Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay.
Kinh Bốn mươi hai chương
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
(Download file MP3 - 10.57 MB - Thời gian phát: 01 giờ,01 phút 33 giây.) Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về admin@rongmotamhon.net để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.
Font chữ:
61. CHUYỆN BÀI KINH KHỔ ÐAU (Tiền thân Asàtamanta)
Câu chuyện này do bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo bị tham dục chi phối. Câu chuyện sẽ được trình bày ở Tiền thân Ummadanti số 527.
-ooOoo- 62. CHUYỆN CÔ GÁI TRÊN LẦU BẢY TẦNG. (Tiền thân Andabhuta) (Trần Phương Lan dịch)
Trò chơi sáo, giả mù...
Câu chuyện này do bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo bị ái dục chi phối tâm trí. Bậc Ðạo Sư hỏi:
- Tăng chúng bảo rằng ông bị ái dục chi phối, có phải vậy chăng?
- Thưa vâng, quả đúng như vậy.
- Này Tỷ-kheo, không ai canh giữ đàn bà được cả. Ngày xưa, có kẻ đầy mưu trí canh giữ một nữ nhân từ khi nó mới lọt lòng mà cũng không thể nào giữ nó được.
Nói vậy xong, Ngài kể một câu chuyện quá khứ.
*
Một thuở nọ vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát sinh làm vương tử của bà Chánh hậu. Khi ngài lớn lên, ngài tinh thông mọi môn học thuật, và khi vua cha băng hà, ngài lên ngôi làm một vị anh quân, trị dân đúng pháp. Thời ấy, ngài thường chơi súc sắc với vị Tế sư của triều đình, và khi ném con bài súc sắc bằng vàng trên mặt chiếc bàn bằng bạc, ngài thường ca khúc hát cầu may này:
Muôn vật lẽ thường tình,
Sông ngòi uốn lượn quanh,
Còn các loài thảo mộc
Là cây cối mọc thành,
Hễ gặp thời cơ tới,
Nữ nhân phạm ác hành.
Vì khúc hát này làm cho vua thắng cuộc mãi, nên theo đúng luật chơi bài, vị Tế sư mất đến cả đồng xu dính túi. Và muốn khỏi sạt nghiệp, vị ấy quyết định tìm cho ra một cô gái chưa hề thấy người đàn ông nào, đem về nhà khóa cửa nhốt trong phòng. Vị ấy nghĩ thầm: "Ta không thể nuôi một cô gái đã từng thấy đàn ông. Vậy ta phải tìm một đứa trẻ sơ sinh, giữ kỹ nó lúc lớn lên, canh chừng nó thật cẩn mật để không ai có thể đến gần nó và nó sẽ trung thành với người đàn ông duy nhất thôi. Lúc ấy ta sẽ thắng vua và trở nên giàu có".
Bấy giờ vị này rất giỏi khoa tướng số, nên vừa thấy một người đàn bà nghèo sắp sinh con, và đứa trẻ sẽ là con gái, vị ấy bèn thuê tiền để đem bà ta về ở trong nhà mình, giữ thật kỹ đến ngày sinh đứa con xong, bà ta phải đi ngay với một số tiền. Còn hài nhi kia được toàn phụ nữ nuôi nấng, không một nam nhân nào được nhìn thấy nó, trừ vị Tế sư. Khi nó lớn lên, nó thuộc về quyền sở hữu của vị Tế sư, chủ nhân của nó.
Suốt thời gian cô bé lớn dần, vị Tế sư tránh việc chơi bài với vua, nhưng khi nó đã trưởng thành dưới quyền kiểm soát của chính mình, thì vị Tế sư lại thách thức vua chơi bài. Ngài chấp thuận và bắt đầu cuộc chơi. Trong khi vừa ném con súc sắc, ngài vừa hát khúc ca cầu may ấy, thì vị Tế sư nói thêm:
- Nhưng bao giờ cô bé của hạ thần cũng là ngoại lệ đấy!
Rồi vận may cũng đổi chiều, chính vị Tế sư thắng cuộc và nhà vua thua bài.
Khi xét kỹ vấn đề trên, Bồ-tát nghi ngờ vị Tế sư có giấu kín một cô gái đức hạnh trong nhà, nên ngài cho người dò tìm và quả đúng như vậy. Thế là để làm cho cô bé kia phải sa ngã và phạm lỗi, ngài truyền đưa tới một gã điếm đàng giảo quyệt, và hỏi gã có cách quyến rủ cô gái chăng.
- Tâu Ðại vương, chắc chắn là được. Gã kia đáp.
Nghe vậy, nhà vua cho gã tiền và bảo gã thi hành lệnh ngài ngay, chớ để mất thì giờ lâu.
Với số tiền vua ban, gã mua đủ loại nước hoa, hương liệu và mở cửa tiệm bán nước hoa gần nhà vị Tế sư. Bấy giờ nhà Tế sư cao bảy tầng, có bảy cổng, mỗi cổng đều có người ngồi canh, toàn phụ nữ canh cổng, không đàn ông nào được phép vào nhà trừ vị Bà-la-môn. Ngay cả những thúng đựng rác cũng được khám xét thật kỹ trước khi đem vào nhà.
Chỉ riêng vị Tế sư ấy được quyền nhìn thấy cô gái, và cô bé cũng chỉ có một nữ tỳ hầu hạ. Nữ tỳ này được giao tiền đi mua hoa tươi và nước hoa và tặng cô chủ; trên đường đi, bà ta thường bước ngang qua cửa tiệm mà gã điếm đàng kia mới mở. Và gã ấy biết rõ bà ta chính là người hầu của cô gái kia, bèn đợi một ngày nọ bà ta đến gần, gã vội vã chạy bổ ra ngoài cửa hiệu, quỳ xuống chân bà, hai tay ôm chặt đầu gối bà, miệng lắp bắp:
- Ôi mẹ ôi! Mẹ đi đâu lâu nay thế hở mẹ?
Và đồng bọn của gã đứng canh đó đều kêu lên:
- Ồ giống như tạc! Tay chân, mặt mũi, cả cách ăn mặc nữa, đều y hệt nhau!
Trong khi mọi người cứ xem xét trầm trồ không ngớt về sự giống nhau kỳ diệu kia, người đàn bà ấy đâm ra hoát hoảng trong thật thảm hại. Bà ta òa ra khóc lớn rằng đây hẳn là con trai bà! Rồi vừa khóc lóc vừa kể lể, cả hai người cứ ôm lấy nhau mà ngã lăn ra. Sau đó gã hỏi:
- Nay mẹ đang ở đâu vậy mẹ?
- Mẹ đang ở nhà vị Tế sư đấy con ạ. Ngài có môt cô tiểu thiếp đẹp vô song, quả là tiên trên trời mới đẹp như thế và mẹ là người hầu của nàng ấy.
- Thế mẹ đang đi đâu đấy?
- Mẹ đi mua hoa tươi và nước hoa cho nàng ấy.
- Sao mẹ còn đi đâu mà mua các thứ ấy nữa? Lần sau mẹ cứ đến đây, gã kia bảo.
Và gã tặng bà già trầu cau cùng đủ thứ hoa mà không lấy tiền. Cô gái ngạc nhiên thấy số hoa tươi và nước hoa bà ta đem về quá nhiều, bèn hỏi tại sao vị Tế sư Bà-la-môn lại hậu hỉ với nàng thế. Bà già đáp:
- Sao con lại nói thế hở con?
- Vì số hương hoa bà đem về nhà đấy mà.
- Ồ không, chẳng phải ngà Bà-la-môn cho tiền hào phóng đâu, bà già bảo, mà chính vì già này lấy các thứ kia ở tiệm của con trai già đấy.
Và từ đó, bà già giữ riêng số tiền vị Bà-la-môn đưa, rồi đi đến lấy hoa tươi cùng đủ thứ khác tại tiệm gã kia khỏi mất tiền.
Vài ngày sau, gã giả vờ đau ốm, lên giường nằm. Khi bà già ấy đến cửa tiệm hỏi con trai bà đâu thì được biết gã đang bị bệnh. Bà vội bước vào tận nơi, âu yếm vuốt ve đôi vai gã và hỏi nguyên nhân cơn bệnh. Nhưng gã không đáp.
- Tạo sao con không nói cho mẹ biết hả con?
- Dù con có chết đi cũng không dám nói với mẹ đâu.
- Nhưng nếu con không nói với mẹ thì còn nói với ai được nữa?
- Thế thì mẹ ôi, bệnh của con phát ra chỉ vì nghe mẹ cứ khen cô tiểu chủ của mẹ đẹp tuyệt trần nên con đâm ra si tình phát ốm tương tư đó thôi! Nếu con chiếm được nàng, con mới sống nổi, còn không thì con đành nằm ở đây chờ chết.
- Con ơi, con cứ để việc này cho mẹ lo liệu. Bà già nói một cách vui vẻ - Con đừng lo lắng gì về chuyện đó.
Thế rồi mang một thúng chất đầy hoa tươi cùng nước hoa, mụ đem về nhà, nói với nàng tiểu thiếp của vị Bà-la-môn:
- Chao ôi! Con trai già đang ốm tương tư vì nàng, chỉ vì già bảo cho nó biết nàng đẹp tuyệt vời! Bây giờ biết làm sao đây?
Cô gái đáp:
- Nếu bà tìm cách lén đem được cậu ấy vào đây, thì ta cho phép bà đấy.
