng vạn con người cùng một lối trang sức như nhau : sườn này cái chõng tre và bộ gọng lều, sườn kia thì bó áo tơi và cuộn áo lều hoặc một đôi chiếu cói ; trên ngực quả bầu be và chiếc ống quyển ; dưới bụng thì cái yên mộc hay cái tráp sơn. Bấy nhiêu đồ vật nặng có nhẹ có, lớn có bé có, dài có ngắn có, hết thẩy xúm lại và đu cả lên cái cổ yếu ớt của các ông thư sinh. Hình như Trời cũng bắt tội các nhà nho trước khi bước lên đường công danh đều phải tập làm việc của bọn phu trạo". Linh hoạt thì có linh hoạt nhưng... không giống ảnh !

Tôi để ra một năm đi thăm các kho ảnh ở Paris mới biết là trừ Salles ra còn thì lác đác đó đây chỉ có vài cái chụp Khảo quan hoặc trường thi với các dẫy lều Thí sinh. Charles Daney cho biết Thư Viện Quốc Gia có hai cái. Tôi đi năm lần bẩy lượt cũng không ai biết ảnh nằm đâu, phải quay lại hỏi Daney lần nữa. Cuối cùng, vẫn không tìm ra, họ đành dẫn tôi đi thang máy xuống cả chục từng hầm như vào Mê hồn trận, rồi bỏ tôi một mình ở đấy mặc sức tìm và cũng mặc sức... sợ. Ví thử họ quên, không quay lại thì tôi biết đằng nào mà lần ? Ở dưới hầm sâu mấy từng, chung quanh những sách là sách, dù gọi khản cổ cũng chẳng ai nghe thấy ! Rút cục tôi cũng tìm ra hai cái ảnh ấy nhưng thất vọng vì là loại Bưu thiếp, một cái chụp trường thi và lều các Thí sinh, một cái chụp trống thu quyển, ảnh đã nhỏ lại mờ, cũng không chú thích rõ ngày tháng như Salles.

Khi đã đi lùng hết các kho ảnh ở Paris, tôi định bụng sẽ cho ra một quyển sách loại phổ thông mà chủ lực là tranh ảnh kèm theo thơ văn liên quan đến thi cử, còn phần chú thích của tôi sẽ rất khiêm tốn, tôi tự biết mình không phải "nhà nghiên cứu" và định bụng viết xong quyển này là sẽ ngừng. Mục đích của tôi chỉ để giới thiệu loạt ảnh Khoa cử và văn hóa Việt-nam cho Việt kiều -những người vì hoàn cảnh nên có lẽ biết nhiều về văn hóa nước người hơn văn hóa nước mình- và những người ngoại quốc muốn tìm hiểu sơ qua về văn hóa Việt-nam. Tôi còn có ý muốn giúp Việt kiều thế hệ thứ hai (không thông thạo tiếng mẹ đẻ) cùng những người ngoại quốc đang học tiếng Việt và những người Việt đang học tiếng Pháp, nên viết loại song ngữ Việt-Pháp, dịch khá công phu để họ có thể đối chiếu mà trau giồi thêm Pháp ngữ hay Việt ngữ. Quyển này viết xong từ năm 1989 nhưng tạm thời xếp trong ngăn kéo vì không có thì giờ tìm nhà xuất bản.

Săn ảnh tuy mất công nhưng không thấm vào đâu với việc chú thích mà lúc đầu tôi tưởng dễ dàng, bắt tay vào mới nhận ra sách sử của ta mỗi người chép một phách, biết tin ai ? Thí dụ Ngô Tất Tố tả cảnh vinh quy thì cho cờ biển đi trước, nhưng Chu Thiên lại viết là kèn trống dẫn đầu. Có người gửi cho tôi một tờ báo của các phụ lão ở Mỹ, thấy có cụ tuyên bố đã từng chứng kiến tới ba đám rước vinh quy, tôi mừng quá, cậy cục xin địa chỉ, một năm sau mới được, hóa ra tác giả sống ngay vùng Paris như tôi ! Tôi đã gập và đặt câu hỏi trong đám rước vinh quy cái gì đi trước thì cụ lắc đầu :"Không nhớ được. Lúc ấy tôi mới có 8 tuổi". Tôi gặng :"Nhưng cụ nói đã chứng kiến tới ba đám vinh quy, vậy thì hai đám kia thế nào ?". Cụ vẫn lắc :"Lại càng khó nhớ vì một lần tôi chỉ có 3 tuổi, còn lần kia mới được 8 tháng, vú em còn ẵm ngửa trên tay" !

