頭 子 義 青; C: tóuzǐ yìqīng; J: tōsu gisei; ?-1083;
Thiền sư Trung Quốc, thuộc tông Tào Ðộng, môn đệ đắc pháp của Thiền sư Phù Sơn Pháp Viễn (Thánh Nham Viên Giám, thuộc tông Lâm Tế) nhưng lại được xem là người nối pháp Thiền sư Thái Dương Cảnh Huyền. Môn đệ xuất sắc của Sư là Phù Dung Ðạo Khải.
Sư họ Lí, quê ở Thanh Ðỗ, xuất gia tại chùa Diệu Tướng. Học luận Bách pháp chẳng bao lâu, Sư tự than: »Con đường ba a-tăng-kì xa xôi, tự giam hãm nào có ích gì!« và du phương, tham vấn các vị Thiền sư.
Sư đến hội Thánh Nham của Thiền sư Phù Sơn Pháp Viễn (Viên Giám, Thiền sư thuộc tông Lâm Tế, nối pháp Diệp Huyện Qui Tỉnh). Ðêm trước khi Sư đến, Thiền sư Viễn đã nằm mộng thấy có nuôi một con chim ưng sắc xanh, cho đấy là một điềm lành và sáng hôm sau, Sư đến yết kiến. Thiền sư Viễn cho Sư lấy câu »Ngoại đạo hỏi Phật: Chẳng hỏi có lời, chẳng hỏi không lời.« Sư khán thoại đầu này qua ba năm, một hôm, Viễn hỏi: »Ngươi ghi được thoại đầu chăng? Thử nêu ra xem!« Sư suy nghĩ đáp lại liền bị Viễn bụm miệng, hoát nhiên có ngộ nhập. Viễn bảo Sư: »Ngươi diệu ngộ huyền cơ chăng?« Sư thưa: »Nếu có cũng phải mửa bỏ.« Thị giả đứng cạnh thấy vậy nói: »Hoa Nghiêm Thanh ngày nay như bệnh được ra mồ hôi.« Sư ngó lại bảo: »Ngậm lấy miệng chó! Nếu còn lải nhải lăng xăng, ta buồn nôn.«
Sau đó ba năm, Sư được Viễn đem tông chỉ của tông Tào Ðộng giao phó. Sau khi trao giày và y của Thái Dương Cảnh Huyền cho Sư, Pháp Viễn dặn dò: »Ngươi thay ta nối dòng tông Tào Ðộng không nên ở đây lâu, phải khéo hộ trì« và khuyên đến Thiền sư Viên Thông Pháp Tú – một vị thuộc Vân Môn tông – nương tựa.
Ðến Viên Thông, Sư không thưa hỏi gì, chỉ ăn xong rồi ngủ. Thị giả thấy vậy liền trình cho Viên Thông hay. Viên Thông thấy vậy bảo Sư: »Trong đây tôi không có cơm dư cho Thượng tọa.« Sư thưa: »Vậy Hòa thượng dạy tôi phải làm gì?« Viên thông bảo: »Sao chẳng tham thiền?« Sư bảo: »Món ăn ngon không cần đối với người bụng no.« Viên Thông lại bảo: »Tại sao có nhiều người không chấp nhận Thượng tọa?« Sư thưa: »Ðợi họ chấp nhận để làm gì?« Viên Thông hỏi: »Thượng tọa gặp ai rồi đến đây?« Sư thưa: »Phù Sơn.« Viên Thông bèn nói: »Lạ! Ðược cái gì mà lười biếng?« rồi cười, trở về phương trượng.
Sư ban đầu trụ tại Bạch Vân, sau dời đến Ðầu Tử. Sư thượng đường dạy: »Nếu luận việc này như loan phụng bay giữa hư không chẳng để dấu vết, như con linh dương treo sừng ai tìm được dấu chân. Rồng vàng chẳng giữ đầm lạnh, thỏ ngọc đâu gá bóng trăng. Nếu lập chủ khách thì phải ngoài cõi Uy Âm lay đầu, hỏi đáp nói bày vẫn là bên lề huyền lộ đề xướng. Nếu hay như thế vẫn còn ở giữa đường. Nếu đứng nhìn sững chẳng nhọc nhìn thấy nhau.«
Ngày mùng bốn tháng năm, năm thứ sáu niên hiệu Nguyên Phong, Sư tắm rửa từ biệt chúng và viết kệ:
兩處住持。無可助道。珍重諸人。不須尋討
Lưỡng xứ trụ trì, vô khả trợ đạo
Trân trọng chư nhân, bất tu tầm thảo.
*Trụ trì hai nơi, không thể trợ đạo
Trân trọng các ngươi, chẳng cần tìm kiếm.
Viết xong, Sư ném bút thị tịch.