芙 蓉 道 楷 ; C: fúróng dàokăi; J: fuyo dōkai; 1043-1118, cũng được phiên thiết là Phù Dung Ðạo Giai;
Thiền sư Trung Quốc thuộc tông Tào Ðộng. Sư nối pháp Thiền sư Ðầu Tử Nghĩa Thanh và là thầy của nhiều vị danh tiếng như Ðan Hà Tử Thuần, Hương Sơn Pháp Thành, Ðại Trí Tề Liên và Bảo Phong Duy Chiếu.
Sư họ Thôi, quê ở Nghi Thủy, Nghi Châu, tính tình cương trực. Thuở nhỏ Sư đã tu học kham nhẫn, vào ở ẩn trong núi Y Dương. Sau, Sư đến kinh đô tu học tại chùa Thuật Ðài và thụ giới cụ túc tại đây.
Bước đầu du phương, Sư đến tham học nơi Thiền sư Nghĩa Thanh ở núi Ðầu Tử chùa Hoa Nghiêm. Sư hỏi: »Ngôn giáo của Phật Tổ như việc cơm nước thường ngày trong nhà. Lìa rời việc này riêng có chỗ vì người hay chăng?« Ðầu Tử đáp: »Ngươi nói sắc lệnh của Thiên tử trong cõi này, lại nhờ vua Võ, Thang, Nghiêu, Thuấn hay chăng?« Sư suy nghĩ đáp lại, Ðầu Tử thấy thế liền cầm phất tử bịt miệng Sư, nói: »Ngươi phát ý ra đã đáng ăn ba mươi gậy rồi!« Ngay câu này, Sư tỉnh ngộ, làm lễ và ra đi. Ðầu Tử gọi: »Xà-lê hãy lại đây!« Sư chẳng ngó lại. Ðầu Tử liền nói: »Ngươi đến chỗ chẳng nghi chăng?« Sư liền bịt tai.
Sau, Sư coi trông việc nhà trù. Ðầu Tử hỏi: »Việc trong nhà trù không phải là dễ.« Sư thưa: »Chẳng dám.« Ðầu Tử hỏi: »Ngươi thổi cơm ư? Nấu cháo ư?« Sư thưa: »Nhân công đãi gạo nhúm lửa, trị nhật nấu cháo thổi cơm.« Ðầu tử hỏi: »Còn ngươi làm gì?« Sư thưa: »Nhờ ơn Hòa thượng từ bi cho con rảnh rang.«
Sau, Sư trở về Nghi Châu núi Mã An truyền bá Phật pháp. Ban đầu, Sư ở Tiên Ðộng, sau dời đến chùa Long Môn, rồi lại sang trụ núi Thái Dương thuộc Dĩnh Châu và Ðại Hồng ở Tùy Châu. Môn phong của tông Tào Ðộng rất hưng thịnh vùng Tây bắc.
Niên hiệu Sùng Ninh năm thứ ba (1104), vua ban chiếu mời Sư trụ trì Thiền viện Thập Phương Tịnh Nhân ở Ðông Kinh. Ðến niên hiệu Ðại Quan năm thứ nhất (1107), Vua áp đặt Sư trụ trì tại Thiên Ninh không được từ chối. Vì nghe lời ca tụng đạo hạnh của Sư, vua ban tử y và danh hiệu Ðịnh Chiếu Thiền sư. Sư thắp hương tạ ân xong rồi dâng biểu từ chối không nhận. Vua Tống Huy Tông xem biểu của Sư xong sai quan là Lí Hiếu Thọ khuyên Sư không nên từ chối. Quan họ Lí khuyên dụ nhiều lời nhưng Sư vẫn một mực từ chối. Vua nổi giận bắt Sư đem giam. Quan tra khảo hỏi Sư: »Trưởng lão thân gầy ốm như vậy có bệnh chăng?« Sư đáp: »Ngày thường cũng có bệnh nhưng hiện nay thì không bệnh.« Quan tra khảo lại nói: »Nếu nói có bệnh thì đối với pháp luật khỏi bị hình phạt.« Sư bảo: »Ðâu dám dối trá nói bệnh để mong khỏi tội« và an nhiện chấp nhận hình phạt. Sau đó, Sư bị đày ra Tri Châu, người người đều đau xót nhưng Sư sắc khí vẫn nhàn hạ.
Mùa đông năm sau, vua ban sắc phóng thích. Sư cất am tại hồ Phù Dung và từ đây, tăng chúng hội họp vây quanh. Tại đây mỗi ngày chỉ có một chén cháo, những người không chịu nỗi đều dần dần đi bớt nhưng số tăng thường trực không dưới một trăm.
Sư dạy chúng: »Phàm người xuất gia vì chán trần lao cầu thoát sinh tử, thôi tâm dứt niệm cắt vin theo, gặp thanh gặp sắc như hoa trồng trên đá, thấy lợi thấy danh như bụi rớt trong mắt. Vì từ vô thủy đến giờ, những cái ấy đâu chẳng từng trải qua, cần gì lại nhọc nhằn tham luyến? Hiện nay chẳng dứt còn đợi chừng nào? Thời nay dứt sạch lại còn việc gì? Nếu được trong tâm vô sự thì Phật Tổ vẫn là oan gia, tất cả thế sự tự nhiên lạnh nhạt, mới là phù hợp bên này...
Các ngươi đâu chẳng thấy, Ẩn Sơn đến chết chẳng chịu tiếp người, Triệu Châu (Tòng Thẩm) đến chết chẳng biên thư cho đàn việt, thà lượm trái giẻ trái lật mà ăn. Ðại Mai (Pháp Thường) lấy lá sen làm áo. Chỉ Y Ðạo Giả mặc y phục bằng giấy, Thượng tọa Huyền Thái chỉ mặc bằng bố. Thạch Sương (Khánh Chư) nơi nhà cây khô cùng người ngồi nằm, chỉ cần chết hẳn tâm của các ngươi. Ðầu Tử (Ðại Ðồng) sai người nấu cơm lẫn khoai rồi đồng ăn, cốt được tỉnh việc của các ngươi. Các bậc Thánh từ trước có những gương cao đẹp như thế, nếu không có chỗ đặc biệt làm sao chịu nổi...«.
Năm thứ tám niên hiệu Chính Hòa (1118) ngày 14 tháng năm, Sư cầm bút viết bài kệ:
吾年七十六,世緣今已足
生不愛天堂,死不怕地獄
撒手橫身三界外,騰騰任運何拘束
Ngô niên thất thập lục
Thế duyên kim dĩ túc
Sinh bất ái thiên đường
Tử bất phạ địa ngục
Tán thủ hoành thân tam giới ngoại
Ðằng đằng nhậm vận hà câu thúc.
*Ta tuổi bảy mươi sáu
Duyên đời nay đã đủ
Sinh chẳng thích thiên đường
Chết chẳng sợ địa ngục
Buông tay đi ngang ngoài tam giới
Mặc tình vươn bổng nào buộc ràng.
Ngay sau khi viết kệ, Sư viên tịch, thọ 76 tuổi.