Hôm nay có khá nhiều người thuộc mọi thành phần xã hội cùng tề tựu ở đây, kể cả một số người đến từ Tây Tạng. Hôm nay, chúng ta tề tựu về đây không phải để nghe kể chuyện này, chuyện nọ, mà là để lắng nghe Phật pháp. Việc chuyển hóa thân, khẩu, ý của quý vị là điều quan trọng, để thẳng tiến đến giác ngộ nếu có thể. Do đó, ít nhất là trong các buổi giảng Pháp này, quý vị hãy cố gắng hướng tâm vào việc tu tập tâm linh. Hãy cố gắng ghi nhớ bất kỳ ý nghĩa nào mà quý vị tiếp nhận được từ các buổi giảng Pháp này và nỗ lực thực hành theo đó cho thuần thục. Nghe giảng Pháp không chỉ là để trau dồi học thuật, mà mục đích chính là để thuần phục và chuyển hóa tâm. Do đó, điều quan trọng là sau khi nghe giảng Pháp, chúng ta phải đạt được kết quả là có sự chuyển hóa trong cuộc sống của mình.
Thông thường, trước một buổi giảng Pháp chúng ta tụng các bài kệ quy y Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng-già) và phát tâm Bồ-đề, vốn là tinh túy của Phật pháp. Hai dòng kệ đầu tiên là: “Con nguyện quy y Phật, Pháp, Tăng từ nay cho đến khi đạt giác ngộ.” Quy y nghĩa là từ trong sâu thẳm lòng mình đã đặt niềm tin và phó thác [cuộc đời mình] cho Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng-già). Quý vị chỉ trở thành Phật tử khi đã giao phó chính bản thân mình cho Phật, Pháp, Tăng. Điều quan trọng là phải có sự nhận hiểu rõ ràng về bản chất của Phật, Pháp và Tăng-già. Sự nhận hiểu đó được thực hiện thông qua việc học hỏi nghiên cứu (văn), suy ngẫm (tư) và thực hành thiền định (tu). Người đời không có sự nhận hiểu rõ ràng như trên và chỉ đơn giản làm theo thói quen truyền thống từ xưa mà tụng đọc: “Con xin quy y Lạt-ma, con xin quy y Phật, Pháp, Tăng” nhưng không hề hiểu rõ bản chất của Phật, Pháp và Tăng, nên họ sẽ không thể quy y một cách sâu xa. Họ chưa đạt đến lòng tin thực sự thông qua sự suy luận hay học hỏi nghiên cứu. Do đó, có thể có nhiều mức độ quy y khác nhau, tùy thuộc vào sự quan tâm, nghiên cứu học hỏi và trí thông minh của quý vị.
Phương cách quy y chân thật nơi Phật, Pháp, Tăng là noi gương Tam bảo. Quý vị phát nguyện tự mình sẽ là Phật, là Pháp, sẽ khơi dậy Chánh pháp ngay trong tâm thức của chính mình. Khi nói về quy y, có nhiều cách để tiến hành điều đó. Thông thường, chúng ta nương tựa vào người nào có khả năng bảo vệ, che chở cho ta. Về một phương diện, nếu ai đó có khả năng loại bỏ khổ đau và giúp đỡ chúng ta, ta sẽ nương tựa vào người đó. Mặt khác, nếu quý vị có khả năng tự chu toàn mọi trách nhiệm của mình, quý vị có thể sống tương đối độc lập và không cần thiết phải nương tựa vào ai cả.
Do đó, có hai mức độ quy y Phật, Pháp, Tăng. Mức độ thứ nhất là tự xem mình thuộc hạng thấp kém hơn và chẳng bao giờ nghĩ đến việc thành Phật. Mức độ thứ hai là quy y Phật, Pháp, Tăng với tâm nguyện tự mình sẽ thành Phật và khơi dậy Chánh pháp trong tâm thức của mình. Cách quy y này là sâu sắc hơn và dũng mãnh hơn nhiều. Tất cả đều tùy thuộc vào tầng bậc tâm linh của mỗi người.
