Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ]
Ông già kể chuyện đời xưa:
Vài kỷ niệm của một cựu sinh viên trường thuốc Hà Nội
( 1 )B.s. Nguyễn Lưu Viên
Lời nói đầu:
Tôi bước chân vào Trường Thuốc Hà Nội cách nay đã hơn nửa thế kỷ cho nên những kỷ niệm của tôi với trường này là những " chuyện đời xưa " mà tôi muốn kể lại đây để cho :
- các bạn già nhớ lại mà cười chơi cho vui.
- và các bạn trẻ biết tới mà cười chơi cho vui.
Tôi xin nói rõ là các chuyện nầy " có thật mười mươi " mặc dù một vài chuyện có vẻ hoang đường bịa đặt, nhưng ... " parfois la réalité dépasse la fiction ".N.L.V.[ Phần 1 ] - [ Phần 2 ] - [ Phần 3 ]
Hồi xưa dưới thời Pháp thuộc toàn cõi Đông Dương ( gồm có Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Cao Miên, Ai Lao) chỉ có một trường thuốc đặt tại Hà Nội với một tên chính thức dài thòng là:" Ecole de Médecine et de Pharmacie de Plein Exercice de l'Indochine " , nói tắt là Ecole de Médecine de Hanoi (Trường thuốc Hà Nội ) có một ông giám đốc (directeur) điều khiển.Trường nầy được trường Y Khoa Đại học Paris (Faculté de Médecine de Paris) đỡ đầu nên Paris gởi qua một giáo sư để làm giám đốc trường và hằng năm gởi qua Hà Nội một giáo sư để chủ tọa cuộc thi ra trường, trình luận án và tuyên thệ Hippocrate cho các tân khoa bác sĩ Việt Nam. Vị giáo sư cuối cùng được Paris cử qua Hà Nội là giáo sư Pasteur Valéry Radot, một danh sư của Y Khoa Đại học Paris và là cháu ngoại của nhà thông thái Louis Pasteur.
Đến năm 1940, sau khi Pháp thua trong Đệ nhị Thế chiến và bị Đức Quốc Xã chiếm đóng, sự liên lạc giữa Đông Dương và " mẫu quốc " Pháp không còn dễ dàng nữa thì Trường Thuốc Hà Nội được tự trị với tên chính thức là " Faculté Mixte de Médecine et de Pharmacie de Hanoi ( Y khoa Đại học Hà Nội ) và ông giám đốc trường thuốc được đổi danh xưng là Khoa trưởng Y khoa ( Doyen de la Faculté de Médecine ).
Từ khi tôi bước chân vào trường ấy ( 1938 ) cho đến khi ra trường ấy với danh hiệu trên không còn nữa (9-3-1945), ông giám đốc trường thuốc rồi khoa trưởng y khoa cũng đều là ông Henri Gaillard, một giáo sư chuyên về môn ký sinh trùng học (parasitologie) của Paris gởi qua để điều khiển trường.
Thầy Gaillard rất là " parisien " lúc nào cũng ăn mặc diêm dúa, ăn nói văn hoa. Ngoài việc điều khiển trường về mặt hành chánh ( lúc ấy sinh viên có việc về hành chánh thì liên lạc với ông Sành ), Thầy còn dạy hai môn là Ký sinh trùng học (Parasitologie) và Vi trùng học (Bactériologie) cho sinh viên năm thứ 3 có anh Bửu Lư rồi anh Lê Khắc Quyến (sau nầy là khoa trưởng Y khoa Huế) giúp. Cạnh văn phòng hành chánh của Thầy ở trên lầu I của Trường còn có một phòng thí nghiệm ký sinh trùng (Lab. of Parasito) trong đó Thầy nuôi đủ loại muỗi truyền bệnh sốt rét (malaria). Để nuôi (cho ăn) các muỗi ấy Thầy có mướn một người lao công hằng ngày mấy lần thọc tay vào mỗi lồng muỗi để cho muỗi " đốt " cho đến khi no.
