Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ]
Ông già kể chuyện đời xưa:
Vài kỷ niệm của một cựu sinh viên trường thuốc Hà Nội
(3)B.s. Nguyễn Lưu Viên
[ Phần 1 ] - [ Phần 2 ] - [ Phần 3 ]
Sau khi tập sự được hai lục cá nguyệt ở khu Nội thương và hai lục cá nguyệt ở khu Ngoại thương thì sinh viên được cho đi tập sự ở các chuyên khoa (spécialité), thường thường một hoặc hai tam cá nguyệt ở mỗi nơi .Các chuyên khoa được chia ra làm hai nhóm : một nhóm chuyên khoa có giải phẫu ( spécialités chirurgicales) gồm có Sản khoa, Tai-mũi-họng và Nhãn khoa, và một nhóm chuyên khoa có tính cách nội thương ( spécialités médicales) gồm có bệnh nhi đồng, bệnh truyền nhiễm và bệnh ngoài da. Tôi sẽ lần lượt nhắc đến các chuyên khoa theo thức tự trên .
Sản khoa
( Ob-Gyn )Địa điểm : Bệnh viện Bạch Mai
Phụ trách : Giáo sư Daléas, kiêm giám đốc trường Nữ Hộ Sinh ( École des Sages Femmes ) cũng ở bệnh viện Bạch Mai; staff có bác sĩ Cartou (về sau có vào Sài Gòn, dạy ở Trường Thuốc và ở nhà thương Từ Dũ) có anh Đinh văn Thắng, nội trú ( về sau giáo sư Y Khoa Hà Nội ) rồi anh Dương Bá Bành.
Tập sự ở Sản khoa phải "đỡ" được tối thiểu 40 cái mới được công nhận ( stage validé ); một phần vì vậy mà anh em phải chia nhau ( hoặc tranh nhau ) tối đi xuống bệnh viện Bạch Mai ngủ để "gác ở Nhà Đẻ". Vả lại còn phải chia cas với các chị sinh viên nữ hộ sinh; mà "trai tài gái sắc" cùng nhau gác trong "đêm khuya thanh vắng", thì anh em phải chia nhau cho đều, hoặc tranh nhau cho đúng (đúng phiên gác của ai kia).
Kỷ niệm của tôi với thầy Daléas có một chuyện nhỏ buồn cười là : một hôm buổi sáng thầy đi round đến giường một bệnh nhân. Thầy hỏi đêm hôm qua ai gác? Mình tình thật đưa tay lên thì liền bị xài xể không hiểu ất giáp gì hết; may mà có bà supervisor cùng đi, đính chánh là cas này không phải do mình "đỡ" mà do chị (sinh niên nữ hộ sinh) nào đó nên mình khỏi bị "trận lôi đình". Từ ngày quân đội Nhật đảo chánh Pháp ở Đông Dương ( 9-3-1945 ) về sau tôi không có liên lạc hay tin tức gì của thầy Daléas hết.
Tai-Mũi-Họng
( Oto-Rhino-Laryngologie, viết tắt là O.R.I. xin đọc là Ô-Rơ-Lờ )Địa điểm : Bệnh viện Bạch Mai
Phụ trách : Bác sĩ Sohier; staff có bác sĩ Đỗ Xuân Hợp (ở lại Hà Nội) và anh Vũ Hữu Hiếu ( ở lại Hà Nội ).
Kỷ niệm của tôi với phân khoa nầy không có gì đặc biệt, tôi chỉ nhớ rằng thầy Sohier có tính "nóng như Trương Phi "; thầy hỏi gì mà trả lời lặng quặng thì bị hét như sấm. Nhưng nghe những người gần thầy nói thầy tốt bụng lắm, sẵn sàng tận tâm giúp đỡ sinh viên nào cần tới. Đặc biệt là thầy có một lối viết chữ "to như con bò" nhưng cũng khó đọc lắm vì nét khít nhau như chữ ký của ông giám đốc ngân hàng Banque de l ' Indochine trên giấy bạc một đồng ( une plastre ) hồi xưa. Tôi không biết sau ngày 9-3-1945 thầy Sohier về sau ra sao.