Ngay sau đó mụ già liền bắt tay quét dọn tất cả đồ đạc hư cũ, rác rưởi trong nhà thâu góp cả bảy tầng lầu từ rầm thượng cho đến nhà bếp, bỏ vào một thúng đựng hoa to tướng rồi tìm cách đưa ra ngoài. Khi người ta lục soát như thường lệ thì mụ già đổ cả thúng rác lên đầu người đàn bà giữ cổng, khiến người đó bỏ chạy ngay trước cách đối xử quá thô bạo như thế! Mụ già cũng làm cách ấy với các người giữ cổng kia, khiến cho họ ngột thở vì đống rác rưởi trút lên đầu và mọi người la lối mụ đủ điều.
Thế là từ đó về sau, mụ già có đưa vào đưa ra bất cứ vật gì, cũng không ai có gan lục soát mụ nữa! Thời cơ đã đến tay! Mụ lén đưa gã điếm đàng giấu trong thúng hoa vào gặp cô tiểu chủ. Gã làm hư hỏng đức hạnh của cô gái ngay và còn cả gan ở lại một hai ngày trong những căn gác nhỏ trên lầu. Gã lánh mặt khi vị Tế sư đến nhà, và bầu bạn với cô gái khi vị ấy đi khỏi. Sau một hai ngày, cô gái bảo tình nhân:
- Này lang quân yêu quý, chàng phải ra đi rồi đấy.
- Ðúng rồi, nhưng ta muốn đánh lão Bà-la-môn ấy một cái đã.
- Ðược lắm chứ.
Cô gái đáp và đem giấu gã một nơi. Sau đó vị Bà-la-môn đến, cô nàng kêu lên:
- Này phu quân yêu dấu, tiện thiếp ưa thích ca múa biết bao, ước gì phu quân vui lòng thổi sáo cho thiếp.
- Vậy ái nương hãy múa đi nào.
Vị Bà-la-môn lập tức thổi sáo lên.
- Nhưng nếu phu quân nhìn thiếp thì thiếp xấu hổ thẹn thùng quá không sao dám múa đâu, để tiện thiếp lấy cái khăn che kín khuôn mặt khôi ngô khả ái của phu quân trước đã, rồi tiện thiếp mới dám múa.
- Thôi được rồi, nếu ái nương quá khiêm nhượng mà không dám múa thì cứ làm thế đi.
Vậy là cô nàng lấy một tấm vải thật dày buộc chặt lên mặt lão Bà-la-môn để che mắt lão. Và cứ giả mù như thế, lão bắt đầu thổi sáo. Nhảy múa được một lát, cô nàng lại kêu lên:
- Chàng yêu quý ôi, thiếp lại còn thích đánh chàng một cái trên đầu nữa cơ!
- Vậy thì nàng cứ đánh đi nào!
Lão già ngốc nghếch đáp mà không chút nghi ngờ gì cả. Thế là cô ả liền ra hiệu cho gã tình nhân, hắn nhẹ nhàng lẻn ra sau lưng lão Bà-la-môn đánh cho lão một đấm trên đầu nên thân! Cái đấm mới đích đáng làm sao, khiến hai mắt lão như muốn lòi ra khỏi mặt, trên đầu lão u lên một cục lớn! Lão thấy đau điếng người, liền gọi cô ả kia đến gấp, đưa tay cho lão xem, và cô ả bèn đặt tay mình vào tay lão:
- Ồ bàn tay nàng mềm mại quá, sao nó lại đánh đau thế này?
Bấy giờ, khi gã đểu cáng kia đánh lão Bà-la-môn xong, gã lại đi ẩn mình như cũ. Lúc ấy cô gái mở khăn ra khỏi mặt lão, xoa dầu lên chỗ đầu bị u. Một lát sau lão ra về, gã kia lại được mụ già giấu vào giỏ hoa đưa ra khỏi nhà. Lập tức gã đến yết kiến đức vua và tâu trình toàn thể cuộc phiêu lưu của gã cho ngài hay.
Bởi thế, khi vị Bà-la-môn vào chầu, vua liền đề nghị chơi bài súc sắc, vị ấy đồng ý và chiếc bàn chơi bài được đem ra. Khi vua ném con bài, ngài cũng ca khúc hát ấy và vị Bà-la-môn, vì không hay biết gì về sự hư hỏng của cô tiểu thiếp, nên vẫn nói thêm:
- Bao giờ cô gái của hạ thần cũng là ngoại lệ đấy.
Nhưng lần này lão thua cuộc!
Còn vua đã biết rõ mọi việc xảy ra, liền bảo Tế sư:
- Sao lại trừ nàng ấy ra? Nàng ấy đã hư thân mất nết rồi. Ồ khanh cứ tưởng là đem về nuôi một con bé từ khi lọt lòng mẹ và nhốt nó trong bảy vòng canh giữ là khanh có thể vững lòng tin vào nó ư? Này, khanh không thể tin vào một nữ nhân nào cả, dù cho khanh có ôm nó trong lòng, quanh quẩn suốt ngày bên nó không rời một khắc! Chẳng hề có một người đàn bà nào giữ dạ chung thủy với một người đàn ông duy nhất trên đời. Còn về ả tiểu thiếp của khanh, ả bảo khanh rằng ả muốn nhảy múa, rồi khi đã bịt mắt khanh xong xuôi, khanh thổi sáo cho ả, thì ả lại để gã tình nhân đánh lên đầu khanh đấy, sau đó lén đưa gã ra khỏi nhà. Thế thì ngoại lệ của khanh ở đâu chứ?
Khi nói vậy xong, nhà vua liền ngâm kệ:
Trò chơi sáo giả mù,
Vì vợ bé phỉnh phờ,
Bà-la-môn ngồi đó,
Cố gìn giữ gái tơ,
Tạo nên người đức hạnh,
Trong trắng, chẳng bùn nhơ!
Học ngay từ việc ấy,
Mà sợ đám liễu bồ!
Bằng cách ấy, Bồ-tát thuyết pháp cho vị Bà-la-môn. Vị ấy về nhà hạch hỏi cô gái về tội hư thân mất nết mà cô ả đã bị tố cáo trên.
- Này phu quân yêu quý, ai có thể nói như vậy về tiện thiếp đấy? Cô gái phân trần: Tiện thiếp vô tội thật mà, chính bàn tay thiếp đánh chàng thật mà, chứ còn ai vào đây nữa? Nếu phu quân không tin lời thiếp thì thiếp xin nguyền đem thân này ra thử lửa để chứng tỏ không hề có bàn tay nam nhân nào từng đụng vào người thiếp cả, nhờ vậy mong chàng tin tưởng thiếp.
- Muốn thế thì được ngay.
Vị Bà-la-môn liền bảo đem một đống củi vào và châm lửa lên. Sau đó cô gái được gọi đến:
- Này, vị Bà-la-môn nói, nếu nàng tin tưởng lời mình thật thì hãy thử lửa đi.
Trước đó, cô gái đã dặn dò mụ già nọ như sau:
- Này mẹ ôi, mẹ hãy gọi con trai mẹ đến sẵn đây để nắm lấy tay con đúng lúc con sắp bước vào lửa nhé!
Và mụ già làm đúng như lời cô ả dặn, bảo gã kia đứng chen vào đám đông đang vây quanh. Sau đó để đánh lừa vị Bà-la-môn, cô gái đứng trước mặt mọi người, hăng hái thề thốt:
- Thưa phu quân, không hề có tay ai trừ tay chàng đụng vào người thiếp cả, với lời thề chân thật này, thiếp cầu mong ngọn lửa đừng làm hại thân thiếp.
Nói vậy xong, cô ả tiến đến đống lửa vừa đúng lúc gã tình nhân nhảy lên chụp lấy tay ả, hét to rằng vị Bà-la-môn thật đáng xấu hổ vì đã bắt buộc một thiếu nữ diễm lệ thế kia phải nhảy vào lửa đỏ! Cô gái giật mạnh tay ra khỏi tay gã, và kêu ca rằng lời xác nhận trước đây của ả đã bị làm hỏng mất rồi, nên bây giờ ả không thể thử lửa được nữa! Vị Bà-la-môn hỏi:
- Tại sao lại không được?
Cô ả đáp:
-Bởi vì trước kia thiếp xác nhận không hề có bàn tay nam nhân nào đụng vào người thiếp trừ tay chàng ra, nhưng bây giờ lại có một người đàn ông vừa chụp lấy tay thiếp!
Nghe vậy, vị Bà-la-môn biết rằng mình đã bị lừa, liền tống cổ cô ả ra khỏi nhà bằng những cái đấm thẳng tay!
Xem đấy, chúng ta biết rõ sự hư thân mất nết của đàn bà ra sao rồi. Không có tội lỗi nào mà chúng không phạm đến cả, rồi sau đó muốn đánh lừa các ông chồng, thì có lời thề thốt nào chúng không nói bừa cho xong đã chứ! Ngay giữa ban ngày ban mặt thế mà dám cho rằng chẳng hề phạm tội gì cả đấy! Lòng dạ chúng thật giả dối điêu ngoa làm sao! Do đó từ xưa đã có tục ngữ như vầy:
Một giống toàn lừa phỉnh, dối gian,
Làm sao hiểu nổi, cứ tung tăng
Như đàn cá lội theo dòng nước,
Lộng giả thành chân, thói các nàng!
Tựa giống bò tham đồng cỏ mới,
Má đào mơ ước đổi tình lang
Khác nào cát lún, không hề thỏa,
Ðộc dữ như loài rắn hổ mang!
Bọn nữ nhi thường rành mọi sự,
Còn ghi giấu được đám hồng nhan?
*
Quả thật không làm sao giữ nổi đàn bà, bậc Ðạo Sư nói.
