孤 雲 懷 奘; J: koun ejō; 1198-1280
Thiền sư Nhật Bản, Tổ thứ hai của tông Tào Ðộng tại đây sau Ðạo Nguyên Hi Huyền (j: dōgen kigen). Kế thừa Sư và cũng là người trụ trì thứ ba của Vĩnh Bình tự (j: eihei-ji) là Thiền sư Triệt Thông Nghĩa Giới (j: tettsū gikai).
Các tài liệu không ghi rõ thời niên thiếu, chỉ biết là Sư sinh trưởng tại Kinh Ðô (j: kyōto) và sớm được dạy dỗ theo nhà Phật trên núi Tỉ Duệ (j: hiei). Năm lên 17 (1215), Sư Thụ giới cụ túc và năm 20 tuổi thụ giới Bồ Tát tại chùa Diên Lịch (j: enryaku-ji) trên núi Tỉ Duệ. Nơi đây, Sư tham học Phật pháp với một vị Pháp sư tên là Viên Năng (圓 能; j: ennō) và tương truyền rằng, Sư đã tiếp xúc với tất cả các tông phái đạo Phật đương thời như Thiên Thai (j: tendai), Chân ngôn (j: shingon) và cả Tịnh độ (j: jōdō). Nhưng tất cả những dạng tu tập này đều không thỏa mãn được lòng quyết tâm đạt đạo của Sư. Thiền sư Oánh Sơn Thiệu Cẩn (keizan jōkin) – môn đệ chính của Sư – ghi lại lời khuyên của bà mẹ khi Sư về thăm bà: »Mẹ không cho con xuất gia tu hành để đạt danh vọng và liên hệ với dòng dõi quí tộc. Con không nên tu tập vì tham vọng. Mẹ rất mong rằng, con tu học khổ hạnh, choàng cà-sa đen với nón tre trên lưng và tự đi đứng một mình, thay vì ngồi trên kiệu để người vác.«
Ngay sau khi nghe những lời dạy này, Sư không bước chân đến núi Tỉ Duệ nữa, ban đầu tu tập theo Tịnh độ tông, sau gia nhập học thiền (khoảng 1222/23) với Giác Yển (覺 晏; j: kakuan) thuộc Nhật Bản Ðạt-ma tông (j: nihon darumashū), một môn đệ của Ðại Nhật Năng Nhẫn (j: dainichi nōnin). Nhân lúc đọc kinh Thủ-lăng-nghiêm (s: śūraṅgama-sūtra; j: shuryōgongyō), Sư có tỉnh và cho rằng, kinh nghiệm Giác ngộ này chính là diệu giác (j: myōkaku) của đức Phật Thích-ca. Thời gian tu tập của Sư nơi Nhật Bản Ðạt-ma tông kéo dài khoảng sáu năm và sau đó, Sư yết kiến Thiền sư Ðạo Nguyên (1928) tại Kiến Nhân tự (kenninji) ở Kinh Ðô. Trong một cuộc Pháp chiến (j: hōssen) sôi nổi, Ðạo Nguyên thừa nhận kinh nghiệm giác ngộ của Sư nhưng chính Sư cũng thấy rõ kinh nghiệm thâm sâu của Ðạo Nguyên vượt xa mình. Vì vậy, Sư quì lạy, lễ bái Ðạo Nguyên làm thầy. Ðạo Nguyên khuyên Sư đợi một thời gian nữa hãy đến.
Năm 1230, Ðạo Nguyên rời Kiến Nhân tự và sau đó thành lập một Thiền viện với tên Hưng Thánh Pháp Lâm tự (j: kōshōhárin-ji). Năm 1234, một năm sau khi Hưng Thánh tự được thành lập, Sư đến Ðạo Nguyên một lần nữa và được thu nhận làm đệ tử. Hai năm sau, nhân khi tham quán câu hỏi của một vị tăng đến Thiền sư Thạch Sương Sở Viên »Thế nào khi một sợi tóc đào nhiều lỗ?« Sư bỗng nhiên Ðại ngộ (11. 1236). Sư bèn thắp hương lễ Phật và chạy đến Ðạo Nguyên trình sự việc. Ðạo Nguyên nghe xong bảo: »Sợi tóc đã đào đến nơi đến chốn« và Ấn khả. Từ đây, Sư giữ chức thủ tọa (đứng đầu chúng trong việc giáo hóa thay thầy) và làm thị giả cho đến lúc Ðạo Nguyên viên tịch.
Sau, tại Vĩnh Bình tự, Ðạo Nguyên giao lại cho Sư trách nhiệm thực hành các nghi lễ vào nói rằng: »Ta không còn sống lâu nữa. Ngươi thọ mệnh cao hơn ta và chắc chắn sẽ truyền giáo pháp của ta. Vì chính pháp mà ta phó chúc công việc cho ngươi.« Sau khi Ðạo Nguyên tịch, Sư kế thừa trụ trì chùa Vĩnh Bình và mất năm 1280, thọ 82 tuổi.
Tác phẩm duy nhất của Sư là Quang minh tạng tam-muội (j: kōmyōzōzanmai), nhưng Sư biên tập nhiều tác phẩm khác của Ðạo Nguyên như Chính pháp nhãn tạng (j: shōbōgenzō), Chính pháp nhãn tạng tùy văn kí (shōbōgenzō zuimonki)... Những tác phẩm của Ðạo Nguyên được truyền đến hậu hế phần lớn là nhờ công lao của Sư.