Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]
 

Con ruồi
Tác giả :  Yokomitsu Riichi
Người dịch   :  Đinh văn Phước
Tác giả :
Yokomitu Riichi sinh năm 1898 ở Higashiyama Onsen, một vùng suối nước nóng ở Aezu thuộc tình Fukushima nằm về phía Đông Bắc của Tokyo. Ông mất năm 1947, thọ 49 tuổi.

Cha là công chức, kỹ sư đo đạc điền thổ nên thường bị thuyên chuyển. Chỉ ở bậc tiểu học Ông phải đổi trường đến hơn 10 lần. Trung học ở quê Mẹ, tỉnh Mie. Đại Học lên Tokyo học ở Waseda, Ông chọn ban Anh văn, nhưng năm sau lại đổi sang học ban Kinh tế Chính trị, và cuối cùng thì cũng bỏ dở, không tốt nghiệp Đại Học.

Ông bắt đầu sáng tác khá sớm khi mới 19 tuổi. Tháng giêng năm 1923 nhà văn Kikuchi Kan mời Ông và một số nhà văn khác trong đó có cả Kawabata Yasunari cộng tác sáng lập Tạp Chí Bungei Shunju (Văn Nghệ Xuân Thu). 

Tác phẩm Con Ruồi (Hae, đọc là Ha-ê) được đăng trong Tạp Chí này, số ra tháng 5 cùng năm ấy. Ông là một nhà văn mới trong dương thời, được đánh giá cao về lối viết tả thực, mộc mạc, đồng quê, gây ấn tượng và có sức truyền cảm mới. Tác phẩm Con Ruồi này là một chứng minh.

1
Trạm xe mùa hạ vắng ngắt. Duy, trong một góc chuồng lờ mờ tối, một con ruồi mắt thô lố vướng phải mạng nhện, tung hai chân sau vùng vẫy phá lưới. Tòn ten một lúc, nó rơi ngọt như một hạt đậu. Con ruồi lại bò từ một cọng rơm dựng nghiêng, cong vì đầu dính cứt ngựa, lên đậu trên lưng con ngựa đã được tháo khỏi xe.
2
Con ngựa ngậm yên một cọng cỏ khô mắc trong răng cấm, đưa mắt tìm lão đánh xe lưng khòm. Lão đang ngồi đánh cờ trước tiệm bánh bao bên hông trạm. Lão đang thua luôn ba ván.

- Thôi, đừng có nói lộn xộn, chơi thêm một ván nữa đi.

Nắng lọt khỏi mái hiên, rọi lên cái lưng khòm của lão trông như một bọc hành lý tròn.

3

Một bà nhà quê hớt hải bước vào trong sân trạm. Tờ mờ sáng hôm nay được điện tín của đứa con làm trên tỉnh đang bị bệnh sắp chết, bà hối hả vượt ba dặm đường núi hãy còn đẫm ướt sương.

- Chưa có xe sao?

Bà ta thò mặt vào phòng lão đánh xe hỏi, nhưng không có ai trả lời.

- Chưa có xe sao?

Một cái cốc nằm ngã trên tấm tatami (1) xiêu vẹo, một dòng nước trà nhợt như màu rượu sake (2) rướng chảy nhẹ từ miệng cốc. Bà nhà quê quanh quất trong sân rồi qua bên hông tiệm bánh, lại hỏi.

- Chưa có xe hả?

- Xe vừa mới chạy đó.

Bà chủ tiệm bánh trả lời. Bà nhà quê mếu máo nói, nước mắt chảy quanh.

- Chạy rồi à, xe chạy mất hồi nào? Thật khổ quá, tới sớm hơn một chút nữa thì có kịp xe được rồi không. Hết xe rồi hở bà?

Bà nhà quê vừa khóc vừa nói. Rồi bà bật khóc thành tiếng nhưng bà chẳng buồn lau nước mắt, cứ đứng xững một hồi giữa đường quanh xe trong sân trạm, rồi bỗng bươn bã cất bước về hướng tỉnh.

- Có chuyến tới đó.

