Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Thành công không được quyết định bởi sự thông minh tài giỏi, mà chính là ở khả năng vượt qua chướng ngại.Sưu tầm
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Trực giác của tâm thức là món quà tặng thiêng liêng và bộ óc duy lý là tên đầy tớ trung thành. Chúng ta đã tạo ra một xã hội tôn vinh tên đầy tớ và quên đi món quà tặng. (The intuitive mind is a sacred gift and the rational mind is a faithful servant. We have created a society that honor the servant and has forgotten the gift.)Albert Einstein
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Tôi chưa bao giờ học hỏi được gì từ một người luôn đồng ý với tôi. (I never learned from a man who agreed with me. )Dudley Field Malone
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng

Trang chủ »» Danh mục »» THUYẾT GIẢNG GIÁO PHÁP »» Trí tuệ hoan hỷ »» 3. Sức Mạnh Của Ðịnh Kiến »»

Trí tuệ hoan hỷ
»» 3. Sức Mạnh Của Ðịnh Kiến

Donate

(Lượt xem: 12.594)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Trí tuệ hoan hỷ - 3. Sức Mạnh Của Ðịnh Kiến

Font chữ:


Buông thả tâm ý thì không thể phòng hộ sự tu tập.

Bồ tát Tịch Thiên
The Bodhicaryavatara (Nhập Bồ Tát hạnh)
Kate Crosby - André Skilton dịch sang Anh ngữ

Cách đây nhiều năm, có lần tôi đi bộ trên một đường phố ở Ấn Độ, nơi có nhiều con đường đến nay vẫn còn lát bằng đá. Tôi vội đi quá nên chẳng mang giày dép gì, và chẳng mấy chốc đã phải hối tiếc về điều đó, vì cảm giác đi chân trần trên một con đường lát đá dẫu có nói gì đi nữa thì cũng không mấy dễ chịu. Không lâu sau, tôi tình cờ nhắc đến trải nghiệm này với một bác sĩ Ấn Độ. Ông ta nói: “Ồ, thế thì tốt quá.”

Tôi không hiểu ý ông ta nên hỏi lại, và ông giải thích rằng, theo nhiều hệ thống y học cổ truyền thì việc ấn vào nhiều điểm khác nhau dưới lòng bàn chân sẽ kích thích hoạt động của nhiều cơ quan và hệ thống trong cơ thể, và do đó giúp cải thiện sức khỏe toàn diện. Những ai quen thuộc với phương pháp bấm huyệt ở lòng bàn chân đều biết được những lợi ích tiềm tàng của việc đi chân trần, nhưng với tôi thì ý niệm này hoàn toàn mới lạ. Kể từ sau khi nghe vị bác sĩ giải thích, tôi bắt đầu đi chân trần thường xuyên hơn. Tôi đã ngạc nhiên bởi thay vì khó chịu, tôi lại cảm thấy thích thú với cảm giác có những viên đá dưới chân.

Tại sao? Những viên đá không thay đổi. Bàn chân tôi không thay đổi. Việc đi bộ cũng không thay đổi.

Khi suy ngẫm việc này, tôi nhận ra rằng khía cạnh duy nhất đã thay đổi trong kinh nghiệm này là định kiến của tôi. Trước kia tôi mặc nhiên cho rằng đi bộ trên đá hẳn là phải đau chân. Khi vị bác sĩ giúp tôi có một cách nhìn khác về tình huống, thì sự thay đổi này đã mở ra một phương thức để chuyển hóa kinh nghiệm.

Một cái nhìn sâu sắc hơn

Chúng ta kinh nghiệm về sự vật như thế nào, đó hoàn toàn chỉ là sự phô diễn của tâm thức ta.

Khenpo Karthar Rinpoche
The Instructions of Gampopa (Giáo huấn của Gampopa)
Lama Yeshe Gyamtso dịch sang Anh ngữ

Mặc dù tôi đã vận dụng cùng một nguyên lý cơ bản về thay đổi định kiến trong việc đối phó với những tư tưởng và cảm xúc đã gây bất ổn cho tôi từ thuở bé, nhưng tôi chưa từng thực sự ứng dụng nguyên lý này trong rất nhiều tình huống liên quan đến những đau đớn, khó chịu của thân thể. Tôi sửng sốt khi nhận ra rằng mình đã liên kết thân thể này với ý niệm về “cái tôi” một cách sâu đậm biết bao!

Nhưng sự kiện [đi chân trần] này đã mang lại cho tôi một bài học thậm chí còn quan trọng hơn nữa, ảnh hưởng đến cách thức tôi nhìn nhận bất kỳ tình huống bất ổn hay khó chịu nào. Nếu ngay từ đầu tôi đã không thấy khó chịu, hoặc [chấp nhận] đầu hàng hay tìm cách giải quyết tình huống ấy theo cách thông thường - chẳng hạn như nỗ lực để luôn nhớ mang dép vào mỗi khi rời phòng - thì hẳn là tôi sẽ không thấy được mức độ vi tế của sự phụ thuộc [vào định kiến] như thế.

Từ đó, tôi bắt đầu nhận biết rõ hơn giá trị của những lúc trải nghiệm đau đớn hay khó chịu. Mỗi lần như thế là một hạt mầm của sự thấu hiểu sâu sắc hơn, một cơ hội giúp tôi nhận biết tâm thức mình rõ rệt hơn một chút, giúp tôi quán chiếu những ý niệm về bản thân và thế giới xung quanh mà trước đó tôi thậm chí còn không biết rằng chúng đang hiện hữu trong tâm tôi.

Tôi không có ý nói rằng cứ mỗi khi gặp bất ổn hay cảm thấy bực bội, khó chịu là tôi lại chụp cái mũ “trinh thám Phật giáo” vào và bắt đầu sục sạo truy vấn trong tâm trí mình: “Hừm, có định kiến gì ở đây… Có điều gì tôi không nhận thấy? A, nó đây rồi! Bây giờ ta hãy thay thế với một định kiến mới.” Đó chỉ là mánh khóe cố trốn tránh một tình huống không thoải mái, nhưng rồi kết quả cuối cùng lại củng cố hơn nữa thói quen xem những [tình huống] thách thức như “kẻ thù” cần chế ngự hay như những “ông chủ” cần đấu dịu.

Tiến trình thực sự [của tôi] là chỉ đơn giản chấp nhận tình huống và nhìn thẳng vào nó. Tiếp cận kinh nghiệm theo cách này sẽ giúp tạo ra một khoảng trống tự nhiên xung quanh kinh nghiệm ấy, giúp ta nhìn được nó trong một bối cảnh rộng lớn hơn. Nếu có một tâm thức có thể quan sát kinh nghiệm, thì lập luận chính xác tiếp theo là tâm thức này phải rộng lớn hơn tự thân kinh nghiệm ấy. Ngay trong khoảng thời gian nhận biết chớp nhoáng ấy, ta có thể thoáng thấy được sự rộng lớn vô hạn của tâm thức: thấy được tâm như một đại dương vô tận - theo như cha tôi và các bậc thầy khác đã mô tả, trong đó mỗi thời điểm kinh nghiệm chỉ là một trong những đợt sóng nước thăng trầm bất chợt không bao giờ tách lìa ra khỏi một khoảng mênh mông vô hạn.

