Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]                 [ Trang Chủ ]               [ Trang trước ] / [ Trang sau ]

HOÀNG XUÂN-HÃN
Lý Thường Kiệt
LỊCH-SỬ NGOẠI-GIAO TRIỀU LÝ
Phần II - Kháng Tống - Đòi đất

CHƯƠNG XI : HÒA VÀ HÒA-BÌNH 

 1. Tránh phục-binh :Trận Đâu-đỉnh
2. Tiền-phong qua sông :Trận Như-nguyệt
3. Tống tấn-công thất-bại : Trận nam-định
4. Lý tấn-công thất-bại : Trận Kháo-túc 
5. Thủy-chiến : Trận Đông-kênh
6. Giảng-hòa
7. Kết-cục
Chú-thích

 1.- Tránh phục-binh : Trận Đâu-đỉnh
Chiếm xong huyện Quang-lang, Quách Quì định kéo quân thẳng xuống Lạng-châu.

Đường thẳng là đường từ Ôn-châu đến Phủ-lạng-thương ngày nay. Đường rất hiểm-trở. Hai bên toàn rừng núi. Phía đông có dãy núi rừng man-mác chạy dài qua châu Tô-mậu đến bờ bể. Phía tây, có núi đá rất cheo-leo, bao-trùm một vùng rất rộng, mà nay gọi là núi Cai-kinh, hay đúng hơn, là núi Bắc-sơn. Núi toàn đá lèn lởm-chởm tràn về phía tây đến sông Phú-lương, thuộc Thái-nguyên ngày nay.

Trong núi, có một vài lối đường hẹp, ngoặt-ngoèo. Không quen đường thì khó dò ra được.

Đường chính phải qua ải Chi-lăng, mà sách TB chép tên là ải Giáp-khẩu. Ngoài đường chính ấy, còn có một đường vành xa về phía tây, qua xã Bình-gia, châu Vạn-nhai rồi đến Phú-lương (V/1) ; và có một lối tắt trong núi, qua xã Vạn-linh. Đường cuối này, tuy hẹp nhưng cũng khá ngắn.

Ải Chi-lăng đã làm cho quân Tống, khi sang đánh Lê Hoàn, bị một phen thất-bại. Đại-tướng Hầu Nhân-Bảo đã bỏ mình vì phục-binh của Lê đặt ở đó.

Lần này, Lý Thường-Kiệt cũng đặt nhiều quân lính nấp hai bên cửa ải để đợi quân Tống.

Quách Quì dò biết, không dám đưa quân qua ải. Nhưng bấy giờ đại-quân Tống đã dồn vào chỗ đường độc-đạo, như nước chảy vào khe hẹp ; nên Quì phải tìm đường qua. Quì sai tướng tiền-phong Tu Kỷ đem quân vòng quanh về phía tây.

Sách TB chép : " Giặc mới đặt phục-binh ở cửa ải Giáp-khẩu, để đón quân ta. Quì biết, nên đi đường tắt qua dãy núi Đâu-đỉnh mà tiến. Bèn tới sông Phú-lương. " (TB 279/22a)

Theo SK, thì Tống-sử và các sách khác chép rằng : "Quách Quì tiến đóng ở ải Quyết-lý, rồi tự đưa binh sang phía tây, tiến đến sông Phú-lương."

Nếu mở bản-đồ vùng này ra xét, ta phải nhận rằng dãy núi Đâu-đỉnh nói trên chắc là dãy núi Bắc-sơn. Vả chăng hai chữ Đâu-đỉnh có nghĩa là đỉnh đâu-mâu, tức là cái đỉnh bằng kim-loại, mà người ta cắm trên mũ. Núi đá lèn, có đỉnh lô-nhô như mũi đâu-mâu sắp thành hàng, có thể có tên là Đâu-đỉnh-lĩnh. (V/cth 2)

Vậy ta chắc rằng, sau khi không dám qua ải Giáp-khẩu, Quách Quì đem đại-quân hướng về phía tây, vượt qua dãy núi Bắc-sơn để ra chỗ cao-nguyên ở vùng Yên-thế. Quì đã theo đường tắt qua xã Vạn-linh.

Thường-Kiệt không ngờ quân Tống có thể đem đại-quân qua đường hẹp ấy, nên chỉ để một ít quân giữ. Tướng tiên-phong Tu Kỷ đưa kỵ-binh đi trước. Kỷ gặp một đoàn quân ta chừng vài nghìn người. Quân ta đánh rất gắt. Kỷ phải đánh hết sức mới ra khỏi núi. (Theo lời chiếu kể công Tu Kỷ, ngày Q. Vi, 6-8 năm Đinh-tị, DL 26-8-1077 ; TB 284/4a)

Tiền-quân qua lọt. Đại-quân kéo tràn theo sau. Một mặt, tiến xuống bờ sông Phú-lương, tức là thượng-lưu sông Cầu, thuộc địa-phận Thái-nguyên ngày nay. Một mặt, tiến sang phía đông, tới phía nam ải Giáp-khẩu. Quân Lý nấp ở ải bị bọc sau lưng, nên lật-đật rút lui vào miền núi động Giáp để tháo lui về phía đông-nam, liên-lạc với hữu-dực đóng ở vùng Vạn-xuân.

Sau khi quân Lý phải bỏ ải Giáp-khẩu, quân Tống kéo tràn qua đó và thẳng tới sông Đào-hoa. Chúng qua sông ấy liên-lạc với những quân đã qua dãy núi Đâu-đỉnh. Rồi, chia nhau đóng dọc bờ bắc sông Như-nguyệt (trung-lưu sông Cầu).

Trong lúc ấy, đạo quân Khúc Chẩn cũng từ Quảng-nguyên tiến tới phía đông-nam. Chẩn tới châu Môn. Thủ-lĩnh châu ấy, là Hoàng Kim-Mãn, theo hàng (X/cth9). Kim-Mãn theo Chẩn tới sông Phú-lương, họp với đại-quân. Chắc rằng Khúc Chẩn đã đi đường Bình-gia, Vạn-nhai theo dọc phía tây dãy núi Đâu-đỉnh, để vào tỉnh Thái-nguyên ngày nay.

Các đạo quân Tống đã lần-lượt theo con đường từ bắc tiến xuống nam, mà dồn vào trước cái hào sâu thiên-nhiên, là con sông Cầu. Các quân ấy đóng trên bờ, từ khoảng tỉnh-lỵ Thái-nguyên đến vùng trước Thị-cầu.

Sách Tống-hội-yếu chép : "Ngày 21 tháng chạp, quân Quách Quì tới sông Phú-lương." (Q. Ma, DL 18-1-1077 ; THY và TB 279/21b).

Quân Lý bắt đầu một trận phòng-thủ vĩ-đại.

2.- Tiền-phong qua sông : Trận Như-nguyệt
Thế là sau khi vượt gần vạn dặm, quân Tống đã đến trước trung-thổ nước ta. Qua được sông Như-nguyệt này, thì Tống chắc khuynh-đảo được lăng-tẩm họ Lý và cơ-đồ Đại-Việt.

Quách Quì sửa-soạn qua sông.

Từ bờ sông Như-nguyệt đến Thăng-long, đường gần nhất và không bị trở-ngại nhiều, là đường đi từ làng Như-nguyệt ở cửa sông Cà-lồ chảy vào sông Cầu, tới bờ sông Nhị phía tây-bắc hồ Tây. Đường ấy chỉ dài chừng hai mươi cây-số.

Phía tây bến đò Như-nguyệt, còn có những cồn núi cuối cùng của dãy núi Tam-đảo ngăn-cản. Từ đó sang phía đông, thì chỉ có đồng-bằng. Qua sông chỗ nào cũng dễ-dàng, và lúc qua rồi thì gặp đồng ruộng phì-nhiêu. Lương-thực nhiều, phu-phen sẵn, và muốn qua sông Lô cũng không khó nữa.

