Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ]
Vài cảm nghĩ về tình tự dân tộc: Cội nguồn
Hòa Ða
Vài thập niên gần đây, đã có nhiều học giả và sử gia, cả trong lẫn ngoài nước, viết về cội nguồn dân tộc Việt Nam. Họ đã cống hiến những công trình và ý kiến đáng chú ý. Có những công trình dựa trên những luận cứ khoa học, đưa ra những suy luận hợp lý; nhưng cũng có những ý kiến chủ quan lồng ít nhiều tính triết lý chung chung, mơ hồ... Tuy nhiên tất cả đều nhận rằng chúng ta là Con Rồng Cháu Tiên, nhưng vẫn chưa thống nhất được với nhau về cội nguồn.Ở đây chúng tôi xin nêu lên vài suy nghĩ khi đọc những công trình và ý kiến ấy. Cũng xin nói ngay là những suy nghĩ đó có tính thông thường, thấy lạ hay không rõ thì nêu lên, mong nghe được những ý kiến khác trong tinh thần học hỏi nhau.
1. Truyền thuyết Họ Hồng Bàng theo Lĩnh Nam Chích Quái .
Chúng ta thường nhớ tới bài học Lịch sử đầu tiên trong cuốn Việt Nam Sử Lược của cụ Trần Trọng Kim : Ðế Minh, cháu ba đời vua Thần Nông bên Tàu, đi tuần thú ở phương Nam, kết duyên cùng Vụ Tiên (1) sinh một trai là Lộc Tục. Ðế Minh giao cho Lộc Tục làm Vua phương Nam hiệu là Kinh Dương Vương, đặt tên nước là Xích Quỷ, ... Lộc Tục lấy con vua Ðộng Ðình là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm, Sùng Lãm thay cha lên ngôi lấy hiệu là Lạc Long Quân, kết hôn cùng Âu Cơ (2) , sinh một bọc trăm trứng. Nở ra trăm con trai. Một hôm, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ : " Ta vốn giòng dõi Rồng sống dưới nước, nàng là giống Tiên (3) , sống trên cao, thủy hỏa tương khắc. Nay ta đem năm mươi con xuống biển, nàng cùng năm mươi con ở lại đất liền, chia nước mà trị , có việc cùng nghe, không được bỏ nhau". Âu Cơ cùng các con ở lại Phong Châu, tôn người con Trưởng làm Vua, lấy hiệu Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang, truyền ngôi liên tục được 18 đời... Trước Trần Trọng Kim, Ngô Sĩ Liên cũng viết như thế. Truyền thuyết trên do Trần Thế Pháp chép trong cuốn Lĩnh Nam Chích Quái
Ðiều đáng cho chúng ta suy gẫm là nội dung của truyện được ghi lại bởi Trần Thế Pháp, người Hoa sống vào cuối thế kỳ 14 dù có muốn xóa bớt dấu tích Việt đến mấy cũng không thể chối bỏ được Việt tính trong câu chuyện. Chẳng hạn như cách gọi tên: Ðế Minh, Thần Nông nếu gọi theo cách người Hoa sẽ được chuyển thành Minh Ðế, Nông Thần. Chúng ta thường tự nhận là con Rồng cháu Tiên vì Sùng Lãm (Lạc Long Quân) thuộc giòng giống rồng (mẹ là Long Nữ con vua Thủy phủ Hồ Ðộng Ðình) và bà nội Sùng Lãm là Tiên (Vụ Tiên) và sự kiện này cũng được xác minh trong chuyện. Người Hoa luôn muốn xâm lăng và đồng hóa Việt Nam. Hơn ngàn năm đô hộ, Hoa luôn tìm cách xóa cho hết những nét đặc thù của Việt, cho nên chúng ta chẳng lấy làm lạ khi thấy họ cho rằng Việt là một dòng thuộc Hoa. Chuyện của Trần thế Pháp chỉ là sự gán ghép chủ quan nguồn gốc Hoa cho Sùng Lãm Lạc Long Quân. Thành ra chúng ta chỉ nên coi chuyện Họ Hồng Bàng trong Lĩnh Nam Chích Quái như dựa trên chuyện kể dân gian nào đó, thêm thắt những chi tiết cho có vẻ ly kỳ. Các nhà viết sử cho đến thời cận đại với xu hướng chỉ tin vào những gì do Trung Hoa ghi chép nên cũng đã lập lại gần như nguyên văn những ý kiến cũ.