Lão đánh xe, mắt vẫn không rời bàn cờ, nói vói. Bà nhà quê dừng bước quay ngay lại. Nhướng cặp lông mày đã bạc, bà ta hỏi.

- Có xe thiệt hả? Xe chạy ngay hả? Thằng con tôi bệnh sắp chết, làm ơn giúp tôi lên trên tỉnh cho kịp.

- Tấn mã tới đó à?

- Mừng quá à. Đây lên tỉnh mất bao lâu hở bác? Chừng nào thì bác cho xe chạy?

- Sắp có chuyến tới. Lão đánh xe nói thế rồi đập chốt tới.

- Xe có chạy liền không? Từ đây lên đến tỉnh có mất hết ba tiếng không? Có mất đến ba tiếng không hở bác? Thằng con tôi sắp chết, làm ơn cho xe chạy giúp tôi lên cho kịp có được không?

4

Từ phía cuối cánh đồng đằng xa nhờ nhờ hơi đất, có tiếng giã đậu vọng lại. Một cậu trai và một cô gái đang bước gấp về hướng trạm xe. Cô gái chợt đưa tay đỡ bọc hành lý trên vai người con trai.

- Để em mang.

- Hả?

- Nặng lắm mà.

Người con trai vẫn im lặng, giữ vẻ nhẹ nhàng, nhưng mồ hôi trán nhể xuống mặn. Người con gái than

- Không biết xe đã chạy mất rồi chưa. 

. Người con trai nheo mắt ngoái nhìn mặt trời qua bọc hành lý.

- Trời nắng quá! Chắc là chưa.

Hai người thôi nói chuyện. Có tiếng bò rống.

- Nếu mọi người biết thì làm sao hở Anh?

Người con gái nói, mặt như muốn khóc.

Tiếng giã đậu từ xa vọng lại nghe như tiếng chân ai đuổi dồn. Người con gái thoát ngoái nhìn lại đàng sau, rồi đưa tay đỡ bọc hành lý trên vai người con trai.

- Để em mang cho. Vai em hết đau rồi mà.

Nhưng người con trai vẫn im lặng dấn bước đều, đột nhiên nói.

- Nếu thiên hạ biết thì tụi mình trốn nữa.

5

Một đứa bé mút một ngón tay, còn một tay khác được mẹ dắt vào trong sân trạm.

- Má, ngựa ngựa.

- Ừ, ngựa ngựa

Đứa bé vùng khỏi tay mẹ, chạy băng về phía chuồng, dừng lại cách chuồng khoảng hai bước, nó đứng nhìn con ngựa, dậm chân la "Ê, ê ".

Con ngựa nghểnh đầu, vênh vênh tai. Đứa bé bắt chước nghiêng đầu, nhưng tai nó chẳng rung rinh. Rồi đứa bé nhăn mặt nhíu mày với con ngưạ, chốc chốc lại dậm chân la " Ê, ê".

Con ngựa miệng hất hất cái cán thùng cỏ rồi hục đầu vào ăn.

- Má, ngựa ngựa.

- Ừ, ngựa ngựa.

6

- Thôi, quên mua guốc geta (3) cho thằng nhỏ mất rồi. Nó thích dưa hấu, thôi thì mua dưa cho nó vậy. Nó thích mà mình cũng thích, như thế thì được cả hai đàng.

Một người đàn ông vừa lẩm bẩm vừa vào trong sân trạm. Ông ta đã bốn mươi ba. Bỏ công vật lộn với cái nghèo trong suốt bốn mươi ba năm trời, đêm hôm qua ông mới trúng một mối tằm đầu mùa được 800 Yen. Bây giờ trong bụng chỉ toàn chuyện toan tính cho tương lai. Thế mà mới hồi hôm khi đi tắm ở nhà tắm công cộng Sento (4), ông bị thiên hạ cười chế riễu vì ông cứ đem cả cái hầu bao đựng 800 Yen đi luôn vào trong phòng tắm, nhưng chuyện ấy thì ông cũng đã quên mất biến rồi.

Bà nhà quê đang ngồi trên chiếc sàn trong trạm, nhỏm dậy đến bên cạnh người đàn ông.