Nhãn khoa
( Ophtalmologie)Địa điểm : Nhà thương đau mắt (Institut Ophtalmologique) ở gần Chợ Hôm là một bệnh viện khá lớn chuyên nhận và chữa bệnh đau mắt.
Phụ trách: bác sĩ Keller; staff có bác sĩ Nguyễn Xuân Nguyên gọi là "Nguyên cao" vì ông ấy gầy và cao nghệu, và anh Nguyễn Đinh Cát nội trú, ( về sau giáo sư Y khoa Sài Gòn, mất ở Canada ).
Đặc biệt ngoài Bắc lúc ấy bệnh đau mắt hột (trachome) rất nhiều, nên lắm người bị "lông quặm" ( entropion ) cho nên tập sự ở Nhãn khoa lúc ấy được mổ lông quặm " đã tay thì thôi ". Thường thường mấy cas đầu, sau khi cắt cái sụn mí mắt ( tarse de la paupière ) rồi khâu lại thì " quá tay " nên biến lông quặm ( quập vào ) là entropion thành ra " lông vểnh " ( vảnh ra ) là ectopion.
Y-vật-lý-học
( Physique médicale )Nhắc đến thầy Keller thì phải nói đến môn Y-vật-lý-học là môn thầy chuyên dạy ở trường cho sinh viên năm thứ I và năm thứ II.
Thường thường cours của thầy bắt đầu 5 giờ chiều ( 5:00 p.m. ) vào lớp thì thầy ngồi ở bàn trên lấy một xấp cours đánh máy của thầy ra đọc cho sinh viên lấy notes. May thay không biết bằng cách nào một " đàn anh " ở lớp trên " chớp " được cours ấy, đánh máy lại, phổ biến cho anh em, và " lưu lại cho hậu thế " nên "đàn em " này vào lớp thì lấy xấp đánh máy của mình ra dò để sửa đổi chút đỉnh nếu cần.
Đến cuối năm đi thi với thầy thì thầy ngồi ở giữa bàn, hỏi thí sinh ngồi đối diện một câu rồi thầy lấy bản đánh máy của thầy ra để dò. Nhưng học thuộc lòng là sở trường của sinh viên Việt Nam nên anh em chẳng sợ. Trong lớp tôi có anh Sinh mắt rất tinh đọc ngược rất tài, vào thi ngồi đối diện với thầy thì anh ấy ló mắt ra nhìn bảng đánh máy của thầy và đọc ngược ào ào trong khi thầy dò theo rất sát. Đến cuối trang thầy Keller không nghe gì nửa ngửng mặt lên nhìn thí sinh thì chàng Sinh ta đã " bí " rồi nên đánh liều nói : Tournez la page s'il vous plait, monsieur " ( Xin thầy làm ơn giở sang trang ); thế mà rồi thầy Keller " ngoan ngoãn " lật sang trang thì anh Sinh lại đọc ngược ào ào. Anh em ngồi ngoài chờ phiên mình ôm bụng mà cười.
Nhưng đi thi với thầy Keller không thuộc bài thì chắc chắn là rớt mà thuộc bài cũng chưa chắc là đậu; vì sau khi mỗi thí sinh trả lời xong ( hay nói đúng hơn trả bài xong ) thì thầy đánh một cái dấu đặc biệt cạnh tên trong danh sách rồi sau đó không biết thầy xào nấu thế nào mà nhiều anh có cảm tưởng đã trả thuộc bài cũng bị đánh rớt như thường. Tội nghiệp anh Sinh sau khi phải ở lại ( redoubler ) năm thứ Nhứt cũng như tôi, thì rồi phải " sortie lat " ( nghĩa là bỏ nghề thuốc ) bởi lẽ thi bốn kỳ không đậu ( mà mỗi kỳ thi có gần chục món, món nào cũng phải có tối thiểu điểm trung bình 5/10 chỉ cần có một món dưới điểm trung bình 5 trên 10 là " đi đoong ", các món khác dù có thừa bao nhiêu điểm cũng không bù qua sớt lại được và cũng không được giữ làm crédit cho kỳ sau ). Người ta đồn đêm 19-12-1946 khi Hà Nội khởi nghĩa đánh Pháp thì thầy Keller bị quân du kích bắt đem vào chiến khu rồi có người thì nói thầy chết trong chiến khu, có người thì nói thầy được trả về cho quân Viễn Chinh Pháp trong một cuộc trao đổi tù binh. Không làm sao kiểm soát được.
