S: ghaṇṭāpa hoặc vajraghaṇṭā; »Nhà sư rung chuông«;
Một Ma-ha Tất-đạt trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, sống khoảng thế kỉ thứ 9.
Ông là một Tỉ-kheo tại viện Na-lan-đà và sống một cuộc đời với giới luật nghiêm khắc. Ngày nọ ông đến Hoa Thị thành (s: pāṭaliputra) thì được nhà vua mời vào hoàng cung. Ông từ chối không vào vì cho rằng không thể chấp nhận được cảnh người bóc lột người. Nhà vua nghe báo lại, lấy làm tức giận, mới nghĩ cách hạ nhục ông. Nhà vua tìm một cung nữ xinh đẹp, ra lệnh cho nàng quyến rũ vị sư cho được. Sau một thời gian, chống cự không nổi sự cám dỗ, Ghan-ta-pa lấy cung nữ làm vợ, phá giới rời tu viện. Sau một năm hai người có một đứa con. Nhà vua vui thích với chuyện này, tìm cách gặp ông để chế nhạo. Biết thế, một tay gói đứa con trong áo, tay kia cầm hũ rượu, ông cùng vợ đi gặp vua. Vua cười chế diễu, nhưng ông nhìn thẳng vào mắt vua nói mình không tội lỗi gì. Vua hỏi cái gì dấu trong áo, ông ném con và hũ rượu xuống đất. Thần thổ địa run sợ, vội cho nước trào ra, đứa con và hũ rượu biến thành Kim cương chử (s: vajra) và chuông (ghaṇṭā). Ghan-ta-pa và vợ bỗng biến thành thần Sam-va-ra (s: saṃvara) và Kim cương Va-ra-hi (vajra vārāhī) lơ lửng trên không. Nước cứ trào dâng mãi, sắp dìm chết vua quan thì Quán Thế Âm hiện ra cứu giúp. Vua quan đều lễ bái xin tha tội, Ghan-ta-pa khai thị như sau:
Thuốc men và chất độc,
có tác dụng khác nhau,
nhưng trong tận tự tính,
cả hai chỉ là một.
Cái ác hay cái thiện,
cũng không hề sai khác,
chẳng qua chỉ là một.
Bậc có trí đã ngộ,
không hề khước từ gì.
Chỉ như lũ trẻ con,
chưa hề chứng đạt đạo,
bị năm độc hoành hành,
lang thang trong Sinh tử.
Nhờ lời giáo hóa này mà nhà vua cũng như quần thần thoát ra khỏi trói buộc của thành kiến. Còn nàng cung nữ thì sáu kiếp trước đó, nàng là người luôn luôn quyến rũ vị tỉ-kheo phá giới nhưng không được. Vị tỉ-kheo thì bám giữ giới luật một cách máy móc, chỉ trong đời này mới phá được sự ràng buộc này, nhờ một tâm thức đã chín muồi hoàn toàn, đã đạt đạo, tự tại trong tính Không.