Khi pháp thoại chấm dứt, Ngài tuyên thuyết các Sự thật. Đến cuối bài giảng ấy, vị Tỷ-kheo bị tham ái chi phối kia đắc quả Dự lưu. Bậc Ðạo Sư cũng nêu mối liên hệ giữa hai câu chuyện và nhận diện Tiền thân:
- Vào thời ấy Ta là vua Ba-la-nại kia vậy.
-ooOoo- 63. CHUYỆN HIỀN SĨ CHÀ LÀ (Tiền thân Takka) (Trần Phương Lan dịch)
Bọn nữ nhân đầy rẫy hận sân...,
Câu chuyện này do bậc Ðạo Sư kể trong khi trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo bị tham dục chi phối. Khi được hỏi, vị Tỷ-kheo thú nhận rằng mình bị tham dục chi phối, bậc Ðạo Sư hỏi:
- Ðàn bà thật vong ân bội nghĩa, tại sao ông lại để dục tham chi phối vì họ?
Và Ngài kể câu chuyện quá khứ.
*
Một thuở nọ vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát đã chọn đời ẩn sĩ, xây dựng cho mình một am thất bên bờ sông Hằng, tại đó ngài đã đạt các Thắng trí cùng các Thiền chứng, và an trú trong Thiền lạc. Thời ấy, vị quan giữ công khố ở thành Ba-la-nại có một cô con gái rất hung dữ, độc ác được mệnh danh là Ác Tiểu thư, thường hay mắng chửi đánh đập gia nhân, nô tỳ của mình.
Một ngày kia, bọn gia nhân đưa cô tiểu chủ đến vui chơi giải trí trên sông Hằng; cả đám đang đùa giỡn tung tăng trên mặt nước thì mặt trời lặn dần và một cơn bão lớn bỗng nổi lên. Vì thế, mọi người vội vã chạy trốn, còn lại bọn nữ tỳ của nàng kêu to: "Ðây chính là thời cơ tống khứ kẻ ác độc này đi!". Rồi chúng ném thẳng cô gái xuống nước và vội vã bỏ về. Mưa trút xuống như thác, mặt trời dần khuất và màn đêm xuống rất nhanh.
Khi bọn nô tỳ về nhà mà không có cô tiểu chủ, liền bị tra hỏi tiểu thư đâu, họ đều thưa rằng tiểu thư đã bước lên khỏi bờ sông, nhưng họ không biết nàng đã đi đâu cả. Gia đình này đi tìm kiếm khắp nơi, nhưng không thấy tung tích cô gái đi lạc.
Trong lúc ấy, nàng kêu gào thất thanh vì bị nước lũ cuốn theo, đến nửa đêm thì trôi dạt vào gần am thất của Bồ-tát. Nghe tiếng cầu cứu, ngài tự nhủ: "Ðây là tiếng đàn bà kêu cứu. Ta phải cứu người ấy khỏi nước cuốn mới được". Thế là ngài cầm ngọn đuốc cỏ soi sáng để tìm thấy nàng giữa dòng nước.
- Ðừng sợ! Ðừng sợ!
Ngài vui mừng kêu lên và lội xuống, rồi nhờ sức lực cường tráng như voi của ngài, ngài đưa cô gái vào bờ an toàn. Sau đó, ngài nhóm lửa trong am thất để sưởi ấm nàng và mang trái cây ngon ngọt đủ loại cho nàng dùng. Khi nàng vừa ăn, ngài hỏi:
- Nhà cô nương ở đâu, cớ sao lại rơi xuống sông?
Cô gái kể hết mọi việc đã xảy ra cho mình. Ngài bảo:
- Cô nương cứ tạm thời ở lại đây.
Ngài để cô gái ở trong am thất, còn phần ngài ra ở ngoài trời khoảng hai, ba ngày. Sau đó, ngài bảo cô gái ra đi, song cô ả cứ nấn ná ở lại cho đến khi quyến rủ được vị ẩn sĩ này say mê mình mà cô vẫn không chịu đi đâu cả. Thời gian qua cô gái dùng mọi vẻ yêu kiều của mỹ nhân kế khiến ngài mất hết thiền lực trí tuệ. Ngài vẫn cùng nàng ấy sống trong rừng.
Nhưng nàng lại không thích ở nơi hiu quạnh mãi, nên đòi ngài đem về nơi có dân cư. Thế là chìu theo lời năn nỉ ỉ ôi kia, ngài đành đem nàng ấy ra đi đến một làng ở biên địa, nuôi sống nàng bằng cách bán quả chà là, nên được gọi tên là "Hiền sĩ Chà Là". Dân làng nhờ ngài dạy cho cách biết trước lúc được mùa hoặc mất mùa, rồi trả tiền cho ngài và biếu ngài một túp lều để sống ở cổng làng.
Bấy giờ vùng biến địa hay bị bọn cướp từ núi xuống tàn hại phá phách. Ngày kia bọn chúng tấn công vò làng ngài đang ở và cướp của cải. Chúng bắt dân làng khốn khổ kia thu góp hết tài sản cho chúng rồi cao chạy xa bay, mang theo cô tiểu thư con quan thủ khố cùng với nhiều người khác về sào huyệt của chúng. Ðến nơi, chúng thả mọi người kia ra, song giữ lại cô gái có nhan sắc ấy để làm áp trại phu nhân của viên tướng cướp thủ lãnh.
Khi Bồ-tát biết việc này, ngài suy nghĩ: "Chắc nàng sẽ không chịu ở xa ta đâu. Nàng sẽ trốn về đây với ta". Thế rồi ngài vẫn ở đó chờ đợi nàng trở về. Trong lúc ấy nàng thấy rất hạnh phúc và được phỉ nguyện với bọn cướp kia, nên cứ nơm nớp lo sợ có ngày vị Hiền sĩ bán chà là đến bắt nàng đi về lần nữa. Nàng nghĩ thầm: "Ta sẽ được an lạc hơn nếu vị ấy chết đi. Vậy ta phải nhắn tin cho vị ấy giả vờ làm vẻ thương yêu để dụ vị ấy đến đây mà chịu chết cho xong". Sau đó nàng tìm cách đưa tin cho ngài biết là nàng đang khổ sở lắm, và nàng mong ước ngài đến cứu đi về.
Ngài tin lời nàng, vội lên đường đến cổng làng của bọn cướp, nhắn tin cho nàng. Nàng bảo:
- Bây giờ ta trốn đi chắc phải rơi vào tay tên thủ lãnh và hắn giết ta thôi. Vậy ta hãy đợi đến nửa đêm rồi đào tẩu.
Thế là nàng đem giấu ngài trong phòng, vào nửa đêm tên cướp trở về nực nồng hơi rượu, nàng hỏi hắn:
- Này lang quân, chàng sẽ làm gì nếu tình địch ở trong tay chàng?
Hắn bảo sẽ làm thế này thế nọ đối với tình địch. Nàng bảo:
- Có lẽ gã kia cũng không ở đâu xa xôi như chàng tưởng đâu. Hiện nó đang ở trong phòng kế bên ấy.
Cầm vội ngọn đuốc, tên cướp chạy vào chụp lấy Bồ-tát đánh đấm khắp mình mẩy cho hả giận. Cam lòng chịu đựng những cái đánh đấm kia, Bồ-tát không hề kêu than gì, mà chỉ thì thầm:
- Ôi phường vong ân bội nghĩa, thật là gian ác. Bọn lừa đảo điêu ngoa xảo trá thế là cùng. Ngài chỉ nói chứng ấy thôi.
Sau khi đã đánh đập và trói chân Bồ-tát lại, tên cướp ăn uống xong liền nằm lăn ra ngủ. Sáng dậy, sau giấc ngủ tiêu tan hết cơn say sưa hồi hôm, tên cướp lại đánh đập Bồ-tát lần nữa, ngài cũng không kêu than gì, mà chỉ lặp lại mấy lời trên. Tên cướp ngạc nhiên trước chuyện này và hỏi lý do tại sao khi bị đánh đập, ngài cứ nói mãi như thế.
Hiền sĩ Chà Là đáp:
- Này nghe đây, rồi người sẽ hiểu rõ. Trước kia ta là ẩn sĩ độc cư trong rừng hoang, đã chứng đắc Thiền định Thắng trí. Sau đó, ta cứu người đàn bà này ra khỏi sông Hằng và giúp đỡ nó đủ mọi nhu cầu, song đã bị nó quyến rủ nên mất hết Thắng trí. Rồi ta từ bỏ rừng sâu, đem nó về làng sinh sống, từ đó nó bị cướp mang đi. Nó lại nhắn tin cho ta là nó đang chịu khổ sở và xin ta đến giải cứu nó. Nay nó đưa ta vào tay ngươi, vì vậy ta cứ kêu lên như thế đó.
Nghe vậy, tên cướp bắt đầu suy nghĩ lại, hắn thầm nhủ: "Nếu cô ả chẳng chút thương tiếc một người tốt đã từng làm ơn cô ả nhiều như vậy, thì ả sẽ không làm hại ta sao được? Ả phải chết!".
Thế là sau khi an ủi Bồ-tát xong, hắn đánh thức cô ả dậy, vừa cầm kiếm trong tay, hắn vừa bảo rằng hắn sắp giết Bồ-tát ngoài cổng làng. Rồi bảo ả giữ chặt Hiền sĩ Chà Là, hắn tuốt kiếm ra, làm vẻ sắp giết ngài, nhưng lại chặt làm đôi cô ả đàn bà kia. Xong xuôi hắn tắm gội cho Bồ-tát sạch sẽ từ đầu đến chân và tiếp đãi ngài đủ món cao lương mỹ vị suốt mấy ngày liền cho thỏa thích.