Vậy nên, quân Tống ở mặt tây đổ dồn xuống trước bến-đò Như-nguyệt. Đó là hữu-dực, do tướng Miêu Lý quản-lĩnh. Giúp việc dẫn đường có hàng-tướng Hoàng Kim-Mãn, mà Khúc Chẩn đã đem theo.

Đại-quân Quách Quì đóng cách đó sáu mươi dặm về phía đông (TB 281/14a). Sáu mươi dặm tức bằng chừng 30 cây-số. Tính theo bờ sông khuất-khúc, ta thấy rằng đại bản-doanh đóng vừa trước xã Thị-cầu ngày nay. Chính đó là ở trên đường cái đi Thăng-long.

Từ hành-doanh sang phía đông, đường đất ở bắc-ngạn sông Nam-định bị dãy núi Nham-biền chắn ngang, ngăn đường tới Vạn-xuân. Tả-dực quân Tống hình như không qua dãy núi nầy, và phải còn quay mặt về hướng đông để đối-phó với quân Thân Cảnh-Phúc đóng vùng động Giáp.

Nói tóm lại, phòng-tuyến của Tống theo dọc bờ sông Cầu ngày nay, từ địa-phận huyện Hiệp-hòa, qua huyện Việt-yên, đến chân núi Nham-biền ở huyện Yên-dũng. Rồi chạy lên phía đông-bắc đến nam-ngạn sông Thương. Khoảng phòng-tuyến chính dài ba muơi cây-số, trải từ trước bến đò Như-nguyệt đến chân núi Nham-biền. Quân Tống chực qua sông ở khoảng ấy.

Còn quân Lý, thì tiền-quân mai-phục ở ải Giáp-khẩu đã rút lui về động Giáp để xuống miền Vạn-xuân. Đại-quân cũng rút lui về phía nam sông Nam-định. Đó là phòng tuyến thứ ba của quân Lý.

Như trên đã nói (X/1), sông Nam-định cũng là phòng-tuyến cuối-cùng, mà Lý Thường-Kiệt phải đem toàn-lực giữ ; vì nó che-chở cho lăng-tẩm nhà Lý ở Thiên-đức, cho đồng-ruộng của dân-gian, và vì nó cũng là cái hào ngoài cho đô-thành Thăng-long.

Lý Thường-Kiệt đã sai đắp đê nam-ngạn cao như bức thành đất. Ngoài đê, đóng cọc tre mấy từng để làm giậu (VĐUL và NTDT). Chiến-thuyền đều rút về bờ nam, sẵn-sàng đón đánh quân địch, nếu chúng chực qua sông (TB 279/22b).

Đại-quân Lý chắc rằng đóng ở Thiên-đức và Thăng-long. Còn thủy-quân, một phần do Lý Kế-Nguyên đốc-suất, giữ sông Đông-kênh, để chặn thủy-quân Tống không để lọt vào nội-địa và tiếp-viện Quách Quì ; một phần đóng ở Vạn-xuân để tùy cơ ứng-biến.

Phòng-tuyến ta rất kiên-cố. Mà Tống lại không có thuyền để qua sông. Thủy-quân cũng không thấy tới. Quách Quì sẵn tính cẩn-thận, lại muốn đợi thuyền từ bể vào ; cho nên hạ lệnh không cho các tướng tự-tiện tấn-công.

Nhưng viên châu-mục Hoàng Kim-Mãn mách với Miêu Lý biết rằng đường từ bến-đò Như-nguyệt đến Thăng-long rất gần. Miêu Lý trình với Quách Quì việc ấy. Y nghĩ rằng đại-quân địch còn đóng ở động Giáp, chưa kịp rút về, vậy nên thừa-hư mà qua sông ở bến đò Như-nguyệt. Kể ra, địa-điểm và thời-gian cuộc tấn-công khởi-thủy chọn như thế là xác-đáng.

Y bèn nói với Quì rằng : "Giặc đã trốn đi rồi. Xin cho quân qua sông". Quách Quì cũng miễn-cưỡng bằng lòng (TB 281/14a).

Miêu Lý sai buộc phù-kiều trước bến đò Như-nguyệt, rồi hẹn với tướng tiền-phong Vương Tiến đem quân qua sông trước. Hoàng Kim-Mãn dẫn đường.

Quân Lý Thường-Kiệt cản lại. Vương Tiến thấy thế, sợ quân ta dùng cầu qua bắc-ngạn ; vội sai quân cắt đứt cầu. Hậu-quân Tống không sang sông kịp. Quân tiền-phong tiến gấp về phía Thăng-long. Có kẻ chỉ cách kinh-đô chừng mười lăm dặm (1). Quân ta phản-công kịch-liệt. Quân Tống lâm-nguy. Viện -binh phải chèo bè sang tiếp-cứu. Nhưng bị quân ta ngăn, không đổ-bộ được. Thế quân Tống bị đứt. Quách Quì phải ra lệnh gọi tụi Miêu Lý trở về. (TB 284/11b)

Tuy quân Tống phải lui, nhưng thế vẫn mạnh. Cho nên tụi Miêu Lý trở về được vô-sự. Về sau lúc vua Tống thưởng công, Miêu Lý được phong tước tử, và gần hai trăm quân được thưởng vải hay được thăng chức, đều là nhờ việc sang sông táo-bạo lần này (TB 281/14a). Tụi Vương Tiến, Bình Viễn và Lưu Mân bị kết tội đã vội cắt phù-kiều. Nhưng vì có công đánh Quảng-nguyên, Quyết-lý, nên đều được tha khỏi tội chém. (TB 284/11b).

Trận Như-nguyệt này rất kịch-liệt. Quân ta có khi đã lâm vào thế khốn. Muốn cổ-vũ binh-sĩ, Lý Thường-Kiệt sai người giả làm thần-nhân, nấp trong đền Trương Hát ở bờ nam cửa sông Như-nguyệt, đọc thơ mắng giặc, và báo trước rằng giặc sẽ thua.

Sách VĐUL chép chuyện Trương Hát, thần sông Như-nguyệt, kể lại rằng chính thần-nhân đã đọc bài thơ sau này : (2)

" Nam-quốc sơn-hà Nam-đế cư.
Tiệt-nhiên định phận tại Thiên-thư ;
Như hà nghịch-lộ lai xâm-phạm !
Nhĩ-đẳng hành khan thủ bại hư. "

nghĩa là :

Sông núi nước Nam, vua Nam coi.
Rành-rành phận định ở sách Trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm !
Bay sẽ tan-tành chết sạch toi !

Sách chép tiếp : "Đang đêm, nghe tiếng vang trong đền đọc bài thơ ấy, quân ta đều phấn-khởi. Quân Tống sợ táng-đảm, không đánh đã tan."

Trận này rất quyết-liệt và định-đoạt sự thắng-phụ sau này. Các bia và sách ta đều ghi trận sông Như-nguyệt, và cho là một cuộc đại-thắng của quân ta. Đó cũng hợp với lời chép trong sách TB của Tống.

Quách Quì cũng nhận là thất bại, bắt tội Miêu Lý đã trái lệnh trên. Lý trả lời rằng Quì đã cho phép sang sông. Triệu Tiết cũng bào-chữa hộ. Cho nên Lý mới được tha. (TB 281/14b)

3.- Tống tấn-công thất bại : Trận Nam-định
Sau khi thất-bại ở đò Như-nguyệt, Quách Quì không mong chọc-thủng phòng-tuyến ta một cách bất-ngờ, và đành chịu đóng quân đợi thủy-quân tới đón qua sông.