Thường thường cours của Thầy bắt đầu vào lúc 1 giờ rưỡi trưa (1:30 pm) tức là giờ ngủ trưa ở Việt Nam, mà đề tài ký sinh trùng không có gì hấp dẫn, giọng của Thầy giảng bài lại đều ru ru, rất êm tai, nên ... thỉnh thoảng nghe Thầy đập gậy lên bàn một cái và hét : " Mais réveillez-vous, voyons " , thì biết cả lớp đã ngủ gục.
Đặc biệt với Thầy là cuối năm đi thi, Thầy hỏi nhiều câu không biết đâu mà rờ. Thí dụ :
Có một năm Thầy hỏi anh Hoàng ( bác sĩ Hoàng là anh của ông Lộc, sau này là Thủ rướng VNCH hồi ĐNCH) như sau:
Hỏi: Quel est l'animal le plus dangereux que vous connaissez ? (Anh biết con thú nào là nguy hiểm nhứt ? )
Trả lời : Le tigre, monsieur. (Thưa Thầy, là con cọp)
-: Non, plus petit que ça (Không, nhỏ hơn thế)
-: La panthère, monsieur (Thưa Thầy là con beo)
-: Non, beaucoup plus petit; un tout petit animal ( Không, nhỏ hơn nhiều, một con vật nhỏ xíu hè)
-: Le serpent, monsieur (Thưa Thầy, là con rắn)
-: Mais non, je dis un animal à quatre pattes non pas un serpent (Không mà, tôi nói một con thú 4 chân chớ không phải con rắn).
Dần dần thì là ... con chuột; vì thầy muốn hỏi lối truyền nhiễm của bệnh dịch hạch (peste,plague). Mà hỏi như vậy đó.Với tôi thì Thầy hỏi : Qu'est-ce que vous sentez quand un serpent vous pique ? (Khi anh bị rắn cắn thì anh thấy cái gì ?)
Trả lời : Une douleur, monsieur (Thưa Thầy, tôi thấy đau)
Thầy đưa hai tay lên, nói một cách chán nản: Mon Dieu, vous vivez dans un pays infesté de serpents, vous ne pouvez pas faire un pas sans risquer de rencontrer un serpent et vous ne savez pas ce que vous sentez quand un serpent vous pique (Trời ơi, anh sống trong một xứ đầy là rắn; bước đi một bước là có thể gặp rắn mà anh không biết anh thấy cái gì khi bị rắn cắn sao ?)
Rốt cuộc là Thầy muốn mình phân biệt hai loại nọc rắn độc: một loại thuộc loại rắn lục (Pit viper venon) có tác dụng vào máu, và một loại thuộc rắn hổ (cobra venon) có tác dụng vào thần kinh. Mà hỏi như vậy đó. Nhưng thầy không ác, rất " fair " hỏi dần dần để đưa mình đến chỗ Thầy muốn, rồi nếu nói được thì cho đậu.Câu chuyện bên lề một :
Lúc ấy vào niên khóa 1942-1943 thì phải, một hôm đang theo thầy Massias làm round ở Khu nội thương của Bệnh viện Bạch Mai, thì thấy khoa trưởng Gaillard đến (một chuyện lạ ít khi có). Cùng đi với Thầy có một người Việt Nam tuổi độ sáu mươi, lùn lùn, có vẻ sang trọng, ăn mặc chỉnh tề. Khi đến gần nhóm sinh viên thì Thầy Gaillard nói "Voici Dr. Thinh de Sai Gòn; il était déjà interne quand j'étais encore stagiaire " (Đây là bác sĩ Thinh ở Sài Gòn; ông nầy khi trước đã là nội trú khi tôi còn là sinh viên tập sự). Nghe như vậy bọn sinh viên nể quá, kính cẩn chào; bác sĩ Thinh không nói gì hết, cười cười, cúi đầu chào lại, có vẻ rất hiền hậu. Thầy Massias trong buồng bệnh nhân đi ra, ba người chào hỏi nhau, rồi kéo nhau lên văn phòng.