Sau đó, quý vị sẽ phát tâm Bồ-đề. Hai dòng cuối trong bài kệ truyền thống nói lên rằng: “Nhờ công đức tích lũy được bằng cách bố thí, trì giới, v.v... nguyện rằng con sẽ đạt đến quả Phật vì lợi lạc cho tất cả chúng sinh.” Điều này chỉ rõ rằng, mục đích của việc tu tập Phật pháp không phải chỉ vì lợi ích riêng cho bản thân quý vị, mà là để đạt đến giác ngộ vì lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Đó là một khuynh hướng vô cùng kỳ diệu và cao quý và là điều mà tất cả chúng ta đều nên hướng đến. Nếu quý vị có được một tâm Bồ-đề như vậy, thì đó sẽ là nguồn gốc của tất cả những thiện hạnh tuyệt hảo.
Khi quý vị tụng đọc bài kệ quy y Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng-già) và phát tâm Bồ-đề như trên, quý vị phải hồi hướng mọi công đức đã tạo về cho lợi lạc của tất cả chúng sinh. Vị thầy phải giảng Pháp với động cơ như thế, và người nghe Pháp cũng phải lắng nghe với động cơ như thế. Cho dù hành trì pháp môn nào, cho dù là lễ lạy hay cung kính đi nhiễu, quý vị cũng đều phải thực hành với một động cơ như thế. Được vậy thì tất cả thiện hạnh của quý vị sẽ trở thành nhân để đạt đến giác ngộ vì lợi lạc của tất cả chúng sinh. Nếu quý vị suy ngẫm về ý nghĩa của chỉ một bài kệ này khi tụng đọc, thì sự tu tập của quý vị cũng sẽ trở nên sâu sắc. Hãy suy ngẫm theo cách sao cho quý vị thực sự có thể khởi phát một cảm xúc mạnh mẽ trong tâm.
Thường thì chúng ta tụng bài kệ này ba lần. Như vậy là để đảm bảo rằng chúng ta suy ngẫm về ý nghĩa của bài kệ, và thông qua việc suy ngẫm nhiều lần về ý nghĩa của bài kệ, ta sẽ có sự thay đổi cảm xúc trong tâm. Do đó, có những lúc cần tụng đọc lên đến mười lần cũng là hữu ích, chứ không chỉ ba lần. Đôi khi, quý vị có thể chỉ tập trung vào hai dòng kệ đầu tiên, quy y Phật, Pháp và Tăng. Hãy chú tâm vào ý nghĩa của hai dòng kệ này. Khi quý vị có thể khởi phát một cảm xúc thực sự mạnh mẽ thì chỉ cần tụng đọc 2 dòng kệ phát tâm Bồ-đề mà thôi. Hãy nhớ rằng quý vị đang tu tập tất cả các pháp này để đạt đến giác ngộ vì lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Điều đó có thể tăng thêm hiệu quả cho việc tạo ra chuyển biến trong tâm quý vị.
Khi quý vị thực hành bất kỳ một pháp lành nào, nếu ngay từ đầu mà quý vị có sự suy ngẫm về ý nghĩa quy y Tam bảo và phát tâm Bồ-đề, thì tất cả các pháp tu của quý vị đều sẽ trở nên hết sức hiệu quả. Nếu không thì việc tụng đọc những lời nguyện nào đó sẽ chẳng khác gì việc phát băng ghi âm. Việc thực hành Phật pháp, cũng giống như tất cả các truyền thống tôn giáo khác, là nhằm chuyển hóa tâm. Trong Phật giáo, điều này được thực hiện thông qua thiền tập hay luyện tâm. Các pháp tu tập liên quan đến tâm ý thì tinh tế và khó khăn hơn so với các pháp tu tập liên quan đến các cảm thọ khác. Do đó, cho dù quý vị có phát âm một cách thanh nhã khi tụng đọc những lời nguyện, nhưng nếu không có một thái độ tinh thần đúng đắn thì đó không thực sự là thực hành Phật pháp.