2. Giả thuyết Bách Việt
Bách Việt là tên chung mà người Hoa dùng để chỉ những sắc dân phi Hoa (không phải người Hoa) sống ở phía Nam lưu vực sông Dương Tử (4), gồm các sắc dân U, Mân, Ðông, Nam, Âu, Lạc... sống rải rác ở các vùng đồng bằng và đồi núi thuộc các tỉnh nam Trung Quốc và Bắc Việt Nam ngày nay. Âu Việt và Lạc Việt là hai sắc dân đã kết hợp với nhau tạo thành Âu Lạc, tiền thân của dân tộc Việt Nam bây giờ, những sắc dân khác hoặc đã bị người Hoa đồng hóa tại chỗ, hoặc tản mác ra các vùng trung du chung quanh thành các sắc dân thiểu số của Trung Hoa và Việt Nam ngày nay. Tư Mã Thiên đã nhiều lần nhắc đến nhóm Bách Việt này. Sách Sử Ký có nhắc đến : Người Âu Lạc cắt tóc ngắn, xâm mình, chắp tay và mặc áo có vạt khép về phía trái. Trong đoạn nói về Việt Vương Câu Tiển, sách Sử Ký viết: Tổ tiên của Câu Tiển gốc người Yu (Âu?), có tục vẽ mình, cắt tóc và có những tập quán giống người Việt ở phương Nam. Sách Giao Châu Ngoại Vực chí cũng nhắc đến nhóm Lạc Việt cư ngụ trong vùng Giao Châu (5) : Ðất giao chỉ ngày xưa đã chia thành quận huyện. Ðất đai có Lạc Ðiền, làm ruộng theo thủy triều lên xuống, dân khai khẩn ruộng, gọi là Lạc Dân, bầu lên Lạc Vương, Lạc Hầu cai trị các quận huyện....
Hoàng văn Chí cho rằng Lạc Việt là tên Hán Việt mà người Hoa dùng để chỉ nhóm Việt (phi Hoa) sống bằng nghề trồng lúa (Lúa, người Mường đọc là Ló, Tàu phiên âm là Ló, đọc theo âm Hán Việt là Lạc) (6).
Những học giả Pháp (7) cũng nói đến sự có mặt của nhóm Bách Việt sinh sống phía Nam sông Dương Tử, bao gồm vùng Quảng Ðông, Quảng Tây, Vân Nam, Hải Nam ... và lan xuống đến vùng trung du và đồng bằng Bắc phần của Việt Nam ngày nay.
Các tác giả Kim Ðịnh, Nam Thiên còn đi xa hơn, cho rằng chính tộc Việt ở vùng Ðộng Ðình Hồ và lưu vực sông Dương tử là cái nôi của văn hóa Ðông phương, bao gồm cả triết lý sống, văn tự... Tộc Hoa khi xâm lăng Tộc Việt đã chiếm dụng những di sản văn hóa và văn minh của Tộc Việt và mạo nhận là của mình (8).
3. Nguồn gốc Việt Nam qua Nhân chủng học - Khảo cổ học.
Các nhà nghiên cứu sau này đã sử dụng những phương pháp khoa học hơn về khảo cổ, nhân chủng học, tập tính học... đã đưa ra một giả thuyết khác về nguồn gốc của dân tộc Việt Nam . Họ cho rằng dân Việt bắt nguồn từ nhóm thổ dân ở quần đảo Polynesia, thuộc chủng tộc Melanesian, có cùng huyết thống với người Mã Lai, Nam Dương và các sắc dân khác ở bán đảo Ðông Dương. Nhóm cư dân này đã phân bố trong một vùng rất rộng, bao gồm các quần đảo Nam Dương, Mã Lai, Ðông Nam Á (Thái, Miến, Việt Miên Lào) quần đảo Phillipin, lan đến Nam Trung Quốc ngày nay. Nhóm này đã bị pha trộn với giống Mongoloid từ phía bắc tràn xuống.
Ðến đây chúng ta thấy có nhiều nhận định khác nhau:
1. Trần Quốc Vượng cho rằng trong quá trình hình thành dân tộc Việt, trong sự pha trộn các chủng Mongoloid, Australoid và Melanesian, những dấu chỉ của chủng Mongoloid đã đẩy lui các yếu tố của các chủng kia.
2. Nguyễn Khắc Ngữ lại cho rằng trong sự pha trộn ấy, tính Mongoloid không át nổi những đặc điểm của các sắc dân từ hải đảo phía nam đi lên (9). Nguyễn khắc Ngữ đã dựa vào các công trình đo đạc các chỉ số trên sọ người tiền sử qua nhiều giai đoạn, từ cổ sơ đến cận đại, đào được tại nhiều nơi của các nhà khảo cổ để đi đến kết luận trên.
