S: ḍeṅgipa, ḍiṅgi, ḍiṅga, ṭeṅki, ṭaṅki, dheṅki, dhaki; »Bà-la-môn làm nô lệ cho kĩ nữ«;
Một Ma-ha Tất-đạt trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, môn đệ của Lu-i-pa (s: lūipa), sống giữa thế kỉ thứ 9. Ông là đại thần của nhà vua Nhân-đà Ba-la (s: indrapāla), với pháp danh Ða-ri-ka-pa (s: dārikapa) tại thành Hoa Thị (s: pāṭaliputra). Ông cùng nhà vua bỏ vương triều đến xin làm đệ tử của Lu-i-pa. Lu-i-pa đồng ý với điều kiện cả hai đều phải trở thành nô lệ. Lu-i-pa bán vua Nhân-đà Ba-la (s: indrapāla) cho một kĩ viện tại Orissa, về sau vị này trở thành Ma-ha Tất-đạt Ða-ri-ka-pa. Còn Ðen-gi-pa thì được bán cho một nàng kĩ nữ làm chủ tiệm rượu. Ông làm những công việc hạ tiện nhất của một người nô lệ, hàng ngày phải giã gạo, vì vậy mang tên là Ðen-gi-pa (người giã gạo). Ông tự thuật đời mình như sau:
Ta là Ðen-gi-pa,
Du-già sư Vệ-đà,
đã chứng đạt đại định,
trong lúc đang giã gạo.
Giã gạo với cái chày,
phép Du-già của ta.
Ta hốt gạo vương vãi,
giã với lời khai thị,
của thầy dạy cho ta.
Chẳng quan tâm người khác,
giã gạo sao cho trắng;
Giã tội bằng đức hạnh,
rồi bằng trí kim cương,
gạo là mặt trời, trăng.
Cối giã là tính Không,
«Cho«, »Nhận« đã thành một.
Tư tưởng, ví như sữa,
được thần chú HŪṂ giã,
Ðại lạc trở thành bô.
Vị nó là Bất nhị.
Bà-la-môn kiêu mạn,
bây giờ đã nhẫn nhục,
nó phải được bán đi,
để giảm lòng kiêu hãnh.
Ðen-gi-pa được bán,
cho một nàng kĩ nữ!
Sau 12 năm tu tập, ông đạt thánh quả Ðại thủ ấn tất-địa (s: mahāmudrāsiddhi). Bà chủ tiệm rượu tình cờ thấy người ông đầy hào quang sáng lòa vội sụp lạy xin tha lỗi. Cũng như Nhân-đà Ba-la, ông được Lu-i-pa dạy cho phép từ bỏ lòng kiêu mạn của giai cấp thượng lưu bằng cách sống đời nô lệ. Bài ca ngộ đạo của ông như sau:
Niềm vui giải thoát ví,
như con ngựa, thớt voi,
như biển cả rộng khắp.
Chứng đạo như con khỉ,
như một đứa trẻ thơ,
như chữ viết trên nước;
Nhất thể ví dòng sông,
như mặt trời, liều thuốc;
Ðạt mục đích ví như,
sợi tóc được gút lại,
như con mắt duy nhất,
như cái bánh xe tròn.
Những biểu tượng các hình ảnh chứng đạo của Ðen-gi-pa cần hiểu như sau: Sự giải thoát ví như con ngựa là sự tự do hoang tàng, ví như thớt voi là sức mạnh và sự bất động, ví như biển cả là sự bao trùm toàn thể. Sự chứng thật ví như con khỉ là con vật thấy gì lấy ngay, như đứa trẻ là người bất phân biệt, như chữ viết trên nước là điều hiện lên rồi mất ngay. Cái nhất thể như dòng sông là biểu tượng sự liên tục biến đổi, như mặt trời là nguồn sáng tự nó, như liều thuốc chữa bệnh thế gian. Ðạt mục đích như sợi tóc gút lại, đó là biểu tượng của hành trì liên tục, con mắt duy nhất là cách nhìn phi nhị nguyên, như bánh xe tám nhánh là sống theo Bát chính đạo, sống thật tại vượt thời gian.