寒 山 ; C: hánshān; J: kanzan; tk. 7;
Một dị nhân trong Phật giáo Trung Quốc đời Ðường. Ông thường được nhắc đến cùng với Thập Ðắc và Thiền sư Phong Can. Cả ba vị đều là những nhân vật độc đáo trong lịch sử Thiền tông, tạo thành một trong những đề tài hấp dẫn của lối vẽ tốc họa bởi các nghệ sĩ thiền. Những bài thơ của Hàn Sơn khắc trên vách đá được sưu tầm và lưu truyền dưới tên Hàn Sơn thi.
Ông là một thi sĩ sống ẩn dật cơ hàn trong một hang đá núi Thiên Thai, thường đến viếng Thiền sư Phong Can (豐 干; c: fēnggān; j: bukan) ở chùa Quốc Thanh. Nơi đây ông gặp Thập Ðắc, một người phụ bếp trong chùa. Thập Ðắc (拾 得, Thập Ðắc có nghĩa là »lượm được«; c: shide; j: jittoku) hay để dành thức ăn còn sót lại trên bàn của chư tăng cho ông. Ông thường đi tới đi lui ở hành lang, thỉnh thoảng kêu to một mình rồi tự than: »Khổ quá! Khổ quá! Họ cứ lăn trôi mãi trong tam giới« và khi bị đuổi đi thường vỗ tay cười lớn rời chùa.
Về Thập Ðắc thì cũng không ai biết gì, chỉ rõ là ông bị bỏ rơi lúc còn nhỏ trong rừng, được Phong Can – vị trụ trì tại chùa Quốc Thanh – tìm thấy và bồng về chùa nuôi dưỡng. Phong Can thì nổi danh vì sư cảm hóa được cả cọp, xung quanh am của sư có cọp dữ qua lại và vì vậy, sư thường được trình bày dưới dạng cưỡi cọp trong các bức tranh.
Một hôm Thập Ðắc quét sân chùa, vị sư trụ trì hỏi: »Chú tên là Thập Ðắc vì Phong Can mang chú về. Vậy chú tên họ là gì? ở đâu đến?« Thập Ðắc nghe hỏi vậy liệng cây chổi và đứng khoanh tay trước ngực. Sư trụ trì không hiểu. Hàn Sơn chợt đi ngang qua, đấm ngực kêu: »Ối! Ối!« Thập Ðắc hỏi: »Làm gì thế, huynh?« Hàn Sơn bảo: »Chú có biết nói: ›Nhà hàng xóm chết, người hàng xóm chia buồn, không?‹« Rồi cả hai cùng nhảy múa, vừa la vừa cười bỏ đi.
Trong lời dẫn của tập Hàn Sơn thi, Lưu Khâu Dận – một vị quan mộ đạo tại Ðài Châu – có ghi lại chút ít về Hàn Sơn và Thập Ðắc. Khi được Phong Can chữa khỏi bệnh, ông hỏi: »Vùng này có vị nào mà tôi có thể theo học được chăng?« Phong Can đáp: »Ai nhìn họ thì không nhận ra, ai mà nhận ra họ thì không cần nhìn. Nếu ông muốn yết kiến thì không nên tin vào cặp mắt thịt – và sẽ nhận ra họ. Hàn Sơn là Văn-thù, ẩn cư trên chùa Quốc Thanh, Thập Ðắc là Phổ Hiền, trông giống như một gã ăn xin, phong cách như cuồng...«.
Nghe như vậy, Lưu Khâu liền đến chùa Quốc Thanh tìm hai vị. Vừa thấy mặt, ông làm lễ cung kính. Việc này làm các vị sư trong chùa ngạc nhiên, hỏi: »Ðại nhân sao lại lễ các gã ăn xin này?« Hàn Sơn và Thập Ðắc liền cười to và nói: »Phong Can này lắm chuyện, đáng bị quở phạt vụ này.« Cả hai chạy trốn thật nhanh, không ai theo kịp. Khi Lưu Khâu đến tìm cúng dường lần nữa thì gặp Hàn Sơn và Hàn Sơn thấy ông liền la lớn: »Các ngươi hãy cố gắng!« Nói xong, ông lui vào một hang đá không bao giờ trở ra nữa, Thập Ðắc cũng mất tích luôn. Sau đây là một bài thơ của ông (Trúc Thiên & Tuệ Sĩ dịch):
Nhớ hai mươi năm trước
Thả bộ Quốc Thanh về
Trong chùa ai cũng nói
Hàn Sơn là gã si
Người si cần chi si
Si không hiểu tầm ti (tư)
Riêng ta còn chẳng biết
Thì y biết nỗi gì
Cúi đầu đừng hỏi nữa
Hỏi được lại làm chi?
Có người đến chửi ta
Ta biết rõ tức thì
Tuy nhiên không ứng đối
Thế mà được tiện nghi
Sự trầm tĩnh khinh an, tự tín bất động xuất phát từ hai nhân vật này cho thấy rằng, nó chỉ có thể là biểu hiện từ tâm giác ngộ. Tự mình tu tập, chẳng theo tông phái nào, cũng chẳng sống trong chùa theo luật chật hẹp mà vẫn đi trên Phật đạo, »cuồng điên« nhưng trí huệ lại cao siêu xuất thế. Có lẽ vì sự dung hòa của những kiến giải mâu thuẫn người ta tìm được ở hai đại nhân này mà hình tượng của họ đã và vẫn còn gây nhiều cảm hứng cho những người cư sĩ mộ đạo, trở thành những đề tài bất hủ trong nghệ thuật giới thiền.