HomeIndex

Ma-ni Ba-đra (65)

S: maṇibhadrā; »Bà nội trợ hạnh phúc«;

Một Du-già-ni Tất-đạt (s: yoginī siddhā) trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, có lẽ sống trong thế kỉ thứ 11.

Tại thành A-gạt-chê (agarce) có một thương nhân nọ có người con gái 13 tuổi tên là Ma-ni Ba-đra. Nàng được gả chồng nhưng theo tục lệ thời đó, nàng vẫn ở với cha mẹ cho đến tuổi làm vợ. Trong thời gian đó thì Ðạo sư Kuk-ku-ri-pa (s: kukkuripa) đi qua nhà khất thực. Thấy vị Du-già sư, nàng liền bố thí cúng dường và xin học đạo, Kuk-ku-ri-ba nhận lời và hẹn nàng đến bãi thiêu xác trong thành. Suốt ngày nàng chỉ nhớ lời vị Ðạo sư dặn và khi đêm đến, nàng lén đi đến chỗ hẹn. Thấy căn cơ nàng đã chín muồi, vị Ðạo sư cho nàng nhập môn Cha-kra sam-va-ra tan-tra, Quán đỉnh và hướng dẫn nàng phép thiền quán. Nàng ở liên tiếp bảy ngày tu tập, và khi về nàng bị cha mẹ la rầy đánh đập nhưng sau đó vẫn tiếp tục tu tập. Một năm sau chồng tới rước về, nàng đi theo không hề phản đối, làm trọn vẹn bổn phận người vợ. Nàng sinh hạ một trai một gái.

Mười hai năm trôi qua sau khi gặp Ðạo sư, ngày nọ nàng đi xách nước, lỡ vấp chân và bình nước bị vỡ. Cả nhà đợi hoài không thấy đi tìm thì thấy nàng nhập định, người bất động, mắt đăm đăm nhìn bình nước bị vỡ. Ðến tối nàng mới xuất thiền, đọc bài kệ:

Từ vô thủy xa xưa,

loài hữu tình đánh vỡ,

bình chứa nước đời sống,

nhưng không hiểu tại sao

họ vẫn về lại nhà?

Hôm nay ta đánh vỡ,

bình chứa nước của ta,

nhưng ta không trở lại,

chốn Tử sinh này nữa.

Ði tiếp tới Ðại lạc,

huyền diệu thay, Ðạo sư!

Các ngươi muốn hạnh phúc,

hãy biết tôn kính Ngài!

Nói xong Ma-ni Ba-đra nhấc mình lên không và giáo hóa cho quần chúng 21 ngày liên tục. Sau đó bà biến mất vào cõi của các vị Không hành nữ (s: ḍākinī).

Người ta còn nhắc thêm các dòng chứng đạo ca sau đây của bà:

Khi vô minh bao phủ,

thì mỗi một âm thanh,

kéo theo một phân biệt.

Khi Thật tại phơi bày,

thì Tự tính mọi chuyện,

lại chính là Thật tại.

Một câu chuyện gần giống như trên được Trúc Thiên thuật lại trong bản dịch Thiền luận (quyển thượng, trang 506-507) của Su-zu-ki: Thiền sư Lang Gia Huệ Giác ( 琅 邪 慧 覺; thuộc tông Lâm Tế, môn đệ của Phần Dương Thiện Chiêu) có một vị nữ đệ tử. Sư trao cho cô ba chữ »tùy tha khứ« ( 隨 他 去; nghĩa là ›theo nó mà đi‹ hoặc ›mặc kệ nó‹) làm Thoại đầu tham quán. Cô chú tâm vào ba chữ này đến nỗi nhà cháy cô cũng không lo, cứ niệm »tùy tha khứ.«... Ngày nọ, chồng cô chiên bánh, liệng miếng bột vào chảo dầu sôi một tiếng xèo. Cô giật mình như tỉnh cơn mê, nhắc chảo dầu sôi đổ xuống đất, tay phủi miệng cười và hét to: »tùy tha khứ.« Chồng cô tưởng cô điên, không ngờ cô đã ngộ đạo.