- Không biết chừng nào người ta mới cho xe chạy. Thằng nhỏ tôi bệnh sắp chết, không lên nhanh thì chắc không giáp được mặt nó..

- Thế thì không được.

- Chắc là xe cũng sắp chạy. Mới hồi nãy ông ta nói là xe sắp chạy.

- Thế thì ông ta còn đợi gì đấy.

Cậu trai và cô gái bước vào sân trạm. Bà nhà quê lân la về phía hai người.

- Hai cô cậu định đi xe phải không? Chắc không có xe đâu.

Người con trai hỏi vặn.

- Không có xe thật sao?

Cô con gái hỏi gặn thêm.

- Không có xe thật à?

- Tôi đợi cả hai tiếng đồng hồ rồi mà chẳng có xe. Từ đây lên tới trên tỉnh cũng phải mất ba tiếng. Bây giờ đã mấy giờ rồi hả, thế này thì xe lên tới trên tỉnh thì cũng đứng bóng mất.

- Ừ chắc cũng phải đứng bóng.

Người đàn ông nhà quê nói xen. Bà nhà quê quay lại hỏi.

- Ông có chắc vậy không? Giờ đó thì thằng con tôi chắc chết mất, ông có chắc là đứng bóng không?

Bà ta nói vậy rồi lại sụt sịt khóc. Rồi bà vội qua ngay bên tiệm bánh.

- Xe chưa chạy sao? Bác vẫn chưa chịu cho xe chạy sao? 

Lão đánh xe nằm ngửa lấy bàn cờ làm gối, đầu hướng về phía bà chủ tiệm đang rửa chiếc vỉ bánh. Lão vẫn nằm nguyên hỏi.

- Nồi bánh chưa sôi sao hở bà? 

7

Đến mấy giờì thì xe mới chịu chạy! Mấy người hành khách tụ tập trong sân đợi khô hết cả mồ hôi, nhưng không ai biết được mấy giờ thì xe mới chạy. Ví dù có ai biết thì chỉ không ngoài mấy chiếc bánh bao đang bắt đầu phồng lên trong nồi. Từ bao nhiêu năm tháng nay, trong suốt cả cuộc đời cô độc sống một mình của lão, lão chỉ có tuyệt mỗi một niềm an ủi lớn nhất là ngày nào cũng là người đầu tiên gắp được những chiếc bánh mới hấp xong, trước khi chưa một ai được đụng tay đến.

8

Đồng hồ trong trạm đổ mười tiếng. Nồi bánh bốc khói nghi ngút, nước réo trong nồi. Xạt, xạt, xạt, lão phu xe cắt cỏ cho ngựa ăn. Bên cạnh lão, con ngựa đang uống nước trữ bụng. Xạt, xạt, xạt.

9

Con ngựa đã được thắng vào xe. Bà nhà quê leo ngay lên ngồi trong xe, mắt đăm đăm về hướng tỉnh. Lão đánh xe lưng khòm nói.

- Mời bạn hàng lên xe.

Năm người hành khách ngó chừng bực thang nghiêng, lên ngồi chung với bà nhà quê.

Lão đánh xe lưng khòm gắp mấy chiếc bánh nở no tròn như những lọn bông gòn bỏ vào trong bị, xong lão leo lên bục ngồi khòm lưng lại. Tiếng còi xe bóp bí bo. Tiếng roi đánh.

Con ruồi mắt thô lố đậu trên đùm thịt thối dưới háng con ngựa, bỗng bay lên đậu nghỉ trên nóc xe. Nó ôn lại cảnh suýt chết trong mạng nhện, thân nó lắc lư theo xe.

Chiếc xe ngựa dong ruổi dưới trời nắng gắt. Xe ra khỏi những hàng cây, chạy dọc theo những luống đậu, lắc lư trên con đường chạy giữa một bên là vườn trồng đay, một bên là những nương dâu rồi hút bóng trong khu rừng. Màu xanh của cây rừng rung rinh in ngược trong những giọt mồ hôi đọng trên trán con ngựa.

