HomeIndex

Chân Nguyên Huệ Ðăng

真 源 慧 燈; 1647-1726

Thiền sư Việt Nam, thuộc tông Lâm Tế truyền sang miền Bắc, pháp hệ thứ 36. Sư nối pháp Thiền sư Minh Lương. Sư sau cũng được truyền y bát của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Sư tên Nguyễn Nghiêm, tự Ðình Lân, người làng Tiền Liệt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Năm lên 19, Sư xin xuất gia với Thiền sư Chân Trụ Huệ Nguyệt. Sau khi Bản sư tịch, Sư cùng với bạn là Như Niêm đi tham vấn nhiều nơi. Về sau đến học với Thiền sư Minh Lương, chùa Vĩnh Phúc.

Sư hỏi Minh Lương: »Bao năm dồn chứa ngọc trong đãy, hôm nay tận mặt thấy thế nào, là sao?« Minh Lương đưa mắt nhìn Sư, Sư nhìn lại liền cảm ngộ, sụp lạy. Minh Lương bảo: »Dòng thiền Lâm Tế trao cho ông, ông nên kế thừa làm thịnh ở đời«, đặt cho Sư pháp hiệu Chân Nguyên và nói bài kệ truyền pháp:

Mĩ ngọc tàng ngoan thạch

Liên hoa xuất ứ nê

Tu tri sinh tử xứ

Ngộ thị tức Bồ-đề

*Ngọc quí ẩn trong đá

Hoa sen mọc từ bùn

Nên biết chỗ sinh tử

Ngộ vốn thật Bồ-đề.

Sau khi đắc pháp với Thiền sư Minh Lương, Sư đến trụ trì chùa Long Ðộng, núi Yên Tử. Trong dịp xây đài Cửu Phẩm Liên Hoa, Sư đốt hai ngón tay, phát nguyện hành hạnh Bồ Tát. Năm 1692 vua Lê Hi Tông phong cho Sư hiệu là Vô Thượng Công. Năm 1722, vua Lê Dụ Tông phong chức Tăng thống, ban hiệu Chính Giác Hòa Thượng.

Sư phục hưng truyền thống thiền Trúc Lâm Yên Tử, đào tạo nhiều đệ tử và trong đó ưu tú nhất là hai vị Như Trừng Lân GiácNhư Hiện Nguyệt Quang. Như Trừng viết nhiều tác phẩm quan trọng và về sau trở thành Khai tổ phái thiền Liên Tông. Sư để lại nhiều tác phẩm như Tôn sư phát sách đăng đàn thụ giới, Nghênh sư duyệt định khoa...

Năm 1726, Sư họp đệ tử lại đọc bài kệ:

顯赫分明十二時。此之自性任施爲

六根運用真常見。萬法縱橫正遍知

Hiển hách phân minh thập nhị thời

Thử chi tự tính nhậm thi vi

Lục căn vận dụng chân thường kiến

Vạn pháp tung hoành chính biến tri.

*Bày hiện rõ ràng được suốt ngày

Ðây là tự tính mặc phô bày

Chân thường ứng dụng sáu căn thấy

Muôn pháp dọc ngang giác ngộ ngay.

Ðến cuối mùa đông đó, Sư viên tịch. Xá-lị được tôn trí trong tháp ở chùa Quỳnh Lâm và Long Ðộng.