Cái thấy chớp nhoáng này cũng cho ta một nền tảng tư duy để thấu hiểu Diệu đế thứ hai, thường được phiên dịch như là “nguồn gốc” hay “nguyên nhân” của khổ đau. Khuynh hướng thông thường của chúng ta là quy trách nguyên nhân khổ đau cho các hoàn cảnh hay điều kiện bên ngoài. Tuy nhiên, theo Diệu đế thứ hai thì nguyên nhân của khổ đau không nằm trong các sự kiện hay hoàn cảnh, mà chính là cách thức chúng ta nhận hiểu và diễn giải kinh nghiệm của mình khi nó bộc lộ ra.

Một thí dụ rất rõ ràng về ảnh hưởng của cách thức nhận hiểu đối với kinh nghiệm của chúng ta có thể thấy được qua cách tu tập của những người sùng đạo trong một số tôn giáo nhất định ở phương Đông. Họ đốt các đầu ngón tay của mình trên lửa như một phương thức để xoa dịu khổ đau cho những chúng sinh đang ngập sâu trong đau đớn tối tăm ngoài sức tưởng tượng của hầu hết chúng ta. Khi hy sinh chính thân thể mình [vì người khác] như vậy, họ kể lại là đã cảm nhận được niềm vui còn vượt xa hơn cả sự đền bù cho bất kỳ nỗi đau đớn nào mà họ đã chịu.

Trong một mức độ có phần ít cực đoan hơn, có thể nói rằng mọi người thường không ai thích thân thể mình bị đấm bóp, nhấn ép, nhất là ở những vùng mà cơ bắp đặc biệt căng thẳng. Ấy thế mà họ sẵn sàng trả tiền để được đấm bóp và day nhấn vì mong rằng sự đấm bóp, day nhấn đó cuối cùng sẽ xoa dịu những nhức nhối đau đớn khác và giúp họ cảm thấy khỏe khoắn hơn về lâu dài. Họ sẵn sàng đặt chỗ trước để được đau đớn [theo cách đó]!

Gần đây tôi được nghe chuyện về một người phụ nữ ở Đài Loan đang đi trên đường với vài người bạn, bỗng cảm thấy chiếc vớ dưới chân bị đùn lại trong giày làm bà hơi đau và khó chịu. Bà la lên: “Ngừng lại! Tôi phải kéo chiếc vớ lên cái đã. Đau quá chịu không nổi.”
Thật buồn cười là bà đang trên đường đi đến chỗ hẹn với một chuyên gia bấm huyệt chân, và khi được người này bấm huyệt [vào chân], bà bảo: “Bấm mạnh vào! Tôi trả tiền rất đắt cho việc này và tôi muốn được phục vụ cho xứng đồng tiền bát gạo!”
Tôi đã phải bật cười! Trong một lúc trước đó, bà cảm thấy bị dồn ép đôi chút dưới chân và dường như không sao chịu nổi, rồi nửa giờ sau, bà lại đòi hỏi phải được [dồn ép] mạnh hơn! Phản ứng của bà trước cùng một tình huống cơ bản đã thay đổi đảo ngược tùy thuộc vào sự diễn giải và mong đợi của bà.

Nhưng những diễn giải này từ đâu đến và tại sao lại ảnh hưởng đến ta sâu sắc như thế?

Sự tương đối của định kiến

Chúng ta thường có khuynh hướng đánh giá những hình sắc thấy được qua mắt thường theo những cách khác nhau.

Khenchen Thrangu Rinpoche
Liễu nghĩa hải của đức Karmapa đời thứ 9
Lama Yeshe Gyamtso dịch sang Anh ngữ

Trong đời sống, chúng ta phụ thuộc phần lớn vào khả năng phân biệt. Một số các phân biệt này dường như rất trực tiếp và đơn giản: bên phải hay bên trái, cao hay thấp, ồn ào hay yên lặng, chân với tay, ngày với đêm... Một số phân biệt khác đòi hỏi đôi chút nhận biết sáng suốt hơn. Trái cây này chín quá độ hay chưa chín tới? Món này có giá vừa phải chưa hay ta có thể mua ở một chỗ khác rẻ hơn?... Một số khác nữa đòi hỏi sự nhận biết thậm chí còn sâu sắc hơn - [chẳng hạn như] một trải nghiệm tôi thấy đặc biệt thường gặp nơi các bậc làm cha mẹ là luôn tự hỏi liệu mình có khắt khe quá hay dễ dãi quá trong việc dạy dỗ con cái hay không, hoặc nơi những người lo lắng về những xung đột hay bất đồng ý kiến trong những mối quan hệ vợ chồng hoặc với người đồng sự: “Liệu có phải mình đã nói hay làm như thế vì [bực dọc] sau một ngày tồi tệ hay vì sự bất đồng ở một mức độ sâu xa hơn?” Tôi cũng từng được nghe những nghi vấn tương tự từ những người đến xin lời khuyên về [các vấn đề liên quan đến] đồng nghiệp hay các biến cố ở nơi làm việc: Liệu tôi có thiếu sự cảm thông trong việc xét đoán người này? Liệu tôi có làm việc quá căng thẳng và không dành đủ thời gian cho bản thân và gia đình?

Điều quan trọng phải ghi nhớ là, về cơ bản, hết thảy mọi sự phân biệt đều tương đối - các ý tưởng, phán xét và cảm nhận đều là dựa trên sự so sánh.

Hãy lấy một thí dụ rất đơn giản, nếu bạn đặt một cái ly cao 10 phân bên cạnh cái ly cao 15 phân, thì cái ly 10 phân là thấp hơn. Nhưng nếu bạn đặt cái ly 15 phân ấy bên cạnh cái khác cao 20 phân, thì cái ly 15 phân - trước đây được xem là “cao” - nay sẽ được xem là “thấp”. Tương tự, “bên trái” chỉ có nghĩa trong tương quan với “bên phải”, và “ban đêm” chỉ có nghĩa khi so sánh với “ban ngày”, hoặc “ấm” chỉ có nghĩa khi so sánh với “lạnh”. Đó là một bài học ngắn gọn về những gì trong Phật học thường gọi là thực tại tương đối: một mức độ kinh nghiệm được xác định bằng sự phân biệt.

Theo những gì tôi hiểu được qua sự trao đổi với nhiều nhà khoa học thuộc các lãnh vực khác nhau thì khả năng phân biệt đã được phát triển như một công cụ sinh tồn. Sự phân biệt là một lợi thế không thể phủ nhận, chẳng hạn như [khả năng phân biệt] giữa những cây trái độc hại với nguồn thực phẩm bổ dưỡng. Tương tự, sự phân biệt giữa những loài ta ăn được với những loài có thể ăn thịt ta hẳn phải là rất hữu ích!

Con người đáp ứng với tiến trình hình thành sự phân biệt theo những phương cách rất phức tạp, có thể nhận hiểu qua cả hai bình diện sinh lý và tâm lý.

Từ quan điểm thuần túy sinh học, bất kỳ hành vi nhận thức nào cũng phải có đủ ba yếu tố chính yếu: (1) cơ quan thụ cảm, hay giác quan (như mắt, tai, mũi, lưỡi và da); (2) đối tượng thụ cảm, chẳng hạn như một bông hoa; (3) khả năng xử lý và đáp ứng với những tín hiệu nhận được từ cơ quan thụ cảm, hay giác quan.
Các giác quan cùng với những vùng não [liên quan] và các [đường truyền dẫn tín hiệu] liên kết chúng được tạo thành chủ yếu bằng những tế bào gọi là nơ-ron. Bộ não con người được tạo thành bởi hàng tỷ nơ-ron và rất nhiều trong số đó được tổ chức thành những cấu trúc có [chức năng] liên quan đến sự học tập, ký ức và cảm xúc. Sự tương tác giữa các cấu trúc này có thể hết sức phức tạp.