Có người bạn sau khi đọc bài :"Ai là chủ khảo trường Hà-nam khoa Ðinh-Dậu ?" bảo tôi :"Ðọc chị như đọc Agatha Christie". Tôi biết bạn tán dương cho vui, nhưng có một nhận xét đúng : quả tôi rất ham đọc và xem những phim truyện trinh thám, đoán trúng ai là hung phạm thì lấy làm thích thú. Viết nghiên cứu cũng tương tự : khi giải quyết được một nghi vấn thì có phần còn hứng thú hơn nữa. Những nghi vấn đầu tiên do loạt ảnh của Salles đem lại cho tôi. Thoạt đầu tôi khám phá ra cái ảnh mà Salles chú là "Giám sát Thân Trọng Koái" thì Trần văn Giáp lại chú là "Phó Chủ khảo Nguyễn Gia Thoại", song cả hai đều đã mất, biết hỏi ai ? Tôi bàn với Daney và chúng tôi đồng ý là Trần văn Giáp tất nhiên hiểu biết về Khoa cử hơn Salles, Daney còn yêu cầu tôi sửa hộ chú thích của Salles theo Trần văn Giáp. Tôi phóng bút sửa ngay, còn lấy làm hãnh diện đã giúp cho người Pháp chỉnh lại đúng sự thật, sau mới biết là mình thiếu kinh nghiệm, quá hấp tấp.

Như tôi đã kể trong "Lối Xưa Xe Ngựa...", tôi nghĩ vấn đề Thân Trọng Koái / Nguyễn Gia Thoại có thể giải quyết bằng cách tìm thành phần Khảo quan trong Quốc triều Hương Khoa Lục của Cao Xuân Dục, nhưng Hương Khoa Lục lại không chép tên các Giám sát, ngược lại, cho biết Cao Xuân Dục là Chủ khảo khoa 1894 chứ không phải Chủ kháo khoa 1897 như ảnh của Salles ghi chứng. Ảnh cũng cho thấy khoa Cao Xuân Dục làm Chủ khảo thì Paul Doumer có đến chứng kiến lễ Xướng danh. Nhờ tình cờ đọc Hồi Ký của Paul Doumer mới biết Doumer chỉ sang làm Toàn quyền từ 1897, tức là khoa 1894 Doumer còn ở Pháp, Hương Khoa Lục đã chép nhầm.

Có lẽ Trần văn Giáp cũng nhận thấy chỗ không ổn giữa Hương Khoa Lục và Salles nên mới chú thích loạt ảnh của Salles kiểu "nước đôi" : "Kỷ niệm thi Nam khoa, Thành-thái Giáp-Ngọ và Ðinh-Dậu ". Chú thích như thế tỏ ra tác giả thận trọng, chưa giải quyết được thì tồn nghi, nhưng không ổn ở chỗ mỗi khoa người ta đề cử một ban Giám khảo mới, không thể nào cùng một ban Giảm khảo lại được cử đi chấm hai khoa thi liên tiếp cùng một trường.

Vấn đề ảnh Giám sát Thân Trọng Koái hay Phó Chủ khảo Nguyễn Gia Thoại rồi cũng được giải quyết khi tôi giở ảnh của Salles ra ngắm lại, thấy Thân Trọng Koái trẻ và không có râu, trong khi Phó Chủ khảo là người ngồi cạnh biển Phụng Chỉ trong ảnh Tân khoa chào Khảo quan, và là người ngồi cạnh Chủ khảo Cao Xuân Dục trong ảnh chụp toàn ban Giám khảo, lại là một người đã có tuổi và để râu, như vậy là Trần văn Giáp chú thích nhầm, người trẻ tuổi và không râu không thể là Phó Chủ khảo Nguyễn Gia Thoại.