Sinh- hoá-học
( Chimie biologique )Đã nói đến Lý ( vật lý ) thì phải nói đến Hoá ( hoá học ). Môn Sinh-hoá- học do thầy Cousin, một dược sĩ có tiếng, phụ trách. Cours của thầy cho sinh viên năm thứ I và năm thứ II, thường thường bắt đầu 5 giờ chiều ( 5:00 p.m.). Vào lớp thì thầy chắp tay sau đít đi qua đi lại quanh lớp miệng nói " thao thao bất tuyệt ", pha lẫn chuyện nghiêm trang của khoa học với chuyện đùa giởn pha trò trong cùng một hơi nói, không đổi giọng và không chấm câu; cho nên lấy notes với thầy phải theo dõi và chú ý lắm để gạt bỏ những " chuyện tếu " hoặc để hiểu kịp " chuyện tếu " ấy có ý nghĩa gì không. Thí dụ : trong bài " Hóa học của các kích tố sinh dục " ( Chimie des hormones sexuelles ) nói đến ảnh hưởng của các kích tố ấy vào cơ thể của người đàn bà, khi đến ... cơ quan đó... thì thầy nói luôn một cách tự nhiên " enfin là où la tête de l'enfant passe avec difficulté, alors qu 'auparavant son père n'y trouvait pas de difficulté, les fibres musculaires de l'organe sont plus développées, les glandes locales plus actives,etc...etc..." ( sau cùng ở chỗ mà cái đầu của đứa bé phải chui qua một cách khó khăn còn bố nó khi trước không gặp gì khó khăn ở chỗ đó, thì các sợi cơ của cơ quan phát triển hơn, các tuyến địa phương hoạt động hơn, v.v...,v.v... ). Nói luôn một hơi không ngập ngừng, không đổi giọng, không cười, thì mình phải nhanh trí để hiểu kịp thời câu nói đùa trên đề cập đến cơ quan nào để rồi chỉ ghi lại bằng một chữ thay vì bằng cả câu.
Khổ nhứt là khi thầy viết công thức hóa học ( formule chimique ) trên bảng đen; lưng to" bồ tượng" của thầy đã che hết phân nửa bảng. Thầy lại viết công thức ào ào từ trên xuống dưới, rồi khi đến phía dưới, thừa dịp thầy lom khom để viết, thì thầy cúi xuống lượm cái nùi lau ở dưới dất, rồi sẵn dịp đứng dậy, thầy bôi luôn bảng từ dưới lên trên để viết công thức khác. Cho nên anh em phải chia nhau " tao chép đoạn trên, mày chép đoạn dưới " mà vẫn không kịp.
Sở dĩ có việc " chia nhau công tác " như thế là vì không tài nào đơn thân độc mã học một mình được, mà thường thường ba hay bốn bạn thân hợp nhau lại thành như một " tiểu tổ " để học chung với nhau, ban ngày đi cours lấy notes, tối họp nhau lại để so notes với nhau, sửa chữa bổ túc cho nhau, hầu có được một cours khả dĩ đầy đủ để mà học. Vì lúc ấy đang giữa thời Đệ nhị Thế chiến sự liên lạc với " mẫu quốc " Pháp không còn nữa nên không có sách mới từ Pháp sang, nhà in Taupin ở đường Tràng Tiền ( rue Albert Sarraut ) là nhà in duy nhứt có bán sách cấp đại học thì đã bán hết sách rồi mà không tiếp tế thêm được nửa, còn thư viện của trường đại học, một thư viện duy nhứt cho tất cả các khoa ( Y, Dược, Nha, Luật, Canh nông, v.v...) thì về sách thuốc, ngoài sách Anotomie và Physiologie là có nhiều bổn còn những sách về các môn khác thì chỉ có một hoặc hai bổn ( 1 or 2 copies ) cho nên sinh viên phải tranh nhau vào thư viện ( gọi là đi bib.) để mượn cho được quyển sách mình cần rồi chép lại đoạn cần thiết ( vì đâu có Xerox ) đem về phổ biến cho nhau trong tiểu tổ. Cho nên một giờ cours lấy notes về nhà phải tốn thêm một hoặc hai giờ, hay hơn nữa, để so notes, sửa chữa và bổ túc. Nếu gặp thầy khó tánh như thầy Joyeux thì phải chép lại cho sạch trong tập, gạch bút chì xanh đỏ, vẽ hình tô màu thì còn mất nhiều thì giờ hơn nữa và công phu lắm lắm. nhưng rồi cũng phải xong.