Nguyên trong kế-hoạch đã dự-định (IX/8), hai tướng Hòa Mân và Dương Tùng-Tiên phải đem thuyền vượt bể, vào trong sông thuộc nước ta để liên-lạc với lục-quân và đón quân qua sông. Nhưng thủy-quân đã thất-lợi ngay ở vùng biên-giới (X/12), và không liên-lạc được với Quách Quì.

Đợi mãi không nhận được tin-tức gì của tụi Mân và Tùng-Tiên, Quì bèn tự-liệu để tổng-tấn-công.

Quì sai đóng bè rất lớn, có thể chở mỗi lần 500 quân. Bè đi lại nhiều lần, đổ bộ lên nam-ngạn những đạo quân khá mạnh.

Quân tiên-phong đổ-bộ. Liền xông tới áp giạu. Vừa chặt, vừa đốt ; nhưng giạu dày mấy từng, không phá được. Quân Lý trên bờ cao đánh xuống. Quân Tống rất khốn-đốn ; muốn trở về cũng không được, vì bè đã về bắc-ngạn, để chở viện-binh sang.

Quân ta chép giết quân địch đã đổ-bộ. Phần bị chết, phần xin hàng, đạo quân đã qua sông hoàn-toàn tan vỡ (NTDT).

Trên đây là lời của Chính Thúc, do Tô Bình kể lại, và chép trong sách NTDT. Hai ông họ Trình bàn thêm rằng : " Tranh nhau chỉ hai mươi lăm dặm. Muốn qua sông lần nữa, nhưng không có thuyền, không có lương để đóng binh lâu. Lo việc nước mà lầm như vậy, chưa từng thấy ". (NTDH 10 và TB 280/17a, Lê Quí-Đôn có sao lại đoạn này trong sách VĐLN của ông).

Thế là mộng-tưởng qua sông của quân Tống bị tiêu-tán. " Muốn qua sông lần nữa, nhưng không có thuyền ! " Sự thất-bại của Tống trong việc hành-quân vĩ-đại này, được tóm-tắt trong lời phê-bình ngắn-ngủi ấy.

Quì đóng quân lâu, đợi thuyền không thấy. Có lúc thám-tử về báo có thuyền từ phía đông lại. Tưởng là thủy-quân của Hòa Mân và Dương Tùng-Tiên đã đến, quân-sĩ Tống rất mừng. Lúc thuyền tới nơi " lại hóa ra hàng vạn quân Giao-chỉ, cổ-tháo mắng chửi quan-quân " (MC Quách Quì, theo TB 279/22b)

Quách Quì sợ quân mình khinh-địch, lại càng cấm ngặt không được tấn-công nữa. Lệnh ban ra rằng : "Ai bàn đánh sẽ bị chém !" (ĐP)

Quân Lý cũng thỉnh-thoảng qua sông khiêu-chiến. Có lúc cưỡi thuyền con, chèo sang áp bắc-ngạn. Tướng Tống là bọn Diêu Tự đưa tinh-binh hết sức giữ bờ. Quân Lý không lên cạn được. (ĐĐSL 104)

Triệu Tiết sai quân-sĩ vào rừng đốn cây, làm những máy bắn đá. Máy này có một cái cần, ở một đầu có bộ-phận để những viên đạn bằng đá. Cần trương lên rồi bật, làm cho đá ở đầu cần bắn đi xa. Tiết dùng công-cụ ấy phá thuyền đậu ở nam-ngạn, và để đánh lui thuyền ta, mỗi lúc quân ta tấn-công sang. (TS 332 và ĐĐSL 91).

Hai bên giằng-co nhau hơn một tháng, đối-ngạn nhìn nhau, không ai dám quyết-liệt tổng-tấn-công nữa.

Viên chuyển-vận phó-sứ Quảng-tây Miêu Thì-Trung bàn rằng : "Quân ta không có ý tiến đánh, thì chắc rằng giặc sẽ đi đường tắt tới, để mong khi ta không phòng-bị, may gì phá được ta chăng. Ta nên để chúng làm như vậy. Hễ chúng có thua, thế cùng rồi mới chịu hàng. Ta nên bí-mật phòng-bị đợi chúng. " (TS 331)

Yên Dạt cũng đồng ý, và còn chủ-trương khiêu-khích quân Lý để nhử tới. Đạt dẫn sách Binh-thư, nói : "Nhử người tới đất mình lợi hơn mình tới đất người. Vậy ta nên giả cách không phòng-bị. Chúng nó ắt sẽ tới đánh ta. " (TS 349 và ĐĐSL 84)

Mưu này sắp được thi hành. Quân Thường-Kiệt sẽ sa vào bẫy ấy.

4.- Lý Tấn-công thất-bại : Trận Kháo-túc
Thám-tử Tống lại báo rằng ngoài sông Kháo-túc có thể lấy được. Quách Quì muốn tới đó, nhưng nghi ta có đặt phục-binh. Cho nên Quì dẫn theo 5.000 kỵ-binh người phiên-lạc tức là người thổ-dân ở phương bắc.

Sách Đàm-phố chép việc nầy, không nói rõ sông Kháo-túc ở đâu. Nhưng ta thường thấy tiếng kháo dùng ở miền Lạng-châu để chỉ tên các núi. Cũng có khi viết khâu hay khảo. Đó là tiếng thổ, nghĩa là núi, ví dụ Kháo-mẹ, Kháo-con, Khâu-ôn. Trong một câu sau ở sách ấy, lại chép sông Kháo (bỏ chữ Túc). Tiếng Kháo Cầu rất gần nhau. Lại xét trận-thế sau đây, và lời của sách Tống, ta có thể nghi rằng sông Kháo-túc nầy là một khúc sông Cầu, khoảng kề phía đông-nam núi Nham-biền. Có lẽ tên núi ấy là Kháo-túc chăng ? Cho nên tên sông ấy cũng lấy tên núi ở cạnh bờ mà gọi.

Ý chừng phòng-tuyến của ta từ chân núi Nham-biền đến Vạn-xuân, không kiên-cố như ở phía tây. Cho nên Quì nghĩ qua sông ở khoảng ấy dễ.

Lý Thường-Kiệt sai các hoàng tử Hoằng-chân, Chiêu-văn (VSL) đem thuyền chở quân đến chống lại (3). Hoằng-chân có nuôi riêng 500 quân đặc-biệt ; cấm mọi điều thị-dục, dạy cho trận-pháp. Đội quân riêng ấy rất giỏi. Hiệu-lịnh rất nghiêm. Người nào cũng cầm một cái kim-bài để làm hiệu riêng. (ĐP).

Hoằng-chân từ phía đông đem 400 chiến-hạm, chở vài vạn quân tới. Quân quát-tháo ầm-ỹ. Theo kế-hoạch Yên Đạt đã bàn, Quì rút quân. Quân ta đổ-bộ lên bắc-ngạn sông, đuổi đánh quân địch. Tiền-quân của Tống thua ; Quách Quì phải cho thân-quân tới cứu. Tụi Yên Đạt cũng tiến theo. (MC Quách Quì, theo TB 279/22a)

Quân ta bấy giờ đã tiến sâu vào đất bằng (ĐP), có lẽ mé tây núi Nham-biền. Quân Tống phản-công mạnh. Quân ta lui một ít. Quì sai các tướng Trương Thế-Cự, Vương Mẫn, đưa kỵ-binh ra giúp sức. Giới Định đặt phục-binh ở trong núi, (TB 281/14a) bấy giờ cũng đổ ra. Quân Tống giết chừng vài nghìn quân địch. Trên đất bằng, kỵ-binh Tống rất thắng lợi. Quân ta bị rối loạn, rút lui hỗn-loạn, tranh nhau sang sông trở về, bị chết đuối rất nhiều. Nước sông ba ngày chảy không hết xác (TB 279/22a).