Vụ Thân Trọng Koái / Nguyễn gia Thoại dẫn tôi chú ý đến cái biển Phụng Chỉ viết một cách kỳ quặc : một chữ lớn ở trên, một chữ nhỏ ở dưới, nép sang bên phải. Tôi không biết chữ nho, nhờ mẹ tôi đọc hộ. Mẹ tôi đọc là Phụng chỉ, tôi hỏi tại sao biển còn thừa chỗ mà lại viết chữ dưới nhỏ và lệch sang một bên, trông trống chếnh, không cân đối, mẹ tôi lắc đầu không biết. Tôi vẫn yên trí chữ trên là Phụng, chữ dưới là Chỉ cho đến khoảng bẩy năm sau, khi soạn quyển "Lối Xưa Xe Ngựa...", tôi đem tự vị ra tra mới rõ chữ trên là Chỉ, chữ dưới là Phụng. Tôi lấy làm lạ sao lại đọc chữ dưới trước chữ trên. Lúc ấy mẹ tôi đã mất nên không hỏi được, sau mới nghĩ ra chữ nho đọc từ phải sang trái, nhưng cũng chưa giải quyết được tại sao có chữ to chữ nhỏ, chữ đọc sau lại ở trên, chữ đọc trước ở dưới. Tôi đã biết lệ luật trường quy nhưng phải một thời gian sau mới tình cờ "giác ngộ", đem ráp hai chuyện làm một và hiểu rằng cái biển không làm gì khác hơn là áp dụng luật trường quy : chữ Phụng trỏ vào ông quan nên phải viết nhỏ lại, chữ Chỉ trỏ vào công việc làm của vua làm nên phải đài lên cao một bực. Sở dĩ mẹ tôi không hiểu là vì thời xưa phụ nữ không được đi thi nên mẹ tôi không học đến luật trường quy. "Giác ngộ" rồi, tôi mừng tưởng còn hơn bắt được vàng !

Ngoài những thích thú khi giải quyết được một vấn đề, nghiên cứu còn dậy tôi hai bài học : dè dặt và kiên nhẫn. Phải dè dặt vì dù thận trọng đến đâu cũng không sao tránh khỏi sai lầm. Kinh nghiệm cho biết có những điều thoạt nghe tưởng không có gì đáng nghi ngờ, như Nguyễn Công Trứ đỗ Tiến-sĩ, lại hóa ra sai, Nguyễn Công Trứ chỉ đỗ Giải-nguyên, tức đỗ đầu thi Hương.

Khi viết về Lê văn Duyệt thì trong số những sách tôi đọc chỉ có một quyển viết là "Lê văn Duyệt đã giúp vua đánh Trịnh, dẹp Tây sơn". Tôi lấy làm "đắc chí" đã tìm thấy một chi tiết ít người biết, chép ngay mà không kiểm lại. Sách in ra, tôi nhận được thư của một độc giả viết :"Lê văn Duyệt mà muốn đánh Trịnh thì phải vỗ đùi nhẩy qua đầu Nguyễn Huệ". Tôi sửng sốt, vì yên trí Lê văn Duyệt có đánh nhau với Hoàng Ngũ Phúc, sau tính lại thì thời Hoàng Ngũ Phúc Nam chinh Lê văn Duyệt, cũng như Nguyễn Ánh, chỉ mới khoảng mười tuổi, chưa thể cầm quân đi đánh trận. Thấy người viết thư là người duy nhất chú ý đến tiểu tiết này lại họ Trịnh, tôi hỏi có phải dòng dõi chúa Trịnh không, quả nhiên đúng.