Lúc ấy ở trong " tiểu tổ " của tôi để học chung có anh Nguyễn Sơn Cao ( về sau có phòng mạch ở Biên Hoà, rồi bị stroke nên qua Pháp chữa, đến năm 1973 nhơn dịp đi công các ở Pháp tôi có đến Antony thăm anh ấy, không biết bây giờ ra sao ), anh Trần Minh Mẫn ( về sau có phòng mạch ở gần nhà thương Bình dân, còn kẹt lại ở Việt Nam, không biết bây giờ ra sao ), và anh Nguyễn thiện Thành ( ở lại Hà Nội, về sau được cử đi Moscou học Neuro- logie, không biết bây giờ ra sao )
Câu chuyện bên lề : Thầy Cousin có mê một chị sinh viên y khoa học trên tôi ba lớp, người Nam, khá đẹp, tạm gọi là chị Jo; có một dạo chị ấy ở chung popote với một nhóm sinh viên Nam kỳ ở đường Charron gần nhà Diêm; mỗi khi thầy Cousin đến thăm chị thì anh em trong popote phải hoặc " cao bay xa chạy " hoặc " bế môn toả cảng, khuê môn bất xuất " để tránh chạm trán, vì sợ cuối năm phải trạm trán ở phòng thi Chimie-Bio mà thầy nhớ mặt thì không biết số phận sẽ ra sao.
Về sau thầy cưới chị rồi hai người lên Nam Vang (Phnom-Penh) làm ăn; ( lúc đó trên Cao Mên chưa có Pol Pot mà vẫn có vua Sihanouk, một cựu học sinh trường trung học Chasseloup Laubat như chị Jo: chị mở phòng mạch, thầy mở hiệu thuốc Tây, phát đạt lắm.
Đến năm 1958 hay 1959 gì đó tôi có dịp gặp thầy và chị ở phi trường Tân Sơn Nhứt, trên con đường ông bà về Pháp. Vì không có sự chạm trán ở phòng thi Chimie Bio nữa nên tôi đến chào, nói chuyện vui vẻ; dĩ nhiên tôi không có nhắc đến " thời oanh liệt " ở đường Charnon.
Nhi khoa
( Pédiatrie )Địa điểm : Bệnh viện Bạch Mai
Phụ trách : Giáo sư Blondel ( đã nói đến ở kỳ trước ); staff có anh bác sĩ Nguyễn Đắc Kha ( hình như có vào Sài gòn, không biết hiện ở đâu ). Kỷ niệm của tôi với phân khoa Nhi Đồng không có gì đặc biệt; và tôi không nhớ trong suốt thời gian tập sự có gặp được một trường hợp bịnh trẻ con nào quái lạ như những bịinh ta có thể gặp ở trong một Children Hospital bên Mỹ này ( có lẽ vì bên Việt Nam những trẻ con vô phước mắc các bịnh ấy đã chết trước khi được vào nhà thương ? ). Nhưng có một việc mà bây giờ tôi nghĩ rằng Việt Nam đã đi trước Âu Mỹ là việc cho trẻ con bú sữa đậu nành ( lait de soja ) vì lúc ấy đang thời chiến tranh không nhập cảng sữa được ( thường là sữa Nestlé từ Pháp ) nên phải " xoay sở " ( đem ra " tiến " hơn Âu Mỹ ? )
Bệnh truyền nhiễm
( Maladies infectieuses )Đia điểm : Khu Lazaret của bệnh viện Bạch Mai
Phụ trách : Giáo sư Auguste Rivoalen, về sau kiêm nhiệm giám đốc Đông Dương đại học xá ( Cité Universitaire ); staff có bác sĩ Phạm Khắc Quảng ( về sau tổng thư ký trường Y Khoa Đại học Hà Nội dưới thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ).
