Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang Chủ ] [ Trang trước ] / [ Trang sau ]
HOÀNG XUÂN-HÃN Lý Thường Kiệt LỊCH-SỬ NGOẠI-GIAO TRIỀU LÝ
Phần II - Kháng Tống - Đòi đất CHƯƠNG X : XÂM-LĂNG ĐẠI-VIỆT
1. Thế thủ ta
2. Tống xuất quân
3. Dọn đường : dẹp khê-động
4. Chuyển quân : trận Vĩnh-an
5. Tướng Tống bất-hòa
6. Quân ốm, lương thiếu
7. Phòng hông : trận Quảng-nguyên
8. Trận biên-thùy : Quyết-lý, Môn, Tô-mậu
Chú-thích
1.- Thế thủ ta
Trong nửa năm đầu, Tống soạn-sửa đưa quân sang đánh Lý. Đến mùa thu, bắt đầu kéo xuống Ung-châu. Tháng mười một, mới đưa quân vào cõi đất Việt. Sự chuyển quân kéo dài trên hơn sáu tháng. Lại thêm ở triều Tống, Ngô Sung thay Vương An-Thạch, có ý muốn hòa, cho nên tướng Tống đến cuối năm Đinh-tị (1077) mới bắt đầu đem quân vào Việt. Trong thời-gian dài ấy, Lý Thường-Kiệt đã sắp-đặt thế thủ sẵn-sàng. Từ tháng ba, quân ta đã rút về nước (TB 277/4b). Lý Thường-Kiệt soạn-sửa các phòng-tuyến để phòng-bị cuộc Tống tổng-phản-công. Tuy không có sách nào nói rõ đến mặt trận của ta, nhưng theo những chi-tiết kể trong các mục sau, ta có thể biết được đại-cương của chiến-lược phòng-thủ ấy. (IX/7).
Mục-tiêu thứ nhất của Tống tự-nhiên là chiếm kinh-thành Thăng-long. Phá lâu-đài, cung-điện, đối với các vua chúa đời xưa, tức là phá nước. Vả toàn quân tinh-nhuệ là để bảo-vệ kinh-thành. Phá được đô, tức là đã đánh tan quân tinh-nhuệ, và nếu còn các đạo quân khác, thì tiêu-diệt cũng dễ-dàng.
Với tín-ngưỡng và luân-lý của ta xưa, lăng-tẩm của tổ-tiên vua can-hệ không khác gì kinh-đô. Mục-tiêu thứ hai của Tống chính là phá các lăng-tẩm nhà Lý. Lăng miếu các vua Lý đều ở Thiên-đức, làng Đình-bảng, phủ Từ-sơn ngày nay ; vậy gần biên-giới hơn Thăng-long.
Che-chở cho kinh-thành và lăng-miếu nhà Lý, có con sông Nam-định, tức là sông Cầu ngày nay. Vả chăng đồng ruộng phì-nhiêu của nước Việt hầu hết ở phía nam sông ấy. Quân Tống ốm vì rừng núi, đói vì hết lương, chỉ mong tiến mau đến chỗ đồng bằng, nước lành, lúa tốt.
Vả, các đường thông-lộ từ Quảng-tây vào nước Việt để tới Thăng-long đều bị sông Cầu chắn (V/I và cth2). Sông Cầu từ địa phận Cao-bằng chảy đến Lục-đầu, hợp với sông Bạch-đằng. Từ Lục-đầu ra đến bể, là một cái hào sâu và rộng, che-chở cho đồng bằng nước Việt để chống lại tất cả mọi cuộc ngoại-xâm bằng đường bộ từ Lưỡng-Quảng kéo vào.
Đối với đường-sá từ Ung-châu tới Thăng-long, thì sông Bạch-đằng không can-hệ, vì đã có sông Lục-đầu là cái hào ngăn trước rồi. Trái lại, sông Cầu rất là quan-trọng. Thượng-lưu sông Cầu qua vùng rừng núi rất hiểm. Chỉ có khoảng từ Thái-nguyên trở xuống là có thể qua dễ-dàng, và qua rồi thì có đường xuôi. Nhưng sau sông, ở về phía tây có dãy núi Tam-đảo, là một cái thành không thể vượt. Chung-qui chỉ có khoảng từ huyện Đa-phúc đến Lục-đầu là phải phòng-ngự bờ nam mà thôi. Trong khoảng ấy, lại chỉ khúc giữa, từ đò Như-nguyệt đến chân núi Nham-biền, là có bến, có đường qua sông để tiến xuống miền nam một cách dễ, thẳng và gần.
Xét qua địa-thế, ta hiểu rằng Lý Thường-Kiệt đem chủ lực chặn con đường từ trại Vĩnh-bình đến sông Nam-định (s. Cầu), bằng cách đặt những doanh đồn và phục-binh ở hai ải tiếp nhau : ải Quyết-lý ở phía bắc châu Quang-lang và ải Giáp-khẩu (Chi-lăng) ở phía nam châu ấy. Nếu hai phòng-tuyến ấy bị tan, thì phải cố thủ ở phòng-tuyến thứ ba, tức là nam-ngạn sông Nam-định.
Muốn cản quân Tống qua sông, Thường-Kiệt sai đắp đê nam ngạn cao như bức thành. Trên thành, đóng tre làm giạu, dày đến mấy từng. Thành đất, lũy tre, nối với dãy núi Tam-đảo, đã đổi thế sông Nam-định và bờ nam-ngạn ra một dãy thành hào, che-chở cả trung-nguyên nước Việt. Thành hào ấy dài gần trăm cây số, hẳn khó qua và dễ phòng-thủ hơn là thành hào một đồn lẻ như thành Thăng-long.
Chính đó là cao-kiến của Lý Thường-Kiệt.
Trước thành đất, lũy tre, có thủy-quân đậu thuyền ở nam-ngạn, sẵn-sàng tiếp-chiến với quân Tống, nếu chúng qua sông. Đến đời sau, Hồ Quí-Ly cũng dùng chiến-thuật ấy, giữ sông Lô, và đóng cọc gỗ giữa sông, để làm rào che cho thuyền đậu và lưu-thông dọc theo nam-ngạn. Có lẽ Lý Thường-Kiệt cũng có dùng những cọc rào như thế ấy.
Đại-đội thủy-quân đóng ở Lục-đầu, vùng Vạn-xuân, để có thể tiếp-ứng được mọi nơi trên các đường thủy : hoặc lên sông Đào-hoa (s. Thương), hoặc lên sông Lục-nam, hoặc tới sông Nam-định, hoặc tới sông Thiên-đức, hoặc ra cửa biển Bạch-đằng tiếp viện-thủy quân đậu ở sông Đông-kênh.
Thế đất Vạn-xuân thật là thế re quạt. Thái-tử Hoằng-chân (VSL, còn các sách Tống đều viết Hồng-chân) đóng doanh ở đó. Bộ-hạ có thái-tử Chiêu-văn và tả-lang-tướng Nguyễn Căn (1).
Đại-quân Lý Thường-Kiệt đóng dọc theo sau lũy tre, chắn đường tới Thiên-đức và Thăng-long.
Trên đây, là cách phòng-thủ đường chính-lộ, tức là mặt trận trung-ương.
Sau đây sẽ xét về trận-thế ở hai cánh. Trên bắc-thùy, thế đất nước Việt như một cung trăng, hai sừng chỉ sang đất Tống (IV/1). Trên hai góc ấy có quân tả-dực và hữu-dực của Lý, là quân phên-giạu hằng ngày.