Bài học thứ hai là để giải quyết một nghi vấn thì phải kiên nhẫn đọc thật nhiều - có khi đọc cả tháng không tìm ra cái muốn tìm mà lại ra cái không định tìm- và kiểm tra thật kỹ. Như tôi đã viết trong bài "HỒ XUÂN HƯƠNG - "Rút nhầm tơ duyên...", ai cũng biết Nguyễn Du đỗ tam trường, nhưng là thi Hương hay thi Hội, thi ở Thăng-long hay ở Sơn-nam, thi năm 17, 18 hay 19 tuổi thì không ai biết đích xác. Theo tôi, thi Hương, như tên đã nói rõ, là thi ở quê hương mình. Nguyễn Du quê ở Nghệ-tĩnh thì phải thi ở trường Nghệ như người cháu năm đời là Nguyễn Mai, đã đỗ Cử-nhân khoa 1900 tại trường Nghệ. Thăng-long chỉ là nơi Nguyễn Du sinh trưởng, Nguyễn Du chỉ có quyền xin phụ thí ở Thăng-long nếu cha đang làm quan ở đấy, nhưng ai cũng biết Nguyễn Du mồ côi cha từ mười tuổi. Còn Sơn-nam là quê vợ thì Nguyễn Du không có lý do gì để được thi ở Sơn-nam cả.

Nhiều người như GS Hoàng Xuân Hãn khẳng định là Nguyễn Du đỗ Sinh-đồ, tức đỗ tam trường thi Hương, có lẽ vì nghĩ Nguyễn Du chân trắng tất phải bắt đầu bằng thi Hương. Sự thực, theo tôi, Nguyễn Du có cha làm quan to nên được hưởng lệ tập ấm, miễn thi Hương, chỉ cần đỗ một kỳ khảo hạch là có quyền thi Hội, và vì đỗ tam trường thi Hội không có tên gọi riêng như đỗ tam trường thi Hương (gọi là Sinh-đồ thời Lê, Tú-tài thời Nguyễn) nên người ta mới chép lửng lơ là "đỗ tam trường". Dĩ nhiên thi Hội là phải thi ở kinh đô chứ không thể thi ở Sơn-nam.

Theo Khoa Mục Chí của Phan Huy Chú thì Thăng-long chỉ tổ chức thi Hội vào những năm :

1781 khi Nguyễn Du được 17 tuổi ta ;

1785 khi Nguyễn Du đã rời Thăng-long lên Thái-nguyên.

Còn năm 1783, Nguyễn Du 19 tuổi, thì không có khoa nào cả. Cho nên tôi kết luận rằng : Nguyễn Du chỉ có thể thi Hội ở Thăng-long, năm 1781,17 tuổi ta.

Tuy nhiên, đọc nhiều cũng chưa đủ, thành công một phần không nhỏ còn nhờ ở may rủi, nếu đọc không đúng lúc cần thì có đọc cũng như không. Còn nhớ khi mới bắt đầu tìm tài liệu về Khoa cử có người cho tôi mượn bộ Bóng Nước Hồ Gươm của Chu Thiên, lúc ấy tôi chỉ chú tâm tìm hiểu về Khoa cử, ngoài ra đọc lướt qua. Năm 1996, đọc tới đoạn Toàn quyền Pierre Pasquier kể chuyện năm 1898 ông ta cùng viên Công sứ ở "Cau Do" đã chứng kiến một quang cảnh lạ lùng : Dân chúng võng lọng khiêng trả nhà nước một ông quan huyện vì ông này không do Khoa mục xuất thân mà do người Pháp cất nhắc (vì đã có công cộng tác đắc lực với chính phủ Bảo hộ). Pasquier viết tiếng Pháp nên "Cau Do" không có dấu, tôi tự hỏi "Cau Do" là gì, tìm mãi trong các sách địa dư cũng không ra. Ðầu năm 2000, mua được bộ Bóng Nước Hồ Gươm, đọc lại, đến gần cuối mới thấy Chu Thiên đã giảng rành mạch "Cầu Ðơ" là tên của Doumer đặt cho Hà-nội, lần đọc trước tôi không lưu ý đến chi tiết này.