Khu Lazaret là một khu riêng biệt trong bệnh viện Bạch Mai có rào phân cách và có hai dẫy nhà trệt có basement, mỗi dẫy có ba cái nhà riêng biệt nhau cho nên đi round mà gặp trời mưa thì khổ lắm; một cái nhà dành làm văn phòng có một buồng " Rọi phổi " ( radioscople ) và một buồng " Ép phổi " ( làm Pneumothorax artificiel ) còn các nhà khác làm trại cho bệnh nhân nằm; nhiều nhứt là bệnh thương hàn ( fièvre typhoide ) và bệnh lao phổi ( tuberculose pulmonaire ), có vài cas bệnh đậu mùa ( variole ), bệnh thủy đậu ( varicelle ), đôi khi bệnh dại vì chó cắn ( rage humaine ); mà thời ấy chưa có thuốc trụ sinh ( antibiotiques ) thì chữa thương hàn bằng phương pháp hỗ trợ ( supportive ) hơn là trị liệu ( curative ), còn bệnh lao phổi thì chích Calcium ( gluconate ) vào máu ( I.V.) và "ép phổi" ( làm pneumothorax ). Năm tôi tập sự ở đó thì ngoài Bắc có dịch typhus ( ban nhiệt ? ) bệnh nhân đưa vào liền liền, nằm la liệt cả dưới đất chật hết khu Lazaret nên sinh viên được dịp làm ponction lombaire " đã tay ".
Thầy Rivoalen cao, gầy, đầu sói (hói) láng bóng, thầy giảng bài rất hay, nói thật mau nhưng rõ rệt vì không "nuốt chữ ".
Sau đêm 9-3-1945 quân đội Nhật Bổn đảo chánh Pháp ở Đông Dương thì thầy cũng như các Pháp kiều khác bị Nhựt Bổn bắt làm tù binh rồi kể từ đó tôi không gặp lại thầy nữa và nghe đâu về sau thầy về Pháp giúp việc cho Viện Pasteur Paris.
Nói đến thầy Rivoalen thì phải nhắc đến anh Lâm văn On ( về sau có phòng mạch ở Mỹ Tho và còn kẹt lại ở Việt Nam ): một hôm vào cuối tháng 12 ( năm 1943 thì phải ) đêm gần sáng, trời lạnh, tôi đang nằm ngủ ngon lành thì nghe đập cửa rầm rầm ( vì ở popote 135 đường Charron phòng tôi ở dưới đất và sát đường ) có tiếng gọi lớn : " Viên ơi ! Mở cửa cho " moi " vô mau, lạnh quá " toi ". Tôi mở cửa ra thì là anh Lâm văn On, mặc một bộ đồ tussor trắng mỏng ( thời trang trong Nam hồi lúc ấy ) dơ hầy và hôi rình. Hỏi ra thì mới biết anh ấy nhơn dịp lễ Noel nghĩ được mười ngày về Sài gòn... để mua một con ngựa đua đem ra Hà Nội; mà lúc ấy xe lửa luôn luôn có chở quân lính Nhựt Bổn nên hay bị máy bay của Mỹ rượt bắn hoặc ném bom cho nên xe chỉ chạy ban đêm còn ban ngày thì đậu lại ở chỗ rậm rạp hoặc ở giữa rừng để trốn máy bay. Vì thế anh On phải nằm trên cùng toa chở thú vật với con ngựa của mình để ngày thì dẫn nó đi trốn và cho ăn uống, tối lại dẫn nó về toa xe lứa. Như vậy mấy ngày đêm mới ra tới Hà Nội. Thế là anh sinh viên Lâm văn On trở thành chủ ngựa đua. Ngựa được gởi ở pension trong một cái trại gần trường đua Phú Thọ, chiều nào cũng đạp xe đạp hàng chục cây số lên trại thăm ngựa, vì anh ấy đang học năm thứ Sáu lo làm luận án chớ không còn cours nữa; tuần nào đến ngày thứ năm cũng có tờ báo bàn đua ngựa