Đây là lần đầu tiên, tôi được gặp bác sĩ Thinh, một đồng nghiệp đàn anh danh tiếng ở miền Nam và cũng là bố của chị Irène Thinh, đầm lai, cao lớn hơn bố, khá đẹp, đang học Dược.
Về sau lối năm 1946, chính bác sĩ Thinh đây sẽ là Thủ tướng của Nam kỳ cuốc " Cộng hòa Cố chân chiên " (République de Cochinchine); và sau khi nhận thấy mình đã bị Pháp lừa và lợi dụng, ông đã tự tử bằng cách thắt cổ với một sợi giây điện, trên bàn viết gần đó có quyển sách thuốc còn mở ra ở trang nói về " Thắt cổ " (Pendaison). Nên để ý rằng ông là một bác sĩ mà không dùng độc dược để tự tử cho êm, mà lại dùng dây để thắt cổ như người " tay ngang " (có nhiều ý nghĩa); trước đó còn có can đảm và bình tĩnh để đọc lại sách thuốc xem cái gì sẽ xảy ra cho thân thế mình. Thương hại cho một đồng nghiệp đàn anh lỗi lạc (thời ấy Annamite-Indigène mà đậu được Interne des Hôpitaux de Paris không phải là vừa) thật thà ra làm chánh trị, bị lường gạt và lợi dụng đến nỗi phải quyên sinh. Không biết chị Irène về sau ra sao.
Câu chuyện bên lề hai:
Thầy Gaillard có một " cô mèo " Việt Nam trẻ và đẹp tên là cô Lý. Thầy thuê cho một căn nhà ở đường Duvigneau gần Nhà Diêm (Société Indochinoise des Allumettes) trong xóm có nhiều sinh viên Nam kỳ. Thì ... quả y như rằng ... cô Lý có một " cậu mèo " tên là anh Tấn, người Nam, con nhà giàu, quê ở Rạch Giá, đang học Luật. Mỗi khi thầy đến thăm " mèo " (thường cô Lý được báo tin trước để ... " chuẩn bị ") thì anh Tấn tạm " tản cư " qua nhà bên cạnh. Một hôm chắc Thầy " cao hứng lắm " nên đến bất thình lình mà không có báo trước nên ... đụng đầu. Anh Tấn kể chuyện lại như sau: " Tao đang nằm trong phòng, nghe tiếng xe hơi đậu lại; tao chồm lên nhìn qua cửa sổ thì thấy ổng đã xuống xe rồi; tao sợ quá vội vàng ôm đồ chạy; ra đến cửa thì gặp ổng bước vào. Thấy tao ổng hơi ngạc nhiên nhưng bình tĩnh nói : " Bonjour jeune homme ". Tao cũng cúi đầu chào " Bonjour monsieur " rồi chuồn luôn ". Tụi nầy nghe chuyện cười quá.
Về sau, sau khi Việt Nam độc lập thì Thầy Gaillard về Pháp được phục hồi nguyên chức vị cũ là giáo sư Y khoa Đại học Paris, và không biết Thầy mất lúc nào.
Còn cô Lý thì hình như được Quốc trưởng chiếu cố nên vẫn sống phây phây trên nhung lụa ở Đà Lạt.
Chỉ có anh Tấn thì tội nghiệp không đỗ đạt gì hết; đến năm 1961 thì tôi có gặp lần cuối cùng lang thang ở Sài Gòn, nghèo, đói, xì ke. Còn đâu thời oanh liệt của một sinh viên trường Luật mà " chim" được " mèo " của ông khoa trưởng Trường Thuốc !