Không phải lúc nào tôi cũng may mắn giải quyết được như trên. Khi viết chương "Ðề mục" của Thi Hương, tôi trích J. Boissière, chép một đề mục khoa 1894 :"En hiver, on creusa la rivière de Thu", tôi dịch là "Về mùa đông, người ta khơi con sông Thu " nhưng chữ Thu J. Boissière viết không có dấu nên tôi không hiểu là sông Thu, sông Thù, sông Thú, sông Thủ, sông Thư vv. ? Tôi đọc lại Ðông Chu Liệt Quốc, Trung Quốc Sử Cương, Tứ Thư, Ngũ Kinh -trừ Kinh LễKinh Xuân Thu chưa mua được- cũng không tìm ra. Một người bạn cho biết nước Lỗ có con sông Thù, Khổng tử thường ra đấy giảng đạo, nhưng chi tiết này chẳng ăn nhập gì với đề mục vì trong một bài làm mà J. Boissière tả là được các Khảo quan khuyên chằng chịt xanh đỏ khiến người ta có cảm tưởng như đứng trước một vườn hoa xuân, có câu :"Ðúng là về mùa đông, vua nước Lỗ, thiếu suy xét, đã cho khơi con sông Thu để bảo vệ kinh thành", rõ ràng đầu đề không nói về đạo Khổng mà nói về vấn đề bảo vệ nước. Giữa năm 2000 tôi mới mua được quyển Kinh Lễ, trong có đoạn nói tới sông Thú, nhưng phần chú thích lại chép là Thù. Tôi kết luận chắc tên con sông là Thù nhưng vẫn chưa tìm ra điển tích.

Những sách nòng cốt về Khoa cử (Lịch Triều Hiến Chương - Khoa Mục Chí của Phan Huy Chú hay Quốc triều Hương khoa lục và Ðăng khoa lục của Cao Xuân Dục) viết tỉ mỉ về số người đỗ, song lại sơ sài về các đề mục vv. Ngoài ra không phải là không có những chỗ sai lầm hoặc thiếu minh bạch. Thí dụ : khi Phan Huy Chú viết là "thi Cử-nhân" thì phải hiểu là "thi những người đã đỗ Cử-nhân" tức thi Hội, chứ không nên hiểu theo ngày nay là "thi để đỗ Cử-nhân".

Không những thế, Phan Huy Chú chỉ chép về Khoa cử từ nhà Lê về trước, Cao Xuân Dục chỉ chép Khoa cử thời nhà Nguyễn, phải đợi đến Dương Quảng Hàm, Trần văn Giáp, Tuyết Huy vv. mới thấy những bài viết bao quát đầy đủ từ nhà Lý khai khoa đến nhà Nguyễn bãi Khoa cử, nhưng lại là những bài chỉ gồm mấy chục trang, quá sơ lược. Quyển Khoa cử và Giáo dục Việt-nam của Nguyễn Q. Thắng tuy viết đứng đắn nhưng vẫn khái quát.

Ðể có một quyển sách về Khoa cử tương đối đầy đủ tôi cũng viết từ thời nhà Lý đến nhà Nguyễn, kèm theo tranh ảnh minh họa. Như trên đã nói, tôi khởi sự từ năm 1985, đến năm 1989 thì viết xong quyển Khoa cử loại phổ thông. Năm 1997 tôi đem ra sửa lại, viết tỉ mỉ hơn, do đó nhận ra có một số vấn đề mà khi viết loại phổ thông tôi không thấy và các bậc đi trước cũng không đề cập đến. Thí dụ ngày nay có ít nhất là năm người viết rằng thời xưa đi thi chỉ học Bắc sử (sử Trung quốc) còn Nam sử (sử Việt-nam) phải đợi người Pháp sang cải cách Khoa cử (1909) mới đưa vào chương trình. Tôi rất lấy làm ngờ vì trong non một nghìn năm tự trị ta dùng Khoa củ kén người ra cầm quyền chính, ngay từ đầu đã biết thi văn sách hỏi về thời vụ nước Nam, thế mà trong non một nghìn năm ấy lại không có một ai nghĩ đến chuyện đưa Nam sử vào chương trình học thi hay sao ? Lý thì như vậy nhưng phải có bằng chứng. Tìm cả tháng trời trong các đề mục thi không thấy, sau phải chuyển sang tìm trong chương trình học thi mới được Dương Quảng Hàm cho biết trong số các sách học v" lòng có quyển Sơ Học Vấn Tân dành gần một phần ba dậy Nam sử, nhưng lại không nói sách viết từ thời nào và ai là tác giả. Tình cờ ít lâu sau đọc Văn Ðàn Bảo Giám mới hay trong số những tác phẩm của Trương Vĩnh Ký có Sơ Học Vấn Tân nhưng cũng không có thêm chi tiết nào khác. Phải giở Sương mù trên tác phẩm Trương Vĩnh Ký của Bằng Giang mới biết năm 1877 T.V. Ký đã dịch và in Sơ Học Vấn Tân đích xác vào năm 1884, tức năm ký Ðiều ước Giáp Thân (Patenôtre) công nhận cuộc Bảo Hộ của người Pháp. Rõ ràng Nam sử đã được đem dậy ấu học từ trước khi Pháp đô hộ ta. Sau này đọc lại Khoa Mục Chí tôi mới thấy đoạn Phan Huy Chú trích bản khải của Ngô Thì Sĩ gửi chúa Trịnh Sâm có câu : "Học trò làm văn chỉ vụ ý quan trường (...) về quốc sử và thời vụ chỉ biết qua loa, trả lời cẩu thả...". Hiển nhiên, it ra là từ thời Lê Trung Hưng, quốc sử đã có trong chương trình đi thi.