trong tay, để ghi số này số nọ, có khi lại khoe " Kỳ này " moi " làm cái combine này chắc chắn ăn ". Không biết combine com-béo thế nào mà một hôm vào sáng thứ hai theo thầy Rivoalen đi round ở khu Lazarte, khi đi round xong trên đường về văn phòng thì thầy đi trước với anh Quảng và anh On, còn tôi đi sau với mấy sinh viên nữa, thì nghe lóm được thầy Rivoalen nói với anh On : " Hier vous m'avez passé des tuyaux crevés, hein ?" ( nghiã là hôm qua anh mách nước cho tôi sai bét ) thì anh On... parce que... parce que rồi hai người cười khúc khích với nhau; anh em đi đàng sau nhìn nhau nháy mắt cười vì biết là hôm qua thầy trò " đã bị ngựa đá ".
Cá nhân tôi không có một kỷ niệm gì đặc biệt với thầy Rivoalen, nhưng có một kỷ niệm hay hay với khu Lazanet lúc thầy không còn ở đó nữa, là : Sau khi tham gia Nam bộ kháng chiến từ tháng 9-1945 đến tháng 5-1946 thì miền Nam bị Pháp lấy lại gần hết nên tôi xuống thuyền ở Phước Hải gần Vũng Tàu để vượt biển ra Bắc vì lúc ấy đối với người Nam, miền Bắc là "vùng độc lập, tự do". Ra tới Hà Nội tôi đến trình diện ở Trường Thuốc ( lúc ấy cụ Hồ Đắc Di làm khoa trưởng, anh bác sĩ Phạm Khắc Quảng làm tổng thư ký ) thì anh Quảng cử tôi làm lưu trú (stage interné) cho khu Lazaret mà anh ấy đang phụ trách (vì thầy Rivoalen cũng như tất cả thầy Pháp khác không còn dạy ở trường nữa). Lúc ấy thì ở bệnh viện Bạch Mai đã có anh Phạm Phú Khai làm lưu trú cho khu Tai Mũi Họng, anh Phan Đình Tuân lưu trú cho khu Sản khoa, anh Nguyễn Danh Đàn và anh Trần Vỹ lưu trú cho khu Nội thương, và anh Xuân ( quên họ là gì chỉ nhớ anh là Xuân Violon vì anh ấy đàn violon khá lắm) lưu trú cho khu Bệnh ngoài da. Một hôm chiều thứ bảy vào mùa hè, tôi đang ngồi chơi với các bạn ở lầu lưu trú, thì bên khu Lazaret ở gần đó gọi tôi có việc khẫn cấp "vì một anh bệnh nhân vạm vỡ mà hồi sáng tôi cho nhập viện với chẩn đoán bệnh (diagnostic) là "điên vì chó dại (rage) tay cầm một then sắt là cây sắt ở đầu giường để treo mùng (màn), mắt trợn có vẻ hung hăng lắm. Tôi cũng "teo " lắm nhưng ngoài giờ làm việc thì ở khu nào lưu trú khu đó là chef thì mình phải giải quyết vấn đề. May phước nhờ nhớ kịp bài là bệnh này có hai triệu chứng đặc biệt là sợ gió và sợ nước (aérophoble et hydrophoble) nên tôi lấy cái quạt đang cầm ở tay (vì là mùa hè mà ở Việt Nam lúc ấy không có máy lạnh) quạt lia lịa thật mạnh vào mặt bệnh nhân thì anh này tỏ vẽ rất sợ hãi, trợn trắng mắt lên và hít thở liên hồi như người bị ngộp thở; y tá chạy tới chụp anh ta lại chích cho một mũi thuốc ngũ gardénal, tròng áo trói vào (camisole de force) và bê anh ta vào phòng; ngày hôm sau thì bệnh nhân chết. Đấy là kỷ niệm đặc biệt nhứt của tôi với khu Lazaret của phân khoa Bệnh truyền nhiễm.