Ta ghé thuyền đưa quân về, bị quân Tống bắn đá xuống như mưa làm thuyền đắm. Hai hoàng-tử Hoằng-chân và Chiêu-văn đều bị chết chìm xuống sông (VSL). Thuyền của đội quân riêng của Hoằng-chân bị đắm, nhưng ai cũng cầm vững kim-bài mà chết (ĐP). Tả-lang-tướng Nguyễn Căn bị tướng Tống là Đặng Trung bắt (TB 283/8a).

Trận Kháo-túc nầy là cuộc đại tấn-công của Lý Thường-Kiệt, nhưng thất-bại. Các sách và sử Tống đều cho là một cuộc đại-thắng của Tống, và thường chép " đánh đại-bại quân Giao-chỉ ở sông Phú-lương ". Ấy là muốn nói trận này.

Quân ta tấn-công bất-lợi, bèn đóng giữ bờ nam sông. Quân Tống muốn sang, mà thuyền không có. Hai bên cầm-cự nhau đã 40 ngày. " Đường chỉ cách 25 dặm mà không thể nào vượt qua được " (NTDT).

Quách Quì đợi thủy-quân mãi, nhưng không thấy đến.

5.- Thủy-chiến : Trận Đông-kênh
Nguyên là tụi Hòa Mân và Dương Tùng-Tiên đã đem thuyền sang hải-phận ta, muốn theo dọc sông Đông-kênh, để vào cửa Bạch-đằng ; nhưng gặp thủy-quân của Lý Kế-Nguyên chặn lại ở hải-phận Vĩnh-an.

Các tướng như Trương Thuật, Bùi Cảnh, Bành Tôn đều hăng-hái chiến-đấu (TB 288/13a), nhưng cũng không tiến nổi, phải lùi về đóng ở cửa sông Đông-kênh, có lẽ là cửa Tiên-yên ngày nay. (TB 288/13b).

Tùng-Tiên, quân tuy ít, nhưng cũng gắng tiến sâu vào cõi ta. Gặp thủy-binh ta, đánh nhau lớn bé, đến mười trận. " Tuy không giết được nhiều quân địch, nhưng cũng không đến nỗi thua " (TB 288/6a). Đó là lời bào-chữa cho Tùng-Tiên của vua Tống trong chiếu ngày 23 tháng 2 năm Mậu-ngọ (M. Th, DL 8-4-1078 ; TB 288/6a). Thật ra, thủy-quân Tống bị thua luôn. Quân-lính bị thương nhiều (Theo lời tâu của viên coi Liêm-châu, 8-3 Đinh-tị, M. Ng, DL 3-4-1077 ; TB 281/2a)

Tùng-Tiên đậu thuyền ở cửa sông Đông-kênh, đợi tin lục-quân, nhưng không biết tin-tức và tình-trạng của đại-binh ra sao cả. Y bèn sai hai tướng hiệu-dụng, là Phàn Thật Hoàng Tông-Khánh, vượt bể vào biên-giới miền nam nước ta, để dò tình-hình và khuyên Chiêm-thành đừng giúp ta. Tùng-Tiên lại khuyên Chiêm-thành nên đem quân chắn các đường từ nước ta vào nước ấy để phòng khi quân ta, bị quân Quách Quì đuổi, chạy trốn xuống phương nam (TB 288/13b). Chiêm-thành nghe lời và có đưa 7 ngàn quân chẹn các đường quan-hệ (theo lời tụi Thực, TB 288/13b).

Nhiệm-vụ đầu của thủy-quân, là xui Chiêm-thành đánh ta, như thế là không đạt. Mà quân Tùng-Tiên cũng không vào lọt sông ta, trợ-chiến cho lục-quân được. Không có liên-lạc với Quách Quì, Tùng-Tiên đỗ thuyền đợi. Đến lúc, có lệnh đi đón về mới biết đã hòa-bình ! Ngày 8 tháng 3 năm Đinh-tị (M. Ng, DL 3-4-1077), vua Tống hạ chiếu có nói rằng : " Nếu Dương Tùng-Tiên chưa về, thì cho quân đi tiếp-viện. "

Ngày 20 tháng ấy, Tùng-Tiên mới về đến nơi.

Thủy-quân Tống đã hoàn-toàn thất-bại, vì không tinh-nhuệ bằng thủy-quân ta. Sự thất-bại về chiến-thuật của thủy-sư như thế đã làm hỏng cả chiến-lược của Quách Quì.

6.- Tống lui quân
Sau khi quân ta thất-trận ở Kháo-túc, mất hai hoàng-tử, Lý Thường-Kiệt nghĩ đến kế hoãn-binh. Vả ta biết rằng quân Tống cũng mỏi-mệt lắm rồi. Hễ chúng rút quân về, thì quân ta lại khôi-phục dễ-dàng những châu đương bị chiếm.

Vì vậy, Thường-Kiệt bèn " dùng biện-sĩ để bàn hòa. Không nhọc tướng-tá, khỏi tốn máu-mủ, mà bảo-an được tông-miếu " (LX).

Ông sai sứ tới doanh Quách Quì nói : " Xin hạ chiếu rút đại-binh về, thì sẽ lập-tức sai sứ sang tạ tội, và tu-cống ". Ông lại bằng lòng nhượng đất cho Tống. Sứ-giả là viên văn tư-sứ Kiều Văn-Ứng nhận với Quách Quì rằng (4) : "Chỗ nào quân Tống đã chiếm tức là đất Tống" (TB 349/7a). Ông lại bào-chữa cho vua Lý, đổ lỗi việc đánh Ung-châu cho người Tống là Từ Bá-Tường đã xui-giục (VII/1).

Về mặt Tống, lương-thảo rất thiếu-thốn (X/6). Từ khi đại-quân vào đất ta, phu khuân-vác lương-thảo không đủ số. Ngày 17 tháng 12 (K. Ho, DL 14-1-1077, TB 279/17a) viên chuyển-vận phó-sứ Quảng-tây Miêu Thì-Trung phải tâu việc ấy về triều. Vua Tống hạ-chiếu nói : "Vì số phu không đủ, cho nên binh phải dừng lại lâu như thế. Vậy phải bắt phu cho đủ. Nếu bắt không đủ bảy phần mười thì châu-quan phải phạt một phần và huyện-quan phải phạt hai phần..."

Về sau, khi kê công-tội trong việc nam-chinh, Triệu Tiết bị khiển-trách vì để thiếu lương (chiếu 18 năm Đinh-tị, M. Dn, DL 21-8-1077, TB 283/16b). Chính Thúc kể chuyện thiếu lương, phải thở ra câu này : "May có lời giặc xin qui-thuận, không thì làm thế nào ?" (NTDT).

Tình-hình quân quẫn-bách như thế ! Mà Thăng-long gần như thế ! Các tướng Tống không biết nghĩ nên gắng tiến hay nên lui.

Bấy giờ đã cuối tháng giêng năm Đinh-tị. Mùa nóng gần tới. Các tướng Tống đều thoái-chí, cùng bàn rằng : "Lưong ăn của chín đạo quân ta đã cạn. Lúc ra đi, quân có 10 vạn, phu có 20 vạn. Vì nóng-nực và lam-chướng, quân phu đã chết mất quá nửa rồi. Còn non nửa, cũng đều ốm".