3. Một số học giả khác dựa vào cấu trúc của âm điệu trong tiếng Việt, để cho rằng người Việt tiên khởi là một sự hợp chủng của những cư dân nói tiếng Môn - Khmer (gốc hải đảo) với dân nói tiếng Thái (gốc Nam Á) (10) hay người Việt có nguồn gốc Malayo-Polenisean khi so sánh tiếng Việt và tiếng Chàm cổ (11) .
4. Hoàng văn Chí lại cho rằng người Việt (và các giống dân cư ngụ trong vùng) phát xuất từ vùng Bắc Ấn Ðộ chuyên trồng lúa. Sau kỳ băng giá cuối cùng, họ di chuyển dần lên phía Bắc khi thời tiết ấm dần cách đây non 5000 năm (12) .
Nhưng vết tích rõ nét về văn minh và văn hóa Việt Nam cổ là Trống Ðồng, đào được rất nhiều trong các công trình khảo cổ. Những Trống Ðồng này được khai quật ở những nơi có người Việt cổ sinh sống, phân bố trong một vùng rộng bao gồm các tỉnh phía nam Trung quốc và bắc Việt Nam (13) . Hai địa điểm tập trung nhiều Trống Ðồng nhất là Ðông Sơn và Ngọc Lũ (Bắc phần Việt Nam). Các tác giả khi viết về văn minh Việt Nam đều nói đến Trống Ðồng như một biểu tượng của Việt Nam cổ. Những hình ảnh được khắc trên Trống Ðồng cho thấy những sinh hoạt, y phục, nghi lễ múa hát... có tính cách riêng biệt không tìm thấy trong văn hóa Hoa, và là lý chứng rõ nhất chứng tỏ người Việt không phải là một chi hay nhánh của Tộc Hoa. Cấu tạo của Trống Ðồng phản ánh một trình độ cao về kỹ thuật đúc đồng cũng như về điêu khắc.
4. Vài Nhận Xét
Cứ theo những gì chúng ta đã học được từ tinh thần khoa học và trọng sự thật của phương Tây: chân lý xuất phát từ những hoài nghi hợp lý. Giải đáp được những vấn nạn một cách khoa học và hợp lý nhất, là chúng ta đã giải quyết được căn bản của vấn đề. Gác lại một bên những cách nhìn có tính tự tôn hay tự ti , chúng tôi nêu ra đây vài nhận xét những thuyết nói về nguồn gốc của dân tộc ta .
1. Truyền thuyết nói chúng ta là con cháu Rồng Tiên. Ở đây chúng ta không nói đến tính thần thoại trong truyền thuyết . Nhưng qua truyền thuyết, chúng ta thấy rất rõ, dân tộc Việt Nam khởi nguồn bằng sự kết hợp giữa một nhóm thuộc vùng đồng bằng thấp và một nhóm thuộc vùng đồi núi. hay cũng có thể thấy đó là sự kết hợp giữa một nhóm di dân và một nhóm cư dân địa phương. Qua lăng kính bá quyền, người Hoa đã cố ý hay vô tình gán ghép cho dân tộc Việt Nam có nguồn gốc Trung Hoa: Thần Nông. Ðế Minh, Ðế Nghi, Lộc Tục đều là người Tàu; cho nên , Ðế Lai, Sùng Lãm, Âu Cơ đều là người Tàu. Tính theo phả hệ thì Lạc Long Quân và Âu Cơ là chú cháu, đây không phải là cách hôn phối của người Việt, người cùng huyết thống dù bên nội hay ngoại đều không được kết hôn với nhau. Biểu hiện Tiên Rồng trong chuyện họ Hồng Bàng của Trần Thế Pháp trong Lĩnh Nam Chích Quái chỉ thấy vết tích ở Vụ Tiên (vợ Ðế Minh) và Long Nữ (vợ Lộc Tục) - xem cây phả hệ
Cây phả hệ
Thành ra khi chúng ta cứ lập lại những gì người trước đã viết, vô tình chúng ta đã không coi mình như là con cháu Rồng Tiên . Nhiều thần thoại Việt Nam cho thấy người Việt không phải là hậu duệ của một chi hay nhánh nào của tộc Hoa. Những chuyện Bánh Dầy Bánh Chưng, Sơn Tinh Thủy Tinh, Trầu Cau... là những chuyện của một dân tộc sống bằng Nông nghiệp và không thấy những dị bản hay tương tự trong thần thoại Trung Hoa. Trái lại, thần thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ hay chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh lại có những chuyện tương tự trong thần thoại của người Mường (chuyện Vua Dịt Dàng và chuyện Thần Núi, Thần Sông). Cũng vậy, tục ăn trầu, quấn khăn, ăn mắm của các loài giáp xác (cua, tôm, tép, ruốc...) và các loại hải sản khác, không thấy trong sinh hoạt của người Tàu, nhưng lại khá phổ biến với các cư dân các vùng lân cận như người Miên, Thái.
