HomeIndex

Trung khu

中軀; S: cakra; P: cakka; T: rtsa 'khor; nguyên nghĩa là Bánh xe quay (luân, luân xa);

Có hai nghĩa chính:

1. Là hội của những người thờ cúng Phạm thiên trong Ấn Ðộ giáo (e: hinduism);

2. Là các nơi tập trung khí lực của con người (s: prāṇa). Ðó là những nơi tích tụ, chuyển đổi và phân bố khí lực. Các trung khu này có khi được xem như định vị được trên thân thể con người như gần trái tim, lông mày... nhưng thật chất của chúng thuộc về một bình diện khác của thế giới hiện tượng. Trung khu là những điểm, nơi đó thân thể và tâm thức giao hòa và chuyển hóa qua lại với nhau.

Theo quan điểm của Ấn Ðộ giáo thì có bảy trung khu nằm dọc xương sống. Các trung khu này là nơi mà khí lực con người đi từ thấp lên cao, chạy xuyên qua trong quá trình Giác ngộ. Sáu trung khu đầu tiên (s: ṣaṭcakranirūpaṇam) được xem là nằm trong thân thể, trung khu thứ bảy nằm trên đỉnh đầu. Một khi con rắn lửa (hỏa xà; s: kuṇḍalinī) được đánh thức bằng các phép tu tập, khí lực đó sẽ rời trung khu thấp nhất để vươn lên. Qua mỗi trung khu, hành giả sẽ đạt những cảm giác hoan hỉ (s: ānanda), một số thần thông huyền bí (Tất-địa) và vì vậy, các trung khu cũng được xem là »chỗ trú« của tâm thức (s: caitanya). Từ mỗi trung khu xuất phát một số lượng đạo quản (導 管; s: nāḍī, là những kênh năng lượng tinh vi) khác nhau.

Những người có biệt tài xem tướng, nhìn thần sắc hay mô tả các trung khu như những »hoa sen« nhiều cánh, mỗi cánh diễn tả một đạo quản. Các hoa sen này luôn luôn xoay chuyển và vì vậy chúng được gọi là »bánh xe quay« (luân xa), ý nghĩa thật sự của danh từ Cakra. Theo hệ thống Hỏa xà du-già (s: kuṇḍalinīyoga) của Ấn Ðộ giáo, mỗi trung khu tương ưng với những đặc tính nhất định nào đó của thân, tâm, được diễn tả bằng những biểu tượng khác nhau (hình sắc, chủng tử man-tra [s: bījamantra], biểu tượng thú vật, Hộ Thần [iṣṭadevatā], ...).

Từ trên xuống:

7. Trung khu đỉnh đầu (s: sahasrāha-cakra; sahasrāha: một ngàn): Chủng tử man-tra (bījamantra): OṂ, hoa sen ngàn cánh (sahasrāhapadma). Trung khu này nằm ngoài thân thể, có một »ngàn«, được hiểu là vô số đạo quản (nāḍī) bao quanh. Cơ quan tương ưng của cơ thể là bộ não. 50 mẫu tự của Phạn ngữ (sanskrit) chạy vòng quanh trung khu này trên những cánh hoa sen 20 lần và vì vậy, trung khu này chứa đựng, bao gồm tất cả Chủng tử man-tra và các trung khu khác. Trung khu này phát ra ánh sáng »như mười triệu mặt trời« và hệ thuộc vào một cấp chân lí, sự thật khác với sáu trung khu còn lại. Trung khu này được xem là trú xứ của Thấp-bà (śiva) và tương ưng với vạn vật, »thần thức của vũ trụ«, »Siêu thức.« »Nếu Hỏa xà lên đến đỉnh đầu và hòa hợp với Thấp-bà, hành giả sẽ cảm nhận một sự an vui tuyệt đỉnh (paramānanda), nhận thức tuyệt đối sẽ đến với họ. Hành giả trở thành một trí giả toàn vẹn (brahmavid-variṣṭha).«;

6. Trung khu ở trán (ājñā-cakra; ājñā: lệnh): nằm giữa hai lông mày, Chủng tử man-tra: A ngắn, hoa sen hai cánh, màu trắng sữa. Hệ thống tương ưng của cơ thể là hệ thần kinh phản xạ (l: edulla oblongata). Trung khu này nằm trong Ðạo quản chính (suṣuṃṇā-nāḍī, H. 68), được xem là nơi tàng ẩn của thần thức. »Ai tập trung vào trung khu này thì sẽ thiêu đốt tất cả nghiệp chướng của tiền kiếp. Tập trung vào trung khu này rất quan trọng vì nó giúp Du-già sư (yogin) trở thành một người được giải thoát trong đời này (jīvanmukti, người đạt giải thoát lúc còn sống, ngay trong đời này), đạt tất cả Tất-địa (siddhi) thượng hạng...«;