Giả sử bạn nhìn vào một bông hoa, cụ thể là một đóa hồng. Đó là đối tượng - hay trong thuật ngữ khoa học được gọi là tác nhân kích thích (stimulus). Trong khi bạn nhìn ngắm đóa hồng, các tế bào trong mắt bạn nhận biết trước nhất là một chùm vật thể màu đỏ, phần hơi tròn ở phía trên và phần hơi nhọn ở dưới, nối liền xuống là một cọng dài màu xanh, và cũng có thể có thêm những vật tròn tròn màu xanh từ đó chĩa ra phía ngoài cùng với những vật thể hình mũi nhọn có màu sậm hơn. Hình ảnh này được truyền qua một nhóm tế bào hợp thành một loại sợi hay dây, đó là thần kinh thị giác, có chức năng gửi những tín hiệu hình ảnh từ mắt lên miền vỏ não thị giác (visual cortex), là một vùng não chuyên biệt có chức năng xử lý tác nhân kích thích nhận được từ cơ quan thị giác.

Ngay khi nhận được các tác nhân kích thích thị giác (visual stimulus) này, miền vỏ não thị giác liền gửi một “tín hiệu tức thời” đến vùng não gọi là khâu não, hay đồi thị (thalamus), là một nhóm tế bào có vị trí rất gần trung tâm não. Ở đây, rất nhiều tín hiệu từ các giác quan được “giải mã” trước khi chuyển đến các vùng não khác. Điều thú vị là chữ thalamus trong tiếng Hy Lạp cổ có nghĩa là “phòng ngủ” - nơi vẫn thường diễn ra những câu chuyện trao đổi riêng tư.

Một khi các tín hiệu từ miền vỏ não thị giác được chuyển đến đồi thị, chúng sẽ được gửi đi nhiều hướng, trong đó một loạt được gửi đến vùng hệ viền (limbic system), là một lớp của não bộ chủ yếu giữ chức năng phân biệt giữa [các cảm giác] đau đớn và khoái lạc, quyết định các cảm xúc đáp ứng và cung cấp nền tảng cho việc học hỏi cũng như hình thành ký ức.

Có hai cấu trúc quan trọng của vùng não này giữ những vai trò đặc biệt nổi bật trong việc giải mã các tín hiệu [cảm xúc] cùng với những ký ức được ta tạo thành từ chúng.
Cấu trúc thứ nhất là hạch hạnh nhân (amygdala), một nhóm nơ-ron nhỏ có hình dạng như hạt hạnh nhân, có chức năng xác định nội dung cảm xúc của trải nghiệm. Nếu bạn bị đâm phải bởi một trong những “vật thể hình mũi nhọn có màu sậm” [vừa được mô tả ở trên] chẳng hạn, bạn rất có thể sẽ phản ứng với “cả chùm vật thể màu đỏ” đó như là “xấu” và “khó chịu”.
Cấu trúc thứ hai là hồi hải mã (hippocampus), một loại kho chứa những yếu tố không gian và thời gian của ký ức. Nó cung cấp bối cảnh hay ý nghĩa cho trải nghiệm, chẳng hạn như giúp ta nhớ lại đã nhìn thấy hoa hồng lần đầu tiên ở đâu và khi nào.

Cùng lúc [với tiến trình trên], “câu chuyện riêng tư” thâu thập được trong “phòng ngủ hồi thị” cũng được chuyển đến vùng vỏ não mới, lớp ngoài cùng của não, được hầu hết các nhà khoa học thần kinh nhận hiểu là vùng chuyên biệt cho các chức năng phân tích. Đây là vùng não giúp chúng ta bắt đầu học biết tên gọi của sự vật, nhận biết các mô thức và hình thành các khái niệm, chính là vùng não giúp chúng ta xác định “chùm vật thể màu đỏ” [được nhìn thấy đó] là một đóa hoa hồng. Đó cũng là nơi mà các ký ức và đáp ứng cảm xúc tạo ra trong vùng hệ viền được điều chỉnh, một số được kìm nén xuống và một số khác được khuyếch đại lên.

Mặc dầu mô tả dông dài như thế, nhưng toàn bộ tiến trình truyền tin giữa hàng ngàn tế bào đã tạo thành các giác quan của chúng ta với hàng loạt các cấu trúc thần kinh khác nhau trong não chỉ xảy ra trong một phần nhỏ của giây, còn nhanh hơn cả một cái búng tay. Và não bộ sẽ đáp ứng gần như tức thì bằng cách kích hoạt sự phóng thích các hóa chất như cortisol, adrenaline, dopamine và endorphine vào một chu trình lưu chuyển trong toàn thân để làm cho nhịp tim chậm lại hoặc tăng nhanh và làm thay đổi tâm trạng của chúng ta. Đồng thời, một loạt các liên kết cũng được thiết lập giữa các giác quan, các cấu trúc của não, các cơ quan sinh tồn và các tuyến - một kiểu mạng lưới thông tin tức thời mà nói thật đơn giản là tạo ra một “bản vẽ” của đóa hoa hồng [được nhìn thấy] trong tâm trí.

Nói cách khác, chúng ta không thực sự nhìn thấy tự thân đóa hồng, mà đúng hơn là ta chỉ [hình thành] một khái niệm về nó. Khái niệm này thường được quy định bởi nhiều yếu tố trải rộng bao hàm những tình huống xoay quanh kinh nghiệm ban đầu của ta, những ký ức và kỳ vọng được lưu trữ trong các phần khác nhau của não bộ, những điều chỉnh có thể xảy ra trong các trải nghiệm sau đó, và có lẽ quan trọng nhất là sự phân biệt giữa chủ thể trải nghiệm (cái tôi) và đối tượng được trải nghiệm (đóa hoa hồng).

Chính sự phân biệt giữa “cái tôi” như một thực thể vốn đã tách rời với [đối tượng], chẳng hạn như một đóa hồng, tự nó đã là một hình ảnh bên trong tâm trí, khởi sinh từ những tương tác giữa các cấu trúc nơ-ron khác nhau và các hệ thống khác của cơ thể. Trong giai đoạn đầu đời, hình ảnh [phân biệt tự ngã] này có thể là rất mờ nhạt. Tuy nhiên, khi chúng ta trưởng thành thì sự cảm nhận trong tâm trí về “cái tôi” như một điều gì đó tách biệt với những gì “không phải tôi” trở nên rõ rệt hơn, và những phân biệt giữa “dễ chịu” và “khó chịu”, “ưa thích” và “không ưa thích” cũng phát triển theo cách giống như vậy... Chúng ta cũng phân biệt một loại vùng “trung tính”, trong đó ta chưa xác định được tương quan giữa mình với kinh nghiệm [nào đó] là thế nào. Cũng giống như một số người sắp xếp các hồ sơ, giấy tờ, hình ảnh và các thứ khác bằng cách đặt chúng vào những hộp chứa khác nhau, chúng ta cũng sắp xếp kinh nghiệm của mình vào những “hộp” khái niệm.