Những điều nói trên cho thấy người Việt Nam có cội nguồn riêng biệt, chứ không phải phát xuất từ Hoa như Ngô Sĩ Liên hay Trần Trọng Kim đã chép lại từ Lĩnh Nam Chính Quái, hay từ những tài liệu của Tàu.
2. Người Tàu dùng chữ Bách Việt để chỉ chung nhóm cư dân phi Hoa (không phải người Hoa) sống ở phía nam sông Dương Tử, giống như người Mỹ dùng chữ Indians để chỉ chung các bộ lạc Da Ðỏ trên đất Mỹ, hay như người Việt dùng chữ Ðàng Thổ để chỉ người Chàm, Miên hoặc chữ Mọi để gọi chung những sắc dân thiểu số sống dọc Trường Sơn, cao nguyên Trung Phần. Chữ Bách có nghĩa là trăm, nhưng Bách Việt không có nghĩa là có một trăm giống dân Việt, mà chỉ có nghĩa là nhiều giống dân Việt. Nam Việt của Triệu Ðà là một (và có thể chẳng có liên hệ huyết thống gì với Âu Lạc), Quảng Ðông, Quảng Tây còn có tên là Ðông Việt, Tây Việt. Ðiều đó cho thấy Ðông, Tây, Nam, U, Mân, Âu, Lạc Việt... đều là những nhóm phi Hoa nhưng chưa chắc là cùng huyết thống như chúng ta thường ngộ nhận. Khi tộc Hoa xâm chiếm vùng nam sông Dương Tử, một số cư dân trong nhóm Bách Việt bị Tàu thôn tính và đồng hóa; một số khác chống lại, bị tiêu diệt ; một số khác di cư, tạo thành những nước khác như Thái, Miến, Lào, Việt hay biến thành những sắc dân thiểu số hiện vẫn còn như Tày, Mường, Hmong, Dao... ở Việt Nam hay Nùng, Tiều... ở Trung Quốc. Chính những nhóm Việt trong nhóm Bách Việt là cư dân có sẵn trong vùng. Truyền thuyết kể rằng Ðế Minh đi tuần thú ở phương Nam thì điều này đã chứng tỏ phương Nam đã có cư dân sinh sống từ trước rồi. Cũng thế tên Âu Cơ khiến chúng ta liên tưởng đến nhóm Âu Việt, như vậy Âu Cơ chỉ có nghĩa là cô gái xứ Âu, cư dân có sẵn từ trước. Sùng Lãm kết duyên cùng Âu Cơ cho thấy rõ đây là sự kết hợp của một di dân với một thổ dân, và đây có thể là diễn tiến hợp lý nhất. An Dương Vương Thục Phán sau khi diệt Văn Lang của Hùng Vương lại đặt tên nước là Âu Lạc cho thấy có sự kết hợp của hai nhóm Âu Việt và Lạc Việt. Còn cho rằng vùng đất phía nam núi Ngũ Lĩnh, Ðộng Ðình Hồ, nơi phát sinh người Việt là cái nôi của văn hóa, văn tự và cả triết lý mà người Hoa đã cư"ng chiếm của người Việt là một nhận định có tính tưởng tượng, thiếu luận cứ hợp lý, không có tính thuyết phục.