- Thế bây giờ ngài định đi đâu? Cuối cùng tướng cướp hỏi:
- Trần thế chẳng có gì vui thú đối với ta cả, bậc hiền sĩ nói. Ta sẽ sống đời ẩn sĩ như xưa kia tại am thất cũ trong rừng.
- Thế thì kẻ hèn này cũng muốn làm ẩn sĩ.
Như vậy cả hai đều trở thành ẩn sĩ sống tại am thất trong rừng kia, cùng đắc các Thắng trí và các Thiền chứng, cho đến khi mạng chung thì thọ sanh lên Phạm thiên giới.
*
Kể câu chuyện ấy xong, bậc Ðạo Sư nêu lên sự liên hệ giữa hai câu chuyện qua các vần kệ sau:
Bọn nữ nhân đầy rẫy hận sân,
Nói mồm hai lưỡi, bọn vong ân,
Kẻ gieo chia rẽ, rồi gây chiến,
Vậy hỡi Tỷ-kheo, hãy bước chân
Thẳng tiến đường thanh cao chánh hạnh
Rồi ngươi thấy Cực-lạc siêu trần.
Khi pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự thật. Lúc kết thúc bài giảng, vị Tỷ-kheo bị tham dục chi phối đắc quả Dự lưu. Và bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
- Vào thời ấy, Ànanda là tướng cướp và Ta chính là Hiền sĩ Chà Là kia vậy.
-ooOoo- 64. CHUYỆN NGƯỜI VỢ KHÓ HIỂU (Tiền thân Duràjàna) (Trần Phương Lan dịch)
Chàng tưởng má hồng yêu mến chăng?...
Câu chuyện này do bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về một nam cư sĩ. Chuyện kể rằng thời ấy tại Xá-vệ có một nam cư sĩ thọ Tam quy và Ngũ giới, là một đệ tử thuần thành của Phật, Pháp, Tăng. Nhưng vợ người này là một nữ nhân độc ác, nham hiểm. Vào những ngày người vợ ấy phạm lỗi lầm, nàng nhu mì nhẫn nhục như một nữ tỳ được mua về với giá một trăm đồng tiền, còn những ngày nàng không phạm tội gì, thì nàng lên mặt bà chủ nhà hay giận dữ và khắc nghiệt. Người chồng không sao hiểu nổi nàng. Nàng cứ làm khổ người chồng đến độ chàng không đến yết kiến đức Phật được.
Một ngày kia, chàng mang hương hoa đến, sau khỉ đảnh lễ kính cẩn xong, chàng ngồi xuống thì bậc Ðạo Sư bảo:
- Này nam cư sĩ, làm sao đã bảy tám ngày qua ông không đến hội kiến Như Lai?
- Bạch Thế Tôn, vợ con có ngày thì dễ bảo như một tỳ nữ mua về với giá một trăm đồng tiền, vào ngày khác thì hay giận dữ khắt khe như một bà chủ. Con không làm sao hiểu vợ con được. Chính vì vợ con làm phiền lòng con đến độ con không đến hầu đức Thế Tôn lâu nay.
Khi nghe người ấy nói vậy, bậc Ðạo Sư bảo:
- Này cư sĩ, ông đã được các bậc hiền trí từ xưa nói cho biết rằng thật khó hiểu được bản tính nữ nhân.
Và Ngài nói thêm:
- Nhưng vì các tiền kiếp đã trở nên lẫn lộn trong trí ông nên ông không nhớ nổi.
Nói vậy xong Ngài kể một câu chuyện quá khứ.
*
Một thuở nọ, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát làm một vị giáo sư danh tiếng lừng lẫy khắp nơi, với năm trăm thanh niên Bà-la-môn thọ giáo với ngài. Trong số đó có một thanh niên từ phương xa đến, chàng đã yêu một thiếu nữ và cưới người đó làm vợ.
Dù chàng đang sống tại Ba-la-nại, chàng vẫn không thể nào đến hầu sư phụ trong hai ba lần liền, vì vợ chàng là người đàn bà độc ác, hễ ngày nào phạm lỗi lầm thì nàng ra vẻ nhu mì như một tỳ nữ, còn ngày nào không làm gì sai trái thì nàng lên mặt một bà chủ hay nóng giận, khắc nghiệt. Chồng nàng không thể nào hiểu nổi tính nàng ra sao cả, và chán quá, bực mình, khổ sở vì nàng đến độ chàng không đến hầu hạ sư phụ. Bấy giờ, bảy tám ngày sau, chàng lại đến hội kiến ngài, và được Bồ-tát hỏi tại sao lâu nay vắng mặt.
Chàng đáp:
- Bạch sư phụ, nguyên nhân là tại vợ con.
Rồi chàng kể cho Bồ-tát nghe, nàng đã nhu mì ra sao trong lúc làm vẻ như một tỳ nữ, lúc khác lại khắt khe chuyên quyền khiến chàng không sao hiểu nàng được. Và chàng quá phiền muộn khổ sở vì tánh tình thất thường của nàng nên đã vắng mặt như thế.
- Này cậu trai Bà-la-môn, rõ ràng như vậy, vào ngày lầm lỗi, đàm bà tỏ ra khúm núm trước mặt chồng mình và nhẫn nhục như bọn tỳ nữ; còn ngày nào không lầm lỗi, họ tỏ ra cứng đầu bướng bỉnh với cả phu quân. Ðàn bà độc ác nham hiểm như thế đấy, khó mà biết được bụng dạ họ ra sao. Vậy cậu không nên quan tâm đến những sở trường sở đoản của họ làm gì.
Nói vậy xong, Bồ-tát ngâm kệ này để khích lệ đệ tử ngài:
Chàng tưởng má hồng yêu mến chăng?
Này chàng trai hỡi, chớ vui mừng!
Tưởng là nàng chẳng yêu chàng nữa?
Nhẫn nại mà thôi, chớ oán hờn.
Lòng dạ đàn bà ai hiểu được.
Như bầy cá lội nước tung tăng!
Ðó là lời khuyến cáo của Bồ-tát đối với đệ tử ngài, nên từ đó chàng chẳng còn quan tâm đến tính thất thường của nàng nữa. Còn nàng, khi nghe nói nết hạnh kém cỏi của mình đã đến tai Bồ-tát, thì nàng bỏ ngay thói hư tật xấu kia, không còn tái phạm.
Phần người vợ của nam cư sĩ này tự nhủ: "Người ta bảo là đức Phật đã hiểu rõ thói hư tật xấu của mình rồi!". Từ đó nàng không còn sai phạm lỗi lầm như trước kia.
*
Khi chấm dứt pháp thoại, bậc Ðạo Sư thuyết giảng các Sự thật. Đến lúc kết thúc bài giảng, vị nam cư sĩ đắc quả Dự lưu. Sau đó bậc Ðạo Sư nêu liên hệ giữa hai chuyện và nhận diện Tiền thân:
- Vào thời ấy hai vợ chồng kia là hai vợ chồng ngày nay, và Ta chính là vị giáo sư ấy.
-ooOoo- 65. CHUYỆN NỖI BẤT MÃN. (Tiền thân Anabhirati) (Trần Phương Lan dịch)
Khác gì xa lộ, các dòng sông...
Câu chuyện này do bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên, cũng về một nam cư sĩ như chuyện trước. Người này, trong lúc tìm hiểu, đã biết chắc chắn về sự hư hỏng của vợ mình, liền cãi vã với nàng, kết quả là người ấy bực bội đến độ bảy tám ngày liền không đến yết kiến bậc Ðạo Sư.
Một ngày kia, chàng đến tinh xá, đảnh lễ đức Thế Tôn và ngồi xuống. Khi được hỏi tại sao chàng vắng mặt bảy tám ngày qua, chàng đáp:
- Bạch Ðức Thế Tôn, vợ con hư hỏng khiến con quá phiền lòng về việc ấy đến độ không đến đây được.
Bậc Ðạo Sư bảo:
- Này cư sĩ, ngày xưa người hiền thiện đã khuyên ông đừng buồn giận vì thói hư tật xấu của đàn bà mà phải giữ lòng bình thản; tuy vậy, ông đã quên chuyện này vì vòng luân hồi sinh tử đã che mắt ông.
Nói vậy xong, theo lời thỉnh cầu của vị cư sĩ, Ngài kể một câu chuyện quá khứ.
*
Một thuở nọ, khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát là một vị giáo sư tiếng tăm lừng lẫy khắp nơi, như trong chuyện trước. Một đệ tử của ngài biết được vợ mình hư hỏng, lấy làm phiền muộn về điều khám phá trên, đến độ lánh mặt đi vài ngày, nhưng một ngày kia được vị giáo sư hỏi thăm lý do vắng mặt của chàng, chàng liền thổ lộ tâm sự của mình. Sau đó vị giáo sư bảo:
- Này con, chẳng có gì riêng tư trong bọn đàn bà cả. Họ là của chung cho mọi người đấy. Vì vậy khi người trí biết được nhược điểm của họ, các vị ấy không tức giận vì họ nữa.
Nói vậy xong, ngài ngâm kệ này để khích lệ tinh thần đệ tử:
Khác gì xa lộ, các dòng sông,
Nhà trọ, sân vườn, các quán ăn,
Tửu điếm mở ra mời tất cả.
Thập phương lữ khách, thói ân cần
Thường tình nhi nữ là như thế,
Người trí không hề tỏ hận sân
Hạ cố bận lòng vì nhược điểm
Của loài liễu yếu, bọn hồng quần.