Năm nghìn quân thổ-đinh giữ châu Quảng-nguyên ở tả-dực. Tướng Lưu Kỷ (2) chỉ-huy. Dưới quyền thống lĩnh Lưu Kỷ, có nhiều tì-tướng kiệt-hiệt, dòng-giống hay bộ-hạ Nùng Trí-Cao và Nùng Tôn-Đán. Các con Tông-Đán vẫn giữ các động Lôi-hỏa, Vật-ác, Vật-dương. Các tướng Trí-Cao và Lư Báo, Nùng Sĩ-Trung thủ-lĩnh động Hữu-nông (Cổ-nông ?), Hoàng Lục-Phẫn thủ-lĩnh động Lũng-định. Các tướng ấy không những gìn-giữ đất mình, mà còn uy-hiếp hậu-phương và đường tiếp-tế địch.
Hữu-dực thì có quân đóng ở trại Ngọc-sơn thuộc Vĩnh-an và thủy-binh rất mạnh, do Lý Kế-Nguyên đốc-suất. Có lẽ đại-hạm-đội đóng trong sông Đông-kênh, sau cửa Đồn-sơn, tức Vân-đồn (3). Đường bộ qua Ngọc-sơn đi Thăng-long không tiện. Nên quân đóng ở Vĩnh-an không cần nhiều. Thủy-quân can-hệ hơn và có nhiệm-vụ ngăn cản thuyền lương và chiến-hạm địch vào sông ta để tiếp-tế, hay đưa bộ-binh Tống qua sông.
Còn trung-quân tiền-phong, thì giao cho phò-mã Thân Cảnh-Phúc, đóng doanh ở động Giáp, để khống-chế hai ải hiểm : Quyết-lý và Giáp-khẩu. Gần hai bên tả hữu Cảnh-Phúc có các thổ-binh do các tù-trưởng chỉ-huy : bên tả có Sầm Khánh-Tân, Nùng Thuận-Linh và Hoàng Kim-Mãn giữ Môn-châu và đường qua Bình-gia đến Phú-lương (4) ; bên hữu có Vi Thủ-An giữ châu Tô-mậu và đường từ Tư-lăng đến Lạng-châu.
Giá như các mặt trận đều có quân trung-châu, thì thế thủ xếp như trên có lẽ sẽ bại Tống từ đầu. Nhưng thổ-quân các châu sẽ vội hàng trước đại-quân Tống. Quân tiền-phong không giữ nổi các ải. Cuối cùng là nhờ phòng-tuyến sông Cầu khéo đặt, và thủy-quân ta mạnh, cho nên Lý Thường-Kiệt sẽ ngăn-cản được sức tấn-công quyết-liệt của Tống.
2.-Tống xuất quân
Sau khi nghe Khâm, Liêm mất, vua Tống Thần-tông chọn tướng Triệu Tiết, Lý Hiến, Yên Đạt (25-12, T. Ho năm Ất-mão, DL 2-2-1076), rồi ban 300.000 quan tiền thưởng cho sĩ-tốt để khao quân (2-1, K. Ti ; TB 272/7a). Ngày 23 tháng giêng (C. Th, TB 272/7a), vua Tống sai quan lễ-viện Trịnh Ung tế-cáo thần núi Nam-nhạc, ở phía nam hồ Động-đình, và Trần Đồng tế-cáo thần bể Nam-hải ở Quảng-châu, để báo việc sắp xuất quân xuống miền nam.
Vua Tống lại ban tiền cho quân lính, và dặn rằng : " Đại-quân xuống phương nam vừa lúc nắng to, phải chinh-thảo xa-xôi ; triều-đình lấy làm thương-xót. Vậy nay Trẫm ban-cấp tiền cho. Nhưng đợi lúc tới Đàm-châu sẽ phát, rồi đợi khi ra khỏi Lĩnh lại phát lần nữa. " (27-1, G. Ta ; TB 272/12a)
Sau khi thay đổi thống-soái, lấy Quách Quì thay Triệu Tiết (2-2, M. Ty, DL 9-3), vua ban cho Quì 1.000 lượng bạc, 1.000 tấm lụa (18-2, G. Th, DL 25-3 ; TB 273/11b). Ngày 20 tháng 2 (B. Ng, DL 27-3), Quì từ-giã lộ Phu-Diên về đến Biện-kinh. Quì vào bái-yết vua Tống. Vua đặc-biệt tiếp Quì ở điện Diên-hòa. Vua hỏi phương-lược đánh Giao-chỉ. Quì xin tới Ung-châu rồi sẽ định (TB 273/11b). Ngày hôm sau, vua Tống lại phát thêm tiền để ban cho tướng-sĩ (TB 273/13a).
Ngày mồng 5 tháng 3 (C. Ta, DL 10-4, Hội-yếu và TB 273/14b), vua thết yến đãi Quì ở điện Thùy-củng, là điện tư, để tỏ lòng quý mến. Vua lại ban cho Quì : cờ, đồ dùng, kiếm, giáp (MC Quách Quì, theo TB 273/14b). Sau đó, Quì vẫn được lưu tại kinh, để bàn mưu-lược và sắp đặt lương-thướng. (TB 274/1a)
3.- Dọn đường. Dẹp khê-động
Bấy giờ, Quì còn lo việc chinh-phục lại miền khê-động và củng-cố các nơi căn-cứ ở Ung-châu. Ngày 19 tháng 4 (G. Th, DL 24-5, TB 274/8b), Quì sai tướng coi đạo quân hữu-đệ-nhất, là Lý Thật, đưa quân đi trước, xuống đóng tạm ở thành Ung, tuy rằng thành ấy bấy giờ chưa xây lại xong. Nhiệm-vụ Thật là phòng-bị quân Lý trở lại đánh Ung-châu, và giúp-đỡ các khê-động dọc biên-thùy (1-5, B. Th ; TB 275/1a). Quì lại sai Đào Bật và Khúc Trân mang các bằng-sắc vào các khê-động để chiêu-hàng các tù-trưởng.
Đào Bật là một văn quan (5) có mưu-trí. Tới đạo Tả-giang, rồi được bổ coi Ung-châu. Bấy giờ, Ung-châu vừa mới bị phá, dân sống-sót còn trốn trong các động núi, chưa giám về nhà. Đào Bật một mình một ngựa, đem theo chỉ hơn trăm người, đi sâu vào khê-động. Trước hết, Bật tới Tả-giang, chiêu-dụ thổ-dân. Dân thấy thế, mới giám về làm ăn. Nhân đó, Bật điểm được 27.000 đinh-tráng. Bật mộ đinh-tráng ấy, chia làm ba hạng, lấy 20.000 người giao cho các tướng dùng. Phàm các việc vặt như giã gạo, mở đường, đẩy xe, đều dùng dân các động (TB 275/7b)
Các tù-trưởng khê-động, thuộc Ung-châu trước đó đã theo ta. Nay nghe quân ta đã rút, và thấy quân Tống kéo tới, thì lần-lượt bỏ ta theo Tống : như tụi Nùng Quang-Lâm (1-5, B. Th), Nùng Thịnh-Đức, giữ cửa ải ở động Hạ-lôi (9-5, G. Ty, TB 275/5b), đều hàng Tống từ tháng năm. Cho đến Lưu Kỷ, thủ-lĩnh Quảng-nguyên, Tống cũng muốn dụ. Tống tin rằng Kỷ có lòng muốn hàng Tống, nhưng sợ vua Lý nên không giám làm. Vì vậy Tống định cách trừ-khử hay cám-dỗ Kỷ. (8-5, Q. Ho ; TB 275/5a)
Khúc Chẩn là một võ-tướng có mưu-lược, được sai đi cùng hàng-tướng Nùng Tông-Đán tới đạo Hữu-giang.