Đặc biệt là khi chúng ta có cơ hội để thực hành Phật pháp, điều quan trọng là phải hiểu rõ động lực chính trong Giáo pháp. Phật pháp được thực hành thông qua tâm. Nếu chúng ta hoàn toàn hài lòng với các pháp tu như cung kính đi nhiễu và những pháp tu tương tự mà quên đi pháp tu luyện tâm, thì rất đáng ngờ là những tu tập như thế của ta có thực sự là thực hành Phật pháp hay không. Thỉnh thoảng, khi ta có nhiều thời gian thì việc cung kính đi nhiễu hay lễ lạy có thể giúp ta cảm thấy rất thanh thản. Nhưng nếu quý vị cùng đi với một người bạn lắm chuyện để rồi tán gẫu vô bổ và trò chuyện đại loại như thế, thì đó không phải là thực hành tâm linh. Rất có thể là trong khi đi nhiễu quý vị lại suy nghĩ đến việc lừa dối người này, người kia, hoặc nghĩ đến việc kiếm tiền, nhưng như thế chỉ là phí thời gian vô ích, vì quý vị chỉ toàn nghĩ đến những việc làm bất thiện. Những người quan sát quý vị có thể cảm thấy, và chính bản thân quý vị cũng có thể tự cảm thấy, rằng quý vị đang thực hành tâm linh, nhưng thật ra thì không phải, vì tâm của quý vị đang chuyển về hướng khác.
Như vậy, thực hành Phật pháp thông qua tâm có nghĩa là gì? Ví dụ như khi quý vị đang giận dữ rồi nhận thấy những tai hại của sân hận và lợi ích của tâm an tĩnh thì quý vị sẽ nguôi giận. Và khi nghĩ đến sự việc hay con người đã làm mình giận, nếu quý vị khởi phát một khuynh hướng yêu thương nhiều hơn nhờ việc quán xét các lợi ích của lòng từ bi, thì quý vị sẽ có thể chuyển hóa được khuynh hướng [sân hận] trước đây. Nếu quý vị suy nghĩ rằng, người đó cũng giống mình ở điểm là chỉ mong muốn hạnh phúc và chẳng muốn khổ đau, thì quý vị sẽ có thể khởi phát một cảm xúc bi mẫn thực sự đối với người ấy. Như thế mới đích thực là thực hành Phật pháp. Đó là cách thức để tâm của quý vị có thể được chuyển hóa. Khuynh hướng tai hại trước đây của quý vị giờ đã được chuyển hóa thành một khuynh hướng thương yêu. Điều này cực kỳ khó khăn, nhưng thật diệu kỳ. Như thế mới đích thực là thực hành Phật pháp. Đó cũng là lý do vì sao chúng ta nói rằng Phật pháp được thực hành thông qua tâm.
Nếu chúng ta tự nguyện là Phật tử và tự nguyện đi theo đức Phật, thì chúng ta có trách nhiệm làm theo lời dạy của Ngài. Chúng ta có bổn phận và trách nhiệm phải [tu tập để] giảm thiểu và loại bỏ tâm sân hận, tham luyến và thù hằn. Chúng ta là những đệ tử của đức Phật, trong nhà ta thờ kính ảnh tượng Phật. Chúng ta cũng đi hành hương và khởi tâm cung kính rất mực trước ảnh tượng của đức Phật Thích-ca. Nhưng nếu ta đã xem Ngài như vị Thầy và yêu thích giáo lý của Ngài, thì điều quan trọng là ta phải thực hành theo đó. Ít nhất ta cũng có thể làm những điều để Ngài hoan hỷ và không làm những điều khiến Ngài phật lòng. Nếu chúng ta không thực hành như vậy thì ta chỉ tự lừa dối mình và lừa dối đức Phật Thích-ca khi nói rằng mình quy y Tam bảo (Phật, Pháp và Tăng-già).