Bệnh ngoài da
( Dermatologie )Địa diểm : Bệnh viện Bạch Mai
Phụ trách : Bác sĩ Grenlerboley; staff có bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm (có vào Sài Gòn, một dạo có giúp việc cho viên Pasteur, có di cư sang Mỹ, rồi qua Pháp thăm con và mất bên ấy) lo về phần clinique và bác sĩ Kham ( ở lại Hà Nội ) lo về phần laboratoire. Phân khoa được gọi là bệnh ngoài da chớ kỳ thực số lớn là bệnh nhân mắc bệnh phong tình ( maladies vénériennes, STD) và bịnh cùi ( hủi, lèpre).Vả lại sinh viên tập sự phải đậu một kỳ thi viết về bịnh phong tình, có được cái "Certificat d'Études Spéciales des Maladies Vénériennes" thì thời gian tập sự mới có giá trị (stage validé). Mà lúc ấy về bịnh phong tình chỉ có biết bốn bịnh là : bịnh lậu (blennorragie), bịnh hạ-cam mềm (chancre mou), bịnh giang mai (syphilis) và bịnh Nicolas-Favre (poradénite ou lymphogranulomatose inguinale bénigne); về thuốc thì chưa có trụ sinh (antibiotiques) nên chỉ biết dùng Dagénan (một loại sulfamide với "số chế tạo" là 693 ) để chữa bệnh lậu và cyanure de mercure (CyHg) với Bismuth để chữa bịnh giang mai; còn hai bịnh kia thì rạch (incision) cái hạch ở bẹn ( ganglion inguinal ) rút hết mủ rồi đắp thuốc sát trùng; còn bịnh hủi (cùi ) thì chưa có Dapsone nên dùng huile de chaulmoogra ( chaulmoogra là cây đại phong ) chích vào mông đít.
Đặc biệt với thầy Grenierboley thì thầy đến nhà thương rất sớm ( rất sớm theo tiêu chuẩn các giáo sư Việt Nam và bên Pháp ) thường thường là 7:00 sáng đã đến và 7:30 đã bắt đầu đi round, đến độ 10:30 thì công việc đã xong xuôi, thì sinh viên vào lớp hoặc để theo cours của thầy về bịnh phong tình hoặc nếu không có cours thì học một mình.
Mà lúc ấy Nhựt Bổn chiếm đóng Đông Dương nên chúng đổi giờ để theo giờ Tokyo, nghĩa là phải vặn đồng hồ sớm hơn một giờ. Mà trễ lắm là 7:30 thầy Grenlerboley đã có mặt ở nhà thương thì mình phải có ở trước đó để làm observation hầu đọc khi thầy đi round, tức là 6:00 giờ, giờ Tokyo mới ( nghĩa là 5:00 giờ Đông Dương cũ ) phải ra khỏi nhà để đạp xe đạp xuống bệnh viện Bạch Mai, nếu gặp mùa đông gió bấc mưa phùn thì không vui chút nào; mà giờ ấy trời còn tối, đến nhà thương thì dùng đèn điện cỡ 40 watt để " tả chân " hình dáng màu sắc của các tổn thương da ( lésions cutanées ) thì là cả một vấn đề, có khi đến sáng thanh thiên bạch nhựt thì mới nhận thấy cuộc " tả chân " đã sai bét nhứt là về màu sắc. Kỷ niệm của tôi với thầy Grenierboley có một chuyện nhỏ vui vui là: một hôm vào cuối thời gian tập sự, khi công việc đã xong xuôi ở trại, anh em vào lớp học bài thì một lát sau thầy vào nói chuyện vui vẻ vì đã thi cử xong xuôi với thầy rồi ( thi lấy cái Certificat d' Etudes spéciales des maladies vénériennes "), thầy hỏi từng người về sau sẽ làm gì ở đâu ? Vì hồi thời ấy vấn đề chuyên môn hóa ( spécialiser ) trong