Nùng Tông-Đán, thủ-lĩnh động Lôi-hỏa, Vật-dương, Vật-ác, có lẽ vừa theo ta đánh Ung-châu, nay lại qui-thuận Tống (VII/2 và cth 5). Y được bổ chức đô-giám Quế-châu. Nhưng các con Tông-Đán vẫn theo Lưu Kỷ. Ngày mồng 3 tháng 6, ti tuyên-phủ nói đã sai Nùng Tôn-Đán tới Hữu-giang, kiểm-điểm đinh-tráng, để dự-bị đánh Lưu Kỷ, và đã sai phó-tướng đội quân tả-đệ-nhị, là Khúc Trân (IX/6), đoàn-kết và huấn-luyện các đinh-tráng ấy. Vua Tống hạ chiếu nói rằng : " Tuy Tông-Đán đã hiệu thuận và là dũng-mãnh, nhưng các con y còn theo Lưu Kỷ. Ta sợ y có ý theo Kỷ nốt. Vậy nên chọn các viên-chức có mưu-lược theo Tông-Đán. Còn việc Khúc Chẩn quản hạt, thì phải cấp lương-tiền cho đủ. Nếu có thủ-lĩnh động nào có ý làm phản, phải lấy quân-pháp mà trừng trị " (TB 276/1b)
Quì và Tiết ra sức chiêu-dụ man-dân. Chúng dùng lợi, dùng uy, dùng những kẻ thân-thuộc các tù-trưởng mà nhử. Có khi lại phao tin rằng kẻ nầy đã hàng, để dụ kẻ kia. Dần-dần thế-lực quân Tống ăn sâu vào các động ở trên đất ta. Các tướng ta như Hoàng Kim-Mãn và Sầm Khánh-Tân, coi Môn-châu, cũng ngầm hẹn qui-hàng (5-7, K. Vi, DL 5-8 ; TB 277/1a theo M.C Quách Quì).
Nhưng ở sâu trong đất Tống, cũng còn một vài động không chịu theo. Như ở Hữu-giang, tụi thủ-lĩnh Thiệu-châu là Dương Tiên-Tiềm và Tiên-Hàm đều nói rằng nếu quân Tống tới đó thì chúng đánh lại. Muốn cho khỏi chậm việc tiến quân, và muốn tránh sự chúng vì bị áp-bức quá sẽ giao-kết với Giao-chỉ rồi đe dọa vùng Tương Đàm, vua Tống bảo : " Nên để yên chúng (8-6, N. Th, TB 276/8a) ; nếu chúng có phản thì mới đánh (17-6, T. Su ; TB 276/10a) ; chứ đừng lưu đại-quân lại đó, kẻo chậm việc nam-thảo " (15-7, K. Ti ; TB 277/3b).
4.- Chuyển quân. Trận Vĩnh-an
Không biết Quách Quì rời khỏi Biện-kinh vào lúc nào. Nhưng trong trung-tuần tháng 6, An-nam hành-doanh và quân của bốn tướng thuộc trung-quân đã đóng ở Đàm-châu, tức Tràng-sa ngày nay (TB 278/14b). Các quân kỵ, mộ ở Thiểm-tây và Hà-đông, lục-tục đã kéo về đến kinh, và đi xuống miền nam; chúng hẹn trung-tuần tháng 7 sẽ tới nơi Đàm-châu tụ-tập (theo lời tâu của T.P. Bình, TB 276/22b). Muốn phòng-bị sự quân Lý bất-ngờ đi đường thủy như năm trước vào đánh Khâm, Liêm và uy-hiếp Ung-châu, Quách Quì, lúc mới tới Đàm, liền sai viên coi Khâm-châu là Nhâm Khỉ đem quân đánh úp trại Ngọc-sơn gần biên-giới châu Vĩnh-an. (CN và TB 277/3a)
Nhâm Khỉ chia quân đi ba đường vào đất Vĩnh-an : một đường từ huyện An-viễn, một đường từ trại Như-tích và một đường thủy. Trại Ngọc-sơn không có nhiều quân đồn-thủ, nên bị mất. Đó là thắng-lợi đầu tiên của quân Tống trên đất ta.
Ngày 10 tháng 6, Quì tâu : "Đến ngày 15, sẽ đi Quế-châu và ước-chừng đầu tháng 7 sẽ tới nơi. " (TB 276/9b chép lầm ra ngày 19; CN và TB 277/5b)
Đúng như vậy, ngày rằm tháng 6, Quách Quì dời bản-hành-doanh từ Đàm-châu xuống Quế-châu (TB 276/9b). Đường đi mất chừng 14 ngày (theo Trương Phương-Bình, IX/12). Vào đầu tháng 7, hành-doanh đã đóng ở Quế-châu, là nơi trị-sở lộ Quảng-tây.
Ở đó, Quì được tin ngày 9 tháng 7 (Q. Ho, DL 11-8), Nhâm Khỉ đã chiếm được châu Vĩnh-an (TB 277/3a). Ngày 21 tháng 7 (DL 23-8), Quì báo thắng trận về triều (CN, theo TB 277/3a).
Trong lúc ấy, tướng Tống sai thuyết-khách vào vùng Tả-giang dỗ các tụi thủ-lĩnh : Hoàng Kim-Mãn, Sầm Khánh-Tân ở Môn-châu hứa sẽ ra hàng.
Trung-tuần tháng 7, hậu-quân đã tụ tập ở Đàm. Cuối tháng 7, Quì hạ lệnh cho chín đạo lục-quân từ Quế-châu tiến xuống Ung-châu. Lại sai viên hàm-hạt Quảng-đông là Mân Hòa, cùng Dương Tùng-Tiên đem thủy-quân từ Quảng-đông ra bể. (MC và truyện Quách Quì, theo TB 277/5b).
Hành-doanh đóng lại ở Quế-châu trong tháng 7, và tháng 8. Đến hạ tuần tháng 8, mới dời xuống Ung-châu. Đường đi mất 14 ngày (TB 338/1b chép Hùng Bản nói 18 ngày). Thượng-tuần tháng 9, Quách Quì và đại-quân đóng ở Ung-châu (6). Rồi phân-phát đóng ở các thành, trại, dọc theo biên-giới các châu thuộc nước ta : Quảng-nguyên, Môn-châu, Quang-lang và Tô-mậu.
Tướng Khúc Chẩn đem quân đánh vào động Hạ-lôi thuộc Hữu-giang, phía bắc Quảng-nguyên (TB 278/14b). Nùng Thịnh-Đức ở đó đã theo Tống từ tháng 5 (X/3). Đào Bật được phái đi nhóm-họp quân thổ-đinh ở Tả-giang và đưa đến Tư-minh để đợi ngày xuất quân (TB 78/14b).