Ðó là lời khuyến cáo của Bồ-tát đối với đệ tử ngài, từ đó về sau vị này giữ bình thản trước mọi việc làm của nữ giới. Còn người vợ kia cũng được cảm hóa ngay khi nghe vị giáo sư đã biết rõ bản chất mình, nên nàng từ bỏ thói hư tật xấu cũ. Và vợ của người cư sĩ cũng vậy, khi nghe rằng bậc Ðạo Sư đã hiểu rõ bản chất của mình, liền từ bỏ thói hư tật xấu cũ.
*
Khi pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự thật. Đến lúc kết thúc bài giảng, vị cư sĩ đắc quả Dư lưu. Bậc Ðạo Sư cũng nêu sự liên hệ giữa hai câu chuyện và nhận diện Tiền thân:
- Hai vợ chồng này ngày nay cũng là hai vợ chồng ngày xưa, và ta chính là vị giáo sư Bà-la-môn ấy.
-ooOoo- 66. CHUYỆN HOÀNG HẬU TỪ TÂM (Tiền thân Mudulakkhana) (Trần Phương Lan dịch)
Trước thời ta được Từ tâm...
Câu chuyện này được bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên, về tính tham đắm ái dục. Chuyện kể rằng một thiện gia nam tử ở Xá-vệ, sau khi nghe đức Phật thuyết pháp, liền thành tâm hướng về Tam Bảo. Vị ấy xuất gia sống đời Phạm hạnh, theo đúng Chánh đạo, thực hành Thiền định và không bao giờ xao lãng trầm tư đối với đề tài Thiền quán mà vị ấy đã chọn.
Một ngày kia, trong lúc đang khất thực tại thành Xá-vệ, vị ấy chợt gặp một nữ nhân có nhan sắc quyết rủ, khiến vị ấy ham thích nên đã vi phạm giới luật tu hành là đưa mắt ngắm nàng! Dục tham bỗng khởi lên trong tâm vị ấy, khiến chẳng khác gì cây sung bị búa rìu đốn ngã xuống đất.
Từ ngày ấy, do dục tham chi phối, thâm tâm vị ấy đều mất hết sinh thú trong đời sống tu hành, cũng chẳng tìm được Pháp lạc, vị ấy chẳng khác gì một con thú hoang trong rừng, cứ để râu tóc, móng tay chân mọc dài ra dần và y phục bẩn thỉu hôi hám.
Khi các vị đồng Phạm hạnh biết được tâm trạng khổ đau của vị ấy, liền bảo:
- Này Hiền giả, tại sao tâm trí Hiền giả chẳng được như trước?
Vị ấy đáp:
- Niềm an lạc của ta đã mất rồi.
Tăng chúng liền dẫn vị ấy đến yết kiến bậc Ðạo Sư, ngài hỏi tại sao chúng Tăng dẫn vị Tỷ-kheo ấy đến dù vị ấy không muốn.
- Bạch Thế Tôn, vì niềm an lạc của vị ấy đã mất rồi.
- Này Tỷ-kheo, có đúng vậy chăng?
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
- Vậy ai đã khiến ông phải phiền não?
- Bạch Thế Tôn, trên đường đi khất thực, con đã vi phạm giới luật của bậc Thánh khi nhìn ngắm một nữ nhân, và tham dục khởi lên trong tâm con, vì thế con sinh ra phiền não.
Bậc Ðạo Sư liền bảo:
- Này Tỷ-kheo, chẳng có gì lạ khi ông vi phạm giới luật vì ham dục lạc, ông đã nhìn ngắm một đối tượng trái với giới luật và bị tham dục chi phối.
Thuở xưa, ngay cả những bậc đã đắc năm Thắng trí và tám Thiền chứng, những bậc đã dập tắt dục tham nhờ uy lực của Thiền quán, tâm đã được thanh tịnh và đôi chân đã có thể rảo bước giữa không gian, ngay cả các vị Bồ-tát, mà chỉ vì vi phạm giới luật khi nhìn ngắm một đối tượng ngoài thông lệ, nên phải để mất hết Thiền lực, tâm bị tham dục khuấy động và phải chịu đại phiền não. Thế thì trận cuồng phong đủ năng lực xô ngã núi Tu-Di có sá gì mà quan tâm đến một ngọn đoài trọc không lớn hơn con voi; cơn gió thổi mạnh làm bật gốc cây hồng đào vĩ đại có màng gì bụi cỏ bên vách đá; hay cơn gió càn quét khô cạn cả đại dương có kể gì đến cái ao bé tí kia chứ? Nếu tham dục có uy lực làm cuồng si tâm trí của các vị Bồ-tát đã giác ngộ và thanh tịnh, thì làm sao tham dục lại phải nao núng trước ông kia chứ? Này, ngay cả những người đã thanh tịnh cũng bị tham dục làm lạc hướng và người đã đạt đến vinh quang tột đỉnh cũng phải chịu khổ nhục suy tàn.
Nói vậy xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Một thuở nọ khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát thọ sanh vào một gia đình Bà-la-môn giàu có tại quốc độ Kàsi. Khi ngài trưởng thành và việc học vấn đã hoàn mãn, ngài từ bỏ dục tham, xuất gia sống đời ẩn sĩ, đi vào chốn độc cư ở núi Tuyết Sơn. Tại đó, nhờ thành tựu các pháp môn đưa đến Thiền định, ngài đã đạt các Thắng trí và các Thiền chứng, và sống an vui như vậy trong Thiền lạc vi diệu.
Vì thiếu muối và giấm, một ngày kia ngài vào Ba-la-nại, tại đó ngài đến cư trú trong ngự viên của nhà vua. Ngày kế tiếp, sau khi đã tắm rửa xong thân mình, ngài xếp chiếc y bằng vỏ cây vẫn thường đắp, khoác lên vai tấm da linh dương màu đen, buộc các cuộn tóc rối thành một búi trên đỉnh đầu và mang đòn gánh với hai thúng trên lưng, ngài bắt đầu du hành để khất thực.
Trên đường đi đến cổng hoàng cung, oai nghi của ngài khiến nhà vua thán phục và truyền mời ngài vào. Thế là vị ẩn sĩ được đặt lên một bảo tọa cực kỳ huy hoàng lộng lẫy và thết đãi mọi thứ cao lương mỹ vị. Khi ngài nói lời tùy hỷ công đức, ngài lại được mời đến cư ngụ ở hoa viên. Vị ẩn sĩ nhận lời mời và trong mười sáu năm liền sống ở hoa viên, thường thuyết giáo cho cả hoàng gia và thọ hưởng ngự thiện do vua cúng dường.
Bấy giờ, một ngày kia vua phải ra chốn biên địa để dẹp loạn. Song trước khi khởi hành, vua ủy thác cho Hoàng hậu được mệnh danh là Từ Tâm, phải cung cấp các vật dụng cần thiết cho vị ẩn sĩ thanh tịnh kia. Vì vậy, sau khi vua ra đi, Bồ-tát vẫn thường đi đến cung điện khi ngài muốn.
Một ngày kia hoàng hậu Từ Tâm đã chuẩn bị một bữa cơm dâng cúng Bồ-tát, nhưng vì ngài đến muộn nên hoàng hậu vô phòng tắm rửa. Sau khi tắm nước hoa xong, bà vận xiêm y hết sức lộng lẫy, và nằm xuống đợi ngài đến trên một bảo tọa nhỏ trong một khách sảnh rộng lớn.
Khi vừa xuất khỏi Thiền định, thấy đã trễ giờ, Bồ-tát liền phi hành qua không gian để đến cung điện. Chợt nghe tiếng sột soạt của chiếc y bằng vỏ cây, hoàng hậu vội vã đứng dậy để đón tiếp ngài. Trong lúc vội vàng, chiếc y của hoàng hậu tuột xuống, để lộ mọi vẻ kiều diễm của bà trước mặt vị ẩn sĩ khi ngài vừa đến cửa. Thấy vậy, ngài bỗng ham thích chiêm ngưỡng sắc đẹp nữ nhân kỳ diện kia nên đã phạm Giới đức: Lửa dục nhen nhúm trong tâm ngài, khiến ngài giống như thân cây to bị chiếc rìu đốn ngã.
Lập tức ngài đánh mất Thiền lực, ngài chẳng khác gì con quạ bị cắt cụt đôi cánh. Ngài vẫn đứng yên tay nắm chặt thức ăn, nhưng ngài không ăn được mà bước ra đi, toàn thân rung động vì dục vọng, ngài trở về am thất trong vườn hoa, nằm xuống trên sàng tọa bằng gỗ, và suốt bảy ngày liền chịu đói khát, toàn thân bị siết chặt trong vòng vây của sắc đẹp yêu kiều kia, nội tâm ngài như bị lửa dục thiêu đốt bừng bừng.
Vào ngày thứ bảy, nhà vua trở về sau khi đã bình định biên thùy. Vừa ngự vương xa giữa đám rước linh đình quanh hoàng thành xong, vua đi vào cung. Rồi vua muốn thăm vị ẩn sĩ kia ngay, bèn đi đến hoa viên. Tại am thất, vua thấy Bồ-tát đang nằm trên sàng tọa. Tưởng vị ẩn sĩ bị bệnh, vua ra lệnh quét dọn sạch sẽ am thất và vừa vỗ vào chân ẩn sĩ ấy vừa hỏi ngài bị bệnh gì.
- Tâu Ðại vương, tâm ta đang bị dục tham trói buộc: đó là căn bệnh duy nhất của ta.
- Ngài có tham dục đối với ai?
- Tâu Ðại vương, với hàng hậu Từ Tâm đấy.
- Vậy thì từ nay Hoàng hậu thuộc về ngài, trẫm ban nàng cho ngài đấy. Nhà vua bảo.