Những cuộc thảo luận giữa tôi với những người được đào tạo từ nhiều ngành khoa học khác nhau cho thấy rõ ràng là còn có một số ý kiến khác nhau về cách thức, thời gian và nguyên nhân hình thành những “hộp” khái niệm này. Tuy nhiên, dường như đã có phần nào đồng thuận giữa các trường phái tư tưởng hiện đại là “hộp” khái niệm về “cái tôi” đã bắt đầu phát triển ngay từ lúc sinh ra, khi hài nhi vừa ra khỏi lòng mẹ và bắt đầu kinh nghiệm về đời sống như một cá thể tách biệt, đối mặt với môi trường nội tâm và ngoại giới vốn luôn đầy bất trắc.

Lúc sơ sinh, chúng ta bị thôi thúc bởi nhu cầu được dễ chịu - cụ thể là dưới hình thức được bú mớm và giữ ấm - cũng như cưỡng lại những kinh nghiệm khó chịu như đói, lạnh hay ẩm ướt. Đôi khi chúng ta được thỏa mãn, đôi khi không được. Cái “hộp” khái niệm về “cái tôi” có thể chưa thật kiên cố, đồng nhất, hoặc thậm chí chưa thể diễn đạt bày tỏ, trừ ra những việc như khóc, ợ, nói bi bô hay cười, nhưng trong các kinh nghiệm dễ chịu hay khó chịu đã sẵn có cái khả năng phân định một “hộp” khái niệm “không phải tôi”, cùng với những “hộp” khái niệm tốt, xấu và những khái niệm khác nữa.

Sau đó, trong suốt thời kỳ mà nhiều bậc cha mẹ mô tả là “giai đoạn khủng khiếp”,(1) khi đứa trẻ bắt đầu thường xuyên khẳng định cá tính độc lập của mình bằng cách phủ nhận, phản đối mọi thứ, thì những “hộp” khái niệm khác nhau có vẻ như đã kiên cố hơn, rõ rệt hơn. Vào lúc này thì khả năng hình thành những “hộp” khái niệm khác nữa cũng đã sẵn sàng.

Giết bướm

Chúng sinh khởi niệm về “cái tôi” và bắt đầu chấp ngã; sau đó khởi niệm về những gì “của tôi” và rơi vào chấp pháp.

Ngài Nguyệt Xứng (Chandrakirti)
Introduction to the Middle Way (Nhập Trung quán luận)
Nhóm phiên dịch Padmakara dịch sang Anh ngữ

Nhiều thế kỷ trước khi khoa học phát triển ở phương Tây, đức Phật đã hiểu rằng khổ đau phát xuất từ tâm thức - cũng có thể nói là “từ con mắt người nhìn”. Cho dầu ngôn từ Ngài dùng có thể khác với những từ ngữ của các nhà sinh lý học, khoa học thần kinh và tâm lý học hiện đại, nhưng tuệ giác mà Ngài chỉ bày lại hết sức tương đồng với họ.

Theo các văn bản đầu tiên trình bày những lời dạy của đức Phật về Diệu đế thứ hai (Tập đế) thì dukkha (hay khổ đau) sinh khởi từ một trạng thái tâm thức cơ bản mà tiếng Pali gọi là tanha, tức là “tham muốn”. Các nhà Phật học đã phiên dịch những văn bản Pali đầu tiên sang tiếng Sanskrit định nghĩa nguyên nhân [của khổ đau] là trisna hay là “khát ái”. Khi giáo pháp này được truyền đến Tây Tạng, [từ ngữ chỉ] nguyên nhân này được dịch là dzinpa hay chấp thủ, nắm bắt.

Trong ba từ ngữ trên, mỗi từ theo một cách riêng nhưng đều phản ánh một sự khao khát nền tảng, đó là khao khát được thường tồn hay ổn định, hoặc nhìn từ một góc độ khác thì đó là nỗ lực muốn phủ nhận hay phớt lờ đi tính chất vô thường. Trong những khao khát ấy thì điều cơ bản nhất, thường được mô tả trong kinh điển là “vô minh”, chính là khuynh hướng sai lầm cho rằng “tự ngã” và “người khác”, “chủ thể” và “khách thể”, “tốt” và “xấu”... cùng với những cặp đối đãi tương đối khác, là những thực thể có tự tính, tồn tại một cách không phụ thuộc. Trên một mức độ rất đơn giản, vô minh có thể được mô tả như [ý niệm] cho rằng cái nhãn hiệu trên chai tương ớt chính là tương ớt.

Xuất phát từ ý niệm cho rằng con người, nơi chốn và sự vật là kiên cố và sẵn có tự tính thật hữu, sẽ phát sinh hai sự thôi thúc mãnh liệt như nhau. Thôi thúc thứ nhất, thường được gọi là tham ái, là sự khao khát muốn sở hữu hay bám giữ bất kỳ điều gì mà ta xác định như là thích ý. Thôi thúc thứ hai, gọi là sân hận, là một sự thúc đẩy về hướng ngược lại: muốn tránh né hay triệt tiêu những gì mà ta xác định là khó chịu.

Trong Kinh điển đề cập chung đến tham ái, sân hận và vô minh như là “ba độc”, [tức tham, sân, si], là những tập khí do kinh nghiệm tạo ra, đã ăn sâu vào tâm thức đến nỗi che mờ hay làm “nhiễm độc” tâm thức. Ba độc này tác động riêng rẽ hoặc kết hợp, làm sinh khởi vô số khuynh hướng hay cảm xúc khác, chẳng hạn như sự kiêu mạn, chủ ý cầu toàn, mặc cảm tự ti hay sự tự ghét bỏ mình, cảm giác ganh tị khi một người bạn đồng nghiệp được thăng tiến và tự thấy mình xứng đáng hơn, hay nỗi uất nghẹn, buồn khổ và tuyệt vọng ngập tràn trong ta khi thấy cha mẹ bệnh hoạn, già yếu... Do đó, một số giáo pháp trong đạo Phật gọi những khuynh hướng và cảm xúc như thế là “phiền não” hay “tâm chướng”, vì chúng hạn chế cách thức ta nhận hiểu đúng các trải nghiệm của mình, và sự hạn chế này lại tiếp tục làm giới hạn khả năng tư duy, cảm nhận và hành động vốn sẵn có nơi ta.
Một khi đã phát triển cảm nhận [phân biệt giữa] “cái tôi” và “không phải tôi”, chúng ta sẽ bắt đầu nhận hiểu về những kinh nghiệm của mình theo các phạm trù [phân biệt thành] “của tôi” và “không phải của tôi”, “những gì tôi có” và “những gì tôi không có”, cũng như “những gì tôi muốn” và “những gì tôi không muốn”...

Lấy ví dụ, hãy thử hình dung bạn đang lái chiếc xe cũ kỹ của mình trên đường và đi ngang một chiếc xe mới toanh lộng lẫy - một chiếc Mercedes (hay Rolls Royce) chẳng hạn - vừa mới bị móp méo trong một tai nạn. Bạn có thể cảm thấy hơi tội nghiệp cho người chủ xe nhưng không nhất thiết có bất kỳ chút ham muốn dính mắc gì với chiếc xe ấy. Vài tháng sau, vì cần phải thay chiếc xe cũ nên bạn đến thăm một bãi xe đã qua sử dụng, và ô kìa, một chiếc Mercedes (hay Rolls Royce) đang được bán với giá rẻ mạt! Thật ra đó chính là chiếc xe bị móp méo trong tai nạn mà bạn đã nhìn thấy mấy tháng trước, nhưng ngay khi bạn ký hợp đồng mua xong thì điều đó không hề quan trọng! Chiếc xe bây giờ là của bạn - và khi bạn đang lái về, một hòn sỏi văng lên làm bể kính chắn gió. Thật là một thảm kịch! Xe của tôi hỏng rồi! Tôi sẽ phải trả tiền để sửa xe!