Giờ đây, khi bước lên tòa giảng Pháp, nếu tôi kiêu hãnh vì mình là vị Đạt-lai Lạt-ma hay vì những điều đại loại như thế, hẳn tôi sẽ không xứng đáng [với cương vị này]. Tôi là một tỳ-kheo, một người đi theo đức Phật Thích-ca, trân quý những lời dạy bảo của Ngài và thành tâm nỗ lực thực hành những gì Ngài dạy. Tôi thực hành giáo pháp của Ngài không đơn thuần chỉ để làm Ngài hài lòng, không để xu nịnh Ngài. Tôi cũng không làm theo Ngài vì hạnh phúc của tôi do Ngài quyết định. Tôi làm theo lời dạy của Ngài vì điều đó mang lại lợi ích lâu dài cho tôi. Tất cả chúng ta đều mong muốn hạnh phúc và không muốn chịu khổ đau. Và ước nguyện này không chỉ là trong vài ba ngày hay vài ba năm nữa, mà sẽ kéo dài trong nhiều kiếp sống. Chúng ta có được hạnh phúc hay không là do chính ta quyết định. Để tìm được hạnh phúc bền lâu và tránh xa khổ đau, chúng ta phải chuyên cần nỗ lực. Nguồn gốc của khổ đau là vô minh, sân hận và tham ái. Vì lợi ích cho chính mình, ta phải xem những thứ ấy như kẻ thù và trân quý các phẩm tính của tâm Bồ-đề, của tuệ giác hiểu biết tính Không v.v... Do đó, là người đi theo đức Phật Thích-ca, tôi thực hành những gì Ngài dạy. Mặc dù Ngài đã dạy về Tứ diệu đế và Nhị đế từ cách đây hơn 2500 năm, nhưng cứ mỗi lần suy ngẫm về những điều này tôi lại càng thấy chúng đúng đắn hơn và niềm tin của tôi thêm mạnh mẽ hơn.
Tôi luôn nghĩ mình là một tỳ-kheo bình thường, một đệ tử bình thường của đức Phật. Mọi người khác cũng đều giống như tôi. Do đó, sẽ là hữu ích nếu tôi thảo luận với quý vị những gì tôi biết, và với động cơ đó, động cơ làm lợi lạc, tôi sẽ trình bày những giáo pháp hôm nay. Cho dù chúng ta chỉ làm lợi lạc cho một người thôi, thì điều đó cũng đáp ứng được mục đích của lời Phật dạy. Bản thân Đức Phật cũng đã phát tâm Bồ-đề trước nhất, sau đó mới huân tập vô lượng công đức và cuối cùng đạt đến giác ngộ. Ngài làm tất cả những điều này vì lợi ích cho chúng sinh. Ngài tu tập trong vô lượng kiếp không thối chuyển và cuối cùng đạt đến giác ngộ. Điều này thực hiện được nhờ Ngài đã có một phát khởi nhân kỳ diệu nhất là tâm Bồ-đề, [mong cầu giác ngộ vì lợi ích cho tất cả chúng sinh]. Do đó, nếu thông qua việc giảng pháp của chúng ta, hay nhờ vào thiện hạnh của mình, mà ta có thể giúp cho dù chỉ một người có được cuộc sống tốt đẹp, hay làm cho hạnh phúc khởi sinh trong tâm người ấy, thì điều đó cũng đã là phụng sự lớn lao cho Phật pháp, nhưng cũng đồng thời đem lại lợi lạc cho chính ta.
Dù thực hành bất kỳ pháp môn nào, ta cũng phải thực hành với động cơ đúng đắn. Nói chung, việc tự mình huân tập các phẩm tính tốt đẹp là vô cùng khó khăn, trong khi việc tập thành những thói xấu thì lại không cần dụng công. Do đó, các bậc thầy thuộc phái Kadam ngày xưa thường nói rằng, việc tích tụ ác nghiệp cũng giống như một hòn đá lăn xuống triền dốc, nhưng việc tạo thiện nghiệp lại giống như lội nước ngược dòng hay cưỡi một con ngựa đã kiệt sức. Dù khi ta thức hay ngủ, các phiền não cũng tự động khởi sinh. Và rồi những phiền não này sẽ biểu lộ trong cung cách ứng xử hằng ngày của ta. Chúng ta thực hiện những hành vi xấu ác ngay cả khi biết rõ đó là sai trái.