Sang thời Nguyễn, Thực lục chép :"Năm Minh-Mệnh 18 (1838), Ngự sử Nguyễn văn Ðạt dâng sớ xin cho các đề thi lấy ở Kinh Truyện và Nam sử làm phần chính, Bắc sử làm phụ. Vua truyền cho bộ Lễ bàn xét. Bộ Lễ tâu xin cho sửa lại những bộ sử cũ làm thành "Lịch Ðại Nam Việt Sử Ký" để dùng trong việc thi cử ". Bằng chứng rành rành là không phải đợi người Pháp sang Bảo hộ ông cha ta mới biết đưa Nam sử vào chương trình học thi.

Có những nghi vấn tôi mất nhiều năm mới giải quyết được, vì thế, để tránh cho người đi sau đ" mất thì giờ tìm kiếm những điều tôi đã tìm ra, tôi quyết định gửi bài đăng báo.

Ðối với những nghi vấn chưa giải quyết được một cách ổn thỏa như "giấy trung chỉ", "biếm một tư" là gì, tôi đều hỏi người chung quanh nhưng thường được trả lời đại khái :"Chị hỏi toàn những câu hóc búa !" tôi đành chép lại nguyên văn để tồn nghi.

Khi sửa lại quyển Khoa cử (1997), tôi tính chỉ cần lấy sách ra điền thêm những chi tiết tôi đã thu thập được trong bấy lâu là xong. Sự thật, điền thêm những chi tiết mới thì dễ, nhưng điền xong đọc lại thấy như cái áo vá, rời rạc. Thế là tôi đành ngồi viết lại từ đầu, song những sách đọc từ hơn mười năm trước nay quên gần hết, phải đọc lại ! Vì có quá nhiều tư liệu, mặc dầu đã bỏ phần Pháp ngữ, tôi vẫn phải san sách thành haì quyển :

- Tập Thượng dành cho thời kỳ "Dùi mài kinh sử" và "Thi Hương", kể như đã viết xong, gồm hơn 200 trang khổ to (21x29,7) và khoảng 80 cái vừa tranh vừa ảnh ;

- Tập Hạ gồm "Thi Hội -Thi Ðình" và "Phụ lục", dự tính hoàn tất trong ba năm nữa.

Ngay từ khi khai thác các tài liệu của người Việt tôi cũng đồng thời tìm đọc những sách báo của người Pháp viết về Khoa cử. Khi Pháp chiếm được nước ta rồi họ liền tìm cách củng cố chủ quyền, tìm hiểu văn hóa người bản xứ và dĩ nhiên họ đặc biệt lưu ý đến Khoa cử là chỗ đào tạo ra vua quan là những người nắm giữ vận mệnh nước Nam. Họ đã quan sát Khoa cử với cặp mắt tò mò, mới lạ. Những bài tường thuật của họ có nhiều chi tiết mà sách sử của ta không mấy lưu ý, chẳng hạn ghi rõ ngày khai khoa, ngày bế mạc (âm lịch và dương lịch), số người dự thi, số người đỗ mỗi kỳ, đề mục vv. Nếu đem phối hợp với những chi tiết của người mình chỉ chú trọng đến số người đỗ và bản thân người đỗ vv. thì ta có thể có một cái nhìn tương đối khá chính xác và đầy đủ về Khoa cử cuối thời nhà Nguyễn.