5. Trung khu ở cổ (viśuddha-cakra; viśuddha: thanh tịnh): thuộc về Hư không (ākāśa), Chủng tử man-tra: HAṂ, hoa sen 16 cánh, màu trắng, hình tròn, biểu tượng thú vật là con voi với sáu ngà, nằm trong Ðạo quản chính (suṣuṃṇā-nāḍī, H. 68). Hệ thống tương ưng của cơ thể là hệ hô hấp (l: plexus cervicus). »Ai tập trung vào trung khu này thì dù thế giới sụp đổ cũng không tiêu hoại, đạt Nhất thiết trí của bốn Vệ-đà, trở thành một trí giả thông cả ba thời (trikālajñāni), quá khứ, hiện tại và vị lai.«

4. Trung khu ở tim (anāhata-cakra; anāhata: bất khởi động): thuộc về không khí hoặc gió (phong), Chủng tử man-tra (bījamantra): YAṂ, hoa sen 15 cánh, màu xám-xanh, hình lục giác, biểu tượng thú vật là con nai (mṛga), nằm trong Ðạo quản chính (suṣuṃṇā-nāḍī, H. 68). Hệ thống tương ưng của cơ thể là hệ huyết quản (l: plexus cardiacus). »Ai quán tưởng về trung khu này thì đạt uy lực về gió (phong), hành giả có thể bay trong không gian và nhập vào thân thể của một người khác. Lòng từ của vũ trụ sẽ đến với họ ...«.

3. Trung khu ở rốn (maṇipūra-cakra): thuộc về lửa (hỏa), Chủng tử man-tra: RAM, hoa sen mười cánh, hình tam giác, màu đỏ, biểu tượng thú vật là con sơn dương, nằm trong Ðạo quản chính (suṣuṃṇā-nāḍī, H. 68). Hệ thống tương ưng của cơ thể là hệ dinh dưỡng, tiêu hóa (l: plexus epigastricus). »Ai tập trung vào trung khu này có thể tìm thấy những bảo vật chôn dấu kĩ, không bao giờ bệnh hoặc và không sợ lửa. Nếu bị quăng vào lửa họ cũng không sợ và cũng không bị hề hấn gì...«.

2. Trung khu ở bụng dưới (svādhiṣṭhāna-cakra; sva: sinh khí; adhiṣṭhāna: trú xứ): nằm dưới gốc bộ phân sinh dục, thuộc về nước (thủy), Chủng tử man-tra: VAṂ, hoa sen sáu cánh, hình lưỡi liềm, màu trắng, biểu tượng thú vật là con cá sấu, nằm trong Ðạo quản chính (suṣuṃṇā-nāḍī, H. 68). Hệ thống tương ưng của cơ thể là các cơ quan nội tiết và sinh sản (l: plexus hypogastricus). »Ai quán tưởng đến trung khu này và vị Hộ Thần quyến thuộc sẽ không còn sợ nước và chinh phục được đại chủng này. Du-già sư sẽ đạt nhiều loại thần thông, sự hiểu biết trực nhận, khống chế được các giác quan và thấy được các chúng sinh cõi khác. Các đặc tính bất thiện như tham, sân, si, mạn và những ô nhiễm khác đều được tận diệt. Hành giả chinh phục được tử thần (mṛtyuñjaya-siddhi).«

1. Trung khu gốc (mūlādhāra-cakra; mūla: gốc, căn; ādhāra: chỗ nương tựa, trú xứ): nằm ở đốt xương sống cuối cùng, thuộc về đất (địa), Chủng tử man-tra: LAṂ, hoa sen bốn cánh, có dạng vuông, màu vàng, biểu tượng thú vật là con voi bảy vòi, điểm cuối cùng của Ðạo quản chính (suṣuṃṇā-nāḍī, H. 68). Hệ thống tương ưng của cơ thể là bộ phận sinh dục (l: plexus pelvis). Hỏa xà (kuṇḍalinī) nằm trong dạng cuộn tròn nằm yên khi chưa được khởi động. »Ai quán tưởng đến trung khu này thì chinh phục được đất và không còn sợ xác thịt tiêu hủy khi chết. Du-già sư đạt được trí cùng tột của Hỏa xà (kuṇḍalinī) và những yếu tố để đánh thức nó. Nếu con rắn lửa được đánh thức, Du-già sư có thể nhất bổng người lên và điều khiển được chân khí (khả năng này được gọi là darduri-siddhi), các tội lỗi đều được xóa bỏ, tinh thông tam thời và đạt niềm an vui tự tại (sahajānanda).« (theo Sivananda trong Kuṇḍalinī-yoga, 1953).

Về quan niệm trung khu khí lực, Mật tông đạo Phật có nhiều yếu tố tương tự như Ấn Ðộ giáo, nhưng phép thiền quán các trung khu đó có nhiều điểm khác. Lạt-ma Gô-vin-đa có viết một quyển sách với tên Foundations of Tibetan Mysticism (bản Việt ngữ: Cơ sở Mật giáo Tây Tạng), nói rất rõ hệ thống tu luyện theo Mật tông Tây Tạng và trong đó hệ thống Hỏa xà du-già (kuṇḍalinī-yoga) giữ một vai trò quan trọng.