凡 夫 心 識 ; J: bonpu-(no)-jōshiki;
Nghĩa là tâm thức của một kẻ phàm, của một người tầm thường; tâm thức này đối nghịch lại với tâm thức của một người đã Kiến tính, ngộ đạo. Ðặc tính của phàm phu tâm thức là Vô minh (s: avidyā), sự tự nhận diện với một cái »ta« không có thật (huyễn Ngã), độc lập với thế giới »bên ngoài«, với kết quả là sự ô nhiễm với ba độc tham, sân và Si. Theo đạo Phật thì phàm phu tâm thức là tâm trạng bị bệnh và nếu ôm ấp nó – hoặc nói cách khác – bị nó vây phủ, người ta không thể nhận được cái bản tính thanh tịnh sẵn có (Tự tính thanh tịnh tâm), tức là Phật tính và cứ trầm luân trong biển khổ, bị trói buộc trong Vòng sinh tử, Luân hồi cho đến khi tâm thức này được đoạn diệt bởi kinh nghiệm kiến tính, giác ngộ.
Nếu cho rằng, tu tập thiền là một phương pháp hướng dẫn con người đi từ vô minh đến giác ngộ thì sự phân biệt giữa phàm phu và giác ngộ tâm thức có thể chấp nhận được. Nhưng nhìn từ lập trường tuyệt đối thì phàm phu tâm thức và giác ngộ tâm thức không phải là hai. Bản tính của phàm phu và giác ngộ tâm thức, Niết-bàn và Sinh tử là một. Sự khác biệt duy nhất ở đây là phàm phu không tự nhận được cái bản tính thanh tịnh sẵn có trong khi một bậc giác ngộ lúc nào cũng tự biết, tự chủ được việc này và lúc nào cũng tìm được vị an lạc nơi đó.