Vua Tống muốn nâng cao sĩ-khí. Ngày 23 tháng 9 (B. Ty, DL 23-10; TB 277/16a), có chiếu nói rằng : "Binh-mã đi An-nam chẳng bao lâu nữa sẽ ra khỏi nước. Phải có gì làm bật sĩ-khí. Trước đây Nhâm Khỉ đánh được trại Ngọc-sơn. Công tuy không to, nhưng cũng đã lần đầu làm phấn-khích sĩ-tốt. Ai đã lập công thì nên thưởng, rồi tâu lên để bá-cáo cho tướng sĩ biết. "
Đầu tháng 10, hành-doanh cũng xuống Tư-minh. Đường đi từ Ung-châu tới đó mất chừng 4 ngày. (TB 278/15a)
Trong lúc ấy, Dương Tùng-Tiên lĩnh thủy-quân, muốn theo kế-hoạch của mình vượt bể vào họp với quân Chiêm-thành để đánh miền nam nước Việt. Nhưng thuyền không qua được đại-dương. Ngày 12 tháng 8 (A. Vi, DL 12-9; TB 277/7b), có chiếu bảo Tùng-Tiên thôi đừng đi Chiêm-thành nữa, và phải giao trả các bằng không tên, tiết-chế và triều-chỉ cho ti chiêu-thảo, và đợi ti ấy phân xử. Dương Tùng-Tiên đành phải theo kế của Tô Tử-Nguyên, dọc ven bể sang hải-phận Vĩnh-an để vào trong sông thuộc nước ta.
Sở-dĩ có chiếu ấy, một phần có lẽ vì sứ Chiêm sắp tới Tống và miễn cho sứ Tống khỏi phải đi Chiêm. Ngày 16 tháng 8 (K. Ho, DL 16-9; TB 277/9b), sứ Chiêm-thành tới cống. Tống khuyên họp quân đánh ta. Ngày 12 tháng 9 (A. Su, DL 12-10; TB 278/6a), Chiêm-thành bằng lòng đưa quân giúp Tống.
5.- Tướng Tống bất-hòa
Như trên đã nói, giữa các tướng Tống, có sự bất-hòa ngầm ngấm từ đầu. Nguyên-do sự bất-hòa là ở triều, các đại-thần không đồng ý về việc nam-thảo. Mỗi người lại bênh một tướng. Vương An-Thạch bênh Triệu Tiết mà Ngô Sung bênh Quách Quì. Ai cũng công kích Lý Hiến, nên các hoạn-quan đều oán tức các tướng. Vua Tống đã đề-cử Tiết làm chánh-tướng; thế mà, vì một câu hỏi của vua, Tiết đã miễn-cưỡng nhường chức chỉ huy cho Quì (VIII/1). Chắc đó cũng là bởi sự trả thù của tụi hoạn-quan xui nên, vì chúng giận Tiết đã bỏ Lý Hiến. Quì được các đại-thần như Ngô Sung che-chở, mà Ngô Sung lại chủ-hòa. Lúc quân đã xuống đến Ung-châu, mà hai tướng vẫn còn hục-hặc nhau. Nhiệm-vụ mỗi người không rành-mạch. Khi bàn việc, hai người đôi-co nhau, không ai chịu nhường ai. Ngày 12 tháng 9 (A. Su, DL 12-10; TB 277/13b), vua Tống phải hạ chiếu chia phần việc :
1. Tuyên-bố đức-trạch, an-phủ quân-dân (phát tiền gạo, bằng-sắc) thì giao cho ti tuyên-phủ, (tức là ti an-phủ, Quì làm chánh, Tiết làm phó).
2. Mưu-mẹo, phương-lược thì thuộc ti kinh-lược chiêu-thảo (Quì coi một mình).
3. Hành-doanh, tướng-hiệu binh-mã, thì thuộc quyền ti đô-tổng-quản (Quì làm chánh, Yên Đạt làm phó).
Tiết đã được vua Tống giao cho việc lương thực (VIII/4). Quì chia công việc ti đô-tổng-quản với Yên Đạt là viên phó-đô-tổng-quản. Còn Tiết là phó-an-phủ-sứ lại không được dự. Cho nên mỗi lúc Tiết bàn gì, cũng bị Quì bác. Ngày 21 tháng 10 (G. Th, DL 20-11), vua Tống phải hạ chiếu trách, và dặn : "Phàm việc gì, cũng phải theo lệnh trên; thương nghị, chớ giằng-co nhau. " (TB 278/9a).
Những chuyện bất-hòa, nay còn thấy chép một vài thuộc chiến-lược. Lúc tới Quế-châu, Tiết bàn nên thừa lúc chưa động-binh, sai người vào vùng Lưỡng-Giang chiêu-dụ tù-trưởng; không nên đem đại-quân xuống đóng chỗ lam-chướng, và nên đợi quan-sát địch đã. Quì không nghe, cứ đem đại-quân xuống Ung, rồi xuống Tư-minh, đóng lại ở Bằng-tường đến bảy mươi ngày (MC Triệu Tiết, theo TB 279/11a). Tiết lại bàn nên dụ Lưu Kỷ và Thân Cảnh-Phúc. Tiết nói : "Vì mưu của Lý Thường-Kiệt (TB chép Thượng-Cát) và Lý Kế-Nguyên, nên Giao-chỉ đã làm loạn. Càn-Đức (Lý Nhân-tông) và mẹ (Ỷ-lan) oán hai người ấy, và nay lại tin vào Nguyễn Thù (7). Thù vốn có lòng quy-thuận. Vả Lưu Kỷ ở Quảng-nguyên, Thân Cảnh-Phúc giữ động Giáp, đều cầm cường-binh. Ta có viên Thành Trạc, làm giáp-áp ở trại Hoành-sơn, vốn quen thân với Thù và Cảnh-Phúc. Tôi muốn sai Trạc mang sắc-bằng vào chiêu-nạp chúng ". Quì không nghe mưu ấy. (TB 279/11a).
Trong khi các tướng ở ngoài không ăn-ý với nhau, thì ở triều, cuộc xung-đột giữa Vương An-Thạch và cựu-phái lại càng kịch-liệt. Tháng 10, An-Thạch phải từ chức, Tống Thần-tông lấy Ngô Sung và Vương Khuê thay. Phùng Kinh được coi việc khu-mật. Sung vốn thuộc phái không thích đánh. Sung đã từng cãi lại An-Thạch rằng : "Có lấy được Giao-chỉ, cũng vô ích ! " (TB 273/1b). Nhưng nay quân đã đến biên-thùy; vô cố lui quân cũng bất-tiện. Sung viết thư cho Quách Quì, nói : "Về việc quận-huyện bắt phu chậm-trễ, triều-đình đã ban chỉ hặc tội. Về việc sắp-đặt đánh Giao-chỉ, ta đã có kế bàn định rồi. Hãy chỉ nên đóng quân lại để xét kỹ-càng. Thế là hay hơn " (Quách Quì cựu-truyện và TB 307/17b). Quì tính vốn cẩn-thận, chậm-chạp; nay được lệnh như thế, lại càng chù-chừ.
Quân-lính do các tướng chiêu-mộ lấy, thường không theo luật-pháp (lời khu-mật tâu; 17-9, C. Ng, DL 17-10) đến nỗi vua Tống phải hạ chiếu cắt-đặt người cai-quản, và bảo phải gia tử-tội (TB 277/14b). Tướng cũng có kẻ không theo phép-luật. Như Lý Thực lĩnh đội quân hữu-đệ-nhất đưa cả vợ con đi theo. (Lời ti chiêu-thảo hặc, ngày 25-10, M. Th, DL 24-11; TB 278/11a).
