Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ]
|
Đông
? Xuân ?
Năm hết, tết đến, nhà nhà chuẩn bị đón tết , người người ca ngợi xuân về... Nhưng, ngày Tết , tại quê nhà, trời lạnh cóng ; nơi trời Tây, băng giá trùm cảnh vật, tuyết phủ trắng phố phường, cây trơ cành... Tết đến, Ðông còn lưu luyến chẳng chịu ra đi. Có lẽ phải chờ đến cuối tháng ba, ngày lạnh ngày nhu, khí trời mới hơi hơi ấm lại, hoa cố nở, nắng ráng vén mây. Xuân gắng tới ! Trời đã nắng, nhưng ra đường đừng quên áo lạnh, khăn quàng. Phải chăng vì đông xuân lẫn lộn, ngoài cảnh vật, trong lòng người, mà ta có cảm giác sống lúc giao thời. Một tí vui, một tí buồn, dăm ba âu lo, bồi hồi, chán nản, nhưng cũng có một đôi tia hy vọng. Quái bệnh tiếp quái bệnh, chuyền đi khắp thế giới , bác sĩ bó tay đứng nhìn. Xa xa tiếng súng I-Rắc ì ầm vọng về, đe dọa tương lai, kinh tế ngừng thở lắng nghe, do dự, người ta biểu tình đòi hòa bình, người ta đình công đòi cơm áo, ... Thực ra, " tâm trạng giao thời " nào phải chỉ ngày nay mới có, thiếu cơm, thiếu áo đâu phải chỉ là hiện tại, mà cũng đã là quá khứ, và chắc chắn sẽ còn là tương lai. Sự vật là bấp bênh, là "giao thời", cuộc đời là "Khổ", có người nói như vậy. *** |
Nào, cửa vườn
Chim Việt 12 đã mở , xin kính mời!
Nguyễn Dư tiếp
bạn vài tranh dân gian lồng trong một bài về phong tục tập
quán, "Xướng ca vô loài", kể lại
thân phận một loại người xưa kia không được xếp hạng,
nằm ngoài bốn lớp "Sĩ , nông, công, thương".
Hai bài thơ Nghĩ
về nhau , Thương Tản Ðà
nói lên tâm trạng Nguyễn Hồi Thủ của những năm 1980-1990,
những năm tháng của nghi ngại, dằn vặt, cô đơn.
Nguyễn Nam Trân
dịch truyện "Cháo Khoai", nguyên
tác bằng tiếng Nhật của Akutagawa Ryunosuke (1892-1927) , tác
giả của La Sinh Môn, Địa Ngục Môn. "Akutagawa bi quan chăng
khi muốn nói đến cái hụt hẫng của con người lúc sắp
đạt được lý tưởng mà lý tưởng chỉ có giá trị khi
người ta không đạt đến. Ông lạc quan chăng khi muốn bảo
rằng mọi cuộc đời dù hèn mọn đến đâu cũng đều đáng
sống, lý tưởng dù nhỏ nhoi thế nào cũng phải ấp ủ. "
( Nguyễn Nam Trân )
Qua bài " Con
dê chín mùi " , Ðặng Tiến , "nhân chuyện dê năm Mùi
... ôn lại một số chuyện văn học và văn hóa" , rồi ngay
sau đó, đưa chúng ta đi dự Liên Hoan Phim Deauville, và tại
đây, tìm gặp nữ
đạo diễn Việt Linh qua tác phẩm
" Mê
Thảo-Thời vang bóng ".
Lê Văn Hảo tiếp
tục hướng dẫn chúng ta về thăm nước Văn Lang thời Hùng
Vương dựng nước để chứng kiến " Cuộc
sống đầm ấm của gia đình Việt cổ " .
Nguyễn Phúc Bửu Tập bàn về " địa vị người đàn bà trong kinh Phật ", bài này được Corinne Segers, một phụ nữ Bỉ (Belge), nói và viết thông thạo tiếng Việt, dịch ra tiếng Pháp với tựa đề " La condition de la femme d'après les écrits bouddhistes ". Ðể kết thúc, Lê văn Hảo điểm sách giới thiệu " Một công trình văn hóa lớn đã hoàn thành : Tổng Tập Văn Học Việt Nam " . Mà đã thực sự kết thúc chưa nhỉ ? Mời bạn thỉnh thoảng ghé trở lại vườn. Kìa, bên đường một đóa hồng vừa nở ... Chim
Việt Cành Nam (*)
|
-------------------
(*)1 - Chim Việt cành Nam, lấy từ chuyện Chim Trĩ , do vua Việt ở phương Nam tân cống cho vua nhà Chu (Chu Thành Vương). Chim chọn cành phía Nam để làm ổ . "Việt điểu sào nam chi" (Sào là làm tổ chim) , ý nói nhớ quê hương phía Nam. 2 - Ngựa Hồ hí gió Bấc , là chuyện ngựa của rợ Hồ (Mông Cổ) dâng cho vua Hán Vũ Đế , khi gió Bấc thổi, thì hí lên "Hồ mã tê bắc phong", ý nói nhớ quê, phương bắc. |
[ Trở Về ]