Quách Quì kết-luận rằng : "Ta không đạp đổ được sào-huyệt giặc, bắt được Càn-đức, để báo mệnh Triều-đình; đó là bởi Trời ! Thôi ta đành liều một thân ta, chịu tội với Triều-đình, để mong cứu hơn 10 vạn nhân-mạng." (TB 279/22b)

Quì bèn quyết-định nhận lời sứ ta, mà lui quân. Quì cho người mang biểu của vua Lý về triều Tống, và hẹn với sứ ta tới đó nhận trả lời (TB 279/22b)

Quách Quì đã định ngày rút quân. Nhưng sợ quân ta theo đánh, cho nên không ban bố cho mọi người biết trước. Đang đêm, Quì cho lệnh rút lui lập-tức. Các bộ-binh và kị-binh không kịp sắp thứ-tự, hoảng-hốt đạp xéo nhau mà đi. Tống-sử (TS 334) chép việc nầy, kể thêm rằng : "Quân Giao-chỉ đóng bên kia sông, rình thấy như vậy ; nhưng biết rằng tướng Đào Bật cầm hậu-quân đi sau, cho nên không giám đuổi theo."

Đào Bật là một tướng văn võ kiêm toàn. Từ khi đánh Quảng-nguyên đến khi quân tới Phú-lương, Quì đã sai Bật cầm quân giữ mặt hậu. Nay quân rút, Bật cũng có trách-nhiệm che-chở cho đại-quân lui, để khỏi bị quân ta theo đánh. Bật, rất điềm-tĩnh, ra lệnh cho quân-sĩ mình không được nhôn-nhao; đợi sáng rồi, mới sắp hàng chỉnh-tề, thong-thả rút lui. Quân Quách Quì nhờ đó được vô-sự (TS 334).

Các sách không chép rõ ngày rút quân. Nhưng theo sách NTDT thì hai bên cầm-cự nhau 40 ngày ở sông Phú-lương. Ta biết rằng Quì đến đó ngày 21 tháng 12. Vậy ngày rút quân về ở đầu tháng hai năm Đinh-tị 1077.

Lý Thường-Kiệt, cũng muốn hòa-bình, nên cũng không thừa-cơ bội-ước, và để quân Tống rút lui yên-ổn.

7.- Giảng hòa
Quân Tống đã vượt hàng ngàn cây-số, qua biết bao núi đèo mới tới sông Phú-lương. Chỉ còn vài chục cây-số là đến Thăng-long. Thế mà triều-đình Tống đợi mãi không được tin báo thắng-trận.

Ngày đầu năm Đinh-tị (1077), vua Tống Thần-tông nóng lòng, phán rằng : "Triều-đình muốn biết sự động-tĩnh của quân An-nam-hành-doanh từng ngày một. Vậy sai Chu Ốc, hiện sung chức quyền-phát ở Ung-châu, phải tâu về hằng ngày. Phu mang điệp, sẽ dùng thứ bài dài đặc biệt, viết chữ lớn để xa trông rõ, đề chữ Khu-mật-cấp-tốc văn-tự (văn-tự cấp-tốc của bộ quốc-phòng), và sẽ chạy qua các trạm không phải dừng." Nhờ vậy vua Thần-tông theo dõi đại-quân tiến hằng ngày.

Vua rất quan-tâm đến việc này, cho nên luôn-luôn xem địa-đồ và trình-lục rất kỹ-lưỡng. Lúc Quách Quì tâu về báo rằng đại-quân đã đến Quang-lang, vua Tống mừng; nói cho các quan biết. Nhưng các can-thần không biết Quang-lang ở đâu. "Vua bèn giảng cho biết từ Quang-lang đến chỗ này 50 dặm là đường gần (có lẽ đường ải Chi-lăng), đến chỗ kia 100 dặm là đường xa (có lẽ đường quanh trong núi). Vua chỉ chỗ hiểm, chỗ bằng, lối quanh, lối thẳng, thuộc như đếm mấy ngón tay" (Theo lời thư Tôn Thù gửi cho Triều Bổ-Chi, chép trong sách Kê-lặc).

Đến khi được tin quân Tống không thể sang sông Phú-lương được, vua tôi Tống rất bất-bình, bèn đổ lỗi cho nhau. Ngày 18 tháng 2 năm Đinh-tị (K. Ho, DL 15-3-1077; TB 280/14a) viên thị-lang bộ lễ Vương Thiều dâng sớ nói rằng : "Ngày trước tôi đã diện-đàm về việc Quyết-lý, Quảng-nguyên; tôi đã thấy rằng phàm lo việc nước, đại-thần không nên tham hư-danh mà quên thực-họa; bỏ sự-nghiệp xa mà lấy việc nhỏ làm đầu. Lúc mới khởi việc đánh An-nam, tôi đã tranh-luận kịch-liệt, muốn nuôi dân-lực và bớt phí-tổn, đến nổi sinh thù với kẻ chấp-chính bấy-giờ (Vương An-Thạch). " Vua Tống lấy làm mếch lòng. Vương Thiều bị bãi (TS 328).

Hạ-tuần tháng 2, được tin Quách Quì nhận lời đình-chiến với Lý, đã lui quân, và thôi không tìm cách vượt bốn năm chục dặm cuối-cùng để hạ Thăng-long nữa. Tuy nhận được biểu của vua Lý khiêm-tốn xin nhận lỗi, chịu nhường đất và trở lại tu-cống như xưa, nhưng Tống Thần-tông lấy làm bất-mãn. Vua liền muốn sai quân tiếp-viện xuống để gắng qua sông. Có viên giám-sát ngự-sử Thái Thừa-Hi dâng sớ can ngăn (VKT). Trong sớ có nói rằng :

"Thánh-nhân đối với man-di, làm chính-sách không trị mà trị; thế mà trong thiên-hạ không đâu là không trị. Tôi trộm nghĩ rằng, từ khi Giao-chỉ chưa hàng, ta đem quân đánh, thì chỉ đánh một góc, mà binh phu đã chết dọc đường nối-tiếp nhau; phí của nước kể hàng ức, hàng vạn. Trong hai năm nay, thật là lao-khổ. Thế mà chỉ được đất vài châu như Quảng-nguyên mà thôi. Đất ấy cũng chỉ là chỗ cùng-hải, cùng-sơn, đầy thú ác, khí độc. Người ấy, đất ấy, nếu có được thì cũng chả có ích gì cho thiên-hạ.

"Nếu nói đánh An-nam để hỏi tội, thì nó đã chịu tội rồi.

"Khi xưa rợ Tam-Miêu chưa dẹp, vua Thuấn cũng chỉ đi đánh 70 ngày rồi về. Nay, cớ sao ta lại cần đánh nhiều ngày hơn ? Mà bây giờ, Quách Quì, Triệu Tiết chưa về kinh-đô, quân ra ngoài biên-thùy chưa trở về doanh-ngũ. Thế cho nên kẻ ngoài huyên-truyền rằng : mặc dầu Lý Càn-đức đã hàng, Triều-đình còn ngấm-ngầm ý gì, muốn đem quân đánh trở lại. Không biết sự ấy có thật hay không ?

"Vả man-di, ở ngoài cõi hoang-phục, phong-tục khác. Thư-từ phải thông-dịch mới hiểu được. Với phép trị chúng, ở đời Tam-đại (Nghiêu, Thuấn, Thang), tinh-xảo biết bao, mà bấy giờ cũng cho rằng chúng không đáng được cai-trị. Ấy vì cớ gì ? Ấy vì không muốn bởi dân man mà làm khổ dân trong nước.

"Nếu Triều-đình muốn trả thù sự chúng cướp-bóc, thì ta đã thu đất nó, giết tướng nó, bắt quân nó. Muốn đề-phòng ngày sau khỏi có khi chúng ra lòng bất-trắc, thì ta nên sai bọn Quì và Tiết canh giữ; khiến cho chúng sợ bị đánh lần nữa mà không giám tới cướp.