Cùng một chiếc xe, cách đây mấy tháng nó bị móp méo trong một tai nạn và khi đi ngang qua bạn đã không có chút cảm giác gì với nó, dù buồn hay vui. Nhưng giờ đây nó là xe của bạn, và khi kính chắn gió bị bể thì bạn cảm thấy bực tức, chán nản và cũng có thể hơi sợ sệt.

Vậy thì tại sao không đơn giản là ngừng lại ở đây? Tại sao không đơn giản là buông bỏ “ba độc” và những gì do chúng tạo ra?

Nếu sự việc dễ dàng đến thế, hẳn nhiên là tất cả chúng ta đều đã thành Phật trước khi đọc hết câu này!

Theo lời Phật dạy và các luận giải về sau của chư Tổ thì “ba độc” cùng hết thảy các tập khí tinh thần và cảm xúc khởi sinh từ ba độc ấy vốn tự chúng không phải là nguyên nhân gây khổ đau. Chính xác hơn là, khổ đau khởi sinh từ sự tham luyến vào chúng. Đó là điều chính xác nhất mà bạn có thể nhận hiểu được từ ý nghĩa cốt yếu của chữ dzinpa trong tiếng Tây Tạng. Như đã nói, chữ này thường được dịch [sang tiếng Anh] là “grasping”, nghĩa là nắm bắt, nhưng tôi cũng từng nghe dịch là “fixation”, nghĩa là chấp thủ, và tôi nghĩ chữ sau này thâu tóm được nhiều hơn ý nghĩa sâu sắc của chữ dzinpa. Dzinpa là một nỗ lực giữ chặt trong thời gian và không gian một cái gì đó vốn biến chuyển và thay đổi liên tục.

Gần đây, một cô học trò của tôi [khi nghe về ý nghĩa này] đã kêu lên: “Giống như trò giết bươm bướm vậy.”

Tôi hỏi ý cô muốn nói gì, và cô mô tả cách thức mà một số người tiêu khiển bằng việc bắt bươm bướm, giết chết rồi ghim xác chúng trong một hộp nhựa hay hộp kính trưng bày chỉ để được vui thích khi ngắm nhìn bộ sưu tập [xác bướm] của mình hay khoe khoang với bạn bè. Cô buồn bã nói tiếp:

- Những con vật xinh đẹp, mong manh là thế! Chúng vốn sinh ra để bay lượn cơ mà! Nếu không bay lượn, chúng thực sự đâu còn là bươm bướm nữa, phải không?

Về một phương diện nào đó, cô đã nói đúng.

Khi chúng ta bám chặt vào những nhận thức của mình, chúng ta mất khả năng bay lượn.

Gương kia ngự ở trên tường…

Tất cả sinh linh, hàm chứa trong thế giới này, thảy đều vô thường.

Jamgon Kongtrul
The Torch of Certainty
(Liễu nghĩa cự)
Judith Hanson dịch sang Anh ngữ

Tôi đã gặp một trường hợp minh họa rất rõ ràng cho những khổ đau mãnh liệt gây ra bởi sự bám chấp mạnh mẽ vào một số những niềm tin hay nhận thức, thông qua sự gặp gỡ với một người phụ nữ lớn tuổi khi bà đến gặp tôi ở Hoa Kỳ cách đây vài năm. Ngay khi vừa ngồi xuống, bà đã bật khóc. Tôi bảo bà: “Không hề gì đâu. Khi nào bình tĩnh lại, bà có thể cho tôi biết điều gì bất ổn.”

Chúng tôi chờ đợi một lúc để bà tự trấn tĩnh. Cuối cùng bà nói: “Tôi không muốn mình già đi. Khi nhìn vào gương soi, tôi thấy tất cả những nếp nhăn như thế này [trên mặt] và tôi căm ghét chúng. Tôi quá ghét chúng đến nỗi có một hôm tôi đã đập vỡ cái gương soi. Tất nhiên là rồi tôi phải đi mua lại một cái khác. Nhưng khi nhìn vào gương, tôi vẫn không thấy gì khác ngoài những nếp nhăn và điều này làm tôi phát điên lên. Tôi bực tức và suy sụp quá đến nỗi không biết mình phải làm gì!”

Tôi phải thú nhận đã hơi ngạc nhiên trước sự bộc phát của bà. Ngày xưa, khuôn mặt của bà nội tôi rất nhăn nheo, nhưng tôi cho rằng những nếp nhăn ấy tăng thêm vẻ đẹp và làm cho khuôn mặt bà mềm mại và hiền dịu biết bao, một khuôn mặt thông tuệ và luôn tươi cười. Tất nhiên là tôi đã không nói thẳng ra như thế. Khi một người đang đau khổ, có lẽ không gì tệ hại hơn là nói ra một câu đại loại như: “Ồ, đó chỉ là do cách nhận thức của bà. Hãy thay đổi nhận thức và trải nghiệm của bà sẽ thay đổi.” Nếu một trong các vị thầy của tôi nói ra một câu như thế khi tôi còn bị trói chặt trong sự bất an và sợ hãi của mình, tôi không nghĩ là câu ấy hẳn sẽ có chút ý nghĩa gì đối với tôi, và có thể rốt cuộc tôi càng cảm thấy cô đơn hơn, hoang mang hơn trước nữa. Điều tôi cần trong cuộc vật lộn với chính mình là hiểu ra được rằng tôi đang đối mặt với một nan đề mà tất cả mọi người - hay tất cả chúng sinh hữu tình, bằng cách này hay cách khác - đều phải trải qua: một khát vọng sâu xa và xuyên suốt, muốn được sống và phát triển tốt đẹp, có lẽ cũng là được tận hưởng đôi chút an bình.

Tôi rất biết ơn cha tôi và những bậc thầy khác đã dẫn dắt tôi trong suốt tiến trình khó khăn ấy. Các ngài đã thúc giục tôi chỉ cần quay nhìn lại những gì chính mình đang trải nghiệm và thấu hiểu thông qua việc đơn thuần nhận biết sự khởi sinh và diệt mất của những tư tưởng, cảm xúc, sự phê phán và cảm giác. Bằng cách ấy, các ngài đã diễn bày một cách hết sức thực tiễn sự sáng ngời của những lời Phật dạy về giáo pháp Tứ diệu đế. Lẽ ra đức Phật đã có thể lược bỏ hoàn toàn Diệu đế thứ nhì để đi thẳng từ Diệu đế thứ nhất (sự thật về khổ đau) đến Diệu đế thứ ba (sự thật về chấm dứt khổ đau). Nhưng thay vì làm như vậy, Ngài đã đưa ra một sự giảng giải để có thể giúp chúng ta nhìn thẳng vào và giải quyết [ngay từ] các nguyên nhân, điều kiện đã tạo ra bất kỳ khó khăn, khổ sở nào mà chúng ta phải gánh chịu trong đời sống này. Đồng thời, Diệu đế thứ nhì cũng nhấn mạnh rằng chúng ta không hề cô độc trong sự đối mặt với những thách thức. Theo một cách nào đó, hết thảy chúng sinh đều có sự bám chấp vào những nhận thức như: ta là ai hay ta là gì, ta muốn hay cần những gì, ta không muốn hay không cần những gì...

