HomeIndex

Pháp Hiển

法 顯 ; C: fǎxiăn;

Cao tăng Trung Quốc. Năm 399, Sư đi Ấn Ðộ và học hỏi kinh điển đạo Phật, nhất là Luật tạng (s: vinaya-piṭaka). Sư về lại Trung Quốc bằng đường biển năm 414 và cùng với Giác Hiền (s: buddhabhadra) dịch bộ Ðại bát-niết-bàn kinh (s: mahāparinirvāṇa-sūtra) và Luật tạng của Ðại chúng bộ (s: mahāsāṅghika) ra chữ Hán. Sư cũng thuật lại trong Phật quốc kí chuyến du hành Ấn Ðộ, đó là một tư liệu quí báu về lịch sử, văn hoá và tình trạng Phật giáo của thế kỉ thứ 4-5.

Pháp Hiển là tăng sĩ đầu tiên của một phong trào học Phật của Trung Quốc. Sư là người đầu tiên thật sự đến Ấn Ðộ, thu thập kinh sách, học hỏi giáo pháp với các tăng sĩ tại đó và lại trở về Trung Quốc. Chuyến du hành của Sư bắt đầu từ Trường An đến các trung tâm Ấn Ðộ như Benares, Càn-đà-la (gandhāra), Giác Thành (bodhgayā), Ma-kiệt-đà (magadha), Patna. Sư cũng ở Tích Lan hai năm, sau đó đi Su-ma-tra và Ja-va (Nam Dương). Tổng cộng, Sư thăm 30 nước khác nhau. Tại Hoa Thị thành (pāṭaliputra) Sư tìm được Luận tạng của Ðại chúng bộ và Nhất thiết hữu bộ cũng như một văn bản của Ðại bát-niết-bàn kinh. Sau đó Sư cũng tìm thấy Luận tạng của Hóa địa bộ và mang tất cả về Trung Quốc.