6.- Quân ốm, lương thiếu
Tình-trạng quân Tống bấy giờ khốn đốn vì bệnh-tật và thiếu lương thực. Từ khi qua dãy núi Lĩnh, gặp mùa nóng-nực, quân lính bị đau rất nhiều. Đến thượng-tuần tháng chín, đã chết mất bốn, năm nghìn trong bốn đạo trung-quân (theo lời chiếu 14-10, Đ. Zu, DL 13-11; TB 277/6b). Vua Tống rất lo ngại, gửi chiếu-chỉ nhiều lần xuống dặn-dò thuốc-thang. Thuốc không khỏi, lại sai cúng (13-10 và 21-11: xem VIII/6).
Về lương-thực, các viên đốc-sự cũng đã tính-toán map-mờ. Triệu Tiết được cử trông coi việc ấy từ đầu. Khi tới Hồ-nam, Tiết hỏi những kẻ chuyên-trách phải điều-phát bao nhiêu lương số. Có Đường Nghĩa làm chuyển-vận-phán nói : "Vì không dám làm lỗi quân-kỳ, xin chở tất cả một lần. ". Nhưng viên an-phủ-sứ Tăng Bố nói : "Không thể làm nổi. Phải chở làm hai lần. "
Tiết hỏi : "Đã chở lương tới Quảng-tây được bao nhiêu rồi ? ". Bố nói : "Đã có 90 vạn hộc. ". Tiết hỏi : "Đã có bao nhiêu phu ? ". Bố trả lời : "Có 27 vạn " (TB chép 270 vạn; chắc sai). Tiết tính, thấy thế là đủ, bèn nói : "Thôi cần gì làm khổ dân nữa. Nếu thiếu thì ta lo cho. ". Rồi bảo Nghĩa thôi việc bắt phu ở Hồ-nam (MC Triệu Tiết, theo TB 283/16b)
Lúc đến Ung-châu, lương và phu đều thiếu. Ngày 12 tháng 10 (A.Vi, DL 11-11), viện khu-mật phải thúc-giục và dọa : "Nếu ai thiếu tiền, lúa, cỏ trong việc đánh An-nam, thì lúc quân trở về, sẽ thu gấp đôi. " (TB 278/6a). Thế mà cuối-cùng lương vẫn thiếu.
7.- Phòng hông. Trận Quảng-nguyên
Đầu tháng 10, đại quân Tống đóng ở Tư-minh (Ninh-minh ngày nay). Tư-minh, thuộc trại Vĩnh-bình, là trung-tâm-điểm để đi các cửa ải vào những châu Quảng-nguyên, Môn, Tô-mậu, và huyện Quang-lang. Quân Tống ở đó bảy mươi ngày. Quách Quì theo lệnh của tể-tướng mới, là Ngô Sung, đóng hành-doanh ở Bằng-tường (cạnh Tư-minh), đợi xem nên hành-động làm sao (TB 279/11a). Quì nói : "Quảng-nguyên là cổ họng của Giao-chỉ. Có binh-giáp mạnh đóng giữ đó. Nếu ta không đánh lấy trước, thì sau khi ta đi sâu vào đất chúng, quân ta sẽ bị đánh cả mặt trước và mặt sau. Lưu Kỷ đóng ở đó, là quan-sát-sứ của giặc, mà lại là chủ-mưu sự cướp Ung-châu. Nếu ta không bắt được nó, thì thanh-thế ta không thể nổi dậy". (MC Quách Quì, theo TB 279/11a)
Trước đó, Tống đã dụ Lưu Kỷ hàng (X/3) nhưng không được. Quách Quì sai viên phó-đô-tổng-quản Yên Đạt đem quân qua trại Thái-bình, vào châu Quảng-nguyên (TB 279/11a).
Yên Đạt là một vũ tướng đã lập được nhiều công ở Diên-châu, trong khi đánh Hạ. Lúc y vào bái-từ để theo Quách Quì xuống miền nam, vua Tống Thần-tông có dặn : "Khanh, danh-vị đã cao, bất-tất phải tự mình xông-pha tên đạn. Khanh chỉ nên khuyến-khích tướng-sĩ mà thôi". Đạt cuối đầu cảm-tạ và tâu : "Tôi nhờ uy vua đi dẹp giặc. Tuy chết cũng không sợ " (TS 349)
Lúc được lệnh vào Quảng-nguyên, Yên Đạt đem theo một tướng giỏi, tên là Tu Kỷ giúp mình (TB 284/4a). Đường vào Quảng-nguyên hiểm-trở, nhưng quân Tống đông. Lưu Kỷ sai quân cự-chiến. Dân-gian họp nhau chống lại. Vùng bắc Quảng-nguyên, có Hoàng Lục-Phẫn ngăn được quân Tống, không để chúng cướp phá động mình. Nay còn có đền thờ y ở làng quán là làng Lũng-định, ở phía bắc phủ Trùng-khánh (ĐNNTC). Quân Lưu Kỷ cũng chống-cự rất hăng, làm cho tiền quân Yên Đạt lâm nguy. Đạt muốn đem quân cứu. Một tiểu-tướng hầu gần thưa rằng : "Tướng-công nên tính đến việc mình trước, rồi sẽ tiến quân". Đạt trả lời "Quân ta đánh đã lâm-nguy. Ta há có lòng nào lo tự bảo-toàn sao !". Rồi hạ lệnh rằng : "Ai bàn đóng doanh lại không tiến quân thì sẽ bị chém." Đạt liền đem đại-quân tới cứu. Quân sĩ Tống bị vây, thấy vậy đều phấn-khởi. Chúng kêu to lên rằng : "Quan thái-úy đã tới ! ". Quân Lưu Kỷ bèn giải vây và lui. (TS 349)
Yên Đạt biết cơ khó lòng bắt được Lưu Kỷ, bèn định dùng mưu căÙt vây-cánh của y. Đạt phao tin rằng Lưu Kỷ đã nhận lời theo Tống và hẹn ba ngày nữa sẽ ra hàng. Các khê-động tưởng thật, đều theo Tống. Lưu Kỷ sợ thế cô-lập. Ba ngày sau cũng đem gia-thuộc và các động-trưởng ra hàng. Ấy là ngày Bính-tuất mồng 4 tháng 12 (DL 1-1-1077; TS 15). Quì bắt được 5.000 quân của Kỷ và cứu được 3.000 quân bị Kỷ bắt trước đó (Theo lời tâu ngày 4-12, B. Tu, DL 1-1-1077; TB 279/11a). Đạt lại thu được một vạn hộc lương và dân các động cung-nạp thêm 20 vạn hộc. Thế là đỡ cho Tống được 10 ngày lương (TB 283/16b). Yên Đạt sai đốt phá các động để phòng sự quân ta tập kích (MKBĐ).
Ti chiêu-thảo báo về, vua Tống hạ chiếu rằng : "Nếu vì đại-binh tới gần cõi, cho nên Lưu Kỷ bất-đắc-dĩ mới hàng, thì hãy đem Lưu Kỷ và gia-quyến về kinh-đô " (4-12, B. Tu, DL 1-1-1077; TB 279/11a).
Bảy ngày sau, các tì-tướng, như Nùng Sĩ-Trung và Lư Báo thủ-lĩnh động Bát-tế ở châu Cổ-nông cũng ra hàng, rồi cũng bị đem về Biện-kinh cả (Theo lời tâu 11-12, Q. Ti, DL 8-1-1077; TB 279/11a).
Yên Đạt đem quân vào sau đến đâu? Châu Quảng-nguyên là tỉnh Cao-bằng ngày nay. Cổ-tích trong vùng có thành Na-lữ, cách tỉnh-lị chừng hơn 10 cây-số về phía tây-bắc. Theo sách Bắc-thành địa-chỉ, thành ấy do Trương Hương làm tiết-độ-sứ đời Đường đắp lên, rồi sau Nùng Tồn-Phúc cũng ở đó. Có lẽ Lưu Kỷ cũng đóng quân ở đó chăng, và Yên Đạt đã đem quân tới gần Na-lữ.