"Vạn-nhất, nếu có nghĩ đến chước đi đánh trở lại, tôi xin Triều-đình nghĩ kỹ, nên để người Hồ (Kinh-hồ tức Hồ-nam và Hồ-bắc), Quảng (Quảng-nam tức Quảng-tây và Quảng-đông) nghỉ-ngơi vài năm, đợi lúc thương-tích lành, rồi sau sẽ tính việc."

Vua Tống cũng cho lời tâu ấy là phải. Vả Lý Thường-Kiệt cũng đã giữ thể-diện cho Tống, bằng lời lẽ xin qui-phục, xin cống-hiến và nhường những đất quân Quì đã chiếm. Tể-tướng Ngô Sung là kẻ chủ-hòa xưa nay, lại rất bằng lòng.

Ngày 25 tháng 2 năm Đinh-tị, Ngô Sung thay mặt quần-thần dâng biểu mừng vua Tống "đã dẹp yên An-nam, và đã lấy lại được Quảng-nguyên." (B. Ng, DL 22-3-1077, TB 280/16a, còn TS 6 chép lầm ra tháng ba).

Cũng ngày ấy, có chiếu đổi châu Quảng-nguyên ra Thuận-châu và thăng châu Quang-lang lên hàng huyện, bãi bỏ ti An-nam-đạo kinh-lược chiêu-thảo đô-tổng-quản và ti an-phủ, và giải-tán hành-doanh. (TB 280/16a)

Vua Tống liền trả lời cho vua Lý Nhân-tông, bảo phải tu-cống như trước và phải trả lại dân-đinh mà quân Lý đã bắt ở Khâm, Liêm và Ung (TB 280/16a).

Cuộc chiến-tranh Lý, Tống khởi đầu từ tháng 11 năm Ất-mão (1075) đến đây đã chấm dứt. Ấy vào tháng hai năm Đinh-tị (1077). Nó đã kéo dài trong mười lăm tháng.

8.- Kết cục
Tống không đạt mục-đích dự-định thôn-tính đất Việt, không tiêu-hủy được binh-lực Lý, chỉ chiếm được đất các châu Quảng-nguyên, Tư-lang, Tô-mậu, Môn và Quang-lang là đất rừng núi mà thôi. Nhưng trái lại, bị thiệt người tốn của rất lớn. Ngoài bốn trại Thái-bình, Vĩnh-bình, Cổ-vạn, Thiên-long, và bốn thành Khâm, Liêm, Bạch và Ung bị tàn phá, Tống còn mất quân lính, phu-phen rất nhiều. Theo lời Chính Thúc, "8 vạn phu vận-lương và 11 vạn chiến-binh chết vì lam-chướng. Còn được 28.000 người sống-sót về, mà trong đó còn bị ốm nhiều. Kể cả số trước bị địch giết thêm mấy vạn, cả thảy không dưới 30 vạn" (NTDT). Tuy so với các số công-khai sau này có khác, nhưng có lẽ Chính Thúc kể cả thổ-đinh.

Tuy triều-đình Tống chúc mừng thắng trận, nhưng ai cũng biết Tống đã bị thất-bại to, và đã mất thể-diện với thiên-hạ.

Vua Tống cho kiểm-điểm binh-mã. Thấy có 49.506 người, 4.690 ngựa. Lúc về đến nơi, trừ số chết bệnh hay vì cớ khác, chỉ còn 23.400 lính và 3.174 ngựa (TB 280/17a). Phí tổn cả thảy mất 5.190.000 lượng vàng. (Theo lời Từ Hi tâu ngày 21 tháng 3 năm Đinh-tị, T. Vi, DL 16-4-1077; TB 281/5a).

Vua Tống nghe lời bàn của Thái Thừa-Hi (X, 13), sai các tướng cầm quân nam-thảo coi các châu ở trên đường sang Giao-chỉ : Quách-Quì coi Đàm-châu, Triệu Tiết coi Quế-châu, Thạch Giám coi Ung-châu và Đào Bật coi Thuận-châu tức là Quảng-nguyên cũ. (TB 280/17b).

Sau, vua Tống xét rõ công tội các tướng cầm quân. Tội chính về Quách Quì, vì đã trì-hoãn không chịu tiến binh. Quì bị đổi đi Ngạc-châu, rồi giáng làm tả-vệ tướng quân và an-trí ở Tây-kinh (27-7, A. Ho, DL 18-8-1077). Vua sai tra-cứu duyên-cớ sự trì-hoãn ấy. Chu Ốc khai vì tể-tướng Ngô Sung bảo Quì đừng tiến binh. Nhưng sự thật là Sung dặn phải xét kỹ-lưỡng rồi sẽ hành-động (TB 303/8b TĐ). Tội thứ hai là đã không biện đủ lương-thảo cho quân-mã dùng. Những người có trách nhiệm về lương-thảo như bọn Lý Bình-Nhất, Thái Dục và Chu Ốc đều bị biếm (1-8, M. Dn, 21-8-1077, TB 284/1a).

Còn Triệu Tiết lại được khỏi tội; vì có ngự-sử Thái Xác bênh-vực (TB 283/16b). Nhưng năn năm sau (1082) khi bị đổi lên lộ Phu-Diên, Tiết tỏ vẻ không bằng lòng; vua Tống mắng rằng : "Triệu Tiết trước đây đi đánh An-nam bị thua, đã được tha không bị tội chết. Nay còn ý oán. Nếu không trừng-trị thì ai sợ lệnh trên nữa. " (TB 326/19a)

Cho đến Dương Tùng-Tiên thống-lĩnh thủy-quân, lúc mới về, cũng bị tội, nhưng sau được ân-xá. (TB 288/6a)

Tống vội phủ-dụ các quân lính bị đau, cấp tiền cho gia-đình những người tử-trận, thưởng những người đã có công, và phạt những người đã có tội theo hàng Lý. Từ Bá-Tường phải tự thắt cổ (năm 1078, TB 288/7a). Triệu Tú trước bày cho ta phép hỏa-công, bị phát-phối đi Hồ-bắc (năm 1077, TB 281/13b).

Các binh-mã thuộc An-nam hành-doanh được rút về, trừ một số phải đóng coi các châu vừa được nhượng (TB 280/16a).

Muốn tỏ lòng khoan-hồng, vua Tống lại theo lời Quách Quì xin, thu-dụng tả-lang-tướng Nguyễn Căn đã bị bắt ở sông Kháo-túc, và bổ làm hạ-ban điện-thị (1-6, TB 283/1a).

Tuy vậy, vua Tống vẫn nghĩ đến tương-lai. Ngày 14 tháng 9 năm Mậu-ngọ 1078, có La Xương-Hạo từ Chiêm-thành về tới nơi, dâng các bản-đồ vẽ đường đi từ Chiêm đến Giao-chỉ. Tống Thần-tông phê thưởng cho Xương-Hạo và nói thêm rằng: "Từ khi dụng binh ở An-nam, kẻ hiến kế đánh giặc kể có hàng trăm. Lời bàn về đường thủy, đường bộ để tiến quân, thường không giống nhau. Chưa biết ai phải. Nên chép các thuyết thành từng loại, về mỗi loại, vẽ đồ phụ vào, để sẵn-sàng cho việc dụng-binh ngày sau" (TB 292/6a).