3. Người tây phương có thể nhầm chúng ta, người Việt, với người Tàu, Nhật, Hàn, nhưng chúng ta có thể nhận ra những khác biệt rất rõ giữa những chủng tộc này. Với những nhận xét có tính thông thường nhất, chúng ta thấy người Việt , Thái, Lào, Miến có vẻ thuộc một nhóm, người Hoa, Nhật, Hàn thuộc nhóm khác, trong khi Miên, Chàm và một số dân thiểu số ở cao nguyên trung phần lại thuộc một nhóm khác. Theo Nguyễn Khắc Ngữ, qua nhữ luận cứ về nhân chủng học, tổ tiên của người Việt là những người sinh sống ở quần đảo Polynesia thuộc Indonesia ngày nay. Nhữ giống dân này giỏi nghề đi biển, đã di chuyển lên phía Bắc Á tạo thành các giống dân đầu tiên của Nhật, Hàn, Eskimo; đến tận Mỹ châu, tạo thành các thổ dân da đỏ; một số đã di cư đến vùng đông nam Á châu tạo thành các nhóm cư dân đầu tiên. Như vậy họ phải là những người rất năng động, ưa phiêu lưu, nhất là phiêu lưu bằng đường biển. Ðiều này dường như ngược lại với những biểu hiện của người Việt. Thật vậy, người Việt có rất ít tính phiêu lưu, mạo hiểm. Họ ít chấp nhận rủi ro, nếu chưa lâm vào đường cùng. Ăn chắc mặc bền là cách sống thường thấy, họ không thích thả mồi bắt bóng. Cả một chặng đường hơn bốn ngàn năm phát triển của dân Việt là sự phát triển dọc theo đồng bằng. Ðó là tính chất của một giống dân chuyên về nông nghiệp. Lịch sử Việt Nam cho thấy dân tộc ta đã khuếch tán dần về phương Nam dọc theo những đồng bằng canh tác được cây lúa và các nông sản phụ. Người Việt đã sinh sống cạnh một bờ biển hơn hai ngàn kilomet và rừng núi bạt ngàn của Bắc phần và Trung phần, nhưng người Việt không có khuynh hướng phát triễn về hai hướng đó. Nhứt phá sơn lâm, nhì đâm hà bá (14) là hai nghề bất đắc dĩ mà người Việt chịu làm, khi không còn lối thoát nào khác; trái lại công việc nông tang lại được chúng ta coi là căn bản. Chỉ cần nhìn vào thành phần dân Việt vào khoảng đầu thế kỷ 20, chúng ta đã thấy ngay thành phần nông dân Việt Nam chiếm đến hơn 90%. Làm thế nào để giải thích một dân tộc nông nghiệp như dân Việt lại có nguồn gốc từ một dân tộc sống ở hải đảo, là giống dân chuyên sống dựa vào hải sản?
Những điểm tương đồng trong ngôn ngữ hay dụng cụ, thức ăn... của người Việt và các giống dân thuộc chủng Melanesian mà các học giả đưa ra để làm luận cứ bảo vệ giả thuyết của mình có thể giải thích một cách hợp lý là khi có sự tiếp xúc nhau thì ắt có sự giao lưu về văn hóa, phong tục. Trong một vùng có nhiều sắc dân sinh sống thì sự ảnh hưởng qua lại về tập quán, ngôn ngữ...giữa những sắc dân đó là chuyện tự nhiên. Người Việt trong Nam dùng lá dừa để gói bánh nếp nhân đậu hay nhân chuối (một biến thể của bánh tét), dùng phảng (một nông cụ của người Miên) để làm ruộng, dùng khăn rằn của người Miên như một phần trong trang phục hàng ngày, đàn ông quấn quanh cổ, đàn bà quấn trên đầu; chúng ta không thấy khăn mỏ quạ hay thắt lưng nhiễu ở Nam Phần. Ðó chỉ là những hình tượng của sự giao lưu về sinh hoạt mà thôi. Ấy là chưa kể đến những biểu hiện về văn hóa khác như ca múa cung đình có dáng dấp và âm điệu của Chàm; dân ca Nam phần có nguồn gốc pha trộn giữa dân ca Bắc phần và Hồ Quảng do nhóm người Tàu phản Thanh phục Minh đến định cư ở Nam phần trước khi người Việt tràn đến... Thành thử những hình thuyền mũi cong, nhà mái cong, hải điểu bay trên thuyền, trên các Trống Ðồng Ðông Sơn, Hoàng Hạ hay trên thạp Ðào Thịnh tuy là những vết tích đáng chú ý nhưng chưa phải là những chứng cớ mạnh chứng tỏ tổ tiên người Việt là những thổ dân từ quần đảo Polynesia theo gió mùa dong thuyền đi lên.
5. Sự Liên Hệ giữa Việt và Mường
Khi xét về phong tục, tập quán, ngôn ngữ... Hoàng Văn Chí cho rằng hai nhóm mà sách Tàu chép là Âu và Lạc có thể là hai nhóm Mường và Tày vốn có rất nhiều liên quan về chủng tộc, văn hóa và lịch sử. Người Mường gọi những vùng họ ở là Mường (có nghĩa là làng) : Mường Lam (hay Klam) là Lam Sơn của Lê Lợi; trong khi người Tày gọi làng của họ là Chiêng : Làng Chiêng là tên Nôm của làng Yên Kênh, quê mẹ của Trịnh Kiểm.