Vậy, đầu tháng chạp, Quảng-nguyên đã mất. Ý Triệu Tiết là sau khi lấy được Quảng-nguyên, bảo Yên Đạt theo đường tắt xuống Thăng-long, tức là đường qua Bắc-cạn, Thái-nguyên ngày nay. Tiết nói rằng : "Đường tắt từ Quảng-nguyên đến Giao-châu (Thăng-long) chỉ 12 trạm. Theo đường ấy rất tiện-lợi. Ta nên xuất-kỳ bất-ý, đem quân đi đường ấy mà đánh úp. Như thế, vừa bằng sông, vừa bằng bộ, ba đường tiến đánh, thế giặc phải chia. Chắc ta sẽ thắng " (TS 332 và TB 279/21b). Ba đường nói trên, có lẽ là đường Quảng-nguyên, đường Lạng-châu và đường thủy từ Bạch-đằng vào.
Quách Quì không bằng lòng kế ấy,và bảo Yên Đạt khi đánh xong Quảng-nguyên, phải trở lại trại Vĩnh-bình, hội với đại-binh ở vùng Tư-minh, Bằng-tường. Yên Đạt bèn đúng lời hẹn, bỏ Quảng-nguyên và rút quân về phía đông.
Nhưng bấy giờ còn chừng một vạn quân ta đóng ở động Hạ-liên và Cổ-lộng. Hai châu này ở phía nam Quảng-nguyên, trên đường Cao-bằng, Thái-nguyên ngày nay. Hạ-liên là đất Ngân-sơn (8).
Trong khi lui quân, Yên Đạt sợ bị quân ta đánh úp. Bèn sai Khúc Chẩn quản 3.000 quân kỵ đóng lại, dương-ngôn rằng sắp qua các động ấy để vào đánh lấy Thăng-long. Đạt lại tha tù-binh, quê ở các châu ấy, để chúng về kể truyền tin bịa ấy. Vì thế, quân ta không dám động, chỉ ở lại giữ thế thủ mà thôi (TB 279/22a).
Yên Đạt rút quân được vô sự. Còn Khúc Chẩn ở lại sau.
8.- Trận biên-thùy : Quyết-lý, Môn, Tô-mậu
Đại-quân Tống bấy giờ ở vùng Tư-minh, Bằng-tường, phía bắc châu Quang-lang thuộc nước ta. Ngày 11 tháng 12 (Q. Ti, DL 8-1-1077) Quách Quì đem quân qua biên-giới (Hội-yếu và TB 279/11a). Đại-quân chắc theo đường qua cửa ải Nam-quan và tiến về ải Chi-lăng, tức là đường Hà-nội Nam-quan ngày nay.
Mặt tây, Khúc Chẩn rời bỏ Quảng-nguyên, tiến quân sang đông-nam, lấy Môn-châu (TB 279/11a) một cách dễ-dàng, vì các tướng giữ vùng ấy là Hoàng Kim-Mãn và Sầm Khánh-Tân đã ngấm ngầm thông với Tống từ trước (9).
Mặt đông, quân ở các châu Lộc, Tư-lăng tiến vào châu Tô-mậu. Viên châu-mục là Vi Thủ-An, đã bị viên chúa trại Vĩnh-bình là Dương Nguyên-Khanh dụ trước. Cho nên quân Tống chiếm Tô-mậu dễ-dàng (TB 281/8a).
Mặt giữa, quân tiền-phong vượt núi ở phía nam sông Ô-bì, tiến tới huyện Quang-lang. Ngày nay phía nam tỉnh Lạng-sơn, còn có làng Quang-lang trên đường thiên-lý, phía nam Ôn-châu. Chắc rằng đời Lý, huyện-lỵ Quang-lang đóng tại đó. Từ phía bắc xuống đó, phải qua nhiều đèo ải, như đèo Kháo-Mẹ, Kháo-Con, rồi qua làng Nhân-lý, ở bên cạnh Làng-giai hay Đồng-mỏ. Đời Lê, Nhân-lý là một trạm lớn, và đèo Kháo-Mẹ, Kháo-Con là hiểm nhất trên đường này.
Các sách và sử Tống đều nói rằng quân Quách Quì đánh bại quân Lý ở ải Quyết-lý, rồi thừa-thắng lấy huyện Quang-lang. Sách MKBĐ lại nói rõ rằng : Quách Quì phá ải Quyết-lý ở huyện Quang-lang. Xem đó, ta có thể đoán rằng ải Quyết-lý tức là Nhân-lý ngày nay, nó ở về phía bắc Quang-lang, cách chừng 15 cây-số.
Vậy Quách Quì sai quân tiến tới huyện Quang-lang. Quân Lý chặn ở ải Quyết-lý. Đó là tiền-quân của phò-mã Thân Cảnh-Phúc. Quân Lý đem voi chống lại. Quì sai Yên Đạt (TB 284/4a), Trương Thế-Cự tiến đánh (TB 279/11a). Tu Kỷ đi tiên phong, Tu Kỷ đưa quân đi lén tới, giết được 66 quân ta (TB 284/4a). Nhưng bị voi cản đường, quân Tống không thể tiến. Quì sai quân cung-tiễn-thủ lấy nỏ bắn vào voi. Lại sai lấy mã-tấu chém vòi voi. Voi sợ, quay chạy, dẫm xéo lên quân Lý. Quân Lý tan vỡ. Quyết-lý mất. Quân Tống tràn đến huyện Quang-lang. (TB 279/12b)
Sách Quế-hải-chí (theo lời SK, nhưng sách QHNHC không chép) kể chuyện rằng : "Viên tri-châu Quang-lang là phò-mã, bị thua, bèn trốn vào trong bụi cỏ. Thấy quân Tống đi lẻ-loi thì ra giết chết, hoặc bắt về chặt ra mà ăn. Người ta cho là một vị thiên-thần ". Phò-mã nầy chắc chính là Thân Cảnh-Phúc coi châu Lạng. Vậy sau trận Quyết-lý, Cảnh-Phúc rút lui vào rừng động Giáp, rồi du-kích hậu-phương quân Tống. Rình lúc bất-ngờ, đánh úp quân địch làm chúng rất sợ-hãi.
Tuy Cảnh-Phúc không những không theo gương các thủ-lĩnh các châu khác qui-hàng giặc, mà còn đổi thế thủ ra thế-công bằng du-kích, nhưng thế cũng không ngăn nổi đại-quân Tống đang ồ-ạt băng ngàn, tràn xuống miền nam. Các phủ Lạng-châu và Phú-lương đang sắp qua những ngày quyết-liệt.
CHÚ-THÍCH
(1) - Chữ Thái-tử thường dùng để chỉ con vua được chọn nối ngôi. Nhưng theo Chu Khứ-Phi thì đời Lý, các con vua đều gọi là thái-tử (LNĐĐ 2). Sách ta, như VSL, chỉ chép là hầu mà thôi. Chữ hầu chỉ con vua. Hai hầu này có lẽ là em vua Lý Thánh-tông (XI/cth3). Các sách Tống đều chép tên Hồng-chân. Sách ta, như VSL chép Hoằng-chân. Tuy rằng Lê Tắc cũng chép Hồng-chân trong sách ANCL, nhưng có lẽ Tắc viết sách ở đất Nguyên, đã theo sách Tống. 1. (2) - Trong các sách Tống, thường chép tên châu-mục Quảng-nguyên là Lưu Kỷ (TB, TS, ĐĐSL). Nhưng cũng có một vài nơi lại chép Lưu Ứng-Kỷ, như trong truyện Quách Quì ở TS 290 và chuyện Yên Đạt ở ĐĐSL 84.1.