Sau đó, nhà vua cùng vị ẩn sĩ đến cung điện ra lệnh cho hoàng hậu phục sức cực kỳ lộng lẫy rồi trao bà cho Bồ-tát. Nhưng trong lúc ban tặng hoàng hậu, nhà vua bí mật ủy thác bà phải đem hết sức mình cứu nạn cho vị ẩn sĩ thanh tịnh ấy. Hoàng hậu bảo:
- Xin Thánh thượng đừng lo ngại, thần thiếp sẽ đi cứu ngài.
Thế là cùng với hoàng hậu, vị tu khổ hạnh ra khỏi cung điện. Sau khi đã vượt qua Ðại hoàng môn, hoàng hậu kêu lên rằng hai người phải có một ngôi nhà để ở, thế là ngài phải trở lại để xin vua một cái nhà. Và vua ban cho hai vị một túp lều đổ nát mà khách qua đường dùng làm nhà tắm. Vị ẩn sĩ đưa hoàng hậu đến đó nhưng bà không chịu bước vào trong vì nó dơ bẩn quá.
Ngài kêu lên:
- Vậy ta còn phải làm gì nữa?
Bà đáp:
- Này, chàng hãy dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ.
Bà lại bảo ngài trở về cung vua xin một cái cuốc và một cái thúng, rồi bảo ngài khuân hết mọi rác rưới dơ bẩn đi. Xong lại bảo đi tìm phân bò về trét lên các bức tường. Hết việc ấy, bà bảo ngài đi đóng cái giường, cái ghế, trải một tấm nệm, lấy một bình nước, một cái chén, cứ mỗi lúc lại bảo đi tìm một món. Kế đó bà lại bảo ngài đi gánh nước về và thêm cả ngàn việc khác nữa. Thế là ngài ra đi tìm nước đổ đầy bình, xong lấy nước về tắm rửa và dọn giường. Vừa khi ngài ngồi trên giường cùng bà, bà liền nắm râu ngài kéo ngài xuống đối mặt mình và bảo:
- Thế ngài đã quên rằng ngài là một Bà-la-môn thanh thịnh rồi sao?
Nghe thế, ngài liền tỉnh ngộ sau một thời gian cuồng tâm loạn trí. (Nhân đây cũng nên nhắc lại bài thuyết giảng bắt đầu bằng: Như vậy Dục tham Triền cái được gọi là Ác dục vì chúng phát khởi từ Vô minh, này các Tỷ-kheo, những gì phát khởi từ Vô minh đều tạo nên khối Si ám dày đặc).
Thế là sau khi hồi tỉnh, ngài suy nghĩ thấy rõ bằng cách nào, khát ái này trở nên mãnh liệt dần dần sẽ đưa ngài đến bốn đọa xứ. Ngài kêu lên:
- Nội ngày hôm nay ta quyết đưa nữ nhân này trả lại cho nhà vua và bay thẳng lên núi!
Ngài liền cùng hoàng hậu đến yết kiến vua và nói:
- Tâu Ðại vương, ta không còn ham muốn hoàng hậu nữa, chính vì hoàng hậu mà trước đây khát ái đã bừng dậy trong lòng ta.
Nói vậy xong, ngài ngâm kệ:
Trước thời ta được Từ Tâm,
Lòng ta chỉ một ước mong: chiếm nàng.
Ðến khi nhan sắc nữ hoàng
Ngự trong tâm trí, ta càng đắm mê,
Dục tham dồn dập tứ bề,
Ðại vương, ta quyết bay về núi xưa.
Lập tức Thiền lực trước kia đã mất nay trở lại với ngài. Nhảy vụt lên từ mặt đất và trụ giữa hư không, ngài thuyết pháp cho vua và phi hành qua không gian đến dãy Tuyết Sơn. Ngài không bao giờ trở lại đường thế tục nữa, mà tu tập phát khởi Từ Bi tâm cùng với Thiền quán không gián đoạn, cho đến khi ngài mệnh chung và tái sanh vào Phạm thiên giới.
*
Khi pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư thuyết giảng Bốn Sự thật. Vào lúc kết thúc bài giảng, vị Tỷ-kheo đắc quả A-la-hán. Bậc Ðạo Sư cũng nêu lên mối liên hệ giữa hai câu chuyện và nhận diện Tiền thân:
- Vào thời ấy Ànanda là nhà vua, Uppalavannà (Liên Hoa Sắc) là Từ Tâm và Ta là ẩn sĩ ấy.
-ooOoo- 67. CHUYỆN NGƯỜI ÐÀN BÀ THÔN QUÊ (Tiền thân Ucchanga) (Trần Phương Lan dịch)
Tìm kiếm chồng con thật dễ dàng...,
Câu chuyện này do Bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về một người đàn bà ở thôn quê.
Một thuở nọ, trong quốc lộ Kosala, có ba người đang cày ruộng ở ven rừng, cùng lúc, một bọn cướp phá hại dân chúng trong rừng xong và đang đào tẩu. Các nạn nhân chạy vào rừng tìm kiếm bọn vô lại nhưng hoài công, khi đến tận nơi ba người cày ruộng, họ la lên:
- Ðây là bọn sơn tặc giả dạng nông phu!
Thế là họ kéo cả ba tội nhân đến trình vua Kosala. Lúc bấy giờ có một người đàn bà đến cung vua khóc than kể lễ thảm thiết xin có được cái gì đó để che thân. Nghe tiếng kêu than, nhà vua ra lệnh ban cho người đàn bà ấy một tấm áo, nhưng nàng từ chối bảo rằng đấy không phải là thứ nàng muốn xin. Vì vậy thị nữ của vua trở lại trình rằng người đàn bà ấy không cần áo quần mà cần một tấm chồng! Sau đó vua truyền đưa người đàn bà vào chầu và hỏi có phải nàng muốn kiếm chồng thật chăng.
- Tâu Ðại vương, đúng thế, người đàn bà đáp. Vì người chồng mới thực sự là vật che thân cho đàn bà, còn người đàn bà nào không có chồng thì dù cho nàng ấy mặc áo quần đáng giá cả ngàn đồng tiền, cũng chẳng khác gì mình trần thân trụi!
Và để làm cho lý lẽ này thêm vững mạnh, nàng lại ngâm câu tục ngữ này:
Khác nào đất nước vì vua,
Chẳng khác dòng sông suối cạn khô,
Cũng vậy mình trần thân lại trụi
Vì không tùng trúc cạnh đào tơ!
Nhìn xem quả thật nàng trơ trọi
Dù co mười anh ruột một nhà!
Vua hài lòng với lời giải đáp của người đàn bà, nên vua hỏi mối liên hệ giữa nàng với ba tội nhân kia ra sao. Nàng đáp rằng, một người là chồng nàng, một người là con trai nàng.
- Này, hãy nhận lấy một đặc ân của trẫm, vua bảo, trẫm sẽ ban cho nàng một trong ba người ấy, nàng chọn người nào?
- Tâu Ðại vương, nàng đáp, nếu tiện thiếp còn sống, tiện thiếp có thể lấy chồng khác sinh con khác; song nay cha mẹ thiếp đã mất rồi, chẳng bao giờ thiếp có anh em nào khác nữa. Vậy tâu Ðại vương, thiếp xin chọn người anh.
Nhà vua đẹp ý với nàng, bèn thả cả ba người, vậy chính người đàn bà này là phương tiện cứu nguy cho ba người đàn ông.
Khi Tăng chúng biết được chuyện này, liền khen ngợi người đàn bà kia trong pháp đường thì bậc Ðạo Sư bước vào. Ngài hỏi Tăng chúng đang bàn luận vấn đề gì và được kể như trên; Ngài bảo:
- Ðây không phải là lần đầu tiên, này các Tỷ-kheo, người đàn bà này cứu nguy cho ba mạng sống ấy, mà ngày xưa cũng vậy.
Nói xong, Ngài kể một câu chuyện quá khứ.
*
Một thuở nọ khi vua Brahamadatta trị vì ở Ba-la-nại, ba người đàn ông cày ruộng ở ven rừng và mọi chuyện xảy ra như chuyện trên.
Khi được vua hỏi muốn chọn người nào trong ba người, nàng đáp:
- Tâu Ðại vương, Ðại vương có thể gia ân ban cho tiện thiếp cả ba người chăng?
Vua đáp:
- Không, trẫm không thể.
- Vậy tâu Ðại vương, nếu tiện thiếp không thể xin tha cả ba, thì mong Ðại vương ban cho thiếp người anh trai.
Vua đáp:
- Hãy nhận lấy người chồng hay con trai của nàng đi, chứ anh trai thì có quan hệ gì?
Người đàn bà đáp:
- Hai người kia có thể thay thế được, chứ anh trai thì không bao giờ có nữa.
Nói vậy xong, nàng lại ngâm khúc hát:
Tìm kiếm chồng con thật dễ dàng,
Tha hồ chọn chúng, đứng đầy đường,
Song tìm đâu được người anh nữa,
Dù khổ đau cho đến đoạn trường?
Vua đẹp ý, phán:
- Nàng ấy nói chí lý!
Vua bèn ra lệnh đưa ba người đàn ông kia từ ngục thất đến giao cho người đàn bà, nàng liền đưa cả ba người ra về.
- Như vậy, này các Tỷ-kheo, bậc Ðạo Sư bảo, chính người đàn bà này thuở xưa kia đã có lần cứu mạng cho cả ba người đàn ông.
*
Khi pháp thoại chấm dứt, Ngài nêu sự liên hệ giữa hai chuyện và nhận diện Tiền thân:
- Người đàn bà và ba người đàn ông ngày nay cũng là người đàn bà và ba người đàn ông ngày trước và Ta chính là vua ấy.