Nhưng sau đó, Thần-tông chán-nản về việc chiến-tranh và không muốn động đến nước ta nữa. Lý Thường-Kiệt thì trái lại, dùng vũ lực chiếm lại một phần đất mất và đe-dọa Quảng-nguyên. Cuối-cùng, Tống không những phải bỏ cả năm châu dã chiếm, mà còn phải trả cho ta một phần đất ở phía tây-bắc Cao-bằng ngày nay, mà các tù-trưởng đã đem nộp Tống

CHÚ-THÍCH
(1) - Số 15 dặm là theo TB 281/14a. Về số này, mỗi nơi chép một khác. Lời Chính Thúc (NTDT) nói : "Tranh nhau chỉ 25 dặm mà thôi". Sách Thông-giám chép: "Bấy giờ đại-quân xa Giao-châu chừng 30 dặm; chỉ cách một con sông mà không tiến được". Sách Tống-sử (TS 279) lại chép: "Quân ta tiến tới sông Phú-lương, còn cách Giao-châu 30 dặm."

Một dặm là bao nhiêu? Các sách toán-thư cổ như Cửu-chương, Tôn-tử, Ngũ-tào đều chép 300 bước là một dặm. Nhưng sách Toán-kinh của Hạ Hầu-Dương đời Tấn chép : "5 thước là một bước, 360 bước là một dặm". Sự đổi ấy là từ đời Tùy, và còn giữ đến đời Thanh. Vậy đời Tống, dặm ăn 360 bước. Theo sách Toán-học từ-điển của Đoàn Dục-Hoa và Chu Nguyên-Thụy thì bằng 576 mét. Theo sách Ức-trai toán pháp nhất-đắc-lục của Nguyễn Hữu-Thận (đời Gia-long) thì nói : "địa-cầu chia làm 360 độ, mỗi độ bằng 20 dặm tây (hải-lý), mà mỗi dặm tây bằng 10 dặm Đại-Thanh". Nay ta biết rằng địa-cầu chu-vi chừng 40 000 kilomét, thì ta suy thấy dặm Đại-Thanh bằng 555 mét.

Xem vậy ta có thể lấy chừng một dặm bằng già nửa cây-số, thì có vẻ ước được đường dài.

(2) - Sách VĐUL có chép chuyện hai vị thần Trương Hống và Trương Hát một cách rõ. Hai người là anh em, đều là tướng của Triệu Quang-Phục. Sau khi Lý Nam-đế đánh bại Triệu, cho người mời hai ông ra giúp việc. Hai ông dều chối và trốn vào ở trong núi Phù-long. Lý bèn mưu giết. Cho nên hai ông uống thuốc độc tự-tử. Đến đời Ngô Xương-Văn đi đánh giặc Lý Huy ở châu Tây-long, đóng quân ở cửa Phù-lan. Hai thần hiện lên xin giúp. Sau khi giặc tan, vua Ngô phong cho anh, Trương Hống, làm Đại-đương-giang đô-hộ-quốc-thần-vương và sai lập đền thờ ở cửa sông Như-nguyệt. Vua Ngô lại phong cho em, Trương Hát, làm Tiểu-đương-giang đô-hộ-quốc-thần-vương, và sai lập đền thờ ở cửa sông Nam-quân (tức là Nam-bình hay sông Thương ngày nay).

Các sử TT, SK cũng chép lại chuyện ấy, và nhắc lại chuyện thần sông Như-nguyệt đọc thơ. Bài thơ kia, bản viết VĐUL lại chép khác một vài chữ, như nghịch-lộ đổi ra nghịch-tặc, bại-hư đổi ra tảo trừ.

Thần-phả Trương-tôn-thần sự-tích phụ-họa vào nhiều. Nào kể lai-lịch bố mẹ, em trai, em gái. Nào kể chuyện thần giúp Ngô, Lê, Lý, Trần, Lê. Chuyện thần đọc thơ được kể hai lần, đời Lê Hoàn và đời Lý. Câu cuối lại đổi ra : nhất trận phong-vân tận tảo trừ, trong lúc giúp Lê.

Chuyện này bất-quá vì là lòng sùng-bái của người ta, mà bịa đặt ra, và nhà nho phụ-họa cho thêm linh. Sự thật có lẽ như tôi đã theo ý Trần Trọng-Kim, nhận rằng thơ là của Lý Thường-Kiệt. Nhưng nói chắc là Thường-Kiệt làm được thơ thì không có gì làm bằng cứ.

Ngày nay, cả vùng lân-cận hai sông Cầu và Thương, có đến hơn 290 ngôi đền thờ hai vị thần họ Trương. Đền chính thờ Trương Hống ở làng Vọng-nguyệt, cạnh làng Như-nguyệt; và đền thờ chính Trương Hát ở làng Phượng-nhỡn ở cửa sông Thương. Vị-trí đền phù-hợp với việc quân Tống qua sông ở bến đò Như-nguyệt, cho nên câu chuyện thần ám-trợ kể trong VĐUL có căn cứ vào sự thật ít nhiều.

(3) - Sách TT không hề chép đến chuyện hai hoàng-tử chết trận. Nhưng VSL chép : "Vua Lý sai Nguyễn Thường-Kiệt lĩnh thủy-quân để chống lại. Hai hầu Chiêu-văn và Hoằng-chân đều chết đuối ở sông Như-nguyệt. "

Các sách Tống chép về chuyện ấy nhiều. Tống-sử (TS 290) chép : "Ta đại-chiến ở sông Phú-lương, chém được vương-tử giặc là Hồng-chân". Mộ-chí Quách Quì chép : "Giết được đại-tướng Hồng-chân, băÙt được tả-lang-tướng Nguyễn Căn". Sách Thông-giám chép : "Bắt được thái-tử giặc là Hồng-chân". Sách Trường-biên (TB 293/8a) chép : "Tướng Bạch Bảo bắt được thái-tử Hồng-chân; và tướng Đặng Trung bắt được tả-lang-tướng Nguyễn Căn... Nhưng tướng Tiết Đức lại nói chính mình giết được Hồng-chân ở ải Quyết-lý". Sách Đông-phố chép rõ-ràng nhất. Tôi đã kể lại trên. Các sách viết đời sau như ANCL, ANCN, VKT đều theo sách Tống chép tên hai hầu cả.

Sách SK, tức là sách TT chữa lại ít nhiều cho hợp sử Trung-quốc, có chú-thích nhiều về đoạn này. Kẻ soạn chú-thích ấy, có lẽ Ngô Thì-Sĩ hay Ngô Thì-Nhiệm, đã khảo Tống sử, và chữa đoạn sử này một cách khá xác-đáng. Lời chú-thích có nói : "Lại xét Tống sử và các sách khác chép, thì Quách Quì tiến đóng ở ải Quyết-lý. Sai tướng lấy lại Ung, Liêm (chép thứ-tự như thế là sai). Rồi tự mình đem quân đi về phía tây, tiến đến sông Phú-lương. Quân ta cưỡi thuyền đón đánh. Quân Tống không qua sông được. Triệu Tiết chia công việc, sai các tướng đẵn gỗ, đóng công-cụ, bắn đá xuống như mưa. Chiến-thuyền quân ta đều vỡ. Rồi Tiết đặt phục-binh mà đánh lại, chém vài ngàn đầu. Thái-tử Hồng-chân chết tại trận". Sau khi nói thêm về việc Tống chiếm các châu thượng-du, SK nối lời rằng : "So đó với sự sử ta chép rằng quân Tống bị thua, thì khác nhau. Tôi trộm nghĩ rằng Hồng-chân không phải là thái-tử, sự ấy đã rõ (ta đã thấy lẽ khác ở X/cth 1). Hoặc-giả các vương có người bị tử-trận mà đương-thời giấu chuyện đi chăng ? Hoặc là tụi Quì muốn che sự thua, mà bịa chuyện tâu về, để kể là chiến-công ". Tác-giả ngả về thuyết sau, nên bàn rằng : "Nếu không phải thế, thì sao với đạo quân tám vạn tên mà chết quá nửa, một dải Nhị-hà mà không dám qua để đến kinh-sư ? Như thế thì sao có thể nói là thắng ? ". Lý-luận ấy đúng. Ta nay biết rõ là Tống và Lý không ai thắng bại cả.