Vì chúng ta đã có được thân người quý hiếm này, và chúng ta đã cùng đến đây để nghe giảng Pháp, nên điều quan trọng là ta phải khởi phát một động cơ tích cực. Có như vậy thì việc nghe giảng Pháp mới trở thành một thực hành tâm linh. Khi chúng ta nói về việc tích lũy thiện nghiệp và loại bỏ ác nghiệp, chúng ta không làm như vậy vì đức Phật đã bảo chúng ta làm, mà bởi vì giáo pháp của Ngài dựa trên nền tảng của quy luật tự nhiên về nhân quả. Khi Ngài giảng về Tứ Diệu Đế, Ngài cũng giảng về cách thức vận hành của nhân quả. Hạnh phúc khởi sinh tùy thuộc vào nhân duyên, và khổ đau cũng khởi sinh tùy thuộc vào nhân duyên; đó là một quy luật tự nhiên. Hạnh phúc mà chúng ta đang tận hưởng ngay trong đời sống này, dù là sự thịnh vượng giàu sang, học vấn cao hay bất cứ điều gì khác, cũng đều là kết quả của việc tích lũy những nhân duyên cần thiết.
Những nhân duyên khác nhau này khởi sinh trong quan hệ trực tiếp với cung cách ứng xử của con người, mà cung cách ứng xử thì liên quan đến cách suy nghĩ của chúng ta. Và những quan niệm hay cách suy nghĩ khác nhau của con người không khởi sinh nếu không có nhân duyên. Con người có một thân thể vật lý và trong một chừng mực nào đó thì các tư tưởng, ý niệm khác nhau khởi sinh vì tình trạng của cơ thể. Chẳng hạn, nếu thân thể khỏe mạnh, quý vị sẽ cảm thấy tâm hồn thoải mái và hạnh phúc. Để cho ý thức sinh khởi, [trước hết] cần phải có một đối tượng bên ngoài làm tiêu điểm hướng đến của tâm thức ấy, và khi tâm cũng phản ứng lại với các điều kiện vật chất [là đối tượng bên ngoài] đó thì [niệm tưởng từ] tâm thức ấy khởi sinh. Cho dù quý vị có gọi đó là bộ óc hay gán ghép bất kỳ một thực thể vật chất nào cho tâm thức, thì cũng không chỉ có riêng yếu tố vật chất làm khởi sinh [niệm tưởng từ] tâm thức.
Tâm thức là một cái gì đó vốn trong sáng và có khả năng nhận biết. Thân thể con người bắt đầu hình thành từ sự kết hợp tinh cha, noãn mẹ. Khi cơ thể phát triển thì tâm thức cũng hiện hữu. Nhưng chất liệu thực sự của tâm thức không phải là thân thể vật chất mà là một tâm thức trước đó. Những cảm thọ hạnh phúc (lạc thọ) và khổ đau (khổ thọ) mà chúng ta trải nghiệm nên được truy xét nguồn gốc không chỉ từ thân thể, mà còn là từ nơi tâm thức vi tế nhất. Do đó, ta thấy trong giáo lý Mật thừa có sự giảng giải về tâm thức vi tế nhất, được gọi là tâm quang minh nguyên thủy. Khi ta nói về tính tương tục của đời sống, điều đó được giải thích từ góc độ tương tục của tâm quang minh này.
Do cung cách ứng xử của mình mà chúng ta có những trải nghiệm khác nhau, và những cung cách ứng xử khác nhau của ta lại khởi sinh từ các khuynh hướng tinh thần khác nhau. Về cơ bản, tất cả chúng ta đều giống nhau ở sự mong muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau. Giả dụ như quý vị đặt câu hỏi với những người thậm chí có vẻ như hung ác, thích đánh nhau hoặc đang tham chiến, rằng họ có thực sự muốn đánh nhau hay không, thì câu trả lời sẽ là không. Họ cũng giống như ta, cũng mong muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau. Chúng ta thực hiện những hành vi xấu xa là vì ta bị khống chế bởi sức mạnh của vô minh. Vô minh quá mạnh mẽ đến nỗi thôi thúc ta làm những việc gây tác hại bất kể rằng ta có những mong muốn khác. Chúng ta nhìn thấy các hành vi gây tác hại trên khắp thế giới và điều đó cho thấy khả năng lớn lao của tâm thức con người trong việc kiểm soát hết thảy mọi việc.