-ooOoo- 68. CHUYỆN THÀNH SAKETA (Tiền thân Saketa)
Ý an trú vào ai...,
Câu chuyện này, khi ở tại rừng Anjana, gần Saketa, bậc Ðạo Sư đã kể về một Bà-la-môn. Truyền thuyết nói rằng, trong khi Thế Tôn với chúng Tỷ-kheo vây quanh đang đi vào Saketa, một Bà-la-môn lớn tuổi ở tại Saketa, từ thành đi ra ngoài, thấy bậc Ðạo Sư tại ngưỡng cửa, cúi mình xuống chân Ngài, ôm chặt mắt cá và nói to:
- Này con thân, phải chăng cha mẹ khi già yếu phải được các con nuôi dưỡng? Sao mãi cho đến nay, con không để chúng ta thấy mặt con? Nay ta thấy con rồi. Hãy để cha mẹ thấy mặt con.
Nói vậy xong, người Bà-la-môn già dắt bậc Ðạo Sư vào nhà của mình. Bậc Ðạo Sư vào nhà, ngồi xuống trên ghế đã soạn sẵn cùng với chúng Tỷ-kheo. Vị nữ Bà-la-môn đi đến, cúi mình xuống chân bậc Ðạo Sư, khóc và nói:
- Này con thân, từ trước đến nay con đã đi đâu? Phải chăng cha mẹ khi già cả phải được các con hầu hạ?
Rồi bà gọi các con trai, con gái lại, bảo đảnh lễ anh cả. Hai vị hoan hỷ cúng dường bố thí lớn. Sau khi dùng cơm, bậc Ðạo Sư đọc cho hai vị Bà-la-môn bài kinh nói về Tuổi già (Kinh Tập, Chương 4). Sau bài kinh ấy, cả hai đều chứng quả Nhất lai. Rồi bậc Ðạo Sư từ chỗ ngồi đứng dậy, đi về rừng Anjana. Các Tỷ-kheo ngồi họp tại Pháp đường bắt đầu câu chuyện như sau:
- Này các Hiền giả, vị Bà-la-môn đã biết vua Tịnh Phạn là phụ thân của đức Như Lai, mẹ Ngài là Mahàmayà. Tuy vậy, ông cùng với nữ Bà-la-môn, cả hai gọi đức Như Lai là con của họ và bậc Ðạo Sư lại chấp nhận, việc này có lý do gì?
Bậc Ðạo Sư nghe câu chuyện của họ bèn nói:
- Này các Tỷ-kheo, cả hai vị ấy gọi Ta là con của họ như vậy là đúng.
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
- Này các Tỷ-kheo, thuở xưa, vị Bà-la-môn này là cha của Ta, tiếp tục như vậy không gián đoạn cho đến năm trăm đời, là cậu của Ta trong năm trăm đời, là ông của Ta trong năm trăm đời. Còn vị nữ Bà-la-môn này là mẹ của Ta, tiếp tục như vậy trong năm trăm đời, là bà của Ta trong năm trăm đời. Ta được lớn lên trong tay người Bà-la-môn trong một ngàn năm trăm đời, và trong tay vị nữ Bà-la-môn trong một ngàn năm trăm đời.
Sau khi kể về ba ngàn đời sống, bậc Ðạo Sư là bậc Chánh Ðẳng Giác đọc lên câu kệ này:
Ý an trú vào ai,
Tâm tư được hoan hỷ
Khi mới thấy lần đầu,
Hãy tin tưởng người ấy.
*
Như vậy, sau khi kể xong pháp thoại này, bậc Ðạo Sư kết hợp hai câu chuyện, và nhận diện Tiền thân:
- Vị Bà-la-môn và nữ Bà-la-môn này là hai vợ chồng trong các đời trước, còn người con trai là Ta vậy.
-ooOoo- 69. CHUYỆN CON RẮN PHUN NỌC ÐỘC (Tiền thân Visavanta)
Ðáng rủa thay nọc độc...,
Câu chuyện này khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về vị tướng quân Chánh pháp. Theo truyền thuyết, trong một thời gian Trưởng lão ấy thường ăn các món làm bằng bột do các thiện nam tín nữ đem đến tinh xá cúng dường. Khi chúng Tỷ-kheo đã ăn đầy đủ, số bánh còn lại rất nhiều. Các vị thiện tín thưa:
- Thưa các Tôn giả, hãy lấy phần cho những vị đi vắng.
Trong lúc ấy, đệ tử cộng trú với Trưởng lão đã đi vào trong làng. Sau khi lấy phần cho người ấy, người ấy vẫn chưa về và thời gian đã quá trễ, người ta cúng dường phần ấy cho Trưởng lão. Khi Trưởng lão đang ăn thì vị Tỷ-kheo trẻ trở về. Trưởng lão nói với Tỷ-kheo trẻ ấy:
- Này Hiền giả, chúng tôi đã ăn phần của Hiền giả.
Vị ấy nói:
- Thưa Tôn giả, chúng ta đều thích đồ ngọt cả.
Bậc Ðại Trưởng lão cảm thấy xúc động, phiền lòng và quyết định từ lúc ấy trở đi không ăn bánh làm bằng bột nữa. Bắt đầu từ đấy, người ta đồn Trưởng lão Xá-lợi-phất không ăn bánh làm bằng bột như trước nữa. Sự không ăn bánh ấy của Trưởng lão được chúng Tỷ-kheo biết rõ. Các Tỷ-kheo nói về vấn đề này trong khi ngồi họp ở Pháp đường. Rồi bậc Ðạo Sư hỏi:
- Này các Tỷ-kheo, các ông đang ngồi bàn tán về vấn đề gì?
Khi nghe vấn đề ấy, bậc Ðạo Sư nói:
- Này các Tỷ-kheo, khi Xá-lợi-phất đã từ bỏ vật gì, thì dù mất thân mạng, cũng không chấp nhận lại vật ấy.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình thầy thuốc chữa nọc độc rắn, và làm nghề thầy thuốc ấy để sinh sống. Bấy giờ, một con rắn cắn một người dân quê. Bà con kẻ ấy lập tức đưa kẻ ấy đến thầy thuốc. Thầy thuốc hỏi:
- Bà con muốn chữa trị với dược liệu và rút nọc độc ra, hay là bắt con rắn đã cắn và bảo nó hút nọc độc ra?
Theo yêu cầu, thầy thuốc cho bắt con rắn, và khi hỏi có phải nó cắn người ấy không, con rắn xác nhận chính nó cắn, thầy thuốc bảo:
- Ngươi hãy lấy miệng hút nọc độc của ngươi ra tại chỗ bị cắn.
Con rắn kêu:
- Từ trước tới nay, chưa có một lần nào ta lại hút nọc độc mà ta đã phun ra. Ta không hút nọc độc ấy đâu.
Thầy thuốc bảo đem lại củi, nhen lửa lên và nói:
- Nếu ngươi không hút nọc độc ra, ngươi phải bò vào lửa này.
Con rắn nói:
- Thà ta bò vào lửa chịu chết, nhưng ta sẽ không hút nọc độc mà ta đã một lần phun ra.
Rồi nó đọc bài kệ này:
Ðáng rủa thay nọc độc,
Một lần đã phun ra,
Nay lại vì mạng sống,
Ta phải hút trở vào.
Thà ta chết tốt hơn,
Là sống phải làm vậy.
Nói vậy xong, con rắn bò vào lửa. Thầy thuốc ngăn chận nó lại, rút nọc độc cho người bị nạn bằng thuốc và bùa chú, trao Giới cho con rắn, rồi thả rắn ra và nói:
- Bắt đầu từ nay, chớ làm hại một ai!
*
Bậc Ðạo Sư nói:
- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Xá-lợi-phất mới từ bỏ vật gì một lần rồi, dầu phải mất thân mạng, cũng không chấp nhận lại vật ấy.
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư kết hợp các câu chuyện và nhận diện Tiền thân:
- Thuở ấy, con rắn là Xá-lợi-phất, còn thầy thuốc là Ta vậy.
-ooOoo- 70. CHUYỆN HIỀN GIẢ CÁI CUỐC (Tiền thân Kuddàla)
Chiến thắng ấy không tốt....,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về Trưởng lão tên là Cittahattha Sariputta. Trưởng lão ấy, theo truyền thuyết, là một thanh niên thuộc một gia đình tốt ở Xá-vệ. Một hôm, trên con đường về nhà, sau khi cày xong, thanh niên ấy đi vào tinh xá, nhận được các món ăn thượng vị béo và ngọt từ bát của một Trưởng lão. Kẻ ấy suy nghĩ: "Chúng ta ngày đêm tự tay làm nhiều công việc, nhưng không được các món ăn ngọt như thế này. Vậy ta hãy trở thành một Sa-môn!". Kẻ ấy xuất gia, sau một tháng rưởi tinh cần, nhưng bị phiền não chinh phục, kẻ ấy hoàn tục. Rồi vì kiếm ăn mệt nhọc, kẻ ấy trở lại xuất gia, học Thắng Pháp.
Với phương diện này, sáu lần kẻ ấy hoàn tục, sáu lần xuất gia, nhưng đến lần thứ bảy trở lại thành Tỷ-kheo. Vị Tỷ-kheo này thông suốt bảy bộ A-tỳ-đàm (Thắng pháp), và do đọc lớn tiếng nhiều lần Giáo pháp của Tỷ-kheo, nhờ triển khai Thiền quán, vị ấy chứng quả A-la-hán. Các thân hữu Tỷ-kheo cười nhạo, nói:
- Này, Hiền giả, trước kia tâm Hiền giả là như vậy, này làm sao các phiền não không tăng trưởng được?