Theo gương các bậc thầy như thế, tôi bắt đầu nói về lẽ vô thường với người phụ nữ đã quá đau khổ vì những nếp nhăn trên mặt, và giải thích cho bà hiểu rằng đó là điều kiện cơ bản [của đời sống] mà tất cả chúng ta đều phải đối mặt. Nếu có thể chấp nhận điều đó, ta sẽ thực sự thấy ra được một số những lợi điểm của sự thay đổi - cả ở mức độ rõ rệt dễ thấy cũng như rất tinh tế khó thấy - mà ta luôn nhận được trong suốt cuộc đời mình. Tôi nói với bà:

- Khi quá chú trọng vào vẻ ngoài và những khả năng của mình khi còn trẻ, bà sẽ không thể thấy được một số lợi thế của tuổi già. Hãy nghĩ đến những điều mà bây giờ bà có thể làm được nhưng lúc còn trẻ thì không. Hãy nghĩ đến tầm nhìn rộng mở mà kinh nghiệm đã mang đến cho bà.
Rồi tôi nói thêm:
- Bà cũng có thể nhớ lại có những lúc khi còn trẻ, bà đã háo hức mong đợi được lớn lên để có được những cơ hội dành cho người thông tuệ hơn, nhiều kinh nghiệm hơn và được tôn trọng hơn. Nếu quá chú trọng đến những biểu hiện ở mức độ rõ rệt của sự thay đổi, bà sẽ không thấy được lợi điểm của những thay đổi tinh tế. Khi còn trẻ, tôi đã háo hức mong đợi được lớn lên, vì hẳn là tôi sẽ được tự do làm những gì tôi muốn và được chủ định hơn. Sẽ không ai có thể bắt tôi phải làm điều gì.

Một năm sau, khi tôi trở lại Hoa Kỳ bà lại đến gặp tôi. Lần này bà thanh thản và tươi cười. Sau khi ngồi xuống, bà báo cho tôi biết là từ sau hôm gặp tôi, bà đã không đập vỡ cái gương nào nữa. Bà giải thích: “Sau khi được trò chuyện với thầy, con đã nhận hiểu rằng thời gian không phải là kẻ thù của con, tuổi già cũng không phải kẻ thù của con. Chính sự bám chấp của riêng con mới là kẻ thù. Khi soi gương, con chỉ nhìn thấy những gì mà con nghĩ là người khác nhìn thấy: một bà già xấu xí và vô dụng. Và con bắt đầu hành xử tương ứng theo những gì con nghĩ, nên tất nhiên là người ta bắt đầu đối xử với con đúng như một người già nua và vô dụng. Điều đó trở thành một vòng luẩn quẩn.

“Nhưng khi bắt đầu nghĩ đến những kinh nghiệm đã đạt được qua năm tháng, con thực sự bắt đầu cảm thấy đôi chút tự hào với những nếp nhăn của mình. Mỗi nếp nhăn như là một huy chương danh dự, [ghi nhận] một sự sống còn sau khủng hoảng, một sự vượt qua thử thách. Con bắt đầu nhìn những người cùng lứa tuổi với mình và nghĩ: ‘Phải rồi, chúng ta đã trải qua nhiều điều lắm, và sẽ còn nhiều điều nữa sắp đến, những thay đổi lớn nhỏ trong cuộc sống.’ Ý con không phải là mỗi sáng con đều nhảy tung ra khỏi giường và mong đợi những thay đổi trong ngày.”
Bà bật cười rồi nói tiếp: “Con đã hơi quá độ tuổi nhảy nhót rồi! Nhưng tự thấy mình ngày càng chú ý nhiều hơn đến cuộc sống của mình, đến khoảnh khắc hiện tại, như thầy thường nói. Bởi vì đó là tất cả những gì con có, phải không? Khoảnh khắc hiện tại. Và có quá nhiều điều đang diễn ra trong khoảnh khắc hiện tại này hơn là con tưởng!”

Tôi rất thán phục. Chỉ với rất ít chỉ dẫn, người phụ nữ này đã chấp nhận và giải quyết được sự bám chấp vào một ý niệm về chính mình, vốn là nguyên nhân chính gây ra bất ổn tiềm ẩn trong quá nhiều kinh nghiệm của con người. Bà đã đối mặt với nó rồi rút ra bài học từ đó, và thông qua đó đã nhận hiểu được giá trị cuộc đời mình một cách sâu sắc hơn.

Đó là bài học cốt yếu trong Diệu đế thứ nhì. Với sự chấp nhận rằng mọi điều kiện đều tất yếu phải thay đổi, chúng ta sẽ có thể tiếp xúc với mỗi khoảnh khắc với một chút sáng suốt, tự tin hơn, và thanh thản trải nghiệm nó thay vì cố cưỡng lại hoặc bị nó nhấn chìm. Ta không bắt buộc phải để cho những trải nghiệm của mình sai sử, nhưng cũng không cần phải chống trả hay chạy trốn như thể chúng là những “kẻ thù”. Chúng ta có quyền chọn cách nhìn vào những trải nghiệm của mình và nhận biết: “Đây là những gì hiện đang xảy ra, trong khoảnh khắc này. Khoảnh khắc tiếp theo sẽ mang đến một kinh nghiệm khác, và khoảnh khắc sau đó lại sẽ là một kinh nghiệm khác nữa...”

Theo như tôi biết thì một trong những phương cách giảng giải hay nhất theo ngôn từ hiện đại về sự chấp thủ - vốn đã được đức Phật và các bậc thầy sau này mô tả như là nguyên nhân của một phạm trù rộng lớn những khổ đau và không thỏa ý được bao hàm trong chữ dukkha - là nhận hiểu nó như sự cưỡng lại những thay đổi không ngừng diễn ra trong từng giây phút.

Nhân duyên

Dù một đốm lửa nhỏ cũng có thể làm bùng cháy cả núi rơm.

Patrul Rinpoche
The Words of My Perfect Teacher
(Lời vàng của thầy tôi)
Nhóm phiên dịch Padmakara dịch sang Anh ngữ

Sự bám chấp vào ba độc (tham, sân, si) có thể xem là nguyên nhân tức thời gây ra khổ đau, nhưng cũng giống như một hạt giống thông thường cần có sự phối hợp nhất định với các yếu tố như đất, nước và ánh nắng để có thể chín muồi, các loại phiền não đa dạng cũng sẽ phát triển theo những cách khác nhau, tùy theo sự tương tác phức tạp giữa các duyên vốn khác biệt ở từng cá nhân. Một số lớn các duyên này sinh khởi từ những kinh nghiệm cá nhân cụ thể, như môi trường gia đình đã giáo dục ta, ảnh hưởng văn hóa nơi ta lớn lên, cũng như các yếu tố di truyền vốn chỉ mới bắt đầu được các chuyên gia trong các ngành sinh học và thần kinh học [gần đây] nhận hiểu được. Những yếu tố ấy có thể được ví với đất, nước và ánh nắng trong cuộc sống của mỗi cá nhân chúng ta.