Tái bút :
Tôi không rõ Trường Thuốc Hà Nội thành lập năm nào, chỉ thấy trong quyển sách " Việt Nam Pháp Thuộc Sử 1884-1945" , tác giả Phan Khoang, 1961, ở trang 441, có đoạn nguyên văn như sau: "Trường đại học ra đời thời Toàn quyền Paul Beau (1897-1902) bị Toàn quyền Klobukowski (1902-1908) bãi bỏ, được Toàn quyền Albert Sarraut (1911-1919) tổ chức lại năm 1918, thật ra chỉ gồm những trường chuyên môn đào tạo một hạng công chức phụ tá người Pháp trong các công sở. Trường Cao đẳng Y Dược mở trước hết, sau thêm trường Cao đẳng Sư phạm, Công chánh, Canh nông, Thú y, Thương mãi, Cao đẳng mỹ thuật. Và, như cụ Phan Khoang nói, lúc ban đầu Trường Thuốc Hà Nội chỉ đào tạo ra y sĩ Đông Dương (Médecins Indochinois) theo một chương trình học 4 (hay 3 ?) năm, để thành những công chức phụ tá cho các bác sĩ y khoa Pháp trong các bệnh viện ở Đông Dương.
Rồi về sau trường nầy mới đào tạo ra y khoa bác sĩ (docteur en médecine) với chương trình học 7 năm và luận án, tôi không biết kể từ năm nào, chỉ thấy trong quyển sách " Danh sách Y sĩ Việt Nam 1989 " của hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do xuất bản ở Montréal, Canada ở trang 114, có ghi hồi năm 1935 (là năm xa nhứt có được tài liệu), có 12 luận án y khoa.
Những chuyện tôi kể ở đây là những chuyện ở Trường Thuốc Hà Nội từ 1938 đến 1945.
Đến năm 1945, sau khi quân đội Nhật Bổn đảo chính Pháp ở Đông Dương đêm thứ sáu 9-3, thì Trường Y Dược khoa và Đại học đóng cửa.
Ông khoa trưởng và các giáo sư phải chịu cùng một số phận với các Pháp kiều khác là bị Nhựt bổn bắt nhốt làm tù binh.
Độ hai tháng sau (lối tháng 5-1945) dưới thời Đế quốc Việt Nam với Hoàng đế Bảo Đại và Thủ tướng Trần Trọng kim, thì Trường Y Dược khoa mở cửa lại với cụ Hồ Đắc Di làm khoa trưởng, và tiếp tục luôn như thế dưới thời Việt Minh, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Hoạt động được hơn một năm, thì đến ngày 19-19-1946, toàn dân kháng chiến chống Pháp giành độc lập, thì cụ Hồ Đắc Di và Trường cũng như mọi cơ sở khác phải di tản ra chiến khu (Việt Trì, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn. (Lần sau cùng tôi gặp cụ Di là ở Bắc Kạn vào mùa thu năm 1947).
Trong lúc đó thì Pháp đã trở lại Hà Nội, và năm 1947 thì Trường Y Dược khoa Hà Nội hoạt động trở lại và được chia ra làm hai cơ sở: một ở Hà Nội (được gọi là section de Hanoi) với Thầy Huard làm khoa trưởng và một ở Sài Gòn (được gọi là section de Saigon) với Thầy Massias làm khoa trưởng.
Ở Sài Gòn, trường Y Dược khoa được đặt tại một tư thất (villa) ở đường Testard (sau đổi tên là đường Trần Quí Cáp). Tư thất nầy khi trước là của chị bác sĩ Henriette Bùi (con của cụ Bùi Quang Chiểu, một chính trị gia có tiếng ở miền Nam).
Nên để ý rằng lúc ấy trường Thuốc Sài Gòn không có tên là Faculté de Médecine de Saigon mà có tên chính thức là Faculté Mixte de Médecine et de Pharmacie de Hanoi (Section de Saigon) làm cũng như thể là các thầy Pháp có linh cảm trước (trước 28 năm) rằng Hà Nội sẽ chi phối Sài Gòn ?)
Sau đó dưới thời Đệ nhứt Cộng Hòa (vào thập niên 60) nhờ sự viện trợ của Mỹ, một trường Y khoa Đại học nguy nga được xây cất trong vùng Chợ Lớn như chúng ta đã biết ... và đã phải vĩnh biệt.
B.s. Nguyễn Lưu Viên
Tập san Y sĩ - số 108
tháng 9-1990
(Còn tiếp)
[ Trở Về ]