Các cảm thọ hạnh phúc và khổ đau của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào cung cách ứng xử của ta, mà cung cách ứng xử thì liên quan chặt chẽ đến cung cách suy nghĩ. Các khuynh hướng tinh thần tiêu cực và vô ích cần phải bị giảm thiểu và loại bỏ. Chúng ta phải xác định được các tâm trạng tích cực để tăng tiến và phát triển hơn nữa. Phương pháp chuyển hóa tâm này được gọi là Pháp, hay thực hành tâm linh. Đó là lý do tại sao đức Phật dạy chúng ta đừng làm những điều xấu ác. Chúng ta nên làm điều thiện, vì ta mong muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau, mà hạnh phúc chỉ có được từ những việc làm hiền thiện, trong khi khổ đau là do những hành động xấu ác.
Bởi vì tâm thức giống như một dòng suối, là cội nguồn dòng kinh nghiệm của chúng ta, nên điều quan trọng là phải kiểm soát được cội nguồn của kinh nghiệm, hay nói cách khác là phải chuyển hóa tâm thức. Các chính trị gia tìm cách kiểm soát tâm trí dân chúng với các chương trình, nhưng những chương trình như thế chủ yếu không dựa trên nền tảng của sự chuyển hóa tâm thức, mà là tìm cách làm sao để giành chiến thắng cho phe nhóm của mình và đánh bại phe nhóm khác, nên [rốt cùng thì] chúng luôn thất bại. Phương pháp chuyển hóa tâm là luôn quán xét bất kỳ điều gì chúng ta làm, và nếu hậu quả là khổ đau, xấu ác thì ta không nên thực hiện hành vi đó. Nếu ta xét thấy một hành vi nào đó có thể mang lại hạnh phúc và an lành, ta có thể hoan hỷ làm ngay.
Khi Đức Phật dạy Tứ diệu đế và nói về Khổ đế, Ngài không có ý muốn làm cho ta chán nản hay buồn khổ. Nếu không có phương cách nào để loại bỏ khổ đau thì hẳn là không cần thiết phải nói đến làm gì. Nhưng đức Phật không chỉ nói riêng về Khổ đế; Ngài cũng nói về những nguyên nhân của khổ đau (Tập đế) và khả năng có thể dứt trừ khổ đau (Diệt đế), cũng như con đường dẫn đến sự chấm dứt mọi khổ đau (Đạo đế). Những cảm xúc tiêu cực và phiền não tuy là tạm thời nhưng có một sức mạnh chi phối nhất định. Nếu chúng ta rèn luyện tâm thức thuần thục với những phương pháp đối trị phiền não, chắc chắn ta sẽ có thể chế ngự được chúng. Diệt đế hay Niết-bàn chỉ đến trạng thái tâm thức của ta khi đã hoàn toàn loại bỏ mọi phiền não và khổ đau. Nếu một trạng thái như vậy là có khả năng đạt được, thì quả là rất đáng để cho chúng ta tìm kiếm một phương pháp thích hợp và nỗ lực tu tập theo đó nhằm đạt đến.
Và trước hết thì điều quan trọng là phải hiểu biết lợi ích của sự nỗ lực tu tập như thế, cũng như các bất lợi của việc không tu tập.
