五 味 禪
Chỉ năm phương pháp tu thiền, do Thiền sư Khuê Phong Tông Mật phân chia ra trong tác phẩm Thiền nguyên chư thuyên tập đô tự (禪 源 諸 詮 集 都 序):
1. Phàm phu thiền (凡 夫 禪; j: bompu-zen): Cách thiền của phàm phu, những người không theo đạo mà chỉ muốn thân thể, tâm trạng được khoẻ mạnh.
2. Ngoại đạo thiền (外 道 禪; gedō-zen): Chỉ những phương pháp thiền nằm ngoài Phật giáo.
3. Nhị thừa thiền (二 乘 禪) hay Tiểu thừa thiền (小 乘 禪; shōjō-zen): Thiền theo những phương pháp được nêu ra trong kinh sách Phật giáo Nam truyền. Cách thiền này dẫn đến Diệt tận định, và nếu hành giả ở trong trạng thái này khi chết thì không tái sinh nữa, thoát khỏi Luân hồi (saṃsāra).
4. Ðại thừa thiền (大 乘 禪; daijō-zen): Mục đích chính ở đây là Kiến tính (見 性; kenshō), Giác ngộ. Kinh nghiệm giác ngộ cho thấy rằng, ta chính là vạn vật mà vạn vật không khác ta và từ kinh nghiệm này, những hành động hằng ngày sẽ là những hành động cứu độ tất cả chúng sinh.
5. Tối thượng thừa thiền (最 上 乘 禪; saijōjō-zen): Trong dạng thiền này, đường đi và mục đích trở thành một. Thiền không phải là một phương pháp để đạt giác ngộ nữa mà trở thành một sự biểu hiện trực tiếp của Phật tính (j: busshō). Kinh sách viết rằng, đây là cách thiền của các chư Phật và là cách thiền tuyệt đỉnh (vô thượng, tối thượng, không còn cách nào hơn được) trong Phật pháp.
Quan niệm thường gặp như Ðại thừa thiền là Thiền của tông Lâm Tế và Tối thượng thừa thiền là Thiền của tông Tào Ðộng không đúng lắm bởi vì hai dạng Thiền trên bổ sung lẫn nhau mặc dù người ta chú trọng đến kinh nghiệm Kiến tínhtrực tiếp và phương pháp dẫn đến kinh nghiệm này hơn trong tông Lâm Tế; còn trong tông Tào Ðộng thì phương pháp Chỉ quản đả tọa (只 管 打 坐; j: shikantaza) được xếp ở hàng đầu.
Ngũ vị thiền của sư Tông Mật phản ánh quan niệm truyền thống của Phật giáo, nhưng nhìn theo thời nay – trong thời đại mà Thiền được truyền bá khắp nơi trên hồn cầu, vượt qua giới hạn của các nền văn hóa Phật giáo – quan niệm này không còn đúng lắm và cần được đính chính lại. Ví dụ như một người theo Thiên chúa giáo hoặc Hồi giáo vẫn có thể thực hiện Tiểu thừa, Ðại thừa hoặc Tối thượng thừa thiền mặc dù theo hệ thống ngũ vị thì tất cả những loại thiền nằm ngoài Thiền tông đều phải được gọi là »Ngoại đạo thiền.« Ngũ vị thiền như vậy đặc biệt có giá trị trong phạm vi lí thuyết của Thiền tông Phật giáo, trong khi nhìn từ khía cạnh tuyệt đối, so sánh với những kinh nghiệm của các Thánh nhân của tất cả truyền thống tôn giáo trên thế giới thì nó chẳng có giá trị là bao.