- Thưa các Hiền giả, từ hôm nay trở đi, tôi không có thể trở lui đời sống gia đình được.
Vấn đề vị này chứng quả A-la-hán như vậy được nói lên tại Pháp đường:
- Thưa các Hiền giả, dầu được căn duyên trở thành một vị A-la-hán như vậy, Tôn giả Cittahattha Sariphutta đã sáu lần từ bỏ đời xuất gia. Ôi thật sự là sai lầm cho tánh phàm phu của vị ấy!
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:
- Này các Tỷ-kheo, nay các ông ngồi họp bàn vấn đề gì?
Khi nghe vấn đề ấy, bậc Ðạo Sư nói:
- Này các Tỷ-kheo, tâm của hạng phàm phu là nhẹ dạ, khó điều phục, bị các đối tượng chi phối, hay dính chặt. Một khi đã dính chặt, thì không thể thoát ly mau lẹ. Tâm tư như vậy được nhiếp phục thật là tốt lành. Một khi tâm được nhiếp nhục, thì nó đem lại an lạc.
Khó nắm giữ, khinh động,
Theo các dục quay cuồng.
Lành thay, điều phục tâm,
Tâm điều, an lạc đến. (Pháp Cú, 35)
Do tánh khó nhiếp phục này, thuở xưa các bậc hiền trí, chỉ vì một cái cuốc mà họ không thể bỏ được, vì lòng tham, sáu lần từ bỏ đời xuất gia. Chỉ lần xuất gia thứ bảy, Thiền định khởi lên, họ mới nhiếp phục được lòng tham ấy!
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình một người làm vườn. Lớn lên Bồ-tát được gọi là bậc Hiền trí cái cuốc. Với cái cuốc, Bồ-tát dọn sạch khoảng đất, tự mình gieo trồng các loại như rau, bí, bầu, dưa leo và các thứ rau khác để bán và sinh sống một cách khó khăn. Ngoại trừ cái cuốc này ra, Bồ-tát không có một tài sản gì khác.
Một hôm, Bồ-tát suy nghĩ: "Ta sống trong gia đình làm gì? Hãy xin đi xuất gia". Bồ-tát cất cái cuốc ấy vào một chỗ kín, xuất gia làm vị tiên nhân du sĩ. Lại nhớ đến cái cuốc ấy, không thể chặt đứt lòng tham vì cái cuốc sứt mẻ, Bồ-tát từ bỏ đời xuất gia. Như vậy lần thứ hai, lần thứ ba; cho đến lần thứ sáu, Bồ-tát chôn cái cuốc vào một chỗ kín, xuất gia rồi lại bỏ xuất gia. Ðến lần thứ bảy, Bồ-tát suy nghĩ: "Chỉ vì cái cuốc sứt mẻ này, ta tiếp tục từ bỏ xuất gia, nay ta sẽ quăng nó vào con sông lớn rồi sẽ xuất gia!".
Bồ-tát đi đến bờ sông, lại nghĩ: "Nếu thấy được nơi cái cuốc bị rơi, thì ta có thể đi đến đó và vớt nó lên được". Nghĩ vậy, với sức mạnh kiên trì như voi, Bồ-tát cầm cán cuốc quay tròn trên đầu ba lần, nhắm mắt lại, quăng cái cuốc vào giữa dòng sông, và rống lên tiếng rống con sư tử ba lần:
- Ta đã chiến thắng! Ta đã chiến thắng!
Lúc bấy giờ, vua Ba-la-nại, vừa dẹp xong loạn ở biên giới trở về, tắm trong con sông ấy. Sau khi trang điểm đủ mọi châu báu, vua ngồi trên lưng voi, đang đi, nghe tiếng Bồ-tát la lớn liền nghĩ: "Người này nói ta đã chiến thắng. Nó đã chiến thắng ai vậy? Ta hãy gọi nó". Khi Bồ-tát đến, vua hỏi:
- Này bạn, ta vừa thắng trận ở chiến trường trở về. Còn bạn chiến thắng ai vậy?
Bồ-tát thưa:
- Thưa Ðại vương, một ngàn hay một trăm ngàn chiến trận được Ðại vương chiến thắng đều vô ích, nếu Ðại vương không tự mình chiến thắng các phiền não. Chính do chiến thắng tham dục trong nội tâm, ta đã chiến thắng các phiền não.
Trong khi nói vậy, Bồ-tát nhìn con sông lớn, khởi lên Thiền quán với đối tượng về nước, đắc Thiền chứng, ngồi trên hư không thuyết pháp cho vua, và đọc bài kệ này:
Chiến thắng ấy không tốt,
Nếu chiến thắng rồi bại.
Chiến thắng thật tốt lành
Là chiến thắng nội tâm.
Nhà vua nghe thuyết pháp, với sự đoạn trừ vọng kiến, các phiền não được đoạn tận, tâm tư hướng về xuất gia. Ngay lúc ấy, tham dục đối với vương vị cũng tiêu diệt. Vua hỏi Bồ-tát:
- Nay Bồ-tát sẽ đi đâu?
Bồ-tát trả lời sẽ đi vào Hy-mã-lạp Sơn, xuất gia làm vị tiên nhân du sĩ. Vua nói lên ý muốn xuất gia của mình và cùng đi với Bồ-tát. Toàn bộ số người, các Bà-la-môn gia chủ, toàn thể quần chúng hội họp tại chỗ ấy, tất cả đều cùng đi với vua. Dân chúng ở Ba-la-nại được nghe vua Ba-la-nại của họ hướng về xuất gia sau khi nghe bậc Hiền trí thuyết pháp, nghĩ rằng họ ở lại đấy làm gì, cũng xin đi xuất gia. Từ nội thành dài mười hai dặm, tất cả dân chúng trong thành đều ra đi. Hội chúng dài đến mười hai dặm cùng với Bồ-tát đi vào Hy-mã-lạp Sơn.
Bấy giờ, chiếc ngai của Thiên chủ Ðế Thích trở thành nóng. Tìm hiểu lý do, Ðế Thích thấy bậc Hiền trí đang tiến hành một đại sự xuất gia. Ước lượng số đại chúng và số trú xứ cần cho họ ở, Ðế Thích truyền gọi Vissakamma, Thần xây dựng của chư Thiên, và nói:
- Này, khanh thân, bậc Hiền trí đang tiến hành một đại sự xuất gia, cần phải có trú xứ cho họ ở. Hãy đi đến Hy-mã-lạp Sơn, trên một chỗ bằng phẳng, khanh hãy cho xây dựng một khu ẩn cư dài ba mươi dặm, rộng mười lăm dặm.
Vissakamma vâng lời và cho làm đúng như đã nói (Ðây chỉ là tóm tắt. Các chi tiết đầy đủ sẽ được nói trong Tiền thân Hattipàla số 509).
Vissakamma hóa hiện ra một khu chòi lá tại các vùng ẩn cư, đuổi xa các loài thú ồn ào, các loài chim, các loài phi nhân và lập một con đường theo mỗi phương hướng chính, con đường rộng vừa một người đi. Rồi Vissakamma đi về trú xứ của mình.
Còn bậc Hiền trí đem theo hội chúng ấy đi vào dãy Hy-mã-lạp Sơn, đến chỗ ẩn cư đã được Ðế Thích cho, đem theo các vật dụng xuất gia do Vissakamma tạo ra, tự mình xuất gia trước, rồi sau truyền giới xuất gia cho hội chúng, phân phối chỗ ẩn cư rồi giao cho họ. Tất cả đều từ bỏ vương vị ngang bằng vương vị của Ðế Thích. Hội chúng tràn đầy chỗ ẩn cư dài đến ba mươi dặm. Sau khi chuẩn bị các đối tượng đề tài Thiền quán, và tu tập tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả, Bồ-tát dạy đề tài Thiền quán cho hội chúng. Tất cả đều đạt Thiền chứng, và được sanh lên cõi Phạm thiên. Còn tất cả những ai hộ trì hội chúng, đều được sanh lên cảnh giới chư Thiên.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
- Này các Tỷ-kheo, như vậy, khi tâm bị các phiền não chi phối, thật khó từ bỏ. Các đối tượng tham ái khởi lên rất khó từ bỏ, khiến cho các bậc hiền trí cũng trở thành vô trí.
Sau khi kể pháp thoại này xong, bậc Ðạo Sư thuyết giảng các Sự thật. Cuối bài giảng ấy, một số người chứng quả Dự lưu, một số người chứng quả Nhất lai, một số chứng quả Bất lai, một số đạt quả A-la-hán. Bậc Ðạo Sư kết hợp hai câu chuyện, và nhận diện Tiền thân:
- Thời ấy, vua là Ànanda, hội chúng ấy là hội chúng đức Phật, còn bậc hiền trí là Ta vậy.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.139.87.113 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đang online: Viên Hiếu Thành Huệ Lộc 1959 Bữu Phước Chúc Huy Minh Pháp Tự minh hung thich Diệu Âm Phúc Thành Phan Huy Triều Phạm Thiên Trương Quang Quý Johny Dinhvinh1964 Pascal Bui Vạn Phúc Giác Quý Trần Thị Huyền Chanhniem Forever NGUYỄN TRỌNG TÀI KỲ Dương Ngọc Cường Mr. Device Tri Huynh Thích Nguyên Mạnh Thích Quảng Ba T TH Tam Thien Tam Nguyễn Sĩ Long caokiem hoangquycong Lãn Tử Ton That Nguyen ngtieudao Lê Quốc Việt Du Miên Quang-Tu Vu phamthanh210 An Khang 63 zeus7777 Trương Ngọc Trân Diệu Tiến ... ...
Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.