10
Trong xe người đàn ông huyên thuyên bắt chuyện với mọi người như đã hơn năm năm rồi mới tìm được tri kỷ. Chỉ riêng đứa bé một mình ôm cột xe, thao láo nhìn ra ngoài cánh đồng.

- Má, lê lê.

- Ừ, lê lê.

Trên bục xe, cây roi ngựa nằm yên. Bà nhà quê chú ý nhìn giải thắt lưng buộc hầu bao của người đàn ông, cất tiếng hỏi.

- Mấy giờ rồi hả? Đã mười hai giờ rồi chưa? Thế này thì phải đến xế mới lên tới trên tỉnh. 

Còi xe trên bục đã ngừng vang. Lão phu xe móc hết bánh trong bị ra, ngốn hết vô bao tử. Xong lão khòm lưng lại, ru dần vào giấc ngủ gật. Trong lúc đó con ruồi dương mắt thô lố, lặng ngắm những đồi lê hiện dần lên, nó nghiêng đầu nhìn vực dốc dựng đứng đang hứng nắng mặt trời giữa hạ, đất đỏ ửng, rồi nó cúi xuống nhìn dòng nước chảy siết vừa hiện ra. Và người ta nghe tiếng xe nghiến ọc ẹo, chạy lọc xọc gập gềnh trên con đường đèo, dốc cao lỏm chỏm gồ ghề. Ngoài con ruồi ra, hành khách không ai biết lão đánh xe đang ngủ gật. Con ruồi từ trên nóc xe, xà xuống mái tóc phân nửa đã bạc đang rũ xuống của lão, và đến đậu trên lưng con ngựa mướt mồ hôi, đưa vòi liếm láp.

Chiếc xe lên đến đỉnh đèo. Con ngựa bắt đầu ôm khúc quanh hiện ra trước mạng che mắt. Nhưng trong khoảnh khắc ấy, con ngựa không kịp nghĩ đến thân mình của chính nó với bề rộng của chiếc xe. Một bên bánh trật khỏi đường. Tức khắc con ngựa bị xe kéo khựng lại, hỏng vó. Chớp nhoáng con ruồi bay vút lên, cúi nhìn chiếc xe và bụng ngựa bật ngửa cùng rơi thỏng xuống vực. Người ta hét, con ngựa hí vang. Và trên triền sông lăn lóc người, ngựa, ván gẫy đè lên nhau không cử động. Hoàn toàn yên lặng. Chỉ có con ruồi sau khi được nghỉ cánh, bây giờ mặc sức vút lên cao, thật cao mất hút trong bầu trời xanh.

Tokyo, Hino 11-2002

*Dịch từ nguyên tác trong Iwanami Bunko do Iwanami Shoten ấn hành.

Chú thích 

(1) Tatami: Chiếu của Nhật Bản có cấu tạo 2 phẩn, phần lõi bên trong làm bằng rạ dầy khoảng 5 cm, ngoài mặt phủ một lớp chiếu mỏng như chiếu của ta, nhưng chỉ một màu nhạt, không dệt huê hòe như ta. Viền chiếu là một viền bố đơn giản một màu thật đậm, hay trang hoàng hoa văn sặc sở. Ngày xưa chỉ những người có quyền thế mới dùng được Tatami, đặt trên sàn nhà để làm chỗ ngồi. Đến thời đại Edo của Mạc phủ Tokugawa thì Tatami mới được phổ biến rộng rãi trong dân gian, được dùng để lót hết toàn bộ gian phòng như ta thấy ngày nay. 

(2) Sake: Rượu làm từ gạo trắng hấp nóng, trộn men xong để len men thành rượu. Nặng khoảng 14-16 độ.

(3) Geta: Guốc gỗ có đai mắc vào giữa ngón chân cái và ngón chân chỉ.

(4) Sento: Nhà tắm công cộng có bồn nước nóng khá rộng. Sau khi rửa sạch thân thể bên ngoài, người ta leo vào bồn nước ngồi chung nhau ngâm mình cho ấm toàn thân.


Trở Về   ]