Tuy người Pháp chép ghi tỉ mỉ nhiều chi tiết đáng tin cậy, song khi sử dụng tài liệu của họ chúng ta vẫn phải dè dặt vì văn hóa khác nhau, dễ có chỗ hiểu nhầm. Bác sĩ Hocquard kể năm 1892 có đến thăm trường thi Hà-nội sau khi bế mạc và thấy tận mắt những mảnh giấy niêm phong phòng thi của các Thí sinh. Hocquard không thể hiểu rằng người ta lại có thể niêm phong phòng để giam các Khảo quan. Ðiều đáng tiếc là vì Hocquard vìết sai nên giắt dây cho những người Pháp đi sau ông cũng nhầm theo : P. Doumer chép theo Hocquard, rồi đến lượt Daney lại chép theo Doumer vv.

Không những văn hóa khác nhau nên có chỗ hiểu lầm, tôi cho đôi khi người Pháp còn xuyên tạc sự thật để tự bênh vực. Thí dụ Doumer viết rằng sở dĩ phong trào Văn thân bùng nổ mạnh là vì các nhà nho đi thi hỏng nên bất mãn với chính quyền, Doumer tỏ ra không đếm kể đến tinh thần bất khuất và bất vụ tư lợi của các nho gia chân chính.

Trên đây tôi chỉ sơ lược một số khó khăn tôi đã gập trong giai đoạn đầu tức giai đoạn tìm tài liệu và giải quyết những nghi vấn mà bất cứ ai nghiên cứu cũng gập. Giai đoạn sau chắc là những khó khăn của riêng tôi : Sang Pháp từ 1952, tôi vẫn nói và viết tiếng Việt trôi chẩy nên không ngờ mình có thể gập khó khăn khi viết sách. Quyển Métisse blanche của Kim Lefèvre tôi loay hoay mãi rồi dịch loanh quanh là Ðứa con gái lai bạch chủng, biết là lê thê, không gọn, nhưng không tài nào nghĩ ra hai chữ Ðầm lai ! Hóa ra tôi chỉ không quên những tiếng thông dụng hàng ngày, đến khi cần tìm chữ thích hợp mới thấy tìm không ra. Ðể khỏi đứt mạch tư tưởng, tôi thường tạm thời chêm tiếng Pháp hay tiếng Anh, sau đó mới lấy tự vị tra để dịch sang tiếng Việt. Song tự vị thường không đủ chữ, tôi phải đọc lung tung, hễ gập một chữ diễn tả đúng ý muốn là ghi ngay lên giấy, thành ra trên bàn học, đầu giường... chỗ nào cũng có một tờ giấy chi chít những chữ chẳng ăn nhập gì với nhau, chỉ có tôi mới biết chữ nào dùng để sửa ở bài nào, đoạn nào. Sửa xong, đọc lại thấy không còn là thứ văn dịch ngô nghê nữa tôi mới gửi bài đi. Lúc đầu tôi giấu kín không cho ai xem những tờ giấy chép chữ đó nhưng có một lần sơ ý để một người trông thấy nhặt lên tò mò đọc rồi ngẩn người ra, tôi giật lại không kịp !

Có người phỏng vấn hỏi tôi tại sao sống ở Pháp lâu năm, vào thời buổi này thiếu gì chuyện để viết mà cứ viết đi viết lại mãi một đề tài Khoa cử ? Như trên đã nói, tôi chọn đề tài Khoa cử thoạt đầu chỉ vì tình cờ được trông thấy loạt ảnh của Salles, sau đó vì cần chú thích ảnh tôi phải đọc sách và khám phá ra sách sử của ta viết không giống nhau, cần phải tìm xem ai nói đúng, rồi nhờ tìm ra được những bằng chứng để giải quyết một số nghi vấn, tôi thấy vui thích với công việc mình làm. Ấy là chưa kể nhờ đọc sách tôi đã học hỏi được nhiều, mở rộng kiến thức, sửa được những ý nghĩ sai lầm của mình : Khoa cử không phải chỉ thi thuần văn chương (concours littéraires) mà kỳ thi văn sách hỏi thuật trị nước mới là kỳ thi trọng yếu. Có tìm hiểu Ðạo Nho tôi mới biết rằng vua quan không phải chỉ là những người ngồi không hưởng thụ, nắm quyền uy vv. mà họ đều phải học bổn phận và có trọng trách. Bảo Ðại khi sang Pháp du học cũng có một ông quan theo sang để kèm dậy bổn phận làm vua theo đạo Nho. Dĩ nhiên không phải vua quan nào cũng thực hành triệt để những điều mình học, song cũng không phải họ ở ngôi cao chỉ nhờ vào chế độ "cha truyền con nối".