Lại có sách Tùng-đàm chép tên hoàng-tử khác hẳn các sách khác. Sách ấy nói : "Tướng tiên-phong là Miêu Lý và Yên Đạt qua sông Phú-lương. Đánh một trận, phá tan giặc. Bắt được thái-tử giặc là Phật-nha" (TB 303/9a). Tên Phật-nha ấy tuy khác các tên kia, nhưng chắc là đúng. Lý Thái-tông khi còn thái-tử có tên là Phật-mã, thì con có thể là Phật-nha. Chắc đó là tên húy còn hiệu là Hoằng-chân-vương hay Hoằng-chân-hầu.

Sự lạ là chính-sử như TT không chép chuyện Hoằng-chân. Chắc không phải rằng đời Lý dấu sự ấy, vì VSL, viết đời Trần, còn chép. Có lẽ chỉ vì đời Lê, sử Lý đã thất-lạc đi nhiều.

Nay tôi có để ý đến thần đền Voi-phục, là đền dựng đời Lý ở phía tây Thăng-long, kề phía bắc đường Hà-nội đi Sơn-tây và cạnh ô Cầu-giấy. Hiệu thân là Linh-lang đại-vương. Trong hạt Hoài-đức còn nhiều đền thờ. Nhưng bốn đền chính là các đền ở làng Thủ-lệ (Voi-phục), Bồng-lai ở huyện Từ-liêm, và hai làng Đại-quan, Thuần-lễ. Tuy thần-tích mỗi nơi một khác, vì thường thường thần-phổ là do kẻ khai bịa đặt ra nhiều, nhưng xét gốc chuyện có một phần chung, mà ta có thể coi là có liên-quan với sự thật.

Trong chuyện Linh-lang, thì cốt chuyện là như sau. Linh-lang là con vua Lý Thái-tông. Mẹ là một người con gái kẻ quê, quán ở Bồng-lai. Nhưng chính là con thần Thủy-long ở hồ Dâm-đàm (hồ Tây) giáng sinh. Vua đặt tên cho là Hoàng-tứ-lang theo thần-phả đền Voi-phục, hay Hoàng-lang theo thần phả làng Đại-quan. Tên ấy nghĩa là con thứ tư vua hay con vua.

Hoàng-lang mặt-mũi khôi-ngô, nhưng đã lớn mà chưa biết nói.

Chợt có giặc xâm-lăng nước. Các tướng đi đánh, không thắng. Vua và triều-thần lo. Có thần báo mộng cho vua biết rằng đã có thần-nhân giúp, cứ cho sứ mời thì được.

Sứ đi tìm các nơi. Lúc sứ tới làng Thủ-lệ (theo thần-phả Đại-quan thì Thị-lệ), Hoàng-lang thưa với mẹ gọi sứ tới, rồi nói với sứ rằng : "Xin vua cha một lá cờ đỏ lớn, cán dài và một con voi. Ta sẽ dẹp yên giặc."

Lúc được cờ với voi, Hoàng-lang cầm cờ chỉ voi. Voi liền phục xuống Hoàng-lang bèn cưỡi voi cầm cờ ra trận. Voi chạy như bay, cờ phất một cái thì giặc tan.

Lúc Hoàng-lang trở về, bèn bị bệnh đậu. Thuốc chữa không khỏi. Hoàng-lang nói với vua cha rằng mình là con Thủy-cung tới giúp vua, xong rồi phải về Thủy-cung.

Tự-nhiên Hoàng-lang biến thành một con rắn đen dài mà bò vào hồ Dâm-đàn biến mất. Vua sai lập đền thờ ở trại Thủ-lệ là chỗ cung mẹ ở, tại làng Bồng-lai là quê mẹ, và ở hai làng Đại-quan và Thuần-lễ là nơi Hoàng-lang trú binh.

Xem chuyện trên, ta thấy một vài chủ-ý mà ta thường thấy trong các chuyện thần khác : thụ thai với giao-long, thai bọc, lớn không biết nói, xin voi, cờ (gần như chuyện Phù-đổng thiên-vương), hóa ra rắn mà biến.

Kể ra các thần-phả ấy còn chép nhiều chuyện hiển-nhiên là bịa-đặt sai-lầm. Nhưng chuyện nầy làm cho ta chú-ý, vì có sự hoàng-tử đời Lý đánh lui giặc ngoại-xâm rồi chết. Thần-phả đền Đại-quan nói giặc là Trinh Vĩnh khởi binh từ Nam-hải. Ta không biết Trinh Vĩnh là dân-tộc nào. Trái lại, thần-phả đền Voi-phục nói giặc là Tống. Phả ấy chép : "Bấy giờ, có các tướng mạnh của Tống, là Triệu Tiết, Quách Quì đem quân của chín tướng, và tụi Hồng-chân, Vũ Nhĩ, Dư Tĩnh và hợp Hoàng Vĩnh-Trinh với Chiêm-thành Chân-lạp mà tới xâm."

Bên cạnh những sự đúng, như nói tướng Tiết và Quì, lại có những sự sai, như nói đến Vũ Nhĩ (tướng ta đời Lý Thái-tông. IV/3), Dư Tĩnh (quan Tống đánh Nùng Trí-Cao, IV/3). Còn tên Hoàng Vĩnh-Trinh kia với tên Trinh-vĩnh chắc có liên-quan.

Sự lạ nhất là trong các tướng Tống, lại có tên Hồng-chân. Nếu kẻ viết thần-phả bịa-đặt hoàn-toàn thì sao biết có tên Hồng-chân ấy. Nếy y có đọc Tống-sử thì sao lại lẫn các tên người Tống, người ta ?

Hoặc là tên Hồng-chân có trong chuyện thần lúc xưa. Nhưng sau, chuyện bị sai-suyễn. Cho nên kẻ viết lại thần-phả lầm-lẫn, nhưng vẫn giữ được tên Hồng-chân.

Vì lẽ ấy, ta có thể ngờ rằng thần Linh-lang tức là hoàng-tử Hoằng-chân. Nhưng còn có hai lẽ làm ta thêm tin thuyết ấy. Về đường ngữ-học, tên Hoàng-lang chép ở thần-phả rất có thể là biến-âm của Hoằng-chân hay Hồng-chân. Hoàng hoằng gần nhau, sự ấy đã rõ. Còn lang chân, tuy bề ngoài tưởng xa, nhưng thật là gần. Âm CH là biến-âm của TR, mà TR là biến-âm của TL, và TL lại biến ra L. Ví dụ : Chàm tràm, là tlàm lam, và Chèm Trèm Tlèm Liêm (Từ-liêm). Cũng theo luật ấy mà chân biến ra Lang. Nói tóm lại, tên Hoằng-chân đã biến ra Hoàng-lang ở thần-phả.

Đó là một lẽ. Lẽ thứ hai là sự Hoàng-lang hiện ra rắn rồi lặn xuống hồ có thể là cách tượng-trưng sự Hoằng-chân chìm xuống sông mà chết.

Ta có thể tin một phần rằng hoàng-tử Hoằng-chân đã được thờ ở đền Voi-phục. Có lẽ vì tử-tiết nên được biệt-đãi, được thờ trong thành Thăng-long.

(4) - Sách VSL có chép tên Kiều Văn-Tư, nói y được cất làm chức thượng-lâm quốc-sĩ-sư vào năm 1100. Không biết có phải là Kiều Văn-Ưng làm chức Văn-tư-sứ mà sách VSL chép lầm hay không.


(Còn tiếp)