Sự liên hệ giữa người Việt và người Mường (hiện đang sống rải rác ở các vùng cao thuộc các tỉnh Thanh Nghệ trở ra Bắc) cũng là điều đáng lưu ý. Không kể đến sự giống nhau đến kỳ lạ về nhân dạng giữa người Việt và người Mường, chúng ta còn thấy:
- Người Mường còn giữ nhiều trống Ðồng và chỉ đem ra sử dụng trong những dịp trọng đại như Thổ Lang chết hay có nơi dùng trong dịp lễ cưới, Tết (15) . Có điều cần nêu rõ là người Việt ngày nay không còn giữ Trống Ðồng, vậy phải chăng người Mường chính là người Việt cổ?
- Hầu hết các họ của người Việt và người Mường giống nhau như Bùi, Cao, Ðinh, Hà, Hoàng, Lê, Nguyễn, Phạm, Phùng, Quách, Trần , Trịnh, Vũ.. (16) . những họ này tuy do người Tàu ghi chép , nhưng không phải là ngẫu nhiên mà người Việt không có những họ riêng biệt của Tàu như Lâm, Lưu, Tăng, Tần, Trương...
- Thần thoại Mường và Việt có nhiều chuyện giống nhau.
- Tiếng Việt và tiếng Mường, theo Hoàng văn Chí, Nguyễn Khắc Ngữ, rất giống nhau, thậm chí có những tiếng Việt còn dùng ở vùng Thanh Nghệ... là tiếng Mường như côi trốt là cái đầu; bọ là bố; bầm, bu là mẹ; mi là mày... Nhân viết đến đây xin kể một chuyện có thật mà chính người viết là người trong cuộc. Lúc đó, vào năm 1965 hay 1966 gì đó, đang học Ðại Học Sư Phạm Saigon, tôi có người bạn quê ở An Cựu, Huế. Những lúc đùa cợt vô ý thức, bọn chúng tôi ưa nhại giọng Huế để trêu đùa. Có một lần anh ta bảo:
- Nì, tau nói một câu, tiếng Việt hẳn hoi, thằng mô hiểu được tau nói gì, tau hứa danh dự cõng hắn đi một vòng Saigon. Rồi chưa? Khọ côi trốt bọ mi là gì ?
Cả bọn nhao nhao hỏi đi hỏi lại, cuối cùng đành chịu... Sinh viên Saigon lúc đó thường hay dạy kèm để kiếm sống, tôi cũng thế. Trong số học trò tư gia của tôi, có một cô là người Huế, nguyên là nữ sinh Ðồng Khánh theo gia đình vào Saigon. Thế là hôm sau đến giờ học kèm, thày nhất định bắt trò phải giải thích câu trên, trò nghe xong rũ ra cười, nhất định không nói... cuối cùng trò chỉ chấp nhận giải nghĩa trên giấy mà thôi. Vâng, bạn đọc đã hiểu tại sao trò lại không dám nói ra vì câu đó có nghĩa là : gõ (khọ, khỏ) trên đầu (côi trốt) cha mày. Tất nhiên hôm sau nữa thằng bạn người Huế của tôi lãnh đủ vài thoi.
Ta có thể nói người Mường chính là người Việt cổ thuần chủng, còn người Việt ngày nay đã có sự pha trộn rất nhiều về văn hóa và chủng tộc với người Tàu khi tiếp xúc với tộc Hoa. Nhiều nhân vật trong lịch sử chúng ta là người Mường như Ðinh Bộ Lĩnh, Phùng Hưng, Lê Lợi...
6. Ðâu là Cội Nguồn?
Câu hỏi "Ðâu là cội nguồn Dân Việt?" là một câu hỏi chưa được trả lời dứt khoát với những luận cứ khoa học, khả tín. Trả lời được cho câu hỏi này cần một công trình khảo cứu đồ sộ, đòi hỏi công sức của rất nhiều học giả thuộc nhiều lãnh vực. Chúng tôi thử đưa ra một hình ảnh đáng tin cậy nhất về cội nguồn dân tộc và mong được nghe những ý kiến của những bậc cao minh.
Tất cả người Việt đều tin mình là cùng một bọc mà ra, con cháu Tiên Rồng. Ý thức đó làm người Việt biết mình khác người Hoa, người Miên... và cũng nhờ ý thức đó giúp Tộc Việt tồn tại, phát triển và không bị Hoa đồng hóa, dù chịu lệ thuộc cả ngàn năm. Có rất nhiều dữ kiện cho thấy người Việt và người Hoa là hai chủng tộc riêng biệt, tuy có ảnh hưởng trực tiếp đến nhau. Người Hoa, thuộc giống dân du mục nên có tinh thần thị tộc (cùng một họ được coi như bà con nhau); trong khi người Việt có tinh thần xóm làng, vết tích của tinh thần bộ tộc ngày xưa còn sót lại. Ngay cả đến bây giờ, người Việt đi đâu gặp người cùng làng, cùng tổng, thậm chí cùng huyện hay cùng tỉnh, cũng mừng rở coi như gặp bà con .