Một lý do cũng rất chính đáng để tìm hiểu Khoa cử là vì Khoa cử liên quan mật thiết đến vận mệnh của nước Nam. Trong non một nghìn năm tự trị ta đều đùng Khoa cử để kén người ra cầm quyền chính, đều hỏi về thuật trị nước của Nho giáo, dựa trên trật tự xã hội, giáo dục và đức độ. Khoa cử và đạo Nho đã đào tạo ra những ông vua tuy không tránh khỏi những sai lầm nhưng đã cố gắng làm tròn nhiệm vụ, những ông quan có công giữ nước, trị dân, giúp vun trồng những đức tính tốt của người dân, biết phân biệt phải trái, biết tự trọng. Mặc dầu người Việt ngày nay không mấy ai còn biết đến đạo Nho hay Khoa cử là gì nữa, song tính hiếu học và nếp sống đạo đức đã in sâu vào tâm hồn, cốt tủy chúng ta. Tôi nhận thấy người Pháp quanh tôi thường tỏ ra trọng người Việt, không những vì những thành quả ở mặt trí thức mà còn ở phong cách. Riêng đối với nước Việt, phần đông người Pháp chỉ biết trước là thuộc địa của họ và không thiếu gì người yên trí Pháp đã sang khai hóa cho ta. Nhờ hiểu biết rõ Khoa cử, tôi có thể cho họ thấy rằng Việt-nam đã có một tổ chức xã hội có quy củ từ lâu, đặc biệt đã biết đùng Khoa cử từ thế kỷ thứ XI trong khi Pháp chỉ biết dùng thi cử để kén người từ thế kỷ XIX.

Khoa cử không phải chỉ là những kỳ thi văn chương thơ phú vô bổ, không phải chỉ đào tạo ra hạng tham quan ô lại, vua chúa chuyên chế, lộng hành. Ðạo Nho đã cũ từ mấy nghìn năm song đến nay vẫn có chỗ đắc dụng như vấn đề giáo dân. Người Tây Âu trọng tự do cá nhân, thả lỏng con em quá nên ngày nay thiếu niên du đãng và bạo hành ngày một nhiều và nước Pháp bắt đầu thấy cần phải đem chương trình giáo dục công dân vào chốn học đường để trẻ em hiểu rằng sống trong xã hội chúng cũng có bổn phận chứ không phải chỉ có quyền đòi hỏi mà thôi. Mấy năm gần đây, nước Pháp "tiến bộ", cho những người đã trót gây tội lỗi được phép lấy công chuộc tội vv. song điều này không có gì mới lạ đối với xã hội Việt-nam xưa.

Khoa cử quan trọng đối với nước ta như thế song ngày nay phần đông chúng ta chỉ hiểu Khoa cử một cách lờ mờ, muốn tìm một quyển sách viết tương đối cặn kẽ về Khoa cử lại không có. Trước kia tôi có ý định thu vào một quyển tất cả những văn thơ liên quan đến Khoa cử và tất cả những sách báo viết về Khoa cử nhưng nay xét ra khó lòng thực hiện được.

Ðiều mong ước của tôi hiện thời là hai quyển Thi Hương "Lối Xưa Xe Ngựa..." tập 2 sẽ ra mắt độc giả trong năm 2001, và quyển "Thi Hội -Thi Ðình" hoàn thành được trong vòng ba năm nữa. 


Nguyễn thị Chân Quỳnh
Châtenay-Malabry, 11/12/2000