Một người hoàn toàn không biết gì về Phật pháp có thể đắm chìm trong phiền não nhưng lại cho rằng chúng là các thói quen hằng ngày của tâm thức và xem đó như chuyện tất nhiên phải có. Nếu chúng ta nói với người đó về việc loại bỏ các phiền não này thì anh ta có thể sẽ phớt lờ đi, hoặc chấp nhận sân hận, tham luyến v.v... như một phần của cuộc sống. Rõ ràng là có những bất lợi trong trường hợp như vậy, vì khi tâm thức ta bị phiền não che lấp thì dù ta có được của cải, bạn bè và mọi thứ ta mong muốn, ta vẫn không có khả năng trải nghiệm hạnh phúc. Ngược lại, nếu chúng ta làm giảm thiểu và loại bỏ phiền não cũng như sinh khởi các phẩm tính tốt đẹp như được giảng giải trong giáo pháp, chúng ta sẽ có lòng dũng cảm và quyết tâm thực sự.
Khi bị ảnh hưởng bởi những phiền não như sân hận và tham luyến, chúng ta luôn sợ hãi, mất tự tin và sa sút tinh thần v.v... Do đó, điều quan trọng là phải làm giảm đi những khía cạnh tiêu cực và phát huy các phẩm chất tích cực của tâm thức. Khi đó, chúng ta sẽ thực sự bắt đầu trải nghiệm được hạnh phúc. Dĩ nhiên, các phương tiện vật chất bên ngoài cũng là nhân duyên để có hạnh phúc, nhưng chúng không phải là nguyên nhân cơ bản nhất. Nguyên nhân cơ bản nhất của hạnh phúc vốn nằm ngay trong tâm thức chúng ta.
Đạo Phật là một giáo pháp liên quan chặt chẽ đến cung cách ứng xử của con người và được phân chia thành hai phần: triết lý, hay quan điểm, và hành vi đạo đức. Hành vi đạo đức [theo đạo Phật] là không làm hại các chúng sinh khác. Đây là cung cách ứng xử của một Phật tử. Triết lý [của đạo Phật] là hạnh phúc riêng của quý vị có liên quan đến mọi người khác. Do đó, biết thương yêu những người khác, không gây tổn hại cho họ thì kết quả là bản thân quý vị sẽ được hạnh phúc. Ngược lại, nếu quý vị phớt lờ đi, không quan tâm đến hạnh phúc của người khác, thì quý vị sẽ không có hạnh phúc, vì hạnh phúc và khổ đau của bản thân quý vị không hình thành trong sự tách biệt [với người khác]. Nếu có hạnh phúc và bình an trong xã hội, trong xóm làng, hay trên toàn thế giới, thì tất cả chúng ta đều sẽ được hạnh phúc. Đây là [giáo lý] duyên khởi, là thuyết tương quan tương duyên [của đạo Phật].
Đạo Phật không dạy về một đấng sáng thế và cũng không nói rằng các pháp khởi sinh mà không có các nhân duyên. Nếu để có được hạnh phúc mà quý vị lừa dối người khác thì đó là một phương cách dại dột. Thông thường, chúng ta luôn chèn ép người khác mỗi khi có cơ hội. Khi có thể dối gạt ai đó thì chúng ta sẽ làm ngay không do dự. Và nếu không có khả năng làm được chuyện gì khác hơn thì chúng ta bắt đầu chỉ trích hay nói xấu người khác để gây chia rẽ, thù hận. Rồi khi chúng ta gặp khó khăn, phải tìm đến những người này để xin giúp đỡ thì họ sẽ cười vào mặt ta.
Nếu ngay từ đầu mà quý vị hành xử như người thân thuộc với bằng hữu, láng giềng và những người sống quanh mình, thì khi quý vị gặp khó khăn nào đó, những người bên cạnh đều sẽ tự nguyện giúp đỡ mà không đợi quý vị phải nhờ cậy. Chúng ta là những động vật sống hợp quần. Dứt khoát là chúng ta phải phụ thuộc vào nhau. Thuyết tương quan tương duyên và duyên khởi này là giáo lý nhà Phật. Tất cả các hiện tượng duyên sinh đều khởi sinh phụ thuộc vào nhân duyên. Do đó, hạnh phúc và khổ đau của chúng ta cũng khởi sinh do các nhân duyên. Tóm lại, đức Phật dạy rằng: Hãy làm lợi lạc cho người khác nếu có thể; nếu không thì ít nhất cũng đừng làm hại họ.