Qua những thần thoại, chuyện cổ tích, di tích khảo cổ, nhân chủng... chúng ta có thể thấy cội nguồn dân Việt như sau:
Thoạt đầu, trong vùng Nam sông Dương Tử có rất nhiều nhóm cư dân, sinh sống bằng nông nghiệp, theo chế độ Mẫu hệ, người Tàu gọi chung là Bách Việt. Nhờ điều kiện địa dư thuận lợi họ có một mức phát triển tương đối cao. Người Hoa có nguồn gốc Mongoloid, chuyên về du mục, nên giỏi về chiến đấu, lấn chiếm về phía Nam. Các nhóm Bách Việt chống không lại, một số bị thôn tính, một số di tản về phía Tây, nam và Tây Nam. Một trong những nhóm này là nhóm Lạc Việt của Sùng Lãm, sống chuyên về trồng lúa và đánh cá vùng sông nước. Chàng trai di dân họ Lạc kết duyên cùng cô gái họ Âu, có thể là thủ lãnh của Âu Việt, nhóm cư dân canh tác nông nghiệp trên vùng cao. Sự kết hợp này tạo thành một nhóm mạnh hơn: Âu Lạc, và đó là tiền thân của Việt Nam.Câu hỏi chưa được giải đáp thỏa đáng là các nhóm cư dân có sẵn trong vùng Nam sông Dương Tử có cội nguồn từ đâu ? Họ là những nhóm chuyên canh về lúa từ phía Bắc Ấn Ðộ, di chuyển dần về phía Bắc và Ðông Bắc, khi thời tiết ấm dần sau thời kỳ Băng Giá cuối cùng (theo Hoàng Văn Chí) hay là những thổ dân Melanesian từ quần đảo Polynesia theo gió mùa đi lên bằng thuyền (theo Nguyễn Khắc Ngữ) ?Về truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ, ta vẫn có thể hiểu một cách tích cực những lời nói của Bố Lạc nói với Mẹ Âu : " Ta là nòi Rồng, đứng đầu Thủy tộc, (nên hiểu là Ta chuyên sống vùng sông nước) Nàng là giống Tiên, sống trên núi cao (Nàng là người đẹp sống bằng nghề nông trên vùng cao) tuy khí âm dương hợp lại mà sinh ra con, nhưng thủy hỏa tương khắc (hai vùng thấp cao có khác nhau) , khó ở lâu với nhau được (ở lâu với nhau không lợi bằng...), nay ta đem năm mươi con về Thủy phủ chia trị các xứ (...Ta đem năm mươi con về vùng sông nước để giữ đất). Năm mươi con theo Nàng về ở trên đất, chia nước mà trị (Năm mươi con ở lại với Nàng, chia nhau cai trị các địa phương). Lên núi, xuống biển, hữu sự phải báo cho nhau biết, đứng quên." Xem thế rõ ràng Lạc Long Quân biết rất rõ hiểm họa diệt vong, và đã bàn với Âu Cơ chia lực lượng để làm thế ỷ giốc. Nhân chuyện chia con, có người cho nhận xét truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ cho thấy nền tảng gia đình Việt Nam khởi đầu bằng một sự ly dị; nhận xét đó vô cùng hời hợt. Sự chia con, mà ta nên hiểu là chia dân, là một chiến lược mà tổ tiên ta đã nghĩ ra để sinh tồn, tương trợ nhau. Và có lẽ nhờ thế mà tộc Việt tồn tại sau cả ngàn năm Bắc Thuộc. (Cho đến ngày nay, việc chia để sinh tồn vẫn còn trong huyết quản của người Việt. Sau 54, hơn một triệu người Việt di cư vào Nam, đã không biết có bao nhiêu gia đình đã chia con làm hai, chồng mang một nửa, vợ mang một nửa, rủi ro có chuyện gì cũng chỉ mất có một nửa mà thôi. Ðến giai đoạn 75, một lần nữa chúng ta lại thấy bản năng sinh tồn này lại bộc phát mạnh mẽ. Khi vượt biên, gia đình thường tách làm hai: nửa đi, nửa ở hay cả hai nửa cùng đi nhưng theo hai hướng hay hai chuyến khác nhau. Ðịnh cư được rồi, nửa này tương trợ hay bảo lãnh nửa kia. Hơn ai hết những người Việt hiện đang định cư trên xứ người cảm nhận được điều này sâu sắc nhất...)