(3) - Vân-đồn là một đảo trong nhóm phía nam đảo Ile de la Table ở địa-đồ Đông-dương. Đại-bàn là vùng đảo Kế-bào (nay ở Kế-bào có làng Đại-độc và phía đông có đảo Độc-bàn). Đường thủy từ Trung-hoa sang ta hay qua phía đông hay phía tây Kế-bào. Đồn-sơn ở phía đông Kế-bào. (Xem V/2).1.
(4) - Phú-lương là tên một phủ đời Lý (Theo LNĐĐ và VSL, TT). Nay cũng còn châu Phú-lương thuộc tỉnh Thái-nguyên. Thượng-lưu sông Cầu chảy qua đó. Đời Lý, phủ Phú-lương gồm địa-phận cả tỉnh Thái-nguyên bây-giờ và cả huyện Đa-phúc nữa. Sông Phú-lương là khúc sông Cầu chảy qua đó. Nối với sông Phú-lương có sông Như-nguyệt, chảy từ ngã ba Tư-nguyệt qua làng Như-nguyệt đến vùng Thị-cầu. Tiếp đó là sông Kháo-túc (xem XI/2) chảy xuống Phả-lại, Vạn-kiếp. Có lẽ đối với Tống, Phú-lương là chỉ sông Cầu, mà đối với ta thì lại gọi là sông Như-nguyệt. Cách gọi tên sông ở xứ ta là đặt tên từng khúc và thường lấy tên xứ sông chảy qua. Vì thế mà tuy một dòng sông, nhưng có nhiều tên khác nhau. Sự ấy thường làm cho người ta lầm-lẫn. Đến đời Lê, sông ấy có tên là Nguyệt-đức, hay Nguyệt-giang. Trong sử-sách ta sông ấy lại còn tên Vũ-bình (VĐUL), và theo LNĐĐ của người Tống, còn thêm tên Nam-định (IV/cth 6 và V/1).
Về sông Phú-lương còn có một sự lầm lớn nữa, là các sử Trung-hoa và sử ta đều lầm với sông Nhị-hà. Nguyên-nhân sự lầm ấy là bởi sử-gia Trung-quốc. Có lẽ người Tống khi đọc đến chuyện Quách Quì đưa quân đến sông Phú-lương, "chỉ còn cách Giao-chỉ có một con sông", thì tưởng Phú-lương-giang là Lô-giang (Nhị-hà). Theo chỗ tác-giả nhận thấy, thì ít nhất là về đời Nguyên đã lầm như vậy rồi. Trong Nguyên-sử, An-nam truyện, chép việc Sài-Thung tới Thăng-long năm 1278 : có nói quan Thái-úy (vua Trần Nhân-tông) dẫn bách quan từ bờ sông Phú-lương (đây viết chữ lương là rường) ra mời Sài-Thung vào quán. Ngày mồng 2 tháng chạp, Nhật-Huyễn (Thái-thượng-hoàng) tới quán, ra mắt các sứ-giả". Theo chuyện, có thể nhận Phú-lương đây muốn nói sông Nhị-hà. Cũng ở Nguyên-sử, lại có chỗ chép Phú-lương với chữ Lương là lành :"Năm Chi-nguyên thứ 22 (1285) Ô Mã-Nhi thua trận trên sông Phú-lương. Toa-đô chết."
Từ đời Nguyên trở về sau, sử Tàu đều chép lầm như vậy, nghĩa là mỗi lúc muốn nói sông Nhị-hà thì chép Phú-lương-giang. Còn sử ta, lúc đầu đời Trần còn chép Lô-giang, khi muốn nói rằng Thái-tông lui về đóng ở sông Nhị-hà (TT 1257). Đến sau tuy có lúc chép Nhị-hà bằng Lô-giang (TT 1257, 1282, 1285), nhưng mỗi lúc thấy sử Tàu chép Phú-lương-giang, sử gia ta không phán-đoán, liền chú thích là sông Nhị-hà. Vậy mà chỉ cần nhìn địa-đồ nhỏ cũng đủ đoán được rằng, đời Tống, Phú-lương-giang chỉ sông Cầu bấy giờ. Ông Maspéro đã nhận thấy sự lầm ấy trong tập-san ĐPBC. 2.
(5) - Đào Bật tự Thương-ông, người Vĩnh-châu, dự vào nhiều việc đánh dẹp các khê-động, sau được coi Thuận-châu. Bị bệnh ở đó rồi chết. Bật có thơ vịnh miền Ung-châu (XII/1). 3
(6) - Về nhật-trình tiến quân của Quách Quì, sách TB chép hơi lung-túng, bởi vì các tài-liệu sách ấy dùng đã chép không giống nhau. TB (278/14b) có chú-thích rằng : " Quách Quì truyện nói tháng 10 Quì đến Ung, còn Mộ-chí Quách Quì thì không chép rõ ngày tháng nào cả. Theo Mộ-chí Triệu Tiết, thì quân lưu lại Tư-minh 7 tuần (70 ngày), và ngày 11 tháng chạp, từ Tư-minh đi. Nếu ta tính dồn lên, thì thấy rằng quân tới Tư-minh vào khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10. Vả từ Ung tới Tư-minh còn mất chừng 4 ngày đường. Nếu như ta cho rằng thiên Quách-Quì tân và cựu truyện ở TL chép Quì tới Ung vào tháng 10 là đúng thì Mộ-chí Triệu Tiết lại thành ra chép sai. Muốn cho cả hai đường đều đúng thì ta phải nhận rằng đầu tháng 10, quân tới Ung rồi lập-tức đi xuống Tư-minh. Nhưng sợ quân đi như thế là vô-lý. Vả chăng, ngày 15 (TB lầm ra 16) tháng sau, Quì đi từ Đàm xuống Quế; đường đi mất 14 ngày. Vậy đến Quế vào đầu tháng 7. Quế lại cách Ung 14 ngày. Nếu quả tháng 10 mới tới Ung, thì hoá ra Quì ở lại Quế rất lâu (3 tháng). Vả lại ngày 23 tháng 9, có chiếu nói rằng chẳng bao lâu quân sẽ ra khỏi cõi. Nếu bây giờ quân chưa tới Ung, thì sao lại có lời nói quân sẽ ra khỏi cõi ? Hoặc giả Quách Quìtruyện chép đầu tháng 10 Quì tới Ung là sai. Đáng lẽ thì giữa tháng 9 tới Ung, đầu tháng 10 đến Tư-minh mới phải (TB 278/14b).
Lý-luận trên xác-đáng, và hợp với chứng sau. Ngày 14 tháng 10 (TB 278/6b), vua có chiếu rằng :"An-nam hành-doanh đã tới Ung-châu. Tính tới thượng-tuần tháng 9, quân lính của bốn tướng chết bệnh mất bốn, năm nghìn tên..."Ta có thể hiểu rằng cái ngày thượng-tuần tháng 9 nói trên, là ngày quân đến Ung-châu. Tuy sau lời bàn trên, TB thêm rằng Mộ-chí chép quân ở lại Tư-minh bảy tuần là sai, nhưng nay ta tính lại, thì thấy rằng Mộ-chí chép như thế có lý. Vậy tôi đã theo thuyết ấy. 4.