Chẳng hạn như trong nhiều nền văn hóa Á Đông, biểu hiện tuổi tác được xem như những chứng nhận của sự đáng kính: một sự thừa nhận rộng rãi trong văn hóa rằng tuổi đời mang đến một kiểu thông tuệ nào đó rút ra từ kinh nghiệm. Ở nhiều quốc gia phương Tây mà tôi đã thăm viếng, dấu hiệu của tuổi tác có vẻ như biểu hiện cho sự mất mát, yếu đuối hay trở nên “lạc hậu”. Ở Ấn Độ, nơi mà tôi đã sống một phần lớn của cuộc đời, một người mang bụng phệ với khuôn mặt tròn trịa, cằm đôi hay thậm chí cằm ba thường được nhiều người xem là những dấu hiệu của sức khỏe tốt, thành công và sung túc. Thế nhưng với rất nhiều trong số những người tôi gặp trong các nền văn hóa phương Tây thì cùng những tướng trạng đó lại thường bị xem là dấu hiệu của sức khỏe kém, bệnh hoạn.

Trong nhiều nền văn hóa, phương Đông cũng như phương Tây, địa vị xã hội của gia đình mà bạn sinh ra có thể được xem là dấu hiệu của sự mạnh mẽ hay yếu đuối, và có thể ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của một người về chính mình cũng như của người khác về người ấy. Chẳng hạn, đức Phật sinh ra trong giai cấp Sát-đế-lỵ hay “chiến binh” và lớn lên với rất nhiều đặc quyền mà nhiều người khác trong xã hội Ấn Độ thời ấy không được hưởng. Khi từ bỏ địa vị và các đặc quyền của mình, Ngài đã tiến một bước quan trọng trong việc nhận biết ảnh hưởng của các điều kiện gia đình và văn hóa đối với nhận thức của chúng ta về chính bản thân mình.

[Điều đó diễn ra] như thế nào?

Ngài chỉ đơn giản lên ngựa ra đi. Tôi không thể nói chắc Ngài đã nghĩ gì khi bỏ lại những đặc quyền ấy sau lưng, nhưng tôi nghĩ có lẽ Ngài đã có một cảm giác được giải thoát: giải thoát khỏi những kỳ vọng [của người khác] đã ràng buộc Ngài.

Những đứa trẻ trong cùng một gia đình đôi khi bị đem ra so sánh với nhau một cách tế nhị và cũng có khi công khai. Trong một chuyến đi Canada hồi gần đây, tôi đã gặp một người mô tả tình huống ấy như sau: “Anh tôi, con trai trưởng trong nhà, luôn được xem như một thiên tài. Đối với cha tôi, anh ấy không bao giờ lầm lỗi. Cha tôi dành rất nhiều thì giờ với anh ấy, dạy anh cách ném một quả banh vào rổ, sửa máy xe hơi, và lái tàu [trên biển]. Khi đến phiên tôi học những thứ ấy, cha tôi thường càu nhàu: ‘Sao mày không thông minh được như anh mày? Mày sẽ chẳng bao giờ làm tốt được chuyện này!’”

Anh nói tiếp: “Tuy nhiên tôi vẫn có phần nào may mắn vì mẹ tôi luôn hỗ trợ tôi, và nói với tôi rằng tôi cũng thông minh trong những lãnh vực khác. Bà thường nói: ‘Con rất giỏi toán!’

“Rốt cuộc tôi trở thành một kế toán viên và anh tôi làm thợ máy. Nhìn vẻ ngoài thì tôi có một cuộc sống thoải mái hơn anh ấy nhiều: công việc với thu nhập cao, một ngôi nhà lớn, hai chiếc xe hơi và đủ khả năng cho mấy đứa con gái đi học đàn dương cầm, học khiêu vũ. Nhưng tôi chưa bao giờ thoát được cái cảm giác rằng mình thật ‘kém cỏi’ theo một cách nào đó, rằng tất cả những gì tôi làm trong công việc hay cho gia đình chỉ là một nỗ lực để trở thành một ‘thiên tài’, điều mà thuở bé tôi không bao giờ làm được.

“Tôi thương anh tôi và chúng tôi rất hòa thuận với nhau. Nhưng tôi vẫn cảm thấy có chút ganh tị với anh ấy, và sự ganh tị ấy lan ra đến những người cùng làm việc với tôi. Tôi luôn lo lắng tìm cách làm hài lòng cấp trên và sợ rằng những người khác trong văn phòng có thể hoàn tất phần việc của họ nhanh chóng và hiệu quả hơn tôi. Vì thế tôi thường làm việc trễ giờ hơn so với thông thường, và như vậy có nghĩa là tôi dành ít thời gian hơn cho gia đình. Tôi chu cấp cho gia đình đầy đủ về tài chánh, nhưng tôi thường tự hỏi liệu mình có thiếu sót trên phương diện tình cảm chăng? Anh tôi chỉ tan sở khoảng 5 giờ chiều, đôi khi mang một hộp pizza về nhà và ngồi xem những chương trình ti-vi mà các con anh ấy thích, tuy anh không thích. Anh làm như thế vì anh thích được nhìn các con cười. Bất luận tôi làm gì, dường như tôi vẫn không thể vượt qua được cái cảm giác là sẽ không bao giờ thành công, hạnh phúc hay toại nguyện như anh tôi. Bất luận tôi cố gắng đến mức nào, tôi cũng sẽ không bao giờ giỏi bằng anh tôi.”

Người này thật can đảm biết bao khi nhận thức được sự ganh tị của mình và thú nhận rằng mình mang mặc cảm không đủ giỏi bằng người anh! Nhìn trực tiếp như thế vào các nhân duyên của khổ đau là một bước chủ yếu trong việc nhận biết khả năng vượt qua những giới hạn mà ta vẫn thường nghĩ là tất yếu phải vậy hoặc không thể thay đổi.

Cùng với các hoàn cảnh xã hội và gia đình, những thể nghiệm hoàn toàn cá nhân cũng có thể ảnh hưởng chi phối cách nhìn của một người về bản thân và những kinh nghiệm của họ. Tôi đã gặp và trò chuyện với một số người, được nghe họ nói về [những biến cố như] một đêm không ngủ, một cuộc tranh cãi với vợ (hay chồng), con cái, đồng nghiệp, hay sự chấm dứt một quan hệ tình cảm... có thể gây ảnh hưởng tai hại đến cách nhìn của họ về chính mình và thế giới chung quanh như thế nào.

Trong khi đó, có những người khác bước vào phòng tham vấn ở bất kỳ nơi nào tôi đến thuyết pháp, rạng rỡ hạnh phúc vì vừa mới tìm được một tri kỷ “tâm đầu ý hợp”, hoặc tìm được một việc làm mà họ hằng mơ ước, hoặc thỏa thuận xong việc tậu một “ngôi nhà trong mộng”...

Bằng nhiều cách, những cuộc trò chuyện này đã giúp tôi hiểu được sâu sắc hơn về Diệu đế thứ nhì. Sự bám víu, chấp thủ hay khát ái - bất luận bạn muốn gọi tên nó là gì - trong nhiều trường hợp, là một phản ứng tức thời và thường không có ý thức đối với vô thường, một điều kiện cơ bản [của hiện thực]: đó là điều mà một vài người bạn của tôi làm việc trong ngành tâm lý học gọi là “cơ chế tự vệ”.