Lạc Long Quân Sùng Lãm chỉ là một thủ lãnh trong số rất nhiều chàng trai di dân tránh họa xâm lăng của Tộc Hoa, và sách Lĩnh Nam Chích Quái chỉ chép chuyện của Sùng Lãm thôi, tất nhiên thêm thắt những yếu tố về nguồn gốc tộc Hoa cho Sùng Lãm. Người Tàu sang cai trị nước ta, dùng chữ Tàu để ghi chép sự việc, giấy tờ, công văn. Nên nhớ chữTàu chỉ xuất hiện từ thời Thương, thế kỷ 15 TTL., trong khi chuyện về nước Văn Lang, Hùng Vương xảy ra trước đó 13 thế kỷ, người Tàu nghe kể và ghi chép lại theo ý của họ, làm sao tránh được thiên lệch, và đó cũng là lý do giải thích tại sao chúng ta lại có rất ít sử liệu về đời Hùng Vương: 25 thế kỷ mà chỉ có 18 đời Vua Hùng (Thục Phán diệt Văn Lang vào năm 227 TTL). Vậy thì mỗi vua Hùng trị vì khoảng 140 năm hay người Tàu chép chuyện chỉ nghe kể chuyện của 18 vị vua Hùng sáng giá mà thôi? Trong khi đó những chuyện cổ tích truyền trong dân gian lại có rất nhiều (Sự tích Trầu Cau, Bánh Dầy Bánh Chưng, Sơn Tinh Thủy Tinh, Phù Ðổng Thiên Vương...). Chúng ta không thể tin vào những gì sách Tàu chép về chúng ta.
Như đã trình bày, việc truy tìm cội nguồn của dân tộc Việt Nam đòi hỏi nhiều công sức của nhiều học giả, thuộc nhiều ngành khác nhau và đó là một công trình đồ sộ. Bằng những phương pháp khoa học và những suy luận hợp lý, chúng ta tin sẽ tìm được cội nguồn của dân tộc. Những ý tưởng nêu trên chỉ là một hướng nhìn mới có tính tích cực về Cội nguồn Dân tộc, mong ước được nhận những ý kiến khác từ những bậc trí giả.
(1) Có nơi chép là kết hôn với con gái của Vụ TiênChú thích
(2) Con gái Ðế Lai, cháu nội Ðế Nghi (cũng có nơi chép là ái thê của Ðế Lai)
(3) Lẽ ra phải nói "nàng là người thường..."
(4) Thời nhà Chu, sứ giả nước Việt Thường sang triều cống, dâng chim Trĩ và sừng tê, phải qua ba lần thông ngôn mới hiểu nhau, lúc về vua cho đóng xe có kim chỉ hướng Nam để theo đó mà tìm đường về. Ðiều này chứng tỏ người Hoa cũng công nhận Việt Thường là một xứ không thuộc chủng tộc Hoa, có ngôn ngữ riêng (ba lần thông dịch) , ở rất xa mãi tận phương Nam.
(5) Tên gọi xưa của vùng của người Việt cổ sinh sống
(6) Mạc Ðịnh Hoàng văn Chí - Duy Văn Sử Quan- Cành Nam xb trang 79.
(7) Edouard Chavannes trong "Les Memoires Historiques de Se-Ma-Tsien"
Leonard Aurousseau trong bài "La première Conquête Chinoise des Pays Annamites"
Madrolle trong bài "Les Populations de l'Indochine"
(Theo Nguyễn Khắc Ngữ trong cuốn Nguồn Gốc Dân Tộc Việt Nam , Nhóm Nghiên Cứu Sử Ðịa - Montréal 1985)
(8) Kim Chí - Hưng Việt, An Việt Houston xb. 1987 - Nam Thiên, Kinh Việt, Hoa Tiên Rồng xb, Brisbane Australia 1993
(9) Nguyễn Khắc Ngữ - sđd.
(10) Vương Hoàng Tuyên - Các dân tộc gốc Nam Á ở miền Bắc Việt Nam - Hànội 1957 (Theo Nguyễn Khắc Ngữ - sđd)
(11) Nguyễn Khắc Ngữ - sđd.
(12) Hoàng Văn Chí - Sđd trang 80,93
(13) Có vài Trống Ðồng tìm thấy ở Bắc Thái Lan và Lào.
(14) Có nghĩa; "Thứ nhất là phá núi rừng, thứ nhì là bắt tôm cá"
(15) Nguyễn Khắc Ngữ, sđd tr. 99
(16) Nguyễn Khắc Ngữ, sđd tr. 101, 102 .
[ Trở Về ]