(7) - Lý Thượng-Cát tất nhiên là Lý Thường-Kiệt. Đọc bằng âm Tàu hai tên như nhau.
Lý Kế-Nguyên là ai ? Sử ta không hề chép tới. Lần đầu, Tống-sử (TS 488) chép tên phó sứ Lý Kế-Tiên tới Biện-kinh vào năm 1063. Chữ Tiên là trước gần chữ nguyên là đầu. Chắc là Lý Kế-Nguyên. Sách TB có chép tên ấy nhiều lần. Trên đây là một. Một lần thứ hai là lúc dẫn lời Dương Tùng-Tiên trình : "Vừa rồi tôi đã gặp quân liên-lạc giặc mang lệnh của viên hành-quân-chiêu-thảo-sứ giặc là Lý Kế-Nguyên. Sau đó nhiều lần tôi đánh chúng, nhưng chúng không có ý khuất-phục. Vậy xin nghiêm sai dự-bị ở biên-giới để chế sự bất ngờ" (Tháng 3 năm Đinh-tị 1077, TB 281/2a). Lần thứ ba là tháng 10 năm Đinh-tị (1077) Giao-chỉ sai bọn Lý Kế-Nguyên tới biên-giới bàn việc biên-giới (TB 285/4b). Các sử ta (TT và VSL) đều chép rằng năm Mậu-ngọ (1078) Lý sai Đào Tông-Nguyên đem voi sang cống Tống, chắc rằng muốn nói phái bộ trên. Xem vậy, ta có thể nghĩ rằng Lý Kế-Nguyên và Đào Tông-Nguyên là một. Nhưng lại có sứ-giả tên là Đào Tông-Nguyên thật, vì cũng trong sách TB có chép tên ấy nhiều lần (313/11b và 339/2a). Vả Tống sử (TS 488) cũng có chép tên Đào Sùng-Nguyên, năm 1069 làm phó-sứ tới báo sự thắng quân Chiêm-thành. Xem vậy thì hình như Lý Kế-Nguyên và Đào Tông-Nguyên là hai người khác nhau.
Lại xét trong sử đời Lý, có một nhân vật tên Lý Nguyên, mà con gái làm thứ-phi đời Lý Thần-tông. Lý Nguyên làm thượng-thư rồi bị hạ ngục, chết năm 1132. Nhưng năm 1132 cách năm 1077 những 55 năm. Chắc rằng lúc đánh Tống, Lý Nguyên còn trẻ lắm, không phải là một chiêu-thảo-sứ được. Lý Nguyên không phải là Lý Kế-Nguyên.
Nói tóm lại, Lý Kế-Nguyên là một chiêu-thảo-sứ, nghĩa là một tướng quan-trọng cầm quân đánh Tống, cai-quản đạo thủy-quân châu Vĩnh-an. Có thể rằng Lý Kế-Nguyên là tên khác của Đào Tông-Nguyên. Vì đời xưa, vua thường ban quốc-tính, nghĩa là họ vua, cho bầy tôi được trọng-đãi.
Tên NguyễnThù, ở sử ta (TT và VSL) cũng không thấy. Nhưng TT có chép : "Năm 1042, mất mùa, vua Lý Thái-tông sai quan khu-mật Nguyễn Châu đem những người phiêu-lưu đắp ụ đất ở các địa-phương, trên có đựng thẻ gỗ đề tên đất, để người đi tha-hương kiếm ăn dễ nhận đường."
Chữ Châu là ngọc châu rất gần chữ Thù là khác, có lẽ hai tên ấy là một chăng ? Từ năm 1042 đến năm 1076 có 34 năm; giả thuyết trên cũng không vô-lý. 5.
(8) - Sách TT có chép vào năm 1039 rằng :"Tháng 5, huyện Liên châu Lộng-thạch, châu Định-biên thuộc Quảng-nguyên có mỏ bạc. Châu Định-biên nay ở Bắc-cạn, tức là châu Định giáp vùng Ngân-sơn (xem VI/7). Xem vậy các châu trên đều ở vùng nam Cao-bằng. Mà theo địa-thế, hai châu Hạ-liên, Cổ-lộng trong lời Yên Đạt cũng ở vùng ấy. Ta có thể đoán rằng Hạ-liên và huyện Liên có lẽ là một. Còn Cổ-lộng có lẽ cũng là châu Lộng-thạch. Chữ cổ là xưa với chữ thạch là đá dễ lẫn nhau. Cổ-lộng có lẽ là Thạch-lộng, hay Lộng-thạch. 8.
(9) - Về ngày Hoàng Kim-Mãn hàng, sách TB đã nhận thấy rằng mỗi nơi nói một khác. Lời chú-thích trong TB như sau :"Mộ chí Quách Quì chép :"Quách Quì dụ các khê-động. Môn-châu có tụi Hoàng Kim-Mãn, Sầm Khánh-Tân hàng."
Sách Ngự tập chép :"Ngày 19 tháng 5, Tôn Giốc làm chuyển-vận-sứ ở Hồ-bắc tâu rằng Hoàng Kim-Mãn muốn hàng."
"Sách Nhật-lục lại nói :"Ngày 17 tháng 8, dụ được Hoàng Kim-Mãn". Theo đó thì Kim-Mãn qui-hàng vào khoảng tháng 8 hay tháng 9.
Sách Thực-lục không hề chép việc Hoàng Kim-Mãn hàng. Nhưng có chép việc các tù-trưởng dân Mán ở Cổ-nông hàng vào ngày 12 tháng chạp. Có lẽ Hoàng Kim-Mãn qui-hàng lúc ấy.
"Vả Mộ-chí Quách Quì chép hai việc sau này trái-ngược nhau : việc Hoàng Kim-Mãn ở Môn-châu hàng và việc đánh Môn-châu sau đó. Nó đã hàng rồi, sao còn đánh nữa ? Hay là Kim-Mãn có ý hàng mà chưa đến hàng ?
"Theo sách Chinh-nam-nhất-văn-tự thì đúng là vậy. Vả sách ấy có chép :"Ngày 28 tháng 4 năm Hi-ninh thứ 10 (1077), Triệu Tiết mách rằng Hoàng Kim-Mãn đã đem Miêu Lý qua sông Phú-lương." Xem đó, ta nhận thấy rằng lúc ta đánh Môn-châu, Hoàng Kim-Mãn mới hàng. Vậy thì Mộ-chí Quách Quì chép cũng không sai."
Nay xét qua các chứng trên, ta có thể nhận rằng :
Tháng 5 năm Bính-thìn (1076), tụi Hoàng Kim-Mãn ngỏ ý muốn hàng với thuyết-khách Tống. Nhưng bấy giờ, quân Tống chưa tới vùng Môn-châu. Đến tháng 8, tháng 9, đại-quân Quách Quì đã đến Ung-châu. Có tướng tới dụ tụi Kim-Mãn. Chúng nhận lời, nhưng vẫn ở lại châu mình đợi quân Tống. Đến đầu tháng chạp, quân Khúc Chẩn từ Quảng-nguyên lại Môn-châu. Hoàng Kim-Mãn mới đem bộ hạ theo Chẩn và nhận làm hướng-đạo cho quân Tống, để đi tắt từ Môn-châu xuống Phú-lương. Rồi ở Phú-lương, y lại dẫn đường cho Miêu Lý qua đò Như-nguyệt để đi tắt về phía Thăng-long. 8.