nghề thuốc ở Việt Nam chưa được đặt ra một cách gắt gao nên phần đông anh em đều trả lời là sẽ về hành nghề ở tỉnh nào đó cho gần gia đình. Tôi cũng vậy, nói ước mong sẽ được làm việc ở Hôpital Provincial của tỉnh Trà Vinh để có thể chiều về nhà ở gần đó độ 10 km trông nom ruộng đất của gia đình như một " gentleman farmer " ( tiếng Pháp cũng dùng nguyên chữ này ). Thầy cười vỗ vai tôi nói " Ah! Le gentleman farmer! )
Về sau khi trường Y khoa Hà Nội chia ra làm hai cơ sở thì thầy vào dạy ở Sài Gòn ( section de Sai-Gon ) cho đến khi Việt Nam độc lập thì thầy về Pháp không biết hồi nào, ở đâu, còn mất ra sao. Còn về phần tôi, thì nghĩ cho cùng lúc về già trước khi về hưu, tôi cũng đã thực hiện được phần nào cái mộng " gentleman farmer " của một sinh viên năm thứ Tư Trường Thuốc Hà Nội là :
- Buổi sáng đi làm trong một nhà thương nhỏ của một thành phố nhỏ ở nhà quê... nhưng đây là... nhà thương Oblon County General Hospital ( về sau đổi tên là Baptist Memorial Hospital ) của thành phố nhỏ Union City ( 10 ngàn dân ) của quận Obion của tiểu bang Tennessee... chớ không phải ... nhà thương Hôpital Provincial của châu thành Trà Vinh ( về sau đổi tên là châu thành Phú Vinh ) của tỉnh Trà Vinh ( về sau đổi tên là tỉnh Vĩnh bình ) của miền Nam Việt Nam. Chỉ khác nhau có một chút xíu thôi.
- Rồi buổi chiều về nhà ở giữa đồng... nhưng đây là nhà thuê ở giữa đồng ruộng ngô ( bắp ) của một người Mỹ... chớ không phải ... là nhà của mình ở giữa đồng ruộng lúa của gia đình mình. Cũng chỉ khác nhau có một chút xíu thôi
Hai cái " một chút xíu " ( khác nhau ) do hai cái to lớn gây ra là cái " Mất Nước " và cái " Di Cư "... Nhưng rồi cũng phải xong
Lời nói cuối
Như tôi đã nói ở " Lời nói đầu " tôi kể lại những " chuyện đời xưa " ở Trường Thuốc Hà Nội trên đây là để cho các bạn già nhớ lại mà cười chơi cho vui và các bạn trẻ biết tới mà cười chơi cho vui.
Tôi hy vọng đã đạt được mục đích là các bạn già cũng như trẻ đã có dịp cười chơi cho vui.
Hơn nữa tôi cũng hy vọng rằng... may ra ... biết đâu ... các bạn trẻ lại không " thương " các bạn già hơn, khi biết được các " anh " đã học thuốc như thế nào, trong hoàn cảnh của một nước Việt Nam còn bị trị, trong thời Đệ nhị Thế chiến thiếu thốn đủ thứ khó khăn mọi bề mà đã " gồng hết mình " để học tập và đã gặp nhiều may mắn ( rất rất nhiều may mắn vì đồng khóa PCB với tôi có hơn một trăm (100) sinh viên mà khi lên đến Năm thứ năm chỉ còn độ (30) người cho cả Đông Dương ),để rồi sau này khi mà một mình Việt Nam Cộng Hòa đã có một Trường Thuốc ( Sài Gòn ) ... rồi hai Trường Thuốc ( Sài Gòn, Huế ) ... rồi ba Trường Thuốc ( Sài Gòn, Huế, Minh Đức ) thì có một số bạn già sẵn sàng phục vụ tại các trường ấy để chỉ dẫn các bạn trẻ trên con đường chánh đạo vinh quang nhưng cũng đầy chông gai của Hippocrate
Nguyễn Lưu Viên
[ Trở Về ]