Những từ ngữ như “tham luyến”, “bám chấp”... không thực sự diễn tả được hết sự phức tạp của bản chất tiềm ẩn trong cơ chế này, có thể được mô tả chính xác nhất như là một kiểu nỗ lực giữ thăng bằng giữa niềm hy vọng và nỗi lo sợ, hy vọng rằng mọi sự sẽ thay đổi hoặc giữ nguyên như cũ, và lo sợ cũng chính những điều ấy. Đôi khi chúng ta bị xô đẩy về phía này hay phía khác [giữa hy vọng và lo sợ], đôi khi ta lại bị kẹt giữa hai đối cực ấy và không biết mình phải nghĩ gì.

Một trong những câu hỏi tôi thường gặp nhất trong những cuộc thuyết giảng cho công chúng cũng như tham vấn riêng là: “Làm thế nào để trừ bỏ tham ái? Làm thế nào để trừ bỏ hy vọng và lo sợ?”

Câu trả lời đơn giản là: “Đừng cố gắng trừ bỏ chúng.”

Tại sao vậy?

Bởi vì khi ta nỗ lực trừ bỏ điều gì, thực ra là ta chỉ đang củng cố thêm sự hy vọng và lo sợ mà thôi. Nếu chúng ta xem một điều kiện, một cảm giác, cảm thọ hay bất kỳ loại kinh nghiệm nào đó như kẻ thù, ta chỉ càng làm cho nó mạnh mẽ hơn mà thôi: ta cưỡng lại [kinh nghiệm ấy] và đồng thời cũng đầu hàng nó. Phương pháp trung dung mà đức Phật đề xuất bắt đầu từ việc chỉ đơn thuần quan sát bất kỳ điều gì chúng ta đang suy nghĩ hay cảm nhận: Tôi đang tức giận. Tôi đang ganh tị. Tôi đang mệt mỏi. Tôi đang lo sợ...

Khi quan sát như vậy, dần dần ta sẽ nhận ra rằng những tư tưởng và cảm xúc không cố định và chắc thật như lúc chúng vừa xuất hiện ban đầu. Vô thường có lợi điểm của nó. Mọi thứ đều thay đổi - ngay cả những hy vọng và lo sợ của chúng ta.

Một bài thực tập

Cuộc sống không đứng yên, dầu chỉ trong khoảnh khắc.

Đại sư Gampopa
The Jewel Ornament of Liberation (Giải thoát Bảo trang nghiêm luận)
Khenpo Konchog Gyaltsen Rinpoche dịch sang Anh ngữ

Việc theo dõi những thay đổi vi tế trong kinh nghiệm bản thân đòi hỏi đôi chút thực tập. Lần tới đây, khi bạn đi ngang một tấm gương trong phòng tắm, hãy đứng thế nào để không nhìn thấy khuôn mặt mình [trong gương]. Hãy nhìn những vật thể khác được phản chiếu trong ấy, chẳng hạn như gạch dán tường hay chồng khăn tắm được xếp ngay ngắn... Rồi sau đó hãy nhìn khuôn mặt mình [trong gương]. Dành một chút thời gian để nhận biết bất kỳ khác biệt nào trong những phản ứng tâm lý và cảm xúc mà bạn có thể cảm thấy khi nhìn những gì hiện ra trong gương. Bạn có nhận ra được bất kỳ sự khác biệt nào trong cách bạn phản ứng với “bối cảnh” chung quanh và phản ứng với [hình ảnh] khuôn mặt của chính mình?

Nếu có thể, hãy lặp lại bài tập này trước cùng một tấm gương ấy trong cùng ngày, hoặc cũng có thể là hôm sau. Bạn có nhận ra được bất kỳ sự thay đổi nào trong bối cảnh hay không? Bạn có nhận ra được bất kỳ sự thay đổi nào trên khuôn mặt của chính mình? Rất có khả năng là bạn sẽ nhận ra được một vài thay đổi. Gạch dán tường có thể vừa được lau chùi hay đã bẩn hơn một chút. Những chiếc khăn tắm hay các đồ vật khác trong phòng có thể đã được sắp xếp lại. Rồi cuối cùng khi nhìn vào khuôn mặt mình [trong gương], bạn cũng có thể nhận ra được một vài thay đổi nhỏ.

Đừng tiếp tục bài tập này quá lâu - khoảng chừng 30 giây thôi. Chỉ cần nhận biết được bất kỳ loại phản ứng tâm lý hay cảm xúc nào đối với những thay đổi ấy: “Hôm nay căn phòng có vẻ gọn gàng hơn”, hay “tôi có vẻ mệt mỏi”, hoặc “tôi trông già đi” hay “trông tôi mập ra”... Bất kỳ tư tưởng hay cảm xúc nào sinh khởi cũng đều sẽ đem lại hiểu biết sâu sắc về bản chất cụ thể của những thành kiến và tham luyến của chính bạn. Đừng phán xét hay nỗ lực phân tích chúng. Chỉ đơn thuần quan sát chúng thôi. Điểm chính yếu của bài tập này là để bắt đầu nhận biết rằng ngay cả một hành vi nhận thức giác quan đơn giản nhất cũng luôn bị diễn dịch xuyên qua một bức màn che của những tư tưởng và cảm xúc đi kèm theo nó.

Nếu tiếp tục quan sát, chúng ta sẽ dần dần thấy dễ dàng hơn trong việc phân biệt giữa các nhận thức đơn thuần với những yếu tố tinh thần và cảm xúc đi kèm. Tuy nhiên, nhận biết các yếu tố này không có nghĩa là ta phải chối bỏ hay loại trừ chúng. Khi chỉ rõ vai trò của tâm thức trong việc hình thành kinh nghiệm của chúng ta, Diệu đế thứ nhì - tượng trưng cho giai đoạn thứ hai trong phương pháp chẩn đoán của đức Phật nhằm chữa trị căn bệnh khổ đau - giúp ta chuẩn bị để bước sang giai đoạn “tiên lượng bệnh”, với Diệu đế thứ ba.

Chú thích:
1. Nguyên bản dùng “terrible twos”, là một thuật ngữ bắt đầu được sử dụng từ khoảng thập niên 1950 để chỉ giai đoạn phát triển mà đứa trẻ cố tìm mọi cách để “khẳng định mình” cũng như cố gắng thăm dò mọi giới hạn của môi trường chung quanh, vào lúc đó được cho là bắt đầu từ khoảng năm 2 tuổi. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Alan Kazdin, Giám đốc Parenting Center của trường Đại học Yale thì thuật ngữ này đã lạc hậu, không còn chính xác nữa, vì các nghiên cứu hiện nay đã cho thấy rõ giai đoạn này được bộc lộ khác nhau ở từng đứa trẻ, có thể từ khoảng 9 tháng tuổi hay thậm chí sớm hơn. Một số nhà nghiên cứu còn cho rằng thật ra nó bắt đầu ngay từ lúc sơ sinh nhưng chưa thể bộc lộ rõ rệt mà thôi.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 14 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Ba điểm tinh yếu trên đường tu tập


Kinh Duy-ma-cật (Hán-Việt)


Những Đêm Mưa


Sống thiền

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 13.59.36.4 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (141 lượt xem) - Hoa Kỳ (6 lượt xem) - ... ...